QUY SƠN CẢNH
SÁCH
Nguyên tác Hán văn: Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu
Dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2009
Viết sau khi dịch
Bản dịch này tôi viết xong đã nhiều năm nay, từng đưa cho nhiều vị tôn túc xem
qua, đều nói là rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, bản thân tôi mỗi lần đọc lại vẫn
thấy một khoảng cách nhất định giữa bản dịch và nguyên tác. Cho dù đã cố gắng
hết sức mình, tôi vẫn không sao hài lòng được với việc đã làm.
Tuy nhiên, điều làm tôi cảm thấy phần nào được an ủi là, đây không phải trường
hợp duy nhất đối với các bản văn hay bằng chữ Hán. Còn nhớ cách đây gần hai
mươi năm, bài thơ Hoa cúc của thiền sư Huyền Quang cũng đã từng làm tôi suy
nghĩ mãi, vì không sao dịch hết được ý thơ trong nguyên tác. Chỉ riêng một câu
“Phần hương độc tọa tự vong ưu” đã là một thách thức gần như không thể vượt
qua! Thế rồi, nhiều năm sau, được đọc các bản dịch của những bậc tiền bối lão
thành, uyên bác ... tôi mới vỡ lẽ ra là, ngay cả các vị cũng không xóa bỏ được
khoảng cách giữa bản dịch và nguyên tác. Và tôi còn nhận ra một điều: nguyên
tác càng hay thì khoảng cách này dường như càng lớn!
Tính hàm súc của văn chương chữ Hán gần như không thể phủ nhận được, nhất là
với những bản văn hay. Việc chuyển dịch rõ ràng là có những giới hạn nhất định
rất khó lòng vượt qua. Vì thế, để thật sự có thể cảm nhận được cái hay của
nguyên tác, quả thật không gì bằng đọc hiểu được trực tiếp từ chữ Hán. Theo lời
cha tôi kể lại, những người xuất gia ngày trước buộc phải đọc hiểu được và học
thuộc lòng bản văn này bằng chữ Hán. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho
ít người nghĩ đến việc dịch sang tiếng Việt.
Ngày nay có khác. Lớp trẻ bây giờ không mấy người đọc được chữ Hán. Vì thế,
việc chuyển dịch sang tiếng Việt có lẽ là cách tốt nhất để giới thiệu bản văn
hay này đến với nhiều người. Cho dù có những hạn chế nhất định như đã nói,
nhưng tâm huyết của người xưa cũng có thể nhờ đó mà không đến nỗi phải mai một.
Tuy nhiên, để bù đắp phần nào cho những thiếu sót khi chuyển dịch, việc diễn
giải thêm một vài ý chính có lẽ cũng là một việc nên làm.
Nhân quả và vô thường
Nhân quả là một trong những nguyên lý cơ bản quan trọng nhất trong Phật pháp.
Khổ não đời này tất yếu là do nghiệp lực từ đời trước. Vì thế mà có thân là có
khổ, bởi thân này vốn là do nghiệp lực mà sinh ra, chịu sự chi phối, dắt dẫn
của nghiệp lực. Nghiệp đã buộc nơi thân, vấn đề không phải là làm sao tránh né,
mà là phải đối mặt và vượt qua như thế nào.
Soi rọi vào bản chất thật sự của thân này, mới hay rằng bốn đại vốn đều không
thật. Có người cho rằng quan niệm về “bốn đại” của thời xa xưa nay không còn
đúng nữa. Thật ra, về mặt nguyên lý thì vấn đề vẫn không có gì thay đổi cả.
Tính giả hợp của bốn đại, hay tính giả hợp của các nguyên tử, phân tử, tế
bào... vẫn là như nhau, có khác chăng chỉ là tên gọi cho phù hợp với sự hiểu
biết về vật chất của mỗi giai đoạn. Còn tính triết lý hàm chứa trong quan niệm
này quả thật không thay đổi, vẫn luôn đúng đắn. Nghĩ mà xem, rõ ràng là chúng
ta không thể, và cũng sẽ không bao giờ có thể tìm được một “cái ta thật có”
trong những yếu tố giả hợp đó, cho dù có gọi đó là “bốn đại”, hay “phân tử”,
hay “tế bào”... gì gì đi nữa. Sự giả hợp của chúng để tạo thành xác thân vật
chất này là một sự gá mượn hoàn toàn nơi các nhân duyên. Nhân duyên đầy đủ thì
hội tụ, nhân duyên hết thì tan rã... dù muốn hay không ta cũng chẳng thể nào
làm chủ được sự tồn vong của xác thân này.
Trong rất nhiều kinh Phật, tính không thật của “thân tứ đại” này luôn được nhắc
đến như một thực tế cần ghi nhớ. Tuy nhiên, cái nguyên lý “tứ đại giai không”
vốn dĩ rất ít người thật sự cảm nhận được, mà cái “có thật” của thân này thì
không ai là không biết. Cái gọi là “có thật” đó, chính là những khổ lụy mà mỗi
người chúng ta đều phải gánh chịu ngay từ thuở lọt lòng. Những khổ lụy ấy, nhìn
xa là do nơi nghiệp lực, mà nhìn gần thì chính là do bởi sự “xung khắc” thường
xuyên của các yếu tố cấu thành thân này. Bởi vậy, có thân là có khổ! Điều này
thật sâu sắc biết bao! Ở đây lời văn chỉ gợi nhắc chỗ cốt tủy để mở đầu cho
những ý hướng khác, nếu đi sâu vào phân tích lý nhân duyên, nghiệp quả thì còn
biết bao nhiêu điều để nói!
Tuy là cội nguồn của khổ lụy, nhưng thân này lại chẳng lấy gì làm bền chắc. Dù
muốn dù không, chúng ta hầu như cũng hoàn toàn không thể đảm bảo được sự tồn
tại của nó, dù là chỉ trong thoáng chốc. Bởi vậy, kinh Tứ thập nhị chương dạy
rằng, mạng người còn mất chỉ trong hơi thở. Sớm còn, tối mất, mỏng manh “như
sương như móc”, “như cây ven bờ vực, như dây leo vách giếng”... Quả là những
hình ảnh so sánh rất rõ ràng minh bạch. Mạng người đã thế, có chi là bền chắc?
Trong thực tế quanh ta, chuyện sống chết cũng không ít trường hợp diễn ra hoàn
toàn không báo trước. Hôm nay gặp nhau, ngày mai không còn nữa. Vừa mới chuyện
trò vui vẻ cùng nhau, phút chốc đã nghe tin dữ... Những chuyện như thế, quả
thật không lạ lùng gì đối với bất cứ ai. Tuy nhiên, điều lạ lùng nhất là rất ít
người thường xuyên nghĩ đến, nhớ đến thực tế ấy! Nếu người ta luôn nhớ đến điều
này, cuộc sống hẳn đã tốt đẹp hơn nhiều lắm, bởi chẳng mấy ai lại còn có hứng
thú để lao vào những cuộc tranh chấp hơn thua, gây gỗ cùng nhau khi biết rằng
cuộc sống quý giá này vốn rất mong manh, ngắn ngủi. Tính chất vô thường hóa ra
lại là một cái gì đó “rất thường” mà không mấy người chịu để tâm suy ngẫm.
Nêu lên lý nhân quả, sự giả hợp của các duyên và tính cách tạm bợ của đời sống,
bài văn đã phác thảo được một tiền đề quan trọng cần thiết cho những ý tưởng
sách tấn sẽ được trình bày nối tiếp theo sau.
Chí hướng xuất gia
Cuộc sống đã mong manh ngắn ngủi, sự nghiệp một đời biết dựa vào đâu để gọi là
đại sự? Bởi vậy, người có đủ trí tuệ và ý chí không thể không chọn con đường
xuất thế. Nếu không được vậy, thật là “bỏ phí cuộc đời trôi qua vô ích” vậy.
Nhưng đại nghiệp xuất thế không phải một sớm một chiều đã có thể làm nên. Huống
chi có được xác thân này vốn là nhờ ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha như trời
biển, lại thêm sự dạy dỗ, nâng đỡ của thầy cô, bạn hữu... cho đến sự bảo bọc,
cậy nhờ nơi xóm giềng, xã hội... Đã vậy, nếu không biết nghĩ đến phần trách
nhiệm của mình đối với tất cả, thì dẫu chuyện nhỏ cũng chưa thể gọi là thành
tựu, huống hồ là đại sự!
Nhưng đây vốn là tâm niệm rất dễ mắc phải của người xuất gia! Một khi lập chí
xuất trần, thường xem nhẹ hết thảy những gì thuộc về thế tục. Vấn đề thật ra
không đúng là như vậy. Dù quả thật đã không còn có thể “dâng cho cha mẹ miếng
ăn ngon ngọt”, cũng “không lo việc nước”, “chẳng kế tục nghiệp nhà”... nhưng
những điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng người xuất gia là rủ bỏ mọi bổn
phận, trách nhiệm làm người. Sự khác biệt ở đây là cần phải dốc chí “làm nên đại
sự” như một phương tiện để báo đáp công ơn của những ai đã từng thương yêu, bảo
bọc cho mình. Bởi vậy, người xuất gia phải canh cánh bên lòng trách nhiệm nặng
nề là phải vượt lên trên mọi chuyện tầm thường thế tục mà một lòng cầu đạo giải
thoát.
