ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ
KINH PHÁP HOA
Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism
For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose
Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997
NHƯ LAI THẦN LỰC
Phẩm này rất quan trọng vì hai giáo lý Tích môn và Bổn môn được đưa đến đỉnh điểm trong đó. Nó cũng dạy ta rằng hai giáo lý này không rời nhau và dù có vẻ khác nhau, bản chất chúng vẫn là một.
Ở Tích môn, đức Phật Thích-ca khai thị mục đích
và nội dung của các giáo lý mà Ngài đã thuyết giảng từ khi Ngài chứng quả Bồ-đề.
Đây là một giáo pháp mang tính triết học và đạo đức nhấn mạnh ở sự hình thành
thế giới này, các chúng sanh với nghiệp quả, cách sống đúng đắn và mối liên hệ lý
tưởng giữa con người.
Ở Bổn môn, đức Thích-ca khai thị rằng đức
Phật không chỉ giới hạn ở chính đức Thích-ca-mâu-ni là vị đã xuất hiện trên đời
này và sống một đời sống có sinh tử, Ngài còn là một vị Bổn Nguyên có thọ mạng
lớn lao vô thỉ vô chung. Trong Pháp này, đức Phật dạy chúng ta rằng để cuối
cùng được cứu độ và để xây dựng an bình thực sự trên cõi đời này, chúng ta phải
hợp nhất với đức Bổn Phật, tức là phải toàn tâm nương tựa vào Ngài.
Ta có thể phân biệt Tích môn và Bổn môn theo cách sau đây: Tích môn là giáo pháp do đức Thích-ca-mâu-ni giảng, Ngài đã xuất hiện trên đời này như là một con người; trong khi đó Bổn môn là giáo pháp do đức Bổn Phật tuyên bố, Ngài hiện hữu từ quá khứ vô cùng đến tương lai vĩnh cửu. Vì trí tuệ thì cần thiết hơn bất cứ thứ gì khác để sống đúng đắn nên Tích môn là giáo pháp của trí tuệ; trong khi Bổn môn là giáo pháp của từ bi, thuyết giảng về sự cứu độ tuyệt đối. Quả thực, chúng ta cần phân biệt hai giáo pháp này khi đi sâu vào nghiên cứu giáo lý của kinh Pháp Hoa.
Phân tích là quan trọng khi ta nghiên cứu điều gì một cách sâu đậm. Phân tích nghĩa là chia một sự vật thành nhiều phần và khảo sát cấu trúc các thành phần, ý nghĩa và chức năng của nó. Nhưng nếu ta kết thúc nghiên cứu của ta mà chỉ bằng cách phân tích một sự vật thì đấy là ta chỉ nghiên cứu sự vật ấy một cách nửa vời. Sau khi hoàn tất việc phân tích một cái gì, ta phải hoàn tất việc nghiên cứu của ta theo một quan điểm siêu tổng thể. Bấy giờ ta mới khẳng định được cái sự thật nằm trong cái tổng thể. Đấy gọi là tổng hợp. Trong mọi nghiên cứu, ta chỉ có thể đạt kết quả có giá trị nếu ta vừa phân tích vừa tổng hợp song đôi.
Điều này cũng áp dụng cho việc nghiên cứu kinh
Pháp Hoa. Cho đến đây, chúng ta đã nghiên cứu các giáo lý của đức Phật bằng cách
phân tích các giáo lý ấy để hiểu cho đúng. Tuy nhiên, nếu ta chỉ phân tích mà
thôi thì giáo lý vẫn còn bị chia tách thành nhiều phần và do đó bị rối tung
trong trí ta.
Như thế là ta chưa thực sự hiểu giáo lý.
Ta không nên nghiên cứu kinh Pháp Hoa chỉ nhằm để học hỏi mà thôi. Hiểu kinh bằng trí thức thì chưa đủ. Ta không thể được cứu độ theo ý nghĩa thực sự, cũng không cứu độ toàn bộ xã hội nếu ta không chuyển sự thông hiểu sang lòng tín thành và không đạt đến trạng thái tâm thức hoàn toàn hợp nhất giữa hiểu biết và niềm tin.
Ở phẩm 21, đức Phật dạy rằng gom tất cả các thuyết giảng trong hai mươi phẩm trước lại với nhau, cái chân lý thâm nhập vào tất cả các phẩm này là một và chỉ một mà thôi(1). Từ phẩm này, chúng ta hiểu rõ rằng giáo pháp được nêu tỏ trong Tích môn thì hoàn toàn hợp nhất với giáo pháp được nêu tỏ trong Bổn môn; hiểu như thế, chúng ta thâm nhập vào hai môn này.
Đọc suốt phẩm này; có vẻ như không có giáo lý quan trọng nào được nêu ra trong đó ngoài sức thần thông vi diệu của đức Như Lai. Điều ấy khiến cho phẩm này trở nên khó hiểu. Năng lực tuyệt đối của đức Như Lai được tượng trưng bằng những hiện tượng kỳ bí, và mỗi một hiện tượng như thế bao gồm ý nghĩa hình thành một sự hợp nhất trọn vẹn giữa Tích môn và Bổn môn.
Ý nghĩa của mười sức thần thông của đức Như Lai được miêu tả trong phẩm này sẽ được giải thích theo lối diễn dịch được nhiều học giả Phật học từ thời xưa chấp nhận. Vì thế, việc bàn luận sẽ trở nên khá chuyên môn và ta có thể gặp những thuật ngữ khó của Phật học. Nhưng chúng ta không nên vì thế mà lãng tránh. Những thuật ngữ như thế là những phương tiện khéo léo giúp ta hiểu sự giải thích, và không cần phải nói, mục đích thực sự của ta là hiểu rõ cái tinh thần được thuyết giảng trong phẩm này.
Trong phần kệ cuối phẩm 20, Thế Tôn dạy như sau:
“Do đó các hành giả
Sau khi Phật nhập diệt,
Nghe kinh như kinh này
Không khởi sinh nghi hoặc,
Mà khiến họ một lòng
Giảng rộng rãi kinh này,
Đời đời gặp chư Phật
Nhanh chóng thành Phật đạo”.
Bấy giờ chư Bồ-tát Ma-ha-tát nhiều như số vi trần của một đại thiên thế giới, từ dưới đất vọt lên, tất cả đều đến trước Phật, nhất tâm chắp tay, chiêm ngưỡng tôn nhan của Ngài và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn ! Sau khi đức Phật nhập diệt, tại bất cứ quốc độ nào mà phân thân của Thế Tôn hiện hữu, tại bất cứ nơi nào Ngài nhập diệt, chúng con sẽ rộng giảng kinh này. Vì sao ? Vì chính chúng con đây cũng muốn đạt được Đại pháp thực hiện sự thanh tịnh này để thọ trì, đọc tụng, diễn giảng, sao chép và cúng dường Đại pháp ấy.”
Cúng dường Phật hay Pháp có nghĩa là biểu lộ tình cảm biết ơn và đáp lại sự hàm ân của mình đối với Phật hay Pháp. Khi chư Bồ-tát rộng giảng Phật pháp, đấy là hồi đáp công ơn của chư vị đối với giáo lý mà chư vị đã thọ nhận từ đức Phật. Đây là lý do tại sao chư Bồ-tát vọt từ đất lên là những vị đại Bồ-tát. Những người ở cấp độ tâm linh thấp hẳn chỉ nghĩ đến chính họ: “Ta đây có thể được cứu độ do thực hiện hạnh này”. Tuy nhiên, chư Bồ-tát này vượt lên trên cái tự ngã.
Tự nhiên chúng ta thọ nhận công đức do ban bố công đức cho những người khác; và từ chối những công đức như thế là chi li một cách quá đáng. Giáo lý của đức Phật không hẹp hòi và mù quáng. Do đó, trong các phẩm trước, đức Phật đã nhiều lần dạy về những công đức mà ta nên trao cho những người khác bằng việc giảng kinh Pháp Hoa và đồng thời, về những công đức mà ta sẽ nhận được từ những hạnh như thế. Tuy nhiên với phẩm này, chúng ta thấy rằng chư đại Bồ-tát vốn có rất nhiều đức hạnh hơn chư Bồ-tát khác, hoàn toàn thoát khỏi cái ý nhiệm về tự ngã. Phẩm này dạy ta về cái tâm thái lý tưởng của một tín giả.
Ở đây, một giáo lý quan trọng khác là ngay cả chư đại Bồ-tát này không để ý gì tới các hạnh như thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng và sao chép giáo lý của đức Phật. Vì chư vị là những đại Bồ-tát, sự thông hiểu pháp của họ hẳn phải toàn hảo. Nhưng ngay cả đến chư đại Bồ-tát này cũng nỗ lực thọ trì giáo lý của đức Phật, làm cho sự hiểu biết của mình thêm sâu sắc bằng cách cứ mãi hoài đọc tụng rồi chuyên chú thực hành việc ghi nhớ giáo lý bằng cách thuyết giảng và sao chép giáo lý ấy. Những thực hành như thế là cao cả nhất và rất quan trọng đối với chúng ta vì chúng ta có thể trở thành kiêu mạn khi sự hiểu biết của chúng ta thăng tiến, dù là ít ỏi.
CÁC THẦN LỰC MÀ ĐỨC NHƯ LAI HIỂN BÀY:
Khi nghe hạnh nguyện của chư Bồ-tát từ đất vọt lên, Thế Tôn gật đầu. Ngài không nói gì với chư vị ấy. Thế rồi trước mặt Bồ-tát Văn-thù và vô số trăm ngàn vạn ức Bồ-tát Ma-ha-tát khác, cũng như chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Trời, Rồng, Dạ-xoa, các Linh chúng, Người và Không phải người - trước mặt tất cả các chúng sanh này, Thế Tôn hiển bày đại thần lực của Ngài.
Trước hết, Ngài tỏ lộ thần lực sau đây, Ngài đưa “cái lưỡi rộng và dài của Ngài chạm đến cõi Phạm thiên”. Biểu ngữ này có thể khiến chúng ta ngày nay lấy làm lạ, nhưng đây là phát xuất từ một tập tục cổ của Ấn Độ. Tại Ấn Độ cổ, đưa lưỡi ra là một động tác tỏ ra rằng những gì người ta nói là thật. Qua thần lực đầu tiên của Ngài, đức Phật thố lộ rằng tất cả những giáo lý Ngài đã giảng là thực và mãi mãi là thực. Sử dụng một biểu thức thông thường, ngài tỏ rõ rằng Ngài không bao giờ nói hai lưỡi trong những gì Ngài thuyết giảng. Qua thần lực của Ngài, Ngài diễn tả như sau: giáo lý mà Ngài đã giảng đến nay, có vẻ như bị chia thành hai hình thái: giáo pháp của đức Tích Phật và giáo pháp của đức Bổn Phật. Nhưng cuối cùng hai giáo pháp này được hợp lại thành một.
Các học giả Phật học thời sau này giải thích giáo lý “hai Pháp môn vốn là một về mặt niềm tin (nhị môn tín nhất - nimon shin'itsu) được biểu hiện trong hiện tượng đức Phật đưa cái lưỡi rộng và dài của Ngài ra. “Hai pháp môn” là Tích môn và Bổn môn. Trước hết, đức Phật là một cư dân trong cõi Ta-bà dạy về cách thức hiện thực để sống một cuộc sống thiện lành ở đấy. Tuy nhiên, sau đó Ngài tuyên bố rằng Ngài là đức Bổn Phật, đấng vô thỉ vô chung. Ngài cũng khiến cho chúng ta hiểu rằng sự cứu độ thực sự phát xuất từ sự việc chúng ta nhận thức rằng được sống là do đức Bổn Phật vô thỉ vô chung. Hình như có sự khác biệt lớn giữa giáo pháp của đức Phật đã xuất hiện trên thế giới này và giáo pháp của đức Bổn Phật. Chúng ta cần xét xem sự khác biệt giữa hai giáo pháp này như thế nào.
Đức Thích-ca-mâu-ni cần phải được xem là đức Phật xuất hiện trong thế giới này, phát xuất từ đức Bổn Phật Vĩnh hằng qua lòng đại từ bi của Ngài đối với hết thảy mọi chúng sanh. Do đó ta không thể tách rời đức Phật Thích-ca-mâu-ni và đức Bổn Phật. Ta không thể phán quyết đức Tích Phật hay đức Bổn Phật vị nào là cao, vị nào thấp hơn. Kết luận là đức Bổn Phật và đức Tích Phật về mặt thâm sâu là đồng nhất và rằng niềm tin của ta cần được thu tóm vào một đối tượng độc nhất. Đây là giáo lý “hai Pháp môn vốn cùng một niềm tin”. Hiện tượng kỳ bí về việc đức Phật đưa cái lưỡi rộng và dài của Ngài chạm đến cõi Phạm thiên như thế có một ý nghĩa sâu xa.
Kế đến đức Phật hiển lộ thần lực sau đây: mỗi lỗ
chân lông phóng chiếu một “ánh sáng vô lượng, vô số màu sắc, tất cả đều chiếu
sáng mọi nơi suốt cả mọi phương của vũ trụ. Dưới mọi cây báu, chư Phật mỗi vị
ngồi trên một tòa sư tử, cũng như thế, đưa lưỡi rộng, dài và phóng chiếu ánh
sáng vô lượng.
Trong khi đức Phật Thích-ca-mâu-ni và hết thảy chư
Phật dưới các cây báu đang hiển lộ các thần thông, hàng trăm ngàn năm trọn đã
trôi qua”.
Đức Phật Thích-ca hiển lộ thần thông của Ngài bằng cách phóng một ánh sáng đẹp từ trên toàn bộ thân thể Ngài, chiếu sáng mọi nơi, khắp suốt mọi phương của vũ trụ. Hiện tượng thần bí này có nghĩa là chân lý là ánh sáng xua tan bóng tối của ảo tưởng. Như đã nêu trước đây, bóng tối không hiện hữu như một thực thể thực sự. Bóng tối chỉ là một trạng thái không được chiếu sáng và sẽ biến mất khi ánh sáng chiếu rọi. Ta cũng có thể nói như thế về ảo tưởng. Chỉ có chân lý là một hiện hữu thực sự; ảo tưởng là không thực. Ảo tưởng sinh ra từ trạng thái tâm ta chưa hiểu được chân lý. Ảo tưởng sẽ biến mất khỏi tâm ta khi ta hiểu được chân lý.
