Phước Nguyên
***********
Làm thế nào để thọ trì luật nghi một ngày một đêm, tức luật nghi Cận trú?
Điều cương quyết để thọ tám chi của Luật nghi này, là phải có tối thiểu một vị Tỷ-kheo làm giới sư truyền thọ, chứ không thể tự một mình phát nguyện thọ trì được. Tự phát nguyện thọ Luật nghi cận trụ, không thể đắc Luật nghi được. Theo ngài Thế Thân, Luật nghi Cận trú được thọ trì như sau:
Và ngài Thế Thân cũng đưa ra bảy điểm giải thích về phương thức thọ trì loại Luật nghi này như sau:
(1) Trong một tư thế khiêm tốn, hoặc ngồi xổm (utkuṭuka) hoặc quỳ gối; hai bàn tay nắm lại theo kiểu bồ câu (kapotaka) (bằng cách đặt bốn ngón tay của bàn tay này vào giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay kia), hoặc chắp hai bàn tay lại với nhau[2]; ngoại trừ trường hợp bị bệnh. Nếu không cung kính, không thể phát khởi luật nghi.
(2) Giới tử không được nói trước thầy truyền giới (datar), cũng không được nói cùng lúc. Vì thế mới gọi là đắc giới từ người khác (tòng sư giáo thọ); nếu không, sự thọ giới cũng như sự truyền giới sẽ bất thành.
(3) Giới tử không mang đồ trang sức; nhưng có thể giữ lại các thứ trang sức thường ngày bởi vì các thứ này không sinh tâm kiêu mạn.
(4) Sự thọ giới kéo cho đến sáng hôm sau, đến khi mặt trời mọc.
(5) Giới tử phải thọ trì đủ tám chi và không được thiếu chi nào cả thì luật nghi Cận trú mới hoàn mãn.
(6) Giới tử bắt đầu thọ vào sáng sớm khi mặt trời mọc bởi vì đây là loại luật nghi thuộc về “một ngày một đêm”[3].
Những người nào trước đó đã phát nguyện: “tôi sẽ luôn luôn trì Cận trú giới vào ngày thứ tám của nửa tháng, v.v.”, thì họ sẽ thọ được loại luật nghi này ngay cả sau khi ăn xong.
(7) Giới tử phải thọ luật nghi Cận trú từ người khác chứ không thể tự thọ. Nếu sau này gặp phải các duyên khiến cho giới tử phạm phải việc ác (phạm giới duyên) thì nhờ sinh tâm hổ thẹn đối với thầy truyền giới mà có thể sẽ không phạm các giới đã thọ.
Nếu không làm đúng theo các điều trên đây thì người thọ giới có thể có được hành động tốt (diệu hạnh) nhưng không thể đắc giới. Nếu làm đúng theo các điều trên thì luật nghi Cận trú sẽ có tác dụng rất lợi ích ngay cả đối với những người phạm phải ác giới thuộc về một ngày một đêm (như giết hại, trộm cắp, v.v.)[4].
2/ Thời hạn thọ và xả Luật nghi cận trụ
a. Thời hạn thọ
Phải thọ trì (samādāna) luật nghi cận trụ trong bao lâu?
Bảy nhóm đầu tiên trong số các luật nghi thuộc biệt giải thoát được thọ trì trọn đời; luật nghi thuộc về Cận trú (upvāsastha) chỉ được thọ trì chỉ trong một ngày đêm.
Theo Thế Thân: “Điều này đã thành luật. Tại sao như vậy? Bởi vì chỉ có hai thời khoảng (thời biên tế, kālāvadhi) là thời khoảng dài bằng cả mạng sống (thọ biên tế) và thời khoảng một ngày một đêm (trú dạ biên tế). Các thời khoảng mười lăm ngày (bán nguyệt) và các thời khoảng khác đều được bao hàm trong thời khoảng một ngày một đêm này.
Pháp có tên là “thời” (kāla) là pháp gì? Đây không phải là một thực pháp (padārtha) thường hằng, như có người đã từng tin tưởng như thế. Chữ “thời” chỉ là một cách nói mà qua đó người ta muốn chỉ cho các hành pháp (saṃskāras) ở quá khứ, vị lai và hiện tại. Ngày là khi trời sáng ở bốn đại châu; và đêm là khi trời tối.
