Phần Ii

20/05/201012:00 SA(Xem: 9276)
Phần Ii

KINH THẮNG MAN PHU NHÂN HỘI
TAM TẠNG BỒ ĐỀ LƯU CHÍ Dịch từ Phạn sang Hán 
Chân Hiền Tâm Việt dịch & Giải thích
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2006

 II

Lúc ấy phu nhân đối trước Phật phát thêm 3 đại nguyện. Dùng nguyện lực ấy làm lợi ích vô lượng vô biên cho loài hữu tình :

1. Nguyện dùng thiện căn này đời đời sanh được chánh pháp trí.

2. Được chánh pháp trí rồi, con nguyện sẽ vì chúng sanh giảng nói không nhàm mỏi.

3. Vì nhiếp thọ chánh pháp, con nguyện chẳng tiếc thân mạng mình. 

Đợi hội chúng phát nguyện xong, bà mới khởi xướng tiếp 3 đại nguyện. 3 đại nguyện này rất quan trọng, nhất là đại nguyện đầu tiên. Không có đại nguyện này thì các hoằng thệ trên khó thành tựu. Vì không có CHÁNH PHÁP TRÍ thì không thể hàng phục 3 nghiệp đến chỗ rốt ráo. Không có CHÁNH PHÁP TRÍ thì việc lợi ích cho tha nhân cũng bị hạn chế. Vì sao? Vì lòng nhiệt tình không chưa đủ, cần phảitrí tuệ thì trên SỰ mới được hanh thông. Ngược lại không có 10 hoằng thệ làm phương tiện thì việc nguyện cầu CHÁNH PHÁP TRÍ đây cũng khó mà thành tựu.

1. Nguyện đời đời sanh được chánh pháp trí.

NGUYỆN là mong ước. Bà mong ước khi nào sanh ra cũng đều có chánh pháp trí. CHÁNH PHÁP TRÍ là cái trí thuộc về chánh pháp chứ không phải là tà pháp. Thấy đúng được thực chất của vạn pháp là mình đang có CHÁNH PHÁP TRÍ. [26] Tuy là nguyện nhưng điều nguyện ấy phải thành sự thật. Vì thế, nó được đổi bằng phước đứctrí tuệ mà bà đang có, đang làm và sẽ làm, thông qua 10 hoằng thệ trên, nên nói NGUYỆN DÙNG THIỆN CĂN ấy. Không phải chỉ trong hiện tại hay một vài kiếp mà với tất cả mọi kiếp cho đến khi thành Phật, nên nói ĐỜI ĐỜI.

DUYÊN KHỞI là qui luật chi phối tất cả vạn phápthế gian suốt cả ba thời quá khứ, hiện tạivị lai, được biểu hiện thông qua NHÂN DUYÊNNHÂN QUẢ. [27] Nếu ta thực sự nhìn vạn phápthế gian bằng cái nhìn đó, là ta đang sở hữu được CHÁNH PHÁP TRÍ. Tùy theo mức độ nhận biết thô hay tế mà mình có CHÁNH PHÁP TRÍ cạn hay sâu, toàn bộ hay từng phần. Đây là do mức độ thanh tịnh của tâm. 

Như nói về LÝ NHÂN QUẢ, gọi là nắm được nhân quả là khi ta có niềm tin và trực nghiệm được nó trong cuộc sống của chính mình. Như nghe dạy bố thí cúng dường thì được đầy đủ. Thực hiện nó, mình thấy đúng như vậy. Vì thế, mình tin và tiếp tục sống với niềm tin đó. Việc này bồi tiếp việc kia, niềm tin được củng cố bằng hiện thực, hiện thực làm tăng trưởng niềm tin. [28] Song đó chỉ là ngay nơi quả mà nghiệm quả. Còn thấy ngược trở lại cội nguồn của những thứ đó, thấy cho được cái nào là nhân của cái nào, vì sao biết bố thí là nhân của sự giàu sang thì chỉ có Phật và các bậc thánh mới thấu được. Nên cũng cùng là cái nhìn Nhân Quả, nhưng mức độ cạn sâu đã có khác nhau. Duyên Khởi cũng vậy … [29]

CHÁNH PHÁP TRÍ thì mình có cái nhìn đúng đắn đối với vạn phápthế gian. Đó là yếu tố giúp mình có cuộc sống thái bình, an lạc. Thế giới ngày nay tranh tàn, gây hấn là do không nắm được qui luật đang chi phối sâu xa thế giới và mọi loài chúng sanh đây. Muốn cái quả là hoa nhưng lại gieo cái nhân cỏ. Muốn giàu sang nhưng không gieo nhân bố thí, cúng dường, lại gieo cái nhân trộm cướp, tham nhũng, lừa gạt v.v... Ngược lại nhờ biết ứng dụng NHÂN DUYÊN rộng rãi mà các ngành khoa học, kỹ thuật v.v… phát triển vượt bực. 

Theo kinh Lăng Nghiêm và luận Đại Thừa Khởi Tín, cội nguồn tâm thể của một chúng hữu tình vốn thanh tịnh trùm khắp, nhưng vì không tánh nên không tự giữ, bất giác mà sinh cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng như hiện nay. CÁI THẤY HƯ VỌNG, chỉ cho cái thấy của mình đây, thuộc về tâm. CẢNH GIỚI HƯ VỌNG là chỉ cho thân cănthế giới mà mình đang thọ nhận. Gọi là HƯ VỌNG vì nó có tướng mà không có tánh. Như người tỉnh mà mê rồi thấy hiện ra mọi thứ trong mộng. Hoặc như đi trong sa mạc khát qua mà thấy nước. Tuy hư vọng nhưng vì không biết là hư vọng, nên trên cảnh hư vọng ấy lại sinh phân biệt ta, người, tốt, xấu … rồi tạo nghiệp luân chuyển trong 6 đường.[30] Hành động nào được huân tập nhiều, đủ duyên sẽ có sức mạnh biến hiện ra cảnh giới đó để mình thọ nhận. Như huân tập những chủng nhân tham lam, đố kỵ, sân giận thì tự tâm sẽ biến hiện ra thân tướng cùng các cảnh giới đau khổ như địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ hay những loại ‘địa ngục trần gian’ mà mình đang thấy hiện nay. 
Không có thói quen tạo ra những chủng nhân đó thì không có các cảnh giới đó. Đây là lý do vì sao trong Phật pháp không lấy tứ cú[31] ấn định cho thực tánh của vạn pháp. Bởi vạn pháp không tánh, chỉ tùy duyên mà thấy có, thấy không v.v… 

Như vấn đề địa ngục, không thể khẳng định là có hay không. Nếu mình từng gây nhân địa ngục thì đủ duyên, mình sẽ có cảnh giới địa ngục để mà thọ nhận. Nếu mình không gây chủng nhân địa ngục thì không bao giờ mình có cảnh giới địa ngục. CÓ với người có chủng nhân đó, KHÔNG với người không có chủng nhân đó. Gặp được nhau là vì cùng có chủng nhân nào đó với nhau. Mọi thứ đều từ tâm, theo thức mà có sai khác, nên nói TAM GIỚI DUY TÂM, VẠN PHÁP DUY THỨC.

Do cái thấy trên mà thế gian dưới mắt Phật Tổ chỉ là một trường đại mộng. Mộng, thành đủ duyên thì thấy có TƯỚNG nhưng TÁNH thì không. Vì thế mới có khái niệm DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH. Pháp không tánh mới duyên khởi được. Thấy pháp duyên khởi thì biết là pháp không tánh. 

Cái nhìn DUYÊN KHỞI - TÁNH KHÔNG thâm sâu hơn cái nhìn NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ nói trước. Đây là lý do vì sao trí tuệ của Nhị thừa không sánh được với trí tuệ của các vị Bồ tát đăng địa và chư Phật. Nhị thừa chỉ mới thấy được NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ nhưng chưa thấu được THỰC TƯỚNG của NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ, chưa thấy được mặt huyễn hóa của vạn pháp. Đó là do chưa thấu được TÂM THỂ thanh tịnh trùm khắp, là cội nguồn chân thật của mọi loài chúng sanh cũng như cảnh giới thế gianniết bàn mà các vị đang thọ nhận. Phần sau của kinh này gọi CỘI NGUỒN ấy là TRÍ TÁNH KHÔNG, chỉ cho nhân Phật tánh mà cái quả chính là niết bàn Như Lai Tạng

Loại CHÁNH PHÁP TRÍ thâm sâu nhất, gọi là Nhất Thiết Chủng Trí, chỉ cho trí tuệ Phật. Chính là TRÍ TÁNH KHÔNG đó thôi, nhưng bây giờ TƯỚNG và DỤNG của cái THỂ ấy đã hiển bày đầy đủ. Loại CHÁNH PHÁP TRÍ này chư vị Bồ tát ở các địa trên đã có, nhưng không được viên mãn và đầy đủ như ở Phật. Nó là cái trí chiếu soi thẩm thấu tất cả dù là chỗ vi tế nhất. 

Trong tất cả SỰ từ việc tu hành, làm lợi ích cho tha nhân, cho đến các việc trong đời sống thường nhật đây, CHÁNH PHÁP TRÍ càng thâm sâu thì trên SỰ mình càng ít lầm lẫn, việc lợi ích cho tha nhân dễ có kết quả. Như với việc tu hành, nắm được NHÂN QUẢ tức biết nhân nào quả nấy thì mình không gieo lộn nhân để trơ mắt chờ cái quả không bao giờ có. Như giáo lý của một ngoại đạo ngày xưa nói “Muốn hết tội lỗi đã gây trước đây thì phải vùi mình trong cát nóng”. Nắm được nhân quả, mình hiểu vùi mình trong cát nóng chỉ là cái nhân của phỏng da ngứa ngáy chứ tội lỗi không thể hết. Muốn hết tội lỗi, phải sám hốitự tâm, tức “Sám lỗi trước, chừa lỗi sau” thì tội nghiệp mới tiêu trừ. Nhân quả trước sau rất rõ ràng. Dù không biết đạo chăng nữa, mình cũng thấy được tính hợp lý và bất hợp lý trong mỗi lời nói.

Hoặc như việc tu Phật. Phật chính là cái KHÔNG thanh tịnh trùm khắp của tâm. Phật với 32 tướng tốt chỉ là sở hiện của tự tâm mà thôi. Nói cách khác, Phật chính là cái tâm không sanh không diệt của chính mình. Nhưng vì không tỉnh, mình đã nhận những cái sanh diệt như buồn, vui, suy nghĩ v.v… là mình mà bỏ mất cái tâm chân thật. Vì vậy, muốn làm Phật thì việc tiên quyết là làm sao LY cho được những tâm niệm sanh diệt. Nghĩa là, cái sanh diệt ở tâm phải hết, cái không sanh diệt của tâm mới hiển bày. Nhân là vô sanh thì quả mới vô sanh. Nhân là Phật tánh thì quả mới là niết bàn Phật. Những thứ như học hỏi, kiến thức, việc phước thiện, dịch kinh, giải luận chỉ là phương tiện để mình có điều kiện làm lợi ích cho tha nhân, là phương tiện giúp mình LY dần những sanh diệt của tâm phàm phu để đi lần về cái không sanh diệt. Chỉ là nhân duyên gián tiếp giúp mình qua đò được dễ dàng, không phải là điều kiện tiên quyết cho việc làm Phật. Muốn làm Phật phải quét đi những tâm niệm sanh diệt, phải nhận cho ra TÁNH thật của những thứ đó. Thành làm việc phúc thiện nhiều bao nhiêu mà cái sanh diệt của tâm không chịu LY thì không thể thành Phật. Cũng như muốn thành A La Hán mà lấy một mớ chữ nghĩa rậm như rừng Phi châu làm nhân, còn việc thiền định lại bỏ mặc thì quả A La Hán không bao giờ với tới. 

Việc làm lợi ích cho tha nhân cũng vậy. Nắm được NHÂN DUYÊN - NHÂN QUẢ, việc làm của mình sẽ có hiệu quả và ít vướng vào những chuyện không đâu. Như việc nhiếp hóa tha nhân. Nắm được Nhân Duyên, mình sẽ hiểu có duyên mới độ được người, không duyên thì đầy đủ lực dụng thần thông như Phật cũng chịu. Đức Phật không độ được bà già nhưng vị đệ tử nhỏ nhất tăng đoàn lại độ được bà già. Huệ Minh dưới trướng Ngũ Tổ bao năm cũng chỉ là kẻ đứng ngoài cửa. Lục Tổ Huệ Năng chỉ đến nhà trù 8 tháng, đã là kẻ nắm được huyết mạch của Tổ Thầy, cũng chính là người khiến Huệ Minh sáng tâm. Có cái nhìn NHÂN DUYÊN rồi, mọi sự ở đời không có gì để thắc mắc. Đủ nhân đủ duyên thì pháp hiện hình. Không đủ nhân đủ duyên thì pháp liền không. Công hạnh của một vị Bồ tát chỉ là gieo cái nhân, giúp thêm cái duyên để hy vọng sự việc được tiến triển tốt đẹp. Chư vị không phải là yếu tố quyết định để người này được hạnh phúc hay người kia phải đau khổ. Hạnh phúc hay đau khổ còn lệ thuộc vào bản thân của chúng hữu tình đó. 

Hoặc như lời nguyện của phu nhân Thắng Man “Nếu gặp những ai không nơi nương tựa, bị các thứ tối tăm ràng buộc, bịnh tật, ưu não, nguy ách thì con chẳng bao giờ bỏ rơi họ, nguyện sẽ làm cho họ được an ổn, dùng nhiều điều lợi ích khiến họ hết khổ”. Song người ta chỉ thật sự hết khổ khi và chỉ khi suy nghĩ và hành động của họ hướng thiện. “Có phước nắm gạch thành vàng. Không phước nắm vàng thành gạch”. Nắm được nhân như thế mới cho ra quả như thế thì việc làm của mình mới có đầu đuôi rõ ràng, mình mới làm tròn những điều mà mình đã nguyện. Giúp đỡ tiền bạc chỉ là phương tiện ban đầu. Chủ yếu là làm sao để người hướng thiện và làm thiện. Nếu cho việc giúp đỡ tiền bạc vật chất là việc làm rốt ráo có thể mang lại hạnh phúc lâu dài cho người thì chưa chắc. Vì sao? Vì pháp không có xấu tốt, nhưng lòng tham của con người là vô hạn nên tiền bạc vật chất trở thành con dao hai lưỡi. Không khéo, mình lại đẩy họ loanh quanh mãi trong bể khổ trầm luân túng thiếu chứ không hẳn đã “Làm cho họ được an ổn, dùng nhiều điều lợi ích khiến họ hết khổ”. 

Do một tai nạn, cô gái bị chấn thương cột sống và nằm luôn một chỗ. Phường khóm giúp đỡ bằng cách cho một mảnh đất dựng tạm cái chòi để hai mẹ con có chỗ che nắng che mưa. Bà con làng xóm thì chăm sóc công không và bưng cơm đổ cứt cho cô gái thay người mẹ già. Việc đó được lan truyền, các nhà mạnh thường quân tới lui nhộn nhịp. Trong đó có người thân của tôi. Cái kết cuộc mà tôi nghe được từ người thân là “Bây giờ những kẻ tốt bụng trước kia đã thành những tay chủ thầu. Tiền của những mạnh thường quân chính là động lực khiến sự việc trở nên tồi tệ. Luôn có một người đàn ông lấp ló canh giữ để thu giữ những đồng tiền ấy. Cô gái không còn như xưa, bây giờ đã có những biểu hiện đòi hỏi, than van và những giọt nước mắt không thành thật”. Cái đáng tội ấy có lẽ là do áp lực của những người chung quanh. Tiền bạc cũng bắt đầu vơi bớt vì không ai thích lòng tốt của mình bị lợi dụng

Kể ra đây, không phải để mình hạn chế đi sự giúp đỡ người khác mà để thấy, thương người bằng cách đó thôi chưa hẳn đã làm lợi ích thiết thực cho người. Có thực mới vực được đạo nên bố thí tài vật hay tiền bạc luôn là bước đầu cần thiết để người người có nhân duyên với nhau, nhưng nó chưa hẳn là thứ quyết định để mọi việc trở thành tốt đẹp. Đây là điều đòi hỏi mình phải có CHÁNH PHÁP TRÍ để nhìn sự việc cho đúng đắn.

Sau là nói về vấn đề DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH

Như trên đã nói, mọi thứ ở thế gian đều do huân tập mà thành. Nghĩa là mọi thứ từ sự vật cho đến con người và luôn cả vũ trụ đây, không thứ nào có tánh. Cái mình gọi là TÁNH chẳng qua chỉ là những thứ được huân tập nhiều thành thói quen, rồi gọi cái thói quen ấy là tánh. Hoặc do một duyên nào đó pháp hiện tướng rồi mình tưởng cái tướng ấy là tánh của pháp. Nắm được cái không tánh này, mình mới dám kiên trì chuyển hóa chính mình và giúp người chuyển hóa. Việc tu hành mới không bị dở dang.

Như người hay la hét, vì la hét đã thành thói nên đụng chuyện là la hét nổi lên. Giống như người nghiện ma túy hay nghiện rượu, tới cơn là phê. Vì nó được lặp đi lặp lại trường kỳ, lại là thứ tưởng chừng như không thể bỏ, nên mình cho những thứ được huân tập ấy là TÁNH của pháp. Gọi là TÁNH vì nó mang tính không đổi.

Thật ra thứ gì cũng bỏ được, vì tất cả đều không tánh. Không tánh thì không có cái “không đổi”. Chỉ cần ý thức và có biện pháp để dừng đi thói quen, thì thói quen ấy sẽ hết. Song đã là thói quen thì cần rất nhiều thời gian để thay đổi. Không thể ngày một ngày hai mà có kết quả liền được. Nắm vững mặt không tánh cũng như tính huân tập của vạn pháp như vậy, mình mới có đủ niềm tinnhẫn lực khi nhiếp hóa chính mình, mới bình thản với những khó khăn khi cần chuyển hóa một lối sống hay một tư tưởng của tha nhân

Trường học, tùng lâm hoặc các trại cải tạo nhân phẩm được lập ra đều do ứng dụng cái DUYÊN KHỞI - KHÔNG TÁNH này của vạn pháp. KHÔNG TÁNH nên không có gì không thay đổi được. DUYÊN KHỞI thì cùng một nhân nhưng nếu duyên khác đi thì quả cũng sẽ khác. Dù bản tánh xấu xa bao nhiêu mà thay đổi đi các duyên chung quanh như môi trường, con người, phương cách sống v.v… thì cái quả nhận được cũng sẽ khác. Vấn đề là ở ý chíthời gian

Với những người không biết đạo, việc ứng dụng này là kết quả của nhiều thử nghiệm trước đó. Với người hiểu đạo, lập định mọi thứ là do nắm được mặt NHÂN DUYÊNKHÔNG TÁNH này của vạn pháp. Dạy người tránh ác làm lành, tu hành v.v… đều là căn cứ vào tính HUÂN TẬPKHÔNG TÁNH của vạn pháp mà lập để đời sống của người được an lạc hạnh phúc, xã hội được yên bình, thiên tai hoạn nạn đỡ xảy ra. Căn tánh của chúng sanh vô vàn sai biệt nên hóa thânphương tiện của chư vị Bồ tát cũng đầy dẫy sai biệt.

pháp DUYÊN KHỞI nên pháp nào cũng có mặt đối đãi của nó. Có khi cùng một nội dung mà có hai hình tướng hoặc cùng một hình tướng mà có hai nội dung. Như đều là biểu hiện của VIỆC LỢI ÍCH CHÚNG SANH nhưng không phải chỉ có hình thức nhẹ nhàng mới biểu hiện được điều đó, còn la rầy thì không. Không phải chỉ có những hình thức mang lại niềm vui cho người trong hiện tại mới là làm lợi ích cho người, còn những hình thức gây đau khổ cho người không phải là làm lợi ích cho người. [32] Ngược lại, hình tướng la rầy cũng có thể biểu hiện cho tình thương mà cũng có thể biểu hiện cho sự oán ghét. Do tính đa dạng như vậy của pháp mà ngay nơi cách nhìn của mình đối với vạn sự vạn vật, đã cần đến CHÁNH PHÁP TRÍ, huống là việc nhiếp thọ chúng sanh với vô vàn hình thức và chủng duyên sai biệt. Song sai biệt đa đạng bao nhiêu, chỉ cần có CHÁNH PHÁP TRÍ thì mọi việc liền xong. Trí phân biệt càng giảm thì CHÁNH PHÁP TRÍ càng thâm sâu. Ứng duyên liền cảm. Có cảm liền ứng. Những hình thức có khi mình thấy xấu nhưng vô tâmsử dụng đúng duyên thì mọi thứ vẫn thành tốt đẹp.

Thiền sư Sengai một đêm đi giám thị phòng ngủ, thấy một đệ tử vắng mặt. Ông bắt gặp chiếc ghế đã giúp cậu ta leo qua tường ra ngoài. Ông cất ghế và đứng vào đó. Trở về, cậu đặt chân lên đầu thầy và nhảy xuống đất. Cậu hoảng sợ khi thấy mọi việc bị bại lộ. Nhưng Sengai nhỏ nhẹ bảo “Sáng sớm nay trời rất lạnh, con cẩn thận kẻo bị cảm”. Từ đó, người đệ tử không bao giờ ra đường vào ban đêm. 

Ngược lại, thiền sư Ekido lại giống như một bạo chúa. Do bận tâm theo dõi một cô nàng ở cổng đền nên đệ tử ông đã đánh sai chuông báo thức lúc trời sáng. Ekido xuất hiện và phan cho cậu một gậy khiến cậu lăn quay. Cái chết của vị đệ tử chẳng khiến Ekido bận lòng, nhưng 10 vị đệ tử còn lại thì đều đắc đạo vì quá khiếp đảm. 

Đây chỉ dùng tạm vài luận giải và ví dụ để ta hiểu mức quan trọng của CHÁNH PHÁP TRÍ, để hiểu vì sao phu nhân Thắng Man nguyện đời đời sanh ra chỗ nào cũng có CHÁNH PHÁP TRÍ. Còn CHÁNH PHÁP TRÍ không phải là những kiến thức lụn vụn đó. Thứ gì từ cửa vào thì không phải là của báu trong nhà. CHÁNH PHÁP TRÍ là phần trí có được do sự tu tập từ bản thân. Tâm thanh tịnh thì bản trí xuất hiện

Biết rõ ràngchính xác về những ưu cũng như khuyết điểm của chính mình, biết cái gì là tốt cho mình, cái gì không cần thiết với mình, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì nên nghe, cái gì cần giữ vững lập trường ... chính là bước đầu của cái gọi là có CHÁNH PHÁP TRÍ. 

2. Giảng nói không biết mệt mỏi.

GIẢNG NÓI đây có 2 cách : Một là bằng ngôn ngữchữ nghĩa. Hai là bằng chính hành động và cách sống của mình. Tùy duyênsử dụng các phương thức ấy. Với người thích nghe thì nói. Với người thích tham khảo sách báo thì viết. Với người chỉ có hành động cụ thể mới có thể nhiếp hóa được họ thì dùng cách sống của mình để mà nhiếp hóa. 

Nói KHÔNG BIẾT MỆT MỎI là nói đến khi nào hết nói được thì thôi. Kiếp này hết duyên chưa kịp nói thì sang kiếp sau nói tiếp. Cứ có miệng là có nói, có tay là có viết. Nói đến khi nào thiên hạ chịu hướng thiện và làm thiện. Hướng thiện làm thiện rồi nói tiếp cho đến khi thiên hạ thành Phật. Nói không biết mệt mỏi, nói không có thời hạn … nhưng đúng lúc, đúng thời, đúng duyên và vừa đủ. Người muốn nghe mà mình nói là nhân duyên quá tốt. Nhưng người không muốn nghe mà đúng lúc cần nói thì cũng cứ nói. Tổ Ấn Quang, tông Tịnh Độ nói “Phàm người đáng nói thì dù cho đối nghịch với ta cũng phải vì người mà nói, khiến người gặp được điều lành, tránh xa điều dữ, lìa khổ được lạc”.

GIẢNG NÓI không phải vì nhiều chuyện, không phải vì tịnh không được, mà nói để mong được chút lợi ích nào đó cho mọi người, nên việc GIẢNG NÓI KHÔNG BIẾT MỆT MỎI đây chỉ được thực hiện sau khi đã có chánh pháp trí. Vì phải có chánh pháp trí thì lời nói của mình mới “không bạ đâu nói đó”. Nói theo kiểu “Cúng quýt sẽ làm cho người chết không siêu thoát được” hay “Phật tánh biết đi” là nói mà không có chánh pháp trí. Dạy người lầm nhân lộn quả như thế là dạy người trực chỉ về 3 đường dữ. Mình thê thảm mà người cũng thê thảm lây. Nói chung, chưa có chánh pháp trí thì im lặng khi nào cũng là … vàng.

3. Chẳng tiếc thân mạng để nhiếp thọ chánh pháp.

Lời nguyện thứ 3 là dù phải hy sinh thân mạng này để nhiếp thọ chánh pháp thì cũng phải hy sinh. Như đã nói, CHÁNH PHÁP là chỉ cho Đại thừa. Chính xác hơn là chỉ cho ông Phật của chính mình. NHIẾP THỌ là nhận lãnh, giữ gìn. Sống được với tâm Phật ấy chính là NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP. Muốn sống được với tâm Phật rộng lớn của mình thì phải buông đi cái tôi vị kỷ nhỏ hẹp. Không coi trọng thân bên ngoài thì cái tinh túy bên trong mới phát ra được. Nhưng nhớ, không coi trọng và giữ thân để có phương tiện tu hành là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. 

Hồi mới đến với đạo, tuy đã hành thiền nhưng cái tật hay soi gương thì tôi không bỏ. Rất thích soi gươngthân tướng không có gì đẹp đẽ. Một đêm, đang mơ mơ màng màng thì tôi nghe có người nói bên tai “Thân đó mà không để nó lụi tàn đi thì cái tinh túy bên trong không bao giờ phát được”. Suốt ngày cứ soi tới soi lui như thế là do mình yêu thích cái thân. Tu mà còn thích thân thì gặp khó sẽ nản, thấy bịnh sẽ lùi. Song không có tâm dám bỏ thân trên bồ đoàn thì cái tinh ba của chính mình không bao giờ hiển lộ. Vì thế, muốn nhiếp thọ chánh pháp thì đừng tiếc thân mạng

Tâm Phật đã hiển bày thì trí tuệtừ bi phải xuất hiện. “Nguyện hóa độ chúng sanh đến tận vi lai chẳng sót một ai khiến họ đều được vô dư niết bàn” là việc mà một vị Bồ tát phải làm để hoàn thành con đường Phật đạo của mình, để trí tuệ được viên mãn. Chánh pháp là thứ đi ngược lại với tánh dục của chúng sanh, nhiếp hóa họ về vô dư niết bàn không phải là việc làm trong một sớm một chiều, không phải là việc làm dễ dàng hay vui sướng. Rất nhiều chướng ngạigian nan. Tiếc thân mạng thì thấy khó sẽ bỏ, thấy chướng đành buông v.v… Vì thế, muốn nhiếp hóa chúng sanh thì không thể coi trọng thân này. Không trọng thân thì mới dám nói và dám làm.

Xưa đại sư Trí Khải nghe kinh Lăng Nghiêm là một bí truyền rất quí ở Ấn Độ, nên sớm chiều Sư xoay mặt về hướng tây thành lễ bái, nguyện kinh sớm được truyền bá đến nước Sư. Hơn 100 năm sau, có Sa môn Bát Thích Mật Đế mang kinh đến. Nhưng vì lệnh cấm ở Ấn Độ quá nghiêm ngặt, nên muốn mang kinh đến, Bát Thích Mật Đế đã phải xẻ thịt bắp đùi nhét kinh bằng lụa mỏng vào rồi băng lại, vượt biển mà đến đất Huệ Thành

Kinh luậnphương tiện lưu truyền của chư Phật, là thứ giúp chúng sanh nghĩ thiện và làm thiện, cũng là thứ dùng để ấn chứng cho việc tu hành. Lưu truyền kinh rộng rãi là tạo cơ hội để người hết khổ và có phương tiện nhập đạo. Nếu ngài Bát Thích Mật Đế quí thân mạng thì kinh không có điều kiện để lưu truyền rộng rãi, việc lợi ích tha nhân bị hạn chế. Vì thế, muốn nhiếp thọ chánh pháp thì không thể lẫn tiếc thân mạng

Thế Tôn nghe lời nguyện ấy xong, bèn nói với phu nhân “Như tất cả sắc đều nằm trong không giới. Cũng vậy, các nguyện nhiều như cát sông Hằng của chư Bồ tát đều nằm trong nguyện này. 3 nguyện này là chân thật quảng đại”.

Đây là lời ấn chứng của Thế Tôn, xác định chỉ cần phát 3 đại nguyện này là đủ tất cả các đại nguyện khác. Nói CHÂN THẬT vì với 3 đại nguyện ấy, Bồ tát sẽ đạt được chỗ cứu cánh viên mãn. Nói QUẢNG ĐẠI vì nó rộng lớn và bao trùm tất cả. 


Phu nhân nương thần lực của Phật nói về nghĩa quảng đại của việc nhiếp thọ chánh pháp. Qua đó nêu bày thực tướng của người nhiếp thọ chánh pháp, nhiếp thọ chánh phápchánh pháp. Hiển bày mối liên hệ mật thiết giữa nhiếp thọ chánh pháp, Đại thừaBa la mật. Dùng 6 độ Ba la mật xả bỏ thân, mạng và tài sản để hoàn thành đại nguyện nhiếp thọ chánh pháp 

Phu nhân Thắng Man lại bạch với Phật “Nay con muốn nương vào lực oai thần biện tài của Phật nói về đại nguyện. Mong Thế Tôn rủ lòng chấp thuận”. 

Phu nhân xin phép Phật giảng nói về đại nguyện. Thần lực của Phật với dụng Phật tâm của bà không khác nên nói NƯƠNG VÀO THẦN LỰC.[33] Điều bà sắp nói thuộc về phần giáo nghĩa thâm sâu, không có phần DỤNG Phật tâm này thì việc nói ấy không thể thấu đáo và không tránh được sự lầm lẫn. Nên trước mỗi phần giảng thuyết bà lại nói “Nương vào lực oai thần của Phật”. 

Phật nói với Thắng Man “Bà cứ nói tùy ý”.

Phật gật đầu chấp thuận. NÓI TÙY Ý là cứ nói theo ý của bà, muốn nói gì đó nói. 

Phu nhân Thắng Man nói “Bồ tát có các nguyện nhiều như cát sông Hằng. Tất cả đều nằm trong một đại nguyện. Đó là nhiếp thọ chánh pháp của Như Lai. Thế đó, nhiếp thọ chánh pháp chân thật quảng đại”.

Trước khi giải thuyết rộng về nghĩa ĐẠI NGUYỆN, bà thâu tóm và mở đầu “Tất cả đều nằm trong một đại nguyện. Đó là nhiếp thọ chánh pháp của Như Lai”. Nghĩa là con chỉ cần nói về nghĩa của NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁPxem như nói đủ tất cả mọi đại nguyện. Nhiếp thọ chánh pháp bao trùm hết tất cả nên bà cũng chỉ làm một việc là nhiếp thọ chánh pháp mà thôi. 

Nhiếp thọ chánh pháp có 2 phần : 

1. Sống được với Phật tâm của chính mình. 
2. Dùng bi nguyện nhiếp thọ những người hữu duyên.

Những phần bà nói sau sẽ loanh quanh trong 2 vấn đề ấy. Bà sẽ phân tích lý giải để hành giả tu hành nhận hiểu chánh pháp không sai lầm, để biết việc tu hành của hành giả đã đến đâu, tránh tình trạng biết ít cho là nhiều, chưa được mà tưởng được, khiến công phu bị đình trệ, việc tu hành thành dở dang. Bởi chí nguyện dù cao cả bao nhiêu mà đường lối không rõ ràng, những diễn biến phức tạp của tâm không nắm được, dụng thuốc không đúng bịnh thì việc thực hành theo đó sẽ đình trệ. Chí nguyện cao cả ấy cũng có ngày lụi tàn. Việc này không phải ít gặp ở người thời nay.

Phật nói “Lành thay, Thắng Man! Bà tu tập đã lâu, trí tuệ cùng phương tiện sâu xa vi diệu. Hiểu được những nghĩa mà bà đã nói phải là người đã đêm dài trồng sâu các căn lành. Nhiếp thọ chánh pháp như bà nói đó là việc mà chư Phật ở quá khứ, hiện tại, vị lai đã nói, nay nói và sẽ nói. Ta được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề cũng thường dùng mọi thứ tướng mà nói đến nhiếp thọ chánh pháp. Như vậy, xưng tán nhiếp thọ chánh pháp thì công đức có được không có bờ mé. Trí tuệ của Như Lai cũng không có bờ mé. Vì sao? Vì nhiếp thọ chánh phápđại công đức, có đại lợi ích”.

Đây là lời tán thán của Phật đối với phu nhân Thắng Man. 

TRÍ TUỆ là chỉ cho cái quả mà bà đã nhận được do công phu tu tập của mình. SÂU XA VI DIỆU vì TRÍ ấy là DỤNG của cái THỂ chân tâm mà bà đã chứng nghiệm được. Nhà thiền gọi nó là trí vô sư, là cái trí không do học hỏi thu gom từ ngoài vào mà từ trong chính bà. Các kiến giải tu chứng ấy không ngoài những gì Như Lai đã nói trong kinh. Song kinh bây giờ là thứ dùng để ấn chứng chứ không phải là thứ để học hỏi. Đây là lý do vì sao Phật nói trí ấy sâu xa vi diệu.

Những thứ trợ giúp để bà có được trí vô sư như pháp môn, công hạnh v.v... gọi là PHƯƠNG TIỆN. [34] Do biết dùng phương tiện đúng thời, trị đúng bịnh, buông đúng lúc nên nói SÂU XA VI DIỆU.

ĐÊM DÀI là chỉ cho sự miệt mài, chăm chỉ, không hề ngơi nghỉ. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Phải cùng trình độ với nhau thì mới cảm thông được nhau. Không thì như anh học lớp ba mà nghe chàng lớp sáu nói chuyện về toán học của lớp sáu. CĂN LÀNH đây không phải chỉ cho việc lành của người làm phước thiện mà chỉ cho người tu pháp Đại thừa. Cúng dường, bố thí nhiều bao nhiêu mà trí tuệ không có thì đọc kinh đọc luận như đọc thần chú. Úm lam xóa ha, Úm lam xóa ha … Đọc thì đọc rất xuông nhưng hiểu thì để dành cho chư Phật TổĐại loại là vậy.

Phật xác nhận những điều phu nhân nói : Việc mà phu nhân sắp nói chính là việc mà ba đời chư Phật đều nói. Đức Phật cũng chỉ nói về điều đó mà thôi. Nói tây, nói đông, nói kinh, nói luận, nói đủ thứ trên đời … chỉ để qui về một mối là nhiếp thọ chánh pháp, nên nói DÙNG MỌI THỨ TƯỚNG mà nói đến nhiếp thọ chánh pháp.

Nhiếp thọ chánh pháp thành công thì trí tuệ Phật hiển bày với vô vàn công đức vi diệu. Đó là lý do vì sao nói xưng tán nhiếp thọ chánh pháp thì có vô vàn công đức. Trí tuệ Như Lai không lệ thuộc trong không gianthời gian nên nói KHÔNG CÓ BỜ MÉ.

Phu nhân Thắng Man lại bạch Phật rằng “Thế Tôn! Con sẽ nương vào lực oai thần của Phật mà thuyết về nghĩa QUẢNG ĐẠI của nhiếp thọ chánh pháp”. 

Phật bảo “Bà cứ nói”.

Phật cho phép.

Thắng Man thưa “Nghĩa QUẢNG ĐẠI của nhiếp thọ chánh pháp là, vì được vô lượng tất cả Phật pháp, có thể nhiếp thâu 8 vạn hành uẩn. Thí như vào thuở kiếp sơ nổi lên các loại mây màu mưa các mưa báu. Mây thiện căn nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế, có thể mưa vô lượng mưa phước báu. 

Đây là ví dụ thứ nhất dùng để dụ cho nghĩa QUẢNG ĐẠI đầu tiên của việc nhiếp thọ chánh pháp. QUẢNG là rộng, ĐẠI là lớn. Nói về nghĩa QUẢNG ĐẠI của nhiếp thọ chánh pháp là làm rõ cái nghĩa “Vì sao nói nhiếp thọ chánh phápquảng đại, là chân thật”. 

HÀNH, chỉ cho sự dịch chuyển. UẨN, chỉ cho sự nhóm họp. HÀNH UẨN là chỉ cho tất cả mọi hiện tướng có tính dịch chuyển dời đổi, là chỉ cho pháp hữu vi.

