- Chương I: Tự Luận
- Chương II: Cách Thức Nhìn Nhận Bố Cục Một Bộ Kinh Phật Giáo
- Chương III: Ai Là Người Sáng Thế?
- Chương IV: Nhìn Rõ Hiện Tượng Tâm Vật
- Chương V: Sự Khác Biệt Của Vạn Vật Hữu Tình
- Chương VI: Đức Hạnh Căn Bản Của Học Phật
- Chương VII: Mười Hành Vi Xây Dựng Hạnh Phúc Nhân Sanh
- Chương VIII: Con Đường Thành Phật
- Chương IX: Tinh Thần Của Bồ Tát
- Chương X: Phương Tiện Để Nhiếp Hóa Chúng Sinh
- Chương XI: Pháp Môn Hướng Đến Giải Thoát
- Chương XII: Tổng Kết
- Phần Chánh Văn
- Phần Dịch Âm
- Phần Dịch Nghĩa
KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
Thích Giải Hiền soạn dịch
CHƯƠNG III: AI LÀ NGƯỜI SÁNG THẾ?
[Nhĩ thời Thế Tôn cáo Long Vương ngôn: Nhất thiết chúng sanh tâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dị, do thị cố hữu chư thú luân chuyển. Long Vương nhữ kiến thử hội cập đại hải trung, hình sắc chủng loại các biệt phủ da? Như thị nhất thiết, mị bất do tâm, tạo thiện bất thiện, thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp sở trí].
Đoạn kinh này giải đáp cho chúng ta vấn đề ai là đấng sáng thế?
Từ xưa đến nay tất cả tôn giáo, triết học đều rất quan tâm đến vấn đề khởi nguyên của thế giới đều đi tìm thế giới bắt đầu từ đâu? Ai là người tạo ra? Truy tìm ai là người quyết định mọi họa phước, kiết hung ở thế gian vì không tìm được đáp án cứu cánh cuối cùng đều qui kết cho thần. Cho rằng thần quyết định hết tất cả mọi việc. Khởi đầu hình hành đa thần luận cho rằng thế gian do nhiều vị thần quản lý sắp đặt, mỗi người giữ một trọng trách như thần gió, thần mưa, thần mặt trời,… Sau đó phát triển thành nhị thần luận đem thần linh chia thành hai nhóm là thiện thần và ác thần. Thiện thần quyết định mọi việc thiện ở thế gian, ác thần quyết định ác nghiệp của thế gian. Tiếp nữa nhị thần luận phát triển thành nhất thần luận đây cũng là tôn giáo có nhiều người theo nhất hiện nay. Nhất thần luận cho rằng trong vũ trụ tồn tại một vị thần tối cao, chi phối tất cả, do vị thần này sáng tạo thế giới và quyết định hết thảy. Con người và vạn vật là do thượng đế trong 7 ngày sáng tạo ra. Đạo Hồi cho rằng thánh Ala sáng tạo ra mọi vật trong trời đất và nhân gian. Bà La Môn giáo (Ấn Độ giáo) lấy Đại Phạm Thiên (Brahma) làm thần sáng tạo ra trời đất đồng thời dùng các bộ phận trong cơ thể để tạo ra các đẳng cấp chủng tộc.
Ngược lại với quan điểm của hữu thần luận là vô thần luận, cho rằng thế giới không phải do thần tạo ra, mọi thứ đều là ngẫu nhiên.
Ngoài ra còn có hai quan điểm triết học khác là duy vật và duy tâm. Thuyết duy vật cho rằng thế giới tồn tại những nguyên tố vật chất cơ bản không thay đổi làm cơ sở phát sanh ra vạn vật, chủ trương từ vật chất sanh ra ý thức. Còn thuyết duy tâm cho rằng thế giới có nguyên tố tinh thần cơ bản bất biến và vạn vật khởi nguồn từ nguyên tố tinh thần ấy, cho rằng do tinh thần sanh ra vật chất.
Phật giáo không phải hữu thần luận cũng không phải vô thần luận. Phật giáo cũng không tán đồng với chủ trương của thuyết duy vật và thuyết duy tâm.
Phật Pháp nhìn thế giới như thế nào? Đoạn kinh văn trên chính là đáp án của Phật Pháp về ai là đấng sáng thế.
“Nhĩ thời thế tôn cáo Long Vương ngôn”. Lúc này, Đức Thế Tôn nói với Long Vương. Từ đây bắt đầu đi vào nội dung của kinh văn. Đoạn trước đã nói tham dự pháp hội này có bát thiên Đại Tỳ Kheo chúng, tam vạn nhị thiên đại Bồ tát chúng. Vì sao đức Phật chỉ nói với Long Vương? Bởi vì mỗi một bộ Kinh đều có một đương cơ giả. Có những bộ kinh đương cơ giả là ngài Xá Lợi Phất, cũng có kinh là Bồ tát Quán Thế Âm. Bộ kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo lấy Long Vương làm đương cơ giả. Đức Phật tuy nói với Long Vương nhưng đồng thời cũng là nói với tất cả đệ tử Thanh Văn, Bồ Tát trong pháp hội, cũng có ý nghĩa là nói với tất cả người tu học bộ kinh này ở đời sau trong đó có chúng ta.
[Nhất thiết chúng sanh]. Chúng sanh có hai dạng là do ngũ uẩn hòa hợp và do trải qua sanh tử tạo nên. Phật Pháp chia thế giới thành hai loại là hữu tình thế giới và vô tình thế giới. Hữu tình thế giới gồm con người và tất cả động vật, vô tình thế giới là sơn hà đại địa. Trong thập pháp giới trừ Phật, chín giới hữu tình đều là chúng sanh.
[Tâm tưởng dị cố, tạo nghiệp diệc dị]: “Tâm tưởng” tức là tư tưởng của ý thức tâm vương. Chúng sanh nhân vì quan niệm tư tưởng và phương thức tư duy không giống nhau mà tạo nghiệp thiên sai vạn biệt rồi không ngừng luân chuyển trong sáu đường lục đạo. Nhìn từ quan điểm của Phật pháp, sự khác biệt của vạn sự vạn vật ở thế gian không do thần quyết định, cũng không do vật chất hay tinh thần phát sinh, càng không phải ngẫu nhiên xuất hiện, tất cả đều do nơi tâm niệm sai biệt của chúng sanh. Bài kệ Kinh Hoa nghiêm đã chỉ rõ nguyên lý này “Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo”. Bất luận là Phật Bồ Tát, La Hán thánh giả, chư thiên, loài người, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh tìm sâu căn nguyên đều quyết định bởi tâm niệm và nghiệp lực khác biệt của chúng hữu hình. Đây cũng như trong kinh A Hàm đã nói “Tâm chủng chủng cố, sắc chủng chủng”. Vì tâm có nhiều loại sai biệt nên hiển hiện ra thế giới mới có thay đổi sai khác không đồng.
Nhìn từ xã hội loài người, sự khác biệt to lớn giữa văn hóa đông tây căn nguyên cũng từ nơi sự khác biệt về phương thức tư duy, mà phương thức tư duy cũng được quyết định bởi tư tưởng và quan niệm của nội tâm, người có tín ngưỡng, người không tín ngưỡng dù có chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh môi trường nhưng nguồn gốc vẫn từ nơi tâm của chúng ta. Bởi vì “tâm tưởng dị cố” nên tín ngưỡng sai khác, con đường sống khác, phương thức sống khác, đam mê khác, khuynh hướng giá trị cũng khác. Tất cả sai biệt này đều nơi “tâm tưởng dị cố”. Nói chung thế giới hết thảy sai biệt đều bắt nguồn từ tâm niệm sai biệt của con người.
Từ nơi tâm niệm sai biệt đến thế giới sai biệt còn cần có sự tác động của nghiệp. Nghiệp là hành vị của thân - khẩu – ý, vì quan niệm và suy tư không đồng nên dẫn đến hành vi cũng sai khác. Trong Phật giáo chia hành vi của chúng sanh thành 3 loại là hành vi thiện, hành vi ác và hành vi vô ký. Một hành vi sau khi thực hiện sự ảnh hướng của nó không phải sẽ mất đi khi việc làm kết thúc mà trong thực tế mỗi một loại hành vi sẽ tạo thành một kinh nghiêm sống tương ứng được cất giữ trong A Lại Da Thức gọi là chủng tử và sẽ tiếp tục dẫn phát nên hành vi mới. Do vậy, “chủng tử sanh hiện hành, hiện hành huân chủng tử” (種子生現行, 現行熏種子). Sanh mạng là như vậy do nghiệp lực tích lũy từ vô thủy kiếp thúc đẩy mà sanh sanh lưu chuyển không ngừng. Nghiệp lực có tác dụng quan trọng trong dòng sống bất tận của chúng ta, nghiệp lực cũng là sức mạnh thúc đẩy và duy trì dòng sanh mạng. Theo thuộc tính của hành vi, Phật giáo chia nghiệp lực thành Thiện nghiệp và Ác nghiệp. Căn cứ vào việc thọ báo hay không thọ báo mà phân thành Định nghiệp và Bất định nghiệp. Căn cứ vào sự khác biệt của thọ báo mà chia ra Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp.
- a. Định nghiệp và bất định nghiệp
Định nghiệp được y cứ vào thời gian và mức độ nặng nhẹ của thọ báo, ngược lại là bất định nghiệp. Làm thế nào để phân định nghiệp lực thuộc về định nghiệp hay bất định nghiệp? Chủ yếu dựa vào hai điều. Một là động cơ hành vi thuộc cố ý hay vô ý, nếu cố ý tạo tác thì là định nghiệp còn vô ý gây ra thuộc về bất định nghiệp. Nếu tạo ra bất định nghiệp thì trong tương lai có thể thọ báo mà cũng có thể là không, có thể là thọ báo nặng mà cũng có thể là thọ báo nhẹ.
Thứ hai là y cứ vào sự đối trị. Nếu sau khi tạo nghiệp mà biết ăn năn sám hối thì dù tạo định nghiệp nhưng vẫn có thể được thay đổi, trở thành bất định nghiệp. Cũng như khi gây tội nếu biết thành khẩn xin lỗi hoặc thành tâm nhận sai, bồi thường thì có thể đối phương sẽ không còn oán hận mà đạt được hòa giải, bãi nại… Phật giáo đề xướng pháp môn sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng và nghịch duyên.
- b. Cộng nghiệp và biệt nghiệp
Cộng nghiệp là chỉ cho những nghiệp nhận được hình thành từ những hành vi tương đồng sẽ chiêu cảm nên những quả báo giống nhau. Ví như cùng sống chung trong một thành phố chịu sự ô nhiễm không khí, kẹt xe, khí hậu khắc nghiệt… giống nhau.
Biệt nghiệp là chỉ cho nghiệp nhân cá biệt không giống nhau như sức khỏe của mọi người khác nhau, diện mạo khác nhau, điều kiện vật chất cuộc sống khác nhau đều do biệt nghiệp chiêu cảm nên.
- c. Dẫn nghiệp và mãn nghiệp
Dẫn nghiệp là tổng thể quả báo của nghiệp lực chiêu cảm nên. Sanh mạng của hữu tình trong quá trình tiếp diễn sanh về cõi trời, tiếp tục làm người hoặc đọa lạc địa ngục, sanh vào súc sanh đều do dẫn nghiệp quyết định cũng như hỏa tiễn đẩy vệ tinh vậy.
Mãn nghiệp là quả báo sai biệt của nghiệp lực chiêu cảm nên. Như cùng làm người tuổi thọ không đồng, giàu nghèo có khác… Cũng là chó mèo những có con lưu linh xó chợ đầu đường không có ai nuôi, bới rác tìm cơm, còn sợ bị người bắt thịt, ngược lại có con thì được chủ cưng chủ bế, đủ loại thức ăn, chăm sóc tắm rửa… Tất cả sai biệt đều do mãn nghiệp bất đồng tạo nên.
Do chúng sanh tâm niệm sai biệt dẫn đến hành vi sai biệt tạo nên thế giới sai biệt.