Chương Xvi Phẩm 30 Bài Kệ

27/10/201012:00 SA(Xem: 9187)
Chương Xvi Phẩm 30 Bài Kệ

Đại Tạng Kinh Việt Nam
KINH TIỂU BỘ TẬP VIII
Khuddhaka Nikàya
Giáo sư Trần Phương Lan dịch Việt - Phật Lịch 2545- 2001
Chuyện Tiền Thân Đức Phật (V) Jàtaka

Chương XVI
Phẩm Ba mươi bài kệ


511. Chuyện dục tham kỳ dị (Tiền thân Kimchanda)

Vì cớ sao ngài ở bến sông...,

Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ Viên hay Thắng Lâm) về việc hành trì ngày trai giới (uposatha: Bố-tát giới hay bát quan trai giới)

Một ngày nọ, một số nam nữ cư sĩ đang hành trì ngày trai giới, đến nghe Pháp và ngồi tại Chánh pháp đường. Bậc Đạo Sư hỏi xem hội chúnghành trì ngày trai giới không, và khi họ đáp là có, Ngài nói thêm:

- Các ông hành trì ngày trai giới thật tốt lành thay; ngày xưa, có những người chỉ nhờ hành trì nửa ngày trai giớiđạt được vinh quang tột bực.

Rồi theo lời thỉnh cầu của hội chúng, Ngài kể câu chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ tại thành Ba-la-nại, vua Brahmadatta cai trị quốc độ rất đúng pháp và là một người sùng đạo, ngài nhiệt tình hành trì mọi thiện sự trong ngày trai giới, giữ đúng giới luậtbố thí. Ngài cũng khuyên các cận thần cùng nhiều người khác giữ hạnh nguyện bố thí, làm phước đức, nhưng vị quốc sư của ngài là một kẻ xấu miệng, ưa gièm pha, tham của hối lộ, nên xử án bất công.

Vào một ngày trai giới kia, vua triệu các quân sư lại và bảo họ giữ giới. Vị quốc sư này không thi hành phận sự của ngày trai giới. Vì vậy trong ngày ấy, lão nhận hối lộ và xử án bất công rồi sau đó đến chầu vua. Sau khi hỏi mỗi vị cận thần xem có giữ giới không, vua hỏi vị quốc sư:

- Này Tôn giả, người có giữ giới không?

Lão nói dối là có, rồi rời cung vua. Lúc ấy một vị cận thần khác quở trách lão:

- Chắc chắn ngài chẳng giữ giới.

Lão đáp:

- Ta đã ăn từ sáng sớm, nhưng khi ta về nhà sẽ súc miệng và giữ giới luật, ta sẽ không ăn gì buổi chiều và suốt đêm ta sẽ giữ giới luật, như thế ta cũng giữ được nửa ngày trai giới.

Họ đáp:

- Thưa Tôn giả, thế thì tốt lắm.

Lão đi về nhà và làm đúng như vậy.

Một ngày kia, khi lão đang ngồi xử kiện, một người đàn bà vốn là kẻ giữ đúng giới luật, đang gặp chuyện thưa kiện, và vì không thể về nhà được, bà ấy nghĩ thầm: "Ta không thể vi phạm hành trì ngày trai giới."

Nên lúc đến gần giờ trì giới, bá ấy bắt đầu súc miệng. Và lúc ấy có người mang vào một mâm xoài chín biếu tế sư Bà-la-môn. Lão thấy bà ta đang giữ giới liền bảo:

- Bà ăn đi rồi giữ giới.

Bà ấy vâng theo. Hạnh nghiệp của vị Bà-la-môn kia đã tạo được nhiều phước lớn.

Về sau đó, lão chết đi và tái sinh vào vùng núi Tuyết Sơn, trong một nơi phong cảnh tươi đẹp bên bờ sông Kosiki, chi nhánh của sông Hằng, trong một khu rừng xoài rộng ba dặm trên một vương sàn nguy nga của một cung điện bằng vàng. Lão tái sinh như thể một người vừa thức giấc, liền được phục sức xiêm y, điểm trang lộng lẫy, với dung mạo tuyệt vời, lại được mười sáu ngàn tiên nữ chầu hầu chung quanh. Suốt đêm trường lão thọ hưởng vinh quang này vì đã được sinh làm vị Thần trong Ma cung, phước lộc của lão cũng tương xứng với hạnh nghiệp xưa của lão.

Vì thế khi bình minh đến, lão vào rừng xoài, ngay lúc vừa bước chân vào, thân thể thần tiên của lão biến mất, lão hóa hình thù to lớn như một cây thốt nốt cao tám mươi cubit (acubit = 45cm), toàn thân rực sáng như một cây phượng vĩ đang trổ hoa đỏ thắm. Lão chỉ có một ngón tay trên mỗi bàn tay, nhưng móng lại to như bàn cuốc, với các móng tay này, lão móc thịt sau lưng, xé thịt mình ra mà ăn, rồi đau đớn điên cuồng lên, lão cứ khóc rống thật to. Mãi vào lúc mặt trời lặn, thân hình này biến mất và phong cách thần tiên của lão hiện ra. Bầy tiên nữ nhảy múa, cầm nhiều nhạc cụ trong tay, hầu hạ quanh lão, trong lúc hưởng đại vinh hiển như vậy, lão bước lên tiên cung trong khu rừng xoài diễm lệ.

Như vậy là do kết quả việc tặng trái xoài cho người đàn bà đang trì giới, lão được hưởng một khu rừng xoài rộng ba dặm, nhưng vì phải thọ lãnh nghiệp quả về việc nhận hối lộ và xử án sai lầm, lão phải xé thịt trên lưng ra mà ăn, đồng thời nhờ việc hành trì nửa ngày trai giới, lão tận hưởng vinh quang mỗi đêm cùng với mười sáu ngàn tiên nữ múa hát hầu hạ quanh mình.

Vào thời ấy, vua xứ Ba-la-nại hiểu rõ tội lỗi do tham dục gây ra, nên xuất gia tu hành, ẩn cư trong một thảo am nọ trên một vùng phong cảnh xinh đẹp miền hạ lưu sông Hằng, sống khổ hạnh với những vật ngài kiếm được.

Một ngày kia, có quả xoài chín trong rừng ấy bằng cái bát, rơi xuống sông Hằng theo dòng sông đến nơi đối diện với chỗ định cư của vị khổ hạnh này. Trong khi ngài đang súc miệng, chợt thấy trái xoài trôi giữa dòng, ngài liền lội qua lấy nó mang về am, cất vào nội thất, nơi ngài đốt ngọn lửa thiêng. Sau đó khi xẻ xoài ra, ngài chỉ ăn vừa đủ sống, rồi gói phần còn lại bằng lá chuối. Ngài cứ ăn dần dần trái xoài như vậy cho đến hết.

Khi đã ăn hết xoài, ngài không thể ăn trái cây nào khác nữa, nhưng bị thói tham ăn của ngon trói buộc, ngài thốt lời thề từ nay chỉ ăn xoài chín mà thôi, liền đến bờ sông nhìn xuống dòng nước, quyết không bao giờ đứng dậy cho đến khi tìm được một trái xoài! Thế là ngài nhịn ăn sáu ngày liền, cứ ngồi đó chờ mong tìm xoài, cho đến khi ngài khô héo vì nắng gió.

Đến ngày thứ bảy, một vị nữ thần xem xét sự việc ấy, thấy rõ lý do hành động của ngài và suy nghĩ: "Vị tu khổ hạnh này bị thói tham ăn câu thúc, cứ ngồi đó nhịn đói bảy ngày nhìn xuống sông Hằng. Việc ta chối từ ngài một quả xoài là điều sai lầm, vì nếu không có xoài , ngài sẽ chết, vậy ta sẽ cho ngài một trái."

Thế là nữ thần liền hiện lên giữa không gian trên sông Hằng và nói với ngài vần kệ đầu tiên

1. Vì cớ sao ngài ở bến sông
Suốt trong mùa hạ, nắng oi nồng
Bà-la-môn hỡi, người thầm nguyện
Chủ đích gì ngài vẫn ước mong

Nhà tu khổ hạnh nghe thế liền đáp lại chín vần kệ:

2. Bồng bềnh trôi nổi ở trên dòng
Ta thấy xoài kia, hỡi nữ thần
Vươn cánh tay dài ta lấy quả
Đem về nhà cất ở gian trong

3. Ngọt ngào hương vị thật thanh tao,
Ta nghĩ của trời quí giá sao!
Hình dáng đẹp tươi này sánh với
Chiếc bình lớn nhất khác chi nào!

4. Ta dấu xoài trong lá chuối cây
Cắt ra từng lát với dao này
Ít oi thực phẩm, phần ăn uống
Hợp với đời người đạm bạc đây

5. Phần ăn dần hết, bớt thèm thuồng
Tuy thế lòng ta vẫn tiếc luôn:
Trong các trái nào ta kiếm được
Ta đều không thấy vị thơm ngon!

6. Héo hắt ta đà mỏi mắt trông
Xoài ngon ta lượm ở bên dòng
Sẽ làm ta chết, ta lo sợ
Chẳng trái cây nào ta ước mong!

7. Vì sao giữ giới đã trình nàng
Cho dẫu ta đang ở cạnh dòng
Sóng vỗ chập chùng, bao loại cá
Đầy đàn bơi lội cứ tung tăng

8. Nay ta cầu khẩn nói cho ta
Chớ sợ hãi rồi bỏ chạy xa,
Hỡi nàng tố nữ, là ai đó?
Tại sao nàng lại đến đây mà?

9. Thị nữ chư Thiên đẹp tuyệt vời
Khác nào vàng óng ánh ngời soi!
Xinh như bầy hổ còn thơ dại
Dọc các sườn non vẫn giỡn chơi

10. Cũng ở nơi đây cõi thế gian,
Muôn vàn vẻ đẹp lắm hồng nhan
Song không ai giữa nhân Thiên ấy
Lại dam khoe tươi với nữ hoàng!
Ta hỏi nữ thần muôn diễm lệ
Được trời phú mọi vẻ thiên quang
Xin cho ta biết phương danh tánh
Nơi chốn xuất thân quí tộc nàng

Nữ thần liền đáp tám dòng kệ

11. Trên dòng sông nước thật xinh tươi
Bên cạnh Hằng giang đạo sĩ ngồi
Bá chủ ngôi cao ta ngự trị
Dưới vùng sâu thắm, thủy triều trôi

12. Cầm quyền ngàn thạch động chung quanh
Che phủ rừng cây rậm lá xanh
Từ đó bao dòng tràn ngập chảy
Hòa theo với sóng nước sông mình

13. Mỗi khu rừng, mỗi khóm vườn cây
Đưa đến Long cung lắm suối đầy
Đổ xuống bao nguồn nước xanh biếc
Ngập dòng bát ngát của ta này

14. Lệ thường trên các phụ lưu này
Nhiều trái sinh từ đủ loại cây
Đào đỏ, chà là, sung mít vả
Với xoài, người thấy rõ ràng ngay

15. Trái kia đều mọc mỗi bên bờ
Rơi xuống vừa tầm với của ta
Ta bảo của trời cho chánh đáng
Danh ta, ai có thể gièm pha?

16. Hiểu thông điều ấy lắng nghe đây
Hỡi đại vương thông tuệ, trí tài
Chớ đắm tham vào tâm dục vọng
Bỏ ngay lời nguyện đáng chê bai

17. Đại vương xưa ngự trị giang sơn
Nay việc ngài, ta chẳng tán dương
Muốn chết giữa mùa xuân tuổi trẻ
Rõ ràng biểu lộ đại điên cuồng

18. Giáo sĩ, chư thần, quý hiển linh
Mọi người biết hạnh nghiệp uy danh
Của ngài, mọi Thánh nhân thanh tịnh
Dưới thế đã thành tựu hiển vinh
Quả thấy việc ngài làm trái đạo
Hiền nhân tất cả biểu đồng thanh!

Tiếp theo đó vị tu hành ngâm bốn vần kệ:

19. Ai biết đời người thật mỏng manh
Mọi loài dục giới thoáng qua nhanh
Không hề nghĩ đến điều sinh sát
Mà trú an trong mọi hạnh lành

20. Xưa nàng được hội Thánh tôn vinh
Là bậc làm công đức sáng danh
Nay lại giao du nhiều kẻ ác
Tiếng xấu nàng đang cố tạo thành!

21. Ví ta chết cạnh bến sông nàng
Hỡi nữ thần dung sắc vẹn toàn
Tiếng xấu trùm lên nàng tất cả
Khác nào mây phủ giữa không gian!