Những điều nên tránh
Tuy rằng tâm nguyện, ý chí của người xuất gia là to lớn không cùng, nhưng nếu
không khéo nghiêm trì giới luật, vâng theo lời giáo huấn của bổn sư thì thật
rất dễ lầm đường lạc lối. Trong văn này, Tổ sư nêu lên những ý chung, mà khi
xét lỗi riêng đời nay không ít người mắc phải.
Lỗi đầu tiên dễ mắc phải nhất là sự tự mãn, kiêu căng. Người xuất gia vừa thọ
đại giới xong, oai nghi hình tướng đầy đủ thì ai ai cũng đều cung kính, trân
trọng, cho đến những bậc quyền thế của thế gian đôi khi cũng quỳ lạy lễ bái.
Nhiều người không biết rằng sự cung kính đó bước đầu vốn dĩ có được chỉ là nhờ
nơi hình tướng tăng sĩ, còn oai nghi đức hạnh thật sự của mỗi người là việc
không phải tự nhiên có được. Vì không phân biệt được chỗ khác biệt này, nên
thay vì chuyên cần tu tập, tinh chuyên giới luật để xứng đáng với cương vị bậc
xuất gia, lại sanh tâm kiêu mạn tự cho rằng mình đã có được oai đức hơn người.
Nghĩ như thế nên xem việc thập phương tín thí cúng dường chu cấp vật thực cho
mình chỉ là chuyện đương nhiên phải vậy! Tâm đã kiêu mạn như thế nên không thể
theo con đường khổ hạnh tinh chuyên, chỉ biết sống buông thả theo vật dục, theo
những tình cảm thế tục thông thường không khác, quên mất rằng những điều ấy
thảy đều là những nguyên nhân chuốc lấy khổ não về sau!
Nếu biết nhớ lại chí hướng lúc xuất gia, nhớ lại những trách nhiệm nặng nề khi bước chân vào con đường xuất thế, thì chẳng thể nào lơ là buông thả được. Phật dạy rằng, người xuất gia lấy đạo nghiệp thay cho sự nghiệp của thế tục, phải biết tự thân tiến mãi không ngừng trên đường tu tập. Bởi vậy luôn phải ghi nhớ trong lòng câu “tam thường bất túc”, “chuyện ăn mặc, ngủ nghỉ đừng bao giờ hưởng thụ đầy đủ”. Nếu chỉ biết mong cầu “no cơm ấm áo” thì thật là uổng phí cả một đời, cho dù có sớm kinh tối kệ thì rốt cùng cũng chẳng có được chút ích lợi gì.
Chỗ nương dựa trước tiên của người xuất gia nhất thiết phải là giới luật. Trước khi Phật nhập Niết-bàn cũng đã ân cần dặn dò hàng đệ tử về sau phải lấy giới luật làm thầy, xem đó như Phật còn tại thế. Thật đáng tiếc có những người tự cho mình là lợi căn thượng trí, chỉ muốn nghiên tầm những nghĩa lý sâu xa mà không chú trọng đến việc tinh chuyên giới luật. Đây là một sai lầm rất lớn mà bất cứ ai khi đã mắc vào đều khó lòng tăng tiến trên đường tu tập. Bởi vì giới luật vốn dĩ là cái nền móng chắc chắn nhất định phải có để thực hành bất cứ pháp môn nào.
Chỉ riêng một việc không nghiêm trì giới luật là gốc của muôn ngàn lỗi lầm sai trái khác. Tự thân chẳng giữ được phép tắc oai nghi, trí huệ cũng không do đâu mà sinh khởi; chẳng những đã không có chút lợi lạc cho riêng mình, lại còn gây cản trở việc tu tập của mọi người chung quanh. Một mai tuổi cao tác lớn, thành bậc lão thành trong tăng chúng nhưng lại chẳng có gì để cho kẻ hậu học noi theo. Có ai đến hỏi nghĩa lý sâu mầu trong kinh điển cũng chẳng biết lấy gì mà giảng giải. Hơn thế nữa, vì tâm kiêu mạn chưa được dứt trừ, nên không thể tự thấy biết lỗi mình, thường đem tâm sân hận mà đáp lại với người muốn giúp mình sửa lỗi. Những sai lầm này, tuy là đối với mỗi người đều có chỗ khác biệt tinh tế, nhưng tựu trung cũng không ngoài những điều mà Tổ sư đã nêu ra trong văn này.
Điều quan trọng được nhấn mạnh ở đây không phải là sự so sánh hơn thua cùng người khác, mà là tính chất khẩn thiết, nhanh chóng của cuộc sống vô thường ngắn ngủi này. Thoắt chốc đời sống đã qua đi, thọ mạng không còn, cái khổ già nua, bệnh hoạn lại có thể ập đến tưởng như trong chớp mắt. Một khi lìa bỏ kiếp này, vốn liếng một đời chẳng có gì để mang theo, liền chịu sự dắt dