ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ
KINH PHÁP HOA
Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism
For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose
Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997
PHẦN BA
KINH QUÁN PHỔ HIỀN BỒ-TÁT
GIẢNG PHÁP
SÁU ĐỐI TƯỢNG TƯ DUY.
Đức Phật dạy tiếp: “Xuất khỏi định, người ấy sẽ
thấy trước mặt mình có tất cả các đức Phật Phân thân đang ngồi trên các tòa sư
tử dưới các cây báu.
Người ấy cũng sẽ thấy đất lưu ly từ hư không phía
dưới vọt lên giống như những khóm sen; giữa mỗi hoa, có chư Bồ-tát nhiều như
bụi nhỏ đang ngồi kiết-già. Người ấy cũng sẽ thấy chư Bồ-tát phân thân từ
Bồ-tát Phổ Hiền đang ca ngợi Đại thừa trong chúng hội của chư vị.
“Bấy giờ chư Bồ-tát mỗi người một miệng nhưng đồng thanh âm sẽ khiến hành giả thanh tịnh sáu căn. Có vị sẽ bảo rằng: "Ông nên niệm Phật"; có vị sẽ bảo: "Ông nên niệm Pháp”; có vị sẽ bảo: "Ông nên niệm Tăng"; có vị sẽ bảo: "Ông nên niệm Giới"; có vị sẽ bảo: "Ông nên niệm Thí"; có vị sẽ bảo:"Ông nên niệm Thiên". Và chư Bồ-tát sẽ giảng thêm rằng: "Sáu pháp này là tâm Bồ-đề, là những pháp sinh ra chư Bồ-tát.Nay trước mặt chư Phật, Ông nên phát lộ các tội lỗi đã phạm trước kia và chí thành sám hối"“.
Ở đây chư Bồ-tát dạy cho hành giả phải làm gì để thanh tịnh sáu căn của mình. Điều này có nghĩa là người ấy xem xét và tư duy về sự bất toàn của mình khi so sánh sự tu tập của mình với sự tu tập của chư Bồ-tát như được kể trong các kinh điển Đại thừa. Đây được xem như âm thanh vang đến từ trên trời. Âm thanh thứ nhất bảo hành giả: “Ông nên niệm Phật”. Âm thanh này bảo vị ấy: “Ông tự tin rằng đã quy y Phật nhưng sự quy y của ông chưa trọn vẹn. Ông sẽ chẳng phải là một tín giả chân chính nếu như Ông không nỗ lực thật nhiều hơn nữa để kính lễ đức Phật”. Một âm thanh khác bảo hành giả: “Ông nên niệm Pháp”. Âm thanh này bảo vị ấy: “Ông tự hãnh diện rằng Ông tinh cần đến nỗi đã hoàn toàn hiểu Phật pháp ư ? Ông không tự kiêu khi nghĩ như thế chứ ? Phật pháp rất thâm sâu. Nếu Ông không nghiên cứu và không hiểu Phật pháp một cách thâm sâu thì thực sự Ông chẳng hiểu Phật pháp”.
Tuy thế, một âm thành khác lại bảo hành giả:
“Ông nên niệm Tăng”. Âm thanh này chỉ trích vị ấy: “Sự thống nhất và hòa hợp
của các tín giả là tuyệt đối cần thiết để quảng bá Phật pháp trên đời này. Ông
đã nỗ lực thể hiện hai điều thiết yếu này đối với Tăng-già chưa ? Sự nỗ lực của
Ông đã đủ chưa ?
Ông phải gỡ bỏ tính tự kỷ ra khỏi tâm Ông và tận
tụy đối với cộng đồng các tín hữu”.
Một âm thanh khác hỏi xem hành giả có giữ giới luật mà đức Phật đã trao hay không; trong khi một âm thanh khác hỏi hành giả đã đạt được cấp độ tâm thức của chư Thiên chưa, đấy là cấp độ tự tại đối với ảo tưởng và khổ đau.
Những âm thanh khác nữa thì bảo rằng hành giả sẽ đạt ngộ khi vị ấy thành tựu viên mãn sáu điều tiên quyết - Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí (bố thí), và Thiên (chư Thiên) - và rằng việc thực hành sáu điều tiên quyết này là cách để trở thành một vị Bồ-tát. Do đó, hành giả phải phát lộ sự bất toàn của mình trước chư Phật và chân thành sám hối.
CÁC TỘI LỖI VỀ MẮT
Cái tinh thần sám hối mà hành giả phải duy trì được nêu rõ trong đoạn sau đây: “Trong vô lượng đời trước, do nhãn căn (mắt), ông đã tham trước các sắc tướng. Do tham trước các sắc tướng, ông tham ái các bụi trần.(1) Do tham ái các bụi trần, Ông mang thân của người nữ và đắm mình vào sắc tướng khắp mọi chốn mà Ông thọ sinh từ đời này sang đời khác. Sắc tướng làm hại mắt Ông, khiến Ông trở thành kẻ nô lệ của ân ái. Do đó mà sắc tưởng làm cho Ông lang thang khắp ba cõi. Điều tệ hại này khiến cho Ông mù quáng chẳng thấy gì cả. Nay Ông đã tụng các kinh Phương quảng Đại thừa. Trong các kinh này, chư Phật ở mười phương giảng rằng sắc thân của chư vị là bất diệt. Nay Ông đã có thể nhìn thấy được chư vị ấy - chẳng thực như thế sao ?
Nhãn căn xấu ác thường gây hại nhiều cho Ông. Vâng theo lời ta, Ông phải quy y chư Phật và đức Phật Thích-ca-mâu-ni và phát lộ các tội lỗi do mắt gây nên: "Pháp thủy của tuệ nhãn của chư Phật và chư Bồ-tát ! Xin dùng nước của Pháp này mà rửa sạch con, khiến con được thanh tịnh !".
“Sau khi nói như thế, hành giả phải bái lạy khắp chư Phật ở mười phương, hướng về đức Phật Thích-ca-mâu-ni và các kinh điển Đại thừa rồi nói rằng:
"Các trọng tội thuộc nhãn căn con mà nay con sám hối là những chướng ngại và ô uế đến nỗi làm cho con mù quáng không thể thấy được gì cả. xin đức Phật đại từ bi thương xót và che chở con ! Xin Bồ-tát Phổ Hiền trên thuyền Đại pháp cứu độ khắp tất cả, cùng vô lượng Bồ-tát ở mười phương của ngài, thương xót mà hãy cho con nghe pháp sám hối các tội lỗi xấu ác nghiệp chướng !". “Nói như thế ba lần, hành giả phải sụp dưới đất, chánh niệm Đại thừa tâm không bỏ quên. Đây gọi là pháp sám hối tội lỗi về mắt. Nếu có ai xưng danh chư Phật, đốt hương, rải hoa, phát ý Đại thừa, treo lụa, phướn, lọng nói lên những lầm lỗi của mắt, sám hối tội lỗi của mình thì người ấy ngay trong đời hiện tại sẽ nhìn thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni và vô lượng đức Phật phân thân từ Ngài, suốt a-tăng-kỳ kiếp sẽ không bị rơi vào đường ác. Nhờ năng lực và hạnh nguyện của Đại thừa, người ấy sẽ trở thành quyến thuộc của chư Phật cùng với hết thảy chư Bồ-tát đà-la-ni. Ai tư duy như thế người ấy là người có chánh niệm. Nếu ai tư duy khác đi thì gọi là người có tà niệm. Đây là tướng trạng của giai đoạn thứ nhất của sự thanh tịnh nhãn căn.”
