Phần 2

05/06/201012:00 SA(Xem: 14065)
Phần 2

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Lão hòa thượng Thích Tịnh Không
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ chuyển ngữ

Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, 5-1998

 02

Tập 3 (Số 14-12-03) 

 

Xin mở kinh trang số một:

Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Đao Lợi Thiên vị mẫu thuyết pháp

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ đức Phật tại cung trời Đao Lợi vì mẹ thuyết pháp.

 Trong đoạn này chúng ta giảng đến ‘Nhất thời’, ý nghĩa của ‘Nhất thời’ cần phải bổ sung một chút. Trong Phật pháp, thời gian có hai cách nói: một là ‘sát na tế’, Phật nói đây là ‘thật thời’, tức là chân thật, là chân tướng của thời gianNgoài ra còn có một danh từ gọi là ‘Tam Ma Da’, có nghĩa là ‘trường thời’, ngày nay chúng ta gọi là: tướng tiếp nối. Trong kinh Kim Cang có nói: ‘Như lộ diệc như điện’, lộ là sương, chúng ta biết thời gian rất ngắn, buổi sáng có sương, khi mặt trời mọc thì sương tan. Dùng việc này để ví cho ‘trường thời’, ví cho tướng tương tục; điện (ánh chớp) ví cho thời gian chân thậtThời gian chân thật trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thập Định gọi là ‘sát na tế’ (trong khoảng một sát na), đó mới là thật.

Chúng ta rất khó cảm nhận được quan niệm ‘sát na tế’. Hiện nay khoa học tiến bộ, dùng máy móc khoa học để quan sát chúng ta mới cảm nhận được chút ít. Nhưng thật ra ‘sát na tế’ chính là như trong kinh thường nói: ‘sanh diệt đồng thời’, vì thời gian sanh diệt của nó quá ngắn ngủi, lục căn chúng ta chẳng thể cảm nhận được. Những gì lục căn của chúng ta có thể cảm nhận, nói cách khác, phải là thời gian tương đối dài. Vừa mới kích thích liền phản ứng tức thời, tuy là nói ‘lập tức’ nhưng cũng phải trải qua thời gian rất dài. Nếu nói là ‘sát na tế sanh diệt’ thì chúng ta hoàn toàn cảm nhận không được. Không những phàm phu lục đạo chúng ta, người cõi trời thông minh hơn con người, cảm ứng linh mẫn hơn nhiều nhưng cũng chẳng cảm nhận tới, thậm chí Thanh Văn, Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát [cũng không được]. Trong kinh Phật nói với chúng ta Bát Địa Bồ Tát mới có thể nhìn thấy A Lại Da, A Lại Da thuộc về ‘sát na tế’, phải có công phu định lực sâu như Bát Địa Bồ Tát mới cảm nhận đến ‘sát na tế’. Sát na sanh diệt, trong kinh Phật thường dùng ‘chẳng sanh chẳng diệt’ để hình dungNếu khôngsanh diệt thì nói ‘chẳng sanh chẳng diệt’ là thừa, chẳng có ý nghĩa gì hết; thật ra chẳng sanh chẳng diệt nghĩa là đích thực có sanh, có diệt, nhưng vừa sanh đã diệt mất rồi, hầu như sanh diệt đồng thời, cho nên mới gọi là ‘chẳng sanh chẳng diệt’; lời nói này mới có ý nghĩa, sanh diệt đồng thời, thời gian ngắn ngủi đến cùng cực. Nói thật ra khoa học kỹ thuật hiện nay tuyệt chẳng thể đo lường thời gian ngắn ngủi này được, thời gian máy móc có thể đo lường được đã rất dài rồi.

Đây là chữ ‘nhất thời’ nói trong kinh, chữ này hoàn toànchân thật, chúng ta phải lắng lòng thể hội. Nếu hiểu được ‘nhất thời’ thì bạn sẽ hiểu được ‘hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt’, được vậy thì chẳng lo sợ sanh tử nữa, bạn hiểu được ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Tướng hư vọng chẳng sanh chẳng diệt, đó mới là chân tướng, nhưng chúng ta chẳng thấy được, Bát Địa Bồ Tát trở lên mới nhìn thấy. ‘Nhất thời’ ở đây nếu muốn nói trên sự tướng thì chính là lúc cơ duyên đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thành thục, đó gọi là ‘nhất thời’. Cách nói này cũng viên mãn phi thường, hết thảy kinh đều dùng chữ này, nhân duyên Phật giảng bộ kinh này đã thành thục rồi.

Nhân duyên lần này vô cùng đặc biệt, thù thắng, chỗ giảng kinh cũng rất hy hữu, Phật ở tại cung trời Đao Lợi chứ chẳng phải ở chỗ khác. ‘Phật’ là chủ thành tựu, người chủ giảng trong pháp hội này, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chữ ‘tại’ rất hoàn hảo, đặc biệt là nói trên sự tướng. Nói ‘tại’ cũng là lời chân thật! Người thế gian chúng ta có rất nhiều sự hiểu lầm, [nhiều khi có] một quan niệm sai lầm cả đời cũng chẳng biết. Chúng ta cử ra vài thí dụ đơn giản, buổi sáng thức dậy rửa mặt, mặt cần phải rửa hay không? Các bạn nói mặt cần phải rửa không? Nói ‘Rửa mặt’ là sai rồi, rửa những chất dơ trên mặt chứ chẳng phải rửa mặt. [Cũng như nói] giặt quần áo, quần áo cần giặt không? Chỉ giặt những bụi bặm trên quần áo. Các bạn nghĩ xem chúng ta có bao nhiêu quan niệm sai lầm. Chùi bảng đen trong phòng học, bảng đen cần phải chùi hay không? Chùi là chùi bụi phấn chứ đâu phải là chùi bảng đen, bảng đen chùi một cái thì sơn đen tróc mất, đâu còn gọi là bảng đen nữa. Thế mới biết trong đời sống hằng ngày bạn nghĩ xem có bao nhiêu quan niệm sai lầm, sai quá chừng, ai cũng sai nhưng cứ nghĩ như vậy là đúng. Đến lúc đức Phật nói sự thật ra, mình nghe xong cảm thấy kỳ lạ.

Chữ ‘tại’ là lời nói chân thật, nếu nói bạn ‘trụ’ là không đúng, bạn làm sao ‘trụ’? Hôm nay dọn lại đây, ngày mai dọn tới chỗ kia, đâu có ‘trụ’, chỉ nói thân thể lúc bấy giờ ở ‘tại’ đâu, nói như vậy mới đúng. Thế nên mới nói ‘Phật tại’. Thực ra chúng ta cũng ‘tại’, hôm nay ‘tại’ Tân Gia Ba, hiện nay ‘tại’ Tịnh Tông Học Hội, tối nay ‘tại’ Cư Sĩ Lâm, đều là ‘tại’. ‘Trụ’ là ở đó chẳng động; thường di động thì gọi là ‘tại’. Chữ ‘trụ’ trong Phật pháp là gì? Tâm an trụ. Bạn ‘trụ’ trong cung điện lầu các, Phật ở nơi đây gọi cung điện lầu các là từ bi, tâm an trụ trong từ bi, tâm an trụ trong chánh giác, đó gọi là ‘trụ’, vĩnh viễn chẳng rời khỏi thì gọi là ‘trụ’. Thân luôn luôn di động thì gọi là ‘tại’, cho nên trên sự tướng thì gọi là ‘tại’.

Lần này Phật ở đâu? Tại ‘Đao Lợi Thiên’, tầng trời thứ hai trong Dục Giới. Người thế gian biết có thiên, biết có thiên thần, rất cung kính thiên thần, xưng ngài là Thượng Đế, người Trung Quốc xưng ngài là Ngọc Hoàng Đại Đế, đại khái đều là Đao Lợi Thiên Chủ. Họ không biết bên ngoài cõi trời còn cõi trời khác. Phật nói với chúng ta thế giới Sa Bàhai mươi tám tầng trời, số lượng trong mỗi tầng cũng vô lượng vô biên, từ dưới lên trên có hai mươi tám tầng chia thành Tam Giới: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc GiớiDục Giới là cõi còn dục vọng, ăn uống, nam nữ, vẫn chưa đoạn dứt nhưng càng lên cao thì càng mỏng dần. Đến Sắc Giới thì dục vọng này chẳng còn nữa, chúng ta thường nói người ở cõi trời Sắc Giới chẳng còn những thứ ‘tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ’ này nữa. Người cõi Sắc Giới chẳng cần ăn uống, cũng chẳng cần ngủ nghỉ, vĩnh viễn tỉnh thức; chẳng cần ăn uống, dùng thiền duyệt làm thức ăn nhưng họ còn sắc thân, có sắc tướng. Đến Vô Sắc Giới là cõi phàm phu cao cấp nhất trong lục đạo, ngay cả thân thể này họ cũng chẳng cần nữa. Trước khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, đời cổ Trung Quốc xuất hiện một người có đại trí huệ, Lão TửLão Tử nói: ‘Tôi có niềm ưu tư to lớn vì tôi có cái thân này’ . Tôi có âu lo lớn lao, đó là gì? Vì có thân này là một sự phiền lụy, phiền phức. Ngài có sự giác ngộ như vậy, có lẽ Lão Tử đã sanh lên cõi Vô Sắc Giới, vì ngài chán ghét thân thể, sắc tướng này. Ở cõi Vô Sắc Giới thì sắc tướng chẳng còn nữa. Một số người chúng ta thường nói đến ‘Linh Giới’ chắc là nói về Vô Sắc Giới thiên, trong cõi ấy rất tự tại vì chẳng có sắc tướng. Trên đây là cách phân loại, phân chia thành tam giới, hai mươi tám tầng trời, đây là một phạm vi trong sự giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật Thích Ca Mâu Nisanh tử hay không? Nói cho chư vị biết, chẳng có. Chỉ là ứng hóa, ngài xuất hiệnthế gian này, là dùng ứng thân xuất hiệnChúng ta nhìn thấy ngài có sanh, có diệt, thật sự ngài diệt xong là đến tinh cầu khác, đến chỗ khác lại xuất hiện giáo hóa chúng sanh, đây là hiển thị sự đại tự tại. Phật có rất nhiều cách giải thích cho chữ ‘Thân’, kinh Hoa Nghiêm nói có mười Thân, thông thường thì chúng ta nói ba Thân; ba thứ nói kỹ thì chia thành mười thứ, mười thứ quy nạp lại thì thành ba. Thứ nhất là ‘Pháp Thân’, là chân thân, hết thảy thân đều sanh từ thân này. Do đó pháp thânthân căn bản nhất, có thể sanh hết thảy vạn pháp, có thể hiện thân tướng của chúng ta, có thể hiện tướng cõi nước, sơn hà đại địa, tất cả thân tướng đều từ pháp thân biến hiện thành. Thứ hai là ‘Trí Thân’, cũng gọi là ‘Báo Thân’, là thân trí huệ, nghĩa là trí huệ của ngài đã khai mở, trí huệ đã hiện tiền, đối với hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ nhân sanh chẳng gì không biết, chẳng gì không thể. Thứ ba là ‘Ứng Hóa Thân’, có hai ý nghĩaỨng Thântùy loại hiện thân, nên dùng thân gì để được độ thì ngài liền hiện thân ấy. Thế nên Phật đến nhân gian, đến cõi nào, ngài chẳng có chướng ngại, vô cùng tự tại, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, đến đi tự do.

Chẳng giống phàm phu chúng ta, chúng ta mang Nghiệp Báo Thân, chẳng tự do tí nào, hoàn toàn chịu sự chi phối của nghiệp lực. Nói chịu nghiệp lực khống chế thì mọi người khó hiểu, chúng ta nói cách khác, chịu vận mạng khống chế, chịu vận mạng chi phối thì mọi người dễ hiểu, thế nên: ‘tất cả đều là vận mạng, nửa điểm cũng chẳng do người’, bạn nói như vậy có khổ không? Mạng là gì? Mạng chính là nghiệp, nghiệp báo. Trước kia tạo thiện nghiệp, đời này được thiện báo, quá khứ tạo ác nghiệp, đời này chịu quả báo chẳng thiện, thế nên những thọ dụng cả đời này, ngạn ngữ có câu: ‘một miếng ăn, miếng uống, chẳng gì là không định sẵn’ , tức là đạo lý này, đúng là nửa điểm - một tí gì cũng chẳng do người.

Nhưng Phật, Bồ Tát đến thế gian này, quý ngài đến đầu thai và cũng thị hiện chết đi, quý ngài sanh tử tự tại, không phải do nghiệp lực mà là nguyện lực. Ở thế gian này muốn sống cuộc đời như thế nào thì sống như thế ấy, muốn ở bao nhiêu năm thì ở bấy nhiêu, sanh tử tự tại. Lúc nào muốn ra đi, đi đến đâu, quý ngài hiểu rõ ràng, minh bạch, đến đi tự do, đó gọi là nguyện lực thọ thân, là nguyện lực chứ chẳng phải nghiệp lựcChúng ta phải hiểu những đạo lý này rồi sau đó mới biết nên học Phật như thế nào, làm thế nào chuyển nghiệp lực của chúng ta thành nguyện lực, bản lãnh của chư Phật, Bồ Tát là ở chỗ này. Các ngài có thể chuyển, chúng ta cũng có thể chuyển, bắt đầu chuyển từ đâu? Phải bắt đầu chuyển từ tâm, sau khi tâm chuyển thì thân sẽ chuyển; nếu nói chuyển từ thân, tâm chẳng chuyển thì không được, chuyển như thế nào cũng chẳng giống, nhất định phải chuyển từ tâm.

Tâm thì phải ‘trụ’ chứ chẳng phải ‘tại’. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bồ TátThập Trụ, đó là nói về trụ, là ‘tâm trụ’ chứ không phải ‘thân trụ’. Bồ Tát trụ chỗ của Phật trụ, như vậy mới đúng. Trong kinh Phật nói với chúng ta có bốn chỗ trụ, bốn chỗ này đều chính xác. Hai thứ đầu vẫn còn ở trong lục đạo, chưa ra khỏi lục đạo. ‘Thiên trụ’ tức là đời sau nhất định có thể sanh đến trời Dục Giới. Trời Dục giới có sáu tầng, sau này sẽ giới thiệu cho chư vị biết. ‘Thiên trụ’ tức là tâm an trụ tại thập thiện nghiệp đạo, bố thí, trì giới, tu thập thiện nghiệp đạo thì đời sau bạn nhất định sẽ sanh lên trời, phước báo lớn hơn nhân gian chúng ta rất nhiều, hưởng phước trời. Thứ hai là ‘Phạm Trụ’, Phạm Trụ tức là tu thiền định, tu tâm thanh tịnh, hết thảy dục niệm đạm bạc, đối với ngũ dục lục trần coi rất lợt lạt, trong tâm tràn đầy từ, bi, hỷ, xả. ‘Từ’ là vui với người, đem khoái lạc cho người, giúp người khoái lạc; ‘Bi’ là làm cho người bớt khổ, chúng sanh có khổ, giúp họ giải quyết khổ nạn; ‘Hỷ’ là nhìn thấy người khác được phước, được chuyện tốt, nhất định chẳng có tâm đố kỵ, chỉ sanh tâm hoan hỷ; ‘Xả’ là có thể buông xuống vạn duyên. Tâm thường an trú tại từ - bi - hỷ - xả, sanh đến trời Sắc Giới, hai cái ‘trụ’ trong Tam Giới này kể ra còn chính đáng. Nhưng người chúng ta hiện nay không như vậy, hiện nay tâm người an trụ ở đâu? An trụ ở tham, sân, si, mạn, như vậy thì không xong rồi! An trụ tại tham, sân, si, mạn, an trụ tại giết hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối thì quả báo sẽ ở ba đường ác. Thế nên họ chẳng phải ‘Thiên trụ’, chẳng phải ‘Phạm Trụ’, mà là ‘Quỷ trụ, Địa ngục trụ, Súc sanh trụ’, họ làm những thứ này. Chúng ta đối với những Lý, Sự này rõ ràng, minh bạch, phải biết tâm an trụ ở đâu, sau này sanh ra hậu quả gì, vô cùng dễ sợ.

Thứ ba là ‘Thánh trụ’ tức là trụ ở tâm Bồ ĐềThánh giảTiểu Thừa: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ TátThanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát tuy chẳng đồng nhưng họ có một điểm giống nhau, tức là tâm nhất định trụ tại Tam Tam Muội , đây là điểm tương đồng. Thứ tư là ‘Phật trụ’, trụ ở chỗ Phật trụ, nếu nhập vào cảnh giới này thì bạn sẽ là quả vị Thập Trụ Bồ Tát. Chân chánh học Phật nhất định phải an tại chỗ Phật trụ, Phật trụ ở đâu? ‘Đại Tam Không Tam Muội’: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện; Vô Nguyện cũng gọi là Vô Tác. Nếu thực hiện trong Tịnh Tông thì an trụ ở ‘Niệm Phật Tam Muội’, đối với những cảnh giới khác sâu rộng vô cùng, chúng ta rất khó cảm nhận, không bằng y theo lời dạy của Phật, chúng ta để tâm an trụ tại ‘Niệm Phật Tam Muội’, chuyện này tương đối dễ học tập. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, việc này thật sự là hiếm có, thù thắng khôn sánh. Trên đây nói về ý nghĩa của hai chữ ‘tại’ và ‘trụ’.

Hôm nay ‘Phật tại Đao Lợi Thiên’, ở Đao Lợi Thiên làm gì? ‘Vị mẫu thuyết pháp’. Phải y theo cách nói trong ‘Tăng Nhất A Hàm’, pháp hội kỳ này là do Đế Thích Thiên Vương, tức là Đao Lợi Thiên Chủ khải thỉnhĐao Lợi Thiên Chủ rất thông minh, rất có trí huệ, ngài nói quá khứ hết thảy chư Phật đều đã đến Đao Lợi Thiên thuyết pháp cho mẹ, báo ân sanh dưỡng của mẹ, Thế Tôn thành Phật rồi, đương nhiên cũng chẳng ngoại lệ. Thế Tôn nhận lời mời của Đao Lợi Thiên Chủ, đến Đao Lợi Thiên mở ra pháp hội này. Nhân duyên này rất sâu, câu chuyện cũng rất dài, kể chuyện thì sẽ ngưng trệ việc giảng kinh, cho nên chúng ta lược bớt câu chuyện này, nhưng cũng không thể không biết.

Mẫu thân của Phật là Ma Gia phu nhân, nói thực ra cũng là đại quyền thị hiện, đều là Phật, Bồ Tát tái lai. Mỗi người lúc tu nhân, phát nguyện chẳng giống nhau, ngài phát nguyện đời đời kiếp kiếp làm người nữ để làm mẹ của Phật, ngài phát nguyện này. Thế nên con của ngài là Phật, phước báo của mẹ sẽ rất lớn, đây là biểu diễn cho chúng ta xem. Phước báo lớn nhất, hoàn toàn dựa vào phước thì chỉ có thể sanh đến cõi trời Đao Lợi, từ trời Dạ Ma trở lên thì không thể. Chư vị xem trong nhà Phật nói đến Phật sự siêu độ Lương Hoàng Sám vô cùng thù thắng. Lương Hoàng tức là Lương Võ Đế, Lương Võ Đế khải thỉnh Bảo Chí Công làm Phật sự siêu độ cho phu nhân cho nên gọi là ‘Lương Hoàng Sám’. Lúc phi tử của vua còn sống, bà tạo nhiều ác nghiệp nên đọa vào ác đạoBảo Chí Công là một cao tăng đắc đạo, Bảo Chí Công là ai? Là Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân đến, bạn xem như vậy còn nói gì nữa! Quán Thế Âm Bồ Tát đích thân đến chủ trì pháp hội này, chủ trì pháp sự siêu độ này, cũng chỉ có thể siêu độ phi tử của vua đến cõi trời Đao LợiChư vị phải biết, chư Phật Như Lai siêu độ thì chỉ siêu độ đến trời Đao Lợi, muốn lên trên nữa thì tự mình phải có công phu tu hành, nếu chẳng có công phu tu hành thì không được. Thế nên hiểu được chân tướng sự thật này, thời gian chúng ta còn sống phải hết lòng tu hành, nếu chẳng tu hành mà chỉ nhờ người khác siêu độ, bản lãnh có cao tới đâu thì chỉ có thể đến trời Đao Lợi mà thôi. Nếu siêu độ Phật sự là do phàm phu chủ trì thì hiệu quả sẽ rất yếu ớt, chỉ có thể nói là làm vẫn tốt hơn không làm. Có hiệu quả gì rất khó nói. Ngày nay bạn đi đâu tìm được cao tăng chân chánh đắc đạo, Phật, Bồ Tát hay người tái lai. Thế nên phải hiểu đạo lý này rồi sau đó tự chúng ta mới thực sự nắm chắc lấy thời gian, một tấc quang âm là một tấc mạng quang, phải hết lòng nỗ lực.

Phước báo lớn như người mẹ của Phật thì cũng chỉ sanh đến trời Đao Lợi. Lên trên nữa cần phảicông phu định lực, cần có tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thành tựu công đức chân thậtCông đức ít, kém cỏi, chưa đoạn Dục, chưa đoạn tâm niệm ham muốn thì sanh đến tầng trời thứ tư của cõi Dục Giới, nhà Phật gọi là ‘Vị Đáo Định’, bạn tu định chưa đủ trình độ nhưng cũng có tu. Thí dụ Tứ Thiền, cõi Tứ Thiền cần công phu thiền định một trăm điểm thì mới đến Tứ Thiền; cõi Tam Thiền cần chín chục điểm, Nhị Thiền cần tám chục điểm, Sơ Thiền cần bảy chục điểm. Nếu công phu của bạn dưới sáu chục điểm thì chẳng đến Sắc Giới nổi. Nhưng bạn cũng có công phu, công phu thiền định của bạn có khoảng sáu mươi điểm, năm mươi điểm, bốn mươi điểm, bạn cũng có công phu, chẳng phải là không điểm. Nếu bạn chẳng tu, chỉ chuyên tu phước, tu thập thiện nghiệp đạo, tu bố thí, trì giới, chẳng có công phu định lực, chẳng xả bỏ tâm niệm tình dục, thì chỗ bạn sanh đến sẽ là Tứ Vương ThiênĐao Lợi Thiên. Có một chút công phu định lực, tâm địa có một ít thanh tịnh mới có thể sanh đến cõi trời Dạ Ma, Đâu Suất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại. Càng lên trên thì phước báo của mỗi tầng càng lớn hơn, thọ mạng càng dài hơn, chân chánh là hưởng phước vô tận. Nhưng thọ mạng có dài hơn thì cũng có lúc hết quả báo, tức là có lúc sẽ hưởng hết; sau khi hưởng hết thì cũng phải lưu chuyển theo nghiệp. Thế nên sanh lên trời chẳng phải là pháp cứu cánh, chẳng bằng niệm Phật cầu sanh Cực Lạc thế giới, sanh đến Cực Lạc thế giớivô lượng thọ, nói cách khác vĩnh viễn chẳng sanh, chẳng tử. Không những trời Dục Giới chẳng sánh bằng, trời Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều chẳng thể sánh bằng. Thế nên hết thảy chư Phật tán thán A Di Đà Phật, tán thán Cực Lạc thế giới, đạo lý là ở chỗ này.

Câu kinh ‘vị mẫu thuyết pháp’, tuy pháp hội này là do Đế Thích Thiên Chủ khải thỉnh, nhưng ý nghĩa rất sâu. Thứ nhất là vì tránh miễn cho một số người hiểu lầm Phật pháp. Học Phật, đặc biệtphát tâm cạo đầu xuất gia, hình như là từ đó trở đi chẳng còn lo cho cha mẹ nữa, người thế gian cho vậy là chẳng có hiếu. Đặc biệt là người Trung Quốc thường nói: ‘Có ba chuyện bất hiếu, chẳng có con nối dõi là lớn nhất’Cha mẹ mong bạn nối dõi giòng họ, một khi bạn xuất gia thì việc nối dõi tông đường sẽ đoạn mất, làm sao chẳng có lỗi với cha mẹ, tổ tiên! Người đời chẳng biết xuất giađại hiếu, đây là ý nghĩa thứ nhất. Ý nghĩa thứ hai là làm gương mẫu cho tứ chúng đệ tử học Phật: tứ chúng gồm xuất gia, tại gia, nam chúng, nữ chúng, khơi gợi tư tưởng hiếu kính của họ, làm cho họ chân chánh thể hội điều thứ nhất ‘Hiếu dưỡng cha mẹ’ trong Tam Phước. Trong nhà Phật dù xuất gia thì cũng không thể không lo cho cha mẹ, chẳng có đạo lý này. Nhưng hình thức hiếu dưỡng chẳng giống nhau, hết lòng tu trì, phụng hành theo lời Phật dạy, dùng công đức ấy hồi hướng cho cha mẹ; cha mẹ có thể được chư Phật hộ niệm, thiện thần bảo hựu, đây mới là chân hiếu. Người thế gian hiếu thuận cha mẹ, mướn vài người giúp việc để chăm sóc cho đời sống, còn đệ tử Phật nhờ thiên long thiện thần chăm sóc cho cha mẹ còn châu đáo hơn những người giúp việc. Nếu bạn chẳng có tu trì thì thiên long thiện thần chẳng bảo hựu bạn, sẽ khinh chê bạn. Nếu bạn chân chánh tu hành, có đạo có đức cảm động đến thiên thần, họ tự nhiên đến chiếu cố; bạn chẳng cần phải cầu họ, cũng chẳng phải thông báo cho họ, [họ cũng] tự nhiên chiếu cố. Tại sao vậy? Vì tôn kính bạn, tôn kính cha mẹ bạn, thế nên có ý nghĩa này.

 

a. Chứng Tín Tự:

 

Lại xem đoạn kinh tiếp theo:

Nhĩ thời thập phương vô lượng thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết nhất thiết chư Phật cập Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giai lai tập hội.

 Lúc đó hết thảy chư Phật và Đại Bồ Tát Ma Ha Tát bất khả thuyết bất khả thuyết từ mười phương vô lượng thế giới đều đến tham dự pháp hội.

 Đoạn kinh trên là Phát Khởi Tự của kinh này. Kinh này tổng cộng gồm mười ba phẩm, phẩm thứ nhất là phẩm Tựa, nhưng chẳng gọi là phẩm Tựa mà gọi là Phẩm Đao Lợi Thiên Cung, trên thực tế phẩm này là phẩm Tựa. Ý nghĩa trong phần tựa vô cùng châu toàn viên mãn, phía trước có sáu thứ thành tựu, đây là ‘Chứng Tín Tự’; từ đoạn kinh này về sau là Phát Khởi Tự. Đoạn Phát Khởi Tự nói với chúng ta vô cùng rõ ràng, hàm nhiếp cả ‘Giáo, Lý, Hạnh, Quả’; trong Khoa Chú đoạn này được gọi là ‘Quả Nhân Tập Tán’ (Cùng khen ngợi quả và nhân)Chúng ta phải đặc biệt chú ý những chỗ như vậy, phải biết học tập như thế nào, khi Phật thuyết pháp thì trước hết phơi bày quả báo ra cho mọi người thấy, từ quả báo này sanh khởi lòng tin. Sau đó mới giải thích quả báo hình thành như thế nào, giảng về nhân cho bạn thì bạn sẽ hết lòng để nghe, bạn rất muốn biết tại sao. Đây là thiện xảo phương tiện của việc thuyết pháp, chúng ta phải biết. Thế nên mới nói ‘Quả Nhân’ chứ chẳng nói ‘Nhân Quả’.

 Vừa mở đầu thì hiện lên cái gì? Dạy bạn xem những nhân vật tham gia đại hội này, đây là ‘quả’. Đây là người, người là ‘quả người’, do quả đức của ngài cảm động nhiều người như vậy đến tham gia pháp hội. Trước khi Phật giảng kinh thì hiện tướng lành, hiện các thứ hào quang, những tướng lành này là ‘Lý’. Văn Thù Bồ Tát nhìn thấy hiện tượng này nên sanh khởi nghi hoặc, đây là tiêu biểu ‘Hạnh’. Thế TônBồ Tát một người hỏi, một người đáp, Văn Thù hỏi, Thế Tôn trả lời, đây là ‘Giáo’. Cho nên trong phần Tựa chúng ta thấy ‘Giáo, Lý, Hạnh, Quả’, lần tụ hội này là quả báo. Giống như trong kinh Hoa Nghiêm vừa mở đầu trước lúc giảng kinh thì nói về y báo, chánh báo trang nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật, bày quả báo ra cho bạn thấy.

 Chỗ này hiện ra sự chẳng thể nghĩ bàn, chư vị có thấy kinh văn như vầy trong kinh nào không? ‘Nhĩ thời’, lúc Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ, ‘mười phương vô lượng thế giới, bất khả thuyết bất khả thuyết hết thảy chư Phật’, chư vị có từng thấy trong kinh nào ghi lúc Phật giảng kinh, hết thảy chư Phật đều đến nghe? Chưa từng thấy bao giờ. Quang cảnh này làm sao tưởng tượng được nổi! Kinh Hoa Nghiêm cũng chẳng có trường hợp này, kinh Vô Lượng Thọ cũng chẳng có, vô cùng hy hữu! Không thể hàm hồ, lơ là lướt quaThường thường chúng ta nói câu: ‘Một Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ’, đó là chư Phật hóa hiện thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát tới để giúp đỡ Phật hoằng hóa; còn chỗ này không phải vậy, chư Phật dùng thân phận của Phật đến. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hôm nay giảng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, hết thảy chư Phật đều đến tham dự nghe giảng, số người đến là ‘vô lượng thế giới, nói không xuể, kể không xiết hết thảy chư Phật và Đại Bồ Tát Ma Ha Tát’; ‘Đại Bồ Tát Ma Ha Tát’ này theo Phật cùng đến, tháp tùng theo chư Phật. Số chư Phật đã nói không xuể, kể không xiết, vậy thì số Bồ Tát còn nhiều hơn nữa, tất cả đều đến dự hội. Đoạn kinh này tuyệt đối không thể hàm hồ, lơ là lướt qua, bạn phải nghĩ kỹ Thế Tôn suốt đời giảng kinh bốn mươi chín năm, giảng hơn ba trăm hội, không có hội nào thù thắng như vậy. Đây là những người tham dự pháp hội, là ‘Quả’, một phần trong Giáo, Lý, Hạnh, Quả của kinh.

 Vì sao họ đều đến? Chẳng có một vị Phật nào không báo ân mẹ, hôm nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng giảng pháp nào khác, mà giảng pháp Địa TạngThuyết minh hết thảy chư pháp đều nương vào đại địa để sanh khởi, đây là căn bảnĐịa Tạng tiêu biểu cho cái gì? Tiêu biểu ‘Hiếu Thân Tôn Sư’, thế nên khi giảng pháp ‘Hiếu Thân Tôn Sư’ thì hết thảy chư Phật nhất định đích thân đến tham gia, chư Phật đến để làm ‘ảnh hưởng chúng’. Đao Lợi Thiên Vương trong hội này làm công đức chủ, phước báo của ngài đã tu quả thật rất lớn: thỉnh Phật đến cung trời Đao Lợi giảng kinh Địa Tạng, phước báo này rất lớn. Thế nên hết thảy chư Phật Như Lai đều đến đầy đủ, một vị cũng không sót, là một nhân duyên vô cùng hy hữu! Đến để làm gì? Đề xướng Hiếu đạo. Vừa gặp mặt liền tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ý tán thán đó cũng viên mãn đến cùng cực.

 

b. Phát Khởi Tự:

 

 Tán thán Thích Ca Mâu Ni Phật năng ư ngũ trược ác thế hiện bất khả tư nghị đại trí huệ thần thông chi lực, điều phục cang cường chúng sanh, tri khổ lạc pháp.

 Tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể ở trong đời ác ngũ trược hiện sức đại trí huệ thần thông không thể nghĩ bàn, điều phục chúng sanh ương ngạnh, biết được pháp khổ pháp vui.

 Nói ra lời này chẳng dễ, nếu không phải là chư Phật Như Lai đích thân tuyên thuyết, nói cho chư vị biết, Bồ Tát cũng chẳng nói được. Tại sao vậy? Các Ngài còn chưa vào cảnh giới này thì làm sao nói ra được! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện vào thời đại gì? ‘Ngũ Trược Ác thế’. Đến xã hội hiện nay của chúng ta có thể nói là ‘Ngũ trược ác’, hầu như phàm phu ngu muội vô tri nhất cũng đã cảm biết được. Năm mươi năm, một trăm năm về trước, phải là người có trí huệ cao độ mới có thể cảm biết hiện tượng ngũ trược ác thế này, phần đông người thường không cảm giác được; [họ nghĩ] thế gian chẳng tệ, rất tốt, sinh sống rất vui vẻ; họ chẳng cảm giác được sự trược ác này, ‘trược’ nghĩa là ô nhiễm. Nửa thế kỷ trước chúng ta chưa từng nghe danh từ Hoàn Bảo (bảo hộ môi trường, hoàn cảnh) ở đâu cả, nói cách khác sự ô nhiễm của môi trường còn có thể chịu đựng được. Đợi đến lúc phát động bảo hộ môi trường có nghĩa là ô nhiễm môi trường đã đến mức làm cho người ta chịu không nổi, chánh phủ địa phương trên toàn thế giới đều bắt đầu đề xướng. Nói cách khác, mức độ trược ác này đã đến mức khá nghiêm trọng nên mới có danh từ này xuất hiện.

 ‘Ngũ’ là năm loại lớn, năm loại ô nhiễm nghiêm trọng, trong kinh Phật gọi là ‘Ngũ trược ác thế’. Trong Ngũ trược, thứ nhất là Kiếp Trược, Kiếp là nói về thời gian, ngày nay chúng ta gọi là thời đại (tạm dịch cho chữ ‘niên đầu’) chẳng tốt, là nói về thời tiết nhân duyênNói thật ra, thời gianô nhiễm gì đâu! Đây là một thời đại ô nhiễm trầm trọng, chính là nghĩa này. Nói thật ra, thời đại ô nhiễm là bốn thứ ô nhiễm kể sau đây. Thứ hai là ‘Kiến Trược’, Kiến là Kiến giải, tư tưởng, kiến giải sai lầm, nhà Phật gọi là tà tri tà kiến, có cái nhìn sai lầm về chân tướng của vũ trụ nhân sanh, đó là ô nhiễm trên kiến giải. Kế đó là ‘Phiền não trược’, dùng cách nói hiện nay nghĩa là ô nhiễm tư tưởng. Hai thứ này hợp lại chính là ô nhiễm tâm lý, ô nhiễm tinh thần, việc này rất nghiêm trọng! Từ ô nhiễm tâm lý, ô nhiễm tinh thần nhất định sẽ dẫn đến sinh lýhoàn cảnh sanh hoạt ô nhiễm, đó gọi là ‘Chúng sanh trược’, nói theo ngôn ngữ hiện nay thì đó chính là hoàn cảnh sinh hoạt ô nhiễm. Ngày nay sanh thái của địa cầu mất quân bình, khí hậu bất bình thường, tai nạn dồn dập, đều thuộc về ‘Chúng sanh trược’. Sau cùng là ‘Mạng trược’, dùng ngôn ngữ hiện đại để nói tức là sinh lý ô nhiễm. Dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích Ngũ Trược thì hai thứ đầu là kiến giải ô nhiễm, tư tưởng ô nhiễm, hợp lại chính là tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm; ‘Chúng sanh trược’ chính là hoàn cảnh sinh hoạt ô nhiễm, ‘Mạng trược’ là sinh lý ô nhiễm, tất cả đều gọi là ‘Trược’.

 ‘Ác’ là ‘thập ác’, hết thảy chúng sanh chẳng làm việc thiện. Thân tạo ‘sát sanh, trộm cắp, tà dâm’, miệng tạo ‘vọng ngữ’ tức là không nói thật, lừa gạt người khác, ‘lưỡng thiệt’ tức là ly gián thị phi, ‘ác khẩu’ tức là nói lời độc ác; ‘ỷ ngữ’ tức là nói lời bóng gió, lường gạt chúng sanh, tạo ra những khẩu nghiệp này; còn ý nghiệp, trong tâm có ‘tham, sân, si, mạn’, những thứ này là ‘Ác’. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong thời đại Trược, Ác này.

 ‘Hiện’ là thị hiện, thị hiện đại trí huệ chẳng thể nghĩ bàn. Câu này nói Phật xuất hiệnthế gian này, làm ra một hình dáng cho chúng sanh coi, hình dáng gì? Hình dáng đại trí huệ. Hiện nay chúng ta gọi là ‘làm thầy, làm mô phạm’, làm người dẫn đầu cho xã hội đại chúng, làm gương, làm mô phạm cho xã hội đại chúng. Ngài có thể thị hiện trong đời ác ngũ trược này, hết thảy chư Phật đều tán thán, tán thán Phật trong đời trược ác làm ra một gương tốt cho những chúng sanh khổ nạn này.