22. Vậy kiều tiên hỡi, lão van nàng
Hãy tránh xa điều ác, sợ rằng
Mặc lão chết đi, rồi hối tiếc
Làm trò đàm tiếu giữa trần gian!

Nghe nói vậy , nữ thần đáp lại:

23. Ta biết ngài thầm kín ước mong
Và ngài nhẫn nhục thật cam tâm
Ta cam đành phận làm tỳ nữ
Đem đến xoài ngon tặng đạo nhân
Kìa ác dục từ bao thưở trước
Khó thay bỏ lạc thú phàm trần
Ngài đã đạt đến tâm thanh tịnh
Và trí bình an, phải giữ luôn.

24. Người nào đã thoát buộc ràng xưa
Lại bám xiềng gông trước chuyện thừa
Phóng dật bước vào phi thánh đạo
Chất chồng ác nghiệp mãi luôn mà.

25. Ta tặng ngài điều nguyện khát khao,
Rồi ngài tiêu hết mọi ưu sầu,
Ta đưa ngài đến nơi êm mát,
Ngài sống đời an lạc biết bao!

26. Mây-na, cu-gáy, hạc, hồng nga,
Say mật quây quần cạnh khóm hoa,
Từng đám thiên nga cao vút lượn
Chim đồng, đàn khổng tước kiêu sa
Cùng nhau hòa tiếng ca êm ái
Đánh thức rừng cây tỉnh giấc mơ!

27. Hoa nghệ, Ka-dam-ba rộ bông
Khác nào rơm rạ ở trên đồng
Chà là, thốt nót, nồng nàn chín
Tô điểm chung quanh lủng lẳng chùm
Và giữa cây cành đầy trĩu trái
Xoài cây sung mãn, hãy nhìn trông!

Vừa ca tụng thắng cảnh kia, tiên nữ vừa mang nhà tu hành đến đó, và mời ngài ăn xoài trong rừng này cho đến khi thỏa thích, rồi nàng lại ra đi. Nhà ẩn sĩ ăn xoài mãi đến lúc đã hết cơn thèm, xong nghỉ ngơi chốc lát. Sau đó loanh quanh thơ thẩn trong rừng, ngài thấy vị Thần kia đang lúc chịu khổ sở đau đớn, ngài không còn lòng dạ nào thốt ra lời hỏi han vị ấy, nhưng hoàng hôn đến, ngài thấy vị Thần kia được bầy tiên nữ hầu hạ và thọ hưởng vinh quang của tiên giới, ngài liền ngâm ba vần kệ:

28. Suốt đêm, quán đảnh tiệc liên hoan
Vương miện trên mày lại được mang
Tô điểm cổ tay, đầy ngọc quí
Sáng ngày đau khổ thật kinh hoàng

29. Hàng ngàn tiên nữ hộ quanh ngài
Thần lực ngài kia thật đại tài!
Kỳ diệu biết bao quyền biến đổi
Khổ hình lại hóa cảnh bồng lai!

30. Ngài đã làm sao phải đọa đày?
Tội gì ngài hối tiếc ngày nay?
Sao từ lưng nọ nay ngài phải
Móc thịt mình ăn lại mỗi ngày?

Vị Thần kia nhận ra ngài, liền bảo:

- Đại vương không nhận ra tiểu thần, nhưng ngày xưa tiểu thần là tế sư của Đại vương. Hạnh phúc này thần được hưởng hằng đêm là nhờ ơn Đại vương, đó là kết quả hành trì nửa ngày trai giới của thần, còn nỗi thống khổ thần phải chịu ban ngày là kết quả nghiệp ác mà thần đã làm. Vì khi thần được Đại vương cho ngồi ghế phán quan, thần đã ăn hối lộ, và phán xét sai trái, thần lại là kẻ xấu miệng, ưa phỉ báng sau lưng người khác, nên kết quả việc ác thần đã tạo những ngày đó, nay thần phải chịu khổ đau này.

Nói xong vị Thần ngâm hai vần kệ:

31. Xưa thân thọ hưởng thánh tam kinh
Song ác nghiệp giam hãm đắm mình
Việc ác đã làm cho bạn hữu
Bao năm ròng, cuộc sống trôi nhanh

32. Kẻ nào phỉ báng các tha nhân
Cứ thích rình mò phá tiếng thơm
Phải móc thịt mình ăn lại mãi
Như ta việc ấy hiện đang làm!

Nói xong vị thần hỏi nhà tu khổ hạnh tại sao đã đến đây. Vị này liền kể hết đầu đuôi câu chuyện của mình. Vị Thần lại hỏi:

- Vậy xin thưa Thánh giả, ngài định ở đấy hay lại ra đi?

- Ta không muốn ở lại, ta muốn trở về am.

Vị Thần đáp:

- Thưa Thánh giả, lành thay, thần sẽ dâng cúng ngài trái xoài chín thường xuyên đầy đủ.

Rồi vị ấy dùng thần lực đưa vị vua ẩn sĩ trở về vùng thảo am, khuyên ngài sống thiểu dục ở đó, yêu cầu ngài phải giữ tròn lời nguyền, rồi ra đi. Từ đó vị Thần kia thường xuyên cung cấp xoài cho nhà tu khổ hạnh. Ngài thọ hưởng thứ trái cây ấy, hành trì những pháp môn tu tập để làm phát khởi thiền định và về sau được thọ sinh vào Phạm thiên giới.

*

Bậc Đạo Sư, sau khi chấm dứt Pháp thoại với các cư sĩ, liền thuyết các Thánh Đếnhận diện Tiền thân:

- Vào đoạn kết thúc các Thánh Đế, một số người đạt Sơ quả Dự Lưu, một số người đạt Nhị quả Nhất Lai, lại có một số người khác đạt Tam quả Bất Lai.

- Vào thời ấy nữ thần ấy là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc) và ẩn sĩ khổ hạnh chính là Ta.

-ooOoo-

512. Chuyện bình rượu (Tiền thân Kumbha)

Ngài là Đại Sĩ ở trên không...,

Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể lại trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ Viên) về việc năm trăm nữ nhân, các vị thân hữu của bà Visàkhà (Tỳ-xà-khư), là những kẻ uống rượu nặng.

Lúc bấy giờ truyện kể rằng có một tửu hội được tổ chức tại Savathi (Xá-vệ) và năm trăm nữ nhân này, sau khi đem rượu nồng cho các vị phu quân xong, vào cuối đám hội lại suy nghĩ: "Chúng ta cũng muốn dự tửu hội".

Họ liền tìm đến bà Visàkhà và bảo:

- Này hiền hữu, chúng ta cũng muốn dự hội.

Bà đáp:

- Đây là một tửu hội, còn ta không muốn uống rượu nồng.

Họ bảo:

- Thế hiền hữu hãy cúng dường đức Phật tối thượng, còn chúng tôi muốn dự hội này.

Nàng chấp thuận ngay và để họ đi. Sau khi đã cúng dường bậc Đạo Sư một phẩm vật long trọng, buổi chiều bà đi đến Kỳ Viên, cầm nhiều tràng hoa thơm cùng các nữ nhân kia để nghe thuyết pháp.

Bấy giờ đám nữ nhân kia thèm uống rượu cùng khởi hành với bà, nên lúc họ đứng trong căn phòng có nóc nhọn kia, họ uống rượu mạnh rồi cùng bà Visakhà đến yết kiến bậc Đạo Sư.

Bà Visàkhà đảnh lễ bậc Đạo Sưcung kính ngồi qua một bên. Vài người đàn bà trong bọn ấy dám múa ca ngay trước mặt bậc Đạo Sư, có người lại lấy tay, chân làm những cử chỉ thô lỗ có người còn cãi nhau nữa. Bậc Đạo Sư muốn gây chấn động cho bọn này, liền phóng ra một tia hào quang từ chân mày của Ngài.

Tiếp theo đó bầu trời tối đen kịt. Bọn nữ nhân kinh hoàng sợ chết, vì thế tỉnh rượu ngay.

Bậc Đạo Sư biến mất khỏi bảo tọa Ngài đang ngồi, xuất hiện trên đỉnh núi Tu-di và phóng ra một tia hào quang từ giữa chân mày rực rỡ, khác nào ngàn vầng trăng hiện.

Trong lúc đứng đó, Bậc Đạo Sư nói lên kệ này để gây kinh động cho đám nữ nhân kia:

Ở đây không phải chốn vui cười
Lửa dục đốt tan mọi cảnh đời
Sao mãi chìm thân trong bóng tối
Không tìm ngọn đưốc, nẻo đường soi

Câu kệ vừa chấm dứt, cả đám năm trăm nữ nhân đều đắc quả Dự Lưu. Bậc Đạo Sư lại xuất hiện trên bảo tọa dành cho đức Phật dưới bóng mát của Hương phòng. Lúc ấy, bà Visàkhà đảnh lễ Ngài và hỏi:

- Bạch Thế Tôn, việc uống rượu mạnh phát xuất từ đâu đã xâm phạm đến thanh danhlương tâm con người?

Để trả lời bà, Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa khi vua Brahmadatta đang trị vì quốc độ Ba-la-nại có người thợ rừng tên gọi Sura, sống ở quốc độ Kàsi, đến vùng Tuyết Sơn đi tìm hàng buôn bán. Ở đó có một cây mọc lên cao vừa tầm vóc người giơ hai tay lên đầu, và chia làm ba nhánh giữa cái chĩa ba này là một lỗ lớn bằng bình rượu, khi trời mưa lỗ này đầy nước. Chung quanh cây này có hai cây myrobalan (am-ma-lạc) và một bụi tiêu, khi trái chín được cắt xuống lại rơi vào lỗ này. Không xa cây này lại có một ruộng lúa tự mọc lên. Chim sẻ mổ lúa ăn đến đậu trên cây này. Trong lúc chim ăn, lúa và gạo sạch trấu rơi xuống đó, chỗ ấy nước lên men dưới ánh nắng mặt trời, nên có màu đỏ như máu. Mùa nắng, từng đàn chim khát nước, uống nước ấy và say sưa, ngã xuống dưới gốc cây, sau khi ngủ một lát, lại bay đi, kêu chiêm chiếp rất vui tai. Việc này cũng diễn ra với các loài chó hoang, khỉ và nhiều dã thú khác nữa. Người thợ rừng thấy vậy nghĩ thầm: "Nếu đây là thuốc độc thì chúng chết hết rồi, nhưng còn đây sau một giấc ngủ ngắn, chúng bay đi như ý muốn, vậy không phải là thuốc độc."

Gã uống thứ nước ấy và lúc say rượu, gã thấy thèm ăn thịt, liền nhóm lửa lên, giết chim trĩ và gà gô vừa ngã gục dưới gốc cây, gã nướng con thịt trên đám lửa hồng, rồi một tay gã múa may, tay kia cầm thịt ăn, gã ở lại chỗ đó một hai ngày.

Bấy giờ không xa nơi ấy, có một vị ẩn sĩ tên gọi Varuna, nhiều lúc gã thợ rừng đến viếng ẩn sĩ, gã nghĩ thầm" Ta sẽ uống thứ rượu này với vị ẩn sĩ ấy"

Gã đổ đầy nước vào một ống sậy, cùng một ít thịt nướng, rồi gã đi đến am tranh và bảo:

- Thưa Thánh giả, xin ngài thử nếm rượu này.

Hai người cùng uống rượu và ăn thịt. Vì thứ rượu này do Sura và Varuna phát hiện, nên được đặt tên theo đó: Rượu Surà và Varuni. Cả hai suy nghĩ: "Đây là cách sử dụng rượu này"

Họ đổ đầy nước vào ống sậy, gánh đi đến làng lân cận, dâng sớ tâu vua rằng có vài người lái buôn rượu đã đến. Nhà vua cho triệu họ vào, và họ dâng rượu lên. Nhà vua uống rượu hai ba lần là say mèm. Rượu này chỉ đủ dùng chừng hai ba ngày, sau đó vua hỏi còn rượu không. Họ bảo:

- Tâu Đại vương còn.

- Ở đâu thế?

- Tâu Đại Vương trong vùng Tuyết Sơn..

- Thế đem rượu về đây.

Họ đi tìm rượu kia chừng hai ba lần rồi suy nghĩ: "Ta không thể đến đó mãi."

Họ nghiên cứu các thành phần chế tạo rượu ấy và bắt đầu dùng thứ vỏ cây kia, họ đổ thêm các thứ kia vào, và làm rượu ngay tại kinh thành. Dân trong thành uống rượu say trở thành những kẻ khốn cùng lười biếng. Vùng ấy trở nên một kinh thành hoang vắng.

Các lái buôn rượu bỏ đi đến Ba-la-nại dâng sớ tâu nhà vua xin trình báo họ đến thành. Nhà vua triệu họ vào, trả tiền cho họ và họ lại làm rượu tại đó. Thành ấy cũng hoang tàn như kiểu trên.

Sau đó họ đến Sàketa, từ Sàketa họ đến Xá Vệ, lúc bấy giờ có vị vua mệnh danh Sabbamitta ngự tại Xá-Vệ. Nhà vua tỏ ra ưu ái họ và hỏi họ muốn gì. Khi họ bảo:

- Chúng tiểu thần muốn có các vật liệu chính cùng gạo xay và năm trăm chiếc bình.

Nhà vua ban đủ mọi thứ họ xin.

Thế là họ cất rượu trong năm trăm bình kia, và họ cột một con mèo vào một bình rượu để canh giữ. Khi rượu lên men và bắt đầu phun ra, bầy mèo uống rượu mạnh chảy ra từ trong bình, khi say mèm, chúng nằm xuống ngủ, bọn chuột đến gặm tai, mũi, răng và đuôi mèo. Quân cận thần đến tâu vua:

- Bầy mèo đã chết vì uống rượu.

Nhà vua phán:

- Chắc chắn hai gã kia đã làm thuốc độc.

Rồi vua ban lệnh chém đầu họ và khi phải chết, họ còn la lớn:

- Xin cho chúng thần rượu mạnh, xin cho chúng thần rượu mật!

Nhà vua, sau khi xử tử bọn kia rồi, ra lệnh mở các bình ra. Còn bầy mèo, khi tác dụng rượu đã hết, tỉnh dậy đi lại chơi đùa. Các cận thần thấy vậy liền tâu vua. Vua bảo:

- Nếu đó là thuốc độc thì chúng đã chết hết rồi, chắc đây là rượu mật ta phải uống mới được.

Thế là vua ra lệnh trang trí kinh thành, dựng ngôi đình trong sân chầu và ngự vào đình nguy nga trên ngai vàng có lọng trắng che đầu, với các cận thần chầu quanh, nhà vua nhập tiệc uống rượu.

Lúc ấy Đế Thích Thiên chủ bảo:

- Có ai dưới trần là những kẻ phụng dưỡng mẹ cha lại tinh cần giữ trọn ba chánh hạnh chăng?

Rồi nhìn xuống thế gian, ngài thấy nhà vua đang ngồi uống rượu nồng, ngài nghĩ: "Nếu vua ấy cứ uống rượu nồng mãi thì toàn cõi Diêm-phù-đề sẽ bị hủy diệt, ta muốn thấy chắc chắn vua không được uống rượu nữa".

Thế là đặt bình rượu vào lòng bàn tay, ngài giả dạng một Bà-la-môn, đứng trên không ngay trước mặt vua kêu lớn:

- Mua bình này đi, mua bình này đi.

Vua Sabbamitta thấy ngài đứng trên không và nói như vậy, liền hỏi:

- Bà-la-môn này từ đâu đến đây?

Và nhà vua ngâm vần kệ trò chuyện với ngài:

1. Ngài là đại sĩ hiện trên không
Mình phóng hào quang rực ánh hồng
Như chớp ngang trời đang lóe sáng
Đêm đen kịt chiếu ánh trắng trong.

2. Giữa chốn bao la, lượt nhẹ mình,
Đi đứng trong khoảng chẳng âm thanh.
Lực thần ngài đạt, ôi vi diệu,
Chứng tỏ ngài thần thánh hiển linh

3. Đạo Sĩ, xin cho biết bậc nào
Vật gì trong ấy, chiếc bình cao
Giữa không trung giáng trần như vậy
Chắc muốn bán hàng cho trẫm sao?

Lúc ấy Thiên chủ đáp lại:

- Này nhà vua hãy nghe đây

Rồi vừa thuyết giảng mọi đặc điểm xấu xa của rượu nồng, ngài vừa ngâm vần kệ.

4. Bình không đựng lạc, chẳng dầu hương,
Chẳng phải mật ong, chẳng mía đường
Song chuyện xấu xa không kể xiết
Chứa đây trong bụng quả cầu tròn

5. Ai uống, tội thay kẻ dại khờ
Sẽ chìm trong hố thẳm đen dơ
Đâm đầu trong vũng bùn ghê tởm,
Ăn phải vật xưa đã nguyện chừa,
Đại đế, xin mua bình rượu nặng
Đầy lên tận miệng của nhà ta.

6.Rượu vào trí đảo lộn quay cuồng
Như chú bò ăn cỏ lạc đường
Tâm trí phiêu diêu, người lảo đảo.
Múa men ca hát suốt ngày trường.
Bình ta đầy rượu tràn lên miệng
Cực mạnh, mua ngay, hỡi Đại vương!

7. Người uống rượu trơ trẽn chạy rong
Khắp thành, như ẩn sĩ trần truồng
Đến khuya nằm nghỉ , liền đâm hoảng
Quên cả thì giờ phải ngã lưng
Bình rượu ta đầy lên tận miệng
Cực nồng, mua lấy hỡi Quân vương!

8. Bợm rượu , như người hoảng múa men,
Ngã nghiêng, dường chẳng đứng ngồi yên
Tay chân run rẩy, đầu co giật
Như nộm gỗ nhờ tay kéo lên
Đại đế, mua đi bình rượu đó
Đầy lên tận miệng, rượu cay men.

9. Bợm rượu bị thiêu đốt ruột gan,
Hoặc làm mồi lũ chó rừng hoang,
Dấn thân tù ngục hay thần chết
Còn phải chịu hao tốn bạc vàng
Bình rượu ta đầy lên tận miệng
Cực nồng, mua lấy, hỡi Vương quân!

10. Túy ông mất hết vẻ thanh tao
Trò chuyện những điều bẩn thỉu sao!
Ngồi đứng trần truồng cùng đám bạn
Mọi đàng ô trọc , bệnh lao đao
Bình ta đầy rượu tràn lên miệng
Cực mạnh, quân vương hãy lấy vào!

11. Kẻ uống thường hay thói tự cao,
Nhãn quang chẳng sáng suốt đâu nào,
"Thế gian của tớ", lòng thầm nghĩ,
Chẳng có vua nào sánh kịp đâu!

12. Rượu nồng là thứ đại kiêu căng
Ác quỷ nhát gan tựa nhộng trần,
Kết hợp đánh nhauphỉ báng
Ấy nhà cho trộm, điếm dung thân.

13. Dù gia đình có thật giàu sang
Hưởng thọ kho vô số bảo tàng
Giữ của trời cho phong phú nhất
Rượu này cũng sẽ phá tan hoang

14. Bạc vàng, đồ đạc ở trong nhà
Đồng ruộng, trâu bò, thóc vựa kho
Ta sợ tiêu vong vì rượu mạnh
Là mầm suy sụp của toàn gia

15. Túy ông đầy nặng tính kiêu căng
Phỉ báng cả hai bậc lão thân,
Thách đố bà con cùng máu huyết
Dám làm ô uế mối hôn nhân

16. Nữ nhân uống rượu cũng kiêu căng
Phỉ báng chồng mình lẫn phụ thân
Bất chấp thanh danh nhà quý tộc
Biến thành nô lệ tính điên khùng

17. Bợm rượu, gan liều dám sát nhân
Sa môn chân chính Bà-la-môn,
Rồi cùng mọi cõi đời đau khổ
Hối tiếc hành vi quá bạo tàn

18. Rượu vào, phạm ác nghiệp ba phần:
Lời nói, việc làm với ý tâm
Địa ngục chìm sâu đầy khổ não
Vì hành động ác tạo sai lầm

19. Có kẻ, người năn nỉ uổng công
Dù đem dâng mấy đống vàng, song
Khi say, chúng dụ theo đường chúng
Lời dối tuôn ra cũng sẵn lòng

20. Vì người say giữ việc thông tin
Gặp cảnh gian nguy đến đột nhiên
Hãy ngắm! Kẻ này thề thốt nặng:
"Việc này tâm trí chợt quên liền!"

21. Ngay người thanh lịch nhất, khi say
Cũng hóa ra phường tục tử ngay
Đệ nhất trí nhân mà túy lúy
Cũng huyên thuyên nói xuẩn ngu đầy!

22. Uống nhiều, nhịn đói, ngã chơi vơi
Đất cứng trần là chỗ nghỉ ngơi
Lúc nhúc trẽn trơ như lũ lợn
Chịu bao nhục nhã nhất trên đời

23. Như bò, bị đánh ngã trên trên sàn
La liệt nằm từng đống hỗn mang
Ngọn lửa chứa trong men rượu nặng
Sức người không thể sánh ngang bằng

24. Mọi người kinh hoảng vội lùi ra.
Tránh độc dược kia tựa độc xà
Dũng sĩ to gan nào giải khát
Cho mình bằng rượu giết người ta?

25. Ta chắc sau khi uống rượu nồng
And-ha tộc, với Vrish-ni cùng
Lang thang bờ biển rồi nhào xuống
Vì chiếc chùy kia của họ hàng

26. Tiên say bị đọa khỏi cung trời
Thần lực mất liền, Đại đế ơi!
Ai muốn nếm mùi ghê tởm ấy,
Mua đi bình rượu của nhà tôi!

27. Chẳng phải sữa chua, mật ngọt đây
Song ngài luôn nhớ mãi từ nay
Cái gì chứa đựng trong bầu ấy
Đại đế xin mua lấy rượu này!

Khi nghe xong bài thuyết giảng trên, vua nhận thấy thống khổ do rượu nồng gây ra, nên lòng hoan hỷ, tán thán Thiên đế qua hai vần kệ sau:

28. Chẳng song thân dạy khéo như ngài
Ngài thật nhân tử, thiện hảo thay,
Chân lý ngài tìm ra tối thượng
Trẫm vâng lời dạy bảo hôm nay

29. Năm đệ nhất thôn của trẫm ban
Bảy trăm bò, thị nữ trăm nàng
Mười xe tuấn mã thuần cao quý.
Vì lợi ích ngài đã dạy răn

Đế Thích nghe vậy liền xuất đầu lộ diện, vừa trụ trên không vừa ngâm hai vần kệ:

30. Một trăm thị nữ vẫn nhà ngài
Làng mạc, đàn bò, cũng mặc ai
Chẳng ngựa xe, đòi thuần chủng quý
Sak-ka Thiên chủ chính danh này

31. Hưởng đủ bơ tươi, thịt ướp, cơm
Vui lòng ăn bánh mật men thơm
Thích nhiều chân lý ta vừa dạy
Trong sạch cõi Thiên đến đúng đường.

Đế Thích Thiên chủ thuyết giáo cho ngài xong lại trở về Thiên giới. Nhà vua liền chừa rượu mạnh và ra lệnh đập vỡ các bình rượu kia. Sau đó ngài kiên tâm giữ Ngũ giớibố thí, về sau được sinh vào cõi Thiên.

Nhưng việc uống rượu mạnh dần dần phát triển khắp cõi Diêm-phù-đề.

*

Bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thoạinhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Ànanda là nhà vua kia, còn Đế Thích Thiên chủ chính là Ta.

-ooOoo-

513. Chuyện vương tử chiến thắng (Tiền thân Jayaddisa)

Kìa, đã nhịn ăn bảy buổi sáng...,

Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể về một Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình.

Phần mở đầu cũng giống như chuyện kể trong số 540 Tiền thân Sàma. Nhưng vào dịp này, bậc Đạo Sư bảo:

- Các hiền nhân ngày xưa từ bỏ chiếc lọng trắng có các vòng kim hoa để phụng dưỡng song thân.

Nói xong, Ngài liền kể câu chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa có một vị vua ở kinh thành phía Bắc Pãncàla, trong quốc độ Kampila, mệnh danh là Pãncàla. Hoàng hậu của ngài có thai, sinh được một hoàng nam. Trong suốt tiền kiếp xưa, bà có một tình địch trong hậu cung đang cơn nóng giận đã thề:

- Một ngày kia ta sẽ ăn thịt con bà.

Và để lời nguyền kia có công hiệu, nàng biến thành một con quỷ cái. Sau đó, ác quỷ tìm cơ hội chụp lấy hài nhi ngay trước mặt hoàng hậu, nhai ngấu nghiến như miếng thịt tươi rồi biến đi. Lần thứ hai cũng làm y hệt như thế, nhưng đến lần thứ ba, khi hoàng hậu đã vào phòng sinh, đám vệ binh liền canh gác quanh hoàng cung rất chặt chẽ.

Vào ngày bà sinh con, quỷ cái lại xuất hiện và chụp lấy hài nhi. Hoàng hậu thét lên:

- Quỷ cái!

Lập tức binh lính cầm khí giới chạy đuổi theo con quỷ cái khi nghe báo động. Vì không kịp ăn thịt hài nhi, quỷ cái chạy trốn, ẩn mình dưới cống. Hài nhi nhận quỷ cái ấy làm mẹ, ngậm vú đòi bú, và quỷ cái kia bỗng sinh lòng thương hài nhi như mẹ thương con, liền đi đến nghĩa địa dấu hài nhi trong hang đá và chăm sóc kỹ lưỡng.

Hài nhi lớn dần, quỷ cái đem thịt người về cho nó ăn, và cả hai đều sống bằng thức ăn này. Đứa trẻ không biết mình là người, song dù tưởng mình là con của quỷ, cậu bé cũng không thể biến hóa khỏi hình người hay dấu mình được. Để thực hiện việc này, con quỷ đưa cho cậu bé cất một loại rễ cây - Nhờ công lực của thứ rễ này, cậu biến hình được và tiếp tục sống bằng thịt người. Lúc bấy giờ quỷ cái có việc đi xa để chầu đại lực quỷ vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) rồi chết luôn tại đó. Còn phần hoàng hậu, lần thứ tư sinh được một hoàng nam bình yên vì quỷ cái đã chết, và do sự kiện hoàng nam sinh ra chiến thắng kẻ thù là quỷ cái kia, nên được đặt tên Jayaddisa (Hoàng tử Chiến Thắng)

Khi hoàng tử khôn lớn, học hành tinh thông mọi mặt, chàng lên nắm quyền theo nghi lễ giương chiếc lọng trắng và trị vì quốc độ. Vào thời ấy, hoàng hậu của vua sinh hạ Bồ-tát được đặt tên là Alinasattu. Khi hoàng tử lớn khôn tinh thông mọi môn học thuật, liền được phong làm phó vương. Còn cậu bé làm con của quỷ cái vì bất cẩn làm hư hỏng rễ cây kia nên không thể dấu mình được nữa, phải sống trong nghĩa địa ăn thịt người nhưng vẫn xuất lộ nguyên hình.

Dân chúng thấy vậy sợ hãi, đến kêu than với nhà vua:

- Tâu Đại vương, một con quỷ có hình dạng rõ ràng đang ăn thịt người trên nghĩa địa. Dần dần nó sẽ tìm đường vào kinh thành ăn thịt dân. Xin Đại vương ra lệnh bắt nó đi.

Nhà vua chấp thuận ngay và ra lệnh bắt quỷ nọ. Một đạo binh cầm khí giới đứng quanh thành. Con quỷ ấy trần truồng nom thật khủng khiếp, nhưng lại sợ chết nên thét to và nhảy vào giữa ba quân. Quân sĩ la lên:

- Quỷ đây rồi!

Và họ cũng lo sợ cho mạng sống của họ, nên tan rã thành hai nhóm và bỏ chạy. Con quỷ thoát được và chạy ẩn mình trong rừng, từ đó không dám lai vãng chỗ có người ở.

Nó sống dưới gốc cây đa gần con đường lớn xuyên qua rừng, khi dân chúng qua lại đường đó, nó bắt lấy từng người một đem vào rừng giết ăn thịt. Lúc bấy giờ có một Bà-la-môn dẫn đầu đám, bộ hành, đưa một ngàn đồng tiền cho đám kiểm lâm rồi đi ngang qua đường ấy với năm trăm cỗ xe. Con quỷ có hình người liền rống lên nhảy vào đám người ấy. Họ hốt hoảng chạy trốn ngã lăn lóc dưới đất. Quỷ chụp lấy gã Bà-la-môn nhưng vì bị mảnh gỗ gây thương tích trong lúc đang chạy trốn, lại bị đám kiểm lâm đuổi theo rất gắt, nên nó thả gã Bà-la-môn và đi đến nằm dưới gốc cây thường trú ẩn.

Đến ngày thứ bảy, vua Jayaddisa truyền lệnh đi săn và khởi hành từ kinh thành. Ngay lúc nhà vua lên đường, một người dân vùng Takkasilà, là một Bà-la-môn tên gọi Nanda, đang phụng dưỡng cha mẹ, đến yết kiến đức vua, mang theo bốn bài kệ, mỗi bài trị giá bốn trăm đồng tiền.

Nhà vua dừng lại để nghe kệ, và ra lệnh làm chỗ nghỉ ngơi cho ngài. Trong lúc đi săn người bảo:

- Người nào để con hươu chạy thoát từ phía mình thì phải trả tiền cho vị Bà-la-môn về các bài kệ ấy.

Sau đó một con hươu sao xuất hiện, chạy thẳng về phía nhà vua để thoát thân. Các cận thần cười rộ lên. Nhà vua chụp lấy kiếm, đuổi theo con hươu chừng ba dặm bắt được nó, liền lấy kiếm xẻ đôi và gánh lên đòn.

Lúc trở về, ngài đi đến chỗ quỷ nhân đang ngồi, nghỉ ngơi một lát trên bãi cỏ kusa rồi định tiếp tục đi, lúc đó quỷ nhân xuất hiện thốt lên:

- Dừng lại, ngươi định đi đâu, ngươi là mồi ngon của ta!

Rồi chụp lấy tay ngài, quỷ ngâm vần kệ:

1. Kìa! Bảy ngày qua chịu đói lòng
Mồi ngon bỗng xuất hiện sau cùng
Phải chăng danh tiếng ngươi lừng lẫy?
Ta muốn biết tên họ, giống dòng

Nhà vua kinh hoảng khi thấy quỷ nhân, nên đứng sửng như trời trồng, không thể chạy trốn được, song rồi tỉnh trí dần, ngài đáp vần kệ thứ hai:

2. Nếu ngươi biết Chiến Thắng là vua
Của xứ Pãn-ca, quốc độ ta!
Săn bắn trong rừng ta lạc bước,
Xin dùng hươu nọ thả ta ra.

Con quỷ nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ ba:

3. Muốn cứu mạng, ngài đã hiến dâng
Mồi kia ngon thật đấy Quân vương
Ta xơi ngài trước và không bỏ
Thú nếm thịt hươu: chớ nói quàng!

Khi nhà vua nghe vậy liền nhớ đến Bà-la-môn Nanda, và ngâm vần kệ thứ tư

4. Vì ta chẳng thuộc mạng an toàn
Được thả như ta khẩn thiết van
Thì hãy cho ta tròn hứa cũ
Ta đà giao ước Bà-la-môn
Sáng mai cứu được lời danh dự
Rồi sẽ trở về với quỷ nhân

Quỷ nhân nghe vậy , lại ngâm vần kệ thứ năm

5. Đến gần chỗ chết chẳng an lòng
Lo lắng việc gì hỡi Đại vương
Nói thật cho ta rồi có thể
Ta bằng lòng thả một ngày ròng

Nhà vua ngâm vần kệ thứ sáu để giải thích sự việc ấy

6. Ta hứa lời cùng một đạo nhân
Nợ kia chưa trả, hứa cho xong
Mong tròn nguyện ước, thanh danh cứ
Ta sẽ gặp ngài buổi rạng đông

Nghe vậy, quỷ nhân đáp vần kệ thứ bảy:

7. Ngài đã hứa cùng một đạo nhân
Nợ kia chưa trả, hứa chưa xong
Mong tròn nguyện ước thanh danh cứu
Rồi trở về đây buổi rạng đông

Nói xong con quỷ để cho vua đi, Vua được tha về liền bảo:

- Xin đừng bận tâm vì ta, sáng sớm mai ta sẽ trở lại.

Rồi ghi nhận một số dấu đường xong, ngài trở lại với đám binh sĩ và chúng hộ tống ngài về thành. Sau đó ngài triệu vị Bà-la-môn vào, ngài ban tặng bốn ngàn đồng tiền. Rồi ngài lại truyền đưa vị Bà-la-môn lên ngồi một cỗ xe, ra lệnh cho đám tùy tùng rước vị này thẳng đến Takkasilà. Ngày hôm sau, nôn nóng đến gặp quỷ nhân, ngài gọi hoàng thái tử đến dặn dò.

*

Bậc Đạo Sư ngâm hai vần kệ giải thích việc này:

8. Thoát ác quỷ kia, lại trở về
Nhà yêu, mộng nước đẹp tràn trề
Với La-môn bạn, không sai hứa
Song dặn A-lin quý tử kia

9. Vương nhi nay nhận chức Quân vương
Cai trị bạn thù thật chính chân
Đừng để bất công làm hại nước
Cha đành nộp mạng chốn hung thần

Thái tử nghe vậy liền ngâm vần kệ thứ mười:

10. Hoàng nhi mong biết rõ nguyên nhân
Khiến trẻ mất ân lộc phụ hoàng
Cha phải đưa con lên kế vị
Thiếu cha, con chẳng thiết ngai vàng

Nhà vua nghe vậy, ngâm vần kệ tiếp theo:

11. Này con, cha chẳng thể tìm ra
Một ác ngôn hay một nghiệp tà
Song nợ thanh danh, giờ trả trọn
Còn lời nguyền giữ với yêu ma.

Thái tử nghe thế liền ngâm vần kệ:

12. Cha ở lại, đây con sẽ đi
Trở về an ổn, có gì mong
Nếu cha đi nữa, con theo gót
Phụ tử cùng nhau chẳng sống chi!

Nghe lời này, nhà vua đáp kệ:

13. Vương tử , con theo đúng đạo trời
Song cha mất hết thú yêu đời
Nếu yêu tinh nọ dùng xiên gỗ
Nướng thịt con ăn trọn cả đời

Nghe vậy thái tử lại ngâm vần kệ nữa:

14. Nếu cha thoát được vuốt yêu tinh
Vì phụ vương, con nguyện bỏ mình
Hơn nữa con tràn trề hỷ lạc
Được đem đời hiến sinh thành

Nghe vậy vua nhận thấy đức hiếu thảo của con, liền nhận lời cầu mong của con và bảo:

- Tốt lành thay, vương nhi, hãy ra đi.

Thế là thái tử giả từ song thân và rời kinh thành.

*

Bậc Đạo Sư làm sáng tỏ việc này qua nửa vần kệ:

15. Thái tử anh hùng, xin vĩnh biệt
Cúi đầu ngài đảnh lễ song thân.

Lúc ấy, song thân ngài, em gái ngài, vương phi cùng triều thần tiễn ngài đi ra khỏi kinh thành; ngài hỏi vua cha lối đi và sau khi xếp mọi việc cẩn thận cùng dặn dò khuyên nhủ các người thân, ngài lên đường tiến về hang quỷ, oai hùng như con sư tử có bờm. Mẹ ngài thấy ngài ra đi, không thể kềm chế được, liền ngất lịm. Vua cha giơ hai tay khóc lớn.

*

Bậc Đạo Sư làm sáng tỏ việc này qua nửa vần kệ:

16. Phụ vương khóc lớn, giơ tay cản,
Hiền mẫu buồn thương, ngã lịm dần

Như vậy, muốn nêu rõ lời nguyện cầu của vua cha và lời Thề Chân thực của mẹ ngài, em ngài, cùng vương phi, bậc Đạo Sư lại ngâm thêm bốn vần kệ:

17. Khi hình thái tử khuất mờ dần
Trước mắt thảm sầu của phụ thân
Cầu nguyện chư thần , tay chắp khấn
Va-rù-na với So-ma vương
Phạm thiên, nhật nguyệt, chư thần nữa,


Bảo vệ hoàng nhi được vạn an
Nhờ các thần linh này, thái tử
Mong con thoát ác quỷ kinh hoàng

Mẫu hậu:

18. Như mẹ Ra-ma đẹp dáng người
Cứu con nàng đã bặt tăm hơi
Khi vào rừng rậm Dam-da ấy
Con trẻ ta mong giải thoát thôi
Nhờ khấn lời chân thành, ước nguyện
Chư thần cho trở lại an vui

Vương muội:

19. Hoàng huynh chẳng có lỗi lầm
Dù lộ rõ ràng hoặc giấu che
Chứng thực lời này, con nguyện ước
Chư thần mang thái tử quay về

Vương phi:

20 Với thiếp, chàng không phạm lỗi lầm
Lòng đầy yêu dấu, hỡi lang quân
Chứng thực lời này xin ước nguyện
Thần thánh cho chàng trọn tấm thân

*

Về phần thái tử, ra đi theo lời hướng dẫn của vua cha , lên đường đến nơi quỷ nhân ở. Song quỷ nhân nghĩ thầm: "Các vua Sát-dế-ly nhiều mưu mẹo lắm, ai biết được việc gì sẽ xảy ra?" Rồi nó trèo lên cây đợi nhà vua đến.

Khi thấy thái tử, nó nghĩ "Người con đã ngăn cản vua cha và tự dẫn thân đến. Không có gì phải sợ người ấy cả."

Và quỷ trèo xuống ngồi quay lưng về phía thái tử. Khi đến nơi thái tử đứng trước quỷ nhân, vừa lúc quỷ nhân này ngâm vần kệ:

21. Chàng từ đâu đến, hỡi hoàng nam
Có biết rừng này của quỷ chăng?
Ai đến thật xem thường tính mạng
Nơi loài quỷ dữ chiếm làm hang

Nghe vậy, thái tử bèn đáp kệ:

22. Ta biết rõ ngươi, quỷ bạo tàn
Chốn này ngươi ở giữa rừng hoang
Ta là đích tử Ja-ya đế,
Ăn thịt rồi , thả phụ vương

Quỷ nhân lại ngâm vần kệ:

23. Ta biết con trai chúa Ja-ya
Dáng chàng để lộ việc kia mà
Thật là gian khổ cho chàng quá
Phải chết vì thay mạng của cha

Thái tử liền đáp kệ nữa:

24. Nghĩ rằng chẳng phải việc anh hùng
Được chết vì ân phước phụ thân
Và mẹ quý yêu khi bỏ mạng
Đời đời hưởng cực lạc thiên cung

Nghe vậy, quỷ liền nói

- Này thái tử, không có kẻ nào không sợ chết. Thế tại sao chàng lại không sợ?

Ngài liền nói lý do cho quỷ nghe qua hai vần kệ:

25. Nhớ ta không phạm lỗi lầm
Dù lộ ra ngoài hoặc giấu che
Sinh tử ta đều cân nhắc kỹ
Dù đây, hay các cõi sau về

26. Ăn thịt ta đây, hỡi quỷ nhân
Phải làm công việc ấy cho xong
Ta buông mình xuống trên cao chết
Người cứ ăn ta, thỏa nguyện lòng

Qủy kia nghe vậy kinh hoảng liền bảo:

- Ta không thể ăn thịt người này được.

Rồi nghĩ mưu kế cho ngài chạy trốn, quỷ liền bảo:

17. Nếu chàng tự nguyện muốn liều thân
Thái tử, đem đời cứu phụ vương
Ta bảo chàng rời ngay bước vội
Tìm gom củi đốt lửa than hừng

*

Bậc Đạo Sư ngâm một vần kệ nữa làm sáng tỏ vấn đề này:

27. Hoàng nam anh dũng nhặt cây rừng
Và chất cao lên một cái giàn
Và thét vừa châm: "Bày tiệc sẵn!
Hãy xem, ta nhóm lửa cho hừng!"

*

Khi thấy thái tử trở về và nhóm lửa, quỷ nhân nói:

- Người này thật gan dạ không sợ chết. Xưa nay ta chưa từng thấy ai can đảm như vậy.

Nó ngồi sửng sờ, thỉnh thoảng lại nhìn thái tử. Ngài thấy thái độ quỷ nhân như thế, liền ngâm vần kệ:

28. Đừng đứng nhìn ta , dáng sửng sờ
Ta cầu ngươi giết bắt ăn ta
Khi đang còn sống ta trù tính
Muốn để ngươi ăn thịt đúng giờ

Quỷ nhân nghe vậy, liền ngâm kệ:

29. Một hiền nhân, chánh trực, công bằng
Chắc chẳng bao giờ phải bị ăn
Hoặc kẻ nào ăn người, ắt hẳn
Đầu kia tan nát bảy phần chăng

Thái tử nghe vậy hỏi:

- Nếu ngươi không muốn ăn ta, tại sao ngươi bảo ta bẻ cành về nhóm lửa?

Quỷ nhân nói:

- Ta muốn thử chàng đó thôi, vì ta chắc chàng sẽ bỏ chạy trốn.

Thái tử đáp:

- Bây giờ làm sao ngươi thử ta được, bởi vì lúc còn là súc sinh, ta đã để cho Thiên chủ thử đức hạnh của ta rồi.

Cùng với lời này ngài ngâm vần kệ:

30. Đế Thiên giả dạng một La-môn
Thỏ lấy thịt mình để cúng dâng
Từ đó mặt trăng in dáng thỏ
Ta chào nguyệt diện: "Dạ xoa thần!"

Quỷ nhân nghe vậy thả cho thái tử đi về và bảo:

31. Như trăng thoát vuốt La thần
Chiếu giữa đêm rằm tỏa ánh quang
Ngài, chúa Kam-pi anh dũng đã
Thoát tay quỷ dữ, sáng huy hoàng
Bạn đang sầu, bỗng tung hô dậy
Trước mặt ngài xuất hiện vẻ vang
Phụ mẫu thân yêu , ngài cống hiến
Bao niềm hạnh phúc ngập hân hoan

Rồi nó nói thêm:

- Hỡi đấng anh hùng, hãy đi đi!

Và nó để Bậc Đại Sĩ lên đường. Sau khi đã hàng phục quỷ nhân xong, ngài còn dạy nó ngũ giới và muốn thử xem nó phải quỷ không, ngài nghĩ thầm: "Mắt bọn quỷ thường đỏ và không chớp. Chúng không đổ bóng xuống đường và không hề biết sợ gì cả. Còn đây không phải quỷ. Đây là người. Nghe nói cha ta có ba vương huynh bị quỷ dữ tha đi, hai người ắt hẳn đã bị ăn thịt rồi, còn một người được quỷ cái thương yêu với tình mẹ con. Chắc là đây thôi. Ta phải đem vị này về tâu với vua cha để đưa lên ngôi báu mới được.

Nghĩ vậy ngài kêu lên:

- Này Tôn ông, Tôn ông chẳng phải là quỷ đâu, mà là bào huynh của cha ta. Xin mời Tôn ông đi về cùng ta giương chiếc lọng trắng biểu hiện vương quyền trong giang sơn của tổ tiên mình.

Khi quỷ nhân đáp:

- Ta không phải là người.

Thái tử nói:

- Tôn ông chẳng tin ta ư? Vậy kẻ nào cho Tôn ông tin được?

Quỷ đáp:

- Có chứ, có một nơi nọ có một ẩn sĩ đã thành tự thiên nhãn thông.

Thế là ngài dẫn quỷ đến nơi ấy. Vừa trông thấy hai người xuất hiện, vị ẩn sĩ hỏi ngay:

- Hai vị có cùng dòng họ tổ tiên, cần gì mà đến đây?

Nói xong vị ẩn sĩ lại nói rõ về liên hệ dòng họ giữa hai người. Con quỷ ăn thịt người liền tin ngay và bảo:

- Này hiền hữu cứ về triều đi, phần ta, ta sinh ra với hai bản chất trong một hình hài. Ta không muốn làm vua. Ta sẽ đi tu làm ẩn sĩ.

Thế là quỷ thọ giới tu hành với vị ẩn sĩ ấy.

Sau đó thái tử đảnh lễ hai vị và trở về triều.

*

Bậc Đạo Sư ngâm vần kệ làm sáng tỏ thêm vấn đề này:

32. A-lin thái tử anh hùng
Nghiêng mình kính lễ quỷ nhân hung tàn
Thêm lần thoát nạn lên đàng
Về Kam-pi xứ, an toàn tấm thân.

Khi thái tử về thành, bậc Đạo Sư giải thích cho dân trong thành cùng toàn thể hội chúng nghe những chuyện thái tử đã làm và ngâm vần kệ cuối cùng:

33. Từ thành thị đến thôn trang
Nhân dân lũ lượt lên đàng chen chân
Kìa! Đồng nô nức hô vang
Uy danh thái tử can tràng hùng anh
Tượng, xa ngất nghểu đăng trình
Đến ngài đảnh lễ, cung nghênh khải hoàn

Vua nghe thái tử đã trở về liền đi ra ngoài đón ngài. Thái tử được đám đông hộ tống bước đến đảnh lễ vua cha. Vua cha hỏi:

- Này vương nhi, làm thế nào con thoát được ác quỷ kia?

Ngài đáp:

- Tâu phụ vương, vị đó chẳng phải quỷ đâu. Chính là bào huynh của phụ vương, là bá phụ của con đấy.

Ngài liền kể mọi chuyện cho vua cha nghe và nói:

- Vương phụ nên đi thăm bá phụ ngay.

Vua lập tức ban lệnh khua trống lên rồi cùng đoàn tùy tùng lên đường đi thăm hai vị ẩn sĩ, vị ẩn sĩ trưởng kể lại đầy đủ chi tiết câu chuyện: hài nhi bị quỷ bắt đi ra sao. Thay vì ăn thịt, quỷ cái đem hài nhi về nuôi thành quỷ nhân. Vua và quỷ liên hệ máu huyết như thế nào. Vua liền bảo:

- Này hoàng huynh, hãy về làm vua trị nước.

- Xin cảm tạ Đại vương. Không được đâu.

Vua lại nói:

- Thế thì hoàng huynh đến ở trong vườn thượng uyển, ta sẽ cung cấp đủ bốn thứ vật dụng.

Nhà ẩn sĩ lại từ chối.

Sau đó vua cho lập ngôi làng trên một ngọn núi, không xa nơi ẩn cư kia, xây hồ, trồng trọt, đất đai và đem một ngàn gia đình cùng nhiều của cải đến lập một ngôi làng lớn cùng ban bố thí cúng dường cho hai vị ẩn sĩ. Ngôi làng lớn dần thành thị trấn Cullakammàsadamma. Vùng có quỷ nhân được bậc Đại sĩ Sutasoma điều phục mệnh danh là thị trấn Mahàkammàsadamma.

*

Bậc Đạo sư chấm dứt Pháp thoại xong liền tuyên thuyết các Thánh đế, và nhận diện Tiền thân: - Vào lúc kết thúc các Thánh đế, vị Tỷ-kheo phụng dưỡng mẹ mình đã đắc quả Dự Lưu-

- Thời ấy , phụ vương và mẫu hậu là hai thân trong hoàng tộc ngày nay, ẩn sĩ là Sàriputta (Xá-lợi-phất), quỷ nhân là Angulimàla; vương muội là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), hoàng hậu là mẹ của La-hầu-la và thái tử Alinasattu chính là Ta.

-ooOoo-

514. Chuyện tượng vương ở hồ Chaddanta (Tiền thân Chaddanta)

Ái hậu mắt nhung, đẹp tuyệt trần...,

Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Jetavana (Kỳ-viên) về một Sa-di-ni.

Một thiện gia tín nữXá vệ nhận thấy nỗi khổ đau của cuộc đời thế tục, đã xuất gia tu hành. Một ngày kia, nàng cùng các Tỷ-kheo-ni khác đi đến nghe Pháp.

Trong lúc đức Phật ngồi thuyết giảng trên bảo tọa uy nghi, nàng chiêm ngưỡng kim thân của Ngài đầy đủ vẻ tối thắng mỹ diệu phát xuất từ công đức vô lượng của Ngài, nàng nghĩ thầm: "Ta không biết trong một đời trước nào ta từng phụng sự là thê thiếp của bậc vĩ nhân này chăng?"

Ngay lúc ấy, nàng chợt nhớ lại các đời trước của nàng. "Vào thời thượng tượng vương Chaddanta, ta đã từng làm vợ vĩ nhân này ". Tâm nàng tràn ngập hân hoan hạnh phúc khi nhớ lại việc ấy. Trong niềm xúc động sung sướng kia, nàng bật cười lớn và nghĩ thầm: "Ít phụ nữthiện ý đối với chồng mình, đa số đều có ác ý cả. Ta không biết xưa kia ta có thiện ý hay ác ý đối với vị này."

Rồi hồi tưởng lại quá khứ, nàng nhận ra là vì cảm thấy bị đối xử thờ ơ lãnh đạm nên nàng đã sinh lòng oán hận Đại tượng vương Chaddanta có chiều dài một trăm hai muơi cubit ( gần năm mươi mét), và nàng đã nhờ tay thiện xạ Sonuttara dùng tên tẩm thuốc độc bắn trọng thương để giết ngài. Lúc ấy niềm đau khổ khởi lên, lòng nàng bồn chồn nóng rang, rồi không thể kềm chế xúc động kia, nàng bật tiếng khóc nức nở.

Thấy thế, bậc Đạo Sư nở một nụ cười và khi được hội chúng tỷ-kheo hỏi:

- Bạch Thế Tôn, duyên cớ gì khiến Thế Tôn mỉm cười?

Ngài bảo:

- Này các Tỷ-kheo, Sa-di-ni này vừa khóc, khi nhớ lại một tội ác đã từng phạm để hại Ta trong một đời trước.

Nói vậy xong Ngài kể một câu chuyện quá khứ.

*

Một thuở nọ, có tám ngàn vương tượng nhờ tu luyện thần thông, du hành qua không gian đến an trú gần bên hồ Chaddanta ở vùng Tuyết Sơn. Vào thời ấy Bồ tát tái sinh làm con của Voi chúa. Thân ngài thuần trắng, bàn chân đỏ, da mặt đỏ hồng. Dần dần lớn khôn, ngài cao đến tám mươi tám cubit, và dài một trăm hai mươi cubit. Ngài có cái vòi như cuộn dây thừng bằng bạc dài năm mươi tám cubit, bộ ngà có chu vi mười lăm cubit, dài ba mươi cubit, tỏa ánh sáng lục sắc. Ngài là chúa đàn voi lớn gồm tám ngàn con, thường tôn kính cúng dường các vị Độc Giác Phật và Mahàsubhaddà (Tiểu Hiền Phi và Đại Hiền Phu) Tượng cương với quân thần tám ngàn voi ngự trong Kim động.

Lúc bấy giờ hồ Chaddanta dài năm mươi dặm và rộng năm mươi dặm. Ở giữa hồ khoảng mười hai dặm, chẳng hề có cây Sevàla hoặc Panaka nào mọc, nên nước trong như khối ngọc thần. Bao quanh vùng nước này gần đó là một dải toàn hoa súng trắng tinh khiết rộng chừng một dặm. Tiếp theo đó là loại sen trắng, sen hồng, đến súng trắng, súng hồng và loại súng trắng ăn được, đám súng trắng chen lẫn các loại súng khác, rộng chừng một dặm cứ mỗi lớp bao quanh các lớp trước.

Kế tiếp bảy lớp cây này là một đám súng trắng xen lẫn các loại súng khác cũng rộng chừng một dặm, bao quanh tất cả các lớp trước.

Kế đó trong vùng nước sau vừa cho voi đứng, là một đám lúa đỏ. Tiếp theo trong vùng nước bao quanh là những khu rừng cây nhỏ đầy hoa thơm dịu dàng đủ mầu vàng, xanh, trắng, đỏ. Như vậy mười rừng hoa này rộng chừng một dặm mỗi thứ. Kế đó là rừng đậu đủ loại. Kế nữa là rừng chen lẫn bìm bìm, dưa, bí bầu và nhiều cây leo khác. Tiếp theo là một rừng mía cao bằng cây cau. Rồi đến một rừng chuối có quả lớn bằng chiếc ngà voi. Kế đó là một ruộng lúa. Rồi đến một vườn mít, trái bằng bình nước lớn. Tiếp theo là một vườn me đầy quả ngon ngọt. Sau đó là vườn táo voi. Rồi đến một rừng cây lớn đủ loại. Kế tiếp là một rừng tre. Vào thời ấy, phong cảnh vùng này tráng lệ như thế. Vẻ kỳ vĩ đương thời miêu tả trong bộ Luận Samyatta (Luận giải Bộ Kinh Tương Ưng)

Song vùng bao quanh rừng tre lại là bảy ngọn núi. Từ phía ngoài cùng là ngọn Tiểu Hắc Sơn. Kế đó là Đại Hắc Sơn, Thủy Sơn, Nguyệt Sơn, Nhật Sơn, Ngọc sơn và núi thứ bảy theo thứ tự là Kim Sơn. Núi này cao bảy dặm, vươn cao lên quan hồ Chaddanta, như đường viền cái chén; vách núi bên trong màu vàng chói. Do ánh sáng tỏa ra từ đó, hồ Chaddanta rực rỡ như mặt trời mới mọc.

Trong số các núi phía ngoài, có một ngọn cao sáu dặm, một ngọn cao năm dặm, ngọn cao bốn dặm, ngọn cao ba dặm, ngọn cao hai dặm và ngọn chỉ cao một dặm. Lúc bấy giờ về phía góc hồ đông, được bao bọc bằng Thất Sơn như vậy, ở một nơi gió thường thổi trên mặt nước, có một cây đa lớn mọc lên.

Thân cây có chu vi năm dặm, cao bảy dặm. Bốn cành vươn ra bốn phía dài sáu dặm. Như vậy từ rễ đến ngọn cao mười ba dặm, từ đầu ngọn cành cây phía này sang đầu ngọn cành cây phía kia rộng mười hai dặm. Cây này sinh ra tám ngàn chồi mọc thẳng tuyệt đẹp, chẳng khác nào Ngọc Sơn lồ lộ kia.

Song về phía Tây hồ Chaddanta trong Kim Sơn, có Kim Động chừng mười hai dặm. Tượng vương Chaddanta cùng đoàn tùy tùng tám ngàn voi, về mùa mưa thường sống ở Kim Động này, về mùa nóng lại đứng dưới gốc đa lớn kia, giữa các nhánh cây để đón gió nhẹ hiu hiu thổi từ mặt hồ nước.

Một ngày kia, đám quần thần tâu với ngài:

Đại Thọ Sàla vương đang độ nở hoa.

Thế là đám tùy tùng hộ tống, ngài có ý định đi du ngoạn trong vườn Sàla, và khi vừa đến nơi ấy, trán ngài đụng vào một cây Sàla đang nở rộ hoa.

Lúc bấy giờ nàng Cullasubhaddà đứng theo chiều gió, nên một đám cành lá khô cùng kiến đỏ rớt xuống thân nàng. Còn nàng Mahàsubhaddà đứng chỗ khuất gió nên các hoa tươi cùng phấn hoa và cành lá xanh rơi trên thân nàng.

Cullasubhaddà nghĩ thầm:"Ngài để rơi trên mình nàng ái phi của ngài đầy hoa tươi, phấn hoa cùng cành lá xanh, còn trên mình ta, ngài lại làm rớt cả một mớ cành lá khô cùng bầy kiến đỏ lẫn lộn! Được lắm, rồi đây ta sẽ biết cách làm gì!"

Và nàng sinh lòng oán hận bậc Đại Sĩ từ đó.

Một ngày kia, Tượng vương cùng đám tùy tùng xuống hồ Chaddanta để tắm. Lúc ấy, hai chú voi dùng vòi cầm các bó rễ cây usìra để hầu tắm ngài, chà xát cả thân ngài cao như thể núi Kelàsa. Khi ngài bước ra khỏi nước, lên đứng trước mặt bậc Đại Sĩ.

Sau đó tám ngàn voi kia xuống hồ vui đùa thỏa thích trong nước, hái đủ loại hoa dưới hồ, trang điểm bậc Đại Sĩ khác nào một ngôi đền bằng bạc; sau đó, chúng trang điểm cả hai hoàng hậu của chúa voi. Lúc ấy có một con voi kia bơi quanh hồ, hái một đóa sen lớn bảy chồi dâng bậc Đại Sĩ. Ngài dùng vòi cầm hoa sen rảy phấn lên trán mình xong đưa tặng hoa cho chánh hậu Mahàsubhaddà. Thấy việc này, nàng tình địch của chánh hậu lại nghĩ: "Hoa sen bảy chồi này ngài cũng tặng cho ái hậu của ngài, chứ không phải tặng ta!."

Nàng lại càng sinh lòng căm hờn ngài thêm nữa.

Một ngày kia, khi Bồ-tát đã ướp hoa quả ngon cùng ngó sen và củ sen với mật ong xong, ngài đem cúng dường năm trăm vị Độc Giác Phật thọ thực, nàng Cullàsubhaddà cũng đem các thứ quả rừng nàng đã hái dâng cúng các vị Độc Giác Phật ấy, và nàng cầu nguyện như vầy:

- Từ nay, sau khi con lìa trần, ước mong rằng con được tái sinh làm công chúa Subhaddà trong hoàng tộc của vua Madda, và khi đến tuổi trưởng thành, mong rằng con được vinh dự làm hoàng hậu của vua Ba-lai-nại. Lúc ấy con sẽ đầy vẻ diễm lệ trước mắt ngài và được ngài sủng ái. và sẽ có đầy đủ quyền lực thực hiện điều gì con ước muốn. Thế là con sẽ tâu đức vua cho người thợ săn dùng tên độc bắn tử thương Voi chúa này. Và như vậy con ước mong có thể bảo chúng đem về dâng con một cặp ngà tỏa hòa quang lục sắc kia.

Từ đó nàng bỏ ăn uống, nên héo mòn dần, chẳng bao lâu nàng từ trần rồi tái sinh làm con chánh hậu vua Madda và được đặt tên là Subhaddà. Khi nàng đến tuổi dậy thì, song thân nàng liền xe duyên nàng với vua Ba-lai-nại. Nàng làm đẹp lòng vua và được sủng ái, nên được phong làm chánh hậu giữa đám mười sáu ngàn phi tần.

Khi nhớ lại các đời trước của mình, nàng nghĩ thầm: "Lời nguyện cầu của ta đã thành tựu, nay ta phải truyền đem bộ ngà voi ấy dâng ta mới được".

Thế là nàng xoa dầu khắp người, mặc áo dơ bẩn, nằm lên giường, giả vờ bệnh. Nhà vua hỏi:

- Ái hậu Subhaddà của trẫm đâu rồi?

Khi nghe tin nàng bị bệnh, ngài vội vào hậu cung ngồi bên vương sàng, vuốt nhẹ lưng nàng và ngâm vần kệ đầu tiên:

1. Ái hậu mắt nhung, đẹp tuyệt trần,
Nàng xanh xao quá, dáng đau buồn,
Như tràng hoa dưới chân giày xéo,
Vì cớ sao nàng héo úa dần?

Nghe lời này, nàng liền đáp vần kệ thứ hai:

2. Dường như chuyện thấy ở trong mơ,
Thần thiếp hằng mong mỏi thiết tha,
Mộng ước hão huyền e khó đạt,
Cho nên lòng thiếp mãi buồn lo.

Vua nghe thế, lại ngâm vần kệ nữa:

3. Những lạc thú nào ở thế gian,
Con người khao khát tận tâm can,
Điều gì mong trẫm đem ban tặng,
Hãy nói trẫm nghe, ước nguyện nàng.

Nghe vậy, hoàng hậu bảo:

- Tâu Đại vương, ước nguyện của thiếp thật khó đạt thành, thiếp chưa thể nói được ngay bây giờ ước nguyện ấy, xin cho tất cả các thiện xạ trong nước tụ tập về đây, lúc ấy thiếp sẽ nói ra giữa đám thiện xạ ấy.

Và nàng ngâm vần kệ để giải thích ý nàng muốn nói:

4. Truyền đám thợ săn phụng mệnh ngay,
Những người cư ngụ nước non này,
Điều thần thiếp muốn nhờ tay họ,
Khi diện kiến, xin sẽ giải bày.

Vua chấp thuận và từ hậu cung, ngài ban lệnh cho các đại thần:

- Hãy cho đánh trống ban lệnh rằng tất cả các thợ săn trong quốc độ Kàsi trải dài ba trăm dặm này, phải đến tụ tập tại đây.

Họ tuân lệnh, chẳng bao lâu các thợ săn trong quốc độ Kàsi mang tặng vật tùy theo phương tiện của họ, nhờ tâu trình vua họ xin bệ kiến. Lúc ấy họ đến chừng sáu mươi ngàn người. Vua nghe tin ấy, liền đứng trước cửa sổ mở rộng giơ tay chỉ cho hoàng hậu thấy họ đã trình diện, ngài bảo:

5. Nhìn đám thợ săn dũng cảm đây!
Nghề săn mồi lão luyện cao tay,
Với tài chém giết bầy hoang thú,
Vì trẫm, sẵn sàng bỏ mạng ngay.

Hoàng hậu nghe thế liền ngâm vần kệ bảo họ:

6. Lạp hộ can trường tụ tập đây,
Những lời ta nói, lắng nghe vầy:
Dường như ta thấy trong cơn mộng
Bạch tượng sáu ngà tuyệt mỹ thay,
Ta ước bộ ngà, lòng khắc khoải,
Chẳng còn gì đáng giá đời này!