Kế đến, đức Phật dạy hành giả không nên bằng lòng với sự thanh tịnh nhãn căn mà phải thực hành sám hối nhiều hơn nữa. Đức Phật nêu rõ người ấy phải làm thế nào qua đoạn sau đây: “Sau khi thanh tịnh nhãn căn, hành giả phải nên đọc tụng các kinh Đại thừa nhiều hơn nữa, ngày đêm sáu thời quỳ mà sám hối và nên bảo rằng: "Tại sao ta chỉ trông thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni và chư Phật phân thân từ Ngài mà lại không thể trông thấy xá-lợi của toàn thân đức Phật trong tháp của đức Phật Đa Bảo ? Tháp của đức Phật Đa Bảo vẫn mãi tồn tại không bị hủy diệt. Ta vì có mắt dơ bẩn xấu ác nên không thể nhìn thấy tháp ấy". Sau khi nói như thế, hành giả lại cần phải thực hành sám hối thêm nữa”.
Như được giảng ở phẩm 11 của kinh Pháp Hoa, đức Phật Đa Bảo xuất hiện để chứng nhận rằng tất cả những gì đức Như Lai Thích-ca-mâu-ni nói đều đúng thực. Do đó, hành giả phải kiên quyết đối với tự mình và chớ dối mình. Nếu người ấy chưa hiểu đầy đủ một giáo lý nào trong các giáo lý của đức Phật, người ấy phải tự phê phán mình và phải ân hận về sự thiếu sót ấy của mình. Sau bảy ngày, sám hối của người ấy sẽ được đền đáp như sau:
“Sau bảy ngày, tháp của đức Phật Đa Bảo sẽ từ đất vọt lên. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni sẽ dùng tay phải mở cửa tháp, trong tháp có đức Phật Đa Bảo nhập tam-muội Phổ hiện sắc thân. Từ mỗi lỗ chân lông của Ngài phát ra những tia sáng nhiều như bụi của cát sông Hằng. Trong mỗi tia sáng có trăm ngàn vạn ức vị Hóa Phật. Khi tướng trạng ấy xuất hiện, hành giả sẽ vui mừng, nói kệ ca ngợi mà nhiễu quanh tháp bảy lần. Khi người ấy đã đi quanh tháp bảy lần, đức Như Lai Đa Bảo cất tiếng ca ngợi người ấy: "Này Pháp tử, nay quả thật Ông đã thực hành được Đại thừa và đã vâng theo ngài Phổ Hiền mà sám hối các tội lỗi về nhãn căn. Vì lý do ấy, ta đến đây mà chứng minh cho Ông". Nói thế xong, đức Như Lai Đa bảo ca ngợi: "Hay thay ! Hay thay ! Đức Phật Thích-ca-mâu-ni ! Ngài có thể thuyết giảng Đại pháp, tưới mưa Đại pháp, khiến cho mọi chúng sanh bị ô nhiễm thành tựu Phật tính của họ". Bấy giờ hành giả sau khi nhìn thấy tháp của đức Phật Đa Bảo, lại đến chỗ Bồ-tát Phổ Hiền, chấp tay kính lễ mà tác bạch: "Bạch Đại sư! Xin ngài chỉ dạy cho con sám hối các lỗi lầm".
“Tam-muội Phổ hiện sắc thân” nghĩa là phép Thiền định trong đó thân thể hay sắc tướng của đức Phật Đa Bảo xuất hiện khắp nơi. Biểu này dạy ta rằng nếu ta đạt đến giai đoạn thể nghiệm hoàn toàn chân lý tuyệt đối của Phật pháp thì ta có thể nhìn thấy đức Phật Đa Bảo bất cứ lúc nào.
CÁC TỘI LỖI VỀ TAI.
Đức Phật dạy tiếp: “Ngài Phổ Hiền lại bảo hành giả: "Trải qua nhiều kiếp, do bởi nhĩ căn (tai), Ông cứ đeo đuổi âm thanh bên ngoài, khi Ông nghe được âm thanh vi diệu thì tâm sinh cảm luyến, khi Ông nghe âm thanh xấu ác thì tâm khởi lên một trăm lẻ tám phiền não. Hậu quả ấy của sự việc Ông nghe các âm thanh xấu ác tạo ra các điều xấu ác và việc Ông cứ mãi nghe các âm thanh xấu ác sản sinh nhiều phiền toái khác nhau. Do sự nghe điên đảo của Ông, Ông sẽ rơi vào các đường xấu, vào các nơi xa xôi đầy tà kiến, tại đấy người ta không thể nghe được Chánh pháp. Ngày nay, Ông đã tụng và trì Đại thừa vốn là kho biển chứa các công đức. Do như vậy, Ông đã trông thấy chư Phật ở mười phương và tháp của đức Phật Đa Bảo xuất hiện đã xác chứng cho Ông. Ông phải tự mình thố lộ những sai lầm, những thứ xấu ác của chính Ông và phải sám hối tất cả tội lỗi của Ông"“.
Sự khuyên bảo tốt lành cho mọi người được bao gồm trong đoạn trên. Những người bình thường có cái khuynh hướng đáng tiếc là lấy làm khó chịu về những gì người khác nói. Tệ nhất là thói quen này biểu lộ trong câu chuyện tầm phào. Khi ta diễn dịch những gì người khác nói mà ta không tán đồng thì ta sẽ bị ám ảnh bởi thành kiến và ấp ủ cái tinh thần thù hận. Ta phải hết sức cẩn thận để ngăn chặn thói quen như thế trong đời sống hàng ngày của ta.
“Khi hành giả nghe như vậy thì phải càng nên chắp tay, rạp mình xuống đất mà lễ bái và bạch: “Bạch đức Thế Tôn Chánh Biến Tri ! Xin Ngài hiện thân mà chứng minh cho con ! Các kinh Phương Đẳng là những vị chủ đạo về từ bi. Xin Ngài quán xét con mà nghe những lời nói của con!"“. Câu “Các kinh Phương Đẳng là những vị chủ của từ bi” là quan trọng nhất. Nó trỏ ý rằng giáo lý Đại thừa là những vị chủ đạo về từ bi, rằng giáo lý này là nền tảng của sự thực hành từ bi. Người ta không thể thực sự nêu cao tinh thần từ bi và thể hiện những hành động từ bi nếu người ta không hiểu rằng tất cả mọi người đều có Phật tính.
“"Con từ nhiều kiếp đến nay, do bởi nhĩ căn của con, con đã bị ràng buộc vào các âm thanh xấu ác, giống như keo dính vào cỏ; sự việc con nghe các âm thành xấu ác tạo ra chất độc phiền não ràng buộc với mọi hoàn cảnh và con không thể ngưng nghỉ trong phút chốc nào được; sự việc con tạo nên các âm thanh xấu ác làm mệt mỏi tinh thần con và khiến con rơi vào ba đường xấu ác. Nay con mới hiểu được điều ấy, con xin hướng đến chư Thế Tôn mà phát lộ và sám hối". Sau khi sám hối như thế, hành giả sẽ thấy đức Phật Đa Bảo phóng một tia sáng lớn có màu của vàng chiếu khắp phương Đông cũng như khắp thế giới ở mười phương, tại đấy vô lượng chư Phật xuất hiện với thân có màu vàng ròng. Ở phương Đông, trên không trung có tiếng vang lên:
"Đây là một vị Phật, hiệu là Thiện Đức, cũng có vô số Phật Phân thân đang ngồi kiết-già trên các tòa sư tử dưới các cây báu. Tất cả các đức Thế Tôn ấy nhập vào tam-muội Phổ hiện sắc thân, đều nói lời tán thán hành giả rằng: "Hay thay ! Hay thay! Thiện nam tử ! Nay Ông đã đọc tụng các kinh điển Đại thừa, những gì Ông đã tụng là cảnh giới của Phật"“.
Sau khi sám hối như thế, hành giả càng thanh tịnh thân mình nhiều hơn và biết chắc được rằng mình đang theo con đường đưa đến cảnh giới tâm linh của một vị Phật. Bồ-tát Phổ Hiền khuyến khích hành giả thực hành sám hối nhiều hơn nữa: “Sau khi những lời ấy được nói lên, Bồ-tát Phổ Hiền sẽ lại giảng thêm cho hành giả về pháp sám hối:
"Trong vô lượng đời trước của Ông, do Ông tham trước vào các mùi hương nên sự phân biệt và nhận thức của Ông bị ràng buộc vào mọi hoàn cảnh và Ông bị rơi vào sinh tử. Nay Ông nên quán về nguyên nhân của Đại thừa ! Nguyên nhân của Đại thừa là thực tướng của các pháp".
“Nghe được như thế, hành giả cần phải sụp mình xuống đất mà sám hối nhiều hơn nữa. Sau khi sám hối, người ấy nên tác bạch rằng: "Nam-mô Thích-ca-mâu-ni Phật ! Nam-mô Đa Bảo Phật Tháp ! Nam-mô Thập phương Thích-ca-mâu-ni Phật Phân thân chư Phật !(1)" Sau khi tác bạch như thế, vị ấy cần lễ bái khắp chư Phật ở mười phương: "Nam-mô Đông phương Phổ Đức Phật" và đảnh lễ chư Phật phân thân từ đức Phật Phổ Đức. Hành giả phải dốc lòng lễ bái chư Phật ấy như chính mắt mình đang nhìn thấy chư vị và cúng dường chư vị bằng hoa, hương. Sau khi lễ bái chư Phật ấy, vị ấy phải chắp tay quỳ xuống, tán thán chư Phật bằng nhiều bài kệ khác nhau. Tán thán xong, vị ấy phải nói về Mười nghiệp ác và sám hối mọi tội lỗi của mình. Sám hối xong, vị ấy nên tác bạch: "Suốt vô lượng kiếp của các đời trước của con, con đã tham đắm hương, vị, xúc, đã tạo nhiều thứ nghiệp xấu ác. Do thế nên trong vô lượng đời trước đến nay, con phải luôn mang những cái thân xấu ác ở các cõi địa ngục, quỷ đói, súc sanh, chốn xa xôi(1) của những tà kiến. Hôm nay con xin phát lộ những nghiệp xấu ác ấy, con xin quy hướng chư Phật, những vị vua của Chánh pháp, xin nói ra các tội lỗi của con và xin sám hối"“.
“Sám hối như thế xong, thân và tâm không biếng lười, hành giả lại phải càng đọc tụng các kinh điển Đại thừa. Do năng lực của Đại thừa, từ không trung có âm thanh vang lên: "Này Pháp tử, nay ông nên ca ngợi và thuyết giảng Đại thừa, hướng đến chư Phật ở mười phương và tự nói lên những lỗi lầm của mình trước mặt chư vị ấy. Chư Phật, chư Như Lai là những đấng từ phụ củaÔng"“.
Câu “Chư Phật, chư Như Lai là những đấng từ phụ của Ông” rất quan trọng. Vì hành giả không ngừng thực hành sám hối cho đến chỗ nghiêm khắc một cách cùng cực với chính mình nên một số người do cái nhìn hời hợt về sự sám hối ấy, có thể cảm thấy bị thúc ép. Những người khác thì có thể xem vị hành giả sám hối ấy như một con người đáng thương hại đang run lên vì sợ hãi và sụp mình trước một người cầm quyền đang nghiêm khắc xem xét tội lỗi của mình, thú tội và cầu xin người cầm quyền tha thứ. Tuy nhiên ý tưởng như thế thật là sai lầm. Chư Phật là những người cha từ ái của chúng ta, chỉ nghĩ đến việc cứu độ hết thảy chúng sanh. Do đó, chư Phật khen ngợi chúng ta vì qua sự sám hối, chúng ta gỡ bỏ dần những ô nhiễm khỏi tâm mình. Chúng ta không thực hành sám hối vì sợ chư Phật mà vì hy vọng được sự khen ngợi của chư Phật là những vị mà chúng ta hằng ấp ủ lòng mong mỏi, khát khao. Câu “Chư Phật, chư Như Lai là những đấng từ phụ của Ông” có ý nghĩa sâu xa như thế.
CÁC TỘI LỖI VỀ LƯỠI (Sự nói năng).
Sau đây là sự miêu tả về sự sám hối các tội lỗi về lưỡi. Lưỡi của người ta, bị tác động bởi những ý nghĩ xấu, tạo ra nhiều thứ tội lỗi khác nhau. Sửa chữa những thứ ấy là cần thiết cho việc sửa chữa tâm mình. Mặt khác, lời nói bất cẩn thường khiến người ta phát triển những ý nghĩ xấu. Ta phải đặc biệt cẩn thận về cách nói năng của ta vì cả ý nghĩ lẫn lời nói đều có thể là nguyên nhân cũng như kết quả của sự xấu ác.
“Ông nên tự nói về những nghiệp xấu ác do thiệt căn (lưỡi) gây nên. "Thiệt căn này bị tác động bởi các nghiệp xấu ác khiến con nói bậy, nói thêu dệt, ác khẩu, nói lời hai lưỡi, phỉ báng, nói dối, tán thán tà kiến, nói lời vô ích. Do nhiều nghiệp xấu ác phức tạp như vậy, con đã gây ra những đấu tranh bất đồng và con đã nói Pháp thành ra không phải Pháp. Nay con xin sám hối tất cả các tội lỗi ấy của con”.
“Nói lời vô ích” có thể xem là không đặc biệt gây hại. Tuy nhiên, nếu một người thích thú trong cuộc nói chuyện tầm phào, tâm người ấy sẽ trở nên chậm lụt và sẽ ra khỏi cái thói quen suy nghĩ và bàn thảo những điều có ý nghĩa. Đây là lý do tại sao chúng ta phải cố gắng tránh sự nói chuyện vô bổ và vô nghĩa.
“Sau khi tác bạch như thế trước các bậc Thế
Hùng, hành giả phải sụp mình xuống đất mà lễ lạy khắp chư Phật ở mười phương,
rồi chắp tay quỳ mà bạch rằng: "Các lỗi lầm về việc nói năng này thì vô
lượng vô biên. Tất cả gai của ác nghiệp từ thiệt căn phát sinh ra, bánh xe
Chánh pháp bị cắt đứt do bởi thiệt căn này. Thiệt căn xấu ác này cắt đứt các
hạt mầm của công đức. Sự thuyết giảng những điều vô nghĩa thường được áp đặt
vào những người khác. Ca ngợi tà kiến cũng giống như thêm củi vào lửa, như càng
làm hại chúng sanh vốn đã khổ vì lửa cháy mạnh. Đấy cũng giống như người chết
vì uống thuốc độc không để lộ vết thương hay mụt nhọt. Kết quả của các tội lỗi
như thế là ác, tà, bất thiện, và khiến cho con phải rơi vào các ác đạo suốt
trăm kiếp, ngàn kiếp. Nói dối khiến con phải rơi vào địa ngục lớn. Nay con quy hướng
chư Phật ở phương
“Khi hành giả suy nghĩ như thế, từ hư không sẽ
có một âm thanh vang lên: "Ở phương
“Khi ấy chư Phật sẽ phóng ánh sáng chiếu vào thân hành giả, khiến thân và tâm của hành giả tự nhiên hoan hỷ, khởi lòng đại từ bi, nhớ tưởng đến tất cả mọi sự. Bấy giờ chư Phật sẽ rộng giảng cho hành giả về pháp đại từ bi hỷ xả và cũng dạy cho hành giả nói lời nhu ái, thực hành sáu hòa kính. Thế rồi hành giả sau khi nghe lời phán dạy ấy, tâm rất vui mừng, sẽ lại càng tụng đọc và tu tập lời dạy ấy, không biết lười ngưng nghỉ”.
Hỷ và xả là hai trong bốn công đức vô lượng(1). Công đức vô lượng về hỷ nghĩa là vui khi thấy những người khác được hạnh phúc. Công đức vô lượng về xả nghĩa là từ bỏ sự ràng buộc vào những lợi lạc mà mình cho người khác và vào những tai hại mà chính mình nhận từ kẻ thù. Hiểu chung “hỷ và xả” trỏ một thái độ tâm thức trong đó người ta từ bỏ mọi ràng buộc và chỉ nghĩ đến lợi lạc của người khác.
Biểu ngữ “lời nhu ái” nghĩa là lời nói đầy tình cảm, một trong bốn đức hạnh của vị Bồ-tát. “Sáu hòa kính” là sáu loại thực hành qua đó hàng tín giả hòa hợp và tôn trọng nhau trong quá trình mong cầu chứng ngộ.
(1) Tức tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả (N.D.)
CÁC TỘI LỖI VỀ THÂN VÀ TÂM.
Đức Phật dạy tiếp: “Từ hư không lại có âm thanh vi diệu vang lên: "Nay Ông nên thực hành sám hối về thân và tâm. Cáctội lỗi về thân là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, trong khi đó các tội lỗi về tâm là suy nghĩ những điều xấu ác. Tạo ra mười nghiệp xấu ác và năm tội khốc liệt(1) thì giống như khỉ vượn, như keo nhựa, dính mắc tham trước vào mọi chỗ, đến khắp sáu căn của chúng sanh hữu tình. Các nghiệp của sáu căn này cùng với các nhánh, cành, hoa lá của chúng đầy khắp hai mươi lăm trú xứ, khắp mọi nơi có chúng sanh sinh ra. Các nghiệp ấy cũng làm tăng trưởng mười hai sự khổ gồm từ vô minh cho đến lão tử; tám tà(2), tám nạn, không thứ nào là không phải trải qua. Nay ông nên sám hối về các nghiệp xấu ác như thế !"“
Năm tội khốc liệt là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm bị thương thân của đức Phật, và phá sự hòa hợp của cộng đồng Tăng chúng. Những ai phạm năm tội này sẽ bị rơi vào địa ngục A-tỳ (Avìci). Hai mươi lăm trú xứ của các chúng sanh là bốn cõi xấu ác (địa ngục, súc sanh, quỷ đói, A-tu-la), bốn châu lục của cõi người, sáu cõi trời của dục giới, bảy cõi trời của sắc giới, và bốn cõi trời của vô sắc giới. Tám nạn trỏ tám hoàn cảnh khiến người ta không thể nhìn thấy được đức Phật hoặc không nghe được Chánh pháp; đó là: địa ngục, súc sanh, quỷ đói, cõi trời có thọ mạng lâu dài, các vùng hoang dã, trạng thái mù và điếc, thành kiến thế tục, thời không có đức Phật.
“Hành giả nghe được như thế xong liền hỏi âm thanh ở không trung ấy rằng: "Nay con có thể thực hành pháp sám hối tại chỗ nào ?"
“Âm thanh ở không trung liền đáp: "Đức Phật Thích-ca-mâu-ni được gọi là Tỳ-lô-giá-na Biến Nhứt Thiết Xứ và nơi ở của Ngài tên là Thường Tịch Quang, nơi này được hình thành bởi Ba-la-mật Thường hằng và được an lập bởi Ba-la-mật Tự ngã, là nơi của Ba-la-mật Diệt thọ tưởng, là nơi mà Ba-la-mật Tịnh lạc diệt tướng trạng của hữu và là nơi không thấy tướng trạng của các pháp hữu và vô, là nơi của giải thoát tịch tịnh..., Ba-la-mật Trí tuệ. Vì đấy là pháp thường hằng, Ông nên quán niệm chư Phật ở mười phương”.
Các biểu ngữ “Tỳ-lô-giá-na Biến Nhứt Thiết Xứ” và “Thường Tịch Quang” cũng như các biểu ngữ sau đó, nghĩa là sự vượt khỏi mọi giới hạn của thời gian và không gian, được xây dựng trên ý niệm về Sunya hay không (sẽ được giải thích dưới đây). Một cách tích cực, Sunya có nghĩa là tính phổ quát tuyệt đối của đức Phật và cõi Phật.
“Bấy giờ chư Phật ở mười phương mỗi vị đều duỗi tay phải xoa đầu hành giả mà dạy: "Hay thay! Hay thay ! Thiện nam tử ! Vì ông đã tụng đọc kinh Đại thừa nên chư Phật ở mười phương sẽ giảng pháp sám hối. Những gì chư Bồ-tát làm không phải là dứt đoạn phiền não, cũng không trụ vào biển phiền não. Hãy quán tâm là vô tâm. Tâm từ cái tưởng điên đảo mà khởi thì đấy chỉ là cái tâm của tưởng điên đảo ấy. Tâm từ cái tưởng hư vọng mà khởi thì đấy cũng như gió trên không trung không có chỗ tựa chỗ dừng. Những tướng trạng của pháp như thế thì không sinh không diệt, vậy cái gì là tội lỗi, cái gì là phước đức ? Tâm ta tự nó không thì tội lỗi và phước đức cũng không có(1). Tất cả các pháp cũng như thế, không ổn trụ cũng không hư hoại. Hãy quán tâm là vô tâm, pháp không trụ trong pháp. Các pháp đều là giải thoát, là diệt đế, tịch tịnh. Suy tưởng như thế gọi là sự sám hối lớn lao, là sự sám hối
trang nghiêm, là sự sám hối không có tướng trạng của tội lỗi, và là sự phá hoại cái tâm phân biệt. Người thực hành sự sám hối này có thân và tâm thanh tịnh, không bị gắn chặt vào pháp, giống như dòng nước vậy. Trong từng ý nghĩ, người ấy đều được thấy Bồ-tát Phổ Hiền và chư Phật ở mười phương"“(1).
“Bấy giờ chư Thế Tôn phóng ánh sáng đại từ bi thuyết giảng pháp vô tướng cho hành giả. Hành giả nghe chư Thế Tôn thuyết giảng về cái Không đệ nhất nghĩa. Khi hành giả nghe xong, tâm không sợ hãi, ngay đó liền nhập vào địa vị thực sự của Bồ-tát”.
“Phiền não” (hay kiết sử) là một thuật ngữ Phật học chỉ sự ô nhiễm, nó gắn kết (kiết) con người vào luân hồi và khiến (sử) con người đến các cảnh giới của khổ đau. Sự thực hành của Bồ-tát là con đường ở giữa sự khổ hạnh quá đáng và sự lạc thú quá đáng.
Các từ “tự nó là không”, “không”, từ tiếng Phạn là Sùnya hay sùnyatà, có nghĩa thứ nhất là vô bản chất và nghĩa thứ hai là vô chấp trước (không ràng buộc). Biểu cú “tội lỗi và phước đức cũng không có”(2) nghĩa là cái trạng thái vô chấp, tức là sùnya. Khi một người đạt đến trạng thái vô chấp thì vấn đề thiện và ác bị tiêu mất.
Đức Phật bảo ngài A-nan: “Thực hành như thế thì gọi là sám hối. Đây là phép sám hối mà chư Phật ở mười phương và chư Đại Bồ-tát đã thực hành.
Sau khi đức Phật diệt độ, nếu các đệ tử của đức
Phật sám hối các nghiệp xấu ác của mình thì họ chỉ cần tụng đọc kinh điển Đại
thừa. Các kinh Phương Đẳng này là mắt của chư Phật. Do các kinh này mà chư Phật
có được năm loại mắt. Ba loại thân của đức Phật cũng phát sinh từ các kinh
Phương Đẳng.
Đây là Pháp ấn to lớn ấn vào biển Niết-bàn. Ba loại
thân thanh tịnh của đức Phật được sinh ra trong biển này. Ba loại thân này của
đức Phật là ruộng phước của Trời và Người và là thứ vô thượng, đáng cúng dường.
Nếu có ai tụng đọc các kinh Phương Đẳng, Đại thừa thì Ông nên biết rằng người
ấy được các công đức của đức Phật, những xấu ác vĩnh viễn bị tiêu diệt và người
ấy được sinh ra từ trí tuệ của đức Phật.”
Năm loại mắt là (1) mắt của những người có thân thể vật chất; (2) mắt trời của chư Thiên ở cõi Sắc; (3) mắt trí tuệ mà các hành giả của hai thừa nhận thức tính vô bản chất của các sự vật; (4) mắt pháp mà chư Bồ-tát dùng để nhận thức mọi giáo lý để đưa con người đến chứng ngộ; và (5) mắt Phật, bốn loại mắt được kể trên có trong thân của đức Phật.
Bấy giờ đức Thế Tôn lặp lại ý chính của các giáo lý của Ngài bằng kệ:
“Ai xấu ác về mắt
Nghiệp chướng, mắt bất tịnh
Hãy nên tụng Đại thừa
Suy nghĩ Nghĩa thứ nhất
Đấy là sám hối mắt
Để dứt mọi nghiệp xấu.
Tai nghe tiếng rối loạn
Phá rối nghĩa hòa hợp
Do đó khởi cuồng loạn
Như khỉ vượn ngu ngốc.
Hãy nên tụng Đại thừa
Quán pháp không, vô tướng
Dứt mãi mọi xấu ác.
Tai trời nghe mười phương;
Mũi ngửi các mùi hương,
Do nhiễm xúc giác khởi
Như thế mũi nhiễm ô
Do nhiễm, bụi trần sinh.
Nếu tụng kinh Đại thừa
Quán pháp là chân thật
Nghiệp xấu mãi xa lìa
Đời sau chẳng sinh lại.
Thiệt căn khởi năm thứ
Ác khẩu, nghiệp bất thiện,
Nếu muốn kiểm soát chúng
Phải cố tu lòng từ
Quán pháp, nghĩa chân tịch
Không có tướng phân biệt,
Ý tưởng như khỉ vượn
Chẳng có lúc tạm ngưng;
Nếu muốn khuất phục nó
Phải chăm tụng Đại thừa
Niệm thân Phật đại giác
Và năng lực, vô úy.
Thân là chủ các căn,
Như bụi chuyển theo gió
Lang thang trong sáu giặc
Tự do, không chướng ngại;
Nếu muốn diệt ác này
Xa rời mãi trần lao,
Trú mãi thành Biết-bàn,
An lạc tâm bình lặng,
Phải tụng kinh Đại thừa
Niệm mẹ của Bồ-tát
Vô lượng cách thiện xảo
Do quán Thực mà được.
Sáu thứ đã nêu ấy
Gọi là sáu tình căn.
Biển của mọi nghiệp chướng
Đều sanh từ vọng tưởng
Nếu ai muốn sám hối
Ngồi thẳng, niệm thực tướng.
Mọi tội như sương, móc,
Mặt trời trí làm tan.
Vì thế, cần dốc lòng
Sám hối sáu tình căn”.
Tinh yếu của sự sám hối được tóm tắt trong các dòng sau đây của bài kệ trên.
“Nếu ai muốn sám hối,
Ngồi thẳng, niệm thực tướng.
Mọi tội như sương, móc,
Mặt trời trí làm tan”
Những dòng này cao cả và quan trọng đến nỗi ta cần phải học thuộc lòng và luôn ghi nhớ trong tâm.
CÁC CÔNG ĐỨC CỦA SÁM HỐI.
Nói kệ xong, đức Phật lại nói với ngài A-nan: “Nay Ông nên thọ trì phương pháp sám hối về lục căn của Bồ-tát Phổ Hiền, rồi đem giảng rõ, phổ biến khắp chư Thiên trong vũ trụ và loài Người. Sau khi đức Phật diệt độ, nếu các đệ tử của đức Phật thọ trì, tụng đọc và thuyết giảng các kinh Phương Đẳng thì nên tại chỗ yên tĩnh, hoặc chỗ nghĩa địa, hoặc dưới cội cây, hoặc chốn a-lan-nhã (àranya)(1), đọc tụng các kinh Phương Đẳng, nghĩ đến ý nghĩa Đại thừa. Do sức niệm tưởng mạnh mẽ, họ sẽ có thể thấy Ta, thấy tháp của đức Phật Đa Bảo, vô lượng chư Phật Phân thân ở mười phương, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Dược Vương và Bồ-tát Dược Thượng. Do họ cung kính Pháp nên chư Phật và chư Bồ-tát ấy đứng giữa không trung, cầm các thứ hoa vi diệu mà tán thán, kính lễ người hành trì Phật pháp. Do họ chỉ tụng các kinh Phương Đẳng, Đại thừa, chư Phật và chư Bồ-tát sẽ ngày đêm cúng dường những ai thủ trì Pháp.
“Ta cũng như chư Bồ-tát trong Hiền kiếp(2) và chư Phật ở mười phương, nhờ nghĩ đến ý nghĩa chân thực của Đại thừa nên nay đã sạch hết mọi tội lỗi của sinh tử trong suốt trăm vạn ức a-tăng-kỳ-kiếp. Nhờ pháp sám hối thắng diệu này mà nay chúng ta mỗi vị đều thành Phật. Nếu ai muốn chóng đạt Trí tuệ Tối thượng và muốn ngay trong đời hiện tại thấy được chư Phật ở mười phương cùng Bồ-tát Phổ Hiền, người ấy phải tắm gội cho sạch sẽ, mặc áo sạch sẽ, thắp hương quý, tại chỗ thanh vắng, cần phải tụng đọc các kinh Đại thừa và nghĩ đến ý nghĩa của Đại thừa.
“Nếu có những chúng sanh muốn quán Bồ-tát Phổ Hiền thì nên quán như thế. Quán như thế gọi là chánh quán. Nếu quán khác đi thì đấy gọi là tà quán. Sau khi Phật diệt độ, hàng đệ tử của Phật vâng theo lời Phật dạy mà thực hành sám hối thì nên biết rằng những người ấy đang thực hành hạnh Phổ Hiền. Những ai thực hành hạnh Phổ Hiền thì không thấy các tướng ác, nghiệp ác. Nếu có chúng sanh nào ngày đêm sáu thời lễ bái chư Phật ở mười phương, tụng kinh Đại thừa, tư duy về pháp thâm sâu của Đệ nhất nghĩa thì chỉ trong thời gian búng ngón tay, những người ấy sẽ tiêu trừ hết mọi tội lỗi của sinh tử đã có trong suốt trăm vạn ức a-tăng-kỳ kiếp. Người thực hành hạnh này là nam tử thực sự của đức Phật, từ chư Phật mà sinh ra. Chư Phật ở mười phương và chư Bồ-tát đều là Hòa thượng của người ấy. Đấy gọi là người thành tựu đầy đủ giới của chư Bồ-tát. Không cần phải qua nghi thức Yết-ma (thú tội), tự nhiên người ấy cũng thành tựu địa vị Bồ-tát, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của tất cả Trời và Người”.
Một vị Hòa thượng là một vị thầy trao giới điều cho một người muốn trở thành một tu sĩ trong một buổi lễ mà người ấy nguyện tôn giữ các giới điều. Ở đây xác định rằng chư Phật ở mọi phương và chư Bồ-tát sẽ trở thành Hòa thượng truyền giới của một người Phật tử thực sự, người thọ trì đầy đủ các giới của chư Bồ-tát.
“Nghi thức Yết-ma” trong tiếng Phạn được gọi là jnapti-karman là một nghi lễ trong đó một người thọ nhận những giới luật mà đức Phật đã đặt ra cho Tăng và Ni (xem thêm dưới đây, trang 889. Đây muốn bảo rằng không cần qua nghi thức Yết-ma, một Phật tử thực sự sẽ tự mình thành tựu địa vị của Bồ-tát và được hết thảy chư Thiên và loài Người tôn kính.
Kế đến, đức Phật dạy hành giả thực hành sám hối
theo các cách sau đây, nếu vị ấy muốn thành tựu giới hạnh của vị Bồ-tát: “Lúc
ấy, nếu hành giả muốn được thành tựu Bồ-tát giới, vị ấy phải chắp tay tại một
nơi thanh vắng, lễ bái khắp chư Phật ở mười phương mà sám hối tội lỗi của mình.
Sau đó, tại một nơi yên tĩnh, vị ấy phải bạch chư Phật ở mười phương rằng:
"Kính bạch Phật, Thế Tôn thường trụ ở thế gian ! Do nghiệp chướng, tuy tin
vào các kinh Phương Đẳng, con vẫn không thể thấy được chư Phật. Nay con quy y
chư Phật. Con xin Thế Tôn Chánh Biến Tri Thích-ca-mâu-ni làm Hòa thượng truyền
giới của con ! Bạch ngài Văn-thù-sư-lợi đầy đủ trí tuệ lớn ! Xin ngài dùng trí
tuệ mà truyền cho con pháp của chư Bồ-tát thanh tịnh! Bạch Bồ-tát Di-lặc, mặt
trời từ bi lớn lao và cao cả ! Xin ngài vì lòng thương xót con mà cho con được
thọ nhận pháp của chư Bồ-tát ! Bạch chư Phật ở mười phương !
Xin chư Phật hiện thân mà chứng giám cho con ! Bạch
chư Đại Bồ-tát, xin chư vị mỗi vị xưng danh của mình, là những bậc Đại sĩ cao
cả che chở chúng sanh, hộ trợ cho chúng con! Ngày nay con thọ trì các kinh
Phương Đẳng. Dù có mất mạng, dù phải đọa địa ngục chịu vô lượng khổ, con cũng
sẽ không bao giờ phỉ báng Chánh pháp của chư Phật. Do sức công đức của nhân
duyên ấy, bạch đức Phật Thích-ca-mâu-ni ! Xin đức Phật làm Hòa thượng truyền
giới của con; bạch ngài Văn-thù-sư-lợi ! Xin hãy là giáo thọ của con ! Bạch
ngài Di-lặc của tương lai ! Xin ngài truyền pháp cho con! Bạh chư Phật ở mười
phương ! Xin chư Phật chứng giám cho con ! Bạch chư Bồ-tát đức lớn ! Xin hãy
làm bạn của con ! Nay con xin nương tựa vào ý nghĩa thâm sâu vi diệu của các
kinh Đại thừa mà quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng"“.
Đức Phật bảo hành giả nói như thế ba lần. Niềm tin và ước vọng của các Phật tử được tóm gọn trong đoạn này. Các cú ngữ “Xin chư Phật hiện thân mà chứng giám cho con” và “Xin xác chứng cho con” nghĩa là “con kêu gọi tất cả chư Phật chứng giám xem con có thực hành các thệ nguyện của con hay không”. Nhóm từ “những bậc Đại sĩ cao cả” trỏ chư Bồ-tát.
“Dù có mất mạng, dù phải đọa địa ngục chịu vô lượng khổ, con cũng sẽ không bao giờ phỉ báng Chánh pháp của chư Phật”; đây là thái độ tâm thức của một tín giả thực sự. Khi người ta không đạt được công đức nào rõ ràng từ việc tu hành do bởi các nghiệp xấu ác triền miên trong các đời trước của họ thì họ thường phỉ báng Thượng đế hay đức Phật. Làm như thế, họ đánh mất cái phao cứu hộ có thể cứu họ khỏi khổ. Không có người nào tin vào Chánh pháp của đức Phật mà lại có thể đọa địa ngục. Dù cho một người tin Chánh pháp bị như thế thì người ấy cũng vẫn quyết định kiên trì cho đến khi chấm dứt. Một người như thế với cái tâm thanh tịnh tận tụy với niềm tin sẽ tự nhiên được cứu độ khỏi những khổ đau.
Trong lời cầu khẩn: “Bạch ngài Văn-thù ! Xin hãy là giáo thọ của con ! Từ “giáo thọ” nghĩa là một tu sĩ lỗi lạc, như là phụ tá của Hòa thượng truyền giới, giáo huấn những người mới tu trong một buổi lễ thọ giới. “Bạch ngài Di-lặc của tương lai ! Xin hãy truyền Pháp cho con !” trỏ ước mong của hành giả rằng sẽ được thọ nhận Pháp từ Bồ-tát Di-lặc là vị Bồ-tát mà người ta tin rằng sẽ xuất hiện ở cõi Ta-bà này vào 5.670.000.000 năm sau khi đức Phật Thích-ca-mâu-ni nhập Niết-bàn. “Xin hãy là bạn của con !” nghĩa là ước mong của hành giả rằng chư Bồ-tát có đức hạnh lớn lao sẽ giáo huấn mình như là những đồng bạn trên con đường đi đến giác ngộ. Câu cuối cùng nêu lên rằng hành giả phải quy y Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Ý nghĩa của Tam Bảo đã được bàn luận kỹ trong phẩm 16.
Đức Phật dạy tiếp: “Hành giả phải nói như thế ba
lần. Quy y Tam Bảo xong, kế đến người ấy phải tự mình thệ nguyện thọ nhận sáu
trọng pháp. Thọ nhận sáu trọng pháp xong, kế đến người ấy phải nỗ lực tu tập,
Phạm hạnh vô ngại, phát tâm cứu độ khắp tất cả chúng sanh và thọ nhận tám trọng
pháp.
Sau khi lập nguyện như thế, tại nơi thanh vắng,
người ấy phải đốt hương quý, rải hoa, cúng dường tất cả chư Phật, chư Bồ-tát và
các kinh Phương Đẳng Đại thừa và tác bạch rằng: "Nay con phát tâm Bồ-đề,
mong công đức này cứu độ tất cả chúng sanh !"
“Tác bạch như thế xong, hành giả lại phải đảnh lễ tất cả chư Phật, chư Bồ-tát, phải nghĩ đến ý nghĩa của các kinh Phương Đẳng. Suốt một ngày hoặc ba lần bảy ngày, dù người ấy là xuất gia hay tại gia, không cần phải có Hòa thượng, cũng không cần phải có các thầy y chỉ, cũng chẳng cần qua lễ Yết-ma, do sức phát sinh từ vị thọ trì đọc tụng các kinh điển Đại thừa và do những công việc mà Bồ-tát Phổ Hiền khuyên bảo người ấy làm - những công việc này là những con mắt Chánh pháp của chư Phật - do như vậy nên tự nhiên người ấy thành tựu được pháp thân năm phần: giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Tất cả chư Phật, chư Như Lai điều đã sinh ra từ pháp này và đã được thọ ký trong các kinh Đại thừa.”
“Sáu pháp” là sáu giới sau đây của Phật giáo: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống chất gây say và không nói về lỗi của người khác. Tám pháp là sáu giới trên đây và hai giới nữa là không che đậy lỗi của chính mình và không coi trong khuyết điểm của người khác hơn ưu điểm của họ. Bạch yết-ma, Jnapti-karman là một từ ghép có hai nghĩa; bạch, Jnapti nghĩa là thông báo, tuyên bố; yết-ma, karman nghĩa là những nghi thức tại một cuộc họp mặt của một hội chúng Phật giáo. Đây là một phần của lễ truyền giới, trong đó các giới tử phát lộ tội lỗi mình đã phạm và nguyện theo giáo lý của đức Phật.
SỰ SÁM HỐI CỦA BA HẠNG NGƯỜI
Kế đến, đức Phật dạy về sự sám hối của mỗi cấp trong ba hạng người chính: Thanh văn (tu sĩ), Ưu-bà-tắc (cư sĩ) và mọi người gồm vua chúa, đại thần, Bà-la-môn, công dân, trưởng giả, quan chức, v.v... “Cho nên, này người trí, giả như một Thanh văn phá bỏ Tam quy, năm giới, tám giới, các giới của Tỳ-kheo, các giới của Sa-di-ni, các giới của Thức-xoa-ma-na và các uy nghi; và giả như do người ấy ngu si, do tâm xấu ác, tà vạy mà phạm các giới và các uy nghi. Nếu người ấy muốn trừ diệt khiến không còn các lầm lỗi để lại trở thành một Tỳ-kheo đầy đủ các pháp của hàng Sa-môn thì người ấy phải chăm chỉ đọc các kinh Phương Đẳng, tư duy về pháp Không (1) thâm sâu của Đệ nhất nghĩa, khiến cái trí tuệ Không (1) tương ưng với tâm mình. Nên biết rằng trong mỗi một niệm, mọi ô nhiễm của tội lỗi của người ấy sẽ vĩnh viễn chấm dứt, không còn chút dư tàn. Đấy gọi là người đầy đủ các pháp và giới của hàng Sa-môn và đầy đủ các oai nghi. Người như thế sẽ xứng đáng được hết thảy Trời và Người cúng dường.”
Năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không uống các chất gây say. Tám giới là năm giới vừa nêu cộng với ba giới khác là không dùng dầu thơm, nhảy múa, xem kịch nghệ, không ngồi hay ngủ trên ghế, giường sang trọng, và không ăn sau bữa trưa. Một Sa-di (Sràmanera) là một người mới xuất gia, sau đó thọ mười giới xong mới trở thành Sa-di, một tu sĩ hay một Sa-môn. Một Thức-xoa-ma-na là một người nữ mới tu, tuổi từ mười tám đến hai mươi, thực hành năm giới tổng quát và thêm một giới là không ăn vào những lúc không đúng thời.
Đức Phật dạy tiếp: “Giả như có Ưu-bà-tắc vi phạm các oai nghi và làm các việc xấu. Làm các việc xấu tức là bảo rằng Phật pháp là sai lầm, là xấu; bàn luận những việc xấu của bốn chúng; phạm tội trộm cắp, tà dâm mà không biết hổ thẹn. Nếu người ấy muốn sám hối và đoạn trừ các tội lỗi thì phải chuyên đọc tụng các kinh Phương Đẳng và tư duy về Nghĩa đệ nhất. Giả như có một vị vua, đại thần, Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả, quan viên; giả như những vị này mãi mê tham cầu các dục lạc, phạm năm nghịch tội(1), phỉ báng các kinh Phương Đẳng, làm đủ mười điều ác. Quả báo của những điều ác lớn lao này sẽ khiến họ bị đọa vào các đường ác nhanh hơn mưa bão. Chắc chắn họ sẽ bị rơi vào địa ngục A-tỳ. Nếu họ muốn diệt trừ các nghiệp chướng này thì họ phải khởi lòng hỗ thẹn và cải hối các tội lỗi.
“Tại sao gọi là pháp sám hối của các Sát-đế-lỡ (Kshatriya) và cư sĩ ? Pháp sám hối này nghĩa là họ phải chánh tâm, không phỉ báng Tam Bảo, không gây chướng ngại cho hàng xuất gia, không làm ác đối với người thực hành Phạm hạnh. Họ phải quyết chí tu sáu phép quán niệm; họ cũng phải ủng hộ, cúng dường người trì giữ Đại thừa; lại phải nhớ niệm đến cái Không của ý nghĩa đệ nhất của kinh pháp thâm sâu. Đấy gọi là phép tu sám hối đệ nhất của hàng Sát-đế-lợi và hàng cư sĩ. Phép sám hối thứ hai là hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính các vị thầy, các vị trưởng thượng. Đấy gọi là tu phép sám hối thứ hai. Phép sám hối thứ ba là trị nước theo Chánh pháp, không ép uổng nhân dân một cách tà vạy. Đấy gọi là tu phép sám hối thứ ba. Phép sám hối thứ tư là ra lệnh khắp nước giữ sáu ngày trai giới, khiến người ta không sát sanh. Tu theo phép này gọi là tu phép sám hối thứ tư. Phép sám hối thứ năm là tin vào nguyên nhân và kết quả một cách sâu đậm, tin vào con đường của cái thực tánh duy nhất và biết rằng đức Phật là bất diệt. Đấy gọi là tu phép sám hối thứ năm.”
Sáu phép sám hối nghĩa là suy nghĩ về sáu điều quan trọng: Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên(1).
Ở đây, chúng ta có thể hiểu “Thiên” nghĩa là giữ trong sạch, không để bị ô nhiễm. Sáu ngày trai giới là những ngày thanh tịnh, vào những ngày này người ta cúng dường những người đã chết. Sáu ngày ấy là các ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm, hai mươi ba, hai mươi chín và ba mươi trong tháng. Vào những ngày này, hàng cư sĩ giữ tám giới; tiếng Nhật gọi là roku sainichi (lục trai nhật) hay sáu ngày trai tịnh. Hiểu theo cách ngày nay, “ra lệnh khắp nước giữ sáu ngày trai giới, khiến người ta không sát sanh” nghĩa là mọi người phải tôn trọng sự sống của hết thảy chúng sanh.
Các từ “nguyên nhân và kết quả” trong phép sám hối thứ năm trỏ cái nguyên tắc cơ bản rằng nếu một người gieo hạt giống tốt thì chắc chắn sẽ có sự gặt hái tốt; nếu người ấy gieo hạt giống xấu thì hiển nhiên phải nhận sự gặt hái xấu. Dù kết quả có thể mau hay chậm, mọi người chắc chắn sẽ nhận những kết quả tương ứng với những hành động của mình. Người nào thâm hiểu nguyên lý này sẽ không bao giờ làm điều xấu. Cú ngữ “con đường của một thực tính duy nhất”, “một thực tính” nghĩa là chỉ có một chân lý mà thôi, tức là sự hiện hữu độc nhất bất di bất dịch (chân lý, hay đức Phật) trong nhiều hiện tượng đang biến đổi của cõi đời này.
“Đức Phật nói với ngài A-nan: "Trong tương lai, nếu có ai thực hành các phép sám hối này thì hãy nên biết rằng người ấy đã mặc áo của hổ thẹn, được chư Phật che chở và giúp đỡ, chẳng bao lâu sẽ đạt được Trí tuệ Tối thượng." Khi đức Phật dạy như thế xong, mười ngàn Thiên tử đạt được sự thanh tịnh của mắt Pháp(1): chư Đại Bồ-tát, Bồ-tát Di-lặc cùng các vị khác trong chúng, và ngài A-nan đều hoan hỷ và phụng hành lời đức Phật dạy.”
Kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát chấm dứt ở đây. Tôi sợ rằng một số độc giả có thể thấy khó hiểu đầy đủ một số phần trong kinh vì nội dung kinh rất thâm sâu và khúc mắc. Tuy nhiên, rốt lại chúng ta có thể bảo rằng sám hối là học và thực hành giáo lý Đại thừa. Sám hối không phải là dàn xếp với chính mình; không phải là có một thái độ lãnh đạm hay mập mờ mà là đánh bóng Phật tính của mình bằng cách loại bỏ dần những ảo tưởng và ô nhiễm ra khỏi tâm mình. Sự thực hành sám hối chính là hạnh của Bồ-tát, qua đó không những người ta đánh bóng Phật tính của mình mà còn phục vụ những người khác nữa. Sám hối là một điều tiên quyết không thể thiếu được của đời sống tôn giáo. Điều hy vọng là mọi người sẽ không ngừng đọc tụng kinh sám hối này, thể hội tinh yếu của kinh và đưa vào thực hành trong đời sống hàng ngày của mình.
Đến đây chấm dứt khảo luận về Ba Bộ Kinh Pháp Hoa. Khi quý vị đã đọc suốt trọn Ba Bộ Kinh Pháp Hoa và tự xét mình dưới ánh sáng giáo lý của kinh, quý vị có thể nhận thấy rằng trạng thái thực sự của tâm mình là bất toàn nhưng không đến nỗi tuyệt vọng và quý vị có thể cảm thấy lúng túng không biết làm gì. Tôi từng được nghe một người thố lộ rằng người ấy cảm thấy khó trở lại với kinh Pháp Hoa sau khi đã đọc kinh này, do bởi kinh này quá sức thâm sâu. Tôi có thể hiểu tại sao người ấy cảm thấy sợ hãi vì sự thâm sâu của kinh. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người ấy đã không đọc kinh đủ sâu, và rằng nếu người ấy đã đọc đi đọc lại kinh thì hẳn người ấy đã có thể xem kinh là giáo lý có thể dẫn dắt mọi người chúng ta đến thẳng sự giải thoát. Chúng ta nên khởi đầu sự thực hành của mình thậm chí từ một giáo lý trong kinh Pháp Hoa và thậm chí từ một hành động nhỏ nhặt nhất trong đời sống hàng ngày của mình. Chính kinh khuyên chúng ta chớ nghĩ rằng giáo lý của kinh là vượt ngoài khả năng của chúng ta.
Có một câu chuyện rất thích hợp trong kinh Một Trăm Thí Dụ Hyakuyn-kyò, Bách Dụ Kinh) mà tôi muốn lấy làm kết luận. Một lần, có một người rất ngu đần. Vì đang khát nước đến rát cả cổ họng, anh ta đi khắp đây đó để tìm kiếm nước. Trong lúc ấy, cũng may là anh đến được bờ sông Sindh. Tuy nhiên, không hiểu sao anh lại đứng ở mé sông mà không uống nước. Một người bạn ở gần đó ngạc nhiên vì thái độ của anh và hỏi: “Tại sao anh lại không uống nước trong sông ?” Người ấy đáp: “Tôi sắp chết vì khát đây ! Nhưng sông có quá nhiều nước, tôi không thể uống hết được. Cho nên, tôi đang chần chờ không biết có nên uống hay không.”
Tôi chân thành hy vọng rằng không ai nuôi dưỡng một ý tưởng rồ dại như thế đối với giáo lý của Ba Bộ Kinh Pháp Hoa.