ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ
KINH PHÁP HOA
Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism
For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose
Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997
THỌ KÝ
Như đã được giải thích, “thọ ký” (nói trước cho biết) nghĩa là đức Phật đảm bảo với chúng ta rằng “Các người chắc chắn sẽ thành Phật”. Thuật ngữ “thọ ký” (juki) gồm ba ý nghĩa rất quan trọng và tinh tế mà chúng ta cần hiểu. Điểm quan trọng thứ nhất là đức Phật Thích-ca-mâu-ni không nói “Các người là Phật”, mà nói “Các người sẽ thành Phật”. Theo như đức Phật nhìn thấy, tất cả các chúng sanh đều có Phật tính, và bất cứ chúng sanh nào cũng nhất định sẽ trở thành một vị Phật. Nhưng nếu đức Phật chỉ nói: “Các người là Phật” thì sự khẳng định này sẽ bị các thường nhân hiểu nhầm nghiêm trọng. Có thể họ sẽ theo lời nói ấy mà hiểu rằng họ đã toàn hảo như Phật trong khi họ đang còn ở trạng thái ảo tưởng, và sẽ có ý tưởng rằng họ có thể thành Phật mà chẳng cần một cố gắng nào, giống như họ đang bước lên cầu thang vậy.
Sự thọ ký mà đức Phật ban cho thường được so sánh với một giấy phép nhập trường, và sự so sánh này khá đúng. Đấy không phải là một văn bằng mà chỉ là một giấy phép nhận cho học. Sự đảm bảo này nghĩa là “các vị đã đỗ kỳ thi nhập học của trường đại học cao nhất, trường sẽ dẫn các vị đến học vị Phật quả. Nếu các vị học ở đây vài năm, chắc chắn các vị sẽ tốt nghiệp và sẽ thành Phật”. Có được sự đảm bảo này, sau này các thường nhân phải tu tập nhiều hơn nữa và bao giờ cũng phải nỗ lực mạnh hơn để thực hiện mục đích ấy.
Thật là điều sung sướng cho các thường nhân khi được chấp nhận vào trường đại học của đức Phật - được đức Phật thọ ký, “Các người sẽ thành Phật”. Trong phẩm 3 của kinh Pháp Hoa, ngài Xá-lợi-phất là vị Thanh văn đầu tiên được đức Phật thọ ký và tự nhiên là tất cả đại chúng chứng kiến ngài Xá-lợi-phất được thọ ký như thế thì vô cùng hỷ lạc.
Niềm hỷ lạc của đại chúng cũng là niềm hỷ lạc của chúng ta. Chúng ta đã được chấp nhận vào trường đại học của đức Phật; chúng ta sẽ còn hiểu rõ sự việc này hơn nữa khi chúng ta bàn về phẩm 8 “Ngũ Bách Đệ tử Thọ ký” (năm trăm vị đệ tử được thọ ký), và phẩm 9 “Thọ Học, Vô học nhân Ký”(Thọ ký cho các vị còn phải học, tức hữu học; và các vị không còn phải học, tức vô học). Những ai chân thành tin kinh Pháp Hoa và thành tín tu tập tinhthần của kinh thì vốn đã được chấp nhận vào trường đại học phổ quát cao nhất, trường của Phật vị. Biết như thế, chúng ta cảm thấy tự hào biết bao và cuộc đời ta trở nên đáng giá biết bao !
Niềm vui và sự tự hào tự nhiên tuy thế vẫn không bao giờ đưa đến sự tự mãn. Nếu chúng ta làm cho cảm giác này thành niềm vui cá nhân của chúng ta mà thôi thì điều ấy sẽ vô nghĩa. Đây là điểm quan trọng thứ hai của sự thọ ký của đức Phật. Ở cuối phần kệ thứ hai của phẩm 6, các ngài Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên và những vị khác cùng nói: “Kính bạch bậc Đại Hùng, Thế Tôn Ngài bao giờ cũng muốn làm an tịnh thế giới; Xin hãy ban thọ ký cho chúng con,...” Điều mà chư vị đang nói là: “Đức Phật luôn luôn mong muốn làm cho tất cả mọi người trên thế giới cảm thấy an ổn. Chúng con cũng mong được thành Phật và mong được làm cho họ sống an lạc. Xin hãy thọ ký cho chúng con”. Các vị ấy không muốn nói rằng chỉ riêng họ được cứu độ và được thành Phật hay chỉ riêng họ thành Phật và được an lạc trong tâm. Mục đích cuối cùng của chư vị là làm cho hết thảy mọi người trên thế giới được hạnh phúc. Đây là điểm quan trọng nhất. Chúng ta phải hiểu rằng ý định thực sự của chư vị đệ tử này khi tha thiết cầu xin đức Phật thọ ký rằng họ sẽ thành Phật nằm trong sự việc họ muốn đạt được giải thoát và năng lực như thế để có thể làm cho người khác hạnh phúc. Nếu chúng ta không nhận thức rõ điều này thì có thể chúng ta có ấn tượng sai lầm rằng họ chỉ cầu xin đức Phật sự chứng ngộ và an lạc tâm linh cho riêng họ mà thôi.
Điểm quan trọng thứ ba của sự thọ ký của đức Phật là các đệ tử của đức Phật vốn đã phải hiểu rằng họ sẽ thành Phật nhờ các giáo lý mà đức Phật đã giảng cho họ. Do đó, một số người tự hỏi tại sao những vị đệ tử này cứ khăng khăng cầu xin đức Phật thọ ký. Đây là chỗ khác biệt giữa tôn giáo và tri thức. Phật giáo là một giáo lý mà chúng ta có thể hiểu bằng lý luận. Về tri thức, ta có thể hiểu một sự vật nào đó bằng lý luận là đủ, nhưng trong tôn giáo, hiểu bằng lý luận suông mà thôi thì không đủ. Khi được hiểu, tri thức phải truyền cảm hứng cho con người. Nó phải phát sinh ra niềm tin và niềm tin sẽ tự nhiên khiến cho người ta muốn hành động vì lợi ích của những người khác và của xã hội nói chung.
Khi sự hiểu biết phát triển thành sự phục vụ xã hội và những người khác thì chúng ta có thể gọi đó là niềm tin hay tôn giáo. Một tôn giáo thực sự thì có loại năng lực này. Cảm hứng, nền tảng của năng lực này do đâu mà có ? Cảm hứng không do lý thuyết mà có nhưng do sự tiếp xúc của tinh thần một người với tinh thần của người khác. Khi chúng ta gặp một người có tư chất cao và lắng nghe lời người ấy nói thì tâm chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỷ. Chúng ta quyết tâm noi gương người ấy dù có phải hy sinh tính mạng. Khả năng cho chúng ta quyết định như thế là sự vĩ đại của đức Thích-ca-mâu-ni như là vị Phật Hóa thân. Khi chúng ta xem lời dạy của đức Phật Thích-ca-mâu-ni, mà chúng ta tôn xưng là vị chúng sanh lý tưởng, là chân lý phổ quát thì chúng ta sẽ nhận được một năng lực lớn lao vượt qua ngoài sự hiểu biết suông và cho chúng ta sức mạnh và nâng cao chúng ta.
Đây là lý do tại sao các đệ tử của đức Phật thiết tha muốn nghe Ngài dạy: “Các người sẽ thành Phật” trực tiếp từ miệng của Ngài. Lời ấy là một khích lệ lớn hơn cả sự ủng hộ của mười triệu người. “Xin Ngài dạy cho chúng con một lời ! Nếu Ngài nói điều gì với chúng con, chúng con sẽ hiến mình cho giáo lý của Ngài và sẽ theo giáo lý ấy đến cùng. Chúng con sẽ không bao giờ bỏ bê việc tu tập. Vì vậy xin Ngài hãy dạy cho chúng con một lời!” Các vị đệ tử cầu xin đức Thích-ca-mâu-ni như vậy.