Nói QUẢNG ĐẠI, vì nhiếp thọ được chánh pháp thì có thể sở hữu được tất cả pháp hữu vi, được vô lượng tất cả Phật pháp. Vì sao? Vì nhiếp thọ chánh pháptrở về được với tâm chân thật của chính mình, mà tâm chân thật ấy lại chính là tánh của tất cả pháp, nên nói “Được vô lượng tất cả Phật pháp …” 

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dùng hình ảnh biển lớn và hòn bọt nhỏ để ví cho sự mê muội của chúng sanh. Chúng sanh mê muội nên chỉ nhận hòn bọt nhỏ làm mình mà bỏ mất biển lớn. Nhiếp thọ chánh pháptrở lại với hình tướng biển lớn ấy. Cái rộng lớn mênh mông ấy chứa không sót thứ gì. Các thiện căn công đức của trời, người, Bồ tát v.v… đều không ngoài cái biển lớn ấy. Phước báu vô lượng nên nói MƯA VÔ LƯỢNG MƯA PHƯỚC BÁU. 

Thế Tôn! Cũng như đại thủy thuở kiếp sơ có thể sanh ra ba ngàn đại thiên giới tạng cùng bốn trăm vạn các châu lục. Nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế, xuất sanh vô lượng Đại thừa giới tạng cùng với lực thần thông của chư Bồ tát, các loại pháp môn, đầy đủ các an lạc của tất cả thế gianxuất thế gian, tất cả những gì mà trời và người chưa từng có. 

Đây là ví dụ thứ hai dùng để dụ cho nghĩa QUẢNG ĐẠI thứ hai của nhiếp thọ chánh pháp.

Thứ gì có phần hạn không xen tạp lẫn nhau gọi là GIỚI. GIỚI cũng có nghĩa là nhân, là nhân sinh ra các pháp. TẠNG có nghĩa là ẩn tàng cũng có nghĩa là tích chứa. Ngài Tuệ Sĩ ghi chú phần BA NGÀN ĐẠI THIÊN GIỚI TẠNG như sau “Vũ trụ luận trong thuyết Như Lai Tạng gọi thế giớigiới tạng. Vì mọi chủng loại đều được sản sinh từ thai tạng của Như Lai”. Theo cách giải thích đó thì TẠNG là chỉ cho Như Lai Tạng, là chỗ từ đó có GIỚI. Vậy nghĩa chính của GIỚI TẠNG nằm ở chữ GIỚI, còn TẠNG là nói về xuất xứ của cái GIỚI ấy. 

Dựa vào sự giải thích trên thì có thể tạm hiểu về ĐẠI THỪA GIỚI TẠNG như sau : Những phần hạn hoặc chủng nhân nào có liên quan đến Đại thừa, gọi là ĐẠI THỪA GIỚI TẠNG. Giới, định, tuệ, kinh, luật, luận, 18 pháp bất cộng của Đại thừa, 4 vô sở úy v.v… đều được xem là GIỚI TẠNG ĐẠI THỪA. Các thứ này nhiều vô số nên nói VÔ LƯỢNG. Những loại Đại thừa giới tạng đó đều từ Phật tâm lưu xuất. Nhiếp thọ chánh pháp chính là sống lại được với Phật tâm ấy, nên nói “Nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế, xuất sanh vô lượng giới tạng Đại thừa, cùng lực thần thông của chư Bồ tát …” 

Cũng như đại địa gánh vác 4 trọng trách. Thế nào là 4? Một là đại hải, hai là đồi núi, ba là thảo mộc, bốn là chúng sanh. Nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế. Thiện nam tửthiện nữ nhân có thể gánh vác 4 thứ trọng trách dụ như đại địa kia. Thế nào là 4? Với những kẻ không có bạn lành, không hiểu biết thường làm việc phi pháp thì dùng thiện căn của cõi trời người mà thành thục họ. Ai cầu Thanh văn thì trao cho Thanh văn thừa. Ai cầu Độc giác thì trao cho Độc giác thừa. Ai cầu Đại thừa thì trao cho Đại thừa. Đó gọi là nhiếp thọ chánh pháp.

Đây là ví dụ thứ ba dùng để dụ cho nghĩa QUẢNG ĐẠI thứ ba của nhiếp thọ chánh pháp.

4 thứ đại hải, cây cỏ, đồi núi và chúng sanh đều nương đất mà có, nên nói ĐẠI ĐỊA GÁNH VÁC 4 TRỌNG TRÁCH. Nhiếp thọ chánh pháp cũng giống như đại địa kia, là chỗ để 4 thứ nương tựa phát sinh. 4 thứ đó là thiện căn cõi trời người, Thanh văn, Duyên giácĐại thừa.

1. THIỆN CĂN CÕI TRỜI NGƯỜI, là chỉ cho phước báu của thế gianchư thiên. Giữ 5 giới, tu 10 thiện, bố thí cúng dường để cầu sự sung sướng đầy đủ ở thế gian … đều là pháp giúp ta có được loại thiện căn này. 

Giữ 5 giới, 10 giới là dùng để đối trị với các việc không hiểu biếtphi pháp. KHÔNG HIỂU BIẾT là không biết Lý Nhân Quả đang chi phối thế gian này, không biết đạo đức tối thiểu của một con ngườitrách nhiệm và bổn phận của mình đối với gia đìnhxã hội. LÀM VIỆC PHI PHÁP là làm những việc trái với đạo đức của con người như ăn trộm, ăn cướp, giết người, buôn xì ke, bán dâm v.v… 
2. THANH VĂN là chỉ cho người tu lấy quả A La Hán làm chỗ đến cuối cùng. Nương theo Lý Nhân Quả (TỨ ĐẾ) mà tu.

3. DUYÊN GIÁC là chỉ cho người tu lấy quả Bích Chi Phật làm chỗ đến cuối cùng. Nương theo Lý Nhân Duyên (THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN) mà tu. 

4. ĐẠI THỪA là tu để thành Phật. Việc hàng phục tâm được thực hành cùng với việc làm lợi ích cho tha nhân. Bi trí đầy đủ mới đạt được quả vị tối cùng.

Đáp ứng đúng nhu cầu của người thì người mới có tâm thực hành đến chỗ rốt ráo, vì thế nói “Người cầu Thanh văn thì trao cho Thanh văn thừa, người cầu … ”. Nghĩa là, tùy tánh dục và căn cơ của đối tượng mà trao pháp. Thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nhiếp thọ chánh pháp đều phải gánh 4 trọng trách này. Điều này cho thấy, dù mình tu Đại thừa chăng nữa, cũng không có nghĩa chỉ có Đại thừa mới là pháp của Phật. Tùy duyên của từng vị xuất hiện ở đời mà có vị thì chuyên dạy về thiện pháp của cõi trời người, vị thì dạy Tiểu thừa, Trung thừa, vị thì dạy Đại thừa … Nhiều hình thức sai khác như thế nhưng tất cả đều là pháp của chư Phật, không có thứ nào không phải là Phật pháp

Nói sai biệt là vì ứng với căn cơ của chúng sanh. Như người học lớp 12 thì phải có chương trình của lớp 12. Nhóc học lớp 2 thì phải dạy chương trình lớp 2. Có nhiều lớp sai khác như thế nhưng cuối cùng cũng là tốt nghiệp v.v…

Quan trọng là phải biết ứng dụng đúng duyên. Đúng duyên là trình độ nào thì phải học pháp tương ưng với trình độ ấy. Lớp 12 mà lấy chương trình lớp 2 ra dạy, rồi cho đó là lớp 12 thì không được. Chư vị thiện tri thức lên tiếng bài bác cũng vì lý do này không phải do chương trình lớp 2 hay lớp 12 không đúng. 

Tương tự, dù là tu giải thoát hay tu tà tà để làm tiên ở cõi trần thì đều là pháp của Phật. Song tu phước thì phải rõ là tu phướctu Phật thì phải rõ là tu Phật. Nói tu Phật mà chỉ lấy mỗi việc phước thiện làm chính còn việc buông bỏ vọng tâm lại bỏ mặc thì trật. Cũng như Niệm Phật. Niệm tà tà hay niệm miên mật đều được. Bởi ít nhiều là tùy mình, hưởng phước lộc thế nào cũng chỉ là mình, không ai cấm cản hay tranh cạnh gì với mình được. Nhưng Niệm Phật vài ba chữ một ngày mà nghĩ chết sẽ vãng sanh cực lạc thì đó là tưởng chứ không phải thật. Tưởng mà cho là thật, đến khi chết, không thấy mình lên cực lạc mà chui vào đâu đó rồi nghĩ mình bị gạt, nổi khùng lên thì sẽ đọa vào đường dữ như ngài Thiện Tinh lầm quả vị Tứ thiền cho là chứng A La Hán mà đọa địa ngục vậy. Dụng pháp trật nguy hiểm như thế, nên tuy đồng một đích đến mà khi còn trong duyên thì phải phân làm 4 thứ rõ ràng

Thiện tri thức xuất hiện chính là để điều chỉnh những sai trật ấy, là đang thực hiện hạnh nguyện như phu nhân Thắng Man đã nguyện ở phần hai. Đó là tấm lòng của chư vị đối với chúng sanh trong quá trình thực hiện nhiếp thọ chánh pháp của các ngài. 

Cái tội của mình là hay lầm giữa cái sai của việc ứng dụng pháp và pháp. Chư vị phê bìnhphê bình việc mình ỨNG DỤNG pháp sai, nhưng mình lại cho rằng chư vị chê PHÁP mình đang ứng dụng là sai. Pháp vốn không có tốt xấu. Theo duyên mà thành tốt xấu. Đúng duyên thì tốt, không đúng duyên thành xấu. Như việc cầu an, cầu siêu … nếu dùng nó để nhiếp hóa người, vì tâm người muốn vậy nên tạm dùng nó để nhiếp hóa rồi từ từ hướng họ về đạo vô thượng hay dạy họ Lý Nhân Quả … thì không lỗi. Song lấy việc đó làm sự nghiệp, lâu ngày sự nghiệp ấy trở thành đích đến, trở thành trụ cột của cả một hệ thống Phật pháp thì trật. Không hiểu được điều này nên trong môi trường Phật pháp hay sinh tranh cải thị phi cũng như có cái nhìn thị phi đối với chư vị thiện tri thức

Phước báu trời người, Tiểu thừa, Trung Thừa hay Đại thừa đều là pháp của Phật. Cũng đều qui về Nhất thừa. Cũng chỉ để giúp mình nhận ra tâm Phật của chính mình. Song tùy duyên mà có sai khác. Trong cái duyên là pháp Tiểu thừa thì nó chỉ là Tiểu thừa. Trong cái duyên là Đại thừa thì nó là Đại thừa. Đại thừa không thể là Tiểu thừa. Song Tiểu hay Đại thì rốt cuộc cũng chỉ là phương tiện, cũng đều phải quăng tất cả để nhập Nhất thừa. Mà nhập Nhất thừa thì không có thừa để nhập, không có thừa để nương. Vì thế Tiểu hay Đại không quan trọng. Quan trọng là nó có trị được bịnh của mình vào lúc mình đang bịnh hay không. Hết bịnh mới là quan trọng.

Tất cả pháp đều là Phật pháp nếu mình thấy đúng bản chất của nó trong cái duyên nó đang an trụ. Không nhìn đúng bản chất của sự vật thì Phật cũng thành ma.

Nắm vững được pháp của Phật và biết trao pháp đúng đắn cho người để người được lợi ích chính là mình đang thực hành nhiếp thọ chánh pháp.

Các thiện nam tửthiện nữ nhân có thể gánh vác 4 thứ trọng trách dụ như đại địa kia. Thế Tôn! Nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân kiến lập đại địa có thể gánh vác 4 thứ trọng trách. Vì tất cả chúng sanh mà làm người bạn không mời thỉnh, làm mẹ pháp ở thế gian, dùng đại bi để lợi íchthương xót loài hữu tình. Cũng như đại địa là chỗ sanh ra 4 thứ báu.

Trên là nêu ra 4 loại Phật pháp từ cạn đến sâu. Đây là vô đề để qui kết trách nhiệm. Tu Phật thì phải đảm đương 4 loại Phật pháp đó, như đất đảm đương 4 thứ đại hải, cây cỏ v.v… 

KIẾN LẬP ĐẠI ĐỊA là chỉ cho việc nhiếp thọ chánh pháp của người tu. Chính là xây dựng lại nền móng cũng như mở rộng mảnh đất tâm vốn sẵn đủ của mình. 

Thói thường ở đời thì có thích mới có mời thỉnh. Không ai đi thỉnh thứ mình không thích. Song lợi ích cho chúng sanh thì không phải chỉ có thuận hạnh mà còn cả nghịch hạnh nữa. Nghịch hạnh thì chắc chắn không ai ưa, nên nói KHÔNG MỜI THỈNH. Song dù là thuận hay nghịch thì thiện nam tử hay thiện nữ nhân ấy đều mang lại lợi ích cho chủ nhân, nên nói là BẠN. Tóm lại, KHÔNG THỈNH MỜI mang ý nghĩa : Tùy duyên mà đến để làm lợi ích cho người.

Thói thường của người đời là người thân thì thứ gì cũng cho được, còn không thân thì tính toán ngược xuôi, thấy người khổ thì thương mà thấy người vui vẻ sung sướng lại cành nanh, ghét bỏ v.v… Đã tính toán và ghét bỏ thì khó mà nhiếp hóa được người. Vì thế, muốn nhiếp hóa chúng sanh bằng xương bằng thịt thì phải có ĐẠI BI. Đại bi là lòng thương xót rộng lớn. Không phải người thân của tôi tôi mới thương, không phải nghèo đói tôi mới cho, không phải người cùng khổ tôi mới đoái hoài. Chỉ cần có duyên chớ không cần thân hay sơ, nghèo hay giàu, cùng khổ hay vui sướng … Có duyên thì tùy duyên mà làm lợi ích cho người để dẫn người về đạo vô thượng. Như người mẹ với tấm lòng rộng mở bình đẳng đối với con cái. Dạy người những điều hay lẽ phải để người có cuộc sống an vui nên gọi là mẹ pháp. 

Gánh vác 4 trọng trách thì sẽ cho ra 4 thứ đại báu. Sau sẽ nói về 4 thứ đại báu đó.

Thế nào là 4? Một là vô giá, hai là giá cao, ba là giá vừa, bốn là giá thấp. Nhiếp thọ chánh pháp cũng như thế. Thiện nam tử, thiện nữ nhân kiến lập đại địa, chúng hữu tình gặp rồi sẽ thu được 4 thứ báu rất là thù thắng trong tất cả báu. Thế nào là 4? Các chúng sanh một khi đã gặp bạn lành thì hoặc thu được thiện căn của cõi trời người, hoặc chứng Thanh văn, hoặc chứng Bích Chi Phật, hoặc được thiện căn công đức của Vô thượng thừa. Đó gọi là nhiếp thọ chánh pháp. Thiện nam tửthiện nữ nhân kiến lập đại địa, chúng hữu tình gặp rồi, liền có thể thu được 4 thứ đại báu. Thế Tôn! Xuất sanh đại báu đó gọi là chân thật nhiếp thọ chánh pháp

4 thứ báu từ giá thấp đến giá cao là chỉ cho 4 pháp đã nêu trên. Thấp nhất là phước báu cõi trời người. Cao nhất là thiện căn công đức của Vô thượng thừa. Tức chỗ tột cùng của Đại thừa, là Nhất thừa.

BẠN LÀNH là chỉ cho thiện nam tử, thiện nữ nhân kiến lập đại địa, là chỉ chung cho các vị thiện tri thức. Dù là một bậc tôn trưởng cao cả, một người đầu đường xó chợ hay một đứa con nít … Người nào giúp mình thấy được lẽ phải của cuộc sống, người đó gọi là BẠN LÀNH. 

Theo đây thì thấy, gặp được người dạy cho mình làm việc phước thiện hay tu hành là mình đang có được phước báu rất lớn. Thiền sư Thánh Nhất nói “Khi pháp bảo đến tai chính là nhờ kết quả của thiện nghiệp trong quá khứ mà ta có thể được nghe, rồi hiểu phước đức của mình và tôn kính pháp. Hạnh phúc thì vô biêncông đức thì vô lượng!”. Nhờ phước báu đã gieo trong quá khứ, mình mới nghe được những lời chỉ dạy chân tình. Nghe pháp mà đúng căn cơ trình độ của mình thì chắc ai cũng nếm qua cái mùi hạnh phúc vô biên rồi. Nhưng đó là mấy bài pháp không đụng đến ngã tướng của mình. Còn lời dạy nào đụng đến ngã tướng hay tật xấu của mình thì cái hạnh phúc kia sẽ bị bóp méo. Vì thế mình hay có khuynh hướng né xa những gì làm tổn thương đến mình. Tạo thiện nghiệp để được phước báu, nhưng khi phước báu đến tai mình lại chối bỏ. Rất là phí phạm! 

Nghe được những lời dạy làm tổn thương mình mà bình thản được với những tổn thương ấy, rồi bỏ đi các thói xấu đang vướng phải mới thật là “Hạnh phúc thì vô biêncông đức thì vô lượng!”. 

Như vậy người ban ra 4 thứ báu hay người nhận được 4 thứ báu đều là đang thực hành nhiếp thọ chánh pháp. Chỉ tùy thô tế mà có cạn sâu. Chỗ xuất sanh đại báu đó gọi là CHÂN THẬT NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP

Thế Tôn! Nói nhiếp thọ chánh pháp đó, không khác chánh pháp, không khác nhiếp thọ chánh pháp. Chánh pháp tức là nhiếp thọ chánh pháp. Thế Tôn! Không khác Ba la mật, không khác nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp tức là Ba la mật. Vì sao? 

NÓI NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP ĐÓ là nói đến “Chân thật nhiếp thọ chánh pháp” vừa nói trên. Nếu là chân thật nhiếp thọ chánh pháp thì nó không khác chánh pháp, không khác nhiếp thọ chánh pháp. Đây là muốn nói đến thực chất của 3 thứ đó, là chỉ cho cội nguồn chân thật nhất tâm, là TÁNH THỂ của vạn pháp. Cùng một cội nguồn nên chúng không khác. Do mê mà có mọi hình tướng khác nhau nên chúng không một. KHÔNG MỘT CŨNG KHÔNG KHÁC là khái niệm dùng để chỉ cho thực tánh hay thực tướng của vạn pháp như luận Trung Quán đã nêu bày.

NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP là chỉ cho hành động năng nhiếp thuộc về chủ thể. CHÁNH PHÁP là chỉ cho sở nhiếp, chính là pháp được nhiếp. Như người tu Thanh văn thừa thì nhiếp thọ chánh pháp thuộc về hành giả tu pháp Thanh văn đó. Còn pháp Thanh vănchánh pháp. Chính xác hơn, tâm năng chứng thì NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP. Cảnh giới sở chứng là CHÁNH PHÁP. Trong 3 loại đại báu đầu, ngay cả cảnh giới sở chứng của các vị Duyên giác vẫn còn trong vòng năng giác sở giác. Chỉ có hàng Bồ tát thực chứng được cội nguồn chân thật của vạn pháp thì cái chứng ấy mới không còn năng sở. Phu nhân muốn nhấn mạnh đến chỗ thực chứng đó, là phần “NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP không khác chánh pháp, không khác nhiếp thọ chánh pháp. Chánh pháp tức là nhiếp thọ chánh pháp”. Đây là mức phải đến của người tu Đại thừa, cũng là cái nhân vô sanh để có quả là niết bàn Phật. Tuy chánh pháp có đến 4 nhưng rồi cũng qui về Nhất thừa, nên gọi là chân thật nhiếp thọ chánh pháp.

Vì sao đây lập lại 2 lần NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP? Là do chủ thể năng nhiếp có 2. Tuy đều là năng nhiếp chánh pháp nhưng trong 2 thứ năng nhiếp này, một là xuất sanh 4 loại báu, một là nhận được 4 loại đại báu đó. Là năng sở của nhau, nhưng cả hai đều là năng nhiếp của một cái sở là chánh pháp. Nghĩa là, loại năng nhiếp thứ hai vừa làm nhiệm vụ năng nhiếp chánh pháp vừa làm nhiệm vụ sở nhiếp của cái năng nhiếp thứ nhất. Vì thế nói “Nhiếp thọ chánh pháp đó, không khác chánh pháp, không khác nhiếp thọ chánh pháp”. 

KHÔNG KHÁC vì cùng một THỂ mà ra. Nói TỨC là như vậy. Ngay đó nhưng có thể chính đó mà cũng có thể chưa phải là đó. Khi chưa về được cội nguồn chân thật thì vẫn còn hai còn ba. Về được rồi thì thấy không hai không ba. 

Như căn - trần - thức có chung một cội nguồn thanh tịnhnhất tâm, song do bất giác mà biến hiện ra 3 thứ căn - trần - thức. Vì 3 thứ đó có hình thức không giống nhau nên nói KHÔNG MỘT, nhưng cả ba đều không ngoài cái THỂ chân thường, nên nói KHÔNG KHÁC. 

Như nước bình thường và sóng. Hình thức của sóng khác nước nên có hai tên, nhưng cả hai đều là nước biển. Khi không có gió thì sóng chính là nước. Cái này không phải cái kia nhưng không lìa khỏi cái kia, nên nói là TỨC. Cái CÙNG chỉ cho cho cái KHÔNG KHÁC. Cái KHÁC chỉ cho cái KHÔNG MỘT. TỨC là như vậy. 

Đây chỉ tạm dùng thí dụlý luận để hiểu sơ về điều phu nhân Thắng Man muốn nói, còn chỗ năng sở dứt bặt đó - đây nói KHÔNG KHÁC hoặc TỨC - là chỗ phải tự trực chứng lấy. Cái TÁNH THỂ ấy không thể dùng tri thức đây mà diễn tả được. 

 “Không khác Ba la mật, không khác nhiếp thọ chánh pháp” là muốn nói “Nhiếp thọ chánh pháp đó, không khác Ba la mật, không khác nhiếp thọ chánh pháp”. Ý nghĩa tương tự như đã giải thích trên. 

VÌ SAO? là để giải thích phần “Nhiếp thọ chánh pháp tức là Ba la mật”. Vì sao nói nhiếp thọ chánh pháp chính là Ba la mật? Vì Ba la mật là đến bờ kia. Chân thật nhiếp thọ chánh pháp chính là cái bờ đó. Nên nói nhiếp thọ chánh pháp tức là Ba la mật

Sau là nói về 6 Ba la mật, qua đó hiển thị mặt nhiếp thọ chánh pháp liên quan thế nào đến Ba la mật

Thiện nam tử, thiện nữ nhân khi nhiếp thọ chánh pháp, nếu cần dùng BỐ THÍ để thành thục chúng sanh thì lấy bố thí để mà thành thụcCho đến xả thân thuận theo ý họ mà thành thục họ, khiến họ được an trụ trong chánh pháp, gọi là THÍ BA LA MẬT.

Hành giả khi tu hành hoặc làm lợi ích cho tha nhân đều trải qua phần bố thí này. Bố thíphương tiện để đưa ta đến bờ kia. Phương tiện thì không có tính bất di bất dịch nên nói NẾU CẦN. Cần mới dùng, không cần thì thôi. Mục đích của việc bố thí này là để THÀNH THỤC CHÚNG SANH. Tùy duyên mà việc thành thục chúng sanh có hai :

1. Thành thục chúng sanh trong tâm : Chỉ khi đến được hạng BẤT ĐỘNG ĐỊA, là hạng không còn bị trí phân biệt chi phối, ta mới chắc là mình đã hết tham và hết sân. Còn trước đó, vẫn phải coi chừng. Nếu cần thành thục những niệm tham trong tâm thì khi bố thí không cần quan tâm đến đối tượng (Như Phật bố thí vợ con chẳng hạn). Cứ thấy còn tâm hẹp hòi, bỏn xẻn, còn sự tính toán thì phải bố thí ngay để phá đi tâm chấp thủ. Đối tượng được bố thí sẽ có nhân duyên với mình sau này. 

2. Thành thục chúng sanh ngoài tâm thì việc bố thí nào thành thục được chúng sanh thì bố thí, không thành thục được thì không bố thí. Chẳng hạn cho nó tiền đi nhậu mà nhắm bảo nó bỏ rượu được thì hãy bố thí. Còn bố thí để nó thoả mãn thêm cơn nghiện, rồi đâm đầu vào xe tải thì thôi, để tiền cúng dường cho chư vị đại đức cao tăng, cầu chư Phật gia hộ khiến nó gặp được chư vị Bồ tát đủ năng lực cứu nó còn hơn. 

THÂN là chỉ cho thân thể của mình đây. Gồm có đầu, não, chân, tay v.v… XẢ THÂN là cho đi những thứ đó. Như bây giờ người ta hay đi hiến máu, cũng là một loại xả thân. Người nào xin mình một cánh tay rồi nói “Tôi nguyện sẽ tu cho đến khi thành Phật nếu được bà cho cánh tay của bà”. Nghe vậy mà mình tặng họ cánh tay liền, gọi là “Xả thân thuận theo ý họ mà thành thục họ, khiến họ được an trụ trong chánh pháp”.

XẢ THÂN còn mang ý nghĩa là làm việc hết mình cho mọi người. Như mẹ xả thân cho con hoặc người ta yêu nhau rồi xả thân vì nhau. Xả thân nói đây cũng như vậy, nhưng không phải vì yêu thương nhau mà xả thân. Hình thức thì giống mà tinh thần thì khác. Xả thân là vì con đường tối thượng của mình đòi hỏi mình phải xả thân để tiêu trừ ngã chấp. Cái xả thân đó vô tình trở thành cái duyên khiến người động lòng cùng hướng về đạo vô thượng với mình. 

Việc bố thí thành thục chúng sanh này không phải chỉ có trong một đời. Có bố thí là có gieo duyên. Có DUYÊN và có CHÁNH PHÁP TRÍ thì có ngày sẽ thành thục được người hữu duyên. Song do sự hạn hẹp vì điều kiện của người tu trong hiện tại mà có khi cần phải chọn cái trước mắt làm trước, cái chưa đủ điều kiện làm sau. Như trong kinh Niết Bàn Phật dạy, người có thể độ được trong đời này thì phải độ trước, kẻ chưa có điều kiện để đó từ từ độ sau … 

Cái khó là phải biết rõ mình trong vấn đề ấy thế nào. Việc này đòi hỏi cần có chánh pháp trí. Muốn có chánh pháp trí thì phải có công phu. Thành loại bố thí để thành thục chúng sanh trong tâm rất cần thiết với mình. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. 

Phần Ba la mật dùng để thành thục chúng sanh này đặt nặng ở việc thành thục chúng sanh ngoài tâm. Thành thục chúng sanh ngoài tâm nhưng chính là để thành thục chúng sanh trong tâm. Đây là giai đoạn lấy đại bi để viên mãn đại trí

Như nói thế giới này như huyễn. Nhưng đối duyên cần cho thân này để thành thục chúng sanh, mình chưa dám cho, thì cái như huyễn mình biết được đó chỉ mới trên mồm mép lý thuyết chứ thực tế thì chưa có gì như huyễn đối với mình. Nghĩa là, LÝ và SỰ của mình chưa hòa hợp viên dung. LÝ SỰ chưa viên dung thì cảnh giới SỰ SỰ VÔ NGẠI của chư Phật còn cách rất xa. Cho nên, giai đoạn dùng bi nguyện để thành thục chúng sanh đây chính là giai đoạn để người tu thực hiện phần LÝ SỰ VIÊN DUNG của mình. Vì thế phần bố thí đây gọi là BỐ THÍ BA LA MẬT. Bố thí mà đến được bờ kia.

CHÁNH PHÁP nói đây bao gồm 4 loại pháp người, trời, Thanh văn … Vì thế đi trên những con đường đó gọi là AN TRỤ CHÁNH PHÁP. Thiền sư Ryokan nghe tin người cháu trai của ông phá tán tiền bạc sự nghiệp vào những chỗ ăn chơi trác tán. Ông trở về, người cháu vui mừng mời chú ở lại một đêm. Ryokan thiền định suốt đêm. Sáng hôm sau ông cột lại dây giày trước khi đi, nhưng vì run tay ông không làm được việc đó. Người cháu cúi xuống giúp chú làm tiếp công việc còn lại. Ông nói “Cám ơn con. Con người ai rồi cũng già và yếu dần. Con hãy bảo trọng lấy mình!”. Rồi ông từ giã cháu ra đi mà không hề có một lời nào về sự chơi bời phá tán của cháu. Nhưng kể từ sáng hôm đó, người cháu không còn đốt tiền vào những trò vô bổ nữa. Giúp người trở lại con đường chánh như vậy là một dạng của việc “Khiến người AN TRỤ TRONG CHÁNH PHÁP”.

Nếu cần dùng GIỚI để thành thục chúng sanh thì thủ hộ 6 căn, tịnh thân, khẩu, ý cho đến tất cả mọi oai nghi. Tùy thuận ý họ mà thành thục họ, khiến họ có thể an trụ trong chánh pháp, gọi là GIỚI BA LA MẬT.

GIỚI là phần quan trọng không chỉ cho Tăng Ni mà còn cả cư sĩ nữa. Hiện nay nó chính là thứ đánh giá đạo hạnh của ngươi tu. Như bây giờ Phật tử mình đi cúng dường thì đương nhiên phải cúng dường cho chư Tăng Ni thanh tịnh. Thanh tịnh ở tâm thì mình khó biết, nhưng tối thiểu phải có cái thanh tịnh ở thân. Mình không thể cúng dường cho một vị Tăng đang có vợ, uống rượu bia, hút thuốc lá hay suốt ngày cắm đầu vào phim sex. Vì sao? Vì đạo Phật là đạo bỏ đi những tham dục của người đời. Mình cúng dườngtôn trọng chư vị cũng vì chư vị làm những cái mà mình không làm được. Do ý muốn của chúng sanh như vậy nên chí ít chư vị phải trang bị đầy đủ những thứ đó, để chúng sanh có chỗ nương tựa tôn kính, thích đến chùa cúng dường, lễ bái Tam Bảo, nghe pháp và đủ lòng tinthực hành pháp đã nghe. Đó là “Tùy thuận ý họ để thành thục họ”. 

Không vợ con, rượu bia, thuốc lá, không xem phim v.v… là THỦ HỘ CÁC CĂN mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thủ hộ được những thứ đó không chỉ ở mức độ thô mà còn tế hơn nữa, gọi là TỊNH THÂN, KHẨU, Ý. 

Song phải nhớ, hình thức GIỚI cũng chỉ là phương tiện. Nó không mang tính bất di bất dịch. Vì có phá giới mà cần có giới để ngăn ngừa. Vì tâm còn nhiễu loạn nên phải dùng giới để nhiếp. Vì thành thục chúng sanh mà giới được lập bày. Nó chỉ là pháp Nhân Duyên. Trong cái duyên như thế thì nó như thế chứ nó không phải là chân lý để làm chuẩn cho tất cả mọi pháp ở thế gian mà khi nào hình tướng ấy cũng phải như vậy. 

Nếu cần dùng NHẪN để thành thục chúng sanh thì với người hay chữi mắng, hủy nhục, phỉ báng, nhiễu loạn thì dùng tâm không tức giận và nhẫn lực tối thượng của tâm lợi ích, cho đến sắc mặt cũng không đổi khác, tùy thuận ý họ mà thành thục họ, khiến họ an trụ trong chánh pháp, gọi là NHẪN BA LA MẬT

Tật chúng sanh của mình là hễ người đụng đến mình là mình trả đũa lại liền cho ngang cơ với người. Đây phu nhân Thắng Man khuyên, thiện nam tử thiện nữ nhân nào đang thực hiện nhiếp thọ chánh pháp thì phải bỏ đi cái tật hay trả đũa. Phải dùng tâm không tức giận và lực tối thượng của tâm lợi ích mà nhiếp hóa người hữu duyên. Trả đũa thì cứ đũa trả hoài. Hiềm khích thêm nhiều chứ chẳng thể nhiếp hóa được ai. 

Sắc mặt không đổi khác nói đây là nói lên tình trạng bất động của người tu. Bất động nghĩa là không tức giận không buồn phiền với sự phỉ báng, chửi mắng đó. Bất động vì có sự thông cảm, hiểu biết, vì lòng bi rộng lớn, không phải bất động theo kiểu “làm cho lại gan” khiến người thêm tức tối, sân giận.

Việc tu hành cũng như việc ngoài đời, một khi mình đã có một mục đích hay một lý tưởng để đeo đuổi, thì với giá nào mình cũng làm để đạt được mục đích đó. Nếu lý tưởng của mình là làm tất cả vì lợi ích của người thì cái lý tưởng ấy chính là NHẪN LỰC TỐI THƯỢNG của tâm lợi ích. Gọi là NHẪN LỰC vì cái lực ấy do tùy thuận theo ý người mà có. Nó chính là động lực để mình dẹp mọi tức giận, bất động trước mọi khó khăn mà chỉ biết đến mục đích duy nhất của mình : Vì lợi ích của người, vì con đường tối thượng của mình. Mình sẽ làm tất cả những gì khiến mục đích của mình thành công. Dù phải thí xả cả thân mạng để thành công mình còn phải làm, huống chỉ vài lời phỉ báng, hủy nhục? Thuận người mà cũng chính là thuận mình nên tuy NHẪN mà không có gì để nhẫn. Gọi là NHẪN BA LA MẬT.

Nếu cần dùng TINH TẤN để thành thục chúng sanh thì với chúng sanh đó, chẳng khởi tâm giải đãi hèn kém mà phải khởi cái tinh tấn bậc nhất của đại lạc dục, với 4 oai nghi thì thuận theo ý họ mà thành thục họ, khiến họ an trụ được trong chánh pháp, gọi là TINH TẤN BA LA MẬT.

CẦN DÙNG TINH TẤN là chỉ cho những chúng sanh lấy sự tinh tấn của người làm mẫu lý tưởng của mình. Như người thích thiện tri thức của mình phải ngồi thiền 3 cử một ngày thì hình tướng siêng năng ấy được lập bày, không thể lấy hình tướng nằm dài ngủ ngày ngủ đêm như tích của một vị thiền sư mà khuyến dụ được họ. Còn với người mà hình tướng không quan trọng, chỉ cần sự tinh tấn ở tâm mình thì dùng cái tinh tấn ở tâm mà nhiếp hóa họ. Người thích tụng kinh sám hối ba thời phải đủ, thì hình thức sám hối ba thời được lập bày v.v… Nói chung, mọi hình tướng tinh tấn được lập bày là vì thuận ý chúng sanh để nhiếp hóa họ, nên nói VỚI 4 OAI NGHI ... Còn bản thân những tướng đó không có thứ gì là chuẩn mực nhất định để mọi người phải giữ chặt. Duyên khởi là như vậy. 

ĐẠI LẠC DỤC là chỉ cho cái dục hướng thượng, là chỉ cho ý muốn cầu Phật đạo và làm lợi ích cho tha nhân … Cái DỤC ấy không mang đến sự đau khổmang đến sự an vui to lớn, bởi nó mang tính vị tha, không mang tính vị kỷ. Vị tha thì tùy thuận được với cội nguồn chân thật nhất tâm. Cội nguồn ấy vốn thường, lạc, ngã, tịnh nên cái DỤC ấy mang tính ĐẠI LẠC

Nếu cần dùng TỊNH LỰ để thành thục chúng sanh thì với chúng sanh đó, dùng tâm không tán loạn để thành tựu chánh niệm, những việc từng làm không bao giờ quên mất, thuận theo ý họ mà thành thục họ, khiến họ an trụ trong chánh pháp, gọi là TỊNH LỰ BA LA MẬT

TỊNH LỰ là chỉ cho thiền định. Đối cảnh mà không để cho ngoại vật làm lay động thì tâm không thể tán loạn. Đó là thành tựu chánh niệm. Có chánh niệm thì việc nào ra việc đó rõ ràng không hề lầm lẫn. KHÔNG QUÊN MẤT không phải là cái nhớ của ý thức, không muốn nhớ cũng cứ nhớ, mà là cái nhớ của chánh niệm. Như người thầy thuốc dùng thuốc trong hộc. Cần thì có thuốc, không cần thì thuốc được cất kỹ trong hộc. Kinh Hoa Nghiêm nói “Tổng Trì Đại Quang Minh ThânVương được môn Đà La Ni Quang Minh Giải Thoát ghi nhớ tất cả pháp không quên mất”. 

Nếu cần dùng TRÍ TUỆ để thành thục, thì đối với chúng sanh nào vì lợi ích mà hỏi các pháp nghĩa thì dùng tâm không nhàm mỏi, vì họ diễn nói tất cả các luận, tất cả minh xứ cho đến mọi thứ công xảo, khiến họ được chỗ tận cùng, tùy thuận ý họ mà thành thục họ khiến họ an trụ trong chánh pháp, gọi là TRÍ TUỆ BA LA MẬT.

TRÍ TUỆ là chỉ cho trí Bát Nhã. Nó là dụng của Phật tâm sẵn có trong mỗi chúng sanh, do vô minh mà mình không thể sử dụng được nó. Những lời phu nhân đang nói đây cũng xuất phát từ loại trí ấy. PHÁP NGHĨA là nghĩa lý của kinh luận hoặc những hiểu biết trong cuộc sống có liên quan đến chánh pháp.

MINH XỨ là chỉ cho 5 minh. CÔNG XẢO MINH là một trong 5 minh đó. Nó chuyên về những thứ như kỹ thuật, công nghệ thế gian, văn tự toán số, thơ ca, ấn loát, các sách luận về địa, thủy, hỏa, phong v.v… Dùng các thứ này là để diễn nói cho người chứ không phải học những thứ đó mà thành Phật được. Vì sao diễn nói cho người? Vì người muốn như thế nên mình phải mượn những thứ đó để thu phục lòng người. Những thứ như công nghệ kỹ thuật thế gian là những thứ giúp người có phương tiện sống ở đời, nó thuộc mặt vật chất. Những thứ còn lại là vì theo tánh dục của người, thuộc về mặt tâm linh. Như người mê bói toán tử vi thì chỉ có tử vi bói toán mới khiến họ quan tâm. Mình phải giỏi mấy thứ đó mới có thể làm người tin tưởng và gần gũi mình. Có tin tưởng gần gũi, mới nhiếp hóa người về chánh pháp được.

Tử vi, bói toán hay sách luận địa, thủy v.v… bản thân nó không có lỗi, cũng không phải là tà pháp hay chánh pháp. Nó trở thành tà hay chánh, lỗi hay không lỗi là tùy duyên. Duyên ở đây là người sử dụng nó. Nếu mình sử dụng nó mà không nhìn đúng bản chất của nó thì nó thành lỗi. Còn sử dụng nó mà biết rõ bản chất của nó, dùng nó như một loại phương tiện tạm thời thì nó không lỗi. Vì thế, khi chưa có trí tuệ Phật thì rất cần phân rõ chánh tà, khi đã có trí tuệ thì tất cả pháp đều là Phật pháp.

Như số tử vi. Cái quyết định tốt hay xấu của một con người là những vì sao được ghi trong đó. Khi ta thấy những vì sao đó là thứ quyết định vận mạng của mình rồi cúng sao giải hạn để thoát khỏi tai ương, mà bỏ qua mặt đạo đức phước thiện trong hiện tại thì lúc đó tử vi trở thành tà pháp. Kiểu đó chính là mê tín dị đoan. Vì sao là tà pháp? Vì mình nhìn không đúng bản chất của nó. Nó khiến mình lầm nhân lộn quả. Lầm nhân lộn quả thì sẽ đọa vào 3 đường dữ, nên gọi là tà pháp.

Nếu biết những vì sao trong tử vi chỉ là những thứ đại diện cho một thói quen. Phật gọi là nghiệp tập. Những nghiệp tập trong quá khứ đã khiến mình có cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ trong hiện tại, được thể hiện qua sự kết hợp giữa những vì sao, mà cung phúc đức là thứ quyết định rất lớn, thì lúc ấy tử vi không phải là tà pháp. Vì sao nó không phải là tà pháp? Vì mình nhìn đúng bản chất của nó. Cái quyết định hạnh phúcđau khổ của con người không phải là những vì sao mà chính là những nghiệp tập của chính mình. Vì thế tử vi không phải là thứ quyết định vận mệnh của mình. Nó chỉ là thứ giúp mình nhận rõ những thói quen tốt và xấu trong mình. Loại bỏ chúng đi hay khuếch trương chúng lên để cuộc sống của mình được hạnh phúc vui vẻ. Ngoại trừ loại định nghiệp thì mình phải chịu, còn lại đều có thể thay đổi bằng hành viý nghĩ thiện của chính mình. Thấy đúng bản chất của nó như vậy thì nó không còn là tà pháp

Như sao Địa kiếp ấn định cho tánh ích kỷ, nóng nảy. Gọi là tánh vì cái nóng nảy ấy đã thành thói quen. Phật gọi là tập nghiệp. Ai có loại sao đó trong bản mệnh thì tánh tình hay nóng nảy ích kỷ và thường gặp nhiều chuyện không hay. Dù nó kết hợp đúng bộ với các sao Thiên tướng v.v… thì nó vẫn tiềm ẩn mối nguy hại. Điều này không có gì thắc mắc. Ích kỷnóng nảy thì đưa đến kết quả gì ở cuộc sống này? Không được gì hết ngoài bịnh hoạn, đau khổtiềm ẩn tai ương. Muốn không bị ảnh hưởng bởi cái xấu của nó thì mình phải quăng nó ra khỏi bản mệnh của mình. Nghĩa là, mình phải làm chủ được tánh nóng giận và mở lòng với mọi người. Nói chung là xem xét vào chính bản thân mình để bỏ đi các tập nghiệp xấu, khuyếch trương những tập nghiệp tốt. 

Sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng không phải cuộc đời nào cũng giống nhau. Là bởi còn tùy cái duyên phúc đức trong hiện đời. Lại còn tùy vào sự cảm ứng của ông Thầy với chủ nhân. Phải thầy dõm thì coi như xong. Cho nên, đặt niềm tin vào những thứ tương đối thì chỉ bấp bênh và khổ não. Không bằng cứ sống thiện và làm thiện, để ý gì đến những thứ ấy cho phiền phức.

Khiến họ được CHỖ TẬN CÙNG là giúp họ đạt được chỗ thâm diệu của môn công xảo cũng như nhận ra đúng bản chất của môn công xảo đó. Có gì không ngoài tâm mà phải bận tâm theo những hình thức đó? Theo tánh dục của tha nhân mà giúp tha nhân không lầm lẫn nhân quảthế gian, là giúp họ thành tựu an trụ trong chánh pháp

Phần học pháp thế gian này, đến phần trí tuệ Ba la mật mới đề cập đến, vì nó đòi hỏi người tu phải có trí tuệ. Có trí tuệ thì dùng pháp mới không lầm lẫn. Không thì dụng pháp nhiếp hóa tha nhân một thời gian mình thành thầy bói lúc nào không hay, còn không thì lang thang đâu đó rồi quên mất đường về. Đó là dụng pháp nhiếp hóa người mà bị pháp nhiếp hóa mình. 

Phải có cái trí nhận rõ được bản chất của sự vật thì mới không bị chúng kéo lôi. Thứ gì cũng chỉ là phương tiện, như huyễn như hóa, không có gì ngoài tâm. Chưa có trí tuệ mà dính vào mấy thứ này sớm thì sẽ bị ma Ba Tuần dẫn đường. Việc này hiện nay không phải là không có. Đây là do dụng pháp mà không biết đến căn cơ trình độ của mình. Nghe Phật dạy học tập ngũ minh là cắm đầu vào học mà không xem lại căn cơ của mình thế nào, không xem kỹ Phật dạy khi nào mới học mấy thứ đó. Vào thế giới nhân duyên mà khi hành xử, lại bỏ mất mặt nhân duyên của pháp nên đường tu có khi thành lỡ dở. 

Cho nên, bạch Thế Tôn! Không khác Ba la mật, không khác nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp tức là Ba la mật”.

Đây là lời tổng kết của phu nhân Thắng Man sau khi nói về 6 Ba la mật. Trên nói về nhiếp thọ chánh pháp không khác Ba la mật. Rồi hỏi “Vì sao?” để giải thích. Giải thích xong, đây kết luận lại một lần nữa.

Phu nhân lại bạch Phật rằng “Con nay lại nương vào lực oai thần biện tài của Phật nói về nghĩa ĐẠI”.

Phật hỏi “Thế nào là nghĩa ĐẠI?”.

Trên đã giải thích về cái quảng đại của nhiếp thọ chánh pháp. Đây sẽ giải thích vì sao nói nhiếp thọ chánh pháp là ĐẠI. 

Phu nhân thưa “Người nhiếp thọ chánh pháp không khác nhiếp thọ chánh pháp, không khác người nhiếp thọ chánh pháp. Thiện nam tửthiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp chính là nhiếp thọ chánh pháp ...

Trên nói về việc NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁPø và CHÁNH PHÁP. Đây nói về NGƯỜI NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP và việc NHIẾP THỌ CHÁNH PHÁP. Chúng không một cũng không khác. KHÔNG MỘT vì người nhiếp thọ chánh pháp không phải là hành động nhiếp thọ chánh pháp. Nhưng không có hành động nhiếp thọ chánh pháp đó thì không có người nhiếp thọ chánh pháp nên chúng KHÔNG KHÁC. Kiểu lập luận này y hệt kiểu lập luận về NGƯỜI ĐI và SỰ KIỆN ĐI trong luận Trung Quán. KHÔNG MỘT CŨNG KHÔNG KHÁC là muốn nói đến thực tánh hay thực tướng của vạn pháp, là chỉ cho cội nguồn chân thật nhất tâm. Ngay cội nguồn đó chủ thể và hành động chỉ đồng là biển tánh chân như, nên nói “Thiện nam tử hay thiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp cũng chính là nhiếp thọ chánh pháp”. Đây là lúc bỏ được hòn bọt nhỏ trở về với biển cả mêng mông. ĐẠI là như vậy. Điều này sẽ được nói rõ ở phần sau. 

Vì sao? Là để giải thích.

Thiện nam tửthiện nữ nhân nhiếp thọ chánh pháp, vì chánh pháp mà xả bỏ thân, mạng, tài sản. Vì XẢ BỎ THÂN nên chứng được hậu tế của sanh tử, không còn bệnh lão, được pháp thân Như Lai bất tư nghì thường trụ, bất hoại, không có đổi khác, rốt ráo tịch diệt. Vì XẢ BỎ MẠNG nên chứng được hậu tế của sanh tử, không còn tử, được cái vô biên thường trụ, thành tựu các thiện công đức chẳng thể nghĩ bàn, an trụ trong tất cả Phật pháp thần biến. Vì XẢ BỎ TÀI SẢN nên chứng được hậu tế của sanh tử, siêu vượt loài hữu tình, được quả báo viên mãn không giảm cũng không cùng, đầy đủ công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho chúng sanh tôn trọng cúng dường. Thế Tôn! Thiện nam tửthiện nữ nhân nào chịu xả bỏ thân mạngtài sản để nhiếp thọ chánh pháp, sẽ được chư Như Lai thọ ký.

Hậu tếtiền tế là nói đến chỗ sanh khởichấm dứt của sanh tử. Thấy được hậu tế của sanh tử là thấy được bản chất thật của sanh tử, tức thấy được cội nguồn chân thật của sanh tử. Nhận ra được cội nguồn của sanh tử là được pháp thân Như Lai. Được pháp thân Như Lai thì nhận ra được tính huyễn mộng của sanh tử. “Sanh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ” nên nói không còn lão, bệnh, tử. Lão, bệnh, tử chỉ là thứ huyễn hóa không thật, chỉ vì lợi ích của chúng sanhhóa hiện lão, bệnh, tử như ngài Duy Ma Cật nói “Vì chúng sanh bệnh nên ta bệnh”.

Câu cuối là điều kiện để được Như Lai thọ ký. Tu là để hết khổ, để được đầy đủ mọi thứ như ý nguyện, nhưng đây nói “Xả bỏ thân, mạng và tài sản”. Cho nên, chỉ có chí nguyện của chư vị Bồ tát mới có phần. 

MẠNG không khác THÂN, nhưng thường mình chỉ nghe nói mạng sống chứ không nghe nói thân sống. Thành XẢ THÂN thì còn thở được chứ XẢ MẠNG thì coi như hết đời. Đó là luận về hình thức cho vui. Thật ra 3 hình thức xả thân, mạng, tài sản này không chỉ nằm trên hình thức bên ngoài. Nó mang ý nghĩa thâm sâu hơn nhiều. Bởi nếu chỉ có những hình thức đó mà thoát được sanh tử và thấy được pháp thân thì mấy chàng cảm tử Irad đều thành Phật hết. Song muốn thành Phật thì dòng vọng tưởng phải hết. Nói cách khác, ngũ ấm phải GIAI KHÔNG mới thành Phật được chứ không chỉ có tan thân nát mạng thôi mà được thành Phật

Nói xả tài sản, xả thân, xả mạng là muốn nói đến phần buông xả bên trong của mình. Làm như vậy là để PHÁ ĐI TÂM CHẤP ĐẮM, đưa tâm về lại chỗ vô trụ của nó.

Thiền định thật giỏi mà không có phần bố thí tài sản làm lợi ích chúng sanh thì sẽ như vị La Hán đệ tử của ngài Mục Kiền Liên, chứng quả rồi nhưng chết đói. Nhờ việc bố thí này mà được “Đầy đủ công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho chúng sanh tôn trọng cúng dường”. Ngoài ra, trừ một số người coi thân mạng không bằng tài sản, thà chết chứ không chịu mất của, thì phần lớn, muốn xả đến thân mạng phải xả tài sản trước. Tài sản là thứ ngoài thân, ngoài thân mà không dám xả, làm sao xả được những thứ thuộc thân. Trong cả 2 trường hợp, việc thí xả tài sản không kém quan trọng so với việc thí xả 2 thứ kia. Vì lẽ đó, ngoài xả thân mạng đây còn nêu cả việc bố thí tài sản.

XẢ THÂN, như đã nói, là hết lòng làm lợi ích cho mọi người để cùng họ hướng về Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác

MẠNG nói đây là muốn nói đến tướng thọ mạng trong kinh Viên Giác. XẢ MẠNG là vượt qua trạng thái thanh lương sáng chiếu mà nhiều người đã lầm tưởng là chỗ giác ngộ rốt ráo và dừng trụ luôn ở đó. Thật ra, nó chỉ mới là bờ mé của thức ấm, là cội nguồn của 2 thứ sanh tử. Phần này sẽ được giải thích rõ trong phần 4 tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng dưới. 

Thế Tôn! Các vị thiện nam tửthiện nữ nhân, khi chánh pháp muốn diệt, có các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di cùng nhau kết bè kết đảng khởi nhiều tranh tụng thì vì tâm không dua nịnh, không lừa dối, ưa thích chánh pháp, nhiếp thọ chánh pháp nên các vị nhập vào nhóm bạn lành. Người thuộc nhóm bạn lành thì nhất định được chư Phật thọ ký. Thế Tôn! Con thấy nhiếp thọ chánh phápđại lực ấy. Như Lai lấy đó làm con mắt, làm pháp căn bản, làm pháp dẫn đạo, làm pháp thông đạt. 

Chánh pháp muốn diệt là nói đến thời chánh pháp không còn hưng thịnh. Trong giáo đoàn Tăng NiPhật tử đã xuất hiện những thành phần bê bối, giới luật không nghiêm, dùng chùa chiền Phật pháp làm chỗ kiếm ăn thay vì xả bỏ thân mạng tài sản như Phật đã dạy. Đã có tư lợi riêng tư thì phải có thị phi, bè phái, mất đoàn kết. 

Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di là hai phái nam nữ thuộc xuất giatại gia, gọp chung thành 4 hạng. Chư vị là những người nắm giữ mạng mạch của Phật pháp. Nếu chư vị lấy lý tưởng cao cả làm ngọn đuốc dẫn đường cho mình thì chánh pháp vững mạnh. Nếu chư vị lấy ý riêng và danh lợi làm chỗ đến thì Phật pháp lụi tàn. 

BẠN LÀNH là muốn nói đến những vị không vì danh lợitham gia, tranh tụng, đấu tranh, kiện cáo làm Phật pháp rối nùi, khiến Phật tử mất lòng tin đối với Phật pháp. Những người ưa thích chánh pháp, nhiếp thọ chánh pháp là những người đặt lợi ích của mọi người trên lợi ích của mình. Đã đặt lợi ích của người trên lợi ích của mình thì không bao giờ để những cái vừa lòng hay không vừa lòng của mình làm ảnh hưởng đến Phật pháp. Vì Phật phápxả bỏ thân mạngtài sản, huống chỉ vài ý tưởng riêng tư? Đây là những người được chư Phật thọ ký, được chư Phật hộ trì, là những người nắm giữ mạng mạch của Phật pháp.

 Nhiếp thọ chánh phápĐẠI LỰC ẤY là nói đến cái lực khiến hành giả không dính đến việc tranh cải, thị phi, bè phái. Không tranh cải, đấu tranh không có nghĩa là im lặng để tà pháp ngự trị thế gian. Cũng như không khuất phục cái xấu, không để cái tà làm lủng đoạn chánh pháp không có nghĩa là phải dành giựt, đấu tranh làm Phật pháp rối bời. Nếu là bậc Tôn trưởng có chánh pháp trí thì tà pháp sẽ biến thành lực trợ duyên cho chánh pháp hiển lộ. Cho nên, quan trọng vẫn là nhiếp thọ chánh pháp. Vì thế nói “Như Lai lấy đó làm con mắt, làm pháp căn bản, làm pháp dẫn đạo, làm pháp thông đạt”. Nhiếp thọ chánh pháp thì có chánh pháp trí. Có chánh pháp trí thì không lầm lẫn nên nói LÀM CON MẮT. Đó là nền tảng cho việc tu hành cũng như việc lợi ích cho tha nhân nên nói làm PHÁP CĂN BẢN, làm PHÁP DẪN ĐẠO. Có chánh pháp trí thì mọi việc thông suốt vô ngại nên nói làm PHÁP THÔNG ĐẠT.

Thế Tôn nghe phu nhân Thắng Man nói nhiếp thọ chánh pháp có đại oai lực thì khen rằng “Đúng vậy! Đúng vậy! Lành thay, Thắng man! Đúng như bà đã nói, nhiếp thọ chánh pháp có lực oai đức lớn. Như đại lực sĩ chạm nhẹ vào tử huyệt thì rất đau đớn và càng tăng trọng bịnh. Cũng vậy, này Thắng Man! Nếu chỉ nhiếp thọ chánh pháp ít phần thôi sẽ làm cho ma Ba Tuần thống thiết, sầu não, buồn khóc, than thở. Cũng vậy, này Thắng Man! Ta thường thấy không có một pháp thiện nào khiến ma Ba Tuần sầu não giống như nhiếp thọ chánh pháp dù chỉ ít phần.

Đây là nói về tác dụng của việc xả bỏ thân mạngtài sản để nhiếp thọ chánh pháp. ĐẠI LỰC SĨ là chỉ cho người có sức mạnh. “Như đại lực sĩ chỉ chạm nhẹ vào tử huyệt là đã sanh đau đớn và tăng trọng bịnh”. Tử huyệt đây không biết là tử huyệt của lực sĩ hay tử huyệt của người khác. Nhưng dù là tử huyệt của ai thì cũng đều nói lên năng lực công đức của nhiếp thọ chánh pháp. Nếu mình chịu xả bỏ thân mạngtài sản để nhiếp thọ chánh pháp, dù chỉ ít phần thôi, cũng làm cho ma Ba Tuần đau đớn khổ sở. Ma Ba Tuần là chỉ cho những vô minh hoặc nghiệp chướng ngại trong chính bản thân mình. Chỉ có chân thật nhiếp thọ chánh pháp mới làm ma Ba Tuần sợ hãi, mới hàng phục tối cùng những vô minh vi tế của bản thân

Này Thắng Man! Thí như trâu chúa hình sắc đoan chánh, thân lượng đặc thù, hơn hẳn các trâu khác. Cũng vậy, này Thắng Man! Người tu Đại thừa, nếu nhiếp thọ chánh pháp ít phần thôi cũng có thể hơn hẳn tất cả thiện pháp của Thanh vănĐộc giác. Này Thắng Man! Như vua của mọi núi là Tu Di, cao lớn hùng vĩ hơn hẳn các núi khác. Cũng vậy, này Thắng Man! Người mới thú hướng Đại thừa, dùng tâm nhiêu ích chẳng tiếc thân mạng nhiếp thọ chánh pháp thì có thể vượt hẳn người trụ lâu trong thiện căn Đại thừa mà tiếc thân mạng. Cho nên, này Thắng Man! Bà phải dùng nhiếp thọ chánh pháp mà khai thị giáo hóa cho tất cả chúng sanh. Như thế, nhiếp thọ chánh pháp được đại phước lợi và đại quả báo.

Đây là dùng ví dụ để hiển bày oai đức của việc xả bỏ thân mạngnhiếp thọ chánh pháp. Việc này cũng giống như đi cứu người bị nạn sông nước. Người tiếc thân mạng thì không thể nào bương chải cứu người như người chẳng tiếc thân mạng, chỉ nghĩ đến việc cứu người. 

Tiếc thân mạng tài sản vì còn thấy những thứ đó là thật. Thấy thật vì chưa có được loại chánh pháp trí thâm sâu, chưa thấy được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Còn người dám xả bỏ thân mạng tài sản để nhiếp thọ chánh pháp là người đã nắm vững lý duy tâm, chánh pháp trí đã vững vàng. Đây là lý do vì sao nói người tuy mới bước vào Đại thừa mà dám xả bỏ thân mạng tài sản để nhiếp thọ chánh pháp thì hơn hẳn người tuy trụ lâu trong thiện căn Đại thừa mà lẫn tiếc thân mạng. Đó là nói về người cùng tu Đại thừa. Với Thanh vănDuyên giác thì công đức còn hơn hẳn. 

Đại thừa có oai lực lớn như vậy nên Phật bảo phu nhân Thắng Man nên dùng Đại thừa để khai thị giáo hóa mọi người.

Này Thắng Man! Ta trong vô số a tăng kỳ kiếp, xưng tán nhiếp thọ chánh pháp có các công đức như thế không hề thôi nghỉ.[35] Cho nên, nhiếp thọ chánh pháp thành tựu như vậy vô lượng công đức. Nay bà nên nói lại việc nhiếp thọ chánh pháp mà ta đã nói, đều là chỗ ưa thích của tất cả chư Phật”.

Đây, đức Phật kết luận về công đức nhiếp thọ chánh pháp, đồng thời khuyên phu nhân Thắng Man lặp lại những gì mà chư Phật đã nói về nhiếp thọ chánh pháp.

Thắng Man bạch Phật “Lành thay, bạch Thế Tôn! Nhiếp thọ chánh pháp gọi là Đại thừa. Vì sao? Vì Đại thừa xuất sanh tất cả Thanh văn, Độc giác, cùng các thiện pháp của thế và xuất thế gian. Như ao A Nậu Đạt chia làm 8 sông lớn. Cũng vậy, Đại thừa xuất sanh tất cả Thanh văn, Độc giác, cùng các thiện pháp của thế gianxuất thế gian. Cũng như tất cả hạt giống, thảo mộc, rừng cây đều nương nơi đại địa mà được sanh trưởng. Cũng vậy, tất cả Thanh văn, Độc giác, cùng các thiện pháp của thế gianxuất thế gian đều nương nơi Đại thừa mà sanh trưởng. Cho nên, bạch Thế Tôn! Trụ nơi Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa là trụ nơi nhiếp thọ Thanh văn, Độc giác cùng các thiện pháp của thế gianxuất thế gian

Trên, phân bày chánh pháp có đến 4 thứ là thiện căn cõi trời, người, Thanh văn, Duyên giácVô thượng thừa. Đây phu nhân nói thẳng “Nhiếp thọ chánh pháp gọi là Đại thừa”. Vì sao? Vì nhiếp thọ Đại thừa thì đầy đủ luôn 3 thừa dưới mà chỗ thâm sâu tối cùng của Đại thừa chính là Vô thượng thừa. Vì thế, thay vì nói 4 thứ, đây chỉ thẳng Đại thừa. Nghĩa là, tu thẳng vào Đại thừa thì đủ cả 3 thừa kia mà tương lai sẽ đủ luôn 4 thừa. Đây là nghĩa ĐẠI của việc nhiếp thọ Đại thừa.

Ngoài ra, tu hành là cả một quá trình dài đăng đẳng từ tiền kiếp đến vị lai, tu thẳng được vào Đại thừaquá khứ đã từng tu tập phước đức của cõi trời, người, Thanh văn, Độc giácĐại thừa. Vì thế nói “Trụ nơi Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa là trụ nơi nhiếp thọ Thanh văn, Độc giác cùng các thiện pháp của thế gianxuất thế gian”. Như người học thẳng vào lớp 12 thì chương trình từ lớp 11 trở xuống đều đã thông suốt mới học lớp 12 được. [36]





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 58740)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.