Chương Xiii Phẩm 13 Bài Kệ

27/10/201012:00 SA(Xem: 8298)
Chương Xiii Phẩm 13 Bài Kệ

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TIỂU BỘ TẬP VIII
Khuddhaka Nikàya
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt - Phật Lịch 2545- 2001
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (V) Jàtaka

Chương XIII
Phẩm Mười ba bài kệ


474. Chuyện trái xoài (Tiền thân Amba)

Trước kia, khi trẫm bảo chàng trai..,

Chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về Devadatta (Đề-bà-đạt-đa).

Đề-bà-đạt-đa không thừa nhận bậc Đạo Sư của mình và bảo:

- Chính ta sẽ là bậc Chánh đẳng giác và Sa-môn Gotama không phải là bậc Đạo Sư hướng dẫn của ta.

Vì vậy, khi xuất định, ông gây chia rẽ trong Tăng chúng. Sau đó dần dà ông tiến về Xá-vệ, ở bên ngoài Tinh xá Kỳ Viên, thì mặt đất há miệng, ông rơi vào địa ngục Avìci (A-tỳ hay Vô gián địa ngục). Lúc ấy tất cả Tăng chúng đều nói chuyện ấy tại Chánh pháp đường:

- Này Hiền hữu, Đề-bà-đạt-đa đã xa rời bậc Đạo sưbị hủy diệt khủng khiếp, đó là sinh vào một đời sống khác trong địa ngục A-tỳ sâu thẳm.

Bậc Đạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang nói chuyện gì, hội chúng thưa với Ngài. Ngài bảo:

- Không phải chỉ bây giờ, mà cả ngày xưa cũng như nay, Đề-bà-đạt-đa đã xa rời bậc Đạo sư của mình và bị hủy diệt khủng khiếp.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, cả gia đình của vị tế sư trong triều bị bệnh sốt rét tiêu diệt. Chỉ một người con trai duy nhất phá được tường nhà trốn thoát đi xa.

Chàng đến Takkasilà và học tập đủ các nghệ thuật kỹ năng với một vị giáo sư tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ.

Sau đó chàng từ giã sư phụ, và ra đi, với ý định chu du khắp nhiều miền; trên bước giang hồ, chàng đến một làng ở biên địa. Gần đó là một làng của giai cấp hèn hạ Chiên-đà-la (Candàla). Thời đó Bồ-tát cư ngụ trong làng này, và ngài là một bậc hiền trí. Ngài biết một thần chú làm cho quả trên cây mọc rộ lên trong lúc trái mùa.

Một buổi sáng kia, ngài mang đòn gánh đi ra khỏi làng mãi đến tận cây xoài mọc trong rừng, khi đứng cách đó bảy bước, ngài đọc thần chú và rảy một bụm nước vào cây đó. Trong chớp mắt, lớp lá khô rụng hết, lớp lá non mọc mầm, hoa nở rồi hoa tàn rụng, các trái xoài nhú ra. Song chỉ trong chốc lát chúng đã chín mọng ngọt ngào thơm ngát, xoài lớn nhanh như loại trái thần rồi rụng xuống đất! Bậc Đại sĩ chọn ăn tùy thích, rồi chất đầy hai giỏ trên đòn gánh, đem trái đi bán và kiếm tiền nuôi vợ con.

Lúc bấy giờ, chàng trai Bà-la-môn thấy bậc Đại Sĩ bán xoài chín trái mùa. Chàng suy nghĩ: "chắc hẳn phải nhờ công năng của một loại thần chú nào đó xoài ấy mới mọc được. Người này có thể dạy ta một thần chú vô giá". Chàng rình ngắm kỹ cách thức bậc Đại sĩ hóa phép ra các thứ xoài của ngài, và phát hiện việc này một cách chính xác.

Sau đó chàng đi đến nhà bậc Đại sĩ lúc ngài chưa trở về từ khu rừng ấy, rồi làm như thể chưa biết gì cả, chàng hỏi người vợ của bậc Đại sĩ:

- Đại sư đâu rồi?

Bà đáp:

- Đã vào rừng.

Chàng đợi cho đến khi ngài về, liền tiến tới phía ngoài, đỡ lấy đòn gánh và đôi thúng từ vai ngài, đem hết đồ đạc vào nhà và đặt ở đó.

Bậc Đại sĩ nhìn chàng trai bảo vợ:

- Này hiền thê, chàng trai này đến đây để được dạy thần chú; song chẳng có thần chú nào ở lâu với gã ấy cả vì gã là người không tốt đâu.

Còn chàng trai nghĩ thầm: "Ta sẽ học được thần chú bằng cách làm tôi tớ cho thầy ta".

Thế là từ đó chàng làm mọi công việc trong nhà như gánh củi, giã gạo, nấu nướng, mang đến thầy đủ các thức cần thiết để rửa mặt rửa chân.

Một ngày kia bậc Đại sĩ bảo chàng:

- Này con, đem cho ta một cái ghế đẩu để gát chân.

Chàng ta chẳng còn cách nào khác, liền để hai chân của bậc Đại sĩ lên đùi mình suốt đêm.

Vào mùa sau, bà vợ của ngài sinh hạ một con trai, chàng lại làm đủ mọi việc phục dịch trong thời bà ấy sinh sản. Một ngày nọ, bà vợ bảo bậc Đại sĩ:

- Này phu quân, cậu trai dù là ở giai cấp quý tộc, lại hạ mình làm mọi việc tôi đòi, phục dịch cho nhà ta chỉ vì muốn có thần chú. Vậy phu quân hãy dạy thần chú cho cậu ấy đi, dù thần chú có chịu ở với cậu ấy hay không.

Ngài đồng ý việc đó. Ngài liền dạy thần chú cho cậu trai và bảo thế này:

- Con ạ, đây là thần chú vô giá, con nhờ nó sẽ được vinh quang phú quý tột bực. Nhưng hễ khi nào đức vua hoặc vị đại thần của ngài có hỏi ai là thầy dạy con thì con đừng dấu tên ta; vì nếu con hổ thẹn về chuyện người dạy con câu thần chú kia là một người hạ đẳng và con bảo rằng thầy dạy con là một vị Bà-la-môn quyền cao chức trọng thì con sẽ chẳng được kết quả gì do thần chú đem đến cả đâu.

- Tại sao con lại phải dấu tên của sư phụ kia chứ? Khi nào con được ai hỏi thì con sẽ nói chính sư phụ đây.

Sau đó chàng kính lễ thầy rồi từ giã cái thôn làng hạ đẳng kia, chàng vừa ra đi vừa suy nghĩ mãi về thần chú ấy, kịp lúc đến Ba-la-nại. Tại đó chàng bán xoài và thu được nhiều tiền bạc.

Bấy giờ, một ngày kia người giữ vườn ngự uyển dâng vua một trái xoài gã mới mua từ chàng trai ấy. Sau khi ăn xoài, vua hỏi gã kiếm được ở đâu ra trái xoài ngon ngọt như thế. Gã đáp:

- Tâu Chúa thượng, có một chàng trai mang xoài trái mùa tới bán. Tiểu thần đã mua được từ chàng ấy.

Vua bảo:

- Hãy dặn cậu ta từ nay mang xoài đến đây cho trẫm.

Người ấy làm y lời dặn, từ đó chàng đem xoài đến cung vua. Vua mời chàng đến phục vụ ngài, từ đó chàng trở thành bề tôi phục dịch vua, được hưởng đại phú quý, dần dần chàng được vua rất tin cậy.

Một ngày nọ vua hỏi chàng:

- Này thiếu sinh, khanh kiếm ra xoài trái mùa này ở đâu mà ngon ngọt, thơm ngạt ngào và màu sắc tươi đẹp thế? Có phải một vị Long vương, Kim sí điểu hay thần linh nào đó ban thưởng cho khanh, hoặc đây là phép tiên chăng?

- Tâu Đại vương, chẳng ai cho tiểu sinh cả - chàng trai đáp - song tiểu sinh có một thần chú vô giá và đây là thần lực của chú ấy.

- Được, thế khanh có định biểu diễn cho trẫm xem thần lực của chú này một ngày nào đó chăng?

- Tâu Chúa thượng, tiểu sinh xin sẵn sàng thực hiện điều đó hầu Chúa thượng - chàng đáp.

Hôm sau vua cùng chàng ta vào vườn ngự uyển và ngài phán bảo chàng hãy biểu diễn thần chú. Chàng trai vâng dạ và đi đến gần cây xoài, đứng cách chừng bảy bước đọc thần chú và rảy nước vào cây. Trong chốc lát cây xoài sinh trái như cách đã tả trên đây: một đám xoài rụng xuống ào ào như cơn bão; đám người xem vô cùng thích thú vung vẫy khăn để hoan nghênh. Còn vua dùng xoài, xong thưởng công chàng hậu hỉ, rồi bảo:

- Này thiếu sinh, ai đã dạy khanh thần chú kỳ diệu này?

Bấy giờ chàng nghĩ thầm: "Nếu ta bảo một kẻ Chiên-đà-la hạ đẳng đã dạy ta thì ta sẽ bị làm nhục, hội chúng sẽ chế diễu khinh thị ta, nay ta đã thuộc lòng thần chú này, ta không bao giờ có thể mất nó. Được rồi, ta sẽ nói đó là một giáo sư lẫy lừng thiên hạ.

Vì thế, chàng nói dối và bảo:

- Tiểu thần đã học được tại Takkasilà từ một danh sư lẫy lừng thiên hạ.

Khi chàng nói những lời phủ nhận thầy dạy mình như thế, lập tức thần chú biến mất. Còn vua rất hoan hỷ, cùng chàng trở về kinh thành.

Một ngày kia, vua muốn ăn xoài, liền đi vào ngự uyển ngồi trên ghế đá, nơi thường dùng vào những dịp quốc lễ, ngài ra lệnh chàng trai đem xoài dâng ngài. Chàng trai tuân lệnh đi đến cây xoài, đứng xa bảy bước, bắt đầu đọc thần chú, song thần chú không công hiệu. Lúc ấy chàng biết mình đã mất thần chú, nên đứng im đầy hổ thẹn. Còn vua suy nghĩ: "Trước kia chàng này đã dâng xoài ào ào như mưa dông ngay giữa đám đông người, nay chàng đứng như trời trồng, vì nguyên cớ nào đây?".

Vì thế ngài ngâm vần kệ đầu hỏi chuyện ấy:

1. Trước kia, khi trẫm bảo chàng trai,
Lớn nhỏ, chàng đem đủ loại xoài,
Nay trái trên cây không xuất hiện,
Dù chàng vẫn đọc chú kia hoài.

Khi nghe vậy, chàng trai nghĩ thầm rằng nếu chàng bảo hôm nay trái cây không thể có được thì vua sẽ tức giận, vì thế chàng nghĩ cách nói dối để lừa vua, liền ngâm vần kệ thứ hai:

2. Thời gian không hợp: đợi khi nào,
Kết hợp hành tinh giữa cõi cao,
Gặp gỡ đúng thời, giây phút đến,
Sẽ dâng xoài chín thật dồi dào!

