NÊN CHỌN MÔI TRƯỜNG NÀO ĐỂ XUẤT GIA
Thích Ngộ Phương
Xuất gia thì con phải lựa người để sống cùng chứ không phải lựa chùa để nương gá vì người làm nên chùa chứ không phải chùa làm nên người. Chùa thì đâu cũng thấy nhưng người thực sự tu hành, từ bỏ hẳn ngũ dục thì con phải đi tìm đấy. Để tìm ra một con người và môi trường tu tập tốt thì con trả lời hai câu hỏi cho bản thân và ba câu hỏi cho nơi ở tu tập sau đây:
1. Mục đích đi tu là để giác ngộ giải thoát độ mình độ người hay làm gì?
2. Hủy bỏ cái đẹp, cạo được tóc nhưng có buông được điện thoại hay không? Xuất gia ngày xưa thì mái tóc là chướng ngại, còn ngày nay điện thoại là chướng ngại còn lớn hơn. Bản lĩnh chịu cực chịu khó với thanh quy giới luật của người tu cỡ nào?
3. Nơi mình ở có bậc trưởng thượng uy lực tâm linh, đạo cao đức cả, không màng danh tiền tình, thống nhiếp tứ chúng bằng lòng từ và giới định tuệ hay không?
4. Đại chúng ở với nhau có oai nghi tế hạnh của kẻ xuất trần giải thoát hay không? Có dựa trên nền tảng lục hòa, thanh tịnh giới luật và hòa hợp lợi ích hay không?
5. Đặc biệt hãy tìm nơi nào mà ở đó cấm dùng điện thoại và tiền bạc và giới hạn qua lại với người đời. Vì sao?
Vì sao đi tu phải xuống tóc? Vì để thân hình khác tục mà cắt đứt mọi mối quan hệ với thế gian dù đó là cha mẹ - cắt ái từ sở thân. Cha mẹ ngày đêm nhung nhớ thì lại từ bỏ ra đi để dành thời giờ chuyển hóa thân tâm mà viện cớ “Phật Tử” để mặc nhiên qua lại suốt ngày thì thật lỗi lầm vậy. Xuống tóc là chấm hết mọi mối quan hệ thế tục thì không có lý do nào cho một kẻ tóc xanh qua lại suốt ngày với kẻ tu hành trọc đầu với những chuyện vui buồn, vợ chồng con cái, tiền tình,…cái mà người tu đã vứt áo ra đi, ngay cả cha mẹ họ cũng không muốn làm phiền họ.
Một kẻ tóc xanh quần này áo nọ, và một người đầu tròn áo vuông ngồi với nhau là đã thấy sự khác biệt: một đời một đạo rõ ràng rồi. Nếu ngồi nơi không trang nghiêm đã là khó nhìn khó coi. Nên tự động chiếc đầu tròn ấy hỗ trợ rất nhiều trong việc tạo ra một khoảng cách oai nghi giới hạnh an toàn nhất định cho người tu. Tức là hình tướng khác tục tạo ra lối ứng xử thích ứng và đúng mực hơn. Nhưng không may khả năng thiên nhỉ thông ngày nay của loài người là chiếc điện thoại đã vô hiệu hóa hàng rào an toàn đó. Chiếc điện thoại giúp cho việc liên lạc bên ngoài bao nhiêu thì hại cho người liên lạc vào bên trong bấy nhiêu nếu họ chưa vững vàng. Nên xuống tóc thời hiện đại, không quan trọng bằng XUỐNG cái điện thoại cũng như các loại mạng truyền thông liên lạc khác.
Nên nếu thực sự muốn nuôi lớn chí nguyện xuất trần trọn đời với sơ tâm ngày một mạnh mẽ thì hãy tìm nơi nào mà ở đó cấm dùng điện thoại và tiền bạc và giới hạn qua lại với người đời. Bằng không thì mẹ cha không báo hiếu được mà đường tu thì tiến thoái lưỡng nan thì âu cũng do mình không cẩn thận trong lúc chọn mặt gửi vàng.
Hãy chọn nơi nào mà ở đó người đời chắp tay lạy con mà con vẫn đứng trang nghiêm cung kính cảm thấy xứng đáng để họ lễ lạy cái giới luật mà con thọ trì. Đối với người đời, cha mẹ họ chưa chắc một lần chắp tay vái chào huống hồ kính lễ, vậy thì nếu thân tâm con không trong sạch giới hạnh thì một cái lễ lạy của họ con sẽ xuống một tầng địa ngục. Họ chỉ lễ chiếc y vàng do thọ trì giới hạnh làm nên các thửa ruộng công đức ấy thôi. Nếu con xã giới, con phải xã y. Giới là y; y là giới. Không còn giới thì y là tấm sét nặng dưới địa ngục chờ con phải mang vào.
Người đời chỉ kính người tu ở chỗ người tu giữ được những điều mà người đời không giữ được. Người đời khác với người tu ở chỗ oai nghi giới hạnh. Không oai nghi giới hạnh thì đầu tròn áo vuông chỉ là một mốt thời trang lố bịch và kệch cỡm vô cùng.
Nên người thực tập tu hành, mới bước vào đạo phải thành tựu giới hạnh trong ít nhất năm năm - ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật. Và một môi trường yểm trợ cho chiếc y con đắp đầy đủ giới luật và oai nghi tế hạnh là điều quyết định cả cuộc đời tu hành của con về sau vậy. Giới luật phải thành tựu trước rồi mới nói đến chuyện pháp môn tu tập (ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền).
Một môi trường mà không có khả năng giữ gìn, bảo vệ, tưới tẩm giới luật và oai nghi tế hạnh cũng như nuôi lớn sơ tâm bồ-đề của một người tu thì môi trường đó đang phá hoại cả một thế hệ tu sĩ. Vì sơ tâm khó phát mà một khi mất đi rồi khó lòng phục dựng. Người tu mà thối thất bồ đề tâm giống như rắn mất đầu. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Làm tất cả các thiện pháp mà quên mất tâm bồ đề đều là hành động của ma”.
Mạng mạch Phật giáo không duy trì bằng số lượng mà là chất lượng. Tu sĩ Phật giáo không có một hệ thống hành chính chiều dọc chặc chẽ như các tôn giáo khác mà chỉ dựa trên tinh thần TỰ NGUYỆN, TỰ GIÁC, nên nếu tinh thần đó không cao thì số lượng càng đông sẽ càng hỗn loạn.
Một trăm người tu không tế hạnh oai nghi không bằng một người có tác phong đức độ của một kẻ tu hành. Vì không giới hạnh thì chỉ là xã hội ô hợp thu nhỏ, tự thân họ không lợi ích, mắc nợ đàn na, mà còn phá rối lòng tin của tín chủ, không còn duy trì bản thể thanh tịnh và hòa hợp của chư tăng thì mạng mạch Phật giáo giống như một chiếc xe hoa rất đẹp nhưng có điều nó đang lao xuống dốc. Nếu không có khả năng duy trì được mạng mạch Phật pháp như bậc hiền thánh tăng thì chí ít môi trường tu tập đừng là nơi xem thường oai nghi tế hạnh của người tu mà vô tình đào tạo ra một thế hệ tu sĩ chỉ biết khẩu đầu thiền qua bằng cấp học vị mà bị thui chột giới hạnh và quên bẳng đi tác phong của người khất sĩ sống hạnh tam thường bất túc.
Vậy thế nào là một môi trường tu tập tốt? Đó là môi trường xây dựng một mô hình khuôn đúc những con người thực tập làm thánh. Khuôn đúc những bậc thánh thì đòi hỏi một năng lượng tu tập thích ứng với khuôn đúc đó. Nếu không chịu nỗi nội quy khuôn đúc ấy, quy luật loại dần sẽ loại bỏ. Còn lại những gì được chắc lọc thì đó thực sự là tinh hoa. Và chính năng lượng tinh hoa ấy sẽ duy trì mạng mạch Phật pháp. Nếu môi trường tu tập không đào tạo được những bậc đống lương rường cột Phật pháp thì chí ít đừng dung dưỡng những con trùng khoét đục xác thân của con sư tử. Chính trùng trong sư tử mới giết được sư tử.
Thích Ngộ Phương
Thư Viện Hoa Sen
- Từ khóa :
- môi trường
- ,
- xuất gia