TỪ NHÃN THỊ CHÚNG SANH
Hạnh Chi
“Cụ nhất thế công đức
Từ nhãn thị chúng sanh
Phước tụ hải vô lượng
Thị cố ưng đảnh lễ”
Đây là lời tán thán Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, trong kinh Phổ Môn. Bài tán dạy rằng, với công đức đầy đủ, Ngài nhìn khắp chúng sanh bằng đôi mắt từ ái, sẵn sàng đáp lại tiếng kêu thương. Trước biển phước vô lượng như thế, chúng con đều cung kính đảnh lễ.
Theo truyền thuyết, Bồ Tát Quán Thế Âm bắt đầu tu bằng cách lắng nghe. Ngài thường đến ven biển, ngồi trên ghềnh đá, lặng thinh nghe tiếng sóng vỗ ầm ì. Từng đợt sóng lớn nhỏ xô đẩy nhau, dạt vào bờ, tạo ra những chuỗi âm thanh vỡ vụn, khi như reo vui, lúc lại như nức nở.
Tai (căn) nghe tiếng sóng (trần) lòng xôn xao (thức), khiến tâm Ngài đôi lúc dao động.
Ngài bèn rời biển, đi vào rừng sâu, thiền định nơi thật khuất vắng, nhưng lạ thay, âm thanh của sóng biển rì rầm vẫn văng vẳng bên tai.
Ngài chợt nhận biết rằng âm thanh này chẳng phải thực âm thanh mà chỉ là những chủng tử đã rơi vào tàng thức; rồi vì Ngài đang chú tâm vào cách lắng nghe nên những chủng tử này đã thức dậy. Chủng tử này chính là cái duyên, khi Căn gặp Trần và nảy sanh ra Thức.
Căn gặp Trần tựa như hóa chất kết hợp nhau.Tùy hóa chất đó là gì thì sẽ sanh ra Thức phù hợp theo (Mắt thấy đóa hoa tươi, khởi niềm yêu thích, tai nghe tiếng sấm chớp thì sanh lòng sợ hãi …v…v…)
Đó là Căn theo Trần mà tạo ra Thức phân biệt (đẹp, xấu, vui, buồn, yêu, ghét …) Vậy, muốn buông xả tâm cảnh là phải quán sát tự thể của chúng, thay vì nhắm mắt làm ngơ.
Ngài bèn quay lại bờ biển, ngồi trên ghềnh đá cũ, lại nghe sóng biển xô đẩy nhau nhưng nay nghe bằng sự quán sát kỹ lưỡng.
À, sóng có cao, có thấp, có lớn, có nhỏ, đuổi nhau từng lớp, ập vào bờ, tạo ra âm thanh lúc dịu dàng, lúc dữ dội.
Sóng chẳng phải tự nhiên thành mà do duyên theo gió. Gió lớn tạo sóng to, gió nhẹ tạo sóng nhỏ. Nếu không có gió thì chẳng có sóng; nghĩa là, sóng đến và đi là theo duyên của gió chứ tự thể nước vốn không động, không tĩnh, cũng chẳng đến, đi.
Quán sát được điều này, Ngài không để tâm mình duyên theo âm thanh của sóng nữa. Sóng đến, tâm không động; sóng đi, tâm không theo vì khi ấy Ngài không còn nghe bằng nhĩ căn nữa, mà nghe bằng Tánh-Nghe.
Căn gặp Trần không còn khởi Thức nữa nên Tánh-Nghe đã nghe được cả sự tĩnh lặng, vì khi ấy sinh diệt, đến đi của âm thanh hoàn toàn không lay động tới Tánh-Nghe.
Duy Thức Học đặt dấu mốc này là Bình-Đẳng-Tánh-Trí, là không còn Thức nữa, chỉ còn Trí.
Một lần, Đức Phật muốn dạy đại chúng về Tánh-Nghe này nên bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông, rồi Đức Phật quay sang hỏi ngài A Nan:
- Ông có nghe không?
Ngài A Nan và đại chúng thưa:
-Dạ, chúng con có nghe.
Chờ âm vang của tiếng chuông dứt hẳn, Đức Phật mới hỏi:
- Ông có nghe không?
Ngài A Nan và đại chúng thưa:
- Dạ, chúng con không nghe.
Đức Phật lại bảo La Hầu La đánh một tiếng chuông nữa, rồi hỏi A Nan:
-Ông có nghe không?
Ngài Anan và đại chúng thưa:
- Dạ, chúng con có nghe.
Bấy giờ Đức Phật mới giảng giải:
-Này A Nan, ông đang lầm lẫn giữa Nghe và Tiếng. Khi chuông không còn âm vang, ông nói là “không nghe”, nhưng nếu thực ông không còn khả năng nghe, thì sao khi tiếng chuông thứ hai ngân lên, ông lại nhận biết? Tiếng, trong Cái-Nghe tự nó sanh diệt là do âm thanh khi có, khi không; còn cái Nhận-Biết-Âm-Thanh có hay không, thì bất sanh bất diệt. Đó chính là Tánh-Nghe. Chớ lầm cái Tiếng thành cái Nghe mà dễ đưa tới sự lầm khác, là cái Thường ngỡ là cái Đoạn.
Do công phu quán sát và tu tập cách an trú trong Tánh-Nghe mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã lập ra pháp môn Nhĩ Căn Viên Thông, từng được ngài Văn Thù Sư Lợi vâng lời Đức Phật, chọn là pháp môn thù thắng nhất trong các pháp môn của hai mươi lăm vị Bồ Tát lớn.
Với đại nguyện cứu khổ cứu nạn chúng sanh, Bồ Tát Quán Thế Âm đã vận dụng Tánh-Nghe vi diệu của bậc Đại Trí, dõi mắt thương nhìn khắp chúng sanh, lắng nghe tiếng kêu thương của ba cõi, sáu loài dù tiếng kêu thương đó hữu thanh hay vô thanh. Ngài thường tùy biển khổ mênh mông mà ứng hiện cứu độ.
Ngày nay, du khách tới Nhật Bản, nếu ghé quần đảo Osaka, có thể ngạc nhiên khi tình cờ nhìn thấy tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được an vị trang trọng trong một ngôi nhà thờ. Đây là chứng tích mầu nhiệm, kỳ diệu, của tấm lòng Bồ Tát đã lắng nghe và đến với mọi nơi trong cơn nguy khốn.
Theo truyền thuyết được ghi lại, thì tại Nhật Bản, thời Mạc Phủ cai trị, chính quyền rất kỳ thị Thiên Chúa Giáo. Các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha thường xuyên sống trong hồi hộp, lo sợ vì sự truy lùng. Khi chính quyền biết tin quần đảo Osaka còn một nhà thờ mà dân chúng đang được truyền đạo thì họ đã ra lệnh cho quân đội là phải tới ngay, không chỉ tàn sát các nhà truyền giáo mà còn tàn sát cả những ai theo đạo Thiên Chúa nữa!
Được tin đó, Cha Xứ vô cùng hốt hoảng, không biết làm gì hơn là cùng với giáo dân, ngày đêm cầu nguyện Đức Mẹ Maria. Một lần, quá mệt, Cha Xứ ngủ thiếp đi. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, ông thấy một người nữ hiện ra rực rỡ trên bầu trời ảm đạm, trên tay cầm bình tịnh thủy, nhẹ nhàng rưới khắp quần đảo.
Vì đã từng nghiên cứu về Đạo Phật nên ông biết vị hiện ra trong giấc mơ là Đức Bồ Tát Quán Thế Âm chứ không phải Đức Mẹ Maria; và bình nước trên tay Ngài là nước Cam Lộ xoa dịu thương đau.
Choàng dậy, Cha Xứ hướng lên trời cao tạ ơn Bồ Tát. Ông đã hiểu ý lời chỉ dạy cứu nguy của Ngài nên vội vã cùng các giáo dân phác họa đơn sơ dung nhan Đức Quán Thế Âm, treo trước sân giáo đường rồi huy động giáo dân đến quanh, cầu nguyện và quỳ lạy như hình thức Đạo Phật.
Khi quân lính của chính quyền đổ bộ vào quần đảo, họ chỉ thấy dân chúng đang kính cẩn quỳ lạy Mẹ Quán Thế Âm, chứ hình tượng này nào phải là Mẹ Maria của đạo Thiên Chúa.
Đây chắc do tin tức sai lầm nên sau khi quan sát và chiêm ngưỡng dung nhan Bồ Tát, họ đã lẳng lặng bỏ đi.
Hiện tượng hy hữu, thờ Bồ Tát trong nhà Chúa là do sự kiện lịch sử này, chứng minh với tâm từ bi, với năng lượng nhiệm mầu và hạnh nguyện lắng nghe tiếng kêu thương mà Bồ Tát Quán Thế Âm đã kịp thời cứu vớt sinh mạng hàng ngàn chúng sanh vô tội.
Nương lời kinh tán thán công đức vị Bồ Tát ngàn mắt, ngàn tay, hàng Phật tử chúng con, năm vóc sát đất, cung kính cúi đầu đảnh lễ:
“Nam Mô Đức Quán Thế Âm
Vẹn toàn công hạnh, ân thâm cao dày
Cam-lộ nước mát trên tay
Tưới lên sân hận, dịu ngay oán thù
Nhiệm mầu thay, nhánh liễu tơ
Nhẹ nhàng phẩy sạch nhuốc nhơ bụi trần
Tai lắng nghe, mắt thương nhìn
Xót đau cùng khắp sinh linh ta-bà
Nơi tận khổ, Ngài hiện ra
Từ bi cứu độ hằng hà trầm luân
Công vô lượng, Đức vô ngần
Làm sao báo đáp muôn phần từ tâm!
Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm”
Nam Mô Quá Khứ Chánh Pháp Minh
Hiện Tiền Quán Tự Tại
Quán Thế Âm Bồ Tát.
Hạnh Chi
(Tào-Khê tịnh thất – Ngày phát nguyện lạy Ngũ Bách Danh)
- Từ khóa :
- Từ Nhãn Thị Chúng Sanh