- Lời Nói Đầu, Sách Tham Khảo
- 1 Phẩm Tựa
- 2 Phẩm Phương Tiện
- 3 Phẩm Thí Dụ
- 4 Phẩm Tín Giải
- 5 Phẩm Dược Thảo Dụ
- 6 Phẩm Thọ Ký
- 7 Phẩm Hóa Thành Dụ
- 8 Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- 9 Phẩm Thọ-học Vô-học Nhơn-ký
- 10 Phẩm Pháp Sư
- 11 Phẩm Hiện Bửu Tháp
- 12 Phẩm Đề-bà-đạt-đa
- 13 Phẩm Trì
- 14 Phẩm An-lạc Hạnh
- 15 Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất
- 16 Phẩm Như Lai Thọ-lượng
- 17 Phẩm Phân Biệt Công Đức
- 18 Phẩm Tùy-hỷ Công Đức
- 19 Phẩm Pháp-sư Công-đức
- 20 Phẩm Thường-bất-khinh Bồ-tát
- 21 Phẩm Như Lai Thần-lực
- 22 Phẩm Chúc-lụy
- 23 Phẩm Dược-vương Bồ-tát Bổn-sự
- 24 Phẩm Diệu-âm Bồ-tát
- 25 Phẩm Quán-thế-âm Bồ-tát Phổ-môn
- 26 Phẩm Đà-la-ni
- 27 Phẩm Diệu-trang-nghiêm-vương Bổn-sự
- 28 Phẩm Phổ-hiền Bồ-tát Khuyến-phát
KINH
DIỆU PHÁP LIÊN HOA
Giảng nghĩa:
Pháp Sư Thích Thiện Trí
Giáo sư của
Giảng Sư Cao Cấp Phật Giáo Việt Nam & Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP. HCM
Phẩm Đề Bà Đạt
Đa
Thứ Mười Hai
Đức thế Tôn đã dùng phương tiện chỉ rõ các pháp tự tánh là không, để chúng sinh thoát vòng nhiễm chấp. Nhận chân được “pháp giới tánh nhiệm mầu”. Nhận chân được pháp thân bất động, liễu liễu minh minh, không ngoài tâm tánh của chúng sinh. Và tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Do vậy phẩm Đề Bà Đạt Đa lại một lần nữa minh chứng rõ ràng về tính thể nhiệm mầu của “Như Lai tạng tâm” vậy.
“Lúc bấy giờ Đức Phật bảo các vị Bồ Tát hàng trời, người, bốn chúng : Ta ở trong vô lượng kiếp về quá khứ cầu kinh Pháp Hoa không hề lười mỏi. Trong nhiều kiếp thường làm vị quốc vương phát nguyện cầu đạo Vô thượng Bồ đề lòng không thối chuyển. Vì muốn đầy đủ sáu Pháp Ba la mật nên làm việc bố thí lòng không lẫn tiếc. Bố thí voi, ngựa, vợ con, tôi tớ, bạn bè, cho đến đầu, mắt, tủy óc, thân thịt, tay chân. Vua vì mến pháp nên giao việc trị nước cho thái tử, đánh trống tuyên lệnh cầu pháp bốn phương: ai có thể vì ta nói pháp Đại thừa thì ta sẽ trọn đời cung cấp hầu hạ”.
Cầu được nghe “Diệu Pháp Liên Hoa” là ý chỉ thâm diệu được nói lên rằng: nếu muốn hướng về “lý đạo Nhất thừa” thì những pháp hữu vi như danh vị: quốc vương, các món báu, đầu mắt, tủy óc, vợ con không nên đắm nhiễm mới có thể thâm nhập được “lý đạo Nhất thừa” ấy.
Sự tuyên bày của quốc vương là “ai có thể vì ta nói pháp Đại thừa thì ta sẽ trọn đời cung cấp hầu hạ”.
Đó là một sự kiện phi thường vừa rời bỏ sự nhiễm chấp nơi các pháp hữu vi, vừa chấp nhận tùy thuận nơi các pháp hữu vi ấy. Để hiển bày chân thật tướng, hiển bày tánh thể viên minh, tự tại dung thông không ngằn mé.
“Khi ấy có vị tiên nhân đến thưa cùng vua rằng : Ta có pháp Đại thừa tên là Diệu Pháp Liên Hoa, nếu Đại vương chẳng trái ý ta, ta sẽ vì Đại vương mà tuyên nói”.
