- Chương I: Tự Luận
- Chương II: Cách Thức Nhìn Nhận Bố Cục Một Bộ Kinh Phật Giáo
- Chương III: Ai Là Người Sáng Thế?
- Chương IV: Nhìn Rõ Hiện Tượng Tâm Vật
- Chương V: Sự Khác Biệt Của Vạn Vật Hữu Tình
- Chương VI: Đức Hạnh Căn Bản Của Học Phật
- Chương VII: Mười Hành Vi Xây Dựng Hạnh Phúc Nhân Sanh
- Chương VIII: Con Đường Thành Phật
- Chương IX: Tinh Thần Của Bồ Tát
- Chương X: Phương Tiện Để Nhiếp Hóa Chúng Sinh
- Chương XI: Pháp Môn Hướng Đến Giải Thoát
- Chương XII: Tổng Kết
- Phần Chánh Văn
- Phần Dịch Âm
- Phần Dịch Nghĩa
KINH THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO
Thích Giải Hiền soạn dịch
CHƯƠNG IX: TINH THẦN CỦA BỒ TÁT
[Từ trang nghiêm cố, ư chư chúng sanh bất khởi não hại. Bi trang nghiêm cố, mẫn chư chúng sanh thường bất yểm xả. Hỷ trang nghiêm cố, kiến tu thiện giả tâm vô hiềm tật. Xả trang nghiêm cố, ư thuận vi cảnh vô ái nhuế tâm]. Đoạn kinh văn nói về Tứ vô lượng tâm, cũng chính là tinh thần của Bồ Tát giúp chúng ta bồi dưỡng tấm lòng từ bi tế thế, Người học Phật muốn thành tựu nhân cách viên mãn như chư Phật, thành tựu từ bi và trí tuệ như chư Phật đều phải bắt đầu từ con đường hành Bồ Tát đạo. Bắt đầu từ bình đẳng, tùy hỉ, bạc khổ, dữ lạc.
- Từ vô lượng
[Từ trang nghiêm cố, ư chư chúng sanh bất khởi não hại]. Từ vi dữ lạc là cho người niềm vui, bồi dưỡng tâm từ bi, đồng thời cũng giúp xa rời tâm não hại, không bao giờ mống niệm làm tổn hại đến người khác. Đối với tất cả chúng sinh, kể cả những người có thù nghịch với mình hay người đã từng hại mình đều bình đẳng không phân biệt, dùng lòng từ bi để đối đãi với họ. Đó chính là tinh thần “vô duyên đại từ” của Phật giáo. Vô duyên tức là không cần bất cứ điều kiện gì. Người đời khi giúp đỡ người khác thường đặt nhiều điều kiện để suy tính, họ có quan hệ với mình không, có cần đáng giúp đỡ không, có ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình không, có đem đến phiền phức không, trong tâm lúc nào cũng khởi lên những tính toán trước khi thực hành việc giúp đỡ. Còn trong mắt của Bồ Tát thì tất cả chúng sinh đều bình đẳng, không phân biệt, chúng sinh với chúng sinh là bình đẳng, chúng sinh với bản thân mình cũng bình đẳng, không ai có tâm hại mình, không ai là chẳng nghĩ đến mình. Nếu chúng ta nhận thức được giữa người và mình không hai, giữa mình và chúng sinh không sai biệt thì tự nhiên sẽ nghĩ vì người khác nhiều hơn, tự nhiên sẽ cho người tất cả. Đó chính thật là từ tâm của Bồ Tát.
- Bi vô lượng.
[Bi trang nghiêm cố, mẫn chư chúng sanh thường bất yểm xả]. Bi vi bạc khổ, tức là giải cứu, bạc trừ những đau khổ cho chúng sinh. Vì tu tập tâm bi vô lượng nên thường phát khởi tâm lân mẫn với tất cả chúng sinh mà không khởi tâm mệt mỏi. Tinh thần của Phật giáo là đồng thể đại bi. Đồng thể tức là xem chúng sinh và mình như một, biết đau với niềm đau và nỗi khổ của chúng sinh, cái người ta cần cũng chính là cái mà mình cần. Trong kinh Duy Ma Cật, có người hỏi cư sĩ Duy Ma Cật vì sao bị bệnh, Ngài đã trả lời: “Tất cả bệnh của chúng sinh là bệnh của ta. Khi chúng sinh hết bệnh, thời ta hết bệnh”. Cũng giống như người mẹ đối với con, dù cho đau khổ có lớn nhường nào cũng vẫn tình nguyện chịu khổ thay con, thậm chí có thể đem cả mạng sống của mình để đổi lấy mạng sống cho con.
