25 Tỉnh Nam Phần Không Còn Tên Trên Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam

18/03/20234:11 SA(Xem: 6423)
25 Tỉnh Nam Phần Không Còn Tên Trên Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam

25 TỈNH NAM PHẦN KHÔNG CÒN TÊN
TRÊN BẢN ĐỒ HÀNH CHÁNH VIỆT NAM
Người Long Hồ
PDF icon (4)
HAI MƯƠI LĂM TỈNH NAM PHẦN KHÔNG CÒN TÊN TRÊN BẢN ĐỒ HCVN

 

Phần -I

_________________________________

Lịch Sử Phân Chia Tỉnh Tại Miền Nam:

     Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý. Nguyễn Hữu Cảnh khai thác các vùng Nông Nại(1) và Prei Nokor(2) lập nên hai dinh Trấn Biên và dinh Trấn Phiên sau nầy. Theo Gia Định Thành Thông Chí nơi trang 12, Trịnh Hoài Đức đã ghi lại như sau: “Lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị.” Như vậy năm 1698 là lần đầu tiên vùng đất nầy được định danh và phân ranh trong sổ địa bạ của xứ Đàng Trong. Đồng thời, lại có một người Minh Hương khác tên là Mạc Cửu, quê quán ở Lôi Châu, vì không phục nhà Mãn Thanh nên dong buồm đưa gia quyến xuôi Nam. Mạc Cửu đã được vua Chân Lạp phong chức Ốc Nha và cho phép đến khai phá vùng Mang Khảm(3), nhưng về sau nầy Mạc Cửu thấy vua Chân Lạp không thể bảo vệ vùng đất nầy trước mối đe dọa thường xuyên của quân Xiêm La nên ông đã xin nội thuộc xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn nhận đất Hà Tiên và phong cho Mạc Cửu làm chức Tổng Binh Hà Tiên. Đến đời Gia Long, nhà vua lấy Huế làm kinh đô, từ Quảng Bình trở ra tới biên giới Việt Hoa là Bắc Thành, từ Quảng Bình đến Bình Thuận trực thuộc Kinh Thành Huế, từ Bình Thuận đến mũi Cà Mau thuộc Gia Định Thành. Mỗi thành đều có một vị quan với chức Tổng Trấn cai trị. Trong Gia Định Thành thì đức Tả Quân Lê Văn Duyệt đã 2 lần làm tổng trấn. Đến năm 1832, sau khi Tả quân Lê văn Duyệt từ trần, vua Minh Mạng bãi bỏ chức tổng trấn và chia Gia Định Thành ra làm 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Mỗi tỉnh đều có quan tổng đốc cai trị. Vì vua Minh Mạng chia miền Nam ra làm 6 tỉnh nên kể từ đó mà miền Nam mới có danh xưng Nam Kỳ Lục Tỉnh.

     Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định và tiếp tục đánh chiếm các tỉnh khác trong xứ Nam Kỳ. Từ năm 1862 đến năm 1867, họ dùng danh xưng “départment” để thay thế cho phủ và “arrondisement” để thay cho huyện. Sau năm 1868, sau khi hoàn tất cuộc xâm lăng đất Nam Kỳ, người Pháp chia vùng đất Nằm Kỳ Lục Tỉnh ra làm 20 địa hạt (arrondissements). Danh xưng “arrondisement” có nghĩa là hạt(4) do một vị quan chánh tham biện cai trị (administeur). Tham biện được đặt dưới quyền của Thống đốc, và Thống đốc dưới quyền của quan Toàn Quyền Đông Dương. Năm 1876, Pháp lại chia Nam Kỳ ra làm 4 khu vực hành chánh, mỗi khu lại được chia ra làm nhiều địa hạt nhỏ:

1)​Khu vực Sài Gòn gồm 5 địa hạt: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định.

2)​Khu vực Mỹ Tho gồm 4 địa hạt: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn.

3)​Khu vực Vĩnh Long gồm 4 địa hạt: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc.

4)​Khu vực Bassac gồm 6 địa hạt: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng.

     Vào ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố cấp I tại Sài Gòn, đứng đầu là một quan đô trưởng (maire). Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập thành phố cấp II tại Chợ Lớn.

     Đến năm 1882, thực dân Pháp lấy 2 tổng của Sóc Trăng và 3 tổng của Rạch Giá để thành lập địa hạt Bạc Liêu. Năm 1883, theo hiệp ước Quý Mùi, ký ngày 25 tháng 8 năm 1883, triều đình Huế lại nhường toàn bộ tỉnh Bình Thuận cho Nam Kỳ thuộc địa để trừ vào tiền bồi thường chiến phí mà triều đình còn thiếu. Tuy nhiên, đến năm 1884, theo hiệp ước Giáp Thân, ký ngày 6 tháng 6 năm 1884, Bình Thuận được trả về cho triều đình Huế.

     Năm 1887, Nam Kỳ trở thành lãnh thổ của Liên Bang Đông Dương. Năm 1895, Cap Saint Jacques(5) được tách ra khỏi Bà Rịa để trở nên một thị xã tự trị. Đến năm 1899, Thống Đốc Nam Kỳ ra sắc lệnh đổi tất cả các địa hạt ra làm tỉnh (province). Nghĩa là năm 1899, toàn vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh được chia ra làm 20 tỉnh bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Năm 1913, tỉnh Gò Công được sáp nhập vào Mỹ Tho, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập vào Vĩnh Long, và tỉnh Hà Tiên được sáp nhập vào Châu Đốc. Ngoài ra, còn có 3 thành phố gồm Sài Gòn, Chợ Lớn(6), và thành phố tự trị Vũng Tàu-Côn Đảo dưới quyền trực tiếp của Thống Đốc Nam Kỳ. Đến năm 1905 thì bãi bỏ thành phố Vũng Tàu-Côn Đảo, biến thành phố nầy thành một đại lý hành chánh trực thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1929, Vũng Tàu và đảo Côn Sơn lại được nâng lên thành một tỉnh. Năm 1933, triều đình Huế đồng ý cho Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xứ Nam Kỳ thuộc địa. Tháng 3 năm 1945, Thống sứ Nhật là Nishimura đổi nam Kỳ ra thành Nam Bộ.

     Năm 1946, toàn vùng Nam Phần Việt Nam có 21 tỉnh và thành phố Sài Gòn trong số 72 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là các tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa, Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn, Gia Định, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu, và Sóc Trăng. Năm 1954, chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, đất nước Việt Nam bị chia đôi. Miền Nam trở thành một phần lãnh thổ của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa(7).

     Năm 1956, sau khi ổn định miền Nam, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa chia vùng nầy ra làm 22 tỉnh và đô thành Sài Gòn, gồm các tỉnh Bình Tuy, Phước Tuy(8 ), Long Khánh(9), Bình Long(10), Phước Long(11), Bình Dương(12), thủ đô Sài Gòn, Gia Định, Long An(13), Định Tường(14), Kiến Hòa(15), Kiến Phong(16), Kiến Tường(17), Vĩnh Long(18), Vĩnh Bình(19), Phong Dinh(20), An Giang(21), Kiên Giang(22), Ba Xuyên(23), An Xuyên(24), và Côn Sơn. Năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập tỉnh Phước Thành, gồm một phần đất của Biên Hòa, Bình Dương và Tây Ninh, nhưng tỉnh nầy bị bãi bỏ vào năm 1965. Năm 1961, tỉnh Chương Thiện được thành lập, lấy ra từ các tỉnh Ba Xuyên, Phong Dinh và Kiên Giang. Năm 1963, chánh quyền cắt những phần đất từ các tỉnh Ba Xuyên, Cà Mau và Kiên Giang để thành lập tỉnh Bạc Liêu. Cũng trong năm 1963, do nhu cầu an ninh lãnh thổ, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa lấy một phần của các tỉnh Long An, Gia Định và Tây Ninh để thành lập tỉnh Hậu Nghĩa. Năm 1964, chánh quyền cắt những phần đất từ các tỉnh An Giang và Kiên Giang để thành lập tỉnh Châu Đốc. Năm 1965, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ tỉnh Côn Sơn. Năm 1966, chánh quyền cắt một phần đất của Vĩnh Long cho sáp nhập vào thị xã Sa Đéc để thành lập tỉnh Sa Đéc. Như vậy tính đến trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nam phần có 27 tỉnh và đô thành Sài Gòn.

     Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chánh quyền mới thay đổi hoàn toàn hệ thống các tỉnh thành tại miền Nam, đặt hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận trực thuộc Nam Phần. Họ giữ lại tên của một số tỉnh thời Pháp Thuộc và Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lại đặt thêm một số tên tỉnh mới bằng cách sáp nhập vài tỉnh lại với nhau. Rồi sau đó ít lâu, họ lại trả tên cũ về cho nhiều tỉnh tại miền Nam. Năm 1976, chánh quyền mới chia miền Nam Việt Nam ra làm thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) và 12 tỉnh trong số 36 tỉnh thành trên toàn quốc. Đó là thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cửu Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, và Minh Hải. Đến năm 1979, chánh quyền mới cho thành lập Đặc Khu Vũng Tàu-Côn Đảo, tương đương với cấp tỉnh. Năm 1991, tỉnh Cửu Long lại bị tách làm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ, và đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo trở thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1997, tỉnh Sông Bé được tách ra làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước; tỉnh Hậu Giang được tách trở lại làm 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng; tỉnh Minh Hải được tách trở lại làm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Đến năm 2004, thành phố Cần Thơ được tách ra khỏi tỉnh Hậu Giang.

     Như vậy tính đến sau năm 1975, về vị trí thì miền Nam giáp với các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng của vùng Tây Nguyên, và Bình Thuận của Trung Phần. Theo Bản Đồ Hành Chánh năm 2007, nếu không kể hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận thì Nam Bộ gồm 17 tỉnh và hai thành phố. Tuy nhiên, theo tài liệu của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam và một số tài liệu khác lại xếp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào Miền Đông Nam Phần. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, chánh quyền mới đã bỏ hẳn tên của một số tỉnh dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và Nam Kỳ hiện nay bao gồm 17 tỉnh và thành phố.

(A)​Hai Thành Phố:

1)​Thành phố Sài Gòn (HCM), gồm 12 quận nội thành(25), và 7 quận ngoại thành(26).

2)​Thành phố Cần Thơ, gồm 4 quận(27), và 4 huyện(28).

(B)​17 tỉnh:

1)​Tỉnh Đồng Nai, gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, và 9 huyện(29).

2)​Tỉnh Bình Phước, gồm thị xã Đồng Xoài và 7 huyện(30).

3)​Tỉnh Tây Ninh, gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện(31).

4)​Tỉnh Bình Dương, gồm thị xã Thủ Dầu Một và 6 huyện(32).

5)​Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gồm 2 thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu, và 6 huyện(33).​

6)​Tỉnh Long An, gồm thị xã Tân An, và 13 huyện(34).

7)​Tỉnh Tiền Giang, gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị trấn Chợ Gạo, và 6 huyện(35).

8)​Tỉnh Bến Tre gồm thị xã Bến Tre và 7 huyện(36).​

9)​Tỉnh Trà Vinh gồm thị xã Trà Vinh và 7 huyện(37).

10)​Tỉnh Vĩnh Long gồm thành phố Vĩnh Long và 6 huyện(38).

11)​Tỉnh Đồng Tháp gồm 2 thị xã Cao Lãnh và Sa Đéc, và 8 huyện(39).

12)​Tỉnh An Giang gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, và 9 huyện(40).

13)​Tỉnh Hậu Giang gồm 2 thị xã Vị Thanh và Ngã Bảy (Phụng Hiệp), và 5 huyện(41).

14)​Tỉnh Kiên Giang gồm thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, và 10 huyện(42).

15)​Tỉnh Sóc Trăng gồm thị xã Sóc Trăng và 8 huyện(43).

16)​Tỉnh Bạc Liêu gồm thị xã Bạc Liêu và 6 huyện(44).

17)​Tỉnh Cà Mau gồm thành phố Cà Mau và 7 huyện(45).

II. Những Tỉnh Trong Vùng Nam Kỳ Không Còn Tên Trên Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam (Tính Từ Miền Đông Qua Miền Tây):

 

1) Tỉnh Phước Long

     Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, vì nhu cầu an ninh lãnh thổ nên năm 1956, Tổng Thống Ngô Đình Diệm lấy đất của huyện Bà Rá cũ để lập thành tỉnh Phước Long. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời các Chúa Nguyễn thì vùng này thuộc tỉnh Gia Định, nhưng đến đời Gia Long thứ 7 thì nâng lên thành phủ và cho trực thuộc vào Biên Hòa. Đến năm Minh Mạng thứ 18, nhà vua đem hai huyện Phước An và Long Thành sáp nhập vào Phước Tuy, nhưng lại đặt thêm 2 huyện Nghĩa An và Phước Bình cho phủ Phước Long. Về vị trí, tỉnh Phước Long Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp tỉnh Long Khánh và Bình Dương, Tây giáp Bình Long và Đông giáp 2 tỉnh Quảng Đức và Lâm Đồng. Sau khi xâm chiếm Nam Kỳ, Pháp chia Biên Hòa ra làm ba tỉnh gồm Biên Hòa, Bà Rịa và Thủ Dầu Một. Huyện Bà Rá cũ nguyên là đất của 4 huyện: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An. Thời đó phía Bắc Phước Long giáp Cao Miên, Nam giáp Bình Dương và Biên Hòa, Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, và Tây giáp tỉnh Bình Long.

 

2) Tỉnh Bình Long

     Vào năm 1956 chánh quyền VNCH cũng cho tách 3 quận Chơn Thành của Thủ Dầu Một, cũng như An Lộc và vùng Lộc Ninh Hớn Quản của tỉnh Tây Ninh để thành lập tỉnh Bình Long, tỉnh lỵ được đặt tại An Lộc. Lúc đó về vị trí của tỉnh Bình Long, phía bắc giáp Cao Miên, phía đông giáp Phước Long, tây bắc giáp Cao Miên, tây nam giáp tỉnh Tây Ninh, và phía Nam giáp tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một).

Hai tỉnh Bình Long và Phước Long thuộc miền núi, đất đai tương đối khá cao so với các vùng khác của đồng bằng miền Nam. Đây là vùng tiếp giáp giữa cao nguyên Nam Trung Phần và đồng bằng Nam Phần. Đây là hai tỉnh có nhiều rừng núi nhất miền Nam, trong tỉnh Phước Long có ngọn núi Bà Rá cao 733 mét, trong khi quanh vùng Lộc Ninh là dãy núi thấp với những cánh rừng cao su bạt ngàn, tuy thế đất cao nhưng khá bằng phẳng, nên thời VNCH, chính phủ đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, cà phê, hồ tiêu và đào lộn hột (hột điều). Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản cho sáp nhập hai tỉnh Bình Long và Phước Long để thành lập tỉnh Bình Phước, mà tỉnh lỵ đặt tại Đồng Xoài. Tuy nhiên thị trấn Thác Mơ là trung tâm của tỉnh lỵ Phước Long cũ, vẫn còn là một trong những trung tâm thương mại và kinh tế quan trọng trong vùng. Tổng diện tích của tỉnh mới Bình Phước là 6.856 cây số vuông, gồm các quận Đồng Phú, Phước Long, Lộc Ninh, Bù Đăng, Chơn Thành và Bù Đốp, và tổng dân số vào khoảng 719.400 người.

 

3) Tỉnh Biên Hòa

     Năm 1698, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào làm Kinh Lược, lấy xứ Lộc Dã, tức Đồng Nai lập thành huyện Phúc Long (Phước Long), đặt dinh Trấn Biên, chiêu mộ lưu dân của các vùng Quảng Bình trở vào Nam vào lập thôn ấp. Năm Gia Long thứ 7, nhà vua cho đổi Phúc Long làm phủ, gồm 4 tổng: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An. Năm Minh Mạng thứ 13, nhà vua đổi phủ Phước Long làm tỉnh Biên Hòa và đặt tuần phủ dưới quyền tổng đốc An-Biên. Năm Minh Mạng thứ 14, Biên Hòa rơi vào tay của Lê văn Khôi, đến năm Minh Mạng thứ 18, nhà Nguyễn tái chiếm Biên Hòa, cho đặt thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Nghĩa An và Long Khánh. Năm Minh Mạng thứ 19, nhà vua cho đặt thêm huyện Phước Bình. Năm Minh Mạng thứ 21, nhà vua đặt thêm 4 phủ Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi và Tân Thuận. Ngay thời các chúa Nguyễn, thành Biên Hòa đã được xây trong địa hạt thôn Phước Chính, về sau dời về thôn Phước Lư. Năm Gia Long 15, nhà vua đã cho dời thành Biên Hòa về địa điểm hiện nay. Năm Minh Mạng thứ 15, nhà vua cho đắp thêm đất trên bờ thành, đến năm Minh Mạng thứ 18 thì nhà vua cho xây thành bằng đá ong. Ngay thời Minh Mạng, nhà vua đã cho mở trường học ngay tại Biên Hòa cũng như ở các phủ Phước Long và Phước Tuy.

Đến khi người Pháp xâm chiếm Nam Kỳ thì họ cắt đất của tỉnh Biên Hòa để thành lập thêm hai tỉnh nữa là Thủ Dầu Một và Bà Rịa, theo La Cochinchine được chính quyền thuộc địa biên soạn năm 1890, về vị trí thời đó Biên Hòa Bắc giáp với Cao Miên, Nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, Tây giáp Thủ Dầu Một, và Đông giáp Bình Tuy. Lúc đó dân số Biên Hòa là 132.000 , đa số là người Việt, kế đến là người Hoa và người Khmer. Tỉnh lỵ Biên Hòa nằm trên tả ngạn sông Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 30 cây số.

     Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập vùng Long Khánh và Định Quán với thành phố Biên Hòa để thành lập tỉnh Đồng Nai với diện tích 5.895 cây số vuông. Về vị trí, phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp Bà Rịa Vũng Tàu, phía tây giáp tỉnh Bình Dương và Bình Long, Phước Long, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận. Hiện tại tỉnh Đồng Nai bao gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các quận Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ và Trảng Bom. Dân số toàn tỉnh khoảng 2.095.500 người, đa số là người Việt chiếm khoảng 85 phần trăm, khoảng 5 phần trăm là người Hoa, số còn lại là các dân tộc thiểu số khác như người Stiêng, người Mạ, người Khmer, người Chàm... Về tôn giáo, đa số theo đạo Phật, còn lại một số ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi, Cao ĐàiHòa Hảo.

 

Chú Thích:

(1) Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần đã chuẩn thuận cho những người Minh Hương không phục nhà Mãn Thanh là các tướng Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình, Dương Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào khai phá các vùng Nông Nại và Prei Nokor của xứ Thủy Chân Lạp. Tướng Trần Thượng Xuyên lên khai phá đất Nông Nại lập nên vùng Đông Phố, trong khi tướng Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến ngược cửa Tiểu lên khai phá vùng Mỹ Tho Đại Phố sau nầy.

(2) Prei Nokor là vùng đất mà bây giờ là thành phố Chợ Lớn.

(3) Mang Khảm là tiền thân của Hà Tiên về sau nầy. Mạc Cửu đã được vua Chân Lạp phong chức Ốc Nha và cho phép đến vùng Mang Khảm khai phá 7 xã của Hà Tiên sau nầy. Tuy nhiên, về sau nầy Mạc Cửu thấy vua Chân Lạp không thể bảo vệ vùng đất nầy trước mối đe dọa thường xuyên của quân Xiêm La nên ông đã xin nội thuộc xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn nhận đất Hà Tiên và phong cho Mạc Cửu làm chức Tổng Binh Hà Tiên.

(4) Hạt tương đương với tiểu khu về sau nầy.

(5) Vũng Tàu.

(6) Thành phố Chợ Lớn nằm trong tỉnh Chợ Lớn thời đó.

(7) Sau năm 1954, lãnh thổ VNCH từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau.

(8 ) Bà Rịa và Vũng Tàu.

(9) Xuân Lộc.

(10) Bà Rá.

(11) Lộc Ninh-Hớn Quản.

(12) Thủ Dầu Một.

(13) Gồm các vùng Chợ Lớn và Tân An.

(14) Gồm Mỹ Tho và Gò Công.

(15) Bến Tre.

(16) Cao Lãnh và Phong Thạnh.

(17) Mộc Hóa.

(18) Vĩnh Long và Sa Đéc.

(19) Trà Vinh.

(20) Cần Thơ.

(21) Long Xuyên và Châu Đốc.

(22) Rạch Giá và Hà Tiên.

(23) Sóc Trăng và Bạc Liêu.

(24) Cà Mau.

(25) Từ quận 1 đến quận 12.

(26) Gồm các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân.

(27) Gồm các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng.

(28) Gồm các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền.

(29) Gồm các huyện Tân Phú, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch, và Xuân Lộc.

(30) Gồm các huyện Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Chơn Thành, Đồng Phù, Bù Đăng, Bù Đớp.

(31) Gồm các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Hòa Thành, và Bến Cầu.

(32) Gồm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên, Dĩ An, và Thuận An.

(33) Gồm các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền, Tân Thành, và Côn Đảo.

(34) Gồm các huyện Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ.

(35) Gồm các huyện Châu Thành, Cái bè, Cai Lậy, Gò Đông Đông, Gò Công Tây, và Tân Phước.

(36) Gồm các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Chôm, và Thạnh Phú.

(37) Gồm các huyện Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải.

(38) Gồm các huyện Long Hồ, Bình Minh, Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình và Trà Ôn.

(39) Gồm các huyện Châu Thành, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười, Thanh Bình, Lấp Vò và Lai Vung.

(40) Gồm các huyện Châu Thành, Tân Châu, Phú Tân, An Phú, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới và Thoại Sơn.

(41) Gồm các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, và Long Mỹ.

(42) Gồm các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp, Kiên Lương, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, và Kiên Hải gồm các đảo nam Du và hòn Tre.

(43) Gồm các huyện Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu và Ngã Năm.

(44) Gồm các huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải và Hòa Bình.

(45) Gồm các huyện U Minh, Trần văn Thời, Thới Bình, Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, và Phú Tân.

 

Hình 1:Sơ đồ hành chánh 3 tỉnh Bình Long, Phước Long và Biên Hoà năm1960.

Hình 2-3: Một vài hình ảnh về Biên Hoà trước năm 1975, hình internet.

Hình 4: Trụ cây số Bình Long cách Sài Gòn 110 cây số.

 Hình 5-6: Phố chợ An Lộc năm 1960, ảnh internet.

Hình 7: Một trường tiểu học ở An Lộc năm 1960, ảnh internet

 Hình 8: Ty Cảnh Sát Phước Long năm 1967, ảnh internet.

Hình 9-10: Toà Hành Chánh Phước Long năm 1965, ảnh internet.

 

Phần - II

_______________________________________ 

4) Tỉnh Phước Tuy

     Phước Tuy là một tỉnh trong số 44 tỉnh của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, Đông giáp Bình Tuy, Bắc giáp Long Khánh và Biên Hoà, Tây giáp Gia Định, Nam và Đông Nam giáp Biển Nam Hải. Bờ biển dài 45 km chạy dài từ ranh giới Thị xã Vũng Tàu đến ranh giới Tỉnh Bình Tuy. Địa thế bằng phẳng, trung bình ở độ cao từ 50 m đến 120 m so với mặt biển. Dọc theo Quốc lộ 15 có dải núi Ông Trịnh và núi Thị Vải nối tiếp chạy dài từ tỉnh lỵ và lài ra đến xã Phú Mỹ. Phía Nam cạnh bờ biển dọc theo tỉnh lộ 44 có dải núi Long Hải và cạnh bên phải Liên tỉnh lộ 2 có Núi Đất. Trung bình đỉnh cao nhất của các dãy núi này có cao độ từ 500 đến 550 m so với mặt biển.

     Bà Rịa: Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1959, Bà Rịa được sáp nhập vào Vũng Tàu để thành lập tỉnh Phước Tuy. Bà Rịa Vũng Tàu có bờ biển chạy dài hơn 100 cây số. Theo quốc lộ 56 thì Bà Rịa cách Sài Gòn khoảng 120 cây số. Bà Rịa là một vùng vừa có đồi núi, mà vừa có đồng bằng. Về vị trí, Bắc giáp Biên Hòa, phía Nam Bà Rịa nối tiếp với Vũng Tàu và giáp với biển Đông, phía Tây của Bà Rịa giáp vịnh Gành Rái (Cần Giờ), phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận. Diện tích toàn tỉnh khoảng 2.350 cây số vuông. Tuy giáp biển Đông, nhưng Bà Rịa là vùng đất cuối cùng của cao nguyên Trung Phần nên đất đai cũng khá cao, có đường bộ đi Biên Hòa (71cây số), tuyến Bà Rịa, Biên Hòa Sài Gòn dài hơn 100 cây số, Bà Rịa Vũng Tàu dài khoảng 23 cây số. Về phía Bắc của Bà Rịa là một vành đai đất đỏ với những cánh rừng cao su và những khu rừng gỗ quí, nhưng về phía Nam là vùng đất nền mặn được phủ lên một lớp phù sa mỏng nên không thuận tiện cho việc trồng lúa nước, chỉ có những mảng nhỏ ruộng lúa mà thôi. Dọc theo bờ biển là những đồi cát hay dãy cát chạy vòng theo bờ. Bà Rịa cũng có nhiều ruộng muối, tuy nhiên, muối Bà Rịa không tốt bằng muối vùng Bạc Liêu. Bờ biển Bà Rịa dài trên 100 cây số, trong đó có trên 70 cây số là bờ cát trắng rất đẹp. Thềm biển Bà Rịa tiếp giáp với quần đảo Trường Sa nên chạy dài từ bờ ra đến tận quần đảo hãy còn vô số khu vực dầu lửa chưa được khai thác. Đại Nam Nhất Thống Chí không ghi rõ lịch sử thành lập vùng đất Bà Rịa Phước Tuy, tuy nhiên những tài liệu lịch sử Nam Triều có ghi về sự thành lập ba làng Tam Thắng ở Vũng Tàu (gồm Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam). Sau khi Nguyễn Ánh đã lấy lại giang sơn trong tay ấu chúa Tây Sơn, ông bèn ngoảnh mặt quay lưng với vùng đất đã từng cưu mang ông trong thời bôn tẩu. Chẳng những Nguyễn Ánh không ban một đặc ân nào cho vùng đất phương Nam, mà ông còn không cho xây thành đắp lũy phòng thủ ở những nơi quan yếu. Rồi những ông vua con cháu của ông lại cũng nối tiếp như vậy. Chính vì dòm thấy sự phòng thủ lỏng lẻo ấy trong Nam mà về sau này Pháp tấn công và xâm chiếm Nam Kỳ một cách dễ dàng. Ngay cả trước thời Pháp lấn chiếm Việt Nam, bọn hải khấu Mã Lai thường hay đến quấy phá ở cửa biển Cần Giờ. Trong những năm cuối đời Gia Long, ông cứ để mặc cho hải tặc Mã Lai tung hoành ở vùng biển phương Nam. Mãi đến năm 1822, vua Minh Mạng mới phái ba viên đội trưởng vào vùng biển Bà Rịa (bây giờ là Vũng Tàu) để tiễu trừ bọn cướp. Sau khi chiến thắng bọn cướp, các ông đội trưởng Phạm văn Dinh, Lê văn Lộc và Ngô văn Huyền được lệnh vua khai khẩn đất đai vùng này và lập nên ba làng mà bây giờ người ta gọi là làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Hiện tại Đình Thần Thắng Tam vẫn còn tại thị xã Vũng Tàu. Đình được xây dựng vào năm 1820, thờ chung ba vị có công trong công cuộc khai mở đất Vũng Tàu là Phạm văn Dinh, Lê văn Lộc và Ngô văn Huyền. Bên trái đình Thắng Tam là Miếu Bà, được xây vào cuối thế kỷ thứ 19. Bên phải đình Thắng Tam là Lăng Cá Ông (cá Voi), cũng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Hiện trong lăng hãy còn hai bộ xương cá Ông lớn, một bộ khổng lồ được ngư dân vớt cách nay trên 100 năm, còn bộ Thần Cá Ông, được vớt sau đó 40 năm dài 12 mét, ngang 1.5 mét. Năm 1846, vua Thiệu Trị ban sắc phong cho Thần cá Ông ở đây làm “Nam Hải Đại Tướng Quân.”

     Như trên đã nói, trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1959, Bà Rịa được sáp nhập vào Vũng Tàu để thành lập tỉnh Phước Tuy. Về vị trí, phía Bắc Phước Tuy giáp Biên Hòa và Bình Tuy, phía Nam giáp biển Đông, Tây giáp Gia Định và Gò Công, Đông giáp Bình Tuy và biển Đông. Vũng Tàu là một mỏm đất nhô ra biển, chỉ có phía Bắc là liền với vùng đất Bà Rịa (Phước Tuy), còn lại các mặt khác đều được bao bọc bởi biển. Người ta nói vào thuở xa xưa, hai làng mà hiện nay đều mang tên Long Thạnh, một là chợ Bến thuộc tỉnh Phước Tuy, và một là Long Thạnh của Cần Giờ, đã từng dính liền nhau. Tuy nhiên, những dòng nước cũng như sự thay đổi của đất bồi đất lở mà ngày nay hai làng ấy cách nhau xa lắc xa lơ. Vì thế mà chỉ có sắc thần Long Thạnh ở Chợ Bến, chứ làng Long Thạnh ở Cần Giờ thì không có sắc thần. Quân đội Pháp lần đầu tiên kéo quân từ miền Trung vào Nam, đã đổ bộ tại Vũng Tàu, một vùng đất xa xôi triều đình và rất lỏng lẻo về mặt phòng thủ. Sau khi chiếm Nam Kỳ, năm 1895 Pháp tách Vũng Tàu ra khỏi tỉnh Bà Rịa và đặt một viên quan Tham Biện người Pháp cai trị. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì ngày trước Vũng Tàu thuộc huyện Phước An, Phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Nơi đây thường có nhiều rái biển bơi lội ngược xuôi nên còn có tên là Gành Rái (Lái Ky). Về sau khi người Pháp đổ bộ lên đây, họ tưởng là vùng đất này chưa được ai khai phá và chưa có địa danh nên họ lấy tên ông Thánh Jacque mà đặt tên cho mũi Vũng Tàu, nên người ta còn gọi là Cap Saint Jacque, hay gọi theo tiếng Việt Nam là Ô Cấp. Thuở đó Vũng Tàu gồm có hai quận là Châu Thành (gồm các xả Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, và Sơn Long), quận Cần Giờ (gồm các xã Cần Thạnh, Long Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An và Tân Thạnh, và cù lao Phú Lợi cũng trực thuộc tỉnh Vũng Tàu thời đó. Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tháng 7 năm 1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lại sáp nhập Vũng Tàu trở về với tỉnh Bà Rịa. Đến năm 1964 thì Thủ Tướng Nguyễn Khánh của đệ nhị Cộng Hòa lại cho tách Vũng Tàu ra khỏi Bà Rịa để trở thành thị xã Vũng Tàu trong Đặc Khu Vũng Tàu Côn Đảo. Côn đảo cách Vũng Tàu khoảng 180 cây số. Côn đảo gồm 16 hòn đảo với tổng số diện tích là 72 cây số vuông. Trong thời Pháp thuộc, người Pháp xây dựng tại đây một ngôi nhà tù dùng để nhốt tù chính trị phạm. Khắp thị trấn Côn Đảo người ta trồng nhiều cây bàng loại lá lớn rất mát. Trên Côn Đảo hãy còn ngôi miếu cổ An Sơn, được xây từ năm 1785 để thờ bà Phi Yến, vợ của Nguyễn Ánh, đã chết lúc Nguyễn Ánh chạy trốn Tây Sơn ra đây. Lúc Nguyễn Ánh tính đưa hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đem sang Pháp làm con tin, bà Phi Yến đã can ngăn Nguyễn Ánh, chẳng những không nghe mà Nguyễn Ánh còn định giết bà vì nghi bà thông đồng với Tây Sơn. Về sau quần thần can ngăn nên bà bị Nguyễn Ánh nhốt vào hang đá. Khi quân Tây Sơn đánh ra Côn Sơn, con bà Phi Yến là hoàng tử Cải nằng nặc đòi cho mẹ theo, Nguyễn Ánh chẳng những không cho Phi Yến đi mà còn ném con mình xuống biển, quả đúng là phong cách của một ông vua Thế Tổ nhà Nguyễn, một vương triều chỉ giành giựt lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn để trao lại cho giặc Tây.

     Vũng Tàu: Hiện tại thị xã Vũng Tàu nằm về phía Tây Nam tỉnh lỵ Phước Tuy và cách Sài Gòn khoảng 125 cây số. Đường vào thị xã Vũng Tàu chỉ có một con đường duy nhất là quốc lộ 15 đi từ tỉnh Phước Tuy, qua rạch Cây Khế rồi dẫn vào trung tâm thị xã. Liên tỉnh lộ 51 từ thành phố Biên Hòa đi Phú Mỹ, Suối Tiên, qua thị xã Bà Rịa, rồi đến thành phố Vũng Tàu. Liên tỉnh lộ 56 từ thị xã Long Khánh đi Bà Rịa. Liên tỉnh lộ 55 từ thị xã Bà Rịa đi Long Điền (thuộc quận Long Đất), đến Phước Bửu rồi sau đó đi Bình Thuận. Từ Ngãi Giao có tỉnh lộ 328 đi Phước Bửu (thuộc Xuyên Mộc). Tuy nằm sát biển với mặt đất khá cao, lại không có sông lớn, thảo mộc vùng Bà Rịa vẫn xanh tươi vì vùng này có nhiều hồ khá rộng như hồ Kim Long, hồ Đá Đen, hồ Đá Bàn, hồ Châu Pha, hồ Sông Xoài, Lồ Ô, Suối Giàu, vân vân. Và Bà Rịa cũng có nhiều sông nhỏ như sông Ray, sông Bà Đáp, sông Đông... và trên 200 con suối nhỏ, đặc biệt suối nước nóng Bình Châu lúc nào cũng có độ nóng 80 độ C, là một tài nguyên nước suối thiên nhiên vô tận của Bà Rịa. Vùng Bà Rịa Vũng Tàu hầu như khôngmùa đông nên các bãi tắm của Vũng Tàu lúc nào cũng đầy người như vùng Bãi Sau (bãi Thùy Vân), Bãi Trước (bãi Tầm Dương), Bãi Dâu (bãi Phương Thảo), Bãi Dứa (bãi Hương Phong)... Bãi Sau còn có tên là Bãi Thùy Vân, nằm về phía Đông Nam thành phố Vũng Tàu, dài trên 8 cây số từ chân Núi Nhỏ đến Cửa Lấp. Đây là một trong những bãi tắm đẹp có hạng của Việt Nam. Bãi Trước còn có tên là Bãi Tầm Dương, nằm ngay trong trung tâm thị xã Vũng Tàu, không đẹp như Bãi Sau nhưng cũng có rất nhiều người đến vãng cảnh và tắm biển. Về phía cực Nam của thị xã Vũng Tàu là Bãi Nghinh Phong, còn gọi là Bãi Ô Quắn, nằm gần Bãi Dứa. Đây là một bãi tắm hẹp, nhưng sạch sẽ. Bên chân núi Nhỏ, về khoảng giữa Bãi Trước và Bãi Sau là Bãi Dứa. Sở dĩ có tên Bãi Dứa vì trước đây có rất nhiều cây dứa gai mọc xen bên bờ đá. Đây là một bãi tương đối êm sóng gió nên có rất nhiều người lớn tuổi tới đây hoặc để vãng cảnh, hoặc để tắm biển. Ven núi Lớn cách Bãi Trước khoảng 3 cây số là Bãi Dâu. Bãi này cạn và hẹp nên không có sóng gió. Cách núi Nhỏ chừng 200 mét, ngoài khơi mũi Nghinh Phong là Hòn Bà, lúc hải triều xuống thấp người ta có thể men theo bờ đá đi bộ ra tới ngoài hòn. Cách thành phố Vũng Tàu chừng 30 cây số về hướng Đông Bắc là vùng bãi biển Long Hải, trên là núi đồi xanh um, dưới là bãi cát vàng mịn. Về di tích lịch sử, Bà Rịa Vũng Tàu có Thích Ca Phật Đài nằm trên sườn Núi Lớn, được Hòa Thượng Narada người Tích Lan xây dựng vào năm 1941. Tượng Đức Phật ngồi cao trên 10 mét, đường kính khoảng 6 mét, tổng thể tượng và tháp đều màu trắng nên từ xa người ta có thể nhìn thấy được. Ngoài ra, cách trung tâm Vũng Tàu chừng 2 cây số có Niết Bàn Tịnh Xá với tượng Phật nằm, dài 12 mét và ngang trên 2.5 mét. Tương được đúc bằng xi măng cốt thép, bên ngoài là đá cẩm thạch lấy về từ Núi Ngũ Hành Sơn. Niết Bàn Tịnh Xá được khởi công xây từ năm 1969 và hoàn thành năm 1974. Vòng qua Núi Lớn, cách Bãi Dâu chừng 500 mét là chùa Quan Thế Âm Bồ Tát, chùa tuy nhỏ nhưng bức tôn tượng màu trắng của Đức Quán Thế Âm cao 16 mét thật lớn, nổi bật giữa cảnh trời mây bao la. Ngay trong thành phố Vũng Tàu là ngôi Linh Sơn Cổ Tự, ngôi chùa cổ nhất của vùng Bà Rịa Vũng Tàu. Ngoài ra, tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, trong vùng Núi Nứa có đền Ông Trần, được xây từ năm 1910. Dưới chân núi Nứa có hồ nước Mang Cá, nơi có trồng nhiều loại sen tỏa hương thơm ngát. Tại thị trấn Long Hải có thắng cảnh Dinh Cô, tương truyền cách đây trên hai thế kỷ có cô gái quê tên Lê thị Hồng, có lòng nhân ái, dân trong vùng ai cũng quý mến. Trong một chuyến ra khơi cô bị tử nạn khi vừa tròn 16 tuổi, dân trong vùng thương tiếc đem xác về chôn cất trên đồi Cô Sơn, từ đó cô luôn báo điềm lành cho dân diệt trừ dịch bệnh nên dân chúng sùng bái và lập đền thờ đặt danh hiệu là Long Hải Nữ Thần. Ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nhưng về sau này người ta cất lớn lên thành một tòa lâu đài nguy nga, trong miếu còn thờ Thánh Mẫu, Quan Thánh, và Quan Thế Âm Bồ Tát... Tại Long Điền thuộc quận Long Đất có ngôi chùa cổ Long Bàn, được xây dựng từ năm 1845, trong chùa có nhiều tượng Phật và bộ thập bát La Hán bằng đồng.

     Sau năm 1975, chính quyền mới đổi tên tỉnh Phước Tuy thành tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho tới ngày nay.

 

Hình 1: Sơ đồ tỉnh Phước Tuy năm 1959.

 Hình 2-3: Đường phố và Chợ Bà Rịa (tức tỉnh ly Phước Lễ) năm 1959, hình internet.

 Hình 4: Chợ Đất Đỏ năm 1956, hình internet.

 Hình 5: Chợ Vũng Tàu năm 1900, ảnh trong Bulletin de Cochinchine năm 1925.

 Hình 6: Chợ Vũng Tàu năm 1960, ảnh internet.

 Hình 7: Nhà thờ Vũng Tàu 1925, ảnh trong Bulletin de Cochinchine năm 1930.

 Hình 8: Đường phố Vũng Tàu 1955, ảnh internet.

 Hình 9: Bãi Sau Vũng Tàu năm 1965, ảnh internet.

 Hình 10-11-12-13: Một số hình ảnh về bãi biển Vũng Tàu trước năm 1975, ảnh internet.

 

 

Phần - III

 _______________________________________

5) Tỉnh Hậu Nghĩa

     Vì nhu cầu an ninh lãnh thổ, vào ngày 15 tháng 10 năm 1963(46), Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ban hành sắc luật thành lập tỉnh Hậu Nghĩa mà tỉnh lỵ là Khiêm Cương. Ngày 11 tháng 5 năm 1966, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ, đã ký sắc lệnh số 88-SL/CC duyệt y đề án kiến thiết và chỉnh trang tỉnh lỵ Khiêm Cương. Về vị trí của tỉnh Hậu Nghĩa, bắc giáp Tây Ninh, nam giáp Tân An và Chợ Lớn, đông giáp Bình Dương, và tây giáp Mộc Hóa. Lúc đó tỉnh Hậu Nghĩa gồm các quận Đức Huệ, Đức Hòa(47), Củ Chi(48) và Trảng Bàng(49). Mục đích thành lập tỉnh Hậu Nghĩa là vừa ngăn chặn sự xâm nhập của địch từ vùng mật khu Mỏ Vẹt và Ba Thu mà cũng vừa tăng cường vòng đai an ninh cho thủ đô Sài Gòn. Vì tính theo đường chim bay, quận Đức Hòa chỉ cách thủ đô Sài Gòn có 20 cây số mà thôi. Trong thời Pháp thuộc, các quận Trảng Bàng và Củ Chi thuộc tỉnh Tây Ninh, còn Đức Hòa thuộc tỉnh Tân An, về sau này được cho sáp nhập vào Chợ Lớn. Như vậy những quận này không phải là những vùng hoang vu mới khai khẩn, mà là những vùng đất thuộc, đã có dân cư từ lâu đời. Dù đất đai Hậu Nghĩa không phì nhiêu mầu mỡ như các vùng Lái Thiêu, Bình Dương, hay các tỉnh miền Tây, nhưng cây trái ở đây cũng rất sung túc, thường thì dư dùng cho dân trong tỉnh, còn dư lại thường được dân chúng vận chuyển qua ngã Phú Lâm vô Chợ Lớn hay ra Sài Gòn để phân phối cho các quận nội thành. Trong thời chiến tranh Nam Bắc thì Đức Hòa, Đức Huệ, Trảng Bàng, Củ Chi là những điểm nóng của chiến tranh gần thủ đô Sài Gòn nhất vì vùng này tương đối gần các mật khu Hố Bò, Bời Lời, Lào Táo và vùng địa đạo Củ Chi của Việt Cộng. Trong địa phận tỉnh Hậu Nghĩa, thì Đức Hòa là quận nhộn nhịp nhất vì nó là điểm giao tiếp giữa Chợ Lớn Sài Gòn và các vùng khác trong tỉnh. Ngã tư Đức Hòa còn là giao điểm của các con đường tỏa đi Bàu Trai(50), Hựu Thạnh, Mỹ Hạnh và Phú Lâm. Tuy Hậu Nghĩa không có sông lớn nhưng cả hai con sông Vàm Cỏ Đông(51) và Vàm Cỏ Tây(52), phát nguyên từ Cao Miên đều chảy ngang qua địa phận tỉnh Hậu Nghĩa trước khi qua Mộc Hóa và Tân An. Vàm Cỏ Đông là con sông chính của Hậu Nghĩa, còn Vàm Cỏ Tây thì đi ngang qua Đồng Tháp Mười rồi chảy vô Hậu Nghĩa trước khi chảy vào địa phận tỉnh Tân An. Sông Vàm Cỏ tuy không lớn lắm, nhưng đem nước đủ để tưới mát cho các vùng mà nó chảy qua. Ngoài ra, Hậu Nghĩa còn có nhiều kinh rạch như các rạch Bà Mảng, rạch Gần, rạch Trà Cau... và các kinh Xáng, kinh Trà Cú Thượng, kinh An Hạ, kinh Trảng Bàng...Về đường bộ thì Hậu Nghĩa có quốc lộ 1(53) nối liền Hiếu Thiện (Tây Ninh) xuống Trảng Bàng, Củ Chi và Hốc Môn. Liên tỉnh lộ 10 đi từ Sài Gòn lên Đức Hòa, Hậu Nghĩa, sau đó nó trở thành tỉnh lộ 825 đi biên giới Việt Miên. Ngoài ra, liên tỉnh lộ 10 và 19 còn nối liền Hậu Nghĩa với các tỉnh xung quanh và sang Cao Miên. Hậu Nghĩa không có non xanh nước biếc như những vùng ven biển, nhưng Hậu Nghĩa cũng có những cánh đồng bát ngát bao la và đó đây những cụm rừng tràm, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ biến Hậu Nghĩa thành những căn cứ địa cho địch quân trong thời chiến tranh.

 

6) Thành Phố Sài Gòn

     Vào thuở đất Sài Gòn hãy còn trực thuộc dinh Trấn Phiên (Gia Định) thì đó là một vùng đất hoang vu, nơi có rất ít người Việt đến cư ngụ. Đa phần dân cư tại Sài Gòn lúc bấy giờ là dân khờ me, Stieng và Chàm. Trước năm 1698, dân cư trong vùng Sài Gòn chỉ có khoảng chừng 10.000 người. Từ lúc có cư dân Việt Nam đến khi Pháp chiếm Nam kỳ thì vùng Sài Gòn có khoảng chừng 15.000 cư dân, nghĩa là cũng không tăng là bao nhiêu trong vòng 100 năm đó. Dưới chế độ thuộc địa từ năm 1859 đến năm 1954 thì Sài Gòn có khoảng 110.000 dân. Dưới thời đệ nhứt và đệ nhị Cộng Hòa (1954-1975), nghĩa là trong vòng 21 năm mà Sài Gòn đã có đến 3.500.000 dân. Từ năm 1975 đến nay (2005), nghĩa là trong vòng gần 30 năm mà dân Sài Gòn hiện tại đã có trên 5.000.000. Về vị trí của Sài Gòn thời VNCH, phía bắc Sài Gòn giáp Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, phía đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa, phía tây giáp Long An, phía nam giáp tỉnh Gia Định.

     Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất mới phía Nam, ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, và lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Lúc đó dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình và dinh Trấn Biên chỉ có huyện Phước Long.

Năm 1789, sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh đã cho xây lại thành trì kiên cố để chuẩn bị lương thực cho chiến tranh giành lại giang sơn. Năm 1836 thì vua Minh Mạng cho xây thành Sài Gòn, có lẽ gần sở Ba Son bây giờ. Vào thời đó thì ở Sài Gòn có ba nơi đáng lưu ý là Thành Sài Gòn(54), chợ Bến Thành hay chợ Mới(55), và chợ Cũ(56).

     Năm 1832, sau khi Tả Quân Lê Văn Duyệt qua đời thì vua Minh Mạng cho đổi tên thành Gia Định ra thành Phiên An. Đến năm 1833 thì Lê văn Khôi nổi lên, hai năm sau, sau khi dẹp xong Lê văn Khôi thì Minh Mạng cho triệt hạ thành Phiên An. Thành Sài Gòn được xây bằng đá ong. Thuở ấy các kinh rạch dọc theo hai bên bờ sông Sài Gòn đều được lót bằng đá nguyên miếng lớn rất đẹp, tuy nhiên, vì thiếu săn sóc tu bổ nên không được sạch sẽ.

     Năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định, đến năm 1862, Thống Đốc Bonard chia Gia Định ra làm 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Lúc bấy giờ Sài Gòn vừa là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, mà cũng vừa là huyện lỵ của huyện Tân Bình. Trong khi đó Chợ Lớn (Đê Ngạn) là huyện lỵ của huyện Tân Long cũng thuộc phủ Tân Bình.

     Đến năm 1864, Pháp tách Chợ Lớn ra khỏi Sài Gòn vì thành phố của người Hoa này đang trên đà phát triển mạnh. Sau năm 1870, Sài Gòn bắt đầu có dáng vẻ cửa một thành phố Tây phương với sự phát triển theo hai trục Bắc Nam và Đông Tây. Và cũng kể từ sau năm 1870, các thương thuyền của người Tây phương và các nước lân cận bắt đầu lui tới tấp nập tại thương cảng Sài Gòn, và những cái tên chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Sài Gòn đã trở nên rất quen thuộc với mọi người. Năm 1874, Tổng Thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Lúc bấy giờ Sài Gòn thực sự trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương với những công trình xây dựng lớn, công sở, trung tâm thương mại, công nghệ, dịch vụ và giao thông. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX, Chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn nên Sài Gòn trở thành một đô thị lớn nhất Đông Dương. Sau đệ nhị thế chiến (1945) thì Sài Gòn được xem như là hòn ngọc Viễn Đông. Sài Gòn chính là con mắt của chín con rồng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vùng đất pha trộn rất nhiều sắc thái văn hóa khác nhau, do các di dân từ khắp nơi mang đến, từ người Việt, người Hoa, đến người Khmer, người Chăm, vân vân.

     Trước năm 1975, Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại Sài Gòn là thành phố lớn nhất cả nước, có trên 200 ngôi chợ lớn nhỏ. Trong số đó có những chợ nổi tiếng như chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ An Đông... Chợ Lớn được xây từ năm 1788 do một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán, và chính khu chợ đó đã phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Nơi đây có thể được xem như một China Town của Sài Gòn với đầy đủ hàng hóa từ thổ sản đến hàng công nghiệp nặng nhẹ được bày bán trong những khu phố của người Hoa nằm san sát nhau. Chợ Bến Thành có mặt từ trước những ngày Pháp chiếm Sài Gòn, nhưng đó chỉ là một ngôi chợ nhỏ nằm bên bờ sông Bến Nghé và sát cạnh thành Gia Định xưa. Lúc đó chợ được xây bằng gạch, khung gỗ và lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần nhưng vẫn hoạt động đến năm 1911, Pháp cho phá chợ cũ để xây ngôi chợ mới rộng rãi và khang trang hơn, có tháp đặt đồng hồ ngay cổng chánh. Chợ An Đông nằm trong vùng Chợ Lớn, đây là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất của vùng Sài Gòn Chợ Lớn. Hiện tại chợ An Đông gồm năm tầng lầu, trong chợ có đầy đủ các mặt hàng bán lẻ cho dân địa phương và bán sỉ cho các chợ tỉnh ở miền Đông và miền Tây. Sài Gòn chẳng những là biểu trưng chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế cho miền Nam mà còn cho cả nước, vì hiện tại tổng sản lượng của Sài Gòn chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng toàn quốc.

     Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản đổi tên Sài Gòn ra Hồ Chí Minh. Dù mang tên gì đi nữa, thì cái tên Sài Gòn với chiều dài lịch sử trên 300 năm vẫn là cái tên thân thương đối với người Việt Nam, bạo lực có thể cướp mất cái tên Sài Gòn trong chốc lát, nhưng không bạo lực nào có thể vĩnh viễn xóa được cái tên Sài Gòn trong lòng dân tộc Việt Nam, nhứt là trong lòng những người con dân Nam Kỳ. Hiện tại tỉnh Gia Định và thành phố Chợ Lớn được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh nên tổng diện tích thành phố nầy lên tới 2.095 cây số vuông, gồm 19 quận nội thành gồm các quận từ 1 đến 12 và các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, và Thủ Đức, và 5 quận ngoại thành gồm các quận Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Với chiều dài lịch sử trên 300 năm, khu vực Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã nghiễm nhiên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của miền Nam.

 

7) Tỉnh Chợ Lớn

     Không biết những người Hoa đầu tiên đã đến vùng Sài Gòn-Gia Định vào năm nào, và cũng không biết danh xưng “Chợ Lớn” đã có từ hồi nào, nhưng theo các gia đình người Hoa ở đây lâu đời kể lại thì tổ tiên của họ đã đến vùng đất nầy ngay từ thế kỷ thứ XVII, theo chân các đoàn của các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch. Đến thế kỷ thứ XVIII thì người Hoa tại đây đã thiết lập một hệ thống thương mãi rất khắng khít với các thương nhân người Hoa ở Đài Loan, Hồng Kông và ngay cả tại lục địa Trung Hoa. Hồi nầy người Hoa còn dùng thuyền buồm để chuyên chở hàng hóa đến và đi các xứ khác. Thường thì những thuyền buồm của người Hoa đi vào thương cảng Cù Lao Phố (Biên Hòa). Vào khoảng những năm từ 1773 đến 1778, khi quân đội Tây Sơn kéo vào Nam triệt hạ tàn quân Nguyễn Ánh tại vùng Cù Lao Phố, khi ấy có một số người Hoa vì mang ơn các chúa Nguyễn nên chẳng những không chịu ủng hộ Tây Sơn mà còn ngấm ngầm tiếp tế và hỗ trợ cho tàn quân Nguyễn Ánh. Vì vậy mà năm 1778 quân đội Tây Sơn đã càn quét một trận lớn tại Cù Lao Phố, giết hại rất nhiều người Hoa và đuổi họ ra khỏi vùng Biên Hòa. Sau trận đó, người Hoa theo sông Bến Nghé chạy về vùng Tân Bình. Sau khi xem xét kỹ càng địa thế vùng nầy, họ quyết xây dựng một thành phố khác nằm giữa Cù Lao Phố và Đại Phố Mỹ Tho. Tuy nhiên, đến năm 1782, sau khi vừa ổn định và xây dựng một khu phố mới tại vùng Đê Ngạn (Chợ Lớn) thì quân Nguyễn Nhạc lại kéo vào phá hủy toàn bộ khu phố mới nầy. Theo Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí, số binh sĩ Nguyễn Ánh cùng với xác người Hoa bị vứt xuống đầy một khúc sông từ Vàm Bến Nghé đến tận Kinh Chợ Lớn. Nhưng sau khi quân đội Tây Sơn rút về Qui Nhơn thì người Hoa lại co cụm và tái thiết phố xá ngay trên nền phố cũ. Sau khi lấn chiếm toàn bộ miền Nam vào năm 1867, chánh quyền thuộc địa quyết định đặt một sở Tham Biện tại vùng Chợ Lớn vì vị trí quan trọng của nó. Đến năm 1877, Thống đốc Nam Kỳ tách tổng Cựu An Thượng ra khỏi sở Tham biện Chợ Lớn để sáp nhập vào huyện Tân An(57). Năm 1899, vì phong trào Thiên Địa HộiTrung Quốc bành trướng và lan nhanh ra nước ngoài, đặc biệt tại những nơi có nhiều Hoa Kiều như vùng Chợ Lớn, vì nhu cầu trị ankiểm soát người Hoa một cách chặt chẽ hơn, Toàn Quyền Pháp cho cắt một phần đất của Tân An thành lập tỉnh Chợ Lớn, gồm các quận Đức Hòa, Gò Đen, Cần Giuộc, và Cần Đước. Thời đó người Pháp lấy Gò Đen làm quận Châu Thành của tỉnh Chợ Lớn. Tỉnh Chợ Lớn có diện tích là 121.411 mẫu Tây, và tổng số dân là 210.183 người(58) gồm đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, và một số rất ít người Âu và người Khmer. Tỉnh Chợ Lớn nằm về phía Đông Nam của Nam Kỳ Lục Tỉnh. Về vị trí, phía bắc giáp Tây Ninh, nam giáp biển Đông, nơi hợp lưu của sông Vàm Cỏ và sông Soài Rạp trước khi chảy ra biển, đông giáp tỉnh Gia Định và tây giáp tỉnh Long An. Về phía nam của tỉnh Chợ Lớn có nhiều sông ngòi và kinh rạch, sông Cần Giuộc đổ ra biển gần cửa sông Vàm Cỏ, kinh Nước Mặn nối liền sông Vàm Cỏ Đông với sông Cần Giuộc, là nơi ghe tàu qua lại tấp nập.

     Vào năm 1925, Chợ Lớn là tỉnh có ngân sách tỉnh là 355.240 đồng bạc Đông Dương, một ngân sách tương đối lớn thời đó. Vào thời đó Chợ Lớn đã có tổng cộng 57 trường học và một trường học của người Hoa. Tại tỉnh lỵ có một bệnh viện do một bác sĩ người Pháp và 8 y tá người Việt điều hành, riêng tại mỗi quận đều có trạm xá và nhà hộ sinh có nữ hộ sinh phát thuốc và đỡ đẻ miễn phí. Về kinh tế, thời đó Chợ Lớn có hơn 60% diện tích trồng lúa và khoảng 15% diện tích trồng mía, số còn lại là vườn tược và thổ cư. Ngay khoảng những năm đầu thế kỷ 20 Chợ Lớn đã có nhà máy làm đường, tuy vậy mãi đến năm 1921 thì nhà máy đường Hiệp Hòa mới được thành lập, là nhà máy đường lớn nhất toàn quốc. Con đường sắt Sài Gòn đi Mỹ Tho chạy ngang qua Chợ Lớn và mỗi ngày có 4 chuyến xe lửa đi về nên Chợ Lớn còn là giao điểm vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Tây đến Sài Gòn Gia Định. Các thương gia vùng Chợ Lớn thường đi về miền Tây mua thóc lúa, súc vật, gia cầm, cũng như rau quả đem về vựa để cung cấp cho Sài Gòn Gia Định. Tuy nhiên, đến khoảng năm 1905 hay 1906 thì bãi bỏ tỉnh Chợ Lớn, phần lớn đất đai của tỉnh này lại được sáp nhập vào hai tỉnh Tân An và Gia Định.

 

8 ) Tỉnh Gia Định

     Vùng Gia Định xưa thuộc vương quốc Phù Nam, sau khi Phù Nam suy vong thì vùng này bị nước Thủy Chân Lạp chiếm ngụ. Đến năm 1698, Chúa Nguyễn sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân vào làm Kinh Lược, đặt phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình và toàn vùng nằm trong Dinh Phiên Trấn. Năm 1776, nhà Tây Sơn cất quân vào đánh chiếm Gia Định, nhưng lúc ấy Hoàng Đế Quang Trung phải đánh Nam dẹp Bắc, Nam thì có quân Xiêm do Nguyễn Ánh cõng về, Bắc thì có quân Thanh do Lê Chiêu Thống cầu lụy rước về, nên Ngài dồn toàn bộ lực lượng chống ngoại xâm. Nhân cơ hội ấy, Nguyễn Ánh kéo quân về tái chiếm Gia Định vào năm 1779, đến năm 1790 Nguyễn Ánh cho xây thành Bát Quái ở trên gò cao thuộc địa phận thôn Tân Khai, tổng Bình Dương, và thu thuế má của dân chúng để mua vũ khí và đóng tàu chờ ngày giành giựt lại giang sơn. Năm 1802 thì vua Gia Long cho đổi làm trấn Gia Định, năm 1808 thì đổi làm Gia Định Thành và đặt tổng trấn trông coi cả vùng Nam Kỳ.

     Năm 1833, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ ra làm 6 tỉnh nên có tên Nam Kỳ Lục Tỉnh từ đó. Gia Định là đất thuộc lâu đời của miền Nam, là nơi chứng kiến biết bao cuộc thư hùng giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại thành Gia Định trong thôn Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương. Dân số Gia Định vào thời Gia Long có chừng khoảng 28.200 người, đến cuối đời Minh Mạng lên đến 32.800 người, thống kê trước năm 1975 Gia Định có khoảng 900.000 dân. Bây giờ thì không biết dân số hiện tại là bao nhiêu.

     Dưới thời Minh Mạng, các vùng bây giờ là Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương, và một phần của Tân An đều thuộc về đất Gia Định. Ngày đó tất cả các chợ Bến Thành(59), chợ Bến Sỏi(60), chợ Tân Cảnh(61), chợ Điều Khiển(62), chợ Nguyễn Thức(63), chợ Thị Nghè, chợ Sài Gòn(64), vân vân, đều nằm trong phạm vi tỉnh Gia Định. Đất Gia Định xưa là nơi sản sanh chẳng những thi nhân mặc khách, mà còn sanh ra những võ tướng đã từng theo phò tá Gia Long như Võ Tánh, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Tống Viết Phước, Trương Phúc Luật...Lúc Pháp mới chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, họ cắt bớt đất của tỉnh Gia Định để thành lập tỉnh Chợ Lớn và Long An, nên lúc ấy Gia Định chỉ còn lại bốn quận: Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn và Nhà Bè, với 17 tổng và 166 xã. Ngay từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20, Gia Định đã có trên 500 cây số đường tráng nhựa, 1.200 cây số đường đất hầm. Tuyến xe lửa từ Sài Gòn đi Nha Trang phải chạy ngang qua Gia Định nên lúc ấy Gia Định là giao điểm giữa các tỉnh miền Trung và Sài Gòn. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 4(65) chạy ngang qua Tân Bình, Bình Chánh trước khi đi về miền Tây.

     Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vị trí tỉnh Gia Định trải dài theo bờ sông Sài Gòn trên chiều dài hơn 100 cây số từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến tận cửa biển Cần Giờ(66), phía bắc giáp Bình Dương và Biên Hòa(67), nam giáp Gò Công và Biển Đông, tây giáp Chợ Lớn, Hậu Nghĩa, Long An, và Tây Ninh(68), và phía đông giáp Biên Hòa và Bà Rịa(69). Diện tích của tỉnh Gia Định là 180.000 mẫu Tây(70). Đất đai tỉnh Gia Định chia làm hai vùng rõ rệt: vùng thấp phù sa mầu mỡ dọc theo bờ sông Sài Gòn chạy ra đến biển, vùng này sản xuất lúa gạo cũng như thủy sản và hải sản, tuy nhiên hãy còn rất nhiều đầm lầy hoang vu gần biển chưa được khai khẩn; vùng cao là vùng đất pha cát nằm về phía bắc chạy dài đến Biên Hòa và Tây Ninh, vùng này chuyên sản xuất rau quả, thuốc lá, cau, dừa, tiêu, bắp, các loại đậu và mía làm đường để cung cấp cho nhu cầu của vùng Sài Gòn. Về phía Đông Bắc của Gia Định thời Pháp thuộc, hãy còn nhiều mảng rừng nhỏ trồng cao su. Gia Định là một trong những tỉnh kỳ cựu nhất của Nam Kỳ. Trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh thì Gia Định là thủ phủ của thành Phiên An. Thời Minh Mạng, Gia Định được đặt thành tỉnh(71).

     Sau năm 1975, chánh quyền mới bãi bỏ tỉnh Gia Định và thủ đô Sài Gòn. Họ sáp nhập lãnh thổ thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn và tỉnh Gia Định vào thành phố Hồ Chí Minh. Âu cũng là luật vô thường tự nhiên của trời đất. 300 năm trước có ai ngờ rằng một ngày nào đó chẳng những thành Gia Định không còn trên trên bản đồ, mà ngay cả những gì còn hơi hướng của Gia Định đều bị xóa sổ.

 

Chú Thích:

(46) Trước ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ chỉ có nửa tháng.

(47) Tách ra từ tỉnh Long An.

(48) Tách ra từ tỉnh Bình Dương.

(49) Tách ra từ tỉnh Tây Ninh.

(50) Tỉnh lỵ Khiêm Cương của tỉnh Hậu Nghĩa thời VNCH.

(51) Tên tiếng Pháp là Oriental, nhánh phía Đông của sông Vàm Cỏ.

(52) Tên tiếng Pháp là Occidental, nhánh phía Tây của sông Vàm Cỏ.

(53) Trước 1975, nay là quốc lộ 22.

(54) Thành Sài Gòn đã bị Pháp phá hủy ngay sau khi chúng chiếm xong Gia Định.

(55) Chợ Bến Thành tọa lạc gần bến nước và thành Sài Gòn.

(56) Chợ Cũ đã bị thực dân Pháp phá bỏ vào năm 1913.

(57) Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise, 1877, No 1, p. 13.

(58) Theo tài liệu của La Cochinchine vào năm 1899.

(59) Thuộc Sài Gòn bây giờ.

(60) Thuộc địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay.

(61) Tức Chợ Quán ngày nay.

(62) Thuộc địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay.

(63) Thuộc địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay.

(64) Tức Chợ Lớn ngày nay.

(65) Nay là quốc lộ 1A.

(66) Vịnh Gành Rái.

(67) Vùng mà bây giờ là Thủ Dầu Một.

(68) Phần giáp với Long An và Tây Ninh, nằm trong địa phận tỉnh Hậu Nghĩa thời VNCH.

(69) Tỉnh Phước Tuy thời VNCH.

(70) Theo La Cochinchine năm 1921.

(71) Bắc giáp Biên Hòa, Nam giáp Định Tường, Đông giáp Phước Tuy và Vũng Tàu.

 

Hình 1: Sơ đồ hành chánh tỉnh Hậu Nghĩa năm 1967.

Hình 2-7: Ảnh của những khu phố và vùng ngoại ô tỉnh Hậu Nghĩa năm 1966 (ảnh internet).

Hình 8: Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1970.

Hình 9: Bản đồ Đô Thành Sài Gòn 1965.

Hình 10: Bản đồ hạt Tham Biện Chợ Lớn năm 1900, Bulletin de Cochinchine 1900.

Hình 11-12: Sơ đồ tỉnh Gia Định năm 1960, Công Báo VNCH năm 1960.

Hình 13: Toà Hành Chánh tỉnh Gia Định năm 1950

Hình 14: Bệnh Viện Chợ Rẩy năm 1965.

Hình 15: Chợ Bến Thành, Sài Gòn năm 1965.

Hình 16: Toà Hành Chánh thành phố Chợ Lớn năm 1950.


Phần –
IV

 ____________________________

9) Tỉnh Kiến Tường

     Về phía Tây Bắc Tân An là tỉnh Kiến Tường, tỉnh lỵ Mộc Hóa. Vùng Mộc Hóa nằm trọn trong vùng Đồng Tháp Mười bao la bát ngát. Sở dĩ gọi là Đồng Tháp Mười vì giữa cánh đồng bao la có một ngôi tháp cổ mười tầng(72). Xưa kia Mộc Hóa là một quận lỵ nhỏ của tỉnh Tân An, nằm ở thượng lưu sông Vàm Cỏ Tây, giữa Đồng Tháp Mười. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ quanh vùng Mộc Hóa toàn là dừa nước. Mộc Hóa là một vùng bao la với những rừng tràm, năng, lát, được thiên nhiên ưu đãi với vô số cá tôm, rùa, rắn, cua đinh... đây cũng là những đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười. Tân An là một tỉnh nông nghiệp, đất đai màu mỡ và phong phú trải dài theo hai con sông lớn là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Từ Mộc Hóa qua Cao Lãnh và ra Tân An hãy còn rất nhiều cụm rừng tràm, xa xa mới có một vài căn chòi xuất hiện. Cây cối quanh nhà còi cọc chứ không xanh tươi um tùm như những vùng khác ở miền Nam. Dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh     Kiến Tường. Mộc Hóa nằm giữa Đồng Tháp Mười, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

     Sau năm 1975, Mộc Hóa bị chính quyền Cộng Sản sáp nhập vào tỉnh Long An. Giữa cánh đồng năng lát bạt ngàn, chen lẫn những khu rừng tràm ủng nước, Mộc Hóa thuở ban sơ chỉ là một xóm nhà dùng làm nơi dừng chân cho giới lang bạt giang hồ từ Việt Nam tìm đường lên Cao Miên lập nghiệp, hay giới buôn lậu những món hàng được chuyên chở từ Miên về. Vào mùa khô thì cả vùng này là vùng đồng khô cỏ cháy, nhưng đến mùa nước nổi thì vùng này biến thành một biển nước không cạn không sâu, nhưng rất thuận tiện cho bọn buôn lậu vận tải hàng hóa từ Miên về Việt Nam hay từ Việt Nam lên Miên. Trước thời Pháp thuộc thì đa số dân vùng Đồng Tháp và Mộc Hóa là người Miên, nhưng về sau này người Kinh và người Hoa từ các vùng khác đổ xô đến đây khai hoang lập nghiệp. Khoảng năm 1973 hay 1974, dù chánh quyền VNCH đã cố gắng bảo vệ và phát triển tỉnh Mộc Hóa, nhưng ngay tại tỉnh lỵ cũng chỉ có một vài khu phố lèo tèo, có căn lợp ngói, có căn lợp tôle fibro ciment, có căn hãy còn lợp lá. Về buôn bán thì chỉ có một vài tiệm tạp hóa của người Hoa. Hồi này dân chúng còn chăn nuôi thả rong heo, trâu, bò, gà, vịt... rồi bán cho bạn hàng từ Tân An lên. Mãi đến gần năm 1975 thì phương tiện duy nhất vẫn là tàu đò, còn con lộ từ Cai Lậy vô Ấp Bắc đi Mộc Hóa thì bị tàn phá gần hết, không còn lưu thông được nữa. Gần đây chính quyền cho xây con đường 62 từ Tân An đi Thủ Thừa, qua Thạnh Hóa, rồi từ đó ăn qua con lộ 49 cũ tại Tân Thạnh để đi thẳng lên Mộc Hóa, rồi lên Vĩnh Hưng(73).

 

10) Tỉnh Kiến Phong

     Về phía bắc đông bắc của Sa Đéc là tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh). Năm 1956, Tổng Thống VNCH thành lập tỉnh Kiến Phong vì nhu cầu an ninh lãnh thổ. Về vị trí, bắc giáp Cao Miên, nam giáp Sa Đéc, đông giáp Kiến Tường (Mộc Hóa) và Mỹ Tho, tây giáp Long Xuyên và Châu Đốc. Thị xã Cao Lãnh(74) nằm bên bờ sông Cao Lãnh. Ngay từ thời Pháp thuộc, Cao Lãnh là một đô thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của khu Đồng Tháp Mười. Kiến Phong là một tỉnh nông nghiệp, tuy đất đai có vùng hãy còn ủng phèn, nhưng đa phần là đất màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Những vùng dọc theo bờ sông Tiền Giang bốn mùa cây cối xanh tươi. Cũng như các tỉnh dọc theo biên giới Việt Miên như Châu Đốc và Kiến Tường, Kiến Phong nằm trong vùng lũ lụt hằng năm, nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiến Phong một loại lúa nước nổi, là một loại lúa mọc tự nhiên từ tháng 4 hay tháng 5 và đến tháng 10 thì thu hoạch mà không cần phải chăm bón hay phân phướn gì cả. Tuy nhiên, về sau này khi Kiến Phong được mở mang và phát triển thì chính phủ thời VNCH đã cho nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều loại lúa Thần Nông ngắn ngày, và kết quả rất khả quan. Hiện nay thì Kiến Phong là một trong những vựa lúa lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, trừ những vùng nào quá mất an ninh thì thôi, còn những vùng ven thị xã Cao Lãnh và ven bờ sông Tiền Giang thì chính phủ thời VNCH còn khuyến khích nhân dân trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như mía, bông, thuốc lá, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành để làm tàu hủ và tương hột. Kiến Phong còn là quê hương của những loài cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, quít Lai Vung, mận, nhãn Châu Thành, ổi và bưởi Phong Hòa, còn chôm chôm, vú sữa, và mãng cầu thì có hầu như quanh năm... Kiến Phong là một dãy đất gò tương đối cao nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay muốn đi đến ngôi tháp cổ trong Đồng Tháp Mười, người ta có thể đi từ ngã Sa Đéc qua Cao Lãnh, hay từ ngã Cái Bè vào, hoặc từ Châu Đốc qua Tân Châu đến chợ Hồng Ngự, qua Tam Nông, đến Mỹ An, gò “tháp cổ”(75) cách chợ Mỹ An chừng 8 hay 9 cây số. Gò Tháp Mười là một khoảng đất cao với diện tích khoảng 100.000 thước vuông, chiều dài nhất khoảng nửa cây số. Vào mùa nước nổi thì xung quanh đều chìm vào biển nước, duy chỉ có gò tháp mười là không bị ngập. Hiện tại trên Gò Tháp có Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư và Miếu Bà Chúa Xứ. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì ngôi Tháp Cổ Tự cách Tháp Mười chừng 100 mét đã có từ thời vua Thiệu Trị, và được xây ngay trên nền Tháp Cổ của người Phù Nam. Tuy nhiên, cho tới nay chưa ai biết rõ lai lịch của ngôi tháp cổ này, nhưng có nhiều giả thuyết, thứ nhất là ngôi tháp cổ mười tầng là do Thiên Hộ Dương xây để cho nghĩa quân làm trạm canh cho chiến khu Đồng Tháp, giả thuyết này không đứng vững, vì theo dân trong vùng ngôi tháp đã có từ lâu đời lắm rồi, chứ không phải sau thời Pháp chiếm miền Nam. Giả thuyết thứ nhì cho rằng đây là một trong những ngôi cổ mộ của các vì vua chúa của vương quốc Phù Nam, và giả thuyết thứ ba cho rằng đây là một trong những phế tích của một thành phố cổ thuộc vương quốc Phù Nam xưa kia. Hai giả thuyết sau này có phần có lý hơn giả thuyết thứ nhất, vì đất Nam Kỳ xưa kia thuộc vương quốc Phù Nam, và những gạch ngói cổ và một vài khối đá có hoa văn chạm trổ có tính nghệ thuật cao mà thỉnh thoảng dân trong vùng tìm thấy trong những cánh rừng tràm, có khi người ta cũng tìm thấy vàng bạc trên những gò đất cao... cho chúng ta thấy có lẽ vùng Tháp Mười xia kia cũng phồn thịnh, nhưng vì thế đất thấp nên chịu nhiều trận lũ từ miệt đồng bằng sông Cửu Long tràn qua, nên mới lâm vào cảnh “thương hải tang điền” này. Còn một giả thuyết nữa mà nhà khảo cổ học người Pháp tên Parmentier đã tìm thấy một bia đá có ghi chép lại rằng ngôi tháp cổ được xây vào thời vua Jayavarman (1181-1281). Nhà vua bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm với nhân dân nghèo trong xứ, ông đã cho xây nhiều tháp tương tự như vậy để làm những trạm tế bần. Ngôi tháp ở Đồng Tháp là ngôi tháp thứ mười nên được gọi là “Tháp Mười.” Dù đã có bia đá ghi lại như thế nhưng đâu có chứng cứ nào xác thực nào chứng nhận ngôi tháp thứ mười ấy là ngôi phế tháp hiện tại, nên theo tôi giả thuyết thứ hai và thứ ba vẫn còn đứng vững. Vào thời Pháp mới xâm chiếm Việt Nam thì Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng Pháp của các anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Nhờ những đạo quân “Trời”(76) làm bức chắn, nên nghĩa quân dù thế yếu vẫn được Tháp Mười che chởnuôi dưỡng để tấn công quấy phá địch. Năm 1957, chính quyền VNCH cho xây lại tháp(77), nhưng tháp ấy cũng bị chiến tranh tàn phá gần hết. Không biết sau chiến tranh người ta có trùng tu lại ngôi tháp hay không? Hiện tại tại gò Tháp Mười có đền thờ Đốc Binh Kiều và Miếu Bà Chúa Xứ, hằng năm dân chúng trong vùng vẫn tổ chức lễ vía bà vào ngày 16 tháng 3 âm lịch và lễ giỗ ngài Đốc Binh vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Về giao thông đường thủy, người ta có thể đi Cao Lãnh bằng cách đi theo tỉnh lộ từ Giáo Đức (Mỹ Thuận) đi lên, hay từ Sa Đéc qua bắc Cao Lãnh.

     Kiến Phong có một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, bên cạnh đó còn có những ao, hồ và đầm rộng mênh mông. Sông chính chảy qua Kiến Phong là sông Tiền Giang, một nhánh của sông Cửu Long, chảy qua địa phận tỉnh Kiến Phong trên một thủy lộ dài 132 cây số. Dọc theo hai bên bờ sông là hệ thống kinh rạch xẻ dọc xẻ ngang, tạo cho việc đi lại trong tỉnh bằng đường thủy rất thuận tiện. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên đường sá chưa được tái thiết hay mở mang thì sự đi lại chính trong tỉnh Kiến Phong là những chiếc đò nhỏ mà dân trong vùng gọi là “Tắc Rán”. Riêng vào mùa nước nổi thì không có phương tiện nào có thể đi lại trong tỉnh được ngoài những chiếc “Tắc Rán” này. Chính vì vậy mà có lẽ không nơi nào có nhiều những “bến đò” bằng tỉnh Kiến Phong, xa xa một đỗi trên dòng sông Tiền là có một bến đò, đò đi An Long, đò đi Hồng Ngự, đò đi Đồng Tiến... Về giao thông đường bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 cây số đường bộ. Con đường chính là liên tỉnh lộ 30 nối liền quốc lộ 4 tại quận Giáo Đức (tỉnh Mỹ Tho) với thị xã Cao Lãnh, quận Thanh Bình và quận Hồng Ngự, rồi đi thẳng lên Cao Miên. Thời VNCH, chính phủ muốn xây dựng thêm đường sá đi vào vùng Tháp Mười và Đồng Tiến, nhưng vì tình trạng chiến tranh nên chưa thực hiện được, bây giờ sau gần 30 hết chiến tranh chính quyền Cộng Sản tu sửa được hai con hương lộ 844 nối liền vùng Tam Nông với tỉnh lộ 30 ở khoảng giữa Thanh Bình đi Hồng Ngự, và hương lộ 846 nối liền Mỹ An với tỉnh lộ 30 trên khoảng giữa thị xã Cao Lãnh đi Thanh Bình. Về phương diện kinh tế, tỉnh Kiến Phong nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Vùng này, ngày xưa nổi tiếng hoang vu với những bưng biền, đầm, bàu và bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng, và lau sậy, nên Đồng Tháp còn là khu an toàn của vô số cá tôm nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá rô, và những loại cá trắng khác. Ngoài ra, đây cũng là khu an toàn và nơi sản sanh của vô số rắn, rùa, chuột, ếch, cua đinh, càng đước, cá sấu, và muôn loài chim muông khác... Nếu khu Đồng Tháp được dẫn thủy nhập điền và khai thác đúng mức thì chắc chắn ngoài lúa mùa ra, người ta sẽ canh tác được lúa ba trăngcác loại lúa “thần nông” khác, và mỗi công ruộng có thể thu hoạch hai hay ba chục giạ lúa. Khác với những vùng phụ cận như Vĩnh Long hay Sa Đéc, trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, dân vùng Cao Lãnh không có người theo đạo Thiên Chúa, mà đa phần theo đạo Phật. Sau khi Pháp chiếm Việt Nam, họ xây dựng nhà thờ và khuyến khích người dân theo đạo Gia Tô, hiện nay trong toàn tỉnh Kiến Phong có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Bà Hai... Người dân ở đây cũng mang tính hài hòa và phóng khoáng như những vùng khác của đồng bằng sông Cửu Long.

     Về dân số, trước năm 1975 tỉnh Kiến Phong có khoảng 700.000 dân. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập Kiến Phong vào Sa Đéc để thành lập tỉnh Đồng Tháp với diện tích là 3.238 cây số vuông, với tổng dân số trên 1.607.800 người, gồm các quận Tân Hồng(78), Hồng Ngự, Tam Nông(79), Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành(80), và thị xã Sa Đéc. Về vị trí của tỉnh mới Đồng Tháp, bắc giáp Cao Miên, đông giáp Mộc Hóa(81), tây giáp Châu Đốc và Long Xuyên, nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ. Tại quận Thanh Bình, cách Cao Lãnh chừng 24 cây số về phía Tây Bắc hãy còn đền thờ Đốc Binh Vàng(82). Ngoài ra, tại thị xã Cao Lãnh còn có Văn Thánh Miếu, được quan Tri Phủ Hồ trọng Đính đứng ra xây dựng vào năm 1857 để thờ Đức Khổng Phu Tử cùng tứ Thánh(83). Năm 1878, Văn Thánh Miếu được dời đến địa điểm hiện tại trong phạm vi phường 1 thị xã Cao Lãnh. Sau năm 1975, chính quyền mới lấy Văn Thánh Miếu để làm thư viện của tỉnh Đồng Tháp. Đồng Tháp đất đai bao la thì làm gì thiếu nơi thiếu chốn cho họ xây dựng một thư viện, nhưng họ cố tình làm như vậy để xóa mờ đi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Tại quận Hồng Ngự hiện còn ngôi đình Long Khánh, được xây trên cù lao Long Khánh, đây là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền hậu hiền. Ngoài ra, trong vùng An Long Đồng Tiến(84) còn có khu tràm chim nằm trong khu rừng tràm các xã Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, và Phú Thành. Khu tràm chim An Long Hồng Ngự này rất đặc biệt vì trong vùng Đồng Tháp thật đa dạng này, thường mênh mông những nước vào mùa mưa, nhưng trở thành đồng khô cỏ cháy vào mùa nắng. tuy nhiên, khu này thì rừng tràm ủng nước quanh năm là khu an toàn của các loài chim, cò, sếu, trích, hạc, gà đãy, sếu cổ trụi, ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, diệc, vịt trời, các loại cò... Tại đây có những loài sếu cao đến hơn 2 mét với bộ lông xám mượt và đôi cánh dang ra thật rộng Đây còn là nơi sinh sản của các loài trăn, rắn, rùa, lương, ếch, và nhiều loại cá đồng khác. Đây cũng là một trong những vùng ủng nước còn lại duy nhất của vùng Đồng Tháp, mà bất cứ chính phủ có trách nhiệm nào cũng phải ra sức bảo vệ. Về phía Nam của tràm chim là Vườn Cò Tháp Mười(85), đây là khu an toàn của hàng vạn loại cò từ các nơi bay về mỗi buổi chiều.

 

Chú Thích:

(72) Ngôi tháp này nằm giữa khoảng Long An và Cái Bè.

(73) Nằm sát biên giới Việt Miên.

(74) Thị xã Cao Lãnh nằm bên bờ sông Cao Lãnh (một nhánh nhỏ của sông Tiền Giang), cách quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1, khoảng 40 cây số, và cách Sài Gòn khoảng 160 cây số.

(75) Cách chợ Cao Lãnh chừng 43 cây số.

(76) Theo lời kể của các bô lão trong vùng thì nghĩa quân thời đó gọi nắng, vắt, đỉa, rừng rậm và đầm lầy là đạo quân “Trời”.

(77) Có lẽ dùng để làm một đài quan sát toàn vùng.

(78) Giáp với biên giới Việt Miên.

(79) Vùng Đồng Tiến.

(80) Một phần của thị xã Sa Đéc cũ và vùng Nha Mân và Cái Tàu Hạ.

(81) Nay thuộc Long An.

(82) Một viên tướng thời Minh Mạng.

(83) Trong Nho giáo, đức Đức Khổng Phu Tử được xem là một vị Thánh “Vạn Thế Sư Biểu”, ngoài ra còn có bốn vị Thánh khác là Tăng Tử, Nhan Hồi, Tử Tu và Mạnh Tử. Tất cả những người nầy đều là đệ tử của đức Khổng Tử.

(84) Nay là Tam Nông.

(85) Cách thị xã Cao Lãnh chừng 35 cây số.

 

Hình 1: Sơ đồ tỉnh Kiến Tường năm 1967.

Hình 2-5: Một số ảnh của tỉnh Kiến Tường năm 1973, ảnh Tom Twitty trên internet.

Hình 6: Thị Xã Mộc Hoá sau năm 1975.

Hình 7: Sơ đồ tỉnh Kiến Phong năm 1967.

Hình 8: Ảnh một góc chợ Cao Lãnh 1967, ảnh của Lê Hương.

 

 

Phần – V

 ___________________________________

11) Tỉnh Định Tường

     Vào thời chúa Hiền, năm 1679 có quan tổng binh Long Môn(86) của nhà Minh là Dương ngạn Địch, sau khi triều đình lọt vào tay nhà Thanh, đã cùng phó tổng binh Huỳnh Tấn và tổng binh Châu Cao, và quan tổng binh Châu Lôi và Châu Liêm là Trần thượng Xuyên và Trần an Bình cùng nhau cất quân diệt Thanh nhưng thất bại. Sau đó họ kéo vô đàng trong của nước Việt gặp chúa Hiền. Tuy không thích gì họ nhưng chúa Hiền cũng nghĩ ra cách dùng họ như những người tiên phong đi khai thác đất phương Nam. Đoàn quân của Dương ngạn Địch cùng nhau kéo về miền Nam, Trần thượng Xuyên thì đi vào cửa Cần Giờ, ngược dòng Đồng Nai lên Biên Hòa và Gia Định. Dương ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo cửa sông Cửu Long kéo vào vùng mà bây giờ mà mình gọi là Mỹ Tho. Hồi này người Chân Lạp vẫn còn làm chủ phần đất Nam Kỳ Lục Tỉnh mặc dù quân của chúa Nguyễn cũng đã có mặt tại đất Gia Định.

     Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An) kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè(87) được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên giới Cao Miên bây giờ. Thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, Định Tường là một tỉnh lớn, chạy dài từ biên giới Miên Việt xuống Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc...bốn mặt đều là đồng bằng và sông rạch. Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Vĩnh Long, Tây giáp Vĩnh Long và An Giang, Đông chạy ra tận biển Đông. Định Tường nằm ở lưu vực sông Tiền và các nhánh nhỏ khác của sông Cửu Long. Trước thuộc hai huyện Kiến Hưng và Kiến Đăng, chạy dài từ Tân Hiệp (Bến Tranh) qua Thuộc Nhiêu tới vùng Cai Lậy, Cái Bè và Giáo Đức. Thành Định Tường cũ nằm trong địa phận hai thôn Điều Hòa và Bình Biên, thuộc huyện Kiến Hưng. Sau khi xâm chiếm Việt Nam, Pháp chia Định Tường ra làm 3 tỉnh gồm Mỹ Tho, Gò Công và Sa Đéc.

     Dưới thời Gia Long, nhà vua chia Nam kỳ ra làm 4 dinh và một trấn: dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Trấn Phiên (Gia Định), dinh Trấn Định (Mỹ Tho), dinh Trấn Vĩnh (Vĩnh Long) và trấn Hà Tiên. Đời Minh Mạng, sau khi Lê văn Duyệt qua đời, nhà vua bãi bỏ chức tổng trấn Gia Định thành và đổi dinh làm tỉnh. Nhà vua chia Nam kỳ ra làm 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Thời Tự Đức, vua sai Nguyễn tri Phương vào làm Kinh Lược Sứ và Phan thanh Giản làm Phó Kinh Lược Sứ.

     Năm 1859, quân Pháp từ Đà Nẳng kéo vào đánh chiếm ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Thời đó, về vị trí, phía bắc Định Tường bao gồm Mộc Hóa và giáp với biên giới Cao Miên(88), nam giáp sông Tiền Giang(89) và biển Đông, phía đông giáp Gò Công và biển Đông, tây nam giáp Sa Đéc. Ngày đó Định Tường bao gồm các tỉnh Kiến Tường (Mộc Hóa), Kiến Phong (Cao Lãnh) và Gò Công. Hiện tại thì Định Tường về phía tây bắc giáp Mộc Hóa, đông bắc giáp Tân An, đông giáp Gò Công, đông nam giáp Kiến Hòa, tây giáp Cao Lãnh và nam giáp Vĩnh Long. Dưới thời Pháp thuộc, Định Tường có 4 quận là Châu Thành Mỹ Tho, Kiến Hòa, Kiến Phong và Kiến Đăng (vùng Cai Lậy). Tổng diện tích thời đó là 223.660 mẫu Tây. Tổng dân số của Định Tường theo thống kê năm 1870 của La Cochinchine là 325.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, rất ít người Khmer trong vùng Định Tường.

     Trước năm 1945, tỉnh Định Tường gồm 8 quận: Bến Tranh, Chợ Gạo, Giáo Đức, Gò Công, Hòa Đồng, Khiêm Ích (Cai Lậy), Long Định (Châu Thành), và Sùng Hiếu (Cái Bè). Sau 1945 thì 2 quận Hòa Đồng và Gò Công tách ra làm tỉnh Gò Công. Từ năm 1954 đến 1975, chánh quyền VNCH vẫn giữ tỉnh Định Tường như cũ, tuy nhiên, dân trong vùng vẫn quen gọi bằng tỉnh Mỹ Tho. Vùng Mỹ Tho là một trong những vùng phong phú nhứt của Nam Kỳ Lục Tỉnh nhờ được bao bọc bởi nhiều sông rạch. Định Tường không có rừng núi nên không có lâm sản và khoáng sản. Định Tường nằm trọn giữa hai con sông Tiền Giang và Ba Lai, được phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tươi quanh năm. Định Tường có nhiều cù lao: An Hóa(90), cù lao Rồng(91), Thới Sơn (Sầm Giang), và cù lao Năm Thôn (Cai Lậy). Ngoài những cù lao trên, Định Tường còn có cồn Qui (Giáo Đức). Sông Tiền Giang chảy vào Định Tường ở khúc cù lao Rồng rộng tới 3 cây số. Lưu lượng sông Cửu Long rất lớn và nước sông chảy mạnh, nhất là vào mùa nước lớn, tuy nhiên, Định Tường ít khi bị ngập lụt vì có nhiều sông rạch và gần biển nên nước rút rất nhanh. Định Tường có 8 con rạch lớn: rạch Cái Thia ở Giáo Đức với ba nhánh là Cái Cối, Cái Thia và Mỹ Thiện, rạch Trà Lốt ở Phong Hòa Cái Bè, rạch Cái Bè có 2 nhánh là nhánh Tây chảy qua Phong Hòa (Cái bè) và nhánh Đông chảy qua Lợi Thuận (Cái Bè), hai nhánh này gặp nhau tại chợ Cái Bè. Rạch Ba Rài chảy qua Cai Lậy và Sùng Hiếu (Cái Bè). Rạch Trà Tân trong tổng Lợi Hòa (Cai Lậy). Rạch Gầm chảy qua Long Định. Rạch Bảo Định chảy qua Bến Tranh, rạch này chảy thông với hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

     Sau năm 1975, chánh quyền sáp nhập 2 tỉnh Định Tường và Gò Công lại với nhau để thành lập tỉnh Tiền Giang. Hiện tại, tỉnh Tiền Giang gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và 7 huyện: Cái bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, và Tân Phước, với tổng diện tích là 2.366 cây số vuông, và tổng dân số là 1.068.300 người. Về vị trí, phía bắc giáp tỉnh Long An, phía nam giáp 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long, phía đông giáp biển Đông, và phía tây giáp tỉnh Đồng Tháp.

 

12) Tỉnh Gò Công

     Đi về phía đông bắc của Mỹ Tho và phía bắc của tỉnh Bến Tre là tỉnh Gò Công, tuy nằm cách Sài Gòn không bao xa, chỉ hơn 50 cây số đường chim bay, nhưng Gò Công là một vùng trũng nước “đồng chua nước mặn”. Gò Công cũng có biển Tân Thành, nhưng nước biển không trong xanh như ở Vũng Tàu hay Nha Trang mà là một màu đỏ xám đục ngầu. Bãi biển Gò Công không có cát vàng cát trắng như các bãi biển miền trung, mà chỉ là một bãi cát bùn màu nâu đen. Thời Pháp thuộc Gò Công có 5 tổng là Hòa Đồng Hạ, Hòa Đồng Trung, Hòa Đồng Thượng, Hòa Lạc Thượng và Hòa Lạc Hạ. Lúc đó dân số toàn tỉnh Gò Công là 101.117 người(92), đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, nhưng rất ít người Khmer. Đa số người Việt thì làm ruộng rẫy, còn người Hoa thì làm bánh, mua bán tạp hóa, mua bán tơ lụa, vựa lúa gạo, rau quả, vân vân.

     Dưới thời VNCH, Gò Công có 4 quận: Hòa Lạc, Tân Hòa, Hòa Đồng và Hòa Bình. Phía bắc giáp Long An, nam giáp Bến Tre, tây giáp Định Tường và đông giáp biển Đông. Gò Công có 8 con sông lớn, biến Gò Công thành một dãy đất phù sa màu mỡ. Sông Xoài Rạp, nằm về phía Đông Bắc giữa Gò Công và Biên Hòa, đây là cửa sông Đồng Nai. Sông Vàm Cỏ nằm về phía bắc tỉnh Gò Công và Long An. Sông Cửa Tiểu, một trong 9 cửa của sông Cửu Long, sông này có rất nhiều phụ lưu, bên hữu ngạn thuộc Phú Thạnh Đông có rạch Cạn, rạch Bà Lắm, sông Mã, rạch Nò, rạch Bần Bọng, rạch Quẹo, rạch Ô Kim, rạch Bà Tài và rạch Tán Dù, bên phía Tân Thới có rạch Kinh Nhiếm, rạch Lý Quàn Trên, rạch Lồ Ồ, rạch Vọp, rạch Dứa, bên tả ngạn có rạch Gà, rạch Sáu Thoàn, rạch Vàm Rồng. Sông Cửa Đại có những phụ lưu bên Phú Thạnh Đông như rạch Bà Từ, rạch Thôn Sâm, rạch Gảnh, rạch Lý Quàn Dưới, rạch Cả Thu, rạch Mương, rạch Bãi Bùn, rạch Kinh Nhiếm. Sông Cửa Trung nằm giữa cù lao Lợi Quan và các cù lao Ba Nở và cù lao Cậu. Sông Vàm Rồng bắt nguồn từ sông Cửa Tiểu chảy qua Vĩnh Hựu, bên tả ngạn có rạch Đông, bên hữu ngạn có rạch Cầu Ngang chảy qua hai xã Bình Phục Nhì và Thành Nhựt. Rạch Gò Công, con rạch lớn nhứt của Gò Công chảy qua tỉnh lỵ, kinh Vĩnh Lợi rồi đổ ra sông Cửa Tiểu, bên hữu ngạn có những rạch Qui Sơn nối liền với rạch Tổng Châu, rạch Già, rạch Bằng, bên tả ngạn có rạch Cần Gié, rạch Gò Dừa. Sông Ta, hữu ngạn chảy vào phía Long An, tả ngạn chảy vào Đồng Sơn với những phụ lưu như sông Hươu, rạch Kiến, rạch Ô-Kính, rạch Đào, rạch Lá và kinh Chợ Gạo. Gò Công có biển dài khoảng 23 cây số, có một bãi cát khá tốt ở khúc Tân Thành. Vì phía Đông giáp biển, còn ba phía khác là sông và một hệ thống chằng chịt sông ngòi kinh rạch nên khí hậu Gò Công, dù là khí hậu nhiệt đới, nhưng chỉ nóng từ tháng giêng đến tháng ba tại những vùng đất giồng, còn lại các nơi khác đều mát mẻ dễ chịu. Ngoài hải và thủy sản ra, Gò Công còn trồng lúa, bắp, khoai, mướp, dưa, cải, cà, vân vân. Gò Công không có rừng rậm nhiều nên không có thú rừng mà chỉ có gia súcgia cầm như trâu, bò, heo, gà, vịt... Nguồn lợi lớn nhất của Gò Công từ xưa đến nay vẫn luôn là lúa gạo, kế đến là thủy sản và hải sản.

Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập tỉnh Gò Công vào Định Tường để thành lập tỉnh Tiền Giang, bắc giáp Long An, tây giáp Đồng Tháp, đông giáp biển Đông, nam giáp Bến Tre. Tiền Giang hiện tại có tổng diện tích khoảng 2.367 cây số vuông, gồm thị xã Gò Công và các quận Cái bè, Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, và Tân Phước. Dân số của hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nhập lại khoảng 1.649.300 người.

 

Chú Thích:

(86) Thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa.

(87) Do Dương ngạn Địch thành lập năm 1680.

(88) Về sau Mộc Hóa trở thành một quận của Tân An.

(89) Đối diện với tỉnh Vĩnh Long.

(90) Bây giờ thuộc Bến Tre.

(91) Ngang Châu Thành Mỹ Tho tại bến đò Tân Thạch.

(92) Theo thống kê của La Cochinchine vào năm 1924.

 

Hình 1-2: Sơ đồ hành chánh Tỉnh Định Tường trước năm 1975.

 Hình 3: Trung Tâm Y Tế Định Tường năm 1960, hình internet.

 Hình 4-5: Đường phố Định Tường năm 1960, hình internet.

 Hình 6: Dinh Tỉnh Trưởng tỉnh Định Tường năm 1925, ảnh internet.

 Hình 7: Nhà ga xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 Hình 8: Chợ Xoài Hột, Định Tường, ảnh Nguyễn Trần Vương Thơ.

 Hình 9: Sơ đồ hành chánh tỉnh Gò Công trước năm 1975.

 Hình 10: Phòng Thông Tin Gò Công năm 1958, ảnh internet.

 Hình 11: Dinh Tỉnh Trưởng tỉnh Gò Công năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 Hình 12: Chợ Gò Công năm 1967, ảnh internet.

 

 

 

Phần – VI

__________________________ 

13)Tỉnh Sa Đéc

Về phía tây bắc của Vĩnh Long là Sa Đéc. Sa Đéc cách Sài Gòn 132 cây số về phía tây nam. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì một phần của Sa Đéc thuộc Vĩnh Long, một phần thuộc tỉnh Định Tường. Ngay khi xăm chiếm Nam Kỳ vào năm 1867, năm 1868 người Pháp đã nâng Sa Đéc lên hàng hạt Tham Biện, và đến ngày 1 tháng 1 năm 1900, thì nâng lên làm tỉnh Sa Đéc, đặc tỉnh lỵ tại xã Tân Vĩnh Hòa, nằm bên hữu ngạn sông Cửu Long, đối diện với rạch Cao Lãnh. Về vị trí, phía bắc giáp Hồng Ngự và Cao Lãnh (Kiến Phong), nam giáp Cần Thơ, tây giáp An Giang, đông giáp Mỹ Tho, và đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long. Tổng diện tích Sa Đéc là 1.320 cây số vuông, tuy nhiên, phần đất nằm về phía Đồng Tháp Mười hãy còn hoang vu vì ủng phèn lâu năm. Tổng dân số Sa Đéc theo thống kê của La Cochinchine vào năm 1924 là 205.515 người, gồm đa số là người Việt, kế đó là người Hoa. Sa Đéc hầu như không có người Miên. Khí hậu tỉnh Sa Đéc cũng thuộc miền bán nhiệt đới, nóng và ẩm như các tỉnh khác trong vùng. Ngành trồng lúa nước vẫn là chính yếu của tỉnh Sa Đéc.

Nhắc lại là sau khi chiếm Nam Kỳ, người Pháp đã cho đào kinh Đồng Tiến, đi An Long và Hồng Ngự, xẻ dọc Tháp Mười theo hướng Nam Bắc, và một con kinh khác từ tỉnh lỵ Tân An vô Mộc Hóa. Họ cũng cho đào rất nhiều kinh chạy theo hướng Đông Tây, nhằm dễ dàng chuyên chở lúa gạo ra sông lớn, nhưng vô hình trung những con kinh này lại cũng giúp xả phèn và dẫn thủy nhập điền, nên khoảng đầu thế kỷ XX, đất đai vùng Sa Đéc trở nên tốt hơn và thu hoạch mỗi vụ mùa cũng cao hơn. Sa Đéc nổi tiếng với những vườn cau, vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh mát, chạy dọc theo bờ sông Cửu Long từ Cái Tàu Thượng, xuống vùng Tân Vĩnh Hòa, Nha Mân, Cái Tàu Hạ... Từ khi được nâng lên thành tỉnh, Sa Đéc phát triển về mọi mặt, lúa sản xuất mỗi năm mỗi tăng, cây trái rau quả dư dùng cho toàn tỉnh, còn xuất cảng sang Cần Thơ hay đưa lên Sài Gòn. Cũng như Vĩnh Long, Sa Đéc được bao bọc hai phía Đông Bắc và Tây Nam bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, nên ngành thủy sản của Sa Đéc phát triển rất mạnh, cá khô, tôm khô dư dùng trong tỉnh, đặc biệt là ngành bắt tôm nước ngọt phát triển rất mạnh ở Sa Đéc. Như trên đã nói, tỉnh Sa Đéc được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1900, tỉnh lỵ được đặt tại châu thành Sa Đéc. Năm 1885, tỉnh Sa Đéc, diện tích 776 cây số vuông, dân số trên 315 ngàn người. Tỉnh Sa Đéc nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Về vị trí địa lý, phía đông giáp tỉnh Kiến Phong và tỉnh Định Tường, phía tây và bắc giáp tỉnh An Giang, phía nam giáp tỉnh Phong Dinh và tỉnh Vĩnh Long. Đến cuối năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho giải thể tỉnh Sa Đéc để sáp nhập nhiều phần lãnh thổ của tỉnh nầy vào tỉnh Vĩnh Long, tuy nhiên mười năm sau đó tỉnh Sa Đéc lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập vào năm 1966 tỉnh Sa Đéc, tỉnh lỵ là Sa Đéc về mặt hành chính thuộc xã Tân Vĩnh Hòa, quận Đức Thịnh.

Về mặt lịch sử, trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt". Khoảng cuối thập niên 1750, chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền Tây Nam Phần, để bảo vệ cho Dinh Long Hồ trong đó có Đông Khẩu Đạo (Sa Đéc). Trong một thời gian dài, Sa Đéc từng là một trong những khu chợ sung túc nhất ở phía Nam. Đến năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng chia lại miền Nam thành Nam Kỳ lục tỉnh. Khi đó Sa Đéc lại thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.

Dưới thời Pháp thuộc, sau khi chiếm hết được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Địa bàn tỉnh An Giang trước đây được chia thành 3 hạt: hạt Châu Đốc (phủ Tuy Biên cũ), hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành cũ) và hạt Ba Xuyên. Lúc bấy giờ, hạt Thanh tra Tân Thành được thành lập trên địa bàn phủ Tân Thành, tỉnh An Giang cũ. Trụ sở hạt Thanh tra Tân Thành đặt tại Sa Đéc. Lúc đầu, hạt Thanh tra tạm gọi tên theo tên các phủ huyện cũ, sau mới đổi tên gọi theo địa điểm đóng trụ sở. Về sau, hạt Thanh tra Tân Thành cũng được đổi tên thành hạt Thanh tra Sa Đéc. Theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ Bonard ngày 1 tháng 1 năm 1868, hạt Thanh tra Sa Đéc gồm 3 huyện là An Xuyên, Vĩnh An, Phong Phú và trị sở (gọi là Tòa bố) đặt tại Sa Đéc. Ngày 20 tháng 9 năm 1870, giải thể hạt Thanh tra Cần Lố (trước đây thuộc địa bàn tỉnh Định Tường), đồng thời đưa tổng Phong Thạnh qua hạt Thanh tra Sa Đéc. Lúc này, hạt Sa Đéc cũng lấy thêm địa phận các làng Mỹ Ngãi, Mỹ Trà, Nhị Mỹ, Phong Mỹ (trước đây thuộc tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong) để lập tổng mới cũng lấy tên là tổng Phong Thạnh. Lại lấy địa phận các làng Mỹ Long, Bình Hàng Tây (nguyên thuộc tổng Phong Phú, huyện Kiến Phong) để lập tổng mới gọi là tổng Phong Nẫm. Hai tổng Phong Thạnh (mới) và Phong Nẫm đều thuộc về hạt Sa Đéc. Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành một hạt, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Hạt Cần Thơ thuộc khu vực hành chính Bassac (Hậu Giang). Ngày 5 tháng 1 năm 1876, hạt Thanh tra Sa Đéc đổi thành hạt tham biện Sa Đéc, các thôn đổi thành làng. Sa Đéc trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực hành chính (circonscription) Vĩnh Long do thực dân Pháp đặt ra. Địa hạt Sa Đéc trong giai đoạn 1876 - 1899 không còn chia cấp huyện nữa mà trực tiếp quản lý từ cấp tổng trở xuống. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Sa Đéc trở thành tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc nằm ở hai bên sông Tiền Giang, giáp các tỉnh Long Xuyên, Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho. Dân số tỉnh Sa Đéc theo số liệu thống kê năm 1901 là 182.924 người và năm 1920 là 203.588 người.

Năm 1903, tỉnh Sa Đéc có 10 tổng với 79 làng: Tổng An Hội: 6 làng, Tổng An Mỹ: 15 làng, Tổng An Phong: 8 làng, Tông An Thới : 9 làng, Tổng An Tịnh: 4 làng, Tổng An Trung: 6 làng, Tổng An Thạnh Thượng: 6 làng, Tổng An Thạnh Hạ: 6 làng, Tổng Phong Nẫm: 11 làng, Tổng Phong Thạnh: 6 làng. Năm 1900, toàn tỉnh Sa Đéc có các chợ sau: Chợ Tân Quy Đông thuộc tổng An Thạnh Hạ, Chợ Tân Phú Đông thuộc tổng An Trung, Chợ Nha Mân thuộc làng Phú Nhuận, tổng An Mỹ, Chợ Cái Tàu Hạ thuộc làng Phú Hựu, tổng An Mỹ, Chợ Cao Lãnh thuộc làng Mỹ Trà, tổng Phong Thạnh, Chợ Hòa An thuộc tổng An Tịnh, Chợ Cái Tàu Thượng thuộc làng Hội An, tổng An Thạnh Thượng, Chợ Cồn thuộc làng Tân Quy Đông, tổng An Thạnh Hạ, Chợ Vĩnh Phước thuộc tổng An Trung, Chợ Tân Hưng thuộc tổng An Hội, Chợ Lai Vung thuộc làng Tân Lộc, tổng An Thới, Chợ Mỹ Ngãi thuộc tổng Phong Thạnh, Chợ Cần Lố thuộc làng Mỹ Thọ, tổng Phong Nẫm, Chợ Đất Sét thuộc làng Mỹ An, tổng An Thạnh Thượng, Chợ Cai Châu thuộc làng Tân Mỹ, tổng An Thạnh Thượng, Chợ Chùa thuộc làng Tân An Trung, tổng An Thạnh Hạ. Tỉnh lỵ Sa Đéc ban đầu đặt tại làng Vĩnh Phước thuộc quận Châu Thành (kể từ năm 1924). Sau này, thực dân Pháp hợp nhất ba làng Tân Phú Đông, Vĩnh Phước và Hòa Khánh lại thành một làng lấy tên là Tân Vĩnh Hòa. Từ đó, tỉnh lỵ Sa Đéc thuộc địa bàn làng Tân Vĩnh Hòa. Đến ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, toàn bộ diện tích tỉnh bị sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, sau năm 1924, tỉnh Sa Đéc lại được tái lập với 3 quận trực thuộc: Châu Thành, Cao Lãnh, Lai Vung.

Dưới thời VNCH, ban đầu, chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa vẫn duy trì tên gọi tỉnh Sa Đéc như thời Pháp thuộc. Ngày 17 tháng 2 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tách quận Cao Lãnh ra khỏi tỉnh Sa Đéc để nhập vào tỉnh Phong Thạnh mới được thành lập. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Thạnh đặt tại xã Mỹ Trà, quận Cao Lãnh. Thời gian này, tỉnh Sa Đéc vẫn còn tồn tại với 3 quận trực thuộc còn lại: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò. Đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 143-NV để thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Thạnh được đổi tên thành tỉnh Kiến Phong; còn tỉnh Sa Đéc bị giải thể, sáp nhập vào địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Địa bàn tỉnh Sa Đéc vừa bị giải thể tương ứng với quận Sa Đéc và quận Lấp Vò cùng thuộc tỉnh Vĩnh Long, riêng quận Lai Vung trước đó cũng bị giải thể và sáp nhập vào quận Lấp Vò.

Ngày 11 tháng 7 năm 1962, tỉnh Vĩnh Long cho thành lập mới hai quận là Đức Tôn và Đức Thành, do lần lượt tách ra từ hai quận Sa Đéc và Lấp Vò. Ngày 24 tháng 9 năm 1966, chính quyền Việt Nam Cộng hòa quyết định tái lập tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc mới tách ra từ tỉnh Vĩnh Long, chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, với diện tích khoảng 900 km². Sa Đéc phía bắc giáp tỉnh Kiến Phong, phía đông giáp tỉnh Định Tường, phía đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây nam giáp tỉnh Phong Dinh và phía tây giáp tỉnh An Giang. Theo bản đồ hành chính Việt Nam Cộng hòa năm 1967, cho thấy địa giới tỉnh Sa Đéc bao gồm 4 quận trực thuộc: 1) Quận Lấp Vò, gồm 2 tổng Phú Thượng và Phong Thới với 8 xã. 2) Quận Châu Thành (do đổi tên từ quận Sa Đéc cũ), gồm 3 tổng An Thạnh, An Thới và An Trung với 13 xã. 3) Quận Đức Thành, gồm 3 tổng An Khương, Ti Thiện và Tiến Nghĩa với 8 xã 4) Quận Đức Tôn, gồm 2 tổng An Mỹ Đông và An Mỹ Tây với 7 xã. Đến ngày 14 tháng 2 năm 1968, quận Châu Thành lại đổi tên thành quận Đức Thịnh.

Mặc dầu phải đương đầu với chiến tranh khốc liệt từ năm 1960 đến 1975, nhưng vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền đã nâng đỡ thành lập nhà máy chế biến bánh phồng tôm Sa Giang, chẳng những nổi tiếng ở vùng Nam Kỳ, mà còn nổi tiếng trên toàn quốc, và ngày nay đã được biết tiếng trên khắp thế giới. Trong mỗi bữa tiệc, món ăn giáo đầu ít khi nào thiếu món bánh phồng tôm Sa Giang chiên. Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, Sa Đéc đã có rất nhiều chợ rất phồn thịnh như chợ Phú Hữu, Phú Nhuận, Mỹ Long, Mỹ Xương, Mỹ Trà, Hội An, Lai Vung, Long Hưng, Mỹ An Hưng và Hòa An....Sau khi người Pháp chiếm Sa Đéc, họ cho xây cất khu hành chánh và khu vực cư trú cho nhân viên chánh phủ rất đẹp ở tiểu đảo, có con rạch nhỏ ngăn cách với đất liền mà họ gọi là Passe-Nord. Tuy nhiên, chỉ hơn trăm năm sau, toàn khu ấy đã bị nước cuốn đi gần hết, nó lở dần và lở dần, đến năm 1974 hầu như đã sụp lở gần hết.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ban đầu chính quyền mới vẫn duy trì tỉnh Sa Đéc như trước đó cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền mới cũng bỏ danh xưng quận có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng huyện (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa). Ngày 20 tháng 9 năm 1975, theo Nghị quyết số 245-NQ/TW, đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20 tháng 12 năm 1975, tỉnh Sa Đéc, Kiến Phong và một phần của tỉnh Kiến Tường thời Việt Nam Cộng Hòa sẽ hợp nhất lại thành tỉnh Đồng Tháp. Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp gồm 2 thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc, cùng với 9 huyện: Cao Lãnh, Châu Thành, Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình, và Tháp Mười. Tỉnh mới có tổng diện tích khoảng 3.238 cây số vuông và tổng dân số khoảng 1.568.100 người (theo tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2019). Về vị trí, phía tây bắc giáp Campuchia, đông bắc giáp tỉnh Long An, phía tây giáp An Giang, phía tây nam giáp thành phố Cần Thơ, phía nam giáp tỉnh Hậu Giang và tỉnh Vĩnh Long, và phía đông nam giáp tỉnh Tiền Giang.

Hình 1-2: Sơ đồ tỉnh Sa Đéc trước năm 1975, ảnh internet.

Hình 3: Trường Tiểu Học Sa Đéc năm 1925*.

Hình 4: Chợ Sa Đéc năm 1930*.

Hình5-6: Quang cảnh thị xã Sa Đéc trước năm 1945*.

* Hình lấy ra từ Bulletin de Cochinchine năm 1945

Hình 7: Dinh Tỉnh Trưởng Sa Đéc năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 8: Cầu Sắt Sa Đéc năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 9: Toàn cảnh thị xã Sa Đéc năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 10: Toàn cảnh thị xã Sa Đéc năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 11: Toàn cảnh Sa Đéc được chụp từ máy bay trực thăng năm 1973.

 

 

 

Phần – VII

 __________________________

14) Tỉnh Châu Đốc

Về phía Tây Bắc của An Giang là tỉnh Châu Đốc. Trước kia là Đạo Châu Đốc thuộc Dinh Long Hồ (Vĩnh Long bây giờ). Vùng Châu Đốc Đạo có sông Châu Đốc, sông Vĩnh Tế, sông Vàm Nao, sông Đàm Giang, sông Cần Đăng, sông Thụy Hà. Về phía Đông sông Hậu giang khúc chảy ngang Sa Đéc có sông sông Trường Tiền và rạch Cường Thành hay rạch Lấp Vò. Rạch Cường Oai, còn gọi là rạch Lai Lễ, ở bờ phía Đông sông Hậu, chảy đến Sa Đéc, rồi đổ ra sông Tiền. Ở vùng Cần Thơ có sông Bào Hốt, sông Cần Thơ và sông Bồn. Vùng Sóc Trăng có sông Ba Xuyên và rạch Vu Lai. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì An Giang xưa có những đồn cũ như đồn Hồi Oa, nay thuộc xã Long Hưng tỉnh Sa Đéc, đồn Châu Đốc, đồn Châu Giang. Trước khi Châu Đốc được tách ra làm tỉnh thì ở miền Nam An Giang là tỉnh duy nhất, trên có dãy Thất Sơn (Bảy Núi), dưới thì có dòng Hậu Giang uốn khúc. Vùng núi Thất Sơn, tuy không lớn lắm, nhưng cũng dài đến 30 cây số và rộng đến gần 20 cây số. Vùng này gồm rất nhiều núi nhỏ chứ không riêng bảy núi. nhưng mỗi khi nói đến vùng này là người ta liên tưởng đến bảy ngọn. Rặng Thất Sơn dài trên 30 cây số và rộng 13 cây số bao gồm trong các quận Tịnh Biên và Tri Tôn. Những núi lớn là núi Kéc (Anh Vũ Sơn), Núi Dài (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), và Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Trong thời các chúa Nguyễn thì An Giang chính là tuyến đầu ngăn chặn sự xâm nhập quấy rối của người Xiêm La. Về vị trí, Bắc và Tây Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Long Xuyên và Rạch Giá, Tây giáp Rạch Giá và Hà Tiên, Đông giáp Kiến Phong và Sa Đéc. Tỉnh lỵ đặc tại thị xã Châu Đốc, đây là một thành phố có lối kiến trúc cổ theo kiểu Pháp, nằm bên bờ sông Hậu. Sau khi vua Minh Mạng tách dinh Long Hồ ra để thành lập tỉnh An Giang thì Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang.

     Đến thời Pháp thuộc, họ cắt 4 quận của tỉnh An Giang là Tân Châu, Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn để thành lập tỉnh Châu Đốc cho dễ bề kiểm soát và cai trị. Về vị trí địa lý của tỉnh Châu Đốc: Phía đông bắc giáp vùng Mộc Hoá (dưới thời Pháp thuộc Mộc Hoá thuộc tỉnh Tân An). Phía nam và đông nam giáp tỉnh Long Xuyên. Phía nam và tây nam giáp tỉnh Hà Tiên và tỉnh Rạch Giá. Phía bắc giáp Campuchia. Tưởng cũng nên nhắc lại, tỉnh Châu Đốc được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1900, tồn tại dưới thời Pháp thuộc và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể vào cuối năm 1956, tuy nhiên sau đó tỉnh Châu Đốc lại được chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập vào năm 1964 tỉnh lỵ là thị xã Châu Phú, tiếp tục tồn tại và bị mất tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay.

     Về mặt lịch sử, Châu Đốc nguyên là đất thuộc Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp dâng đất này cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đặt đạo Châu Đốc nối liền với trấn Hà Tiên. Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì Châu Đốc là hạt tham biện thuộc khu vực hành chính Bát Xắc (Bassac), vốn là phần đất tỉnh An Giang xưa. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Châu Đốc trở thành tỉnh Châu Đốc.

     Vào năm 1900, tỉnh Châu Đốc có 9 ngôi chợ khá lớn là: 1) Chợ Châu Phú: Ngay tại Châu Đốc, làng Châu Phú, tổng Châu Phú. 2) Chợ Tịnh Biên: Làng An Thạnh, tổng Quy Đức. 3) Chợ Kinh: Ngay tại Tân Châu, làng Long Phú, tổng Tân Thạnh. 4) Chợ Cái Dầu: Làng Bình Long, tổng An Lương. 5) Chợ Trà Dư: Làng Thường Thới, tổng An Phước. 6) Chợ Hồng Ngự: Làng Thường Lạc, tổng An Phước. 7) Chợ Cây Mít: Làng Nhơn Hòa, tổng Quy Đức. 8 ) Chợ Phú An: Làng Phú An, tổng An Thành. 9) Chợ Xoài Tôn: Làng Hưng Nhượng, tổng Thành Tín.

     Năm 1903, tỉnh Châu Đốc có 3 quận: Tân Châu, Tri Tôn và Tịnh Biên. Đến năm 1919 có thêm quận Châu Phú và năm 1929 có thêm quận Hồng Ngự được tách từ tổng An Phước quận Tân Châu. Tỉnh lỵ đặt tại làng Châu Phú thuộc quận Châu Phú. Từ năm 1913 đến năm 1924, tỉnh Hà Tiên bị giải thể, trở thành một quận thuộc tỉnh Châu Đốc. Sau đó, lại tách ra trở thành tỉnh Hà Tiên độc lập như trước. Năm 1939, tỉnh Châu Đốc có 5 quận: Châu Thành, Tân Châu, Hồng Ngự, Tịnh Biên, Tri Tôn. Trong đó, quận Châu Thành được thành lập năm 1917, đến năm 1919 thì đổi tên là quận Châu Phú. Tuy nhiên năm 1939 lại đổi về tên quận Châu Thành như cũ. Lúc này, lãnh thổ Châu Đốc tương ứng với toàn bộ các huyện thị Phú Tân, Châu Phú (trừ xã Bình Thủy), An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, 2/3 diện tích đất huyện Tri Tôn và thành phố Châu Đốc của Tỉnh An Giang; một phần nhỏ đất huyện Giang Thành của tỉnh Kiên Giang; các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự, một phần nhỏ đất huyện Tam Nông, khu vực cù lao Tây của huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp ngày nay.

     Cũng như các tỉnh khác ở miền Tây, Châu Đốc là một vùng đồng ruộng bao la bạt ngàn, đất đai mầu mỡ với phù sa bồi đắp từ sông Cửu Long. Ruộng lúa Châu Đốc có phần thu hoạch cao hơn những nơi khác, có chỗ mỗi công ruộng người ta thu hoạch đến ba chục (30) hay bốn chục (40) giạ lúa. Tuy nhiên, Châu Đốc là tỉnh duy nhất ở miền Tây có dãy Thất Sơn (bảy núi) trồi lên ngay giữa một vùng đồng ruộng bao la. Riêng khu Thất Sơn đã chiếm hết 276.000 mẫu Tây đất đai (cách thị xã Châu Đốc khoảng 40 cây số). Tại đây có núi Cấm cao nhất (khoảng 880 mét). Về mùa nước nổi, cá tôm từ biển hồ tràn về Châu Đốc đủ loại từ cá tra, cá lóc, cá trê... đến tôm càng, tép bạc... Đặc biệt là loại cá linh, cá chốt thì thôi hằng hà sa số. Châu Đốc được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi chẳng những về nông sản mà còn về thủy sản nữa. Sau mỗi mùa nước, dân Châu Đốc bắt cá tôm quá nhiều, nên chỉ còn biết làm khô, làm mắm, chứ không cách chi tiêu thụ tươi cho hết được. Chính vì vậy mà Châu Đốc rất nổi tiếng về các loại khô và mắm. Dân cư Châu Đốc tương đối phức tạp hơn các nơi khác nhiều, vì đây là vùng biên giới nên người Việt gốc Miên chiếm một tỷ lệ gần 30%, người Kinh khoảng 50%. Ngoài ra, còn có người Chàm (Chăm) khoảng 10%, số còn lại là người Hoa, Mã Lai, Lào... Cộng đồng người Chàm ở Châu Đốc là cộng đồng người Chàm lớn thứ nhì sau Phan Rang. Sau khi đất nước Chàm bị diệt vong thì họ di tản về xứ Thủy Chân Lạp, vì dân Chân Lạp cũng có nền văn hóa gần gũi với họ hơn là người Việt. Tuy nhiên, đến khi Thủy Chân Lạp bị mất vào tay các Chúa Nguyễn thì họ quyết định tiếp tục ở lại Châu Đốc, chứ không chạy nữa. Tại đây họ sống co cụm tại các xã Phú Tân, Châu Phong và Châu Giang. Tại Phú Tân có khoảng 12.000 người Chàm, chuyên sống bằng nghề dệt vải. Tại đây họ có Thánh đường Hồi giáo Mosque Mubarak rất lớn, cách Châu Đốc khoảng 2 cây số. Tại Châu Phong, người Chàm chuyên nghề dệt vải Thổ Cẩm Chăm (vải đầy màu sắc rực rỡ), và thêu may khăn choàng để xuất khẩu sang Mã Lai. Thánh đường Hồi giáo Châu Phong cũng lớn như Mosque Mubarak ở Phú Tân. Tại Châu Giang, người Chàm rất nổi tiếng về nghề dệt xà rông và các loại vải may quần phụ nữ. Riêng tại Tân Châu, người Chàm dệt cả ba loại là lãnh, lụa, và lược (lãnh là loại dầy, lụa là loại vừa vừa, còn lược là loại vải mỏng nhất). Điểm đặc biệt, có lẽ Châu Đốc là tỉnh duy nhất ở miền Nam có nhiều cây thốt nốt nhất (thốt nốt là một loại cây tương cận với cây dừa, nhưng trái nhỏ hơn và nước ngọt hơn, nên đường thốt nốt rất thơm và ngọt thanh hơn đường mía). Người ta nói đường thốt nốt của Châu Đốc ngon hơn đường thốt nốt của Nam Vang nhiều. Cây thốt nốt, dù thuộc họ dừa, nhưng có lá giống lá cây kè (palm), xòe đều quanh ngọn, chứ không rũ xuống như những tàu dừa. Ở Châu Đốc, thốt nốt mọc từng cụm rải rác trong ruộng như những ốc đảo, trông rất lạ mắt. Châu Đốc còn có một thắng cảnh nổi tiếng mà hằng năm số người đến thăm viếng lên đến hằng triệu người. Đó là Miễu “Bà Chúa Xứ” ở núi Sam. Hầu như ngày nào xe cộ từ Châu Đốc đi núi Sam cũng tấp nập người đi kẻ đến. Người ta ước lượng hàng năm có trên một triệu người từ khắp các tỉnh miền Nam và ngay cả những vùng khác trong nước đến hành hương Miễu Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Hai bên đường là kinh rạch, xa xa có một xóm nhà. Tuy nhiên, dân chúng sống tập trung dọc theo hai bên bờ kinh Vĩnh Tế, đa phần là nhà sàn gỗ lợp lá, chỉ có một ít nhà lợp tôle hay ngói. Vào trong đền khói hương không còn nghi ngút nữa mà người ta đốt quá nhiều đến độ khói bay cuồn cuộn lên trần, tạo ra một bầu không khí vô cùng ngột ngạt. Về phía Tây của Miễu Bà Chúa Xứ là vùng Ba Chúc, nghe nói lúc Khmer Rouge (Khờ Me Đỏ) tràn qua đã giết tập thể rất nhiều người vô tội, hiện ngôi mồ chôn tập thể ấy vẫn còn với hàng ngàn chiếc sọ được xếp thành hàng trong một nhà mồ bằng kiếng. Ba Chúc là một xã nằm sát biên giới Việt Miên, dân chúng vùng này trông cằn cỗi, cằn cỗi như chững cụm đất khô cằn nơi họ đang sinh sống. Ngoài ra, Châu Đốc còn có một nhà thờ chánh tòa đã được xây dựng từ năm 1859 (nghĩa là ngay từ những năm Pháp mới khời sự chiếm Nam Kỳ). Châu Đốc còn là quê hương của trên 12.000 người Chàm (họ là người Chàm chạy lánh nạn khi nước Chàm bị nước ta lấn chiếm hồi thế kỷ thứ 16). Đa số người Chàm ở đây làm nghề nuôi tằm dệt tơ, họ theo đạo Hồi và sống co cụm tại những vùng Phú Tân và Châu Giang. Tân Châu của Châu Đốc cũng rất nổi tiếng về ngành dệt tơ lụa, nhứt là lãnh đen được nhuộm bằng mủ cây mạt nưa. Đi qua vùng Tân Châu chúng ta thường nghe câu hát vè của dân địa phương, họ hãnh diện về sự bảnh bao của những thiếu nữ tại đây “Trai nào tài bằng trai Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Tân Châu.” Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, Châu Đốc có một lực lượng ghe thuyền rất lớn có thể vận chuyển hàng hóa từ những con rạch nhỏ ra sông lớn. Nhờ vậy mà hàng hóa Châu Đốc không bị ứ đọng vào mùa nước nổi khi mà đa số đường sá đều bị ngập lụt. Tuy có một hệ thống kinh rạch và sông ngòi chằng chịt, nên việc giao thông đường thủy chiếm ưu thế, tuy nhiên, Châu Đốc cũng có một hệ thống đường bộ đáng kể. Ngay từ thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ, họ đã xây dựng tỉnh lộ Long Xuyên-Châu Đốc và Châu Đốc-Hà Tiên (127 cây số). Ngoài ra, Châu Đốc cũng có đường bộ đi đến tận Nam Vang (177 cây số). Từ xưa đến giờ, Châu Đốc là điểm tiếp nhận hàng hóa từ cao Miên và phân phối hàng hóa Việt Nam lên Nam Vang. Ngoài lúa gạo, Châu Đốc còn nổi tiếng về cá khô, tôm khô và mắm, nhất là loại cá cháy và cá ba-sa (loại cá tra đổ xuống từ Biển Hồ). Ngày nay, ngành nuôi cá bè của Châu Đốc phát triển rất mạnh, dọc theo bờ sông Hậu Giang có rất nhiều “nhà bè”, họ nuôi đủ loại cá, từ cá lóc, cá trê, cá rô, cá tra, vân vân. Đây là những căn nhà được xây cất trên những chiếc bè lớn, bên trên để ở và nấu thực phẩm cho cá, còn bên dưới là một hồ cá thật lớn mà đáy được làm bằng lưới, nên thông thương với lượng nước bên ngoài.

Sau năm 1975, chính quyền mới sáp nhập tỉnh Châu Đốc vào Long Xuyên và cho lấy lại tên cũ đã từng được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí là “An Giang”. Hiện tại thì địa giới tỉnh An Giang rộng lớn với diện tích 3.424 cây số vuông, gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và các quận Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú, Phú Tân và Tân Châu, Châu Phú. Về vị trí, Đông và Đông Bắc giáp Đồng Tháp, Nam giáp và Tây Nam giáp Kiên Giang, Đông Nam giáp Cần Thơ, và Tây giáp Cao Miên. Dân số tỉnh An Giang, theo thống kê năm 2.000 có trên 2.128.800 người. An Giang có thành phố lớn là Long Xuyên, nằm trên hữu ngạn sông Hậu giang, cách Sài Gòn 189 cây số. Sau khi sáp nhập tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên vào nhau để thành lập tỉnh An Giang (theo tên cũ của Đại Nam Nhất Thống Chí) thì An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo trên toàn quốc. An Giang còn sản xuất một số lượng đáng kể về bắp và các thứ đậu. Vùng sông nước bao la chạy dài từ Tân Phú, xuống Tân Châu và Long Xuyên... khiến An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về số lượng cá tôm nước ngọt. Vì số lượng các nước ngọt quá nhiều, không kịp bán tươi về Sài Gòn nên gần phân nửa số cá tại Châu Đốc được người ta làm mắm và măm Châu Đốc rất nổi tiếng trên toàn quốc. Phần lớn cộng đồng người Chàm ở Châu Đốc đều sinh sống bằng nghề dệt vải và thêu may, xuất cảng hàng sang Mã Lai. Ngoài ra, An Giang còn nổi tiếng về khô bò, bánh phồng tôm, đường thốt nốt, lạp xưởng thịt bò.

                                                                                                                                                                         Hình 1: Sơ đồ tỉnh Châu Đốc thời VNCH, năm 1964, ảnh Công Báo VNCH năm 1965.

Hình 2: Bản đồ hành chánh tỉnh Châu Đốc dưới thời Pháp thuộc, năm 1900, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.                                                                                                                                                                                                                                                        

Ảnh 3: Viên chức chính quyền VNCH đang cắt băng khánh thành nạo vét một con kinh ớ Châu Đốc năm 1965, ảnh Công Báo VNCH năm 1965.                                                                            

Hình 4: Cảnh mùa nước nổi ở Châu Đốc năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

Hình 5: Rạch Châu Đốc năm 1920 (nhánh sông Mekong trước khi chảy vào lãnh thổ VN thì chia làm 2 nhánh: nhánh phía Bắc là Sông Tiền, nhánh phía Nam là Sông Hậu. Nhánh Sông Hậu vừa chảy qua khỏi châu thành Châu Đốc có một phân lưu chảy về hướng Núi Sam bên Hữu Ngạn, đó là Rạch Châu Đốc), ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

Hình 6: Cảnh một trại lính ở Châu Đốc năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

Hình 7: Nhà Hát Châu Đốc năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 8-9-10: Hình ảnh Châu Đốc năm 1967, ảnh Công Báo VNCH năm 1970.

Hình 11: Chùa Tây An Châu Đốc năm 1965, ảnh internet.

Hình 12: Chợ Tịnh Biên vào năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

Hình 13: Chợ Châu Đốc năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

Hình 14: Một ngôi trường của người Chăm tại Châu Đốc năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

Hình 15: Một ngôi trường của người Việt tại Châu Đốc năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

Hình 16: Nhà Việc Làng Long Phú năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

Hình 17: Trường Thuộc Địa tại Châu Đốc do người Pháp lập ra năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

Hình 18: Những người đàn bà Chăm đang ngồi dệt Sà Rông tại Tân Châu năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

Hình 19: Nhà Thương Thí  Châu Đốc  1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

Hình 20: Trường Nam Sinh Châu Đốc năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1930.

 

 

 

 

Phần –VIII

 _________________________________

15) Tỉnh Long Xuyên

     Về phía Bắc Cần Thơ là một dãy đất rất phì nhiêu với cả một vùng bạt ngàn xanh mướt với đồng lúa, xen lẫn vùng bảy núi huyền bí và vùng Đồng Tháp Mười với nhiều triển vọng phát triển về nông nghiệp trong tương lai. Theo các nhà khảo cổ học Việt và Pháp thì vùng này trước đây là trung tâm văn minh Óc Eo của vương quốc Phù Nam thời xa xưa. Từ khoảng những năm 1931 đến 1936, các nhà khảo cổ học đã khám phá ra gần 30 đường nước phát khởi từ Angkor Borei chảy về Châu Đốc rồi qua vùng núi Sam, Tri Tôn, Ba Thê, sau đó có nhiều nhánh chảy ra Rạch Giá hợp thành một hệ thống dẫn thủy quan trọng cho cả vùng. Những khám phá này cho chúng ta thấy một thời vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, và Đồng Tháp đã từng là trung tâm văn hóa Óc Eo. Vào thời Nguyễn Ánh và Tây Sơn thì vùng An Giang là đất Tầm Phong Long của Miên. Năm 1757, vua Miên là Nặc Tôn dâng đất này cho các chúa Nguyễn để làm đạo Châu Đốc, trực thuộc dinh Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long bây giờ). Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cho Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (nay là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Long) đặt ra ba đạo là Đông Khẩu (Sa Đéc), Tân Châu (Tiền Giang) và Châu Đốc (Hậu Giang). Đến đời Minh Mạng thứ 13, nhà vua cho tách huyện Vĩnh An của tỉnh Vĩnh Long để nhập vào Châu Đốc đạo làm tỉnh An Giang. Lúc bấy giờ tổng đốc Hà Tiên thống lãnh hai tỉnh Hà Tiên và An Giang, trong khi tổng đốc Vĩnh Long thống lãnh hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường. Về vị trí An Giang thời đó, Bắc giáp Cao Miên, Đông giáp Vĩnh Long và Định Tường, Tây giáp Kiên Giang (Rạch Giá). An Giang thời Minh Mạng có 3 phủ là Tuy Biên, Tân Thành và Ba Xuyên. Phủ Tuy Biên gồm các huyện Tây Xuyên, huyện Phong Phú, huyện huyện Hà Dương, huyện Hà Âm; phủ Tân Thành (bây giờ là Sa Đéc), gồm các huyện Vĩnh An, huyện An Xuyên, huyện Đông Xuyên; phủ Ba Xuyên gồm các huyện Phong Nhiêu, huyện Vĩnh Định. Như vậy, thời Minh Mạng, tỉnh An Giang bao gồm các vùng bây giờ là An Giang, Châu Đốc, Cần Thơ, và Sóc Trăng. An Giang có núi, nhưng không lớn và không cao như vùng Trường Sơn của miền Trung, tuy nhiên, những núi này cũng tô thắm và nổi bậc giữa một vùng đồng bằng bao la lại có một vùng núi non hùng vĩ. Đây là những núi Ba Thê, núi Thụy Sơn, núi Trà Chiếu, núi Trà Nghinh, núi Tượng, núi Tô Sơn, núi Cấm, núi Ốc Nhẫm, núi Nam Vi, núi Tà Biệt, núi Nhân Hòa, núi Đài Tốn, núi Thị Vi, núi Ba Xôi, núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khe Săn, núi Ngất Sum, núi Chân Sum, núi Thâm Đăng, núi Đại Ba Đê, núi Tiểu Ba Đê... Ngày nay, ngoại trừ núi Ba Thê bây giờ còn thuộc tỉnh An Giang, còn lại những núi khác nắm trong vùng “Thất Sơn” thuộc tỉnh Châu Đốc. An Giang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, nằm dọc hai bên bờ sông Tiền Giang và Hậu Giang (vì ngày đó Sa Đéc cũng thuộc An Giang). An Giang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh có sông Tiền Giang, sông Tân Giang, sông Tân Châu, sông Lễ Công, sông Tú Điền, sông Hội An, sông Mỹ An, sông Tân Đông, sông Long Phượng, và sông Sa Đéc. Dân chúng tại vùng này gồm đa số là người Kinh, kế đến là người Chà Châu Giang (Chàm), và người Miên. Tập quán cư trú tại vùng này vẫn còn lưu lại những nét nhà sàn bằng gỗ, vì đây là vùng thường hay bị lũ vào những tháng nước sông Cửu Long dâng cao. Tại Sa Đéc, có vùng Hồi Oa Nước Xoáy. Ở đây dòng nước chảy vòng thành xoáy do nước hai sông Tiền Giang và Hậu Giang giao hội với nhau. Ngoài ra, vùng Sa Đéc còn có sông Nha Mân, chảy từ bờ Nam sông Tiền, từ các đồng ruộng và đổ ra sông Hậu Giang. Sông An Thuận, chảy từ phía Đông ngã ba Cái Ngang (Vĩnh Long), qua ngã Bắc đến sông Long Hồ, rồi chảy về ngã Đông qua rạch Phú An, và ngã Tây chảy đến Trà Ôn (thuộc tỉnh Vĩnh Long). Thuở ấy sông Hậu Giang chảy vào địa phận tỉnh An Giang, bắt đầu từ chỗ phân nhánh Tiền giang và Hậu giang, rồi chảy ra đến tận biển. Phía Tây sông Hậu giang có các rạch Bàn Tăng, rạch Ô Môn, rạch Trà Nóc, rạch Bình Thủy, rạch Cái Khế; phía Đông qua các rạch Dừa Nước, rạch Quít, rạch Mít, rạch Song Đôi, rạch Dầu, rạch Trâm, rạch Bồn, rạch Trưng, rạch Sách, sông Trà Ôn, sông Tân Dinh, sông Sâm Đăng (những sông này nằm trong địa phận tỉnh Vĩnh Long).

     Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp muốn xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Địa bàn tỉnh An Giang cũ được chia ra cho 6 hạt, về sau đổi thành 6 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hạt thanh tra Long Xuyên lúc bấy giờ được thành lập trên một phần đất đai của huyện Đông Xuyên và huyện Tây Xuyên cùng thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang cũ; phần còn lại nhập vào hạt Thanh tra Châu Đốc. Đồng thời, hạt Long Xuyên cũng lấy thêm địa phận các làng Tân Phú, Tân Thạnh trước đó thuộc tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường để lập tổng mới gọi là tổng Phong Thạnh Thượng trực thuộc hạt Thanh tra Long Xuyên.

     Ngày 5 tháng 1 năm 1876, hạt Thanh tra Long Xuyên đổi thành hạt tham biện Long Xuyên, các thôn đổi thành làng. Hạt Tham Biện Long Xuyên đặt lỵ sở tại thôn Bình Đức, nơi có tòa bố, điện tín, bưu trạm, bệnh xá, trường sơ học. Các trạm chính là Lấp Vò (đi Sa Đéc), Thoại Sơn (đi Rạch Giá), Năng Gù (đi Châu Đốc) và Bình Đức (ở Long Xuyên). Lúc bấy giờ, tỉnh Long Xuyên có 7 chợ là: Chợ Mỹ Phước thuộc làng Mỹ Phước, tổng Định Phước. Chợ Lấp Vò: làng Tân Bình, tổng An Phú. Chợ Bình Đức: làng Bình Đức, tổng Định Thành Hạ. Chợ Trà Môn: làng Mỹ Chánh, tổng An Bình, cù lao Giêng. Chợ Thốt Nốt: làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, tổng Định Mỹ. Chợ Thủ Chiến Sai: làng Tú Điền, tổng Định Hòa và chợ Ông Chưởng: làng Tú Điền, tổng Định Hòa.

     Năm 1897, hạt Long Xuyên có 8 tổng, 62 làng như sau: Tổng An Bình: 6 làng. Tổng An Phú: 7 làng. Tổng Biên Thành: 5 làng. Tổng Định Hòa: 11 làng. Tổng Định Mỹ: 8 làng. Tổng Định Phước: 10 làng. Tổng Phong Thạnh Thượng: 6 làng. Tổng Định Thành Hạ: 9 làng.

     Đến ngày 20 tháng 12 năm 1899, tỉnh Long Xuyên được thành lập theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Về vị trí địa lý của tỉnh Long Xuyên: Phía đông giáp tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sa Đéc. Phía tây giáp tỉnh Châu Đốc. Phía nam giáp tỉnh Rạch Giá. Phía bắc giáp tỉnh Phong Thạnh (vùng Cao Lãnh). Như vậy tỉnh Long Xuyên là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Tỉnh lỵ Long Xuyên đặt tại làng Mỹ Phước thuộc tổng Định Phước. Về mặt hành chánh, tỉnh Long Xuyên có 3 quận với 8 tổng: 1) Quận Châu Thành có 3 tổng: Tổng Định Phú gồm 7 làng: Định Mỹ, Phú Nhuận, Thoại Sơn, Tham Trạch, Vĩnh Phú, Vọng Thê, Vĩnh Thuận. Tổng Định Phước gồm 7 làng: Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Nhuận Ốc, Phú Hòa, Vĩnh Chánh, Vĩnh Trinh, Thới Tây Trung. Tổng Định Thành gồm 9 làng: Bình Đức, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Thủy, Cần Đăng, Calau, Hòa Bình, Mỹ Hòa Hưng, Vĩnh Hanh. 2) Quận Thốt Nốt có 2 tổng: Tổng An Phú gồm 7 làng: An Hòa, Bình Ninh, Bình Thành Tây, Định Yên, Tân Bình, Tân Bình Đông, Tân Thạnh Trung. Tổng Định Mỹ gồm 8 làng: Thới Thuận, Tân Thuận Đông, Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây, Tân Hưng, Thạnh Hòa Trung Nhứt, Thạnh Hòa Trung Nhì, Thạnh An. 3) Quận Chợ Mới có 3 tổng: Tổng An Bình (Cù lao Giêng) gồm 6 làng: Bình Đức Đông, Tân Phước, Phú Xuân, Mỹ Chánh, Mỹ Hưng, Tấn Đức. Tổng Định Hòa gồm 8 làng: An Thạnh Trung, Kiến An, Long Điền, Long Kiến, Mỹ Hội Đông, Mỹ Luông, Nhơn An, Mỹ Hòa. Tổng Phong Thạnh Thượng gồm 6 làng: An Phong, An Phú, An Thành, Bình Thành, Tân Phú, Tân Thạnh.

     Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên được sáp nhập để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh An Giang. Tỉnh lỵ tỉnh An Giang đặt tại Long Xuyên và vẫn giữ nguyên tên là "Long Xuyên", về mặt hành chánh thuộc xã Mỹ Phước, quận Châu Thành. Như vậy, tỉnh Long Xuyên được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1900, tồn tại vào thời Pháp thuộc và bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể, mất tên gọi đơn vị hành chính cấp tỉnh từ cuối năm 1956.

     Thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa thì tỉnh An Giang có 4 quận: Quận Châu Thành, quận Chợ Mới, quận Thốt Nốt và quận Huệ Đức. Riêng vùng Núi Sập thì được nâng lên hàng thị trấn. Tại vùng núi Sập, nay thuộc quận Thoại Sơn, cách Long Xuyên khoảng 30 cây số có thành Óc Eo cũ, nay đã bị chìm sâu dưới lòng đất, được phát hiện khi dân chúng đào kinh Xáng Ba Thê. Đa số đất đai của tỉnh An Giang là những cánh đồng bao la bát ngát, tuy nhiên, riêng quận Huệ Đức có đến sáu (06) ngọn núi là những núi Sập, núi Chóc, núi Ba Thê, núi Cậu, núi Bà và núi Tượng. Tuy những núi này không lớn nhưng cũng đủ biến toàn vùng đồng ruộng này trở nên thâm u huyền bí hơn các vùng lân cận. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa, chánh quyền trung ương có tài trợ xây dựng con lộ chạy vào núi Ba Thê. Tại Ba Thê hiện còn có một cộng đồng người Khmer rất đông nên ngoài lễ Tết Nguyên Đán vào đầu năm âm lịch, họ còn ăn Tết Miên vào khoảng tháng ba âm lịch. Họ thường chuẩn bị Lễ Tết trước đó hàng tháng và lễ Tết của họ thường kéo dài đến hơn nửa tháng mới dứt. Tại núi Sập, hiện còn đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, hàng năm đến ngày cúng đình ở núi Sập vào tháng ba âm lịch, dân chúng các nơi trong tỉnh thường đổ xô về đây che sạp trước đình để chiêm báiăn chơi còn vui hơn cả ngày Tết nữa là khác. Nói đến An Giang mà không nói đến ngày Khai Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ vào ngày mười tháng tám âm lịch là một thiếu sót lớn vì đa số dân vùng An Giang đều theo đạo Hòa Hảo. Họ tổ chức ngày Khai Đạo của Đức Thầy thật lớn vì chẳng những dân chúng trong tỉnh An Giang đổ về dự lễ mà tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở khắp các tỉnh miền Nam đều đổ xô về dự lễ. Bên kia bờ sông Hậu là vùng Chợ Mới cũng thuộc địa phận tỉnh An Giang. Nổi tiếng nhất của quận Chợ Mới phải nói là cù lao Ông Chưởng (được bao bọc xung quanh bởi rạch Ông Chưởng). Phải nói cù lao Ông Chưởng là một niềm hãnh diện cho dân chúng trong tỉnh An Giang, vì đây là một vùng sông nước bao la với cá mắm đầy sông, rau cỏ đầy đồng, lúa trải đầy ruộng. Chính vì vậy mà có câu ca dao :

​​“Chiều chiều quạ nói với diều,

​​Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.”

     Bên cạnh đó, người dân cù lao Ông Chưởng đa phần theo Phật Giáo Hòa Hảo nên tính tình họ rất thuần lương, chân chất, mộc mạc và hiếu khách.

     Nói về giáo dục, thì hầu như trước năm 1975 ở miền Nam tỉnh nào cũng có một trường trung học lớn như ở Sài Gòn thì có Pétrus Ký, ở Mỹ Tho thì có trường Nguyễn Đình Chiểu, ở Cần Thơ có trường Phan Thanh Giản, ở Vĩnh Long có trường Tống Phước Hiệp... thì ở An Giang có trường Thoại Ngọc Hầu. Trường được thành lập năm 1948, do cố Phó Tổng Thống VNCH Nguyễn ngọc Thơ (quê của ông cũng tại An Giang) khởi xướng và vận động. Cũng như các vùng lân cận khác, trước thời đó sau bậc tiểu học học sinh An Giang phải xuống Cần Thơ để tiếp tục bậc trung học. Chính vì vậy mà lúc đó ông Nguyễn Ngọc Thơ (đang là tỉnh trưởng Long Xuyên) đã vận động thành lập trường. Trường được khai giảng khóa đầu tiên 1948-1949. Sau đó vào thời đệ nhị Cộng Hòa, năm 1968, trường Chưởng Binh Lễ được thành lập vì nhu cầu học sinh trong tỉnh đòi hỏi.

Thành phố Long Xuyên là một trong những thành phố lớn của miền Tây, chỉ thua có Cần Thơ. Long Xuyên có nhà thờ chánh tòa và tòa tổng giám mục. Từ Long Xuyên muốn về Sài Gòn có hai ngã, một ngả qua Bắc Vàm Cống đi Sa Đéc, rồi qua cầu Mỹ Thuận, ngã này ngắn hơn với khoảng cách chừng 190 cây số. Ngã thứ hai là đi về Thốt Nốt, qua Ô Môn rồi đến Bắc Hậu Giang, hướng về Vĩnh Long, rồi cũng qua cầu Mỹ Thuận để đi Sài Gòn, ngã này xa hơn với cự ly là 228 cây số. Ra khỏi thành phố Long Xuyên, đi về phía Tây Bắc là cầu Hoàng Diệu, nối liền Long Xuyên với thị xã Châu Đốc. Vùng Long Xuyên còn nổi tiếng với các “Chợ Nổi” dọc theo bờ sông Hậu. Đi chợ nổi phải cần có xuồng hay ghe, tuy nhiên, hàng hóa ở chợ nổi rất rẽ vì người bán không cần phí tổn cho mặt bằng. Các ghe trên chợ nổi cũng không cần trương bảng hiệu mà họ chỉ cần treo trên một cây tre những hàng hóa mà học đang bán. Chợ Long Xuyên nằm cạnh bến đò đi khắp các vùng miền Tây, vì như các tỉnh khác ở miền Nam, Long Xuyên chằng chịt những sông rạch nên phương tiện giao thông thuận tiện nhất vẫn là đường thủy. Ngoài ra, tại thành phố Long Xuyên hãy còn những chiếc “xe lôi” rất thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa và hành khách đi lại trong thành phố. Về giao thông đường bộ, liên tỉnh lộ 91 nối liền Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Núi Sam và Nhà Bàng. Trên liên tỉnh lộ 91 tại thành phố Long Xuyên, có tỉnh lộ 943 đi Núi Sập, Tri Tôn. Từ Tri Tôn lên Tịnh Biên bằng tỉnh lộ 948, sau đó đi thẳng về hướng Bắc gặp liên tỉnh lộ 91 tại Nhà Bàng. Trên liên tỉnh lộ 91 tại An Châu thuộc quận Châu Thành có tỉnh lộ 941 đi Tri Tôn. Ngoài ra, bên phía cù lao Chợ Mới và Phú Tân, tỉnh lộ 841 từ Sa Đéc lên Cái Tàu Thượng, lên Chợ Mới rồi nối liền với tỉnh lộ 942 lên Chợ Vàm và Tân Châu. Từ Tân Châu có tỉnh lộ 953 về thị xã Châu Đốc.

     Sau năm 1975, chính quyền mới sáp nhập tỉnh Châu Đốc vào tỉnh An Giang cho tới ngày nay.

 

Hình 1-2-3: Bản đồ tỉnh Long Xuyên thời Phàp thuộc theo Bulletin de Cochinchine năm 1945.

 Hình 4: Toà án Long Xuyên năm 1925.*

Hình 5: Toà Hành Chánh Long Xuyên năm 1925.*

Hình 6: Bệnh Viện Long Xuyên năm 1925*.

Hình 7: Trường Nam Long Xuyên năm 1925.

Hình 8: Trường Nữ Long Xuyên n

Hình 9: Sở Thanh Tra Long Xuyên năm 1925.*

* Những hình ảnh nầy được lấy từ Bulletin de Cochinchine năm 1930.

Hình 10-11-12: Một số hình ảnh đường

 

 

 

Phần –IX

 _________________________________

16) Tỉnh Tam Cần

     Sau khi Pháp chiếm xong Nam Kỳ, năm 1862, họ chia Hà Tiên ra làm năm tỉnh là Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, và lấy một phần của Trấn Giang (Cần Thơ) để sáp nhập vào khu vực Trà Ôn. Đến năm 1872, chánh quyền thuộc địa quyết định lập một sở Tham biện mới lấy tên là sở Tham biện Trà Ôn trên sông Bassac (Hậu Giang), tại cửa sông Trà Ôn. Cùng năm đó, Thống đốc Nam Kỳ quyết định tách tổng An Trường ra khỏi sở Tham Biện Sa Đéc để sáp nhập vào sở Tham biện Trà Ôn(100). Sau đó sở Tham Biện Trà Ôn được nâng lên thành tỉnh Tam Cần, tỉnh lỵ được đặt tại quận Trà Ôn, nhưng ngay sau đó, tỉnh Tam Cần bị bãi bỏ. Mãi đến năm 1956, theo sắc lệnh số 16-NV của chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa, tỉnh Tam Cần được tái lập vào ngày 9 tháng 2 năm 1956, gồm 4 quận là Tam Bình, Trà Ôn, Cầu Kè và Tiểu Cần. Đến ngày 17 tháng 2 năm 1956, theo Sắc lệnh số 16-NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đất đai tỉnh Tam Cần lấy từ các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, bao gồm 4 quận: Quận Cầu Kè (trước đây thuộc tỉnh Cần Thơ). Quận Tiểu Cần (trước đây thuộc tỉnh Trà Vinh). Quận Trà Ôn (trước đây thuộc tỉnh Cần Thơ). Quận Vũng Liêm (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Long). Ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Tam Cần hợp nhất với tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình. Hai quận Cầu Kè và Tiểu Cần nay là hai huyện thuộc tỉnh Trà Vinh, còn hai quận Trà Ôn và Vũng Liêm nay là hai huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Theo sắc lệnh số 37-NV được chánh phủ VNCH ký ngày 20 tháng 3 năm 1956, trụ sở tỉnh Tam Cần được đặt tại Trà Ôn. Tuy nhiên, ngay sau đó tỉnh Tam Cần lại bị bãi bỏ(101).

 

17) Tỉnh Phong Dinh

     Tỉnh Phong Dinh là tên tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, thời Việt Nam Cộng hòa, tồn tại trong giai đoạn 1956 - 1975 do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ trước đó. Tưởng cũng nên nhắc lại, năm 1872, người Pháp đặt Cần Thơ, tức vùng rạch Cần Thơ và Ô Môn ngày nay, là hạt (inspection), tương đương với tỉnh, nhưng không quan trọng bằng những hạt khác như Đông Xuyên (Long Xuyên) và Sóc Trăng. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1872, vì như cầu trị an, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập một sở Tham Biện mới trên sông Bassac (Hậu Giang) tại cửa sông Trà Ôn, tách Trà Ôn và Cầu Kè của Vĩnh Long, sáp nhập Phong Phú với vùng Bắc Trang, thuộc hạt Trà Ôn, tách Phụng Hiệp và Ô Môn của An Giang hợp với quận Châu Thành Cần Thơ bây giờ để thành lập hạt Trà Ôn, còn gọi là tỉnh Tam Cần, tỉnh lỵ được đặt tại Trà Ôn, nhưng đến năm 1873, tỉnh lỵ tỉnh Tam Cần được dời về Cái Răng(102), thuộc thành phố Cần Thơ ngày nay. Đến năm 1876, Soái Phủ Sài Gòn cho vùng Phong Phú thành lập tỉnh Cần Thơ, còn Trà Ôn thì trở thành một quận của Cần Thơ. Lúc đó Cần Thơ có 5 quận là Châu Thành, Phụng Hiệp, Ô Môn, Trà Ôn và Cầu Kè. Kể từ khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì Cần Thơ dần dần biến thành một trong những tỉnh quan trọng nhất của miền Nam. Ngày 14 tháng 3 năm 1908, khu Rạch Gòi được nâng lên thành trung tâm(103). Ngày 14 tháng 12 năm 1931, sáp nhập một phần đất của làng Thới Bình vào thị xã Cần Thơ(104). Ngày 10 tháng 2 năm 1933, sở Tham Biện Cần Thơ phân chia lại tỉnh Cần Thơ thành những sở đại lý hành chánh(105).

     Tỉnh Phong Dinh là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh số 143-NV của Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 22 tháng 10 năm 1956 để thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Phong Dinh được thành lập do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh đặt tại Cần Thơ và vẫn giữ nguyên tên là Cần Thơ, về mặt hành chánh nằm trong khu vực xã Tân An thuộc quận Châu Thành. Tỉnh trưởng Phong Dinh đầu tiên là Đặng Văn Quang (từ tháng 1 - 1956 đến tháng 4 - 1957). Như vậy, địa bàn tỉnh Phong Dinh cũ tương ứng với phần lớn thành phố Cần Thơ ngày nay (trừ quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh và các xã Thạnh Phú, Trung Hưng, Trung An, Trung Thạnh của huyện Cờ Đỏ); thành phố Ngã Bảy, các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp (ngoại trừ thị trấn Kinh Cùng và các xã Hòa An, Phương Bình, Phương Phú) cùng thuộc tỉnh Hậu Giang; các xã Xuân Hòa, An Lạc Thôn, Phong Nẫm cùng thuộc huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng ngày nay.

     Năm 1956, theo các nghị định số 182-BNV/HC/NĐ và 329-BNV/HC/NĐ, chánh phủ VNCH quyết định đổi tên Cần Thơ ra Phong Dinh và ấn định lại các đơn vị hành chánh trong tỉnh; giao hai quận Trà Ôn và Cầu Kè về cho Vĩnh Bình, cắt phần đất Kế Sách trả lại cho tỉnh Ba Xuyên, trả hai quận Long Mỹ và Long Đức cho tỉnh Rạch Giá, rồi sau đó lấy hai quận này hợp cùng với các quận Kiên Long, Kiên Hưng, Kiến Thiện, và Vị Thủy để thành lập tỉnh Chương Thiện. Trong khi đó tại vùng kinh Xáng Xà No thì thành lập hai quận mới là Khắc Nhơn và Khắc Trung(106), nhưng ngay sau đó hai quận nầy được đổi tên là Thuận Nhơn và Thuận Trung. Tỉnh Phong Dinh năm 1973 có vị trí địa lý: Phía đông giáp tỉnh Sa Đéc và tỉnh Vĩnh Long. Phía tây giáp Kiên Giang và tỉnh Chương Thiện. Phía nam tỉnh Ba Xuyên. Phía bắc giáp tỉnh An Giang. Theo sự phân chia dưới thời đệ nhị Công Hòa thì tỉnh Phong Dinh gồm có thị xã Cần Thơ và 7 quận: Châu Thành, Phong Phú, Phụng Hiệp, Thuận Nhơn, Thuận Trung, Phong Điền và Phong Thuận. Lúc đó thị xã Cần Thơ chia làm 2 quận là quận nhất và quận nhì. Như vậy, đến thời Việt Nam Cộng Hòa, diện tích của toàn tỉnh Cần Thơ bị thu nhỏ lại, chỉ còn 162.257 mẫu, nhưng đất đai rất phì nhiêu.

     Năm 1957, dưới thời tỉnh trưởng Đỗ Văn Chước (từ 8-4-1957 đến 3-12-1959), tỉnh Phong Dinh có 5 quận, 10 tổng và 59 xã: 1) Quận Châu Thành Phong Dinh có 2 tổng: Định An, Định Bảo; quận lỵ: xã Tân An. 2) Quận Phụng Hiệp có 2 tổng: Định Phước, Định Hòa; quận lỵ: xã Phụng Hiệp. 3) Quận Ô Môn có 2 tổng: Định Thới, Thới Bảo; quận lỵ: xã Thới Thạnh. 4) Quận Long Mỹ có 2 tổng: An Ninh, Thanh Tuyền; quận lỵ: xã Long Trị. 5) Quận Kế Sách có 2 tổng: Định Khánh, Định Tường; quận lỵ: xã Kế An. Ngày 16 tháng 9 năm 1958 chuyển quận Kế Sách sang tỉnh Ba Xuyên. Ngày 16 tháng 10 năm 1958, quận Ô Môn đổi tên là quận Phong Phú.

     Ngày 18 tháng 3 năm 1960, Tỉnh trưởng Phong Dinh Trần Cửu Thiên lập thêm quận Đức Long gồm 1 tổng là An Ninh với 7 xã trực thuộc do tách đất từ quận Long Mỹ; quận lỵ đặt tại xã Vị Thanh. Tuy nhiên, đến ngày 24 tháng 12 năm 1961, hai quận Đức Long và Long Mỹ được bàn giao cho tỉnh Chương Thiện mới thành lập. Tỉnh lỵ tỉnh Chương Thiện đặt tại xã Vị Thanh. Tỉnh trưởng lúc này là Lê Văn Tư (7/1961 - 11/1962).

     Ngày 2 tháng 7 năm 1962 tỉnh Phong Dinh lại lập thêm 2 quận mới là Khắc Trung và Khắc Nhơn. Quận Khắc Trung được thành lập do tách đất từ quận Phong Phú cùng tỉnh hợp với đất đai xã Thạnh Phú do quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang chuyển sang; quận lỵ đặt tại Cờ Đỏ (thuộc xã Thới Đông). Quận Khắc Nhơn được thành lập do tách đất từ quận Châu Thành và quận Phong Phú cùng tỉnh; quận lỵ đặt tại Bảy Ngàn (thuộc xã Tân Hòa). Ngày 20 tháng 4 năm 1964 đổi tên 2 quận Khắc Trung, Khắc Nhơn thành Thuận Trung, Thuận Nhơn. Sau đó, quận lỵ quận Thuận Nhơn cũng được dời về Một Ngàn (cũng thuộc xã Tân Hòa).

     Ngày 26 tháng 5 năm 1966, lập thêm quận Phong Điền, gồm 5 xã do tách từ phần đất của các quận Châu Thành, Phong Phú và Thuận Nhơn; quận lỵ đặt tại Phong Điền (thuộc xã Nhơn Ái). Các vị tỉnh trưởng lúc này là Huỳnh Ngọc Diệp A (1965 - 1966), Phạm Bá Hoa (12/1966 - 3/1968).

Năm 1967, tổng dân số tỉnh Phong Dinh có tổng số 389.245 người: Quận Châu Thành có 153.198 người, quận Phong Điền có 35.232 người, quận Phong Phú có 65.228 người, quận Phụng Hiệp có 59.778 người, quận Thuận Nhơn có 49.314 người, Thuận Trung có 26.495 người .

Ngày 23 tháng 4 năm 1968, lại lập thêm quận Phong Thuận, gồm 5 xã do tách đất từ quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh và quận Kế Sách, tỉnh Ba Xuyên. Quận lỵ đặt tại Cái Côn (thuộc xã An Lạc Thôn). Tỉnh trưởng lúc này là Nguyễn Văn Khương (3/1968 - 7/1970).

Thị xã Cần Thơ được tái lập theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm ngày 30 tháng 9 năm 1970, là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Khi đó thị xã bao gồm các xã Tân An, Thuận Đức, ấp Lợi Nguyên thuộc xã An Bình và ấp Bình Nhựt thuộc xã Long Tuyền cùng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Phong Dinh trước đó.

     Tính đến năm 1971, dân số tỉnh là 337.159 (thời tỉnh trưởng Lê Văn Hưng: 1970 - 1972). Năm 1973, tỉnh Phong Dinh gồm 7 quận: Châu Thành, Phụng Hiệp, Thuận Nhơn, Thuận Trung, Phong Phú, Phong Điền, Phong Thuận. Tỉnh trưởng là Lê Duệ (1972 - 1973). Từ đó cho đến năm 1975, thị xã Cần Thơ và tỉnh Phong Dinh là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau theo sự phân chia sắp xếp hành chính của Việt Nam Cộng hòa.

     Sau năm 1975, chánh quyền mới sáp nhập 3 tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện và Sóc Trăng lại với nhau để thành lập tỉnh Hậu Giang. Tháng 4 năm 1992 tỉnh Hậu Giang tách ra thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng như cũ. Đến ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ lại được tách ra thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang mới.

 

18) Tỉnh Phong Thạnh

     Theo sắc lệnh số 22-NV của chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa, vào ngày 17 tháng 2 năm 1956, tỉnh Phong Thạnh được thành lập gồm địa phận quận Hồng Ngự, cù lao Long Khánh, cù lao Cái Vung và cù lao Tây, quận Phong Thạnh Thượng và tổng An Bình, một phần đất thuộc quận Cao Lãnh, và một phần đất thuộc tỉnh Mỹ Tho. Khi mới được thành lập, đất đai tỉnh Phong Thạnh vốn là phần đất nằm ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền của các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc trước kia, bao gồm: Địa phận quận Hồng Ngự, cù lao Long Khánh, cù lao Cai Vung và cù lao Tây (thuộc tỉnh Châu Đốc)

     Địa phận quận Phong Thạnh Thượng và tổng An Bình (thuộc tỉnh Long Xuyên). Địa phận quận Cao Lãnh (thuộc tỉnh Sa Đéc), trừ phần đất ở phía đông bắc kênh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kênh số 4 nối dài (nhập vào tỉnh Mộc Hóa). Phần đất tỉnh Mỹ Tho ở phía tây một đường ranh giới được quy định như sau: kênh số 4 tới vàm kênh Tổng đốc Lộc và kênh Tổng đốc Lộc tới Mỹ Hiệp. Các vùng đất này nguyên dưới thời nhà Nguyễn lại cùng thuộc tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường. Đến thời Pháp thuộc, tổng này ban đầu thuộc hạt Thanh tra Cần Lố, sau chuyển sang thuộc hạt Sa Đéc và cuối cùng đất đai lại chia cho các hạt Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc. Tỉnh lỵ tỉnh Phong Thạnh được đặt tại Cao Lãnh. Về phương diện quân sự, tỉnh Phong Thạnh là một tiểu khu thuộc phân khu Đồng Tháp Mười. Ngày 3 tháng 3 năm 1956, chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa ký nghị định số 347-BTP/NĐ, tạm thời đặt tỉnh Phong Thạnh thuộc quản hạt tòa Hòa Giải Rộng Quyền tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, ngay sau đó tỉnh Phong Thạnh lại bị bãi bỏ để thành lập tỉnh Kiến Phong trong một địa phận rộng lớn hơn(107). Đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Phong Thạnh được đổi tên thành tỉnh Kiến Phong. Sau năm 1975 (tháng 2 năm 1976), tỉnh Kiến Phong được sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp.

 

Chú Thích:

(100) Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise, 1872, No 4, p. 119-120; et BOCF, 1872, No 8, p. 214-215.

(101) Công Báo Việt Nam, 1956, tr. 782 và 393.

(102) Bulletin Officiel de la Cochinchine, 1872, No 4, p. 119-120.

(103) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1908, No 13, p. 985.

(104) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1932, No 2, p. 35-36.

(105) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1933, No 8, p. 425-427.

(106) Công Báo Việt Nam, 1957, tr. 2169 và tr. 4092.

(107) Công Báo Việt Nam, 1956, tr.504 và tr. 1211.

 

Hình 1: Trà Ôn, lỵ sở của tỉnh Tam Cần năm 1956 gồm 4 quận:

Quận Cầu Kè (trước đây thuộc tỉnh Cần Thơ). Quận Tiểu Cần (trước đây thuộc tỉnh Trà Vinh).

Quận Trà Ôn (trước đây thuộc tỉnh Cần Thơ). Quận Vũng Liêm (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Long).

Hình 2: Chợ Trà Ôn, năm 2003.

Hình 3: Chợ Nổi Trà Ôn, năm 2003.

Hình 4: Sơ đồ tỉnh Phong Dinh năm 1956.

Hình 5: Chợ Cần Thơ, thuộc tỉnh Phong Dinh, năm 1956.

Hình 6-7-8: Quang cảnh lỵ sở Cần Thơ của tỉnh Phong Dinh, năm 1956-1957.

Hình 9-10: Chợ Cao Lãnh, năm 1963, ảnh Lê Hương.

Hình 11: Sơ Đồ tỉnh Phong Thạnh năm 1956: gồm địa phận quận Hồng Ngự, cù lao Long Khánh, cù lao Cai Vung và cù lao Tây (thuộc tỉnh Châu Đốc). Địa phận quận Phong Thạnh Thượng và tổng An Bình (thuộc tỉnh Long Xuyên). Địa phận quận Cao Lãnh (thuộc tỉnh Sa Đéc), trừ phần đất ở phía đông bắc kênh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kênh số 4 nối dài (nhập vào tỉnh Mộc Hóa). Phần đất tỉnh Mỹ Tho ở phía tây một đường ranh giới được quy định như sau: kênh số 4 tới vàm kênh Tổng đốc Lộc và kênh Tổng đốc Lộc tới Mỹ Hiệp. Tương ứng với các vùng Hồng Ngự, Đồng Tiến, Thanh Bình, Cao Lãnh, Mỹ An và Kiến Văn ngày nay.


Phần –X

 ________________________________

19) Tỉnh An Xuyên

     Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1956, tỉnh Cà Mau bây giờ có tên là tỉnh An Xuyên, tỉnh lỵ có tên là thị xã Cà Mau. An Xuyên là một trong 22 tỉnh vào thời Việt Nam Cộng hòa tỉnh lỵ là thị xã Quản Long, tồn tại trong giai đoạn 1956-1975. Tưởng cũng nên nhắc lại, An Xuyên là tên chính thức được sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rõ, dưới thời triều Nguyễn, An Xuyeen thuộc tổng Quản Long. Ngày 9 tháng 3 năm 1956, theo Sắc lệnh 32/VN, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa lấy quận Cà Mau và 4 xã của quận Giá Rai là Định Thành, Hoà Thành, Tân Thành, Phong Thạnh Tây lập thành tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ ban đầu có tên là Cà Mau. Đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để thay đổi địa giới và tên của các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam. Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên, còn tỉnh lỵ đổi tên là "Quản Long". Ngày 5 tháng 8 năm 1957, tỉnh An Xuyên bao gồm 6 quận, 23 xã: 1) Quận Quản Long gồm 4 xã; quận lỵ: Quản Long. 2) Quận Cái Nước gồm 6 xã; quận lỵ: Cái Nước Ngọn. 3) Quận Đầm Dơi gồm 4 xã; quận lỵ: Tân Duyệt. 4) Quận Thới Bình gồm 4 xã; quận lỵ: Thới Bình. 5) Quận Năm Căn gồm 2 xã; quận lỵ: Năm Căn. 6) Quận Sông Ông Đốc gồm 3 xã; quận lỵ: Cửa Sông Ông Đốc.

Tận vùng cực Nam của tổ quốc thân yêu, cách Sài Gòn khoảng 380 cây số, là một dãy đất phù sa màu mỡ, không kém bất cứ một vùng nào từ Bắc chí Nam, đó là vùng Cà Mau. Tuy là vùng tận cùng của đất nước và ít được các Chúa để ý khai thác đúng mức thì đến lúc bị thực dân Pháp xâm chiếm, chúng chẳng những không xây dựng mà chỉ một bề khai thác tất cả những tài nguyên sẵn có trong suốt gần một thế kỷ. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam thì vùng Cà Mau, chưa kịp được phát triển đã trở nên hoang vu vì chiến tranh Nam Bắc. Chính vì vậy mà Cà Mau chưa bao giờ được khai khẩn và bảo vệ đúng mức. Tuy nhiên, cho đến nay thì không ai có thể chối cãi được sự ưu đãi của thiên nhiên cho vùng đất “Mũi” này. Về lịch sử thì khoảng năm 1757, nước Cao Miên có loạn, vua Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên, Mặc Thiên Tứ xin với Chúa Nguyễn cho người hộ tống Nặc Tôn về nước. Nhớ ơn ấy mà sau khi về nước, Nặc Tôn cắt cho Thiên Tứ 5 phủ là Châu Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bọt và Vũng Thơm để báo ơn. Mặc Thiên Tứ lại đem dâng toàn bộ đất đai ấy cho Chúa Nguyễn. Chúa cho lập các đạo Kiên Giang (Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (Cà Mau ngày nay) và sáp nhập vào trấn Hà Tiên. Dù thời đó các chúa Nguyễn không đặt ưu tiên cho việc khai khẩn vùng Cà Mau, nhưng ngay dưới thời Mạc Cửu, ông đã đưa lưu dân về định cư khẩn đất tận các vùng có giồng cao ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bãi Hạp và những phụ lưu khác, nên đến đời Gia Long thì những vùng này đã thành xóm thành làng rồi. Về địa thế, Bắc giáp Chương Thiện và Rạch Giá, Nam giáp biển Đông, Đông giáp Bạc Liêu và Tây giáp Vịnh Thái Lan. Nghĩa là hơn hai phần ba chu vi của Cà Mau được bao bọc bởi biển. Theo tài liệu của Ty Thông Tin Cà Mau năm 1970, Cà Mau rộng khoảng 495.120 mẫu Tây với một bờ biển dài trên 300 kí lô mét. Tuy nhiên chỉ có một phần nhỏ (khoảng 1/20) là đồng ruộng có thể trồng lúa nước được, còn lại một phần tư (1/4) là rừng tràm, đước, vẹt, mắm, giá, vân vân. Vì Cà Mau là vùng tận cùng của đất nước và gần đường xích đạo nhất nên khí hậu tại đây luôn nóng và ẩm, mưa nhiều. Tuy nhiên, nhờ có trên 300 cây số bờ biển nên khí hậu Cà Mau tương đối điều hòa. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản lập lại ranh giới cho địa phận Cà Mau. Diện tích toàn tỉnh Cà Mau là 5.195 cây số vuông, với tổng dân số 1.176.000 người. Về vị trí, Bắc giáp Rạch Giá, Đông Bắc giáp Bạc Liêu, Đông và Đông Nam giáp biển Đông, Tây và Tây Nam giáp Vịnh Thái Lan. Hiện tại Cà Mau gồm thành phố Cà Mau và sáu quận: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần văn Thời, U Minh, và Thới Bình. Dân Cà Mau luôn cần cùchịu đựng dưới đủ thứ tai trời, ách nước, họa người, nhưng lúc nào họ cũng sống hài hòa giữa rừng và biển. Tuy nhiên, dưới bất cứ thời nào, dân Cà Mau cũng quần quật mà vẫn cơm không đủ ăn, mặc không đủ ấm. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên họ phải bỏ làng bỏ quê ra tỉnh làm thuê làm mướn. Rồi sau năm 1975, họ tiêu diệt giai cấp địa chủ phong kiến để thành lập một gia cấp khác còn bóc lột tàn độc hơn giai cấp địa chủ phong kiến ngày trước nữa.

     Cà Mau có lẽ là được gọi trại ra từ chữ “Khmau” của tiếng Miên, có nghĩa là nước đen. Thật vậy, vùng Cà Mau là vùng có bùn đen lại thêm bạt ngàn những cánh rừng tràm, đước, vẹt, mắm và giá nên mủ của lá rụng xuống nhuộm toàn vùng một màu nước đen ngầu. Tuy nhiên, đây là một vùng tiềm tàng những tài nguyên phong phú của đất nước. Vùng này ngoài đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú, lại được thiên nhiên ưu đãi về thủy sản. Cũng như các vùng khác ở Nam bộ, Cà Mau trước đây thuộc vương quốc Phù Nam, rồi sau đó là lãnh thổ Thủy Chân Lạp thuộc vương quốc Cao Miên. Trong thời các Chúa Nguyễn đang tiến về phương Nam tìm đất nhằm giải quyết vấn đề cân bằng lãnh thổ với các chúa Trịnh ở phương Bắc và tình trạng dân số tăng nhanh ở trong Nam. Hiện tại các cổ vật thuộc văn hóa Phù Nam và Chân Lạp vẫn còn tìm thấy ở những vùng thuộc huyện Thới Bình và tỉnh lỵ Cà Mau. Vào cuối thế kỷ thứ 17, Mạc Cửu dẫn một nhóm người Hoa đến khai khẩn Hà Tiên, rồi sau đó hiến dâng vùng đất này cho chúa Nguyễn vào năm 1714. Sau đó, con ông là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn các vùng Rạch Giá, Long Xuyên (bây giờ là Cà Mau), Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ. Cũng từ đó cư dân Cà Mau được thành hình, chủ yếu là di dân từ các vùng khác như Vĩnh Long, Sa Đéc, An Giang, Cần Thơ, vân vân. Hiện nay dân số Cà Mau gồm chính yếu là người Việt, người Hoa và người Khmer. Chính vì thế mà truyền thống văn hóa, lễ hội ở đây cũng được kết hợp một cách hài hòa giữa các sắc dân này. Ngoài lễ Tết cổ truyền Việt Nam, còn có những lễ hội của người Khmer như lễ Chôl Chnam Thmây, lễ Đôlta, vân vân. Dân Cà Mau, ngay từ thời mới đổ xô đến khai khẩn đã gắn liền cuộc sống với kinh rạch, sông nước và ghe thuyền.

     Vào khoảng những thập niên 1770s đến 1780s, trong khi Tây Sơn hưng khởi thì hiện tình các chúa Nguyễn trong Nam vô cùng bi đát vì nạn tham quan ô lại và lộng quyền của Trương Phúc Loan và phe nhóm. Đến khi bị quân đội Tây Sơn truy kích quá gắt, Nguyễn Ánh đã nhiều lần chạy về trú ẩn tại vùng Cà Mau, đợi thời cơ gầy dựng lại quân đội để khôi phục lại vương triều nhà Nguyễn. Trong khoảng thời gian này Nguyễn Ánh đã bôn ba khắp các vùng từ Long Xuyên (nay là thị xã Cà Mau), Cái Tàu, Cái Rắn (xóm Long Ẩn, hiện tạiLong Hưng vẫn còn một nền đất cao, người ta nói là đồn binh của nguyễn Ánh, và một cái ao nước ngọt quanh năm được gọi là “Ao Ngự”), Rạch Cui, Rạch Muỗi, Ông Tự, Ao Kho (xã Hòa Thành), Giá Ngự (xã Tân Hưng)... Nhân dân vùng Cà Mau đã góp công sức và tài lực rất nhiều cho Nguyễn Ánh trong chiến dịch giành giựt giang sơn với nhà Tây Sơn. Tại đây Nguyễn Ánh đã được rất nhiều người theo phò tá như Dương Công Trừng, Ngô Văn Lựu và Trần Phước Chất, v.v. Khoảng cuối năm Năm 1770, quân đội Tây Sơn càn quét toàn vùng Cà Mau nên Nguyễn Ánh lại phải bôn tẩu ra hòn Thổ Châu để chạy sang cầu cứu viện binh của Xiêm La (Thái Lan). Tại đây nếu không nhờ Đô Đốc Thủy Binh Nguyễn văn Vàng mặc hoàng bào làm Lê Lai cứu chúa thì Nguyễn Ánh không cách chi thoát thân được. Gia Long thứ bảy (1808), cả vùng quanh Cà Mau được đổi thành huyện Long Xuyên. Tuy nhiên, mãi đến thời vua Minh Mạng (1820), nhà vua mới phân định huyện Long Xuyên trực thuộc tỉnh Hà Tiên và bổ nhiệm quan Tri Huyện đến cai trị. Đến thời Pháp thuộc Cà Mau thuộc tỉnh Bạc Liêu và là vùng đất có nhiều Pháp kiều đổ xô về khai khẩn, nên họ cho đào nhiều kinh để vận chuyển lúa thóc về Bạc Liêu. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, họ bổ nhiệm viên Quận Trưởng người Pháp đầu tiên của Cà Mau là Mélaye. Sau đó người Pháp bắt đầu bổ nhiệm Đốc Phủ Sứ người Việt Nam tuần tự là các ông Đốc Phủ Y, Đốc Phủ Báu, Đốc Phủ Trứ, và sau cùng là Đốc Phủ Phước. Cà Mau nguyên là tên do người Khmer đặt, về sau người Việt chúng ta đọc trại từ “Khmau” thành Cà Mau. Dọc theo bờ biển là hòn Khoai, nằm trong biển Đông và hòn Đá Bạc nằm trong vịnh Thái Lan. Cà Mau được bao bọc hai phía Đông và Nam bởi biển, bên trong Cà Mau thì chi chít những sông, kinh và rạch. Cà Mau có 7 sông lớn xẻ dọc xẻ ngang gồm những sông Ông Đốc, sông sông Bảy Hạp, sông Cái Lớn (Cửa Lớn), sông Gành Hào, sông Đầm Dơi, sông Trèm Trẹm, và sông Bạch Ngưu tạo thành những cửa biển lớn. Chảy ra vịnh Thái Lan có sông Trèm Trẹm dài khoảng 30 cây số, chảy từ Thới Bình qua Tân Bằng và Cán Gáo, đến Xẽo Rô rồi đổ ra sông Cái Lớn ở Rạch Giá. Rạch Cái Tàu. Rạch Cái Tàu, dài khoảng 25 cây số, chảy ngang qua Cái Tàu, Lâm An, Biện Nhị rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Sông Ông Đốc, dài khoảng 60 cây số, bên hữu ngạn chảy ngang qua các xóm Rạch Giếng, Rạch Cui, Rạch Ráng; bên tả ngạn chảy ngang qua các xóm Cán Dù, Nổng Kè, Tắc Thủ, Ông Tư, Rạch Vọp và Bà Kẹo, rồi đổ ra Vịnh Thái Lan tại cửa Sông Ông Đốc. Sông Đồng Cùng, dài khoảng 22 cây số, sông rộng mà cạn, có nơi rộng đến 1 cây số, sông này không ăn thông với sông nào, nhưng từ khi có kinh xáng Bà Kẹo, nước sông mới được lưu thông với kinh này. Sông Bảy Hạp, dài khoảng 55 cây số, chảy từ Rạch Muỗi qua Cái Keo, vàm sông cạn nên tàu bè không ra vô được. Sông Cửa Lớn, dài khoảng 50 cây số, chảy xuyên qua các xóm Tam Giang, Xóm Lớn, Hàng Vịnh, Năm Căn, Cây Me và Ông Trang, rồi đổ ra biển tại vàm Ông Trang. Đây là con sông sâu nhứt và nước chảy mạnh nhứt tại Cà Mau. Sông Đầm Dơi, dài khoảng 30 cây số, chảy qua xóm Ruộng, Đầm Dơi, Bàu Sen, và Vàm Đầm. Sông Đầm Chim, dài khoảng 25 cây số trong xã Tân Thuận. Tại ngã ba sông Đầm Dơi tạo thành một cái vàm lớn gọi là Vàm Đầm. Sông Rạch Chảo, dài khoảng 10 cây số, chảy xuyên qua rừng vẹt, đước, dừa nước và chà là. Sông Cái Ngay, dài khoảng 20 cây số, thuộc xã Thuận Hòa, lòng sông sâu, nước chảy mạnh, nên khi ra đến ngã ba Tam Giang thì tạo ra một vùng nước xoáy rất lớn. Chảy ra biển Đông có rạch Đường Kéo dài trên 30 cây số, sông Bồ Đề dài 10 cây số, bắt nguồn từ sông Cửa Lớn chảy ra cửa Bồ Đề. Sông Gành Hào dài khoảng 55 cây số, bắt nguồn từ rạch Giồng Kè chảy ra cửa Gành Hào. Cà Mau còn có kinh xáng Cà Mau-Bạc Liêu, dài khoảng 64 cây số, đào năm 1914, đất lấy lên đắp con đường đi Cà Mau Bạc Liêu. Kinh Gành Hào-Bảy Háp, dài khoảng 10 cây số, nối liền sông Gành Hào và Bảy Háp, vì chảy ngang qua điền Đội Cường nên dân địa phương còn gọi là Kinh Xáng Đội Cường. Kinh Gành Hào-Hộ Phòng, dài khoảng 18 cây số, đi từ Gành Hào đến Hộ Phòng. Kinh Tắc Vân-Gành Hào, dài khoảng 10 cây số, nối Tắc Vân với Gành Hào. Kinh Sông Trẹm-Cái Lớn, dài khoảng 24 cây số, nối hai sông Trèm Trẹm và Cái Lớn. Kinh Kiểm Lâm, dài khoảng 32 cây số, từ Cái Tàu, ra Đá Bạc ở vịnh Thái Lan. Kinh Kiểm Lâm, dài 10 cây số, nối liền Cái tàu với sông Ông Đốc. Kinh Biện Nhị, dài 17 cây số, nối rạch Tiểu Dừa với vịnh Thái Lan. Kinh Xáng Bà Kẹo, dài 7 cây số, nối hai sông Ông Đốc và Đồng Cùng. Kinh Đồng Cùng, dài 10 cây số, sông Đồng Cùng với ngã ba Đình. Kinh Bà Bèo, dài 3 cây số, thuộc xã Tân Hưng, nối rạch Nàng Âm với sông Bảy Háp. Kinh Cái Rắn-Ông Tự. dài 4 cây số, nối liền hai xóm Cái Rắn và Ông Tự. Kinh Mương Điều, dài 4 cây số, nối Mương Điều với Xóm Ruộng. Kinh 16, dài khoảng 16 cây số tại châu thành Cà Mau do viên quận trưởng Pháp Mélaye bắt dân đào vào những năm 1870-1872. Nói đến Cà Mau là chúng ta liên tưởng đến rừng Cà Mau ngút ngàn những tràm, đước, vẹt, mắm, giá, su, dà, cóc, kè, vông, mốp... Chính vì vậy mà Cà Mau nổi tiếng về củi và than. Tuy nhiên, Cà Mau còn rất nổi tiếng về thủy sản và hải sản như cá, mắm, tôm khô, sò huyết, nghêu, vọp, hàu, ba khía, ốc len, cua gạch, tôm, tép, kỳ đà, sấu, rùa, cua đinh, càng đước, lươn, đuôn chà là, khỉ, lọ nồi, chim đủ loại từ mỏ nhát, cu xanh, vịt nước, chim quốc, đến đà điểu (một loại chim lớn), mật ong và sáp ong, vân vân luôn là những món hàng xuất khẩu nổi tiếng từ xưa đến nay tại Cà Mau. Đặc biệt, tại quận Đầm Dơi là nơi nổi tiếng có đủ các loại dơi, có lẽ vì vậy mà nó mang tên “Đầm Dơi.” Ngoài ra, dân Cà Mau còn phát triển chăn nuôi như heo, gà, vịt, trâu, bò, vân vân, cũng dư dùng trong tỉnh và còn chở đi phân phối cho các nơi khác. Bên cạnh đó dân Cà Mau cũng làm ruộng muối, nhưng muối Cà Mau đen và phẩm chất không bằng muối vùng Bạc Liêu. Ngay thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ Lục Tỉnh, đừng nói chi Cà Mau, mà ngay cả những vùng Phụng Hiệp và Sóc Trăng hãy còn rất nhiều heo rừng, voi và cọp. Theo Truyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký thì 20 năm sau ngày Pháp chiếm Nam Kỳ, thì tại Gò Quao (quận Kiên Hưng thuộc tỉnh Chương Thiện trong thời VNCH) cọp vẫn còn rất lộng hành, ban ngày ban mặt mà chúng dám lang thang xuống bãi sông để tìm mồi, để bị kẹt đuôi trong đám dừa nước, ý nói chúng cả gan dám bỏ rừng sâu mà bén mảng đến các xóm nhà ven sông, nơi mà chúng dễ dàng bị phát giác và tiêu diệt. Thật tình mà nói hồi Tây mới vô đánh nước mình thì cả một vùng rộng lớn từ Rạch Giá xuống Cà Mau, qua Bạc Liêu, Sóc Trăng hầu như hãy còn rất hoang vu và có rất ít cư dân. Ngoài khơi thì chỉ lác đác vài chiếc ghe đánh lưới của người Hải Nam, còn trên bờ chỉ lưa thưa vài cụm nhà của những người Triều Châu và Phước Kiến qua đây lập nghiệp từ thời ông Mạc Cửu, còn thì đi sâu vô các gò chỉ có các phum sóc của người Miên, gốc gác ông bà họ đã ở đây từ lâu đời lắm, có lẽ ngay từ sau khi người Phù Nam vong quốc vào khoảng giữa thế kỷ thứ bảy. Nói đến vùng Cà Mau và U Minh thì ai cũng tưởng đó là xứ “Khỉ ho cò gáy” không được chút ánh sáng văn minh nào chiếu rọi vào, hoặc là xứ không có chính phủ, vì thời ấy đa phần những phần tử “Đầu trộm đuôi cướp” đều chạy về đây lẩn trốn, vân vân. Nhưng kể từ hồi Nguyễn Ánh chạy trốn nhà Tây Sơn thì ông ta có lần bôn tẩu đến những vùng Tân Bằng, Cán Gáo, Rau Dừa, Cái Nước, vân vân, nên khi ông đi đến đâu thì dân chúng và các cựu thần của các chúa Nguyễn cũng đi theo cất nhà nhà lập làng đến đó, đến khi Nguyễn Ánh ra đi thì có người ở lại và nhận nơi nầy làm quê hương, chính vì thế mà trong rừng sâu nước mặn ấy mãi đến sau này vẫn còn có nhiều bậc kỳ lão, con cháu của các cựu thần văn võ nhà Nguyễn thời Gia Long tẩu quốc, tuy nghèo và sống đời thanh bầnđạo đức, nhưng lại làu thông chữ nghĩa và kinh sử, hay võ nghệ đầy mình. Đó là những vùng ven biển, chứ càng đi sâu vô nội địa thì mãi đến năm 1945 có nhiều nơi rừng rậm hãy còn dày đặc và chưa có cư dân, như những vùng từ Ấp Lục (Giồng Riềng) đi xuống Trà Ban và Gò Quao... Sự thật thì những vùng này đã có người Miên ở từ lâu, nhưng họ không chịu sống chung đụng với người Việt nên thường thì họ rút sâu trong các giồng đất cao mà tạo thành phum sóc cho riêng họ. Thế nên cả vùng từ vàm sông Cái Lớn xuống tận Gò Quao và Kiên Long vào giữa thế kỷ thứ 19 hãy còn hoang vu với toàn rừng ủng nước, trên bờ có cọp tự do đi lại, dưới nướcthủy cung của các loài cá sấu, kỳ đà... Ngay cả thời kỳ Pháp vừa chiếm Nam Kỳ, chèo ghe ban ngày vẫn thấy sấu nổi trước mũi ghe, nói chi đến ban đêm, ô hô, những cặp mắt sấu như những ánh đèn pha từ xa rọi lại. Còn vào lúc chạng vạng thì chao ôi tiếng cọp rống vang dội khắp nơi nơi. Lúc chính phủ thuộc địa vừa khuyến khích cư dân các vùng khác tới Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng để khẩn hoang lập ấp thì nhiều nhất là cư dân của hai vùng Vĩnh Long và Cần Thơ đua nhau xin đi, có lẽ thời đó các vùng như Vĩnh Long và Cần Thơ đã được đô thị hóa nên cuộc sống ngày càng khó khăn. Theo các ông bà già xưa kể lại thì ông bà mình lúc mới xuống khai khẩn các vùng rừng rậm phải đối đầu với không biết bao nhiêu là khó khăn gian khổ, lớp thì sơn lam chướng khí, lớp thì thú dữ khắp nơi đang rình rập, lớp muỗi mồng, lớp không có nước ngọt, vân vânvân vân, nhưng các thế hệ cha ông đã kiên cường vượt qua hết những trở ngại để biến vùng đất mà chưa có dân tộc nào dám cho dân mình định cư thực thụ như vùng Nam Kỳ thời đó. Thời Phù Nam thì họ cũng chỉ co cụm tại những vùng Ốc Eo, Đồng Tháp, Tây Ninh... mà thôi, đến thời Chân Lạp thì dân họ chỉ rút lên các giồng đất cao chứ không dám bén mảng vào rừng khai phá. Ông bà mình đã biết dùng thế “Mạnh dùng sức, yếu dùng thế”. Lúc bấy giờ khắp vùng U Minh từ miệt Rạch Giá đổ xuống Tân Bằng, Cán Gáo, Thới Bình..., cọp sống nhan nhản trong các rừng rậm ven sông, còn cá sấu thì đi ngược lên các ngọn rạch giữa rừng tràm làm khu an toàn, dù sở trường của chúng vẫn là nơi có nước sâu, nhưng sình lầy lại cũng là những lợi điểm cho chúng. Tuy thích ăn thịt người hơn vì được thịt nhiều, nhưng không phải dễ bắt nên sấu vẫn phải tìm cá làm món ăn chính. Trong khu U Minh Hạ có loại tràm thủy, nơi các loại cá sanh sôi nẩy nở rất nhanh, nên thường thì sấu rút sâu vào rừng chứ không ra các vàm. Đến mùa khô thì sấu không trở ra sông mà chúng gom vào các lung, đìa hay đầm trủng nước mà lập căn cứ, sanh con đẻ cháu từ năm này qua năm khác, đến khi người Việt Nam mình bắt đầu đi vào các vùng này thì họ đã gặp phải từng đàn từng bầy sấu, chứ không phải vài con hay vài chục con nữa. Thuở đó ngay giữa rừng nếu có một cái đìa lớn khoảng một công đất (nghĩa là khoảng chừng 1.000 thước vuông) mà có đến hàng trăm, có khi hàng ngàn con sấu lớn nhỏ thì đủ biết loài sấu đã thống trị rừng U Minh từ bao đời rồi, nhiều khi chúng không tỏ một chút gì sợ sệt con người, mà ngược lại, khi thấy con người đi vào khu an toàn của chúng, chúng còn chí chóe hè nhau bao vây và tấn công người ta nữa là khác. Biết sấu không thích ở những vùng nước sâu, mà chỉ thích ở trong các ngọn cạn, biết cọp chỉ thích ở những khu rừng già rậm rạp dọc theo bờ sông lớn chứ không thích ở những vùng rừng chồi hay lau sậy nên ông bà ta chèo ghe tiến thẳng vào tới vàm rạch nhỏ nơi chỉ có rừng chồi, nhưng lại là nơi có nước chảy sông sâu, để phác hoang lau sậy cất nhà và làm ruộng rẫy, như vậy vừa sản xuất tức thời mà cũng vừa tránh được nạn cọp và cá sấu nữa. Bây giờ rải rác khắp nơi chúng ta vẫn còn thấy rất nhiều loại Miếu Ông Hổ đủ chứng tỏ cho thấy ngày đó ông bà chúng ta rất ngán sợ cọp đến nỗi phải lập miếu thờ để cho mấy ông đừng khuấy phá. Thật tình mà nói, vì dòng thác con người phải tiến để tìm đất sống, chứ khi dòng thác người của chúng ta tiến về phương Nam như vậy, mấy ông hổ chắc cũng sợ con người không kém chi con người sợ mấy ổng. Dân mình cứ tiến vào phá rừng lập ấp, hễ mình tiến tới đâu thì mấy ông hổ phải tản mác hay lui đi tìm nơi khác mà hùng cứ. Rừng Cà Mau hiện tại không còn nhiều thú dữ nhưng vẫn còn heo rừng ở xóm Thủ, Cái Ngay, Cái Tàu; nai ở Cái Tàu. Về cọp thì có lẽ hiện nay Cà Mau không còn nữa. Cà Mau còn nổi tiếng về các loại rắn từ hổ đất, hổ lông, hổ mang, hổ ngựa, hổ lửa, hổ hành. Vì bạt ngàn rừng tràm, vẹt và đước, nên Cà Mau hãy còn là căn cứ địa của rất nhiều chim chóc như gà đãy, bồ nông, nhạn sen, cò ngà, diệc, diên điển, cồng cộc, dồng dộc, le le, cu, mỏ nhát, manh manh, ốc cao, quạ, kéc, sáo, trau trảu, vân vân. Về thổ sản, Cà Mau còn trồng lúa, tuy không sản xuất nhiều như những vùng đất thuộc, nhưng cũng dư dùng trong tỉnh. Ngoài ra, nông dân Cà Mau còn trồng các loại đậu, các loại dưa, rau quả, dù không nhìu như những vùng Cần Thơ hay Sóc Trăng, nhưng cũng dư dùng cho người dân trong tỉnh.

     Về giao thông, Cà Mau là tỉnh cuối cùng của đất nước, nơi chấm dứt quốc lộ 4. Quốc lộ 4 (nay là QL 1) từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu (114 cây số) đến Cà Mau dài khoảng 180 cây số. Vào thời đệ nhất Cộng Hòa (1954-1963), chánh quyền dự tính xây dựng liên tỉnh lộ đi từ Cà Mau đến các quận Thới Bình, Năm Căn, Đầm Dơi, vân vân. Chánh quyền thời ấy còn dự tính tái thiết lại con đường nối liền Cà Mau với các quận Kiên Long, Kiên Hưng, Ấp Lục (thuộc tỉnh Chương Thiện), đi đến Rạch Sỏi và Rạch Giá, nhưng chưa kịp thì chiến tranh đã bùng nổ khắp nơi nên mãi đến năm 1975, những con đường đó vẫn còn nguyên trạng thái “đá xanh” như dưới thời Pháp thuộc. Vì không tái thiết được đường bộ nên Cà Mau hoàn toàn lệ thuộc vào “thủy lộ”. Thời Pháp thuộc, con đường từ Cà Mau đi Rạch Giá lót đá xanh, nay đã được tráng nhựa, dài khoảng 130 cây số. Từ tỉnh lỵ đến Tắc Vân thuộc quận châu thành Quản Long là 12 cây số, quốc lộ 16 có tráng nhựa. Từ Cà Mau đi Năm Căn 53 cây số, trước đây lót đất nung, nay đã được tráng nhựa và nối dài đến vùng Mũi Cà Mau (bây giờ gọi là Ngọc Hiển). Hiện nay, quốc lộ 1A chạy xuyên suốt từ Hà Nội đến tận Cà Mau, Cái Nước, Năm Căn. Từ Cà Mau có liên tỉnh lộ 63 đi Vĩnh Thuận và về tới Minh Lương (thuộc Rạch Giá). Từ thành phố Cà Mau có tỉnh lộ 112 đi quận Thới Bình. Quận lỵ Năm Căn nằm ở phía Đông của Vịnh (Bảy Hạp và Cửa Lớn), nơi hai con sông Bảy Hạp và Cửa Lớn đổ ra vịnh Thái Lan. Trước năm 1975, Năm Căn đã có phi trường, tuy không lớn, nhưng các loại vận tải cơ C47 và C123, cũng như trực thăng có thể đáp được. Cảng Năm Căn ra biển bởi sông Cửa Lớn, có thể dung chứa tàu bè cỡ 5.000 tấn, tuy nhiên, muốn tránh nạn tàu mắc cạn, chính quyền cần vét nạo lại bến bãi vì phù sa sông Cửa Lớn thuộc loại nặng nên lắng đọng xuống lòng sông rất nhanh. Trước năm 1975, Năm Căn sản xuất rất nhiều than đước (loại than nổi tiếng của Việt Nam), thủy sản và hải sản nổi tiếng của Năm Căn là tôm khô, cá khô, cua, sò huyết, vân vân. Từ Cà Mau đi Thới Bình 36 cây số, nay cũng được tráng nhựa, tuy không rộng lắm. Mũi Cà Mau là mũi đất tận cùng của đất nước. Ngày trước ở đây có một bãi bùn rất lớn, tuy nhiên, với mức độ đất lở bên phía biển Đông lên tới 4 hay 5 cây số trong vòng 60 năm, hiện giờ thì bãi bùn bị thu hẹp lại rất nhỏ. Ngược lại, về phía vịnh Thái Lan thì đất bồi rất nhanh, đó cũng là định luật tất nhiên của thiên nhiên, hễ bên bồi thì phải có bên lở. Hồi trước khi đa số dân chúng còn xài than củi thì Cà Mau là vựa than củi chính cho cả Nam Kỳ Lục Tỉnh, từ củi đước than đước đến củi vẹt than vẹt đều rất nổi tiếng. Tuy nước mắm Cà Mau không nổi tiếng như Phan Thiết hay Phú Quốc, tuy nhiên cũng khá nổi tiếng, đủ cung cấp trong tỉnh và có khi còn sản xuất đi các vùng lân cận nữa. Dân Cà Mau đa số theo đạo Phật và thờ ông bà, còn một số ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao ĐàiHòa Hảo. Hiện nay tại tỉnh đã có vài trường trung học và ở mỗi quận đều có trường trung học công lập và bán công. Tại Cà Mau, hiện tại còn một số đình miếu cổ như đình Tân Xuyên, không rõ xây năm nào nhưng được vua Tự Đức sắc phong năm 1880. Tại thị xã Cà Mau có chùa Quan Âm, do Hòa Thượng Tô Quang Xuân xây dựng vào giữa thế kỷ thứ 19. Kiến trúc hiện nay là do Hòa Thượng Thiện Tường trùng tu năm 1936. Hiện trong chùa vẫn còn bia “Sắc Tứ Quan Ân Cổ Tự” và tháp của Hòa Thượng Trí Tâm. Chùa Cư Sĩ Tịnh Độ Hưng Quảng, được dựng lên từ năm 1950, trong chùa có phòng thuốc nam phước thiện, hoạt động từ năm 1954 đến nay. Chùa Bà Mã Châu và chùa Ông Bổn trong trung tâm tỉnh lỵ tại ngã ba Gành Hào. Đây là hai ngôi chùa được dân buôn bán sùng bái nhất, nhất là những Hoa Kiều. Tại chùa Bà Mã Châu thì hàng năm đến rằm tháng giêng, bá tánh từ khắp tỉnh lỵ Cà Mau và ngay cả những người ở các vùng quê cũng đổ xô lên chiêm bái. Chùa Ông Bổn cũng được người địa phương sùng bái, nhứt là Hoa Kiều. Chùa được vua Tự Đức sắc phong năm 1850. Miễu Ông Thần Minh, thờ ông huyện Nguyễn Hiền Năng, có sách viết là Nguyễn Thiện Năng, người đã có công dẹp loạn Khách Trú và đem lại trị an cho đồng bào trong thời vua Minh Mạng, nên được vua phong làm tri Huyện. Sau đó cả nhà ông bị dòng họ Quách giết sạch. Nên ngày nay vẫn còn câu vè về trai họ Quách lấy vợ Cà Mau, nhưng tôi chỉ nhớ mang máng chứ không rõ lắm. Chùa Cô Hồn do hai bang Hẹ và Hải Nam cùng xây dựng. Từ khoảng cầu Quay Cà Mau đi Ô Rô có một cái miễu nhỏ, người dân địa phương gọi là miếu Gia Long. Miếu do vua Gia Long hạ chỉ xây cất để thờ những khai quốc công thần. Tại rạch Ông Trang (gần vàm) tại xã Viên An, có ngôi miếu Cá Ông, thờ bộ xương cá ông đã tấp vào vàm Ông Trang đã lâu lắm chớ không biết hồi nào. Cà Mau là vùng mới, đất rộng người thưa, dù đã được khai khẩn nhưng sơn lam chướng khí hãy còn. Cà Mau còn là nơi dung chứa và dựng nghiệp của rất nhiều người lở cơ thất vận ở các nơi khác. Từ thuở hoang sơ, người dân đi mở đất về hướng Cà Mau tại những vùng không khẩn hoang được, đã biết sống bằng các nghề đốn củi, lưới cá và ăn ong (bắt tổ ong)... những nghề không cần vốn mà chỉ cần sức mạnh và sự gan dạ. Người xưa thường nói “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá,” không biết phải xếp nghề “ăn ong” vào hàng thứ mấy đây vì so với hai nghề kể trên thì nghề ăn ong còn nguy hiểm hơn nhiều, chẳng những phải dùng sức, mà còn phải dùng trí và sự gan dạ nữa. Một người làm nghề “ăn ong” không thể nào không thể bị ong đánh, nhưng nếu có bị ong đánh, thì họ chỉ phủi nhẹ rồi tiếp tục công việc của mình, làm như không có chuyện gì xảy ra cả, có lẽ máu huyết của họ đã quen rồi chất độc của các loài ong. Kế nữa lại có nghề “bắt rắn.” Các bô lão trong rừng U Minh thường kể lại những giai thoại về nghề “bắt rắn” như những truyện thần thoại cổ tích “Ngàn Lẽ Một” của xứ Ba Tư. Thuở ấy có một số thầy rắn người Chà Và, vô rừng U Minh thổi sáo và đùa giỡn với rằn như loài gia cầm trong nhà. Mấy ổng giỡn với rắn con, rắn mẹ, rắn cha, khi bị rắn cắn thì mấy ổng chỉ phì cười như không có chuyện gì xảy ra, có lẽ gì máu huyết của mấy ổng đã quen quá rồi với các loại nọc rắn. Trong thời trốn chạy Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã nhiều lần chạy trốn ở Cà Mau và được các ông Dương Công Trừng, Ngô Công Quí và Trần Phúc Chất theo phò trợ. Ngoài ra, thời Gia Long tẩu quốc, tại Cà Mau có một nữ nhi tên Ngô thị Lựu, đã từng theo vua qua Vọng Các và giữ đến chức cai đội. Về tôn giáo, như trên đã nói, Cà Mau là đất dung chứa tất cả những ai lỡ cơ thất vận, nên ai ai cũng đổ xô về đây lập nghiệp. Đời sống của dân Cà Mau, nhất là dân ở vùng nông thôn, thật thà chất phác. Cuộc sống của họ gắn liền với mảnh đất thân yêu được chính họ hay cha anh họ đã khai khẩn. Họ sống chung với mọi người trong niềm yêu thương hòa hợp. Tuy rằng trong lịch sử cũng đã có một đôi lần người Hoa kiều được người Tân Gia Ba hỗ trợ, đã nổi lên giết chết quan tri huyện Năng và làm xáo trộn đời sống nhân dân, nhưng đây chỉ là một trong những trường hợp cá biệt, còn đa phần dân tứ xứ tại đây chung sống rất hòa hợp. Cũng chính vì thế mà Cà Mau cũng mang một sắc thái tôn giáo hỗn hợp đặc biệt. Tại tỉnh lỵ Cà Mau, có rất nhiều đình chùa như đã nói ở trên. Ngoài ra, còn có những thánh thất Cao Đài, những nhà độc giảng của Phật giáo Hòa Hảo. Tuy đạo Thiên Chúa chỉ chiếm khoảng 7 phần trăm trên tổng số dân chúng, nhưng riêng tại Cà Mau đã có nhà thờ Chánh Tòa Thiên Chúa giáo và tại quận Hải Yến cũng có nhà thờ và giáo xứ thật lớn. Ngoài ra còn có nhà thờ tại Hòa Thành và Tân Lộc (Đầu Nai), đã bị chiến tranh tàn phá. Bờ biển Cà Mau chạy dài từ phía biển Đông qua vịnh Thái Lan với những bãi cát đen. Theo nghiên cứu địa chất thời VNCH thì hiện tại bờ phía biển Đông của Cà Mau đang bị dòng nước Đông Bắc Tây Nam xoáy mòn và có độ đất lở khá cao, trong khi bờ biển phía vịnh Thái Lan thì nước chảy yếu nên ngày càng bồi, nên vùng đất mũi ngày càng di chuyển gần về phía vịnh Thái Lan hơn. Phần ở chót mũi Cà Mau như vùng Ông Trang chạy ra đến mũi hầu như là nước mặn quanh năm, dân chúng ở đây, nếu không trữ được nước mưa, phải ra hòn Khoai lấy nước ngọt về xài. Hiện tại Cà Mau còn rất nhiều khu tuy không phải là hoang sơ, nhưng chưa bị khai thác một cách bừa bãi, toàn là rừng ngập nước mặn với đủ loại thực vật như mắm, giá, đước, vẹt, chà là, dừa nước... tạo nên một thảm thực vật phong phú và xanh tươi quanh năm với môi trường thiên nhiên trong lành nên có rất nhiều thú hoang và chim chóc đến trú ngụ như vùng giữa Thới Bình và thành phố Cà Mau hay khu phía Nam Năm Căn (chánh quyền Cộng Sản gọi là khu Ngọc Hiển), khu này rộng hơn 130 mẫu tây, và khu Đầm Dơi, vân vân. Diện tích mỗi khu trung bình trên 20 mẫu tây với đủ loại chim, cò, sếu, vạc, cồng cộc, le le, và thú hoang như cá sấu, khỉ, rắn, trăn, kỳ, đà, ba ba, vân vân. Do ảnh hưởng thủy triều, những khu rừng ngập mặn ở Cà Mau đã trở thành môi trường lý tưởng cho các loài tôm, cá, cua, vân vân, nên người dân vùng này đa phần làm nghề hạ bạc, bắt thủy hải sản và nuôi tôm.

Hồi Pháp mới chiếm Nam Kỳ, ban đầu họ dự định sáp nhập Cà Mau vào Sóc Trăng vì họ nghĩ rằng từ Cà Mau đi Sóc Trăng gần hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thời đó, từ Cà Mau đi Rạch Giá tuy xa nhưng có thể đi dọc theo đường biển bên phía vịnh Thái Lan chỉ mất khoảng hai ngày hai đêm nên cũng tiện, còn từ Cà Mau đi Sóc Trăng tuy đoạn đường ngắn hơn nhưng phương tiện đường biển đã không tiện vì quá nhiều bãi lầy, lại không có đường bộ, mà đường thủy từ Cà Mau về Sóc Trăng không thông thương, mùa mưa nước nổi thì mất 6 ngày, còn mùa nắng các kinh rạch ngoằn ngoèo lại khô cạn, nhiều đoạn phải dùng trâu kéo ghe qua những vũng lầy nên phải mất trên 10 ngày. Chính vì thế mà họ không sáp nhập Cà Mau vào Sóc Trăng. Về sau này khi tỉnh Bạc Liêu được thành lập, Pháp mới sáp nhập Cà Mau vào Bạc Liêu. Vùng Cà Mau vẫn còn rất nhiều vùng đất “mùn” (một loại bùn lỏng sềnh sệt, không làm gì được), chỉ có thể đem lên phơi khô làm than bùn chứ không làm gì được.

     Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, năm 1956, quận Cà Mau được đổi thành tỉnh An Xuyên. Tỉnh lỵ được đặt tại Cà Mau, gồm sáu quận Quản Long (có 4 xã là Tân Xuyên, Tân Lộc, Định Thành và Hòa Thành), Thới Bình (gồm 4 xã là Thới Bình, Khánh An, Khánh Long, và Tân Phú), Sông Ông Đốc (gồm 3 xã là Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây và Phong Lạc), Đầm Dơi (gồm 4 xã là Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Hòa và Tân An), Hải Yến (gồm biệt khu Hải Yến và 3 xã Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây và Hưng Mỹ), và Năm Căn gồm hai xã Năm Căn và Viên An. Sau hiệp định Genève năm 1954, Cà Mau là vùng “Tập Kết” của Việt Minh, chờ di chuyển ra Bắc. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, quận Hải Yến là vùng co cụm của giáo dân Thiên Chúa, triệt để chống Cộng với vị chủ chăn nổi tiếng “Cha Hải Yến” (người viết bài này không còn nhớ tên thật của cha Hải Yến). Tuy nhiên, ngay khi nền đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ thì Hải Yến không còn được sự yểm trợ từ trung ương nữa, nên khí thế chống Cộng cũng suy yếu dần và giáo dân tản mát về chợ Cà Mau hay lên Sài Gòn lập nghiệp. Về cực Nam của mũi Cà Mau, phía Tây Nam thị trấn năm Căn là Hòn Khoai, cách đất liền khoảng 15 cây số. Quần đảo Hòn Khoai bao gồm 5 đảo nằm sát nhau là Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tương với tổng số diện tích khoảng 4 cây số vuông tuy không lớn lắm và cách bờ khoảng năm cây số, nhưng trên hòn có rất nhiều mạch nước ngọt, dân chúng từ trong rẫy Chệt thường hay ra hòn lấy nước ngọt đem về uống quanh năm. Trên Hòn Khoai có đỉnh cao nhất có độ cao 318 mét. Không như các đảo khác ở miền Nam, Hòn Khoai là quần đảo đá, vì trải qua thời kỳ nước rút sau thời xâm thực cách nay trên 1.200 năm, những đất mềm bị dòng nước Đông Bắc Tây Nam cuốn trôi hết chỉ còn trơ lại là những hòn đá, vì vậy mà cây tạp không mọc nổi, rừng núi trong quần đảo Hòn Khoai hiện tại đa số là gỗ quý như dầu, sao, vên vên, và một ít gõ. Núi rừng và biển hòn Khoai là một trong những thắng cảnh, không thua bất cứ thắng cảnh nào trên các miền đất nước. Thời đệ nhị Cộng Hòa, hòn Khoai có một căn cứ Hải Quân rất lớn và một hải đăng hướng dẫn tàu bè đi từ Vịnh Thái Lan qua biển Đông. Về phía Vịnh Thái Lan, phía Bắc vàm sông Ông Đốc khoảng 27 cây số, có hòn Đá Bạc cách bờ khoảng 5 cây số, và hòn Chuối cách bờ khoảng 10 cây số. Cũng giống như Hoàn Khoai, hòn Đá Bạc được thành lập sau thời kỳ xâm thực cách nay trên 1.200 năm nên đây chỉ là một đảo đá, ít cây cối và ngày trước không có dân cư. Tuy nhiên, sau năm 1975, một số dân trên Cà Mau đã về đây lập nghiệp bằng nghề hạ bạc, cuộc sống dân chúng ở đây chưa được khả quan mấy. Hiện trên Hòn Đá Bạc còn nhiều cảnh đẹp như Sân Tiên, Giếng Tiên, Bàn Chân Tiên, Bàn Tay Tiên, và ngôi chùa thờ Cà Ong...

     Trước thời vua Minh Mạng chia Nam Kỳ ra làm sáu tỉnh thì miền đất nầy gồm 3 dinh và một trấn, đó là dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Trấn Phiên (Gia Định), dinh Long Hồ (Vĩnh Long) và Hà Tiên trấn. Đến đời Minh Mạng, Hà Tiên trấn bị bãi bỏ để thành lập tỉnh Hà Tiên. Thị xã Hà Tiên được thành hình cách nay trên 300 năm do một người Trung Hoa tên là Mạc Cửu, khai phá và xây dựng.    Về địa thế, tỉnh Hà Tiên bắc giáp Cam Bốt, Tây giáp vịnh Thái Lan, Đông giáp An Giang. Về phía Nam của tỉnh Hà Tiên thời Minh Mạng bao gồm luôn cả những vùng Rạch Giá, Thới Bình và Long Xuyên (Cà Mau). Thời vua Minh Mạng, tỉnh Hà Tiên gồm phủ An Biên, huyện Hà Châu, huyện Kiên Giang và huyện Long Xuyên (Cà Mau). Nghĩa là thời đó phía Nam Hà Tiên giáp đến biển Đông. Về khí hậu thì Hà Tiên có khí hậu nóng và ẩm. Từ tháng 5 đến tháng 10 có gió nồm (gió thổi từ hướng Nam lên) thổi mạnh. Từ tháng 11 đến tháng 4 là gió bấc (gió từ hướng Bắc thổi xuống). Trước kia thì tình thành Hà Tiên tọa lạc tại xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu. Đến đời Minh Mạng thứ 9, thì dời về Giang Thành, nhưng đến đời Minh Mạng thứ 14 lại dời trở về Hà Châu trở lại. Vào thời Gia Long thì toàn vùng Hà Châu, Kiên Giang và Cà Mau chỉ có khoảng 1.500 dân đinh, đến đời Minh Mạng tăng lên khoảng gần 6.000 người. Hiện nay dân số các vùng Hà Tiên, Rạch Giá và Cà Mau lên đến hơn một triệu người. Hà Tiên chỉ có những núi nhỏ quanh vùng Hà Châu như núi Bình Sơn, Ngũ Hổ, Bát Giác, Dương Long, Phù Anh, Lộc Trĩ, Kháo Sơn, Đại Tạng, Vân Sơn, Bạch Tháp, Tô Châu, Đại Táo, Tượng Sơn, Thi Vạn, Chung Sơn, Châu Nham, Kích Sơn, Linh Quỳnh, Sài Mạt, Tây Thổ, Bạch Mã, Bồng Sơn, Phong Trách... Riêng tại Kiên Giang có núi Thổ Sơn, và Cà Mau có Bạch Thạch (hòn đá Bạc), ở cách Long Xuyên khoảng 20 dậm về phía Tây, hình thế đĩnh đạc, đứng thẳng ở bờ biển và núi Trà Sơn cách Long Xuyên khoảng 10 dậm. Về hòn (những núi nhỏ ngoài biển), ở Hà Châu có hòn Đại Kim, Tiểu Kim, Trúc Nội, Trúc Ngoại, hòn Son, Dầu Rái, hòn Nghệ (Uất Kim), hòn Đá Lửa, hòn Thổ Châu. Tại Kiên Giang có hòn Trúc và hòn Rái. Ở Long Xuyên có hòn Khoai nằm về phía Nam mũi Cà Mau. Hà Tiên có đảo Phú Quốc, nằm về phía Tây Nam huyện Hà Châu. Về sông ngòi thì tại huyện Hà Châu có sông Đông Hồ, sông Nam Phố, sông Lư Khê, sông Giang Thành, sông Lũng Kè. Tại Kiên Giang có sông Đại Giang, Tiểu Giang. Huyện Long Xuyên có sông Tân Xuyên, sông Nghi Giang, sông Khoa Giang, sông Bồ Đề và rạch Bạch Ngưu. Ngoài ra, ở huyện Long Xuyên còn có ngũ hồ (năm hồ cạn mà rộng). Nơi giáp ranh giữa hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên có mười ngòi nước chảy từ ruộng ra biển, từ ngòi thứ nhứt đến thứ 10, những ngòi này đem lại cho dân chúng quanh đây rất nhiều tôm cá. Tại Hà Tiên có pháo đài Kim Dữ trông ra biển. Thời Minh Mạng, Hà Tiên chỉ có 4 ngôi chợ là chợ Mỹ Đức ở huyện Hà Châu, chợ Sái Phu và Sân Chim ở huyện Kiên Giang, và chợ Hoàng Giang ở Long Xuyên. Về di tích lịch sử thì trên đảo Phú Quốc hãy còn di tích ngôi mộ của hoàng tử Nhật, con Nguyễn Ánh. Ở Hà Tiên có lăng mộ Mạc Cửu và mộ Mạc Thiên Tứ. Mạc Cửu là người Minh Hương, quê ở Quảng Đông, sau khi nhà Minh mất, Mạc Cửu không theo nhà Thanh mà chạy về phương Nam, được vua Hiển Tông cho vào Hà Tiên khai khẩn đất đai. Khi mất, ông được truy tặng tước Vũ Nghị Công. Mạc Thiên Tứ là con trưởng của Mạc Cửu, làm đô trấn Hà Tiên. Thiên Tứ là người văn hay võ giỏi, ông đã mở ra Chiêu Anh Các ở Hà Tiên để chiêu hiền đãi sĩ. Về sau ông bị quân Xiêm công phá nên phải rút bỏ Hà Tiên mà chạy về Trấn Giang (Cần Thơ bây giờ). Sau ông sang Xiêm cầu viện giúp Nguyễn Ánh, nhưng không thành, ông tự sát chết bên Xiêm. Con Thiên Tứ là Mạc Tử Sanh cũng theo phò Nguyễn Ánh, được phong chức Tham tướng, về sau tử trận tại Trấn Giang, hiện còn di tích cầu Tham Tướng tại Cần Thơ. Giữa đường quốc lộ 80 từ Rạch Giá đi Hà Tiên là thị trấn Kiên Lương (bây giờ thuộc huyện Ba Hòn). Trước năm 1975, Kiên Lương có hệ thống nhà máy xi măng Hà Tiên nổi tiếng của miền Nam Việt Nam mà phẩm chất không thua gì xi măng Đài Loan hay Nhật Bản. Trữ lượng đá vôi chạy dài từ vùng Kiên Lương đến Hà Tiên được mô tả là gần như vô tận. Ở miền Bắc có những thắng cảnh Hạ Long nổi tiếng thì ở miền Nam những thắng cảnh ở Hà Tiên cũng nổi tiếng không kém, như hang “Cá Sấu”, tuy không hùng vĩ như vùng biển vịnh Hạ Long, nhưng phong cảnh ở đây cũng đẹp và xứng đáng là một trong những kỳ tích của vùng đồng bằng Nam Việt. Cách Ba Hòn chừng 10 cây số là Hòn Chông và Hòn Phụ Tử, một kỳ quan Hạ Long ở miền Nam. Ngoài ra, Hà Tiên còn có Chùa Hang, cũng là một trong những thắng cảnh trong vùng. Về chiều, phong cảnh vùng Hà Tiên thật tĩnh lặng và thơ mộng, nhưng cũng không kém phần hoành tráng. Quả thật Hà Tiên xứng đáng là một địa điểm du lịch, chẳng những cho dân chúng trong vùng, mà còn có tầm vóc quốc tế nữa. Chính vì thế mà cố thi sĩ Đông Hồ đã từng nói “Hà Tiên mang đầy đủ tính chất của khắp các miền đất nước. Hà Tiên kỳ thú với những hang động hóc hiểm không kém gì những hang động của vùng Lạng Sơn. Hà Tiên có những ngọn núi chơi vơi giữa biển trông giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Hà Tiên có những núi đá vôi không khác vùng Ninh Bình. Những thạch thất ở Hà Tiên phưởng phất dáng vẻ của vùng núi Hương Tích. Đông Hồ và những hồ khác trong vùng Tô Châu Giang Thành cũng thơ mộng không thua gì Tây Hồ. Dòng Giang Thành lờ lững trôi không kém vẻ nên thơ trữ tình của dòng Hương Giang xứ Huế. Bãi biển Hà Tiên, dù không có cát trắng, nhưng vẻ đẹp và sự quyến rũ cũng không thua gì vùng Đồ Sơn, hay Nha Trang, Long Hải. Trong khi đó những lăng tẩm của dòng họ Mạc tuy nhỏ hơn các lăng tẩm vua chúa ở Thuận Hóa, nhưng hình thái và quy cách cũng hùng vĩ không kém.”

     Sau năm 1975, chính quyền mới cho lấy lại tên tỉnh Cà Mau. Đến tháng 2 năm 1976, tỉnh An Xuyên (tức tỉnh Cà Mau) được sáp nhập với tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải. Cuối năm 1996, tỉnh Minh Hải được chia ra thành tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu trở lại như cũ. Như vậy phạm vi lãnh thổ tỉnh An Xuyên cũ tương ứng với hầu như toàn bộ diện tích tỉnh Cà Mau ngày nay; ngoại trừ địa bàn xã Khánh Thuận thuộc huyện U Minh và hai xã Biển Bạch, Tân Bằng thuộc huyện Thới Bình vốn trước năm 1975 lại cùng thuộc địa bàn xã Tân Bằng, quận Hiếu Lễ, tỉnh Kiên Giang của Chính Quyền Việt Nam Cộng Hòa.

 

Hình 1-2: Phi trường An Xuyên, ảnh chụp 1973.

Hình 3: Xe đò Đại Hùng Sài Gòn-An Xuyên, 1973.

Hình 4-5: Ảnh của một số quang cảnh trong thị xã Quản Long,

tỉnh lỵ tỉnh An Xuyên, ảnh internet.

Hình 6: Chợ Sông Ông Đốc Vàm, thuộc tỉnh An Xuyên, ảnh internet.

Hình 7: Sơ đồ tỉnh An Xuyên trước năm 1975.

Hình 8: Trường Tiểu Học Cộng Đồng Quản Long, tỉnh An Xuyên, năm 1970.

Hình 9: Ngân Hàng Đông Phương, chi nhánh An Xuyên, 1970.

Cám ơn bạn Nguyễn Trần Vương Thơ đã cung cấp ảnh 7 & 8.

 

 

 

Phần –XI

 ___________________________

20) Tỉnh Ba Xuyên

     Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1956, tỉnh Sóc Trăng bay giờ có tên là tỉnh Ba Xuyên, tỉnh lỵ có tên là Khánh Hưng. Từ Cần Thơ đi theo quốc lộ 4 qua ngã bảy Phụng Hiệp, Vũng Thơm, nếu đi thẳng sẽ đến Sóc Trăng, rẽ phải trên quốc lộ là tiếp tục đi về Bạc Liêu, một vùng đồng ruộng thênh thang, cò bay thẳng cánh. Bắt đầu từ phía Nam của Phụng Hiệp chạy dày đến Quản Long, chúng ta đã thấy rải rác các sóc Miên dọc theo quốc lộ 4 cũng như tận trong các vùng sâu. Họ là hậu duệ của những người Thủy Chân Lạp đã định cư ở đây rất lâu đời, có thể vào những thế kỷ thứ 7 hoặc 8, ngay khi vương quốc Phù Nam sụp đổ. Rồi sau này khi lưu dân người Việt bắt đầu di cư đến Nam kỳ, thì họ lại lui dần về các vùng sâu. Có lẽ vì không hợp với người Việt về phong tục tập quán nên hễ người Việt đi đến đâu là họ cứ lui dần và lui dần. Từ Mô Xoài lui về Tầm Bôn (Tân An), rồi từ Tầm Bôn lui về Lôi Lạp (Gò Công), rồi từ Lôi Lạp lui về Tầm Phong Long (Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Trà Vinh), rồi từ Tầm Phong Long lui về những vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đa số những người Miên ở các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thường trong các phum sóc, gần gủi với người Triều Châu (Tàu), họ thường làm ruộng rẫy. Thời Nguyễn Ánh còn lẩn trốn quân Tây Sơn, thì ông thường lui tới vùng mà bây giờ là Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Về vị trí địa lý của tỉnh Ba Xuyên: Phía đông giáp Sông Hậu. Phía tây giáp tỉnh Bạc Liêu. Phía nam giáp Biển Đông. Phía bắc giáp tỉnh Chương Thiện và tỉnh Phong Dinh. Về tổ chức hành chánh, năm 1958, tỉnh Ba Xuyên có 7 quận:

1) Quận Mỹ Xuyên có 2 tổng, 9 xã. Tổng Nhiêu Khánh có 4 xã: Khánh Hưng, Mỹ Xuyên, Tài Văn, Thạnh Thới An. Tổng Nhiêu Hòa có 5 xã: Đại Tâm, Tham Đôn, Thạnh Phú, Phú Mỹ, Hòa Tú.

2) Quận Thạnh Trị có 2 tổng, 10 xã. Tổng Thạnh An có 5 xã: Thạnh Trị, Châu Hưng, Châu Thới, Thạnh Kiết, Gia Hòa. Tổng Thạnh Lộc có 5 xã: Vĩnh Lợi, Mỹ Qưới, Vĩnh Qưới, Tuân Tức, Tân Long

3) Quận Long Phú có 3 tổng, 17 xã. Tổng Định Mỹ có 5 xã: Long Phú, Tân Hưng, Đại Ân, Tân Thạnh, An Thạnh Nhì. Tổng Định Phước có 4 xã: Lịch Hội Thượng, Trung Bình, Viên An, Liêu Tú. Tổng Định Hòa có 8 xã: Châu Khánh, An Thạnh Nhứt, Đại Ngãi, Long Đức, Phú Hữu, Hậu Thạnh, Song Phụng, Trường Khánh

4) Quận Thuận Hòa có 2 tổng, 9 xã. Tổng Thuận Mỹ có 5 xã: Thuận Hòa, Mỹ Hương, Thuận Hưng, Phú Tâm, An Ninh. Tổng Thuận Phú có 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Phương Long, Mỹ Hưng

5) Quận Vĩnh Lợi có 2 tổng, 10 xã. Tổng Thạnh Hòa có 5 xã: Vĩnh Lợi, Long Thạnh, Hòa Bình, Hưng Hội, Vĩnh Trạch. Tổng Thạnh Hưng có 5 xã: Vĩnh Châu, Vĩnh Phước, Lai Hòa, Lạc Hòa, Khánh Hòa

6) Quận Giá Rai có 1 tổng là Long Thủy và 4 xã: Phong Thạnh, Long Điền, An Trạch, Vĩnh Mỹ

7) Quận Phước Long gồm 2 tổng, 9 xã. Tổng Thanh Bình có 5 xã: Phước Long, Vĩnh Phú, Ninh Hòa, Ninh Qưới, Vĩnh Hưng. Tổng Thanh Yên có 4 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi, Lộc Ninh, Vĩnh Lộc.

     Theo thống kê năm 1967, dân số tỉnh Ba Xuyên có tổng cộng 373.793 người: Quận Kế Sách có 61.721 người, quận Long Phú có 50.683 người, quận Lịch Hội Thượng có 30.128 người, quận Mỹ Xuyên 112.423 người, quận Thạnh Trị có 61.247 người, và quận Thuận Hòa có 57.591 người.

Sau năm 1970, địa phận tỉnh Ba Xuyên có phần thay đổi, bao gồm 8 quận: 1) Quận Hòa Tú gồm 2 xã: Gia Hòa, Hòa Tú. 2) Quận Lịch Hội Thượng gồm 4 xã: Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình, Viên An. 3) Quận Long Phú gồm 13 xã: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Châu Khánh, Đại Ân, Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Long Đức, Long Phú, Phú Hữu, Song Phụng, Tân Hưng, Tân Thanh, Trường Khánh. 4) Quận Mỹ Xuyên gồm 8 xã: Đại Tâm, Khánh Hưng, Mỹ Xuyên, Phú Mỹ, Tài Văn, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Thới An. 5) Quận Ngã Năm gồm 5 xã: Mỹ Qưới, Tân Long, Vĩnh Lợi, Vĩnh Qưới, Vĩnh Tân. 6) Quận Kế Sách gồm 9 xã: An Mỹ, An Lạc Tây, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Nhơn Mỹ, Phú Tâm, Thới An Hội, Thuận Hòa. 7) Quận Thạnh Trị gồm 4 xã: Châu Hưng, Thạnh Kiết, Thạnh Trị, Tuân Tức. 8 ) Quận Thuận Hòa gồm 5 xã: An Ninh, Long Hưng, Mỹ Hương, Mỹ Phước, Mỹ Thuận.

     Đến năm 1972, lãnh thổ tỉnh Ba Xuyên cũng bao gồm 8 quận, nhưng phạm vi lãnh thổ từng quận lại thay đổi về địa giới: 1) Quận Hòa Tú gồm 4 xã: Hòa Mỹ, Hòa Thạnh, Hòa Tú, Hòa Vân. 2) Quận Lịch Hội Thượng gồm 4 xã: Lịch Hội Thượng, Liêu Tú, Trung Bình, Viên An. 3) Quận Long Phú gồm 12 xã: An Thạnh Nhứt, An Thạnh Nhì, Châu Khánh, Đại Ân, Đại Ngãi, Hậu Thạnh, Long Đức, Long Phú, Phú Hữu, Tân Hưng, Tân Thanh, Trường Khánh. 4) Quận Mỹ Xuyên gồm 8 xã: Đại Tâm, Khánh Hưng, Mỹ Xuyên, Phú Mỹ, Tài Văn, Tham Đôn, Thạnh Phú, Thạnh Thới An. 5) Quận Ngã Năm gồm 4 xã: Mỹ Qưới, Tân Long, Vĩnh Qưới, Vĩnh Tân. 6) Quận Kế Sách gồm 10 xã: An Mỹ, An Lạc Tây, Ba Trinh, Đại Hải, Kế An, Nhơn Mỹ, Phú Tâm, Song Phụng, Thới An Hội, Thuận Hòa. 7) Quận Thạnh Trị gồm 6 xã: Châu Hưng, Gia Hòa, Thạnh Kiết, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Lợi. 8 ) Quận Thuận Hòa gồm 6 xã: An Ninh, Long Hưng, Mỹ Hương, Mỹ Phước, Mỹ Thuận, Mỹ Tú.

Tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, người Pháp chia tỉnh An Giang ra làm bốn tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và một phần phía cực Nam của tỉnh An Giang và một phần cực Nam của tỉnh Hà Tiên (vùng Bạc Liêu bây giờ) để thành lập tỉnh Sóc Trăng. Sóc Trăng nằm bên bờ sông Hậu và dung chứa ba cửa của con sông này (Ba Thắt, Định An và Tranh Đề) nên toàn tỉnh là một vùng đất bồi trũng, thấp thoáng có một vài giồng cao hình vòng cung (đó là những bờ biển ngày xưa), đất giồng thường là đất cát pha trộn đất sét, rất mầu mỡ, thuận tiện cho việc cất nhà và lập vườn cây ăn trái, hay làm rẫy. Thường thì giữa giồng là những dãy ruộng trũng. Sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp cho đào nhiều kinh xẻ dọc xẻ ngang, nhằm giúp dẫn thủy nhập điền và tháo phèn ở những vùng trũng, nhưng mục đích chính của họ là dễ dàng trong việc vận chuyển lúa gạo về tỉnh hay lên Sài Gòn. Sóc Trăng là một trong những tỉnh trù phú nhất của miền Tây, nằm cách Sài Gòn 230 cây số, cách Cần Thơ 60 cây số. Cũng như hầu hết các địa danh ở miền Nam, Sóc Trăng là chữ đọc trại theo âm của tiếng Khmer, có nghĩa là “Xứ nhiều vàng bạc châu báu.” Về vị trí của Sóc Trăng thì Bắc và Tây Bắc giáp Cần Thơ, Nam giáp biển Đông, Tây giáp Bạc Liêu và Cà Mau, và Đông Bắc giáp Trà Vinh và Vĩnh Long. Trước năm 1975, tỉnh Sóc Trăng gồm có tỉnh lỵ Sóc Trăng và 8 quận gồm các quận Kế Sách, Mỹ Xuyên (Bãi Sào), Lịch Hội Thượng, Mỹ Tú, Thuận Hòa, Ngã Năm, Hòa Tú, Long Phú và Thạnh Trị. Diện tích toàn tỉnh Sóc Trăng là 4.500 cây số vuông. Về khí hậu, Sóc Trăng thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, tuy nhiên, nhờ xung quanh là biển nên tiết trời cũng tương đối dễ chịu, nhiệt độ trung bình quanh năm khoảng 27 độ C. Có hai mùa Mưa Nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với gió mùa Tây Nam với lượng nước mưa gần 1.5 li hằng năm, và mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 với gió mùa Đông Bắc. Sóc Trăng ít khi bị bão và hạn hán kéo dài. Dân số Sóc Trăng năm 1894 khoảng 105.000 người, gồm người Việt, người Miên và người Hoa; đến năm 1924 tăng lên 183.000 người. Trước năm 1975 vào khoảng 800.000 người. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản phân chia lại lảnh thổ nên Sóc Trăng chỉ gồm những quận sau đây: Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung và Ngã Năm, với tổng diện tích là 3.223 cây số vuông. va tổng dân số theo thống kê mới của chánh quyền Cộng Sản vào năm 2000 vào khoảng 1.350.000 người. Các quận đông dân nhất là Mỹ Xuyên, Long Phú (nhất là cù lao Dung nằm trên sông Hậu), Kế Sách, và Thạnh Trị; quận ít dân cư nhất là Hòa Tú. Đa số là người Kinh, chiếm khoảng 65%, người Khmer chiếm khoảng 27%, người Hoa khoảng 7%, còn lại là các dân tộc khác. Đa số dân Sóc Trăng theo đạo Phật, tuy nhiên, trong thời Pháp thuộc, do sự nâng đỡ của chính quyền thuộc địa nên đạo Thiên Chúa cũng phát triển. Khoảng giữa thế kỷ 20, đạo Phật Giáo Hòa Hảo khởi xướng từ An Giang cũng phát triển khá mạnh ở Sóc Trăng. Hiện nay Sóc Trăng là một trong những nơi có nhiều tôn giáo lớn ở Nam Việt như Phật giáo, Thiên Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành... Cũng như các tỉnh ven biển ở Nam Việt, Sóc Trăng cũng có một bờ biển, tuy không dài như Bạc Liêu và Cà Mau, cũng đủ cung cấp hải sản cho dân trong tỉnh. Tuy Sóc Trăng hãy còn rất nhiều vùng thấp trũng úng phèn như các vùng Mỹ Tú và Thạnh Trị, những vùng dọc theo sông Hậu kéo dài đến sông Mỹ Thanh đất đai phì nhiêu mầu mỡ với nguồn nước ngọt quanh năm. Ngoài ra, những vùng như Kế Sách, một phần của Mỹ Tú, và Long Phú tuy nằm trong sâu, nhưng thế đất khá cao, gần nguồn nước ngọt, và việc tháo nước ủng phèn cũng dễ dàng, nên dân các vùng này thường đào giếng lấy nước xài được quanh năm. Còn lại các vùng khác, thuộc vùng phù sa mặn, tuy việc thoát nước phèn không bị trở ngại, nhưng thiếu nước ngọt vào mùa khô. Khoảng 85% dân chúng trong tỉnh làm ruộng rẫy. Lúa gạo là nông phẩm chính của tỉnh, thường toàn tỉnh chỉ sử dụng 1/3 số lượng lúa gạo, còn lại 2/3 xuất cảng hàng năm. Tuy đồng bào Khmer chỉ chiếm khoảng 27%, và người Hoa chỉ khoảng 7%, nhưng khắp nơi trong tỉnh đâu đâu người ta cũng tìm thấy sắc thái thật đặc sắc của hai dân tộc này. Dọc theo trục lộ Bắc Nam trong tỉnh, có khoảng 90 chùa Miên và 50 chùa của người Việt và người Hoa. Người Khmer theo đạo Phật Theravada (Nam Tông), và các chùa Khmer có lối kiến trúc thật độc đáo và trang nghiêm. Với người Khmer, ngôi chùa chính là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các lễ hội lớn hàng năm, nơi học kinh, học chữ, và học đạo lý làm người tu thân. Ngoài ra, chùa còn là nơi lưu giữ những giáo điển và sách sử của dân tộc. Mỗi chùa đều có lối kiến trúc đặc sắc riêng biệt, tuy nhiên, chùa Khmer nào cũng xoay mặt về hướng Đông. Những Chùa Khmer nổi tiếng như Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc đã được xây dựng cách nay hơn 400 năm), nằm cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 cây số. Khuôn viên chùa rợp bóng mát của các cây cổ thụ nên có hàng vạn con dơi đến đây trú ngụ, chính vì thế mà người ta gọi nó là chùa Dơi. Cứ khoảng 6 giờ chiều là chúng bay đi kiếm ăn, đến 5 giờ sáng hôm sau là bay về ngủ trên các tàng cây trong sân chùa. Tuy nhiên, dơi ở đây không bao giờ ăn trái cây trong sân chùa. Đối diện với chùa Dơi là một kiến trúc cũng theo kiểu chùa, nhưng không phải là chùa, mà là nơi lưu trữ những hiện vật nói lên đời sống của dân tộc Khmer như áo quần, trang phục, nhạc cụ, vân vân. Người dân ở đây gọi đó là viện Bảo Tàng của người Khmer. Chùa Khơ-leng là một trung tâm văn hóa lớn của người Khmer tại đây, được xây dựng vào năm 1533. Hiện nay tại chùa Khleang vẫn còn lưu trữ một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc của đĩa danh Sóc Trăng. Theo đó, vào đầu thế kỷ thứ 16, một viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên là Tác, đã cho xây dựng nhà kho để tích trữ sản vật do dân chúng quyên góp. Từ đó ông đặt tên cho vùng này là Srosk Khleng. Khi người Việt đến định cư họ đọc trại lại là Sóc Trăng. Đến năm 1532, ông Tác vâng mệnh vua Ang Chan của Chân Lạp, xây dựng một ngôi chùa và lấy địa danh ấy mà đặt cho chùa là “Khleang. Chùa Đất Sét (hay Bảo Sơn Tự của người Việt, được xây từ năm 1906 với lối kiến trúc và điêu khắc thật đặc sắc vì tất cả những pho tượng và những bức hoành phi đều làm bằng đất sét trộn với vỏ cây. Tại đây có tám cây nến mỗi cây nặng 200 kí lô, cao 2.6 mét, sáu cây còn nguyên hảo, và hai cây đang được thắp sáng mỗi ngày). Ngoài ra, Sóc Trăng còn có chùa Sà Lôn hay chùa Chén Kiểu, rất nổi tiếng. Chùa nằm trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A), từ Sóc Trăng đi Bạc Liêu và cách Sóc Trăng chừng 12 cây số. Nét đặc sắc của ngôi chùa là việc sử dụng những mảnh chén bát, dĩa sứ ốp lên tường để trang trí, chính vì vậy mà chùa còn được gọi là chùa Chén Kiểu. Tại tỉnh lỵ Sóc Trăng, người ta có thể tìm thấy những khu phố của người Hoa mà đa phần là người Triều Châu. Sinh hoạt văn hóa trong tỉnh rất đa dạng với những lễ Tết của người Kinh và người Hoa, có thể nói Sóc Trăng là xứ sở của lễ hội, hàng năm thu hút đông đảo khách thập phương về đây dự lễ và thưởng ngoạn. Những lễ hội chính của người Khmer như Chul-Ch’nam-Thmay, Ok-om-bok, và Dolta... với các cuộc đua ghe ngo và những vũ điệu Lam-thol. Lễ Ok-Om-Bok của người Khmer vùng Sóc Trăng cũng giống như lễ Ok-Om-Bok của người Khmer ở Trà Vinh. Vào ngày rằm tháng 10, ban ngày thì người ta tổ chức đua ghe ngo, còn tối đến khi mặt trăng vừa ló dạng thì người ta bày lễ vật trước sân chùa hoặc sân nhà gồm đủ thứ nào cốm dẹp, chuối chín, dừa tươi đã lột vỏ, khoai lang, khoai mì... Các gia đình làm lễ cúng và thả những chiếc đèn giấy bay lên trời, những chiếc đèn lồng khác được đặc trên những chiếc bè với đủ đầy lễ vật, trôi trên các sông rạch lung linh huyền ảo. Ngoài ra, ngày mồng một tháng 8 âm lịch, người Khmer Sóc Trăng còn mở hội tế Thần Linh, lễ hội kéo dài 15 ngày. Trong suốt thời gian ấy, các gia đình đến chùa nhờ sư sãi tụng kinh cầu an cho người sống và cầu siêu cho người quá vãng. Tục truyền thuở xưa vua Pimpisar, một đêm kia nghe tiếng kêu đòi ăn uống trong hoàng cung, vua bèn hỏi các sư sãi thì được biết đó là bọn ma đói đi lang thang đòi ăn uống, muốn yên phải cúng lễ, nên từ đó người Khmer mở hội tế thần linh, để cúng tế cho thần linh và người chết. Về kinh tế thì Sóc Trăng là một trong những tỉnh trù phú nhất của miền Tây. Phần đất Sóc Trăng dọc theo bờ sông Hậu giang với cù lao Dung được phù sa bồi đắp, và bên trong đất liền, Sóc Trăng có những vùng như Kế Sách và Đại Ngãi với bạt ngàn ruộng đồng và vườn tược xanh tươi, nào vườn mận, vườn xoài, vườn ổi, chôm chôm, nhãn. Cây trái Sóc Trăng tuy không nổi tiếng như Bến Tre, Bình Dương hay Lái Thiêu, nhưng phẩm chất và số lượng trồng trọt cũng không thua những nơi đó. Nhất là trái cây của các quận Ngã Năm, Thuận Hòa và Thạnh Trị chẳng những được bán lên Sóc Trăng hay Bạc Liêu, mà còn được đưa lên Cần Thơ và Sài Gòn nữa. Riêng hai quận Kế Sách và Long Phú, nổi tiếng về xoài, mận, chôm chôm và ổi đủ loại. Bên cạnh đó Sóc Trăng còn có một vùng biển khá dài với đầy đủ những hải sản như cua, tôm, sò, ốc, nghêu, vọp, và đủ loại cá biển, dư dùng cho nhân dân toàn tỉnh và còn xuất khẩu sang các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Chương Thiện, Vĩnh Long, Long Xuyên, vân vân. Đặc biệt là tôm thẻ và cá gộc của xã Trung Bình (thuộc quận Lịch Hội Thượng), cua và cá biển của xã An Thạnh Nhì (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú), cá cháy của xã Đại Ngãi (quận Kế Sách) và xã An Thạnh Nhất (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú). Nói về thủy sản và hải sản trong tám quận thuộc tỉnh Sóc Trăng thì luôn luôn dư dùng trong tỉnh, nên ngoài việc bán qua các tỉnh lân cận, khoảng 60% thủy sản và hải sản còn lại được dân chúng làm cá khô, tôm khô hay mắm để chở đi Cần Thơ và Sài Gòn. Về chăn nuôi thì Sóc Trăng nuôi rất nhiều trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, cá, tôm nước ngọt, vân vân, đặc biệt xã An Thạnh Nhì (nằm trên cù lao Dung thuộc quận Long Phú) còn nuôi rất nhiều vịt thả rong trong đồng sau mỗi vụ mùa. Khoảng trên 50% số lượng gia súc chăn nuôi được xuất cảng sang các tỉnh lân cận hay lên Cần Thơ và Sài Gòn. Ruộng lúa Sóc Trăng nổi tiếng thơm ngon, vì đất đai phì nhiêu nên mỗi công ruộng thường cho ta trung bình từ 25 đến 35 giạ lúa. Tại chợ Khánh Hưng và ngay cả những chợ quận tại Sóc Trăng có rất nhiều nhà máy chà lúa cho dân trong tỉnh. Tuy nhiên, đa phần lúa gạo Sóc Trăng dư dùng nên được chở lên Cần Thơ hay Sài Gòn để xuất cảng ra nước ngoài (khoảng trên 85% lúa gạo Sóc Trăng được xuất cảng). Về lâm sản, Sóc Trăng không có rừng lớn, cũng không có gò cao thích hợp với những cây cho ra gỗ quý nên phải mua các loại gỗ quý từ các tỉnh miền Trung để cung ứng cho kỹ nghệ đồ gỗ trong tỉnh. Tuy không có gỗ quý, nhưng Sóc Trăng là tỉnh sản xuất thật nhiều dừa (không thua gì Bến Tre). Ngoài cho trái ra, thân dừa lâu năm còn được dân các vùng quê cùng làm cột nhà, rất chắc và rất bền. Sóc Trăng là một tỉnh trù phú về mọi mặt, nên dân trong tỉnh đa phần khá giả và thường cơ giới hóa trong mọi lãnh vực từ máy cày, máy xới, máy chạy thuyền bè, máy phát điện, máy bơm nước. Chính vì thế mà nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong tỉnh rất cao, không kém gì các tỉnh lớn ở miền Nam như Mỹ Tho và Cần Thơ. Ngoài ra, Sóc Trăng còn nổi tiếng với bánh cống Sóc Trăng (loại bánh có hình trụ, làm bằng bột và đậu xanh, tép hoặc tôm, và thịt bằm), bánh pía và lạp xưởng Vũng Thơm. Về nghệ thuật thì có lẽ hiện nay chỉ có Trà Vinh, Sóc Trăng, và Bạc Liêu là hãy còn ca kịch Dù Kê (một thứ giống như cải lương của người Khmer). Ngoài ra, tuy không có núi non hùng vĩ hay những bờ biển cát vàng cát trắng, Sóc Trăng vẫn còn nhiều nơi đáng được thăm viếng, như Hồ Nước Ngọt, nằm ngay trên đường đi vào thị xã Sóc Trăng, hồ rộng hơn 30 mẫu tây, với những hàng dương liễu rủ xuống mặt hồ trông rất thơ mộng. Tại quận Kế Sách có cồn Mỹ Phước, nằm giữa sông Hậu Giang, cách Kế Sách chừng 10 cây số. Trên cồn người ta tìm thấy những khu vườn cây ăn trái đầy hoa quả quanh năm, là nơi nghỉ mát lý tưởng cho khách du lịch từ thành thị không kém gì cù lao An Thành của tỉnh Vĩnh Long. Cách thị trấn Phú Lộc chừng 20 cây số, trong quận Ngã Năm, có vườn cò Tân Long với một sân chim thật lớn, nơi trú ngụ của hàng vạn loại chim cò, sống trên những ao đầm thiên nhiên. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 1A chạy ngang qua thị xã Sóc Trăng trước khi đi về hướng Bạc Liêu. Liên tỉnh lộ 60 nối Trà Vinh, Tiểu Cần, và chạy đến Sóc Trăng. Từ thị xã Sóc Trăng có tỉnh lộ 8 đi Mỹ Xuyên, ra đến ngư cảng Trạnh Đề. Trên tỉnh lộ 8, qua khỏi Mỹ Xuyên, rẽ về phía Nam là tỉnh lộ 11 đi Vĩnh Châu, nối dài tỉnh lộ 113 và gặp quốc lộ 1A

     Sau năm 1975, vào ngày 24 tháng 3 năm 1976, chính quyền mới bãi bỏ tên tỉnh Ba Xuyên, lấy tên Sóc Trăng và sáp nhập phần tỉnh nầy vào tỉnh Phong Dinh để thành lập tỉnh Hậu Giang. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, một lần nữa, chính quyền mới lại chia tỉnh Hậu Giang trở lại thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.

 

Hình 1: Sơ đồ tỉnh Ba Xuyên năm 1958.

Hình 2: Con đường chính tại Sóc Trăng năm 1920, ảnh Bulletin de Cochinchine 1920.

Hình 3: Bến tàu Sóc Trăng năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 4: Những chiếc ghe ngo của người Khmer tại Sóc Trăng, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 5: Một con rạch ở Sóc Trăng, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 6: Một chiếc cầu cây cho khách đi bộ trong thị xã Sóc Trăng năm 1925,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 7: Con đường chính trong thị xã Sóc Trăng năm 1925,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 8-9: Đường sá và một con rạch trong tỉnh Ba Xuyên năm 1958, ảnh internet.

Hình 10-13: Đường sá và phố chợ Ba Xuyên năm 1964, ảnh internet.

 

  

 

Phần –XII

 _______________________

21) Tỉnh Kiến Hòa

     Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1956, theo sắc lệnh số 143-NV của Tổng Thống VNCH, Tỉnh Bến Tre được lấy tên là Kiến Hòa, tỉnh lỵ có tên là Trúc Giang. Tỉnh Kiến Hòa nằm về phía phía Nam của Định Tường, phía Bắc của tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) và phía Đông của Vĩnh Long, một tỉnh nằm cuối nguồn sông Cửu Long, về phía Đông tiếp giáp với Biển Đông. Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh lỵ Bến Tre được đặt tại Mỏ Cày. Tưởng cũng nên nhắc lại, Kiến Hòa là một trong 22 tỉnh thời Việt Nam Cộng hòa, tồn tại trong giai đoạn 1956-1975. Tỉnh Kiến Hòa được thành lập trên địa bàn của ba cù laocù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh. Năm 1957, tỉnh Kiến Hòa gồm 7 quận ban đầu: Trúc Giang, Sóc Sãi, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú. Ngày 5 tháng 12 năm 1960, dưới thời Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo (1958-1962), Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra theo Nghị định số 1192-NV thành lập quận Hương Mỹ thuộc tỉnh Kiến Hòa gồm 3 tổng là Minh Quới, Minh Huệ, Minh Phúc với 13 xã. Quận lỵ đặt tại Cầu Mống. Ngày 7 tháng 3 năm 1963, theo Nghị định số 209-NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, thành lập quận Đôn Nhơn thuộc tỉnh Kiến Hòa gồm 3 tổng là Minh Lý, Minh Thiện, Minh Thuận với 9 xã. Quận lỵ đặt tại Ba Vát. Đến sau năm 1965, cấp tổng bị giải thể, các xã trực thuộc quận. Về sau, lại đổi tên quận Sóc Sãi thành quận Hàm Long. Ngày 7 tháng 3 năm 1974, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm ký Nghị định số 184-NĐ/NV thành lập thêm quận mới thuộc tỉnh Kiến Hòa là quận Phước Hưng, gồm 9 xã. Quận lỵ đặt tại xã Phước Long. Đến năm 1975, tỉnh Kiến Hòa gồm 10 quận: Trúc Giang, Hàm Long, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Đôn Nhơn, Hương Mỹ, Phước Hưng. Tỉnh trưởng Kiến Hòa lúc đó và cũng là viên tỉnh trưởng cuối cùngPhạm Chí Kim (1970-1975). Theo thống kê dân số năm 1967, tỉnh Kiến Hoà có khoảng 537.076 người. Quận Ba Tri có 74.344 người. Quận Bình Đại có 58.525 người. Quận Đôn Nhơn có 30.040 người. Quận Giồng Trôm có 75.968 người. Quận Hàm Long có 41.067 người. Quận Hương Mỹ có 54.470 người. Quận Mỏ Cày có 71.542 người. Quận Thạnh Phú có 35.031 người, và Quận Trúc Giang có 96.089 người. Tổng diện tích của tỉnh Kiến Hoà là 2.085 km². Tỉnh lỵ đặt tại Trúc Giang. Dân số năm 1965 là 547.819 người, năm 1970 là 582.900 người.

     Như trên đã nói, tỉnh Kiến Hoà được thành lập chủ yếu do 3 cù lao lớn là cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Đất đai trên ba cù lao này hoàn toàn được bồi đắp bởi phù sa của ba nhánh sông Cửu Long. Vì nằm sát biển nên đất phù sa bị gió biển thổi đùn lên thành những giồng đất cao, giữa các giồng là đất đai canh tác, rất phì nhiêu mầu mỡ. Tuy trước đây Bến Tre trực thuộc Dinh Long Hồ (Vĩnh Long ngày nay), nhưng lịch sử phát triển của Bến Tre lại gắn liền với lịch sử của tỉnh Định Tường. Như trên đã nói, trước năm 1679, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long mà bây giờ chúng ta gọi là Nam kỳ, chưa có dấu vết của chính quyền Nam triều. Tuy nhiên, chưa có bằng cớ gì đích xác là không có lưu dân Việt Nam tại đây vào thời kỳ này. Đến khi nhà Minh bên Tàu sụp đổ, những quan quân của nhà Minh trong hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây không phục nhà Thanh nên dong buồm đi về phương Nam tìm đất mới để dung thân. Nhân cơ hội đó mà chúa Hiền cho phép họ vào vùng Thủy Chân Lạp khai khẩn đất hoang. Thoạt tiên, họ tập trung ở những vùng Đồng Nai, Gia Định và Mỹ Tho, dần dần họ tiến xa về những vùng Bến Tre và Gò Công. Dưới thời Gia Long, Bến Tre là một trong ba tổng của phủ Kiến An (Kiến Hưng hay Cái Bè, Kiến Hòa hay Bến Tre và Gò Công và Kiến Đăng hay Đồng Tháp Mười) thuộc dinh Trấn Định (Định Tường). Đến đời Minh Mạng thì nhà vua đổi dinh và trấn ra làm tỉnh, Bến Tre và Gò Công được tách ra làm huyện Tân Hòa. Đến đời Thiệu Trị thì Gò Công được sáp nhập vào Gia Định, và Bến Tre được nhập vào Định Tường. Khi Pháp chiếm Nam kỳ, chúng lần lượt phân lục tỉnh ra làm 20 tỉnh và một phần của huyện Kiến Hòa được tách ra làm tỉnh Bến Tre vào năm 1907. Tổng diện tích là 170.000 mẫu Tây và tổng dân số thời đó (theo thống kê của La Cochinchine) là 257.216 người, đa số là người Việt. Hiện nay diện tích của tỉnh Bến Tre là 2.287 cây số vuông, và tổng dân số là 1.319.000 người. Có nhiều giả thuyết về cái tên Bến Tre, có người cho rằng vì người Miên gọi là Kompong Ruusei hay Sóc Tre nên dân Nam ta gọi là Bến Tre. Về vị trí thì Bắc giáp Định Tường, phía Tây và Tây Nam giáp Vĩnh Long, và phía Nam giáp Trà Vinh, Đông và Đông Nam giáp biển Đông. Hiện tại Bến Tre gồm có 9 quận: Trúc Giang, Hàm Long, Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, Đôn Nhơn, Mỏ Cày, Hương Mỹ và Thạnh Phú. Sau năm 1975, Chợ Lách dược sáp nhập vào Bến Tre, tuy tuy nhiên, quận Đôn Nhơn được sáp nhập vào Mỏ Cày, Hương Mỹ được sáp nhập vào Thạnh Phú, và Hàm Long được sáp nhập vào Ba Tri nên Bến Tre chỉ còn có 7 quận. Bến Tre là một vùng đất phù sa màu mỡ, gồm ba cù lao lớn là cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa. Tuy mang tên Bến Tre, nhưng đây chính là quê hương xứ dừa với những vườn dừa ngút ngàn. Ngoài ra, Bến Tre còn trồng lúa, mía, thuốc lá, dưa, bông vải và đủ loại trái cây. Bến Tre còn là vựa muối biển của cả vùng. Bến Tre tuy là một tỉnh nhỏ với bờ biển chỉ dài khoảng 60 cây số nhưng chỉ riêng một mình Bến Tre đã chiếm 5 cửa biển của sông Cửu Long (Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên) nên hải sản của Bến Tre thật là phong phúđặc sắc không thua bất kỳ nơi nào. Dù Việt Nam chịu ảnh hưởng gió mùa vùng nhiệt đới, nhưng nhờ gần biển, địa hình bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen lẫn với những cánh đồng ngút ngàn, lại được bao bọc xung quanh bởi một mạng nhện sông, kinh và rạch, nên khí hậu Bến Tre luôn dễ chịu, chỉ trừ một vài vùng có đất giồng cao như Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú nên về mùa nắng hơi có phần oi bức. Còn các nơi khác như Mỏ Cày, Giồng Trôm, Trúc Giang và Hàm Long thì bốn bề được sông nước bao bọc nên luôn mát mẻ và rất thuận tiện cho việc giao thông vận tải, cũng như thủy lợi. Ngoài 4 con sông lớn chảy qua Bến Tre là Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, Bến Tre còn hai nhánh sông lớn của sông Hàm Luông là sông Sóc Sải và sông Cái Gấm. Ngoài ra, Bến Tre còn có kinh Chẹt hay kinh An Hóa nối sông Mỹ Tho, sông Ba Lai và rạch Trúc Giang; kinh Song Mã nối sông Hàm Luông, Ba Lai và rạch Trúc Giang; kinh Hương Điểm chạy từ cù lao Bảo qua rạch Sơn Đốc. Bến Tre còn có rất nhiều rạch quan trọng như bên cù lao Bảo có các rạch Trúc Giang, rạch Lương Phú, Ngã Con, Phú Hữu, Ba Tri, Mỹ Nhiên, Bà Hiền, Cái Bông, Sơn Đốc, Cái Mít và Thủ Cửu. Bên cù lao Minh có các rạch Cái Mơn, Mỏ Cày, Cái Quao, Băng Cung, Con Ốc, Hồ Cỏ. Bên cù lao An Hóa có rạch Vũng Luông. Ngoài ra, Bến Tre còn trên một trăm rạch nhỏ khác trong toàn tỉnh. Chính vì thế mà từ trên phi cơ nhìn xuống, toàn tỉnh Bến Tre giống như là một mạng nhện sông, kinh và rạch, cắt ngang cắt dọc, cắt xiên, cắt xéo, trông rất đẹp mắt. Tuy đất Bến Tre phù sa màu mở, nhưng hãy còn những vùng hoang dã, chỉ có cây bần, mắm, chà là hay giá mọc được mà thôi... rất nhiều vùng hãy còn giữ được nét nguyên sơ của một thời cha anh ta đi khai mở đất nước và không khí cũng như môi trường thiên nhiên ở những nơi này rất trong lành như vùng bờ biển Bình Đại, An Thạnh và Thạnh Phú...Tuy nhiên, bên cạnh vẻ đẹp thuở hoang sơ ấy, những nơi này vẫn có vẻ đẹp thuần hậu của những thôn ấp với những đồng rẫy, vườn dừa và những vườn cây ăn trái rộng lớn. Chính vì thế mà ngoài chuyện rất nổi tiếng về dừa và lúa ra Bến Tre còn sản xuất nhiều sản vật và hoa quả khác như ngô, khoai, dứa, thơm, chôm chôm, mãng cầu, vú sữa, sầu riêng, vân vân. Ngoài những nơi hoang sơ ấy, Bến Tre vẫn có một diện tích ruộng canh tác đáng kể, nhờ đất đai mầu mỡ nên tổng số diện tích ruộng lên tới 113.000 mẫu nằm trong đất liền của các quận Ba Tri, Thạnh Phú, Hương Mỹ và Bình Đại... nên Bến Tre trở thành một vựa lúa lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vì có một bờ biển quan trọng nên ngư nghiệp tại Bến Tre cũng rất khả quan, chẳng những ven biển, mà còn trong những con sông lớn nữa nên ngành thủy và hải sản của Bến Tre cũng rất nổi tiếng với đủ loại cá, tôm, cua, sò, ốc, hến, đặc biệt là cá thiều, cá cơm, và cá mối. Về thổ sản thì Bến Tre là nơi nổi tiếng nhất về dừa, mía, cam, quít. Diện tích trồng dừa của Bến Tre lên đến 40.000 mẫu, vượt trội hơn các tỉnh khác trong Nam, gấp 5 lần Vĩnh Long và Mỹ Tho, gấp 7 lần Bình Định, gấp 20 lần Quảng Ngãi. Dừa là sản phẩm chẳng những chỉ cho cây và trái, mà lá dừa tươi được dùng để gói bánh, lá dừa khô dùng để nhóm lửa hay làm đuốc soi ban đêm, gáo dừa dùng làm củi rất tốt, nhưng người ta còn dùng để múc nước và làm những đồ thủ công rất đẹp, củ hủ dừa là một món ăn tuyệt hảo của dân miền Nam, vỏ dừa dùng se dây hay dệt thảm, dầu dừa dùng chế xà bông rất tốt. Cũng chính từ dừa mà Bến Tre rất nổi tiếng về món kẹo dừa, chẳng những xuất cảng đi các tỉnh khác, mà còn được bán ra ngoại quốc nữa. Ngoài ra, Bến Tre còn nổi tiếng về ngành dệt chiếu. Trong thời Gia Long bôn tẩu lẩn trốn quân Tây Sơn, ông đã nhiều lần lưu lại Bến Tre tại các nơi như cồn Đất, Đa Phước Hội, vân vân. Tỉnh Bến Tre hãy còn nhiều di tích lịch sử như lăng miếu, đền, chùa cổ kính, Hồ Cỏ thiên nhiên là một trong những thắng cảnh của tỉnh Bến Tre. Kỳ thật đây là một cánh đồng cỏ xanh tươi bát ngát, mặt đồng lại thấp, bằng phẳng và xanh rì như mặt hồ không một gợn sóng, có lẽ vì thế mà dân chúng trong vùng gọi đây là hồ cỏ, chứ không gọi là đồng cỏ. Ngoài ra còn có chùa thờ Năm vị Cổ Phật ở Phú An Hòa. Về nhân vật lịch sử thì Bến Tre có ông Chưởng cơ Phạm văn An, theo phò Nguyễn Ánh, ông Hoàng văn Tứ từng theo hầu cận Nguyễn Ánh, ông Nguyễn hoài Quỳnh từng làm tới chức Hình Bộ Tả Tham Tri ở Bắc Thành dưới thời Gia Long. Ngoài ra, Bến Tre còn có ông Trương tấn Bửu, di dân từ Gia Định, nhưng đã sống suốt đời ở Bến Tre, theo phò tá Gia Long tới chức Tiền quân Phó tướng. Đời Minh Mạng, Trương tấn Bửu đã vâng lệnhvăn Duyệt nạo vét kinh Vĩnh Tế. Nói đến Bến Tre là phải nói về cụ Phan thanh Giản. nội tổ gốc Trung Hoa nhưng di cư sang lập nghiệp tại vùng gảnh Mù U, nên cụ Phan sanh ra và lớn lên tại đất Bến Tre này. Cụ đậu thi Hương năm 1825, và Tiến Sĩ năm 1826. Trong suốt thời gian hoạn lộ dù thăng hay dù trầm, cụ vẫn một mực cần chánh thanh liêm. Trải qua ba triều, cụ đã phục vụ khắp các miền đất nước, tuy nhiên, vào cuối đời thì cụ làm Kinh Lược Sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên và tuẫn tiết khi thành Vĩnh Long thất thủ năm 1867. Cụ quả là một tấm gương cả đời hy sinh cho dân cho nước, thật đáng cho chúng ta noi theo. Hiện không có đền thờ cụ Phan tại Bến Tre vì những thế lựcxu thế chính trị đang thống trị đất nước muốn triệt hạ uy danh của cụ, nhưng trong lòng con dân Nam Kỳ, đâu đâu cũng là đền thờ của cụ, từ gảnh Mù U đến khắp các hang cùng ngõ hẻm của Nam Kỳ Lục Tỉnh người dân hồi trước và người dân bây giờ vẫn xem cụ là một dũng tướng đã hết lòng vì dân vì nước. Hiện trong xã Bảo Thạnh, quận ba Tri vẫn còn mộ cụ Phan được xây bằng đá ong, với một tấm bia bằng chữ Hán rất sơ sài trong khuôn đất hương quả, do một người cháu 7 đời của cụ trông coi. Bến Tre còn là quê hương của Chánh Lãnh binh Nguyễn ngọc Thăng, người đã cố thủ trong trận tử thủ đồn Thủ Thiêm, rồi sau đó kéo quân về hợp cùng Trương Công Định tiếp tục đánh Pháp tại Gò Công. Lãnh binh Thăng tử trận năm 1866. Sau Lãnh binh Thăng, có các ông Phan Tôn và Phan Liêm (con của cụ Phan thanh Giản) cũng nổi lên đánh Pháp tại Bến Tre. Sau khi cụ Phan tuẫn tiết và để lại di chúc cho các con đừng ra hợp tác với Pháp thì 2 ông Phan Tôn và Phan Liêm chiêu mộ hào kiệt ở các vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc nổi lên đánh Pháp, nhưng vì thế cô sức yếu nên cuộc khởi nghĩa thất bại. Ngoài ra, cụ Nguyễn đình Chiểu cũng là một tấm gương yêu nước hiếm có trong thời tao loạn. Tổ tiên cụ đồ Chiểu quê ở Huế, cha cụ làm quan dưới quyền Tả quân Lê văn Duyệt, nên sau vụ Lê văn Khôi, ông bèn đem cả nhà về miền Trung, nhưng bị vua Minh Mạng kết tội xử tử, nhưng nhờ triều thần can thiệp, cha ông được miễn tội. Sau đó ông đem Nguyễn đình Chiểu và các con khác vào Gia Định lập nghiệp. Năm 22 tuổi Nguyễn đình Chiểu đậu Tú tài, đến năm 1849 khi vừa ra Huế ứng thí thi Hương thì hay tin mẹ mất, cụ bỏ thi trở về miền Nam. Dọc đườngbuồn rầu than khóc mẹ mà cụ mang bệnh đến nỗi mù cả đôi mắt. Sau khi thành Gia Định thất thủ, cụ mang cả gia quyến về Cần Giuộc lánh nạn, sau đó cụ lại dời về Ba Tri. Tại đây cụ tiếp tục dạy học và liên lạc với nghĩa binh. Chủ tỉnh Bến Tre 4 lần xin ra mắt để chiêu dụ cụ, nhưng đều thất bại. Thơ văn cụ để lại hãy còn rất nhiều bài thơ chẳng những nói lên tâm trạng bất hợp tác với Pháp, mà còn khuyến tấn sĩ dân nếu không chống Pháp được bằng súng đạn nên dùng ngòi bút mà chống và khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân cho đến khi không còn bóng dáng quân thù. Cụ mất năm 1888 tại Bến Tre. Ngoài ra tại xã Bảo Thạnh, quận Ba Tri còn có mộ cụ Võ Trường Toản. Cụ là một nhà nho lớn của Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, với kiến thức uyên bác và chí khí thanh cao, dù quê quán của cụ ở Bình Dương, nhưng khi cụ mất, học trò của cụ là những quan chức thời danh lúc ấy đã dời lăng mộ của cụ về Bến Tre để cải táng sau khi ba tỉnh miền Đông mất vào tay giặc Pháp. Cụ Võ trường Toản là thầy của các cụ đồ Chiểu, Trịnh hoài Đức, Lê quang Định, Ngô nhân Tịnh và Phan thanh Giản. Cụ mất năm 1792 trong khi đất nước đang hồi suy mạt vì Nguyễn Ánh đang rong ruổi đó đây hết rước Xiêm rồi rước Tây về dày xéo mả tổ với ý đồ giành giựt lại chiếc ngai vàng cho dòng họ. Bến Tre cũng là quê hương của nhà thơ nữ Sương nguyệt Ánh (con của cụ đồ Chiểu). Bà từng làm chủ bút tờ “Nữ Giới Chung,” tờ báo đầu tiên cho phụ nữ Việt Nam. Có thể nói, bà là một nữ sĩ tài ba, ngòi bút sắt thép không kém gì cha mình.

     Ngày trước khi cha anh chúng ta đi khai mở đất đai về phương Nam, thì đi đâu đến đâu quý ngài cũng xây dựng đình chùa đến đấy. Chính vì thế không riêng gì Bến Tre mà cả miền nam, thấp thoáng đâu đâu chúng ta cũng thấy những kiến trúc mái cong của đình chùa. Riêng tại Bến Tre, đa số dân chúng theo đạo Phật và thờ ông bà, tuy nhiên, cũng có một ít theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, Cao ĐàiHòa Hảo. Tại Bến Tre hiện còn rất nhiều ngôi cổ tự được xếp vào hàng di tích như chùa Hội Tôn ở xã Quới Sơn, được Thiền sư Long Thiền xây từ thời vua Lê Hiển Tông (1740). Tại ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, quận Mõ Cày, có chùa Tuyên Linh, được xây dựng vào năm 1861. Ngay tại thị xã Bến Tre có chùa Viên Minh, được xây dựng từ thế kỷ thứ 18. Đến năm 1951, chùa được trùng tu lại, trước khuôn viên chùa có tượng Quán Thế Âm Bồ Tát rất lớn. Hiện tại, hệ phái Tăng Già Khất Sĩ phát triển rất mạnh tại Bến Tre với hàng chục ngôi tịnh xá, mỗi tuần đều có thuyết giảng Phật pháp cho nhân dân trong vùng. Tại quận Ba Tri, xã Phú Lễ còn ngôi Đình Phú Lễ, đã được xây dựng từ những ngày đầu cư dân Việt Nam đến chung sống với người Khmer tại đây. Hiện nay dân chúng vẫn thường xuyên lai vãng lễ bái, đặc biệt là vào hai kỳ lễ, lễ Kỳ Yên vào hai ngày 18 và 19 tháng 3 âm lịch, cũng như lễ Cầu Bông vào ngày mồng 9 và 10 tháng 11 âm lịch. Tại các đình thần trong hai quận Bình Đại và Ba Tri, hàng năm đến ngày 16 tháng 6 âm lịch còn có lễ hội tế thần cá Ông rất linh đình. Ngoài ra, tại Bầu Dơi thuộc quận Giồng Trôm hiện còn một ngôi nhà thờ cổ tên La Mã rất lớn. Rãi rác khắp nơi trong tỉnh Bến Tre cũng có nhiều thánh thất Cao Đài với lối kiến trúc thật đặc sắc. Nói đến Bến Tre, không ai không liên tưởng đến giai thoại “Ông Già Ba Tri” của tỉnh này. Theo các bô lão, thời vua Tự Đức, có một ông lão đã dám đi bộ hơn một ngàn cây số từ Bến Tre ra đến kinh đô Huế để kêu oan. Dù đây chỉ là một giai thoại, nhưng nó cũng nói lên tánh khí kiên cường của người dân Bến Tre. Ngày nay chẳng những người Bến Tre cảm thấy hãnh diện về quê hương xứ dừa của mình, mà dân Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng hãnh diện về vùng đất với sông nước cuồn cuộn, sóng vỗ dạt dào cũng như tánh tình hiền hòa nhưng bất khuất của đồng bào Bến Tre.

Năm 2017, trong một lần về Việt Nam tìm thêm tài liệu tham khảo cho bộ sách Dinh Long Hồ Ngày Ấy & Bây Giờ, người viết bài nầy có dịp ghé qua xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Kiến Hoà (nay là Bến Tre) để kính viếng phần mộ cụ Phan Thanh Giản và đền thờ cụ Võ Trường Toản gần đó (tưởng cũng nên nhắc lại, sau khi người Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông Nam Kỳ vào năm 1863, cụ Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông, cùng một số học trò của cụ Võ Trường Toản đem hài cốt cụ Võ Trường Toản về đây cải táng vào năm 1864). Ngoài ra, đất Cái Mơn, nay thuộc tỉnh Kiến Hoà còn là quê hương của cụ Trương Vĩnh Ký, một người hiếu học thông minh, và nói được nhiều thứ tiếng. Gát qua chuyện cụ đã hợp tác chặt chẽ với Pháp tại Sài Gòn, cụ có công rất lớn với sự phát triển của chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Cụ chủ trương canh tân cải cách và mang văn hóa Âu Tây về truyền bá cho dân Việt. Hiện tại hãy còn rất nhiều tác phẩmgiá trị của cụ như bộ Văn Phạm Việt Nam viết bằng chữ Pháp, Truyện Đời Xưa viết bằng quốc ngữ, Học Vỡ Lòng Tiếng Việt viết bằng chữ Pháp. Cụ mất năm 1889 tại Sài Gòn. Ông là người đã biên soạn bộ Tự Điển Pháp Việt đầu tiên. Trương Vĩnh Ký là bậc tiền hiền chữ quốc ngữ trong toàn cõi Việt Nam. Thuở nhỏ vì cha mất sớm nên mẹ cho ông theo Cụ Tám để học chữ quốc ngữ, rồi sau ông theo Cố Long và được đưa sang du học tại Penang (nhượng địa của Mã Lai cho Anh quốc). Sau ông về nước làm thông ngôn cho Pháp, rồi phụ trách trường thông ngôn ở Gia Định, cũng như tờ Gia Định Báo. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm chữ quốc ngữ và chữ Pháp, trong đó có bộ Văn Phạm Việt Nam (viết bằng chữ Pháp cho người Pháp dùng), Truyện Đời Xưa (viết bằng quốc ngữ), và Học Vỡ Lòng Tiếng Việt (viết bằng chữ Pháp). Trước khi về hưu ông đã từng làm cố vấn cho vua Đồng Khánh. Ông mất năm 1899 tại Gia Định. Trương Vĩnh Ký chẳng những là một trong thế giới thập bát tú (18 người thông thái) vào thế kỷ thứ 19, đã để lại cho nền văn chương chữ quốc ngữ của chúng ta một kho báu văn chương, mà ông còn là người đã giúp thay đổi hẳn bộ mặt những vườn cây ăn trái của Cái Mơn nói riêng và của toàn quốc về sau này nói chung. Chính ông đã mang từ Mã Lai những cây giống sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, li-cu-ma về trồng tại Cái Mơn. Từ đó đến nay dù mới chỉ hơn 150 năm, nhưng người bản địa cứ ngỡ là loại cây trái ấy là của dân mình, vì những đặc sản ấy vừa ngon vừa tốt trái hơn nơi đã sản sanh ra nó. Ngoài những cây ăn trái nổi tiếng của miền nhiệt đới, Cái Mơn hiện nay còn là xứ của các loài hoa, từ hoa bản xứ như cúc, vạn thọ, hồng... đến những loại hoa được đưa vào từ miền Bắc hay từ Thái Lan sang với muôn màu muôn sắc làm cho Cái Mơn trở thành một khuôn viên cây ăn trái, cây kiểng và vườn hoa dọc theo hai bên bờ sông.

     Vì được bao bọc bởi sông nước nên Bến Tre mang một nét đặc thù của miệt vườn miền Nam. Ngày trước và ngay cả bây giờ, dù đường giao thông trên bộ đã được xây dựng nhưng phương tiện di chuyển chính của người dân Bến Tre vẫn là thuyền bè. Nhiều khi cả gia đình dong ruổi đó đây trên một chiếc ghe suốt từ năm này qua tháng nọ nên tình cảm người dân Bến Tre thật gắn bó với sông nước, họ sống thật giản dị hài hòa với ruộng đồng và với những người quanh họ. Cũng chính vì vậy mà mãi cho đến bây giờ, những ai có dịp đi trên vùng sông nước Bến Tre, vẫn còn nghe được những câu hát điệu hò trên sông nước, những lời ca, điệu hát, giọng hò, hoặc những bản cải lương mà âm hưởngý nghĩa vẫn còn hướng về một thời cha anh chúng ta đi khai mở đất nước về phương Nam. Nhắc đến Bến Tre mà không nhắc về những cồn và những sân chim hay làng trái cây tại đây quả là một thiếu sót lớn. Ngay trong quận Châu Thành tỉnh Bến Tre, giữa sông Tiền Giang, thuộc xã Tân Thạch, tức là ngay cửa ngõ từ Mỹ Tho qua Bến Tre, có một cái cồn rất nổi tiếng mang tên Cồn Phụng, quê hương của ông Đạo Dừa. Cồn nằm cách thị xã Bến Tre 12 cây số, diện tích toàn cồn vào khoảng 50 mẫu tây. Dân cư ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng cây ăn trái và làm đồ thủ công nghệ từ cây dừa. Hiện trên cồn còn ngôi tòa tháp của ông Đạo Dừa được xây trên một khu đất rộng khoảng 1.500 mét vuông. Tòa tháp có lối kiến trúc rất độc đáo với những mảng đắp chạm rồng phượng bằng những miếng miễng vỡ của tô, chén, dĩa. Chiếc cầu thang lên đỉnh tháp uốn lượn theo hình trôn ốc trông rất đẹp mắt. Cách thị xã Bến Tre chừng 20 cây số, có Cồn Qui (giống như hình con rùa), nằm trên sông Tiền, giữa hai xã Tân Thạch và Quới Sơn thuộc quận Châu Thành. Tòan cồn nổi tiếng với những vườn cây ăn trái và cá tôm đủ loại. Cách thị xã Bến Tre khoảng 10 cây số, tại xã Hưng Phong, quận Giồng Trôm có cồn Ốc hay còn gọi là cồn Hưng Phong. Cồn dài trên 8 cây số và diện tích trên 1 cây số vuông với những vườn cây ăn trái xanh tươi cũng giống như cù lao An Thành ở Vĩnh Long hay cù lao Thới Sơn ở Mỹ Tho. Trong xã Tiên Long thuộc quân Châu Thành, ngang với làng Cái Mơn trên sông Tiền còn có cồn Tiên. Cồn rộng chỉ khoảng 7 mẫu tây, nằm cách thị xã Bến Tre khoảng 23 cây số, đây là một bãi tắm trên sông rất đẹp, hàng năm vào ngày 5 tháng 5 có hàng vạn người từ các nơi đổ xô về đây trên những chiếc tam bản hay tắc rán để tham dự lễ hội tắm sông ném bùn thật vui nhộn. Giữa hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân thuộc quận Ba Tri, gần cửa Ba Lai, hiện còn có một sân chim rất rộng, khoảng trên 50 mẫu tây, trong đó có khoảng trên 15 mẫu rừng chà là và khoảng 7 mẫu rừng đước chưa khai phá, đó là sân chim Vàm Hồ. Từ thị xã Bến Tre đến sân chim Vàm Hồ khoảng trên 50 cây số, người ta có thể đi đường bộ hay đường sông đến đây. Đây là nơi trú ngụ của hàng triệu chim đủ loại từ cò ngà, cò trắng, cò ruồi, vạc, sếu, le le, cồng cộc, dòng dọc, diệc xám, quắm trắng, dơi, cũng như các loại thú hoang vùng đồng bằng như chồn, rắn, rùa, cua đinh, càng đước, vân vân. Trên đường vào sân chim, dọc hai bên bờ sông Ba Lai là một thảm thực vật xanh mát với đủ loại cây trái từ cây ăn quả đến cây tạp như xoài, ổi, mận, mít, chôm chôm, dừa, cam, quít... đến so đũa, bình bát, điên điển, vân vân. Trong sân chim nhiều nhất là các loại cây đước, tra, chà là, mắm, giá, vẹt, ô rô, cốc kèn, rau muống biển... Tuy nhiên, đa phần chim chỉ làm tổ trên các cây chà là đầy gai (có lẽ đây là bản năng tự vệ của chúng). Vào khoảng từ 4 đến 5 giờ chiều hàng triệu con chim từ khắp nơi bay về Vàm Hồ biến nơi đây trắng xóa tương tự như một cảnh tuyết phủ miền Bắc cực. Về giao thông đường bộ, tỉnh lộ 60 nối liền Mỹ Tho, Bến Tre, Mỏ Cày và Trà Vinh. Tỉnh lộ 57 nối liền Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú (cắt tỉnh lộ 60 tại Mỏ Cày). Ngoài ra, từ tỉnh lộ 60 còn có các hương lộ 17 đi Bình Đại, hương lộ 26 đi Ba Tri, hương lộ 884 đi Cái Mơn.

     Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tỉnh Kiến Hòa được đổi là tỉnh Bến Tre, phân chia hành chính lại theo cấp huyện, chứ không còn là cấp quận như thời VNCH nữa. Phạm vi lãnh thổ của tỉnh Kiến Hòa ngày nay là tỉnh Bến Tre, ngoại trừ một số vùng đất nhỏ hồi đó thuộc tỉnh Vĩnh Long trước năm 1975.

 

Hình 1: Sơ đồ tỉnh Kiến Hoà năm 1958, theo Công Báo VNCH 1958.

Hình 2: Bản đồ tỉnh Bến Tre, theo tập bản đồ hành chánh VN năm 2019.

Hình 3: Chợ Trúc Giang năm 1958, theo Công Báo VNCH 1958.

Hình 4-5-6-7-8: Một số hình ảnh trên đường phố thị xã Trúc Giang,

tỉnh Kiến Hoà năm 1958, ảnh internet.

Hình 9-10: Quang cảnh đường phố của thị xã Trúc Giang năm 1960. ảnh internet.

 

 

 

Phần –XIII

______________________ 

22) Tỉnh Vĩnh Bình

     Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1956, tỉnh Trà Vinh được đổi làm tỉnh Vĩnh Bình. Tỉnh Vĩnh Bình nằm về phía Đông Nam của Vĩnh Long, về phía hạ lưu sông Cửu Long là tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh cũng được bao bọc bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Đây là đoạn chót của cù lao ba tỉnh Vĩnh Long Sa Đéc Trà Vinh. Vĩnh Bình là một trong 22 tỉnh của VNCH được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh số 143-NV của Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 22 tháng 10 năm 1956. Lúc này, tỉnh Vĩnh Bình được thành lập do đổi tên từ tỉnh Trà Vinh trước đó; còn tỉnh lỵ cũng bị đổi tên là Phú Vinh, do lấy theo tên xã Phú Vinh thuộc quận Châu Thành là nơi đặt tỉnh lỵ. Theo Nghị định số 3-BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ngày 3 tháng 1 năm 1957 thì tỉnh Vĩnh Bình có tỉnh lỵ là Phú Vinh và gồm 9 quận, 20 tổng, 75 xã:

1) Quận Châu Thành Vĩnh Bình có 3 tổng: Trà Bình, Trà Nhiêu, Trà Phú; quận lỵ: xã Phú Vinh.

2) Quận Càng Long có 3 tổng: Bình Khánh, Bình Khánh Thượng, Bình Phước; quận lỵ: xã Bình Phú.

3) Quận Cầu Ngang có 2 tổng: Bình Trị, Vĩnh Lợi; quận lỵ: xã Mỹ Hòa.

4) Quận Cầu Kè có 1 tổng: Tuân Giá; quận lỵ: xã Hòa Ân.

5) Quận Long Toàn có 1 tổng: Vĩnh Trị; quận lỵ: xã Long Toàn.

6) Quận Tiểu Cần có 1 tổng: Ngãi Thạnh; quận lỵ: xã Tiểu Cần.

7) Quận Trà Cú có 3 tổng: Ngãi Hòa Thượng, Ngãi Hòa Trung, Thanh Hòa Thượng; quận lỵ: xã Ngãi Xuyên.

8 ) Quận Trà Ôn có 3 tổng: Bình Lễ, Bình Thới, Thành Trị; quận lỵ: xã Tân Mỹ

9) Quận Vũng Liêm (trước thuộc tỉnh Vĩnh Long) có 3 tổng: Bình Hiếu, Bình Quới, Bình Trung; quận lỵ: xã Trung Thành.

     Tưởng cũng nên nhắc lại, sau năm 1965, các tổng trên toàn cõi VNCH dềudduwowjc bãi bỏ. Đến ngày 14 tháng 1 năm 1967 theo sắc lệnh số 06/SL/ĐUHC chính quyền Đệ Nhị Cộng hoà đã tách hai quận Vũng Liêm và Trà Ôn ra khỏi tỉnh Vĩnh Bình nhập vào tỉnh Vĩnh Long, do đó Vĩnh Bình chỉ còn lại bảy quận (nay là huyện): Châu Thành, Trà Cú, Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang, Long Toàn. Tỉnh lỵ vẫn mang tên là thị xã Phú Vinh.

Về lịch sử, Trà Vinh do tiếng Khờ me “Preas Trapeang” có nghĩa là Chủng Tử Phật. Dưới thời Gia Long thì Trà Vinh thuộc trấn Vĩnh Thanh (An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh). Sau khi chiếm trọn Nam kỳ, tướng Pháp là De la Gradière cho thành lập tỉnh Trà Vinh để tiện việc cai trị. Tuy là tỉnh mới, nhưng Trà Vinh có mức độ phát triển rất nhanh. Đất Trà Vinh cũng nằm giữa hai con sông Tiền giang (Cổ Chiên) và Hậu giang (Ba Thắc), gồm 7 quận: Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải. Về vị trí thì Bắc và Đông Bắc giáp Bến Tre, Tây và Tây Bắc giáp Vĩnh Long, Tây Bắc giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng, Đông giáp Bến Tre và biển Đông, Đông Nam giáp biển Đông. Về địa thế, Trà Vinh là một dãy đất hình móng ngựa ven bờ biển Đông, bao gồm vùng châu thổ được thành hình lâu đời và vùng đất trẻ mới được bồi đắp sau này. Tuy nằm trên một cù lao và gần biển hơn so với Vĩnh Long, nhưng độ cao trung bình của Trà Vinh tương đối khá cao, từ 2 đến 3 mét so với mực nước biển. Từ trên phi cơ nhìn xuống chúng ta thấy phía Đông Nam Trà Vinh như những vũng nước (những cánh đồng nhỏ hẹp xen lẫn những đầm lầy) được bao bọc xung quanh bởi những giồng đất hay cát khá cao và chạy song song với những đợt sóng của biển Đông. Trà Vinh là một dãy đồng bằng chằng chịt sông kinh rạch và được bao bọc bởi ba phía Đông Nam và phía Nam là biển, với bờ biển dài khoảng 65 cây số, còn phía Đông Bác và Tây Nam là sông Tiền và sông Hậu. Những vùng dọc theo bờ biển Trà Vinh có nơi cát bị gió biển thổi đùn lên thành những đụn cát tạo thành những giồng, xen lẫn với đất phù sa từ hai cửa sông Cổ Chiên và Ba Thắc tạo thành những cánh đồng nhỏ hẹp chạy song song với những giồng cao trông như những lượn sóng biển dọc theo miền duyên hải. Trà Vinh không có núi đồi, mà chỉ có kinh rạch chằng chịt khắp nơi. Hai con sông chính là sông Cổ Chiên và sông Ba Thắt. Sông Cổ Chiên giáp ranh với Bến Tre và đổ ra cửa Cung Hầu, còn sông Ba Thắt giáp ranh với Sóc Trăng và đổ ra cửa Định An. Ngoài ra, Trà Vinh còn có nhiều kinh rạch như kinh Bà Liêu, kinh Ba Túc, kinh Tân Lập, kinh Láng Sắc, kinh Trà Ếch, và một số kinh đào nhỏ ở vùng Bàu Sen, Láng Cháo, Cồn Cù, chạy dài từ kinh Zéro đến kinh 28. Thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ và mới thành lập tỉnh, thì diện tích Trà Vinh khoảng 2.000 cây số vuông. Thời Việt Nam Cộng Hòa, diện tích Trà Vinh khoảng 2.226 cây số vuông với dân số khoảng trên 500.000. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Trà Vinh rộng hơn với diện tích khoảng 2.369 cây số vuông, và sau theo thống kê mới năm 1999, dân số Trà Vinh có gần một triệu người. Người Kinh chiếm trên 70 phần trăm, kế đến là người Khmer và người Hoa. Về khí hậu tỉnh Trà Vinh cũng như toàn thể Nam bộ chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì nằm gần đường xích đạo nên Trà Vinh nóng và ẩm quanh năm và chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Tuy nhiên, vì có những giồng cát ven biển nên mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) nên Trà Vinh có phần nóng hơn các nơi khác trong vùng. Về mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) thường có những đám mưa lớn và dai hơn những nơi khác, lượng nước mưa trung bình vào khoảng từ 1.400 mm đến 1.600 mm. Nhiệt độ trung bình quanh năm từ 25 đến 27 độ C. Trà Vinh nối liền với Vĩnh Long bởi liên tỉnh lộ 7A, dài 66 cây số. Ngoài ra Trà Vinh còn các tỉnh lộ 34, 35, 36 và 37 nối liền tỉnh lỵ Trà Vinh với các quận. Về đất đai, cũng như các vùng lân cận, Trà Vinh được hình bồi đắp bởi phù sa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Ven biển có nhiều đụn cát do thủy triều từ xa xưa tạo nên, dồn phù sa lại thành giồng cao hơn những vùng chung quanh. Thêm vào đó Trà Vinh có nhiều kinh rạch chằng chịt nên rất thuận tiện cho việc trồng trọt. Chính vì thế mà về nông nghiệp, Trà Vinh có đến 90% diện tích trồng lúa. Những vùng giáp với Vĩnh Long thì nước ngọt quanh năm và việc canh tác cũng giống như Vĩnh Long, còn những vùng ven biển nơi có nước pha chè (nước lơ lớ nửa mặn nửa ngọt) thì dân chúng thường cất nhà trên những giồng đất cao và làm ruộng ở những vùng đất trũng. Từ Trà Vinh đi Long Toàn, Bàu Sen, Long Khánh, Láng Cháo, Cồn Cù... nông dân thường cấy lúa trong những cánh rừng thấp, đất rất mềm, khỏi cày cuốc chi cả như những khu rừng 13, 14, 15 ở Long Toàn. Về kinh tế, ngoài việc trồng lúa, dân Trà Vinh còn trồng đủ loại cây ăn trái mang lại nhiều lợi tức như dừa, cam, quít, dưa hấu, mảng cầu, ổi, chuối, chanh, dứa, vân vân. Dọc theo các kinh rạch từ các quận Càng Long, Cầu Ngang, Long Toàn, Trà Cú, và Cầu Kè và hai bên bờ sông Cổ Chiên và Ba Thắt, người ta trồng rất nhiều cây thuốc lá và các loại đậu. Bên cạnh đó, dân các vùng liên ranh với tỉnh Vĩnh Long còn chuyên nghề trồng các loại hoa từ trúc đào, vạn thọ, cúc, lan, mộc cẩn, kim phụng, bồ điệp... Khu rừng thấp chạy dài từ Bến Giá, Ba Động, qua Long Toàn, Cồn Cù, Láng Cháo, có rất nhiều khu rừng mắm, giá, đước, vẹt, dừa nước, tràm... Ngoài ra, bờ biển Trà Vinh cũng giúp mang lại cho ngành hải sản một nguồn lợi lớn lao như tôm càng, tôm bạc thẻ, cua, sò huyết, ốc tai voi, rùa... Bên cạnh đó, nhờ có một mạng lưới kinh rạch nên nghề đánh cá và thủy sản ở Trà Vinh cũng rất phồn thịnh. Trà Vinh nổi tiếng về cá trê, cá lóc, cá rô, cá tra, cá mè, cá bống kèo, cá rô phi... Cũng như Mỹ Tho và Bến Tre, Trà Vinh là nơi mà người Triều Châu đến lập nghiệp sớm nhất (có lẽ còn trước cả thời Dương Ngạn Địch xin các chúa Nguyễn vào Mỹ Tho lập nghiệp nữa là khác). Hiện nay tại chợ Trà Vinh hãy còn rất nhiều những khu phố buôn bán của người Hoa. Đến Trà Vinh bạn không thể nào bỏ qua món điểm tâm với cơm xíu mại thật đặc sắc của người Triều Châu. Có thể nói Trà Vinh là vùng đất có nhiều người Khmer nhất ở miền Nam. Trước năm 1975, chánh quyền VNCH đã thống kê Trà Vinh có trên 200 ngôi chùa, gồm trên 140 ngôi chùa Việt, 50 chùa Khmer, và khoảng trên 10 ngôi chùa của người Hoa, có trên 50% dân số trong tỉnh Trà Vinh là người Khmer. Chính vì thế mà Trà Vinh hãy còn rất nhiều di tích văn hóalịch sử Khmer. Chùa của người Khmer chẳng những là nơi tín ngưỡng lễ bái theo Phật giáo Theravada, mà còn là trường học dạy chữ Khmer. Hằng năm các chùa Khmer đều tổ chức những lễ hội đặc sắc và độc đáo theo truyền thống Khmer. Tại xã Đa Lộc, về phía Nam thị xã Trà Vinh chừng 6 cây số có chùa Hang đã có gần bốn thế kỷ nay. Chùa còn có tên là chùa Mồng Rầy (Kamponynixprdle), nhưng dân địa phương quen gọi là chùa Hang, vì nó có lối kiến trúc giống như một cái hang. Chùa Angkorett Pali là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa tọa lạc trên khu đất rộng trên 4 mẫu đất, nằm trong xã Nguyệt Hóa cách thị xã Trà Vinh chừng 7 cây số, ẩn mình trong những hàng cây cổ thụ quanh khuôn viên ao Bà Om. Chùa Nôdol hay chùa Cò (còn gọi là chùa Giồng Lớn), nằm trong ấp Giồng Lớn, thuộc quận Trà Cú, khoảng 40 cây số về phía Nam của Trà Vinh. Vì sân chùa rộng nên chùa là nơi cư ngụ của đủ các loại cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, vân vân, vì thế mà dân trong vùng gọi là chùa Cò. Đây là ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo của nền văn hóa người Khmer ở Trà Vinh. Chùa được bao bọc bởi những rặng tre và những hàng cây sao cây dầu cao ngất. Chùa Samrông Ek cũng trong xã Nguyệt Hóa, nghe nói chùa đã được xây vào thế kỷ thứ 7, có thuyết khác cho rằng chùa đã được xây vào năm 1373. Nhưng ngôi chùa cũ đã hư hại hoàn toàn nên ngôi chùa mới được xây năm 1850 và trùng tu vào năm 1944. Trong chùa hãy còn lưu giữ một số tượng cổ Noria bằng đá quý và các bia khắc bằng chữ Khmer, quanh chùa có nhiều tháp mộ. Nói đến Trà Vinh người ta thường nhắc đến những thắng cảnh nổi tiếng như Ao Bà Om. Đây chẳng những là thắng cảnh của Trà Vinh mà còn của cả vùng Nam bộ. Ao nằm trong xã Nguyệt Hóa, quận Châu Thành, cách thị xã Trà Vinh chừng 7 cây số. Ao có hình chữ nhật, dài khoảng 500 mét, rộng khoảng 300 mét, nằm dọc theo quốc lộ 53. Mặt nước ao lúc nào cũng trong và phẳng lặng, xung quanh có gò cát cao với những hàng cây sao cổ thụ rợp bóng mát. Lúc toàn vùng Trà Vinh hãy còn là vùng đất mới, chung quanh có nơi còn đang bồi đắp bởi phù sa, thì ao Bà Om chính là nơi chứa nước ngọt quanh năm. Truyền thuyết kể rằng lúc đào ao Bà Om thì 2 phái nam và nữ tranh chấp (lúc Chân Lạp còn theo chế độ mẫu hệ thì người nữ phải cưới người nam), trong khi phụ nữ thì muốn nam giới phải đi cưới vợ, phải làm rể một thời gian sau ngày cưới, và sau khi cưới phải ở luôn bên nhà vợ; còn phái nam muốn người nữ phải đi cưới chồng, nên hai phía cứ tranh chấp nhau mãi không thôi. Về sau thì bên nữ thách bên nam là hai bên sẽ thi đua đào hai cái ao, nếu bên nào đào xong trước thì bên đó thắng. Phái bên nào thua thì từ đó phái đó phải chịu tốn tiền cưới hỏi. Hai bên bắt đầu đào từ đầu hôm khi “sao Hôm” vừa ló dạng, đến rạng đông khi “sao Mai” ló dạng là phải ngưng tay để chấm điểm hơn thua. Bên phái nam cầm chắc chiến thắng trong tay vì ai nấy đều lực lưỡng, sức đàn bà làm sao qua nỗi, vì thế mà họ khinh địch, không khởi công đào một lượt với bên nữ, ngược lại họ còn tụm năm tụm ba nhăm nhi ba xị đế. Bên phái nữ biết phận mình nên khi trời vừa sụp tối là họ bắt tay ngay vào việc. Đào được một lúc thì bên nữ có bà thủ lãnh tên “Om” đã dùng mỹ nhân kế dụ dỗ cho bên nam xao lãng công việc, vừa đào vừa chơi. Đến rạng sáng khi sao mai vừa mọc thì ao bên nữ đã đào xong một cái ao thật to, còn ao bên nam vẫn còn dở dang. Từ đó phái nam phải đi cưới vợ và phải ở rể. Có người bác bỏ truyền thuyết về người đàn bà tên “Om,” nhưng thôi mình đâu phải là những nhà khảo cổ chính xác. Thôi thì nhận có truyền thuyết bà “Om” cũng được, mà không nhận cũng không sao. Trải qua bao thế hệ, ao Bà Om vẫn còn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp, trong khi ao bên đàn ông ở phía bên kia chùa Âng đã bị lấp dần, dầu hiện nay vẫn còn dấu vết (cách chùa Âng chừng 1 cây số). Ngoài ra, cách bãi biển Mỹ Long, quận Cầu Ngang chừng 3 cây số có một thắng cảnh tuyệt đẹp là Cồn Ngao. Khi thủy triều lên thì toàn bộ cồn cát chìm trong nước biển, khi thủy triều xuống thì cồn mới hiện. Không khí ở đây mát mẻ dễ chịu, đặc biệt ở đây có rất nhiều ngao nước ngọt nên người ta gọi là cồn ngao. Trên cồn có những nhà nghỉ mát được cất cao hơn mực nước biển để phục vụ du khách. Từ Trà Vinh đi khoảng 55 cây số về hướng Long Toàn, qua khỏi Bến Giá một đổi là đến Ba Động. Biển Ba Động nằm trong xã Long Hòa, huyện Duyên Hải, bãi dài khoảng 12 cây số. Không khí ở đây rất trong lành, xa xa có nhiều cồn cát trắng rất đẹp. Vào mùa hè, dân các vùng Sa Đéc Vĩnh Long thường hay về đây nghỉ hè và tắm biển. Có lẽ đây là vùng biển duy nhứt trong vùng biển phía Nam có cát trắng nước xanh. Không khí ở đây rất trong lành, nên thời Pháp thuộc, họ đã cho xây nhà nghỉ mát, dành cho các quan chức đến đây nghỉ mát và tắm biển. Vùng biển Bến Giá, Ba Động, Long Toàn, Giồng Trôm, Cồn Cù, Láng Cháo... còn một thứ đặc sản rất đặc biệt mà không nơi nào khác có được, đó là món “mắm rươi”. Rươi là một loại “rít biển” (nói nôm na theo dân địa phương), rươi thường sống trong những đám dừa nước, đến mùa “rươi” hay mùa nước lớn thì từng đám “rươi” không biết là hàng tỷ tỷ con trôi theo con nước. Dân địa phương chỉ việc dùng vợt để vớt “rươi” rồi bỏ chúng vào những lu nước muối để sẵn dưới ghe, rồi đưa về nhà phơi nắng, phơi khoảng một mùa nắng là ăn được. Người ta còn dùng rươi để nấu nước mắm rất ngọt và thơm, ngon hơn nước mắm cá biển nhiều. Phẩm chất cua và cá kèo Trà Vinh không thua bất cứ vùng nào quanh miền biển Nam Việt. Dân địa phương thường nấu cá kèo với mắm rươi, người ta nói thời Gia Long tẩu quốc thì đây là món mà ông ta thích nhất, nên dân trong vùng còn gọi mắm rươi là “mắm ngự.” Trà Vinh không những là quê hương của đủ loại cá biển, mà nó còn là quê hương của những đìa cá nước ngọt đủ loại từ cá lóc, cá rô, cá trê trắng, trê vàng... và đủ các loại rắn, trăn, rùa, kỳ đà, lươn, chạch. Ngoài ra, ba khía Trà Vinh cũng nhiều và không thua gì ba khía Bạc Liêu hay Cà Mau. Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh chằng chịt những kinh rạch nên hầu hết dân chúng trong vùng di chuyển đi lại bằng đường thủy, và lực lượng ghe thuyền của Trà Vinh cũng đáng kể. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ của Trà Vinh cũng nhiều. Trà Vinh có đường trải đá và tráng nhựa đi các nơi như tỉnh lộ 53 từ Vĩnh Long đi Vũng Liêm, Càn Long, xuống gần Trà Vinh thì được nối liền với liên tỉnh lộ 60 từ Bến Tre chạy xuống. Sau đó liên tỉnh lộ 53 đi xuống các quận Cầu Ngang, Long Toàn, và Long Khánh (bây giờ là Duyên Hải). Liên tỉnh lộ 54 chạy dọc theo bờ sông Hậu từ Bắc Vàm Cống xuống Tân Hòa Bình, Tân Lược, Tân Quới, Cái Vồn, Trà Ôn, Cầu Kè, Tiểu Cần và Trà Cú rồi chạy về thị xã Trà Vinh. Tỉnh lộ 35 từ Trà Vinh đi Bắc Trang, tỉnh lộ 36 (nay là tỉnh lộ 54) từ Trà Vinh đi Trà Cú, tỉnh lộ 6 từ Trà Vinh đi Mặc Bắc, tỉnh lộ 60 từ Trà Vinh đi Tiểu Cần... Nguồn lợi chủ yếu của Trà Vinh vẫn là lúa gạo, nhưng nghề rẫy và sản xuất rau quả tại đây những vùng đất giồng cũng phát triển mạnh. Ngoài ra, ngành hải sản cá khô, tôm khô, cũng như các loại cua, ghẹ... sản xuất dư dùng trong tỉnh và xuất cảng đi Sài Gòn và các vùng phụ cận. Thị xã Trà Vinh nằm bên bờ rạch Trà Vinh, cách bờ sông Cổ Chiên (sông Tiền Giang) khoảng 3 cây số. Từ Trà Vinh đi Vĩnh Long khoảng 66 cây số. Từ Trà Vinh đi Sài Gòn qua ngã Vĩnh Long là 202 cây số, tuy nhiên, nếu đi ngã Bến Tre và Mỹ Tho, Trà Vinh chỉ cách Sài Gòn có 110 cây số mà thôi. Trà Vinh là vùng cây cối xanh tươi quanh năm, kênh rạch dọc ngang chằng chịt, với những giồng cát liên tiếp nhau như sóng biển, vì thế mà phong cảnh Trà Vinh rất hữu tình và thơ mộng với ruộng đồng chen lẫn vườn cây, đụn cát chạy dài trên các giồng. Đây là vùng đất mà trên đó ba sắc dân Việt, Khmer và Hoa sống với nhau rất hài hòa. Chính vì thế mà lễ hội ở Trà Vinh cũng mang một sắc thái đặc biệt hơn những nơi khác. Người Việt và người Hoa thường sống chen lẫn nhau tại thành thị, còn người Khmer thường sống quanh các chùa, trong các thôn làng có nhiều cây to. Dân tộc Khmer có những lễ hội rất đặc sắc quanh năm, như lễ đón năm mới (Chôl Chnam Thmây), tức là Tết của cộng đồng người Khmer, được tổ chức vào giữa tháng 4 dương lịch. Lễ cúng ông bà (lễ Đôlta), cũng là một torng những lễ lớn của người Khmer, được tổ chức vào 3 ngày mỗi năm từ ngày 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch. Lễ cúng trăng (lễ Ooc Om Bok) và hội đua ghe ngo vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Người Khmer tổ chức lễ cúng trăng để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, vì họ coi mặt trăng như một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp họ làm ăn khá giả trong suốt năm, trong lễ cúng trăng người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo rất hào hứng. Mỗi khi Phum hay Sóc cần xây dựng cầu, đường, chùa chiền hay trường học, hoặc các công trình lợi ích chung khác, họ thường tổ chức lễ dâng bông để quyên góp tiền bạc của dân chúng trong vùng. Thường thì các sư sãi đứng ra làm chủ lễ cầu nguyện, và các địa phương thường rước các đám hát về giúp vui cho dân địa phương. Người Việt chúng ta có đám cúng giỗ kỵ để tưởng nhớ người thân đã qua đời, thì người Khmer cũng có lễ dâng phước. Bên cạnh những lễ hội của người Khmer, người Việt và người Hoa có lễ hội cúng biển Mỹ Long (quận Cầu Ngang) hay lễ hội Nghinh Ông. Hằng năm lễ cúng biển được tổ chức tại Miếu Bà Chúa Xứ trong ba ngày, từ mồng 10 đến 12 tháng 5 âm lịch. Trong ba ngày này rất nhiều nghi lễ được tiến hành rất trang trọng, như lễ nghinh Ông Nam Hải (trên thuyền là những vị thần hóa trang Quan Công, Châu Xương, Quan Bình), lễ rước Bà Chúa Xứ, lễ rước Cậu, lễ Nghinh Ông (rước cá ông để tỏ lòng biết ơn đã cứu vớt tàu thuyền khi lâm nạn), lễ tế Thần Nông, lễ chánh tế, lễ nghinh ngũ phương đi bộ vòng quanh thị trấn, và nhiều trò chơi dân gian như nhẩy bao, kéo dây, bắt cá kèo hay cá bống. Lễ hội được kết thúc với việc đưa tàu thuyền ra biển. Lễ cúng biển được bắt đầu từ năm 1937, do dân làm nghề biển tổ chức, với mục đích cầu an. Nhưng về sau này, lễ cúng biển đã lôi kéo nhiều người từ các địa phương xa khác trong tỉnh, nên càng ngày lễ hội càng thêm náo nhiệt và có tính cách đại chúng hơn.

     Sau năm 1975, chính quyền mới lấy đổi Vĩnh Bình lại với tên cũ là Trà Vinh.

     Tháng 2 năm 1976 tỉnh Trà Vinh hợp nhất với tỉnh Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long rồi đến ngày 26 tháng 12 năm 1991 lại tách ra như cũ gồm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như ngày nay.

 

Hình 1: Sơ đồ hành chánh tỉnh Vĩnh Bình năm 1967.

Hình 2: Chợ Trà Vinh năm 1926, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 3: chợ Trà Vinh năm 1929, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 4: Chợ Cầu Ngang năm 1929, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 5: Cầu Long Bình, Trà Vinh, năm 1929, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 6: Đường phố Trà Vinh năm 1929, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 7: Bệnh Viện Trà Vinh năm 1929, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 8: Trường Nam Tiểu Học Trà Vinh năm 1929, ảnh Bulletin de Cochinchine 1929.

Hình 9: Xe lôi đạp tại Trà Vinh năm 1956, ảnh Công Báo VNCH 1956.

Hình 10: Chợ Phú Vinh năm 1972, ảnh Công Báo VNCH 1972.

Hình 11-12: Đường phố trong thị xã Phú Vinh, tỉnh Vĩnh Bình năm 1972,

ảnh Công Báo VNCH 1972.

Hình 13: Ao Bà Om năm 1972, ảnh Internet.

Hình 14: Phi Trường Phú Vinh năm 1972, ảnh Internet.

 

 

 

Phần –XIV

 _____________________________

23) Tỉnh Chương Thiện

     Đến năm 1963, vì lý do an ninh lãnh thổ, Tổng Thống VNCH tách các quận Đức Long(96), Long Mỹ, Kiên Hưng (Gò Quao), Kiên Long và Kiến Thiện của tỉnh Rạch Giá và Sóc Trăng để thành lập tỉnh Chương Thiện. Năm 1967, Chương Thiện là một trong mười tỉnh có tên trong danh sách các tỉnh của VNCH được phép kiến thiết và chỉnh trang tỉnh lỵ, đó là các tỉnh Gò Công, Chương Thiện, Bạc Liêu, Châu Đốc, Tam Kỳ, Hội An, Quảng Đức, Hậu Bổn, Tuyên Đức và Lâm Đồng. Đến ngày 18 tháng 9 năm 1971, nhằm đưa tỉnh lỵ Vị Thanh lên ngang hàng với các tỉnh lỵ khác, chánh phủ VNCH đã ký sắc lệnh số 108-SL/CC duyệt y đồ án thiết kế tỉnh lỵ Vị Thanh(97). Năm 1974, vì lý do an ninh lãnh thổ, chánh phủ VNCH quyết định thành lập thêm chi khu Đức Long cho tỉnh Chương Thiện. Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản sáp nhập các quận Gò Quao và Kiên Long vào tỉnh Rạch Giá, các quận Long Mỹ, Kiến Thiện và thị xã Vị Thanh vào tỉnh Hậu Giang. Thị xã Vị Thanh cách Sài Gòn 170 cây số và cách thành phố Cần Thơ khoảng 60 cây số. Vùng này là một vùng tiềm năng lớn về lúa gạo, tuy nhiên, trong chiến tranh, dân chúng bỏ ruộng vườn tản cư về các tỉnh thành sinh sống nên đồng ruộng vốn ủng phèn càng trở nên hoang vu hơn. Từ sau năm 1975 đến nay đã gần 30 năm trôi qua, nhưng đây vẫn là một vùng chưa được phát triển đúng mức của nó nên dân chúng vẫn tiếp tục sống trong nghèo đói, và đa phần thanh thiếu nữ tuổi chưa đến 18 đã phải tìm đường thoát ly đồng ruộng và nghèo đói bằng cách có chồng Đài Loan hay Đại Hàn, tội nghiệp cho số phận của một dân tộc bị một thiểu số tham quyền cố vịu mê thống trị.

 

24) Tỉnh Hà Tiên

     Về phía Tây của ba tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc là vùng Rạch Giá Hà Tiên. Dưới thời các chúa Nguyễn, đồng bằng Nam Phần có 3 dinh(98) và trấn Hà Tiên. Thuở ấy Hà Tiên trấn bao gồm một vùng bạt ngàn từ Hà Tiên, Rạch Giá, Cần Thơ, Bạc Liêu, và Long Xuyên(99). Đến khi Nam kỳ chia làm 6 tỉnh thì tỉnh Hà Tiên vẫn bao gồm những vùng đất trên. Về vị trí (của Hà Tiên trong Nam Kỳ Lục Tỉnh), phía đông và đông nam của Hà Tiên giáp An Giang, tây giáp Vịnh Thái Lan và tây nam giáp biển Đông, phía bắc giáp Cao Miên. Đất Hà Tiên do Mạc Cửu, một trung thần của nhà Minh, không phục nhà Thanh, nên di cư sang khai khẩn lập nghiệp. Đến năm 1714 thì xin nội thuộc nhà Nguyễn. Năm 1735, sau khi Mạc Cửu qua đời, con là Mạc Thiên Tứ lên thay làm Tổng Trấn Hà Tiên. Năm 1757, sau khi ông xin Chúa Nguyễn được hỗ trợ giúp đưa vua Miên là Nặc Tôn về xứ và đánh dẹp bọn loạn thần, Nặc Tôn nhớ ơn bèn dâng 5 phủ là Châu Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bọt và Vũng Thơm cho Thiên Tứ, ông bèn đem năm phủ ấy xin nội thuộc vào chúa Nguyễn. Như vậy tính đến năm 1757 thì toàn bộ Nam Kỳ đã nội thuộc Việt Nam. Về sông ngòi thì Hà Tiên trong Nam Kỳ Lục Tỉnh, vùng Rạch Giá và Chương Thiện có hai con sông lớn là Đại Giang (sông Cái Lớn) và Tiểu Giang (sông Cái Bé), riêng vùng Cà Mau thì có sông Bồ Đề. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, lúc đầu họ bãi bỏ tỉnh Hà Tiên, nhưng theo nghị định ngày 29 tháng 2 năm 1924, họ lại nâng lên thành tỉnh các khu vực Sa Đéc, Gò Công và Hà Tiên.

 

Chú Thích:

(96) Khu trù mật Vị Thanh-Hỏa Lựu cũ.

(97) Công Báo Việt Nam 1967, tr. 2416; và CBVN, 1971, tr. 6785.

(98) Biên Hòa, Gia Định và Long Hồ.

(99) Huyện Long Xuyên tức vùng Cà Mau ngày nay.

 

Hình 1: Sơ Đồ Hành Chánh VNCH trước năm 1975.

Hình 2: Sơ đồ tỉnh Chương Thiện năm 1965.

Hình 3: Chợ Vị Thanh năm 1965, ảnh internet.

Hình 4: Chuyến xe Vị Thanh-Cần Thơ năm 1965, ảnh internet.

Hình 5: Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh năm 1832, dưới Thời nhà Nguyễn.

Lúc đó Hà Tiên là một trong những tỉnh lớn của 6 tỉnh Nam Kỳ.

Hình 6: Bản đồ tỉnh Hà Tiên lúc thực dân Pháp mới chiếm Nam Kỳ vào năm 1867,

ảnh Bulletin de Cochinchine 1920.

Hình 7: Bản đồ tỉnh Hà Tiên sau khi người Pháp chia Nam Kỳ Lục Tỉnh ra làm 20 tỉnh,

sau năm 1867, ảnh Bulletin de Cochinchine 1920.

Hình 8: Phà Tô Châu năm 1925, ảnh Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 9-10: Quang cảnh Chợ Hà Tiên năm 1954, ảnh internet.

Hình 11: Cầu Phao Tô Châu năm 1973, ảnh Công Báo VNCH năm 1973.

Hình 12-13: Lăng Mạc Cửu, vị Tổng Trấn đầu tiên của trấn Hà Tiên, ảnh 1973.

 

 

 

Phần –XV—Phần cuối

 ___________________

25) Rạch Giá

     Vừa chiếm xong Nam Kỳ, ngày 15 tháng 6 năm 1867, người Pháp cắt 4 quận của tỉnh Hà Tiên là Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng) và Kiên Giang (Châu Thành) để thành lập hạt Thanh tra Kiên Giang trên địa bàn huyện Kiên Giang thuộc tỉnh Hà Tiên cũ, với lỵ sở hạt đặt ngay tại Rạch Giá. Ngày 1 tháng 8 năm 1867, Pháp thấy vùng đất Cà Mau còn vắng vẻ nên đã bãi bỏ hạt thanh tra Long Xuyên (tức vùng Caf Mau ngày nay, đã được thành lập đồng thời cùng với hạt Thanh tra Kiên Giang trước đó), sáp nhập địa bàn này tức vùng đất Cà Mau vào hạt thanh tra Kiên Giang và coi luôn vùng đất huyện Long Xuyên cũ. Ngày 16 tháng 8 năm 1867, thực dân Pháp chính thức đổi tên gọi tất cả các địa danh cấp tỉnh và hạt thanh tra theo tên gọi địa điểm nơi đặt lỵ sở của hạt thanh tra. Các tên gọi mới này chính là tục danh bằng tên Nôm của các thôn xã nơi đặt lỵ sở hạt thanh tra vốn trước đây vào thời nhà Nguyễn độc lập lại không được dùng chính thức trong các văn bản hành chính. Như vậy, cũng kể từ đây, chính quyền thực dân Pháp đã dần dần chính thức hóa các tên gọi địa danh bằng tiếng Nôm này bằng những văn bản hành chính. Vào thời điểm này, hạt Thanh tra Rạch Giá được thành lập do đổi tên từ hạt Thanh tra Kiên Giang trước đó. Hạt thanh tra Rạch Giá ban đầu bao gồm 6 tổng và 110 thôn: 1) Tổng Kiên Định gồm 14 thôn. 2) Tổng Thanh Giang gồm 11 thôn. 3) Tổng Kiên Hảo gồm 26 thôn. 4) Tổng Giang Ninh gồm 11 thôn. 5) Tổng Long Thủy gồm 25 thôn. 6) Tổng Quảng Xuyên gồm 13 thôn.

     Ngày 5 tháng 6 năm 1871, thời Chủ tỉnh Benoist (1871 - 1872) - thực dân Pháp tách vùng Cà Mau ra khỏi hạt Rạch Giá để nhập vào hạt Sóc Trăng. Ngày 18 tháng 12 năm 1871, Pháp lại nhập vùng đất Cà Mau vào hạt Rạch Giá như cũ. Ngày 5 tháng 1 năm 1876, dưới thời Chủ tỉnh E. Granier (1875 - 1878) - thực dân Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện. (arrondissement administratif) thì tỉnh Hà Tiên cũ bị chia thành hai hạt tham biện là Hà Tiên và Rạch Giá, đồng thời các thôn cũng đổi thành các làng.

Tỉnh Rạch Giá, tỉnh lỵ đặt tại quận Châu Thành (xã Vĩnh Thanh Vân). Tỉnh Rạch Giá nằm cách Sài Gòn khoảng 250 cây số về phía Tây Nam. Tuy mới thành lập từ thời Pháp thuộc, Rạch Giá đã vươn mình lớn mạnh về mọi mặt, với một bờ biển dài chạy từ biên giới Việt Miên đến vùng Thới Bình của tỉnh Cà Mau. Về địa thế, Rạch Giá nằm trong vùng cực Tây Nam của Nam Kỳ, chạy dài theo vịnh Thái Lan. Về vị trí thời đó thì phía Bắc Rạch Giá giáp Hà Tiên, Nam giáp Bạc Liêu, Đông giáp Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc, phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Thuở ấy Rạch giá đất rộng người thưa, năm 1880 toàn tỉnh Rạch Giá chỉ có khoảng 235.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Khmer và người Hoa. So với Hà Tiên thì Rạch Giá sanh sau đẻ muộn. Lúc Hà Tiên đã trở thành nơi đô hội với phố thị sầm uất thì Rạch Giá hãy còn là một làng chày nghèo nàn ven biển không ai ngó ngàng gì tới. Tuy nhiên, Rạch Giá được thiên nhiên ưu đãi về mọi khía cạnh. Rạch Giá có một bờ biển dài, ngoài khơi lại có thêm đảo Phú Quốc và một số hòn đảo khác trong vịnh Thái Lan nên Rạch Giá rất mạnh về mặt hải sản, nổi tiếng nhất là khô, cá, mắm, tôm và tép... Ngoài ra, đất đai phía Đông và phía Nam của Rạch Giá, tuy chưa được dẫn thủy nhập điền đúng mức, vẫn là những cánh đồng lúa bạt ngàn và hàng năm sản xuất lúa gạo dư dùng trong tỉnh mà còn xuất cảng lên Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Trước và trong thời Pháp thuộc, rừng rậm Rạch Giá hãy còn hoang vu, với khu rừng sác chạy dài từ vàm sông Cái Lớn đến Thới Bình, một vùng toàn là những cây mắm, giá, cóc, và những loại cây tạp mọc chen lẫn với rừng tràm không có giá trị công nghệ cao. Thậm chí có nhiều vùng ở miệt sông Cái Lớn và Tân Bằng Cán Gáo hãy còn rất nhiều cọp và voi. Sau khi kinh Cán Gáo được đào vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 thì voi vùng này không còn đất dung thân nên phải di tản về miệt Phụng Hiệp và Sóc Trăng.

     Ngày 18 tháng 7 năm 1882, thực dân Pháp thiết lập hạt tham biện Bạc Liêu (đầu tiên là Chủ tỉnh Lamothe de Carrier) trên cơ sở tách 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên và Long Thủy của hạt tham biện Rạch Giá (thời Chủ tỉnh Rạch Giá Nansot) hợp với 2 tổng Thạnh Hòa và Thạnh Hưng tách từ hạt tham biện Sóc Trăng (thời Chủ tỉnh Sóc Trăng de Bequigny) chuyển sang. Lỵ sở Bạc Liêu thuộc địa bàn tổng Thạnh Hòa vốn trước đó thuộc hạt tham biện Sóc Trăng. Ngày 12 tháng 8 năm 1888, hạt tham biện Rạch Giá bị giải thể, nhập vào hạt tham biện Long Xuyên. Ngày 27 tháng 12 năm 1892, thực dân Pháp lại tái lập hạt tham biện Rạch Giá với 4 tổng: 1) Tổng Giang Ninh có 16 làng. 2) Tổng Kiên Định có 14 làng. 3) Tổng Kiên Hảo có 25 làng. 4) Tổng Thanh Giang có 18 làng.

Ngày 26 tháng 1 năm 1894, chính quyền thực dân Pháp hợp nhất 4 làng Vĩnh Lạc, Vĩnh Hòa, Thanh LươngVân Tập thành một làng mới lấy tên là làng Vĩnh Thanh Vân, đồng thời vẫn là nơi đặt lỵ sở của hạt tham biện Rạch Giá như trước đó. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Rạch Giá trở thành tỉnh Rạch Giá. Viên chủ tỉnh Pháp đầu tiên là L. Rivet. Tỉnh lỵ Rạch Giá đặt tại làng Vĩnh Thanh Vân thuộc địa bàn tổng Kiên Hảo. Ngày 25 tháng 5 năm 1900, lập tổng Kiên Tường và tổng Thanh Bình. Ngày 31 tháng 12 năm 1907, lập thêm tổng An Ninh và tổng Thanh Biên. Năm 1910, tỉnh Rạch Giá gồm 8 tổng, 73 làng: 1) Tổng An Ninh có 5 làng. 2) Tổng Giang Ninh có 7 làng. 3) Tổng Kiên Định có 12 làng. 4) Tổng Kiên Hảo có 10 làng. 5) Tổng Kiên Lương có 15 làng. 6) Tổng Thanh Biên có 6 làng. 7) Tổng Thanh Bình có 7 làng. 8 ) Tổng Thanh Giang có 11 làng. Hồi còn Nam Kỳ Lục Tỉnh thì việc di chuyển bằng đường bộ từ Gia Định về Rạch Giá Hà Tiên phải mất trên một ngày một đêm (hơn 24 giờ), tuy nhiên, năm 1920, người Pháp cho sửa sang con đường đất đỏ từ Long Xuyên đi Rạch Giá, và cho bắt chiếc cầu Quay ngang sông Cái Lớn nên sự đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn trước nhiều. Ngay khi thành lập tỉnh lỵ tại xã Vĩnh Thanh Vân, người Pháp cho xây dựng thị xã Rạch Giá theo kiến trúc Tây phương.

Ngày 6 tháng 1 năm 1916, lại lập thêm tổng Thanh Tuyên và tổng Thanh Yên.

     Ngày 20 tháng 5 năm 1920, thực dân Pháp cho thành lập ở tỉnh Rạch Giá 5 quận trực thuộc: Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Long Mỹ và Phước Long. Tên các quận này vốn được lấy theo tên làng hoặc tên chợ nơi đặt quận lỵ. Riêng quận Châu Thành được thành lập trên địa bàn một số tổng thuộc khu vực nơi đặt tỉnh lỵ Rạch Giá: 1) Quận Châu Thành gồm 2 tổng: Kiên Hảo và Kiên Tường. Quận lỵ: Rạch Giá (thuộc làng Vĩnh Thanh Vân). 2) Quận Giồng Riềng gồm 1 tổng: Giang Ninh. Quận lỵ: Giồng Riềng (thuộc làng Thạnh Hòa). 3) Quận Gò Quao gồm 2 tổng: Kiên Định và Thanh Biên. Quận lỵ: Gò Quao (thuộc làng Vĩnh Phước). 4) Quận Long Mỹ gồm 3 tổng: An Ninh, Thanh Giang, Thanh Tuyền. Quận lỵ: Long Mỹ (thuộc làng Thuận Hưng). 5) Quận Phước Long gồm 2 tổng: Thanh Bình và Thanh Yên. Quận lỵ: Phước Long (thuộc làng Phước Long). Năm 1922, họ cho sửa sang lại cảng Rạch Giá, tuy rộng rãi và không có sóng gió, nhưng lại nhiều bùn và mau bồi lấp, nên cảng cũng không mấy thuận tiện cho tàu bè lớn. Các tàu buôn từ Hương Cảng và Tân Gia Ba thường ghé lại cảng Rạch Giá để bán những hàng vải tơ lụa, máy móc, và mua lại cá khô, tôm khô và gạo đem về.

     Ngày 24 tháng 11 năm 1925, chuyển tổng Thanh Biên sang quận Phước Long, quận Gò Quao còn lại tổng Kiên Định. Ngày 1 tháng 1 năm 1936, thực dân Pháp lập đại lý hành chánh An Biên thuộc tỉnh Rạch Giá, trụ sở đặt tại chợ Thứ Ba, gồm 1 tổng có tên là Thanh Biên trên cơ sở tách đất từ quận Phước Long trước đó. Ngày 1 tháng 8 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định nâng lên thành quận An Biên, đặt dưới quyền một quan chức người Pháp. Lúc đầu, chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa vẫn duy trì tên gọi tỉnh Rạch Giá như thời Pháp thuộc. Ngày 15 tháng 2 năm 1955, Thủ hiến Nam Việt của chính quyền Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng hòa) quyết định tạm sáp nhập vùng Chắc Băng và quận An Biên thuộc tỉnh Rạch Giá vào tỉnh Sóc Trăng. Ngày 24 tháng 5 năm 1955, quyết định sáp nhập ba quận An Biên, Phước Long và Chắc Băng để thành lập đặc khu An Phước thuộc tỉnh Sóc Trăng, nhưng không lâu sau lại cho giải thể đặc khu này. Sau đó, quận An Biên và vùng Chắc Băng lại trở về thuộc tỉnh Rạch Giá như cũ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, mãi đến năm 1954, nghĩa là sau khi Việt Nam giành được độc lập, có thể nói đất đai Rạch Giá hãy còn là một khu rừng tràm mênh mông, đất trũng và ủng đầy phèn, cách xa bờ biển vài chục cây số vẫn còn là những rừng tràm trầm thủy, đặc biệt là vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Vùng U Minh Thượng nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn là những khu rừng chồi, không rậm rạp lắm. Trong khi vùng U Minh Hạ nằm bên hữu ngạn sông Cái Lớn, vùng ven biển chạy dài tới Cà Mau, là những khu dày đặc với rừng tràm. Có thể nói toàn miền Tây Nam phần không có gỗ quý nên dân chúng trong vùng tận dụng tài nguyên sẵn có, họ dùng những cây tràm, đước, cóc, vẹt... cho tất cả mọi nhu cầu của họ, cây nhỏ thì làm củi, cây vừa vừa làm than, còn cây lớn thì làm cột cất nhà. Rạch Giá có hai con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Cái Bé, chảy từ vùng đất thấp phía Đông đổ ra vịnh Thái Lan, sau đó hợp lưu trước khi đổ ra biển tại vàm Rạch Giá. Ngọn sông Cái Lớn trước khi chảy qua Sóc Trăng nó chia làm những nhánh nhỏ và cạn chảy về hướng Cà Mau, đến mùa khô ghe thuyền không thể đi lại được nữa. Trong khi ngọn sông Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ rồi chảy qua Hậu Giang với những nhánh nhỏ. Hồi đó người Miên sống biệt lập trên những giồng đất cao nằm giữa hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé, như những ốc đảo hoang vu, chung quanh là rừng rậm che kín với đầy dẫy những muỗi mòng, rắn rít và thú dữ. Mãi cho đến bây giờ dân chúng vùng Thủy Liễu (Cái Bần) vẫn còn ngâm nga những câu ca dao thời cha ông đi mở nước:

​​                                    “U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

​​                                      Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp tha.”

     Những câu ca dao tuy đơn giản nhưng chứa đựng một trời gian khổ mà cha anh chúng ta đã phải kinh qua trên đường đi mở nước tìm sinh lộ cho cháu con sau này. Có nhiều người đã hy sinh cả một đời, một đời không thấy đâu là no ấm, cứ thế mà họ rày đây mai đó trên những chiếc ghe, chiếc thuyền, họ đi và đi mãi cho tới khi nào họ tìm được một mảnh đất khả dĩ có thể lập nghiệp cho con cháu họ về sau này. Những phấn đấu ngày ấy của cha anh chúng ta chính là sự ấm no hạnh phúc của chúng ta về sau này.

     Trước thời Nguyễn Ánh, dân vùng Rạch Giá sống co cụm trên các gò cao dọc bờ sông Cái Bé, trong đó có chợ Rạch Giá sau này (thuộc tổng Kiên Định), bên bờ sông Cái Lớn thì lập tổng Thanh Giang. Ngay từ thời Mạc Cửu mới đến khai khẩn vùng này, vì cảng Hà Tiên quá cạn nên cảng Rạch Giá luôn luôn tấp nập với các tàu buôn Tân Gia Ba, Hương Cảng, và Hải Nam...Thời đó Rạch Giá bao gồm một vùng rộng lớn chạy dài đến mũi Cà Mau (Long Xuyên là tên cũ của Cà Mau). Trước thời Pháp thuộc, Rạch Giá không có đường bộ, mà dân chúng chỉ vận chuyển hàng hóa hay nông phẩm qua những kinh rạch chằng chịt mà cạn, về mùa nắng ghe thuyền không đi được nên người ta phài dùng trâu kéo cộ trên những đường mòn chạy dọc theo những đường nước này. Lúc Mạc Cửu đến khai khẩn đất hoang tại vùng này, có nhiều người Triều Châu và Phước Kiến đi theo, họ định cư ở những vùng đất giồng, chuyên môn làm rẫy, họ trồng rau cải, còn số khác thì làm ruộng. Trước khi có những kinh đào thì đa số dân chúng trong tỉnh phải hứng nước mưa dự trữ cả năm, hoặc đào giếng trên các giồng cao rồi gánh về xài. Hồi lưu dân Việt Nam mới tới vùng này khai khẩn đất hoang họ phải ra ngoài hòn Tre để lấy nước suối về xài. Đến khi Thoại Ngọc Hầu đào kinh Thoại Hà từ Long Xuyên qua Rạch Giá, nước ngọt từ Hậu Giang bắt đầu chảy tới Rạch Giá, nên vấn đề nước ngọt không còn là vấn đề nan giải nữa. Trước khi được dẫn thủy nhập điền với những kinh đào ngang dọc, thì nguồn lợi chính yếu của Rạch Giá là mật ong (lúc đó chính phủ phân ra từng lô rừng để đấu giá mật ong). Nguồn lợi kế đó là các sân chim mênh mông của Rạch Giá. Năm 1889, vì thấy Rạch Giá không mang lại nguồn lợi nào đáng kể nên chính phủ thuộc địa Pháp cho sáp nhập tỉnh Rạch Giá vào Long Xuyên cho đỡ tốn kém ngân sách. Nhưng đến khi Rạch Giá được dẫn thủy nhập điền đúng mức nó mang về một nguồn lợi rất lớn về sản xuất lúa gạo, Rạch Giá lại được tách trở ra làm tỉnh. Lúc đó chánh phủ thuộc địa lại cho vét con kinh Thoại Hà nên dân các vùng Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên không còn đất hoang để khẩn nữa nên họ đổ xô về Rạch Giá khẩn đất. Mặt khác chính phủ thuộc địa cũng cho lót đá xanh dọc theo bờ biển để giữ không cho đất lở. Sau khi vét lại con kinh Thoại Hà thì phương tiện giao thông đường thủy từ Rạch Giá về các tỉnh miền Tây tiện lợi hơn nhiều, cứ hai ngày là có tàu Lục Tỉnh từ Sài Gòn về Rạch Giá. Vào khoảng năm 1920 thì Rạch Giá đã phát triển lớn mạnh hơn trước nhiều, hàng hóa từ Xiêm (của Anh và của Xiêm) như vải sồ được đưa vào Việt Nam qua cảng Rạch Giá, rồi mua về hồ tiêu và cá khô, còn tàu từ Hải Nam thì chở đến đồ sành sứ, vải vóc, thuốc Bắc, trái cây khô, chăn mền, và họ mua về gạo, nước mắm, cá khô, mắm ruốc, mật, sáp ong... Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, đa số ruộng đất quanh vùng Rạch Giá đã được nâng lên hàng ruộng tốt, mỗi công đất (1.000 mét vuông) thường cho ra hai hay ba chục giạ lúa mỗi mùa mà không cần phải bón phân gì cả, vì đất đã phì nhiêu lại được mấy con kinh vừa mới đào vét xả phèn. Khi mãn mùa gặt, nông dân thường đốt đồng, nghĩa là đốt những gốc rạ và cỏ khô còn sót lại trên đồng, rạ và cỏ cháy trên đất có khi liên tiếp cả 10 ngày, đất vừa cháy hóa ra một loại phân tro mầu mỡ, rồi đến tháng 10 hay tháng 11 âm lịch, dân Rạch Giá còn trồng dưa hấu, dưa leo, bí đao, bí rợ ngay trên những mảnh ruộng vừa mới đốt, không cần phải chuẩn bị đất đai gì cả, thế mà nếu trúng mùa dưa, thì nông dân dư ăn dư để cho cả năm sau. Còn những ai lười biếng thì sau khi gặt lúa xong họ cứ cho đất cũng ở không chơi như họ, chờ tới mùa sau cả đất lẫn người việc ai nấy tiếp tục. Nói là để cho đất ở không, chứ thật sự đất nào chịu ở không, vì không ai làm gì đi nữa thì những bụi khóm dại vẫn mọc lên và cho trái như thường.

     Tuy nhiên, về sau này những nhà máy xay lúa ở Sài Gòn Chợ Lớn được dựng lên, họ xay lúa bằng máy và xuất cảnh thẳng qua Hải Nam và Hương Cảng bằng những thương thuyền lớn nên rẻ hơn gạo Rạch Giá, vì vậysinh hoạt cảng Rạch Giá từ từ giảm sút. Năm 1907, người Pháp bắt dân làm xâu để đắp đá ong và đất hầm con đường từ Rạch Giá đi Hòn Đất, nhưng sau đó thấy con lộ không mang lại lợi ích về kinh tế nên không phát triển thêm. Cùng năm đó họ cho đắp con đường Rạch Giá đi Minh Lương (khoảng 15 cây số) cũng trải bằng đá ong và đất hầm, tiếp theo là lộ đá ong từ Minh Lương đi Kiên Hưng (Gò Quao), qua Long Mỹ (sau này thuộc tỉnh Chương Thiện) và cùng năm đó thì quận Long Mỹ được thành lập. Long Mỹ nằm trên ngọn sông Cái Lớn, giáp ranh với vùng Cần Thơ và Phụng Hiệp, tiếp theo là quận Gò Quao (nằm bên bờ sông Cái Lớn) được thành lập. Và liên tiếp những năm sau đó là quận Giồng Riềng nằm bên bờ sông Cái Bé cũng được thành lập. Năm 1908 thì người Pháp bắt đầu làm con đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên. Đến năm 1914 người Pháp khởi công xây lộ Rạch Giá Cần Thơ (lộ đá tráng nhựa). Về giao thông đường bộ, liên tỉnh lộ chạy từ Cần Thơ qua Long Xuyên đến Rạch Sỏi, qua Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Lương và lên tận Hà Tiên. Từ Rạch Sỏi có tỉnh lộ 61 đi Minh Lương và Gò Quao. Từ Minh Lương có tỉnh lộ 63 đi An Biên rồi xuống vùng U Minh Thượng, Vĩnh Thuận rồi đi về Cà Mau. Từ Gò Quao (Kiên Hưng) có tỉnh lộ 691 đi Vĩnh Thuận. Tính đến năm 1945 thì Rạch Giá đã nghiễm nhiên trở thành một trong những tỉnh trù phú nhất miền Tây với số lúa gạo sản xuất vượt xa mấy tỉnh khác. Ngoài ra, Rạch Giá còn những đặc sản khác mà những tỉnh lân cận không có như mật ong, sáp, tôm khô, cá khô, đặc biệt là sáp, một nguồn lợi không nhỏ đã làm cho Rạch Giá nổi tiếng. Tuy nhiên, đến năm 1904, sau trận bão năm Thìn, đa số rừng tràm ở Rạch Giá bị ngã sập, ong không còn chỗ dung thân nên di chuyển qua các vùng Đồng Tháp và Cà Mau, vì thế mà nghề lấy mật và sáp ong từ từ biến mất trong vùng rạch Giá. Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng Rạch Giá từ Hà Tiên xuống tận Thới Bình, vào mùa mưa thì nước ngập tràn rừng tràn đồng, cá cũng theo đó mà đi lên rừng hay lên đồng, nhưng khi nước vừa rút là chúng cũng tìm cách rút theo ra các sông rạch, nên vào mùa gió chướng các kinh rạch trong vùng U Minh Thượng và U Minh hạ tràn ngập cá tôm đủ loại, nên ngoài nghề chính của dân trong tỉnh là làm ruộng, với những luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon, dân Rạch Giá còn sản xuất đủ thứ cá tôm nước ngọt và nước mặn như cá chép, cá he, cá lóc, cá trê, cá thu, cá chim, cá bạc má, cá thiều, vân vân. Nước mắm Phú Quốc chẳng những nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng tại nhiều nước khác trong vùng. Vào thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là họ ưu tiên cho người Pháp được tự do khai khẩn đất hoang, nên đã xảy ra rất nhiều vụ cướp đất đã khẩn từ trước của những người lương dân chỉ một đời lam lũ, chất phát, không biết nhiều về luật lệ, hễ thấy chỗ nào có đất hoang là đến khẩn, chứ không dè bọn Tây và bọn cường hào ác bá đã có giấy khẩn trong tay, chúng đợi cho người ta khẩn xong, có huê lợi là chúng nhào vô cướp giựt đất của lương dân, bên cạnh đó lại thêm nạn làm cố công của tá điền, nào là sưu cao thuế nặng, nào là cướp công bóc lột, một khi đã là tá điền rồi thì phải cha truyền con nối làm tá điền mà cũng không đủ trả nợ cho chủ, thật là một thời nô lệ với không biết bao nhiêu là ức hiếp bất công. Chính vì thế mà người dân Rạch Giá thời đó nói riêng, và cả vùng U Minh nói chung, chỉ sinh sống bằng hai nghề ma người thời đó cho là oan nghiệt nhất: “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá.” Họ cũng không được phép làm những chuyện ấy một cách công khai đường hoàng chánh chánh, mà phải làm lậu, làm trốn thuế, làm trốn sưu cao thuế nặng của chính quyền thuộc địa đương thời. Họ vào rừng đốn củi lậu, họ vào vuông bắt cá lậu (thời đó nhiều nơi làm lúa không mấy khá nên các chủ điền đắp bao ngạn, gọi là vuông, quanh đất mình, đến mùa nước nổi thì cá vô ở, đến khi nước rút cá không chịu ra, cứ thế mà nước cạn dần là họ tát đìa bắt cá). Nói về đánh lưới biển thì chỉ những người khá giả có ghe mới ăn nên làm ra được, còn những người đi “bạn” (đi theo làm công) thường thì bị bóc lột, nên chỉ khi nào lưới trúng mới có ăn, chứ lưới thất là cả nhà phải đói. Họ sống lây lất đói khổ ngay trên những mảnh đất phì nhiêu của họ. Nếu họ để cho nhà cửa xơ rơ, đất đai hoang dại thì không ai nhào vô giành giựt, ví bằng họ ra sức khẩn hoang cho đất đai thành khoảnh, tức thì có kẻ trưng bằng khoán ra giành quyền sở hữu. Thật là tội nghiệp cho dân tình của một nước mất chủ quyền! Bắt đầu từ thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền cho xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên với phẩm chất không thua gì xi măng Đài Loan hay Nhật Bản. Ngoài ra, chánh quyền còn nâng đỡ nông dân trong việc canh tác, và ngư dân trong việc đánh bắt cá, nên Rạch Giá đã vươn lên phát triển rất mạnh. Hiện nay Rạch Giá là một trong những tỉnh phồn thịnh nhất của Nam Kỳ. Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản phân chia lại địa phận nên Rạch Giá hiện nay với diện tích trên 6.269 cây số vuông và dân số 1.565.900 người, khoảng 85% là người Việt, người Khmer chiếm khoảng 12%, người Hoa chỉ 3% nhưng họ nắm hầu hết những then chốt kinh tế trong tỉnh. Tỉnh Rạch Giá hiện nay bao gồm các quân Kiên Lương, Hòn Đất, Tam Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng), An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc (quần đảo Phú Quốc), Kiên Hải (gồm quần đảo Lại Sơn, An Sơn, Hòn Tre và Hòn Nghệ), thị xã Hà Tiên và thị xã Rạch Giá. Ngoại trừ đảo Phú Quốc, ngoài khơi Rạch Giá có trên 100 đảo nhỏ và hòn khác. Vùng biên giới Hà Tiên-Cao Miên dài khoảng 54 cây số, trước kia thì dòng kinh Vĩnh Tế là biên giới giữa hai nước, nhưng hiện nay biên giới đã chạy sâu vào nội địa Miên khá xa.

     Rạch Giá có nhiều địa danh nổi tiếng ngay thời đầu cuộc Nam tiến, khi Mạc Cửu và quyến thuộc của ông đến khai phá đất Hà Tiên, như U Minh Thượng, U Minh Hạ, Hòn Đất, Phú Quốc, Hà Tiên, vân vân. Thiên nhiên chẳng những ưu đãi Rạch Giá về mặt kinh tế, mà còn ưu đãi về danh lam thắng cảnh nữa như non nước hữu tình của vùng Hà Tiên, biển trời mênh mông của vùng Phú Quốc. Ngoài ra, Rạch Giá còn rất nhiều đền chùa và các di tích lịch sử khác. Ngay tại phường Vĩnh Thanh trong thị xã Rạch Giá, có đền thờ vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Ông nổi tiếng trong trận phóng hỏa tàu Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861, và đánh thành Kiên Giang năm 1868, khi bị Pháp bắt ông đã dõng dạc tuyên bố một câu bất hủ “Chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.” Hiện tượng đài của ông được lên ngay giữa trung tâm thị xã Rạch Giá.

Nói đến Rạch Giá Hà Tiên mà không nói đến Phú Quốc và những quần đảo nhỏ quanh vùng quả là một thiếu sót lớn. Phú Quốc là một đảo lớn với diện tích khoảng 573 cây số vuông (khoảng diện tích quốc đảo Tân Gia Ba), nằm trong vịnh Thái Lan. Thị trấn Dương Đông nằm ở phía Tây của trung tâm đảo, cách thị xã Rạch Giá khoảng 120 cây số, nhưng cách Hà Tiên chỉ vào khoảng 45 cây số. Dương Đông vừa là thủ phủ của Phú Quốc, mà cũng là cảng cá lớn nhất trên đảo. Tại đây có phi trường Phú Quốc, có thể nối liền với các phi trường Rạch Giá, Sài Gòn, Tân Gia Ba, Nam Vang... Tại Dương Đông có thắng cảnh Dinh Cậu, vì đa số dân Phú Quốc đều làm nghề hạ bạc nên vào khoảng năm 1937 họ đã dựng lên một đền thờ để mong được sự che chở của Thần Sóng mỗi khi họ gặp phải sóng to gió lớn. Dinh Cậu hiện vẫn còn giữ được những nét kiến trúc cổ trông rất uy nghiêm hùng vĩ. Quần đảo Phú Quốc gồm 22 đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc là lớn nhất với diện tích khoảng 573 cây số vuông (gần bằng diện tích đảo quốc Singapore), chiều dài từ Bắc chí Nam của đảo khoảng 50 cây số, chiều rộng nhất ở Bắc đảo rộng khoảng 25 cây số. Trên đảo là một quần thể bao gồm 99 ngọn núi lớn nhỏ. Dân cư khoảng 50.000 người. Về phía Đông Bắc đảo có suối Tranh, dài khoảng 16 cây số. Đây là dòng suối nước ngọt, bắt nguồn từ Hàm Ninh với nhiều dòng suối nhỏ, chảy từ các khe núi, len lỏi qua các thảm cỏ xanh rì, sau đó nhập vào một dòng chính để thành con suối lớn, suối chảy hiền hòa bên cạnh những phiến đá nối tiếp nhau đến mút tầm mắt. Về phía Nam của trung tâm đảo là dòng suối Đá Bàn, tuy không dài như suối Tranh, nhưng phong cảnh Đá Bàn thơ mộng với nước chảy róc rách quanh năm, phong cảnh hữu tình thơ mộng. Dọc theo hai bên bờ suối là những tảng đá phẳng lì, với cây cối và nước chảy len lỏi trong các khe đá. Lòng suối Đá Bàn khá sâu nên về mùa hè người ta có thể đến cắm trại, bơi lội và vui chơi hội hè tại đây. Bên trên bờ suối là vô số những cây sâm và rất nhiều loại lan rừng. Về phía Nam đảo còn có những bãi biển rất đẹp như bãi Sao, bãi Khem và bãi Trường. Bãi Khem cách An Thới khoảng 5 cây số và cách Dương Đông khoảng 25 cây số. Đây là một bãi cát vừa trắng vừa mịn, tuy nhiên, chen lẫn những bãi cát là những ghềnh đá nhấp nhô. Ven bãi Khem là những bãi cỏ xanh mượt, xa xa phía trên là những khu rừng già nguyên sinh. Ngoài ra, một bờ biển dài trên 20 cây số chạy dài từ Dinh Cậu xuống Tàu Rũ, gần An Thới với toàn cát vàng, nằm thoai thoải dọc theo bờ biển là nước biển xanh rờn và nhiều loại rong biển đủ màu đủ sắc. Ngoài vùng núi đồi, Phú Quốc còn được thiên nhiên ưu đãi với trên 37.000 mẫu rừng chưa khai khẩn với nhiều gỗ quý và muông thú. Bờ biển và vùng biển quanh đảo, không cần đi đâu xa, cũng đủ cung ứng cho dân trong vùng một nguồn hải sản vô tận. Chính những ngư phủ Thái Lan mà còn phải thèm thuồng về số lượng cá tôm vô tận trong vùng quần đảo Phú Quốc, nên họ đã nhiều lần xâm nhập để đánh bắt lén cá ở vùng này. Khỏi phải nói nhiều, nước mắm Phú Quốc đã nổi tiếng từ lâu lắm rồi, với độ đạm trên 40% và số lượng sản xuất trên 6 triệu lít mỗi năm. Hiện tại Phú Quốc có trên 2000 tàu đánh cá với sản lượng đánh bắt gần 40.000 tấn mỗi năm. Về phía Nam đảo là cảng An Thới, cảng Hòn Thơm, là nơi cập bến thuận tiện của tàu bè trong nước và ngoại quốc đến để mua bán hàng hóa. Quần đảo An Thới có tổng cộng 15 đảo lớn nhỏ, như hòn Dân, hòn Dừa, hòn Rọi, hòn Thơm, hòn Vang, hòn Móng Tay, hòn Gầm Ghì, hòn Mây Rút, hòn Chân Quy, vân vân, nằm dọc theo hướng Nam của Phú Quốc. Biển ở đây sâu, có nơi sâu trên 30 mét, nên nước biển trong xanh.

     Nói tóm lại, tỉnh Rạch Giá được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1900. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN để " thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Lúc này, tỉnh Rạch Giá và tỉnh Hà Tiên được nhập lại để thành lập tỉnh mới có tên là tỉnh Kiên Giang. Tỉnh lỵ tỉnh Kiên Giang đặt tại Rạch Giá và vẫn giữ nguyên tên là "Rạch Giá". Sau năm 1956, thị xã Rạch Giá bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể, tuy nhiên đến ngày 20 tháng 11 năm 1970 lại tái lập thị xã Rạch Giá. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ban đầu chính quyền mới vẫn duy trì tỉnh Rạch Giá như trước đó cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền mới cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).

     Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tỉnh Rạch Giá vẫn được giữ tên cho đến tháng 2 năm 1976, theo Nghị quyết số 245-NQ/TW, địa bàn tỉnh Rạch Giá sẽ được chia ra và sáp nhập vào các tỉnh mới. Tỉnh Rạch Giá cũ (bao gồm cả ba huyện Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A hiện cùng thuộc tỉnh Long Châu Hà nhưng trước năm 1971 lại cũng đều thuộc tỉnh Rạch Giá) vẫn để thành một tỉnh riêng biệt. Tháng 2 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định tái lập tỉnh Kiên Giang trên toàn bộ diện tích của tỉnh Rạch Giá và ba huyện: Châu Thành A, Hà Tiên, Phú Quốc. Tỉnh Kiên Giang lúc đó gồm thị xã Rạch Giá và các huyện: Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên, Vĩnh Thuận, Hà Tiên và Phú Quốc. Tỉnh lỵ là thị xã Rạch Giá, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Phạm vi lãnh thổ tỉnh Rạch Giá cũ tương ứng với các huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Hòn Đất và Thành phố Rạch Giá cùng thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay. Tuy nhiên, cũng có thời kỳ toàn bộ diện tích tỉnh Kiên Giang ngày nay đều thuộc tỉnh Rạch Giá, bao gồm cả các vùng Hà Tiên và Phú Quốc, tương ứng với thành phố Hà Tiên và các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Kiên Hải và Phú Quốc ngày nay. Hiện nay, địa danh "Rạch Giá" chỉ còn được dùng để chỉ Thành phố Rạch Giá, đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Kiên Giang và là tỉnh lỵ của tỉnh Kiên Giang.

(the end).

 

Hình 1: Bản đồ tỉnh Rạch Giá năm 1925, theo Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 2: Tỉnh lỵ Rạch Giá được chụp từ trên máy bay trực thăng năm 1973.

Hình 3: Đình Thần Vĩnh Hoà, ảnh internet.

Hình 4: Ty Bưu Điện Rạch Giá năm 1950, theo Bulletin de Cochinchine 1950.

Hình 5: Chợ Rạch Giá 1955, Công Báo VNCH 1955.

Hình 6: Nhà Thương Thí tỉnh Rạch Giá năm 1920, theo Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 7: Cầu Quay sông Kiên năm 1925, theo Bulletin de Cochinchine 1925.

Hình 8: Chợ Rạch Giá 1955, Công Báo VNCH 1955.

Hình 9: Bến cảng Rạch Giá 1955, Công Báo VNCH 1955.

Hình 10: Trường Trung Học Nguyễn Trung Trực 1960, ảnh internet.

Hình 11-16: Một số hình ảnh trong tỉnh Rạch Giá năm 1970, Công Báo VNCH 1970.

Tham Khảo

 

Hội Văn Nghệ Dân Gian Việt Nam, Xóm Nghề & Nghề Thủ Công Truyền Thống Nam Bộ, NXB Trẻ, TPHCM, 2002.

Huỳnh Hữu Cửu & Nguyễn văn Ba, Cây Trái Quê Mình, California, USA: NXB Bình Minh, 1992.

Huỳnh Hữu Cửu, Sông Mỹ Sông Việt, Sài Gòn Nhỏ xuất bản, California, USA, 1995.

Huỳnh Lứa, Góp Phần Tìm Hiểu Vùng Đất Nam Bộ Các Thế Kỷ XVII, XVIII, XIX,  NXB Khoa Học Xã Hội, 2000.

Huỳnh Mẫn Chi, Người Và Đất Tiền Giang, NXB CAND, TPHCM, 2007.

Huỳnh Minh, Bạc Liêu Xưa và Nay, Bách Việt tái bản, 1995.

Huỳnh Minh, Cn Thơ Xưa & Nay, XB 1966.

Huỳnh Minh, Định Tường Xưa, Tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1973.

Huỳnh Minh, Định Tường Xưa & Nay, xuất bản 1966.

Huỳnh Minh, Gia Định Xưa, TPHCM, 2006.

Huỳnh Minh, Vĩnh Long Xưa & Nay, xuất bản 1966.

Hứa Hoành, Nam Kỳ Lục Tỉnh, 4 tập, Văn Hóa, Houston, 1992-1995.

Hứa Hoành, Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ, Văn Hóa, Houston, 1999.

Nguyễn Văn Hầu, Thất Sơn Mầu Nhiệm, Đuốc Từ Bi Tái Bản, 2000.

Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu & Những Cuộc Khai Phá Miền Hậu Giang, NXB Trẻ, TPHCM, 2006.

Nguyễn Xuân Thọ, Bước M Đầu Ca S Thiết Lp H Thng Thuc Địa Pháp Vit Nam (1858-1897), Santa Ana, USA, 1994.

Người Long Hồ, Mt Thoáng Nam K Lc Tnh, xuất bản, California, USA, 2006.

Champaka, California, USA, 1999.

Vĩnh Long Địa Linh Nhân Kiệt, Hội Đồng Hương Vĩnh Long, California, USA, 2006.

Phạm Thăng, Xuôi Dòng Cửu Long, NXB Làng Văn, Toronto, Canada, 1990.

Phạm Trần Anh, Nguồn Gốc Việt Tộc, NXB Việt Nam, California, USA, 2007.

Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, NXB Đại Nam, 1972.

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Liệt Truyện, NXB Giáo Dục, 2007.

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Tài liệu của Sở Thông Tin Văn Hóa VNCH, 1974.

Sơn Nam, Đất Gia Định Xưa, NXB TPHCM, 1984.

Sơn Nam, Đồng Bng Sông Cu Long Sinh Hot Xưa, NXB TPHCM, 1985.

Sơn Nam, Lịch Sử Đất An Giang, NXB Tổng Hợp An Giang, An Giang, 1988.

Sơn Nam, Tiếp Cận Với Đồng Bằng Sông Cửu Long, NXB Trẻ, TPHCM, 2000.

Sơn Nam, Tìm Hiu Đất Hu Giang, 1959.

Sơn Nam, T U Minh Đến Cn Thơ, NXB Trẻ, TPHCM, 2000.

Trần Trọng Kim, Vit Nam S Lược, 1964.

Vương Hồng Sển, Sài Gòn Năm Xưa, NXB Xuân Thu, Sài Gòn, 1960.

 

Tập San:

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 1, tháng 10, 2004.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 2, tháng 7, 2005.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 3, tháng 1, 2006.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 4, tháng 7, 2006.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 5, tháng 1, 2007.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 6, tháng 5, 2007.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 7, tháng 9, 2007.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 8, tháng 3, 2008.

Nhiều Tác Giả, Đồng Nai-Cửu Long số 9, tháng 9, 2008.

 

Công Báo:

Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945.

Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise 1862-1945.

Công Báo Việt Nam Cộng Hòa 1955- 1975.

Lịch Annam-Sáu Tỉnh Nam Kỳ, Sài Gòn-Bản In Nhà Nước 1869, 1871, 1872, 1874, 1875, 1876, 1878, 1879, 1880.

 

Theo Lời Kể Từ Các Bô Lão:

Theo lời kể miệng của các cụ Trần văn Tiếng, Trần văn Hương, và Ông Cụ Sáu xóm Bánh Phồng bên Thiềng Đức Vĩnh Long (cụ sáu sanh năm 1855, đến năm 1961 thì cụ đã 105 tuổi, nhưng hãy còn rất minh mẫn), kể từ Nam Kỳ Lục Tỉnh đến 20 tỉnh Nam Kỳ  dưới thời Pháp thuộc, cũng như Nam Kỳ từ những năm đầu thế kỷ 20 đến khoảng thập niên 1950s.

Theo lời kể miệng từ các bô lão trong khắp các vùng Đất Phương Nam, từ Phan Thiết đến Cà Mau, trong khoảng từ năm 1969 đến 1975.

Theo lời kể của hai anh Hứa Hoành và Nguyễn Hữu Trí trong những đêm “Nhớ Về Vĩnh Long và Nam Kỳ Lục Tỉnh” tại Bataan, Philippines vào cuối năm 1984.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/07/2014(Xem: 12409)
03/04/2013(Xem: 29297)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.