- Chương Một Một Khẩu Truyền Về Những Lời Nguyện Quy Y Và Bồ Đề Tâm Đại Thừa
- Chương Hai Những Câu Chuyện Về Những Hành Động Và Hậu Quả Của Chúng
- Chương Ba Những Hành Động Và Những Hậu Quả Của Chúng
- Chương Bốn Một Dẫn Nhập Những Thí Dụ Và Ý Nghĩa Của Chúng
- Chương Năm Một Sự Nhận Diện Qua Văn Xuôi
- Chương Sáu Sự Nhận Diện Đại Ấn
- Chương Bảy Làm Thế Nào Để Tu Theo Con Đường Nhảy Qua
- Chương Tám Hướng Dẫn Trên Con Đường Của Sự Chuyển Di
- Chương Chín Một Giới Thiệu Vào Nền Tảng, Con Đường Và Quả
- Chương Mười Bốn Cấp Bậc Của Yoga
- Chương Mười Một Làm Sao Tiến Bộ Theo Những Địa Và Những Con Đường
- Chương Mười Hai Kết Luận
- Chú Thích &Thuật Ngữ
Một Khẩu Truyền về những Lời Nguyện Quy Y và
Bồ Đề Tâm Đại Thừa
Kính lễ đức Quán Thế Âm !
–* Khi bản văn này bắt đầu bằng những lời dạy về những lời nguyện quy y và Bồ đề tâm, xin ghi nhớ trong tâm rằng quy y, Bốn Tư Tưởng Xoay Chuyển Tâm Thức,(1) và Bồ đề tâm là tiêu điểm chính, trục chính của những giáo lý và thực hành. Không có chúng, thậm chí không có người Phật tử, nói gì đến giải thoát và giác ngộ. Nhờ ba cái trên mà chúng ta hoàn thành được mục đích của riêng chúng ta cũng như phụng sự cho những nhu cầu của những người khác.
Trước khi nghiên cứu bản văn này, chúng ta phải thấy sự quan trọng của sự nuôi dưỡng một động cơ lành mạnh và có ý nghĩa cho cả hai phần giáo lý và thực hành. Động cơ của chúng ta phải là đạt đến giác ngộ để làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Không trau dồi một động cơ lành mạnh, việc đọc tác phẩm này sẽ vô ích. Để đạt đến giác ngộ trước tiên phải tập trung vào Bốn Tư Tưởng Làm Xoay Chuyển Tâm Thức.
Thứ nhất là đời người quý giá, như thí dụ con rùa mù trong đại dương, một trăm năm mới trồi lên mặt nước một lần. Chui đầu vào một vòng gỗ nổi là một điều rất khó. Có được thân người với thì giờ rảnh rang, những điều kiện thuận lợi để giải thoát thì rất khó.
Bây giờ chúng ta đang có đời người khó gặp ấy, tuy nhiên cần nhớ rằng chúng ta chỉ có nó một thời gian ngắn. Hãy dùng thời gian đó sao cho có hiệu quả và đầy ý nghĩa nhất để biết cái gì là thiện lành và xấu ác, có được cái trước và tránh đi cái sau. Quan trọng nhất là một khi bạn đã có những thệ nguyện, hãy giữ chúng. Nếu bạn làm vỡ chúng, hãy nhận biết và sám hối và ngăn chặn không cho sự việc xảy ra nữa. Trong thời gian sống, quan trọng là không rơi vào những quan điểm sai lầm, những tà kiến, chúng dẫn bạn đi ra khỏi con đường tâm linh. Nhờ theo những hướng dẫn căn bản và rất đơn giản này, đời người chúng ta có thể rất ý nghĩa.
Dù bạn bị thu hút đến những giáo lý và thực hành Đại Toàn Thiện, Dzogchen, quan trọng là tiến hành từng bước để có chứng ngộ trong thực hành đó. Thứ nhất, hãy thiết lập một nền tảng trong Tiểu thừa, Thừa Cá Nhân. Giữ những giới luật cho giải thoát cá nhân, chẳng hạn năm giới. Trên căn bản này, bấy giờ bạn có thể tiến hành Đại thừa và trau dồi hai loại Bồ đề tâm hay tinh thần của sự thức tỉnh, Bồ đề tâm nguyện vọng và Bồ đề tâm hạnh, mỗi cái có những giới luật của nó. Quan trọng nhất, trong bối cảnh thực hành Đại thừa, chớ bao giờ tách lìa hai loại Bồ đề tâm này. Khi khai triển Bồ đề tâm và giữ những giới nguyện, chúng ta cần chống lại khuynh hướng thâm căn cố đế là làm việc do sự quy ngã. Chúng ta phải dấn thân vào thực hành Pháp vì lợi lạc của những người khác.
Đại Toàn Thiện gồm trong bối cảnh tantra Phật giáo, để có nó người ta phải nhận một quán đảnh truyền pháp trước khi vào thực hành. Trong các quán đảnh truyền pháp khác nhau, cái thứ tư là quan trọng đặc biệt. Với những thực hành của giai đoạn phát sanh và giai đoạn thành tựu như là căn bản, hãy nhận quán đảnh truyền pháp này, chú ý đặc biệt đến quán đảnh thứ tư và những samaya, hay những cam kết của nó. Khi đã thấu hiểu, mỗi thực hành sơ bộ, như quy y, thiền định Vajrasattva và guru yoga, đều chứa cả hai giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu. Chẳng hạn, nếu bạn có một thấu hiểu đầy đủ về thực hành quy y, thì mọi sắc tướng được thấy như những hiển xuất của trường quy y ; và mọi âm thanh được nghe như ngữ của những đối tượng của sự quy y. Quy y theo cách này trở thành một thực hành mật thừa trọn vẹn. Tương tự, khi bạn đi vào thiền định Vajrasattva, bạn sẽ thấy mọi sắc tướng là sắc tướng của Vajrasattva và nghe mọi âm thanh là ngữ của Vajrasattva. Điều này cũng đúng cho thực hành chuyển di tâm thức,(2) nó gồm cả hai giai đoạn phát sanh và thành tựu. Tuy nhiên, chuyển di có mục tiêu đặc biệt chuẩn bị cho chúng ta với cái chết, và trong đó có sự lợi lạc đặc biệt.
