Phụ Lục
"Phật giáo là bài học về sự khoan dung"
(Le bouddhisme est une leçon de tolérance)
Lời ghi chép của ký giả Christian Makarian
Hoang Phong chuyển ngữ
***
Lời mở đầu của người chuyển ngữ
Bài phỏng vấn này xuất hiện trong tạp chí L'Express của Pháp ngày 14.11.04, và đã được đưa lên trang mạng của tạp chí này ngày 15.11.2004 và sau đó lại được hiệu đính ngày 01.06.2006, tức là cách nay gần hai mươi năm. Thế nhưng Giáo sư André Bareau thì lại qua đời trước thời điểm đó rất lâu, từ năm 1994, vì vậy bài phỏng vấn này thật ra chỉ là một bài viết của ký giả Christian Makarian, tóm lược tư tưởng của Giáo sư André Bareau dưới hình thức một bài "phỏng vấn". Tóm lại những lời "phát biểu" đó của Giáo sư André Bareau ít nhất cũng đã xảy ra hơn ba mươi năm. Tuy thế các nhận xét của ông về ảnh hưởng của Phật giáo trong thế giới Tây phương thật vô cùng chính xác. Ngày nay Giáo lý Phật giáo ngày càng được phổ biến, ảnh hưởng sâu rộng hơn trong sự sinh hoạt của các xã hội Tây phương. Điểm cần lưu ý là "tác giả" của bài "phỏng vấn" này là một ký giả, một người làm báo, do vậy một số thuật ngữ cũng như một số sự kiện liên quan đến Phật giáo không được chính xác lắm. Tuy nhiên các quan điểm và một số nhận xét của Giáo sư André Bareau về Phật giáo được tóm lược trong bài báo này khá độc đáo và sâu sắc, dù bài báo dành cho độc giả Tây phương. Độc giả có thể xem bản gốc bằng tiếng Pháp bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm tựa tiếng Pháp của bài "phỏng vấn" này.
Phật giáo là bài học về sự khoan dung
Đức Phật giữ một vị thế như thế nào trong đại gia đình những vị thiết lập tôn giáo?
Niềm khát vọng của con người trong lãnh vực tâm linh dưới hình thức tôn giáo gồm có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất mang tính cách hữu thần (theism), dù là đa thần hay độc thần cũng vậy. Xu hướng thứ hai mang tính cách nhân bản (humanism), có nghĩa là hướng vào con người, vào từng chúng sinh và từng mỗi cá thể, hơn là hướng vào tính cách siêu nhiên (transcendence). Dĩ nhiên cũng có các đầu cầu nối liền hai đại gia đình đó, chẳng hạn như Ki-tô giáo, vừa là hữu thần nhưng cũng vừa là nhân bản. Đức Phật, riêng Ngài, thì quyết tâm đứng hẳn về phía nhân bản, tách ra khỏi tín ngưỡng đa thần của nước Ấn trong thời đại của Ngài. Đức Phật thuyết giảng cho những người đương đại là không hề có sự hiện hữu của một vị Trời hay của các vị trời nào cả, mà chỉ có sự hiện hữu của các hoàn cảnh (bối cảnh, cảnh huống / condition) khác nhau (không đồng đều) giữa con người mà thôi.
Bằng phương cách nào Đức Phật thoát ra khỏi tín ngưỡng đa thần?
