Sở Y Xứ

12/03/20226:03 SA(Xem: 4473)
Sở Y Xứ

SỞ Y XỨ
Thích Chân Tính

 

thich chan tinh 2Trong kinh Tăng Chi Bộ I, chương III, phẩm Lớn, bài kinh Sở Y Xứ, đức Phật có nói về quan điểm của ngoại đạo. Có ba quan điểm mà họ chấp nhận:

“Quan điểm thứ nhất cho rằng: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, Sở y xứ không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân, không duyên”.

Quan điểm thứ nhất cho là những sự vui buồn của con người là do nhân nghiệp quá khứ. Quan điểm này gần giống với thuyết nhân quả trong đạo Phật. Thế nhưng, điểm khác biệt ở chỗ thuyết ngoại đạo cho rằng tất cả cảm giác con người lãnh thọ đều do nghiệp quá khứ. Chúng ta sướng hay khổ, vui hay buồn, đẹp hay xấu, thông minh hay ngu dốt, thậm chí những việc làm trong hiện tại như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu,… đều do nghiệp quá khứ. Con người chỉ là sản phẩm của nghiệp quá khứ, không thể thay đổi được, thậm chí những hành động ngay trong hiện tại cũng đều là quả của quá khứ, do quá khứ tạo ra. Theo thuyết này, con người chấp nhận mà không có hướng thay đổi hoàn cảnh, không có ý chí tiến thân, vì không có căn cứ gì để phát triển được. Thầy lấy thí dụ, một người sinh ra bị mù mắt, rõ ràng đây là nghiệp quả do nhân từ quá khứ, đạo Phật hay ngoại đạo đều chấp nhận điều này.

Thế nhưng, đạo Phật hướng con người đến sự chuyển hóa nghiệp bằng thái độ sống tích cực. Từ đó, hoàn cảnh sống và sự vui khổ do chính con người quyết định. Chúng ta không thể chọn điều kiệnhoàn cảnh sống, nhưng mình có thể thay đổi cách thức và thái độ sống. Thầy có làm câu thơ: “Nếu không thay được thế thời, thì ta hãy đổi cuộc chơi cách nhìn”.

Từ cách nhìn và quan điểm sống tích cực, đúng đắn, chúng ta dần thay đổi được hoàn cảnh, môi trường sống nhờ đó trở nên tốt đẹp hơn.

Ngoại đạo quan niệm nghiệp là một thứ gì đó bất biến, không thay đổi, không thể chuyển hóa. Chính vì cho rằng “đây là nghiệp của quá khứ” nên người ta buông trôi thả nổi, không có chí tiến thân, không quyết định chuyển hóa cuộc đời. Cùng trong một hoàn cảnh mù lòa và tăm tối, có người chấp nhận điều đó và sống mòn mỏi cho hết kiếp, không biết phải làm gì khác để cuộc đời trở nên ý nghĩatốt đẹp; có người khác bị mù nhưng có tư duy tích cực, vươn lên trong học tập, làm việc theo khả năng của bản thân để vượt qua số phận. Nhiều người khiếm thị học đàn, học vi tính, học những môn học gì đó phù hợp với sở thích và khả năng của họ để có được nghề nghiệp, cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Chính nhờ sự nỗ lực, cuối cùng họ cũng thành công.

Hôm trước, thầy có xem một người khiếm thị chơi đàn guitar. Chúng ta không thể tưởng tượng được một người không thấy gì lại có thể chơi đàn hay như vậy. Với tài năng đặc biệt đó, những tay chơi đàn chuyên nghiệp cũng phải kiêng nể vài phần. Nhiều người thấy ông ta chơi đàn hay quá nói: “Bao nhiêu năm học đàn, thấy ông này chơi xong muốn bỏ nghề!”. Có rất nhiều người khiếm thị chơi những loại nhạc cụ như piano, organ, guitar, kèn, trống,… rất hay. Người nào từng học qua các loại nhạc cụ này thì biết việc luyện tập khó khăn như thế nào, mình sáng mắt mà nhìn bàn phím nhiều khi còn bấm nhầm, lộn tới lộn lui, họ khiếm thị mà chơi được như thế chắc chắn cần phải có một sự nỗ lực rất lớn, dành ra nhiều thời gian và công sức để luyện tập. Chưa kể, có những người mù dạy tiếng Anh, vi tính, là vận động viên thể thao nổi tiếng, đơn giản là họ làm những nghề đan lát, thêu thùa hay thủ công mỹ nghệ để kiếm tiền nuôi sống bản thân, không để bị lệ thuộc vào người khác.

Theo thuyết nghiệp báo, đó là họ đang thay đổi nghiệp, nhờ sự cố gắng của bản thân để thay đổi hoàn cảnh sống.

Ngoại đạo cho rằng, tất cả vui, buồn, sướng, khổ đều do quá khứ, sẽ khiến cho con người ta sống trên cuộc đời này một cách thụ động, không có ý chí tiến thân, không thay đổi hoàn cảnh.

Nghiệp trong đạo Phật là một sự tương quan nhân quả trong cả ba thời quá khứhiện tạivị lai. Chúng ta không thể thay đổi được những nghiệp từng làm trong quá khứ, nhưng mình có khả năng tạo ra nhân mới ngay trong hiện tại, nhờ đó có được những lợi ích tốt đẹp ở tương lai. Thậm chí, ngay trong đời sống này, nếu chúng ta tạo tác nhân thiện hay ác sẽ tác động đến quả của nghiệp từng làm trong quá khứ, giúp cản trở hay hỗ trợ cho quả phát sinh như thế nào.

Không phải đời sống này bị chi phối hoàn toàn bởi nghiệp quá khứ. Nhiều người đổ thừa “tại nghiệp”, “do số phận”,… Chính vì chấp chặt vào tà kiến đó mà người ta có câu nói: “Làm cho lắm cũng mắm với cà, làm tà tà cũng cà với mắm”. Khi có ý nghĩ sai lầm, cho rằng cuộc đời được định sẵn, chúng ta sống một cách thờ ơ, buông xuôi, cuộc đời này ra sao cũng được, vì có cố gắng cũng không thay đổi được gì, từ đó cuộc đời mình ngày càng đi xuống.

Đạo Phật nói về nghiệp nhân của quá khứ, hình thành nên kết quả trong hiện tại, nhưng đạo Phật cũng nói rằng hiện tại là nhân và quả sẽ trổ trong tương lai. Tương lai đó có thể là ngày mai, tháng sau, năm sau,… Do đó, cuộc đời buồn, vui, sướng, khổ vừa do quá khứ xa xôi nào đó, nhưng một phần cũng do tác động đến từ hiện tại này. Không phải chúng ta ngồi đó đổ thừa toàn bộ cho nghiệp quá khứ.

Hiện tại, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, mình có việc phải di chuyển và vô tình đi chung chiếc máy bay với một người có bệnh, mình bị lây nhiễm vi rút, đây đúng là do nghiệp quá khứ. Ngược lại, mình không phải làm gì, không phải đi đâu xa. Chính phủ đã cảnh báo mình không được tập trung đông người, không đi vào những nơi ăn chơi như vũ trường, bar, club, karaoke, vậy mà mình vẫn bất chấp lệnh phong tỏa để tụ tập ăn chơi, thế rồi mình bị bệnh, đó là do chúng ta hành động không đúng và quyết định sai tại thời điểm hiện tại, không phải do nghiệp quá khứ.

Hai điều này khác nhau, chúng ta phải phân biệt rõ ràng như vậy. Đừng theo tư tưởng của ngoại đạo rồi cái gì mình cũng đổ thừa tại nghiệp. Đức Phật không chấp nhận thuyết định mệnh, không đồng tình với việc đổ lỗi hoàn toàn cho quá khứ. Thuyết này mới nghe tưởng giống với tư tưởng nghiệp trong Phật giáo, do đó Phật tử đôi lúc cũng bị hiểu lầm.

Chuyện gì cũng đổ thừa cho nghiệp, chuyện gì cũng nói tại quá khứ, mình làm biếng cũng đổ thừa cho hoàn cảnh.

Hiện tại quyết định cho quá khứ và tương lai. Vì sao lại như thế? Hôm nay, mình tu tập tốt nghĩa là đang có một tương lai đẹp của ngày hôm qua và có một quá khứ đẹp của ngày mai. Ngày hôm nay, chúng ta gieo một nhân lành, tức là mình có một quá khứ tốt và một tương lai tốt. Thí dụ hôm nay là thứ Bảy, mình làm được một điều tốt, nghĩa là hôm qua thứ Sáu mình có một tương lai tốt là hôm nay, ngày mai là Chủ nhật thì mình có một quá khứ tốt cũng là hôm nay. Thứ nữa, nếu việc làm hôm nay ngày mai trổ quả liền và mình đã có quá khứ xấu thì trong tương lai là ngày mai (Chủ nhật), mình sẽ phải chịu quả xấu. Như vậy, quá khứ nằm ở ngay hiện tại này chứ không phải ở đâu xa xôi.

Đôi khi, mình là Phật tử mà cứ mang lấy tà kiến, gặp chuyện gì cũng đổ thừa cho nghiệp. Mình sát sinh cũng nói là do nghiệp, trộm cắp nói tại nghiệp, tà dâm cũng là do nghiệp, nói dối cũng là do nghiệp, uống rượu cũng là do nghiệp,... Điều này đức Phật không công nhận.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do nhân một tạo hóa tạo ra. Thuyết này đức Phật cũng không chấp nhận.

Người ta cho rằng có một đấng sáng tạo ra trời đất, vạn vật, con người. Đấng sáng tạo toàn năng có quyền quyết định tất cả. Bất cứ ai sinh lên trời, xuống địa ngục, được ban phước hay bị giáng họa, đều do đấng sáng tạo. Đức Phật nói nếu điều đó là thật thì đấng sáng tạo đã quá tàn nhẫn và bất công.

Vì sao vậy? Vì vị ấy đã tạo ra một thế giới không tốt đẹp, một nhân loại không công bằng, đầy thiên vị.

Thế nào là tạo ra một thế giới không tốt đẹp? Thế giới đầy những thiên tai: động đất, sóng thần, bão lụt, những bệnh nan y như ung thư, AIDS đã đem đến biết bao điều bất hạnh cho nhân loại, cứ vài năm lại có những đợt dịch bệnh mới, những chủng vi rút mới đe dọa đến tính mạng con người.

Nếu đấng Thượng đế hay hóa công nào đó có quyền năng tạo ra tất cả, tại sao lại tạo ra những thứ nguy hiểm và gây hại như thế?

Thế nào là tạo ra một nhân loại không công bằng, đầy thiên vị? Con người sinh ra khác biệt nhau về hoàn cảnh, dung mạo, địa vị: người đẹp, người xấu, người giàu, người nghèo, người sang, người hèn, người lành lặn, người tàn tật, người không có mắt, người không có tay, người không có chân, người có tai mà không nghe được, người có miệng mà không nói được, người có đầu nhưng không suy nghĩ được. Đối với những người sinh ra trong nỗi bất hạnh, họ sẽ nghĩ gì về đấng sáng tạo? Thí dụ, người bình thường sẽ cảm ơn đấng sáng tạo đã cho mình có đầy đủ chân, tay, mắt, mũi, mọi điều được tốt đẹp như thế này. Nhưng còn người khuyết tật, tàn tật, mù, điếc, câm, ngọng,… thì sao? Thầy nghĩ, chắc những người này oán trách đấng sáng tạo chủ này nhiều lắm! Thậm chí, những khi buồn bực họ còn chửi rủa, than thở: “Tại sao ông trời lại sinh ra tôi như thế này? Tại sao ông sinh ra người khác tốt đẹp mà bắt tôi phải tàn tật, chịu nhiều đau khổ”?

Thế giới này vui ít, khổ nhiều. Loài người có những sự khác biệt nhau trên nhiều lĩnh vực. Như vậy, nếu có đấng sáng tạo thì đấng ấy không phải là người tốt, rất bất công, thiên vị, không đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người. Nếu đấng sáng tạoquyền năng tuyệt đối đã tạo ra một thế giới hoàn toàn tốt đẹp, những con người hoàn hảo, không phải người đẹp, người xấu, người giàu, người nghèo, người sướng, người khổ, người thông minh, người ngu dốt, người đầy đủ lục căn, người khuyết tật, người gặp bất hạnh từ lúc mới sinh ra cho đến chết.

Chúng ta không thể chấp nhận hay tin tưởng vào một đấng sáng tạo như vậy. Một số tôn giáo tin tưởng vào một đấng sáng tạo, một giáo chủquyền năng. Rất nhiều người đã tìm đến các tôn giáo ấy để tìm nơi nương tựa cho đời sống tinh thần, muốn nhận lấy sự cứu rỗi, ban ơn.

Người ta có niềm tin sâu sắc rằng đấng giáo chủ toàn năng có thể sáng tạo ra tất cả, có thể ban phước cho mọi người, có thể cứu vớt cho nhân loại. Bây giờ, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành khắp nơi, đấng toàn năng ở đâu sao không ra tay cứu giúp? Chúng ta nhìn vào thực tế, nếu các vị tín đồ của những tôn giáo này ngồi họp lại, cầu cho đấng sáng tạo của mình cứu thế, nhân loại liệu có vượt qua dịch bệnh được không?

 Nếu không có vắc xin, nếu người bệnh không chịu chữa trị, không có những biện pháp phòng tránh dịch, chẳng qua tất cả chỉ là ảo tưởng.

Một số nhà triết học phương Tây sau này có đưa ra câu nói: “Con người sinh ra Thượng đế chứ không phải Thượng đế sinh ra con người”. Nhiều khi chúng ta tưởng tượng có một ông Thượng đế, vị sáng tạo chủ sinh ra con người, tạo ra địa cầu. Đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chính con người sinh ra Thượng đế, sinh ra sáng tạo chủ. Những người ban đầu nghĩ ra rồi đặt cho sản phẩm sáng tạo của mình cái tên như thế, con người quay lại tin tưởngcầu nguyện vào đấng thiêng liêng do chính họ tạo ra. Chẳng có vị hóa công nào cả.

Từ hơn hai thiên niên kỷ trước, đức Phật đã khẳng định không có một đấng sáng tạo nào cả, không chấp nhận được một tạo hóa có thể ban ơn giáng họa cho con người.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Phàm có cảm giác gì về con người này lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ, không lạc, tất cả đều do không nhân, không duyên. Điều này hết sức sai lầm. Không có điều gì nằm ngoài quy luật nhân quả, làm sao có chuyện tự nhiên được. Con người có mặt trên cuộc đời cũng do tinh cha huyết mẹ, dưỡng chất, thức tái sinh. Sự xuất hiện của một chúng sinh phải có sự kết hợp của rất nhiều điều kiện.

Trong đạo Phật, ngoài những giá trị vật chất còn có yếu tố tinh thần. Yếu tố vật chất là sắc, yếu tố tinh thần là danh, phân tích rộng ra là ngũ uẩn, phải hội đủ các duyên mới thành ra con người. Chúng ta nhìn quả mít, đâu thể nói rằng quả mít do tự nhiên sinh. Đầu tiên phải có hạt giống mít, hạt phải được gieo xuống đất, đủ độ ẩm mới lên cây rồi trải qua một thời gian cây ra hoa, kết quả chúng ta mới có trái mít, không thể nào nói tự nhiên hay ngẫu nhiên được.

Thuyết tự nhiên sinh hết sức ấu trĩ, không thể nào chấp nhận được. Người đưa ra thuyết này tin rằng không có nhân, không có quả, tất cả đều là tự nhiên. Làm ác cũng là tự nhiên mà làm thiện cũng là tự nhiên, tốt là tự nhiên mà xấu cũng là tự nhiên, giết người là tự nhiên và cướp của cũng là tự nhiên, hiếp dâm cũng là tự nhiên,… cái gì cũng là tự nhiên, ngẫu nhiên. Điều này nghe không chấp nhận được, thầy không hiểu tại sao vẫn có rất nhiều người tin được chủ thuyết như thế, không những thời đức Phật còn tại thếcho đến bây giờ, một số người gặp chuyện gì cũng cho là “tự nhiên”.

Bài kinh này rất sâu sắc, chúng ta nên tìm hiểu chứ đừng xem thường. Thời đại nào cũng vậy, những tà kiến, quan điểm, triết thuyết sai lầm vẫn cứ xuất hiện khắp nơi. Không phải những chủ thuyết này chỉ có ở thời đức Phật, mà ngày nay vẫn có dưới những hình thức khác. Dù khoa học đã phát triển rực rỡ, nhưng bao nhiêu người vẫn cứ tin vào một đấng toàn quyền, cầu nguyện ngày đêm để được ban ơnbảo vệ. Cực đoan khác là những người sống theo duy vật, chủ nghĩa hiện sinh, chết là hết, không còn gì cả. Không rơi vào cái bẫy của thường kiến thì người ta mắc vào đoạn kiến. Không phải biết rõ về khoa học hay văn minh là người ta có thể biết rõ về mọi thứ, không còn tà kiến.

Cuối bài kinh, đức Phật nói về quan điểm của đạo Phật. Ngài trình bày nói về sáu giới, sáu xúc xứ, mười tám ý cận hànhTứ đế. Sáu giới đó là đất, nước, gió, lửa, không, thức. Sáu xúc xứ là nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ, ý xúc xứ. Mười tám ý cận hành: Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, có ba loại cảm thọ là hỷ, ưu và xả sinh khởi, nương vào các căn tương ứng, tổng cộng là mười tám ý cận hành. Tứ diệu đế là khổ, tập, diệt, đạo.

Phần cuối bài kinh này là sự tổng hợp của cả giáo lý Duyên khởiTứ đế.

"Bốn Thánh đế này, này các tỳ kheo, là pháp Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không bị uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa môn, các Bà la môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên nào đã được nói đến? Do chấp thủ sáu giới, này các tỳ kheo, nên có nhập thai. Do có nhập thai, nên có danh sắc. Do duyên danh sắc, nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ, nên có xúc. Do duyên xúc, nên có thọ. Với người có cảm thọ, này các tỳ kheo, Ta nêu rõ: "Đây là khổ", Ta nêu rõ: "Đây là khổ tập”, Ta nêu rõ: "Đây là khổ diệt", Ta nêu rõ: "Đây là con đường đưa đến khổ diệt".

– Và này các tỳ kheo, thế nào là khổ Thánh đế? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu, não là khổ. Điều mong cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Này các tỳ kheo, đây là khổ Thánh đế. – Và này các tỳ kheo, thế nào là Thánh đế về khổ tập? Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sanh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vầy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các tỳ kheo, đây gọi là Thánh đế về khổ tập.

– Và này các tỳ kheo, thế nào là Thánh đế về khổ diệt? Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vậy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này. Này các tỳ kheo, đây gọi là Thánh đế về khổ diệt.

– Và này các tỳ kheo, thế nào là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt? Đây là Thánh đạo tám ngành, tức là Chính tri kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mạng, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định. Này các tỳ kheo, đây gọi là Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Bốn Thánh đế này, này các tỳ kheo, là pháp Ta thuyết giảng, không bị chỉ trích, không có uế nhiễm, không có tội lỗi, không bị các Sa môn, các Bà la môn có trí quở trách. Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến".

Đức Phật chỉ nói những điều này, nhưng đã bao hàm hết tất cả vấn đề nhân sinhvũ trụ. Người thấy và biết được Tứ đế, hiểu rõ về mắt xích nhân – duyên – quả của Mười hai nhân duyên sẽ không còn tà kiến về sự hiện hữu, không còn những thấy sai chấp lầm về vạn pháp ở đời. Không có đấng thiêng liêng, sáng tạo hiện hữu, cũng không có gì là tự nhiên sinh, tất cả bị chi phối bởi nhân duyên, nghiệp báo. Thuyết của đức Phật rõ ràng, khoa học, còn tư tưởng ngoại đạo thì phiến diện, thiên kiến, cục bộ.

Ngày 28 tháng 3 năm 2020

(Trích từ sách: Đèn Tâm Tỏa Rạng)

https://thuvienhoasen.org/a37431/den-tam-toa-rang-thich-chan-tinh-sach-ebook-pdf

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.