Xin Vui Lòng Giải Thích Công Án Nam Tuyền Chém Mèo.

27/08/201012:00 SA(Xem: 26110)
Xin Vui Lòng Giải Thích Công Án Nam Tuyền Chém Mèo.

Nam Tuyền chém mèo hay là “Nam Tuyền trảm miêu” là một công án Thiền rất nổi tiếng được ghi lại trong các thiền thư nổi tiếng như Bích Nham lục, Vô Môn quan.. và ngay cả trong kiệt tác tiểu thuyết Kim Các tự của Mishima Yukio.

Được biết, Công án là một pháp môn của Thiền tông để tu tập nhằm kiến tánh giác ngộ. Mục đích chính là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ thời vô thuỷ. Chư Tổ Sư dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thủy, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thủy vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.

Bản thể chân tâm của chúng ta vốn thanh tịnh, nhưng vì môt niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sinh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham sân si dấy lên, ngày càng dầy đặc, càng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi tạo nghiệp trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức. Nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệmnhận thức.

Thoạt kỳ thủy, chưa có công án, mà chỉ là cơ xảo của chư Tổ, tùy theo theo căn cơ của người đối diệntháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục Tổ hỏi thượng tọa Huệ Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?” Khi nghe câu đó, thượng tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm ý thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Những thí dụ như trong một ngàn bảy trăm công án đều là những câu vấn đáp của chư Tổ, chính là để đương cơ "khựng ngay dòng ý thức lại". Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo căn cơ của môn đệ mà trao cho một công án. Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là "một tắc công án", để họ ngày đêm chú tâm vào việc tham cứu công án ấy, bất luận là đang làm việc gì, tâm cũng không rời khỏi công án, như bóng với hình, tạo thành một mối nghi tình. Công án được xem như dụng cụ để giúp người tu thiền ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vỡ, là Ngộ.

Như vậy, có thể nói công án Thiền không phải là đối tượng của mọi nhận thức bàn luận về ý nghĩa của chúng, tức là không thể hiểu hay giãi bày bằng suy tư, bằng ngôn ngữ văn tự theo lối thông thường trong thế giới tương đối nhị nguyên. Thầy dạy thiền của chúng tôi là Cố Hoà thượng Thích Duy Lực đã khẳng định rằng: “giải thích công án thì lọt vào ý thức nhị nguyên phân biệt, nên không bao giờ ngộ. Mục đích của Tổ Sư thiền (mà công án là một pháp tu) là muốn chấm dứt ý thức phân biệt, nên sát na lìa ý thức liền kiến tánh. Còn bây giờ không lìa ý thức, mà lại dùng ý thức để giải thích phân biệt để tìm hiểu đáp án. Cho nên, giải công ánsai lầm và nghịch với Tổ Sư thiền, vì vậy chư Tổ nói là phỉ báng Tổ, cũng là phỉ báng pháp”.

Để đạo hữu hiểu thêm, chúng tôi trích một bài viết trong “Bước Vào Thiền Cảnh”, Tác Giả-Hirosachiya - Dịch Giả-Thích Viên Lý, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế Giới Xuất bản 1998 (http://www.thuvienhoasen.org/buocvaothiencanh2-08.htm)

“Mẫu chuyện dưới đây là một công án nổi tiếng của Thiền. Cái gọi là công án, cũng có thể gọi là trắc nghiệm vấn đề. Tốt nhất xin quý vị độc giả hãy trắc nghiệm ở đây rồi tự nêu ra một đáp án mà quý vị cho rằng tiêu chuẩn nhất.

Một hôm, có một số thiền sinh đã chỉ vì chuyện của một con mèo mà tranh cãi không ngừng, lúc bấy giờ Nam Tuyền thiền sư thấy thế, nắm cổ con mèo giơ lên cao và bảo:

“Này chư vị, trong số chư vị nếu có ai vì mèo mà có thể nói được một lời thì tôi sẽ không giết con mèo này, nếu không, tôi lập tức chém nó ngay. Hãy thử nói một câu!”

Lúc ấy, đám đông lặng thinh.

Thế là Nam Tuyền lập tức giết chết con mèo.

Đến đêm, một đệ tử của Mã TổTriệu Châu (Tùng Phẩm) từ ngoài về, Nam Tuyền thiền sư đem câu chuyện xảy ra ban ngày thuật lại cho ông. Triệu Châu nghe xong, đã không một lời nào đáp lại, cởi đôi giầy rơm đội lên đầu rồi bước ra khỏi phòng

Nam Tuyền thiền sư thấy vậy bèn nói: “Lúc ấy nếu ngài có mặt, con mèo đã không bị giết...” Vấn đề ở chỗ, Triệu Châu tháo giầy rơm đội lên đầu có ý gì? Quý vị độc giả, quý vị có thể cứu sống con mèo này không?

Đề mục nêu trên, nếu mách với quý vị:

“Xin lỗi! tôi cũng không trả lời nổi” thì sẽ không khỏi bị độc giả mắng cho một trận! May mà vấn đề này có sẵn trong điển tích Thiền Tông “Vô Môn Quan”, vì thế tôi mới có thể mạnh dạn thú nhận là tôi không có giải đáp. Xin độc giả tự căn cứ vào trí tuệ của mình mà tìm đáp án.

Nếu trong số quý vị có người muốn khống cáo Nam Tuyền hòa thượng là ngược đãi động vật, tôi khuyên độc giả ấy hãy giữ im lặng thì tốt hơn. Bởi vì bản ý của Nam Tuyền là muốn cứu con mèo, thật sự, để cho con mèo bị giết chính là những người đã đặt Nam Tuyền hòa thượng vào tình thế khó xử!”

Hy vọng những lời chia xẻ nêu trên của chúng tôi giúp đạo hữu hiểu thêm về lý do không thể giải thích Thiền Công án. Nếu đạo hữu muốn biết thêm về Thiền Công án nói riêng và Thiền Tổ Sư nói chung, đạo hữu có thể truy cập thư mục Tổ Sư Thiền trong Thư Viện Hoa Sen.

Chúc đạo hữu thân tâm thường an lạc

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2023(Xem: 1526)
01/04/2023(Xem: 3274)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.