Thư Viện Hoa Sen

I. Giải Thích Tổng Quát Đề Kinh

04/10/201012:00 SA(Xem: 17445)
I. Giải Thích Tổng Quát Đề Kinh

KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN

TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM
(QUYỂN MỘT)

I. GIẢI THÍCH TỔNG QUÁT ĐỀ KINH.

Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhơn Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ-tát Vạn Hạnh Thủ-lăng-nghiêm” là tên của bộ kinh này.

ĐẠI 大 nghĩa là to lớn. Đề cập đến bốn khía cạnh lớn lao của kinh :

1 -Nguyên nhân (nhân因 )

2- Nghĩa lý ( 理).

3- Tu tập hành trì (hạnh).

4 - Kết quả (quả ).

Nguyên nhân lớn lao chính là mật nhân. Nhân này hoàn toàn khác với những nguyên nhân bình thường mà hàng phàm phu không thể nào hiểu được, hàng ngoại đạo không thể nào hiểu được, và hàng Nhị thừa, Thanh văn, Duyên giác chưa giác ngộ được. Cho nên nguyên nhân ra đời của bộ kinh này rất lớn.

Nghĩa lý siêu việt của kinh to lớn chính là liễu nghĩa. Đây là chỗ rốt ráo của người tu đạo, dẫn đến sự chứng ngộ.

Hạnh tu tập to lớn vì bao gồm vô số công hạnh của hàng bồ-tát.

Kết quả to lớn là đại định Thủ-lăng-nghiêm, Do bốn phương diện này nên đề kinh được mở đầu bằng tiếng Hán là Đại  大 ; nghĩa là to lớn, siêu việt.

PHẬT: tiếng Phạn là Buddha. Phiên âm sang tiếng Trung Hoa là Phật-đà-da 佛陀耶, gọi tắt là Phật. Nhiều người cứ nghĩ rằng chữ Phật là tiếng Hán chuyển ngữ, phát xuất từ chữ Buddha, nhưng thực ra đó chỉ là âm đầu của toàn bộ tiếng phiên âm từ chữ Buddha mà thôi. Buddha  nghĩa là giác ngộ, tỉnh thức.

Có ba hình thức giác ngộ: tự giác, giác thagiác hạnh viên mãn.

Đức Phật là người tự mình giác ngộ. Trạng thái giác ngộ ấy khác xa với trạng thái hiện thời của người phàm phu, là kẻ chưa được giác ngộ.

Tự mình giác ngộ chưa đủ, mà còn phải giúp cho kẻ khác được giác ngộ. Việc giác ngộ người khác có nghĩa là tìm một phương pháp để giúp cho họ được giác ngộ.

Giữa tự giác và giúp cho người khác được giác ngộ phải trải qua rất nhiều giai đoạn và có nhiều trình độ khác nhau. Giác ngộ có hai trường hợp: đại ngộ tiểu ngộ. Tiểu ngộ là giác ngộ chưa được hoàn toàn. Đại ngộgiác ngộ hoàn toàn. Đức Phật đã tự tu tậpgiác ngộ hoàn toàn và Ngài còn giúp cho người khác được giác ngộ.

Đức Phật là người đã có đầy đủ ba phương diện giác ngộ nên Ngài được gọi là người có vạn đức trang nghiêm.

 “Tam giác viên, vạn đức bị.”

 (Khi ba phương diện giác ngộ đã được viên mãn thì có đầy đủ muôn vạn công đức trang nghiêm, nên được gọi là Phật).

Có người tự hỏi tại sao ta lại tin vào Đức Phật. Do vì chính chúng ta xưa nay vốn là phật rồi. Chẳng qua hiện nay chúng ta bị mê mờ, không thể chứng được quả vị Phật. Do đâu mà nói chúng sinh xưa nay vốn là phật? Chính là do Đức Phật đã từng nói:

 “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh… nhưng chỉ do vọng tưởng, chấp trước nên không thể chứng đắc được1

Vọng tưởng đã đưa con người chúng ta từ Đông sang Tây, rồi đưa từ Nam sang Bắc; đưa ta từ dưới đất lên trên trời; vọng tưởng ấy bỗng chốc đưa ta lên thiên đàng, bỗng chốc đưa ta xuống địa ngục. Nó đưa ta đến những nơi bất khả tư nghì và không thể suy lường được. Quý vị có biết mình có khởi lên bao nhiêu vọng tưởng trong một ngày không? Nếu quý vị biết thì mình trở thành bồ-tát. Còn nếu không biết thì mình vẫn là phàm phu.

Con người trở nên chấp trước vào sự sở hữu, thường xuyên lập nên sự phân biệt về “tôi” và “cái của tôi.” Họ không thể dẹp sang một bên sự sở hữu những của cải vật chất hay sự hưởng thụ thú vui tinh thần. “Đó là máy bay của tôi”, “Đây là chiếc xe của tôi, bạn biết không nó thuộc về model mới nhất.” Bất luận khi người ta sở hữu một vật gì, thì đều bị dính mắc vào vật ấy. Đàn ông có sự dính mắc của đàn ông, phụ nữ có sự chấp trước của phụ nữ. Người lương thiện có sự chấp trước của người lương thiện. Kẻ xấu ác có sự chìm đắm của kẻ xấu ác.

Bất luận những chấp trước ấy thuộc loại gì người ta cũng khó lòng xả bỏ được nó. Họ chiếm đoạt rồi níu giữ, kiên trì bám riết lấy nó. Càng lúc càng trở nên cố chấp hơn. Tiến trình này vô tận vô biên. Những khoái lạc như thức ăn ngon, nhà cửa tiện nghi, những món giải trí hấp dẫn và những thứ thường được xem nhưlợi nhuận. Những thứ này không bền vững trường cửu như nó đang hiện hữu. Mặc dù quý vị chưa nhận ra điều ấy. Nhưng đó chỉ là sự tham đắm dục lạc làm chướng ngại việc chứng đạt Phật tánh của quý vị mà thôi. Nên Đức Phật đã dạy: “Chỉ vì vọng tưởng, chấp trướcchúng sinh không thể nhận ra được Phật tánh.

Trong kinh Thủ-lăng-nghiêm, Đức Phật dạy: “Cuồng tâm đốn yết, yết tức bồ-đề

 Nghĩa là: “Khi tâm cuồng chợt dừng hẳn thì ngay lúc ấy là giác ngộ”

Tâm cuồng được giải thíchtâm ích kỷ giả dối, là tâm ưa thích địa vị trong xã hội, là tâm đầy dẫy những hy vọng hảo huyền vô ích, là tâm khinh thường người khác nên không nhìn thấy được những thành quả và sự thông minh của họ. Ngay cả như có người được xem tương tự như loài bát quái cũng sẽ tự cho mình là đẹp lắm. Nên những loại cố chấp lớn lao này sẽ không sinh khởi nữa khi tâm cuồng si kia dừng hẳn. Chỗ dừng đó chính là bồ-đề. Bồ-đề là gì? Là giác ngộ được đạo, là khai ngộ. Từ đây, việc thành Phật không còn xa nữa. Nếu quý vị có thể làm cho tâm cuồng của mình dừng bặt, nghĩa là quý vị đã có công phu rất tốt rồi.

Trong ba hình thức giác ngộ. Sự giác ngộ của hàng A-la-hán và Bích-chi Phật[1] là để phân biệt họ với hàng phàm phu chưa giác ngộ.

Bích-chi Phật ngộ đạo thông qua tu tập mười hai nhân duyên. Hàng A-la-hán ngộ đạo nhờ tu tập Tứ diệu đế. Chư vị Bồ-tát khác hẳn hàng Bích-chi Phật và A-la-hán. Họ kiên quyết giúp cho mọi chúng sinh được giác ngộ, và cũng được gọi là làm lợi lạc quần sinh.

Nói tóm lại, A-la-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát là người đã tu tập giác ngộ. Ở đây, chúng ta có thể nói một người tu tập lần lượt đạt được các quả vị A-la-hán, rồi Bích-chi Phật, rồi đến quả vị bồ-tát thông qua phương tiện Lục độ ba-la-mật và vô số công hạnh. Như một người hiện thân ở cả ba trình độ tu tập khác nhau.

Có người dù tu tập đã đạt đến quả vị A-la-hán rồi nhưng không muốn tiến xa hơn nữa, tự nghĩ mình đã có được giác ngộ rồi, như có người tự cho rằng: “Ta đã được khai ngộ. Ta chẳng cần quan tâm đến ai cả.” Anh ta dừng lại ở sự thành tựu quả vị A-la-hán chứ không muốn tiến đến quả vị Bích-chi Phật nữa.

Một số người khác tiếp tục tu tập để được đạt quả vị Bích-chi Phật, nhưng chẳng quan tâm đến tiến trình xa hơn nữa. Thế nên ta có thể xem đó chỉ là một người hay là cả ba người cũng được.

Còn Bồ-tát là người đã tự mình giác ngộ còn giúp cho mọi người khác được giác ngộ. Tu tập lục độ ba-la-mật và tự trang nghiêm mình bằng vô số công hạnh. Bồ-tát phải tiếp tục lộ trình tu tập cho đến khi hoàn thành bồ-tát đạo. Đến đây mới được gọi là giác hạnh viên mãn, là thành Phật. Khi đạt được giác hạnh viên mãn của một đức Phật rồi thì hành giả hoàn toàn khác hẳn một vị bồ-tát.

Ba hình thức giác ngộ có thể thảo luận rất dài. Còn nếu muốn thực hành thì có rất nhiều sự sai biệt. Trong mỗi trình độ lại có nhiều cấp độ khác nhau. Trong sự phân biệt lại có thêm nhiều phân biệt. Tiến trình của hình thức giác ngộ này rất nhiều giai đoạn. Cho đến khi ba hình thức giác ngộ này được viên mãn mới gọi là hoàn thành.

ĐẢNH: là điểm cao nhất. Điểm cao nhất trên đầu gọi là đảnh, trên đảnh chỉ còn có trời. Nên người ta thường nói: “Đầu đội trời, chân đạp đất.” Tóm lại, Đại Phật đảnh là nói về điểm nổi lên cao nhất trên đỉnh đầu của Đức Phật.

Quý vị thắc mắc: “Đức Phật lớn chừng nào? Có phải như một pho tượng cao sáu feet[2]chăng?” Không, pho tượng Đức Phật chỉ như một giọt nước trong biển cả, hay chỉ như một hạt vi trần trong thế giới này. Nên chẳng có gì lớn hơn Đức Phật, lớn nhưng chẳng phải lớn, đó mới chân thực là lớn.

Quý vị liền hỏi :

–Thế thì Ngài là ai?

- Ngài là Đức Phật, hiển hiện khắp mọi nơi. Chẳng có nơi nào là Phật mà không có nơi nào chẳng phải là Phật. Bất luận quý vị nói nơi đâu là Phật, thì nơi đó chẳng phải là Phật. Bất luận nơi đâu mà quý vị nói không phải là Phật, thì nơi đó chính là Phật. Quý vị có biết kích thước của Phật như thế nào không? Chẳng có cách nào tính kể được đức Phật to lớn bao nhiêu. Nên Đức Phật thật sự rất lớn, quá lớn đến nỗi Ngài vượt qua tất cả.

-Làm thế nào mà vượt qua mọi thứ được cho là lớn?

- Là không có cái vĩ đại nào có thể đem ra so sánh với Đức Phật được. Sự lớn lao của Đức Phậttuyệt đối.

- Thế thì Đức Phật là ai?

 - Là Đại Phật.

- Thế Đại Phật này là ai?

Là quý vị, mà Phật cũng là tôi. Nhưng tôi chẳng lớn được như thế. Đến như tôi biết, quý vị cũng chẳng lớn được như vậy. Tại sao quý vị lại nói Phật là quý vị mà Phật cũng là tôi?

Quý vị lại hỏi:

- Tại sao lại so sánh Đức Phật như thế?

- Nếu Đức Phật chẳng có liên quan gì đến quý vị và tôi, thì ta chẳng cần bàn luận gì đến Đức Phật cho mất công.

Quý vị lại hỏi:

-Làm sao mà tôi lại lớn như thế?

Phật tánh rất lớn, vốn có sẵn trong tất cả mỗi chúng ta. cũng như cái không thể so sánh của Đại Phật vậy.

Bây giờ chúng ta không chỉ nói về Đại Phật nữa, mà chúng ta sẽ liên hệ đến đảnh tướng trên đầu của Đức Phật. Chỉ có một vật cao hơn vị Đại Phật, đó chính là đảnh đầu của Ngài. Và Đại Phật đảnh sẽ có liên quan đến sự xuất hiện của những vị Đại Phật khác sắp được hiện ra.

Quý vị liền hỏi:

- Đức Phật ấy lớn cỡ nào?

- Đức Phật ấy không thể thấy được. Ngài được diễn tả trong bài kệ chúng ta thường đọc trước khi tụng chú Lăng Nghiêm:

Vô kiến đảnh tướng,[3] phóng quang Như Lai tuyên thuyết thần chú.

Điều gì không thể thấy được có thể nói là nó không hiện hữu. Làm sao người ta có thể tin được sự hiện hữu của một vị Đại Phật khi họ không thấy được Ngài?

Cái không thể thấy được ấy mới là thật sự là lớn. Nếu nó chẳng lớn đến nỗi không thể thấy đuợc. Tại sao quý vị lại thấy được những vật khác mà chẳng thấy được Đại Phật?

– Không chỉ riêng những vật lớn mà những vật rất nhỏ cũng không thể thấy được.

Thực chứ? Bầu trời rất rộng lớn. Nhưng quý vị có thể thấy khắp hết chăng? Không. Trái đất thì mênh mông bao la. Quý vị có thể thấy khắp giáp bề mặt của nó chăng? Cũng không. Đó là những gì lớn thực sự mà không thể thấy được.

Từ đảnh đầu (không thể thấy được) của Đức Đại Phật Như Lai phóng ra hào quang.

Hào quang ấy lớn đến chừng nào?

Hãy nghĩ rằng: Chẳng lẽ một vị Đại Phật lại phóng ra một đạo hào quang nhỏ nhoi. Tất nhiên hào quang Ngài phóng ra phải vô cùng vĩ đại, chiếu khắp mọi nơi.

 – Có chiếu đến tôi không?

Nó đã chiếu đến quý vị từ rất lâu rồi!

– Thế tại sao tôi không biết gì cả?

Bây giờ quý vị có muốn biết không?

Tâm thanh thủy hiện nguyệt

Ý tịnh thiên vô vân.

(Khi tâm thanh tịnh thì trăng phản chiếu trên mặt nước. Khi ý tĩnh lặng thì như bầu trời không gợn tí mây.

Nếu tâm quý vị hết sức thanh tịnh, hào quang của Đức Phật sẽ chiếu đến và sẽ tỏa sáng trong tâm quý vị như ánh trăng soi chiếu trên mặt hồ tĩnh lặng.. Nếu tâm quý vị còn nhiễm ô, cũng như một vũng nước bùn đục ngầu, chẳng có thứ ánh sáng nào chiếu dọi qua được. Tâm định giống như bầu trời không mây, là trạng thái vi diệu không thể diễn tả được. Nếu quý vị tự thanh tịnh tâm mình rồi, thì quý vị sẽ có được sức mạnh của Thủ-lăng-nghiêm đại định.

 NHƯ LAI

Xuất phát từ chữ tathāgata trong tiếng Phạn, có nghĩa là đến như vậy

Như nghĩa là không có gì mà chẳng như.

Lai là không có nơi nào mà chẳng đến.

Như bản thể của Phật pháp.

Lai là dụng của Phật pháp.

Như cảnh giới như như bất động của Phật.

Lai là đến rồi đi (đi mà chẳng đi).

Nên nói: Như như bất động, lai nhi diệc lai, lai nhi bất lai (Như như bất động. đến rồi lại đến. Đến mà chẳng đến).

- Thế Ngài đi đâu?

- Chẳng đi đâu cả.

Thế Ngài đến nơi đâu?

 Chẳng có nơi nào để đến cả.

Nên Kinh Kim Cương nói :

“Như Lai giả, vô sở tòng lai diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.[4]

Đức Phật chẳng đến với quý vị, cũng chẳng đến với tôi. Mà Đức Phật ở ngay đó với quý vị, và Đức Phật cũng ở ngay đây với tôi.

Như Lai[5] là một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Thông thường, mỗi Đức Phật đều có mười ngàn danh hiệu. Về sau rút lại chỉ còn một trăm danh hiệuchúng sinh thường bị lẫn lộn khi cố gắng nhớ cho hết. Trong một thời gian khá dài, Đức Phật có một nghìn danh hiệu, nhưng chúng sinh lại vẫn không nhớ hết được. Nên lại giảm xuống mỗi Đức Phật chỉ còn một trăm danh hiệu. Đến khi mỗi Đức Phật còn lại một trăm danh hiệu rồi mà chúng sinh vẫn khó khăn khi nhớ hết các danh hiệu ấy. Nên lại giảm xuống chỉ còn mười danh hiệu. Đó là:

Ứng cúng: xứng đáng được hưởng sự cúng dường của loài người và trời.

Chánh biến tri: hiểu biết chân chính bao trùm khắp.

Minh hạnh túc: Sự giác ngộ cũng như công hạnh hoàn toàn trọn vẹn.

Thiện thệ thế gian giải [6]: vượt qua mọi kiến giải thế gian một cách tự tại.

Vô thượng sĩ : Bậc không ai sánh bằng.

Điều ngự trượng phu: Bậc trượng phu khéo điều phục chính mình.

Thiên nhân sư: Thầy của trời và người

Phật

Thế Tôn

Tất cả các Đức Phật đều có mười danh hiệu này.

MẬT NHÂN

Mật nhân bản thể của định lựcmọi người đều tự có sẵn. Gọi là mật chứ không gọi là hiển vì mặc dù vốn có đầy đủ bên trong mỗi người, không ai thiếu sót cả, nhưng chẳng ai biết được điều ấy. Thế cho nên gọi là mật.

 Mật nhân này là định lực của Như Lai và cũng là bản thể định lực của toàn thể chúng sinh. Khác nhau ở điểm là bản thể định lực của chúng sinh chưa được hiển bày nên vẫn còn một điều ẩn mật.

 TU CHỨNG LIỄU NGHĨA

Mật nhơn ấy phải được tu chứng qua tham thiền hay niệm Phật, cả hai đều là phương tiện tu tập. Sự tu tập đề cập ở đây là tinh chuyên tham thiền. Qua tham thiền miên mật, hành giả mới chứng quảđạt được liễu nghĩa, đó cũng chính là không nghĩa.

Nói như thế thì mọi chuyện là vô nghĩa hay chăng?

Liễu nghĩathực chứng được một cách trọn vẹn không thiếu sót các pháp thế gianxuất thế gian.” Đến lúc ấy nó chẳng còn pháp nào để tu, chẳng còn pháp nào để chứng nữa cả.

Vĩnh Gia Huyền Giác Đại sư có viết trong Chứng Đạo ca:

Quân bất kiến

Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân.

Bất trừ vọng niệm, bất cầu chân.

 Người tu đạo từ nay không còn phải làm việc gì nữa cả, chẳng cần liệng bỏ những vọng niệm vì đã trừ dẹp xong hết rồi. Chỉ còn những ai chưa hoàn toàn trừ sạch vọng tưởng mới phải cần liệng bỏ nó.

Người tu đạo không cần phải tìm cầu chân lý vì đã thể nhập và đã chứng nghiệm được chân lý rồi. Chỉ có những người chưa đạt được mới tìm cầu chân lý.

Những dòng này diễn tả về liễu nghĩa. Chứng được liễu nghĩa cũng còn được gọi là liễu đạo lý Đức Phật giảng dạy quá siêu việt, phải cần nghiên cứu toàn diện mới mong đạt được chỗ cùng tận của nghĩa lý.

Khi một người đã dốc hết sức để mong nghiên cứu cùng tận mọi giáo nghĩa Đức Phật đã dạy, đến khi họ không còn nữa mà nghĩa lý hoàn toàn còn đó. Vấn đề bất liễu nghĩa vẫn còn có một ý nghĩa chưa thông suốt còn lại ở đó.

Liễu nghĩa là chẳng còn nghĩa gì trong đó cả. Hoàn toànthanh tịnh” khi đạt đến chỗ liễu nghĩa nên gọi là mật nhơn, là bản thể của định lực. Khi đạt được bản thể này, có nghĩa là quý vị đã tu và chứng được liễu nghĩa. Nếu quý vị không tu thì chẳng chứng được liễu nghĩa,nghĩa bao trùm tất cả các nghĩa khác.

Quý vị lại hỏi: “Nhưng Thầy lại bảo rằng liễu nghĩa ấy không hiện hữu?

Đúng vậy, nhưng cái không hiện hữu ấy mới thực sự hiện hữu.

Sự tồn tại tương quan không phải là hiện hữu thực sự. Khi quý vị đã chứng thực được liễu nghĩa, không còn thêm một ý nghĩa nào để chứng đắc nữa, là quý vị đã đạt đến chỗ rốt ráo.

“Điểm thành tựu rốt ráo ấy là gì?”

Đó là cảnh giới Phật, là quả vị Phật. Nhưng nếu quý vị muốn đạt đến cảnh giới Phật, quý vị phải tiếp tục tu tập Bồ-tát đạo, cho nên trong tên kinh lại có đề cập đến.

CHƯ BỒ-TÁT VẠN HẠNH

Chư nghĩa là tất cả, là vô số. Công hạnh của hàng bồ-tát nhiều không thể tính đếm được. Nói tóm lại, có tất cả 55 quả vị của hàng bồ-tát . Sẽ được giải thích chi tiết trong kinh văn. Gồm có: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, Đẳng giácDiệu giác. Năm mươi lăm quả vị này không phải là chỉ đề cập đến 55 vị bồ-tát , đúng hơn là nói đến 55 trình tự mà người phát tâm tu bồ-tát đạo phải trải qua mới chứng đạt Phật quả.

 Vạn hạnhvô số phương pháp mà các vị bồ-tát tu tập. Có tám mươi bốn nghìn pháp môn. Nhưng trong đề mục kinh chỉ nói đến vạn hạnh. Để bổ sung cho vạn hạnh, các vị bồ-tát còn phải tu tập Lục độ ba-la-mật. Ba-la-mật (pāramitā) là phiên âm từ tiếng Sanskrit, có nghĩa “đến bờ bên kia,” là hoàn thành viên mãn công hạnh của người tu hành. Nếu quý vị quyết tâm tu tập thành Phật, chứng đạt Phật tánh thì đó là ba-la-mật. Nếu quý vị muốn vào Đại học và lấy bằng Tiến sĩ, thì khi đạt được học vị ấy được gọi là ba-la-mật. Nếu quý vị đang đói, muốn ăn, mà được ăn đó là ba-la-mật. Khi quý vị buồn ngủ mà được nằm xuống ngủ một giấc thì đó gọi là ba-la-mật. Chữ ba la (bwo lwo) trong tiếng Hán nghĩa là trái thơm (dứa); mật (mi) là mật ong. Nên ba-la-mật còn có nghĩa là ngọt hơn cả vị ngọt của trái thơm.

Các vị bồ-tát đều tu tập sáu hạnh ba-la-mật. Đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền địnhtrí tuệ.

 Bố thí: có ba dạng:

 1- Tài thí : bố thí tiền của, tài sản

 2- Pháp thí: bố thí pháp

 3- Vô úy thí: bố thí sự không sợ hãi.

-Bố thí tài sản: Mặc dù tiền bạc là thứ mọi người ưa thích nhất, nhưng nó cũng là thứ dơ bẩn nhất trên đời. Chỉ cần nghĩ xem nó đã được chuyền tay qua bao nhiêu người và nó chứa bao nhiêu thứ vi trùng thì sẽ biết. Trong đạo Phật, tiền bạc được xem là thứ bất tịnh. Trước hết, nguồn gốc của nó thường là bất tịnh hoặc là do trộm cắp, hoặc là biển thủ, tham ô mà có

Có người không bằng lòng, nói rằng: “Tiền này do tôi kiếm được từng đồng bằng nghề nghiệp hoàn toàn trong sạch."