"Cái gì thế này?" Vua tự hỏi. "Chàng trai trước kia chẳng hề nói chuyện hành tinh gặp gỡ cả".

Ngài liền ngâm vần kệ để điều tra vấn đề này:

3. Bữa trước, chàng không nói lúc nào,
Hay mùa gặp gỡ các vì sao,
Song xoài thơm ngát, ngon thanh vị,
Màu đẹp, chàng dâng trẫm biết bao!

4. Buổi nọ, chàng phô diễn trái cây,
Nhờ câu thần chú, thật tài thay,
Nay không làm được, dù chàng đọc,
Trẫm muốn hỏi chàng ý nghĩa đây.

Nghe thế chàng trai suy nghĩ: "Không nên lừa phỉnh vua bằng lời dối trá. Nếu như khi ta nói sự thật mà ngài trừng phạt ta thì cứ để ngài trừng phạt; song ta phải nói sự thật này". Rồi chàng ngâm hai vần kệ:

5. Một người hạ đẳng chính là thầy,
Dạy đúng chú thần hữu hiệu đây,
Bảo: Được hỏi tên thầy, chủng tộc,
Con đừng giấu, kẻo chú thần bay!

6. Thần được hỏi thăm bởi Đại vương,
Dù thần đã biết thật tinh tường,
Vẫn mong lừa phỉnh, thần khai dối:
"Thần chú kia là của đạo nhân".
Thần nói dối, nay đành mất chú,
Đắng cay, lòng tiếc việc si cuồng.

Nghe chàng nói điều này, vua tự nhủ: "Kẻ độc ác này không biết giữ gìn một kho báu vĩ đại dường ấy! Khi người ta có báu vật vô giá, thì nguồn gốc gia tộcliên quan gì đến báu vật đó đâu?". Trong cơn thịnh nộ, ngài ngâm các vần kệ sau:

7. Cây nimb, hồng phượng hoặc thầu dầu,
Bất cứ loại cây gỗ thế nào,
Nơi đó thấy tầng ong mật ngọt,
Người xem cây ấy tốt hàng đầu.

8. Dù là Đạo sĩ, Khat-ti-ya,
Vệ-xá, Chiên-đà-la, Thủ-đà,
Puk-ku-sa, người ta học tập,
Thảy đều tối thượng với đời ta.

9. Trừng phạt oắt con tệ bạc này,
Hoặc lôi cổ nó giết đi ngay,
Kho tàng đã được bao công khó,
Lại vứt vì tâm ngã mạn đầy!

Quân sĩ của vua theo lời, bảo:

- Hãy trở lại thầy dạy anh và xin ngài tha thứ, rồi nếu anh học được thần chú lần nữa thì hãy về đây; còn nếu không thì đừng bao giờ hòng để mắt đến xứ này nữa.

Nói thế xong, họ đuổi chàng đi.

Cậu trai hoàn toàn bơ vơ lạc lõng. Chàng nghĩ thầm: "Chẳng có nơi nào cho ta nương tựa trừ thầy ta ra. Ta quyết trở về với thầy ta, xin thầy tha tội cho, rồi xin học thần chú lại".

Vậy là chàng vừa than khóc vừa tiến về phía làng ấy. Bậc Đại sĩ thấy chàng đến, liền chỉ cho vợ ngài và bảo bà:

- Này hiền thê, hãy nhìn thằng khốn kia trở lại, mà thần chú đã biến mất rồi.

Chàng đến gần bậc Đại sĩ, kính lễ ngài và ngồi xuống một bên. Ngài hỏi:

- Tại sao con đến đây?

Chàng đáp:

- Thưa sư phụ, con đã nói dối, chối bỏ về vị sư phụ của mình nên nay con hoàn toàn tiêu tan sự nghiệp.

Sau đó chàng kể lại lỗi lầm của mình trong một bài kệ và xin thần chú lần nữa:

10. Kẻ nào nghĩ mặt đất san bằng,
Đang trải dài ra dưới gót chân,
Liền ngã vào ao, hồ, vực thẳm,
Vấp vào gốc rễ mục, long thân.

11. Vật giống sợi dây, kẻ giẫm lên,
Hóa ra con rắn, sắc đen huyền;
Kẻ kia sa cẳng vào trong lửa,
Vì mắt mù không thể xét xem.

12. Con phạm tội, nên mất chú thần,
Nhưng còn sư phụ, bậc Hiền nhân,
Xin thầy tha thứ cho lần nữa,
Nhìn tận mắt thầy, hưởng đặc ân!

Nhưng sư phụ chàng đáp:

- Sao này, con bảo gì vậy? Chỉ cần ra dấu cho kẻ mù lòa là nó tránh được ao hồ đủ thứ rồi; còn ta đây đã dạy thần chú cho con một lần, con lại muốn gì nữa đây chứ?

Rồi ngài ngâm các vần kệ sau:

13. Đúng cách, ta từng dạy bảo ngươi,
Chú kia, ngươi học đúng theo thời,
Ta đà giảng đủ phần tinh túy,
Ngươi khéo làm hay, chú chẳng rời.

14. Ai đầy cực nhọc, hỡi ngu nhân,
Học chú thần gian khổ, khó khăn,
Đối với loài người trên hạ giới,
Rồi khi kẻ ngốc đã làm ăn,
Cuối cùng nó lại đem quăng bỏ,
Cũng chỉ vì mồm nói dối gian.

15. Với kẻ ngu si muốn dối gian,
Người không tự chế, kẻ vong ân,
Cút ngay, đừng hỏi gì ta nữa,
Ta chẳng còn cho nó chú thần!

Bị thầy dạy đuổi như vậy, chàng trai nghĩ thầm: "Đời còn có nghĩa lý gì với ta nữa?". Rồi chàng vào rừng sâu và chết bơ vơ một mình ở đó.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Đạo sư bảo:

- Không phải chỉ bây giờ, này các Tỷ-kheo, Đề-bà-đạt-đa mới chối bỏ vị thầy dạy của mình, và phải chịu tiêu diệt thảm khốc.

Và nói xong Ngài nhận diện Tiền thân:

- Thời ấy, Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) là kẻ vong ân bội nghĩa kia, Ànanda (A-nan) là vua, và Ta chính là người Candàla (Chiên-đà-la) hạ đẳng.

-ooOoo-

475. Chuyện cây hồng phượng vĩ (Tiền thân Phandana)

Người đứng cầm rìu ở dưới tay..

Chuyện này bậc Đạo sư kể trên bờ sông Rohini, về một việc tranh chấp cãi cọ trong gia đình.

Hoàn cảnh này được mô tả đầy đủ trong số 546. Tiền thân Kunàla. Vào dịp này, bậc Đạo sư dạy bảo đám thân tộc ấy, Ngài nói:

*

Một thời kia vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, ngoài kinh thành là một làng thợ mộc. Trong làng có một người Ba-la-nại làm nghề kiếm sống bằng cách mang gỗ từ rừng về đóng xe kéo.

Vào thời ấy có một cây hồng phượng vĩ đại thọ ở vùng Tuyết Sơn. Một hắc Sư tử thường đến nằm dưới gốc cây ấy săn mồi.. Một ngày kia gió đánh mạnh cây khiến một cành cây khô rơi xuống, trúng vai Sư tử, cành đập mạnh vào khiến cho nó đau đớn vùng lên chạy trốnsợ hãi, sau đó quay lui nhìn trên con đường vừa mới chạy qua, khi chẳng thấy có gì cả; nó suy nghĩ: "Chẳng có sư tử, cọp, beo hay con gì nữa đuổi theo ta ở đây, thì ta chắc vị Thần cây không chịu cho ta nằm đó. Ta muốn xem có đúng vậy không?". Suy nghĩ thế nó liền giận dữ thật vô lý, vừa đánh vào cây vừa thét lên:

- Ta chẳng ăn một ngọn lá nào bẻ trên cây của ông, cũng chẳng bẻ gãy cành nào, thế sao ông chịu cho các loài vật khác ở đây, mà ông không chịu cho ta ở? Ta có làm gì sai trái đâu, cứ đợi vài ngày nữa, ta sẽ phá nát gốc rễ cành lá ông, ta sẽ làm ông tan tác từng mảnh!

Sư tử mắng rủa vị Thần cây như vậy, rồi bỏ đi tìm một người.

Lúc ấy, người thợ mộc Bà-la-môn nói trên cùng với hai ba người khác đã dùng xe tải đến vùng lân cận ấy để kiếm gỗ đóng xe. Gã để chiếc xe một nơi, rồi cầm búa rìu trong tay đi tìm cây gỗ, gã chợt đến gần cây phượng vĩ. Con sư tử thấy gã, liền đi đến đứng dưới gốc cây vì nó nghĩ thầm: "Hôm nay ta phải trừ khử kẻ thù của ta mới được". Người kia thấy nó và vội chạy trốn ra khỏi vùng rừng cây đó. Sư tử nghĩ thầm: "Ta phải nói chuyện với kẻ đó trước khi nó chạy đi mất". Rồi nó ngâm vần kệ đầu:

1. Người đứng cầm rìu ở dưới tay,
Đi lui, đi tới chốn rừng này,
Mau lên, nói rõ cho ta biết,
Ông muốn cây gì ở chốn đây?

"Ô kìa! thật là kỳ diệu! - Người kia bảo khi nghe lời ấy - ta thề chưa bao giờ nghe thấy súc vật nói được như người. Chắc chắn nó sẽ biết rõ loài cây nào có gỗ tốt để đóng xe. Ta muốn hỏi nó". Nghĩ vậy, gã liền ngâm vần kệ thứ hai:

2. Trên đồi, dưới vực, khắp đồng bằng,
Làm chúa, ngài đi khắp núi rừng,
Nói thật cho nghe, ta muốn hỏi,
Cây gì tốt để bánh xe lăn?

Sư tử nghe vậy nghĩ thầm: "Bây giờ ta đã được toại nguyện rồi!".

Nó liền ngâm vần kệ thứ ba:

3. Chẳng keo, tai ngựa, chẳng chiên-đàn,
Chẳng bụi cây nào tốt gỗ hơn,
Cây ấy, phượng hồng như vẫy gọi
Làm xe gỗ tốt nhất trần gian.

Kẻ kia nghe vậy rất hài lòng, nghĩ thầm: "Thật là một ngày tốt lành đưa ta vào rừng. Đây là một vị nào mang lốt thú vật chỉ bảo cho ta cây gỗ tốt để làm bánh xe. Kỳ lạ thật, song lại tuyệt quá!" Vì vậy, gã hỏi Sư tử vần kệ thứ tư:

4. Cành lá cây kia kiểu thế nào,
Thân cây trông thấy, loại ra sao,
Mong ngài nói thật, ta xin hỏi,
Để biết loài cây ấy ở đâu?

Sư tử ngâm hai vần kệ đáp lời:

5. Này cây cành rũ thấy là đà,
Cong xuống, song không gãy trước giờ,
Cây phượng vĩ hồng này đấy bạn,
Gốc cây thường đứng của nhà ta.

6. Để làm vành trục hoặc khung càn,
Đôi bánh, hay bất cứ mọi phần,
Cây giống như vầy đều ích lợi,
Cho người khi đóng chiếc xe lăn.