Trong học thuyết nhân quả, đức Phật dạy rằng người ta không nên để bị rối rắm vì một sự nhỏ nhặt như ảo tưởng. Người ta chỉ cần hiểu chân lý. Đây là cách duy nhất để xua đuổi ảo tưởng. Đức Phật đã dạy cái nguyên lý của học thuyết này trong Tích môn. Thế rồi trong Bổn môn, Ngài dạy chân lý tuyệt đối là gì. Ngài dạy cái chân lý về sự hiện hữu thực sự của đức Phật, và về sự bất tử của Ngài, tức là cái giáo lý rằng tất cả chúng sanh đều được sống là do bởi đức Phật.
Tích môn và Bổn môn rốt ráo đều được đặt căn bản trên cùng một lý thuyết ấy. Giáo lý này được gọi là “Nhị môn lý nhất” (nimon ri'itsu) “hai Pháp môn vốn là một về mặt lý lẽ”. Giáo lý sâu xa này được nêu trỏ bởi sự việc ánh sáng được phóng ra từ toàn thân đức Phật khiến cho bóng tối tan biến mọi nơi khắp vũ trụ. Cùng một cách như đức Phật Thích-ca, chư Phật khác cũng đưa lưỡi rộng và dài của chư vị ra phóng ánh sáng vô lượng. Hình ảnh này tượng trưng chân lý là một và hết thảy chư Phật đều thông hiểu cùng một chân lý, dù có thể chư vị đông đến vô số.
Chân lý thu hút chân lý. Chúng trộn lẫn với nhau và trở thành một. Vào lúc đức Phật Thích-ca phóng linh quang từ thân thể Ngài, chư Phật khác cũng theo cách như thế, phóng ánh sáng vô lượng trộn lẫn thành một ánh sáng lớn chiếu sáng mọi nơi khắp vũ trụ. Đây là một hình ảnh của một trạng thái lý tưởng mà các tín giả của kinh Pháp Hoa xem là mục đích tối hậu. Nó diễn tả các trạng thái trong đó tất cả mọi người đều thành Phật và cõi Ta-bà về bản chất đồng nhất với cõi Tịnh Độ của Tịnh Quang. Khi chúng ta đọc lại mà hiểu đoạn văn ngắn này miêu tả thần thông của đức Phật, chúng ta có thể cảm nhận thấm thía sự cao cả của nội dung của nó.
Kế đến, động tác sau đây của chư Phật được miêu tả: “Sau đó chư vị rút lưỡi vào, đằng hắng cùng lúc và búng ngón tay đồng thời”. Nhóm từ “đằng hắn cùng lúc” nghĩa là tất cả giáo lý được hợp lại thành một, và các âm thanh phát khởi do đằng hắng có nghĩa là sự thuyết giảng giáo lý.
Mới đầu đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết giảng giáo lý mang tính phương tiện thiện xảo. Tuy nhiên, vì chân lý là một cho nên giáo lý này không phải là giáo lý thấp. Giáo lý dùng phương tiện thiện xảo được thuyết giảng chỉ nhằm cuối cùng đưa người ta đến chân lý tuyệt đối. Nhưng cả Tích môn lẫn Bổn môn đều diễn tả những chân lý quan trọng và những giáo lý cao cả. Nếu Bổn môn có thể được so sánh với phép tính nhân thì Tích môn có thể xem như phép tính cộng. Trẻ con không thể hiểu được tính nhân nếu như mới đầu chúng được dạy rằng hai nhân cho ba thì bằng sáu. Chúng phải học tính cộng trước. Khi chúng hiểu được rằng hai cộng hai cộng hai bằng sáu thì chúng nắm rõ được cái ý niệm rằng nhân hai cho ba thì bằng ba lần cộng hai. Dù cho chúng học thuộc lòng bảng cửu chương và do đó “biết” rằng hai nhân cho ba thì bằng sáu, chúng cũng không thể được gọi là thực sự nắm được phép tính nhân nếu chúng không hiểu phép tính cộng.
Trong niềm tin cũng như trong toán học, cả phép tính cộng lẫn phép tính nhân là thực; cả Tích môn lẫn Bổn môn đều là chân lý. Dù niềm tin có thể ví với phép tính nhân, nó cũng sẽ không trở thành chân thực, nếu nó không như phép tính cộng được hiểu một cách thông suốt.
Trong phẩm 18, niềm tin đã được nêu trỏ như là phép tính nhân: đối tượng của niềm tin được nhân bởi tín tâm thì bằng kết quả của niềm tin. Nhưng nếu lúc đầu ta tuyên bố rằng, “Đối tượng của niềm tin phải là đức Phật vô thỉ vô chung”, thì người ta sẽ bị nhầm lẫn và không thể tin. Huống chi một đối tượng của niềm tin mà sai lạc thì hậu quả sẽ trầm trọng biết bao nhiêu !
Trong Tích môn đức Phật đã dạy đầy đủ về sự hình thành của thế giới này, con người phải thế nào, cách sống đúng đắn và những mối liên hệ lý tưởng của con người. Qua pháp môn này, ta có thể học được cách sống đúng đắn: theo cái chân lý thấm nhập trong mọi sự vật, tức là, hiểu Dấu ấn của Ba Pháp môn (Tam Pháp ấn), và luật Mười hai Nhân duyên, Bát Chánh đạo, và Sáu Ba-la-mật. Đây là cấp độ tâm thức của niềm tin theo cách phép tính cộng.
Đối với những ai đã hiểu các học thuyết này, đức Phật khai thị rằng tất cả chúng sanh đều được sống do bởi cái chân lý phổ quát, tức là do bởi đức Phật Vĩnh hằng là đấng vô thỉ vô chung. Khi tín giả hiểu rằng “Nếu chúng ta hợp nhất với đức Phật, tự nhiên chúng ta sẽ sống theo chân lý. Trạng thái ấy là sự giải thoát thực sự của chúng ta”. Giáo lý mang tính phương tiện thiện xảo của phân nửa đầu của kinh Pháp Hoa và giáo lý thực (theo nghĩa tuyệt đối) được khai mở ở phân nửa thứ hai của kinh đều cùng một chân lý và đưa đến cùng một giải thoát. Đây là giáo lý nhị môn giáo nhất (nimon kyòitsu) “hai Pháp môn vốn là một về mặt giáo lý”. Nhóm từ “đằng hắng cùng lúc” biểu thị giáo lý này.
Nhóm từ cuối “búng ngón tay đồng thời” có một ý
nghĩa đặc biệt. Động tác này cũng phát xuất từ một tập tục của Ấn Độ. Chư Phật
búng ngón tay cùng một lúc biểu hiện sự đảm bảo, “Ta phát biểu”, hay “Ta hứa sẽ
làm điều ấy”. Sự miêu tả tất cả chư Phật đều búng ngón tay đồng thời do đó có
nghĩa là lời hứa trịnh trọng của chư vị rằng sẽ giảng Pháp, nói một cách khác,
cái nguyện hành Bồ-tát hạnh của chư vị.
Tinh thần cơ bản của hạnh Bồ-tát là sự hợp
nhất giữa chính mình và những người khác. Có thể nói, mong được cứu một người
do thông cảm với hoàn cảnh đáng thương của người ấy là một sự dấn bước vào hạnh
Bồ-tát. Khi chúng ta đạt được trạng thái tâm thöữc theo đó chúng ta không thể
không đưa tay cứu giúp ai đó đang khổ đau thì chúng ta có thể nói rằng chúng ta
đã đạt đến cái chân tâm của vị Bồ-tát.
Một đứa bé kêu khóc đòi vú mẹ. Người mẹ ẵm nó trên tay và chìa vú cho nó. Khi ấy tâm của người mẹ vượt lên khỏi lòng từ bi đối với con mình. Bà có thể nhận thức cái đói của đứa bé bén nhạy như chính bà đang đói. Do đó, một cách vô ý thức, bà nâng đứa bé đang kêu khóc trong đôi tay bà và đưa nó vào vú của bà. Đứa bé ngây thơ ôm vú mẹ và người mẹ hài lòng nhìn nó. Có một sự hợp nhất toàn hảo giữa mẹ và con, và người mẹ không cảm thấy mình cho đứa con thứ gì cả. Đây chính là cái trạng thái của tâm vị Bồ-tát. Nó là trạng thái tâm thức lý tưởng giữa người giảng Pháp và người nghe Pháp. Ta có thể tưởng tượng rằng hẳn đã có một mối liên hệ hài hòa giữa đức Phật Thích-ca và chư đệ tử của Ngài. Như một bộ kinh đã viết: “Bệnh của chúng sanh là bệnh của chư Phật”, cái trạng thái lý tưởng của tâm trong việc thực hiện Bồ-tát hạnh là sự hợp nhất giữa chính mình và những người khác. Khi đã nghiên cứu các giáo lý của kinh Pháp Hoa cho đến đây, chúng ta biết được rằng tất cả chung quy chỉ là sự hợp nhất giữa chính mình với những người khác.
Có vẻ như chúng ta gỡ bỏ ảo tưởng khỏi tâm mình và nâng cao nhân cách của chúng ta theo với các học thuyết Mười hai Nhân duyên, Bốn Thánh đế và Tám Chánh đạo nhằm riêng cho chúng ta. Tuy nhiên, sự thực là sự nâng cao của chính chúng ta lại cũng có ảnh hưởng tốt đối với những người chung quanh. Chúng ta thực hành giáo lý cũng chính là khiến cho những người khác thực hành giáo lý. Thực hành giáo lý một cách trọn vẹn thì hợp lý và có hiệu quả hơn là thuyết giảng giáo lý một cách yếu kém. Vì học thuyết Sáu Ba-la-mật là tiêu chuẩn của Bồ-tát hạnh, việc thực hành giáo lý của chúng ta là việc thực hành sự hợp nhất giữa chính chúng ta với những người khác.
Đi vào giáo pháp Bổn môn, cuối cùng chúng ta hiểu được lý thuyết về sự hợp nhất giữa chính chúng ta và những người khác. Chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta vốn hợp nhất với sự sống vĩ đại của vũ trụ. Sự thể hội này có nghĩa là chúng ta biết rằng dù cho người ta có vẻ như xa cách nhau, người ta vốn là hợp nhất. Những tranh cãi, những rối rắm thường sinh khởi do người ta không nhận ra điều ấy. Nếu mọi người đều hiểu được điều ấy và đạt được cái trạng thái tâm thức của sự hợp nhất giữa chính họ và những người khác thì thế giới này chẳng bao lâu sẽ biến thành cõi Tịnh Độ.
Như thế toàn bộ giáo lý của kinh Pháp Hoa tối hậu được chuyển thành tinh thần hợp nhất giữa chính mình và những người khác. Sự việc này được gọi là Nhị môn nhân nhất (nimon nin'itsu “hai Pháp môn vốn là một về mặt thể tính con người”. Tất cả chư Phật đều cùng lúc búng ngón tay nghĩa là lời hứa của chư vị về việc rộng giảng cái tinh thần hợp nhất giữa chính mình và những người khác.
Sự hiển bày kế tiếp về các thần thông được diễn tả như sau: “Hai âm thanh này vang đến mọi phương của các cõi Phật và tất cả các quốc độ của chư vị rung động theo sáu cách”. Như trong các phẩm trước thường giải thích, biểu ngữ “tất cả các quốc độ của chư vị rung động theo sáu cách” nghĩa là tất cả các sự vật trong vũ trụ do sự hiển bày thần thông của chư Phật mà bị rung động mạnh. “Hai âm thanh này” nhằm trỏ những âm thanh được tạo thành do chư Phật đằng hắng cùng lúc và búng ngón tay đồng thời. Chư vị búng ngón tay cùng một lúc để nêu lời tuyên bố rằng chân lý được thuyết giảng trong kinh Pháp Hoa là một và để nêu trỏ lời hứa trịnh trọng rằng sẽ xây dựng trên thế giới này cái tinh thần hợp nhất giữa chính mình và những người khác theo như lý tưởng của Bồ-tát hạnh. Âm thanh của sự búng ngón tay cùng lúc của chư vị tỏa ra mọi phương vào tạo thành sự rung động như thế nơi mọi sự vật trong vũ trụ mà chư vị lay chuyển.
Không ai là không được nhắc nhở về sự thực hành giáo lý nếu như người ấy bị giáo lý tác động mạnh đến nỗi cảm thấy mình bị lay chuyển. Hễ chừng nào người ấy chỉ hiểu giáo lý về mặt lý thuyết và cứ giữ giáo lý trong trí như là một kiến thức suông thì người ấy vẫn không thể tiến đến việc thực hành giáo lý được. Nhưng nếu người ấy cảm thấy xúc động vì giáo lý thâm sâu đến nỗi bị rung động cả tâm thức và cơ thể thì người ấy tự nhiên sẽ khởi sự thực hành giáo lý.
Người ấy cần thực hành điều gì ? Đó là hạnh Bồ-tát, vì tất cả giáo lý của kinh Pháp Hoa đều thể hiện trong đó. Trong Tích môn, cuối cùng đức Phật thúc giục người ta thực hiện hạnh Bồ-tát qua Sáu Ba-la-mật. Trong Bổn môn, Ngài dạy rằng sự thể hội của họ về sự hợp nhất giữa chính họ và đức Phật đưa họ đến sự thể hội về sự hợp nhất giữa chính họ và những người khác, và rằng sự thể hội này được biểu hiện một cách tự nhiên trong hạnh Bồ-tát cứu độ tha nhân của họ. Hơn nữa, sự thể hội của họ phát triển thành đại hạnh của vị Bồ-tát - đạt đến hòa bình của thế giới và chuyển hóa cõi Ta-bà thành cõi Tịnh Độ Tịnh Quang. Đây là giáo lý nhị môn hành nhất (nimon gyòitsu), “hai Pháp môn vốn là một về mặt thực hành”. Giáo lý thâm sâu này được diễn tả trong nhóm từ “tất cả các quốc độ của chư vị đều bị rung động theo sáucách”.
Năm thần lực của đức Như Lai được nêu cho đến đây là biểu hiện của sự thể hội, giáo lý, và hạnh nguyện của đức Thích-ca-mâu-ni Như Lai và của tất cả chư Phật khác. Khi năm thần lực này trải rộng đến tất cả các chúng sanh trong vũ trụ thì kết quả là gì ? Năm thần lực kế tiếp sẽ miêu tả ảnh hưởng của chúng đối với tất cả các chúng sanh.
Thần lực thứ sáu của đức Như Lai được nêu như sau: “Trong các cõi ấy, tất cả các chúng sanh, Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thác-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Người và Không phải Người và các chúng sanh khác, do thần lực của đức Phật, tất cả đều thấy trong thế giới Ta-bà này vô lượng, vô biên, trăm ngàn vạn ức đức Phật ngồi trên tòa sư tử dưới tất cả cây báu, và thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni cùng với đức Như Lai Đa Bảo ngồi trên tòa sư tử ở chính giữa tháp, và cũng thấy vô lượng, vô biên, trăm ngàn vạn ức Bồ-tát Ma-ha-tát, và bốn chúng kính ngưỡng vây quanh đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Sau khi nhìn thấy như thế, họ đều rất vui mừng được đạt điều mà từ trước họ chưa từng được kinh qua”.
Tất cả các chúng sanh, người và không phải người, được thấy đại chúng hội của đức Phật Thích-ca-mâu-ni, cùng với đức Như Lai Đa Bảo và nhiều vị Phật khác. Trong thuật ngữ Phật học, trạng thái này được gọi là phổ kiến đại hội (fugendaie), “tất cả các chúng sanh đều thấy hết đại chúng của đức Phật được vây quanh bởi nhiều đức Phật khác” biểu thức này có nghĩa là tất cả các chúng sanh có thể đều hiểu các giáo lý của đức Phật như nhau. Bấy giờ mọi người có khác nhau về khả năng lĩnh hội Phật pháp. Một số người có thể hiểu dễ dàng trong khi những người khác nhận thấy rất khó hiểu. Những phương tiện thiện xảo để thức tỉnh người ta phải được sử dụng theo nhiều cách khác nhau tùy theo những khả năng khác nhau của họ. Đây là tình trạng hiện tại của con người, nhưng trên quan điểm về tương lai vĩnh cửu, mọi người đều sẽ có thể đạt ngộ.
Thực ra có sự mau chậm khác nhau trong quá trình đạt ngộ. Sự khác biệt về khả năng hiểu Phật pháp của người ta chỉ có trong phạm vi “bờ này” (shigan - thử ngạn), tức thế giới của sinh tử. Nhưng người ta trở thành Phật như nhau khi đến “bờ kia” (higan - bỉ ngạn) tức cõi Niết-bàn. Do đó, không có khác biệt cơ bản nào về khả năng hiểu biết Phật pháp cả. Đây là giáo lý vị lai khí nhất (mirai ki'itsu) “khả năng hiểu Phật pháp của con người vốn là một trong tương lai”. Thuật ngữ Phật học phổ kiến đại hội, “tất cả các chúng sanh đều thấy hết đại chúng hội của đức Phật được nhiều đức Phật khác vây quanh”, trỏ ý rằng đức Phật có thần lực đưa tất cả các chúng sanh cùng đến cảnh giới Niết-bàn trong tương lai.
Kế đến, kinh tả như sau: “Đồng thời, tất cả chư
Thiên từ hư không cất cao giọng xướng rằng: "Vượt ngoài vô lượng vô biên
trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ thế giới này, có một cõi tên là Ta-bà. Ở giữa cõi ấy
có một vị Phật tên là Thích-ca-mâu-ni. Giờ đây, Ngài vì tất cả Bồ-tát Ma-ha-tát
mà giảng kinh Đại thừa gọi là Diệu Pháp Liên Hoa, đấy là Pháp giáo hóa cho chư
Bồ-tát và được chư Phật hộ niệm. Các vị nên đem hết thâm tâm mà hoan hỷ
theo Pháp ấy và cũng nên lễ bái, cúng dường đức Phật Thích-ca-mâu-ni"“.
Biểu ngữ “tất cả chư Thiên từ hư không cất
cao giọng xướng” nghĩa là tất cả các chúng sanh trong cõi Ta-bà được cảm ứng từ
tất cả chư Thiên. Biểu ngữ này không chỉ giới hạn riêng ở Phật giáo. Nhóm từ
“một giọng nói được nghe từ trên trời” xuất hiện trong các sách Thiên chúa giáo
và phần câu “Ta nghe tiếng trời” thường được sử dụng trong các lời dạy của
Khổng Tử và Mạnh Tử. Những lời này ngầm trỏ rằng người ta nhận được sự mặc khải
từ trên trời, tức là, người ta nhận thức chân lý của niềm tin như thể một cảm
ứng lóe sáng qua tâm trí họ.
Tất cả các chúng sanh trong cõi Ta-bà nhận được điều gì do cảm ứng từ những âm thanh cao vời của tất cả chư Thiên trên trời ? Họ hiểu được rằng trong cõi Ta-bà, đức Phật Thích-ca-mâu-ni giảng giáo lý gọi là Diệu Pháp Liên Hoa là Pháp giáo hóa chư Bồ-tát và được chư Phật hộ niệm. Đây là giáo lý chân thật và tối thượng, khiến cho tất cả chúng sanh trong vũ trụ được sống, tạo sự hài hòa cho họ và mang lại bình an trong tâm. Sự thể hội này có nghĩa là dù cho giờ đây thế giới Ta-bà là một cảnh giới của khổ đau, chắc chắn trong tương lai nó sẽ là cõi cao cả nhất của vũ trụ khi mà tất cả việc dạy dỗ và học tập được hợp lại thành một trong Phật pháp. Việc dạy dỗ và việc học tập đáng lẽ phải cải thiện nhân loại thế mà nay lại có xu hướng đưa đến sự trái nghịch lại và đến bất hạnh. Chúng tạo nên sự đối lập nhau giữa con người trong các lĩnh vực tôn giáo và chính trị, chẳng hạn. Hãy nêu một thí dụ trong khoa học, khoa vật lý hạt nhân giờ đây đang dẫn nhân loại đến sự bất hạnh lớn nhất hơn là phát huy hạnh phúc của con người.
Nếu dạy dỗ và học tập theo những ý niệm tôn trọng loài Người và sự hài hòa vũ trụ mà đức Phật Thích-ca đã dạy thì cõi Tịnh Độ sẽ được thể hiện trong thế giới Ta-bà và thế giới này, với nền văn minh vật chất tiến bộ đáng kể sẽ trở thành trung tâm của vũ trụ. Đây là giáo lý vị lai giáo nhất (mirai kyòitsu), “Trong tương lai, tất cả các giáo lý đều được hợp lại thành một, tức Phật pháp”.
Như thường lệ, tiếp theo là sự miêu tả về tình trạng của tất cả các chúng sanh: “Tất cả các chúng sanh ấy, sau khi nghe tiếng nói từ không trung, chắp tay hướng về või Ta-bà mà cất tiếng: "Nam-mô Thích-ca-mâu-ni Phật ! Nam-mô Thích-ca-mâu-ni Phật !"“. Sự miêu tả này trỏ một tiên đoán về tương lai của nhân loại. Hiện nay, một số người không biết đến Phật pháp. Một số người khác không muốn nghiên cứu sâu các giáo lý dù họ đã có được cơ hội tiếp xúc với các giáo lý. Người thì mê đắm vào một ý tưởng sai lầm trong khi người khác thì chẳng nghĩ gì khác ngoài công việc như một kẻ nô lệ. Lại nữa, một số người làm ác, vi phạm đạo đức và luật pháp. Nhưng dù có nhiều loại, nhiều lớp người trong xã hội, thời điểm chắc chắn sẽ đến khi họ toàn tâm quy y đức Phật. Bấy giờ sẽ chẳng có người ác hay kẻ ngu vì tất cả mọi người đều đã thành tựu viên mãn phẩm tính của mình. Trạng thái tâm thức này được gọi là vị lai nhân nhất (mirai - nin'itsu), “trong tương lai, tất cả mọi người đều đạt được sự toàn hảo về phẩm chất của mình”. Đây là ý nghĩa của đoạn: “Tất cả các chúng sanh ấy... cất tiếng: "Nam-mô Thích-ca-mâu-ni Phật ! Nam-mô Thích-ca-mâu-ni Phật !"“.
Một hiện tượng thần bí khác được miêu tả như
sau: “Thế rồi các chúng sanh ấy từ xa rải vào thế giới Ta-bà các thứ hoa, hương
thơm, tràng hoa, lọng cũng như các đồ trang sức, châu ngọc và các thứ tuyệt
diệu khác. Những thứ được rải từ mọi phương như thế giống như mây tụ tập, biến thành
một cái lọng quý. che phủ mọi chỗ phía trên chư Phật”. Hiện tượng này có nghĩa
là trong tương lai, việc tu tập của tất cả mọi người sẽ đều là những thứ cúng
dường như nhau cho đức Phật. Sự cúng dường lớn nhất cho đức Phật là làm cho tất
cả mọi tu tập hàng ngày phù hợp với Phật tâm. Dù có rất nhiều sự tu tập hàng
ngày, nhưng tất cả đều như nhau khi chúng phù hợp với Phật tâm. Điều này được
diễn tả một cách linh động qua đoạn sau:
“Những thứ được rải từ mọi phương như thế giống như
mây tụ tập, biến thành một cái lọng quý, che phủ mọi chỗ phía trên đức Phật”.
Đây là giáo lý vị lai hành nhất (mirai - gyòitsu), nghĩa là dù những tu tập của
người ta nay là đúng hoặc sai theo nhiều cách khác nhau, trong tương lai, tất cả
mọi tu tập của họ cũng sẽ được hợp nhất trong sự việc chúng phù hợp với Phật
tâm.
Làm cho tất cả những tu tập của chúng ta phù hợp với Phật tâm là một tiêu chuẩn quan trọng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta phải có một số hiểu biết về pháp luật và đạo đức. Nhưng trong xã hội có nhiều hành vi mà pháp luật hay đạo đức không quy định là tốt hay xấu. Hơn nữa, pháp luật hay đạo đức thay đổi theo nơi chốn và thời gian. Chúng ta không thể cảm thấy thực sự an toàn nếu như chúng ta không thể dựa vào những tu tập vốn không thay đổi theo thời gian và nơi chốn. Nếu chúng ta theo cái tiêu chuẩn làm cho những tu tập của mình phù hợp với Phật tâm thì lúc nào chúng ta cũng có thể yên tâm hành động và sẽ không bao giờ bị đẩy lệch về những hành vi ác tà. Vì đức Phật là chân lý phổ quát nên việc làm cho những tu tập của chúng ta phù hợp với tâm Ngài nghĩa là hành động phù hợp với chân lý phổ quát. Do làm như thế, chúng ta có thể tránh được lỗi lầm trong mọi tu tập.
Hiện tượng thần bí kế tiếp được miêu tả như sau: “Bấy giờ, mọi thế giới trong vũ trụ được hợp nhất không ngăn ngại như là một quốc độ của Phật”. Thế giới Ta-bà được gọi là cảnh giới của ảo tưởng, trong khi Tịnh Độ được gọi là một cõi đẹp đẽ không có khổ đau và địa ngục là một cõi đại khổ. Nhưng nếu tất cả chúng sanh sống hoàn toàn vì chân lý nhờ vào Phật pháp thì vũ trụ này sẽ hợp nhất thành một cõi Phật không phân biệt giữa cõi Trời, cõi Ta-bà hay cõi địa ngục, vào một lúc nào đó trong tương lai, mọi sự sẽ tiến đến chân lý và sẽ đóng góp vào việc sáng tạo một thế giới hài hòa toàn hảo. Hiện tượng thần bí này biểu hiện giáo lý vị lai lý nhất (mirai - ri'itsu) “trong tương lai, mọi sự trong vũ trụ sẽ hợp thành một chân lý”.
Những hiện tượng thần bí khác nhau được gọi là mười thần lực của đức Như Lai được miêu tả ở đây vì phẩm này gồm cái giáo lý kết cuộc của toàn bộ kinh Pháp Hoa và vì nó trỏ cái lý tưởng tối hậu. Các thuật ngữ Phật học cùng với từng thần lực trong mười thần lực của đức Như Lai đã được giải thích, nhưng quý độc giả cũng chẳng cần phải để tâm ghi nhớ những thuật ngữ Phật học chuyên môn như thế làm gì, chỉ cần hiểu cái tinh thần của những gì được dạy ở đây là đủ.
Đọc đến đây, hẳn chúng ta hiểu được rằng các giáo lý của kinh Pháp Hoa là một sự chuẩn bị toàn hảo và thấu đáo cho việc đưa hết thảy chúng sanh đến sự đạt Phật quả và chúng ta sẽ cảm thấy đội ơn đức Phật vô vàn. Đồng thời chắc chắn chúng ta cũng sẽ cảm thấy rất rõ ràng cuộc đời là đáng sống khi biết đến cái khả năng tiến đến dù là một bước hay hai bước về phía cái trạng thái lý tưởng của tâm thức bằng cách thực hành Phật pháp dù cho việc làm cho lý tưởng thành hiện thực có thể còn xa.
Không gì tốt hơn là có được mục đích cụ thể trong đời. Khi một người cùng một lúc có hai hay ba mục đích thì tâm người ấy luôn luôn bị dao động, không yên tĩnh và ổn định. Tuy nhiên, khi người ấy sống mà chỉ nhắm vào một mục đích cao cả nhất là tiến đến cái trạng thái tâm của đức Phật thì người ấy sẽ không bị lệch khỏi chánh hướng vì người ấy được thâm nhập bởi cái mục đích lớn lao ấy trong công việc, khi ở nhà, trong nhóm các bằng hữu, trong việc đọc sách, trong việc giải trí của mình.
Dĩ nhiên, không thể tránh khỏi việc những người bình thường đôi khi có những ý nghĩ xấu, lười biếng cẩu thả, phạm lỗi lầm, lo toan những chuyện vặt vảnh, ham mê những thú vui chẳng đáng gì và cứ mãi là nạn nhân của nhiều thứ ảo tưởng. Nhưng họ sẽ không lùi xa khỏi mục đích của họ nếu họ ý thức vào việc từng bước tiến đến trạng thái tâm của đức Phật, ngay cả khi họ bị tác động bởi các ảo tưởng. Sở dĩ như thế là vì sự tỉnh giác của họ luôn luôn hoạt động như là một sự phù trợ tâm thức.
Cái trạng thái tâm thức lý tưởng được nêu ở đây có thể có vẻ như quá cao đối với những người bình thường, và một số người có thể xem nó như một giấc mộng rất khác biệt với cuộc sống thực của họ. Họ không nên cảm thấy trạng thái lý tưởng này là một cái gì mơ hồ và trừu tượng mà cần có một sự nhận biết sâu sắc, thực sự về nó. Hơn nữa, họ phải làm cho trạng thái tâm thức này trở thành một mục đích sống động và nó phải hướng dẫn cuộc sống của họ.
