ĐÁP:
Bạn Trang Nguyễn thân mến!
Theo Phật giáo Bắc tông, Bồ-tát có nghĩa là Giác hữu tình, chỉ cho người phát tâm cầu giác ngộ, giải thoát đồng thời làm lợi ích và giúp cho tất cả chúng sinh cùng giác ngộ. Người tu hạnh Bồ-tát có thể xuất gia hoặc là tại gia cư sĩ. Tu hạnh Bồ-tát trước phải phát tâm cầu giác ngộ, thành Phật (gọi là phát tâm Bồ-đề); kế phải phát nguyện thọ trì Tam tụ tịnh giới: Nhiếp luật nghi giới (không làm các điều ác), Nhiếp thiện pháp giới (làm các điều lành) và Nhiêu ích hữu tình giới (làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh); sau là tu tập Lục độ: Bố thí Ba-la-mật, Trì giới Ba-la-mật, Nhẫn nhục Ba-la-mật, Tinh tấn Ba-la-mật, Thiền định Ba-la-mật và Trí tuệ Ba-la-mật liên tục cho đến ngày công viên quả mãn.
Làm từ thiện là mang yêu thương và tốt lành đến với chúng sinh, hạnh đầu tiên trong sáu môn tu tập của Bồ-tát (Bố thí Ba-la-mật). Bố thí có ba pháp: Tài thí (sẻ chia tiền bạc, tài sản cho người), pháp thí (sẻ chia giáo pháp, giúp người tin hiểu và thực hành Chánh pháp để được an vui), vô úy thí (che chở, an ủi, giúp người vượt qua sợ hãi, đạt được bình an). Ba-la-mật là sang bờ kia, tức vượt lên mọi chấp thủ tự ngã, tất cả hạnh lành đều được thực thi trong tinh thần vô ngã, vị tha.
Nên bố thí, làm từ thiện thực sự là hạnh Bồ-tát khi người làm từ thiện xuất phát từ lòng yêu thương bình đẳng, vì tha nhân chứ không vì mình, trong các hạnh tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tất cả những công đức phước báo có được đều hồi hướng đến quả vị Vô thượng Bồ-đề (thành Phật ở ngày sau). Nếu làm từ thiện mà chưa thoát được cái tôi cá nhân thì chỉ là một hạnh lành, chưa phải hạnh Ba-la-mật của Bồ-tát.
Vì thế, khi nói người thực hành bố thí hay làm từ thiện là đang làm hạnh Bồ-tát chỉ là cách nói ước lệ (Bồ-tát thương và giúp chúng sinh). Kỳ thực, Bố thí Ba-la-mật mới thực sự là hạnh Bồ-tát.