Đám thợ săn nghe nàng nói, đáp lời:

7. Các bậc tổ tiên thuở đã qua,
Sáu ngà voi trắng, thấy bao giờ?
Loài gì thú ấy, xin cho biết,
Đã hiện trong mơ của lệnh bà.

Sau đó họ lại còn ngâm thêm vần kệ nữa:

8. Bốn phương Nam, Bắc, với Tây, Đông,
Chính giữa bốn miền cũng họp chung,
Thiên đỉnh thêm vào thiên đế nữa,
Nơi nào trong thập hướng không trung,
Tượng vương này ở, xin cho biết,
Xuất hiện trong mơ của chánh cung.

Nghe nói thế hoàng hậu Subhaddà nhìn toàn thể đám thợ săn, thấy trong đó có một người chân lớn, bắp chân phồng to như một cái thúng đựng đầy lễ vật, xương sườn, đầu gối đều vạm vỡ, bộ râu rậm, hàm răng vàng khè, mặt mũi méo mó đầy sẹo, là người thật xấu xí, đồ sộ, nổi bật lên giữa đám thợ săn, tên là Sonuttara, trong một đời trước đã từng là kẻ cừu thù của bậc Đại sĩ. Nàng liền nghĩ: "Người này có thể làm theo lời ta được".

Và xin phép vua đem gã kia đi lên thượng lầu của cung điện bảy tầng, nàng mở cửa sổ hướng Bắc, chỉ tay thẳng về phía dãy Bắc Tuyết Sơn, rồi ngâm bốn vần kệ:

9. Hướng Bắc bên kia dãy Thất San,
Cuối cùng ta đến Vách non Vàng,
Đỉnh cao thường có loài ma quỷ,
Hoa tự chân lên ngọn rỡ ràng.

10. Dưới núi ma kia lại thấy ngay
Xanh um cả khối, dáng như mây,
Một cây đa chúa, từ nhiều gốc
Sinh tám ngàn cành, tráng kiện thay.

11. Trú đây, Bạch tượng mạnh vô song
Có sáu ngà, quân đội tám ngàn,
Ngà tựa càng xe, tài thiện chiến,
Hộ phòng, giao đấu, tốc như phong!

12. Thở phì, Voi đứng, mắt trừng trừng,
Hơi gió nhẹ đưa cũng nổi sân,
Nếu chợt thấy người gây mảy gió,
Đùng đùng, chúng dẫm nát tan thân!

Sonuttara nghe tả thế, hồn vía bay lên mây, vội đáp vần kệ:

13. Lam ngọc sáng ngời hoặc bảo trân,
Biết bao trang sức với kim ngân,
Việc gì hoàng hậu cần ngà ấy,
Hay lệnh bà mong giết thợ săn?

Hoàng hậu lại ngâm vần kệ:

14. Nung nấu lòng ta rẫy giận hờn,
Mỗi lần nhớ lại vết đau thương,
Cho ta, lạp hộ, điều ta ước,
Làng đẹp năm ngôi, sẽ hưởng ơn!

Nói xong nàng thêm:

- Này hiền hữu thiện xạ, ngày trước, khi ta cúng dường các vị Độc Giác Phật, ta dâng lời cầu nguyện rằng ta muốn có đủ thần lực giết con voi sáu ngà kia để chiếm một đôi ngà. Điều này ta không phải chỉ thấy trong giấc mộng mà thôi đâu, đó còn là lời nguyện ta phải thành đạt. Hiền hữu hãy ra đi, đừng lo sợ gì cả.

Nàng nói vậy để trấn an gã. Gã chấp thuận lời nàng và đáp:

- Xin tuân lệnh hoàng hậu, nhưng trước hết xin lệnh bà chỉ rõ cho thần biết voi ấy hiện ở đâu.

Và gã hỏi qua vần kệ:

15. Voi ở đâu? Tìm kiếm chốn nào?
Đường Voi đi tắm, hướng ra sao?
Nơi nào Vương tượng thường bơi lội?
Xin chỉ con đường để bắt mau.

Lúc ấy nàng hồi tưởng lại đời trước của mình và nhớ rõ địa điểm ấy, nên chỉ đường cho gã qua hai vần kệ:

16. Không xa nơi tắm ấy là bao,
Thăm thẳm hồ sâu diễm lệ sao,
Hoa rộ nở, đầy ong bướm lượn,
Đấy nơi Vương tượng dễ tìm cầu.

17. Tắm mát, cài sen, chiếc miện hoa,
Hân hoan Voi rảo bước về nhà,
Như cành sen trắng cao vòi vọi,
Theo gót bà hoàng yêu thiết tha!

Sonuttara nghe vậy chấp thuận ngay và thưa:

- Tâu lệnh bà, tiểu thần xin đi giết Voi này và đem về dâng cặp ngà.

Nàng hoan hỷ ban thưởng gã một ngàn đồng tiền vàng và bảo:

- Hiền khanh cứ trở về nhà đã, sau bảy ngày nữa hãy khởi hành đến đó.

Nàng cho gã lui vềtriệu tập đám thợ rèn lại, truyền lệnh:

- Này các khanh, ta cần một cái rìu, một cái xẻng, một cái khoan, một cái búa, dụng cụ để chặt tre, cái liềm cắt cỏ, một gậy sắt, một cái cọc, một cái chĩa ba bằng sắt, hãy làm mọi thứ thật gấp rồi đem đến đây ngay.

Nàng lại cho triệu tập đám thợ đồ da, bảo họ:

- Này các khanh, hãy làm cho ta một cái túi da đủ đựng đồ vật nặng cỡ một đầu heo lớn, ta lại cần các dây da, các lưới da, đôi giày lớn vừa cho voi mang và một cái dù da để nhảy xuống. Hãy làm mọi thứ thật cấp bách rồi đem lại đây ngay.

Cả hai đám thợ rèn và thợ da kia làm gấp mọi vật rồi mang lại cho nàng. Sau khi có đủ mọi vật dụng cần thiết cho cuộc hành trình, cùng lửa củi đủ loại, nàng đặt mọi món trang bị cần thiết như bánh nướng, lương khô.. vào túi da. Tất cả nặng cỡ chiếc đầu heo. Còn Sonuttara, sau khi sắp đặt xong xuôi, đến ngày thứ bảy, cung kính diện kiến hoàng hậu. Nàng bảo:

- Này hiền hữu, tất cả mọi hành trang đã hoàn thành, hãy cầm túi da này đi.

Gã này là một tên hạ đẳng lực lưỡng gan dạ, mạnh bằng năm con voi, nên cầm chiếc túi kia như thể túi đựng bánh đặt lên sườn, rồi đứng lên như thể hai tay không! Nàng Cullasubhaddà trao lương thực cho đám tùy tùng của gã, và tâu trình vua rồi truyền gã lui ra. Gã đảnh lễ vua cùng hoàng hậu xong, xuống thềm cung điện đặt các vật dụng lên một cỗ xe, khởi hành khỏi kinh thành cùng một đoàn tùy tùng đông đảo rầm rộ vượt qua vô số thôn làng, tới vùng biên địa.

Lúc ấy gã bảo dân chúng lui và tiếp tục đi cùng đám dân cư ngụ trên biên giới cho đến khu rừng, qua khỏi những nơi có người ở, gã lại cho dân biên giới lui vềmột mình gã tiến lên một khoảng ba mươi dặm đường, băng qua rừng cỏ kusa và nhiều cỏ khác rậm rạp, những đám dày đặc rau quế, lau sậy, cây đậu, những khóm gai, mía, và cây đủ loại, rồi các rừng rậm toàn lau, mía dày, rậm đến độ rắn cũng không thể bò qua được, rồi các rừng cây lớn, tre nứa, những bãi nước lầy, những dải núi; gã lần lượt đi qua mười tám vùng tất cả.

Qua rừng cỏ, gã cắt bằng lưỡi liềm, qua các đám rau, gai, tre, nứa, gã mở đường bằng dụng cụ đẵn tre, gã chặt các cây lớn bằng cái rìu, còn các cây cổ thụ quá lớn, gã phải đục bằng cái khoan trước tiên.

Sau đó tiếp tục cuộc hành trình, gã làm một cái thang trong rừng tre và trèo lên ngọn cây, gã đặt một cây tre vừa chặt lên trên bụi tre kế đó, cứ thế gã bò dần qua các đọt tre đến một bãi lầy.

Gã lại trải một tấm ván khô trên bùn, bước qua rồi ném một tấm ván khác ra phía trước và cứ như thế đi băng qua bãi lầy. Sau đó gã lại đóng thuyền để vượt qua một vùng ngập nước, cuối cùng đến đứng dưới chân các ngọn núi.

Gã buộc cái móc sắt có chĩa ba vào sợi dây, ném lên cao cho nó dính chặt vào sườn núi. Leo lên sợi dây, gã khoan núi bằng đầu gậy có gắn kim cương, đóng cọc vào lỗ rồi đứng lên đó. Sau gã lại kéo cái móc sắt có chĩa ba ra đóng vào sườn núi cao hơn trước, từ nơi này gã để dây da thòng xuống, xong gã cầm dây trèo xuống, buộc dây vào cọc phía dưới. Rồi tay trái cầm dây, tay phải cầm búa, gã đánh vào sợi dây để kéo cái cọc ra và trèo lên lần nữa.

Bằng cách này gã trèo lên đỉnh núi đầu tiên, rồi bắt đầu đi xuống phía bên kia, sau khi đóng cọc vào đỉnh núi đầu tiên như trước đây, xong buộc dây vào túi da và bao quanh cái cọc, gã ngồi vào trong túi da và thả mình xuống bằng cách buông dần cuộn dây như thể nhện nhả tơ vậy. Gã để cho cái dù da bắt gió và hạ xuống nhanh như chim. Tương truyền ít nhất là thế đấy.

Như vậy bậc Đạo sư kể chuyện gã thợ săn tuân lệnh nàng Subhaddà, xông pha từ kinh thành băng qua mười bảy địa giới khác nhau cho đến khi vào tận miền núi rừng, những cách gã băng rừng vượt qua sáu vùng nước non như thế nào để leo lên đỉnh Kim Sơn:

18. Thợ săn nghe lệnh, vững can tràng,
Nai nịt cung tên, tiến bước đàng,
Băng vượt bảy tầng non bát ngát,
Cuối cùng đến thượng đỉnh Kim San.

19. Đến núi cao đầy quỷ ẩn thân,
Khối gì trước mắt, dáng như vân?
Chính cây đa chúa, thân to lớn
Đỡ tám ngàn cành tán trải giăng.
|
20. Trú đây Bạch tượng mạnh vô song
Có sáu ngà, quân đội tám ngàn,
Ngà tựa càng xe, tài thiện chiến,
Hộ phòng, giao đấu, tốc như phong!

21. Gần đó, hồ kia nước tận bờ,
Xứng nơi vương tượng lội bơi qua,
Đôi bờ khả ái muôn hoa đẹp,
Ong lượn quanh đầy tiếng nhỏ to.

22. Đánh dấu đường đi của Tượng vương
Những khi bơi lội, chí kiên cường
Gã đào hố, việc làm hèn hạ
Xúi giục cho vương hậu giận hờn!

Tiếp theo đây là câu chuyện từ đầu đến cuối: chuyện kể rằng, sau bảy năm, bảy tháng, bảy ngày, khi đến tận nơi cư trú của bậc Đại sĩ theo cách kể trên, gã thợ săn ghi dấu kỹ nơi ấy, và đào một cái hố ở đó, gã bảo:

- Ta sẽ đứng đây và đâm chết Voi chúa.

sắp đặt công việc như vậy xong, vào rừng chặt cây làm cột trụ, cùng chuẩn bị một số vật dụng khác.

Khi đàn voi đến tắm ở nơi Voi chúa thường đứng, gã lại đào một hố vuông bằng một cái cuốc lớn, và đám đất gã đào lên gã rải khắp mặt nước, như thể gieo hạt, và trên đầu các tảng đá hình khối xay, gã trồng một trụ, chôn thêm các vật nặng cùng dây da và trải nhiều ván lên trên. Kế đó gã đào lỗ vừa cỡ một mũi tên rồi ném đất đá, rác rến lên nữa, còn một bên gã làm lối ra vào cho gã.

Thế là khi hố đã xong xuôi, vào lúc tảng sáng gã buộc một chùm tóc giả trên chỏm, mặc hoàng y vào, cầm cung và mũi tên độc, gã bước xuống đứng dưới hố kia.

Bậc Đạo sư giải thích mọi việc như sau:

23. Che hố trước tiên đậy ván dày,
Bước vào, cung nắm ở trong tay,
Vừa khi Bạch tượng đi qua đó,
Kẻ ác cho tên dữ vút bay.

24. Voi bị thương gầm rống thảm thương,
Cả đoàn đáp lại cũng gầm vang,
Ngàn cây nghiêng ngã giày tan cỏ,
Tán loạn đàn voi chạy thẳng đường.

25. Voi chúa đã gần giết địch nhân
Vì chứng đau đớn hóa điên cuồng,
Nhưng kìa! Đôi mắt ngài vừa gặp
Biểu tượng thanh cao, chiếc áo vàng,
Bộ áo tu hành bất khả phạm,
Ấy điều suy nghĩ của hiền nhân.

Bậc Đạo sư, trong lúc nói chuyện với thợ săn, ngâm hai vần kệ này:

26. Người nào vấy phải tội đầy thân,
Chẳng chế ngự mình, thiếu thật chân,
Dù chiếc hoàng y, mình nó mặc,
Chẳng hòng mong đạt tịnh thanh tâm.

27. Còn kẻ thoát ra mọi lỗi lầm
Đầy lòng chân thật, tự điều tâm,
Vững lòng cương quyết theo công chánh,
Xứng đáng y vàng khoác tấm thân.

Nói xong, bậc Đại sĩ dập tắt mọi nỗi hận sân đối với gã kia và hỏi:

- Tại sao ông bắn ta bị thương? Có phải vì lợi ích riêng hay vì bị kẻ nào mua chuộc?

Bậc Đạo sư giải thích việc này như sau:

28. Voi trúng tên tàn bạo quỵ chân,
Trong lòng bình thản, hỏi cừu nhân:
"Đích gì khi giết nhằm ta thế,
Cho biết ai xúi giục, bạn thân?".

Kế tiếp gã thợ săn đáp kệ này:

29. Ái hậu Kà-si bậc đại quân,
Su-bhad-dà, bảo đã từng trông
Dáng ngài trong mộng, và vì thế:
"Ta muốn ngà kia, hãy kiếm dâng!".

Nghe gã nói điều này, ngài nhận ra đây là việc làm của nàng Cullasubhaddà, nên ngài nhẫn nhục chịu đau đớnsuy nghĩ: "Nàng chẳng cần gì đôi ngà của ta đâu, nàng bảo gã đi đến đây chỉ vì muốn giết ta đấy thôi".

Và để làm sáng tỏ việc, ngài ngâm hai vần kệ:

30. Kho báu ta mang ở bộ ngà,
Hình hài di tích của ông cha,
Điều này ác phụ am tường quá,
Nên kẻ khốn nhằm đoạt mạng ta.

31. Trước khi ta chết, thợ săn ôi,
Cưa lấy bộ ngà của chúa Voi,
Bảo ác phụ kia mừng mãn nguyện,
"Đây ngà, Bạch tượng đã lìa đời!".

Nghe ngài bảo vậy, gã thợ săn đứng dậy từ nơi gã đang ngồi, cầm cưa trong tay đi đến gần ngài để cắt đôi ngà. Lúc bấy giờ Vương tượng cao như một ngọn núi tám mươi tám cubit (gần bốn mươi mét) nên không thể cưa được như ý muốn, vì gã này không thể lên tới tận đôi ngà. Thấy thế bậc Đại sĩ phải cúi mình trước gã, nằm xuống kê đầu dưới đất.

Lúc ấy gã mới trèo lên chiếc vòi của bậc Đại sĩ, dẫm chân lên đó như thể sợi dây thừng bạc, rồi đứng trên trán ngài như thể đỉnh núi Kesàla. Sau đó gã nhét chân gã vào miệng ngài, đầu gối gã đập vào da thịt trong miệng ngài, gã bò xuống từ trán ngài và thọc cây cưa vào miệng ngài. Bậc Đại sĩ chịu đựng nỗi thống khổ hành hạ và miệng ngài ứa đầy máu.

Còn gã thợ săn đi loanh quanh chỗ này chỗ kia vẫn không thể nào dùng cái cưa cắt được đôi ngà. Vì thế bậc Đại sĩ để máu rơi ra từ miệng ngài, chịu đựng nỗi đau đớn cực độ, hỏi gã:

- Này tôn ông không cưa được sao?

Và khi nghe gã bảo:

- Không.

Ngài liền lấy lại sự bình tĩnh trong tâm, bảo:

- Vậy thì được rồi, vì ta không còn đủ sức đưa chiếc vòi lên, ông hãy nhắc nó lên cho ta và nó sẽ cầm một đầu cưa.

Gã thợ săn làm theo.

Bậc Đại sĩ dùng vòi cầm phía đầu cưa, đưa lui đưa tới và đôi ngà được cắt rời ra ngay như đọt cây. Sau đó ngài bảo gã cầm lấy đôi ngà và nói:

- Này hiền hữu lạp hộ, không phải ta cho ông đôi ngà này vì ta không quý trọng chúng, cũng không phải giống như một người mong ước địa vị của Đế Thích Thiên chủ, Ma vương hay Phạm thiên đâu, nhưng đôi ngà Chánh Đẳng Chánh Giác còn đáng quý đối với ta gấp cả trăm ngàn lần hơn đôi ngà này, và ta ước mong công đức thiện hành này sẽ làm nhân duyên cho ta chứng đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Vừa khi cho gã đôi ngà, ngài hỏi:

- Ông đến đây phải đi mất bao lâu?

- Bảy năm, bảy tháng, bảy ngày.

- Vậy nhờ thần lực của đôi ngà này, ông sẽ về đến Ba-la-nại trong bảy ngày thôi.

Sau khi ngài bảo gã ra đi và trước khi đàn voi kia cùng hoàng hậu Subhaddà đến nơi, ngài đã qua đời.

Bậc Đạo sư giải thích sự việc qua vần kệ:

32. Rồi thợ săn cưa lấy bộ ngà
Từ hàm Bạch tượng tối cao ra,
Sáng ngời, bảo vật vô song ấy,
Gã bước nhanh chân trở lại nhà.

Khi gã đi rồi, đàn voi không còn thấy bóng kẻ thù trở lại nữa.

Bậc Đạo sư giải thích việc này như sau:

33. Kinh hãi nhìn Vương tượng bỏ thân,
Đàn voi vùng tán loạn, hoang mang,
Chẳng tìm thấy vết cừu nhân ác,
Trở lại nhìn vua ngã xuống đàng.

Vương hậu Subhaddà cùng đến với đàn voi, tất cả đều đau đớn than và từ đó đi yết kiến các vị Độc Giác Phật trước kia thường rất thân thiết với bậc Đại sĩ, và thưa:

- Bạch các Tôn giả, đức vua thường vẫn cúng dường các Tôn giả mọi vật dụng cần thiết, đã từ trần vì trúng một mũi tên độc. Xin các Tôn giả đến viếng thi hài của ngài đang được quàng tại nơi kia.

Năm trăm vị Độc Giác Phật liền bay qua không trung hạ mình xuống vùng đất thiêng ấy. Vào lúc hai chú voi con lấy ngà nâng thi hài của Voi chúa lên để thi hài tỏ dấu hiệu sùng kính các vị Độc Giác Phật, rồi nâng thi hài cao đến tận dàn hỏa thiêu và làm lễ hỏa táng. Suốt đêm ấy các vị Độc Giác Phật tụng kinh trong thánh địa này. Tám ngàn voi ấy, sau khi dập tắt các ngọn lửa, liền tắm rửa rồi cùng theo hoàng hậu Subhaddà dẫn đầu, trở lại nơi cư ngụ như cũ.

Bậc Đạo sư giải thích vấn đề như sau:

34. Đàn voi khóc lóc lẫn kêu gào,
Tất cả chất tro đội đỉnh đầu,
Chầm chậm trở về nơi cư trú,
Theo sau hoàng hậu mãi thanh cao.

Còn gã Sonuttara trong bảy ngày đã về tới Ba-la-nại cùng với bộ ngà voi.

Bậc Đạo sư giải thích việc này như sau:

35. Thẳng đến Kà-si, gã thợ săn,
Vô song tặng vật, gã vừa mang:
Bộ ngà của chúa Voi ngời chiếu
Làm mọi tâm hoan với ánh vàng;

Đến trước bà hoàng kia, gã nói:

"Đây ngà; Vương tượng đã từ trần!".

Bấy giờ khi mang đôi ngà đến dâng hoàng hậu, gã thưa:

- Tâu hoàng hậu, chúa Voi mà hoàng hậu mang mối thù hận trong lòng chỉ vì một lỗi lầm nhỏ nhặt ấy đã bị tiểu thần giết chết rồi!.

- Ngươi bảo rằng ngài đã chết rồi ư? Nàng kêu lớn.

Gã dâng đôi ngà lên và tâu:

- Hoàng hậu cứ tin chắc rằng ngài đã chết, đây là đôi ngà của ngài.

Nàng nhận lấy đôi ngà có sáu sắc hào quang ấy để lên chiếc quạt nạm ngọc của nàng rồi đặt vào lòng, nàng nhìn đôi ngà của Voi chúa ngày trước trong một đời trước đã là vị quân vương ái kính của nàng, nàng nghĩ thầm: "Gã thợ săn này trở về với đôi ngà gã cưa được từ Bảo tượng mà gã đã giết bằng mũi tên độc".

Rồi nhớ lại bậc Đại sĩ, lòng nàng bỗng tràn ngập đau thương đến độ nàng không thể chịu đựng được nữa, tim nàng tan nát ra và nàng từ trần ngay hôm ấy.

Bậc Đạo sư ngâm vần kệ để làm sáng tỏ câu chuyện:

36. Bà hoàng vừa chợt thấy đôi ngà,
Chúa thượng dấu yêu thuở đã qua,
Lòng quá đau thương liền vỡ nát,
Vì ngài, kẻ ngốc hóa ra ma.

37. Khi Đại trí nhân đủ lực thần,
Mỉm cười trước mắt các hiền Tăng,
Tức thì Thánh chúng liền suy nghĩ:
"Chư Phật chẳng cười chuyện bỗng dưng!".

38. Ngài bảo: "Các ông thấy nữ nhi
Làm Sa-di ấy, khoác hoàng y,
Xưa là hoàng hậu, và Ta nữa,
Ngài tiếp, "là Voi chúa mất đi".

39. Kẻ ác cưa ngà báu trắng tinh,
Vô song dưới thế, ánh quang minh,
Đem về thành phố Ba-la-nại
Nay chính Đề-bà-đạt đích danh".

40. Phật-đà với trí tuệ riêng Ngài
Kể lại chuyện xưa ấy thật dài,
Đủ mọi nỗi buồn đau thống thiết,
Dù Ngài đã thoát hết bi ai.

41. "Ngày xưa Bạch tượng chính Ta đây,
Làm chúa Voi đông đảo cả bầy,
Như vậy, chư Tăng, ta muốn bảo
Các ông hiểu rõ Tiền thân này".

Các vần kệ trên được các Tỷ-kheo ghi nhớ khi Tăng chúng tán dương Đạo phápca ngợi đấng Thế Tôn đầy đủ mọi thần lực.

*

Khi nghe Pháp thoại này xong, một số trong đại chúng chứng quả Dự Lưu, còn vị Sa-di-ni ấy về sau nhờ tu tập Thiền định đã chứng đắc quả A-la-hán.

-ooOoo-

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/02/2017(Xem: 11829)
27/03/2014(Xem: 25178)
06/08/2010(Xem: 41320)
14/12/2010(Xem: 234538)
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Từ chuyện xuất hiện của sư Minh Tuệ, nếu Phật giáo và một số cá nhân tu sỹ không có những sai lầm do chủ quan thiếu khiêm tốn trong quyền lực, phát ngôn ỷ thị và hành chánh thiếu cẩn trọng, vô tình đẩy sự kiện sư Minh Tuệ lên cao trào trong khi quần chúng dành sự ngưỡng mộ một tu sỹ khổ hạnh không thuộc Giáo hội Phật giáo, và lại thêm một hình ảnh như chiếc bóng thứ hai của sư Minh Tuệ là sư Minh Đạo tiếp nối lòng tôn kính của người dân có đủ mọi thành phần sau khi sư Minh Tuệ bị khiển trách rồi ẩn tu. Còn Chân Quang không thọ cụ túc chính thức một giới đàn nào, bằng cấp ba, bằng Tiến sỹ còn giả thì điệp đàn thọ giới chả là gì đối với người thiếu minh bạch. Hiện nay Chân Quang có hai bản lý lịch khác nhau và Điệp đàn thọ giới cũng không giống nhau đã bị cộng đồng mạng phanh phui.