Sau khi tuyên bố như vậy, Sư tử đứng xích ra một bên, lòng mừng khấp khởi. Còn người thợ mộc bắt đầu đẵn cây. Lúc ấy, vị Thần cây nghĩ thầm: "Ta không hề làm rớt cành nào trên con thú kia, mà nó lại nổi cơn thịnh nộ thật phi thời, bây giờ nó lại đang muốn phá nhà ta, và ta cũng sẽ bị hủy diệt nữa. Vậy ta phải tìm cách đập tan oai lực của nó". Vì thế vị Thần này giả dạng tiều phu, đến gần gã thợ mộc kia bảo:

- Này người kia, anh kiếm được cây này đẹp quá! Thế anh định làm gì khi chặt nó đây?

- Làm bánh xe.

- Sao, có kẻ nào bảo anh là cây ấy làm bánh xe tốt lắm ư?

- Đúng thế, một con hắc Sư tử.

- Tốt lắm, hắc Sư tử khéo nói lắm. Song, này ta bảo anh là lột được da cổ Sư tử màu đen rồi phủ lên quanh vành ngoài của bánh xe như một tấm chắn bằng sắt, chỉ một mảnh rộng chừng bốn lóng tay thôi thì bánh xe vững vàng lắm, anh sẽ hưởng lợi rất lớn nhờ đó.

- Nhưng làm sao ta kiếm được da Sư tử bây giờ?

- Sao anh ngu thế? Cây này đứng trong rừng, nó chạy đi đâu được. Anh cứ đi tìm sư tử kia đã chỉ bảo cho anh cây này và hỏi nó xem phải chặt phần cây nào, rồi đem nó về đây. Sau đó, nó chẳng nghi ngờ gì cả và chỉ nơi này nơi nọ, cứ chờ lúc nó nhe hàm răng ra thì lấy chiếc rìu bén nhất đập nó trong khi nó đang nói, giết nó đi mà lột da ra, ăn phần thịt ngon nhất, rồi hãy chặt cây tùy thích.

Như thế là Thần cây nổi cơn thịnh nộ.

Để giải thích vấn đề này, bậc Đạo sư ngâm các vần kệ sau:

7. Cây kia lập tức bảo như vầy,
Ý nguyện ước ao được tỏ bày:
"Ta cũng có điều này muốn nói
Này Bhà-rad hỡi, hãy nghe đây!

8. Từ bên vai chúa tể khu rừng,
Anh hãy cắt ra rộng bốn phân,
Bao phủ da quanh vành gỗ ấy,
Rồi xe sẽ mạnh gấp đôi lần.

9. Cây kia phút chốc nổi lôi đình,
Trút xuống loài sư tử đã sinh,
Cả với loài chưa xuất hiện nữa,
Gây ra tàn sát khiến hồn kinh.

Người thợ làm xe nghe theo lời chỉ dẫn của Thần cây, kêu to:

- Ôi hôm nay thật là một ngày may mắn cho ta.

Rồi gã đi giết Sư tử, chặt cây xuống và đi về.

10. Cây phượng vĩ tranh đấu chúa rừng,
Chúa rừng tranh đấu với cây thần,
Mỗi bên tranh chấp nhau như vậy,
Đem lại bên kia họa tử vong.

11. Vậy giữa người, nơi có hận hiềm,
Hoặc là cãi cọ nổi hăng lên,
Khác nào thú dữ và cây gỗ,
Chúng nhảy như loài Công múa men.

12. Đây này Ta bảo, chính điều lành,
Là lúc các ông thuận ý tình,
Hãy giữ đồng tâm, đừng cãi vã,
Như cây và thú đã thi hành.

13. Nên tập bình an với mọi người,
Điều này bậc trí tán dương hoài,
Ai mong an ổn và chân chánh,
Tối hậu bình an sẽ đạt thôi.

Khi đám người ấy nghe lời khuyến giáo của vua, họ liền giải hòa với nhau.

Sau khi chấm dứt Pháp thoại này, bậc Đạo sư nhận diện Tiền thân:

*

- Vào thời ấy, Ta là vị Thần sống trong rừng kia và đã chứng kiến toàn thể câu chuyện này.

-ooOoo-

476. Chuyện Chúa Thiên NgaThần Tốc (Tiền thân Javana-Hamsa)

Này Thiên nga đến đậu nơi này..,

Chuyện này do bậc Đạo sư kể tại Kỳ Viên về Kinh Dalhadhamma Suttanta hay Kinh Thí dụ các Lực sĩ.

Đức Thế Tôn dạy:

- Này các Tỷ-kheo, giả sử có bốn thiện xạ đứng ở bốn điểm trên một vòng tròn, bốn lực sĩ khéo huấn luyện, thật tài giỏi, thiện xảo nghề cung tên, bắn ra bốn mũi tên từ bốn điểm, Tasẽ lấy bốn mũi tên vừa được bắn ra trước khi chúng chạm xuống đất; phải chăng rõ ràng các ông đều đồng ý rằng kẻ đó là một người rất nhanh nhẹn và chính là hiện thân của tốc lực tuyệt vời! Vậy mà, này các Tỷ-kheo, dù tốc lực của người kia nhanh đến đâu đi nữa, dù cho thần kỳ như tốc lực của mặt trăng, mặt trời, cũng còn cái khác nhanh hơn. Này các Tỷ-kheo, Tabảo tốc lực của người kia dù cho thần kỳ đến đâu đi nữa, dù nhiều vị Thiên bay nhanh hơn cả mặt trăng, mặt trời, vẫn còn có cái khác nhanh hơn chư Thiên ấy nữa. Này các Tỷ-kheo, tốc lực của người kia thần diệu là dường ấy (như trên). Tuy thế còn nhanh hơn cả chư Thiên biết bay là sự biến hoại của Tứ đại hợp thành sự sống. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các ông phải học tập điều này, phải tinh cần. Thật vậy, Tabảo các ông phải học tập điều này!".

Hai ngày sau lời giáo huấn này, Tăng chúng bàn luận chuyện đó trong Chánh pháp đường:

- Này các Hiền hữu Tỷ-kheo, bậc Đạo sư trong địa vị tối thượng của một bậc Chánh Đẳng Giác, đã chứng minh bản chất của những gì tác hợp nên sự sống, chỉ rõ đời sống thật là giả tạm và yếu ớt mỏng manh khiến cho Tăng chúng lẫn người ngoại đạo phải hết sức kinh hoàng. Ôi! Thần diệu thay uy lực của đức Phật!

Bậc Đạo sư bước vào, hỏi Tăng chúng đang bàn luận điều gì. Các vị thưa với Ngài và Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, nay Tađạt Trí tuệ Viên mãn mà dùng lời khuyến giáo để báo trước cho Tăng chúng thấy rõ Tứ đại thật là giả tạm thì cũng chẳng kỳ diệu gì. Ngay cả khi Ta hóa sinh từ một chim thiên nga, Ta cũng chứng tỏ tính cách giả tạm của Tứ đại trong đời sống và bằng Giáo pháp của Ta, đã gây kinh hoàng cho cả triều đình một vị vua cùng với chín vị vua ở Ba-la-nại nữa.

Nói xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thời khi vua Brahmadatta lên ngôi ở Ba-la-nại, bậc Đại sĩ được sinh làm một chúa Thiên ngathần tốc, sống trên núi Cittakùta, dẫn đầu một đoàn gồm chín mươi ngàn Thiên nga khác. Một ngày kia, sau khi cùng cả đoàn đi ăn lúa mọc hoang trong cái hồ ở vùng đồng bằng xứ Diêm-phù-đề (Ấn Độ), ngài bay qua không gian (như thể một tấm thảm vàng óng ánh trải dài từ đầu nọ đến đầu kia của kinh thành Ba-la-nại) và lượn chầm chậm như đùa chơi về phía núi Cittakùta. Lúc bấy giờ vua Ba-la-nại trông thấy ngài, liền bảo các triều thần:

- Con chim đằng kia ắt hẳn là chim chúa như trẫm đây.

Vua sinh lòng yêu mến chúa chim, nên đã đem vòng hoa, hương liệu và dầu thơm đi tìm bậc Đại sĩ và bảo trình diễn đủ loại âm nhạc cho ngài nghe. Khi bậc Đại sĩ thấy vua tôn vinh ngài như vậy, ngài hỏi các chim Thiên nga kia:

- Khi một ông vua muốn tôn vinh ta như vậy, vua ấy muốn gì chăng?

- Tâu Chúa thượng, ngài muốn bầu bạn với Chúa thượng.

- Được rồi, thế thì ta bầu bạn với vua ấy!

Ngài bảo và ngài làm bạn với vua, rồi sau đó bay về tổ.

Một ngày kia, sau việc kết bạn này, vua vào ngự uyển và đi đến hồ Anotatta, chim chúa bay đến gần vua với một cánh mang đầy nước và cánh kia mang bột gỗ Chiên-đàn, chim rảy nước lên mình vua và rắc bột gỗ Chiên-đàn cho vua nữa, trong lúc hội chúng đang nhìn theo, ngài lại cùng với đàn chim bay về Cittakutà. Từ lúc ấy về sau, vua cứ mong ngóng bậc Đại sĩ mãi; ngài thường nấn ná chờ đợi vừa nhìn con đường bậc Đại sĩ đến và nghĩ thầm: "Hôm nay thân hữu ta sẽ đến".

Lúc bấy giờ hai con thiên nga non trẻ nhất trong đàn của bậc Đại sĩ, quyết định thi đua với mặt trời, vì vậy chúng xin phép bậc Đại sĩ thử sức bay qua với mặt trời. Ngài bảo:

- Này các chú, tốc lực mặt trời rất thần kỳ, các chú không bao giờ có thể thi đua với mặt trời đâu. Các chú sẽ chết tiêu tan trong cuộc thi tài ấy. Vậy các chú đừng đi.

Lần thứ hai chúng xin phép, rồi lần thứ ba. Song Bồ-tát phản đối chúng đến lần thứ ba chúng xin. Tuy nhiên, chúng vẫn khăng khăng giữ ý định đó, không tự lượng sức mình, rồi cương quyết bay đua với mặt trời mà không tâu trình với chúa chim. Vì thế, trước lúc rạng đông, chúng đã đậu trên đỉnh núi Yugandhara (một trong bảy rặng núi lớn quanh núi Meru: Tu-di).

Bậc Đại sĩ thấy vắng chúng, liền hỏi chúng đi đâu. Khi ngài nghe những việc xảy ra , ngài nghĩ thầm: "Chúng sẽ chẳng bao giờ đủ sức bay đua với mặt trời, và chúng sẽ bị tiêu diệt trong cuộc so tài ấy. Ta phải cứu mạng chúng mới được". Vì vậy, ngài bay đến đỉnh núi Yugandhara và đậu bên cạnh chúng. Khi vầng nhật xuất hiện trên đường chân trời, đôi tiểu thiên nga vùng lên, lao tới đằng trước theo mặt trời, bậc Đại sĩ cũng bay theo chúng. Con chim bé nhất bay tới trước giờ ngọ thì ngất xỉu. Bên trong khớp xương đôi cánh nó cảm thấy như thể đang bị lửa đốt. Rồi nó ra hiệu cho bậc Đại sĩ:

- Thưa đại huynh, tiểu đệ không tiếp tục được nữa.

Bậc Đại sĩ bảo:

- Đừng sợ, ta sẽ cứu chú.

Rồi mang nó trên đôi cánh dang rộng của mình, ngài an ủi nó, đưa nó về núi Cittakùta đặt nó xuống giữa đàn thiên nga, sau đó ngài lại bay đi bắt kịp mặt trời, đến bên cạnh chim kia. Con chim ấy bay đua với mặt trời cho đến gần đúng ngọ thì ngất ngư và thấy như thể lửa đang thiêu đốt trong khớp xương ở đôi cánh của nó. Nó vừa làm dấu cho bậc Đại sĩ vừa kêu lên:

- Thưa đại huynh, tiểu đệ không thể tiếp tục được nữa.

Ngài cũng an ủi nó như trên, rồi mang nó trên đôi cánh dang rộng của mình, ngài đưa nó về đỉnh Cittakùta. Vào lúc ấy mặt trời đang ở trên đỉnh đầu. Bậc Đại sĩ suy nghĩ: "Hôm nay ta sẽ thử xem uy lực của mặt trời ra sao". Thế là chỉ cần phóng lui một vòng, ngài đã đậu trên đỉnh Yugandhara. Sau đó vừa tung cánh lên là ngài bắt kịp mặt trời, ngài bay đi, lúc tiến về phía trước, lúc lùi lại đằng sau, ngài nghĩ thầm: "Đối với ta thì chuyện bay đua với mặt trời thật là vô ích, chỉ do trí ngu si mà ra cả, nó có nghĩa lý gì đối với ta đâu? Ta muốn bay đến Ba-la-nại, nói cho thân hữu của ta là vua ấy một lời khuyến giáo về công bình và chân chánh".

Rồi quay lại trước khi mặt trời dần đi xuống giữa không gian, ngài bay qua toàn cõi thế giới từ đầu chí cuối xong, ngài giảm dần tốc lực, bay từ đầu nọ đến đầu kia toàn xứ Diêm-phù-đề, cuối cùng đến thành Ba-la-nại. Cả kinh thành này với chu vi chừng mười hai dặm, như thể đang nằm dưới bóng chim chúa, không có một khe hở nào lộ ra; rồi tốc lực giảm dần, những lỗ trống, kẽ hở lại xuất hiện trên bầu trời. Bậc Đại sĩ bay chầm chậm rồi đáp xuống từ không trung, hạ cánh trước song cửa. Vua vui mừng reo lớn:

- Thân hữu của ta đang đến kìa!

Rồi đặt chiếc bảo tọa bằng vàng cho chim đậu, vua phán:

- Xin Hiền hữu vào đây, an tọa tại nơi này.

Và ngài ngâm vần kệ đầu:

1. Chúa Thiên nga, đến đậu nơi đây,
Lòng trẫm thiết tha diện kiến ngài,
Hãy chọn thứ gì ngài thấy được,
Nay ngài là chúa tể nơi này.

Bậc Đại sĩ đậu trên bảo tọa bằng vàng. Vua xoa vào dưới đôi cánh của ngài những loại dầu thơm đã lọc sạch cả trăm lần, hay còn hơn thế nữa, cả ngàn lần, ban cho ngài thứ gạo mềm mại và nước đường trong cái đĩa bằng vàng, rồi nói chuyện với ngài với giọng ngọt ngào như mật:

- Này Hiền hữu, ngài đến đây một mình, vậy ngài từ đâu lại?

Chim chúa kể hết mọi việc. Sau đó vua bảo ngài:

- Này Hiền hữu, xin ngài lần nữa biểu diễn tốc lực của ngài so với mặt trời kia.

- Thưa Đại vương, tốc lực ấy không thể phô diễn được.

- Vậy xin ngài biểu diễn một việc tương tự như thế.

- Được lắm, thưa Đại vương, ta sẽ biểu diễn một việc tương tự như vậy. Xin triệu tập các xạ thủ bắn nhanh như chớp lại đây.

Vua liền ra lệnh triệu tập họ. Bậc Đại sĩ lựa bốn người rồi cùng họ từ cung điện đến sân chầu. Nơi đó, ngài bảo dựng một trụ đá, và buộc vào cổ ngài một cái chuông nhỏ. Sau đó, ngài đậu trên đỉnh trụ đá, đặt bốn xạ thủ quay lưng từ trụ đá hướng ra bốn phía, bảo:

- Thưa Đại vương, xin ra lệnh cho bốn xạ thủ bắn ra cùng một lúc bốn mũi tên về bốn hướng và ta sẽ chụp lấy bốn mũi tên ấy trước khi chúng chạm mặt đất rồi đặt xuống chân các xạ thủ. Đại vương sẽ biết khi nào ta đi nhặt các mũi tên nhờ tiếng chuông reng reng, song Đại vương chẳng trông thấy được ta đâu.

Sau đó đồng loạt các xạ thủ bắn bốn mũi tên ra, ngài liền chụp lấy chúng và đặt dưới chân đám xạ thủ kia, còn mọi người thấy ngài đang đậu trên trụ đá.

- Thưa Đại vương, ngài đã thấy tốc lực của ta chăng?

Rồi ngài nói tiếp:

- Thưa Đại vương, tốc lực ấy không phải là tốc lực bậc nhất của ta đâu, cũng không phải là tốc lực bậc trung mà là tốc lực kém nhất trong các tốc lực thấp kém: thế mà nó đã chứng tỏ cho Đại vương thấy ta nhanh nhẹn đến mức độ nào.

Sau đó, vua hỏi ngài:

- Này Hiền hữu, thế có tốc lực nào nhanh hơn tốc lực của ngài chăng?

- Thưa Hiền hữu, có chứ. Nhanh hơn tốc lực của ta đến trăm lần, à không, cả ngàn lần, là sự biến hoại của Tứ đại trong đời sống của loài hữu tình: Chúng tan rã như vậy đó, chúng bị tiêu diệt như vậy đó.

Bằng cách ấy ngài đã làm sáng tỏ cách thế giới hữu hình hoại vong như thế nào, bị hủy diệt như thế nào từng giây từng phút. Khi nghe nói vậy, vua sợ chết, không còn giữ bình tĩnh được nữa, mà ngất xỉu đi. Cả hội chúng kinh hoàng, rảy nước vào mặt vua, khiến ngài hồi tỉnh. Sau đó bậc Đại sĩ nói với vua:

- Thưa Đại vương, chớ sợ hãi, nhưng hãy nhớ đến thần chết. Hãy tiến lên trong đường công chính, bố thí và làm thiện sự, phải gắng tinh cần.

Lúc ấy vua đáp lại:

- Tâu Chúa thượng, nếu không có một Đạo sư hiền trí như ngài, trẫm không thể nào sống được, vậy xin ngài đừng trở về đỉnh núi Cittakùta nữa, mà hãy ở lại đây, dạy bảo trẫm, xin hãy làm Đạo sư để giáo hóa trẫm.

Rồi vua ngâm hai vần kệ thỉnh cầu ngài:

2. Nhờ nghe nói đến người mình yêu mến,
Mà tình yêu thương được dưỡng nuôi hoài,
Lòng nhớ nhung người vắng bóng dần phai,
Vì nghe, thấy, khiến người sinh lưu luyến,
Xin hãy cho ta đặc ân diện kiến.

3. Giọng nói ngài thật thân ái bên ta,
Diện kiến ngài còn thắm thiết hơn xa,
Vì ta thích được cùng ngài diện kiến,
Thiên nga hỡi, ở cùng ta, xin đến!

Bồ tát đáp:

4. Ví dù ta ở lại với Quân vương,
Trong cảnh vinh quang dường ấy được ban,
Song ngày kia, choáng men nồng, Chúa thượng
Có thể truyền: "Đem chúa chim ra nướng!".

- Không đâu - Vua nói - Lúc có ngài ở bên cạnh, trẫm sẽ không bao giờ đụng đến men rượu nồng nữa.

Rồi vua cam kết hứa hẹn điều này qua vần kệ sau:

5. Thức uống, ăn kia thật đáng rủa nguyền
Nếu trẫm quý yêu hơn cả bạn hiền!
Trẫm không nếm, dầu giọt nào hay ngụm,
Bao lâu ngài ở lại đây cùng trẫm!

Sau vần kệ này, Bồ-tát ngâm sáu vần kệ khác:

6. Tiếng loài sơn cẩu, tiếng chim muông,
Cũng rất dễ dàng được cảm thông,
Tiếng nói người đời, tuy rõ thế,
Vô cùng tối nghĩa, hỡi quân vương!

7. Con người thường nghĩ: "Bạn thân mình,
Quyến thuộc là đây, bạn chí tình!".
Song tình bằng hữu thường hay mất,
Căm hận, oán thù lại khởi sinh.

8. Ai được ngài thương, cũng quý ngài,
Gần ngài, dù ở tận phương trời,
Song người sống cận kề ngài đó,
Lòng ngài hờ hững, cũng xa vời.

9. Ai ở nhà ngài, dạ mến thương,
Vẫn ân cần, dẫu cách trùng dương,
Nhà ngài ai ở, tâm thù nghịch,
Xa cách trùng dương, vẫn oán hờn!

10. Những người thù nghịch, Chúa công ôi!
Dù ở gần nhau, vẫn cách vời.
Song hỡi Đại vương-nuôi-quốc-độ,
Các hiền nhân kết hợp nhau hoài!

11. Ai ở quá lâu sẽ thấy rằng
Thân bằng có lúc hóa cừu nhân,
Trước khi để mất tình thân hữu,
Ta giã biệt ngài, cất bước chân.

Sau đó vua nói với ngài:

12. Dù trẫm chấp tay lại cố nài,
Ngài không hề chịu để vào tai,
Chẳng dành lời nói cho bằng hữu
Tha thiết cầu mong giúp đỡ hoài.
Trẫm khát khao ngài ban đặc huệ:
Trở về đây viếng trẫm nay mai.

Thế rồi Bồ tát đáp lời:

13. Nếu khônggián đoạn dòng đời,
Vì thử ngài, ta, Chúa thượng ôi!
Còn sống, hỡi Người-nuôi-đại-chúng,
Ta bay về lại chốn đây thôi,
Rồi ta còn dịp lành tương kiến,
Trong lúc ngày đêm lờ lững trôi.

Với lời nhắn nhủ vua xong, bậc Đại sĩ lên đường về núi Cittakùta.

*

Khi bậc Đạo sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Như vậy, này các Tỷ kheo, ngày xưa, ngay cả khi Ta được sinh vào loài súc vật, Ta đã chứng minh tính cách mong manh của Tứ đại trong cuộc sống và tuyên thuyết Chánh pháp.

Nói vậy xong, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Ànanda là vua, Moggallàna (Mục-kiền-liên) là con chim trẻ nhất, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là chim non thứ hai, hội chúng của đức Phật là tất cả Thiên nga, và Ta chính là Chúa Thiên ngathần tốc.

-ooOoo-

477. Chuyện Tiểu Đạo Sĩ Nàrada (Tiền thân Culla-Nàrada)

Không có củi nào được bổ ra..,

Chuyện này bậc Đạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên về các trò quyến rủ của một cô gái thô tục.

Thời ấy, Ta biết rằng có một cô gái chừng mười sáu tuổi, con của một người dân thành Xá-vệ là một cô gái có thể đem vận may đến cho đàn ông, song chẳng có nam nhân nào chọn nàng cả. Vì vậy, mẹ nàng nghĩ thầm: "Con gái ta đã đến tuổi trưởng thành. Song chẳng ai chọn nó cả. Ta muốn dùng nó như miếng mồi câu cá, khiến cho một vị xuất gia tu hành trong dòng họ Thích-ca phải hoàn tục và nó sống nương nhờ vị ấy".

Lúc bấy giờ, có một thiện gia nam tử ở Xá-vệ, đã quyết tâm tu hànhgia nhập Tăng chúng. Nhưng từ khi chàng đã thọ Đại giới xong, chàng lại mất cả ước vọng tu tập và cứ sống chuyên lo tô điểm bản thân chàng.

Người nữ cư sĩ này thường hay dọn sẵn cháo gạo trong nhà và nhiều thức ăn loại cứng, loại mềm, rồi đứng ở cửa trong khi Tăng chúng đi ngang qua đường phố và cố tình xem ai là người có thể bị lòng thèm ăn của ngon vật lạ lôi cuốn. Kìa lũ lượt trên đường là đám nam tử hành trì Tam Tạng Kinh, Luật, Luận, song bà không tìm được ai có thể mắc vào mồi của bà cả. Giữa các vị mang bình bát đắp y kia là những vị pháp sư thuyết giáo với giọng ngọt ngào như mật, di chuyển như đám mây bồng bềnh trước gió, bà chẳng thấy ai cả.

Song cuối cùng bà chợt thấy một nam nhân tiến tới, khóe mắt xoa dầu thơm, tóc buông xõa, mang chiếc y trong bằng thứ lụa mượt mà, chiếc y ngoài được giặt giũ sạch sẽ, bình bát có màu sắc đẹp như loại bảo châu, chiếc dù thật vừa ý, một con người buông thả các căn theo sở thích, toàn thân một màu đồng vàng bóng lộn. "Đây chính là người mà ta có thể bắt lấy!" Bà nghĩ thầmđảnh lễ vị kia, bà đến cầm lấy bình bát và mời ông vào nhà.

Bà dọn chỗ ngồi cho ông, đưa cháo gạo và các thức khác. Rồi sau bữa ăn, bà yêu cầu ông ghé nhà bà làm nơi nghỉ chân lui tới trong tương lai. Vì thế, ông thường viếng thăm nhà đó về sau, dần dần với thời gian trở nên thân thiết.

Một ngày kia, bà cư sĩ ấy nói cốt cho ông nghe:

- Trong nhà này, chúng ta sung sướng lắm, duy chỉ một điều là ta chẳng có con trai hay con rể để bảo tồn gia sản thôi.

Ông nghe được, tự hỏi không biết lý do gì bà lại nói vậy, chẳng mấy chốc dường như việc đó đã đâm sâu vào tim ông. Bà ta bảo con gái:

- Con hãy quyến rủ người này đi, hãy tìm cách điều khiển chàng theo ý con.

Vì thế sau đó, cô gái tô điểm đầy mình đủ loại trang sức và quyến rủ vị kia, dùng đủ mánh lới xảo quyệt của nữ nhân. (Ta phải hiểu rằng "một cô gái thô tục" đây không có nghĩa là thân hình mập mạp, nhưng dù mập hay gầy, cô ta cũng bị gọi là "thô tục" vì mãnh lực năm thứ dục tình của cô ta).

Sau đó, nam tử kia còn trẻ lại bị dục tình chi phối, nên lòng thầm nghĩ: "Nay ta không thể nào tu theo Giáo pháp của đức Phật được nữa". Và ông đi đến Tinh xá đặt y bát xuống, nói với các vị giáo thọ của mình:

- Tâm con đang thối thất.

Rồi các Tỷ-kheo ấy dẫn ông đến bậc Đạo sư và thưa:

- Bạch Thế Tôn, Tỷ kheo này đang thối thất.

Ngài hỏi:

- Này Tỷ kheo, họ bảo rằng tâm ông đang thối thất. Có đúng vậy không?

- Bạch Thế Tôn, quả thật như vậy.

- Thế việc gì khiến ông như vậy?

- Bạch Thế Tôn, một cô gái thô tục.

Ngài bảo:

- Này Tỷ kheo, ngày xưa, lâu lắm rồi, khi ông ở trong rừng, chính cô gái này đã cản trở đời thanh tịnh của ông và đã làm hại ông rất nhiều, thế thì tại sao ông lại sinh thối thất vì cô ta nữa?

Rồi theo lời thỉnh cầu của tăng chúng, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thời kia, khi vua Brahmadatta trị vì Ba-la-nại, Bồ-tát được sinh vào một gia đình Bà-la-môn rất giàu có. Sau khi thành đạt việc học vấn, ngài về điều hành cả tài sản. Kế đó, bà vợ ngài sinh một con trai rồi qua đời. Ngài suy nghĩ: "Cũng như vợ yêu quý của ta, cái chết sẽ không chừa ta đâu, vậy gia đình có nghĩa gì với ta nữa? Ta muốn xuất gia tu hành".

Vì thế, ngài từ bỏ mọi tham dục, cùng con trai ngài đi vào vùng Tuyết Sơn, ở đó cùng sống đời ẩn sĩ, tu tập Thiền định và Thắng trí, cư trú trong rừng, sinh sống bằng trái cây và củ rừng.

Vào thời ấy, dân chúng ở biên địa cướp phá xứ sở, sau khi tấn công một thị trấn và bắt các tù nhân, bọn chúng chất đầy chiến lợi phẩm, trở về biên địa. Trong đám ấy, có một cô gái tuyệt đẹp, song đầy mánh khóe giả dối. Cô ta nghĩ thầm: "Các đàn ông này khi mang chúng ta đi xa nhà, sẽ biến bọn ta thành nô lệ, quyết tìm cách trốn thoát". Vì vậy, cô ta bảo:

- Thưa chủ nhân, thiếp muốn nghỉ chân, vậy cho thiếp đi nghỉ chân một lát.

Nàng đánh lừa bọn cướp như thế, rồi trốn đi.

Lúc bấy giờ, Bồ tát đã đi vào rừng tìm củ quả, để con trai ở lại am lá. Trong khi ngài đi vắng, cô gái đang lang thang trong rừng, bước đến am này vào sáng sớm, quyến rủ chàng trai bằng dục tình, phá hủy công đức của chàng và chinh phục chàng theo ý mình. Nàng bảo chàng:

- Sao chàng lại ở trong rừng, này đôi ta cùng về một làng kia làm nhà riêng cho ta ở. Tại đó đôi ta dễ dàng tận hưởng mọi lạc thú ái tình.

Chàng bằng lòng và bảo:

- Nay cha ta đang ở trong rừng kiếm trái cây, khi nào gặp lại cha ta thì sẽ cùng nhau đi xa.

Lúc ấy, cô gái thầm nghĩ: "Cậu trai khờ dại này chẳng biết gì cả, song còn cha cậu ắt hẳn đã xuất gia tu hành lúc tuổi già. Khi ông ấy về nhà, ông ấy sẽ biết ta làm gì ở đây và đánh đập ta, lôi cổ kéo cẳng ta ra, quẳng ta vào rừng sâu. Vậy ta muốn đi ngay trước khi ông ấy về".

Rồi chỉ rõ dấu hiệu đi đường xong, nàng liền đi ngay. Sau khi nàng vừa khuất bóng, chàng trai trở nên buồn bã, không làm phận sự hàng ngày như thường lệ, mà đi trùm kín từ đầu tới chân nằm dài ra trong am lá, u sầu phiền muộn.

Khi bậc Đại sĩ đem mớ quả rừng về nhà, ngài quan sát dấu chân cô gái: "Đây là dấu chân một nữ nhân", ngài nghĩ thầm: "Ắt hẳn công đức của con trai ta đã mất rồi". Sau đó ngài bước vào am đặt mớ quả rừng xuống và ngâm vần kệ đầu hỏi con trai ngài:

1. Không có củi nào được bổ ra,
Và không kéo nước tự ao hồ,
Cũng không có lửa nào con nhóm,
Đờ đẫn nằm sao giống kẻ rồ?

Nghe giọng của cha, chàng trai vùng dậy đảnh lễ cha và hết sức cung kính, chàng thổ lộ rằng chàng không thể nào chịu được cuộc sống trong rừng nữa, và chàng ngâm đôi vần kệ:

2. Con không thể sống ở sơn lâm,
Cuộc sống trong rừng thật khó khăn,
Con quyết điều này, Ca-diếp hỡi!
Con mong trở lại chốn phàm nhân.

3. Này Đại sĩ ơi, hãy dạy con,
Khi con từ giã, bước lên đường,
Thế nào phong tục trong toàn quốc
Con phải biết cho thật tỏ tường.

Bậc Đại sĩ bảo:

- Này con, được lắm, ta sẽ dạy con mọi phong tục trong nước.

Và ngài ngâm đôi vần kệ:

4. Nếu con đã quyết chí xa rời
Các trái cây rừng với sắn khoai,
Về sống thị thành, nghe dạy bảo
Làm sao phong cách hợp theo đời.

5. Tránh nơi vách đá, chốn hang sâu,
Thuốc độc, rời xa, dẫu loại nào,
Bước thận trọng nơi loài rắn ở,
Đống bùn nhơ bẩn, chờ sa vào.

Con trai vị ẩn sĩ không hiểu được lời khuyên cốt lõi ấy, liền hỏi:

6. Cách đá, dốc cao ấy có gì
Liên quan đến Thánh đạo ta đi,
Bùn nhơ, thuốc độc cùng loài rắn?
Xin nói điều này với tiểu nhi.

Vị ấy đáp lời giải thích:

7. Có thuốc uống kia ở cõi trần,
Mà người ta gọi rượu, con thân,
Thơm tho, như mật ong ngon ngọt,
Giá rẻ, đầy hương vị dịu dàng,
Cái ấy, Na-ra-da, bậc trí
Bảo là thuốc độc đối hiền nhân.

8. Và bọn nữ nhâncõi trần,
Làm người ngu trí phải điên cuồng,
Chúng lôi đám trẻ người non dạ,
Như bão dưới đường bắt hạt bông,
Ta nói vực sâu là đấy nhé
Đang nằm ngay trước mặt hiền nhân.

9. Được đời trao tặng đại vinh quang,
Ân sủng, lộc nhiều, tiếng tốt vang,
Này đó, Nà-ra, bùn cấu uế
Có cơ làm bẩn các hiền nhân.

10. Đế vương cùng với đám quần thần
Đang ngự trong cung chốn thế nhân,
Này đó, Na-ra đều chức trọng,
Mỗi vua là một chúa oai hùng.

11. Trước chân vua chúa, các quân vương,
Con nhớ đừng nên chọn bước đường
Vì đó, Na-ra là rắn cả,
Những người ta đã nói, con thương.

12. Ngôi nhà con đến để xin ăn,
Khi mọi người an tọa trước bàn,
Nếu thấy tốt lành trong chỗ ấy,
Thì con ăn uống thỏa thuê lòng.

13. Khi người kia dọn bữa mời con,
Thực hiện điều này lúc uống ăn:
Đừng uống quá chừng, ăn quá độ,
Tranh xa nguồn dục lạc phàm trần.

14. Rượu chè, chuyện phiếm, bạn tà gian,
Các tiệm bán buôn của thợ vàng,
Con hãy tránh xa như những kẻ
Đi trên đường lộ chẳng bình an.

Trong khi người cha cứ tiếp tục nói mãi, nói mãi bên tai, chàng trai dần dần hồi tỉnh và nói:

- Thưa phụ thân, con đã chán chê cõi phàm trần rồi.

Sau đó vị cha dạy cho chàng tu tập từ tâm và các thiện pháp khác. Người con nghe theo lời cha dạy bảo, chẳng bao lâu phát khởi Thiền định trong tâm trí chàng. Và cả hai cha con không bao giờ gián đoạn Thiền định, nên được tái sinh vào cõi Phạm thiên.

*

Khi bậc Đạo sư đã chấm dứt Pháp thoại, Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, cô gái thô tục này là thiếu nữ kia, Tỷ-kheo thối thất là con trai vị ẩn sĩ, và Ta chính là người cha.

-ooOoo-

478. Chuyện Sứ Thần (Tiền thân Dùta)

Trầm tư trên bến nước sông Hằng..,

Chuyện này bậc Đạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về việc tán thán trí tuệ của Ngài.

Trong Chánh pháp đường, Tăng chúng đang bàn luận:

- Này các Tỷ kheo Hiền hữu, tài trí của đấng Thập lực thật dồi dào phương tiện thiện xảo biết bao! Ngài đã chỉ cho vương tử Nanda (em trai của Ngài) thấy cả bầy thiên nữ xong khiến vị ấy đắc Thánh quả; Ngài lại trao chiếc y cho chàng tiểu thị giả của Ngài và giáo hóa cho chàng chứng quả Thánh quả bốn Thiền chứng. Ngài chỉ đóa hoa sen cho người thợ rèn nọ khiến người ấy đạt Thánh quả. Thật Ngài đang hóa độ chúng sinh với muôn vàn phương tiện khác nhau.

Bậc Đạo sư bước vào hỏi Tăng chúng đang ngồi bàn luận chuyện gì; các vị trình với Ngài, Ngài bảo:

- Đây không phải là lần đầu tiên Như Lai có đủ phương tiện thiện xảo và tài trí để biết rõ việc gì sẽ đem lại kết quả như ý đâu, mà ngày xưa Như Lai cũng đã đầy đủ tài trí.

Nói vậy xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, khi vua Brahmadatta trị vì tại Ba-la-nại, cả nước đó không có vàng vì vua áp bức toàn dân và lấy hết kho vàng. Vào thời ấy, Bồ-tát sinh vào một gia đình Bà-la-môn ở một làng nọ trong xứ Kàsi. Khi ngài đến tuổi khôn lớn, ngài đến Takkasilà và nói:

- Ta sẽ kiếm tiền để trả học phí cho sư phụ ta sau, bằng phương pháp xin của bố thí một cách kín đáo.

Ngài đi đến thọ giáo và khi đã hoàn thành việc học tập, ngài nói:

- Thưa sư phụ, con sẽ dùng hết năng lực tinh cần của con để đem về dâng sư phụ số tiền xứng đáng với việc sư phụ dạy bảo.

Thế là xin phép từ giã thầy dạy, ngài ra đi tất cả vùng đó để cầu bố thí.

Sau khi ngài đã kiếm được vài lạng vàng theo đúng cách chơn chánh và ngay thẳng, ngài ra về định trao tận tay thầy mình, rồi trên đường đi đã dùng thuyền vượt qua sông Hằng. Khi con thuyền tròng trành trên mặt nước, số vàng ấy rơi mất. Ngài suy nghĩ: "Xứ này thật khó kiếm vàng, nếu ta lại đi lần nữa để kiếm tiền trả thầy ta thì sẽ chậm trễ lắm, vậy nếu ta cứ ngồi tuyệt thực bên bờ sông Hằng thì sao? Dần dần cũng có lúc đức vua biết được việc ta ngồi đây, và vua sẽ phái một vài cận thần đến, nhưng ta sẽ chẳng nói gì với họ. Sau đó, chính đức vua sẽ đến và nhờ đó ta sẽ kiếm được tiền học phí trả thầy ta".

Vì vậy, ngài đắp thượng y lên mình, đặt sợi dây tế đàn ra ngoài và ngồi bên bờ sông Hằng như thể một pho tượng vàng trên vùng cát bạc. Đám đông đi ngang qua thấy ngài ngồi đó không ăn thứ gì cả, liền hỏi tại sao ngài ngồi như vậy. Nhưng ngài không nói lời nào với dân chúng cả. Hôm sau, dân làng kế cận hay tin ngài ngồi đó, cũng đến hỏi han, nhưng ngài cũng không nói gì; dân chúng thấy ngài kiệt sức như vậy thì vừa bỏ đi vừa thương xót than vãn.

Ngày thứ ba, dân từ kinh thành kéo đến, ngày thứ tư là các bậc quyền cao chức trọng trong kinh thành, ngày thứ năm là đám triều thần quanh vua, ngày thứ sáu, vua sai các đại thần đến, nhưng ngài chẳng hề nói với ai điều gì. Ngày thứ bảy, vua lo ngại đến gặp ngài và xin ngài giải thích qua vần kệ đầu:

1. Trầm tư bên bến nước sông Hằng,
Và tại sao chàng chẳng nói năng,
Để trả lời ta truyền nhắn hỏi,
Hay chàng dấu chuyện khổ đau chăng?

Nghe lời này, bậc Đại sĩ đáp:

- Tâu Chúa thượng, nỗi sầu của thần chỉ được thổ lộ cho người có thể vứt bỏ nó đi chứ không nói với ai khác được.

Rồi ngài ngâm bảy vần kệ:

2. Hỡi Đại vương nuôi-xứ-Kà-si!
Số ngài ví thử gặp sầu bi,
Nỗi sầu chớ lộ cho người khác,
Nếu kẻ này không có ích gì.

3. Song nếu ai san sẻ một phần
Nỗi sầu, nhờ thế lực quyền năng,
Thì con người ấy đang sầu muộn
Nói rõ người kia mọi ước mong.

4. Tiếng loài sơn cẩu, tiếng chim muông
Cũng rất dễ dàng được cảm thông,
Tiếng nói người đời, tuy rõ thế
Vô cùng khó hiểu, hỡi Quân vương!

5. Con người thường nghĩ: "Bạn thân mình,
Quyến thuộc bà con, bạn chí tình",
Song mối tình thân thường biến mất,
Oán thù, căm hận, lại sần sinh!

6. Người không được hỏi gặn nhiều lần,
Nói chẳng đúng thời nỗi khổ tâm,
Chắc chắn làm phiền lòng bạn hữu,
Mong mình an ổn, phải than van.

7. Tìm kiếm cơ may để nói năng,
Biết người hiền trí lại đồng lòng,
Bạn hiền tỏ nỗi ưu cùng bạn,
Ý nghĩa nằm sau tiếng dịu dàng.

8. Song, nếu trí nhân thấy rõ ràng,
Không gì giải được nỗi gian truân,
Điều gì đem nói cho người biết,
Cũng chẳng đạt thành quả ước mong,
Bậc trí một mình đành nín lặng,
E dè nhẫn nhục đến sau cùng.

Bậc Đại sĩ đã thuyết pháp như vậy qua bảy vần kệ trên để giáo hóa vua, rồi ngâm thêm bốn vần nữa để kể chuyện ngài đi kiếm tiền trả cho thầy dạy:

9. Đại vương! Thần đã phải lang thang,
Nhiều nước, kinh thành, mỗi quốc vương,
Thị trấn, thôn làng, cầu bố thí
Bởi vì học phí, quyết lòng mang.

10. Đến trước thềm ai, mọi chủ nhà,
Triều thần, đạo sĩ hoặc thương gia,
Cầu xin một ít vàng, thần được
Chừng một hay hai lạng ấy mà,
Chúa thượng, số vàng nay đã mất
Nên thần buồn bã thật sâu xa.


11. Các sứ giả không thế lực
Làm thần thoát khỏi nỗi sầu bi,
Thần đà cân nhắc hoài cho kỹ,
Chúa thượng! Thần không giải thích chi.

12. Song ngài, uy lực đủ, Anh quân!
Giải thoát cho thần nỗi khổ thân.
Vì xét kỹ ngài nhiều đức độ,
Thần cho ngài biết thật tinh tường.

Khi vua nghe lời cảm khái ấy, liền đáp:

- Này chàng Bà-la-môn, thôi đừng phiền muộn nữa. Vì trẫm sẽ tặng học phí cho chàng đem trả thầy giáo.

Rồi vua hoàn lại gấp đôi số vàng cũ.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, bậc Đạo sư ngâm vần kệ cuối cùng:

13. Đại vương nuôi dưỡng-cả-giang-san,
Hoàn lại người kia một số vàng,
Tròn vẹn với lòng tin tưởng nhất,
Trước chàng đã có, gấp đôi lần.

*

Khi bậc Đạo sư đã chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Như vậy, này các Tỷ kheo, không phải chỉ bây giờ Như Lai mới đầy đủ phương tiện thiện xảo, xưa kia Như Lai cũng vẫn như vậy.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Ànanda (A-nan) là vua, Sàriputta (Xá-lợi-phất) là vị giáo thọ, và Ta là chàng thanh niên kia.

-ooOoo-

479. Chuyện Cây Bồ ĐềThánh Đế Kalinga (Tiền thân Kalinga-Bodhi)

Kha-linh, Thánh đế Chuyển Luân Vương..,

Chuyện này bậc Đạo sư kể trong khi trú tại Kỳ Viên về việc Tôn giả Ànanda cử hành lễ cúng dường cây Bồ-đề.

Trong lúc đức Như Lai đi du hànhmục đích thâu nhận những người đủ cơ duyên để thọ giáo, dân chúng thành Xá-vệ tiến đến Kỳ Viên, tay cầm đầy vòng hoa thơm ngát, thấy không có nơi nào khác để tỏ lòng ngưỡng mộ sùng kính, liền đặt hoa bên cổng vào Hương phòng của đức Phật rồi ra đi. Việc này đã gây được niềm hoan hỷ rất lớn. Song Trưởng giả Anàthapindika (Cấp Cô Độc) nghe được chuyện ấy; khi đức Như Lai trở về, vị trưởng giả liền đến thăm Tôn giả Ànanda và nói với ngài:

- Thưa Tôn giả, tinh xá này không được cúng dường trong lúc đức Như Lai du hóa, và không có nơi nào cho dân chúng dâng hoa thơm để tỏ lòng sùng bái. Xin Tôn giả từ bi thưa với đức Như Lai về vấn đề này để Ngài cho biết xem có thể tìm được nơi nào dùng vào mục đích này chăng?

Vị Tôn giả kia sẵn sàng làm theo, liền thưa đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu loại bảo Tháp?

- Này Ànanda, có ba loại.

- Bạch Thế Tôn, đó là các loại nào?

- Bảo tháp thờ kim thân, bảo tháp thờ các vật thường dùng hay mang trên người và bảo tháp thờ các kỷ vật (ảnh tượng).

- Trong lúc Thế Tôn còn tại thế, có thể xây một bảo tháp được chăng?

- Không được, này Ànanda, không thể xây một bảo tháp thờ kim thân, loại tháp đó chỉ được xây khi nào một đức Phật diệt độ (đắc Niết bàn vô dư y). Một bảo tháp thờ kỷ vật cũng không đúng đâu vì mối liên hệ chỉ tùy thuộc vào tâm tưởng mà thôi. Còn cây Đại Bồ-đề đã được chư Phật sử dụng, nên rất đáng làm nơi chiêm bái, dù chư Phật còn tại thế hay diệt độ.

- Bạch Thế Tôn, trong thời gian Thế Tôn du hóa xa xôi, ngôi Đại Tinh xá Kỳ Viên này không có nơi nương tựa, và dân chúng không có nơi nào để có thể tỏ bày lòng quy ngưỡng. Xin Thế Tôn cho phép con trồng một hạt giống từ cây Đại Bồ-đề (ở Bồ-đề Đạo tràng) ngay trước cổng Tinh xá này được chăng?

- Dĩ nhiên nên làm như vậy lắm, này Ànanda, và nó cũng sẽ là một nơi an trú cho Ta như trước kia.

Tôn giả này nói lại chuyện ấy với trưởng giả Cấp Cô Độc, bà Visàkkà và vua Pasenadi. Sau đó, tại cổng Tinh xá Kỳ Viên, Tôn giả đào một lỗ để trồng cây Bồ-đề và nói với Đại trưởng lão Moggallàna (Mục-kiền-liên):

- Tiểu đệ muốn trồng một cây Bồ-đề trước Tinh xá Kỳ Viên, xin Tôn huynh kiếm cho tiểu đệ một quả Bồ-đề có được chăng?

Vị Trưởng lão kia rất sẵn sàng đồng ý, liền bay qua không gian đến tận vùng đất có cây Bồ-đề ấy. Ngài lấy đặt dưới tấm y một quả Bồ-đề đang rụng ra khỏi thân cây nhưng không rớt xuống đất, và mang nó về giao cho Tôn giả Ànanda. Vị Tôn giả này báo tin cho vua xứ Kosala biết là mình sắp trồng cây Bồ-đề. Vì thế, buổi chiều vua đến cùng một đám tùy tùng đông đảo, sau đó ông Cấp Cô Độc và bà Visàkkà cũng đến cùng một đám người mộ đạo nữa.

Ở chỗ cây Bồ-đề sắp được trồng, Tôn giả Ànanda đặt một chiếc bình vàng, dưới đáy có lỗ, đựng đầy đất tắm nước hương thơm ngát. Tôn giả bảo:

- Tâu Đại vương, xin hãy trồng hạt giống Bồ-đề này.

Tôn giả trao hạt ấy cho vua. Song vua nghĩ rằng vương quốc này không ở trong tay mình mãi được, nên để cho ông Cấp Cô Độc trồng, liền giao hạt giống cho vị trưởng giả đại phú kia. Sau đó, ông Cấp Cô Độc xới đất thơm lên và thả hạt giống vào. Vừa lúc hạt rơi ra khỏi tay vị ấy, ngay trước mắt mọi người, vọt lên một cây Bồ-đề con, to cỡ bằng đầu lưỡi cày, cao chừng năm mươi cubit (1cubit = 45cm) tứ phía nảy ra năm cành lớn dài 50cubit, như thân cây ấy. Cây đứng sừng sững như thế quả là một chúa tể rừng xanh, một phép lạ hy hữu thần kỳ.

Vua tưới quanh thân cây những bình bằng vàng, bằng bạc, tất cả tám trăm bình đựng đầy nước tỏa hương thơm ngát, tươi đẹp với vô số hoa sen xanh. Bao giờ cũng vậy, vua ra lệnh tất cả một dãy dài bình bát đựng đầy thực phẩm và một sàng tọa làm bằng bảy báu vật, có lớp nhủ vàng rảy lên, rồi dựng một bức tường bao quanh vùng ấy, lại xây một nhà canh cổng làm bằng bảy báu vật. Vua bày tỏ lòng sùng kính đặc biệt trọng thể như vậy đối với cây Bồ-đề.

Trưởng lão Ànanda đến gần đức Như Lai và thưa với Ngài:

- Bạch đức Thế Tôn, vì lợi lạc của chúng sinh, xin Thế Tôn thị hiện ngay dưới cây Bồ-đề con vừa mới trồng này sự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giácThế Tôn đã thành tựu dưới gốc cây Bồ-đề trước kia.

- Này Ànanda, ông nói gì thế? Không có nơi nào khác có thể chịu đựng nổi sức mạnh của Ta nếu Ta ngồi nơi đó để chứng đắc quả vị mà Ta đã chứng đắc trong khu vực có cây đại Bồ-đề trước kia cả đâu.

Tôn giả Ànanda lại nói:

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tônlợi lạc của chúng sinh mà dùng cây Bồ-đề này làm nơi nhập đại định, bao lâu mặt đất chốn này đủ sức chịu đựng sức mạnh của Thế Tôn.

Bậc Đạo sư liền sử dụng nơi mới trồng cây Bồ-đề ấy để nhập đại định suốt một đêm.

Tôn giả Ànanda liền thông báo với vua và mọi người khác, rồi gọi nó bằng tên "Hội Bồ-đề". Và cây này do Tôn giả Ànanda trồng nên được đặt tên là cây Bồ-đề của Ànanda.

Vào thời ấy, Tăng chúng bắt đầu nói đến việc trên tại Chánh pháp đường:

- Này hiền hữu, ngay khi đức Như Lai còn tại thế, Tôn giả Ànanda đã xin trồng một cây Bồ-đề và cử hành đại lễ cúng dường cây ấy. Uy lực của Tôn giả thật cao cả thay!

Bậc Đạo sư đi vào hỏi Tăng chúng đang bàn luận điều gì. Các vị thưa với Ngài, Ngài bảo:

- Này các Tỷ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ànanda hướng dẫn hội chúng loài người trên khắp bốn châu thế giới cùng các đám tùy tùng đông đảo mang đến vô số vòng hoa thơm và mở Hội Bồ-đề trong vùng Đạo tràng quanh cây Bồ-đề kia đâu.

Nói xong, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, trong vương quốc Kalinga tại kinh thành Dantapura, có một vị vua mệnh danh là Kalinga cai trị. Vua có hai vương tử tên là Mahà-Kalinga và Culla-Kaling. Thời ấy các nhà tiên tri đã đoán rằng vị thái tử sẽ cai trị sau khi vua cha băng hà, còn vị vương đệ sẽ trở thành nhà tu khổ hạnh, sống đời khất sĩ; tuy thế, con trai vị sau này sẽ làm một đấng Chuyển luân Thánh vương (Ràja Cakkavatti: vị vua ngự trị toàn cầu bằng Chánh pháp).

Thời gian trôi qua và khi vua cha băng hà, thái tử lên ngôi báu, còn vương đệ làm phó vương. Vị vương đệ cứ nghĩ rằng con trai mình sau này sẽ là một Chuyển luân vương, nên sinh lòng kiêu mạn về cớ đó. Vua không chịu được chuyện này, liền ra lệnh cho một vị sứ thần truy bắt Phó vương Kalinga. Vị sứ giả kia đi đến bảo:

- Tâu Điện hạ, Đại vương muốn sai bắt ngài, vậy ngài hãy lo cứu mạng mình.

Vương tử này liền chỉ cho vị sứ thần được giao trọng trách này thấy chiếc nhẫn có dấu hiệu riêng của mình, một tấm thảm thật đẹp và một cây kiếm: Có ba bảo vật tất cả. Rồi vương đệ bảo:

- Khanh phải nhận ra được vương nhi ta nhờ những tín vật này và phò vương nhi lên ngôi báu.

Cùng với những lời dặn dò này, vương tử vội trốn vào rừng. Tại đó, chàng dựng một am thất ở một nơi đẹp, vừa ý và sống như người tu khổ hạnh trên một bờ sông.

Lúc bấy giờ, trong vương quốc Madda ở kinh thành Sàgala, vua Madda vừa hạ sinh một công chúa. Về phần công chúa này, cũng như vương tử kia, các nhà tiên trí đoán rằng nàng sẽ phải làm nhà tu khổ hạnh, song con trai nàng lại sẽ thành một Chuyển luân vương. Các vị vua ở Diêm-phù-đế (Ấn Độ) nghe tin đồn ấy, liền đồng một lúc đến bao vây kinh thành.

Vua nghĩ thầm: "Nay ta gả con gái ta cho một quốc vương nào thì các vị vua kia sẽ nổi giận. Vậy ta phải cố gắng cứu mạng con gái ta".

Vì thế, vua cùng hoàng hậu và công chúa cải trang trốn vào rừng, và sau khi dựng một am thất hơi xa bờ sông, phía trên thảo am của vương tử Kalinga, họ cùng sống tại đó như người tu khổ hạnh, ăn toàn những thứ cây trái lượm hái được.

Hai vị cha mẹ muốn con gái được an ổn, nên để nàng ở lại trong am, rồi đi ra hái trái rừng. Trong lúc hai vị đi vắng, nàng lượm đủ các loại hoa kết thành vòng hoa. Bấy giờ, trên bờ sông Hằng có một cây xoài nở hoa đẹp, tạo thành một cái thang thiên nhiên. Nàng trèo lên đó, đùa chơi và tìm cách thả vòng hoa xuống nước.

Một ngày kia, vương tử Kalinga vừa bước ra khỏi nước sau khi tắm thì vòng hoa nọ vướng lên tóc chàng.

Chàng nhìn hoa và bảo:

- Một nữ nhân nào đã kết hoa này, song đó không phải là một người đàn bà trưởng thành mà là một cô gái còn thơ dại. Ta phải kiếm nàng mới được.

Thế là chàng đâm ra si tình, đi lên phía thượng lưu sông Hằng, cho đến khi chàng nghe nàng ca hát bằng một giọng ngọt ngào trong lúc ngồi trên cây xoài. Chàng đến gần gốc cây, vừa thấy nàng liền bảo:

- Này giai nhân, nàng là loài gì thế?

- Thưa công tử, thiếp là người - Nàng đáp.

- Thế thì hãy xuống đi - Chàng bảo.

- Thưa công tử, không được, vì thuộc dòng dõi Sát-đế-ly.

- Thưa công nương, ta cũng vậy, xin nàng bước xuống.

- Thưa công tử, không được, thiếp không xuống đâu. Lời nói không làm nên một Sát-đế-ly; nếu quả thật ngài là một vị Sát-đế-ly, xin hãy kể cho thiếp nghe những điều bí mật của nghi lễ truyền thống kia.

Sau đó, hai người nói cho nhau nghe những điều bí mật truyền kỳ trong dòng họ. Rồi công chúa bước xuống và hai bên kết giao với nhau.

Khi cha mẹ nàng trở về, nàng kể cho hai vị nghe chuyện vương tử của vua Kalinga, vì sao chàng vào rừng với đầy đủ mọi chi tiết. Hai vị bằng lòng đem gả nàng cho chàng. Trong thời gian sống chung sắc cầm hòa hợp, công chúa thụ thai và sau mười tháng, hạ sinh một nam tử đầy đủ tướng mạo tốt lành, phước đức và đặt tên là Kalinga. Cậu trai lớn lên, học tập đủ mọi nghệ thuật tài năng từ thân sinh và tổ phụ chàng.

Về sau, cha chàng nhìn theo cách kết hợp của ngôi sao và biết được vương huynh đã băng hà. Vì thế, ông gọi con trai vào và bảo:

- Này con, con không nên phí cuộc đời trong rừng già buồn tẻ, vì vương huynh ta, Đại vương Kalinga ấy đã qua đời. Vậy con phải về Dantapura và kế vị vương quyền của dòng họ ta.

Sau đó, người cha trao cho con các vật mang theo mình: chiếc nhẫn có tín hiệu, tấm thảm và thanh kiếm rồi bảo:

- Này con, trong kinh thành Dantapura ở phía kia có một vị đại thần vốn là bề tôi thân tín của cha. Con hãy đến nhà vị ấy, đi thẳng vào phòng riêng, đưa cho ông thấy ba vật này, rồi nói cho ông biết con là con của ta. Ông sẽ đưa con lên ngai vàng.

Chàng trai giã từ cha mẹ và ông bà, và nhờ thần lực công đức của chàng, chàng bay qua không gian, xuống nhà vị đại thần nọ, đi thẳng vào phòng riêng của vị ấy.

- Công tử là ai? Vị quan hỏi.

Chàng đáp:

- Ta là con trai của Tiểu vương Kalinga

Rồi chàng rút ba tín vật ấy ra. Vị quan liền báo tin cho cả hoàng cung, các triều thần liền trang hoàng kinh thành và giương chiếc lọng hoàng gia lên đầu chàng. Sau đó vị Tế sư của triều đình tên là Kàlinga - Bhàvadvàja dạy chàng Mười Pháp mà một Chuyển luân Thánh vương phải thành tựu và chàng học tất cả mười phận sự ấy.

Thế rồi vào một ngày rằm, tức là ngày Trai giới, từ Cakkadaha xuất hiện cho vua Bánh xe báu (Bảo luân), từ dòng họ Uposatha xuất hiện Voi báu, từ giống quý tộc Valàha xuất hiện Ngựa báu, từ Veppulla xuất hiện Bảo châu, kế là Nữ vương báu cùng đám tùy tùng thị nữ và vương tử báu dần dần xuất hiện.

Sau đó vua thống trị toàn cõi địa cầu.

Một ngày kia, ngài được đám tùy tùng hộ tống suốt ba mươi sáu dặm đường, ngự trên bảo tượng toàn thắng, cao như đỉnh núi Kelàsa. Trong cảnh uy nghi lộng lẫy, ngài trở về thăm song thân chốn cũ. Nhưng khi muốn vượt qua vùng đất quanh cây đại Bồ-đề, bảo tọa vinh quang của chư Phật, nơi đã trở thành trung tâm điểm của vũ trụ, thì Voi báu không thể nào qua được: vua cứ thúc Voi mãi, song Voi vẫn không thể nào vượt qua.

Để giải thích việc này, bậc Đạo sư ngâm vần kệ đầu:

1. Kha-linh Thánh đế, Chuyển luân vương,
Chân chánh, ngài cai trị cõi trần,
Một thuở đến Bồ-đề đại thọ,
Trên mình Voi báu đại oai thần.

Do đó, vị Tế sư của triều đình cùng du hành với vua thầm nghĩ: "Trên không gian chẳng có gì cản trở cả, tại sao đức vua không giục Voi qua được? Ta muốn đến xem sao". Từ trên không hạ xuống, vị này chiêm ngưỡng bảo tọa vinh quang của chư Phật, và khu vực quanh cây đại Bồ-đề.

Thời ấy, tương truyền rằng trong khoảng chừng một dặm vuông ấy không bao giờ có một ngọn cỏ mọc, dù chỉ bằng một sợi lông nhỏ, mặt đất như thể cát mịn, bốn bề là thảo mộc, cát đằngđại thọ chẳng khác nào chúa tể sơn lâm sừng sững như đang chiêm ngưỡng, đầu quay mặt về hướng bảo tọa Bồ-đề. Khi vị Bà-la-môn Tế sư quan sát chỗ này, lại suy nghĩ: "Đây là nơi chư Phật đã đoạn tận mọi dục tham của trần thế nên không ai có thể vượt qua được, dù cho đó chính là Sakka (Đế Thích) Thiên chủ đi nữa".

Và tiến về phía đức vua, vị Tế sư tâu với ngài các đặc tính của địa phận quanh cây Bồ-đề, cùng thỉnh cầu Thánh vương ngự xuống Voi.

Để giải thích vấn đề này, bậc Đạo sư ngâm các vần kệ sau:

2. Vị Tế sư tâu với Thánh vương,
Là con nhà khổ hạnh hiền nhơn,
Khi ngài chuyển vận xa luân báu,
Đảnh lễ ngài xong, hướng dẫn đường:

3. "Đây các thi nhân vẫn tán dương,
Xin ngài ngự xuống, tấu Hùng vương,
Nơi đây chư Phật - đà vô thượng
Chánh Giác viên thành tỏa ánh quang.

4. Tương truyền rằng ở chốn phàm trần,
Đây chính là linh địa thánh thần,
Thảo mộc, cát đằng, cùng đại thọ
Đứng quanh trong dáng điệu tôn sùng.

5. Xuống đây, xin đảnh lễ trang nghiêm,
Vì đến miền xa tận hải biên,
Trên đại địa cầu nuôi vạn vật,
Nơi này là đất thánh thiêng liêng.

6. Đại vương đầy đủ mọi loài voi
Thuần chủng nhờ cha mẹ tốt đôi,
Ngự giá đến đây, Voi vẫn muốn,
Song không thể tiến bước gần nơi.

7. Ngự trên mình Bảo tượng thuần nòi,
Thánh ý tuy nghi, cứ thúc Voi,
Song chẳng cách nào Voi bước nữa,
Đến đây, Voi phải đứng yên thôi".

8. Vua nghe lời nói vị tiên tri,
Vừa phán truyền cho Bảo tượng đi,
Vừa thúc gậy sâu vào Bảo tượng:
"Nếu vầy, ta sẽ thấy liền khi".

9. Bị thúc, Voi kêu thét tựa kèn,
Như còi lanh lảnh, hạc vang rền,
Chuyển rung, liền ngã vì hùng lực
Đè nặng sườn, không thể đứng lên.

Vì cứ bị đức vua thúc mãi, Voi không thể nào chịu được cơn đau đớn, nên phải chết ngay. Song đức vua không biết là Voi đã chết, cứ điềm nhiên ngự trên lưng Voi. Một lát sau, Tế sư Kalinga-Bhàradvàja nói:

- Tâu Thánh thượng, Vương tượng đã chết rồi, xin Thánh thượng ngự qua Voi khác.

Bậc Đạo sư ngâm vần kệ thứ mười để giải thích việc này:

10. Quốc sư lo sợ lúc nhìn Voi
Đã chết, lòng kinh động thốt lời:
"Xin tìm voi khác, tâu Hoàng thượng,
Bảo tượng ngài nay bỏ mạng rồi".

Nhờ công đứcthần lực của vị Thánh vương, một con Voi khác thuộc chủng loại Uposatha xuất hiện trước đức vua và đưa lưng ra mời. Vua ngự trên lưng nó. Lúc ấy thi thể vương tượng kia liền ngã xuống đất.

Bậc Đại sư ngâm vần kệ để giải thích việc này:

11. Vua hãi kinh nghe tấu việc này,
Ngự lên Voi khác, bỗng liền ngay,
Thi hài Bảo tượng kia nhào xuống,
Lời thật tiên tri đã hiển bày.

Lập tức vua ngự xuống từ trên không gian, và chiêm ngưỡng vùng đất quanh cây Bồ-đề. Trước việc thần kỳ kia vừa thị hiện xong, đức vua tán thán vị tế sư Bhàradvàja qua vần kệ:

12. Thế này, với vị Tế sư mình,
Đại đế Kha-linh bảo: "Thực tình
Mọi việc khanh am tường thấu suốt,
Hiền khanh thấy tất cả duyên sinh".

Bấy giờ, vị Bà-la-môn kia không muốn nhận lời tán thán trên, mà vẫn giữ nguyên vị trí khiêm tốn của mình, ông tán thán công đức chư Phật và ca tụng các Ngài hết lời.

Bậc Đạo sư lại ngâm kệ để giải thích vấn đề:

13. Quốc sư từ chối sự tuyên dương
Và tấu như vầy với Thánh vương:
" Thần chỉ biết điềm vùng tướng triệu,
Còn chư Phật giác ngộ hoàn toàn.

14. Phật-đà tri kiến đạt toàn chân,
Điềm triệu, các Ngài chẳng chú tâm,
Chư Phật toàn tri nhờ tuệ quán,
Thần là học giả chẳng uyên thâm.

Vua nghe nói về công đức của chư Phật, nên lòng đầy hoan hỷ, liền ban lệnh cho mọi người trần thế đem thật nhiều vòng hoa thơm đến cúng dường vùng đất quanh linh thọ Bồ-đề suốt bảy ngày đêm liền.

Bậc Đạo sư ngâm đôi vần kệ để giải thích việc này:

15. Thánh thọ Bồ-đề, chúa cúng dường,
Với bao âm nhạc thật du dương,
Các vòng hoa đẹp thơm ngào ngạt,
Ngài lại xây quanh một bức tường.

16. Thế rồi Thánh đế ngự ra về,
Mang đến hoa đầy sáu vạn xe,
Làm lễ cúng dường, vì Đại đế
Kha-linh sùng Thánh địa Bồ-đề.

Sau khi đã làm lễ cúng dường trọng thể Đại thọ Bồ-tát như trên, đức vua thăm song thân, rồi rước hai vị về thành Dantapura sống cùng ngài. Tại đấy ngài chuyên bố thí và làm các phận sự khác, cho đến khi mạng chung ngài được tái sinh vào cõi Trời Ba mươi ba.

*

Sau khi chấm dứt Pháp thoại trên, bậc Đạo sư bảo:

- Này các Tỷ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ànanda làm lễ cúng dường cây Bồ-đề, mà ngày xưa cũng vậy.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy Ànanda là vua Kalinga, và Ta chính là vị quốc sư Kalinga - Bhàradvàja.

-ooOoo-

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2017(Xem: 11829)
27/03/2014(Xem: 25178)
06/08/2010(Xem: 41320)
14/12/2010(Xem: 234538)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.