Bấy giờ đức Phật nói với Bồ-tát Thượng Hạnh và đại chúng Bồ-tát: “Thần lực của chư Phật là vô lượng vô biên bất khả tư nghì, nếu ta dùng những thần lực này, trải suốt vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp, nhằm giao phó kinh này mà tuyên thuyết công đức của kinh nầy thì Ta cũng không thể tuyên thuyết cho hết được các công đứcấy”.
Nhóm từ “nhằm giao phó kinh này” bao gồm ý nghĩa sau đây: “Dù cần phải có nỗ lực lớn lao để truyền bá giáo pháp này, Ta cũng hy vọng các vị hoàn thành nhiệm vụ”. Nghe được lời này của đức Phật, chúng ta không thể không quyết định thực hiện ngay sứ mạng của đức Phật.
NHỮNG ĐIỂM QUAN TRỌNG CỦA CÁC CÔNG ĐỨC CỦA KINH PHÁP HOA:
Đức Phật dạy rằng Ngài không thể nêu hết những công đức của kinh Pháp Hoa dù cho Ngài có dùng thần lực mà tuyên thuyết chúng suốt vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ kiếp. Ngài nói về những điểm quan trọng của các công đức ấy như sau:
“Nói một cách thiết yếu, tất cả các pháp mà Như Lai có, tất cả các thần lực tự tại của Như Lai; tất cả các bảo tàng bí yếu của Như Lai và những sự việc rất thâm sâu của Như Lai, thảy thảy đều được tuyên bố, tỏ bày, khai mở và giảng giải trong kinh này”. Lời này chứa đựng cái bản tính sâu xa của những công đức của kinh Pháp Hoa.
Trong nhóm từ “tất cả các pháp mà Như Lai có”, các pháp là tất cả những chân lý mà đức Như Lai thể hiện và nêu tỏ trong kinh Pháp Hoa. Các chân lý mà đức Như Lai thể hiện cũng đã được thuyết giảng trong các kinh khác, dù chúng chưa được nêu định một cách trọn vẹn nhưng cũng đã được khai thị như là những giáo lý khéo léo phù hợp với khả năng lĩnh hội của mỗi người. Một chân lý vĩ đại có thể áp dụng ở mọi nơi của vũ trụ được thuyết giảng trong kinh Pháp Hoa, bao gồm tất cả các chân lý và giáo lý khác. Đây là lý do tại sao người ta bảo kinh này là đỉnh điểm của tất cả các giáo lý mà đức Phật Thích-ca đã thuyết giảng trong thời Ngài tại thế. Tất cả những chân lý mà đức Như Lai thể hiện đều được trình bày thấu đáo trong kinh này.
Khi chân lý tuyệt đối mà đức Như Lai thể hiện như là sự nghiệp cứu độ hết thảy chúng sanh thì không ai bị bỏ sót khỏi sự cứu độ của Ngài. Đây là ý nghĩa của cú ngữ “tất cả các thần lực tự tại của Như Lai”. Tất cả các thần lực này của đức Như Lai đều gồm trong kinh Pháp Hoa. Khi ta đọc kinh này, ta có thể được cứu độ, dù chỉ đọc một bài đơn lẻ hay một từ đơn lẻ của kinh, vì chân lý được chứa đựng trong mỗi phần của kinh. Nếu ta hiểu thông suốt cái chân lý lớn lao có thể áp dụng cho toàn bộ kinh Pháp Hoa và thực hành trọn vẹn chân lý ấy thì cuối cùng ta có thể đạt được cùng một trạng thái tâm như đức Phật. Do đó, tất cả các thần lực tự tại của đức Như Lai vốn có thể cứu độ hết thảy chúng sanh đều được chứa đựng trong kinh Pháp Hoa.
Trong cú ngữ “tất cả các bảo tàng bí yếu của Như Lai trỏ sự vô lượng của giáo pháp của đức Như Lai. Ngài thâm nhập vào trạng thái thực sự của mọi sự vật và hiểu rõ khả năng của các chúng sanh về sự lãnh hội giáo lý của Ngài. Do đó, Ngài có thể thuyết giảng một giáo lý từ bảo tàng vô lượng giáo lý trong tâm Ngài thích hợp với từng hoàn cảnh. Bảo tàng vô lượng này được khai thị trong kinh Pháp Hoa.
Trong cú ngữ “những sự việc rất thâm sâu của Như Lai”, từ “sự việc” nghĩa là “thực hành”. Nếu ta không tiến từ lý thuyết sang thực hành trong niềm tin giáo lý thì ta không thể thành tựu viên mãn giáo lý. Lý thuyết và thực hành phải luôn đi đôi với nhau. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật không chỉ giảng giáo lý của Ngài một cách lý thuyết mà Ngài còn trỏ đến những thực hành mà Ngài đã thể hiện, quá trình Ngài đã chứng ngộ và phương pháp dẫn đạo chư đệ tử của Ngài và tất cả chúng sanh. Hơn nữa, không những Ngài bàn đến những sự việc đã xảy ra sau khi Ngài xuất hiện trên đời này mà cả đến những hạnh Bồ-tát mà Ngài đã thực hiện trong vô số đời trước của Ngài. Những tư tưởng sâu kín trong thời gian tu ẩn dật trong thế giới này và những thực hành của Ngài trong các đời sống trước kia thâm thúy đến nỗi những người bình thường không thể tưởng tượng ra được. Đây là ý nghĩa của cú ngữ “những sự việc rất thâm sâu của Như Lai”.
Trong phẩm này, như là giáo lý kết thúc của kinh Pháp Hoa, đức Phật nói rõ lại một cách cô đọng nhằm mục đích sau đây: “Nói một cách thiết yếu, tất cả các chân lý mà Như Lai đã thể hiện, tất cả sự nghiệp cứu độ hết thảy chúng sanh của các chân lý ấy, tất cả các giáo lý đã xuất hiện như là sự vận hành của các chân lý ấy, và tất cả các thực hành cứu độ hết thảy chúng sanh của Như Lai vốn đã được tỏ lộ trong quá khứ, thảy thảy đều được tuyên bố, tỏ bày, khai mở và giảng giải trong kinh này.”(1) Giá trị tối thượng và sự toàn hảo tuyệt đối của kinh Pháp Hoa một lần nữa được xác định bởi lời của chính đức Phật.
Thế rồi đức Phật nêu ra cái trạng thái tâm thức mà người bình thường phải duy trì sau khi đức Như Lai diệt độ: “Do đó sau khi Như Lai diệt độ, các vị phải hết lòng thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng sao chép và tu hành kinh Pháp Hoa theo như giáo lý. Trong bất cứ quốc độ nào, hễ kinh được thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng, sao chép, tu hành theo như giáo lý, hoặc tại một nơi có giữ một quyển kinh này, hoặc ở trong một ngôi chùa, hoặc ở trong một khu rừng, hoặc ở dưới một cội cây, hoặc trong một tinh xá, hoặc ở trong một ngôi nhà của cư sĩ, hoặc trong điện các, nơi sơn cốc, nơi đồng bằng, nơi hoang dã, tại tất cả những nơi này, các vị phải dựng tháp cúng dường. Tại sao ? Các vị nên biết rằng tất cả những chỗ này đều là đạo tràng. Tại các nơi này, chư Phật chứng đắc Toàn Giác; tại các nơi này, chư Phật chuyển bánh xe Pháp; tại các nơi này, chư Phật nhập Niết-bàn”.
Ở đây đức Phật nhấn mạnh Thánh tính của chính giáo lý của Ngài và dạy rõ rằng phương cách đúng đắn để duy trì niềm tin là thọ trì và tu tập các giáo lý. Theo đó, “một nơi có giữ một quyển kinh này” cần được hiểu rằng đấy không phải là nơi kinh được giữ như một đồ vật mà là nơi giáo lý được lưu tồn hay được thực hành đúng đắn và được duy trì. Hiểu kinh theo ý nghĩa một đồ vật vật chất - một tập sách hay một cuộn giấy - là sai, như chúng ta có thể thấy cái tinh thần thấm đượm trong đoạn văn đã được trích dẫn trên đây.
Tại sao ta phải đòi hỏi quá nhiều ở việc hiểu ý nghĩa của một từ đơn lẻ ? Đấy là vì có thể rằng ta xem cái gì đó tượng trưng cho giáo lý là tối cao tối trọng hơn chính giáo lý và do cứ miệt mài theo cái tượng trưng, ta bị đưa đến sự ham mê một niềm tin lầm lạc. Cái gì tượng trưng cho giáo lý quả thực là thiêng liêng. Nhưng nếu ta chỉ miệt mài vào nó mà thôi, xem nó là tối thượng hoặc nếu ta tôn kính nó để được cứu độ thì đấy là ta hạ thấp giáo lý cao cả của đức Phật xuống tới cấp độ của tôn giáo dân dã. Làm như thế là một sự phỉ báng lớn lao đối với Phật pháp. Thánh tính chính là các giáo lý của đức Phật, như Ngài đã khai thị ở đây. Một niềm tin chân chính hiện hữu tại bất cứ chỗ nào ta thọ trì, tu tập giáo lý thiêng liêng. Ta phải ghi nhớ điều này vì nó quan trọng đến nỗi nó tạo nền tảng cho cuộc sống hàng ngày của ta.
Kế đến, đức Phật trùng tuyên giáo lý của Ngài bằng kệ. Dù các câu kệ vốn có cùng ý nghĩa với đoạn văn xuôi ở trước, những giải thích ngắn cũng được nêu ra bằng những câu kệ trong đó đức Phật dùng những từ ngữ có ý nghĩa khác với những từ ngữ trong các đoạn văn xuôi tương ứng.
Về các công đức của những người thọ trì và tu hành kinh này, đức Phật dạy:
“Người giữ được kinh này
Là kẻ thấy được Ta
Cũng thấy Phật Đa Bảo
Và Phân thân của Ta
Lại thấy ngày nay Ta
Giáo huấn các Bồ-tát”.
Như đức Phật dạy ở đây, một người dốc lòng thọ trì và tu tập kinh này có thể nhìn thấy đức Phật. Như trước đây đã giải thích, nhìn thấy đức Phật nghĩa là thể hội sự hiện hữu thực sự của đức Phật. Nhờ sự thể hội này, chúng ta đạt được sự bình an của tâm. Tiếp đến, đức Phật dạy:
“Người giữ được kinh này,
Khiến Ta và Phân thân
Cùng với Phật Đa Bảo
Đang tại cõi Tịch diệt
Tất cả đều hoan hỷ
Cũng thấy và cúng dường
Phật mười phương, hiện tại,
Quá khứ và vị lai
Khiến chư Phật hoan hỷ”.
Tóm lại, đoạn này nghĩa là một người thọ trì và tu hành kinh này chắc chắn sẽ khiến cho hết thảy chư Phật hoan hỷ. Đấy là vì các hành vi của người ấy phù hợp với tâm của tất cả chư Phật và tương đương với sự đại cúng dường đối với chư Phật. Thế rồi đức Phật dạy:
“Người giữ được kinh này,
Không lâu sẽ chứng đắc
Thảy các pháp bí yếu
Mà chư Phật chứng đắc
Khi ngồi tại Đạo trường”.
Đoạn này có nghĩa là một người
thọ trì và tu hành kinh này thì chẳng bao lâu chắc chắn thế nào cũng đạt tuệ
thâm sâu mà chư Phật đã chứng đạt trên tòa tại Đạo trường. Tuy nhiên, không nên
hiểu từ “không lâu” theo ý nghĩa thời gian trong thế giới này. Những người bình
thường phải tu tập giáo lý của đức Phật suốt một thời gian rất dài của bốn hoặc
tám lần tái sinh. Nhưng dù cái thời gian dài như thế cũng rất ngắn theo quan
điểm sự sống vĩnh cửu.
Đức Phật dạy tiếp:
“Người giữ được kinh này
Sẽ vui giảng không cùng
Ý nghĩa của các Pháp
Cùng từ ngữ, biểu cú
Như gió thổi trên không
Thảy thảy không chướng ngại”.
Đoạn này nghĩa là một người dốc lòng thọ trì và tu hành kinh này sẽ đạt được cái năng lực thuyết giảng mọi pháp cho người khác một cách tựtại. Đức Phật kết thúc bằng đoạn kệ sau đây:
“Như Lai nhập diệt rồi,
Biết kinh Phật đã dạy,
Nhân duyên và trình tự
Người ấy giảng nghĩa thật.
Như ánh sáng nhật nguyệt
Có thể xua bóng tối,
Người ấy tại thế gian
Xua ám cho chúng sanh,
Khiến vô lượng Bồ-tát
Sau cùng trú Nhất thừa.
Do đó người có trí,
Sau khi Ta diệt độ
Nghe được những lợi lạc
Của công đức này đây,
Cần thọ trì kinh này,
Người ấy trong Phật đạo
Quyết định, chẳng nghi ngờ”.
Đoạn này nghĩa là sau khi đức Như Lai diệt độ, một người biết được đức Phật đã thuyết giảng các giáo lý của Ngài vì lý do gì, cho ai và tại đâu, cùng với cách lập luận và trình tự của các giáo lý ấy, và người ấy có thể giảng giải đúng đắn các giáo lý ấy theo thực nghĩa của chúng, thì người ấy có thể xua tan sự u ám của những người khác giống như mặt trời và mặt trăng loại trừ bóng tối. Và người này cũng có thể khiến cho vô số tín giả nhập đạo Nhất thừa. Do đó, khi một người suy nghĩ sâu xa về cuộc đời của mình - một người có trí tuệ - nghe được những lợi lạc của công đức này, sau khi đức Phật nhập diệt, người ấy nên thọ trì kinh này. Người nào suy nghĩ sâu xa về cuộc đời thì sẽ đạt được kinh này. Chẳng nghi ngờ gì, thế nào người ấy cũng đạt được Phật đạo.
Bài kệ kết thúc này, như là giáo lý kết thúc của kinh Pháp Hoa, thâm sâu và thiêng liêng nhất. Nó được xem là một trong những bài kệ quan trọng nhất của toàn bộ kinh Pháp Hoa. Chúng ta cần phải nắm chắc ý nghĩa của bài kệ này và phải tụng thuộc lòng nó cho được.