Thái độ chân chất và tin tưởng này biểu lộ niềm tin thực sự. Thể cách cầu xin của các vị đệ tử ấy là một tấm gương tốt cho cuộc sống tôn giáo của chúng ta, cho nên, chúng ta cần nhớ kỹ nó. Sự hiểu biết giáo lý của đức Phật do đọc sách và nghe giảng thì còn nông cạn. Nếu chúng ta không có cái cảm giác được truyền cảm hứng hay cảm giác lao thẳng vào đôi cánh tay đại từ bi của đức Thích-ca-mâu-ni thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ không tạo nên sức mạnh để cứu độ những người khác cũng như tự cứu độ mình. Thờ tượng đức Phật và niệm tên kinh Pháp Hoa không chỉ là sự thờ thần tượng và niệm thần chú suông. Mục đích của những hành động này không gì khác hơn là hòa mình vào tâm của đức Thích-ca-mâu-ni là vị mà ta tôn xưng làm vị Đạo sư, bậc cha mẹ và qua Ngài mà hòa mình với sự đại cứu độ của đức Bổn Phật.
Nếu chúng ta nhớ kỹ ba điểm cơ bản này của sự thọ ký của đức Phật khi đọc phẩm 6 thì chúng ta có thể hiểu rõ giáo lý của đức Phật trong phẩm này. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang kinh văn của phẩm này.
Sau khi đọc bài kệ dài của phẩm 5, đức Thế Tôn nói với đại chúng như sau: “Đệ tử này của ta là Đại Ca-diếp đã hiểu giáo lý của đức Phật và đã quyết tâm tu hạnh Bồ-tát vì mọi người trên đời, trong đời vị lai sẽ đảnh lễ vô số đức Phật và sẽ thuyết giảng rộng rãi vô lượng đại Pháp của chư Phật. Khi mang thân cuối cùng, ông ta sẽ thành một vị Phật tên là Quang Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, quốc độ tên là Quang Đức, kiếp tên là Đại Trang Nghiêm. Thọ mạng của đức Phật này sẽ là một trăm hai mươi ngàn tuổi, Chánh pháp của Ngài sẽ trụ hai trăm ngàn năm trong đời và Tượng pháp cũng sẽ trụ hai trăm ngàn năm”.
Trước đó, ngài Ca-diếp bày tỏ niềm xúc động sâu xa và lòng biết ơn lớn lao đối với giáo lý của đức Phật qua Ẩn dụ về người con trai cùng khổ, đức Thế Tôn hiểu rằng ngài Ca-diếp đã hiểu hầu hết giáo lý của Ngài, đã tin tưởng sâu sắc và thành tựu quyết tâm. Điều này cũng có thể đã được tỏ lộ trong lời đức Phật nói với ngài Ca-diếp ở đầu phẩm 5: “Tốt lắm ! Tốt lắm ! Này Ca-diếp, Ông đã khéo tuyên thuyết công đức thực sự của Như Lai. Các công đức này quả đúng như Ông nói”.
Khi đức Phật báo trước sự chứng đạt Phật vị (thọ ký) cho hết thảy đại chúng, Ngài nêu rõ tên của các vị Phật tương lai, quốc độ và thời kiếp của chư vị. Ngài ban mười Phật hiệu cho Tôn giả Ca-diếp, khởi đầu bằng danh hiệu “Quang Minh Như Lai”. Mười danh hiệu của đức Phật chứng tỏ rằng Tôn giả gồm đủ năng lực công đức. Do đó, ở đây đức Phật khẳng định rằng Tôn giả Ca-diếp nhờ tu tập mà có thể thành Phật như đức Thích-ca-mâu-ni. Tóm lại, Ngài nêu rõ rằng hễ ai thực sự hiểu được chân lý của đức Phật thì sẽ trở thành một vị Phật y như Ngài. Từ điều này, ta biết được rằng đức Phật Thích-ca đã đặt vào chân lý một giá trị cao vời biết bao !
Đức Phật giảng tiếp: “Quốc độ của vị ấy là Quang Đức, sẽ đẹp đẽ, không có rác rưởi, mảnh sành, gai góc và phân uế; mặt đất bằng phẳng, không có chỗ gập ghềnh, không có hầm hố hay gò đống, đất bằng lưu ly, được kẻ hàng bằng các cây báu và dây bằng vàng để định lối đi, được rải hoa quý, khắp nơi đều thanh tịnh. Trong quốc độ ấy, vô lượng Bồ-tát tu tập Phật pháp cùng với vô số Thanh văn. Nơi ấy không có Ma sự, và dù có Ma và Ma dân, chúng cũng thảy đều hộ trì Phật pháp”.
Miêu tả này minh họa trạng thái lý tưởng của thế giới. Phân nửa đầu giống như sự miêu tả một thành phố đẹp trong một đất nước phát triển cao của thế giới ngày nay, nhưng phần sau thì lại tạo ấn tượng về một cảnh giới hoàn toàn đối lập với thế giới ngày nay. Thật vậy, thế giới đã tiến bộ đáng kể về mặt vật chất trong khi nó chỉ tiến bộ chậm chạp về mặt tinh thần. Sự miêu tả của đức Phật nêu tỏ cho chúng ta thấy rằng đây là một thiếu sót lớn lao của xã hội hiện đại. Nhận ra được điều này, làm sao chúng ta có thể không cùng nhau quảng bá tinh thần kinh Pháp Hoa trong đám quần chúng càng đông càng tốt với quyết tâm mạnh mẽ là thực hiện càng sớm càng tốt ngay trên đời này cái cảnh giới lý tưởng mà đức Phật đã nêu trỏ ?
MA VÀ MA SỰ:
Chúng ta phải nhận rõ lời dạy sau đây của đức Phật: “Nơi ấy không có Ma sự, và dù có Ma và Ma dân, chúng cũng thảy đều hộ trì Phật pháp”. “Ma” (Màra) gồm tất cả các chúng sanh ngăn trở con đường chân chánh. “Ma dân” nghĩa là những kẻ đi theo Ma. Chúng có năng lực lớn đến nỗi chúng có thể xuất hiện liên tục trước mắt những người nỗ lực thực hiện chánh đạo, cám dỗ và quấy rối họ. Ma dân âm mưu gây trở ngại và hăm dọa những người nỗ lực tu theo chánh đạo. Chúng có thể giống như một bọn côn đồ hay lưu manh. Sức mạnh của bài nói và bài viết có ác tâm là một tên Ma còn lớn hơn nữa.
Một tên Ma và Ma dân của nó xuất hiện trước đức Phật Thích-ca khi Ngài đang nhập định vào lúc Ngài sắp giác ngộ, và cố đưa ra nhiều trở ngại cho con đường của Ngài. Nếu Ngài là một thường nhân thì hẳn Ngài đã chịu khuất phục ngay. Tuy nhiên, Ngài đã chống cự được những cám dỗ, những ngăn ngại và những đe dọa mà bọn Ma thử thách Ngài, và thế là sự giác ngộ của Ngài trở thành không thể lay chuyển. Xét từ những kết quả mà đức Phật Thích-ca đã thành tựu, ta cũng có thể bảo những trở ngại do Ma gây ra đã thúc đẩy sự giác ngộ của Ngài.
“Ma” có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất là “Ma trong thân thể”, tức là những thúc đẩy của bản năng hay những ý niệm xấu quấy nhiễu cái tâm chân chánh của ta. Nghĩa thứ hai là “Ma ở ngoài thân thể”, tức là sự cám dỗ hay sức ép từ bên ngoài.
Trong một quốc độ lý tưởng như Quang Đức, có những người tu tập Phật pháp hay chân thành cầu tìm Phật pháp. Dù những người như thế đôi khi bị “Ma trong thân thể” cám dỗ, tức là “một ý niệm hay một thúc đẩy bản năng xấu, sự cám dỗ như thế thúc đẩy ý nguyện cầu tìm Đạo của họ. Kết quả là “Ma trong thân thể hộ trì Phật pháp. Vì thế dù có Ma và Ma dân, không có Ma sự tồn tại trong quốc độ lý tưởng này.
“Ma ở ngoài thân thể” nghĩa là lời nói và hành vi của người cám dỗ, phê phán, quấy rối và đe dọa những ai tận lực tu tập giáo lý của đức Phật và quảng báo giáo lý ấy. Người ta thường bảo: “Sự cùng cực trong cái xấu góp phần tạo sự cùng cực trong cái tốt”. Trong một quốc độ lý tưởng như Quang Đức, ngay cả những người xấu cùng cực cũng thay đổi hoàn toàn và dùng năng lực của họ để hộ trì Phật pháp. Vì tất cả các loài hữu tình đều vốn có Phật tính, nên một khi một Ma nhân nhận ra được Phật tính của chính mình thì nổi bật hơn một người tốt nhưng yếu đuối.
Đức Phật dạy chúng ta rằng “Ma”, hoặc ở trong hoặc ở ngoài thân thể, phô bày khả năng gây hại của nó khi nó sống trong ảo tưởng. Nhưng nếu nó hiểu được con đường chân chánh thì nó sẽ thực hiện ngay các khả năng hành thiện của nó. Do đó chúng ta không nên nghĩa đến Quang Đức như là một quốc độ lý tưởng quá xa vời với thế giới mà ta đang sống, nhưng nên hiểu nó theo những vấn đề tinh thần trong đời sống tôn giáo của chính chúng ta và như là những vấn đề thực tiễn trong xã hội của chính chúng ta. Hiểu điều này, chúng ta tận lực làm tỏ ngộ các “Ma” và loại bỏ các “Ma sự”, và hơn nữa, chuyển đổi các “Ma” này sao cho chúng thể hiện các khả năng thiện lành của chúng.
Chúng ta làm sao để có thể thực hiện điều này? Có một con đường mở ra cho chúng ta: cầu tìm giáo lý của đức Phật, tin theo và thực hành giáo lý ấy. Nếu chúng ta làm như thế thì sẽ không có Ma sự nào ở trong xã hội. Các Ma sự nắm níu tâm và thân ta sẽ biến mất như sương mù trước nắng sớm và cuộc đời vô lượng của ta sẽ sáng rỡ trong sự thanh tịnh của nó.
Thế rồi đức Thế Tôn muốn trùng tuyên giáo lý của Ngài, Ngài lặp lại bằng kệ và chấm dứt bằng việc thọ ký cho ngài Ca-diếp. Bấy giờ ngài Đại Mục-kiền-liên, ngài Tu-bồ-đề, ngài Đại Ca-chiên-diên và những vị khác rúng động chắp tay và nhất tâm ngước nhìn đức Thế Tôn, không hề rời mắt, cùng cất tiếng: “Kính bạch đấng Đại Hùng, bậc Thế Tôn là vị có thể loại bỏ mọi xấu xa” Kính bạch đức Phật là vị có năng lực dẫn dắt mọi người ! Xin Ngài vì lòng từ bi đối với chúng con mà ban cho chúng con lời tuyên thuyết của Phật. Xin Ngài khích lệ chúng con tinh tấn tu tập trong đời sau. Nếu Ngài biết thâm tâm của chúng con mà thọ ký cho chúng con rằng: “Các người sẽ thành Phật” thì chúng con sẽ cảm thấy như Ngài tưới cam lồ vào chúng con để làm giảm cơn nóng.
“Chúng con như người từ vùng đói kém đến, bỗng gặp một bữa tiệc của nhà vua nhưng còn mang lòng nghi ngờ, sợ hãi, không dám ăn ngay. Nhưng khi nhà vua bảo hãy ăn, chúng con mới dám ăn. Cũng như vậy, chúng con nhận biết được về những lầm lạc của chúng con rằng chúng con có thể thoát khỏi những ảo tưởng và khổ đau của chính chúng con, và đồng thời chúng con hiểu được trí tuệ tối thượng của đức Phật. Nhưng chúng con không biết làm sao để đạt được trí tuệ ấy. Dù chúng con nghe âm thanh của đức Phật bảo rằng chúng con sẽ thành Phật, tâm chúng con vẫn còn lo lắng và sợ hãi đạt Phật vị, như những người đói kia không dám ăn bữa tiệc của vua đang ở trước mắt. Nhưng nếu chúng con được đức Phật thọ ký rằng chúng con sẽ thành Phật thì chúng con sẽ sung sướng và an lạc. Kính bạch đấng Đại Hùng, bậc Thế Tôn ! Bao giờ Ngài cũng muốn làm cho thế giới an bình. Xin Ngài hãy thọ ký cho chúng con. Nếu Ngài làm như thế thì cũng như người đói được nhà vua bảo hãy ăn tiệc, chúng con mới có thể tận lực tu Bồ-tát đạo và phụng sự mọi người và xã hội”.
Bấy giờ đức Thế Tôn biết được tâm ý của các vị
đại đệ tử, đồng thời thể theo thỉnh cầu của ngài Tu-bồ-đề. Ngài thọ ký cho ngài
Tu-bồ-đề. Ngài tuyên bố rằng ngài Tu-bồ-đề sẽ thành vị Phật tên là Danh Sắc Như
Lai, kiếp Hữu Bảo, quốc độ Bảo Sanh. Kế đó, đức Thế Tôn thọ ký cho ngài Đại
Ca-chiên-diên và tuyên bố Phật hiệu của ngài là Diêm-phù-na-đề Kim Quang Như
Lai. Đức Thế Tôn cũng thọ ký cho ngài Đại Mục-kiền-liên, gọi Phật hiệu của ngài
là Đa-ma-la-bạt Chiên-đàn Hương Như Lai, kiếp Hỷ Mãn, quốc độ là Ý Lạc. Phần
lớn các độc giả đọc đến chỗ này có thể cảm thaáy câu chuyện trên khá là xa vời với
đời sống của chính mình vì nó kể lại một tình tiết về đức Phật Thích-ca và các
đại đệ tử của Ngài ở nước Ấn Độ cổ. Nhưng thật ra, câu chuyện này chẳng xa vời
gì với đời sống ngày nay của chúng ta, vì chúng ta sẽ hiểu khi đọc đoạn cuối
của phần kệ sau cùng trong phẩm này. Đức Thế Tôn nói bằng kệ để diễn tả ý định sau
đây: “Trong số nhiều đệ tử của Ta, có năm trăm vị có đức hạnh cao vời và gây
ảnh hưởng lớn cho
những người chung quanh. Tất cả họ đều được thọ ký
rằng sẽ thành Phật sau khi tích tập tu hành trong đời sau. Nay Ta sẽ tuyên bố
nhân duyên của Ta và của các Ông trong các đời trước. Tất cả các Ông hãy nghe
cho kỹ !”
“Nhân duyên của Ta và của các Ông trong các đời trước” không chỉ gồm đức Phật Thích-ca-mâu-ni và năm trăm đệ tử của Ngài mà gồm tất cả chư Phật và các đệ tử của chư vị đã hay sẽ xuất hiện từ quá khứ vô cùng đến tương lai vĩnh cửu. Đấy là vì ai đã thực sự hiểu giáo lý của đức Phật thì không bao giờ quên giảng giáo lý ấy cho người khác và mất sự thôi thúc phải cứu độ người khác. Do cứ tiếp tục như thế, tự người ấy có thể trở thành một vị Phật. Hơn nữa, những ai đã được người ấy cứu độ có thể tự chính họ thành Phật nhờ truyền bá Phật pháp cho nhiều người khác và nhờ tiếp tục thực hành việc cứu độ người khác. Theo cách như thế, vô số đức Phật đã xuất hiện từ thời quá khứ vô cùng đến thời hiện tại, và vô số chư Phật này lại tạo thêm vô lượng chư Phật nữa. Như thế một sự sản sinh tương tục về sự giác ngộ của con người nhờ chư Phật thực hiện đã xảy ra không ngừng. Đây là ý nghĩa chân thực của câu “Nhân duyên của Ta và của các Ông trong các đời trước”.
Ngày nay chúng ta may mắn được gặp kinh Pháp Hoa. Điều chúng ta có được là chúng ta đã được đức Phật thọ ký rằng sẽ thành Phật nếu chúng ta tu tập. Dù đức Phật Thích-ca, Phật lịch sử, đã nhập diệt khoảng hai ngàn năm trăm năm qua, đức Thích-ca Phật Bổn Nguyên (Bổn Phật) vẫn mãi mãi cùng ở với chúng ta. Ngài báo trước cho chúng ta về sự chứng đạt Phật quả qua kinh Pháp Hoa.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ LẶP LẠI:
Khi đức Phật thọ ký cho ngài Ca-diếp,
quốc độ của ngài Ca-diếp được miêu tả như là một cõi đẹp đẽ và lý tưởng và sự
miêu tả cảnh giới này được lặp
lại bằng kệ mà đức Phật đọc lên sau đó. Dù có hơi
khác nhau trong việc mô tả nhưng căn bản là cùng một sự miêu tả được lặp lại
khi thọ ký cho các ngài
Tu-bồ-đề, Mục-kiền-liên và Ca-chiên-diên.
Khi tụng kinh Pháp Hoa, ta không nên nghĩ rằng “Có cùng những câu như trước”, cũng không nên đọc các câu ấy một cách vô ý. Sự lặp lại có một chức năng rất quan trọng trong đời sống tôn giáo.
Cứ làm đi làm lại một điều gì sẽ tạo nên một ấn tượng sâu đậm trong tâm ta. Nhưng sự lặp lại này phải được thực hiện một cách toàn tâm toàn ý. Người nào cố gắng tụng đọc phẩm 6 một cách thiết tha sẽ nhận thấy mình lặp lại sự miêu tả cái trạng thái lý tưởng của con người như được biểu trưng bởi mười danh hiệu của đức Phật và sự miêu tả xã hội lý tưởng của con người như được biểu trưng bởi sự miêu tả các cõi đẹp đẽ của chư Phật. Nhờ thường xuyên lặp đi lặp lại, những lý tưởng này sẽ thâm nhập vào tâm người ấy.
Những biểu thức “như đã nêu trên” hay “như đã nói ở trước” có thể khả thứ trong các hồ sơ doanh nghiệp và các báo cáo văn phòng. Các biểu thức vắn tắt này được chấp nhận trong thế giới rộn rịp của ngày nay. Tuy nhiên, khi hành trì Phật pháp, chúng ta chớ lẩn tránh sự lặp lại mọi điều một cách chính xác. Nếu một người không quyết tâm lặp đi lặp lại một sự việc càng thường xuyên đến tối đa trong việc học tập âm nhạc hay thực hành môn bóng chày thì người ấy sẽ không bao giờ thăng tiến. Đối với tôn giáo cũng như vậy.
Khi ta tụng đọc nhan đề kinh Pháp Hoa, hình như trên lý thuyết chỉ đọc một lần là khá đủ nếu chúng ta đọc một cách hoàn toàn chân thành. Nhưng thực ra, nếu chúng ta không lặp lại nhan đề kinh từ ba đến mười lần thì ý niệm quy y đức Phật sẽ không thâm nhập trọn vẹn. Tuy nhiên, dù sự lặp lại là rất quan trọng, nếu chúng ta đọc nhan đề ấy một ngàn hay mười ngàn lần, mà chúng ta không phải là siêu nhân thì chúng ta sẽ trở nên nhàm chán hoặc tâm sẽ lang bang, và chúng ta sẽ tự nhận thấy rằng mình chỉ có thốt suông cái nhan đề kinh mà chẳng hiểu gì. Đây là kết quả của sự yếu kém của chủ nghĩa hình thức, tin tưởng một cách lười biếng rằng chỉ cần tụng đọc nhan đề kinh là chúng ta có thể được cứu độ.
Chúng ta phải hiểu rằng sự tu tập Phật pháp thực sự có ba điều kiện tiên quyết: 1. thực hành tốt, 2. thái độ thiết tha, và 3. lặp lại mãi hoài.