BÁT NHÃ TÂM KINH
HT. Thích Tuyên Hoá Lược Giảng
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Hằng Đạt
"Vô khổ tập diệt đạo, (không có khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế)".
"Chư khổ bức
bách các tương công
Tụ tập chiêu cảm
tự bất đồng
Duy diệt khả chứng
cứu cánh lạc
Thị đạo ưng tu ngộ
pháp không
Tam chuyển tứ đế
pháp luân vận
Thất giác bát
chánh ý niệm cần
Nhất đản quán
thông thành thánh quả
Thiên chân hữu dư
nãi hóa thành
Dịch :
Bao khổ bức bách
cùng công kích
Tụ tập chiêu cảm
tự không đồng
Tánh diệt khả
chứng tột an lạc
Là đạo nên tu ngộ
pháp không
Chuyển ba lần xe
pháp tứ đế
Bảy giác tám chánh
ý nệm cần
Một lần quán thông
thành chánh quả
Lệch chân hữu dư
vẫn hoá thành".
Câu :"Không khổ
tập diệt đạo", là pháp tu hành của Thanh Văn, tức là pháp Tứ Đế. Sao gọi
là Thanh Văn ? Thanh Văn tức nghe âm thanh của Phật mà ngộ đạo, nên gọi là
Thanh Văn. Đây là những vị được Phật giáo hóa đầu tiên nhất, vì là những vị có
cơ duyên tiểu thừa. Khi Phật vừa mới thành đạo, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm,
nhưng những người tiểu thừa tuy có mắt mà không thấy được, có tai mà không nghe
được. Tại sao có mắt mà không thấy được ? Vì pháp này rất vi diệu, cao siêu,
quảng đại. Vì quá vi diệu nên người nhị thừa không thể hiểu rõ diệu pháp này.
Do đó, bảo rằng thật không thể nghĩ bàn. Khi ấy Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân
Phật Tỳ Lô Giá Na cao ngàn thước. Người nhị thừa như những đứa bé nhỏ, vì thân
Phật quá cao nên họ không thể thấy được. Do đó "Ngưỡng chi di cao, toản chi
di kiên, chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu", nghĩa là ngẫng đầu lên nhìn
không thấy tới đâu, khoan xống nhưng quá cứng, nhìn thấy hiện đằng trước nhưng
đột nhiên lại thấy chạy đằng sau. Ánh sáng từ đằng sau chiếu đến mà họ lại chạy
đuổi theo đằng trước. Ánh sáng chiếu bên trái, lại chạy qua bên phải. Giống như
hào quang của Phật Thích Ca Mâu Ni, phóng qua bên trái, ngài A Nan chạy qua bên
phải xem. Phật phóng hào quang qua bên phải thì ngài A Nan lại chạy qua bên
trái mà xem. Nhìn thấy ánh sáng đằng trước, nhưng đột nhiên lại hiện ra đằng
sau. Vì pháp này thật không thể nghĩ bàn, người nhị thừa không có cách gì để
chiếu cố (chấp nhận), hay hiểu rõ. Do đó, có tai mà không nghe được pháp viên
đốn, vì quá thâm sâu, nên không thể minh bạch. Đức Phật ẩn pháp đại thừa mà thị
hiện pháp tiểu thừa, nên chỉ hiện thân lão tỳ kheo một thước sáu tấc để thuyết
pháp Tứ Diệu Đế. Pháp Tứ Diệu Đế là khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế. Phật ba
lần chuyển pháp luân Tứ Đế. Lần thứ nhất là thị chuyển. Lần thứ hai là khuyến
chuyển. Lần thứ ba là chứng chuyển. Chuyển tức là vận chuyển, như bánh xe luân hồi
trong sáu đường, chuyển đến chuyển lui, nên gọi là ba lần chuyển pháp Tứ Diệu
Đế. Ba chuyển, lần thứ nhất là thị chuyển, tức Phật nói đây là khổ, tánh bức
bách, đây là tập, tánh chiêu cảm, đây là diệt, tánh có thể chứng, đây là đạo,
tánh có thể tu.
Lần thứ hai là
khuyến chuyển, đây là khổ, các con nên biết, đây là tập, các con nên đoạn, đây
là diệt, các con nên chứng, đây là đạo, các con nên tu.
Lần thứ ba là chứng
chuyển, đây là khổ, các con nên biết, ta đã biết, không cần phải biết thêm nữa.
Các con phải biết, còn Ta đã từng biết qua rồi. Ta không cần đem đầu mà đặt lên
đầu nữa. Đây là tập, các con nên đoạn; Ta đã đoạn rồi, không cần phải đoạn thêm
nữa. Ta bảo các con nên đoạn, còn Ta đã đoạn hết rồi, không cần phải đoạn thêm
nữa. Đây là diệt, các con nên tu chứng; Ta đã chứng rồi, không cần phải chứng
nữa; Ta đã chứng được diệt, và pháp Niết Bàn an lạc rồi, không cần phải chứng
thêm nữa, chỉ đợi các con chứng lấy. Đây là đạo, các con nên tu; Ta đã tu rồi,
không cần tu nữa. Đấy là chứng chuyển, chứng minh tự đức Phật đã chứng đạt, nên
Ngài bảo chúng ta phải y theo đó mà tu hành. Nếu tự chính Ngài chưa chứng đắc
thì không thể bảo chúng ta tu hành.
Tứ Diệu Đế. Thứ
nhất là khổ đế.
"Nầy các khách
trần ! Các ngươi hãy mau đi khỏi ! Nếu các ngươi không đi, Ta thật rất
khổ."
Khách trần nếu
không đi khỏi thì mình phải chịu khổ. Khách trần nếu đi khỏi thì khổ giảm thiểu
dần dần.
Khổ có ba loại
khổ, tức khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Lại có tám khổ, tức sanh già bệnh chết
khổ (bốn loại khổ này từ thân phát xuất). Bên ngoài cũng có bốn loại khổ tức là
khổ vì thương nhau mà xa lìa, khổ vì gần những người mình oán ghét, khổ vì cầu
không được, khổ vì năm ấm tăng giảm hừng thạnh. Ảnh hưởng cảnh bên ngoài lại có
vô số khổ đau.
"
Khổ đế thật rất
nhiều, chúng luôn công kích, gây chiến tranh, nên khiến cho con người bị bức
bách không thể nhẫn chịu được, cơ hồ khí lực đều bị khổ chặt đứt đoạn. Khách
trần đến, cái gì cũng đến, bảy tầng tám lớp. Sáu trần bên ngoài cùng sáu thức
bên trong đồng đến tấn công chư vị. Mỗi việc khổ đều khiến chư vị quá khổ rồi, mà
khổ lại chồng chất lên khổ. Ba loại khổ cũng đến bức bách, vô số khổ cũng đến
bức bách. Tất cả khổ đều đến bức bách con người, nên gọi là "chư khổ bức bách
các tương công, (bao khổ bức bách đồng công kích)".
Tập đế là tập họp
tất cả phiền não. Phiền não so với khách trần còn lợi hại hơn nhiều. Khách trần
chỉ là hình thức khiến chúng ta thọ khổ bên ngoài thôi, nhưng chúng có thể khiến
cho phiền não công kích chúng ta từ bên trong. Tại sao có phiền não ? Phiền não
vốn là ông chủ của chúng ta, hiện nay đang diêu động. Bị gì mà diêu động ?
Phiền não bị khách trần làm náo động. Lại vì không biết ông chủ của mình, nên
phát khởi bực tức nóng giận, tức là phiền não.
Tôi không muốn
giảng về phiền não. Tại sao ? Vì nếu tôi giảng thì chư vị sẽ thấy phiền não sao
quá nhiều. Lúc không giảng, chư vị không biết phiền não có ít hay nhiều, lại vì
không biết nên phiền não tùy tiện phát khởi, không biết không rõ để cho chúng
đi qua. Nếu tôi giảng rõ, thì chư vị nói :"Đấy là phiền não à !"
