Namo Sakya Muni Buddha
Hỏi: Cái gì là cốt tủy của đạo Phật?
Trong một bài giảng Pháp, Tỳ kheo Buddhadasa đã nói: “Để nói cái gì là cốt tủy của Phật Pháp, tôi muốn đưa ra các câu nói ngắn, “Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả”
Có một đoạn trong Trung Bộ Kinh, khi một người tới tìm Đức Phật và hỏi ngài là ngài có thể tóm gọn giáo pháp của ngài vào một câu, và nếu có thể, thì đó là câu gì. Đức Phật trả lời rằng ngài có thể, “Sabba dhamma nalam abhinivesaya”. Các từ “Sabbe dhamm” có nghĩa là “moị thứ, mọi vật, mọi pháp” còn “nalam” nghĩa là “không nên để” và “abhinivesaya” có nghĩa là “bị dính mắc vào”.
Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả. Rồi Phật nhấn mạnh điểm này bằng cách nói rằng bất kỳ ai đã nghe câu này là đã nghe toàn bộ Phật Pháp, và bất kỳ ai đã nhận được quả của pháp tu tập điểm này thì đã nhận được toàn bộ quả của Phật Pháp.
Hỏi: Vậy, tu tập như thế nào để đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả.
Bởi vì dính mắc vào bất cứ gì đều là sự trói buộc và đem lại đau khổ. Đức Phật là người chẳng hề dính mắc vào bất cứ gì. Ngài chỉ dạy thực hành “buông xả”. Tăng đoàn của Ngài từ thời xưa cho đến thời nay đều thực hành sự chẳng để dính mắc. Để thực hành điều này, Ngài chỉ dạy như sau:
“Khi mắt thấy một vật, chỉ thấy vật ấy.
Khi tai nghe một tiếng, chỉ nghe tiếng ấy.
Khi mũi ngửi một mùi, chỉ ngửi mùi ấy.
Khi lưỡi nếm món gì, chỉ nếm món đó.
Khi có cảm xúc trên da hay trên thân, chỉ biết đến cảm xúc ấy.
Và khi một ý nghĩ, một đối tượng tâm linh, khởi lên trong tâm, như một tư tưởng xấu chẳng hạn, chỉ biết tư tưởng ấy”.
Điều này có nghĩa là không nên để cho tư tưởng phân biệt tốt, xấu, ưa thích hay ghét bỏ sanh khởi. Ưa thích cái gì có nghĩa là ham muốn cái ấy, không ưa thích cái gì có nghĩa là ghét bỏ cái ấy. Ham muốn hay ghét bỏ đều là ô nhiễm phát sinh từ tham, sân và si. Không để các ô nhiễm này trong tâm dấy lên, tức là không dính mắc. Không khai sinh thêm “người thương” hay “kẻ ghét” đấy là không dính mắc. Thực hành được điều này sẽ mang lại an lạc và hạnh phúc.
Đây là một pháp hành rất gọn và thẳng tắp, được cho là tuyệt hảo. Nếu còn dính mắc, ngay cả vào điều hành, ngay cả vào ý niệm “đừng dính mắc” này là trong tâm sẽ dấy lên tư tưởng nhiễm ô và tâm liền trở nên bất tịnh. Dính mắc vào bất cứ gì là mang gánh nặng trên mình. Dù gánh bên vai hay đội trên đầu một bao vàng bạc kim cương đá quý cũng nặng y như đang vác một bao cát đá. Vậy thì, theo lời Phật dạy, đừng mang cát đá, cũng đừng mang vàng bạc. Hãy buông chúng xuống.
Đừng để bất cứ vật gì dù nặng hay nhẹ trên đầu (đầu, ở đây có nghĩa là tâm thức). Hãy vô sở trụ. Thanh lọc tâm ý cũng chính là nghĩa đó. Thứ nhứt tránh việc ác, thứ hai là siêng làm lành, còn thứ ba là thanh lọc tâm ý, đó là lời dạy của chư Phật.
Namo Buddhaya
Namo Dhammaya
Namo Sanghaya
Sadhu sadhu lành thay!
Xem thêm:
Chương 1 sách:
Phật Pháp Trong Đời Sống (sách song ngữ)
Tác giả: Tâm Diệu
Chuyển ngữ sang Anh văn: Nguyên Giác
Nhà xuất bản: Ananda Việt Foundation
Namo Dhammaya
Namo Sanghaya
Sadhu sadhu lành thay!
Xem thêm:
Chương 1 sách:
Phật Pháp Trong Đời Sống (sách song ngữ)
Tác giả: Tâm Diệu
Chuyển ngữ sang Anh văn: Nguyên Giác
Nhà xuất bản: Ananda Việt Foundation