- Lời Nói Đầu
- Tổng Luận
- Phiên Dịch Và Chú Sớ Kinh Duy Ma
- Phẩm 1 Phật Quốc
- Phẩm 2 Phương Tiện
- Phẩm 3 Thanh Văn
- Phẩm 4 Bồ Tát
- Phẩm 5 Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh
- Phẩm 6 Bất Tư Nghì
- Phẩm 7 Quán Chúng Sinh
- Phẩm 8 Phật Đạo
- Phẩm 9 Nhập Bất Nhị Pháp Môn
- Phẩm 10 Phật Hương Tích
- Phẩm 11 Bồ Tát Đạo
- Phẩm 12 Kiến Phật A Súc
- Phẩm 13 Pháp Cúng Dường
- Phẩm 14 Chúc Lụy
LƯỢC GIẢI
KINH DUY MA
Thượng Tọa Thích Trí Quảng
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn
PHIÊN DỊCH VÀ
CHÚ SỚ KINH DUY MA
Kinh Duy Ma nguyên tên là Vimalakirti Nirdesa được lưu truyền từ Ấn Độ sang Tây Vực, Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt về mặt tư tưởng giáo lýù đã biểu hiệu đặc sắc về văn học cho đến nghệ thuật, cũng như xã hội cho đến lịch sử giáo hội, mà ngày nay hãy còn được chú ý.
Tư tưởng Duy Ma là căn bản cho tư tưởng Trung đạo của Long Thọ và cũng là căn bản cho giáo nghĩa của các tông phái như Tịnh độ tông, Mật tông, Địa Luận tông, Thiên Thai tông, Thiền tông, Pháp Tướng tông. Tuy nhiên, đến nay thông thường người ta vẫn xem kinh này là của Thiền tông. Và thực tế thì về mặt sắc bén của giáo lý, kinh này đã phát huy được tính đại biểu về Thiền tông của Phật giáo Đại thừa. Do đó, kinh Duy Ma quan hệ chặt chẽ với Thiền tông qua suốt các quá trình truyền bá.
Điều đó thấy rõ nhất ở Trung Quốc, Triều Tiên. Sau đây lược qua các điểm chủ yếu :
- Tư tưởng Trung đạo : Đây là ý nghĩa bao quát toàn bộ kinh, thực hành tư tưởng này là “Hạnh Bồ tát” như được hiển thị trong “Tận, vô tận giải thoát”, “Bất tận hữu vi, bất tận vô vi”. Toàn thể kinh toát ra tính chất của hạnh Bồ tát, đặc biệt được nói rõ trong nửa phẩm Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thăm bệnh và phẩm 11 Bồ tát đạo.
- Tinh thần giới luật : Các vấn đề “tọa cụ” tác pháp trong khi ăn, vấn đề nam nữ căn để phát xuất từ bản vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni của Tiểu thừa giới tiến triển đến Đại thừa giới hoặc Bồ tát học xứ. Vì kinh Duy Ma xuất hiện trong bối cảnh sau Phật nhập diệt 100 năm. Đó là lúc mà giáo đoàn khởi xướng tư tưởng cải cách, nên kinh Duy Ma mang tinh thần phóng khoáng để triển khai vấn đề giới luật theo nghĩa của Niết bàn và Phật tánh luận.
Kinh Duy Ma được phiên dịch ra Hán văn trước sau 6 lần, hiện còn 3 bản dịch sau :
1.- Chi Khiêm đời Ngô dịch “Phật thuyết Duy Ma Cật kinh” 2 quyển.
2.- Cưu Ma La Thập đời Dao Tần dịch “Duy Ma Cật Sở Thuyết kinh” 3 quyển.
3.- Huyền Trang đời Đường dịch “Thuyết Vô Cấu Xưng kinh” 6 quyển.
Trong đó bản dịch của La Thập được phổ biến và truyền bá sâu rộng hơn cả. Về vấn đề nghiên cứu kinh Duy Ma hiện nay, vì nguyên bản tiếng Phạn không tìm thấy, nên ngoài bản dịch tiếng Tây Tạng, chủ yếu đều lấy Hán dịch làm cơ sở.
Về chú sớ, có thể nói “Chú Duy Ma” của Tăng Triệu cho đến nay vẫn được coi là tác phẩm tiêu chuẩn về giải thích kinh Duy Ma.
Ngoài ra, có “Duy Ma kinh sớ” gồm quảng sớ và lược sớ của Thiên Thai, “Duy Ma kinh Nghĩa Ký” của Tịnh Ảnh, “Tịnh Danh Huyền luận” của Gia Tường, “Thuyết Vô Cấu Xưng kinh sớ” của Từ Ân và “Duy Ma kinh nghĩa sớ” của Thánh Đức thái tử là những tác phẩm đại biểu. Trong số các tác phẩm chú sớ kể trên chỉ có Từ Ân sử dụng bản tân dịch, còn ngoài ra đều dựa vào bản cựu dịch của La Thập.
Gần đây, kinh Duy Ma đã 4 lần được dịch sang tiếng Âu Mỹ. Lần thứ nhất năm 1897 và 1898, Đại Nguyên Gia Cát đã dịch ra Anh văn, đăng tải liên tục trong The Hansei Zasshi.
Lần thứ hai do Hòa thượng Tuyền Phương Hoàn dịch ra Anh văn, đăng tải liên tục trong Eastern Buddhist hoàn toàn dịch xong 14 phẩm.
Lần thứ ba, giáo sư Jacob Fischer của Trường phổ thông Trung học Niigala, năm Chiêu Hòa thứ 19 với sự cộng tác của Hoàng Điền Vũ Tam đã dịch ra tiếng Đức.
Lần thứ tư, năm Chiêu Hòa thứ 37, giáo sư Etienne Lamotte dùng bản dịch tiếng Tây Tạng và tham chiếu bản Hán dịch của Huyền Trang đã dịch ra tiếng Pháp. Tên các dịch bản kể trên như sau :
-Bản dịch của Đại Nguyên : The Vimalakirti Nirdesa Sutra (The discourse of the Wonderous Law of Emancipation).
-Bản dịch của Tuyền Phương: The Vimalakirti Sutra, Vimalakirti’s Discourse on Emancipation.
-Bản tiếng Pháp: L’Enseignement du Vimalakirti (Vimalakirtinirdésa).
Riêng bản sau cùng của Lamotte có sử dụng đối chiếu Tây Tạng và bản Hán của Huyền Trang đã dịch và chú giải (Traduite et Annotée).
Mùa An cư PL. 2543-1999
Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG