CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT THÍCH CA
LIFE OF THE BUDDHA
LÊ SỸ MINH TÙNG
2021
2. XUẤT GIA TÌM ĐẠO
Một đêm khuya, thừa dịp quân lính canh gác và cung phi mỹ nữ đã ngủ say sau một cuộc yến tiệc linh đình, Thái Tử quyết chí ra đi. Ngài vội vàng đánh thức tên giữ ngựa Xa-nặc (Channa) dậy để thắng cương con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) của Ngài.
Trước khi ra đi, Thái Tử đi dọc theo hành lang nội cung, đến trước phòng công chúa Da Du Đà La và người con trai đang ngủ say. Thái Tử hé cửa nhìn vào, lòng Ngài xót xa cho người vợ trẻ và đứa con trai còn nhỏ dại của mình. Nhưng đối với sự đau khổ của nhân loại thì lòng thương xót của Ngài còn da diết hơn. Sau đó, hai thầy trò cùng nhau trốn ra khỏi thành vào đêm mồng tám tháng hai. Lúc đó Ngài được 29 tuổi. Thái Tử ra đi là Ngài chấp nhận từ bỏ tất cả. Ngài đã để lại phụ vương, ngai vàng, vợ đẹp con xinh và cuộc sống hạnh phúc của một vị Thái Tử. Sự hy sinh của Ngài không phải là sự từ bỏ của một người già, đau ốm hay của một người nghèo khó, bệnh tật đã ngán ngẫm cuộc đời, mà đây chính là sự hy sinh từ bỏ của một vị Thái Tử đang tuổi thanh xuân và đang sống trong giàu sang quyền quý. Quả thật đó là một sự từ bỏ, hy sinh vĩ đại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của nhân loại.
Khi vào đến rừng sâu, Ngài tìm đến bờ sông Anomà. Nơi đây Ngài cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa nặc đem về. Liền sau đó, Thái Tử đổi y phục quý báu của Ngài cho người thợ săn để lấy một chiếc y màu vàng. Bây giờ Thái Tử một mình ra đi với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ và bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Khi thì Ngài ngồi dưới bóng cây, khi thì Ngài nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Mặc dầu đi chân không và đầu để trần, Ngài vẫn đi bình thản giữa nắng nóng ban ngày cũng như trong những đêm sương lạnh mà tất cả mọi năng lực cũng như ý chí của Ngài đều dồn về với một lý tưởng cao cả là cố tìm cho được một chân lý tối thượng, lý lẽ của sự sống chết và con đường dẫn tới giải thoát để đạt đến cõi Niết bàn bất tử. Ban đầu, Thái Tử đã tìm tới thọ giáo với đạo sư danh tiếng ở Ấn Độ thời bấy giờ là Alara Kalama. Ngài Alara chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ tức là tầng thiền thứ ba của thiền vô sắc giới. Sau một thời gian ngắn tu tập, Thái Tử cũng đạt được cấp thiền Vô sở hữu xứ, nhưng rồi Thái Tử tự suy nghĩ rằng: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ". Như vậy, này Aggivessana, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi”. Thái Tử rời khỏi đạo tràng của Alara Kalama rồi vượt sông Hằng tìm đến đạo tràng của Uddaka Ramaputta học đạo. Ở đây Thái Tử cũng được vị thầy này sẵn sàng chỉ dạy. Thái Tử tu tập chẳng bao lâu liền nhập được định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Định Phi tưởng phi phi tưởng xứ là một loại định cao nhất của ngoại đạo lúc bấy giờ, nên các vị thầy ngoại đạo khó có ai tu đạt được thiền định này, nhưng chỉ có Thái Tử nỗ lực tu tập trong một thời gian ngắn mà Ngài đã nhập được một cách dễ dàng. Khi nhập xong định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Thái Tử được Ngài Uddaka Ramaputta tôn sùng với sự tôn kính tối thượng. Vì pháp định này không đưa Ngài hướng đến an tịnh, giác ngộ, Niết bàn cho nên Ngài cũng từ bỏ pháp ấy rồi ra đi. Ngài tuần tự du hành nước Magadha (Ma kiệt đà) và quyết định lưu lại Uruvela (Ưu lâu tần loa) vì nơi đây là một địa điểm khả ái, có nhóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần với một chỗ lội qua dễ dàng và chung quanh có làng mạc bao bọc. Ngài tư duy rằng bên cạnh thiền định xuất thần đó phải còn một cái gì khác cần thiết cho sự tìm con đường giải thoát cho Ngài. Vì băn khoăn như thế nên Ngài chọn phương pháp tu khổ hạnh cực đoan may ra Ngài có thể tìm thấy ánh sáng của chân đạo. Uruvela là một làng nhỏ, nhưng cảnh vật chung quanh đây thì đẹp đẽ và yên lặng rất thích hợp cho thiền định của Ngài. Cùng đến nơi đây với Thái Tử còn có năm nhà tu khác là các ông Kiều Trần Như (Kondana), Ác Bê, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Họ đi theo và tôn kính Ngài như là đấng Đạo sư của họ và họ hy vọng rằng khi Ngài chứng được chân lý bằng cách hành xác thì Ngài sẽ truyền lại chân lý đó cho họ. Lối tu nầy đòi hỏi người tu phải sống một cách kham khổ từ nhịn ăn uống đến dãi nắng dầm sương, hành thân hoại thể một cách ghê rợn. Ngài đã sống 5 năm trong chỗ hoang dã, ghê sợ, trong những bãi tha ma hay những nơi dơ bẩn. Ngài từ chối tắm giặt và không mặc áo quần, tệ hại hơn nữa Ngài còn dầm mình trong nắng hạ ban ngày, và chịu lạnh buốt trong những bụi cây của những đêm đông. Ngài không cần dùng nhiều thực phẩm, cố gắng nhịn đói, ngày chỉ ăn một hạt mè, dần dần cho đến khi cái thân đẹp đẽ, vốn là thân Đế vương, mà giờ đây teo rút lại chỉ còn da bọc xương. Bởi vì Ngài nghĩ rằng nếu muốn đạt đến chổ Giác ngộ tối thượng thì mình phải can đảm từ bỏ những gì bên ngoài đã làm cho mình vướng bận cũng như sự thỏa mãn của thân thể.
Vì quyết tâm tìm chân lý giải thoát mà Thái Tử thực hành khổ hạnh cho đến khi tấm thân nay chỉ còn da bọc xương mà vẫn không chứng được pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Thái Tử tâm trí bồi hồi bâng khuâng tự hỏi: “Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ chăng?".