Luật nghi biệt giải thoát có thể chỉ được sinh khởi trong suốt cả một đời sống. Thật vậy, ngay cả khi chúng ta phát nguyện giữ giới trong đời sống kế tiếp thì chúng ta cũng không phát khởi được loại giới này cho đời sống đó; bởi vì:
(1) thân sở y (āśraya) lúc đó sẽ khác (nikāyasabhāga),
(2) thân sở y mới sẽ không có tính chất thích dụng đối với các luật nghi đã thọ trì,
(3) thân sở y mới cũng sẽ không nhớ được sự phát nguyện thọ giới”[6].
Tuy nhiên, nếu một người thọ trì các giới của Cận trú trong hơn một ngày một đêm, trong năm ngày, trong mười ngày, v.v., thì có chướng ngại nào đối với việc phát khởi nhiều giới Cận trú ở người này không? Chắc chắn phải có chướng ngại nào đó bởi vì Thế Tôn có nói trong kinh rằng Cận trú giới chỉ được thọ trì trong một ngày một đêm.
Như vậy vấn đề nảy sinh ở đây là tại sao Thế Tôn lại tuyên thuyết như vậy. Có phải ngài đã nghĩ rằng luật nghi Cận trú không thể phát khởi trong một thời khoảng lâu dài hơn? Hay là ngài nghĩ rằng căn cơ chúng sinh rất khó điều phục, vì thế chỉ nên thọ Cận trú giới trong một ngày một đêm thì việc giữ giới có thể dễ dàng hơn?
Bởi vì thật ra chẳng có gì trái ngược nếu phát khởi được luật nghi Cận trú trong một khoảng thời gian dài hơn một ngày.
Tuy nhiên, Tỳ-bà-sa cho rằng không thể thừa nhận cách giải thích trên bởi vì Thế Tôn không nói đến việc thọ luật nghi Cận trú trong một thời khoảng dài hơn.
b. Thời hạn xả
Tụng văn trên của A-tỳ-đạt-ma Câu-cá, gọi luật nghi biệt giải thoát là điều phục (dama) vì luật nghi này điều phục sáu căn
Trừ luật nghi Cận trú ra, luật nghi biệt giải thoát được xả bỏ là do:
(1) cố ý từ bỏ học xứ (śikṣāpratyākhyāna) trước mặt một người có hiểu biết;
(2) thọ mạng đã hết hoặc lìa bỏ chúng đồng phần (nikāyasabhāga);
(3) sự xuất hiện thêm nam căn hoặc nữ căn tùy theo từng trường hợp;
(4) sự hủy hoại thiện căn.
Luật nghi Cận trú cũng được xả do bốn duyên trên và khi một đêm kết thúc. Sự cố ý xả bỏ tạo ra một biểu nghiệp trái ngược với sự thọ giới (samādānaviruddha); mạng chung và hai giới tính cùng sinh đều dẫn đến sự lìa bỏ (tyāga) cũng như tình trạng nhiễu loạn của thân sở y (āśraya) mà người thọ giới đã nương vào đó để đắc biệt giải thoát trước đây; sự hủy hoại thiện căn chính là sự hủy hoại nền tảng của luật nghi này; và cuối cùng là luật nghi Cận trú chỉ được tạo thành và phát khởi trong một ngày một đêm cho nên khi một đêm kết thúc thì luật nghi này cũng hết hạn kỳ.
Như vậy người bất luật nghi thọ luật nghi Cận trú đến khi hết đêm phải xả bỏ giới thì vẫn là người bất luật nghi hay đã ở vào giai đoạn “trung gian” gọi là phi luật nghi phi bất luật nghi?
Có nhiều giải thích khác nhau. Có luận sư nói rằng vẫn đắc được bất luật nghi vì người thọ Cận trú giới không có ý định từ bỏ ác giới; cũng giống như một khối sắt khi ngừng nung đỏ thì sẽ trở lại màu xanh lúc đầu. Có luận sư khác lại nói rằng người bất luật nghi khi hạn kỳ thọ giới Cận trú chấm đứt thì không còn đắc bất luật nghi bởi vì sự đắc được bất luật nghi căn cứ vào thân ngữ nghiệp (vijñapti)[8].
*Phân biệt với kỳ hạn đắc bất luật nghi
Còn đắc bất luật nghi kéo dài trong bao lâu? Theo A-tỳ-đạt-ma Câu-xá giải thích như sau:
Bất luật nghi không bao giờ kéo dài chỉ trong một ngày một đêm như loại luật nghi Cận trú bởi vì bất luật nghi được phát sinh do sự tạo tác ác nghiệp trong suốt cả một đời (pādadharmābhyupagama).
Tại vì người ta không đắc bất luật nghi như trong trường hợp đắc luật nghi Cận trú bằng cách nói rằng “tôi nguyện ở trong bất luật nghi một ngày một đêm”; bởi vì điều này rất đáng chê trách.
Có người cho rằng: cũng không có ai đắc bất luật nghi bằng cách nói rằng “tôi nguyện suốt đời ở trong bất luật nghi”; vì thế sẽ không có trường hợp đắc bất luật nghi trong suốt cả đời.
Nhưng theo Thế Thân: “Đúng là không có ai đắc bất luật nghi theo kiểu này; người ta không đắc bất luật nghi nhờ vào một lễ nghi mà là qua những hành động với ý định luôn luôn làm điều ác; và cũng không đắc bất luật nghi bằng những ý định chỉ làm điều ác trong một khoảng thời gian nào đó (kālāntaravipanna).
“Trong trường hợp của luật nghi Cận trú, loại ý định này không có tính chất “luôn luôn” mà cần phải hoạch đắc nhờ vào lực của các nghiệp như “tôi nguyện an trú một ngày một đêm trong Cận trú giới”; và người ta đã tạo các nghiệp này chỉ vì mong muốn đắc được luật nghi này.
“Nếu có người nào đó mong muốn đắc bất luật nghi thì chắc chắn họ cũng có thể thọ trì bất luật nghi trong một khoảng thời gian nào đó và sẽ đắc được bất luật nghi trong khoảng thời gian này.
“Tuy nhiên trường hợp này không xảy ra vì thế chúng tôi không xem bất luật nghi là loại được thọ trì “trong một thời khoảng nhất định nào đó” (yếu kỳ)”[10].
(Còn tiếp)
Phước Nguyên
[1] Cf. Kośa, Phân biệt nghiệp iv. //28//, Hán, Huyền Tráng (T29n1562, tr. 0552a10): 近住於晨旦 /下座從師受/隨教說具支/ 離嚴飾晝夜. Chân Đế (T29n1559, tr. 0232b07): 晨朝從他受。下坐隨後說。 布薩護具分。離莊飾晝夜。
[2] Skt. Añajali: hiệp chưởng.
[3] Vibhāṣā, 124, 7.
[4] Cf. Kośa, Phân biệt nghiệp iv, Hán, T29n1562, tr. 0552ab, No. 1559, tr. 0232bc.
[5] Ibid., Hán, Htr. (T29n1562, tr. 0551b14): 別解脫律儀 /盡壽或晝夜; Cđ. (T29n1558, tr. 0074c08): 別解脫律儀 盡壽或晝夜.
[6] Ibid., Hán, T29n1562, tr. 0551bc; T29n1558, tr. 0074c.
[7] Cf. Kośa, Phân biệt nghiệp iv, //38&39//. Hán, T29n1558, tr. 0079a22 và tiếp : 捨別解調伏/ 由故捨命終/ 及二形俱生/ 斷善根夜盡 /有說由犯重 /餘說由法滅 /伽濕彌羅說/ 犯二如負財.
[8] Cf. Kośa, Phân biệt nghiệp iv, giải thích bởi Thế Thân. Hán, T29n1558, tr. 0079ab
[9] Cf. Kośa, Phân biệt nghiệp iv, //27//, Hán, T29n1563, tr. 0868a22: 惡戒無晝夜 /謂非如善受.
[10] Cf. Kośaiv, Hán, T29n1563, tr. 0868ab.