Phần 3

05/06/201012:00 SA(Xem: 14311)
Phần 3

ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN GIẢNG KÝ
Chủ giảng: Lão hòa thượng Thích Tịnh Không
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ chuyển ngữ

Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba 5-1998

 03

Tập 5 (Số 14-12-05)

 

 Chư vị pháp sư, chư vị đại đức, đồng học: Vì chúng ta dùng nhiều bản in khác nhau nên không thể nêu lên số trang, số hàng mỗi lần, hy vọng mọi người nghe giảng đến đâu tự ghi nhớ lấy, lần sau nhất định sẽ nối tiếp ở chỗ đó, đây là chuyện bất đắc dĩ, xin mọi người chịu khó.

 Xin mở kinh. Lần trước giảng đến trời Dục Giới:

 Đó là cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Đao Lợi, cõi trời Tu Diệm Ma, cõi trời Đâu Suất Đà, cõi trời Hóa Lạc, cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

 Đến đoạn này, chúng ta đã giảng về Tứ Thiên Vương, điểm quan trọng là phải hiểu sự tiêu biểu pháp của Tứ Vương Thiên mới có thể được thọ dụng chân chánh. Nói một cách đơn giản, Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương, xem tên biết ý nghĩa, vị Thiên Vương này dạy chúng ta làm thế nào bảo vệ quốc gia của mình vĩnh viễn được hưng vượng, chẳng suy thoái. Từ đó dẫn đến làm thế nào giữ vững nhà mình, bảo hộ thân mình, đời này chúng ta lập nghiệp, khỏe mạnh, vang danh bốn biển, đức lưu đến đời sau, đây là sự thành tựu chân thật trong đời của chúng ta, thế nên ý nghĩa này rất sâu, rất rộng.

 Nam Phương Thiên Vương dạy chúng ta phải mong cầu tiến bộ, thời đại vĩnh viễn luôn tiến bộ, chúng ta thường nói người nào đó chẳng theo kịp thời đại, ý nghĩa là như vậy. Thời đại biến đổi, tiến tới hằng ngày; chữ Tiến ở đây có thể hướng về mặt thiện, cũng có thể hướng về mặt ác, đây là việc chúng ta không thể không phân biệt. Nếu tinh tấn về thiện pháp thì đây là mặt chánh, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; nếu tiến về hướng ác như tham, sân, si, mạn thì nhất định sẽ đem lại động loạn trong xã hội, thiên tai nhân họa, mọi người phải chịu khổ, nhất định phải nhận thức việc này rõ ràng. Phía trước đã nói đến việc chư Phật tán thán Thế Tôn ‘biết pháp khổ vui’, câu này rất phi thường! Niềm vui chân chánh không phải chỉ là niềm vui trong đời này, đời sau vĩnh viễn hưởng lạc, như vậy mới là niềm vui chân chánh. Nếu nói đời này chúng ta hưởng lạc, nhưng đời sau chịu khổ, như vậy là sai rồi, sai quá đỗi! Những người đời này hưởng lạc, đời sau chịu khổ không biết là bao nhiêu, đây là việc chúng ta không thể không cảnh giác. Trong lúc hưởng lạc lại tạo nghiệp, khi phước báo hưởng hết, ác nghiệp hiện tiền thì bạn sẽ thọ báo trong ba đường ác, như vậy là sai lầm to lớn. Nam Phương Thiên vương tượng trưng cho sự tinh tấntrí huệ, có lý tánh, chẳng si mê, chẳng phải cảm tình.

 Tây Phương Thiên VươngQuảng Mục Thiên Vương, dạy chúng ta xem nhiều, tức là học tập nhiều. Bắc Phương Thiên VươngĐa Văn Thiên Vương, nhìn nhiều, nghe nhiều, vĩnh viễn giữ vai trò của một người [tìm tòi] học hỏi, tức là vĩnh viễn làm một học sinh. Chỉ khi chứng được Phật quả viên mãn, cứu cánh thì mới ở tại vị trí người thầy, đạo sư chân chánh; Đẳng Giác Bồ Tát còn là học sinh, huống chi là những hạng khác. Mình vĩnh viễn phải giữ tại địa vị học sinh. Người Trung Quốc thời xưa nói: ‘Sống đến già, học đến già, học chẳng hết’ chính là ý nghĩa này, cả đời đến già còn hiếu học. Trong nhà Phật gọi là ‘Học Nhân’, Học Nhân tức là học sinh, học tập làm người, vĩnh viễn học làm người. Ai có thể làm người tốt, làm được viên mãn, một mảy tơ cũng chẳng thiếu sót? Thành Phật, chỉ có Phật mới là một người hoàn toàn, chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải hết lòng học tập.

 Dùng cách nói hiện nay thì những vật trên tay Tứ Thiên Vương gọi là ‘đạo cụ’. Nói vậy thì mọi người dễ hiểu; đạo là tiêu biểu pháp, làm cho bạn nhìn thấy, tiếp xúc đến thì bạn liền biết đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh, tức là phải nắm chắc nguyên tắc này để học tập. Trên tay Đông Phương Thiên Vương cầm đàn tỳ bà, nhạc khí, không có nghĩa là ông ta thích ca hát, khiêu vũ, cách nghĩ như vậy là sai. Ngài dùng cái này để tiêu biểu làm thế nào hộ trì quốc gia của bạn, hộ quốc quan trọng nhất là hành ‘trung đạo’. Nhà Nho nói ‘Trung Dung’, đạo Trung Dung, nhà Phật nói ‘Trung đạo đệ nhất nghĩa đế’, ngài dùng sợi dây đàn này để tiêu biểu pháp. Khi chỉnh dây đàn, vặn quá chặt thì nó sẽ đứt, quá chùng thì âm thanh chẳng kêu, nhất định phải vặn đến vừa đúng, tiêu biểu cho ý nghĩa này. Vừa đúng, chẳng căng, chẳng chùng, như vậy gọi là Trung Đạo, tiêu biểu ý như vậy. Chỗ cao minh của thánh nhân là biết giữ ở mức chính giữa, chẳng lệch về hai bên. Do đó đây là đạo cụTay của Nam Phương Thiên Vương cầm kiếm, kiếm tượng trưng cho trí huệ, huệ kiếm, tiêu biểu cho ý này. Tay Tây Phương Thiên Vương cầm rồng hoặc rắn, ở Ấn ĐộTrung Quốc đều cho rằng rồng và rắn biết biến hóa, tiêu biểu cho hết thảy người, sự, vật trong xã hội thiên biến vạn hóa, bạn phải nhìn rõ ràngTay phải cầm hạt châu, châu tiêu biểu chẳng biến đổi, trong hết thảy sự thay đổi bạn nắm được nguyên tắc chẳng biến đổiBất biến tức là Định Huệ, tức là Thành Kính, nắm vững nguyên tắc này để xử sự, đối người, tiếp vật, bất luận xã hội biến hóa như thế nào, chỉ cần bạn nắm vững nguyên tắc thì có thể ứng phó như ý, giáo hóa tự tại.

 Tay Bắc Phương Thiên Vương cầm lọng (hay dù), lọng che. Lọng tượng trưng cho ngăn ngừa ô nhiễm; lúc chẳng có ô nhiễm thì xếp lọng lại, khi có ô nhiễm thì giương lọng ra. Xã hội hiện nay của chúng ta ai cũng ý thức đến mức ô nhiễm trầm trọng, tâm lý ô nhiễm, tinh thần ô nhiễm, tư tưởng kiến giải ô nhiễm, sanh lý ô nhiễm, hoàn cảnh bên ngoài ô nhiễm. Hiện nay chúng ta tạo tượng của Tứ Thiên Vương, lọng của Bắc Phương Thiên Vương phải giương ra chứ không thể xếp lại, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu xa, chúng ta không thể xem như thần minh, nếu xem như vậy là sai, là mê tín.

 Trời Đao Lợi, người Trung Quốc gọi Thiên Chủ trời này là Ngọc Hoàng Đại Đế, đại khái rất nhiều tôn giáo ngoại quốc xưng là Thượng Đế, Thiên Chúa chính là ngài. Có rất nhiều cõi trời, mỗi tầng trời đều có Thiên chủ, đều có một nhân vật lãnh đạo, tại sao chúng ta khẳng định là Đao Lợi Thiên Chủ, chẳng phải Thiên chủ ở những cõi trời khác? Xem kinh điển của họ, lý luận của họ, phương pháp tu hành rất giống với trời Đao LợiTu thập thiện nghiệp đạo thì có thể vãng sanh về cõi trời Đao LợiChúng ta coi kinh điển của Cơ Đốc Giáo, Moses có mười điều răn, mười điều răn này rất tương tợ với thập thiện nghiệp đạo. Chúng ta nhất định phải hiểu, chẳng phải chỉ tin Thượng Đế bèn được cứu, chẳng có việc này. Phải tu pháp của Thượng Đế dạy, trong kinh điển Thượng Đế dạy bạn làm thế nào thì bạn phải làm theo như vậy mới được. Nếu bạn làm chẳng được thì không thể sanh lên trời, Ngài có điều kiện, như vậy mới hợp tình, hợp lý, hợp pháp.

 Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng có điều kiện, không phải nói tôi tin thì có thể vãng sanh, không được đâu. Hiện nay có một số người đề xướng Bổn Nguyện Niệm Phật, [nói rằng] tôi phát nguyện vãng sanh thì quyết định được sanh, đâu có chuyện đơn giản như vậy! Trong ‘Nguyện’ có ‘Hạnh’ thì nguyện này mới gọi là nguyện chân thật, trong kinh không biết Phật đã nói bao nhiêu lần. Nguyện mà không có Hạnh thì gọi là nguyện suông, nguyện đó hư giả, chẳng thể biến thành hiện thực. Bạn phải hiểu ý nghĩa này, Phật chẳng lừa gạt người, tự mình gạt mình thì sẽ bị thiệt thòi to lớn. Dùng Hạnh để thực hiện Nguyện, biến nguyện vọng của bạn thành thực tiễn. Vì sao chúng ta coi trọng Tam Phước, Lục Hòa, đây là pháp căn bản do Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, ba đời chư Phật đều tu ba điều này, đó chính là Tịnh Nghiệp Chánh Nhân. Chúng ta vãng sanh tây phương Cực Lạc thế giới tu Tịnh Nghiệp, chúng ta tin A Di Đà Phật, tin tây phương Tịnh Độ, nguyện sanh tây phương Tịnh Độ, điều kiện thấp nhất là phải làm được Tam Phước, nếu chẳng làm được Tam Phước thì không thể vãng sanh. Mỗi ngày niệm Phật, niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, người xưa nói: ‘hét bể cổ họng cũng uổng công’, lời này là lời chân thật, chẳng giả dối.

 Trong Tam Phước tối thiểu phải làm được một điều thì bạn mới có thể vãng sanh. Nếu bạn có thể làm được điều thứ nhất ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại sanh vật, tu thập thiện nghiệp’, phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì bạn có thể vãng sanh Hạ Phẩm. Bạn có thể làm được điều thứ hai, điều thứ hai đương nhiên bao gồm điều thứ nhất, tức là cộng thêm: ‘Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’ thì bạn vãng sanh Trung Phẩm. Đây là ba bậc vãng sanh nói trong kinh Vô Lượng ThọNâng cao thêm, nếu bạn có thể ‘Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả’ thì sẽ vãng sanh Thượng phẩm. Đây là pháp căn bản, đâu có nói phát nguyện suông, chẳng cần tu hành mà có thể vãng sanh, Phật chẳng nói như vậy. Muôn vàn xin đừng hiểu lầm, chẳng thể bỏ uổng nhân duyên hiếm có trong đời này. ‘Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh’ là pháp căn bản, cả bộ kinh này nói về cái gì? Chính là nói về Phước thứ nhất: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại, tu thập thiện nghiệp’, cả bộ kinh nói về việc này. Bạn sẽ hỏi bốn câu trong phước thứ nhất này phải nói như thế nào? Cả bộ Địa Tạng Bổn Nguyện kinh này là chú giải [cho bốn câu này]. Tu học đúng như lý, như pháp, Thiện Đạo đại sư nói: ‘Vạn tu vạn người về’, ai cũng không bỏ sót. Nếu bạn tu không đúng như pháp thì sẽ chẳng vãng sanh nổi, Phật chẳng nói sai, là bạn đã hiểu sai ý tứ trong ấy. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy chúng ta ‘Đương hiếu ư Phật’, dạy chúng ta tôn sư trọng đạo, đây là giáo nghĩa của kinh Địa Tạng, nhất định phải hiểu những đạo lý này.

 Tu Diệm Ma Thiên cũng gọi là Dạ Ma thiên, tên của cõi trời này đúng ra phải là Tu Diệm Ma Thiên. Gọi là Dạ Ma thiênthiên chủ cõi ấy tên là Dạ Ma. Tu Diệm Ma dịch nghĩa là ‘Diệu Thiện’, hiện nay lão hòa thượngPhổ Đà Sơn của chúng ta cũng có tên là Diệu Thiện. Cõi trời này rất khoái lạc, rất hoan hỷ, ngoài việc tu thập thiện nghiệp ra còn phải tu Định, phải thêm công phu định lực mới có thể sanh về. Chỉ tu thập thiện nghiệp thì không được, chẳng thể vãng sanh, chỉ có thể sanh đến trời Đao Lợi mà thôi, muốn lên trên phải thêm công phu định lựcNói thật ra còn phải tu ‘Từ, Bi, Hỷ, Xả’, đây là khoa mục chánh của cõi trời Sắc Giới, họ cũng tu nhưng công phu đương nhiên chẳng sâu bằng người cõi trời Sắc Giới; nhưng vẫn có tu. Càng lên cao thì ở mỗi tầng công phu định lực, thiện lợi, chúng ta gọi là tích công lũy đức, tăng lên gấp bội, cứ lên mỗi tầng thì tăng thêm gấp bội, thiệt chẳng đơn giản! Mọi người hãy suy nghĩ sanh lên trời đã chẳng dễ rồi huống chi là vãng sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới để làm Phật! Chuyện này chúng ta không thể coi thường, không thể coi như quá dễ; nhưng cũng không thể coi như quá khó, nếu quá khó thì bạn sẽ không dám tu. Coi quá dễ thì sẽ lơ là, khinh thường, nhất định sẽ làm hỏng việc. Người ở Trời Dục giới tu thượng phẩm thập thiện, trong đó còn thêm một số ‘Vị đáo định’, nghĩa là họ tu Định, công phu tu Định này vẫn chưa đạt được tới trình độ nhất định. ‘Trình độ nhất định’ nghĩa là hoàn toàn đè nén, che phủ ‘Dục’, chúng ta gọi là Dục Vọng, đức Phật quy nạp thành năm thứ: ‘tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ’ (Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy) gọi là Ngũ Dục. Họ đã đè phục được năm thứ Dục này, tuy chưa đoạn nhưng nhất định chẳng khởi hiện hành thì mới có thể sanh đến trời Sắc Giới. Họ đè phục được ngũ dục, nhưng chẳng thể đoạn, cũng có thể nói sáu tầng trời này càng lên cao thì dục niệm của họ càng lợt lạt. Nếu hoàn toàn đè phục hết dục niệm, bày ngay trước mặt họ đích thật chẳng động tâm, chẳng khởi ý niệm, thì họ sẽ lên cõi Sắc GiớiCông phu định lực này kể là đã thành tựu, họ có thể sanh đến cõi trời Sơ ThiềnSắc GiớiSắc Giới có mười tám tầng trời. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

 

 Phạm Chúng thiên, Phạm Phụ thiên, Đại Phạm thiên.

Trời Phạm Chúng, trời Phạm Phụ, trời Đại Phạm.

 Đây là cõi Sơ ThiềnBa cõi trời Sơ Thiền này, chúng ta gọi là ba tầng, nhưng trên thực tế chỉ là một tầng, phước báo hưởng thọ chẳng giống nhau. ‘Phạm Chúng’ ví như nhân dân, người dân thường; ‘Phạm Phụ’ ví như đại thần, quan cao, quan lớn, sự hưởng thọ đương nhiên cao hơn dân thường; ‘Đại Phạm Thiên’ ví như Thiên vương, phước báo càng lớn hơn. Cùng một tầng trời có ba hạng hưởng thọ khác nhau. Tuy cõi Sơ ThiềnSắc Giới có hưởng thọ, chư vị phải biết họ chẳng có ý niệm, tâm địa thanh tịnh. ‘Phạm’ là tiếng cổ Ấn Độ, dịch nghĩa là thanh tịnhSơ Thiền tâm địa đã thanh tịnh rồi, lên cao hơn thì chẳng cần nói nữa, càng lên cao càng thanh tịnh.

 

 Nhị Thiền gọi là ‘Quang Thiên’

 Thiểu Quang thiên, Vô Lượng Quang thiên, Quang Âm thiên.

Trời Thiểu Quang, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm.

 Cổ đức nói: Đại khái, Sơ Thiền vẫn còn tổ chức giống xã hội nhân gian, có nhân dân, có quan liêu, có quốc vương; Nhị Thiền trở lên chẳng còn nữa, thế giới bình đẳng, chân chánh cộng hòa, chẳng có quốc vương, đại thần gì hết, mọi người đều bình đẳng. Tuy bình đẳng nhưng phước báo vẫn còn sai khác, sai khác do đâu mà có? Công phu tu hành mỗi cá nhân chẳng giống nhau. Thí dụ chúng ta học trong trường, cùng một lớp thì mọi người đều giống nhau, lúc thi cử thì có hạng nhất, hạng nhì, vẫn còn xếp hạng, vậy thì có chỗ chẳng bằng nhau, trong chỗ đồng có chỗ không đồng. Lúc chưa thành Phật thì hiện tượng này vẫn tồn tại. Cùng là Đẳng Giác Bồ Tát, Đẳng Giác Bồ Tát cùng nhau thi cử cũng có hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Chỉ đến quả địa Như Lai thì mới hoàn toàn bình đẳng, một chút sai khác cũng chẳng có, những đạo lý và sự việc này chẳng khó hiểu. ‘Trời Thiểu Quang’ có ánh sáng nhưng ít hơn so với cõi khác; ‘Trời Vô Lượng Quang’ thì ánh sáng nhiều hơn. Ánh sáng này từ đâu đến? Nói cho chư vị biết tâm thanh tịnh sẽ phóng quang, tâm địa thanh tịnh sẽ phóng ánh sáng.

 Thật ra hết thảy vạn vật đều phóng quang. Hôm trước Sư Ngộ Toàn đem hình cho tôi xem, Sư nói ở ngoài đời có một dụng cụ có thể chụp ‘Quang’ của người. Sư đi chụp rồi lấy tấm hình cho tôi xem; tôi nói muôn vàn đừng bị gạt, đừng bị người ta gạt. Đích thật con người có Quang, vật cũng có Quang, ngay cả cỏ cây cũng có Quang, đây là sự thật. Quang của mỗi người có màu sắc khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, một số người luyện Khí Công có thể nhìn thấy, người có công phu định lực thì chẳng cần nói nữa. Nhìn thấy Quang trên thân người của bạn, người luyện khí công gọi đó là ‘Khí’, họ gọi bằng danh từ ‘Khí’, người tu thiền định gọi đó là ‘Quang’. Từ màu sắc và cường độ lớn nhỏ của Quang có thể biết tâm hạnh của người này là thiện hay ác. Tâm địa thiện lương từ bi, tâm thiện, hạnh thiện phóng ra Quang màu vàng kim, đây là thù thắng nhất, tốt nhất. Kế đó là màu vàng, màu kém hơn một chút. Tại sao quỷ thần nhìn thấy người tu hành thì tôn kính? Họ nhìn thấy Quang, năng lực này của họ là [nhờ quả] báo [mà có] được, quỷ thầnquả báo được Ngũ Thông. Họ nhìn thấy người tâm địa hiền lương, từ bi, hạnh thiện, chẳng phải là người tu hành, nhưng Quang của những người này cũng tốt, quỷ thần nhìn thấy đều tôn kính, chẳng dám làm tổn hại.