Bồ Tát tu tập phải biết đem tình thương của mẹ đối với con phát triển đến vô lượng hết thảy chúng sinh. Cho nên không những chỉ đối với người thân mà còn mở rộng lòng từ bi của mình đến với tất cả những người dù là oán thù, thậm chí đối với tất cả những loài động vật côn trùng nhỏ nhất cũng vẫn khởi tâm vô duyên đại từ, đồng thể đại bi để thành tựu quá trình tu tập lòng từ bi quảng đại của Phật giáo.
- Hỉ vô lượng.
[Hỷ trang nghiêm cố, kiến tu thiện giả tâm vô hiềm tật]. Hỉ tức tùy hỉ, là sự tương phản với đố kị. Con người vì chấp ngã mà thường sanh tâm đố kị với sự thành đạt của người khác, do sự chướng ngại bởi lòng đố kị nên rất khó phát sinh từ nội tâm lòng tùy hỉ đối với người khác. Nhưng với việc tu tập hỉ vô lượng của Bồ Tát thì trong nội tâm phải phát xuất lòng hoan hỉ trước mọi thiện hạnh và với người thực hiện thiện hạnh ấy. Đó cũng chính là tiêu chí để kiểm định tâm hỉ vô lượng, khi nhìn thấy người khác tu thiện liền sanh tâm hoan hỉ hay khởi tâm ghen ghét đố kị. Chỉ cần mống khởi một tâm niệm không tùy hỉ dù là rất nhỏ, điều đó cũng chứng minh được rằng ta chưa thành tựu được tâm hạnh hỉ vô lượng.
Trình tự tu tập hỉ vô lượng cũng giống như trình tự tu tập bi vô lượng. Đầu tiên cũng phải bắt đầu với người thân của mình, sanh tâm hoan hỉ trước thành tựu của họ, chân thành tán thán cũng ví như cha mẹ hoan hỉ, tự hào trước thành tựu của con cái, rồi nhân rộng tâm tùy hỉ đó với nhiều người, kể cả người xa lạ với mình. Và cuối cùng là đến với người ghen ghét với mình cũng vẫn tán thán tùy hỉ trước thiện hạnh và thành tựu của họ, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng cả nội tâm.
- Xả vô lượng.
[Xả trang nghiêm cố, ư thuận vi cảnh vô ái nhuế tâm]. Xả tức bình đẳng, đối nghịch với sự phân biệt. Tu tập xả vô lượng phải có tâm bình đẳng giữa kẻ oán và người thân, không lấy tâm oán ghét mà dùng tâm bình đẳng để đối đãi với người thân kẻ sơ cùng thuận duyên và nghịch cảnh, rồi phát triển tâm thái đó đến tất cả mọi chúng sinh, tất cả mọi hoàn cảnh. Trong bốn vô lượng tâm, bình đẳng xả tâm rất quan trọng. Nếu đạt được xả tâm bình đẳng thì từ bi và hỉ vô lượng nhất định sẽ đạt được bởi vì chỉ cần chúng ta còn có sự phân biệt tốt xấu thì rất dễ từ bi với người này mà lại không từ bi được với kẻ khác, dễ tùy hỉ với một số đối tượng nào đó nhưng không thể tùy hỉ với một số người mà mình không muốn. Chỉ cần chúng ta tư bi với rất nhiều chúng sinh nhưng vẫn có một người không nằm trong phạm vi mà mình yêu thương thì hiển nhiên chúng ta sẽ không có được tâm hạnh vô lượng của chư Phật và Bồ Tát.