Chính là chúng.
Phiền não này chồng chất lên phiền não khác. Vì vậy, tuy giảng giải và thuyết
pháp đã lâu mà tôi ít giảng về phiền não. Tôi đã từng nghe chư vị giảng về
phiền não rồi. Có phải chư vị bảo là có tám muôn bốn ngàn phiền não không ?
Không sai ! Tôi cũng đã giảng qua tám muôn bốn ngàn phiền não rồi. Tám muôn bốn
ngàn phiền não thật quá nhiều, mà tôi chưa giảng từng danh tự của mỗi phiền
não. Nay, tôi sẽ kể rõ danh tự của phiền não cho chư vị nghe.
Nhưng nay đã đến
lúc phải giảng, cơ duyên thành thục rồi. Hôm nay tôi sẽ giảng từng chi tiết về
tên của phiền não. Phiền não có ít hay nhiều ? Có hai mươi loại phiền não. Hai
mươi loại phiền não này gọi là tùy phiền não. Tùy tức là cân tùy (đi theo). Đi
theo ai ? Chúng đi theo tôi và chư vị. Tôi và chư vị đi đâu thì chúng đi theo
đó. Lại nữa, có sáu phiền não. Chúng là gì ? Tức là sáu phiền não căn bản. Hai
mươi tùy phiền não cũng là tiểu phiền não, trung phiền não, và đại phiền não.
Tiểu phiền não có nhiều hay ít ? Có mười loại. Trung phiền não có hai. Đại
phiền não có tám. Đối với hai mươi loại phiền não này, chư vị hãy nói xem chúng
là nhiều hay ít ?
Sao gọi là tiểu
phiền não ? Tôi vốn muốn miêu tả hình dung phiền não cho chư vị xem, nhưng vì
tốn rất nhiều thời gian nên tôi chỉ nói đơn giản thôi.
Thứ nhất là phẫn. Phẫn
tức là phẫn nộ bất bình.
Thứ hai là hận.
"Tôi hận chư vị. Hận đáo để, thấu trời". Nhưng sao lại gọi là hận ?
Hận tức là ngược lại với luyến ái. Sao chư vị lại hận người khác ? Vì thương
họ, nhưng không thành nên trở lại oán hận. Tôi có cô đệ tử. Trước khi xuất gia,
cô ta có bạn trai. Nghe cô ta đi tu nên anh chàng trở nên oán hận cô này. Vì
vậy, anh ta gọi điện thoại đến chùa nói với cô ấy:" Tôi rất oán hận
cô."
Thứ ba là lợi hại,
tức là không những oán hận mà còn não hại nữa. Não tức là khổ não, hay cũng là
phiền não, hoặc não oán. Tất cả đều không tự tại. Sao gọi là não ? Não tức là
óc não, hay đầu não.
Thứ tư là phục,
nghĩa là phục tàng (che giấu), cái tàng. "Thiên phục địa tàng (trời che
đất chứa)". Phục tàng (che giấu) còn lợi hại hơn phiền não, phẫn hận nữa.
Phẫn hận phát xuất ra ngoài, còn che giấu thì không nói không ai biết, chỉ tự
giấu kín thôi, nên gọi là che giấu. Che giấu tổn hại chính mình rất nhiều,
khiến sanh bệnh loét bao tử. Người Mỹ bị bệnh này rất ít, nhưng người Tàu thì
rất nhiều, cho đến người xuất gia lại càng nhiều hơn nữa. Tại sao ? Vì họ
thường che giấu, giữ kín trong bụng, không để cho người khác biết rằng họ có
phiền não mà lại che giấu, không dám để lộ ra ngoài. Do đó bên trong sanh bệnh
loét bao tử. Nếu ai bị bệnh này thì chư vị biết chắc rằng người đó có che giấu
phiền não chi trong bụng. Đây là cách giảng pháp rất chính xác. Tôi nói rõ, cặn
kẻ cho chư vị nghe về loại phiền não này rồi đó !
Thứ năm là cuống
(nói dối). Kế bên chữ ngôn là chữ cuồng (vọng). Phục tàng (che dấu) khiến người
khác không biết. Vã lại, không có người hỏi, và là việc không quan trọng, nên
chỉ cố giữ kín. Cuống tức là vọng ngữ (nói láo). Vốn có phiền não, nhưng khi
người khác hỏi :"Vì sao anh sanh phiền não ?"
Đáp :"Không !
Tôi đâu có sanh phiền não ! Ai sanh phiền não vậy ?"
Họ hỏi lại người
đó. Tự họ bị vô minh phiền não đốt cháy rực cả trời đất, mà khi chư vị hỏi thì
họ nói láo và bảo rằng không có phiền não. Vì vậy tôi không muốn giảng cho chư
vị nghe vì sợ đến lúc đó thì sẽ nói láo. Nếu tôi không giảng, lại không biết
phương pháp, thì làm sao chư vị tránh khỏi lỗi nói láo ! Đầu tiên thì che giấu,
đến cuối cùng thì lại nói láo.
Thứ sáu là siểm mị
(nịnh bợ). Sao gọi là nịnh bợ ? Người thường hay nịnh bợ tức là trong tâm rõ
ràng không thích người kia, nhưng khi gặp họ thì liền nói lời khen tán tụng, ngọt
ngào. Hiện tại gọi là "vuốt đuôi ngựa". Giống như kẻ nghèo hèn, thấy
người giàu có liền chào đón :"A ! Trương tiên sinh, xin hỏi thăm Ngài đi
đâu vậy ?"
Đó là lời nịnh hót
tổng quát.
Thứ bảy là kiêu
ngạo. "Chư vị giàu sang thì mặc chư vị. Việc của tôi thì tôi lo. Việc của
chư vị thì chư vị tự lo. Trên thế giới này, tôi là đệ nhất. Thân thể tôi lớn tựa
như núi Tu Di. Tại sao tôi phải khách sáo với chư vị ? "
Ở trên là nịnh
hót, còn ở đây thì không nịnh hót người khác. "Chư vị hãy lo vuốt đuôi kẻ
khác đi, còn tôi thì xem thường họ."
Do đó biến thành
kiêu ngạo.
Thứ tám là hại,
nghĩa là tổn hại. "Chư vị có tiền có thế lực. Một nhát đao của tôi là chư
vị lìa đời, xem coi chư vị dùng tiền và thế lực như thế nào?"
Đó là hãm hại
người khác, mà không phải kiêu căng ngạo mạn, chỉ là nghĩ tưởng, tức là trong
tâm muốn hãm hại người khác.
Thứ chín là đố kỵ.
"Vì đời trước tôi không bố thí nên không có. Chư vị ai ai cũng có hết,
nhưng không biết ăn cắp từ chỗ nào ?"
Như tôi đã giảng ở
trên là rất nhiều người có tâm đố kỵ. Chư vị đố kỵ, ganh ghét họ. Họ đố kỵ ganh
ghét chư vị. Nhưng chư vị không biết rằng đố kỵ phát sanh từ đâu. Vì không biết
nó phát sanh từ đâu nên tôi nói là chư vị ăn cắp nó. Vì không biết nó từ đâu
đến nên giống như là ăn cắp vậy. Chư vị không biết nó, nên nay tôi sẽ chỉ cho.
Thứ mười là san
tham (keo kiệt). Gọi keo kiệt là vì xả bỏ không được, không dám bố thí. Có một
đồng xu nào thì giữ gìn nắm chặt trong bàn tay. Bóp chặt mãi cho đến khi nó
biến thành nước luôn. "A ! Tiền tôi mất rồi ! Tôi không thể dùng được nữa,
vì nó biến thành nước rồi !"
Trên đây là mười
tiểu phiền não.