“Vua nghe vị tiên nhân nói, vui mừng hớn hở, liền đi theo vị tiên nhân để cung cấp việc cần dùng hoặc hái trái, gánh nước, hoặc lượm củi, nấu ăn, cho đến dùng thân mình làm giường ghế... thân tâm không biết mệt mỏi. Thuở đó theo phụng thờ vị tiên nhân trải qua một nghìn năm. Vì trọng pháp nên siêng năng cung cấp hầu hạ cho tiên nhân không thiếu thốn”.
Như thế việc tiến đến “lý đạo Nhất thừa” không phải là một sự kiện giản đơn. Như quốc vương kia đã theo hầu hạ tiên nhân cả ngàn năm mà không một lời thán oán, không mệt mỏi, dùng “thân làm giường ghế” đủ biết là phải chịu vô lượng nhẫn nhục, vô lượng tinh tấn”.
Thuở xưa kia cầu “Diệu Pháp Liên Hoa” đã như thế, thì nay ta cầu “Diệu Pháp Liên Hoa” thế nào?
Và Đức Thế Tôn đã bảo các Tỳ kheo rằng: “Nhà vua thuở ấy là thân ta, còn tiên nhân kia chính là Đề Bà Đạt Đa. Do nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa làm cho ta đầy đủ sáu pháp Ba la mật, từ bi, hỷ xả, 32 tướng tốt thành bậc Chánh đẳng Chánh giác rộng độ chúng sinh, tất cả công đức đó đều là nhân thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa ca”.
Đề Bà Đạt Đa là người có nhiều hành động tỏ ra thù nghịch với Đức Thế Tôn. Ông là người ác, manh tâm hãm hại Phật, người tán tận lương tâm. Nhưng chính con người ác tâm ấy, chính những hành động trái nghịch đó là thước đo về đức tính từ bi nhẫn nhục, là phương tiện để đạt thành lý đạo.
Lại nữa, Đề Bà Đạt Đa (Kinh A Hàm) đã viện dẫn với những ác tâm như vậy, sau khi chết sẽ dọa vào ác đạo không thể cứu được. Nhưng ở đây lại cho là thiện tri thức, như thế lời của Đức Thế Tôn nói có mâu thuẫn không?
Bởi lẽ, trước vì Nhị thừa, tâm tánh chưa thuần thục, nên Đức Thế Tôn đã chừng mực chỉ bày chúng sinh tránh việc ác, làm việc lành, xa lánh kẻ ác tâm, có thể làm chướng ngại sự tu dưỡng.
Cũng như trong gia đình, cha mẹ thường dạy con cái lúc còn nhỏ nên chọn bạn mà chơi, chê trách kẻ dữ, khen người hiền. Nhưng khi con đã lớn khôn, giúp người, giúp nước, giúp đời, bấy giờ mới khuyên con đem khả năng ấy huấn dục kẻ ác xấu, trở thành người tốt, như thế mới là người giỏi, người tài.
Nay thuyết về “Tri kiến Như Lai” tâm nhất như bình đẳng, có đầy đủ trí tuệ, từ bi và nhẫn nhục.
Do vậy, mỗi hành động, mỗi cử chỉ, ngôn ngữ đều hàm chứa ba đức tính trên. Trước chướng duyên nghịch cảnh, trước kẻ ác xấu là những phương tiện để hiển bày “tánh trí nhất như”. Chúng ta nói nhẫn nhục, nhưng nếu có người kêu tên mình chửi thì mình đối xử thế nào? Mình không có hành động xấu mà người ta cho mình là kẻ xấu thì sao?
Thực hành hạnh Bồ Tát mà thuận cảnh duyên thì đâu có gì phải nói.
Gặp nghịch cảnh, nghịch duyên, gặp kẻ xấu ác mà dẫn độ được thì mới thấy mình có từ bi, nhẫn nhục và trí tuệ. Như vậy những đức tính trên được thể hiện một cách rõ nét là nhờ kẻ nghịch, duyên nghịch. Chính kẻ nghịch, duyên nghịch là bạn lữ, là pháp lành đem đến cho ta huân dưỡng tánh thể nhiệm mầu. Do vậy, Đề Bà Đạt Đa chính là thiện hữu tri thức, chính là bậc Bồ Tát hiện thân đồng thời với Đức Thế Tôn để giúp cho chúng hội thể nhận “lý đạo Nhất thừa”, thể nhận “tri kiến Như Lai”, thể hiện “tánh trí nhất như”. Không gì cao quý bằng sự thị hiện của Đề Bà Đạt Đa, để chỉ rõ Đại thừa giáo pháp mới có khả năng vượt thoát sự tương phân đối đãi.
Chính nhờ Bồ Tát Đề Bà Đạt Đà thị hiện nghịch cảnh, phá hòa hiệp Tăng, làm thân Phật ra huyết, để cho chúng hội nhận rõ rằng thiện hay ác không hai. Tất cả các pháp đều bình đẳng, tâm thể nhất như kia không lay chuyển. Đức Thế Tôn đã thương xót muôn loài. Ngài chỉ rõ rằng dù ở hạng nào loại nào đều có khả năng thành Phật.
Do đó Phật bảo hàng tứ chúng: “Qua vô lượng kiếp về sau, ông Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri... Phật Thế Tôn. Cõi nước tên Thiện Đạo”.
Điều đó đủ nói lên rằng: chỉ có Đại thừa Diệu pháp mới thống nhiếp thiện pháp, ác pháp, thống nhiếp căn cơ của chúng sinh, khiến tất cả chúng sinh đều thấu rõ chân tánh nơi chính tự thân mình vậy.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ kheo: “Trong đời vị lai, nếu có kẻ thiện nam, thiện nữ nào nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Đề Bà Đạt Đa đem lòng trong sạch kính tin chẳng sinh nghi lầm, thời chẳng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, được sinh ở trước các Đức Phật trong mười phương... chỗ người đó sinh ra thời được nghe kinh này”.
Nghe đến phẩm Đề Bà Đạt Đa trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà kính tin thì chúng ta đủ biết người đó tin mình có “Phật pháp thân”, tin mình có khả năng thành Phật. Mà đã tin như thế thì phải biết rằng người đó có trí tuệ tuyệt vời không còn dính mắc nơi tiểu pháp vậy. Đối với họ không pháp nào không phải là Phật Pháp.
Tuy nhiên, nghe nói rằng những kẻ ác, những kẻ tạo nhiều tội lỗi mà cũng thành Phật, thì đó là một sự hi hữu, khó tin, khó hiểu, nên trong kinh đã viện dẫn.
“Bấy giờ ở Hạ Phương có vị Bồ Tát theo hầu đức Đa Bảo Như Lai, tên là Trí Tích, bạch với Đức Đa Bảo Phật nên trở về bổn quốc”.
Do tâm trí còn hạ liệt nghe pháp vi diệu chưa từng nghe nên không hiểu, không tin, cho đó là điều không thể nghe được, làm gì có kẻ xấu ác cũng thành Phật, cho nên Bồ Tát Trí Tích đã thị hiện “ở phương dưới xin trở về bổn quốc”.
Vì chữ Tích là nhóm chứa, Trí ấy còn có chỗ nhóm chứa nên còn nhóm vướng mắc, còn suy lường chưa thấu rõ điều này.
Do vậy, môt lần nữa Đức Thế Tôn đã bị mẫn mời Trí Tích ở lại để luận pháp mầu với Đại Trí Văn Thù.
Bởi lẽ, chúng ta thường ở trong vũng lầy sinh tử, trong biển ái nguồn ân, vỏ vô minh còn dày, nên nghe nói “Tri kiến Phật”, nghe Diệu Pháp Liên Hoa, khó mà tin nhận ngay được, chỉ có bậc đại trí mới có thể nhận được.
Chúng hội đã thể nhận “Phật pháp thân” nơi chính tự thân mình. Sự thể nhận được dễ dàng như thế, nhưng vẫn còn nghi ngại, đối với những kẻ xấu ác, liệu họ có trở thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?
Do vậy mà có sự luận pháp mầu giữa Trí Tích và Đại Trí Văn Thù vậy.
Lúc đó Ngài Văn Thù Sư Lợi ngồi hoa sen nghìn cánh lớn như bánh xe, các vị Bồ Tát cùng theo cũng ngồi hoa sen báu từ nơi cung rồng Ta Kiệt La Long Vương trong biển lớn, tự nhiên vọt lên trụ giữa hư không đến núi Linh Thứu, làm lễ xong qua chỗ Trí Tích cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi một phía”.
Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy rõ rằng chỉ có đại trí mới có khả năng vượt thoát nơi biển ái nguồn ân, dù cho sóng gió vô minh có dẫy đầy, nhưng vẫn bình thản tự tại. Mà đại trí hiển bày được là nhờ có Diệu Pháp Liên Hoa. Chính Diệu Pháp ấy có khả năng làm cho chúng sinh thoát khỏi vòng nhiễm chấp “ngã và pháp” để đạt thành đại trí, nên kinh đã viện dẫn : “Ngài Văn Thù Sư Lợi ngồi hoa sen lớn nghìn cánh, từ trong biển lớn vọt lên trụ giữa hư không đến núi Linh Thứu”.
Chỉ có đại trí mới có khả năng vượt ra biển khổ Ta Bà.
Chỉ có đại trí mới nhận ra “Phật pháp thân” không còn bị không gian, thời gian làm chướng ngại, nên kinh đã viện dẫn:
“Đại Trí Văn Thù từ trên hoa sen bước xuống chỗ Phật, đầu mặt kính lạy hai Đức Thế Tôn”.
Đại Trí đã nhận được quá khứ, hiện đại, vị lai Phật, đều không ngoài tâm tánh, nên kinh đã viện dẫn: “gặp hai Phật và cả chúng hội”.
“Lúc bấy giờ Ngài Trí Tích hỏi Ngài Văn Thù: Ngài qua cung rồng hóa độ chúng sinh số được bao nhiêu? Ngài Văn Thù nói: số đó vô lượng không thể tính kể, chẳng phải miệng nói được, chẳng phải tâm lường được, chờ chừng giây lát sẽ tự chứng biết”.
“Ngài Văn Thù nói chưa dứt lời có vô số Bồ Tát ngồi tòa sen báu từ biển vọt lên đến núi Linh Thứu trụ giữa hư không. Các vị Bồ Tát này đều đã được Ngài Văn Thù hóa độ. Ngài Văn Thù nói với Ngài Trí Tích rằng: Tôi giáo hóa ở nơi biển bạc việc như thế đó”.
Và cũng chỉ có đại trí mới thấy được hằng sa công đức quý báu trong biển tâm pháp sinh, mà đoạn kinh đã viện dẫn: “Vô số Bồ Tát ngồi tòa sen từ biển vọt lên trụ giữa hư không”.
Hằng sa công đức ấy phát sinh được là nhờ đại trí khéo giáo hóa nên đã nhận chân được tự tánh các pháp là không. Với cái không tịnh diệu trang nghiêm đó chẳng thể dùng lời nói, tâm suy lường mà nhận ra được.
Lúc đó Ngài Trí Tích Bồ Tát nói kệ khen rằng:
Đại trí đức dũng kiện,
Hóa độ vô lượng chúng,
Nay trong đại hội này,
Lòng tôi đều đã thấy,
Diễn nói nghĩa thực tướng,
Mở bày pháp Nhất thừa.
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Tôi ở biển chỉ thường tuyên nói kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”.
Sự khen ngợi của Ngài Trí Tích và sự minh chứng của Ngài Văn Thù về Diệu Pháp Liên Hoa đó là một ý chỉ thâm diệu để chúng hội thể nhận được rằng: chỉ có Diệu Pháp Liên Hoa mới có thể đưa chúng hội tiến nhanh vào “lý đạo Nhất thừa”.
Ngài Trí Tích hỏi Ngài Văn Thù rằng: “Kinh này rất sâu vi diệu là báu trong các kinh, trong đời rất ít có. Vậy có chúng sinh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này mau đặng thành Phật chăng?
Một lần nữa Ngài Trí Tích đã từ mẫn hỏi Ngài Văn Thù: Nếu nghe hiểu được kinh Pháp Hoa, một bộ kinh vị diệu quý báu trong đời ít có, vậy chúng sinh tinh tấn tu hành thì có thể thành bậc Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác mau hay chậm?
Ngài Văn Thù đã trả lời: “Có con gái của vua rồng Ta Kiệt La mới 18 tuổi, căn tánh lanh lẹ có trí tuệ, đặng pháp tổng trì, do nhờ kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà trong khoảng sát na phát tâm Bồ đề, đặng bất thối chuyển, biện tài vô ngại, công đức tự lợi, lợi tha, chứng thành đạo quả”.
Ngài Trí Tích đã viện dẫn: Như Đức Thích Ca trong vô lượng kiếp làm những khổ hạnh khó làm, chứa nhiều công đức cầu đạo Bồ đề chưa từng thôi dứt. Trong cõi tâm thiên muôn hạnh lành của Bồ Tát tỏa khắp muôn nơi, bỏ cả thân mạng vì lợi ích của chúng sinh, sau mới thành đạo Bồ Đề.
Tôi chẳng tin là loài rồng có thân súc sinh, lặn hụp trong biển cả vô minh, làm sao trong khoảnh khắc mà chứng thành đạo quả được?
Ngay khi đó lời luận bàn chưa xong, con gái Long Vương bỗng hiện ra nơi trước, đầu mặt lễ kính Phật, rồi dùng kệ khen rằng:
Thấu rõ tướng tội phước,
Khắp soi cả mười phương,
Pháp thân tịnh vi diệu,
Không ai không tôn phục,
Lại nghe thành Bồ đề,
Chỉ Phật sẽ chứng biết,
Tôi diễn pháp Đại thừa,
Độ chúng sinh thoát khổ.
Long Nữ đã ngợi khen pháp thân Phật, kế đó đã tự nói sẽ thành Phật. Duy có Đức Phật mới chứng biết, mà chẳng đợi Ngài Văn Thù trả lời cho Ngài Trí Tích.
Với ý chỉ thâm diệu là Đại Trí Văn Thù đã vô ngôn diệu đáp, lời đáp ấy khởi ngay từ câu hỏi (vì hỏi xong là tâm tánh nhiệm mầu đã tự bừng sáng). Cho nên Trí Tích Bồ Tát đã thể hiện một cách vi diệu, biết rõ thâm ý của chúng hội còn vi tế, vướng mắc ở điểm này nên khởi hỏi và thật đúng như vậy. Ngay lúc đó Ngài Xá Lợi Phất nói với Long Nữ rằng: “Ngươi nói không bao lâu chứng đặng đạo Vô thượng, việc đó khó tin”. Và Ngài đã viện dẫn: Thân nữ nhơ uế, chẳng phải pháp khí, thân gái còn có năm điều chướng:
- Chẳng đặng làm Phạm Vương
- Chẳng đặng làm Đế Thích
- Chẳng đặng làm Ma Vương
- Chẳng đặng làm Chuyển Luân Thánh Vương
- Chẳng đặng làm Phật
Sao loài súc nữ lại thành Phật mau như thế được.
Sự vướng chấp vi tế ở các pháp nên trần sa hoặc chưa dứt trừ, khó mà thể nhận được.
“Lúc đó Long Nữ có một hột châu báu giá trị bằng cõi tam thiên đại thiên đem dâng lên Phật, Phật liền nhận lấy. Long Nữ nói với Trí Tích Bồ Tát cùng Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng: Tôi hiến châu báu, Đức Thế Tôn nạp thọ việc đó có mau chăng?
Đáp: rất mau.
Long Nữ nói: Tôi thành Phật lại mau hơn việc đó.
Đúng lúc đó cả chúng hội đều thấy Long Nữ thoạt nhiên biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ Tát, liền qua cõi Vô Cấu ở Phương Nam, ngồi tòa sen báu, đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, khắp vì tất cả chúng sinh trong mười phương mà diễn nói Diệu Pháp”.
Điều đó đủ chứng minh rằng: Nếu đem ngọc báu hay thanh tịnh tâm vốn sẵn có dâng cho Phật. Hay nói cách khác là hướng về “thể tánh chân thường” thì ngay lúc đó tự nhận ra được “bản lai diện mục” của chính mình.
Lại nữa, vô tướng pháp thân không là nam, là nữ, chỉ cần một niệm tương ứng tự khắc viên thành đạo quả, đầy đủ y báo chánh báo, thị hiện trang nghiêm và cũng chính lúc đó Diệu Pháp Liên Hoa đã dung thông tuyên thuyết được vậy.
Phật tánh bình đẳng, không phân biệt loài nào, hạng nào, nam hay nữ, thông minh học nhiều chữ nghĩa hay mê muội. Nếu một khi đã nhận ra “tự tánh nhiệm mầu” vô thỉ vô chung ở nơi mình, sống xứng hợp với tánh ấy, thì ngay lúc đó sẽ đạt thành đạo quả.