Đức Phật khởi đầu bằng sự nhận xét về khổ đau. Khổ đau bàng bạc trong tất cả các giai đoạn của sự hiện hữu, con người luôn bị trói chặt trong đó. Đức Phật cho rằng tất cả những gì thúc đẩy con người thèm khát và chiếm hữu, tức là muốn được có các thứ ấy, đều đưa đến khổ đau. Khi có thì sẽ mất; khi thèm khát thì sẽ thất vọng. Thêm vào đó là niềm tin sự sống chẳng bao giờ chấm dứt. Trong nước Ấn vào thế kỷ thứ VI trước Chúa Giêsu, người ta tin rằng mỗi người đều sống qua hàng triệu kiếp sống nối tiếp nhau, qua các thể dạng khác nhau, dù là một con kiến hay một con người, và tin rằng mình sẽ còn tiếp tục tái sinh qua các lớp vỏ sinh học khác nhau, và các thể dạng tái sinh đó tùy thuộc vào cung cách hành xử trong kiếp sống trước đó. Một người tốt trong kiếp sống này sẽ tái sinh dưới thể dạng hạnh phúc; ngược lại một người hung ác sẽ rơi vào một kiếp sống mới mang đầy khổ đau. Đức Phật tìm một con đường giúp thoát ra khỏi chu kỳ, ôi biết bao trói buộc (eo hẹp, lệ thuộc) đó. Vì thế Đức Phật thuyết giảng rằng nếu muốn thoát ra khỏi sự trói buộc ấy thì con người phải từ bỏ sự chiếm hữu và mọi sự thèm khát. Vậy thì phải làm thế nào để buông bỏ các dục vọng của mình? Đó là cách phát động một cung cách hành xử tốt đẹp thật sâu xa và đầy thương cảm đối vời đồng loại. Và đấy chính là cội nguồn mang lại sự an bình bên trong nội tâm mình.
Thế nhưng, trong quyển sách đã được tiểu thuyết hóa của ông thì ông từng cho biết...
Thật vậy, Siddharta (Sĩ-đạt-ta), một người thuộc dòng họ Gautama (Cố-đàm), chào đời vào khoảng giữa các năm 450 và 500 trước chúa Giêsu, trong một xã hội đẳng cấp, khống trị bởi những người bà-la-môn (các giáo sĩ của đạo Bà-la-môn), làm trung gian giữa đám đông dân chúng và đám mây dầy của các vị trời, cả tốt và cả xấu. Cấu trúc xã hội thì cứng nhắc, tín ngưỡng đa thần cũng vậy, cũng cứng nhắc. Siddharta thuộc đẳng cấp quý tộc và chiến binh sống trong một lâu đài, hoàn toàn biệt lập. Thế nhưng rất sớm sau đó, Siddharta đã khám phá ra rằng thế giới mà mình đang sống khác hẳn với thế giới bên ngoài, cái thế giới đó không khác gì như một đại dương khổ đau. Dù cha mình tạo cho mình một môi trường sống cách biệt với thế giới bên ngoài đó, thế nhưng Siddharta đã tự tách rời mình ra khỏi đẳng cấp của mình và ý thức được sự khổ đau cùng khắp. Siddharta rời bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả của cải. Nhằm mục đích giải thích về sự ý thức phi thường đó [của vị Siddharta], vị sử gia nổi tiếng André Bareau (tức là người được phỏng vấn trong bài báo này, ông tự nhận mình là một sử gia nổi tiếng) đã nêu lên giả thuyết cho rằng một mối đau buồn thật to lớn là nguyên nhân đã khiến Siddharta buông bỏ tất cả. Trong quyển sách của tôi thì tôi nghĩ rằng sự đau buồn đó chính là cái chết của người vợ mình, biến cố đó quả là một nguyên nhân hợp lý. Chẳng phải là Siddharta cùng với người em họ là Ānanda (A-nan-đà) ra đi khắp nơi (câu này không được chính xác lắm, A-nan-đà chỉ bắt dầu gia nhập Tăng đoàn sau khi Đức đả đạt được giác Ngộ và chỉ trở thành người phụ tá bên cạnh Ngài trong hai mươi năm sau cùng trong cuộc đời giảng Pháp của Ngài), chẳng khác gì như thánh François d'Assise, để tìm hiểu về sự thật đó? (Quan điểm của André Bareau về sự ra đi của Siddharta rất gần gũi với "con người", một sự "chung tình", một sự "bám víu" nào đó, thế nhưng cũng phải hiểu rằng đứa con mới sinh của mình cũng là một thứ "tình thương", một "bổn phận", một sự "bám víu"; của cải và địa vị của mình cũng là một thứ bám víu khác nữa; nguyên nhân ra đi của Siddharta nhất định là một cái gì đó sâu xa và cao siêu hơn xúc cảm của sự bám víu. Giả sử sự xúc cảm đó, sự bám víu đó đúng thật là động cơ thúc đẩy Siddharta thì đấy thật ra chỉ là một tiếng bật khẽ trong con tim mở ra cho Siddharta trông thấy bản chất khổ đau của thế giới của con người và của tất cả chúng sinh). Trước hết vị Siddharta tìm gặp những người bà-la-môn, các vị đạo sư [để học hỏi], thế nhưng chỉ toàn là thất vọng. Sau đó Siddharta dần dần tự khơi động cho mình một niềm tin. Niềm tin đó là một sự sáng tạo (khởi xướng, khai phá, hình thành / initiation) nhưng không hề là một sự tiết lộ (khám phá, phát hiện, hiển hiện / revelation) thuộc thể loại thần khải (tiên tri / prophetic). Sự sáng tạo do Siddharta nêu lên mang bản chất triết học; không hề là con dao của vị bác sĩ giải phẩu hạ xuống, mà là một chiếc cầu thang giúp mình trèo lên từng bậc một. Qua sự nghiền ngẫm đó từ bên trong con người của mình Đức Phật đã thực hiện được "Bốn Sự thật Cao quý" (Tứ Diệu Đế).
(Trên đây người ký giả phỏng vấn có nhắc đến quyển sách của học giả André Bareau, và trong câu trả lời thì học giả này cũng có nói đến quyển sách này của mình, thế nhưng bài phỏng vấn ngắn trên đây không cho biết là quyển sách nào của học giả André Bareau. Người chuyển ngữ đoán rằng quyển sách này là quyển "La Jeunesse du Buddha dans les Sutrapitaka et les Vinayapitaka Anciene, le Parinirvāna du Bouddha et la Naissance de la Religion Bouddhique" / "Tuổi trẻ của Đức Phật theo Tạng Kinh Tạng và Tạng Luật nguyên thủy, Đại-bát niết-bàn của Đức Phật và sự hình thành của Phật giáo", quyển sách này được xuất bản năm 1974. Do đó bài phỏng vấn này rất có thể đã được thực hiện sau thời điểm đó không lâu, tức là cách nay khoảng nửa thế kỷ. Quyển sách này quá xưa, không còn trên thị trường, tuy nhiên độc giả cũng có thể xem quyển sách này được đăng lại trên trang mạng của Tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ / Bulletin de l' École Française d'Extrême- Orient theo địa chỉ liên kết: https://www.persee.fr/doc/befeo_0336-1519_1974_num_61_1_5196)
Đức Phật quảng bá thông điệp của mình như thế nào?
Vị Siddharta sau một giai đoạn [với các tình tiết] nổi tiếng (các sự kiện và các biến cố xảy ra trên đường đi tìm sự thật) đã trở thành một Người Tỉnh thức (Giác ngộ), nguyên nghĩa là Bodhi, có nghĩa là Tỉnh thức (Tỉnh giác, Thức tỉnh / Eveil / Enlightened, Awakened, tức là một người đã thoát ra khỏi sự u mê và lầm lẫn của mình, hiểu được bản chất con người, bản chất thế giới, quán thấy được nguyên lý chi phối sự chuyển động của hiện thực và phương cách vận hành của mọi hiện tượng, và sự hiểu biết được gọi là Trí Tuệ), và từ chữ Bodhi đưa đến chữ Bouddha / Buddha (là cách gọi trong các ngôn ngữ Tây phương, chúng ta thì gọi là Phật /佛, một từ dịch âm từ tiếng Hán. Có một vị thiền sư Việt Nam rất nổi tiếng gọi Phật là Bụt. Chữ Bụt xuất phát trực tiếp từ chữ Bodhi, thế nhưng đôi khi lại trở thành một từ khá đại chúng, kém tôn kính, chẳng hạn như chúng ta thường nghe nói: "lành như bụt", "bụt nhà không thiêng", v.v.). Vị Siddharta ngồi xuống dưới gốc một cây đa, một loại cây sung (pipal /pipul) , lắng vào một thể dạng thiền định thật sâu - tương tự như trường hợp của chúa Giêsu trong sa mạc - và sau đó khi thoát ra khỏi thể dạng đó và hoàn toàn trở thành khác hẳn trong thể dạng của sự Tỉnh thức (Giác Ngộ). Cội cây của sự Tỉnh thức, còn gọi là cội Bodhi (Bồ-đề) vẫn còn đứng vững đến ngày nay, vẫn sừng sững trên miền bắc Ấn, và đã trở thành biểu tượng của một sự sùng kính thật nhiệt thành. Thêm một lần nữa cũng xin nhắc lại là sự thức tỉnh (sự tỉnh thức, giác ngộ) gợi lên một thể dạng nội tâm, một cái gì đó mang tính cách nội tại (immanence / tự tại, hiện hữu từ bên trong con người), trong khi đó thì sự thần khải chủ yếu là một hiện tượng đối nghịch nhưng cũng [có thể xem như] là một sự bổ khuyết. Sau khúc quanh [trọng đại] đó, Đức Phật đưa ra những bài thuyết giáo quan trọng và kết hợp được rất nhiều đệ tử. Ngài quảng bá [các bài giáo lý đó] bằng ngôn từ. Do vậy, sau khi Ngài viên tịch thì tập thể những người tu hành, tức là các đồ đệ của Ngài, cùng họp nhau trong một đại hội "kết tập đạo pháp" nhằm ghi chép lại những lời thuyết giáo của Ngài bằng tiếng Phạn trên vải hoặc trên các tấm gỗ, và sau cùng là trên giấy. Đấy là cách thiết đặt nền móng của tư tưởng Phật giáo, một nền tư tưởng vô cùng phức tạp.
Tóm lại sơ đồ đó cũng khá gần với Chúa Giêsu...
Đúng vậy, thế nhưng cũng chỉ được một phần nào đó thế thôi. Đức Phật cũng có một vị Juda Iscariot (Giuđa Ítcariot) (một tông đồ phản Chúa) qua nhân vật Devadatta (Đề-bà-đạt-đa), một người em họ từng nhiều lần tìm cách ám hại Đức Phật. Thật rõ ràng là trong Tăng đoàn Phật giáo lúc ban đầu cũng đã có một hoặc nhiều kẻ phản bội, tìm cách gây tai hại cho chủ đích của vì Thầy, tất cả chỉ vì ganh tị hoặc chủ trương các quan điểm khác biệt. Tuy nhiên, qua sự phối hợp các dữ kiện lịch sử mà chúng ta tìm được, thì Đức Phật sống rất thọ, có thể là hơn 60 tuổi, và Ngài cũng từng thuyết giảng trong một khoảng thời gian rất dài, có thể là khoảng ba mươi năm. Nếp sống khổ hạnh và sự tinh khiết trong cuộc sống của Ngài hiển nhiên đã mang lại cho Ngài một tuổi thọ rất cao.
Thế nhưng Ngài cũng viên tịch vì trúng thực...
Tôi nghĩ rằng đối với sự viên tịch của Đức Phật thì phải hiểu qua khía cạnh tâm linh hơn là trên phương diện vật chất (cụ thể). Chúng ta hiểu rằng Đức Phật không ăn thịt hoặc rất hiếm hoi. Trong nước Ấn cổ đại, niềm tin về sự tái sinh khiến người ta không giết thú vật để ăn, mà chỉ ăn thịt các con vật chết một cách tự nhiên. Hơn nửa cách chọn một nếp sống hoàn toàn thiếu thốn (khổ hạnh) của Tăng đoàn không cho họ được phép có tiền, trong khi đó giá thịt lại cao. Chính vì thế phải hiểu bữa ăn cuối cùng của Đức Phật, bữa cơm đưa đến cái chết của Ngài, như là một hành động tâm linh (một cử chỉ, một quyết tâm mang ý nghĩa thiêng liêng). Ngài chết vì bị trúng độc sau khi ăn một món ăn đáng nghi ngờ. Trong lúc Đức Phật đang trên đường đi đến một vùng đô thị, tương tự như Chúa Giêsu gặp Zachée tại Jéricho (Thánh kinh thuật lại Chúa Giêsu trên đường từ Galileo đến Jerusalem và khi đi ngang qua thị trấn Jéricho thì có một người giàu có tên là Zachée muốn được trông thấy Chúa Giésu, thế nhưng thân người thì lại thấp bé, bèn trèo lên một cành cây sycomore - một loại cây có gỗ tốt - để nhìn...) thì Ngài trông thấy có một người đang trèo trên một cành cây gọi Ngài và mời Ngài hãy ghé qua nhà mình dùng cơm (vì đoàn người tháp tùng khá đông, nên người này phải trèo lên một cành cây để trông thấy Đức Phật). Người này tên là Chunda (Thuần-đà), một người thợ rèn rất hào phóng, sai đàn con dọn cơm, mang ra một món hầm nấu với nấm (trong nguyên bản là chữ ragoût, và chữ này trong tiếng Pháp có nghĩa là một món thịt hầm với rau và nước xốt). Đức Phật biết trước đây là chuyện không lành, tuy vậy Ngài vẫn cứ ăn hầu mang lại sự vinh dự cho người chủ nhà. Và thế đó Ngài đã viên tịch. Dù là một cử chỉ thiếu thận trọng, thế nhưng Ngài vẫn cứ làm để mang lại sự vui sướng cho người khác. Thế nhưng điều đó cũng rất có thể là vì chính Ngài đã tự quyết định là giờ phút của mình đã đến. Dầu sao thì bài học đó quả hết sức rõ ràng. Đức Phật là một con người đã từ bỏ; thế nhưng khi cảm thấy mình được thần thánh hóa bởi người thợ rèn Chunda, Ngài bèn đưa ra một bài học cuối cùng là không chấp nhận sự tôn sùng đó, bằng cách rời bỏ thế giới này (Ngài cũng phải chấm dứt sự hiện hữu của mình như tất cả mọi người). Mỗi khi nhận thấy các đệ tử của mình có vẻ tôn kính mình quá đáng thì Ngài luôn nói với họ là mình không phải là một vị trời (như vô số các vị trời khác trong Ấn giáo thời bấy giờ).
Nói vậy, thế nhưng Đức Phật vẫn trở thành một vị trời...
Đúng thế, nhất là tại các nước Miến Điện, Thái Lan, kể cả Trung quốc (đúng trong quá khứ hơn là ngày nay), là những nơi mà sự vinh quang của Đức Phật không khác gì với sự vinh quang của Trời đối với các dân tộc theo tín ngưỡng độc thần. Thế nhưng điều đó không hề là ý muốn của Đức Phật, Giáo huấn của Ngài vô cùng gắt gao (exigeant, exacting; demanding / khó thấu triệt, đòi hỏi một khả năng hiểu biết, một sức luyện tập và cố gắng nào đó), khó nắm bắt đối với sự hiểu biết đại chúng và cũng không phù hợp với các nhu cầu tín ngưỡng (người ta thường bày ra các "phương tiện thiện xảo" với chủ đích đưa Giáo huấn của Đức Phật đến gần hơn với các sự đòi hỏi và nhu cầu trong lãnh vực tín ngưỡng, khiến đôi khi chúng ta có thể bị sa lầy trong đó - nếu có thể nói như vậy - và đấy cũng là cách làm giảm bớt đi các giá trị triết học, khoa học - nhất là tâm lý học - trong Giáo huấn của Đức Phật). Bằng chứng là Ngài không hề thành công rực rỡ trên đất Ấn, cũng như Chúa Giêsu tại Do Thái, chẳng qua là vì Ngài không hề có ý thành lập một thể chế [tôn giáo] (institute, institution / một tổ chức quy củ, một hệ thống tập thể. Giáo huấn của Đức Phật từ nguyên thủy không phải là một "tôn giáo" như ngày nay, mà là một phương pháp "biến cải" con người của mình, dựa vào sự "hiểu biết" và sự "tự lực"; mục đích tối thượng của sự tu tập đó là sự Giải thoát cá nhân, nếu có thể nói như vậy). Những người bà-la-môn và các đẳng cấp [trong xã hội] có lý khi họ thiết lập môt giáo lý không dựa vào một cấu trúc nào cả (một tín ngưỡng xoay quanh các khía cạnh tôn giáo đơn thuần). Sau đó, khi Hồi giáo tràn vào nước Ấn (gồm nhiều đợt) gần bốn thế kỷ sau khi vị Tiên tri (Vị sáng lập Hồi giáo) qua đời, đã gây ra tai hại lớn lao cho Phật giáo và các tín đồ Phật giáo (nhưng không gây thiệt hại nhiều cho Ấn giáo, trong khi đó Phật giáo gần như hoàn toàn biến mất sau thế kỷ XII trên đất Ấn độ. Nguyên nhân có thể là vì sự sinh hoạt của Phật giáo tập trung hơn: chùa chiền, đại học.., trái lại Ấn giáo là một tín ngưỡng đại chúng trải rộng và ăn sâu trong dân chúng). Thế nhưng bù lại, thì đấy lại là cách khiến các môn đồ Phật giáo tản mát khắp nơi. Qua các con đường tơ lụa họ đã gặt hái được các thành quả to lớn về phương Đông (xuyên qua các vùng Trung đông còn gọi là "Tây vực"). Vào thế kỷ thứ nhất thuộc kỷ nguyên Ki-tô giáo, các nhà sư người Ấn bắt đầu dịch các bài thuyết giảng của Đức Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán (đoạn này khá vắn tắt, có thể là một câu tóm lược của ký giả Christian Makarian. Thật ra các nhà sư dịch thuật kinh sách đầu tiên là các nhà sư trong vùng "Tây vực". Các nhà sư người Ấn đến Trung quốc và các nhà sư Trung quốc hành hương sang Ấn Độ chỉ bắt đầu sau đó vài thế kỷ. Các cuộc chinh phạt của người Hồi giáo nói đến trên đây chỉ bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII, và nhất là sau đó vào các thế kỷ thứ XI và XII đưa đến sự chấm dứt của Phật giáo trên đất Ấn. Các nhà sư Phật giáo tản mác khắp nơi, một số lên Tây Tạng và làm sống lại nền Phật giáo tại nơi này).
Và đấy cũng chính là nguyên nhân dần dần đưa đến sự tách biệt...
Phật giáo nguyên thủy (cổ xưa) rất khó [thấu triệt] (trong nguyên bản là chữ exigeant / exacting, demanding, có nghĩa là nghiệt ngã, đòi hỏi một sức cố gắng và một khả năng thấu triệt nào đó, bởi vì đức tin và sự tưởng tượng không đủ để nắm bắt triết học và tư tưởng Phật giáo, chữ exigeant trong bản gốc tiếng Pháp đã được giải thích trên đây). Phật giáo đòi các tín đồ phải có một cung cách hành xử thật triệt để: phải tiết dục, buông bỏ của cải, sống thật tinh khiết và chuyên cần thiền định... Nói trắng ra là phải biến mình trở thành một nhà sư. Tóm lại, cuộc sống nơi tự viện dường như đòi hỏi quá nhiều, vì vậy con đường đưa đến sự thành đạt hiển nhiên sẽ phải chật hẹp hơn, và dầu sao đi nữa thì cũng khép lại với những người có một cuộc sống "bình thường". Đối với những người cho rằng chỉ có các nhà sư thì mới thực hiện được sự thành đạt, thì họ chủ trương một con đường eo hẹp và thành lập "cỗ xe nhỏ" (Tiểu thừa) , còn gọi là Hinayana (câu này không được đúng lắm: chữ "Tiểu thừa" / Hinayana là do Phật giáo "Đại thừa" bày ra để đã gán cho các hình thức tu tập Phật giáo trước đó, chữ Hinayana xuất hiện lần đầu tiên trong tập kinh Đại thừa Prajnaparamita / Bát-nhã Ba-la-mật-đa, được trước tác vào khoảng giữa thế kỷ thứ I trước Tây lịch và thế kỷ thứ I sau Tây lịch. Nói một cách khác là không có ai vào thời bấy giờ tự nhận mình là tu tập theo "tiểu thừa" hay sáng lập ra học phái "tiểu thừa" cả. Sự thiếu chính xác này có thể là do người ký giả chép sai, hoặc diễn giải không rõ ràng lời phát biểu của giáo sư học giả André Bareau chăng?). Học phái tư tưởng này thuộc đại đa số tại Tích Lan, một hòn đảo được xem là gần nhất với Phật giáo cổ xưa, và cũng là học phái đa số trong các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam (đúng hơn Phật giáo đa số tại Việt Nam là Phật giáo Trung quốc). Ngược lại, những người chủ trương một tầm nhìn mở rộng hơn thì hình dung ra khái niệm về một "cỗ xe lớn" (Đại thừa), còn gọi là Mahayana. Theo họ thì sự thành đạt (sự giải thoát) mở ra với tất cả mọi người với điều kiện là xã hội thế tục phải chu cấp cho các nhà sư (những người xuất gia), bởi vì họ là những người có bổn phận thực thi thiền định và khẩn cầu thay cho kẻ khác. Ngành [Phật giáo] này chủ yếu phát triển tại Trung quốc, một xứ sở mà nơi đó việc thương mại là vua, và cũng là nơi mà từ bên trong bối cảnh chung của xã hội, đã diễn ra một cách thiết thực việc trao đổi của cải giữa người giàu có và kẻ bần hàn.
Làm thế nào để có thể tóm lược nội dung Giáo lý của Đức Phật?
Đối với một người Phật giáo thành thật thì sự hiện hữu mà mình hiện đang có chỉ là một trong số hàng ngàn sự hiện hữu khác mà mình đã trải qua dưới các hình thức vô cùng đa dạng khác, từ con người cho đến thú vật. Đức Phật là một chúng sinh, và qua từng mỗi sự hiện hữu đó của mình, từng thực hiện được những điều tốt lành: là người thì Ngài hiến dâng đôi mắt mình cho kẻ mù lòa; là thỏ thì Ngài hy sinh mạng sống của mình trước một người thợ săn để cứu thoát đồng loại (các con thỏ khác). Hy sinh, hiến dâng chính mình, phát động lòng từ tâm vô tận của mình là các giá trị sơ đẳng nhất giúp mình đạt được một kiếp sống tương lai tốt đẹp hơn. Tất cả các sự diễn tiến đó xảy ra trong một thế giới mang đầy khổ đau. Vì vậy, sự chấm dứt khổ đau, tức là nirvana (niết-bàn) chỉ có thể đạt được bằng tấm lòng từ bi và sự kính trọng kẻ khác. Trên con đường đầy khắt khe (nghiệt ngã, khó khó khăn / exigeant, demanding) đó, con người phải tách ra khỏi thế giới giác cảm và sự dâm dục giúp mình bước vào một vũ trụ hoàn toàn mang bản chất tâm linh. Trong vũ trụ đó mọi thứ giác cảm, cả xấu lẫn tốt, tất cả đều tan biến hết. Nếu tôi muốn khổ đau phải chấm dứt, nếu tôi muốn trở thành hài hòa với con người của chính tôi cũng như mọi sự tạo tác khác, thì tôi phải thực thi những điều tốt lành. Sự an vui của tôi và cả tương lai của tôi nhất loạt đều tùy thuộc vào một nguyên tắc chung chi phối tất cả mọi hành động còn gọi là "karma" (nghiệp). Chính các hành động đó [của tôi] sẽ khiến tôi tái sinh dưới hình dạng của một kẻ khác tinh khiết hơn so với những gì là chính tôi [như hiện nay]. Chính vì vậy, từ kiếp này sang khiếp khác, tôi trèo lên từng bậc thang, thay vì tụt xuống, [và cứ thế] cho đến bậc thang cao nhất, và bậc thang này sẽ giúp tôi trở thành một người bodhisattava (bồ-tát), một con người Thức tỉnh (Giác ngộ), có nghĩa là đang bước đi trên con đường giúp tôi thành Phật. Đấy là phương cách giúp tôi một ngày nào đó sẽ đạt được nirvana (niết-bàn), có nghĩa là ngay cả thể dạng của tôi [như ngày hôm nay] cũng sẽ không còn hiện hữu nữa. Bất cứ ai, dù thuộc sắc dân nào, thuộc bất cứ hoàn cảnh nào trong xã hội, nhất thiết đều có đủ khả năng trèo lên đến bậc thang cao nhất đó để bước vào một nơi khác, một vũ trụ khác, hoàn toàn phi giác cảm: không hạnh phúc cũng chẳng khổ đau, không tình thương yêu cũng chẳng hận thù. Con người, dưới hình thức xương thịt, hóa thành một thể dạng tâm linh hoàn toàn tinh khiết.
Nirvana (niết-bàn) phải chăng cũng chỉ là hư vô...
Điều này thì nhất định là không. Nirvana (niết-bàn) chỉ là một nơi khác trong thời gian và cả không gian, nơi đó con người không còn cảm thấy khổ đau nữa bởi vì con người đã buông bỏ được nguyên nhân (raison / reason / ý nghĩa, nguồn gốc,) của sự hiện hữu [của chính mình]. Sự nghịch lý của Phật giáo là tạo lập cả một nền tảng nhân bản, [thế nhưng] nền tảng đó lại khuyên bảo con người hãy trở thành ngược lại với con người, có thể hiểu như là thể dạng tâm thức tinh khiết, loại bỏ được tất cả mọi dục vọng, tất cả mọi xúc cảm. Bên trong sự loại bỏ sâu xa đó về những gì đang là mình, chính là nơi mà mình khám phá ra thể dạng tâm linh.
Vậy điều đó có phải chỉ là một sự không tưởng (utapia) đơn thuần?
Tôi không nghĩ như vậy. Chẳng hạn như khi chúng ta suy ngẫm về đặc tính tuyệt đối của tín ngưỡng độc thần, thì có thể khó cho chúng ta tránh khỏi các thắc mắc. Tất cả các tín ngưỡng độc thần đều sử dụng sức mạnh hoặc sự chinh phạt bằng vũ khí. Trong khi đó Phật giáo bành trướng trong khắp vùng Á châu nhưng không hề gây ra chiến tranh, mà duy nhất bằng cách nêu lên một tấm gương và khả năng mở rộng của tâm thức trước triết thuyết về lòng từ tâm. Các nhà sư người Ấn với một cung cách hành xử thật tốt đã chinh phục được dân tộc Hán, đến độ biến Phật giáo trở thành tín ngưỡng hàng đầu trên quê hương này dưới thời nhà Đường.
Tuy nhiên cũng phải nghĩ đến tầm quan trọng của yếu tố văn hóa. Vậy theo ông thì Phật giáo có thể chinh phục được thế giới Tây Phương duy nhất bằng thông điệp của mình hay không?
Đối với ngày hôm qua thì tôi không thể nói được, thế nhưng đối với thời đại của chúng ta hôm nay, thì điều đó thật hết sức hiển nhiên. Phật giáo trao tặng chúng ta một bài học về sự khoan dung, và hơn thế nữa chúng ta có thể hoàn toàn bước theo nền triết học Phât giáo nhưng vẫn có thể tin rằng Trời hiện hữu. Đối với cá nhân tôi thì tôi tin rằng sự từ bỏ những gì mình có và những gì đang là chính mình, thì mình sẽ đạt được sự thiêng liêng. Thế nhưng nếu muốn từ bỏ những gì là chính tôi, thì [trước hết] tôi cũng phải là một con người. Vấn đề là ở chỗ đó. Thảm trạng to lớn của thế kỷ XXI chính là sự nghèo đói của hàng tỉ con người trên địa cầu, họ là những con người không hề biết đến quyền lợi của mình là gì, sự sống còn của mình là gì. Quan điểm đó đưa chúng ta rơi trở lại thế kỷ của Đức Phật, trước thảm trạng của sự nghèo đói mà chính Ngài đã từng trải. Khi Đức Phật nói rằng thế giới này là thế giới của khổ đau, thì đấy là cách mà Ngài nêu lên một sự thật chưa bao giờ mạnh mẽ đến như vậy. Sự thật đó đã bảo toàn một giá trị không hề sứt mẻ cho "con đường cao quý" do chính Ngài đưa ra.
Bures-Sur-Yvette, 02.05.23