Hai trung phiền
não là gì ? Đó là vô tàm và vô úy, nghĩa là không biết tàm úy (hổ thẹn). Chữ
tàm có chữ tâm một bên, và kế bên là chữ trảm tức trảm đầu (chém đầu). Chém đoạn
phiền não, cũng là nói về chữ sát (giết). Đối với phiền não này, chính tâm mình
sai quấy mà không nhận là mình sai. Như bảo rằng chư vị đã giết người thì chính
là phạm pháp. Tự chư vị biết mình đang giết hại chúng sanh, mà lại không biết
sám hối sửa đổi.
Chữ tàm nghĩa là
chư vị lý ra phải chém đứt phiền não, mà lại không làm, nên gọi là vô tàm. Tâm
giết hại còn nằm ẩn bên trong, không biết tự sửa đổi, nên gọi là vô tàm (không
hổ thẹn). Sao gọi là hổ thẹn ? Nghĩa là không thể đối mặt nhìn người khác. Chư
vị làm việc không quang minh chính đại, nên không dám nhìn mặt người khác. Nhưng
chư vị lại không nhận rõ việc đó là không đúng. "Có quan hệ gì đâu ?"
Tạo việc sai trái
rồi tự mình làm luật sư biện hộ cho mình, bảo rằng tôi có lý do này lý do nọ,
chân thật đúng đắn. Đó là vô tàm (không hổ thẹn).
Quý. Sao gọi là
quý ? Bên phải của chữ quý là chữ quỷ, tức quỷ thần; nghĩa là tâm chư vị không
quang minh chánh đại. Vì không quang minh mà chư vị cho là đúng, nên gọi là
quý. Quý tức là quý cứu, tựa như tâm chư vị có thiếu sót chi, không thể đối mặt
với người, nhưng khi ấy lại không dám nói là mình không thể đối mặt với người,
nói :"Tôi có làm gì sai trái đâu !"
Vô tàm, vô quý
(không hổ thẹn), là hai phiền não của trung phiền não.
Lại có tám loại
tùy phiền não lớn. Thứ nhất là bất tín. Chư vị không nghĩ rằng bất tín không
phải là phiền não à ! Chư vị có giảng gì đi nữa, họ cũng không tin là không
đúng. Càng nói càng không tin. Tổng quát, dầu chư vị có nói gì đi nữa, họ cũng
vẫn không tin. Chư vị bảo rằng trên trời mưa hoa rơi khắp đất, dưới đất hoa sen
vàng phóng vụt lên. Dầu đang nghe nhưng họ vẫn giả bộ như không nghe. Chư vị
giảng giải có lý lẽ, họ không tin. Chư vị giảng giải không có lý lẽ, họ lại
càng không nghe thêm. Chư vị giảng một việc nhiều lần, nhưng họ không tin. Chư
vị giảng việc đó ít lần, họ cũng không tin. Giảng nhiều họ không tin. Không
giảng họ cũng không tin. Giảng về lý không, họ không tin. Giảng về lý chẳng có
không, họ cũng không tin. Nói chung, tông chỉ, đường hướng của họ là không tin
gì hết.
Tùy phiền não lớn
thứ hai là giãi đãi, tức là làm biếng. Đâu có ai nghĩ rằng làm biếng là tùy
phiền não lớn. Sao gọi là giãi đãi ? Giãi đãi, làm biếng nghĩa là không chuyên
cần học Phật pháp. Cho dầu làm việc gì cũng giãi đãi. Thậm chí ăn cơm cũng làm
biếng nữa. Ăn một muỗng rồi đợi đến năm phút sau mới ăn muỗng thứ hai. Khi ngủ
cũng làm biếng, mộng mị. Khi nào họ mới không làm biếng ? Chỉ khi đánh cờ bạc
thì họ mới có tinh thần.
Có người, đối với
Phật pháp rất giãi đãi, tu hành cũng rất giãi đãi. Không những tự làm biếng mà
lại ảnh hưởng đến những người khác nữa. Không những ảnh hưởng xấu mà họ cũng
lại không muốn người khác làm việc nữa. Như tôi có một đệ tử, ngủ mãi cho đến
tám giờ sáng. Tại sao ? Vì người ngủ bên cạnh phòng thức dậy sớm, nên hắn chạy
qua phòng đó ngủ tiếp. Đó là một loại làm biếng. Loại làm biếng này phát sanh
ra một loại phiền não. Hắn biết chư vị đều tu hành, nên nói :"Tôi không
muốn tu hành. Tôi muốn chư vị không tu hành như tôi. Chư vị nỗ lực hai ngày,
nhưng đến ngày thứ ba nên làm biếng đi !"
Hắn đã làm biếng
rồi mà lại gây ảnh hưởng đến những người khác nữa.
Tùy phiền não lớn
thứ ba là phóng dật. Sao gọi là phóng dật ? Phóng tức là phóng khai (mở toang).
Dật tức là tản mác. Phóng dật tản mác cũng là không thủ quy củ, luật lệ. Không những
không giữ quy củ mà lại còn hy vọng người người đều không giữ quy luật. Chính
họ thích uống rượu, cũng muốn mọi người đều đến biển rượu để uống. Họ thích việc
gì liền rủ kéo người khác đi theo. Họ muốn nhảy đầm, liền kéo mọi người đi
theo. Họ thích đi xem chiếu bóng, liền kéo mọi người mà họ quen biết đi xem. Họ
thích xuống địa ngục, liền kéo mọi người xuống địa ngục. Họ thích làm ngạ quỷ,
nói :"Làm ngạ quỷ hay lắm. Chư vị hãy mau đi theo tôi !", nên dẫn tất
cả thân bằng quyến thuộc đi vào đường ngạ quỷ. Họ muốn loài loài vật, nói
:" Tôi làm người hay làm chó cũng được, nhưng làm chó lại hay hơn. Chư vị
thấy mấy con chó, chúng đâu cần phải làm việc, mà lại có người hằng ngày cấp
cho đồ ăn, được người che chở bảo hộ. Vậy có vui lắm không !"
Không những muốn
làm chó mà lại khiến thân bằng quyến thuộc nhập vào dòng chó nữa.
Thứ tư là hôn
trầm. Mọi người phải nên tránh đi. Nghe giảng kinh, ngồi tọa thiền, họ đều nhập
định cả, nhưng kỳ thực là hôn trầm, nói :"Tôi nghe giảng kinh rất rõ ràng.
Đầu tôi chỉ nghiêng xuống, muốn làm bạn với đôi chân thôi".
Đó là hôn trầm.
Hôn trầm cũng là khi chư vị làm bất cứ việc gì mà tinh thần không thể khởi lên
được, nên muốn ngủ. Nói rằng ngủ, nhưng không giống ngủ. Bảo rằng không ngủ, lại
không tỉnh táo. Nghe giảng "Như thị ngã văn (tôi nghe như vầy)", nói
:"Tôi đâu có nghe gì đâu !".
Đó gọi là hôn
trầm.
Thứ năm là trạo
cử. Trạo nghĩa là nghiêng qua một bên. Cử là khởi cử dậy. Như đang nghe kinh,
đầu chư vị lại động đậy. Đây không phải như ngài A Nan, vì muốn xem hào quang của
Phật Thích Ca, nên nghiêng đầu qua phải trái để xem. Nếu tự mình động đậy cũng
không biết ai bảo mình động đậy, thì đó gọi là trạo cử. Nếu tâm luôn bị phiền não
thì phát sanh trạo cử. Một khi phiền não phát sanh, thì tâm không an, không
biết chi là hay là dở, nghe giảng kinh mà không để ý đến, ngồi thiền mà cảm
giác như thân đang ngồi trên bàn châm, thống khổ, đau nhức. Tâm bất an lạc cũng
gọi là trạo cử. Chư vị hãy xem, nếu tôi không giảng thì chư vị không biết những
tật xấu này, nhưng nó chính là phiền não lớn trong tám thứ tùy phiền não. Chư
vị hãy nói xem trạo cử là gì ? Chư vị bảo trạo không phải là trạo sao? Cử không
phải là cử sao ? Nếu chư vị trạo mà không trạo, đó là cử. Không cử, chính là
trạo.
Thứ sáu là thất
niệm. Thất nghĩa là mất. Thất niệm tức là quên mất chánh niệm. Hoặc giả chư vị
nói rằng thất niệm chính là không còn vọng tưởng, vậy rất tốt. Tại sao có phiền
não ? Chỉ vì quên mất chánh niệm. Tựa như chư vị muốn niệm Phật, nhưng khi niệm
đến câu thứ ba "Nam mô A Di Đà Phật", thì tuy niệm mà quên mất chánh
niệm. Chư vị muốn tụng chú Lăng Nghiêm, niệm câu "Diệu trạm tổng trì bất
động Tôn, thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu ... A ! Lại đến câu gì ?"
Giống như tụng
kinh, niệm chú, tụng niệm đến lúc mọi người đều dừng lại hết, không biết niệm
đến chỗ nào. Đây không phải hiển thị là chư vị nhập định, như vậy là gì ? Đó là
quên mất chánh niệm. Niệm kinh, niệm chú, dần dần quên mất chánh niệm, lại
không phải là chư vị đều không niệm, mà niệm không ra tiếng, mọi người đều nhập
vào tam muội (định), không âm thanh. Đấy là chư vị quên mất chánh niệm.
Thứ sáu là không
có chánh tri kiến (bất chánh tri). Không có chánh tri tức là tà tri tà kiến.
Không có chánh tri chánh kiến, việc đúng bảo là sai, việc sai bảo là đúng,
trắng bảo là đen, đen bảo là trắng, việc tốt bảo là hư hoại, việc hư hoại bảo
là việc tốt. Như tôi có vài đệ tử thường nói :"Ăn nhiều là hành khổ
hạnh".
Thế nên, họ ăn
nhiều thục mạng, mà lại bảo đó là hành khổ hạnh. Họ giống như những người mà
tôi đã giảng ở bên trên. Họ bảo :" Tôi không màng, không quản chư vị. Khổ hạnh
của chư vị là khổ hạnh. Muốn làm gì thì cứ làm".
Hôm nay tôi nói
cho chư vị biết đó đều là tà tri tà kiến.
Thứ tám là tán
loạn. Tán loạn tức là không có định lực, cũng là lo ra, để tâm chạy ra ngoài,
như dùng kiếng để rọi người. Chiếu kiếng bên phải bên trái, soi này soi nọ,
chiếu người này người nọ, mà không tự chiếu chính mình. Đó là không có định
lực, nên gọi là tán loạn. Thiền định trị tâm tán loạn.
Bên trên đã giảng
hai mươi loại tùy phiền não, lớn có tám loại, trung có hai loại, nhỏ có mười
loại, cộng thành hai mươi.
Đối với sáu phiền
não căn bản, tôi tin rằng chư vị rất quen thuộc, có thể nói chúng là những
người bạn rất thân thiết với chư vị. Thứ nhất là tham. Tôi tham lam, chư vị
tham lam. Tham tuy là giống nhau, nhưng cũng bảo là khác nhau. Tại sao khác nhau
? Chư vị tham nhiều, còn tôi tham ít. Chư vị tham ít, còn tôi thì tham nhiều.
Mỗi người đều có cái tham của chính mình. Tham lam hại chúng ta rất nhiều. Tại
sao ? Chư vị vẫn chưa biết rõ sự tổn hại của tham lam. Tại sao cho đến hôm nay,
chư vị vẫn chưa thành Phật ? Có phải vì còn ngu si, không có đủ trí huệ phải
không ? Tham lam không bao giờ biết đủ. Cái gì cũng không sợ nhiều như tiền bạc,
vật chất, hình trạng, phiền não, càng có chừng nào thì càng tốt chừng đó. Như
cách dụng binh của Hàn Tín đời Hán, ông bảo rằng càng dùng binh lính nhiều
chừng nào thì tốt chừng đó. Đó là biểu hiện cho sự tham lam.
Thứ hai là sân
hận, giận tức. Sân hận tức là vô minh, cũng là sự giận nổ lên như pháo bông.
Pháo bông còn nhỏ lắm. Hiện tại có bom nguyên tử và bom khinh khí đều đã được phát
minh ra, vì do oai lực của tâm vô minh, sân hận. Sân hận cũng là loại nóng
giận, tức tối.
Thứ ba là si mê.
Tại sao chúng ta thường làm việc sai lầm ? Chỉ vì ngu si mà khiến cho chúng ta
làm những việc không đáng làm, học những gì không đáng học. Ví như ngày nay có
một số thanh niên thường thích hút thuốc phiện, vốn không nên hút mà lại hút.
Càng hút càng ghiền, không biết gì hết, lại hút thêm. Tại sao ? Vì do ngu si.
Họ nghĩ rằng hút thuốc phiện thì nhất định sẽ phát hiện ra việc kỳ lạ, như Kha
Luân Bố phát hiện ra Tân thế giới. Chư vị hãy nói xem, đó có ngu lắm không ?
Ngu si khiến cho họ điên đảo.
Thứ tư là ngã mạn
hay kiêu mạn, là một loại phiền não.
Thứ năm là nghi
hoặc, tức sanh tâm không tin. Việc gì cũng hoài nghi hết. Nghi thần nghi quỷ,
nghi đúng, nghi sai, nghi mình nghi người. Đối với chính mình cũng hoài nghi.
Đối với người khác cũng hoài nghi. Đạo lý chân thật chính xâc hay không chân
thật chính, đều hoài nghi hết.
Thứ sáu là tà kiến
tức tri kiến không chánh đáng, chỉ giữ tà tri tà kiến.
Hôm nay tôi giảng
về phiền não. Tôi hy vọng mọi người đều dứt tận, đừng nhận chúng làm thân thuộc
hay bạn hữu. Phải nên dẹp trừ chúng, Chớ để chúng tạo thêm nghiệp tội. Chư vị
giúp đỡ phiền não, phiền não giúp chư vị tạo nghiệp tội. Chư vị chuốc lấy
nghiệp tội vào thân mà phiền não "ta bà ha" không quản chư vị. Chúng
không quản là chư vị thọ nghiệp tội hay không thọ nghiệp tội, thọ quả báo hay
không thọ quả báo. Khi thọ quả báo, phiền não chạy mất. Khi chư vị đọa xuống
địa ngục, phiền não cũng không đi theo.
"Tụ tập chiêu
cảm tự bất đồng, (tụ hội chiêu cảm tự không đồng)".
Căn bản phiền não
có sáu loại. Tùy phiền não có hai mươi loại. Chúng thuộc về Tập Đế của Tứ Đế.
Tập đế tức là tập hợp, chiêu cảm phiền não. Phiền não khiến chư vị không thể
đạt đến trí huệ chân chánh. Nếu muốn đắc được trí huệ chân chánh, trước tiên
chư vị phải hàng phục được phiền não. Trước khi hàng phục phiền não, chư vị
phải nhận rõ chúng là phiền não, nếu không thì chư vị hàng phục cái gì ? Ví như
muốn giết kẻ cướp, thì phải biết hang ổ của chúng ở đâu. Phải nhận ra mặt mũi của
chúng. Nếu không thể nhận diện được thì thì khi đối diện với chúng, chư vị lại
kết bạn với chúng. Tại sao ? Vì chư vị không nhận rõ là chúng ăn cắp tài vật,
châu báu của mình. Phiền não cũng như thế. Chư vị phải nhận ra chúng thì sau
này mới không bị chúng chuyển. Phải nên hàng phục chúng.
Diệt đế. Diệt đế nghĩa là như như bất động.
"Tánh diệt khả chứng cứu cánh lạc, (tánh diệt khả chứng tột an lạc)".
Nếu chứng được diệt đế tức là chứng đạt chân đế an lạc, gọi là bốn đức của niết bàn, nghĩa là thường lạc ngã tịnh. Đạt đến thường lạc ngã tịnh thì cũng là chứng được quả diệt đế. Nhưng chứng đến quả vị này chỉ là quả vị tiểu thừa của A La Hán, mới đoạn được phần đoạn sanh tử thôi, chưa đoạn hết biến dịch sanh tử, và chỉ chứng được một phần chân lý, mà không phải là diệu quả rốt ráo đại thừa.
Phần đoạn sanh tử là gì ? Phần tức là tôi có một phần, chư vị có một phần, mỗi người đều có một phần. Đoạn tức là tôi và chư vị, mỗi người có riêng một đoạn thân, như thân cao một thước sáu, thước bảy, thước tám v.v...Thế nên, thân của mỗi người cao thấp khác nhau. Từ sanh đến chết gọi là đoạn lạc; từ hôm nay đến ngày mai cũng gọi là đoạn lạc (từng đoạn). Tất cả phàm phu đều có đầy đủ phần đoạn sanh tử này. Người tiểu thừa đã cắt đứt phần đoạn sanh tử nên chứng quả an lạc tịch diệt. Khi chứng đắc quả tịch diệt thì phá được kiến hoặc và tư hoặc. Sao gọi là kiến ? Do chư vị đối trước cảnh giới mà sanh tâm tham lam luyến ái, bị cảnh giới làm mê hoặc. Sao gọi là tư hoặc ? Không hiểu đạo lý nên khởi tâm phân biệt. Đối với đạo lý mà không minh bạch nên sanh tâm phân biệt. Càng phân biệt chừng nào thì càng đi xa chừng đó. Càng đi xa chừng nào thì phân biệt thêm nhiều chừng đó, nên gọi là đi lạc đường.
Chứng đắc quả an lạc tịch diệt thì cắt đoạn được kiến hoặc và tư hoặc, nhưng chưa đoạn hết vô minh, mà chỉ mới hàng phục được thôi. Không những chư A La Hán chưa đoạn được vô minh mà cho đến bồ tát Đẳng Giác vẫn còn một phần sanh tướng vô minh chưa phá hẳn. Thế nên chứng đạt quả vị vô thượng tịch diệt, mà vô minh vẫn còn. Tuy cắt đứt phần đoạn sanh tử mà biến dịch sanh tử vẫn còn tồn tại.
Sao gọi là biến dịch sanh tử ? Biến dịch là tâm niệm sanh khởi của chúng ta. Niệm sau theo niệm trước. Niệm niệm không ngừng. Niệm niệm lưu chuyển. Một niệm sanh khởi tức một lần sanh. Một niệm diệt tức một lần chết. Đó gọi là biến dịch sanh tử. Biến dịch sanh tử này, niệm niệm không dừng, có phải gọi là sanh tử không ? Vì cảnh giới này chưa đạt đến thiền định chân chánh. Định chân chánh nghĩa là một niệm lự cũng không còn. Cảnh giới sơ thiền, tim không còn đập. Cảnh giới nhị thiền không còn hô hấp. Cảnh giới tam thiền, niệm lự đình chỉ. Cảnh giới tứ thiền, dứt niệm, không còn niệm lự, nhưng cảnh giới tứ thiền này cũng chưa phải là chứng quả, bất quá chỉ là quá trình tu đạo thôi, và không phải là tầng bậc cao siêu. Phổ thông, người tu đạo đa số có thể đạt đến cảnh giới này.
Đạo đế. Diệt tức là phải chứng đắc. Đạo là phải nên tu hành. Bàn về vấn đề đạo, đầu tiên chúng ta hãy giải thích chữ đạo trước. Chữ đạo dùng chữ tẩu (đi), tức là chư vị phải đi, phải hành. Nói đến đạo là phải tu hành. Nếu không tu hành thì có lợi ích chi. Phải bước đi mà tu hành. Thế nên, đạo là hành. Không hành thì không phải là đạo. Nếu không tu hành thì chư vị là chư vị, đạo là đạo, không thể hợp nhất. Chư vị phải y pháp mà tu hành, đạo chính là chư vị, chư vị cũng chính là đạo. đạo cùng chư vị vốn không thể tách rời. Chư vị muốn tu đạo không ? Phải nên thật hành, tức là y chiếu theo phương pháp mà thật hành. Cho đến đức hạnh, đức là phải làm, không làm thì sao có đức ? Không thể từ sáng đến chiều chỉ nói "tạo đức, tạo đức, tạo đức", trên môi mép mà thật tế lại không làm. Miệng nói tạo đức mà thân lại tạo nghiệp, thì không có đức gì hết. Vì thế, bảo "Treo đầu heo, bán thịt chó".
Chư vị bảo tạo đức thì phải nên làm. Có muốn tu đạo không ? Nếu muốn thì phải y theo phương pháp mà tu hành.
Ở trên chữ "tẩu" lại có chữ "thủ", cộng thành chữ đạo. Thủ nghĩa là đầu. Tu hành là việc quan trọng nhất trên thế gian. Chư vị muốn chấm dứt sanh tử không ? Nếu muốn thì phải tu đạo. Lại nữa, tuy không muốn cắt đứt sanh tử, mà lại nói rằng không thèm tu hành. Cắt đứt sanh tử rồi thì không còn sợ sanh tử nữa. Người sống đều sợ chết. Cắt đứt sanh tử là không muốn có sanh tử, lại không sợ sanh tử. Nếu muốn chấm dứt sanh tử thì đầu tiên phải tu hành. Thế nên có chữ "thủ" ở bên trên chữ "tẩu". Nếu không tu hành thì không thể chấm dứt sanh tử được.
Đối với chữ "thủ (đầu)", chúng ta hãy phân tích thêm. Trên chữ đầu có hai điểm, nhưng nay tạm để qua một bên, không giảng ngay, mà chỉ giảng về chữ "tự". Tự tức là tự kỷ, nghĩa là phải tự chính mình tu đạo, không thể bảo người khác tu giùm mình. Không thể chỉ nói tu hành mà cắt đứt được sanh tử. Chư vị phải thật sự tạo đức, tự tu, tự lo lắng những việc quan trọng của mình. Trên chữ "tự" có một đường ngang, để dùng chi ? Mọi người trên thế gian đều chỉ có một lần sanh ra. Bắt đầu từ đâu ? Bắt đầu từ một. Có một thì sau này mới có hai. Có hai rồi lại có ba, có bốn, có năm, cho đến vô số trăm ngàn, muôn vạn v.v..., đều từ một mà phát xuất ra. Vì vậy, một là vô số, vô số là một. Nếu không có một thì không có vô số. Nếu không có vô số thì không có một. Tôi giảng như vầy thì cho dầu ai đi nữa cũng không có thể phản đối được. Tại sao ? Vì tôi biết rằng con số trong toán học bắt đầu bằng số một.
Một là vô số, vô số là nhiều. Hiện tại, chúng ta không phải một cũng không phải nhiều, không phải nhiều cũng không phải một. Tại sao biến đổi như thế ? Thật ra cũng không có biến đổi thành số một. Số một này cũng tượng trưng cho một vòng tròn, tiếng Anh là số không. Số không bao hàm xum la vạn tượng. Chân không và diệu hữu đều nằm trong số không. Số không này phát xuất từ đâu ? Nó là biến tướng của số một hay chữ nhất. Chữ nhất này vẽ cong thành một vòng tròn, uốn thẳng lại thành chữ nhất. Số không hay vòng tròn là bổn thể của chữ nhất, lại là bổn thể của tất cả vạn vật trên thế gian, cũng là tạng đại quang minh, tánh Như Lai tạng, và Phật tánh. Phật tánh cũng là chữ nhất và chữ o. Chữ o cũng đại biểu cho tất cả sanh sanh hóa hóa ở trên thế gian, tức chân không diệu hữu, diệu hữu và chân không. Chữ o này không có điểm khởi đầu, cũng không có điểm cuối. Nếu phá chữ không này thì nó liền biến thành chữ nhất (gạch ngang). Gạch ngang (chữ nhất) là gì ? Tức là vô minh. Có một gạch ngang tức là có một phần vô minh. Khi không có gạch ngang thì đó là một vòng tròn. Khi vòng tròn đó không phá được thì đó là tánh tạng Như Lai. Chữ nhất (gạch ngang) là bắt nguồn của sự vô minh, nên bảo rằng một là nhiều, nhiều là một. Một điểm phiền não xuất sanh vô số phiền não. Vô số phiền não xuất sanh từ một điểm phiền não. Tại sao chư vị lại tạo bao việc vụng dại ? Chỉ vì một điểm vô minh. Tạo bao việc vụng dại tức là tạo bao nghiệp tội, mà phiền não cũng từ đó phát sanh ra. Vì thế, chư vị nếu muốn tu đạo thì phải uốn nắn chữ nhất (gạch ngang) thành chữ o, tức vòng tròn, phản bổn hoàn nguyên (xoay về cội gốc). Lúc đó, chư vị có thể xoay về tạng tánh Như Lai, đạt đến chân không diệu hữu.
Một chữ nhất có hai điểm. Hai điểm này là một âm và một dương. Kinh Dịch giảng một âm một dương chính là đạo. Thiếu âm thiếu dương gọi là bịnh. Thuần âm là quỷ. Thuần dương là thần, nên gọi thiếu âm, thiếu dương là bịnh.
Lại phân tích rõ hai điểm đó. Từ vô minh phát sanh ra kiến hoặc và tư hoặc, nên gọi hai điểm đó là kiến hoặc và tư hoặc. Có kiến hoặc và tư hoặc rồi thì phát sanh ra vô lượng vô số hoặc. Bao phiền não đều từ chữ nhất này khởi lên. Nếu muốn xoay về cội gốc thì phải uốn nắn chữ nhất này thành chữ o. Làm thế nào ? Không khó, chư vị chỉ việc dụng công tu hành hằng ngày, tham thiền đả tọa, thì mới uốn nắn chữ nhất thành chữ o, cũng biến thành tánh tạng đại quang minh. Chư vị bảo rằng không thể tin tưởng được những cảnh giới đó, chỉ vì tâm còn ám muội. Chư vị phải nên tin tưởng, thì mới hoàn phục được tánh tạng đại quang minh đó. Vì không tin pháp này nên mỗi ngày từ sáng đến tối không thể xa rời phiền não được. Vô minh phiền não nếu không thể xa rời, thì chư vị sẽ biến thành lóng tre đen, (là thuật ngữ của thiền tông). Một cây tre có nhiều lóng tre đen. Chư vị phải tin tưởng pháp này thì mới khôi phục lại trí huệ vốn có sẵn, xoay về lại cội gốc, đạt đến tánh tạng đại quang minh, cũng là đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quán sắc trí, thành sở hữu trí.
Tôi chỉ giảng một ít điểm trong muôn phần của chữ đạo. Nếu giảng tường tận vi tế thì sợ mất rất nhiều thời gian, vì chữ "đạo" này rất vi diệu, nên giảng hoài giảng mãi vẫn không hết. Đại sư Trí Giả giảng chữ "Diệu" trong kinh Pháp Hoa cả chín tuần. Giảng về chữ đạo, nếu nói tường tận rõ ràng thì không phải chỉ là chín mươi ngày mà cho đến chín mươi năm sợ vẫn chưa hết. Đời tôi ngắn ngủi nên chỉ giảng một vài điểm thôi.
Lại giảng thêm về chữ "đạo" này chút ít. Chúng ta vừa bàn ở trên về một âm một dương. Một âm một dương là chữ "nhân (người)". Tức bảo rằng đạo không phải ở trên trời hay ở dưới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, mà là nơi con người. Mỗi người đều có thể tu đạo, không phải từ bên ngoài vào. Ai ai cũng có thể thành đạo được hết. Tu thành đạo này tức là thành Phật. Hiện tại chư vị chưa tu thành đạo, vậy đạo này có mất không ? Không có mất. Trong mình ai ai cũng có đầy đủ đạo này hết.
Hai điểm chính là từ trên trời, có thể nói là mặt trời và mặt trăng. Một điểm là mặt trời; một điểm là mặt trăng.
"Thị đạo
ưng tu ngộ pháp không, (là đạo nên tu ngộ pháp không)".
Chư vị phải dùng
mắt trí huệ để tu đạo. Người ngu si không thể tu đạo này. Có trí huệ thì mới tu
được đạo này. Xoay về cội gốc tức là uốn chữ nhất (gạch ngang), thành chữ o
(vòng tròn). Chữ o này chính là tạng tánh Như Lai, là tạng đại quang minh, là
Phật tánh của chúng ta. Nếu có thể khôi phục lại Phật tánh tức là hiện đời
thành Phật, không cần đợi trải qua ba a tăng kỳ kiếp mà tu phước huệ, trăm kiếp
tu tướng hảo. Không cần đợi thời gian lâu xa như thế, mà tức khắc liền thành
Phật. Vì sao chư vị vẫn chưa thành Phật ? Vì chư vị chưa biết "đạo"
này, chưa tu đạo này, và không có ai dạy cho mình đạo này. Do đó, cho đến hôm
nay, chư vị vẫn sanh rồi chết, chết rồi sanh, trong sáu cõi luân hồi, bị lưu
chuyển tới chuyển lui. Chư vị chạy mãi trong sáu đường luân hồi thì chữ o (vòng
tròn) liền biến mất. Lưu chuyển tới, lưu chuyển lui trong sáu đường luân hồi,
đột nhiên sanh lên trời, đột nhiên sanh xuống đất, đột nhiên vào địa ngục, đột
nhiên làm thú vật, chợt tại thiên đường, chợt xuống địa ngục, chợt vào A Tu La,
chợt làm người. Bị lưu chuyển như thế, không thể thoát ra khỏi vòng luân hồi.
Nếu thoát khỏi vòng luân hồi thì phá được chữ nhất này, xoay về cội gốc, đạt đến
tạng quang minh Như Lai, chính là quê hương nhà cửa, đất đai của mình. Ai ai
cũng tu đạo được. Có tu đạo thì mới ngộ nhân không pháp không, nhân pháp đều
không, không còn chấp trước, nên bảo rằng khổ tập diệt đạo đều không.
"Tam chuyển tứ
đế pháp luân vận, (ba lần chuyển xe pháp tứ đế)".
Ba lần chuyển bánh
xe pháp tứ đế, bên trên tôi đã giảng rõ rồi. Chuyển vận bánh luân tức là xoay
qua chuyển lại pháp môn tứ đế.
"Thất giác bát
chánh ý niệm cần, (bảy phần giác, tám chánh đạo, ý niệm cần tu)".
Bảy giác tức là
bảy phần giác chi, cũng gọi là bảy phần bồ đề. Tám chánh tức là tám chánh đạo.
Bao trùm hết bảy giác chi, tám chánh đạo, năm căn, năm lực, bốn như ý túc, bốn
chánh cần, hợp lại thành ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
Bảy phần bồ đề là
trạch pháp, tinh tấn, hỷ, trừ, xả, niệm, định giác phần. Tu hành y chiếu theo
bảy phương pháp. Sao gọi là trạch pháp giác phần ? Trạch tức là tuyển trạch. Pháp
tức là phương pháp. Giác là minh bạch, hiểu rõ, cũng là giác ngộ. Đối với pháp
tu hành, chư vị phải nên chọn lựa, tuyển trạch, tức là phải có trạch pháp nhãn
(con mắt chọn lựa pháp), thì chư vị mới biết gì là pháp, gì là không phải pháp,
gì là pháp thiện, gì là pháp ác, biết pháp trắng pháp đen, phải có sức chọn lựa
tuyển trạch như thế. Không nên lấy đúng làm sai, lấy đen làm trắng, lấy lành
làm ác. Nếu làm như thế thì không phải là trạch pháp giác phần. Sau khi chọn
lựa, tuyển trạch xong, thì phải y theo pháp mà tu hành. Y pháp tu hành tức phải
tinh tấn, nên giác phần thứ hai là tinh tấn. Chư vị phải chánh tinh tấn, chớ
nên tà tinh tấn. Chánh tinh tấn tức là hoặc ngồi thiền, trì chú, học giáo điển,
trì giới luật, tu nhẫn nhục, tất cả pháp đó đều phải tinh tấn. Nếu không tinh
tấn như hôm nay ngồi thiền, ngày mai không ngồi, hôm nay trì giới ngày mai
không trì giới, hôm nay tu hạnh nhẫn nhục ngày mai lại không tu, đó không phải là
tinh tấn giác phần. Có tinh tấn giác phần tức là ngày đêm sáng tối sáu thời đều
hằng tinh tấn. Sáng ba thời, tối ba thời đều tinh tấn không nghỉ ngơi.
Sau khi tinh tấn
được rồi thì có thiền duyệt (vui trong thiền định). Thiền duyệt tức là hỷ giác
phần. Ví như, khi ngồi thiền, công phu ngồi đến một giờ thì tự cảm giác an lạc,
tự tại, vừa ý vô cùng; hút thuốc á phiện chỉ vui thích trong chốc lát, còn khi
ấy làm bất cứ việc gì chư vị đều cảm giác an lạc vui thích hết cả. Đạt đến an
lạc này, gọi là hỷ giác phần. Lại nữa, khi ngồi thiền, đạt đến cảnh giới khinh
an thì tâm rất là an lạc. Nhưng cảnh giới này có lúc thì sanh khởi giống như
trên, có lúc thì dễ dàng sanh tẩu hỏa nhập ma. Tại sao tẩu hỏa nhập ma ? Khi
sanh tâm chấp trước, tức truy cầu nắm giữ cảnh giới vừa thấy, thì ma vương liền
nhập vào tâm. Nếu chư vị không chấp trước, thì ma vương không có cách nào để
nhập vào. Chư vị nếu chấp vào cảnh giới nào thì ma liền hiện ra cảnh giới đó.
Làm thế nào để giải ? Lúc đó phải dùng trừ giác phần. Trừ tức là thẩm tra, dọ
xét các ác giác quán. Phải tẩy trừ các ác giác quán, còn chánh giác quán thì
phải bảo tồn.
Khi chư vị trừ bỏ
chấp trước thì là xả giác phần. Xả này tức là xả bỏ vọng tưởng chấp trước. Nếu
không thể xả bỏ vọng tưởng chấp trước thì không đắc được tam muội và đạt đến
bảy phần bồ đề. Sau khi xả được vọng tưởng chấp trước thì bảo tồn được niệm
tinh tấn, mà đã bàn ở bên trên. Chớ để quên mất, niệm này đeo đuổi niệm kia
(niệm huyền tại huyền), niệm niệm không quên, tu tinh tấn. Tu tinh tấn thì sau
này đắc được định giác phần, tức thuộc bảy bồ đề phần hay bảy giác phần.
Tám chánh đạo. Thứ
nhất là chánh kiến. Kiến tức là ý kiến. Nơi ý niệm có một kiến (thấy). Kiến này
phải nên chân chánh, nghĩa là kiến giải phải chánh xác. Nếu không có chánh kiến
thì dễ dàng lạc vào đường tà. Nếu kiến giải chân chánh thì đi được trên đường
thẳng. Tại sao gọi là chánh kiến, tà kiến ? Nếu bảo rằng phải nên học Phật
pháp. Phật pháp là chân chánh, phải nên học. Đó là chánh kiến. Nếu như học đánh
cờ bạc, chơi bời, làm biếng, hại người, đó gọi là tà kiến. Vì vậy chánh kiến
rất quan trọng.
Nếu có chánh kiến
rồi thì có chánh tư duy. Có kiến giải rồi thì phải có suy nghĩ; suy nghĩ việc
này việc nọ là đúng hay không đúng. Học Phật pháp là một công việc tối thượng nhất
trên thế gian. Không sai trái tức là chánh tư duy. Tà tư duy nghĩa là khi học
Phật pháp cho rằng không có lợi ích chi. Họ nghĩ :"Trong thời đại khoa
học, Phật pháp giảng đến giảng lui chỉ khuyên người làm việc thiện, làm người tốt
thôi. Hiện nay ai là người tốt ? Không có ai là người tốt hết, chỉ toàn là
người xấu không thôi. Tôi thấy ông A kia, chuyên tạo việc xấu, mà lại có tiền,
có rượu để uống, cái gì cũng có."
Suy nghĩ rằng học
Phật pháp không có ích chi như thế, tức là tà kiến, đi trên đường tà. Nếu có
chánh tư duy thì không lạc vào đường tà.
Có chánh tư duy
thì kế tiếp là có chánh ngữ. Chánh ngữ tức là lời nói nào cũng đều chính xác,
không nói lời say sưa, cáu tiết, không dẫn người lạc vào đường tà. Nói lời chân
chánh, chánh xác, khiến ai ai cũng đều vui thích lắng nghe, vui thích làm
theo.
Có chánh ngữ rồi
thì có chánh nghiệp, tức tự tìm, hành nghề chân chánh. Ai ai cũng biết rõ nghề
nghiệp chân chánh là gì, chớ nên làm những nghề nghiệp phạm pháp.
Thứ năm là chánh
mạng. Có chánh nghiệp thì sanh mạng chân chánh.
Thứ sáu là chánh
tinh tấn. Tạo chánh nghiệp thì phải nên tinh tấn. Chớ nên tinh tấn tạo những
nghiệp bất chánh.
Thứ bảy là chánh
niệm. Thứ tám là chánh định. Đó là tám chánh đạo.
Bốn như ý túc tức
là dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, niệm như ý túc, tư duy như ý túc. Bốn
niệm xứ tức là thân, thọ, tâm, pháp. Quán thân bất tịnh. Quán thọ là khổ. Quán tâm
vô thường. Quán pháp vô ngã. Bốn chánh cần là điều lành chưa sanh khiến cho
sanh khởi, điều lành đã sanh khiến cho tăng trưởng. Đó là giảng về phương diện
điều lành. Những điều ác chưa khiến cho không sanh khởi. Những điều ác đã sanh
khởi khiến cho chúng đoạn diệt. Đó là nói về phương diện điều ác.
Năm căn là tín
căn, tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Năm căn này phát sinh ra năm lực.
Tín có tín lực. Tấn có tấn lực. Niệm có niệm lực. Định có định lực. Huệ có huệ
lực. Cộng năm căn năm lực lại thành mười. Bốn niệm xứ, bốn như ý túc, bảy phần
bồ đề, tám chánh đạo cộng chung là ba mươi bảy phẩm trợ đạo.
"Nhất đản quán
thông thành thánh quả, (một lần quán thông thành thánh quả)".
Chư vị tu ba mươi
bảy phẩm trợ đạo, thì một ngày nào đó sẽ đột nhiên quán thông, minh bạch, hiểu
rõ. Lúc ấy, chư vị chứng được quả thánh.
"Thiên chân hữu
dư nãi hoá thành, (lệch chân hữu dư nãi hóa thành)".
Chư vị chớ nghiêng
trụ tại niết bàn hữu dư, thiên chân hữu dư niết bàn chính là hóa thành, nghĩa
là thành này do biến hóa mà có, không phải là thật. Đạt đến thiên chân hữu dư
niết bàn, tức là không phải niết bàn cứu cánh, nên phải còn tu thêm nữa.
"Vô trí diệc vô đắc, (không trí cũng không đắc)".
"Tạng giáo
bồ tát sự lục độ
Viên tu diệu giác
lý đốn minh
Vô trí phá chấp
không chư tướng
Bất đắc phi chứng
liễu pháp dung
Ư nhất mao đoan
hiện bảo sát
Tọa vi trần biểu
chuyển pháp luân
Thử ngôn thuyết
xuất tiên thành tín
Vị tất tri âm hữu
cơ nhân
Dịch :
Tạng giáo Bồ Tát
hành sáu độ
Tròn tu diệu giác
lý rõ ràng
Vô trí phá chấp
không các tướng
Không đắc không
chứng rõ pháp dung
Nơi một đầu lông
hiện bảo tòa
Ngồi trên hạt bụi
chuyển pháp luân
Lời nói ra người
liền tin ngay
Nào hay tri âm có
mấy ai".
Không trí cũng
không đắc. Trí là trí huệ. Đắc là chứng đắc quả vị. Đạt đến cảnh giới đó, trí
huệ cũng không cần, quả vị chứng đắc cũng không có, hy vọng điều gì cũng không
có. Chúng ta học Phật pháp, đều muốn đạt được trí huệ; có trí huệ rồi thì chứng
đắc được quả vị Phật. Nay trí bát nhã cũng không có, muốn đắc được Phật quả
cũng không thể đắc. Đấy là lạc vào không à ? Không phải vậy. Chẳng đạt được trí
huệ, chẳng chứng đắc được tức là trí huệ không chấp trước. Không có chấp trước
rằng mình có chỗ chứng đắc.
"Tạng giáo Bồ
Tát sự lục độ, (tạng giáo Bồ Tát hành sáu độ)".
Tạng giáo Bồ Tát
tức là ba tạng kinh điển giáo huấn Bồ Tát. Pháp tu hành của Bồ Tát là pháp môn
có trí huệ, có chứng đắc. Hành sáu pháp ba la mật tức có chấp trước. Chấp chúng
sanh có thể độ được, tức là có trí huệ. Chấp trước Phật đạo có thể thành được,
tức là có chứng đắc.
Sao gọi là làm sáu
độ ? Sáu độ tức là hành bố thí thì cứu độ tham lam. Phải hành bố thí thì mới
không còn tham lam. Một lần bố thí thì là một lần dẹp bỏ tham lam. Trì giới thì
độ hủy phạm.
Nhẫn nhục độ sân
hận.
Tinh tấn độ giải
đãi, làm biếng. Phải nên tinh tấn hằng ngày, luôn luôn tinh tấn, dũng mãnh tinh
tấn. tinh tấn thì không có giải đãi làm biếng.
Thiền định độ tán
loạn. Ngồi thiền hồi lâu thì có công phu tức là định trụ. Có định lực rồi thì
không có tán loạn.
Bát nhã độ ngu si.
Bát nhã khiến dẹp trừ ngu si.
Đấy là sáu độ,
cũng là sáu sự tướng có thể thấy, có hình tướng nên biểu hiện được. Ví như bố
thí thì không còn tham lam. A ! Vẫn còn chấp trước là nhờ bố thí mà không còn
tham lam. Vì vậy, bảo rằng sáu độ tức là tạng giáo chư Bồ Tát phải nên tu.
"Viên tu diệu
giác lý đốn minh, (tròn tu diệu giác lý rõ ràng)".
Viên giáo Bồ Tát
tu hành sáo độ. Viên giáo Bồ Tát tức là Diệu Giác Bồ Tát. Biệt giáo Bồ Tát cũng
tu hành sáu độ. Sáu độ chỉ có lý, không có sự tướng, không có chấp trước. Gọi
lý đốn minh (lý lẽ chỉ rõ minh bạch), nghĩa là tức khắc minh bạch, hiểu rõ đạo
lý bố thí mà chưa từng bố thí, hành sáu độ mà chưa từng hành, vốn không chấp
trước vào sự của sáu độ. Không chấp trước vào chi hết, nên gọi là không trí
cũng không đắc.
Lý sáu độ có nhiều
loại. Tu theo viên giáo không tạo sáu độ, làm bất cứ việc gì cũng không chấp
trước, tạo việc gì ra cũng như không tạo. Tuy nhiên, chưa tạo việc thì không thể
nói đã tạo việc. Nói thí mà chưa thí. "Tôi chưa bố thí mà cũng như đã bố
thí".
Không thể nói như
thế được. Chỉ có bố thí rồi thì mới nói rằng chưa có bố thí, mà không thể bảo
rằng chưa bố thí cũng là đã bố thí.
"Vô trí phá
chấp không chư tướng, (vô trí phá chấp không các tướng)".
Vô trí phá chấp
tức là phá chấp trước về những phần còn lại của bát nhã. Không chư tướng tức là
tất cả tướng đều là không. Mọi tướng đều là không, nên bảo rằng vô trí cũng vô
đắc.
"Bất đắc phi
chứng liễu pháp dung, (không đắc không chứng rõ pháp dung)".
Bất đắc tức là
không có chi để chứng đắc, cũng là không chấp trước vào chứng đắc quả vị Phật.
Trên, không Phật đạo có thể thành. Dưới, không chúng sanh có thể độ. Chẳng phải
nói rằng không chúng sanh có thể độ, nhưng là độ mà chưa từng thấy có độ. Tuy
diệt độ hết tất cả chúng sanh mà thật không có chúng sanh nào được diệt độ hết.
Chẳng phải là không chúng sanh đã được độ, mà là không có chấp trước. Không nên
chấp trước vào trí huệ và chứng đắc. Không này cũng chính là đại viên cảnh trí,
mà trong đó không có chấp trước nào hết, nên liễu đạt pháp dung.
"Ư nhất mao
đoan hiện bảo sát, (nơi một đầu lông hiện bảo tòa)".
Chứng đắc được
cảnh giới này rồi thì chỉ vừa ngồi xuống liền xuất hiện một tòa bảo vương.
Trong tiểu hiển đại.
"Tọa vi trần
biểu chuyển pháp luân, (ngồi trên hạt bụi chuyển pháp luân)".
Ngồi trên hạt bụi
mà chuyển đại pháp luân. Đó là đạo lý trong kinh Thủ Lăng Nghiêm.
"Thử ngôn thuyết
xuất tiên thành tín, (lời nói ra người liền tin tưởng)".
Lời này vừa nói ra
thì ít nhiều người đều tin tưởng.
"Vi tất tri
âm hữu cơ nhân, (nào hay tri âm có mấy ai)".
Một vài người tin
tưởng rồi thì không biết có bao nhiêu người tri âm (nhớ tưởng), lại cũng không
có bao nhiêu người hiểu rõ đạo lý.
Hư Vân lão hòa
thượng bảo :
"Tẩu biến thiên
nhai tầm tri kỷ
Vị tri nhược cá
thị tri âm".
Dịch :
"Lên tận cõi
trời tìm tri kỷ
Vẫn chưa biết được
kẻ tri âm".
Thiên nhai tức là
cõi trời. Tri kỷ tức là bạn thân của mình. Lên tận cõi trời tìm tri kỷ, mà
không biết ai là người tri âm. Sao gọi là tri âm ? Tức là hiểu được ý phát xuất
từ lời nói của mình. Không có tri âm, tức là mình có nói ra lời gì nhưng không
có ai hiểu hết. Có người hiểu lời mình tức là có người tri âm.
Tri âm và không
tri âm xuất phát từ đâu ? Tôi thuyết một bài kệ, ai y chiếu theo đó mà tu hành
thì người đó là tri âm. Ai không y chiếu theo đó mà tu hành thì không phải là
tri âm. Tin lời tôi nói đạo lý tức là tri âm, còn ngược lại thì không phải là
tri âm. Đạo lý gì ? Nơi một cọng lông, ngồi xuống liền hiện bảo sát. Ngồi trên
hạt bụi, chuyển đại pháp luân. Ngồi trên một cọng lông, xuất hiện các cõi Phật.
Bảo vương sát tức là cõi nước mà Phật thường giáo hóa chúng sanh. Ngồi trên hạt
bụi mà chuyển đại pháp luân, giáo hóa chúng sanh. Cảnh giới này là trong tiểu
mà hiển đại.