Ban và nhận một quán đảnh là rất quan trọng, thế nên rất quan trọng cần giữ gìn thái độ thích hợp. Một số người có vẻ như đi đến truyền pháp như chỉ làm một việc sưu tầm, kiêu hãnh nói với bạn bè về những sở đắc gần nhất. Thái độ này giống như ném mọi giới luật và quán đảnh truyền pháp vào đống rác. Quả là một phung phí.
Sự thực hành Đại Toàn Thiện rõ ràng liên hệ đến hai giai đoạn phát sanh và thành tựu. Chúng ta hãy xem cái thấy hiểu (kiến) của Dzogchen. Đôi khi tôi nghe người ta nói họ đã nhận được những giáo lý về Đại Toàn Thiện và có được thấu hiểu. Có vẻ hầu hết những người tuyên bố như vậy rơi vào một trong hai phạm trù : (1) khi họ nghĩ họ thấu hiểu nghĩa, họ còn bám chấp vào một đối tượng của tâm trí, thế nên chủ thể-khách thể vẫn còn tồn tại ; và họ còn bám chấp vào ý niệm họ đã thấu hiểu cái gì đó. (2) Những người khác tuyên bố như vậy thực sự chỉ ở trong một tâm thức trống trơn khi họ thiền định theo lối bề ngoài. Nếu đó là thực hành Dzogchen chân thật, thì bấy giờ những giai đoạn phát sanh và thành tựu và mọi giáo lý về mười địa Bồ tát và năm con đường Bồ tát rõ ràng là không thích hợp. Nếu thực hành Đại Toàn Thiện chỉ cốt dừng tư tưởng và ở trong một trạng thái tâm trí trống trơn, thì bấy giờ hai giai đoạn của thực hành này – Cắt Đứt và Nhảy Qua – cũng không thích hợp.
Đôi khi chúng ta cố gắng bào chữa bằng hạnh của người khác, nói rằng họ là những siddha, những thành tựu giả, họ vượt khỏi sự phán đoán. Nhưng chính Guru Rinpoche nói rằng khi cái thấy của ngài bao la như không gian, thì ngài rất tỉ mỉ về hạnh của ngài. Nếu Guru Rinpoche cảm thấy hạnh tinh ròng là cần thiết, tại sao chúng ta xem là ngoại lệ với những thành tựu giả có những mức độ chứng ngộ thấp hơn ?
Dù bạn có bám chấp vào một đối tượng hay trở nên trống trơn, bạn cũng không thoát khỏi tạo tác ý niệm, thế nên bạn không thực sự đi vào thực hành Dzogchen. Bám chấp vào một đối tượng dẫn đến chấp hữu, còn trống trơn là đoạn diệt chấp vô. Cùng lúc đó, còn một lỗi lầm nữa là tiêu phí thì giờ để chú tâm vào những lỗi lầm của những người khác thay vì chú tâm vào hiện trạng của mình, đây là một loại đạo đức giả tâm linh.
Cả những thực hành sơ bộ và thực hành chính thức Dzogchen đều trọng yếu. Nếu không tu hành Bốn Tư Tưởng Xoay Chuyển Tâm Thức, bạn vẫn sẽ bám chấp vào mọi sự, không có tâm từ bỏ, thế thì làm sao gọi là người Phật tử ? Cũng có thể khi bạn đã quy y và nghe một số giáo lý, bạn có thể trở nên tự phụ và nghĩ bạn đã đi tới đáy của những giáo lý. Thậm chí bạn có thể nghĩ về mình như một vị thầy. Hãy nhớ cho, không dễ có thể là một vị thầy. Trước hết, bạn phải tịnh hóa và điều phục tâm thức bạn. Chỉ lúc ấy bạn mới có thể ở một vị trí để giúp người khác điều phục tâm thức họ. Chẳng hạn, nếu một người mù dắt một người khác, cả hai sẽ rủi ro. Do đó để hoàn thành những mục tiêu của bạn và của những người khác, quan trọng là trở lại chỗ ban đầu, trau dồi cái mà truyền thống Thiền (Zen) gọi là “sơ tâm” – hoàn toàn tươi mới, không biết, mở rộng với mọi sự. Hãy trở lại với Bốn Tư Tưởng Xoay Chuyển Tâm Thức vì chúng là chìa khóa mở ra kho tàng vĩ đại của những giáo lý Phật giáo. Để làm quen với chúng, hãy đọc chúng. Và khi bạn đọc chúng, hãy nghiên cứu chúng và đem chúng vào thực hành. –
Đây là những giáo huấn thực hành và sâu xa của Quán Thế Âm. Bên phía phải của bạn để một hình ảnh Phật, các kinh sách về Pháp. Nếu bạn có một cái tháp, hãy để nó ở đó, và trước mặt mọi cái này để bảy loại cúng dường, một mạn đà la v.v...
– Tác giả bắt đầu chỉ dạy thiết lập một bàn thờ như một chuẩn bị trực tiếp để nhận những giới điều quy y và tịnh hóa tâm thức. Tâm thức bình thường chúng ta đem vào thực hành thì bất tịnh, nên cần tạo ra một môi trường thanh tịnh và dẫn khởi một cảm giác vui tươi và thành tín. –
Một khi bạn đã hiểu nghĩa của quy y và Bồ đề tâm, nếu bạn lại thỉnh cầu những lời nguyện này, chúng sẽ thực sự khởi dậy trong bạn. Sẽ khó khăn để chúng khởi dậy chỉ bằng đọc tụng mà không hiểu nghĩa. Trong Pháp phụ này, những lời nguyện sẽ được ban cấp.
– Một số người thắc mắc tại sao chỉ nguyện quy y một lần thì không đủ. Phát những nguyện này thì giống như ăn : chúng ta cần ăn mỗi ngày để có sức khỏe. Cũng thế, đến khi nào chúng ta đạt được giác ngộ hoàn toàn, còn chưa thì rất quan trọng tiếp tục phát nguyện quy y và giữ gìn chúng. –
Về những lời nguyện quy y, có những cái chung cho các thừa khác nhau và có lời nguyện quy y của Đại thừa ; và bây giờ chúng ta quan tâm đến cái sau. Ở đây đối tượng mà lời nguyện thỉnh cầu, theo truyền thống của những giáo lý hiện đây : Trong không gian trước mặt bạn là một tòa ngồi bằng ngọc rộng và oai nghiêm do những con sư tử nâng đỡ. Trên đó là một hoa sen nhiều màu trăm ngàn cánh, trên đó có một dĩa mặt trăng. Ở trung tâm dĩa là đạo sư hàng đầu của chính bạn, Amitabha (A Di Đà), trong y phục của một báo thân, có các lama các dòng bao quanh.
Ở trước ngài là bổn tôn Quán Thế Âm bao quanh bởi vô số bổn tôn. Ở bên phải ngài là Phật Thích Ca Mâu Ni bao quanh bởi một vô số Phật gồm ngàn vị Phật của hiện kiếp. Đàng sau ngài là Kinh Trí Huệ Ba La Mật Một Trăm Ngàn Bài Kệ, bao quanh bởi một vô số luận thư của thánh pháp. Bên trái ngài là Vajrapani, bao quanh bởi một vô số Tăng già Đại thừa và Tiểu thừa, gồm tám đứa con tâm linh Bồ tát và tám Thanh văn tối cao. Mọi hướng chánh và hướng trung gian đông đầy những vira(3) và dakini.(4) Ở dưới ngài là một vô số hộ pháp, gồm Maha-kala Bốn Tay, Mahakala Sáy Tay và Draklha Gonpo. Trên đỉnh đầu họ là Omï, ở yết hầu chữ Ahï và ở tim chữ Humï. Từ chữ Humï ở tim họ, những tia sáng phát ra mười phương, thỉnh mời tất cả những bậc thầy tâm linh, những bổn tôn, những vira, dakini, và những hộ pháp như mây vân tập. Hãy tưởng tượng các vị tan vào những bổn tôn được quán đảnh trước mặt bạn.
Với hai tay chắp một cây hương, đạo sư và những đệ tử thỉnh mời các vị bằng cách tụng :
Ngài là đấng bảo vệ cho tất cả chúng sanh không sót một ai, bậc chinh phục thiêng liêng bất khả bại đánh tan đám quân ma, bậc biết mọi sự đúng như chúng là. Xin ngài đến chỗ này cùng với hội chúng tùy tùng.
Bậc Chí Tôn, từ vô kiếp ngài đã nuôi dưỡng lòng bi với chúng sanh, và ngài đã phát những nguyện bao la để đáp ứng những nhu cầu cho tất cả chúng con. Bây giờ, khi thời đã đến, xin ngài ban phát một vô số những ban phước nhiệm mầu từ cung điện tự phát của không gian tuyệt đối của những hiện tượng. Để giải thoát chúng sanh vô biên, xin hãy cùng đến với hội chúng tùy tùng.
Ngài là Vua của tất cả các Pháp, hình thái của ngài như vàng thanh tịnh, với một sự rực rỡ sáng hơn mặt trời. Với lòng tin của con, mong ngài nhìn đến con. An bình và bi mẫn, điều phục và an trụ trong kiên cố thiền định, với Pháp và trí huệ bổn nguyên của ngài thoát khỏi vướng mắc, ngài sở hữu thần lực không thể cạn kiệt. Xin trở về, bậc của sự bình an và thanh tịnh. Bậc thánh toàn giác, cao tột của chúng sanh, xin hãy đến nơi chỗ cúng dường này, được trình bày như những phản chiếu đẹp đẽ.
Thưa ngài, ngài đến đây là điều tốt đẹp. Chúng con có công đức và dịp may. Xin nhận những cúng dường của chúng con, nhìn đến chúng con và ban cho những ân điển của ngài.
Khi chúng con dâng cúng hoa sen tám cánh này rộng lớn như thiên hà, với hoan hỷ và rộng lượng, xin ở lại lâu như ngài muốn.
Nếu bạn muốn, bạn có thể làm thêm cúng dường lễ tắm và mạn đà la. Đây là nghi thức ngắn :
Như chư thiên tắm ngài khi ngài vừa sanh ra, con tắm ngài với nước thanh tịnh, thiêng liêng. Đây là một sự tắm rửa vinh quang, tối thượng, với nước không gì bằng của lòng bi. Với nước của những ban phước và trí huệ bổn nguyên xin ban cho con những siddhi (thành tựu) con ao ước. Thân, ngữ, tâm của chư Phật thì thoát khỏi những che chướng của phiền não, nhưng để tịnh hóa những che chướng của thân, ngữ, tâm của chúng sanh, con tắm ngài với nước thanh tịnh.
Và :
Nền đất được rưới nước thơm và rắc hoa, trang hoàng với núi Tu Di, bốn châu, mặt trời và mặt trăng, tôi quán tưởng là một cõi thanh tịnh của chư Phật. Nhờ sự cúng dường này, nguyện tất cả chúng sanh kinh nghiệm được cõi hoàn toàn thanh tịnh này ! Idamï ratna manïdïalakamï niryatayami.
Như thế, hãy tưởng tượng rằng những đối tượng của sự quy y hiện diện cụ thể trong không gian trước mặt bạn. Thật ra các ngài thực sự hiện hữu, vì có nói, “Đối với những ai tin Phật, Thế Tôn hiện diện trước họ”, và “Như những phản chiếu của mặt trăng trong nước, các ngài xuất hiện bất cứ nơi nào con nhìn.” Thế nên các ngài hiện diện một cách hiện thực. Hơn nữa, chư Phật và chư Bồ tát an trú trong những cõi thanh tịnh của mười phương thấy bạn với đôi mắt trí huệ bổn nguyên của các ngài, và các ngài chắc chắn nghe lời tán tụng của bạn. Thế nên điều này là như nhau khi thỉnh cầu với tất cả chư Phật.
Với những biểu trưng của thân, ngữ, tâm giác ngộ mà bạn đặt ra trước mắt bạn như là căn cứ của sự quán tưởng của bạn, hãy thỉnh cầu ta làm thầy của bạn. Hãy tưởng tượng thỉnh cầu những thệ nguyện của sự quy y Đại thừa. Những đối tượng của sự quy y thuộc bản tánh của ba hiện thân. Chư Phật là Phật Bảo, hãy thỉnh cầu chư vị là sự quy y nền tảng của bạn. Pháp Bảo là những kinh điển và huệ quán Đại thừa. Hãy thỉnh cầu cái này là chỗ quy y của bạn về mặt con đường. Những Bồ tát ở địa thứ nhất và trở lên là Tăng Bảo của Đại thừa. Hãy tưởng tượng thỉnh cầu các vị là chỗ quy y của bạn và là những người đồng hành của các bạn.
– Ở đây Karma Chagmé Rinpoche nói với những đệ tử của ngài thỉnh cầu ngài là vị hướng dẫn tâm linh của họ từ đó làm những lời cầu nguyện này. Đó là một cách để tiến hành, nhưng bạn không nhất thiết cần có một vị thầy hiện diện để bạn nguyện quy y. Nếu ngài không có, vẫn có thể đơn giản thiết bàn thờ với những biểu trưng của thân, ngữ, tâm giác ngộ của Phật, và nguyện về phần bạn. Khi bạn quán tưởng, người mà bạn quán tưởng có thể là thầy của bạn hay Guru Rinpoche. Người mà bạn có niềm tin lớn nhất là vị thầy ban đầu của bạn và bạn quán tưởng người đó có bản tánh của A Di Đà.
Hơn nữa, quy y Đại thừa là giao phó chính mình từ lúc này cho đến Phật Quả. Đây là cấp độ của sự cam kết. –
Điều này không phải là quy y cho riêng chúng ta. Hãy tìm kiếm sự quy y để đem tất cả chúng sanh đến trạng thái thức tỉnh tâm linh (giác ngộ). Đây không phải là quy y chỉ cho một đời này, như trường hợp của Tiểu thừa, mà phải nghĩ rằng, “Con quy y từ hôm nay cho đến khi con thành tựu giác ngộ.” Quỳ gối xuống, hai tay chắp lại, và với mong muốn nhất tâm thỉnh cầu những lời nguyện quy y Đại thừa, hãy đọc theo tôi ba lần :
Tất cả chư Phật và chư Bồ tát mười phương, xin hãy thương tưởng đến con. Bổn sư, xin hãy thương thưởng đến con. Từ lúc này cho đến khi con có mặt trong tinh túy của giác ngộ, con quy y Phật, bậc tối tôn trong loài người. Con quy y Pháp linh thánh, tự do tối tôn khỏi sự vướng mắc. Con quy y các thánh và Tăng bất thối chuyển, cộng đồng tối tôn. (3 lần)
Nào, bây giờ hãy biết rằng những lời thệ nguyện Đại thừa về quy y đã sanh khởi trong dòng tâm của các bạn, và hãy nói, “Hoan hỷ phụng hành”, với điều này vị thầy trả lời, “Đây là phương pháp.”
Đây là những lợi lạc của việc nhận những thệ nguyện quy y. Bạn được bảo vệ khỏi mọi làm hại và tổn thương trong đời này (trừ cái gì xảy đến như là quả của những hành động đời trước), khỏi những điềm triệu xấu và khỏi rơi vào Tiểu thừa. Trong tương lai bạn sẽ được bảo vệ khỏi những sợ hãi của những chỗ đến khốn khổ và những sợ hãi của vòng sanh tử. Trang Hoàng Cho Những Kinh nói :
Bởi vì nó bảo vệ khỏi mọi thương tổn, khỏi những nơi đến khốn khổ, những ác hạnh, sợ hãi và Tiểu thừa, nó là sự quy y cao cả.
Ngay khi nhận những thệ nguyện quy y, bạn phải đi vào những pháp môn tương ứng. Những pháp môn này có (1) ba thực hành tổng quát, (2) ba thực hành đặc biệt, và (3) ba thực hành phụ thêm.
1. Luôn luôn cố gắng cúng dường Tam Bảo, ít nhất cũng dâng cúng mẩu thứ nhất của bữa ăn. Chớ từ bỏ Tam Bảo dù với cái giá của đời bạn hay vì bất kỳ phần thưởng nào ; và thường xuyên thực hành quy y bằng cách nhớ những phẩm tính tuyệt hảo của Tam Bảo.
2. Ba thực hành đặc biệt gồm : một khi bạn đã quy y Phật, chớ có quy y nơi những vị thần khác. Kinh Đại Giải Thoát nói :
Người đã quy y chư Phật là một ưu bà tắc đích thật, và chớ bao giờ tìm sự quy y ở những vị thần khác.
Từ khi bạn đã quy y Pháp, chớ có làm thương tổn chúng sanh. Một kinh nói :
Một khi con đã quy y Pháp linh thánh, hãy thoát khỏi những tư tưởng làm hại và tổn thương.
Từ khi bạn đã quy y Tăng, chớ có theo những người quá khích. Một kinh nói :
Một khi con đã quy y Tăng, chớ có đổi hướng theo những người quá khích.
– Quy y những người quá khích là tin vào những người từ bỏ, phỉ báng Pháp hay người nói xấu thầy của họ. Điều này gồm bị ảnh hưởng bởi những thái độ phân phái, thành kiến v.v..., gồm cả những người tự cho là Phật tử. –
3. Ba thực hành phụ thêm là : tôn kính đối với tranh tượng của Như Lai, tiêu biểu cho Phật Bảo, thậm chí một mảnh của tranh tượng đó ; tôn kính đối với những kinh sách của Pháp, tiêu biểu cho Pháp Bảo, thậm chí một chữ của những bản văn đó ; và tôn kính những y áo, vật dụng của bậc Giác Ngộ, tiêu biểu cho Tăng Bảo, thậm chí một mảnh y vàng.
Có tám lợi lạc của sự quy y : (1) bạn được vào trong cộng đồng những Phật tử ; (2) điều này trở thành một căn cứ cho tất cả những thệ nguyện ; (3) mọi tội lỗi trước kia của bạn được tắt dần ; (4) bạn không bị những lực lượng ngăn ngại thuộc con người hay chẳng phải con người gây tác hại ; (5) bạn hoàn thành mọi sự bạn dự định ; (6) dòng tâm của bạn được phú bẩm công đức lớn lao ; (7) bạn không sa xuống những trạng thái khốn khổ của sanh tử ; (8) bạn nhanh chóng và rõ ràng thành tựu giác ngộ viên mãn.
Đó là nhận những lời nguyện Đại thừa về quy y.
Bây giờ tôi bàn luận sự phát sanh nguyện vọng Đại thừa. Nói chung, về những nguyện vọng, có những nguyện vọng Tiểu thừa và Đại thừa. Cái thứ nhất là sự phát sanh nguyện vọng giác ngộ vì an vui và hạnh phúc của riêng bạn, đó là con đường phạm vi nhỏ. Có nói, “Nguyện vọng của Thanh Văn và Duyên Giác là những chướng ngại căn bản cho sự đạt đến giác ngộ viên mãn”, và “Không có phương tiện thiện xảo và thiếu trí huệ, con sẽ rơi xuống cấp độ Thanh Văn.” Các vị đạt đến những trạng thái giác ngộ tương đương với con đường của các vị, nhưng các vị không thể thành tựu giác ngộ tối hậu. Thế nên cần phải nỗ lực phát sanh nguyện vọng Đại thừa.
Về sự phát sanh nguyện vọng Đại thừa, có những phân chia theo tinh túy của nó, những đặc tính của nó, những nhân và duyên của nó và những cấp độ của nó. Thứ nhất có sự phân chia giữa Bồ đề tâm tương đối và Bồ đề tâm tối hậu. Kinh Nói Về Làm Sáng Tỏ Ý Định nói :
Có hai loại Bồ đề tâm : Bồ đề tâm tối hậu và Bồ đề tâm tương đối.
Đặc tính của Bồ đề tâm tương đối là một sự tỉnh giác tập trung vào việc hoàn thành giác ngộ vì lợi lạc của những người khác. Trang Hoàng Cho Chứng Ngộ Cao Hơn nói :
Nguyện vọng được phát sanh nhắm đến giác ngộ đích thực và viên mãn vì lợi lạc của những người khác.
Nhiều nhân và duyên được dạy, nhưng tóm tắt chúng là : niềm tin vào chư Phật và các con Phật (Bồ tát), một tâm bi mẫn, và được chăm sóc bởi một thiện tri thức (người bạn tâm linh). Có nói :
Rễ của nó được khẳng định là lòng bi, nó kéo theo tư tưởng thường trực làm lợi lạc.
Kinh Sự Thu Hút Của Viên Ngọc Sao Băng nói :
Do có niềm tin vào Bậc Điều Ngự và Pháp của Bậc Điều Ngự, niềm tin vào cách sống của các Bồ tát, và niềm tin vào giác ngộ tối thượng, tâm của những người cao cả sanh khởi.
Có hai mươi hai phân chia, từ Bồ đề tâm như đại địa đến Bồ đề tâm như mây. Như Trang Hoàng Cho Chứng Ngộ Cao Hơn nói :
Đất, vàng, mặt trăng... Có hai mươi hai loại.
Có ba loại Bồ đề tâm liên tiếp, tự mình cảm kích, mến phục, Bồ đề tâm quyết định phi thường và thanh tịnh, và Bồ đề tâm của sự trưởng thành, chúng loại trừ những che ám. Trang Hoàng Cho Những Kinh nói :
Ba cấp độ của phát Bồ đề tâm được xác định : cảm kích mến phục, quyết định phi thường và thanh tịnh, và trưởng thành. Chúng loại trừ những che ám.
Trong hai mươi hai phân chia được bàn luận trong Trang Hoàng Cho Chứng Ngộ Cao Hơn, cái giống như đại địa, giống như vàng, và giống như mặt trăng là những trạng thái của người sơ cơ chúng ta. Trang Hoàng Cho Chứng Ngộ Cao Hơn nói rằng ba loại Bồ đề tâm được đề cập ở trên sanh ra từ sự cảm kích mến phục, và chúng xảy ra ở giai đoạn của những người sơ học.
Cái tốt nhất là Bồ đề tâm giống như người chăn cừu, với nó người ta quyết định không tự mình đạt đến giác ngộ cho đến khi tất cả chúng sanh được đưa vào trạng thái ấy. Cái này giống như Bồ đề tâm của Quán Thế Âm, và nó khó làm. Bồ đề tâm như người lái tàu thủy là bậc trung, với nó người ta quyết định đạt đến giác ngộ cùng với tất cả những chúng sanh khác. Cái kém là Bồ đề tâm như đức vua. Hãy xem, “Bởi vì tất cả chúng sanh không ngoại trừ ai đã từng là cha là mẹ của tôi, tôi phải đáp ứng những nhu cầu của họ, nhưng bây giờ tôi không thể. Bởi thế, tôi quyết định trước tiên tự mình đạt đến giác ngộ, rồi không cần nỗ lực, tôi sẽ phụng sự những nhu cầu của tất cả chúng sanh nhờ những hoạt động giác ngộ, tự phát và không nỗ lực cho đến khi sanh tử trống rỗng.” Điều này quan trọng.
Bằng cách trau dồi Bồ đề tâm tương đối theo cách này, khi cấp độ thứ nhất của Bồ tát (sơ địa) được đạt đến, Bồ đề tâm tối hậu sanh khởi. Và có nói rằng trong những truyền thống Đại Ấn và Đại Toàn Thiện sự chứng ngộ thoát khỏi tạo tác ý niệm là Bồ đề tâm tối hậu. Có Bồ đề tâm nguyện vọng và Bồ đề tâm dám đi đến giác ngộ. Một cách để trau dồi mỗi Bồ đề tâm này được trình bày nói rộng trong dòng phát sanh từ Maitreya qua đến Acarya (A xà lê : một vị thầy đã thành tựu) Asanga. Để làm được điều đó, người ta phải có những loại thệ nguyện giải thoát thuộc về cá nhân, và những nguyện Bồ tát không sanh khởi nếu không có một thiện tri thức biết tạng kinh Bồ tát. Nghi thức để nhận những giới luật của Bồ đề tâm nguyện vọng và Bồ đề tâm dám đi đến giác ngộ cả hai đồng thời được trình bày trong dòng từ Manjushri (Văn Thù) qua Nagarjuna (Long Thọ) đến Santideva (Thánh Thiên). Trong truyền thống này những thệ nguyện có thể sanh khởi trong bất kỳ ai, thế nên đó cũng là truyền thống hiện thời của chúng ta.
– Theo dòng từ Maitreya qua Asanga, người ta phải có ít nhất một trong những lời thệ nguyện giải thoát cá nhân, đó là, ít nhất một thệ nguyện của ưu bà tắc hay của giới xuất gia trước khi có những thệ nguyện Bồ tát. Nhưng theo dòng từ Manjushri qua Nagarjuna đến Santideva, bạn có thể đồng thời nhận cả hai thệ nguyện Bồ đề tâm nguyện vọng và Bồ đề tâm dám đi đến giác ngộ, mà không có mặt một vị thầy và không cần có những giới luật cho giải thoát cá nhân trước đó. –
Cần thiết tích tập công đức để làm nền tảng cho Bồ đề tâm. Trong quá khứ nhiều Bồ tát giàu có đã cúng dường mười triệu ngôi chùa và ngọc như ý, rồi phát tâm Bồ đề ; những người không giàu có thì cúng dường y phục và đèn rơm, rồi phát tâm Bồ đề. Những người không có chút tài sản nào phát tâm Bồ đề chỉ bằng chắp tay.
– Dù bạn không nhà và không có gì để cúng dường, bạn luôn luôn có thân, ngữ, tâm để cúng dường cho những đối tượng của sự quy y khi bạn nhận thệ nguyện Bồ tát. –
Những cách chính để tích tập công đức là sùng mộ bảy phần. (1) Hãy tưởng tượng biến thân thể bạn ra nhiều như số nguyên tử của trái đất và lễ lạy với mỗi thân đó. (2) Dùng những đồ cúng dường bạn bày ra ở đây như căn cứ cho sự quán tưởng của bạn, hãy tưởng tượng chúng có bản tánh là những thân thể, những tài sản, những thiện căn của bạn trong hình dạng những đồ cúng dường như mây của Phổ Hiền, đầy khắp vũ trụ. Hãy cúng dường chúng cho tất cả chư Phật mười phương. (3) Trong sự hiện diện của các ngài, hãy phát lời sám hối tất cả tội lỗi và sa rớt của bạn đã mắc từ vô thủy sanh tử cho đến nay. (4) Thiền định về tùy hỷ tất cả thiện căn công đức mà các thánh và người bình thường đã thực hiện. (5) Với những vị đã đạt đến giác ngộ trong những cõi khác và những vị không dạy Pháp, thỉnh cầu chư vị chuyển Pháp Luân. (6) Với tất cả những vị sắp đi vào niết bàn, thỉnh chư vị không nhập niết bàn. (7) Hồi hướng công đức như vậy để thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sanh.
Nếu bạn muốn, ở điểm này thầy và những học trò có thể tụng một cầu nguyện ngắn, nhưng nếu không thì cũng không cần thiết.
Bây giờ tụng theo tôi ba lần : “Bất cứ đức hạnh nhỏ nào tôi đã tích tập do lễ lạy, cúng dường, sám hối, tùy hỷ, cầu khẩn và thỉnh cầu, tôi hồi hướng cho sự giác ngộ viên mãn của tất cả mọi người.”
Rồi theo nghi thức chuẩn bị của Bồ đề tâm, đây là thực hành chính. “Đã nhận Tam Bảo Đại thừa làm chỗ quy y, các Bồ tát quá khứ khai triển Bồ đề tâm nguyện vọng và Bồ đề tâm dám đi đến giác ngộ. Cũng thế, bởi vì mọi chúng sanh đã từng là cha mẹ từ ái của tôi, tôi cũng phát nguyện đạt đến giác ngộ vì lợi lạc cho họ.” Với tư tưởng đó, hãy đọc ba lần theo tôi : “Tất cả chư Phật và chư Bồ tát ở trong mười phương, xin nhìn đến con. Bổn sư, xin nhìn đến con. Từ giây phút này cho đến khi con đạt đến tinh túy của giác ngộ, con quy y chư Phật, và con quy y Pháp và thánh chúng Bồ tát. Như chư Như Lai thời quá khứ đã khai triển Bồ đề tâm và dần dần đi vào những thực hành của chư Bồ tát, cũng thế, để phụng sự chúng sanh con khai triển Bồ đề tâm, và con dần dần đi vào những thực hành.” Hãy biết rằng bằng cách đọc tụng ba lần như thế, những thệ nguyện của Bồ đề tâm sanh khởi trong bạn, rồi nói, “Hoan hỷ phụng hành.”
Công việc kết thúc là hoan hỷ nơi chính mình. “Đã đạt được thân người, có ý nghĩa là tôi đã không chết trước lúc này. Do có được những thệ nguyện Bồ đề tâm hôm nay – như một chất thuốc hóa sắt thành vàng – tôi đã sanh ra trong gia đình của chư Phật, và tôi trở thành một đứa con của chư Phật.” Với tư tưởng này, hãy đọc theo tôi ba lần : “Bây giờ đời con đang sai quả. Đời làm người đạt được tốt đẹp. Hôm nay con được sanh ra trong gia đình của chư Phật, và con trở thành một đứa con của chư Phật.”
Nếu người ta nói thêm những thực hành phối hợp với việc nhận những thệ nguyện này, thì có nhiều để nói, nhưng ngắn gọn là : hãy tôn kính những vị hướng dẫn tâm linh Đại thừa, tránh bốn hành vi xấu, ráng sức với bốn hành vi tốt, và trong tâm chớ bỏ rơi chúng sanh. Nói ngắn, sự thực hành Bồ đề tâm nguyện vọng là quyết định đạt đến giác ngộ vì chúng sanh. Với tư tưởng này, hãy đọc theo tôi : “Bây giờ bằng mọi phương tiện con sẽ đi vào những hành vi phù hợp với gia đình này, và con sẽ không làm dơ nhiễm gia đình cao cả, không tỳ vết này.”
– Bốn hành vi xấu là : nói dối hay dối gạt thầy ; làm nản lòng những người khác trong thực hành đức hạnh của họ ; do giận mà nói lời thô nặng với một người tu hạnh Bồ tát ; và làm cho chúng sanh lầm đường do từ một động cơ khác với quyết định vị tha phi thường là dẫn dắt những người khác khỏi khổ. Bốn hành vi tốt cần theo là : không nói dối thậm chí trong khi nói giỡn ; làm những người khác thấm nhuần sự vui thích trong thực hành của họ và hướng dẫn họ tiến lên trên con đường Đại thừa ; nhìn tất cả chúng sanh như chư Phật ; thành thực đối xử với tất cả chúng sanh từ lòng vị tha. –
Điều này là hoan hỷ nơi những người khác : “Hôm nay, trong sự hiện diện của tất cả chư Phật, tôi đã hứa phụng sự và đem đến hạnh phúc cho tất cả chúng sanh cho đến khi tất cả các người được đưa đến trạng thái giác ngộ. Thế nên các bổn tôn trong bầu trời và tất cả chúng sanh các người có tri giác siêu giác quan, hãy vui thích !” Với tư tưởng này, hãy lập lại : “Hôm nay, trong sự hiện diện của tất cả những Bậc Bảo Vệ, con thỉnh mời chúng sanh kinh nghiệm niềm vui cho đến khi họ đạt đến trạng thái của chư Như Lai. Thế nên, chư thiên và chư a tu la, hãy vui thích.”
Bây giờ hãy lập lại lời cầu nguyện này : “Nguyện Bồ đề tâm quý báu sanh khởi trong những ai chưa sanh khởi. Nguyện chúng con không lìa rời Bồ đề tâm, nguyện chúng con đi vào cách sống Bồ tát, nguyện chúng con được chư Phật chăm sóc, và chúng con cũng được thoát khỏi những hành động của Ma. Nguyện những ý định của chư Bồ tát phụng sự chúng sanh được thành tựu. Nguyện chúng sanh nhận được những gì các Bậc Bảo Vệ muốn giúp đỡ. Nguyện chúng sanh có được hạnh phúc. Nguyện những cõi khốn khổ luôn luôn trống rỗng. Bất cứ nơi nào chư Bồ tát ở, nguyện những cầu nguyện của chư vị được thành.”
Nhờ những phương tiện này mà nhận được những thệ nguyện Bồ đề tâm. Đây là sự tu hành : “Không bỏ rơi chúng sanh, ghi nhớ trong tâm những lợi lạc của Bồ đề tâm, tích tập hai kho trí huệ và công đức, trau dồi mãi Bồ đề tâm, theo bốn hành động tốt và tránh bốn hành động xấu – năm cái này là sự tu hành Bồ đề tâm nguyện vọng.”
Tu hành Bồ đề tâm dám đi đến giác ngộ chủ yếu gồm ba sự tu hành, và chúng được bao gồm trong Sáu Ba La Mật. Thế nên nếu người ta xem những cái đó là những thệ nguyện của mình, thì chúng là : “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ – sáu cái này bao gồm sự tu hành Bồ đề tâm dám đi đến giác ngộ.”
Theo truyền thống Duy Thức có bốn hành động xem như thất bại và bốn mươi bốn lỗi phụ. Theo truyền thống Trung Quán, đối với những người khả năng bén nhạy có mười tám thệ nguyện cho vua, các đại thần v.v... Đối với những người bậc trung có bốn thệ nguyện, và đối với những người khả năng chậm lụt, có một thệ nguyện. Kinh Lời Khuyên Cho Một Vị Vua nói :
Đại Vương, ngài có nhiều hoạt động và công việc, ngài không thể ở mọi lúc và trong mọi cách thực hành các ba la mật bố thí cho đến trí huệ. Bởi thế, Đại Vương, dù ngài đang đi, đứng, nằm, ngồi, thức dậy hay ăn, hãy thường trực mang trong tâm và trau dồi nguyện vọng, lòng tin, mong mỏi và khao khát đối với giác ngộ viên mãn. Hãy tùy hỷ những công đức của những người khác. Làm như vậy, hãy cúng dường tất cả chư Phật, chư Bồ tát, chư Thanh Văn và chư Bích Chi Phật. Làm như vậy, hãy đối xử với tất cả chúng sanh cùng một cách. Rồi, để cho tất cả chúng sanh được đầy đủ trong tất cả những phẩm tính của Phật, mỗi ngày hãy hồi hướng những điều trên cho giác ngộ tối thượng.
Đại Vương, nếu ngài làm điều đó, ngài cũng trị vì vương quốc của ngài, và những bổn phận làm vua sẽ không hư kém. Những tích tập hướng đến giác ngộ cũng sẽ được hoàn hảo.
Bởi thế, quan trọng cho các bạn là được giáo dục để thực hành những tu hành của Bồ tát này. Người không được giáo dục sẽ thấy chúng khó hiểu, và đó là lý do căn bản tại sao các geshe đi đến các đại học tu viện ở trung và tây Tây Tạng dành cuộc đời họ để nghiên cứu Trung Quán và Trí Huệ Ba La Mật. Những đề tài đó khó hiểu, và sự giải thích về chúng thì rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, thế không có nghĩa là bạn lìa bỏ chúng, vì đây là gốc của Pháp Đại thừa. Không có cái đó, bất kể thực hành của bạn có tốt bao nhiêu, bạn cũng rơi vào con đường Thanh Văn và Bích Chi của Tiểu thừa. Không có cái đó, thì như thể bạn cày đất mà không gieo giống, bạn sẽ không có kết quả giác ngộ.
– “Geshe” nghĩa đen là “thiện tri thức”, nhưng nó cũng là một học vị tốt nghiệp của giáo dục Phật giáo Tây Tạng. Có nhiều người được giáo dục rất cao trong cả bốn phái Nyingma, Kagyu, Geluk và Sakya. Chiến lược của mỗi phái là trước hết tìm ra một người hướng dẫn tâm linh. Những người đi vào sự tu hành chính thức ở tu viện thường để vài năm để tranh luận. Nhiều người trong các bạn đã xem những phim về những buổi tranh luận này : vỗ tay, nhảy quanh và la lớn để phê bình hay bảo vệ. Việc ấy dùng để có được một cái hiểu về Sáu Ba La Mật. Trước hết nghiên cứu và rồi tranh luận từng điểm, một cái hiểu thông suốt và phê phán sẽ có được.
Sự tu học lý thuyết, ý niệm này được sự thực hành nhất tâm đi theo. Trước có một cái hiểu ý niệm và rồi áp dụng nó vào thực hành.
Đã nhiều thế kỷ, trong truyền thống Tây Tạng, có hai loại cơ sở về Pháp. Một là những trường tu viện, nơi có sự nghiên cứu lý thuyết và những buổi tranh luận – hai cái đầu tiên của ba giai đoạn nghe, suy nghĩ và thiền định. Cái kia là những trung tâm thiền định, xưa được dựng lên cho những người đã xong phần tu học lý thuyết và sẵn sàng đi vào thực hành nhất tâm. Hiện giờ Phật giáo Tây Tạng ở Ấn Độ hay Tây Phương cũng làm như vậy, và do đó Pháp vẫn nở hoa hưng thịnh. –
Nếu những lợi lạc của việc này mà có hình tướng, thì cả bầu trời không thể chứa nổi chúng. Thậm chí bạn ngồi không làm gì cả, công đức của bạn tiếp tục tăng trưởng. Bởi vì bạn đã trở thành con của chư Phật, bạn trở thành đối tượng để tôn kính cho trời và người. Kinh Những Câu Hỏi Của Suradatta nói :
Nếu công đức của Bồ đề tâm có hình tướng, nó sẽ lấp đầy tất cả không gian, và vượt ra khỏi đó.
Một Hướng dẫn Vào Bồ Tát Hạnh nói :
Khi Bồ đề tâm sanh khởi, chỉ trong một khoảnh khắc một kẻ hư hỏng bị trói chặt vào trong tù ngục của vòng sanh tử được gọi là con trai của Bậc Thiện Thệ và trở nên xứng đáng tôn kính trong những thế giới của trời và người.
Từ lúc đó, một dòng suối công đức bất tuyệt, rộng lớn như bầu trời, thường trực sanh khởi dù người ta đang ngủ hay đang xao lãng.
Sự tu hành điều này cô đọng thành một điểm : Hãy xem, “Bất cứ đức hạnh nào tôi làm, dù lớn hay nhỏ, tôi không làm cho riêng một mình tôi mà vì lợi lạc của tất cả chúng sanh. Và trong tương lai, để phụng sự tất cả chúng sanh, tôi sẽ trở thành một vị Phật. Để giác ngộ nhanh chóng và không có những rắc rối và chướng ngại, nhờ những thiện căn hoàn thành hôm nay, khi tôi đi khỏi cuộc đời này nguyện tôi được sanh ra trong cõi tịnh độ Cực Lạc (Sukhavati).” Nếu bạn biết, hãy tụng Cầu Nguyện Cực Lạc và hồi hướng v.v... Dù bạn không biết, mỗi đêm hãy nói, “Nguyện con được sanh trong Cực Lạc.” Mọi thực hành đều bao gồm trong đó.
Ngược lại, nếu bạn làm đức hạnh chỉ cho lợi lạc của riêng bạn thì điều này không phù hợp với những thệ nguyện Bồ đề tâm, nên là một lỗi lớn. Như có nói :
Trên một lời hứa như vậy, nếu tôi không đưa nó vào hành động, thì hóa ra tôi lừa gạt chúng sanh, tôi sẽ có số phận thế nào ?
Hơn nữa, sự khai triển Bồ đề tâm là quan trọng để sanh trong Cực Lạc. Kinh Sự Vinh Quang Của A Di Đà, Kinh Sự Vinh Quang Của Cực Lạc... nói rằng nhờ khai triển Bồ đề tâm và cầu nguyện khẩn cầu, người ta sẽ được sanh trong cõi tịnh độ ấy ; nhưng những kinh ấy không nói rằng người ta sẽ được sanh vào đó mà không có cầu nguyện. Trọng tâm của sự thiền định này duy chỉ là thiền định của từ bi, “gởi cho và nhận lấy”.
– Sự thực hành “gởi cho và nhận lấy”, được gọi là “tonglen”, bao gồm sự trau dồi Bốn Tâm Vô lượng : từ, bi, hỷ, xả. –
Do nhận những thệ nguyện quy y và Bồ đề tâm theo cách này, sự thực hành quy y và Bồ đề tâm sẽ luôn luôn được đầy đủ, và mọi thực hành những giai đoạn phát sanh và thành tựu và mọi tụng chú sẽ giống như những cái tháp dựng đứng trên một nền tảng vững chắc ; chúng sẽ dẫn bạn tiến xa thêm trên con đường. Không có cái này, chúng chỉ bảo vệ cho bạn khỏi những nguy hiểm, nhưng chúng không dẫn bạn trên con đường đến giác ngộ ; thế nên cái này là quan trọng.
– Không có quy y và Bồ đề tâm, bạn có thể thực hiện những nghi thức hay đề nghị những người khác thực hiện những nghi thức, những trì chú... để đối trị những chướng ngại khác nhau. Thật ra, điều đó có thể giúp bạn, nhưng những thực hành mật thừa ấy không dẫn đến giác ngộ. Chúng chỉ đối trị vài vấn nạn tạm thời. Vì lý do đó, quy y và Bồ đề tâm là cốt yếu. –
Đến đây kết thúc những giáo lý về những thệ nguyện quy y và Bồ đề tâm.