 ‘Thần thông chi lực’ bốn chữ này nói về biểu hiện bên ngoài của Ngài. ‘Bất khả tư nghị đại trí huệ’ là nói về biểu hiện bên trong. Biểu hiện bên ngoài chính là giúp đỡ xã hội, hết thảy chúng sanh, nói về khả năng của ngài mạnh mẽ. ‘Thông’ là thông đạt, chẳng có gì ngài chẳng biết. Hết thảy sự vật, đạo lý, nhân quả, hiện tượng, biến hóa trong thế gian, chẳng có gì là không biết, chẳng có gì là không thể, đó gọi là ‘thần thông’. Thần nghĩa là thần kỳ, khó trắc lường nổi, vượt quá tri thức của phàm phuThần thông này chẳng phải là bảy mươi hai phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, không phải ý này, nếu nghĩ vậy thì bạn hoàn toàn hiểu lầm. Sự việc gì Phật đều thông suốt, nói cách khác, các thứ nghi nan tạp chứng trong xã hội chúng ta ngày nay Phật chẳng có gì không biết, ngài có khả năng giúp đỡ chúng ta giải quyết những khó khăn này.

 ‘Điều phục cang cường chúng sanh’. Cư sĩ Duy Ma đã từng nói: ‘Chúng sanh ở cõi Diêm Phù Đề cang cường, khó giáo hóa’. ‘Cang cường’ là tánh ương ngạnh, chấp trước cứng chắc, rất khó tiếp nhận lời dạy dỗ của Phật. Chúng ta có thể nhìn thấy việc này trong xã hội hiện thực, họ bài xích Phật pháp, gây chướng ngại cho sự giáo học Phật pháp, hiển thị tánh ương ngạnh. Họ không chịu nghiên cứu Phật pháp, Phật pháp rốt cuộc là gì? Họ cũng chẳng biết; Ghép vô một chữ mê tín, tiêu cực, lạc hậu thì liền bỏ xó qua một bên, chẳng biết đây là của báu, thật sự có thể giải quyết vấn đề của ngũ trược ác thế.

 Bốn chữ sau cùng này rất tài tình: ‘tri khổ lạc pháp’, nói ra bốn chữ này chẳng dễ. Chúng sanh khổ, tại sao khổ? Chúng sanh mong cầu sự vui, tại sao không đạt được sự vui? Có người nào trên cả thế giới không chịu khổ! Có ai không mong cầu khoái lạc! Khổ từ đâu đến? Lạc từ đâu đến? Chẳng ai biết. Làm sao lìa khổ? Làm sao được vui? Những lý luậnphương pháp này chẳng có ai biết. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni biết được, trong kinh đức Phật dạy rất rõ ràng, rất minh bạch, nếu chúng ta muốn lìa khổ, được vui, kinh điển Đại Thừa chỉ dẫn hoàn hảo nhất, chỉ đạo, hướng dẫn chúng ta, mục tiêu của sự giáo học Phật pháp chính là dạy chúng ta lìa khổ, được vui. Chư Phật tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng để ‘Quả’ ở phía trước, làm cho người ta chú ý. Hai đoạn kinh này không có câu nào chẳng làm lông tóc dựng đứng, vô cùng hy hữu! Có người nào mở pháp hội có thể làm cho hết thảy chư Phật Như Lai đều đến nghe, người nào có thể nhìn được chư Phật Như Lai, được sự tán thán chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Chư Phật tán thán đức Phật Thích Ca, tức là chư Phật hỗ tương tán thán, chúng ta phải hiểu đạo lý này, Phật Phật đạo đồng. Nói cách khác, chỉ có chư Phật Như Lai mới chịu thị hiện trong ngũ trược ác thế, đây chính là tinh thần của Địa Tạng Bồ Tát, ‘Tôi không vào địa ngục, ai vào địa ngục!’, địa ngục là chỗ khổ nhất. Những chúng sanh khổ nạn này, tôi không giúp họ thì ai giúp họ! Chỗ càng nhiều khổ nạn, Bi tâm của Phật, Bồ Tát càng nặng, càng muốn đến đó để dạy dỗ, giúp đỡ mọi người, chỉ cần những chúng sanh khổ nạn này chịu tiếp nhận, Phật, Bồ Tát liền tới; nếu không chịu tiếp nhận, Phật, Bồ Tát muốn giúp đỡ cũng chẳng có cách gì. Có thể tin, có thể giải, có thể học thì Phật, Bồ Tát nhất định sẽ xuất hiện trong thế gian này.

 Ngày nay tại sao lại đến Tân Gia Ba giảng hội kinh này? Tại sao không giảng ở chỗ khác? Chúng ta chẳng thiên vị, chẳng có tâm riêng tư, và cũng chẳng tham ái địa phương này. Hoàn toàn là do duyên ở địa phương này thành thục. Duyên gì? Người ở địa phương này có thể tin, có thể giải, có thể hành; địa phương này đầy đủ bốn điều kiện Tín, Giải, Hạnh, Chứng. Trong mười mấy năm nay chúng ta ở địa phương này hoằng dương Tịnh Độ, khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, trong những năm này, ở Tân Gia Ba, Mã Lai Á, lúc nào cũng có thể nghe đến người niệm Phật vãng sanh, thường luôn nghe đến. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên vô cùng nhiệt tâm, lúc lâm chung các đồng tu niệm Phật hơn phân nửa đều mời cư sĩ Lý Mộc Nguyên trợ niệm, lo hậu sự cho họ, ông đã thấy được tướng lành quá nhiều, quá nhiều! Ngày nay Lý cư sĩ phát tâm như vậy là do ông ta đã nhìn tận mắt, nghe tận tai, niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật là thật, chẳng phải giả. Bởi vậy nên ông ta làm thật hết lòng, rất nhiệt tâm như vậy, tín nguyện của ông chẳng phải phát suông đâu, là đã nhìn thấy sự thật nên mới phát khởi đấy.

 Chỉ có Phật mới thấu triệt pháp khổ vui trong lục đạo tam đồ, biết được triệt để, được rốt ráo, cho nên Phật có khả năng giúp đỡ chúng ta giải quyết vấn đề, giúp chúng ta lìa khổ được vui. Tuyệt đối không thể xem thường hai đoạn kinh này, đây là vô thượng diệu pháp của chư Phật Như Lai khác miệng đồng âm tuyên thuyết, chúng ta có thể coi như tổng cương lãnh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong thế gian giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Phật xuất hiện trong thế gian để làm gì? Để làm việc này.

 Sau khi tán thán, chư vị hãy xem tiếp kinh văn:

 

 Các khiển thị giả, vấn tấn Thế Tôn.

 Mỗi vị đều sai thị giả đến vấn an Thế Tôn.

 Đây là lễ mạo, Phật phái thị giả đến vấn an đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lễ tiết, đây cũng làm một hình dáng cho người ta coi, ‘Lễ’ này chẳng thể bỏ. Người chẳng có lễ thì sẽ chẳng ở yên trong thế gian được, nhưng hiện nay người ta đều coi thường lễ tiết. Nếu coi thường lễ tiết thì nói thật ra dù tu học Phật pháp có giỏi cách mấy, quả báo sẽ ở đâu? Quả báo sẽ chẳng ở cõi người, hơn phân nửa là ở cõi quỷ. Đến đoạn nói về Quỷ vương ở phía sau, nói rõ nhân của những quỷ vương này thì quý vị sẽ hiểu. Tu hành Phật pháp giỏi vô cùng, nhưng cống cao ngã mạn, chẳng có lễ tiết, quả báo sau này sẽ đến quỷ đạo làm quỷ vương. Trong kinh Hoa Nghiêm giảng về những vị làm Thế Chủ, Khí Thế Gian Chủ, thần núi, thần cây, thần hoa, thần nước, những vị này sẽ có khuynh hướng như vậy. Phật pháp được xây dựng trên cơ sở Hiếu Kính, khuyên chư vị đồng tu phải giác ngộ, có Hiếu Thân Tôn Sư thì chúng ta mới có thể hướng về Phật đạo, đi về Cực Lạc thế giới, nếu chẳng có ý niệm này thì tuy tu học Phật pháp nhưng sẽ đến quỷ đạo làm quỷ vương. Nếu tốt hơn nữa thì bạn có thể đến thiên đạo; thiên đạo thì có trời Dục Giới, trời Sắc Giới không được, nhất định phải biết. Ở đây là dạy Lễ, dạy Kính.

 

 Thị thời Như Lai hàm tiếu, phóng bá thiên vạn ức đại quang minh vân.

 Bấy giờ, Như Lai mỉm cười, phóng ra trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn.

 Chỗ này nói về Phật hiện tướng lành. Trong quang minh vân (vầng mây sáng) hiển lý, phóng quangChúng sanh lợi căn nhìn thấy hào quang đều hiểu hết những lời dạy của Phật, chẳng cần phải dùng lời nói, ‘quang minh’ tiêu biểu cho trí huệ, ‘trăm ngàn muôn ức vầng mây sáng rỡ lớn’ chính là vô lượng vô biên trí huệ, trong vòng sát na tế toàn bộ đều hiện ra, chẳng cần thời gian dài, trong vòng sát na liền phơi bày vô lượng vô biên trí huệ trước mặt hết thảy đại chúng. ‘Thị thời’ tức là lúc chư Phật Như Lai tán thán, phái thị giả đến vấn an đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thế Tôn mỉm cườiPhóng quangtiêu biểu pháp, hào quang này từ đâu ra? Trong chân như bản tánh vốn có đầy đủ Bát Nhã quang minh, Phật vì chúng sanh thuyết pháp căn cứ vào chỗ này. Phật thuyết hết thảy pháp bắt đầu từ đâu? Từ trong tự tánh vốn sẵn đủ Bát Nhã thể hiện ra, hôm nay nói chỗ y cứ của hết thảy pháp, biểu hiện ra một lượt cho mọi người coi.

 ‘Bá thiên vạn ức’ nói chẳng hết, cho nên sau đó lược nêu ra vài điều, nếu nói kỹ thì nói không hết, giản lược nêu ra mười điều. Tuy là giản lược nêu ra, chư vị phải biết cũng giống như cách tiêu biểu pháp trong kinh Hoa Nghiêm, bất cứ câu nào cũng đầy đủ trăm ngàn muôn ức quang minh vân, một tức là hết thảy, hết thảy tức là một. Thế nên khi chúng ta nghe kinh, nghe pháp, nếu người giảng dùng tâm chân thành, tâm cung kính, thì liền cùng quang minh của Phật khởi tác dụng cảm ứng, Phật quang sẽ soi rọi đạo tràng đó cũng giống như đại quang minh vân chiếu soi trên không trung của đạo tràng [tại cung trời Đao Lợi] này. Phía dưới người nói, người nghe sanh vô lượng hoan hỷ, chẳng phải do người ấy giảng hay, nói khéo, chẳng phải vậy, người hiện nay gọi đó là ‘từ trường’ chẳng giống nhau, đây là sự gia trì của Phật, từ bi gia trì, quang minh nhiếp thọ. Nói về câu đầu tiên:

 

 Sở vị: Đại Viên Mãn Quang Minh Vân.

 Đó là vầng mây sáng Đại Viên Mãn

 ‘Đại Viên Mãn’, đây là điểm giống nhau trong những vầng mây khác nhau. Viên mãn tức là một chút khiếm khuyết đều chẳng có, chính là toàn thể tánh đức tỏ lộ. Tại sao hết thảy chúng sanh có thể khởi cảm ứng đạo giao? Tâm chúng sanhtâm Phật không hai không khác. Sai khác ở đâu? Chúng sanh còn mê, Phật đã giác. Khi giác là tâm tánh, khi mê cũng là tâm tánh, tâm tánh chẳng có giác, mê. Trong hết thảy chúng sanh, thường nói đến hữu tình chúng sanh, chúng ta ngày nay gọi là động vật, chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới; ngoài hữu tình chúng sanh còn có vô tình chúng sanh, ngày nay chúng ta gọi là thực vật, khoáng vật, đều từ trong tự tánh biến hiện raKinh Hoa Nghiêm nói: ‘Hữu Tình và Vô Tình cùng viên mãn chủng trí’ . Viên là viên mãn, đồng viên chủng trí tức là đồng thời thành Phật, là ý như vậy. Tại sao? Cùng một pháp thân, cùng một thể tánh. [Đối với] người giác ngộ, núi sông đại địa đều là tự thân, cùng mình là một thể, thế nên sẽ quan hoài vô điều kiện, yêu thương, bảo vệđiều kiện, đó gọi là ‘đại từ đại bi’, thế nên câu tiếp sẽ là ‘Đại Từ Bi Quang Minh Vân’. Phải biết Phật như vậy, chúng ta cũng như vậy. Hôm nay Phật hiển hiện chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên tự tánh quang minh; hôm nay chúng ta hiện ra vô lượng vô biên phiền não vô minh, chúng ta biến thành nông nỗi này, hoàn toàn phản nghịch với tánh đức, biến thành một chúng sanh đáng thương xót. Thế nên tự mình phải giác ngộ, phải quay về, phải thọ trì đọc tụng, y giáo phụng hành, người như vậy mới thật sự quay về. Vừa quay về thì cùng đại quang minh vân của Phật khởi tác dụng cảm ứng đạo giao.

 

 Đại Từ Bi Quang Minh Vân.

 Vầng mây sáng Đại Từ Bi.

 ‘Từ Bi’ là chỗ nương dựa cho sự phát tâm của chúng taTứ Hoằng thệ nguyện ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’ nương dựa vào cái gì mà phát tâm? Nương dựa vào tâm từ bi. Quang Minh Vân ở đây tiêu biểu cho đức năng viên mãn của chân tâm tự tánh, Bát Nhã trí huệ vốn có. Chư Phật, Bồ Tát, Bồ Tát ở đây là chỉ cho Pháp Thân đại sĩ; khi chưa chứng Pháp thân thì tánh đức chưa hiển lộ, chẳng có quang minh vân; các ngài có đại từ bi, chẳng thể thêm quang minh vân. Thêm quang minh vân thì tối thiểu phải là Pháp Thân đại sĩ, phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, thật sự cùng tâm cùng nguyện, cùng đức cùng hạnh với Phật, thì trong đoạn này hiển lộ chẳng sót, đây là sự tướngTứ hoằng thệ nguyện phát khởi từ chỗ này. Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện này viên mãn, rốt ráo, ‘địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật’, từ bi đến cùng cực! Chúng sanh khổ nạn trong địa ngục ngài đều độ, huống chi là những chúng sanh khác, đây gọi là phổ độ chín giới chúng sanh.

 Khoảng thời gian sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ và trước khi Di Lặc Bồ Tát giáng sanh quá dài. Trong thời gian dài như vậy chẳng có Phật ra đời, cái khổ của chúng sanh chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Phật, Bồ Tát chẳng có tâm từ bi sao? Có chứ, phải làm sao? Trong thời gian này Phật giao phó sự nghiệp giáo hóa chúng sanh cho Địa Tạng Bồ Tát. Lúc Phật chẳng ở thế gian thì Địa Tạng Bồ Tát đại diện cho Phật Thích Ca, Thế Tôn chẳng nhờ Bồ Tát khác, mà nhờ Địa Tạng Bồ Tát. Do đó có thể biết sau khi đức Phật diệt độ, khi Bồ Tát Di Lặc chưa xuất thế, dùng phương pháp gì để giáo hóa hết thảy chúng sanh? Dùng Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đây là lời phó chúc của Thế TônĐịa Tạng Bồ Tát nhận sự ủy thác của Thế Tôn, chẳng cô phụ đức Phật Thích Ca, ngài đích thật đảm đương trách nhiệm này, từ bi đến cùng cực! Chúng ta phải dùng ‘Đại Từ Bi Quang Minh Vân’ phát tâm Bồ Đề, thượng cầu hạ hóa, độ mình, độ chúng sanh. Câu thứ ba:

 

 Đại Trí Huệ Quang Minh Vân.

 Vầng mây sáng Đại Trí Huệ.

 Đây là chỗ y cứ cho sự tu hành của chúng ta. Bất luận tu học pháp môn nào, không có trí huệ thì không thể thành tựu, nhất định phải nương vào trí huệ, trí huệ từ đâu có? Nói cho chư vị biết, trí huệ nhất định chẳng do sự học hỏi, ghi nhớ mà có. Tôi nghe rất nhiều, đọc nhiều, nhớ nhiều, đó là thông minh của thế gian, trong kinh Phật gọi là ‘thế trí biện thông’. Trong Phật đạo, ‘thế trí biện thông’ là một trong tám nạn, nếu bạn gặp phải thì rất khó, tại sao? Kẹt vào ‘Sở tri chướng’, những gì bạn biết trở thành chướng ngại, chướng ngại bạn minh tâm kiến tánh, chướng ngại bạn đạt được định, chướng ngại bạn khai trí huệTrí huệ từ đâu đến? Trí huệ nhất định phải được từ thiền định, thiền định từ đâu đến? Thiền định nhất định được từ Trì giới. Đây gọi là ‘Tam Vô Lậu Học’. Tuy Đại thừa pháp môn chẳng coi trọng giới luật trên hình thức, Đại thừa nói đến Tâm Địa Giới pháp, còn thù thắng hơn hình thức, phải làm thật sự! Thiền địnhtâm thanh tịnh, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, ‘ngoài không trước tướng, trong không động tâm’, đó gọi là thiền định, đó là chân chánh tu thiền định. Nếu lục căn chúng ta tiếp xúc với cảnh giới lục trần, vẫn còn bị cảnh giới bên ngoài thu hút, vẫn còn khởi tâm động niệm, vậy là hỏng bét rồi!

 Công phu chân chánh, tu hành chân chánh ở đâu? Chính là dụng công ở chỗ sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, chúng ta dùng công phu niệm Phật, phương pháp này rất tốt. ‘Niệm đầu’ vừa động, thì dùng ‘A Di Đà Phật’ chuyển liền, chuyển thành A Di Đà Phật, trong đó Tam học: Giới, Định, Huệ đầy đủ cùng lúc. Nếu bạn có thể chuyển thì bạn tuân thủ pháp, đây là Trì giới. Nhìn thấy cảnh giới bên ngoài thuận tâm thì khởi tham ái, tâm tham vừa động thì ‘A Di Đà Phật’ chuyển trở lại, đó là Trì giới. Thấy hoàn cảnh không vừa ý, trong tâm không ưa thích thì liền ‘A Di Đà Phật’ chuyển lại. Nếu bạn có thể chuyển trở lại, tiếp nhận sự giáo huấn của Phật, Phật dạy chúng ta làm như vậy, chúng ta làm như vậy, đó là ‘Trì giới’. Sau khi chuyển trở lại, đối với hết thảy cảnh giới đều không để ý nữa, quay về niệm Phật, đó là tu ‘Định’. Nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật, ‘Huệ’ ở trong đó. Thế nên [nhiều người] chẳng biết sự tu học của Tịnh Tông thù thắng, hoàn thành Giới - Định - Huệ Tam Học ngay trong một niệm, viên mãn đầy đủ. Sau đó xử sự, đãi người, tiếp vật, thiện ý tự nhiên sẽ sanh ra, thế nên công phu tu hành của bạn sâu cạn chẳng có tơ hào ẩn dấu được, đều bộc lộ trên gương mặt, âm thanh, từng cử chỉ, từng động tác của bạn, công phu tu hành của bạn làm sao ẩn dấu được? Trong ngoài như nhau. Ẩn dấu là đối với người ngu mà nói, người ngu chẳng nhìn thấy nên mới bị bạn gạt, người chân chánh có trí huệ thì không dấu nổi, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ. Thế nên ‘đại trí huệ’ là chỗ nương dựa của sự tu hành của chúng ta. Câu thứ tư:

 

 Đại Bát Nhã Quang Minh Vân.

 Vầng mây sáng Đại Bát Nhã.

 Ý nghĩa của Bát Nhãtrí huệ có khi giống nhau, nhưng hai chữ này gộp chung một chỗ thì ý nghĩa đương nhiên có sai khác. Bát Nhã như trong kinh Bát Nhã nói: ‘Thật Tướng Bát Nhã, Quán Chiếu Bát Nhã, Văn Tự Bát Nhã’. Đại trí huệ ở phía trước chúng ta giải nghĩa là Huệ trong Giới - Định - Huệ; nhưng Định nhất định phải có Giới, ‘Định cộng Giới’, người có Định sẽ chẳng phạm lỗi. Người có Huệ gọi là ‘Đạo cộng Giới’, Trì Giới ở trong đó còn cao minh hơn nữa. Do đó ‘Huệ’ giống như ba tầng lầu, tầng thứ ba nhất định bao gồm hai tầng dưới, tầng dưới chẳng bao gồm tầng trên, Giới chẳng bao gồm Định, Định chẳng bao gồm Huệ; Định nhất định sẽ bao gồm Giới; Huệ nhất định sẽ bao gồm Giới và Định. Bát Nhã, ở đây chúng ta y theo cách nói của kinh Bát Nhã, Thật tướng Bát Nhã là Thể. Thật tướng vô tướng, cũng tức là chẳng có Phân biệt trí, Thật trí, đối với hết thảy pháp rõ ràng, minh bạch nhưng trong đó chẳng có phân biệtPhân biệt còn không có, thì đâu có chấp trước! Thế nên được gọi là Thật Tướng Bát NhãThật tướng tức là chân tướng, người đó hiểu rõ chân tướng, chúng ta thường gọi là hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh rốt ráo triệt để, trí huệ này được gọi là ‘Thật Tướng Bát Nhã’.

 Thật Tướng Bát Nhã khởi tác dụng gồm có hai loại: một là ‘Tự thọ dụng’, hai là ‘Tha thọ dụng’. Tự thọ dụng là ‘Quán Chiếu Bát Nhã’, dùng cách nói hiện nay tức là sống một đời sống có trí huệ cao tột, hoặc giống như những Pháp Thân đại sĩ đã chứng quả, các ngài sống đời sống viên mãn trí huệ, tương ứng với quang minh vân. Phàm phu chúng ta có thể sống đời sống cao đẳng trí huệ, đó là rất hiếm có, như vậy bạn mới hiểu được Quán Chiếu. Tổng cương lĩnh của Quán Chiếu, trong kinh Kim Cang, Phật dạy: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. Thế nên đối với hết thảy pháp tướng, họ có thể không phân biệt, không chấp trước, có thể tùy duyên mà không phan duyên, cái gì cũng được, cái gì cũng tự tại, mỗi ngày sinh hoạt thanh tịnh, khoái lạc vô cùng! Tùy cảnh ngộ đều an lạc, phú quý có sự khoái lạc của phú quý, nghèo hèn có sự khoái lạc của nghèo hèn; phú quý, nghèo hèn là sự tướng, khoái lạc đều bằng nhau, đều bình đẳng, đều sinh hoạt rất viên mãn, đều được khoái lạc. Đây là Quán Chiếu Bát Nhã, sự thọ dụng của chính mình. ‘Văn Tự Bát Nhã’ tức là lợi tha, Tha thọ dụng, giúp đỡ người khác. Trong Văn Tự bao gồm diễn nói, nói cách khác Quán Chiếu bao gồm sự tướng, tức là làm ra hình dáng cho người ta coi, ngày nay chúng ta gọi là ‘thân giáo’, Văn Tự Bát Nhã là ‘ngôn giáo’. Do đó có thể biết Thật Tướng Bát Nhã là ‘ý giáo’. Thân, ngữ, ý đều giáo hóa hết thảy chúng sanh, đều giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Trong Thật Tướng tuy nói là ý giáo, nhưng chẳng có niệm đầu của ‘ý’; nếu có niệm đầu của ‘Ý’ thì không phải là Thật Tướng Bát Nhã trí huệBát Nhã‘tức tướng ly tướng, ly tức đồng thời’ (chính ngay nơi tướng mà lìa tướng, cùng một lúc vừa là ‘lìa’, vừa là ‘chính là’), như vậy mới có thể phá trừ hết thảy mê hoặc. Câu thứ năm:

 

 Đại Tam Muội Quang Minh Vân

 Vầng mây sáng Đại Tam Muội.

 Tam MuộiPhạn ngữ, là dịch âm từ tiếng Ấn Độ, nghĩa là ‘Chánh thọ’, hưởng thọ chánh thường (hưởng thọ một cách chánh đáng, đúng mực, hợp lý). Phật nói sự hưởng thọ của lục đạo chúng sanh chẳng chánh thường. Các thứ hưởng thọ được quy nạp thành năm loại lớn, thân có hai loại: ‘khổ thọ’ và ‘lạc thọ’. Khổ thì vô lượng vô biên, Lạc cũng vô lượng vô biên, dùng hai loại này bao gồm hết cả. Tâm lý, chúng ta gọi là Tinh thầnThân thể bằng xương thịt có hai loại ‘khổ’ và ‘lạc’ này. Tâm lý có hai loại: ‘Buồn’ và ‘Vui’. Đó là bốn loại: khổ và lạc là tương đối, buồn và vui cũng tương đối. Sau cùng còn một loại lớn, thân chẳng có khổ và lạc, tâm lý chẳng có buồn và vui, như vậy rất tốt, trạng thái này gọi là ‘Xả thọ’, tổng cộng là năm loại này. Xả thọ rất tốt, nhưng thời gian rất ngắn, không kéo dài được, tạm thời thân xả bỏ khổ, lạc, tâm xả bỏ buồn, vui, chỉ là tạm thời. Nếu Xả Thọ này có thể duy trì mãi thì gọi là Tam Muội, tức là Chánh Thọ, thế nên Tam Muội cũng được dịch là Thiền định, chư Phật Như Lai vĩnh viễn trong Xả ThọTây phương gọi là Cực Lạc thế giới, chúng ta cứ dùng cách suy nghĩ sai lầm của chúng ta để hạn cuộc cái ‘lạc’ của tây phương, cứ tưởng cái ‘lạc’ này là lạc trong khổ - lạc, như vậy là sai rồi! Chẳng phải ‘lạc’ trong khổ - lạc; khổ, lạc hai bên đều xả bỏ hết, đó là ‘chân lạc’! Thế nên tới tây phương Cực Lạc thế giới, năm thứ Thọ: khổ, lạc, buồn, vui, xả này đều chẳng có, đó mới gọi là Cực Lạc thế giớiChúng ta phải hiểu ý nghĩa này.

 Đại Tam Muội có thể phá hết thảy chướng ngại. Khoa học gia hiện đại biết thế gian này có rất nhiều chướng ngại, thí dụ họ phát hiện không gian ba chiều, chúng ta hiện nay đang sống trong không gian ba chiều này, họ biết có không gian bốn chiều, năm chiều. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói ông đã coi báo cáo khoa học, ông nói khoa học gia đã khẳng định tối thiểu có mười một chiều không gian tồn tại. Nếu y theo cách nói của Phật pháp thì không hẳn như vậy thôi đâu, chúng ta làm sao biết được? Chúng ta biết những không gian nhiều chiều khác nhau này hình thành như thế nào, chúng ta hiểu được đạo lý này. Phật nói những không gian này là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra, chúng ta biết hết thảy chúng sanhvô lượng vô biên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên thời gian, không gian sẽ có vô lượng vô biên chiều, đâu thể chỉ có mười một chiều, hai chục chiều thôi đâu! Đây là thật, chẳng phải giả. Cho dù trong không gian ba chiều, hoàn cảnh sinh sống hiện nay của chúng ta, trong đó vẫn còn rất nhiều chướng ngại. Nói ba chiều, bốn chiều là nói theo cách phân chia đại khái, cũng giống như cách nói mười pháp giới trong nhà Phật. Chúng ta gọi mỗi pháp giới là một chiều thì đó là mười chiều không gian, cộng thêm Nhất chân pháp giới thì là mười một chiều. Nhưng mỗi pháp giới lại có rất nhiều [pháp giới nhỏ ở trong ấy], đếm chẳng hết. Nếu bạn thật sự đạt được Tam Muội, an trú trong Tam Muội, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều dứt hết thì sẽ phá được tất cả giới hạn này. Công phu thiền định cạn sâu chẳng đồng, Định cạn thì đột phá một tầng, hai tầng, Định sâu hơn thì có thể đột phá nhiều tầng hơn, chúng ta biết những tình hình này rất rõ ràng.

 Trong thế gian có một số người tu Định, có một cụ kể cho tôi nghe vào thời thế chiến thứ nhì vừa qua, trong thời gian chiến tranh ấy cụ ở Giang Tây, ở đó có một vị đạo sĩ, đạo sĩ này có thần thông, nói thật ra là có công phu định lực. Nhà cụ ở hơi thấp, đạo sĩ này kêu cụ dọn nhà và nói chỗ đó vài ngày nữa sẽ bị ngập nước. Đạo sĩ cũng ở vùng gần đó, cụ bèn sai người dò xem đạo sĩ này có dọn hay không? Cụ thấy đạo sĩ dọn nhà nên cụ cũng dọn theo. Quả đúng như vậy, hoàn toàn phù hợp với thời gian đạo sĩ này đã nói. Một dấu hiệu báo trước gì cũng chẳng có, kết quả là núi lở, chỗ ấy bị ngập, từ đó cụ mới biết vị đạo sĩ này có thần thông. Sau đó không lâu vị đạo sĩ nói ông ấy nhìn thấy chỗ nào đó xảy ra chiến tranh, nói ra phương hướng, đại khái là cách bao xa, ông đã nhìn thấy được. Cụ này là một người lính, là một quan lính cao cấp, cụ nói vị đạo sĩ này nói không đúng, cụ chẳng nghe tin này. Kết quả là ba tháng sau, người Nhật bất thình lình tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, Hawaii), cùng với phương vị, tình huống, khoảng cách, ba tháng trước ông đã nhìn thấy rồi. Do đó có thể biết thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai đều tồn tại đồng thời. Đó là công phu định lực nhỏ, chẳng phải đại định, có thể đột phá thời gian ba tháng, sự việc ba tháng sau ông có thể thấy. Ông ở một căn nhà nhỏ trong núi sâu, ông có thể nhìn thấy Hạ Uy Di, Trân Châu Cảng ở cách đó mấy ngàn dậm, đây là công phu định lực nhỏ thôi. Hiện nay ngoài thị thành có lưu thông ‘Thánh kinh mật mã’ , ông ta có thể nhìn thấy ba ngàn năm sau, công phu định lực của ông này còn sâu hơn vị đạo sĩ kể ở trên. Đạo sĩ này chỉ có thể nhìn thấy cảnh giới vài tháng, vài năm, vài ngàn dặm thôi. Tam Muội chẳng thể nghĩ bàn, có thể đột phá hết thảy chướng ngại.

Như Lai đã đoạn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên năng lực của ngài viên mãn, tận hư không trọn khắp pháp giới chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thể, chúng ta hiểu được đạo lý này; từ đó chúng ta mới tin tưởng lời Phật nói, lời ngài nói là thật chẳng phải giả, ngài đích thật có năng lực này. Ngài có năng lực này, chúng ta cũng có. Ngày nay chúng ta mất hết năng lực này là vì chúng ta không có Định, trong tâm mỗi ngày vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cả đống, thiệt thòi là ở chỗ này, chúng ta nhất định phải giác ngộ, phải hiểu rõ.

Được rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây thôi.

 

Tập 4 (Số 14-12-04)

 

 Xin mở kinh. Hôm qua giảng đến đoạn Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành, trong mười thứ quang minh vân này chúng ta giảng đến ‘Đại Tam Muội Quang Minh Vân’ thứ năm. Bây giờ chúng ta bắt đầu từ quang minh vân thứ sáu:

 

 Đại Cát Tường Quang Minh Vân.

 Vầng mây sáng Đại Cát Tường.

 ‘Cát Tường’ ở thời cổ Trung Quốc là một chữ thông dụng trong việc hỏi thăm, chúc tụngCát tường là gì? Cổ đức nói đây là một từ ‘nghĩa lợi’, tức là chúng ta đáng được, đều có thể đạt được một cách viên mãn. Còn những gì không đáng được, nếu bạn muốn đạt được thì đó là ‘tai họa’, đó gọi là ‘bất nghĩa’. Chúng ta dùng tài vật để thí dụ, những đồ vật ‘bất nghĩa’ trong Phật pháp là đồ trộm cắp, bạn chẳng nên có, bất luận là dùng thủ đoạn gì, nếu bạn đạt được thì tội lỗi rất nặng. Thế nên ‘Cát tường’ là đáng được, bạn có thể đạt được viên mãn, đây là ‘nghĩa lợi’, ‘nghĩa’ tức là đáng được.

 Câu này nói rõ đây là ‘đức’ đáng được. Trong Phật pháp, Đại Bồ Đề, Đại Niết Bàn là những gì chúng ta muốn đạt được, trí huệ đức năng vốn sẵn có trong tự tánh là những gì chúng ta muốn đạt được, cùng với trí huệcông đức của quả địa chư Phật chẳng hai, chẳng khác, chúng ta hiểu được ý nghĩa này. Dù là chính mình, chúng ta lấy phàm phu để nói, tánh đức của chúng ta chẳng khai mở, trong thế gian này chẳng phải chỉ một đời này thôi, mà đời đời kiếp kiếp phước báo của chúng ta có thể nói đều là tu được (nhờ tu mới được), chẳng xứng tánh. Khi kiến tánh thì trong tự tánh của bạn có trí huệ, phước báo mới có thể hiện tiền, phước báo đó mới là chân thật, giống như nước suối tuôn trào, lấy hoài chẳng hết, dùng hoài chẳng cạn, đó là phước báo xứng tánh. Trước lúc kiến tánh thì phước đức này là do tu mà được, tu được thì sẽ dùng hết, ở đây chúng ta nêu một thí dụ cho mọi người dễ hiểu. Tánh đức ví như tài sản của bạn, có gia nghiệp, trong nhà có mỏ vàng, trong mỏ tàng trữ vô cùng phong phú, đời đời kiếp kiếp đều dùng chẳng hết. Nhưng hiện nay cái mỏ vàng này bị đá bít kín, chẳng thể sử dụng, một đồng cũng chẳng có, muốn có cơm ăn phải đi làm công, bạn kiếm chút ít tiền để sống qua ngày, trong nhà tuy có tài sản ức vạn nhưng bạn chẳng sử dụng được.

 Bát Nhã, trí huệ, công đức, của cải trong tự tánh chúng ta cũng giống như mỏ vàng này vậy, chưa được khai thác, cho nên hiện nay phải cực khổ đi làm chuyện vặt để kiếm chút tiền, phước báo này hưởng chẳng hết. Vả nữa, phải đi làm một cách đúng lý đúng pháp, nếu đầu cơ cầu may, làm chuyện phi pháp thì bạn sẽ phạm tội. Khi phạm tội thì những gì bạn đáng có nhưng không có được, lại còn bị pháp luật trừng phạt, đạo lý này cũng giống vậy. Thế nên chúng tathế gian này phải hiểu rõ, những gì chúng ta chẳng đáng được thì nhất định không thể lấy. Chữ ‘đạo tặc’ trong nhà Phật, ý của chữ ‘đạo’ là không cho mà lấy, bất luận là dùng thủ đoạn gì, bạn chiếm được những tài vật chẳng hợp pháp là họa chứ chẳng phải là phước, nhất định phải hiểu điểm này. Cho dù những của cải trong số mạng có sẵn chúng ta cũng phải giác ngộ, sự thọ dụng trong sinh hoạt đời này nói thật ra rất ít. Chúng ta đừng nghĩ đến cả đời, nghĩ đến cả đời thì dễ phạm nhiều lỗi lầm. Người chân chánh giác ngộ sẽ nghĩ như thế nào? Một ngày, sự thọ dụng của tôi ngày hôm nay, tuyệt đối không nghĩ về ngày mai, nghĩ về ngày mai thì bạn sẽ có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì bạn sẽ sai lầm, chỉ tưởng ngày hôm nay, chẳng có ngày mai. Những gì cần dùng hôm nay còn dư lại đều bố thí cho người khác, có phước cùng hưởng với hết thảy chúng sanh. Nếu bạn hỏi ngày mai phải tính sao? Ngày mai sẽ có nhiều hơn. Tại sao lại càng nhiều hơn? Người này đang trồng phước, khi trồng phước thì phước báo sẽ vĩnh viễn tăng trưởng thêm, nó sẽ chẳng tiêu mất. Chúng ta thấy người thế gian, ở khắp nơi trên thế giới có thể thấy những người có tiền cắm cúi tích trữ, liều mạng để gia tăng của cải của mình, đối với sự nghiệp phước lợi của xã hội, nhìn thấy người nghèo khổ một cắc cũng không chịu cho. Nhưng trải qua vài năm thì họ xảy ra sai sót, nhà tan cửa nát, tài sản của họ đều tiêu hao mất hết. Hiện tượng này cổ kim trung ngoại đều có, chỉ cần lưu ý một chút thì thế gian hiện nay ngày càng rõ ràng. Tại sao không đem số còn dư đi tu phước? Đây chính là mê hoặc điên đảoChúng ta nói đến ‘Cát tường’ nhất định phải hiểu ý nghĩa này. Tánh đức thì chúng ta tạm thời không bàn, trên tu đức biết mình tu như thế nào, làm sao tu mới được phước lợi to lớn, kinh này dạy cho chúng ta biết. Phía dưới thứ bảy là:

 

 Đại Phước Đức Quang Minh Vân.

 Vầng mây sáng Đại Phước Đức.

 Thêm vào ba chữ Quang Minh Vân đều là xứng tánh. Phước Đứctrợ đạo, trong Bồ Tát Hạnh từ Bố Thí đến Thiền Định đều thuộc về trợ đạo. Do trợ duyên của Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định mới thành tựu trí huệ vô lậuThí dụ không có năm thứ đầu, cho dù có trí huệ, trí huệ này là hữu lậu, trí huệ hữu lậu trong Phật pháp gọi là ‘thế trí biện thông’, chẳng phải trí huệ Bát Nhã. Tại sao đức Phật đặc biệt chú trọng tu phước? Lúc chúng ta thọ Tam Quy, ‘Quy y Phật, Nhị Túc Tôn’, chữ Nhị ở đây là phước và huệ; Túc là viên mãn. Sau khi thành Phật, cả hai phước đứctrí huệ đều viên mãn, trong phước đức chẳng ai sánh bằng cho nên xưng là tôn quý nhất. Do đó có thể biết đức Phật tuyệt chẳng phản đối người ta tu phước, mà còn khuyến khích người ta tu phước, tại sao vậy? Tu đạo là một công việc tương đối chẳng dễ dàng, nhân duyên chướng đạo rất nhiều, lúc bạn tu học chướng ngại cho việc chứng đạo rất nhiều; phước đức có thể bảo hộ chánh pháp, có thể chân chánh hộ trì bạn. Chúng ta nói thiên long quỷ thần hộ pháp đến để hộ cho pháp của bạn, họ dựa vào cái gì để hộ pháp của bạn? [Là vì] thấy bạn có phước, có đức, nếu bạn chẳng có phước đức, không tu phước đức, mỗi ngày khấu đầu chắp tay, người ta chẳng đếm xỉa đến bạn thì dựa vào gì để hộ pháp cho bạn! Nếu bạn chịu tu bố thí, người ta khâm phục bạn, tán thán bạn; bạn chịu trì giới, người ta tôn kính bạn. Cho nên chúng ta yêu cầu chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, chẳng phải mỗi ngày khấu đầu, mỗi ngày cầu họ, cấu kết với họ, nịnh hót họ, không thể được! Chỉ cần mình hết lòng y theo lời Phật dạy mà làm, chẳng cần phải cầu ngài, chẳng cần để ý, tự nhiên sẽ được hộ trì. Tại sao vậy? Ngài tôn kính bạn, bạn nổi bật trong đại chúng, người ta tạo nghiệp, bạn tu phước, là đạo lý như vậy, chúng ta phải hiểu rõ.

 Trên hình thức thì chúng ta làm theo nghi thức, thật ra đây là làm cho đại chúng xem, dùng phương thức này khơi gợi đại chúng, làm cho những chúng sanh mê hoặc điên đảo này giác ngộ, hồi đầu, thế nên những nghi thức này nên làm trang nghiêm, long trọng, đạo lý là như vậy. Tuy xã hội đại chúng chẳng nhìn thấy, nhưng chúng ta làm nghi thức này trang nghiêm, long trọng thì quỷ thần nhìn thấy. Do đó có thể biết tất cả hình thức đều là để phổ độ hết thảy chúng sanh, đó chỉ là bên ngoài; có bề ngoài thì phải có nội dung bên trong, bên trong là chân tuNội tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác, biểu hiện ở bên ngoài là lục độ vạn hạnh, thành tựu phước báo chân thật rộng lớn. Phước báo có thể trừ chướng ngại, có thể giúp chúng ta khai trí huệ, ngạn ngữ thế gian thường nói: ‘Phước chí tâm linh’, phước báo của người này đến thì họ vô cùng thông minh. Lúc bình thường coi họ ngu khờ, nhưng khi phước báo hiện tiền thì họ sẽ đột nhiên thông minh, lời này có đạo lý. Tu định là nguyên nhân chủ yếu để khai huệ, tu phướctrợ duyên, giúp đỡ bạn khai huệ, thế nên phải phước huệ song tu. Câu kế là:

 

Đại Công Đức Quang Minh Vân

Vầng mây sáng Đại Công Đức.

 ‘Công đức’ khác với phước đứcChúng ta thường gọi Phước đứcPhước báo, phước báo có thể cùng hưởng với người khác, công đức thì không thể. Công đức là gì? ‘Công’ là sự tu học của bạn có công phu, khi tu họccông phu thì bạn nhất định có thâu hoạch; chữ ‘đức’ này cùng nghĩa với chữ ‘được’ (đắc), bạn nhất định có được thâu hoạch. Thí dụ trì giới có công, tu giới được rất tốt, có công; thiền định là đức, nhờ Giới được Định. Giữ giới có tốt cách mấy nhưng không thể đắc định, công phu cứ thiếu một chút. Giữ giới được rất tốt, tại sao không được định? Cổ đức nói rất hay, tự mình tu hành rất tốt, nói theo cách nói hiện nay: rất đáng kiêu ngạo, như vậy là hỏng rồi! Bạn nghiên cứu kinh điển, nghiên cứu rất hay, rất đáng kiêu ngạo; giảng kinh trên giảng đài, giảng rất hay, rất đáng tự hào, một khi vừa ngạo mạn thì hỏng rồi, công đức liền mất hết. Ngạo là gì? Phiền não, trì giới đến sau cùng phiền não hiện tiền. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ Huệ Năng đại sư dạy rất hay: ‘Nếu là người chân chánh tu đạo chẳng nhìn thấy lỗi người thế gian’, bạn trì giới phải trì đến lúc chẳng thấy lỗi người khác thì sẽ được Định, bạn trì giới sẽ biến thành công đứcTrì giới được Định là công đức; trì giới chẳng được Định là phước đức. Thế nên trì giới có hai loại, một là công đức, hai là phước đức. Nhờ trì giới mà được Định.

 Tu Định cũng vậy, tu Định có thể khai trí huệ thì Định này biến thành công đức, như vậy thì có công. Tu Định mà chẳng thể khai trí huệ, thì Định này là thiền định thế gian, tu được tốt cách mấy, Tứ Thiền Bát ĐịnhChư vị phải biết Tứ Thiền Bát Định đều chưa khai trí huệ, không xuất nổi Tam Giới, chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Người tu hành rất dễ khởi Tăng Thượng Mạn, đó tức là như người hiện nay nói ‘đáng được kiêu ngạo’, người ta chẳng biết tôi, tôi cao hơn người ta một bậc. Chỉ cần có tâm niệm này thì công đức của bạn hoàn toàn mất hết. Đại công đứcthể diệt tội, có thể diệt ác, có thể sanh thiện, công đứcthể diệt ác, sanh thiện. Nếu tu học mà Ác còn tăng trưởng, Thiện chẳng thể sanh, vậy là hoàn toàn sai lầm, điều này chúng ta không thể không biết.

 Cương lãnh, nguyên tắc tu hành của nhà Phật chú trọng ở ‘tu quán’. Nhà Thiên Thai nói: ‘Tam Chỉ Tam Quán’, chúng ta niệm Phật cũng chẳng tách lìa nguyên tắc tu quán. ‘Quán’ là gì? Quan niệmTu quán tức là sửa đổi những quan niệm sai lầm lúc trước của chúng ta trở lại, đó gọi là tu quán. Nói chung, tu học có ba giai đoạn, trong Tông Môn thường nói. Thứ nhất là ‘Quán Chiếu’, quán chiếu là gì? Thường thường nhắc nhở những quan niệm giác ngộ, thời thời khắc khắc nhắc nhở, đó là quán chiếuCông phu quán chiếu đắc lực rồi, trong Tịnh Độ Tông chúng ta tức là ‘công phu thành phiến’, có công phu này nhất định được sanh Tịnh Độ. Tại sao vậy? Niệm niệm có thể chẳng mê, niệm niệm đều đề khởi quán chiếu, trong Tịnh Độ Tông chúng ta tức là một câu Phật hiệu, khi tâm địa vừa động niệm, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, trong tâm khởi lên một tâm niệmTâm niệm chẳng ra ngoài thiện - ác, thuận theo ý tứ của mình thì khởi tâm tham, chẳng hợp ý tứ mình thì khởi sân khuể, sẽ động tâm niệm này, khi chẳng nghịch chẳng thuận thì khởi niệm vô ký, như vậy đều chẳng tốt. Thế nên khi lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, tánh cảnh giác rất cao, ý niệm vừa khởi thì liền ‘A Di Đà Phật’, liền chuyển thành ‘A Di Đà Phật’ lập tức, trong Tông Môn gọi đó là công phu quán chiếuCổ đức có nói: ‘chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm’. Tâm niệm vừa khởi lên, không sao hết, phải cảnh giác cho nhanh, lập tức đề khởi Phật hiệu, thay đổi tâm niệm này, đây là công phu quán chiếu. Lúc công phu quán chiếu sâu thì tự nhiên vọng tưởng, tâm niệm sẽ chẳng khởi, công phu thật có thể khống chế, sẽ chẳng khởi nữa, đây tức là ‘Sự Nhất Tâm Bất Loạn’, trong Tông Môn gọi là ‘Chiếu Trụ’, là được định, thiền định hiện tiền.

 Đến công phu thượng tầng là ‘Chiếu Kiến’, chúng ta đọc Tâm Kinh: ‘Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến ngũ uẩn giai không’, chiếu kiến, ‘kiến’ là trí huệ khai mở, từ định khai huệ, trong Tịnh Tông chúng ta tức là ‘Lý Nhất Tâm Bất Loạn’, tức là chiếu kiến. ‘Chiếu kiến ngũ uẩn giai không’, ngũ uẩn giai không tức là chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, nhìn thấy hết thảy pháp trong vũ trụ, chân tướng‘vô sở hữu, bất khả đắc’Đức Phật nói hai câu này trong kinh ‘Đại Bát Nhã’ lập đi lập lại mấy trăm lần, thế nên bạn xem sáu trăm quyển kinh Đại Bát Nhã xong, không nhớ những thứ khác, đều quên hết nhưng ấn tượng [của sáu chữ này] rất sâu đậm! Chỉ cần bạn nhớ sáu chữ này thì bạn đã tìm được tinh tủy của sáu trăm quyển kinh Đại Bát NhãThế Tôn thuyết pháp đích thật có sự khéo léo (xảo diệu) của ngài, sẽ làm cho bạn ghi nhớ những điểm chính yếu. Tại sao vô sở hữu, bất khả đắc? Kinh Kim Cang nói: ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’. ‘Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng’. Phẩm Thập Định trong kinh Hoa Nghiêm nói càng thấu triệt hơn, chân tướng sự thật là gì? Sát na tế, đây mới là chân tướng sự thật. ‘Sát na tế’ tức là chẳng sanh chẳng diệt, nếu bạn thật sự thấu triệt, minh bạch, khế nhập cảnh giới này, thì xin chúc mừng bạn, bạn thiệt là tài giỏi. Tại sao vậy? Bạn chứng được quả vị Vô Sanh Pháp Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn tức là hiểu rõ sát na tế, hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt, sanh diệt đồng thờiKinh Lăng Nghiêm nói: ‘Ngay nơi đó hiện ra, cũng từ nơi đó diệt hết’, tức là ‘sát na tế’, thế nên mới vô sở hữu, thế nên mới bất khả đắc, đây là chân tướng sự thật. Nếu bạn tưởng là sở hữu, tưởng là có sở đắc thì đó là vọng tưởngChúng sanh trong thập pháp giới, đừng nói lục đạo, đều chẳng tách lìa vọng tưởng. Thế mới biết cửa ải ‘vọng tưởng’ này rất khó phá, phá được cửa ải vọng tưởng này thì bạn sẽ vượt thoát thập pháp giới, bạn sẽ nhập vào Nhất Chân pháp giới. Thế nên công đức nhất định phải tu, phước đức cũng phải tu. Phước đức chú trọng trên sự tướng, công đức chú trọng trên tâm địa.

 

 Xem tiếp câu thứ chín:

 Đại Quy Y Quang Minh Vân. Đại Tán Thán Quang Minh Vân.

 Vầng mây sáng Đại Quy Y, vầng mây sáng Đại Tán Thán

 Quy y nói ở đây tức là quay về tự tánh, đó gọi là ‘Đại Quy Y’, Quy y Tam Bảo, nói thật ra nhà Phật nói quy y Tam Bảo, lý luậny cứ trên câu này. Trong Tam Bảo, thứ nhất là Phật Bảo, Phật BảoTự Tánh Giác, tự tánh biến trọn khắp pháp giới, thế nên ở đây dùng ‘Quang Minh Vân’ để hiển thịPhàm phu mê mất tự tánh, chiêu cảm vô lượng vô biên tai nạnChúng ta dùng một thí dụ để nói, viên mãn tánh tướng, tánh tuy chẳng có tướng nhưng có thể hiện hết thảy tướng, những tướng được hiện là tướng phần của tự tánh, tánh tướng là một, nhất định chẳng phải hai. Chúng ta lấy tự tánh hiện tướng ví như một thân thể, như vậy thì chư vị dễ hiểu; trong thân thể có một bộ phận giác ngộ, nhưng có một bộ phận mê hoặc. Bộ phận nào đang mê hoặc? Không nhất định. Một chỗ nào trên thân thể sanh ghẻ, có mủ, loét ra, sưng lên giống như một bộ phận chúng sanh đang mê hoặc. Cánh tay này sanh ghẻ, lở loét, còn cánh tay kia mau mau giúp đỡ, cánh tay kia là Phật, Bồ Tát, cánh tay này là chúng sanh, [cả hai] đều là một thểChúng sanh không biết tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là bịnh độc, một chỗ trên thân mình sanh ghẻ, lở loét, chính mình chịu khổ. Thế nên chúng sanh thọ khổ thì Phật thọ khổ; chúng sanh được vui thì Phật được vui; đều là một thể cả.

 A Di Đà Phật là ai? Tự tánh Di Đà. Tỳ Lô Giá Na là ai? Tự tánh Tỳ Lô Giá Na, chẳng phải ai khác, đều là chính mình. Ai biết được? Thế nên nói thật cho bạn biết, bạn sợ quá chừng, đều không tin, còn hủy báng Phật, còn tạo tội nghiệp nặng hơn. Thế nên có rất nhiều lời chân thật đức Phật chẳng nói, nói ra bạn sẽ sợ, bạn sẽ chẳng tin, không thể tiếp nhận. Nếu chúng ta quả nhiên tỉnh ngộ, hư không pháp giới đều là chính mình, lòng đại từ đại bi của bạn đối với bất cứ người nào, bất cứ chuyện gì, bất cứ vật gì đều thương mến, lòng thương ấy, lòng quan tâm chăm sóc ấy, lòng giúp đỡ ấy tự nhiên sẽ sanh lên, còn phân chia ta - người nữa sao! Bạn cung kính tôi, tán thán tôi, tôi thương mến bạn, giúp đỡ bạn; bạn hủy báng tôi, chà đạp tôi, sĩ nhục tôi, tôi vẫn thương mến bạn, vẫn giúp đỡ bạn. Tại sao vậy? Bạn mê, tôi chẳng mê. Người chẳng mê thì biết là một thể, người mê thì chia ra thành tôi, chia ra thành họ, cũng giống như trên thân thể bị bịnh, bị ghẻ vậy, những tế bào này mê hoặc điên đảo, chẳng thể điều hòa cùng với cả thân thể, chẳng hòa với mọi người; hòa thì khỏe mạnh, không hòa thì sẽ sanh bịnh.

 Chư Phật Như Lai tán thán đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong Ngũ Trược Ác thế, dạy dỗ chúng sanh ương ngạnh, khó dạy, ý nghĩa của câu này vô cùng sâu rộng! Nhóm chúng sanh ương ngạnh, khó dạy này cũng giống như một bộ phận trên thân thể bị sưng mủ vậy, cùng với mọi người chẳng hòa, họ ở đây phân chia ta và người, chính họ đang chịu khổ chịu nạn, đọa địa ngục, biến thành ngạ quỷ, phải chịu những tội khổ này. Vốn là chẳng có, vốn là chẳng đáng có, họ nhất định phải tạo tác, nhất định phải thọ chịu, đâu có cách chi nữa! Chẳng có biện pháp. Những gì Phật có thể giúp đỡ là dạy dỗ, giảng dạy, nói rõ chân tướng sự thật, chúng ta tự mình phải giác ngộ, nhất định phải quay về, quay lại là bến bờ. ‘Quy’ chính là quay về, ‘Y’ chính là nương tựa, phải nương tựa tánh đức, ở đây dùng ‘Quang Minh Vân’ để tượng trưng, trong kinh Hoa Nghiêm dùng ‘Đại Phương Quảng’ để tượng trưngĐại Phương Quảng trong kinh Hoa Nghiêm chính là Quang Minh Vân nói trong kinh này. Chư vị phải hiểu đoạn này, mười câu này, Quang Minh Vân này hàm nhiếp toàn bộ kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm hàm nhiếp toàn bộ Phật phápVô lượng vô biên pháp môn do mười phương ba đời hết thảy tất cả chư Phật giảng đều bao hàm trong mười thứ Quang Minh Vân này, một pháp cũng chẳng sót, chúng ta phải thể hội ý nghĩa này.

 Quy y Pháp, Pháp là Tự Tánh Chánh, Tự Tánh Chánh là gì? Tự tánh vốn có sẵn trí huệ Bát NhãTự Tánh Giác là ‘Căn Bản Trí’, Tự Tánh Chánh là ‘Hậu Đắc Trí’, chúng ta gọi là ‘Quyền Trí’. Khi xử sự, đãi người, tiếp vật chúng ta phải từ chỗ này cảm nhận, khế nhập, sau đó thực hiện trong đời sống, công việc, trong khi xử sự, đãi người, tiếp vật, chúng ta sẽ khế nhập cảnh giới Phật. Nhập cảnh giới Phật thì tự nhiên sẽ siêu việt thập pháp giới, lục đạo luân hổi thì khỏi nói vì đã siêu việt thập pháp giới rồi. Chúng ta khởi tâm động niệm, những gì mình làm, mình tạo cùng Pháp Thân đại sĩ chẳng hai chẳng khác, chúng ta tuy chưa chứng Pháp Thân nhưng cùng Pháp Thân đại sĩ thực sự giống nhau, đây chính là ‘đại tâm phàm phu’ nói trong kinh Hoa NghiêmĐại tâm phàm phu niệm Phật vãng sanh, nói cho chư vị biết, nhất định sẽ sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ, bốn cõi, ba bậc, chín phẩm chúng ta đều có phần. Thiện Đạo đại sư dạy rất hay, cổ đức trước thời Thiện Đạo đại sư thường nói bốn phẩm thượng: Thượng Thượng phẩm, Thượng Trung phẩm, Thượng Hạ phẩm, Trung Thượng phẩm, họ nói bốn phẩm thượng này đều là Bồ Tát vãng sanh, phàm phu không có phần. Thiện Đạo đại sưA Di Đà Phật tái lai, ngài dạy chúng ta: ‘Chín phẩm vãng sanh đều ở tại duyên, gặp duyên chẳng giống nhau’, lời này nói rất hay! Chúng taphàm phu, gặp duyên thù thắng thì chúng ta sẽ sanh phẩm Thượng Thượng, Bồ Tát nếu chẳng gặp duyên này thì họ vãng sanh có thể chỉ được phẩm Trung Hạ, là do gặp duyên chẳng đồng, chẳng phải do chuyện khác. Như vậy mới là pháp bình đẳng, phù hợp với giáo nghĩa của đề kinh: ‘Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác’, thế nên chúng ta đọc kinh, nghiên giáo sẽ không uổng phí.

 Hiện nay thời gian của tôi hơi ít một chút, phải giảng bốn bộ kinh cùng lúc, ở đây ba bộ, tại Hương Cảng giảng Tứ Thập Hoa Nghiêm. Tôi nói tuy lạc thực (biến thành hiện thực) trong đời sống hiện tại, nhưng tôi coi những chú sớ của cổ đại đức, tôi coi rất hết lòng, tôi sẽ không nhất định nói theo họ, nhưng những gì tôi giảng nhất định khế hợp với ý tứ của họ. Nếu giảng theo chú sớ của người xưa, người hiện nay nghe không hiểu, chẳng thể tiếp nhận, cũng làm chẳng nổi. Chúng ta phải chân chánh hiểu nghĩa kinh, sách của người xưa có thể cung cấp cho chúng ta tham khảo, coi họ nói như thế nào. Sau đó coi hiện nay là thế giới như thế nào, chúng sanh hiện nay có căn cơ gì, bịnh của họ ở tại đâu? Họ cần những gì? Chúng ta có được sự khải thị của kinh điển, chú sớ của cổ đại đức, suy cũ ra mới, chúng ta giúp đỡ chúng sanh khổ nạn hiện nay.

 Ngày nay giải quyết vấn đề xã hội, giải quyết vô lượng vô biên tai nạn do người tạo ra cũng vậy, tai nạn tự nhiên cũng vậy, đều phải làm một sự chuyển biến to lớn từ trong tâm, đó là nhất định phải thương yêu người đời, mở rộng tâm thương yêu mình để thương yêu hết thảy chúng sanh, được vậy thì hết thảy tai nạn đều tiêu trừ. Chỉ biết mình, chẳng biết người khác, thậm chí làm những chuyện tổn người lợi mình, đây là lời người thế gian nói, người mê hoặc điên đảo nói. Người chân chánh minh bạch nhìn thấy cái gì? Tổn hại người nhất định sẽ chẳng lợi mình, chuyện tổn hại người sẽ tổn hại mình, chư vị phải biết như vậy. Cái gì mới thực sự là lợi mình? Lợi người mới thật sự là lợi mình, lợi ích xã hội mới thực sự lợi ích gia tộc của bạn. Người thế gian mê hoặc điên đảo chẳng biết đạo lý này, chẳng biết chân tướng sự thật, tại sao vậy? Vì cả xã hội, cả thế giới là những tế bào trong thân thể của mình, chỉ lo cho bộ phận này, không lo cho bộ phận kia thì bộ phận kia sẽ sanh bịnh. Bạn phải lo cho hết thảy, ăn uống, nơi chốn, cư trú, hấp thụ dinh dưỡng, mỗi bộ phận trong thân thể đều phải đạt đếnCung cấp thức ăn không đồng đều thì sẽ sanh bịnh, có bộ phận hấp thụ dinh dưỡng rồi, còn bộ phận khác thiếu thì tứ đại sẽ chẳng điều hòa. Dùng thí dụ này để nói cả thế giới cũng vậy, chỉ lo cho quốc gia của mình, chẳng màng đến quốc gia khác, kết quả khi quốc gia khác bị nạn, chúng ta cũng chịu liên lụy. Hiện nay mọi người từ từ thấy được sự thật này, nhưng vẫn chưa biết quay về, chưa biết nguyên nhân căn bản ở chỗ nào! Thế nên Phật pháp trước tiên mở rộng tâm lượng của chúng ta, ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’ , như vậy mới thật sự ‘quy y Chánh’; tự tánh vốn sẵn có chánh tri chánh kiến, y cứ cho hết thảy xử sự, đãi người, tiếp vật trong đời sống.

 Thứ ba là ‘Quy Y Tăng’, ‘Tăng’ có nghĩa là Tịnh. Nói theo cách hiện nay là xã đoàn, đoàn thể. Phật pháp xưng bốn người là ‘chúng’, dùng cách nói hiện nay tức là một đoàn thể nhỏ. Bốn người trở lên cùng chung sanh hoạt, làm việc, thì đây là một đoàn thể nhỏ. Người trong đoàn thể này đều tu Lục Hòa Kính thì được gọi là Tăng Đoàn, gọi là Tăng Chúng. Ai cũng tu Lục Hòa Kính, ai cũng có tâm địa thanh tịnh viên mãn, đây là Tăng Đoàn đáng được người tôn kính trong hết thảy đoàn thể ở cõi trời, cõi người. Tại sao vậy? Họ hòa hợp, hòa mục, người Trung Quốc thời xưa cũng nói ‘Hòa vi quý’Luận Ngữ nói: ‘Lễ chi dụng, hòa vi quý’, Hòa là tôn quý nhất, ‘Chúng trung tôn’, tôn nghĩa là đáng được người ta tôn kính, là một đoàn thể rất tôn quý. Đoàn thể này càng lớn, số người càng nhiều, ý kiến bất hòa thì chẳng là Tăng Đoàn, chẳng là đoàn thể được mọi người tôn kínhÝ kiến từ đâu tới? Ý kiến đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chư vị nghĩ thử coi đúng không? Chẳng phải chân thật, trong tự tánh vốn chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

 Ý nghĩa của mười câu này rất sâu, bắt đầu bằng ‘Đại Viên Mãn’, kết thúc bằng ‘Đại Tán Thán’, đúng là viên mãn đến cùng cực. Tám câu ở giữa thì ‘Từ Bi’ là chỗ chúng ta phát tâm nương tựa, ‘Trí Huệ’ là chỗ y chiếu cho chúng ta tu hành, ‘Bát Nhã’ phá hết thảy mê hoặc điên đảo, ‘Tam Muội’ trừ hết thảy chướng ngại, ‘Cát Tường’ là đức đáng được, ‘Phước Đức’ là đức trợ đạo, ‘Công Đức’ là diệt ác sanh thiện, ‘Tam Bảo’ là chỗ quy y chân thật, đây là đại cương của tánh đức viên mãn, sau cùng tổng kết bằng ‘Tán Thán’. Ai tán thán? Những người đối với Sự Lý này chẳng hiểu, chẳng rõ ràng, thì làm sao tán thán nổi! Có năng lực tán thán, có tư cách tán thánchư Phật Như Lai, các ngài hiểu rõ triệt để, thế nên chư Phật Như Lai tán thán thành tựu của bạn, tán thán bạn đã thực sự quay về. Ở đây chúng ta nhất định phải biết chúng sanh và Phật vốn chẳng hai, thế nên chư Phật Như Lai lễ kính chúng sanh, chỉ có chúng sanh coi thường Phật, Bồ Tát, chẳng kính trọng. Hủy báng Phật, Bồ Tát, chẳng tin Phật, Bồ Tát, vu khống Phật, Bồ Tát, [nhưng] Phật, Bồ Tát tuyệt chẳng vì vậyxa lìa chúng sanh, sẽ vĩnh viễn ở nơi đó quan hoài, vĩnh viễn thương mến. Phật chẳng xa lìa chúng sanh, chúng sanh quay lưng xa lìa Phật, Bồ Tát, đây là chân tướng sự thật. Ngày nay chúng ta học Phật, phải học Phật, Bồ Tát, phải học cách dụng tâm, học cách hành trì của Phật, Bồ Tát, chẳng thể học theo chúng sanh, nếu học chúng sanh thì chúng ta cũng sẽ luân hồi lục đạo, đã luân hồi vô lượng kiếp rồi, khổ chẳng thể tả, vẫn còn muốn tiếp tục nữa sao? Trước kia chẳng gặp kinh Đại Thừachướng nạn, chẳng có duyên để giác ngộ, chẳng có duyên để quay về. Ngày nay gặp được, đích thật là nhân duyên hiếm hoi từ vô lượng kiếp. Đã gặp rồi thì phải quý tiếc, phải từ đó quay về, chẳng tiếp tục tạo nghiệp luân hồi nữa, buông xuống hết thảy thân tâm thế giới, y giáo phụng hành, thật thà niệm Phật, như vậy mới tốt. Đoạn phía dưới:

 

 Phóng như thị đẳng bất khả thuyết quang minh vân dĩ.

 Phóng ra những vầng mây sáng chẳng thể nghĩ bàn như vậy xong.

 Câu này là tổng kết. Đoạn trước Thế Tôn phóng quang, hiển thị Lý Thể sở chứng của mình, tức là hiển thị tánh đức viên mãn; Phật có, chúng sanh cũng có. Phóng quang hiện tướng lành, nói thực ra chỉ có Pháp Thân Đại Sĩ mới hiểu rõ, vừa nhìn thấy pháp luân viên mãn do Thế Tôn, mười phương hết thảy chư Phật Như Lai nói xong, liền tức khắc tiếp nhận viên mãn, [chuyện này chỉ có] Pháp Thân đại sĩ mới làm được! Thập pháp giới chúng sanh nhìn thấy, cảm thấy hy hữu, hoan hỷ tán thán, nhưng chẳng biết ất giáp gì cả, chẳng biết rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Họ đều chẳng hiểu, vậy thì phải làm sao? Ngài thuyết pháp, không nói thì chúng ta làm sao hiểu! Thế nên:

 

 Hựu xuất chủng chủng vi diệu chi âm.

 Lại phát ra những âm thanh vi diệu.

 Do đó có thể biết phóng quang hiện tướng lành độ người thượng thượng căn, phát âm thanh vi diệu là để độ người trung hạ căn. Người trung hạ căn nhìn thấy hào quang chẳng hiểu được hàm ý trong đó, nhất định phải yêu cầu đức Phật thuyết pháp. Chỗ này nói: ‘Phát ra những âm thanh vi diệu’, chư vị phải ghi nhớ, đây là nói với chúng sanh trong thế giới Sa Bà, thế giới chúng ta đúng như lời của Văn Thù Bồ Tát: ‘Chân giáo thể của chỗ đó, thanh tịnh ở tại âm thanh và lắng nghe’ . Trong hội kinh Lăng Nghiêm, Thế Tôn để Văn Thù Bồ Tát tuyển chọn pháp Viên Thông cho chúng ta, tức là tuyển chọn pháp môn nào thích hợp nhất cho căn tánh của chúng sanhthế gian này. Văn Thù Bồ Tát tuyển chọn ‘Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương’, nói rõ chúng sanh thế giới Sa Bà nhĩ căn (căn tai) lanh lợi nhất. Bạn cho họ coi, đọc kinh, bạn cho họ coi kinh chẳng dễ khai ngộ, bạn kêu họ nghe kinh thì dễ khai ngộ hơn, công đức của nhĩ căn mạnh hơn nhãn căn. Thế nhưng căn tánh của chúng sanh ở khắp nơi trong mười phương thế giới chẳng giống nhau, giống trong kinh nói người nước Hương Tích thì nhĩ căn chẳng tốt, bạn để họ coi, họ chẳng khai ngộ, nghe thì họ cũng chẳng hiểu; mời họ ăn cơm, vừa ăn thì họ liền khai ngộ, chuyện này tuyệt diệu, thế nên họ dùng cơm thơm tho (hương phạn) để làm Phật sự. Tại sao vậy? Thiệt căn (căn nếm mùi vị) lanh lợi. Thế nên hết thảy chúng sanh, căn tánh nào lanh lợi chẳng nhất địnhNếu Thế Tôn giảng kinh Địa Tạng ở nước Hương Quốc, đoạn sau này nhất định sẽ ‘lại dùng các thứ cơm vi diệu thơm tho’, phải vậy chăng? Chính là sự việc như vậy. Sẽ chẳng ‘phát ra những âm thanh vi diệu’, đây là chuyên dùng để nói với chúng tathế gian này, thế nên chỗ này phải hiểu, Phật thuyết pháp nhất định phải khế lý, khế cơ. Phía trước phóng Quang Minh Vân là khế lý, chỗ này là nói khế cơ, đều đáng để chúng ta dụng tâm học tập. Phật phóng quang, chúng ta cũng phải phóng quang, chúng ta chẳng thể rõ ràng như Phật, chúng ta phải phóng quang như thế nào? Tâm địa của bạn có từ bi chân thật thì tự nhiên sẽ hiển lộ tướng từ bi quang, người ta vừa nhìn thấy bạn [liền cảm thấy] ‘người này rất từ bi’; tâm địa rất thanh tịnh thì [họ cảm thấy] ‘người này rất thanh tịnh’, đó là phóng quang. Trong tâm bạn thật sự chứa đựng những gì trong kinh nói thì tự nhiên sẽ từ mặt, từ thân thể bạn phóng quang, không những phóng quang mà còn phát hương thơm nữa, ‘hương quang trang nghiêm’. Hương vị của phàm phu rất khó ngửi, tâm địa của người tu hành thanh tịnh quang minh, hương vị trên thân của họ rất thơm, chúng ta rất ít thấy.

 Trước kia tôi ở Hương Cảng nghe các bạn đồng tu nói, nghe nói Lão hòa thượng Hư Vân một năm tắm một lần, cạo đầu một lầnY phục mùa đông hay mùa hè cũng chỉ có một bộ, hờm (ghét) trên cổ áo đóng rất dày nhưng lại có mùi thơm, chẳng khó ngửi, đây là lời một số đồng tu ở Hương Cảng nói với tôi. Đó là mùi hương gì? Chúng ta thường gọi là Ngũ Phần Giới Hương, ‘Ngũ Phần Pháp Thân Hương’ là: ‘Giới, Định, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến’. Chúng ta xét từ điểm này thì ý tứ liền rất viên mãn, chân thành, thanh tịnh, từ bi. Có thể thấy tánh đức tỏ lộ, chẳng có chỗ nào chẳng đến, không những thân phóng quang, toát hương thơm, ngay cả hoàn cảnh chỗ ngài cư trú cũng toát hương thơm, hiện nay một số người chúng ta gọi là từ trường chẳng đồng. Hoàn cảnh chỗ ngài cư trú khi chúng ta đi vào sẽ cảm thấy rất thư thái, cảm thấy rất tự tại, đó là vì hoàn cảnh chỗ ngài cư trú có quang minh, tuy mắt thịt chúng ta chẳng thấy được làn sóng quang minh của ngài nhưng chúng ta có thể cảm nhận được. Đoạn này là nói về âm thanh thuyết pháp. Xin coi kinh văn:

 

 Sở vị: Đàn Ba La Mật âm, Thi Ba La Mật âm, Sằn Đề Ba La Mật âm, Tỳ Ly Da Ba La Mật âm, Thiền Ba La Mật âm, Bát Nhã Ba La Mật âm.

 Như là tiếng Đàn Ba La Mật, tiếng Thi Ba La Mật, tiếng Sằn Đề Ba La Mật, tiếng Tỳ Ly Da Ba La Mật, tiếng Thiền Ba La Mật, tiếng Bát Nhã Ba La Mật.

 Chúng ta nói trước sáu câu này, sáu câu này nói về Lục Độ. Thứ nhất ‘Đàn Na’ là tiếng Phạn, dịch nghĩa là ‘Bố Thí’. Chư Phật, Bồ Tát, nói thật ra tức là Pháp ThânPháp Thân là gì? Họ khẳng định tận hư không, trọn khắp pháp giới đều là chính mình. Họ nhất định chẳng cho rằng thân này là mình, tận hư không trọn khắp pháp giới mới là chính mình, thế nên họ chứng được vô lượng thọHư không pháp giới chẳng diệt, thân này của chúng tasanh diệt, ví giống như cái gì? Tế bào trong thân chúng ta, tế bào có lớp mới thay lớp cũ, có sanh diệt. Nhưng thân này phải trụ mấy mươi năm, thời gian của tế bào rất ngắn. Y Học hiện đại nói thân thể người ta cứ bảy năm là một chu kỳ, hết thảy tế bào có một lần thay đổi. Thế nên trước bảy năm những tế bào cũ đã mất đi, những tế bào hiện nay đều là mới hết, vĩnh viễn lớp mới thay lớp cũ. Tre già măng mọc, tại sao chúng ta chẳng đổi một cái mới, đổi cái tốt, mới hoàn toàn? Thí dụ một cái máy, linh kiện (bộ phận) trong máy hư rồi, tìm một linh kiện tương tợ như cái này rồi gắn vào thì cũng có thể dùng được, đó là đồ cũ chẳng phải mới. Tại sao không lựa một linh kiện mới hoàn toàn gắn vô, thế thì thân thể này của bạn vĩnh viễn khoẻ mạnh, sống lâu, người một trăm tuổi còn giống như người trẻ tuổi vậy, tại sao? Bạn thay tế bào này bằng tế bào mới, thanh tịnh, chẳng ô nhiễm. Nhưng khi chúng ta thay đổi đều đổi tế bào ô nhiễmÔ nhiễm như thế nào? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn đã ô nhiễm, những gì đổi được đều chẳng tốt đẹp! Bạn xem con nít cũng vậy, con nít bảy tuổi, mười tuổi, đã đổi hai chu kỳ rồi, tại sao vẫn còn tốt như vậy? Vọng tưởng ít, vọng niệm ít. Nếu nói một câu khó nghe thì tâm niệm hại người, hại mình ít, thế nên những tế bào họ đổi vẫn còn mới. Tuổi càng lớn thì tâm niệm hại người hại mình càng nhiều, càng mạnh, càng đổi thì càng tệ, là đạo lý như vậy.

 Chúng ta nhìn xem thế giới của Phật, tây phương Cực Lạc thế giới cũng vậy, tại sao thể chất của người ta vĩnh viễn không thay đổi? Hình như ngưng tụ tại nơi ấy, trên thực tế có phải là ngưng tụ không? Không phải, hay là đời đời chẳng trụ. Tức là trong sự thay cũ đổi mới của họ hoàn toàn chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nghĩa là linh kiện mới vừa đổi này là hoàn toàn mới, vĩnh viễn sẽ mới hoài. Trong máy này thay mười lần, thay hai mươi lần đều là thay đồ mới, là đạo lý như vậy. Sự thiệt thòi của chúng ta ở tại đâu? Tự mình hại mình, tự tư tự lợi, chuyện này chẳng phải là ‘tự lợi’ mà là ‘tự tư tự hại’, danh từ dùng sai rồi, đâu có chuyện tự lợi? Là tự hại. Lợi tha mới là tự lợi, ai biết việc lợi tha? Phật, Bồ Tát biết lợi tha, người giác ngộ biết lợi tha. Người mê hoặc điên đảo chỉ biết tự lợi, tự lợi là tự hại, chẳng phải là tự lợi.. Nói đến lợi không đúng. Chẳng nói gì khác, chỉ nói về tình trạng sức khỏe thì bạn sẽ hiểu, tự mình hại chính mình. Tại sao tế bào thay cũ đổi mới này chẳng thể đổi thành mới hoàn toàn, chẳng thể đổi thành khoẻ mạnh? Phải biết tham, sân, si, mạn là độc tố bịnh hoạn nặng nhất, trong tâm của bạn có tham, sân, si, mạn thì đổi tế bào đều là tế bào bị bịnh, đều mang độc tố bịnh hoạn nghiêm trọng, bạn không có lợi gì hết! Dù con nít cũng có tâm tham, sân, si, mạn, nhưng rất yếu ớt, chẳng mạnh, những độc tố trong các tế bào thay đổi của nó rất ít, người lớn tuổi mang theo độc tố bịnh hoạn rất nhiều. Nếu chúng ta chẳng thâm nhập kinh tạng, chẳng hiểu đạo lý Đại Thừa, chúng ta làm sao biết nổi những chân tướng sự thật này! Khoa học gia tìm tòi đến ngày nay vẫn chưa phát hiện ra, cũng chẳng tìm hiểu. Thế nên vừa mở đầu thì dùng Sáu Ba La Mật để trước mặt, hết thảy chư Phật, Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp cho chúng sanh, dạy chúng sanh tu hành chứng quả đều chẳng ra ngoài sáu cương lãnh này.

Bố Thí gồm có ‘Bố Thí tài vật, bố thí pháp, bố thí vô úy’, khi Thế Tôn giảng kinh, thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh thì cả ba thứ bố thí này đều trọn đủ. Giảng kinh thuyết pháp có ‘bố thí tài vật’, tài vật gì? Nội tài, nội tài là trí huệ, thể lực, đây là bố thí nội tài. Những gì nói ra là quan niệmphương pháp, đây là ‘pháp bố thí’. Chúng sanh được pháp này, hiểu rõ pháp này, có thể lìa khỏi hết thảy âu lo, buồn rầu, khổ não, biết được con đường thoát ly luân hồi, đây là ‘vô úy bố thí’. Chư Phật, Bồ Tát làm ba thứ bố thí này. Bản thân các ngài trì giới, ‘Trì giới’ tức là đúng như pháp, đời sống của ngài có quy củ, ngài thuyết pháplý luận, có thứ tự, chẳng có gì không đúng như pháp, như pháp chính là trì giới. ‘Nhẫn nhục’ là có tâm nhẫn nại, sanh nhẫn, pháp nhẫn, hết thảy chúng sanh chống lại, Phật, Bồ Tát có thể nhẫn, chẳng nề hà, chẳng giữ trong tâm. Ngày nay chúng ta nói những tai biến tự nhiên này cũng có thể nhẫn. Tu học Phật pháp cần phảithời gian rất dài, phần cuối kinh Hoa Nghiêm có đoạn Thiện Tài đồng tử năm mươi ba lần tham vấn, tham học cũng rất cực nhọc, chẳng có một việc gì không thể nhẫn. Nói cách khác, ngài có tâm nhẫn nại rất lớn nên ngài có thành tựu to lớn. Thành tựu lớn nhỏ, nói thật ra là hoàn toàn tỷ lệ thuận theo tâm nhẫn nại, bạn có tâm nhẫn nại bao lớn thì bạn sẽ có thành tựu lớn bấy nhiêu, nếu bạn chẳng có tâm nhẫn nại thì thành tựu của bạn sẽ chẳng thể tiến triển thêm. Thế nên Nhẫn nhục xong thì mới có Tinh tấn.

‘Tỳ Ly Da’ là ‘Tinh tấn’. Tấn là tiến bộ, tinh là tinh thuần; ‘Tinh’ hoàn toàn là nói về vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ngày càng ít, đây là ‘tinh’. Trí huệ, đức năng ngày càng sáng tỏ, càng nhiều, đây là tiến bộ. ‘Thiền định’ là trong tâm có chủ tể, chẳng bị lay động bởi hết thảy. Hiện nay đồng tu học Phật, chúng ta được Phật pháp thực sự chẳng dễ, pháp môn vô thượng hy hữu, đắc lực ở chỗ Tổ Tổ truyền thừa, chúng ta gặp được thiện tri thức mới biết được, mới hiểu được. Chẳng gặp chân thiện tri thức thì pháp môn này bày trước mặt bạn, bạn chẳng biết quý, gặp rồi mà bỏ lỡ, bạn nói như vậy đáng tiếc biết bao. Trong hết thảy pháp môn, pháp môn Tịnh Độ thù thắng bậc nhất, có bao nhiêu người biết được? Bao nhiêu người có thể hiểu rõ triệt để? Chỉ có hiểu rõ thật sự thì mới có thể sanh khởi lòng tin, cứu độ chúng sanh thời Mạt phápThời Mạt pháp còn chín ngàn năm, phương pháp gì có thể độ những chúng sanh khổ nạn này? Chỉ có pháp môn Niệm Phật, pháp môn Niệm Phật y cứ vào kinh thứ nhất là kinh Vô Lượng Thọ.

Kinh Vô Lượng Thọ được dịch tổng cộng mười hai lần tại Trung Quốc, có mười hai bản dịch gốc. Lúc Thế Tôn còn tại thế đã giảng nhiều lần nên nguyên văn có rất nhiều bản khác nhau. Chúng ta phải coi hết những bản kinh này mới có thể nhận thức Tây phương Cực Lạc thế giới rõ ràng, mới có thể kiên định tín nguyện, việc này rất quan trọng! Nhưng muốn gộp chung những bản dịch gốc này lại để xem thì thời đại hiện nay chẳng dễ, huống gì là thời xưa! Thế nên việc hội tập rất cần thiết. Người hội tập lần đầu tiên là cư sĩ Vương Long Thư, là một vị tại gia, bản hội tập của ngài được ghi vào Đại Tạng Kinh. Chư vị phải biết những tác giả, tác phẩm có thể ghi vào Đại Tạng đều được sự thừa nhận của bốn chúng đệ tử trong Phật môn, khẳng định chẳng có sai lầm mới được ghi vào Đại Tạng. Chẳng phải những trứ tác thông thường đều có thể ghi vào Đại Tạng Kinh, phải được sự tiến cử của cao tăng đại đức đương thời, gởi cho nhà vua coi, hoàng đế phê chuẩn xong mới có thể ghi vào Tạng kinh, chứng minh trứ tác này chẳng có sai lầm.

Tổ Liên Trì của Tịnh Độ Tông chú giải Di Đà Kinh Sớ Sao, những đoạn trích dẫn kinh Vô Lượng Thọ có hai phần ba là dùng bản ‘Đại A Di Đà Kinh’ của Long Thư cư sĩ, tức là bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ, như vậy là Liên Trì đại sư thừa nhận và khẳng định. Bồ Tát Long Thư tự mình đích thật niệm Phật đứng mà vãng sanh, nếu ngài hội tập chẳng đúng, tạo tội lỗi thì ngài làm sao có thể đứng vãng sanh? Việc này nói rõ công đức của ngài vô lượng vô biên. Nhưng bản hội tập của cư sĩ Long Thư chỉ bao gồm bốn bản dịch gốc. Hội kinh Vô Lượng Thọ trong kinh Đại Bảo Tích đời Đường, cư sĩ Long Thư chẳng xem qua nên bản hội tập của ngài cũng chưa viên mãn. Nhiều người trong các đời sau chú ý đến vấn đề này, Bành Tế Thanh đầu đời Thanh đã làm một bản tiết hiệu, chẳng phải hội tập. Năm Hàm Phong, cư sĩ Ngụy Nguyên hội tập thành một bản nhưng những chỗ lấy - bỏ đều chẳng thích hợp, Ấn Quang đại sưlời phê bình bản này. Thế nên đến những năm đầu Dân Quốc, cư sĩ Hạ Liên Cư phải làm một bản hội tập viên mãn nhất. Hạ lão cư sĩ là người tái lai, chẳng phải người thường. Có người nói với tôi từ bức ảnh của ngài nhìn thấy thân thể ngài trong suốt, [việc này] nói cho tôi biết ngài chẳng phải người thường, là người tái lai, là Phật, Bồ Tát tái lai, đến để cứu độ chúng sanh thời Mạt pháp.

Tương lai kinh điển Tịnh Tông đến thời Phật pháp diệt tận, kinh Vô Lượng Thọ còn được lưu lại trên thế gian một trăm năm. Những đại đức đương thời như lão pháp sư Huệ Minh, lão pháp sư Từ Châu bên Luật Tông, lão cư sĩ Mai Quang Hy đều khẳng định tương lai bản kinh cuối cùng được lưu truyền một trăm năm chính là bản hội tập này. Bản này là bản hội tập những bản in gốc của kinh Vô Lượng Thọ hợp thành, nếu chư vị không tin thì có thể lấy năm bản dịch gốc ra đối chiếu, đừng hủy báng nữa, đừng kỳ thị nữa, tạo nên tội nghiệp vô lượng vô biên. Nếu bạn nói lão cư sĩ Hạ Liên Cư là một cư sĩ, cư sĩ chẳng có khả năng để hội tập, thế thì bạn hãy xuất gia, bạn hãy hội tập xem. Vương Long Thư là cư sĩ, Ngụy Mặc Thâm cũng là cư sĩ, những công tác hội tập từ đời Tống đến Dân Quốc đều do cư sĩ tại gia làm, Liên Trì đại sưTổ sư, là người xuất gia, đã khẳng định, thừa nhận. [Những lời hủy báng bản hội tập này] đều là thiên kiến của cá nhân, thật rất đáng tiếc!

Hiện nay ở Tân Gia Ba chúng ta phát tâm giảng rõ bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ của lão cư sĩ Hạ Liên Cư thêm một lần, [nội dung] giảng lần này phải rõ hơn những lần giảng trước gấp nhiều lần. Nếu chúng ta không hiểu rõ triệt để Lý Sự, nhân quả của Tịnh Tông, trong tâm chẳng có chủ ý, niệm Phật được vài năm, gặp một người lại nói những câu bóng gió như vầy: ‘Tôi nghe nói chẳng cần phải niệm Phật nhiều như vậy, cũng chẳng cần phải trì giới, chẳng cần phải ăn chay, chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì cũng được!’. Câu này đề xướng việc gì? Đề xướng ‘Bổn Nguyện Niệm Phật’, như vậy là hại chết người ta! Họ chiếu theo nguyện thứ mười tám trong bốn mươi tám nguyện [của đức Phật A Di Đà ghi trong] kinh Vô Lượng Thọ, lúc lâm chung một niệm, mười niệm cũng có thể vãng sanh. Lúc bình thường chuyện xấu xa gì đều làm cũng chẳng sao, đến lúc lâm chung niệm mười niệm, A Di Đà Phật liền đến tiếp dẫn thì được vãng sanh. Lời này nói chẳng sai [nhưng] lúc lâm chung đầu óc của bạn có tỉnh táo, rõ ràng không? Nếu lúc lâm chung bạn bất tỉnh nhân sự, mê man ngớ ngẩn, dù cao tăng đại đức đến hộ niệm thì bạn cũng chẳng thể vãng sanh. Người hiện nay chẳng có công phu định lực, nghe lời gạt gẫm chứ chẳng nghe lời khuyên lơn, nhận đồ giả chứ chẳng nhận đồ thiệt. Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ, thời đại hiện nay của chúng ta ‘Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’. Bạn đừng nghe theo những người đến từ bên ngoài, ‘hòa thượng bên ngoài biết niệm kinh’, coi thường người bản xứ, mê theo, tin theo người đến từ nơi khác, bạn sẽ bị lầm, sai lầm quá đỗi! Hy vọng đồng tu niệm Phật phải quay lại, y theo lời dạy của Ấn Quang lão pháp sư: ‘Tận lực giữ trọn luân thường, Làm tròn bổn phận, Ngăn ngừa tà ác, Giữ tâm tánh chân thành, Tín nguyện niệm Phật, Cầu sanh Tịnh Độ’ , được vậy thì đời này của chúng ta mới được độ. Thế nên ‘Thiền định’ là trong tâm có chủ tể, chẳng nghe lời đồn đãi.

Trì Giới Niệm Phật nhất địnhchính xác, chẳng ăn thịt chúng sanhtâm từ bi, bạn xem cách tiêu biểu pháp ở phía trước, mười vầng mây sáng, tiếp theo sau Đại Viên MãnĐại Từ Bi, Phật pháp lấy ‘từ bi làm gốc’, bạn làm sao xả bỏ căn bản được! Quên mất căn bản thì làm sao vãng sanh được! Niệm câu A Di Đà Phật này, như thế nào gọi là ‘niệm’? Rất ít người hiểu việc này, bạn chỉ biết niệm trong miệng, chẳng dùng được. Người xưa nói một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, có miệng niệm chứ không có tâm niệm, hét bể cổ họng cũng uổng công. Bạn có thể vãng sanh không? Hai chữ Bổn Nguyện giảng không sai, họ chẳng giảng rõ ràng, tâm của bạn, nguyện của bạn, hạnh của bạn phải hoàn toàn giống đức Phật A Di Đà, sau đó niệm một câu thì một câu tương ứng, niệm mười tiếng thì mười tiếng tương ứng. Nếu tâm bạn, nguyện của bạn hoàn toàn trái nghịch với Phật, bạn niệm mười vạn tiếng cũng chẳng tương ứng. Tâm - Nguyện - Giải - Hạnh của A Di Đà Phật ở đâu? Trong kinh Vô Lượng Thọ.

Tôi giảng kinh, nói chín phẩm vãng sanh, cách nói của tôi cùng với cách nói của đại đức thời xưa có chỗ khác nhau, nhưng ý nghĩa chẳng khác, [nghe] cách nói của tôi thì mọi người dễ hiểu hơn. Pháp môn Tịnh Tông cũng chẳng trái nghịch giáo lý: ‘Tín - Giải - Hành - Chứng’. Pháp môn khác phải Giải (hiểu rõ lý luận) xong rồi mới Hành, pháp môn Tịnh Độ phương tiện, tức là bạn có thể Hành trước, vừa Hành vừa Giải, chẳng phải dạy bạn chỉ có Hành chẳng có Giải; là dạy bạn vừa Hành, vừa cầu Giải. Chỉ có Hành chứ không Giải cũng được, chúng ta thấy rất nhiều cụ già chẳng hiểu kinh giáo, cũng chẳng nghe kinh, một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng, lúc vãng sanh đứng, ngồi mà vãng sanh, chúng ta đều đã thấy được. Họ là hạng người như thế nào? Họ là những người thật thà. Thật thà là như thế nào? Bạn nói với họ bất cứ chuyện gì, họ đều nghe lời, họ chắc thật niệm câu A Di Đà Phật, họ là hạng người thật thà. Người thật thà rất ít, quá ít quá ít, trong một vạn người may ra có một, hai người thật thà như vậy. Cả ngày từ sáng đến tối luôn khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là chẳng thật thà, người chẳng thật thà nhất định phải cầu Giải. Rõ ràng lý luận rồi, hiểu rõ phương pháp rồi thì niệm câu Phật hiệu này mới được tương ứng. Cứ nhẹ dạ, cứ nghe lời đồn đãi, tà thuyếtkhông thật thà; đến cuối cùng đánh mất nhân duyên vãng sanh thù thắng ngay trong đời này của chúng ta, bạn nói như vậy có đáng tiếc không! Nhất định đừng nghe lời đồn đãi, trong tâm phải có chủ ý, như vậy là ‘Thiền Ba La Mật’.

 ‘Bát Nhã Ba La Mật’ là trí huệ, tức là đối với hết thảy Lý, Sự đều rõ ràng minh bạch. Tuy rõ ràng, minh bạch nhưng tuyệt đối không chấp trước, tuyệt chẳng phân biệt, đó là chân trí huệ. Đây là tổng cương lãnh tự hành hóa tha của hết thảy chư Phật Như Lai. Vì người diễn nói, biểu diễn là biểu diễn những thứ này, khuyến đạo hết thảy chúng sanh đều là những cương lãnh này. Xem tiếp:

 

 Từ bi âm. Hỷ xả âm.

 Tiếng từ bi. Tiếng hỷ xả.

 ‘Từ, Bi, Hỷ, Xả’ gọi là ‘Tứ Vô Lượng Tâm’, đây là khoa mục tu chính yếu của người ở trời Tứ Thiền, cõi Sắc GiớiTham thiền mà chẳng có Từ, Bi, Hỷ, Xả thì chẳng thể sanh lên cõi trời Tứ ThiềnCông phu thiền định có giỏi cách mấy cũng chỉ có thể sanh đến trời Dục Giới, chẳng thể sanh đến Tứ Thiền, thế nên nhất định phải tu Từ, Bi, Hỷ, Xả. ‘Tu’ nghĩa là gì? Chúng ta hiện nay chẳng có, nhất định phải học tập. ‘Từ’ là vui, vui vẻ giúp đỡ người khác. ‘Bi’ là nhìn thấy người ta khổ, giúp họ lìa khổ, như vậy gọi là Bi. Giúp đỡ người ta được vui thì gọi là Từ. Hỷ là tâm hoan hỷ, nhìn thấy người khác lìa khổ được vui thì sanh tâm hoan hỷ, đó là ‘Tùy hỷ công đức’. Một số người mê hoặc điên đảo trong thế gian thấy người khác có được điều tốt lại sanh tâm đố kỵ, như vậy là sai. Đố kỵ sẽ chịu tổn hại to lớn, hại chính mình, thế nên ‘Hỷ’ là chuyển tâm đố kỵ trở lại, chẳng có tâm đố kỵ, chỉ có tâm tùy hỷ. ‘Xả’ là buông xuống hết thảy, không chấp trước hết thảy.

 

 Giải thoát âm.

 Tiếng Giải thoát

 Giúp đỡ hết thảy chúng sanh đoạn phiền não, thoát khỏi Tam Giới, đây là tiếng Giải thoát.

 

 Vô Lậu âm.

 Tiếng Vô Lậu.

 Tức là Thanh Tịnh âm. ‘Lậu’ là danh từ thay thế cho phiền não, ‘Vô Lậu’ là phiền não đoạn dứt, phiền não chẳng sanh.

 

 Trí huệ âm. Đại Trí Huệ âm.

 Tiếng Trí huệ. Tiếng Đại Trí huệ.

 Đây là hai trí Quyền, Thật. Phật pháp dùng Trí huệ làm mục tiêu chung cực cho sự giáo học, trong Tam Học: nhờ Giới được Định, nhờ Định được khai trí huệ. Trong kinh đức Phật dạy chúng ta: ‘Bát Nhã có thể sanh trí huệ’, Bát Nhã chính là Thật Tướng Trí Huệ. Còn Trí Huệ chính là hai trí Quyền, Thật. Chư Phật, Bồ Tát dùng hai thứ trí huệ này giúp đỡ hết thảy chúng sanh, và giúp chúng sanh đều khai mở hai trí huệ này.

 

 Sư tử hống âm. Đại Sư tử hống âm.

 Tiếng Sư Tử Hống, tiếng Đại Sư Tử Hống

 Đây là thí dụ, thí dụ oai đức của Phật, Bồ Tát thuyết pháp, dạy học giống như tiếng Sư tử hống, dùng Sư tửBồ Tát, dùng Đại Sư tử ví Phật. Bồ Tát có thể dạy người Tam Thừa; Phật có thể dạy hết thảy chúng sanh, kể cả Đẳng Giác Bồ Tát, thế nên xưng là Đại Sư tử.

 

 Vân Lôi âm. Đại Vân Lôi âm.

 Tiếng Mây Sấm, tiếng Mây Sấm Lớn

 Đây là thí dụ. Vân có thể trút mưa, trút là đổ. Lôi là sấm chớp, có thể chấn động tâm người, thí dụ oai lực, thí dụ sức chấn động của nó. Phật, Bồ Tát thuyết pháp có thể chấn động hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chúng sanh; pháp của Phật nói ví như mưa pháp, trút xuống đồng đều khắp nơi, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước. Giống như trong kinh Pháp Hoa nói lúc mưa rơi xuống, cây lớn hấp thụ nước nhiều, cọng cỏ hấp thụ nước ít, mưa chẳng có phân biệt cho người này nhiều một chút, cho người kia ít một chút, là do căn tánh của con người khác nhau. Thế nên hết thảy chúng sanh nghe Phật thuyết pháp, người căn khí nhỏ được lợi ích nhỏ, người căn tánh lớn đạt được lợi ích lớn. Người thiện căn sâu dày ngộ nhập sâu, người thiện căn cạn cợt ngộ nhập cạn, chẳng phải Phật có phân biệt, chúng sanh căn tánh chẳng giống nhau nên mới có các hiện tượng sai khác. Đây là dùng ‘vân lôi’ để thí dụ, thí dụ Phật thuyết pháp đều phổ biến, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, thí dụ oai đức của Phật thuyết pháp có thể làm cho hết thảy chúng sanh giác ngộ. Lại xem phần kinh văn tiếp theo:

 

 Thuyết xuất như thị đẳng bất khả thuyết bất khả thuyết âm dĩ.

 Nói ra những âm thanh bất khả thuyết bất khả thuyết như vậy xong.

 Câu này tổng kết âm thanh thuyết pháp.

 

 Sa Bà thế giới cập tha phương quốc độ hữu vô lượng ức thiên long quỷ thần diệc tập đáo Đao Lợi Thiên Cung.

 Thế giới Sa Bà và những cõi nước ở phương khác có vô lượng ức trời, rồng, quỷ, thần đều tụ đến Đao Lợi thiên cung.

 Âm thanh thuyết pháp của Phật quả nhiên có hiệu quả, chấn động cả hư không pháp giới, chẳng phải chỉ có thế giới Sa Bà chúng taSa Bà thế giới là khu vực giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đây là một đại thiên thế giới. ‘Tha phương quốc độ’ là những cõi nước ở ngoài Sa Bà, hết thảy cõi nước chư Phật đều bị chấn động. Những chúng sanh có duyên ở mười phương thế giới, có duyên với ai? Có duyên với đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với Địa Tạng Bồ Tát. Vì pháp hội lần này muốn tuyên dương Địa Tạng Bồ Tát tu nhân chứng quả, các thứ công đức độ hóa chúng sanh chẳng thể nghĩ bàn. Đặc biệt là đối với những chúng sanh có duyên với Địa Tạng Bồ Tát trong mười phương vô lượng vô biên cõi nước, Thiên Long Quỷ Thần cũng đến Đao Lợi Thiên Cung để tham dự pháp hội này. Thế nên pháp hội lần này có Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Kinh văn phía sau nói với chúng ta Thiên Long, Thần chúng, Quỷ vương toàn bộ đều đến, pháp hội này thiệt là vô cùng thù thắng, chúng ta xem đoạn kinh tiếp theo:

 

 Sở vị: Tứ Thiên Vương Thiên, Đao Lợi Thiên, Tu Diệm Ma Thiên, Đâu Suất Đà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên.

 Đó là cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Đao Lợi, cõi trời Tu Diệm Ma, cõi trời Đâu Suất Đà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

 Đoạn này nói về cõi Trời Dục GiớiDục Giới có sáu tầng, vì thời gian có hạn chúng ta chẳng thể nói kỹ về đoạn này. Thánh Nhất pháp sư lần trước đã giảng kinh Địa TạngCửu Hoa Sơn, ngài có giảng ký, giảng ký này đơn giản rõ ràng, đều có giới thiệu sơ lược. Ở đây tôi chỉ giới thiệu cõi trời Tứ Thiên Vương, giới thiệu cho quý vị một cõi. Tứ đại thiên vương, dân gian Trung Quốc tục gọi là Tứ Đại Kim Cang, khi đến chùa miếu xem, [tượng của các ngài thường được đặt ngay] cửa cổng chính giống như bảo vệ vậy, đây là thần hộ pháp, thật ra là ‘Tứ Thiên Vương Thiên’, Tứ đại thiên vương đích thực trong nhà Phật đại biểu cho hộ pháp. Trong Thiên Vương điện có cung phụng Tứ Đại Thiên Vương, đồng thời cũng cung phụng Di Lặc Bồ Tát; Di Lặc Bồ Tátcõi trời Đâu Suất, là Hậu Bổ Phật của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tại sao cúng Di Lặc Bồ Tát ở Điện Thiên Vương? Vả nữa, tượng của Di Lặc Bồ Tát chẳng giống với tượng Bồ Tát truyền thống của Ấn Độ, mà tạo hình giống Bố Đại Hòa thượng đời Tống ở Trung Quốc. Thời Nam Tống, Bố Đại Hòa thượng xuất hiện ở Phụng Hóa, Chiết Giang, ngài mập mạp, cả ngày cười toe toét, luôn vác một bao vải trên lưng. Bố Đại Hòa thượng từ nơi nào đến? Chẳng ai biết, và cũng chẳng ai biết ngài tên gì, họ gì, cả ngày từ sáng đến tối ngài luôn vác bao vải nên cái bao này trở thành dấu hiệu tượng trưng của ngài, khi người ta nhìn thấy liền xưng ngài là Bố Đại Hòa thượng, do đó Bố Đại Hòa Thượng bèn nổi danh. Lúc viên tịch ngài nói với mọi người rằng ngài chính là hóa thân của Di Lặc Bồ Tát, vừa nói xong thì ngài liền ngồi yên, thị tịch. Từ đó người Trung Quốc tạo tượng Di Lặc Bồ Tát giống như hình dáng của Bố Đại Hòa Thượng.

Ngài biểu thị cái hình tướng này, nói thật ra trong kinh thường nói đệ tử Phật hóa hiện trên thế gian này đối với Phật pháp thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói; diễn là biểu diễn, ngài hoàn toàn biểu diễn cho người ta xem, làm một gương tốt cho xã hội đại chúng, để cho người khác nhìn thấy có thể sanh tâm giác ngộ. Bụng to tượng trưng cho tánh đức bao dung, thị hiện bao dung; tâm lượng người thế gian quá nhỏ, chẳng thể bao dung người khác. Di Lặc Bồ Tát đại từ đại bi, Di LặcTừ Thị, đại biểu từ bi, thế nên thị hiện hình tướng này là có thể bao dung, ngài có thể bao dung. Cái túi vải cũng có ý nghĩa bao dung, khi đến đâu người ta cúng dường cái gì ngài đều bỏ vào túi vải này, chẳng phân biệt sang hèn, chẳng phân biệt tốt xấu, hết thảy đều bình đẳng bỏ vào túi. 

Có người hỏi: ‘Kính thưa Bố Đại hòa thượng, Phật pháp là gì?’. 

Ngài bèn buông túi vải xuống đất. Như vậy có ý nghĩa gì? ‘Buông xuống’; ai nhìn thấy cũng hiểu là buông xuống. 

Sau khi buông xuống rồi thì sao? Ngài vác túi vải lên và đi mất. 

Sau khi buông xuống, thì ‘nhấc lên’. Buông xuống nghĩa là trong tâm hoàn toàn chẳng có vướng mắc; nhấc lên cái gì? Vì xã hội đại chúng phục vụ. Chẳng có tâm riêng tư, hoàn toàn hiến dâng. Buông xuống nổi, nhấc lên được, là tượng trưng cho ý nghĩa này. Mặt luôn nở nụ cười tươi, chúng ta để hình tướng cười tươi của ngài ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, vừa bước vào cửa liền thấy ngài, học theo ngài phải buông xuống, nhấc lên nổi, phải học tánh đại từ đại bi của ngài, luôn cười tươi, thường sanh tâm hoan hỷ, hoan hỷ tiếp dẫn hết thảy đại chúng, thế nên mới đặt hình tướng của ngài ở Thiên Vương Điện, như vậy chứa đựng ý nghĩa gì? Hộ pháp. Hộ cho ai? Hộ cái gì? Tiêu biểu cho ý nghĩa ‘Hộ từ bi tâm’. Bảo hộ tâm từ bi của mình, phải buông xuống, nhấc lên, đừng quên ý nghĩa này! Giữ cho mình thường sanh tâm hoan hỷ, tươi cười tiếp đón người ta. Bố đại hòa thượng biểu hiện tánh đức của chúng ta, phải hộ trì từ chỗ này. Bạn xem ý nghĩa này sâu sắc không, như vậy mới có tư cách vào cửa Phật. Bước vào cửa Phật cần phảiđiều kiện gì? Phải có điều kiện này, thật sự buông xuống nổi, tâm địa thanh tịnh vô vi, chân chánh có thể nhấc lên, dùng Lục Độ giáo hóa hết thảy chúng sanh, tượng trưng cho ý nghĩa như vậy.

Tứ Thiên Vương: Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương tượng trưng Làm tròn trách nhiệmNam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương tượng trưng cho Cầu tiến bộ, luôn cầu tiến, tuyệt chẳng lạc hậu; Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương, Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương tượng trưng Học rộng nghe nhiều. Người Trung Quốc có câu: ‘Đọc vạn quyển sách, đi vạn dậm đường’, thành tựu cho học vấn, đức năng chân thật của mình, sau đó bạn mới có thể phục vụ xã hội, quốc gia, và hết thảy chúng sanh. Nếu bạn chẳng có trí huệ, đức năng thì bạn lấy gì để phục vụ! Là tượng trưng cho ý nghĩa này. Ý nghĩa vô cùng viên mãn, đây là ý nghĩa tượng trưng của Tứ Thiên Vương.

Trong kinh Phật nói cho chúng ta biết, thọ mạng của Thiên nhân là năm trăm tuổi. Một ngày trên cõi Tứ Vương Thiên bằng năm mươi năm ở cõi người chúng ta, một ngày cũng có ba trăm sáu mươi ngày, năm mươi năm ở nhân gian bằng một ngày của họ nên thọ mạng của họ rất dài. Càng lên cao thì tăng gấp bội, thế nên thiên phước rất lớn.

Được rồi! Hôm nay chúng ta giảng đến đây.

 

Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho. 

Xin thành thật cám ơn.

Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 4 tháng 9-2006

 

[1] Sát na (khana hoặc ksana), dịch nghĩa là Tu Du (trong khoảnh khắc), Niệm Khoảnh (trong khoảng một niệm), tức là khoảng thời gian để một niệm dấy lên và mất đi, rất ngắn ngủi. Có nhiều cách giải thích chữ này:

1. Theo Câu Xá Luận, quyển 12: Một trăm hai mươi sát na gọi là một Đát Sát Na (tat-ksana), sáu mươi Đát Sát Na là một Lạp Phược (lava), ba mươi Lạp Phược là một Mâu Hô Lật Đà (muhūrta). Ba mươi Mâu Hô Lật Đà là một ngày đêm. Như vậy, Sát Na tương đương khoảng 0.013 giây.

2. Theo Ma Ha Tăng Kỳ Luật, quyển 17, Sát Na còn gọi là Niệm, cứ 20 Niệm là một Thuấn, hai mươi Thuấn là một Đàn Chỉ (khảy ngón tay), 20 Đàn Chỉ là một La Dự (Lạp Phược), hai mươi La Dự là một Tu Du, ba mươi Tu Du là một ngày đêm. Như vậy, một Niệm tương đương với 0.018 giây.

3. Theo Đại Trí Độ Luận, quyển 83, sáu mươi niệm là một Đàn Chỉ.

4. Có thuyết lại cho Niệm là đơn vị lớn hơn Sát Na, như trong Nhân Vương Kinh nói thì chín mươi sát na là một niệm, còn Vãng Sanh Luận lại nói sáu mươi sát na là một niệm.

5. Cũng theo Nhân Vương Kinh (bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập) thì một sát na gồm chín trăm lần sanh diệt, còn Vãng Sanh Luận Chú lại cho rằng một sát na có một trăm lẻ một lần sanh diệt.

Còn nhiều thuyết khác nữa, nhưng đều cùng chia sẻ chung một đặc tính: Sát na cực ngắn ngủi, không thể cảm nhận được bằng giác quan thông thường.

[2] Nguyên văn: Ngô hữu đại hoạn, vi ngô hữu thân

[3] Nguyên văn: Nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định

[4] Tam Tam Muội có nhiều cách hiểu:

1. Theo kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 16, là Không tam-muội, Vô Tướng tam-muội, và Vô Nguyện tam-muội.

2. Theo Câu Xá Luận, quyển 28 thì là Hữu Tầm Hữu Tư tam-muội, Vô Tầm Duy Tư tam-muội, và Vô Tầm Vô Tư tam-muội.

3. Theo Thành Thật Luận, quyển 12 thì là Nhất Phận Tu tam-muội (tu Định không tu Huệ, hoặc tu Huệ không tu Định), Cộng Phận Tu tam-muội (tu cả Định lẫn Huệ), Thánh Chánh tam-muội (tức nhập thánh vị, chứng Diệt Đế).

4. Theo Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa, quyển 4, thì là Chân Đế tam-muội, Tục Đế tam-muội, Trung Đạo tam-muội.

Thông thường, tam tam-muội được hiểu theo cách giải thích thứ nhất.

[5] Nguyên văn: ‘Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí’

[6] Niệm đầu có nghĩa là một niệm, hoặc nói theo hòa thượng Trí Tịnh là “móng ý” (ý vừa dấy khởi lên).

[7] Thánh Kinh mật mã là một giả thuyết chủ trương mỗi một chữ trong Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo nếu được sắp xếp theo một trình tự nào đó sẽ nói lên những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.

[8] Nguyên văn: Đương xứ xuất sanh, đương xứ diệt tận

[9] Nguyên văn: Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn

[10] Đàn là Đàn-na, dịch âm tiếng Phạn (Dana), nghĩa là Bố thí.

Thi hay Thi La, dịch âm tiếng Phạn (Sila), nghĩa là Giới.

Sằn Đề dịch âm tiếng Phạn (Ksanti); nghĩa là Nhẫn nhục.

Tỳ Ly Da dịch âm tiếng Phạn (Virya), nghĩa là Tinh tấn

Thiền hay Thiền Na, dịch âm tiếng Phạn (Dhyana), nghĩa là tư duy, tịnh lự

Bát Nhã, dịch âm tiếng Phạn (Prajna), nghĩa là trí huệ.

Ba La Mật là dịch âm tiếng Phạn (Paramita), nghĩa là Đến Bờ Kia (Đáo Bỉ Ngạn), viên mãn

[11] Tiết hiệu là phân chia thành chương mục, hiệu đính. Bản tiết hiệu này dựa trên bản dịch đời Tào Ngụy của ngài Khang Tăng Khải, lược bớt những chỗ phiền phức, lại căn cứ theo bản của ngài Vân Thê, thêm vào số thứ tự trước sau của bốn mươi tám nguyện, đặt tên là Vô Lượng Thọ Kinh

[12] Nguyên văn: Đôn Luân Tận Phận, Nhàn Tà Tồn Thành, Tín Nguyện Niệm Phật, Cầu Sanh Tịnh Độ
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57135)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.