THẾ NÀO LÀ THÍNH PHÁP NHƯ CHÁNH PHÁP HỎI: Mô Phật, con cảm ơn Thầy. ĐÁP: Ngày nay các đạo tràng tu học mở ra khắp nơi là thuận duyên cho các Phật tử tu tập. Thường thì các giảng sư tuyên giảng với nội dung theo các chủ đề, có thể đó là nội dung sở trường của các vị, cũng có thể quán sát căn cơ hội chúng mà chuẩn bị nội dung tương hợp. Những người nghe Pháp thường đa dạng, nhiều trình độ và nhu cầu khác nhau : _ Có người nghe Pháp để thu nhận kiến thức giáo lý, bồi bổ văn tuệ làm cơ sở để hành trì tiến tu _ Có vị đơn giản chỉ nghe Pháp vì thời Pháp đó được phụ trách bởi vị giảng sư mình ưu ái kính mộ ( dạng như đề cao thần tượng_ trường hợp này phổ biến) _ Có vị suốt thời giảng khi nghe thuyết minh nghĩa lý Kinh Điển thì lim dim hôn trầm nhưng lúc vị giảng sư kể chuyện cổ tích tiếu lâm hay có những câu trào lộng hay ca cổ gì đó thì bỗng tươi tỉnh hẳn, mắt sáng rực, phấn chấn đến không ngờ (!), khi hết thời Pháp ra về chỉ lưu lại trong óc những câu chuyện đó. _ Có vị thì cố gắng nghe nhưng sức tập trung có hạn , kỹ năng hệ thống hóa các nội dung đã nghe kém đưa đến sự lĩnh hội chẳng là bao. _ Phần đông Phật tử khi đề cập đến một vị giảng sư nào thường ưu tiên những đặc điểm như : thầy ấy tướng hảo quang minh quá, thầy ấy ăn nói có duyên quá, thầy ấy kể chuyện tiếu lâm nghe hấp dẫn quá, rồi thầy ấy giảng nghe ướt át tình cảm quá, thầy ấy,.v.v… Hy hữu mới có những Phật tử cảm nhận sâu xa được ý Pháp các vị giảng sư đã truyền trao (điểm này đáng quý) Không ít các vị tôn túc hành trì miên mật học vấn uyên thâm nhưng khi giảng Pháp một số Phật tử lại cho là khô khan quá, rồi thối lui dần dần, thật là của báu trước mặt không biết đón nhận lại xu hướng theo những giá trị không đâu. Đã có những vị trụ trì nơi có các đạo tràng Phật tử tu tập chỉ thỉnh giảng những vị giảng sư được quần chúng mến mộ dẫn đến hệ quả có vị giảng sư lịch giảng kín có khi không đáp ứng hết ( còn phải để thời gian cho các vị ấy tu tập, tái tạo và củng cố nội lực nữa chứ! ), có những vị giảng sư năng lực cũng không tệ nhưng vẫn không được để tâm. Sự mất quân bình tạo ra tình trạng khập khiễng trong Hoằng Pháp ( hội chứng cám để treo heo nhịn đói). Riêng các Phật tử luôn luôn phải tỏ ra mình là những người nghe Pháp đúng Pháp, có trí tuệ. Biết để tâm nắm bắt những giá trị quý báu trong thời Pháp ( đó là những nền tảng giáo lý hữu ích ), không nên quá sa đà hay chỉ chú tâm vào các tiểu tiết ngoài lề như chuyện vui hay vài câu ngâm hát của một vị giảng sư nào đó. Hãy thính Pháp với càng nhiều vị giảng sư càng tốt bởi đó là điều kiện mình sẽ được tiếp cận nhiều nguồn truyền thụ phong phú từ nhiều bộ óc khác nhau. Không nên chỉ chăm chăm nghe Pháp độc nhất với một vị dù đó là thần tượng trong tâm đi nữa, hãy nhớ nguyên lý 1+0,1 kết quả vẫn hơn 1. Qúy vị thấy bắt đầu từ lớp 6 phổ thông trở lên mỗi môn học đều do một vị giáo viên khác nhau đảm trách, càng lên bậc học cao hơn sự phân bố chuyên môn càng rõ rệt, không có và không thể có một vị giáo sư dám vỗ ngực rằng có thể đảm đương tất cả các môn học trên đời. Thứ nữa chúng ta đừng cho rằng thời Pháp là cơ hội thư giãn ( chức năng này có các sân khấu giải trí phụ trách rồi) để rồi chê vị này giảng khô, ông kia giảng mùi mà hãy chú tâm vị ấy đã giảng điều gì, điều ấy có thiết thực cho cuộc sống và tu tập của mình không. Nếu biết tự định hướng bản thân như thế là các vị đã có thái độ đúng đắn khi nghe Pháp và học Pháp. Nếu có điều kiện các Phật tử có thể đăng ký học các lớp giáo lý của Ban Hoằng Pháp tp tổ chức ( chùa Phổ Quang, Việt Nam Quốc Tự, Tuyền Lâm, Xá Lợi, Phật Bảo,..) . Ở đó các vị sẽ được rất nhiều vị giảng sư hướng dẫn nội dung học một cách tuần tự có hệ thống, bài vở quy củ dễ nắm bắt và điều quan trọng là kiến thức Phật học của mình sẽ rất căn bản, có nền tảng_ cơ sở để nghiên cứu học tập lĩnh vực cao hơn. Chúc Phật tử Ngọc Diệu và các Phật tử luôn tinh tấn tu học và tinh tấn nghe Pháp trên tinh thần trí tuệ. |