 ‘Trời Quang Âm’ có thể dùng Quang để diễn đạt âm thanh. Ở cõi Nhị Thiền, người ta trao đổi ý kiến chẳng cần nói chuyện, nói chuyện rất mệt, nói nhiều thì hao hơi, mệt thân thể. Họ trao đổi bằng cách phóng quang, người khác nhìn thấy Quang ấy đều hiểu ý nghĩa chứa đựng trong đó. Ngôn ngữ rất có hạn, ngôn ngữ rất vụng về, từ Nhị Thiền trở lên chẳng dùng ngôn ngữ, dùng phóng quang để thay thế

 Cõi Tam Thiền còn cao hơn nữa, tâm địa thanh tịnh hơn, Tam Thiền gọi là ‘Tịnh Thiên’.

  Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.

 Trời Thiểu Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Biến Tịnh.

 Cũng là dựa trên sự sai khác của tâm thanh tịnh mà nói, đây là ba cõi trời Tam ThiềnTam Quang, Tam Tịnh đều là công hạnh cao thấp.

 Tứ Thiền rất đặc biệt, tất cả có chín thứ chẳng giống nhau, có chín cõi trời.

 

 Phước Sanh Thiên, Phước Ái Thiên, Quảng Quả Thiên

 Trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả.

 Đây là cõi trời thông thường ở cõi Tứ Thiền, giống với cõi Tam Thiền kể trên. ‘Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả’ gọi là Phước Thiên. Phước báo lớn nhất thì không có Tam Tai. Ở đó không có Tam Tai, Tam TaiHỏa tai, Thủy tai, Phong taiHỏa tai có thể thiêu đến cõi Sơ Thiền, Sơ Thiền có cả ba Hỏa, Thủy, Phong tai, chẳng thể tránh. Nhị Thiền thì bị Thủy tai, nước có thể tràn ngập đến trời Nhị Thiền, Nhị Thiền không có Hỏa tai, nhưng có Thủy tai, Phong tai. Ở cõi trời Tam Thiền tâm địa thanh tịnh, chẳng có Thủy và Hỏa tai, nhưng lại có Phong tai. Đến cõi Tứ Thiền thì phước báo lớn hơn, cả ba Thủy, Hỏa, Phong tai đều chẳng có. ‘Thủy, Hỏa, Phong’ được gọi là Đại Tam Tai trong kinh Phật. Tiểu Tam tai là: ‘Kiếp đao binh, ôn dịch, cơ cẩn’, cơ cẩn nghĩa là đói khátChúng ta rất khó hiểu được ý nghĩa của Đại Tam tai, Tiểu Tam tai. Lúc trước đọc kinh cũng lơ là đọc lướt qua, khi giảng kinh thì y chiếu chú giải của người xưa cũng lướt qua.

 Mấy năm trước tôi đến Nhật Bản phỏng vấn, đến Quảng Đảo (Hiroshima) và Trường Kỳ (Nagasaki), đến tham quan tận nơi những chỗ bị dội bom nguyên tử, mới tự nhiên hiểu được Tiểu Tam tai nói trong kinh Phật chính là chiến tranh nguyên tử. Chỗ bị nổ bom nguyên tử là nơi bị đao binh kiếp. Chiến tranh tám năm giữa Trung Quốc và Nhật chưa kể là Tiểu Tam tai, chiến tranh nguyên tử mới là Tiểu tam tai. Trong kinh Phật nói kiếp đao binh kéo dài bao lâu? Bảy ngày bảy đêm. Chiến tranh kéo dài bảy ngày bảy đêm là kiếp đao binh. Chiến tranh tám năm giữa Trung Quốc và Nhật chẳng phải là kiếp đao binh, thế chiến thứ nhất, thế chiến thứ nhì cũng chưa phải là kiếp đao binh. Chiến tranh nguyên tử, bom nguyên tử nổ xong, [sau khi đến Nhật Bản] chúng tôi mới bỗng nhiên hiểu được chuyện Phật nói chính là chuyện này. Sau khi nổ xong, phóng xạ tồn tại bảy tháng bảy ngày. Sau bảy tháng bảy ngày này bạn chưa chết, mạng của bạn còn giữ được. Có nhiều người bị nổ bom chẳng chết liền, nhưng trong bảy tháng bảy ngày bị phóng xạ, họ sống nổi hay không thì sau bảy tháng mới có thể xác định. Phật gọi đây là ôn dịch, ôn dịch chính là việc này, là nạn bị phóng xạ. Người Nhật nói với chúng tôi, chỗ bị nổ bom đến năm thứ tám sau khi bom nổ mới mọc cỏ, nghe xong chúng tôi mới hiểu được lời Phật nói, cơ cẩn (nạn đói) kéo dài bảy năm bảy tháng và bảy ngày, sau đó đất mới mọc cây cỏ được, nếu cây cỏ chẳng mọc nổi thì người ta đương nhiên sẽ bị đói. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, sức mạnh của võ khí nguyên tử hiện nay so với trái bom nổ ở Quảng Đảo không biết là mạnh gấp bao nhiêu lần. Ở Quảng Đảo, Trường Kỳ bị nổ bom vì bị bụi phóng xạ nghiêm trọng nên tám năm sau cây cỏ mới mọc nổi. Thế nên đại chiến thế giới lần thứ ba xảy ra tức là Tiểu Tam tai mà Phật đã nói. Đại Tam tai là sự hủy diệt của tinh cầu, ngày nay chúng ta nhìn thấy hỏa tai, những tinh cầu phát ra ánh sáng đó chính là hỏa, toàn thể là một biển lửa, mặt trời chính là biển lửa. Chúng ta rất khó hiểu rõ trạng thái của Đại Tam tai, hiện nay tình hình của Tiểu Tam tai đại khái thì chúng ta có thể hiểu được đôi chút, thiệt đáng sợ vô cùng! Cõi trời Tứ Thiền mới là cõi trời đủ phước báo, chẳng bị Tam Tai.

 Trong Đại Trí Độ Luận, Phật nói người ở trời Sắc Giới chủ yếu là tu thiền định, nếu chỉ tu thiền định mà không tu phước thì đâu có phước báo lớn như vậy! Thế nên họ phải tu Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, đây là chỗ tồn tâm của thiên nhân trên trời Sắc Giới. Họ bố thí, trì giới, tu bố thì thì tâm được vui, bố thí nhiều thì khoái lạc càng nhiều. Thế nên họ có thể xả, chịu thí, nhờ vậy mới có thể dùng công phu định lực của họ sanh đến cõi trời Tứ Thiền. Sự khác biệt ở cõi Tứ Thiền cũng do công phu định lực sâu hay cạn, phước tu được ít hay nhiều, từ đó mới sanh ra những tướng trạng khác biệt.

 

 Vô Tưởng Thiên.

 Trời Vô Tưởng.

 Cõi Tứ Thiền còn một tầng đặc biệt, ‘Trời Vô Tưởng’. Trong kinh Phật nói đây là trời ngoại đạo, hơn phân nửa đều là học Phật, giải sai ý tứ của Phật. Tu Định, trong Định, ý niệm gì cũng chẳng khởi lên, một niệm chẳng sanh, vô tưởng, tu thành công thì vãng sanh về cõi này. Chỉ có Định, chẳng có Huệ là sai lầmý nghĩa của Thiền Định là trong Định có Huệ. ‘Thiền Na’ là Phạn ngữ, dịch nghĩa là ‘Tịnh Lự’, ‘Tịnh’ là Định, ‘Lự’ là có công phu Quán Chiếu, cũng có nghĩa là họ hiểu rõ, họ chẳng Định đến nỗi không biết gì cả. Một niệm chẳng sanh, nhưng mọi việc đều rõ ràng, chuyện gì cũng minh liễu, như vậy mới gọi là Thiền Định. Nếu chỉ là một niệm chẳng sanh, việc gì bên ngoài cũng chẳng biết, như vậy là không được, là có Định chẳng có Huệ, tu như vậy thành công thì tương lai sẽ vãng sanh về cõi trời Vô Tưởng. Sự tu hành trong Phật pháp là ‘Định Huệ đẳng trì’ gọi là Thiền ĐịnhSa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na, ‘Sa Ma Tha’ dịch nghĩa là Chỉ Tức, ‘Tỳ Bà Xá Na’ dịch là Quán Tưởng, hoặc Quán Kiến, Quán Sát, có những nghĩa như vậy. Chỉ tu một thứ thì sẽ lệch về một bên, đều chẳng thể thành tựu. Người chỉ tu Định thì dễ hôn trầm, tu thành công thì sanh về cõi Trời Vô Tưởng. Người chỉ tu Huệ thì không thể được Định, tâm nhảy loạn xạ, vọng tưởng rất nhiều. Tại sao chú trọng tại Thiền Định? Thiền là Định - Huệ đều bằng nhau, Định - Huệ đẳng trì, công phu này mới chính xác.

 Năm thứ sau này là chỗ thánh nhân tu hành:

 

 Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, Sắc Cứu Cánh Thiên.

 Trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Kiến, trời Thiện Hiện, trời Sắc Cứu Cánh.

 Thông thường còn xưng là ‘Ngũ Bất Hoàn Thiên’, ai trụ ở đó? Tiểu Thừa Tam Quả, cũng được gọi là ‘Tịnh Cư Thiên’, thế nên Tứ ThiềnPhàm Thánh Đồng Cư Độ. Trời của phàm phutrời Phước Sanh, Phước Ái, Quảng Quả, và Vô Tưởng, thiên nhân ở bốn cõi trời này chẳng nhìn thấy thiên nhântrời Tịnh Cư, biết là họ ở nơi đó tu hành nhưng không nhìn thấy họ. Giống như ở thế gian này, địa cầu chúng ta cũng là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, có Phật, Bồ Tát, A La Hán trụ ở địa phương này, loài người chúng ta chẳng nhìn thấy họ. Quý vị tụng Từ Bi Tam Muội Thủy Sám, trong ấy nói đạo tràng của tôn giả Ca Nặc CaTứ Xuyên, người thường đến đó thì thấy toàn là núi hoang vu, chẳng nhìn thấy gì hết, lúc Ngộ Đạt quốc sư đến đó nhìn thấy đạo tràng trang nghiêm. Phải có duyên mới nhìn thấy cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, không có duyên thì chẳng thấy. Trong kinh nói tôn giả Ca Diếp còn chưa nhập Niết Bàn, còn ở núi Kê Túc, ngài cũng thường ra ngoài đời, lúc ra thì chúng ta cũng chẳng nhận biết được, ngài biết biến hóa. Ngài phải đợi Phật Di Lặc ra đời, truyền y bát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho Phật Di LặcPhật Di Lặc xuất thế, trong kinh nói năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau (5,670,000,000 năm), tôn giả Ca Diếp phải đợi thời gian dài như vậy. Tâm người được thanh tịnh, thọ mạng được tự tại, muốn trụ bao lâu thì trụ bấy lâu, chẳng trở ngại.

 Thế nên tôi khuyên mọi người phải phát nguyện, nguyện lực phải mạnh hơn nghiệp lực thì bạn mới chuyển, mới được tự tại. Nếu bạn không chịu phát nguyện, đời này bạn nhất định sẽ chịu vận mạng chi phối, bạn sẽ chẳng thoát nổi vận mạng. Nhất định phải phát đại nguyện xả mình vì người, thì bạn mới được tự tại, đời sống tự tại, thọ mạng tự tại, trụ thế tự tại, giáo hóa tự tại, hết thảy sự nghiệp chẳng có gì là không tự tại, nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn! Tại sao không chịu phát nguyện! Đời Đường, Pháp Chiếu đại sư, tổ thứ tư Tông Tịnh Độ, ngài nhìn thấy Đại Thánh Trúc Lâm Tự của Văn Thù Bồ Tát trên núi Ngũ Đài, đây là người có duyên. Ngài nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền, nhìn thấy pháp hội hơn một vạn người tụ hội, Văn Thù Bồ Tát đang giảng kinh thuyết pháp, Ngài còn ở đó nghe một buổi, còn thỉnh giáo Văn Thù Bồ Tát:

‘Phật pháp đã đi đến đời Mạt pháp, căn tánh người đời Mạt Pháp độn, tu pháp môn gì dễ thành tựu?’. 

Văn Thù Bồ Tát dạy Ngài tu pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ

Pháp Chiếu vốn là tham thiền, nghe xong lời dạy của Văn Thù Bồ Tát, phát nguyện chuyên tâm niệm Phật. Ngài còn thỉnh giáo: ‘Làm thế nào niệm Phật?’.  Văn Thù Bồ Tát dạy phương pháp niệm Phật cho Ngài. Sau đó ngài rời khỏi Ngũ Đài Sơn, trên đường về đi đến đâu ngài cũng đều ghi dấu hiệu, sợ lạc đường, muốn lần sau trở lại. Kết quả là làm dấu được vài chỗ rồi quay trở lại, chùa chẳng còn nữa, chỉ còn một cảnh núi hoang vu, thế mới biết là chẳng thể nghĩ bàn, đạo tràng đã biến mất. Phàm phu chẳng nhìn thấy Phàm Thánh Đồng Cư Độ, chẳng có duyên ấy thì chẳng nhìn thấy cảnh giới của thánh nhân.

 Trong kinh nói Phàm Thánh Đồng Cư Độ có ba chỗ: một là thế giới Sa Bà của chúng ta, thứ hai là trời Đâu Suất tức là tầng trời thứ tư trên cõi Dục Giới, Đâu Suất Nội Việnđạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, thiên nhân trời Đâu Suất chẳng nhìn thấy, chỉ nghe nói, chẳng biết ở đâu. Thứ ba là Trời Tịnh Cưcõi trời Tứ Thiền tức là Ngũ Bất Hoàn Thiên, ba chỗ này là Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Họ ở chỗ này tu hành, tuy đều là thánh nhân Tam Quả, tại sao gọi là ‘Bất Hoàn’? Chẳng còn đến Dục Giới nữa, họ sẽ thành tựu ở chỗ đó. Trong kinh nói người lợi căn sẽ trụ ở Ngũ Bất Hoàn Thiên, trực tiếp ở đó chứng quả A La Hánsiêu việt Tam giới, siêu việt sáu nẻo luân hồi, đây là A La Hán lợi căn. Nếu kém hơn, họ còn phải thông qua Tứ Không Thiên mới có thể xuất Tam giới; người lợi căn chẳng cần thông qua Tứ Không Thiên, trực tiếp chứng quả A La Hán, liền xuất Tam giới, đây là thiên nhân cõi trời Tịnh CưChúng ta không cần phải giới thiệu thêm về Ngũ Bất Hoàn ThiênKiến Tư phiền não trong Tam giới gọi là Kiến Tư Hoặc, tam giới tám mươi mốt phẩm; Tam giới chia thành chín cõi, mỗi cõi có chín phẩm, chín nhân chín thành tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc, đến Ngũ Bất Hoàn Thiên mới đoạn hết, đoạn hết mới chứng quả A La Hán.

 Năm xưa đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trên thế gian này, thị hiện thành Phật dưới cây Bồ Đề, sau khi thành Phật giáo hóa chúng sanhGiáo hóa chúng sanh cần có người khải thỉnh, nếu không ai mời thì Phật chẳng thể dạy. Người thế gian tuy biết đức Phật nhưng ai biết được đây là một người có đại tri huệ, đại đạo sư cho trời và người, ai biết được? Người thế gian chẳng có người thỉnh thì Phật phải nhập Niết Bàn, phải thị hiện diệt độThiên nhântrời Tịnh Cư nhìn thấy, họ thấy đức Phật Thích Ca thị hiện nên mau mau xuống để thỉnh cầu, thiên nhân cõi trời Tịnh Cư thay thế chúng ta thỉnh cầu nên đức Phật mới trụ thế tám mươi năm, giảng kinh thuyết pháp cho chúng ta trên ba trăm hội, chúng ta phải cảm kích người cõi trời Tịnh Cư. Nếu họ không thỉnh pháp thì thế gian này của chúng ta chẳng nghe được Phật pháp, họ cũng rất từ bi, thương xót hết thảy chúng sanh khổ nạn, khuyến thỉnh Như Lai thuyết pháp.

 Cõi cuối cùng:

 

 Ma Hê Thủ La Thiên

 Trời Ma Hê Thủ La

 Có một số kinh nói Ma Hê Thủ La tức là Sắc Cứu Cánh Thiên. Ở đây tại sao phải liệt kê tên này riêng ra? Trong kinh cũng có nói, Ma Hê Thủ La là thượng thủ của thiên nhân cõi Tịnh Cư, ý nghĩa này cũng hay. Tịnh Cư thiên tức là Ngũ Bất Hoàn Thiên, vị đại đức được tôn kính nhất xưng là Ma Hê Thủ La. Đây là do thiền định được đại tự tại nên Ma Hê Thủ La cũng có thể xưng là Đại Tự Tại thiên. Đây là mười tám tầng trời Sắc Giới, giới thiệu đơn giản đến đây.

 Câu tiếp theo:

  Nãi chí Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thiên.

 Cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tướng Xứ.

 Chữ nãi chí ở đây ngụ ý đã lược bớt. Đã lược bớt ‘Tứ Không Thiên, Vô Sắc Giới Thiên’. Thiên nhântrời Vô Sắc Giới thật sự là phàm phu rất thông minh, rất có trí huệ. Ở Trung Quốc cổ đại, Lão Tử xuất hiện vào triều nhà Châu, thời đại Xuân Thu (722 truớc công nguyên đến 481 trước công nguyên), cùng thời với Khổng Tử, lớn tuổi hơn Khổng Tử. Người này rất thông minh, ngài nói: ‘Tôi có một mối lo lớn vì tôi có thân này’. Ngài nói tôi có một mối lo lớn, vì sao? Vì tôi có cái thân này. Thân là gốc khổ, nếu khôngthân thể thì tốt biết mấy, tự tại biết mấy; ngài là phàm phu bậc cao nên mới biết thân là gốc khổ. Làm sao xả bỏ thân, không cần nữa? Ngài chán ghét sắc thân, cộng thêm công phu định lực của ngài, đích thật có thể xả bỏ sắc thân này, lìa khỏi, thăng lên cõi trên, phần nhiều chúng ta gọi là Linh Giới; y theo Phật pháp thì chỉ có thần thức chẳng có sắc thân, hạng này chúng ta xưng là ‘Vô Sắc Giới’. Người cõi trời Sắc Giới đã xả bỏ Dục, đã xả bỏ ngũ dục lục trần, phiền não nghiêm trọng này, thoát ra khỏi Dục Giới đến cõi Sắc GiớiSắc Giới vẫn còn sắc tướng, thân thể, hoàn cảnh cư trú, những thứ này còn phiền phức, còn chưa rốt ráo, xả bỏ những thứ này thì lên đến Tứ Không ThiênTứ Không Thiên vẫn còn trong phạm vi của lục đạo, chưa thoát ra khỏi lục đạo.

 Cõi thứ nhất ở Tứ Không Thiên là ‘Không Xứ Thiên’, sau khi lìa khỏi Sắc Giới thì vào Không Xứ, tâm duyên hư không chẳng có sắc tướng, Định này gọi là Hư Không Định. Thứ nhì gọi là ‘Thức Xứ Thiên’, ‘Không’ cũng xả bỏ, Không và Sắc là hiển hiện tương đối cho nên hư không chẳng chân thật. Họ xả bỏ luôn Không, xả Không rồi vẫn còn Thức tồn tại, chỗ họ duyên vào được đặt tên là ‘Thức Xứ’. Thật ra xả Không là chẳng chấp vào Không, chứ không phải thật sự xả bỏ Không. Chẳng còn chấp trước tướng Không, ý niệm Không và Sắc đối lập nhau trong tâm chẳng còn nữa, lúc đó còn Thức, nên gọi là Thức Xứ. Người tu hành đến mức này nếu phát hiện ‘Thức’ vẫn còn là một chuyện phiền phức, vẫn chưa rốt ráo, Thức chính là Phân Biệt, Phân Biệt cũng xả luôn thì sẽ vào ‘Vô Sở Hữu Xứ Thiên’, tầng thứ ba ở Vô Sắc Giới. Lúc tu Định này thì buông xả hết thảy cảnh giới Trong - Ngoài, cảnh giới hai bên Trong - Ngoài đều buông xả, xả bỏ hết nên gọi là ‘Vô Sở Hữu’. Đến tầng cao nhất ‘Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên’, vì ngay cả Thức cũng chẳng duyên vào nên gọi là ‘Phi Tưởng’; chỗ chẳng khởi tác dụng cũng chẳng duyên vào nên gọi là ‘Phi Phi Tưởng’. ‘Phi Tưởng Phi Phi Tưởng’ là cảnh giới cao nhất trong Tam giới. Cách giải thích Phi Tưởng Phi Phi Tưởng rất nhiều, [chư vị] có thể tham khảo cách giải thích trong kinh luận, kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng, một số Phật Học Đại Tự Điển cũng có giải thích rõ, trên đây đã giải thích về Vô Sắc Giới Thiên.

 Phần đông những Học Nhân đến cảnh giới này cho rằng đó là đại Niết Bàn trên quả vị của Như Lai, họ chẳng biết đây là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, cứ tưởng nhập vào cảnh giới này thì vĩnh viễn chẳng sanh chẳng diệt. Đâu biết họ còn thọ mạng, thọ mạng của họ chính là công phu định lực, công phu định lực của họ có thể duy trì được bao lâu? Trong kinh nói tám vạn đại kiếp, con số này rất lớn. Tám vạn đại kiếp là gì? Thế giới này trải qua một lần ‘Thành, Trụ, Hoại, Không’ gọi là một đại kiếpĐại kiếp này có bốn Trung kiếp, tức là Thành, Trụ, Hoại, Không. Thế giới Sa Bà chúng ta hiện nay đang ở kiếp Trụ. Tám vạn đại kiếp tức là thế giới này thành, trụ, hoại, không tám vạn lần, họ có công phu định lực sâu như vậy, thọ mạng dài như vậy. Sau tám vạn lần thế giới thành, trụ, hoại, không, thì họ vẫn phải đọa lạc, chẳng thể nâng cao thêm nữa, chỉ có thể đọa xuống. Đọa lần này thì đọa rất thê thảm! Người ta thường nói trèo cao, té nặng. Kinh Lăng Nghiêm nói người trời Tứ Không đọa xuống, hơn phân nửa là đọa vào địa ngục A Tỳ. Từ nơi cao nhất rớt xuống chỗ thấp nhất, tại sao? Vì báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, vì lỗi hủy báng Tam Bảo nên phải đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao họ có ý niệm hủy báng Tam Bảo? Họ tưởng mình đã thành Phật, chứng được đại Niết Bàn, tại sao ngày nay vẫn còn đọa lạc? Trong tâm liền hoài nghi rằng lời chư Phật Như Lai là giả, chẳng phải thiệt, thế nên đọa lạc. Vì họ hiểu sai, nhận lầm, đó chẳng phải cảnh giới Niết Bàn của Như Lai. Không những chẳng phải quả địa Như Lai, mà cũng chẳng phải là quả địa Tiểu Thừa, hoàn toàn hiểu lầm.

 Thế nên khi càng tu lên trên, trong cảnh giới ấy tà - chánh rất khó phân biệt, đây là lý do tại sao trong kinh Lăng Nghiêm đức Thế Tôn giảng Năm Mươi Ấm Ma cho chúng ta. Khi ma cảnh hiện tiềnchúng ta cho đó là cảnh giới Phật thì sẽ bị lầm to. Thế nên người sơ học chúng ta muốn tránh ma cảnh thì phương pháp duy nhất là phải y giáo phụng hành, tuyệt đối thuận theo những gì Phật dạy trong kinh; tuyệt đối chẳng thể nương dựa những gì người khác nói, chẳng giống lời Phật dạy trong kinh, như vậy mới có thể tránh rơi vào ma đạo. Quan trọng nhất là chúng ta phải tin Phật, chúng ta học theo Phật, chúng ta thân cận một thiện tri thức, những gì vị thiện tri thức này nói phù hợp với lời trong kinh thì chúng ta mới tin; trong kinh chẳng nói như vậy thì chúng ta không tin, chẳng thể học theo họ. Phật nói vô lượng pháp môn, nói là vì ứng theo cơ duyên lúc đó nên mới nói, cơ duyên khác nhau thì Phật nói pháp khác nhau, vì thế chúng ta muốn học pháp môn nào, y theo kinh điển nào, điểm này vô cùng quan trọng, được vậy mới chẳng đến nổi giải sai chân thật nghĩa của Như LaiThí dụ Phật nói với chúng ta tây phương Cực Lạc thế giới tuyệt đối là có thật, chúng ta tu Tịnh Độ thì chỉ noi theo kinh điển Tịnh Độ. Trong kinh điển khác Phật nói vạn pháp đều không, nếu bạn nói trong kinh đức Phật nói hết thảy pháp đều không, nên tây phương Cực Lạc thế giới cũng không, thế thì trật lất, bạn tin như vậy thì chẳng phải bạn đã bỏ uổng cơ hội này hay sao. Học pháp môn nào thì chỉ tu học noi theo kinh điển của pháp môn đó mà thôi, những kinh điển nói khác với kinh này thì tuyệt đối chẳng thể y theo kinh đó.

 Thực ra đạo lý này rất cạn cợt, chẳng sâu lắm, chẳng khó hiểu. Giống như học trong trường đại học hiện nay, bạn học khoa hệ nào, nhất định phải học theo khóa trình của khoa hệ đó, bạn chẳng thể học khoa khác; nếu bạn học lớp của khoa hệ khác, chẳng giống với khoa mục của bạn, không những không trợ giúp mà ngược lại có thể phá hoại, đây không phải là đạo lý này sao! Trong kinh Phật thường dùng Y Vương để thí dụ, thí dụ này càng rõ hơn nữa. Thầy thuốc bắt mạch cho bịnh nhân rồi kê toa thuốc, người khác không dám uống theo toa thuốc của bạn, vì bịnh của họ không giống bịnh này. Nếu uống thuốc này, uống vô rồi thì xong ngay, người khác uống thuốc này thì chết liền. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn toa thuốc khác nhau, chữa cho tám vạn bốn ngàn người bịnh khác nhau, làm sao uống bừa bãi được! Thế nên chúng ta tu pháp môn vãng sanh, nhất định phải noi theo ‘kinh vãng sanh’. Trong Đại Tạng kinh thì tam kinh nhất luận gọi là ‘kinh vãng sanh’, đó là kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Bồ TátPhổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, Đại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông Chương là sau này mới thêm vào, thêm rất đúng, cũng có thể noi theo, tuyệt đối sẽ không tạo thành vấn đề, hiện nay xưng là Ngũ Kinh Nhất LuậnChúng ta niệm Phật cầu vãng sanh phải nương nhờ những kinh điển này, như vậy là không sai, chẳng thể nương vào những kinh khác. Nếu những gì nói trong kinh điển khác tương ứng, phù hợp với lý luận, phương pháp, cảnh giới nói trong Ngũ kinh Nhất luận này thì chúng tathể tham khảo, nếu không tương ứng thì chúng ta tuyệt đối không thể đọc, nhất định đừng xem, được vậy thì công phu của chúng ta mới có thể nắm vững, mới có thể thành tựu.

Nếu kinh gì bạn cũng xem, kinh gì cũng học, vậy thì bạn bị phiền phức lớn lắm, không những bạn tự tu học chẳng thể thành tựu mà cũng chẳng thể giáo hoá chúng sanh. Khi bạn giáo hóa chúng sanh, lấy một chút ở chỗ này, lấy một ít ở chỗ kia, sẽ làm cho chúng sanh loạn đến mê hoặc điên đảo. Ngày nay học Phật vô cùng khó khăn, tại sao tôi không dạy trong Phật Học Viện, đạo lý là như vậy. Phật học viện mở ra rất nhiều lớp học, mời rất nhiều pháp sư, giảng cho học sinh ngày ngày đều điên đảo, như say, như cuồng, chẳng đạt được hiệu quảBản thân tôi học Phật đạt được một chút lợi íchmay mắn, gặp được thiện tri thức, do một người dạy, chỉ tiếp nhận lời của một nhà, đi theo một con đường, nên rất đơn thuần, chẳng phức tạp, chẳng có nghi hoặc, điểm này rất quan trọng, vô cùng quan trọng! Sau này chúng tôi mới hiểu cái mà nhà Nho, nhà Phật gọi là Sư Thừa chính là ý nghĩa này. Tôi chỉ học theo một thầy, nghe lời của một thầy mà thôi, vị thầy này đối với tôi phải chịu trách nhiệm. Nếu tôi còn muốn học theo người khác thì người thầy này chẳng có cách gì để dạy. Thật sự thân cận thiện tri thức, noi theo Sư Thừa của người xưa, bạn theo sát vị thầy này, nhất định chẳng thể học theo người thứ hai, chẳng thể nghe lời dạy của người thứ hai, được vậy thì bạn mới thành tựu. Vị thầy này phải chịu trách nhiệm nhân quả đối với bạn, trách nhiệm này rất nặng, nếu chỉ sai đường cho bạn, dẫn đi lầm đường thì vị thầy này phải thọ ác báo. Nếu bạn chẳng chịu tiếp nhận, bạn cứ đi khắp nơi nghe người khác, vẫn còn xem bài của người khác, vậy thì người thầy này sẽ chẳng chịu trách nhiệm cho bạn.

Hiện nay trở về sau có lẽ Sư Thừa sẽ chẳng còn nữa, chẳng thể còn nữa, cho nên có thể thành tựu được hay không hoàn toàn ở tại mỗi cá nhân. Nói cách khác chẳng có vị thầy hết lòng phụ trách dạy bạn, nói thật ra thầy giáo muốn tìm học sinh như vầy cũng tìm không ra, hoàn toàn nhờ giác ngộ của mình. Muốn chân chánh giác ngộ, chân chánh thành tựu thì cũng phải đi theo đường cũ, học theo một vị thầy. 

Tôi khuyên mọi người, ngày nay chúng ta học theo ai? 

Học theo A Di Đà Phật

A Di Đà Phật ở nơi đâu? 

Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Đà Phật

Chúng ta đọc kinh Vô Lượng Thọ, tiếp nhận lời dạy của A Di Đà Phật, những gì A Di Đà Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta làm hết lòng; những gì A Di Đà Phật chẳng dạy chúng ta làm, chúng ta nhất định không làm, chúng ta chỉ nghe lời dạy của A Di Đà Phật, chẳng nghe bất người nào, được vậy thì đời này bạn nhất định sẽ vãng sanh! 

Ngoài ra còn một vị đại đức có thể giúp chúng taẤn Quang đại sư, mỗi câu mỗi chữ trong Ấn Quang Đại Sư Văn Sao đều tương ứng với kinh vãng sanh, nên thường thường đọc Văn Sao của Ấn Tổ, làm bạn với Ấn Tổ, nghe lời dạy của Ngài, làm theo lời dạy của Ngài, đoạn ác tu thiện, giữ trọn luân thường, làm tròn bổn phận, tin sâu nhân quả, chắc thật niệm Phật, nhất định sẽ được vãng sanh Tịnh Độ. Đây là con đường cầu vãng sanh, xuất ly tam giới lục đạo duy nhất trong đời này của chúng ta, ngoài đường này ra thì chẳng còn con đường thứ hai nào khác. Xem đoạn kinh tiếp theo:

 

Nhất thiết Thiên chúng, Long chúng, Quỷ Thần đẳng chúng tất lai tập hội.

Hết thảy chúng Trời, chúng Rồng, và các chúng Quỷ Thần đều đến tụ hội.

Đoạn này nói về những chúng Thiên Long Bát Bộ. Chúng ta đọc tiếp, đoạn kinh văn sau đây nói về các chúng thần.

 

Hựu hữu tha phương quốc độ, cập Sa Bà thế giới.

Còn những cõi nước ở phương khác và thế giới Sa Bà

Sa Bà thế giới là cõi của chúng ta, và còn những thế giới ở phương khác.

 

Hải Thần, Giang Thần, Hà Thần.

Thần Biển, Thần Sông lớn, Thần Sông nhỏ.

Đây là Thủy thần, thủy có lớn nhỏ, người Trung Quốc gọi là Long Vương.

 

Thọ Thần, Sơn Thần, Địa Thần, Xuyên Trạch Thần, Miêu Giá Thần, Trú Thần, Dạ Thần, Không Thần, Thiên Thần, Ẩm Thực Thần, Thảo Mộc Thần, như thị đẳng thần, giai lai tập hội.

Thần Cây, Thần Núi, Thần Đất, Thần Suối và Ao Đầm, Thần Mùa Màng, Thần Ngày, Thần Đêm, Thần Hư Không, Thần Trên Trời, Thần Ăn Uống, Thần Cỏ Cây, những vị thần như vậy đều đến tụ hội.

Chúng ta gộp hai đoạn này nói chung. Hai đoạn này nói về Bát Bộ và những chúng Thần. Trước kia pháp sư Thánh Nhất ở Cửu Hoa Sơn giảng Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, đối với những chúng thần này đều có giới thiệu, thần cũng đến tham gia đại hội này, lần tập hội này chẳng phải là ngẫu nhiên, đều có nhân duyên sâu đậm với Địa Tạng Bồ Tát lúc trước. Nếu không có duyên, đức Phật Thích Ca Mâu Ni mở pháp hội lần này tại cung trời Đao Lợi, họ có tư cách gì để tham gia! Chúng ta thấy đại chúng tham dự không thể có nghi hoặc, không những có các chúng Trời, chúng Thần, phía sau còn có chúng Quỷ. Chúng ta xem tiếp kinh văn:

 

Phục hữu tha phương quốc độ cập Sa Bà thế giới chư đại quỷ vương, sở vị Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bịnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương , như thị đẳng Quỷ Vương giai lai tập hội.

Lại có những đại quỷ vương ở các cõi nước phương khác và thế giới Sa Bà, như Ác Mục Quỷ Vương, Đạm Huyết Quỷ Vương, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương, Hành Bịnh Quỷ Vương, Nhiếp Độc Quỷ Vương, Từ Tâm Quỷ Vương, Phước Lợi Quỷ Vương, Đại Ái Kính Quỷ Vương, các quỷ vương như vậy đều đến tụ hội.

Liệt kê ra mười hạng Quỷ Vương. Quỷ đạo cũng tương đối phức tạp, những vị có phước đức trong quỷ đạo thì được xưng là Quỷ Vương. Chúng tanhân gian tu phước, phước chẳng uổng phí, phước báochân thật, những phước bạn tu, tương lai nhất định sẽ được phước báo. Nhưng đến nơi nào để hưởng phước báo? Không nhất định. Phải coi bạn đến cõi nào, nếu bạn có phước thì bất luận ở cõi nào cũng hưởng phước, đến quỷ đạo cũng sẽ hưởng phước. Nói cho chư vị biết chỉ có cõi địa ngục thì chẳng có cách chi; nếu bạn ở cõi người, cõi trời, cõi súc sanh, cõi quỷ, ai có phước đều sẽ hưởng phước, trong cõi quỷ thì làm Quỷ vương. Những người, những chúng sanh này đều có duyên với Phật, đặc biệt là duyên với Địa Tạng Bồ Tát rất sâu, chúng ta từ kinh này thấy chúng sanh mười pháp giới đều tụ hội nơi đây, chẳng thể nghĩ bàn, trong hết thảy pháp hội chúng ta chưa từng thấy. Kinh Hoa Nghiêm cũng có, mười pháp giới chúng sanh cũng đến dự hội nhưng sánh chẳng bằng kinh Địa Tạng. Tại sao? Hội kinh Địa Tạng này, phía trước chúng ta thấy hết thảy chư Phật, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai một vị cũng không sót, hết thảy đều đến đầy đủ, trong kinh Hoa Nghiêm chẳng thấy được việc này. Từ chư Phật Như Lai đến chúng sanh địa ngục, đến những quỷ vương, có rất nhiều quỷ vương coi quản địa ngục, hết thảy đều đến dự hội, vô cùng hiếm có!

Chúng ta đọc đoạn kinh này xong, nhất định không thể coi thường, biết pháp hội này thù thắng khôn sánh. Nguyên nhân là gì? Những người này, chư Phật Như Lai này đều là học trò của Địa Tạng Bồ Tát, hôm nay thầy giáo có công chuyện, học sinh đâu dám chẳng đến! Địa Tạng Bồ Tátoai đức lớn như vậy sao? Đúng vậy! Địa Tạng là gì? Tâm địa, chẳng phải nói một người. Phía trước vừa mở đầu đã giảng cho bạn, ‘Địa’ là tâm địa, chân tâm bản tánh, ‘Tạng’ là vô lượng trí huệ đức năng có sẵn trong bản tánh, hết thảy chúng sanh đều y theo cái này để tu hành thành Phật. Ngày nay giảng Địa Tạng pháp môn, hết thảy chư Phật Như Lai đều ủng hộ, hết thảy chúng sanh phải nương nhờ, dựa vào, thế nên pháp hội này thù thắng hạng nhất, Hoa Nghiêm không thể sánh bằng, Hoa Nghiêm cũng phải nương theo nó để khơi dậy, nó là chỗ nương dựa căn bản. Thế nên chư vị phải hiểu tánh trọng yếu của vấn đề này, chỗ nương dựa căn bản chính là phước thứ nhất nói trong Quán Kinh. Nói cho chư vị biết nếu ngày nay chúng ta bỏ qua ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu mười nghiệp thiện’ thì tu pháp môn gì cũng chẳng thể thành tựu ngay trong đời này. Tại sao? Vì bạn không có căn bản cho nên học Phật phải trải qua vô lượng kiếpChúng ta học Phật tuyệt chẳng phải chỉ học đời này thôi đâu, trong kinh Vô Lượng Thọ chúng ta thấy nhóm người cùng vua A Xà Thế, nói thực ra chính là nói chúng ta, nhiều đời quá khứ đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật, đến nay vẫn còn là phàm phu, vẫn luân chuyển trong sáu nẻo. Cúng dường bốn trăm ức Phật, tu hành, nghe pháp chẳng ít, tại sao vẫn không thể thoát khỏi Tam Giới? Tại sao chẳng thể vãng sanh? Đây là như lúc trước thầy Lý thường nói trong một vạn người niệm Phật khó có được hai, ba người vãng sanhĐạo lý gì? Vì bạn chẳng tu từ căn bản.

Bạn đừng coi những người vãng sanh, vãng sanh có tướng lành, có thể họ nghe kinh rất ít, nghe pháp chẳng nhiều, nhưng họ thật sự đã vãng sanh. Bạn lại hỏi thăm kỹ, người này nhất định hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, tâm địa rất từ bi. Bạn hỏi thăm xem trong đời sống hằng ngày, xử sự đãi người tiếp vật, họ tuyệt đối phù hợp điều thứ nhất trong Tam phước, có ai dạy họ không? Chẳng có ai dạy họ. Họ vốn là như vậy, họ làm người rất từ bi, rất kính trọng người, họ thật sự làm được. Chúng ta chẳng bằng họ, tại sao vậy? [Chúng ta mới] đọc được một ít sách vở, học được một ít Phật pháp bèn cống cao ngã mạn, cảm thấy mình rất giỏi, người ta chẳng bằng mình. Họ có thể vãng sanh, chúng ta ngược lại bị lọt tuốt phía sau, còn phải luân hồi, tại sao? Họ chưa từng đọc sách, chẳng biết chữ, rất khiêm tốn, rất nhún nhường, luôn cảm thấy mình chẳng bằng người, nhưng họ đã vãng sanh được. Thế nên càng học nhiều, lúc trước thầy Lý nói lúc chưa học thì còn biết hiếu thuận cha mẹ, học cao rồi, cha mẹ chẳng có học, học vấn cấp bằng của họ cao hơn cha mẹ nhiều, học càng cao thì con mắt càng chạy lên trên đỉnh đầu, ngay cả cha mẹ cũng chẳng coi ra gì, vậy thì làm sao có thể tôn kính sư trưởng! Người như vậy, một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng chẳng thể vãng sanh. Thế nên chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này, y giáo phụng hành mới chẳng đến nỗi lãng phí đời này. Bộ kinh Địa Tạng, đức Phật Thích Ca mở pháp hội tại cung trời Đao Lợi là để giảng pháp căn bản, cho nên chúng sanh trong mười pháp giới đều đến tham gia pháp hội này, chẳng thể nghĩ bàn phi thường!

Tên những thiên thần, quỷ thần này chẳng khó hiểu, mọi người có thể xem tên hiểu nghĩa, ở đây tôi lược bớt. Nếu các bạn muốn biết thì có thể tham khảo giảng ký của Thánh Nhất pháp sư. Giảng ký này phổ biến rất rộng, ngài giảng rất hay, đơn giản, rõ ràng. Xin xem kinh văn:

 

Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật cáo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát: nhữ quán thị nhất thiết chư Phật Bồ Tát cập thiên long quỷ thần, thử thế giới, tha thế giới, thử quốc độ, tha quốc độ, như thị kim lai tập hội đáo Đao Lợi thiên giả, nhữ tri số phủ.

Bấy giờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: ‘Ông xem hết thảy chư Phật, Bồ Tátthiên long quỷ thầnthế giới này và thế giới khác, cõi nước này và cõi nước khác đều đến tụ hội tại cung trời Đao Lợi như vậy, ông biết số lượng bao nhiêu chăng?

Chữ ‘Bất’ này phải đọc là ‘phủ’, như chữ ‘khả phủ’(có được hay chăng? Có nên chăng?)Văn Thù Sư Lợi Bồ Tátvị trí huệ hạng nhất trong các Bồ Tát, Phật chẳng kêu ai khác, chỉ kêu ngài. Nếu ngài không biết thì những vị khác chẳng cần hỏi nữa. Phật hỏi ngài, ông xem thử những đại chúng đến dự hội ‘Nhất thiết chư Phật Bồ Tát, cập thiên long quỷ thần’, câu này nói về chánh báo, nói về những người đến dự. Họ từ đâu đến? ‘Thử thế giới, tha thế giới, thử quốc độ, tha quốc độ’ bao gồm tận hư không, trọn khắp pháp giới, đây là y báo; chúng ta nói đến từ bốn phương tám hướng, đến từ hết thảy pháp giới, cõi nước chư Phật. Nhiều người như vậy, ông biết số lượng là bao nhiêu chăng? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hội kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta thấy đại chúng là hai vạn người, đại chúng tham dự trong pháp hội này thật là chẳng thể nghĩ bàn, nhìn thấy pháp hội thù thắng thì biết được tánh trọng yếu của pháp mônChúng ta hãy coi Văn Thù Bồ Tát trả lời ra sao.

 

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, nhược dĩ ngã thần lực, thiên kiếp trắc độ, bất năng đắc tri’.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn, nếu dùng thần lực của con tính đếm trải qua ngàn kiếp cũng chẳng thể biết được’.

 Lời này là thật, chẳng phải giả. Văn Thùvị trí huệ hạng nhất trong các Bồ Tát, ngài nói dùng khả năng của ngài quan sát, đo lường; chữ ‘độ’ tức là độ lượng (đo lường), dùng thời gian bao lâu? ‘Ngàn kiếp’, thời gian dài như vậy, dùng khả năng của ngài để tính đếm, tính chẳng nổi. Số người dự hội là bao nhiêu? Quá nhiều!

 

Phật cáo Văn Thù Sư Lợi, ngô dĩ Phật nhãn quán cố, do bất tận số.

Phật nói với Văn Thù Sư Lợi, Ta dùng Phật nhãn để tính cũng chẳng tính nổi.

Phật nhãn chẳng có gì không biết, chẳng có gì không thấy, Phật ở đây nói câu này là lời khiêm tốn, lời khách sáo. Nói với Văn Thù Sư Lợi, nếu Phật dùng Phật nhãn cũng chẳng tính nổi, huống chi là ông! Ráng sức hình dung số người tham gia pháp hội đông đảo tức là nói rõ sự thù thắng trang nghiêm của pháp hội. Hàm ý chứa đựng ở trong ấy là sự quan trọng của pháp hội, vô cùng quan trọng, giảng hết thảy kinh cũng chẳng quan trọng bằng giảng kinh Địa Tạng. Việc này cũng giống như việc Tân Gia Ba không ngừng xây dựng, chúng ta thấy khắp đường phố chỗ nào cũng đang xây cất, xây lầu cao, bất luận là xây lầu gì, trước hết phải đắp nền móng vững chắc, Địa Tạng pháp môn chính là nền móng, bạn xem có quan trọng không! Bất luận xây lầu cao bao nhiêu, bất luận hình thức như thế nào, nền móng đều giống nhau, phải vững chắc, phải kiên cố. Nói rõ Phật pháp sâu rộng, pháp môn vô tận, vô lượng pháp môn đều xây dựng trên một nền móng này, chẳng có cơ sở, chẳng có nền móng này thì bất cứ pháp môn nào cũng không thể thành tựu, do đó bạn mới hiểu được tánh quan trọng của pháp môn này. Nhiều người đến tham dự như vậy tượng trưng cho pháp môn vô lượng, vô lượng pháp môn đều quy về một cơ sở này. Hết thảy chư Phật tu hành thành Phật, chẳng phải chỉ noi theo một pháp môn thành tựu, môn nào cũng có thể viên thành Phật đạo. Nhưng hết thảy đều xây dựng trên cơ sở, trên căn bản này, phế bỏ cơ sở thì nhất định chẳng thể thành tựuChúng ta trong nhiều đời trước, nhiều đời nhiều kiếp coi thường cơ sở này nên chẳng thể thành tựu. Nếu cũng coi thường như cũ, thì đời này niệm Phật chỉ là kết một chút duyên với A Di Đà Phật mà thôi, vẫn chẳng thể vãng sanh. Bạn hỏi đến khi nào mới có thể vãng sanh tây phương Cực Lạc thế giới? Khi bạn làm tròn điều thứ nhất trong Tam Phước, tức là pháp môn Địa Tạng này, thì bạn có thể vãng sanh.

Tôi đã nói với các bạn rồi, nếu bạn làm được điều thứ nhất, vãng sanh tây phương Cực Lạc thế giới Hạ Phẩm; nếu làm được điều thứ hai, có thể làm được hai điều thì vãng sanh Trung Phẩm; làm được cả ba điều thì vãng sanh Thượng Phẩm, đây là sự thật. Nếu nói điều thứ nhất bạn làm không được, nhưng bạn làm được điều thứ hai, thứ ba, chẳng có việc như vậy, đó là giả. Giống như xây nhà lầu, tôi không cần nền móng, cũng chẳng cần tầng thứ nhất, tôi chỉ xây tầng hai, tầng lầu ba mà thôi, đâu có đạo lý như vậy! Đoạn kế tiếp Thế Tôn nói nguyên nhân vì sao như vậy.

 

Thử giai thị Địa Tạng Bồ Tát, cửu viễn kiếp lai dĩ độ, đương độ, vị độ, dĩ thành tựu, đương thành tựu, vị thành tựu

Đó đều là do Địa Tạng Bồ Tát từ kiếp lâu xa đến nay đã độ, đang độ, chưa độ, đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu.

Ý nghĩa tiêu biểu pháp sâu. Vô lượng kiếp đến nay, vô lượng pháp môn, hết thảy thành tựu đều nương dựa trên cơ sở này, tượng trưng cho ý nghĩa này. Mười phương chư Phật đã được độ, đã thành tựu, ‘đang độ, đang thành tựu’ là hết thảy Bồ Tát, ‘chưa độ, chưa thành tựu’ đều có duyên phận sâu đậm với Địa Tạng Bồ Tát. Phàm những người học Phật đều có duyên phận, nhưng hiện nay bạn vẫn chưa được độ; đang độ chính là thiên long, quỷ thần đại chúng, bao gồm những người như chúng ta thuộc về chưa độ, chưa thành tựuChúng ta chưa được độ, chưa thành tựu làm sao có thể đi đến đã độ, đã thành tựu? Dựa vào sự nỗ lực của mình, chúng ta trong đời này thực sự chịu làm, thực sự chịu y giáo phụng hành, thì chúng ta chưa được độ, chưa thành tựu sẽ từ từ đi đến đã độ, đã thành tựu, ngay trong đời này sẽ thành tựu.

Chư vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ, chúng ta treo bốn chữ do cụ Phác viết: ‘Tri ân báo ân’, báo ơn cha mẹ, báo ơn sư trưởng, báo ơn Phật, báo ơn chúng sanh. Những người này có ơn gì đối với chúng ta, mình phải biết rõ thì mới ‘tri ân’, mới biết ‘báo ân’. Tại sao người thế gian không biết báo ân? Vì họ chẳng biết ân. Ngay cả chữ ‘tri’ trong ‘tri ân’ họ cũng không biết thì làm sao có ý niệm báo ân! Họ chẳng thể khởi lên ý niệm này. Có thể có tâm báo ân tức là hiếu kính, bạn đã làm được ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng’. Trong đời sống hằng ngày ‘đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện’, tại sao vậy? Vì báo ân. Nếu bạn chẳng đoạn ác tu thiện, không sửa sai đổi mới thì bạn có lỗi với cha mẹ, với sư trưởng, đó là bất hiếu. Trong xã hội, ngày nay chúng ta phát tâm xuất gia, chẳng thể làm thầy, chẳng thể làm mô phạm là bất hiếu, đây là đại bất kính. ‘Làm thầy’ là làm người dẫn đầu, người nêu gương cho xã hội đại chúng, làm mô phạm cho xã hội, chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, hãy nghĩ coi mình có thể làm gương cho xã hội đại chúng không? Nếu không tức là chẳng có hiếu, chẳng kính, thì bạn chẳng làm nổi. Tại sao chẳng nổi? Phải tìm ra nguyên nhân ấy, phải dẹp trừ nguyên nhân ấy, sửa sai đổi mới, chúng ta mới có thể từ ‘chưa độ’ đạt đến ‘đã độ’, từ ‘chưa thành tựu’ đạt đến ‘đã thành tựu’, phải làm thật sự! Chuyện này là chuyện của chính mình, chẳng phải là chuyện của người khác, người khác giúp không nổi, nhất định phải tự mình giác ngộ, tự độ chính mình, sửa lỗi lầm, sửa tập khí, sửa tâm lý, đọc tụng Đại Thừa, y giáo phụng hành như vậy mới có thể thành tựu.

Nếu đời này chẳng thể khắc phục chướng nạn của mình, khắc phục tập khí tật xấu của mình, vẫn cứ theo thói cẩu thả, chúng ta đời này cũng giống như những đời trước, chỉ kết duyên cùng đức Phật A Di Đà, cùng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và Địa Tạng Bồ Tát, đời này vẫn chẳng thể thành tựu. Duyên đã kết rất sâu, kinh Di Đà nói: ‘Chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh cõi ấy’, duyên này đã kết từ nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp qua đã kết duyên sâu đậm này, nhưng duyên vẫn chẳng thể thành tựu, vẫn còn thiếu một đoạn, tức là chẳng thể khắc phục phiền não tập khí của mình, đọc kinh nghe pháp chẳng thể thâm giải nghĩa thú; hình như đã hiểu rồi, nhưng thực sự chưa hiểu, làm sao biết bạn chưa hiểu? Vì bạn chưa làm được. Nếu bạn đã hiểu rồi thì nhất định sẽ làm được. Tại sao? Biết [giá trị của món] hàng, đã nhận thức rồi. Trên hai bàn, một bên thì để nắm đất, một bên thì để vàng ròng, nếu tặng cho bạn một thứ, chỉ có thể lấy một thứ thì bạn lấy cái nào? Bạn nhất định sẽ lấy vàng. Tại sao? Vì bạn biết giá trị của nó. Trong kinh điển Phật dạy chúng ta ‘thâm giải nghĩa thú’ (hiểu sâu ý nghĩa), giải khó, hành dễ, tại sao bạn làm không được? Vì bạn chẳng hiểu, bạn chẳng liễu giải, Phật pháp đích thật là: biết thì khó, làm thì dễ. Bởi vậy đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm là vì: biết thì khó, hành chỉ trong vòng một niệm. Một ý niệm chuyển đổi trở lại thì liền siêu phàm nhập thánh, ý niệm chẳng chuyển là vì ‘giải’ chẳng thấu suốt, chẳng thâm nhập.

Hạnh Môn của chúng ta nói thật ra nương dựa vào Giải Môn, nếu bạn ‘giải’ được càng sâu, thì ‘hạnh’ của bạn càng châu đáo; có thể giảng mà chẳng thể làm, nói thật ra chính là vì vẫn chưa hiểu (giải) sâu nên chẳng thể làm nổi. Giảng được nhất định sẽ làm được, nguyên nhân giảng được nhưng làm không được là gì? Chỉ noi theo chú giải của người khác, dựa trên lời văn mà giải nghĩa, chính mình cũng chẳng hiểu. Tôi nghe nói còn có một số người giảng kinh Phật, niệm một đoạn kinh xong thì kể một câu chuyện, không biết tìm ở đâu ra những câu chuyện này, nghe nói những câu chuyện này chẳng dính dáng gì đến đoạn kinh trên, họ cũng gọi là giảng kinh, như vậy thì làm sao ‘có thể hành’ được! Y theo chú giải của người xưa thì miễn cưỡng còn có thể được. Nói thật ra cần phải tự mình thấu triệt ý nghĩa trong kinh, tự mình làm được rồi nói ra mới chính xác, chẳng có mảy may nghi hoặc gì cả. Tại sao vậy? Đã làm được, tự mình thể nghiệm được hiệu quả, tự mình đạt được rồi. Chúng ta xem tiếp đoạn kế:

 

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật ngôn: ‘Thế Tôn, ngã dĩ quá khứ cửu tu thiện căn, chứng Vô Ngại Trí, văn Phật sở ngôn, tức đương tín thọ’

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: ‘Thế Tôn, con đã tu thiện căn từ lâu trong quá khứ, chứng Vô Ngại Trí, vừa nghe Phật dạy thì liền tin nhận’.

Văn Thù Bồ Tát nói ngài có thể tin những gì Phật dạy. Phật nói đại chúng nhiều như trên đều là do Bồ Tát Địa Tạng từ kiếp lâu xa đến nay đã độ, đang độ, chưa độ đều tham dự pháp hội, đã thành tựu, đang thành tựu, chưa thành tựu đều đến cả, Văn Thù Bồ Tát tin được việc này, chẳng nghi ngờ. Nhưng Văn Thù Bồ Tát lại đề ra:

 

Tiểu quả Thanh Văn, thiên long bát bộ cập vị lai thế chư chúng sanh đẳng tuy văn Như Lai thành thật chi ngữ, tất hoài nghi hoặc, thiết sử đỉnh thọ, vị miễn hưng báng.

Tiểu quả Thanh Văn, thiên long bát bộ và những chúng sanh đời vị lai tuy nghe lời thành thật của Như Lai, nhưng chắc sẽ hoài nghi, dù có lạy vâng cũng không khỏi hủy báng. 

Những lời này của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rất hay. Chưa khai mở trí huệ, công phu chưa thành tựu, nghe xong lời này của Phật, không khỏi hoài nghiĐịa Tạng Bồ Tát làm sao có thần thông đạo lực lớn như vậy! Hết thảy chư Phật mười phương ba đời đều do ngài độ, lời này chúng ta có thể tin tưởng hay không? Văn Thù Bồ Tát tin tưởng, chẳng hoài nghi, phần đông người ta nghe xong sẽ hoài nghi nên chúng ta phải giải thích rõ ràng đạo lý này. ‘Địa’ là tâm địa, chân tâm, bản tánh, Địa Tạng Bồ Tát tiêu biểu cho pháp này, không thể chấp cứng vào mỗi câu văn, nếu vậy thì sai rồi, nhất định sẽ hoài nghi. Nếu bạn cho rằng Địa Tạng Bồ Tát đại kháiKim Địa Tạng Cửu Hoa Sơn thì sai rồi, Kim Địa Tạng là một phân thân, hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát, hóa thân của ngài vô lượng vô biên. Thế nên phải hiểu rõchân thật, Sự chân thật ở bên trong, như vậy chúng ta sẽ chẳng hoài nghi, nếu không thì chúng ta sẽ có nghi hoặc, từ nghi hoặc này đi đến báng pháp, tội lỗi rất nặng. Mục đích Văn Thù Bồ Tát nêu lên nghi vấn này là thỉnh cầu Thế Tôn thuyết minh tường tận những sự tu nhân chứng quả, rộng độ chúng sanh của Địa Tạng Bồ Tát cho đại chúng biết. Đây là việc trong đoạn kinh kế tiếp.

Hôm nay đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây thôi.

 

Tập 6 (Số 14-12-06)

 

 Xin mở kinh, xem đoạn kinh tiếp theo.

 Duy nguyện Thế Tôn quảng thuyết Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát nhân địa tác hà hạnh, lập hà nguyện, nhi năng thành tựu bất tư nghị sự.

 Xin nguyện Thế Tôn nói rõ Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lúc còn tu nhân đã làm hạnh gì, lập nguyện gì mà thành tựu được sự không thể nghĩ bàn như vậy.

 Văn Thù Bồ Tát thấy trong đại hội này đại chúng hy hữu, đông đảo, đương nhiên ngài biết rất rõ ràng, rất minh bạch, nhưng còn người, trời, phàm phu, Nhị Thừa, cho đến Quyền Giáo Bồ Tát nhìn thấy tình trạng thù thắng này sẽ tránh không khởi nghi hoặc, thậm chí còn có ý niệm hủy báng. Tổ sư đại đức y theo kinh luận nói với chúng ta: nghi hoặc, báng pháp nhất định sẽ đọa địa ngục A Tỳ. Những lời giống như vầy chúng ta thường chẳng dám nói, tại sao? Nói ra người ta càng nghi hoặc, càng hủy báng, họ nghe xong sẽ nói: “Ông lấy chuyện này ra để dọa người ta, đâu có tội nặng như vậy? Làm gì có địa ngục?” Họ chẳng thể tiếp nhận, chẳng thể tin tưởng. Thế nên những lời nói như vầy, chúng ta tin tưởng thì tự mình sẽ có cảnh giác cao độ: còn đối với đại chúng trừ phi đọc đến đoạn kinh này thì chẳng thể không nói, nếu không đọc đến đoạn kinh này thì chúng ta sẽ chẳng nói. Phải biết tại sao chẳng nói? Nói xong không những không có lợi mà còn giúp cho người ta tạo tội nghiệp, vậy thì nói ra làm chi! Người ta đã đọa lạc rất thảm rồi, chẳng nên làm cho họ đọa nặng thêm, đây chính là đại từ đại bi. Thế nên trong thời trược ác, Phật, Bồ Tát chẳng dùng thân tướng của Phật xuất hiện trong thế gian là để giảm bớt sự nghi hoặc, hủy báng của chúng sanhVăn Thù Bồ Tát vô cùng từ bi, giúp Thế Tôn giáo hóa chúng sanh. Giống như hai Ngài đang biểu diễn trên sân khấu vậy, một người hỏi, một người đáp. Địa Tạng Bồ Tát làm sao có phước đức nhân duyên lớn lao như thế? Triệu tập tận hư không trọn khắp pháp giới hết thảy chư Phật, Bồ Tát, chúng sanh có duyên trong lục đạo đến tham dự đại hội này, đây là chuyện chẳng thể nghĩ bàn. Xin xem đoạn kinh phía dưới:

 

 Phật cáo Văn Thù Sư Lợi, thí như tam thiên đại thiên thế giới sở hữu thảo mộc tòng lâm đạo ma trúc vĩ, sơn thạch vi trần, nhất vật nhất số, tác nhất Hằng hà, nhất Hằng hà sa, nhất sa nhất giới, nhất giới chi nội, nhất trần nhất kiếp, nhất kiếp chi nội, sở tích trần số, tận sung vi kiếp.

 Phật bảo Văn Thù Sư Lợi thí dụ như trong tam thiên đại thiên thế giới hết thảy cây, cỏ, lùm, rừng, lúa, đay , trúc, lau, núi, đá, hạt bụi, mỗi vật tính thành một số, mỗi số là một sông Hằng, số cát trong mỗi sông Hằng cứ một hạt cátmột thế giới, trong mỗi thế giới tính mỗi hạt bụi là một kiếp, số bụi tích chứa trong mỗi kiếp đều tính thành kiếp.

 Trong đoạn này, Thế TônVăn Thù Sư Lợi Bồ Tát nói ra nhân duyên sự tích độ hóa chúng sanh của Địa Tạng Bồ Tát trước kia. Nói với Văn Thù Bồ Tát tức là nói với chúng ta, Văn Thù Bồ Tát ở đây đại diện cho chúng ta. Đoạn này trước hết số lượng chẳng thể nghĩ bàn; thí dụ này chúng ta chẳng cần giải thích từng câu, giảng ký của Thánh Nhất pháp sư có thuyết minh, ở đây chúng ta lược bớt. Con số này chẳng có cách chi tính nổi, người trong thế gian không thể tính, hiện nay máy móc, kỹ thuật điện toán tối tân nhất cũng tính không nổi.

 

 Địa Tạng Bồ Tát chứng Thập Địa quả vị dĩ lai thiên bội đa ư thượng dụ.

 Địa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Địa đến nay còn lâu gấp ngàn lần thí dụ trên.

 Con số trong thí dụ trên, đây là nói về lúc Địa Tạng Bồ Tát chứng quả vị Thập Địa đến nay, từ lúc chứng Sơ Địa đến Thập Địa; nói cách khác thời gian lúc trước quả Thập Địa đều không tính, nếu tính thì càng nhiều hơn nữa, đếm chẳng nổi.

 

 Hà huống Địa Tạng Bồ Tát tại Thanh Văn, Bích Chi Phật địa.

 Huống gì lúc Địa Tạng Bồ Tát còn là Thanh Văn, Bích Chi Phật.

 Chẳng tính thời gian trước đó, chỉ tính từ lúc chứng được Địa Thượng Bồ Tát trở đi đến nay, con số Hằng hà sa kiếp chẳng sánh vào đâu? Thí dụ này nói thật ra cũng chỉ có Phật mới nói được, nếu chúng ta dùng ngôn ngữ văn tự để hình dung con số này cũng hình dung không nổi.

 

 Văn Thù Sư Lợi, thử Bồ Tát oai thần thệ nguyện bất khả tư nghị.

 Văn Thù Sư Lợi, oai thần thệ nguyện của Bồ Tát đó chẳng thể nghĩ bàn.

 Đây là lời tán thán Địa Tạng Bồ Tát, oai đức, thần thông, hoằng nguyện của ngài chẳng thể nghĩ bàn. Nhưng chư vị nhất định phải ghi nhớ bổn nguyện của Địa Tạng Bồ Tát tức là bổn nguyện của tự tánh chúng ta; nói cách khác nếu chẳng có bổn nguyện của Địa Tạng Bồ Tát chúng ta nhất định chẳng thể chứng được Phật quả viên mãn. Bạn sẽ hỏi tại sao? Trong tánh đức có thiếu khuyết thì bạn làm sao được viên mãn! Địa Tạng pháp môn là khóa học thứ nhất của Phật pháp Đại Thừa, phải chiếu theo thứ tự này để nói, đây là học trình của lớp đầu tiên, khóa trình cơ sở, khóa trình cần thiết phải học. Tại sao phát nguyện này: ‘Địa ngục chẳng không, thề chẳng thành Phật’? Địa ngục là do tự tánh chúng ta biến hiện thành, chẳng từ bên ngoài đến, y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới đều do tâm địa biến hiện ra. Trong tâm bạn còn hiện lên hiện tượng địa ngục, còn hiện ra hiện tượng lục đạo luân hồi, thì bạn làm sao chứng được viên mãn Bồ Đề! Đây là đạo lý nhất địnhPhật pháp nói Lý với bạn, Lý chân thật, Sự chân thật, chẳng phát nguyện này được không? Chúng sanh khổ nạn trong địa ngục đều phải độ thoátđiều kiện, những người đang chịu khổ nạn trước mắt ta có thể không giúp đỡ, không dang cánh tay ra trợ giúp sao? Chúng ta nhìn thấy nhiều chuyện và nhiều người chẳng như ý, còn sân giận, phải biết đây chẳng phải là lỗi lầm của cảnh giới bên ngoài, mà là lỗi lầm của chính chúng ta. Tại sao họ làm chuyện ác, làm những việc chẳng đúng như pháp? Vì chính mình chẳng tu hoàn hảo, chẳng làm gương tốt cho người ta, là tội nghiệp của mình, phải tu từ chỗ này. Bạn còn đập bàn nạt người ta, trừng mắt nhìn người ta, thì tội bạn tăng thêm nữa, bạn chẳng biết chúng sanh từ đâu đến sao? Chúng sanh tạo tội nghiệp từ chỗ nào? Phật, Bồ Tát biết, Phật, Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh đều từ bi.

 Chúng ta học Phật phải bắt đầu từ đâu? Phải giác ngộ từ những chỗ này, chân chánh giác ngộ! Người ác đối với chúng ta, chúng ta phải dùng thiện ý giúp đỡ họ, nếu họ chẳng tiếp nhận thì không sao cả. Kinh Địa Tạng nói rất rõ, căn cơ của chúng sanh có bốn thứ, chẳng thể chấp nhận, càng hiện rõ tội nghiệp của chúng ta sâu nặng, chúng ta phải sám hối từ chỗ này, tự độ rồi sau đó mới độ người, đây là đạo lý nhất định. Phật, Bồ Tát tiếp dẫn chúng sanh cũng chẳng có pháp nhất định, có lúc cũng nổi giận, cũng trừng mắt nhìn, nhưng bạn phải biết lúc họ nổi giận [có thể làm cho] chúng sanh giác ngộ, sửa sai, quay đầu hướng thiện; còn chúng ta nổi giận thì chúng sanh khởi tâm oán hận, tâm báo thù, như vậy thì bạn sai rồi. Chúng ta ngu si, Bồ Táttrí huệ, chúng ta phải hiểu làm cách nào xử sự, đãi người, tiếp vật, cho nên đặc biệt đề ra việc ‘làm thầy, làm mô phạm’. Phật, Bồ Tát là thầy của trời, người, khi chúng ta xuất gia, người ta gặp mặt liền xưng ‘Pháp sư’, đều xưng bạn là thầy; ‘Thầy’ tức là biểu suất (có nghĩa là nêu gương, dẫn đầu), mô phạm, chúng ta khởi tâm động niệm, cử chỉ hành động có thể làm mô phạm cho người ta không?

 Hôm qua cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói ra, tôi mới biết. Cả đời tôi đối với chuyện của bất cứ ai, trước giờ đều chẳng nghe, chẳng hỏi đến. Ông nói với tôi sau khi những đồng tu khóa trước rời khỏi nơi đây, họ phải dọn dẹp phòng, nhìn thấy những đồ chẳng cần đều bỏ bừa bãi trong phòng, còn nhìn thấy trái táo mới cắn một miếng xong rồi bỏ. Họ nhìn thấy rất buồn, cách làm như vậy có thể làm gương tốt cho người thế gian không? Chúng tôi nghe xong rất buồn, chúng tôi không trách các bạn đồng học, chỉ trách mình, tự chúng tôi làm không tốt, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực sửa đổi, những đạo lý này đều phải biết. Đồ vật của thường trú chúng ta đều phải trân trọng, quý tiếc từng ly từng tí. Cả đời tôi chẳng xin ai một đồng nào, tại sao? Người ta kiếm tiền chẳng dễ, phải hiểu dùm cho người ta. Mỗi khi chúng ta dùng tiền đều phải tiết kiệm, chúng ta tiết kiệm một phần tiền tức là đối với thường trú, đối với Phật pháp bố thí một phần tiền, chúng ta tu phước. Nếu bạn chẳng tu phước, thì phước của bạn từ đâu đến? Ngày nay bạn chẳng thể đoạn vô minh, tánh đức của bạn chẳng thể lưu lộ, thì phước báo của bạn đều do tu mà có, nhất định chẳng dám lãng phí. Cổ đại đức đều làm được, quy củ của tòng lâm mỗi cây kim mỗi sợi chỉ, mỗi cọng cỏ mỗi khúc cây, tuy rất nhỏ nhoi, chẳng có gì không quý tiếc, đó là tích phước! Tích phước tức là tu phước. Hiện nay nguyên nhân căn bản của hết thảy lỗi lầm của con người chính là vì từ nhỏ chẳng có người dạy, lớn lên tập thành thói quen này, dưỡng thành tập khí rồi thì rất khó sửa, thế nên chúng ta phải đề cao cảnh giác từng giờ từng phút. Tại sao phải đọc kinh mỗi ngày? Đọc kinh chính là kiểm điểm mình, phản tỉnh, y theo lời dạy trong kinh sửa đổi, tự tân, được vậy chúng ta mới được cứu. Xử thế phải nhẫn nhường, phải nghĩ cho người khác, phải nghĩ cho sự an toàn của cả xã hội; đừng nghĩ cho cá nhân mình, nghĩ cho cá nhân chẳng có gì không là tội, không là nghiệp. Tự mình mỗi ngày đều tạo tội nghiệp nhưng không biết, còn tưởng mình tu công đức. Trên đây đã nói xen vào chuyện khác nhưng cũng rất quan trọng.

 Chúng ta xem tiếp kinh văn. Phật nói oai thần thệ nguyện của Địa Tạng Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta phải hiểu hàm ý sâu xa trong câu này là gì? Chúng ta phải học tập từ chỗ nào? Xem tiếp đoạn kinh kế:

 

 Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân văn thị Bồ Tát danh tự hoặc tán thán, hoặc chiêm lễ, hoặc xưng danh, hoặc cúng dường, nãi chí thái họa khắc lũ, tố tất hình tượng, thị nhân đương đắc bá phản sanh ư tam thập tam thiên, vĩnh bất đọa ác đạo.

 Nếu đời vị lai có người thiện nam, người thiện nữ nào nghe được danh hiệu Bồ Tát đó rồi khen ngợi, hoặc chiêm lễ, hoặc xưng niệm danh hiệu, hoặc cúng dường, cho đến tô vẽ, khắc chạm, tạc đúc, sơn thếp hình tượng, người ấy sẽ được sanh một trăm lần vào cõi trời thứ ba mươi ba, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo.

 Lời Phật nói là thật, chẳng phải giả, Phật chẳng nói dối. Có rất nhiều người đọc đến kinh này, cứ tưởng là tạo một chút tội nghiệp chẳng sao, [Họ nói chỉ cần] chúng tôi cúng dường Địa Tạng Bồ Tát, tương lai còn được sanh một trăm lần đến trời Tam Thập Tam, vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo [kia mà]. Hiểu lầm lời kinh, sau đó bị đọa vào ác đạo nên hủy báng: “Lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong kinh chẳng đáng tin, đều là giả, lừa gạt chúng tôi”. Báng Phật, báng Pháp, báng Tăng lại đọa địa ngục A Tỳ, họ chẳng hiểu ý nghĩa của Phật trong đoạn này.

 ‘Văn thị Bồ Tát danh tự’, trong chữ ‘Văn’ này bao gồm ‘Tư’, ‘Tu’, ba Huệ của Bồ Tát. Bạn nghe đến danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa của danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát là gì? Bạn phải chân chánh hiểu rõ mới gọi là ‘văn danh’ (nghe tên), nếu hoàn toàn chẳng hiểu rõ ý nghĩa trong danh hiệu thì chẳng gọi là ‘văn’. Nếu chân chánh hiểu được, nghe được danh hiệu này, thì kho báu trong tâm địa của mình sẽ tương ưng, như vậy gọi là ‘văn danh’. ‘Xưng tán’ nghĩa là gì? Xưng tán tức là giảng giải ‘Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh’, đó là xưng tánĐức Phật Thích Ca Mâu Ni xưng tán tại cung trời Đao Lợi, khuyến khích mình, và đại chúng học theo Địa Tạng Bồ Tát, vậy gọi là xưng tán. Chiêm lễ, xưng danh, cúng dường phía sau tức là chân chánh tu hành. ‘Chiêm lễ’ nghĩa là chiêm ngưỡng lễ kính, biểu hiện ở đâu? Biểu hiện trên sự đối đãi cha mẹ, đối đãi sư trưởngTinh thần của Địa Tạng Bồ Tát tức là ‘hiếu thân tôn sư’, sau đó khuyếch đại tâm hiếu thân tôn sư này đến hiếu kính hết thảy chúng sanh, đây là Địa Tạng bổn nguyện, như vậy thì mới ‘chiêm lễ’ đến viên mãn. Còn tâm khinh mạn bất kỳ chúng sanh nào thì chẳng phải tu hạnh Địa Tạng. Nói đến ‘chiêm lễ’ cứ tưởng là cúng một tượng Địa Tạng Bồ Tát, mỗi ngày khấu đầu lạy ngài, đâu phải là đơn giản như vậy! Đó là hoàn toàn giải sai ý nghĩa chân thật của Như Lai, Phật nói chẳng sai mà bạn đã hiểu sai rồi.

 Đây là chỗ trong hết thảy kinh, Phật đã nhiều lần khuyến khích chúng ta phải thâm giải nghĩa thú, bạn giải càng sâu, hiểu càng thấu triệt, thì làm mới được viên mãn. Chỉ hiểu trên mặt ngoài của danh tự thì hoàn toàn sai lầmCổ đức thường nói: ‘Noi theo văn giải nghĩa, ba đời Phật phải kêu oan’ , chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều kêu oan uổng vì bạn giải sai lời của Phật, hiểu sai rồi. Ngày nay có bao nhiêu người hiểu sai! Bạn phải hỏi tại sao họ hiểu sai? Vì họ chẳng làm được, chỉ đến khi làm được mới có thể [thấu suốt], thể hội rõ ràng, mới thể hội đến những chỗ cao siêu, nếu bạn không làm thì sao được? Bạn có thể làm được một phần thì bạn sẽ thể hội được một phần; thể hội được một phần thì bạn lại làm được một phần, Giải lẫn Hạnh bổ sung và thành tựu cho nhau, Giải giúp cho Hạnh, Hạnh giúp cho Giải, cứ luân chuyển thâm nhập như vậy mới nhập đến chỗ sâu rộng.

 ‘Xưng danh’ tức là xưng danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Trong đó có hai thứ công đức, tự lợi là nhắc nhở chính mình, niệm niệm đều chẳng rời pháp môn Địa Tạng, cũng nghĩa là niệm niệm chẳng rời tâm địa pháp môn, đây là Tự Lợi Đức. Lợi Tha Đức là niệm niệm thức tỉnh những chúng sanh có duyên. Nói thật ra ngày nay chúng sanh có duyên ít, quá ít, có bao nhiêu người nghe đến danh hiệu này liền giác ngộ? Ai chẳng giác ngộ cũng để cho họ nghe được, trong A Lại Da Thức trồng hạt giống của danh hiệu, một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn làm hạt giống đạo; nếu đời này không được lợi ích, có thể nhiều đời nhiều kiếp về sau gặp được duyên, hạt giống này sẽ nảy mầm, đây là làm lợi ích lâu xa cho hết thảy chúng sanh, lợi ích ở tương lai. Chúng sanhcăn cơ chín muồi sẽ được lợi ích ngay trong hiện tại, vừa nghe xong họ liền biết tu học như thế nào.

 ‘Cúng dường’, chư vị nhất định phải biết, trong các sự cúng dường, quan trọng nhất là ‘y giáo tu hành cúng dường’. Phổ Hiền Hạnh Nguyện dạy chúng ta rất rõ ràng, hết thảy cúng dường của cải đều chẳng bằng pháp cúng dường, trong Hạnh Nguyện Phẩm nêu ra bảy loại pháp cúng dường. Thứ nhất là ‘Như Giáo Tu Hành Cúng Dường’. Nếu chúng ta không thể tu hành theo lời dạy thì sự cúng dường này là giả. Chẳng phải cúng dường một chút hương hoa, trái cây tức là mỗi ngày đều cúng dường Phật, nghĩ như vậy là sai rồi. Chúng ta xem những vị tổ sư đại đức chân chánh tu hành, trong Phật đường của họ chẳng có vật gì cả, hương hoa, trái cây đều chẳng có, họ cúng bằng cái gì? Chúng ta thấy Phật đường của họ chỉ có một ly nước, đốt một ngọn đèn dầu, ngoài ra chẳng có gì hết, họ thật sự cúng dường, y giáo tu hành cúng dường.

 Phía sau là cúng dường mở rộng ra, nghĩa rộng của sự cúng dường, tức là tạo hình tượng của Bồ Tát. Vẽ hình cũng được, điêu khắc cũng được, ‘khắc lũ’ tức là khắc gỗ, ‘tố tất’ tức là tạc đúc, đúc xi măng cũng được, đúc bằng kim loại cũng được, đây là cúng dường mở rộng ra. Làm cho hết thảy chúng sanhcơ duyên nghe đến danh hiệu của Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng của Bồ Tát, cho họ trồng thiện căn. Tự mình hành Bồ Tát đạo, Bồ Tát làm sao thì mình làm vậy, đó gọi là hành Bồ Tát đạoKhuyến hóa hết thảy chúng sanh, phước đức như vậy mới là ‘một trăm lần sanh về cõi trời Ba Mươi Ba vĩnh viễn chẳng đọa ác đạo’. Bạn nghĩ coi tại sao họ chẳng đọa ác đạo? Chẳng tạo ác nghiệp, người tu hạnh Địa Tạng Bồ Tát thì làm sao tạo ác nghiệp cho được! Những hạt giống ác nghiệp tạo đời trước tuy vẫn còn, ác duyên đời này đều đoạn dứt. Họ học theo Bồ Tát, niệm Bồ Tát, có tâm Bồ Tát, có hạnh Bồ Tát, nói lời của Bồ Tát, trong mười pháp giới thì duyên của lục đạo đều cắt đứt, họ làm sao đọa ác đạo cho được! Đây là lý đương nhiên, chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Lại xem tiếp đoạn đức Thế Tôn nói về nhân duyên đời trước của Địa Tạng Bồ Tát, ý nghĩa này rất sâu.

 

 Văn Thù Sư Lợi.

 Này Văn Thù Sư Lợi,

Trong kinh Phật, phàm những chỗ mở đầu có nêu tên người đương cơ thì đoạn kinh văn tiếp theo sau vô cùng quan trọng. Kêu tên tức là nhắc họ, tiếp theo sau sẽ có lời giảng quan trọng, kêu họ chú ý.

 

 Thị Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát ư quá khứ cửu viễn bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp tiền.

 Trong thời quá khứ số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết lâu xa về trước, Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát

Câu này chấm dứt ở đây vừa đúng chỗ. Bất khả thuyết, bất khả thuyết kiếp, thời gian này quá dài, quá dài, nói không hết.

 

Thân vi đại trưởng giả tử.

Làm một vị đại trưởng giả.

 Người xưa có ý này, thân phận của ngài lúc trước là một người đại ‘trưởng giả tử’. ‘Đại trưởng giả tử’, rất nhiều người đọc sai chỗ này rồi hiểu thành ‘con trai của đại trưởng giả’. Nhưng trên thực tế chữ ‘Tử’ là một cách tôn xưng của người Trung Quốc thời xưa, cũng như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, cách dùng chữ ‘Tử’ này là ‘tôn xưng’. Đại Trưởng Giả Tử, chữ Tử này chính là chữ Tử trong tên của Khổng Tử, Mạnh Tử, là lời xưng hô tôn kính. Dùng ngôn ngữ hiện nay để nói thì ‘Tử’ là tôn kính, Tôn kính Đại Trưởng Giả, thêm chữ tôn kính này vào phía trước, hồi xưa thì chữ tôn kính này được đặt phía sau.

 

 Thời thế hữu Phật.

 Đời lúc bấy giờ có Phật

 Lúc bấy giờ, thế gian này có một tôn Phật.

 

 Hiệu viết Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.

 Hiệu là Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai.

 Sư Tử Phấn Tấnthí dụ, sư tử là vua trong các loài thú. ‘Cụ Túc Vạn Hạnh’ là nói Bồ Tát tu hành công đức viên mãn, chứng được Phật quả vô thượng. Đây là ý nghĩa đơn giản của Phật hiệu.

 

 Thời Trưởng Giả Tử kiến Phật tướng hảo, thiên phước trang nghiêm, nhân vấn bỉ Phật tác hà hạnh nguyện nhi đắc thử tướng.

 Lúc đó Trưởng Giả Tử thấy đức Phật tướng mạo tốt đẹp, ngàn phước trang nghiêm nên hỏi Đức Phật đó tu hạnh nguyện gì mà được tướng như vậy.

 Đây là chỗ chúng ta học tập. Lúc bấy giờ Trưởng Giả tôn kính này thấy Sư Tử Phấn Tấn Như Lai ‘tướng hảo’ quang minh nên sanh tâm hoan hỷ; thỉnh giáo đức Phật: ‘Tu như thế nào mới có được tướng tốt của ngài?’ Tướng hảo quan trọng, làm đệ tử Phật trong xã hội này nếu chúng ta chẳng có hình tướng tốt thì chúng ta sẽ diệt Phật phápXuất gia đâu phải dễ, cổ đức thường nói: ‘Trước cửa Địa ngục nhiều Tăng đạo’, phần đông người thường trong xã hội tạo nghiệp địa ngục chẳng dễ, người xuất gia tạo nghiệp địa ngục quá dễ, tại sao vậy? Chẳng có hình tướng tốt thì bạn sẽ diệt Phật pháp, tội nghiệp này của bạn sẽ [là nhân] đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao? Dạy cho xã hội đại chúng hủy báng Phật pháp, người ta vừa nhìn hình dáng của bạn như vậy, khinh chê bạn, khinh thường bạn, hủy báng bạn, liền có thể hủy báng trọn hết cả Phật pháp, tội nghiệp này của bạn dễ sợ lắm! Chư Phật, Bồ Tátmô phạm, hình tướng tốt nhất của chín pháp giớiTrưởng Giả Tử được xưng là Tử, mọi người tôn kính, là người có học thức, có đức hạnh, hình tướng của Phật có thể làm cho ông ta nhìn thấy Phật bèn khởi tâm cung kính, muốn đến học tập, bạn nói hình tượng này hoàn hảo biết mấy. Chúng ta ngày nay trong xã hội này chẳng xuất gia thì không sao, một khi bạn xuất gia rồi thì bạn nhất định phải học hình tướng của Phật, phải đầy đủ hình tướng của Bồ TátNếu không thì tại gia học Phật cũng được, tạo tội làm chi! Tại sao phải làm chuyện báng Phật, báng Pháp, báng Tăng này! Việc này rất quan trọng.

 Chúng tôi ngày nay giảng kinh Hoa Nghiêm rất dài, đến đoạn ‘Năm mươi ba lần tham vấn’ sau cùng không những yêu cầu người xuất gia, người tại gia học Phật cũng giống người xuất gia, đều phải làm hình tướng tốt nhất cho xã hội đại chúng. Nếu bạn làm không nổi, thì bạn chẳng phải là đệ tử Phật, là đệ tử mạo danh, Phật tử giả mạo, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, quả báoba đường ác đáng sợ vô cùng, chúng ta không thể không biết việc này. Đã học Phật rồi thì tâm địa phải thanh tịnh, bình đẳng, giác, phải diệt trừ tham, sân, si. Nếu còn tranh quyền lợi với người, còn muốn cái này tốt, cái kia chẳng tốt, đó là tâm luân hồi, tạo nghiệp luân hồi. Nghĩ đến tâm Phật thanh tịnh bao nhiêu, mảy trần chẳng nhiễm, thường suy niệm về chân tướng của vũ trụ nhân sanh, chân tướngtam tâm chẳng thể được, chư pháp vô sở hữu, thế nên ở trong và ngoài đều có thể đạt được thanh tịnh; bên trong một niệm chẳng sanh, bên ngoài mảy trần chẳng nhiễm, như vậy là Phật, Bồ Tát. Như vậy mới có thể sống đời sống chân chánh, chúng ta thường gọi là đời sống chân, thiện, mỹ, huệ thật sự, đời sống hạnh phúc mỹ mãn thật sự, một tí cũng chẳng giả, chư Phật, Bồ Tát sống đời sống như vậy. Chúng ta sống cuộc sống như thế nào? Bên trong khởi tâm động niệm, bên ngoài luôn luôn phan duyên, chúng ta sống đời sống đầy dẫy phiền não, nghiệp chướng, đời luân hồi, nói lời chẳng dễ nghe thì chính là đời sống của ác đạoChúng ta đọc đến câu này, Phật sắp vào phần thứ nhất trong nghiệp nhân của Địa Tạng Bồ Tát, dụng ý rất sâu! Chư vị bất luận là tại gia học Phật, hay xuất gia học Phật, nhất định phải làm một gương mẫu tốt cho xã hội, nhất định phải làm hình tướng tốt đẹp.

 ‘Thiên phước trang nghiêm’, chẳng phải chỉ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Chúng ta không nói đến ngàn phước trang nghiêm, chỉ nói ba mươi hai tướng tốt, ba mươi hai tướng tốt từ đâu đến? Ba mươi hai tướng là tướng phước đức, bạn chẳng tu phước thì không được tướng hảo này. Thiện gồm có hữu lậuvô lậu. Thiện vô lậu thì chúng ta làm không nổi, việc này quá cao, phiền não tập khí chúng ta chưa đoạn, phải học từ đâu? Bắt đầu từ thiện hữu lậu, nhất định phải đoạn ác tu thiện. Nếu chúng ta làm được tiêu chuẩn của thế gian pháp thì chúng ta là người thiện trong thế gian, là gương tốt cho thế gian. Tướng lưỡi rộng dài của Phật thành tựu do công đức chẳng nói dốiTư Mã Quang ở thời cổ Trung Quốc, đại khái phần đông người ta đều biết, biệt hiệu của Tư Mã Quang là Quân Thật, ‘Quân tử thành thật’, ông thật sự đã làm được. Lúc về già ông tự phản tỉnh, cả đời chẳng nói dối, ông nói những chuyện ông đã làm suốt cả đời đều là ‘Chẳng có chuyện gì không thể nói cho người ta biết’, cả đời chẳng làm một chuyện gì mờ ám, không làm một việc gì chẳng thể nói cho người ta biết. Ông cũng quy y Tam Bảo, là hình tướng tốt của người tại gia. Ngày nay chúng ta nói lời thành thật, đã học Phật được những gì! Mỗi ngày đọc tụng Đại Thừa, mỗi ngày phải hết lòng phản tỉnh, hết lòng kiểm điểm, chẳng kể kinh luận tụng được nhiều ít, cả đời làm được một câu, hai câu thì cả đời thọ dụng chẳng cùng tận.

 Phật giảng cho chúng ta căn bản của sự tu hành, nói thật ra chính là ‘Tịnh Nghiệp Tam Phước’, Tịnh nghiệp Tam phước mở rộng ra chính là hết thảy Phật pháp; vô lượng vô biên Phật pháp cô đọng lại chính là mười một câu này, tuyệt đối chẳng thể xem thường. Mười một câu này cô đọng thêm nữa chính là một câu: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ’. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng vô biên pháp môn của chư Phật Như Lai đã tuyên nói đều chẳng vượt ra ngoài bốn chữ này. Chúng ta giảng Tam Học, Lục Hòa, Lục Độ, Thập Nguyện, các phương pháp tu hành đều biến thành hiện thực trên sự hiếu kính, trong đời sống hằng ngày của chúng ta, trên cách xử sự, đãi người, tiếp vật, đây là học Phật thật sự. Học Phật thật sự phải thay đổi hình dáng, sửa đổi tâm niệm, hành vi, như vậy gọi là học Phật chân thật. Mỗi ngày đều đọc kinh, thậm chí mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp, nhưng tâm vẫn chẳng sửa đổi, vẫn là tâm thế tục, vẫn là tâm luân hồi, vẫn là tâm tham - sân - si - mạn, như vậy thì làm sao được! Đó là giả, chẳng phải thiệt. Thật sự xả niệm, thanh tịnh, niệm niệm vì lợi ích cho chúng sanh, chẳng vì mình. Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta đọc thấy, nếu vì mình thì ngài trụ trong đại Niết Bàn, vậy thì tự tại biết mấy; nếu vì chúng sanh thì phải tùy loại hóa thân, chẳng màng khổ nhọc. Đây là quan niệm của người thế tục chúng ta; Phật, Bồ Tát chẳng có khổ nhọc, tại sao chẳng có khổ nhọc? Vì các ngài chẳng có Ta (vô ngã), có Ta mới có khổ nhọc, chẳng có Ta thì ai khổ nhọc? Chúng ta đọc đến câu này cảm khái muôn vàn, chúng ta làm thế nào để học giống hình tướng của Phật, Bồ Tát? Nếu chẳng hết lòng y giáo phụng hành thì làm sao được! Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

 

 Thời Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai cáo Trưởng Giả Tử, dục chứng thử thân, đương tu cửu viễn độ thoát nhất thiết thọ khổ chúng sanh.

 Lúc đó Sư Tử Phấn Tấn Cụ Túc Vạn Hạnh Như Lai nói với Trưởng Giả Tử nếu muốn chứng được thân tướng này thì phải tu lâu đời hạnh độ thoát hết thảy chúng sanh thọ khổ.

 Đây là nguyên do của Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Chư vị nhất định phải ghi nhớ, hiện nay đạo tràng xây dựng chẳng giống như lúc trước, lúc trước đúng như pháp, hết thảy tất cả chùa được xây đều phù hợp với nghĩa thú tiêu biểu pháp, hiện nay chẳng đủ điều kiệnĐạo tràng chính quy (theo đúng truyền thống) vừa bước vào cửa là Điện Thiên Vương, nhìn thấy Di Lặc Bồ Tát trước nhất, Di Lặc Bồ Tát dạy bạn cái gì? ‘Sanh tâm bình đẳng, hiện tướng vui vẻ’ Phật pháp lấy việc từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa, Di Lặc Bồ Tát tượng trưng cho Từ bi làm gốc, Tứ Đại Thiên Vương tượng trưng cho phương tiện, phương tiện làm cửa, Điện Thiên Vương dạy chúng ta việc này. Bạn ở đạo tràng mỗi ngày đều phải đi qua cửa này, mỗi ngày tiếp nhận sự un đúc này, làm cho bạn từ từ thay đổi tâm ý. Ngày nay chúng ta có ai hiểu được? Ai có tâm từ bi? Ai có cửa phương tiện? Phương tiện chẳng phải là dạy chúng ta có đủ phương tiện, nghĩ vậy là sai rồi. Mà là tạo phương tiện cho hết thảy chúng sanh, tạo cho họ có được phương tiện, còn mình phải từ bi, hai việc này chẳng thể đảo lộn. Nếu nói họ từ bi còn mình được phương tiện, vậy thì bạn đã lộn ngược rồi. Do đó nhất định phải phát tâm, tâm này chính là Tâm Đại Bồ Đề, ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, đặc biệt là hết thảy chúng sanh đang chịu khổ nạn, chúng sanh chịu khổ nạn nghĩa là gì? Tức là lục đạo, đặc biệt chỉ ba đường ácChư vị phải biết, chúng sanh trong ba đường ác ở đâu? Tức là ở xung quanh chúng ta, thậm chí bao gồm chính mình, tâm tham là cõi ác quỷ, sân khuểcõi địa ngục, ngu si là cõi súc sanh, tâm chúng ta là tham - sân - si, lời nói tham - sân - si, tất cả tạo tác đều chẳng lìa tham - sân - si, chúng ta đang tạo nghiệp tam ác đạo đấy.

 Địa Tạng Bồ Tátnăng lực hóa thân đến ba đường ác độ thoát chúng sanh, ngày nay chúng ta chẳng có khả năng này; chúng ta không có khả năng ấy nên phải độ những chúng sanh còn chưa vào ba đường ác nhưng đang tạo nghiệp nhân của ba đường ác, chúng ta phải độ những người này. Phải biết những người này là chúng sanh khổ nạn, đừng cho rằng hiện nay trong số những người này có người giàu sang phú quý, người thế gian nghĩ rằng họ rất sang trọng, trong mắt Phật thì họ là chúng sanh trong ba đường ácChúng ta làm sao độ họ? Trước hết phải tự mình xả bỏ tham, sân, si, nếu chỉ nói suông thì không được, phải làm ra hình dáng cho họ coi. Tôi xả bỏ tham, sân, si, chẳng còn tham, sân, si, tôi sinh sống cũng rất tự tại, cũng không tệ gì, làm cho họ phản tỉnh từ những chỗ này, giác ngộ từ những chỗ này. Phía trước Phật nói phải tạo dựng hình tượng, bạn hãy xem sự tiêu biểu pháp trong đoạn đầu của kinh Hoa Nghiêm, thứ nhất là nói đến đại địa, tâm địa. Thứ hai là giảng về cây báu, ý nghĩa của cây báu là gì? Cây lập nên gương tốt nhất. Hết thảy chúng sanh ở cõi này, ở thế giới tha phương chẳng có ai không thích cây cối, hoa cỏ, Phật bèn dùng phương pháp này để thí dụ, chúng ta muốn một cây thật tốt đẹp, làm cho người ta tiếp xúc đến đều hoan hỷ. Hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

 

 Văn Thù Sư Lợi, thời Trưởng Giả Tử nhân phát nguyện ngôn, ngã kim tận vị lai tế bất khả kế kiếp, vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh quảng thiết phương tiện, tận linh giải thoát nhi ngã tự thân phương thành Phật đạo.

 Này Văn Thù Sư Lợi, lúc bấy giờ Trưởng Giả Tử nhân đó bèn phát nguyện rằng: ‘Từ nay cho đến vô tận kiếp chẳng thể tính ở đời vị lai, tôi sẽ vì chúng sanh đang chịu tội khổ trong lục đạo lập ra nhiều phương tiện, làm cho họ được giải thoát hết rồi tôi mới thành Phật đạo.

 Trong đoạn kinh này chúng ta lại thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni kêu tên ngài ‘Văn Thù Sư Lợi’, không thể coi thường đoạn kinh văn này, chẳng thể sơ ý. ‘Trưởng Giả’ làm gương tốt, làm mô phạm cho chúng ta, khuyên chúng ta phát tâm, ông nghe Phật dạy xong liền giác ngộ, quay về, và phát đại nguyện. ‘Ngã kim tận vi lai tế, bất khả kế kiếp’, đây là một thời gian dài, chẳng phải thời gian ngắn, những kiếp tận đời vị lai, nói cách khác thời gian vĩnh hằng, vô cùng vô tận. ‘Vị thị tội khổ lục đạo chúng sanh’, hoàn toàn tiếp nhận lời dạy của Phật vì chúng sanh khổ nạn, hết thảy chúng sanh tạo tác nhiều nhân khổ nhưng họ không biết, lúc quả khổ hiện tiền thì hối hận không kịp, đến lúc đó thì trở tay không còn kịp nữa. Trưởng Giả Tử phát tâm này, chính là Địa Tạng Bồ Tát. Ngày nay chúng ta đọc đến đoạn kinh này, có thể phát tâm này không? Nếu có thể phát tâm này thì chúng ta sẽ đạt được lợi ích chân thật nơi kinh Địa TạngĐời sống của chúng ta khổ, phải nghĩ đến những người khác trên thế gian này còn khổ hơn mình, chúng ta không sợ khổ, vì có khổ nên chúng ta mới thể hội đến hết thảy chúng sanh khổ. Nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh rất giàu sang, khi người ta nói khổ thì mình chẳng thể hội được, chỉ khi mình đã từng trải qua sự khổ này rồi mới biết khổ là gì, tâm giúp đỡ khổ nạn chúng sanh mới thiết tha. Nếu chưa từng trải qua khổ nạn, bạn muốn ‘vì khổ nạn chúng sanh’ nhưng chẳng thể nào thể hội được cái tâm ấy.

 Thế nên Phật dạy chúng đệ tử: một là ‘dùng Giới làm thầy’, hai là ‘dùng Khổ làm thầy’, đặc biệt là người xuất gia, sanh sống cực khổ tốt hơn, luôn thường ở trong tâm cảnh giác, một khi hưởng thọ thì không thể nào chẳng mê hoặc điên đảo được. Do đó nhất định phải hiểu, có phước, người xuất gia tu hành chân chánh nhất định sẽ có phước báo, phước báo đến thì đừng hưởng, nếu hưởng thì sẽ mê muội; khi phước báo đến thì phải chia sớt cho hết thảy tội khổ chúng sanh trong lục đạo hưởng, được vậy thì bạn thật sự độ khổ. Mấy bữa nay chúng ta giảng kinh Hoa Nghiêm đến đoạn đức Phật Tỳ Lô Giá Na xây dựng Hoa Tạng thế giới chẳng để tự hưởng thọ, mà cho hết thảy những Bồ Tát phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thânmười phương sát độ có chỗ an thân lập mạng, có một đạo tràng tốt để tu hành, cung ứng cho họ hưởng dụng, Phật chẳng hưởng thọ. Tây phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật xây dựng Cực Lạc Tịnh độ cũng chẳng phải cho ngài hưởng thọ, mà để cung ứng cho hết thảy người niệm Phậtmười phương thế giới vãng sanh về đó tu hành hưởng dụng, đâu có để cho mình hưởng thọ? Đây đều làm ra hình tượng tốt nhất cho chúng ta thấy. Thế nên những tổ sư đại đứcphước báo to lớn xây dựng đạo tràng xong tự mình có hưởng thọ không? Chẳng có, tự mình ở trong phòng ‘phương trượng’ , chỉ là một căn phòng nhỏ, phước báo dành cho hết thảy thanh chúng (đại chúng thanh tịnh) hưởng thọ, đây là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh. Chỉ cần là người chân chánh tu hành, nếu họ không có chỗ ở, khi họ đến nơi ấy chẳng bao giờ bị từ chối, chẳng khi nào không được tiếp đãi, thế nên mới gọi là ‘thập phương thường trụ’, ‘thập phương đạo tràng’, đâu có phải là vì danh văn lợi dưỡng của cá nhân. Phật dạy chúng ta, tự ngài thị hiện làm gương cho chúng ta, một tí gì cũng chẳng giả dối, chúng ta nhìn thấy ngài phát tâm, chẳng sợ thời gian dài, chẳng sợ công việc giáo học gian khổ.

 ‘Lập ra nhiều phương tiện, làm cho họ được giải thoát hết rồi tôi mới thành Phật đạo’, đây tức là nói: ‘Chúng sanh chẳng thành Phật, tôi chẳng thành Phật’ cho nên Địa Tạng Bồ Tát vĩnh viễn thị hiệnquả vị Bồ Tát. Ngày nay chúng ta thấy lời nói trong kinh này, mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều tham dự đạo tràng này, đều là do Địa Tạng Bồ Tát độ hóa, đã độ, đang độ. Đã độ, đã thành tựu là chư Phật, ngài còn ở quả địa Bồ Tát. Học trò đều đã thành Phật, thầy giáo còn là Bồ Tát, các chư Phật này đối với thầy không ai chẳng đội ơn. Ngày nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni muốn tuyên dương pháp môn Địa Tạng, họ đến dự hội tức là báo ơn, đến làm ‘ảnh hưởng chúng’. Có pháp hội nào tất cả chư Phật đều đến tham gia? Chẳng có đạo lý như vậy. Trong pháp hội này hết thảy chư Phật đều đến đầy đủ, làm trang nghiêm đạo tràng, trang nghiêm pháp hội, trang nghiêm pháp môn này, làm cho hết thảy chúng sanh cảnh giác đến pháp môn này thù thắng khôn sánh, không học pháp môn này thì không được, là cơ sở của hết thảy chư Phật thành Phật, là căn bản của việc thành Phật. Nếu bạn muốn xả bỏ pháp môn này thì bạn chắc chắn sẽ không thành tựuNiệm Phật, nói thật ra chắc chắn cũng chẳng thể vãng sanhCả đời hễ gặp đạo tràng vừa xây dựng xong mời tôi giảng kinh, bộ kinh đầu tiên tôi nhất định phải giảng là kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Có đất, chúng ta có mảnh đất, có đạo tràngxây dựng cơ sở vật chất, Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinhxây dựng tâm địa, như vậy mới tương ứng. Khi đạo tràng được xây dựng, được khôi phục thì bộ kinh đầu tiên phải giảng là gì? Nhất định phải là Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh.

 

 Dĩ thị ư bỉ Phật tiền, lập tư đại nguyện, ư kim bá thiên vạn ức na do tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ Tát.

 Đã ở trước đức Phật đó mà lập đại nguyện như vậy nên đến nay đã ngàn vạn ức na-do-tha kiếp chẳng thể tính đếm mà vẫn còn làm Bồ Tát.

 Đây là việc chúng ta nên học tập. Thế Tôn nói ra nhân duyên của công án này, chúng ta phải thể hội dụng ý của Ngài sâu rộng vô hạn, việc giáo học của Ngài từ bi vô tậnChúng ta biết rồi mới có thể làm theo, mới có thể nói đến việc báo ân, tri ân báo ân; nếu bạn lơ là niệm lướt qua, đoạn kinh này chẳng dài, sơ ý đọc qua thì chẳng có ích lợi. Hãy xem tiếp đoạn kế, đây là công án thứ nhì:

 

 Hựu ư quá khứ, bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp.

 Lại số chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp về trước.

 Lúc này là sau lúc Đại Trưởng Giả Tử, Đại Trưởng Giả Tử là người thứ nhất, người đầu tiên.

 

 Thời thế hữu Phật

 Lúc đó có Phật

 Trong thế gian có một vị Phật.

 

 Hiệu viết Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, bỉ Phật thọ mạng tứ bá thiên vạn ức a tăng kỳ kiếp.

 Hiệu là Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, đức Phật đó thọ mạng bốn trăm ngàn ức a-tăng-kỳ kiếp.

 Từ thọ mạng của Phật có thể thấy phước báo của chúng sanh thời đó rất lớn, thọ mạng là một trong những phước báo.

 

 Tượng pháp chi trung, hữu nhất Bà La Môn Nữ, túc phước thâm hậu, chúng sở khâm kính, hành trụ tọa ngọa, chư thiên vệ hộ.

 Vào thời tượng pháp có một cô gái dòng Bà La Môn, nhiều đời tích phước sâu dày, được mọi người kính nể, đi đứng nằm ngồi đều được chư thiên hộ vệ.

 Thọ mạng của Phật rất dài, nhưng duyên trụ thế giáo hóa chúng sanh đã hết, đức Phật bèn thị hiện diệt độ. Sau khi diệt độ giống như Thế Tôn của chúng ta vậy, sau khi Phật diệt độ thì pháp vận còn ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp, Mạt phápThời Chánh pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni dài một ngàn năm, sau khi Phật diệt độ một ngàn năm đầu tiên, Tượng phápthời gian một ngàn năm sau đó, Mạt pháp một vạn năm kế tiếp. Không cần biết là theo cách nói của người Trung Quốc hay cách của người ngoại quốc, hiện nay là thời Mạt pháp, hai ngàn năm sau khi Phật diệt độ, đây là thời Mạt pháp. Lúc Phật pháp truyền đến Trung Quốc nhằm thời Tượng pháp. Trong kinh Phật có lời dự đoán, Phật nói thời Chánh pháp thì Giới Luật thành tựu, tu học noi theo giới luật có thể chứng quảThời Tượng pháp thì Thiền Định thành tựu, thế nên Thiền Tông của Phật giáo Trung Quốc vô cùng hưng thịnh. Vì nguyên nhân gì? Truyền đến nhằm thời kỳ Tượng pháp, phù hợp với lời dự đoán của Thế Tôn, Thiền Định thành tựuThời Mạt pháp thì Tịnh Độ thành tựu, căn tánh của con người chẳng bằng đời trước, tu Thiền chẳng những không thể khai ngộ, ngay cả đắc định cũng không thể, chỉ có tu Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh mới có thể thành tựu. Trong kinh nói đây là Giác Hoa Định Như Lai, vào thời Tượng pháp của Ngài có một cô gái dòng Bà La Môn, cô này cũng quy y Phật pháp, là người học Phật. ‘Túc phước thâm hậu’, chúng ta gọi là thiện căn sâu dày, nhiều đời quá khứ đã vun bồi phước, thiện căn rất sâu. ‘Chúng sở khâm kính’, khâm nghĩa là bội phục, đối với cô rất cung kính, đại chúng gặp cô, đoạn trước có nói hình tượng thù thắng, được phần lớn xã hội đại chúng tôn kính. ‘Hành trụ tọa ngọa’, đây là tứ oai nghi, đều đủ để làm gương tốt cho xã hội đại chúng, thế nên ngay cả thần trên trời cũng tôn kính cô. ‘Chư thiên vệ hộ’, ngày nay chúng ta gọi là thiên thần bảo hựu, giờ phút nào cũng chẳng lìa khỏi cô thì gọi là ‘hộ vệ’. Chư vị đồng tu phải biết xã hội hiện nay người tạo ác nhiều, người làm việc thiện ít, thí dụ có một, hai người làm việc thiện, thiên thần hộ vệ sẽ đặc biệt nhiều; trước kia người thiện nhiều, thiên thần chia nhau hộ trì người hành thiện, số thiên thần hộ trì [cho mỗi người] sẽ không nhiều; hiện nay người ta đều làm ác, chỉ có một, hai người thiện, tất cả những thiên thần đều đến hộ vệ bạn (người thiện này). Thiệt đó, chẳng phải giả, [vậy thì] tại sao lại không tu thiện? Tại sao lại tạo ác? Chúng ta dứt ác tu thiện, không cầu Bồ Tát, không cầu Phật, cũng không cầu thiên thần, chư Phật tự nhiên hộ niệm, thiên thần tự nhiên hộ vệ, đâu cần chúng ta cầu họ! Chỗ này nói tin Phật quá khó, hiện nay người thế gian học Phật chẳng tin Phật, tại sao chẳng tin Phật? Đặc biệt là người xuất gia, Phật dạy chúng ta vạn duyên buông xuống, tất cả đều phải xả bỏ thì ngày mai làm sao sinh sống? [Nếu hỏi như vậy thì chính là] không tin Phật. Nếu bạn là người xuất gia chân chánh, tâm địa thanh tịnh, chẳng có một chút tâm mong cầu, đối với hết thảy pháp trong thế gian này chẳng phan duyên, nếu bạn bị đói chết, lạnh chết, nói cho chư vị biết tất cả thần hộ pháp đều phải bị cách chức và bị tra hỏi, đó là thật chẳng phải giả đâu. Nhưng mọi người chẳng tin tưởng, tự mình vẫn muốn phan duyên, tự mình làm, thần hộ pháp nhìn thấy bèn rất thích thú vì được tự tại, [họ nói:] “Được lắm, tôi chẳng cần lo nữa”, họ rất nhàn hạ, tự tại.

 Có một năm tôi tại Cơ Long (Kuala Lumpur) Thập Phương Đại Giác Tự, lão hòa thượng thỉnh tôi giảng kinh Lăng Nghiêm nhằm lúc an cư mùa hạGiảng đường ở kế bên điện Vi Đà, tôi nói với mọi người, quý vị phải tin tưởng, đừng phan duyên, cứ ở trong chùa tu hành đàng hoàng, đừng làm Kinh Sám Phật sự, cũng đừng làm pháp hội, [nếu quý vị] đói chết, Bồ Tát Vi Đà sẽ bị cách chức và bị tra hỏi, đâu có đạo lý ấy! Thế nên nói cả người xuất gia cũng chẳng tin Phật, thì bạn làm sao dạy cho đại chúng tin Phật! Chẳng có đạo lý này. Nếu chúng ta thật sự tin tưởng thì không sợ, Phật, Bồ Tát bảo hựu [lo lắng], thần hộ pháp hộ vệ, có thể đói một, hai bữa cũng chẳng sao, tuyệt đối sẽ chẳng bao giờ chết đói; chịu lạnh một chút, sẽ chẳng lạnh chết, ngài (thần hộ pháp) nhất định sẽ đến. Nhất định phải có lòng tin, như vậy mới gọi là học Phật, mới gọi là chân chánh tin Phật; những gì bạn cần, khi nhân duyên chín muồi những gì mong cầu đều nhất định sẽ đến. Đạo lý này là do Chương Gia đại sư truyền dạy cho tôi, tôi có lòng tin đối với Ngài, Ngài chẳng lừa gạt tôi. Lúc đó đời sống của tôi vô cùng gian khổ, chẳng có tiền để cúng dường Chương Gia đại sư, tôi chẳng có khả năng ấy; Ngài biết, chẳng trách tôi, đối với tôi rất tốt, vô cùng từ bi, lo lắng. Mỗi tuần tôi gặp Ngài một lần, lúc đó tôi phải đi làm, mỗi ngày chủ nhật gặp Ngài, xin Ngài chỉ dạy. Ngài cho tôi hai giờ đồng hồ mỗi tuần, lúc nào bận thì cho một giờ. Nếu một tuần, hai tuần tôi chẳng đến gặp, Ngài đều phái người kiếm tôi hoặc gọi điện thoại hỏi tôi: “Tại sao không đến? Có bị bịnh gì không?” Vô cùng quan tâm, chăm sóc, lòng thương mến đó làm cho tôi không thể không đi.

 Đây là lời Ngài dạy tôi: ‘Trong nhà Phật, có cầu ắt ứng’, nếu bạn cầu không được là vì bạn có nghiệp chướng, khi nghiệp chướng tiêu trừ hết thì sẽ chẳng bao giờ không có cảm ứng. Nhưng nhất định phải cầu đúng như lý, như pháp, nếu bạn dùng tham - sân - si để cầu thì Phật, Bồ Tát sẽ chẳng giúp bạn tăng thêm tham - sân - si, sẽ chẳng giúp bạn tạo ác nghiệp. Nếu bạn thật sự làm việc thiện, vì chúng sanh, Phật, Bồ Tát cảm ứng đạo giao; nếu vì mình thì không được, nhất định sẽ chẳng có cảm ứng. Nếu vì mình mà có cảm ứng thì đó là Tà ma; Ma thúc đẩy dục vọng của bạn, giúp bạn làm việc xấu. Phật, Bồ Tát sẽ chẳng giúp người đi làm chuyện ác, chỉ cho bạn thiện duyên chứ chẳng cho bạn ác duyên. Do đó có thể biết phàm những gì tăng trưởng dục vọng của chúng ta, tăng trưởng tham - sân - si, tự mình phải có cảnh giác cao độ, đó là ác duyên chứ chẳng phải thiện duyên. Nhưng khi người gặp được duyên này, chẳng bao giờ không ưa thích, không đọa lạc, không bị ma quỷ gạt, lọt vào vòng tay của ma, chúng ta phải có tâm cảnh giác cao độ về chuyện này. Thế nên lúc trẻ tuổi thân cận thiện tri thức rất tốt, gốc rễ đã được vun bồi, khi xử sự, đãi người, tiếp vật cả đời đều có tâm cảnh giác cao độ. Chúng ta muốn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần hộ vệ thì phải học từ chỗ này. Hãy xem tiếp đoạn kinh phía sau:

 

 Kỳ mẫu tin tà

 Mẹ cô tin tà đạo

 Mẫu thânngoại đạo

 

 Thường khinh Tam Bảo

 Thường khinh chê ngôi Tam Bảo

 Tội nghiệp này rất nặng

 

 Thị thời Thánh Nữ quảng thiết phương tiện, khuyến dụ kỳ mẫu, linh sanh chánh kiến, nhi thử nữ mẫu vị toàn sanh tín, bất cửu mạng chung, hồn thần đọa tại Vô Gián địa ngục.

 Lúc đó Thánh Nữ lập nhiều phương tiện để khuyên nhủ mẹ, hầu làm cho bà sanh chánh kiến, nhưng bà chưa tin hoàn toàn, chẳng bao lâu thì bà mạng chung, thần hồn bị đọa vào địa ngục Vô Gián.

 Tri kiến của mẹ cô chẳng ngay thẳng, phiền não tập khí rất nặng. Đại khái thì cũng ít thấy hình tướng của người học Phật, Phật pháp trong thời Tượng pháp suy thoái, hình tướng tốt của tứ chúng đệ tử trong thời Chánh pháp còn nhiều, hình tướng tốt thời Tượng pháp ít hơn. Thời Mạt pháp lại càng ít nữa, càng hiếm hoi. Thế nên thời Mạt pháp nếu chúng ta có thể chân chánh tu hành đúng như pháp thì chư Phật hoan hỷ gấp bội hơn thời Tượng pháp, long thiên thiện thần hộ vệ cũng tăng gấp bội, hiếm có khó gặp. Chúng ta gặp được duyên thù thắng như vầy thì tại sao tự mình lại chà đạp mình? Như vậy thật là đáng tiếc, tạo tội nghiệp thì nhất định sẽ bị đọa lạc.

 Tại sao bà khinh chê Tam Bảo, hủy báng Tam Bảo? Nói thật ra thì hình tướng của người xuất gia chúng ta không tốt. Tại sao thời Phật còn tại thế, đệ tử Phật được người trong xã hội từ quốc vương, đại thần, đến hết thảy đại chúng tôn kínhNguyên nhân gì? Chúng ta phải nghĩ kỹ. Thời Mạt pháp người xuất gia đi ra ngoài, người ta chẳng kính trọng bạn, kinh chê bạn, ở một bên chỉ chỏ, chê cười bạn, như vậy là vì nguyên nhân gì? Chúng ta có thể trách người ta chăng? Trách người là hoàn toàn sai lầm, hãy quay lại trách chính mình, tín hạnh của chúng ta, hình tướng của chúng ta chẳng đáng để xã hội đại chúng tôn kính. Bên trong còn tham - sân - si - mạn, bên ngoài chỗ nào cũng phan duyên, biểu hiện ra thật sự như mê tín, dẫn dắt xã hội đại chúng mê tín, vậy thì làm sao đáng để người ta tôn kính? Người ta dựa vào gì để tôn kính bạn? Người ta có tôn kính bạn thì đó cũng là mê tín, mê phù hợp với mê; giác tuyệt đối sẽ chẳng tương ứng với mê. Nhưng sự tạo tội nghiệp bất luận là bạn cốt ý hay vô ý, chắc chắn đều có quả báo. Không thể nói vô ý tạo thì không có quả báo, chẳng có việc này. Bạn hiểu pháp luật mà còn phạm pháp, không biết pháp luậtphạm pháp thì cả hai đều phải chịu hình phạt, vẫn là có tội; không thể nói vì tôi không hiểu pháp luật nên tuy phạm pháp nhưng tôi không có tội; chẳng có chuyện như vậy, chẳng hợp lý. Thế nên mẹ của cô Bà La Môn đọa địa ngục Vô Gián.

 

 Thời Bà La Môn nữ tri mẫu tại thế bất tín nhân quả, kế đương đọa nghiệp, tất sanh ác thú.

 Lúc đó cô Bà La Môn biết mẹ cô khi còn sống chẳng tin nhân quả, nghĩ ắt phải theo nghiệp mà sanh vào đường ác.

 Con bà là người con hiếu, cô học Phật hiểu đạo lý, biết mẹ cô lúc còn sanh tiền chẳng tin nhân quả báo ứng. ‘Kế’ là trong tâm suy nghĩ, trong tâm đang tính toán. Cô nghĩ cả đời mẹ tạo nghiệp, tương lai quả báo sẽ đi về đâu? Thiện nghiệp nhất định được thiện quả, ác nghiệp nhất địnhác báo, cô nghĩ mẹ cô tạo nghiệp nặng nề; hủy báng Tam Bảo, nghiệp này rất nặng.

 

 Toại mại gia trạch, quảng cầu hương hoa cập chư cúng cụ, ư tiên Phật tháp tự, đại hưng cúng dường.

 Bèn bán nhà, đất, sắm nhiều hương hoa và những vật lễ cúng, rồi đem đến chùa tháp thờ Phật làm lễ đại cúng dường.

 Cô tu phước cho mẹ. ‘Ư tiên Phật tháp tự’, ‘tháp’ là chỗ cất giữ xá-lợi của Phật, chỗ cúng dường xá-lợi Phật gọi là ‘tháp’. ‘Tự’ là nơi giáo hóa chúng sanh. Bổn ý của ‘Tự’, ý nghĩa của ‘Tự’ được ghi trong Khoa Chú rất tường tận, làm sao giải thích ý nghĩa của chữ Tự ở đây? Nghĩa là tiếp nối, phần đông chúng ta gọi là hậu duệ, kéo dài, sự nghiệp này phải kéo dài vĩnh viễn về sau. Nơi này là nơi tiếp nối huệ mạng của Phật nên được gọi là ‘Tự’. Hiện nay người ta không hiểu ý nghĩa này. Hồi xưa những cơ quan dưới quyền nhà vua đều gọi là Tự, ý nghĩa là muốn cơ nghiệp đế vương được truyền mãi đến đời sauÝ nghĩa này rất hay và cũng rất rộng, sự nghiệp giáo huấn chúng sanh của Phật là nhằm giúp đỡ hết thảy chúng sanh tu hành chứng quả, sự nghiệp này phải được vĩnh viễn liên tục chẳng dứt, nơi đây là để làm công việc này, nên được gọi là Tự.

 Cúng Phật, phải ghi nhớ chỉ dùng tài vật của mình, nếu dùng tài vật của người khác để tu phước thì sai, tự mình chẳng được phước gì hết; nhất định phải dùng vật của mình, không thể dùng vật của người khác. Cô Bà La Môn chẳng có tài lực nên phải bán nhà rồi dùng tiền ấy ‘sắm nhiều hương hoa và những vật lễ cúng’ đem vào chùa cúng dường. Cách cúng dường này là hình thức, hình thức này chúng ta ngày nay rất nhiều, ai cũng biết. Hình thức cúng dườnghiệu quả hay chăng? Phải coi cách dụng tâm bên trong và ngoài có tương ứng hay không? Nếu trong và ngoài tương ứng thì có công đức, nếu không tương ứng thì chẳng có công đức. Còn có nhiều người cúng dường nhưng lại tạo tội nghiệp, không những chẳng có phước mà lại là họa. Cúng dường như thế nào? Đến trước mặt Phật, Bồ Tát tu cúng dường to lớn, cầu phát tài, cầu thăng quan, trước bàn thờ Phật, Bồ Tát ‘khấn vái’ khi được thăng quan, được phát tài thì sẽ trở lại cúng thêm nhiều nữa. Đặt điều kiện, hối lộ với Phật, Bồ Tát, coi Phật, Bồ Tát như tham quan, ô lại, cách cúng dường như vậy không những chẳng có phước mà lại tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. “Nếu ngài phò hộ cho con được phát tài, con kiếm được một triệu thì nhất định sẽ đem một vạn đến cúng dường cho ngài”; Phật, Bồ Tát đâu có ‘khờ’ như vậy, cho người này lời chín mươi chín vạn, đâu có đạo lý như vậy! Bạn xem Phật, Bồ Tát là hạng người nào? Thế nên cách cúng dường như vậy sẽ tạo nên vô lượng vô biên tội nghiệp, sẽ đọa vào tam ác đạo. Đừng thấy người ta đến tu cúng dường rồi cho là việc tốt, chưa chắc như vậy đâu, bạn phải biết động cơ của họ là gì rồi mới biết họ tạo phước hay họa. Cúng dường như vậy xong nhưng không được thăng quan, không phát tài nên quay lại trách móc, nói Phật, Bồ Tát này không linh, [họ nói:] “Tôi cúng dường nhưng ngài không phò hộ cho tôi phát tài, tôi oán hận, hủy báng Tam Bảo”, tội nghiệp ấy càng tạo càng nặng. Chúng ta hãy xem đoạn kinh tiếp theo:

 

 Kiến Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, kỳ hình tượng tại nhất tự trung tố họa oai dung, đoan nghiêm tất bị.

 Thấy hình tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai trong một ngôi chùa đắp vẽ oai dung, đầy đủ đoan nghiêm.

 Đây là nói về cô Bà La Môn đến chùa miếu cúng dường, cúng Phật. Phật chẳng còn tại thế, lúc đó thuộc về thời Tượng pháp nên trong các tự viện chỉ có hình tượng của Phật, tượng Phật đúc hoặc khắc; cúng dường trước tượng Phật, tượng Phật tạo rất trang nghiêm.

 

 Thời Bà La Môn nữ chiêm lễ tôn dung, bội sanh kính ngưỡng.

 Lúc đó cô gái Bà La Môn chiêm lễ tôn dung, bội phần kính ngưỡng.

 Đây là chân thành, những phẩm vật lễ cúng là vật bên ngoài, bên trong có tâm chân thành, hiển thị trong - ngoài như nhau. Cúng dường một chút phẩm vật giống như khi chúng ta gặp một người nào đó, bất luận là người thân hay người lạ, lâu quá chẳng gặp thì khi gặp lại phải có một chút lễ vật, lễ vật chẳng quý ở chỗ nhiều hay ít chỉ dùng để biểu lộ ý cung kínhBiểu lộ chúng ta đối với người này chẳng quên, thường ghi nhớ trong tâm, biểu lộ lòng kính ngưỡng. Cúng Phật, và còn vì mẹ tu phước, thế nên tâm này càng chân thành, càng khẩn thiết; lòng chí thành có thể cảm, Phật bèn ứng, liền phát sanh cảm ứng đạo giao.

 

 Tư tự niệm ngôn Phật danh Đại Giác, cụ nhất thiết trí, nhược tại thế thời ngã mẫu tử hậu, thảng lai vấn Phật, tất tri xứ sở.

 Thầm nghĩ rằng đức Phật là đấng Đại Giác đầy đủ hết thảy trí, nếu Phật còn tại thế thì sau khi mẹ tôi mất, nếu như tôi đến hỏi Phật ắt sẽ biết được nơi mẹ tôi thác sanh.

 Hận mình phước báo không đủ, chẳng sanh vào lúc Phật còn tại thế, mà sanh vào thời Tượng pháp, Phật đã không còn tại thế. Nếu Phật còn tại thế thì Phật có đại trí huệ, đại thần thông, mình đến hỏi Phật sau khi mẹ mất rồi sanh đến cõi nào, Phật chắc chắn sẽ nói cho mình biết, tiếc là Phật chẳng còn. Trong tâm có ‘lời nói thầm’, không nhất định phải nói ra, trong tâm có ý niệm này, cho thấy cô có lòng hiếu thảo, muốn giúp mẹ thoát ly khổ nạn.

 

 Thời Bà La Môn nữ thùy khấp lương cửu, chiêm luyến Như Lai.

 Lúc ấyBà La Môn cúi đầu khóc thầm rất lâu, chiêm ngưỡng quyến luyến tôn tượng của Như Lai.

 Câu này hình dung lúc cô Bà La Môn trong tự viện, lòng ân cần, nguyện vọng chí thành, khẩn thiết, từ câu này chúng ta có thể cảm thấy lòng thành của cô, khẩn thiết kỳ vọng, lòng thành như vậy có thể cảm.

 

 Hốt văn không trung thanh viết, khấp giả thánh nữ vật chí bi ai, ngã kim thị nhữ mẫu chi khứ xứ.

 Bỗng nghe trên không trung có tiếng nói: ‘Này thánh nữ đang khóc kia, thôi đừng bi ai quá, nay ta sẽ nói cho cô biết chỗ thác sanh của mẹ cô’.

 Chí thành thì sẽ linh, cảm động Phật đến chỉ dẫn cô.

 

 Bà La Môn nữ hiệp chưởng hướng không nhi bạch không viết, thị hà thần đức, khoan ngã ưu lự, ngã tự thất mẫu dĩ lai, trú dạ ức luyến, vô xứ khả vấn tri mẫu sanh giới.

 Thánh nữ chắp tay hướng lên hư không mà bạch rằng: ‘Chẳng hay thần đức nào đã giải bớt lòng âu lo của con như vậy? Từ khi mẹ con mất đến nay, ngày đêm thương nhớ, không có chỗ có thể hỏi mẹ con thác sanh về cõi nào’.

 Chữ ‘giới’ tức là thế giới nào? Cõi nào trong thập pháp giới? Nẻo nào trong sáu nẻo? Cô vô cùng cảm kích sự cảm ứng này, cô chẳng biết tiếng nói này từ đâu phát ra? Cũng chẳng biết ai nói? Cho nên cô chỉ biết hướng lên không trung, âm thanh phát ra từ không trung, chẳng nhìn thấy hình tướng, chỉ nghe âm thanh. ‘Là vị thần đức nào?’.

 

 Thời không trung hữu thanh tái báo nữ viết, ngã thị nhữ sở chiêm lễ giả, quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Kiến nhữ ức mẫu, bội ư thường tình chúng sanh chi phần, cố lai cáo thị.

 Lúc ấy trên không trung lại có tiếng nói cho cô biết: ‘Ta là người cô đang chiêm lễ, là quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, thấy cô nhớ mẹ, nhiều hơn thường tình của chúng sanh nên Ta đến cho cô biết’.

 Chỗ này nói rõ nguyên nhân có thể cảm [đến chư Phật], đây thật sự là một người con gái có hiếu, chí thành có thể cảm đến Phật, người Trung Quốc thời xưa thường nói: ‘Hiếu cảm thiên địa’, cho nên cảm động Phật đến chỉ thị cho cô, làm cho cô mãn nguyện.

 

 Bà La Môn nữ văn thử thanh dĩ cử thân tự phác, chi tiết giai tổn, tả hữu phù trì, lương cửu phương tô, nhi bạch không viết, nguyện Phật từ mẫn tốc thuyết ngã mẫu sanh giới, ngã kim thân tâm tương tử bất cửu.

 Thánh nữ Bà La Môn nghe nói xong liền đứng dậy dập đầu lạy xuống, khớp tay chân đều bị thương, được người bên cạnh đỡ dậy. Một lát sau cô mới tỉnh lại rồi bạch lên hư không: ‘Cúi xin đức Phật từ bi thương xót, mau cho con biết mẹ con sanh về chốn nào, nay thân tâm con đau xót đến cùng cực’.

 Biết âm thanh này là âm thanh của Phật, cảm động đến lễ lạy năm vóc sát đất, cách lễ này dùng toàn thân tiếp lễ, cho nên lạy xuống xong khớp tay chân đều bị thương; lạy vô cùng mãnh liệt, người thế gian thường nói là khấu đầu vang thành tiếng, cảm động đến cùng cực. Thế nên lúc lạy ngã xuống đất thì mê man bất tỉnh. Một lát sau mới tỉnh lại, vừa tỉnh lại liền cầu xin đức Phật nói cho biết chỗ mẹ thác sanh. Cô đau xót đến cùng cực, ‘tương tử bất cửu’ là đau xót đến cùng cực.

 

 Thời Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai cáo Thánh nữ viết, nhữ cúng dường tất, đản tảo phản xá, đoan tọa tư duy ngã chi danh hiệu, tức đương tri mẫu sở sanh khứ xứ’.

 Lúc ấy đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai bảo Thánh nữ: ‘Cô đã cúng dường xong, nên sớm về nhà, ngồi ngay ngắn nghĩ tưởng về danh hiệu của Ta, sẽ biết chỗ mẹ cô thác sanh.’

 Đức Phật chẳng trực tiếp nói cho cô biết mẹ cô hiện nay đang ở chỗ nào, mà dạy cô một phương pháp, làm theo phương pháp này thì cô nhất định sẽ biết. 

Phương pháp gì? 

Phương pháp niệm Phật

Dạy cô, cô đã cúng dường xong hãy mau về nhà, về nhà xong nhất tâm chấp trì danh hiệu, cô hãy niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai, nhất tâm xưng niệm. ‘Đoan tọa tư duy’. Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: ‘Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật’Tư duy tức là ức niệm, chẳng nói là miệng niệm, dùng chữ ‘tư duy’, ý nghĩa này sâu. Phần đông chúng ta niệm Phật là miệng niệm nhưng tâm không niệm, như vậy thì hét bể cổ họng cũng uổng côngNiệm Phật quan trọng nhất là trong tâm có Phật, tư duy mới là chân thật niệm Phật, trong tâm đích thật có Phật.

 

 Thời Bà La Môn nữ, tầm lễ Phật dĩ, tức quy kỳ xá

 Lúc ấy Thánh nữ Bà La Môn lễ Phật xong liền trở về nhà.

 Nghe Phật nói hãy mau về nhà, làm xong nghi thức cúng dường, hãy mau về nhà.

 

 Dĩ ức mẫu cố, đoan tọa niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ.

 Vì nhớ mẹ nên cô ngồi ngay thẳng niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như LaiTrải qua một ngày một đêm.

 Cô về nhà chân thật niệm, y giáo phụng hành, dùng tâm chân thành nhất tâm trì danh bèn có hiệu quả. ‘Trải qua một ngày một đêm’, đoạn thời gian này chẳng dài.

 

 Hốt kiến tự thân đáo nhất hải biên. Kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng đông tây trì trục, kiến chư nam tử nữ nhân bách thiên vạn số xuất một hải trung, bị chư ác thú tranh thủ thực đạm.

 Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển, nước biển sôi sùng sục, có nhiều thú dữ toàn thân bằng sắt bay nhảy trên biển, chạy qua chạy lại đuổi nhau, lại thấy nhiều người trai và gái, số nhiều đến trăm ngàn muôn, thoạt chìm thoạt nổi trong biển, bị các thú dữ tranh giành ăn nuốt.

 Đây là cảnh giới trong định. Chư vị nên biết, vì sao Phật dạy cô làm cách này? Tại sao không trực tiếp nói cho cô biết rằng mẹ cô đang ở địa ngục? Nói cho chư vị biết [nếu Phật] trực tiếp nói cho cô ta chẳng có ích lợi gì hết, chẳng cứu nổi mẹ cô. Làm sao mới cứu nổi mẹ cô? Tự cô nhất định phải tu tập công đức thì cô mới có thể cứu mẹ. Một ngày một đêm, cô chuyên tinh, tâm địa chí thành, một ngày một đêm liền được nhất tâm bất loạn, trong hết thảy phương pháp tu hành, phương pháp này mau nhất. Tu pháp môn khác muốn đạt được công phu này rất khó. Pháp môn Niệm Phật dễ dàng, một ngày một đêm. Kinh Di Đà dạy ‘nếu một ngày, nếu hai ngày, … đến bảy ngày’, cô niệm suốt một ngày một đêm được nhất tâm bất loạn, đạt được nhất tâm bất loạn nghĩa là chứng được ‘Niệm Phật Tam Muội’. Chư vị nên biết Niệm Phật Tam Muội có mức cạn sâu chẳng đồng, Hạ phẩm Niệm Phật Tam MuộiCông Phu Thành Phiến, Trung phẩm là Sự Nhất Tâm Bất Loạn, Thượng phẩm là Lý Nhất Tâm Bất Loạn, cô đạt được Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì cô thành Bồ Tát, mẹ cô đương nhiên sẽ được độ. Tại sao chỉ một ngày công phu mà cô có thể chứng Nhất Tâm Bất Loạn? Nhờ duyên của mẹ, nếu mẹ cô chẳng đọa ác đạo thì cô sẽ chẳng tinh tấn như vậy, thế nên mẹ cô mới có phước. Mẹ cô giúp cô dụng công tinh tấn, tức khắc liền chứng đến quả vị Bồ Tát, mẹ cô được sanh lên trời là vì đạo lý này.

 Nếu Phật chẳng dạy cô cách này mà [trực tiếp] nói cho cô biết mẹ cô đang ở cõi nào, cô khóc đến chết cũng vô ích. Phật chẳng thể độ mẹ cô, nếu Phật có thể độ thì chúng ta cần gì phải tu hành? Chẳng cần tu hành nữa, tất cả đều được Phật độ, nếu vậy thì Phật mới là đại từ đại bi, [nhưng] Phật chẳng thể độ. Chính cô mới có thể độ cho mẹ cô, nhờ mẹ tạo ra nhân duyên này nên cô mới hết lòng tu hành, chỉ trong một ngày có thể đạt đến nhất tâm bất loạn. Tại sao cô chân thành như vậy? Tinh tấn như vậy? Là vì tâm cứu mẹ của cô thiết tha đến cùng cực, nhờ sức mạnh này thúc đẩy, đạo lý là như vậy, từ đây bạn mới hiểu nguyên lý của sự siêu độ trong nhà Phật là ở chỗ này. Trong sự siêu độ, nếu tâm của người làm việc siêu độ chẳng thật khẩn thiết, tự mình chẳng thể nâng cao cảnh giới của mình, chẳng thể tu hành chứng quả, thì người siêu độ (người quá vãng) này sẽ chẳng thâu được lợi ích gì hết. Cô tu thành Bồ Tát, mẹ cô là mẹ của Bồ Tát, hơn nữa người mẹ này có công rất lớn, giúp cho cô tu thành Bồ Tát, thì mẹ cô đương nhiên sẽ từ địa ngục sanh lên trời, đây là đạo lý tự nhiên.

 Thế nên việc siêu độ trong nhà Phật có lý luận của nó. Nếu không hiểu lý luận, cứ tưởng là niệm vài cuốn kinh thì có thể siêu độ, đâu có chuyện dễ dàng như vậy! Có nhiều người tạo tội nghiệp trong thế gian, đến phút cuối tự mình cũng lo sợ, đi kiếm vài vị pháp sư đến tụng kinh, tiêu tai, cầu siêu. Siêu độ chẳng nổi! Chẳng có hiệu quả. Nhưng nói chung có làm vẫn tốt hơn không làm, vẫn còn biết kiếm vài vị sư tụng kinh, hồi hướng, vẫn còn biết mình có tội. Nhưng phải biết hiệu lực của cách làm [trên hình thức] như vậy này rất kém, chẳng giúp gì được, chỉ có thể nói là trồng một chút thiện căn mà thôi, không có hiệu quả, phải làm như cô Thánh Nữ này mới có hiệu quả. Do đó nếu người con hiếu muốn siêu độ cho cha mẹ quá khứ hoặc thân bằng quyến thuộc thì phải hiểu đạo lý này. Thỉnh pháp sư tụng kinh siêu độ thì chính mình phải tham dự [vào buổi tụng kinh], tại sao vậy? Vì mình không quen thuộc nghi thức, không biết tụng, nên phải tụng theo pháp sư. Ai siêu độ? Tự mình siêu độ, pháp sư chỉ là người trợ duyên, hướng dẫn bạn làm việc này, tự bạn phải chân tâm sám hối, phải khế nhập cảnh giới, được vậy thì người mà bạn muốn siêu độ mới được độ, thật sự có phước. Nếu hoàn toàn giao việc siêu độ này cho các vị pháp sư, còn mình thì ở đó xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, như vậy chẳng có tác dụng gì hết, chẳng có cảm ứng gì cả.

 Thậm chí lúc tôi vừa mới học Phật, chưa xuất gia, cũng chưa quy y, chỉ vừa tiếp xúc đến Phật pháp, có một hôm đi chơi, đến chùa chơi, ngay lúc ấy trong chùa đang làm Phật sự, đại kháisiêu độ cho cha mẹ của một ông nọ. Pháp sư ở bên ngoài tụng kinh, người nhà ở phía trong cười giỡn, vui vẻ đánh bài tứ sắc, tôi nhìn thấy thiệt chẳng ra gì. Giống cái gì? Giống như cha mẹ chết đi rất tốt, cả nhà rất vui vẻ, cả nhà chẳng có tâm niệm bi thương gì cả. Đến lúc kêu ra lạy, pháp sư kêu: ‘Đến đây ! Các vị ra lạy một cái đi!’ Người nhà nói: ‘Dạ, mau mau đi ra lạy.’ Lạy xong vừa trở vô bèn ngồi ngay vào bàn đánh bài tiếp, thiệt chẳng ra giống gì, người hiện nay chẳng hiểu lễ nghĩa gì cả, chẳng hiểu chân tướng sự thật, vô cùng đáng thương, thật đúng như trong kinh Phật gọi họ là những người đáng thương xót, chúng ta phải thể hội ý nghĩa của câu này.

 Đã hết giờ, chúng ta giảng đến đây thôi.

 

Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho. 

Xin thành thật cám ơn. 

Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 4 tháng 9-2006

 

 

[1] Ác Mục Quỷ Vương: Chúa Quỷ Mắt Ác, Đạm Huyết Quỷ Vương: Chúa Quỷ Uống Máu, Đạm Tinh Khí Quỷ Vương: Chúa Quỷ Hút Tinh Khí, Đạm Thai Noãn Quỷ Vương: Chúa Quỷ Ăn Thai Noãn, Hành Bịnh Quỷ Vương: Chúa Quỷ Gây Bịnh, Nhiếp Độc Quỷ Vương: Chúa Quỷ Hút Khí Độc, Từ Tâm Quỷ Vương: Chúa Quỷ Có Lòng Nhân Từ, Phước Lợi Quỷ Vương: Chúa Quỷ Làm Phước Lợi, Đại Ái Kính Quỷ Vương: Chúa Quỷ Đại Ái Kính

[2] Cụ Phác ở đây là cụ Triệu Phác Sơ, Hội Trưởng hội Phật giáo Trung Quốc

[3] Tương truyền hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát là ngài Kim Kiều Giác. Kim Kiều Giác (630-729) là thái tử nước Tân La (vùng đông bắc Triều Tiên, nay là Đại Hàn). Năm 24 tuổi, ngài từ bỏ ngôi vị và xuất gia, pháp danhĐịa Tạng. Ở Trung Quốc lúc bấy giờ nhằm đời Đường, Phật giáo rất phát triển và có nhiều vị sư từ nhiều nước đến đó du học. Ngài Kim Kiều Giác vượt biển đến Trung Quốc, trụ tại núi Cửu Hoa, huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu, tỉnh An Huy. Ngài dựng một túp lều tranh trên núi tu hành và nguyện chép bốn bộ kinh Đại Thừa. Sau đó dân làng Thanh Dương lên núi và thấy ngài tu hành rất nghiêm cẩn nên phát tâm xây một ngôi chùa cho ngài hoằng pháp. Núi Cửu Hoa lúc bấy giờ thuộc quyền của ông Mẫn Nhượng Hòa, một phật tử thuần thành, ông Hòa mời ngài dùng cơm và cúng dường một miếng đất cho ngài cất chùa. Ông Hòa hỏi ngài cần miếng đất bao lớn? Ngài nói: “Tôi tung chiếc áo cà sa này lên, tôi muốn khoảnh đất lớn bằng cái bóng của chiếc áo cà sa này. Ông chịu không?”. Ông Hòa đồng ý. Lúc ngài mở áo cà sa ra phóng lên hư không, bóng của chiếc áo cà sa bèn lớn bao trùm cả vùng núi Cửu Hoa, ông Mẫn vô cùng kinh ngạc và bội phục nên ông vui lòng cúng dường cả vùng núi Cửu Hoa cho ngài. Ông còn xây một ngôi chùa và cho con ông xuất gia theo ngài, pháp danhĐạo Minh. Sau này ông cũng xuất gia theo. Từ đó núi Cửu Hoa trở thành một trung tâm nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng. Ngày 30 tháng 7 năm 729, ngài ban lời giáo huấn cuối cùngcáo biệt đồ chúng, ngồi kiết già an nhiên thị tịch, thọ 99 tuổi. Ba năm sau, nhục thân của ngài chẳng hư hoại, tay chân mềm mại như lúc còn sống. Dựa trên hành trạng lúc ngài còn sống, mọi người đều nhận định ngài chính là Địa Tạng Bồ Tát thị hiện.

[4] Đay (hemp) chính là cây gai, ta thường lấy sợi nó để dệt bao bố, hoặc làm những sợi dọc để kết những sợi cói (người miền Nam thường gọi là Lác) thành chiếu.

[5] từ Sơ Địa Bồ Tát trở đi mới được gọi là Địa Thượng

[6] Nguyên văn: Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan

[7] Nguyên văn: Sanh bình đẳng tâm, trình hỷ duyệt tướng

[8] nghĩa là một trượng vuông = 10.89 m2
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57132)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.