Nay dù quý vị kiếm được tiền bằng cách hợp pháp đi nữa thì quý vị vẫn không thể từ chối được rằng đồng tiền tự nó rất bẩn và chứa rất nhiều mầm vi trùng gây bệnh. Vậy mà rất nhiều người thích nó. Khi tiền được chuyền tay nhau, nhiều người đã thấm nước miếng của mình vào ngón tay để đếm, việc này tạo nên mối nghi ngờ cao độ, chính tiền đã truyền mầm bệnh truyền nhiễm. Nhưng mặc dù sự bất tịnh của nó tác hại đến thế, mà người ta vẫn không ngại kiếm cho được nhiều tiền. Nếu quý vị cho tôi toàn bộ tiền bạc của nước Mỹ này, tôi sẽ không cho đó là quá nhiều. Và nếu đem tất cả khoản tiền ấy cho quý vị, thì tôi tin là quý vị cũng chẳng phản đối. Nhưng khi quý vị đã có nhiều tiền rồi thì sẽ có luôn một số vấn đề rắc rối. Ban đêm quý vị không thể ngủ ngon giấc. Quý vị bận tâm phải tìm nơi an toàn để cất giữ. Vì tiền bạc đã làm cho quý vị bận tâm, nên bản chất nó là bất thiện. Nhưng dù cho nó không tốt mà nhiều người vẫn ưa thích, không thể từ bỏ nó được. Người có thể thực hành việc bố thí ba-la-mật tài sản, tiền bạc là người đang tu tập bồ-tát đạo.

 Người ta không dễ gì thực hành việc bố thí. Tâm con người là nơi giao nhau của hai cực âm và dương, là đấu trường của lý trí và tình cảm. Ví dụ như khi thấy có người gặp hoạn nạn, bị đói khát, theo đạo lý làm người, quý vị quyết định cho người ấy một đô-la nhưng khi thò tay vào túi lấy tiền, thì tâm tham lam đã níu giữ ta lại, khiến khởi dậy niệm thứ hai: “Hãy đợi một chút, ta không thể cho nó đô-la này được. Đây là đồng tiền lẻ cuối cùng ta vừa đổi được. Nếu ta cho nó, ta sẽ hết tiền đi xe buýt và ta phải đi bộ. Ta không thể cho được.” Tâm niệm đầu tiên thúc dục mình phải có lòng bao dung với người khác; nhưng lập tức nó lại bị dẫn dắt bởi tâm niệm tiếp theo, tính toán cho sự lợi lạc riêng của chính mình. Nên anh ta bỏ tiền lại vào 

túi, không cho nữa. Điều này xảy ra hoàn toàn giống nhau từ tầm mức nhỏ cho đến mức độ to lớn; từ một đồng xu cho đến cả triệu đô la. Niệm đầu tiên là cho, niệm thứ hai là lo lắng cho chính mình.

Bố thí tài vật không phải dễ dàng gì. Ngay cả có người khi làm việc gì cũng nghĩ: “Thật ngu đần mới đem tiền cho các người. Tại sao các người chẳng đem tiền của quý vị đến cho tôi.” Rất dễ dàng khi nói đến bố thí nhưng đến khi thực hành thì khó.

Từ hồi còn trẻ tôi không biết đếm. Bất kỳ khi nào tôi có tiền, tôi đều bố thí sạch. Nếu tôi có được một đô-la, tôi cho một đô-la, nếu có hai đô-la, tôi cũng cho cả hai, tôi không thích tiền. Nhiều người xem cách đối xử của tôi là ngu đần vì tôi chẳng nghĩ gì đến việc lo cho mình cả. Tôi chỉ biết cách giúp đỡ người khác.

Bằng cách làm lợi ích cho người khác thì mới có thể làm sinh khởi tâm bồ-tát trong mình. Những người đã phát tâm bồ-tát thường thích làm lợi ích cho mọi người hơn là làm lợi ích cho chính mình. Họ cho rằng: “Nếu tôi phải chịu khổ và chịu mọi tai họa của mọi người thì tốt hơn. Tôi không muốn mọi người chịu khổ nạn.”

Các vị bồ-tát thường làm lợi ích cho chúng sinh bằng cách thực hành các việc thiện mà chẳng bận tâm đến sự thiệt thòi của mình.

Có một số người phí thời gian để chắc chắn mình mua sắm được giá rẻ. Khi họ dự định mua một thứ gì họ so sánh giá cả ở các siêu thị cho đến khi họ mua được với giá hời nhất. Những thứ họ mua hóa ra chỉ rẻ hơn với những thứ làm bằng nguyên liệu tái sinh được chế biến từ sự thử nghiệm khoa học, trông bên ngoài rất hào nhoáng nhưng hư hỏng ngay khi dùng lần đầu. Thế nên, mặc dù quý vị nghĩ rằng mình đã có một ý tưởng tuyệt diệu, nhưng cuối cùng chính mình lại bị thiệt thòi. Nên thay vì thói quen tính toán ích kỷ như vậy, quý vị nên làm việc tốt lành cho người khác.

Bố thí pháp: Như việc tôi giảng kinhthuyết pháp cho quý vị nghe đây gọi là bố thí pháp. Kinh nói: “Trong tất cả các việc bố thí. Bố thí pháp là cao cả nhất

Tiền bạc quý vị đem ra bố thíthể tính đếm được, còn Pháp không thể tính toán được. Nếu có người đến pháp hội nghe giảng kinh, rồi tu tập và được giác ngộ, được chánh tri kiến. Quý vị thử tưởng tượng công đức phát xuất từ bố thí pháp lớn đến ngần nào? Vì bố thí chỉ một lời pháp cũng có thể khiến cho người ta chứng được Phật quả, nên đó là bố thí cao cả nhất.

Bố thí sự không sợ hãi (vô úy thí): khi quý vị đem sự bình thản, trầm tĩnh đến cho những nạn nhân của những vụ cướp đoạt, hỏa hoạn hay những tai ương khác khiến họ không còn hoảng hốt và kinh hãi, quý vị ̉ trấn an họ và khuyên giải bằng cách nói: “Đừng sợ! bất luận khó khăn nào cuối cùng rồi cũng qua thôi”

 Chẳng hạn, cách đây vài hôm, một nữ ca sĩ đánh mất ví tiền. Tôi để ý đến khuôn mặt lo âu của cô ta nên hỏi cô ta gặp phải chuyện gì.

Cô ta trả lời: “Con mất ví tiền, không biết phải làm sao bây giờ.” Tôi nói với cô ta một cách chắc chắn: “Cô sẽ tìm được lại thôi, đừng băn khoăn nữa.”

Hóa ra lời tôi nói như có phép thần thông. Cô ta trở lại nơi đánh mất, thấy ví tiền nằm ngay nơi cô ta vừa bỏ đi. Đó là một ví dụ về vô úy thí.

Tôi nói với cô ta: “Đó chỉ là chuyện nhỏ, chắc chắn cô sẽ gặp những chuyện to tát hơn. Nếu cô hiểu được chuyện nhỏ, thì cô sẽ giải quyết được việc lớn.”

- Trì giới: Ba-la-mật thứ hai mà bồ-tát phải thực hànhtrì giới. Điều này liên quan đến giới luật, một trong những phương diện quan trọng nhất của sự tu tập Phật pháp.

Giới là gì? Giới là những phép tắc về sinh hoạt mà hàng đệ tử Phật phải tuân theo. Giới có tác dụng ngăn ngừa không cho việc ác sinh khởiđề phòng những điều lỗi lầm không cho nó xảy ra.

Khi quý vị trì giới thì quý vị không còn phóng tâm mình vào những việc ác; thay vào đó quý vị tự hành xử một cách chân chínhcúng dường các hạnh lành ấy lên chư Phật.

Có bao nhiêu giới điều?

Những người cư sĩ đã quy y Tam bảo: Phật, Pháp,Tăng; muốn hoàn thiện hơn nữa thì nên thọ năm giới, đó là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng các chất độc hại gây kích thích. Phải phát nguyện giữ những giới này đến suốt đời. Sau khi thọ năm giới thì phát nguyện thọ Bát quan trai giới.

Ngoài ra còn có mười giới của sa-di. Thọ giới sa-di mới chính thức làm người xuất gia. Từ đó mới có thể tiến lên thọ giới Cụ túc, tức là hai trăm năm mươi giới dành cho tỷ-khưu tăng và ba trăm bốn mươi tám giới cho tỷ-khưu ni. Còn có giới của hàng bồ-tát gồm mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Mười giới đầu tiên được gọi là giới trọng, vì khi một người đã phạm một trong mười giới trọng này thì không thể tự mình sám hối được, nếu phạm một trong những giới khinh thì có thể tự sửa đổi lỗi lầm và bắt đầu lại.

Khi Đức Phật gần nhập niết-bàn, Ngài A-nan thưa hỏi bốn câu hỏi, một trong số đó là: “Khi Thế tôn còn tại thế, Như Lai là thầy của chúng con. Khi Thế tôn nhập diệt rồi, chúng con nhận ai làm thầy?"

Thế tôn trả lời:

 “Sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên lấy giới luật làm thầy của mình.”

 Đức Phật chỉ rõ cho hàng xuất gia: tỷ-khưu, tỷ-khưu ni phải nên nhận giới luật làm thầy của mình.

Cư sĩ muốn thọ giới pháp nên tìm đến một vị Sư trưởng – là người xuất gia đã thọ giới tỷ-khưu – để cầu giới pháp. Các giới căn bản phải được một vị xuất gia đã thọ giới tỷ-khưu trao truyền. Theo giới luật của Đức Phật, tỷ-khưu ni không được truyền giới.

Đối với người tu hành, việc thọ giớituyệt đối cần thiết. Người giữ gìn giới hạnh thanh tịnh sẽ có vẻ đẹp sáng rỡ như viên minh châu. Vào đời Đường có Đạo Tuyên Luật sư ở núi Chung Nam, Ngài giữ giới luật rất tinh nghiêm đến mức chư thiên đến cúng dường. Phước đức của việc giữ giới rất lớn. Nếu quý vị học Phật pháp mà không giữ giới thì cũng giống như cái bình bị lỗ rò. Giữ giới cũng như bít lỗ rò ấy lại. Thân thể con người có nhiều lỗ thoát, nó rỉ chảy ra. Nếu quý vị giữ gìn giới luật trong một thời gian dài, thì nó sẽ không chảy thoát ra nữa.

Trong pháp hội Thủ-lăng-nghiêm này quý vị sẽ được nghe giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm, được hướng dẫn trực tiếp, kết hợp cả học hỏi, nghiên cứutu tập hành trì. Thời khóa tu học rất căng thẳng, từ sáu giờ sáng đến chín giờ tối mỗi ngày. Nghiêm ngặt hơn ở trường học bên ngoài nhiều. Đây là trường học để giải quyết vấn đề sinh tử.

Khi nghe giảng kinh Thủ-lăng-nghiêm quý vị sẽ hiểu được ý kinh và thực hành tu tập thông qua tham thiền. Thông qua sự kết hợp giữa nghiên cứu cho hiểu thấu ý kinh rồi thực hành, chúng ta có thể bước đi vững chãi trên mặt đất và tiếp xúc với công việc không bằng sự bất cẩn và thờ ơ như trước đây nữa, mà bằng sự nỗ lực tinh tấn trong tu học. Quý vị sẽ giải quyết được vấn đề sinh tử, đạt được sự lợi ích vô cùng to lớn.

Một ví dụ sẽ minh họa giúp cho chúng ta hiểu được giá trị khi kết hợp giữa hiểu biếtthực hành. Một người bị mù và một người bị què chân sống chung với nhau trong một gia đình, trong đó có vài người khác cùng chung sống để giúp đỡ cho họ. Song, một hôm những người kia đều có việc phải đi ra ngoài, người đi câu cá, người đi mua sắm, người đi chơi, người mù và người què là những người còn lại trong nhà. Trong cái ngày đặc biệt ấy căn nhà bỗng xảy ra hỏa hoạn, người mù không thấy được đường nên không thể thoát ra được. Người què thấy được, nhưng không có đôi chân lành lặn để đi ra. Thật nan giải! Chắc chắn họ sẽ bị chết cháy thôi!

Lúc đó, có một vị thiện tri thức cho họ lời khuyên: “Các anh đều có thể thoát được nạn cháy, có thể thoát ra được ngôi nhà lửa này. Làm cách nào để thoát? Người mù hãy sử dụng đôi mắt của người què và người què sử dụng đôi chân của người mù.” Họ liền theo lời chỉ dẫn của thiện tri thức.

Có phải người què móc mắt của mình ra rồi gắn vào hốc mắt của người mù chăng? Bất kỳ một cuộc giải phẫu nào với phương pháp như thế đều thất bại cả. Nếu như người ta tìm cách gắn đôi chân của người mù vào thân của người què cũng đều là vấn đề nan giải, vượt qua ngoài quy luật tự nhiên. Thế họ làm như thế nào?

Họ tạo ra được một tình huống tốt nhất bằng cách người mù cõng người què. Người què có mắt nên hướng dẫn: “Quẹo phải, quẹo trái, đi thẳng,” người mù có đôi chân, tuy không thấy đường nhưng có thể nghe được lời chỉ dẫn của người què. Nhờ nghe lời khuyên đúng lúchợp lý, cả hai người đều tự xoay xở để tự cứu được mình.

Khi quý vị nghe chuyện này, xin đừng hiểu lầm là tôi ví quý vị như người mù và què. Chẳng phải quý vị là người mù và què đâu mà tôi mới là mù và què. Nhưng nhờ có hiểu biết được đạo lý nên tôi mượn ví dụ để giảng, chẳng phải là nói về quý vị và tôi.

Quý vị không nên quá tự cao, đừng có dựa vào sự hiểu biết độc đáo của mình hoặc là trí thức rộng lớn của mình. Thế tại sao quý vị không chứng được Phật quả? Chỉ vì quý vị quá ư ngạo mạn.

Quý vị nghĩ: “Ta có kiến thức rất uyên bác.” Nhưng bất kỳ những thứ gì mà quý vị học được đều làm chướng ngại quý vị. Nếu quý vị có nhiều kiến thức, thì quý vị sẽ bị gánh nặng của kiến thức ấy, nếu quý vị có nhiều năng lực thì năng lực ấy sẽ làm chướng ngại khiến quý vị không thể chứng đạo được. Chúng ta nên loại trừ hết những ảo tưởng về kiến thức thông minh ấy của quý vị, của tôi và của mọi người. Hãy để cho những tư tưởng ấy an định, phóng xả và làm cho nó thanh tị̣nh. Hãy để cho lòng mình trở nên trống rỗng.

Để làm gì? Để quý vị có thể hưởng được trọn vẹn hương vị nhiệm mầu của đề hồ.[7] Đó là Phật pháp vi diệu tối thượng.

Một hôm có một phụ nữ trẻ đang làm luận án Tiến sĩ thú nhận rằng trong đầu của cô ta chứa đầy rác. Nay chúng ta sẽ dùng lời của cô ta để nói lại: “Hãy liệng sạch rác rến ấy ra khỏi đầu, thì cô ta sẽ nghe được kinh. Lúc ấy, mỗi điều nghe sẽ được ngàn điều ngộ.

-Nhẫn nhục : có ba loại nhẫn nhục: sinh nhẫn, pháp nhẫnvô sinh pháp nhẫn.

 -Tinh tấn : nghĩa là thường xuyên tiến lên phía trước không lui sụt trong công phu tu tập. Ví dụ về hạnh tinh tấn cao nhất đã được nói trong kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Vương Bồ-tát Bổn sự̣. Bồ-tát Dược Vương quấn mình trong vải tẩm dầu hương rồi cung kính đến trước Đức Phật đốt mình để cúng dường.

Quý vị thắc mắc: “Ngài đốt mình như vậy để làm gì vậy?”

Vì Bồ-tát Dược Vương thấy rằng lòng từ của Đức Phật quá tối thượng, quá sâu mầu, quá vĩ đại, không có cách nào có thể báo đáp được ân đức ấy. Nên Bồ-tát đã đem hết thân tâm và tánh mạng của mình cúng dường lên Đức Phật.

Quý vị hỏi: “Ngài đốt thân trong bao lâu?”

- Trong một thời gian rất dài, không có cách nào tính đếm được khoảng thời gian ấy.

Khi Đại sư Trí Giả, vị tổ thứ ba của tông Thiên Thai được đọc phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn s trong Kinh Pháp Hoa đến đoạn “...Thị chân tinh tấn, thị danh chân pháp cúng dường Như Lai” (tâm chân chánh tinh tấn ấy, mới được gọi là pháp chân thật cúng dường Như Lai), thì Ngài liền nhập vào định. Trong định, Ngài Trí Giả thấy pháp hội do Đức Phật giảng kinh Pháp Hoa trên núi Linh Thứu vẫn chưa tan.

Đại sư Trí Giả thấy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn đang ngồi giảng pháp ở đó, chuyển bánh xe đại pháp giáo hóa vô lượng chúng sinh. Ngay đó, Đại sư Trí Giả hoát nhiên nhập vào Pháp Hoa Tam-muội đạt được Nhất triền đà-la-ni. Sau khi Ngài xuất định, với trí tuệ lớn lao mà ngài đã tự khai mở được, Ngài lập tông Thiên Thai. Đó là cảm ứng do niệm tưởng công đức của Bồ-tát Dược Vương khi đốt thân cúng dường Đức Phật.

Một số người sẽ phản đối: “Nếu có nhổ một sợi tóc trên đầu tôi mà làm lợi cho cả thế giới, tôi cũng không làm.” Đó là họ chỉ biết riêng mình mà không cần biết làm lợi ích cho người khác. Họ không thể được gọi là chân thực tinh tấn.

- Ba-la-mật thứ năm là Thiền định: có bốn loại thiền và tám thứ định. Còn Cửu thứ đệ định đã có đề cập trong phần kinh văn của kinh Thủ-lăng-nghiêm nên tôi sẽ không giảng ở đây. Nay chỉ giảng vắn tắt về Tứ thiền.

-Sơ thiền: gọi là Ly sanh hỷ lạc địa. Trong trạng thái thiền đầu tiên, người đạt đến cảnh giới này có thể làm cho mạch ngưng đập.

-Nhị thiền: gọi là Định sinh hỷ lạc địa. Trạng thái định này vững chãi hơn ở Sơ thiền. Đạt đến cảnh giới này có thể dừng được hơi thở. Nhưng không có nghĩa là chết. Thay vào đó là một cảnh giới khác của ý thức. Hơi thở bên ngoài đình chỉ nhưng hơi thở bên trong vẫn còn. Hàng phàm phu chỉ sử dụng được hơi thở bên ngoài. Nếu người có thể sử dụng hơi thở bên trong thì họ được trường sinh bất tử, muốn sống bao lâu cũng được. Tuy nhiên, dù có sống đến bao lâu cũng chỉ trở thành con quỷ giữ thây vô dụng, chỉ lo giữ cái túi da hôi hám này mà thôi.

-Tam thiền: gọi là Ly hỷ diệu lạc địa. Mọi người tu tập đều thích chứng được “diệu lạc” này. Tuy vậy, niềm vui (phước lạc) ở cõi thiền thứ ba này tách biệt hẳn với niềm vui thông thường, vì nó cực kỳ vi diệu. Trong cảnh giới này ý thức hoàn toàn đình chỉ.

-Tứ thiền: còn gọi là Xả niệm thanh tịnh địa. Đến đây, tất cả mọi niệm tưởng đều được xả trừ. Hành giả chỉ còn biết những gì xảy ra ở cõi trời và người nhưng hành giả không nên dính mắc, ngưng trệ ở cảnh giới này. Đạt được cảnh giới thiền thứ tư chỉ là bước đầu tiên của lộ trình tu đạo. Hành giả nên nhớ rằng đến cảnh giới thiền thứ tư mới chỉ là một bước tiến đặc biệt thôi. Đó chỉ là bước đầu tiên trên đường hướng tới Phật quả, chẳng phải là thành tựu quả vị đầu tiên của hàng a-la-hán.

-Ba-la-mật thứ sáu là bát-nhã (prajñā), là phiên âm từ tiếng Sanskrit, tạm dịch là trí tuệ. Có nhiều người xem trí thông minh thế giantrí tuệ. Không phải thế. Trí thông minhkiến thức thế gian xuất phát từ học hỏi các môn khoa học, triết lý và những môn khác mà có. Còn trí tuệhiểu biết xuất thế gian, do chứng được Phật quả mà được. Đây là bát-nhã. Từ bát-nhã (prajñā) không dịch được vì nó có quá nhiều nghĩa, nằm trong năm loại thuật ngữ không nên phiên dịch (ngũ chủng bất phiên). Đó là:

1. Những thuật ngữ liên quan đến tính chất huyền bí thâm mật (bí mật chi).

2. Những thuật ngữ có nhiều nghĩa (hàm đa nghĩa).

3. Những thuật ngữ liên quan đến những vật mà ngôn ngữ địa phương không có (thử phương vô).

4. Những thuật ngữ theo truyền thống đã không phiên dịch (thuận cổ lệ).

5. Những thuật ngữ khiến người đọc phát khởi thiên tâm (vi sinh thiện).

Năm nguyên tắc này được Ngài Huyền Trang đời Đường đề xướng ra trước tiên.

Bát-nhã có ba nghĩa:

1. Văn tự bát-nhã: là những điều ghi chép trong kinh tạng.

2. Quán chiếu bát-nhã: trí tuệ có được qua sự hồi quang phản chiếu, qua công phuphản văn văn tự tánh” - hướng tánh nghe vào tự tâm để nhận ra tự tánh của chính mình. Trí tuệ này phát sinh khi mắt tâm không còn tìm kiếm bên ngoài nữa, mà quay trở lại quán sát bên trong mình. Với ánh sáng trí tuệ quán chiếu, quý vị có thể chiếu soi và quét sạch mọi tối tăm mê muội chung quanh mình. Khi trí tuệ lưu xuất từ tâm, quý vị trở nên rất sáng suốtthanh tịnh, không còn bị vây phủ bởi trần cấu ô nhiễm nữa.

3. Thực tướng bát-nhã: là bát-nhã vi diệu nhất, bất khả tư nghì. Đồng nghĩa với từ liễu nghĩa  trong đề kinh này. Thực tướng ấy không chứa đựng hình tướng nào trong đó cả mà chẳng có gì ở ngoài thực tướng ấy. Khi quý vị cho là vô tướng thì mọi pháp đều do đó mà biểu hiện, nên gọi là thực tướng. Nếu quý vị nhận ra được điều này thì quý vị rất gần với Đức Phật, chỉ còn cách Ngài có một bước.

Kinh Kim Cương nói:

"Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.”

Mọi pháp nếu được biểu hiện qua hình tướng đều là hư giả. Nếu như ngay trong sự biểu hiện của các pháp, mà quý vị nhận ra được tính chất vô tướng của nó thì lúc ấy quý vị thấy được Phật.

Thực tướng bát-nhã là nhận rõ được bản thể của các pháp và thâm nhập vào căn nguyên của các pháp. Đạt đến cội nguồn của các pháp rồi tức là như thấy được Phật.

Rất dễ khi bàn về những kinh nghiệm như vậy, nhưng rất khó thể nhập. Quý vị không thể hiểu được bằng cách chỉ nghe giảng kinh mà phải tự mình dấn bước vào con đường tu đạo, dù việc ấy không dễ dàng gì, chúng ta cũng phải nghĩ cách đi trên con đường đó. Ví dụ có người nói: “Tôi rất muốn đi Nữu-ước, nhưng đường quá xa và vé máy bay quá đắt nên tôi do dự không muốn đi.” Song, nếu quý vị không bao giờ đi thì chẳng bao giờ quý vị biết thành phố Nữu-ước như thế nào cả. Chứng ngộ quả vị Phật cũng như vậy. Một mặt quý vị muốn thành Phật nhưng mặt khác có một lực trì trệ kéo ngược lại, khiến quý vị không bao giờ đạt đến đích cả. Cũng như nhìn biển mênh mông rồi buông tiếng thở dài: “Tu học Phật pháp thật là khó, ta sẽ tìm đạo gì đó dễ tu hơn.” Nếu quý vị có thái độ đó quý vị sẽ không bao giờ chứng được quả vị Phật. Nếu quý vị không muốn thành Phật thì không nói làm gì, nhưng nếu quý vị muốn thành Phật thì phải dấn mình vào khó khăn, vì chỉ trong khó khăn thì mới thấy được cái dễ.

Thiền ngữ Trung Hoa có câu:

“Bất lịch nhất phiên hàn triệt cốt

 Yên đắc mai hoa phác tị hương”[8]

Tạm dịch:

 Nếu chẳng một phen xương thấm lạnh

Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương.

 Nhờ chịu đựng những cơn lạnh khắc nghiệt vào giữa mùa Đông ở Trung Hoa mà có được mùi hương rất ngọt ngào thanh khiết như thế.

Mọi chúng sinh đều thừa hưởng được Thực tướng bát-nhã trong mình. Nhưng cũng như “mật nhơn” trong kinh này. Thực tướng bát-nhã ấy chưa được hiển bày. Thế nên họ không nhận ra tự tánh vốn có sẵn nơi mình. Chúng ta không nhận ra tự tánh bát-nhã trong ta, là thực tướng bát-nhã vốn đầy đủ trong mình, nên chúng ta như kẻ nghèo nàn trong Phật pháp. Bát-nhã là trí tuệchúng ta luôn luôn có sẵn, chúng ta phải nên mở cánh cửa kho tàng trí tuệ này ra thì khuôn mặt xưa nay sẽ hiển bày. Khi chúng ta chưa nhận ra mình có sẵn Thực tướng bát-nhã trong mình thì cũng như mang một kho tàng chưa khai quật ở trong lòng. Tuy nhiên, khai quật kho vàng lên vẫn chưa đủ, còn phải ra sức luyện vàng mới sử dụng được. Kinh nói rằng mỏ vàng bát-nhã có sẵn trong mỗi người nhưng nếu ta không tinh luyện thì ta chẳng dùng được. Chúng ta phải phát tâm luyện chất vàng ròng thực tướng bát-nhã, khi ấy Phật tánh bản hữu sẽ tự xuất hiện.

Đức Phật dạy:

Tất cả mọi chúng sinh đều có Phật tánh và đều có thể tu tập thành Phật.

 Nhưng quý vị không nên nghĩ rằng: “Đức Phật nói rằng ai cũng có thể làm Phật. Vậy tôi là Phật rồi, chẳng cần tu hành gì nữa cả.”

Điều này cũng giống như biết mỏ vàng nằm đó nhưng không muốn đào lên để dùng.

Đây là những giải thích sơ lược về lục độ ba-la-mật trong hạnh nguyện của hàng bồ-tát. Mọi người đều có thể quyết định tu tập hạnh bồ-tát để trở thành bồ-tát. Nếu quý vị có chủng tử bồ-tát thì quý vị đã là một vị bồ-tát sơ phát tâm. Một vị bồ-tát không thể nói một cách ích kỷ rằng: “Chỉ có tôi mới có thể trở thành bồ-tát, còn quý vị thì không bao giờ! Các ông không thể như tôi được.”

Không những mọi người chỉ có thể trở thành bồ-tát mà họ còn có thể trở thành Phật nữa. Tôi tin rằng mọi người trong pháp hội này, một ngày nào đó sẽ thành Phật.

THỦ LĂNG NGHIÊM

Thủ-lăng-nghiêm (Śūraṃgama) là tiếng Sanskrit, có nghĩa là “Bền chắc nhất trong tất cả mọi thứ.” Tất cả mọi hiện tượng, mọi vật thể, như núi, sông, đất đai, nhà cửa, người, vật, các loài sinh từ bào thai, từ trứng, từ nơi ẩm thấp hoặc loài hóa sinh.[9] Tất cả những hiện tượng đều phải được thể nghiệm qua chiều sâu và tính vững chãi mới có thể đạt được bản thể của định, bản thể của “mật nhơn.” Khi hành giả đạt đượcđại định” của “mật nhơn”, người ấy là một bằng chứng của “liễu nghĩa.” Khi một hành giả đã đạt được liễu nghĩa, nghĩa là hành giả ấy đã tu tập lục độ vạn hạnh của bồ-tát, đã chứng được “đại hạnh.” Chứng được “đại hạnh” rồi sau đó mới thành tựu được loại định cứu cánh kiên cố nhất trong các hiện tượng, đó là “đại quả”– kết quả lớn nhất trong tất cả các kết quả.

 ĐẠI PHẬT ĐẢNH

đạt đến chỗ vi diệu của bốn sự vĩ đại. Đó là nhân-nghĩa-hạnh-quả vĩ đại. Bốn loại ấy còn có thể được gọi là Diệu nhân, Diệu nghĩa, Diệu hạnh, Diệu quả. Tuy nhiên, chữ “Diệu” không diễn tả toàn vẹn được nghĩa này, nên chữ “Đại” được dùng để diễn tả sự to lớn của bốn thứ ấy.

Hiện tượng kiên cố rốt ráo nhất là đại định, không có định thì thân và tâm bị phân tán không phối hợp chặt chẽ với nhau được. Quý vị dự tính đi về hướng Nam nhưng chân quý vị lại muốn đi về hướng Bắc. Hoặc là quý vị muốn làm việc thiện, nhưng mình không tự chủ được và thay vì đó là dẫn đến sự phạm pháp. Sự thiếu sót một tấm lòng thành khẩn, thường hằng để thành tựu đạo nghiệp cũng giống như khôngyếu tố định.

Nên trong khi nghiên cứu Kinh Thủ-lăng-nghiêm mọi người nên hết sứcchân, thành, hằng.” Quý vị phải phát tâm nguyện: “Tôi quyết tâm học cho đến khi hiểu được cốt tủy của kinh Thủ-lăng-nghiêm.” Quý vị không nên dừng lại nửa đườngquay về hướng khác, không nên đánh trống giải tán buổi họp quá sớm. Đừng nên nói: “À, ta đã học quá nhiều ngày mà chẳng hiểu gì cả. Đây là một loại rất khó học. Tôi chẳng muốn học tí nào nữa cả.”

Với lòng thành khẩn, quý vị sẽ học kinh trong tinh thần rất nghiêm túc và vẫn giữ gìn được tâm ý khi đang làm bất kỳ việc gì khác. Hoàn toàn để hết tâm ý vào việc học tập nên mọi vọng tưởng tiêu tan sạch. Phải học một cách siêng năng đến nỗi quên cả ăn, đến tối khi nằm xuống ngủ, chẳng còn một vọng niệm nào sinh khởi lên nữa, chỉ còn những giáo nghĩa.

Với sự thường xuyên (hằng) quý vị không nên học vài ba ngày rồi nghỉ. Đừng có thấy rằng học Phật pháp thì khó khăn và chán nản. Đừng có trù tính đi dạo công viên hay đến những nơi giải trí hấp dẫn. Đừng nên bịa ra để tự bào chữa cho mình: “Chẳng có giá trị thực tế khi học môn này cả. Nó đã quá cổ xưa trong thời đại khoa học này”, rồi bỏ học, không có tâm hằng viễn, quý vị sẽ không có được cứu cánh kiên cố.

Tu tập với tâm nguyệnchân-thành-hằng,” quý vị sẽ đạt được sự “kiên cố” và đạt được định lực, quý vị sẽ không bị xoay chuyển bởi hoàn cảnh nữa. Không bị ảnh hưởng, tác động bởi môi trường chung quanh. Đây là giải thích tổng quát về đề kinh này.

Kinh: là dịch chữ Sūtra trong tiếng Sanskrit. Người Trung Hoa dùng chữ kinh có nghĩa là khế kinh. Khế nghĩa là trên thì khế hợp với đạo lý của chư Phật, dưới thì phù hợp với căn cơ của mọi chúng sinh, để giáo hóa chúng sinh trong mọi lúc, mọi thời.

Kinh nghĩa là “con đường”, có thể dẫn dắt người phàm phu tiến lên thành Phật. Kinh còn có bốn nghĩa:

Quán: xuyên suốt. Nghĩa lý Đức Phật giảng trong kinh ví như một sợi chỉ hồng xuyên suốt qua chuỗi hạt.

Nhiếp: Kinh có thể giáo hóa thích hợp bao gồm hết mọi căn cơ. Tức là đối với mọi căn cơ chúng sinh đều có pháp riêng biệt để giáo hóa. Nên nói “tùy căn cơ để bố thí pháp, tùy người bệnh mà cho thuốc.”

Kinh cũng như thỏi nam châm, mọi chúng sinh được ví như sắt vụn, đều bị hút về thỏi nam châm. Kinh Thủ-lăng-nghiêm được ví như thỏi nam châm, nên được gọi là kiên cố. Nhưng Kinh Thủ-lăng-nghiêm còn mạnh hơn cả thỏi nam châm. Nó có thể giúp cho con người không bị trầm luân trở lại. Vì kinh nhiếp phục hết tất cả chúng sinh, giúp cho họ không đọa lạc trở lại vào trong địa ngục ngạ quỷ, súc sinh. Họ bị mê mờ đến nỗi dù muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh ấy cũng không được. Nên kinh Phật vi diệu biết bao! Phật tử đến đây nghe giảng kinh, một khi nghe liền được thu hút vào niềm thích thú. Khi nghe được đoạn đầu rồi thì thích nghe cho đến đoạn cuối. Họ tán thán: “Thật có ý nghĩa, thật là bổ ích.”

Thường: là từ xưa đến nay, ý kinh vẫn không thay đổi không thể thêm hay bớt một chữ nào được cả. Kinh vẫn thường hằng, không biến đổi.

Pháp: Kinh được gọi là pháp, được chúng sinh trong cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai tôn trọng là vì kinh chứa đựng phương pháp tu đạo chứng quả vị Phật và giáo hóa chúng sinh.

Kinh điển Phật giáo được trình bày qua mười hai thể loại.[10] Mười hai thể loại này đều được trình bày trong mỗi một bộ kinh. Mỗi một bộ kinh đều có một trong mười hai thể loại này:

1. Trường hàng: Phần kinh văn, gồm nhiều hàng rất dài nên gọi là trường hàng.

2. Trùng tụng: Phần thi kệ, tóm lại nghĩa lý đã diễn bày trong phần trường hàng.

3. Thọ ký: Trong kinh văn, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói với một vị bồ-tát: “Trong chừng đó kiếp, các ông sẽ được thành Phật, huệ mạng của ông rất dài, trong quốc độ đó ông sẽ giáo hóa vô số chúng sinh.”

Một ví dụ là Đức Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sẽ được thành Phật. Trong đời quá khứ, khi còn tu hành trong “nhân địa”, Đức Phật Thích-ca đã tu tập bồ-tát đạo rất tinh nghiêm. Trong khi Ngài khẩn cầu được học tập giáo pháp, Ngài đã “trải tóc mình phủ kín mặt đường bùn lầy.” Để làm gì? Trong một kiếp vào thời quá khứ, khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đang đi trên đường, thấy phía trước mình cũng có một vị tỷ-khưu đang đi về phía mình. Ngài không biết đó chính là một vị Phật. Con đường dưới chân vị tỷ-khưu đầy bùn lầy: “Nếu vị tỷ-khưu già kia đi qua vũng bùn này ngài sẽ bị ướt sũng.” Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tương lai nghĩ như vậy. Xuất phát từ lòng kính trọng Tam bảo, nhà khổ hạnh đã trải mình nằm phủ trên đường lầy, dùng thân như chiếc chiếu phủ trên vũng nước bùn rồi cầu thỉnh vị tỷ-khưu già hãy bước qua thân mình mà đi. Thấy vẫn còn một khoảng đường bị sình lầy, sợ rằng vị tỷ-khưu già phải lội qua vũng lầy ấy, Ngài xỏa tóc mình ra rồi trải qua vũng bùn cho vị tỷ-khưu già đi qua. Không biết người tỷ-khưu già ấy là một vị Phật.

Chứng kiến việc cúng dường cung kính như vậy, Đức cổ Phật Nhiên Đăng hài lòng vô cùng. Ngài nói: “Như thị, Như thị.” Chữ “Như thị” thứ nhất có nghĩa là : “Ông đã làm việc cúng dường bằng cách đem thân trải con đường bùn lầy để cho tôi bước đi. Chữ “Như thị” thứ hai có nghĩa: “Trong quá khứ, tôi cũng đã từng làm như thế, tôi cũng đã từng tu hạnh bồ-tát, nay ông làm như vậy.”

Rồi Đức Phật Nhiên Đăng[11] thọ ký cho Ngài: “Vào đời tương lai, ông sẽ thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni. Tại sao Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký như vậy? Vì Ngài xúc động với lòng chân thành của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tương lai. Dù Đức Phật Nhiên Đăng thường ít để ý đến chuyện của người khác, nhưng Ngài đã đặc biệt chú ý đến hành vi cung kính này và thọ ký cho Ngài sẽ thành Phật.

4. Nhân duyên: do có nhiều nhân duyên nên Đức Phật giảng giải bằng nhiều loại pháp khác nhau.

5. Thí dụ: những thí dụ được dùng để minh họa cho tính chất vi diệu của Phật pháp.

6. Bổn sự: Phần này nói đến những công hạnh trong kiếp trước của chư Phật và các vị Bồ -tát.

7. Bổn sinh: ghi chép những công hạnh của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong kiếp này hay công hạnh của những vị Bồ-tát.

8. Phương quảng: phương là bốn phương, quảng là lớn rộng, biểu thị cho Phật pháp vô cùng rộng lớn và tinh thâm vi diệu.

9. Vị tằng hữu: phần kinh văn đề cập đến những việc chưa từng được nói đến từ trước tới nay.

10. Tự thuyết : không cần có sự cầu thỉnh, mà Đức Phật tự phóng quang làm chấn động thế giới rồi giảng nói kinh pháp.

11. Cô khởi: còn gọi là phúng tụng. Đây là phần kệ mà ý nghĩa không có sự liên tục với nhau giữa đoạn đầu và đoạn giữa cùng đoạn cuối.

12. Luận nghị: phần kinh đề cập đến việc nghiên cứu bàn luận về sự sâu mầu của Phật pháp.

bài kệ tóm tắt mười hai thể loại như sau:

 Trường hàng, trùng tụng tinh thọ ký

 Cô khởi, vô vấn nhi tự thuyết.

 Nhân duyên thí dụ cập bổn sự.

 Bổn sinh phương quảng vị tằng hữu.

 Luận nghị cọng thành thập nhị bộ.

Mỗi bộ kinh đều có đủ mười hai thể loại này. Điều này không phải có nghĩa là kinh tạng Phật giáo chỉ có mười hai bộ, nhưng mỗi phần trong kinh văn đều có đủ, hoặc có ít nhất là một trong mười hai thể loại này.



1 Nguyên văn: Nhất thiết chúng sinh câu hữu Như Lai đức tướng trí huệ, đản dĩ vọng tưởng chấp trước bất năng chứng đắc; 一切 衆 生 俱有如來德 相 智慧, 但 以 妄 想 執 著不能證得 (蕐嚴經).

[1] S: pratyeka-buddha. Còn gọi Duyên giác 緣覺, Độc giác 獨覺, Cụ-chi-ca 貝支迦, Bích chi 辟支.

[2] nguyên văn : six-foot high.

[3] s: Uṣṇīṣaṃ: phiên âm là sắc-ni-sam 色 尼 釤. Hán dịch là nhục kế 肉髻, vô kiến đảnh tướng 無見頂相, đảnh cổ 頂股. Là đảnh cốt, tức phần xương trên đỉnh đầu Đức Phật nổi cao tròn khác thường (to bằng vành chén trà). Trong những thời pháp đặc biệt, Đức Phật thường phóng hào quangvị trí nầy để biểu hiện thần lực vi diệu, đây là 1 trong 32 tướng tốt của các Đức Phật.

Trong Tự điển Practical S.E.D của V.S.Apte đã dịch ra Anh ngữ:

 - Anything wound round the head (một vật thể tròn trên đầu).

 - A distinguishing mark (dấu hiệu nổi bật).

 -A characteric mark of hair on the head of a Buddha which indicates his future sanctity (dấu hiệu đặc biệt trên đầu tóc Đức Phật, cho biết địa vị tôn quý của Ngài trong tương lai)

[4] 如來者,無所從來,亦無所去,故名如來.

[5]s: tathāgata.

[6] Có nơi tách Thiện thệ thế gian giải thành 2, và ghép Phật, Thế tôn làm 1 để có 10 danh hiệu. Có nơi ghép Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu làm 1 và tách Phật, Thế Tôn thành hai để có 10 danh hiệu.

[7] Đề hồ 醍醐: Một trong năm món chế từ sữa. Là món ăn, vị thuốc tốt nhất. (Sữa, lạc, sinh tô, thục tô, đề hồ). Tông Thiên Thai gọi Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết-bàn quý báu như đề hồ.

[8] Hoàng Bá Hy Vận 黃檗希運 (?-850), Thiền sư Trung Hoa.

[9] Tứ sinh : thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.

[10] Thường gọi là Thập nhị bộ kinh

[11] S: Dipaṃkara.

Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59334)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: