PHẬT GIÁO & XÃ HỘI
Thích Viên Lý
MỤC LỤC
1. Phật Giáo thời nguyên thủy và xã hội
2. Áp dụng Phật Giáo vào môn xã hội học
3. Phật giáo coi trọng công bằng xã hội
4. Phật Giáo và xã hội toàn cầu
5. Liên hệ xã hội giữa Tăng Đoàn và cộng đồng Phật Tử
6. Chủ trương của Phật Giáo về phúc lợi xã hội
7. Vai trò của Phật Giáo đối với xã hội
8. Kết luận
LỜI NÓI ĐẦU
Xã hội là một tập hợp đa dạng bởi nhiều thành phần khác nhau, là mối tương tác đa phương mà tự thân có thể tốt hay xấu dựa trên các giải pháp được chọn lựa của đại khối dân chúng trước những biến động được phát sinh từ những bất đồng quan điểm, những xung đột quyền lợi v.v... và, những nỗ lực kết hợp để tạo nên một trật tự xã hội mà qua đó mọi người đều hạnh phúc hay phải đương đầu với bất ổn, khổ đau.
Thước đo giá trị của một xã hội không phải lớn hay nhỏ, dài hay ngắn mà chính là những truyền thống đặc hữu có khả năng nâng cao khả tính dân chủ của mọi người dân và, thước đo giá trị đó đã được thể hiện sinh động trong giáo pháp vi diệu của Đức Phật. Với quá trình lịch sử hơn 2600 năm hoằng hoá, thước đo giá trị đó càng giá trị hơn vì nó chứng tỏ được sức sống kỳ diệu và xác định rõ quyền bình đẳng của mọi tầng lớp trong các sinh hoạt Phật sự.
Đức Phật dạy: “Sau khi Như Lai nhập diệt, các con hãy lấy giáo pháp và giới luật làm thầy”. Bức Thông điệp lớn nhưng ngắn gọn và vô cùng giá trị này cho thấy, trong Phật Giáo không có bất cứ ai có thẩm quyền quyết định một cách độc đoán và, đó chính là giá trị truyền thống bất biến của Phật Giáo cần được bảo lưu và phát huy đúng mức.
Tác phẩm Phật Giáo và Xã Hội này chỉ phản ánh một phần nhỏ những giá trị lớn về sự liên quan mật thiết giữa Phật Giáo và xã hội nhất là những giải pháp thù ứng mà Đức Phật đã khai thị nhằm giúp cho xã hội thái bình, muôn sinh an lạc. Với tinh thần cầu thị, rất mong sự góp ý của những bậc thiện hữu tri thức xa gần.
Cẩn bút
Mùa Phật Đản PL 2563 – 2019
Tỳ kheo Thích Viên Lý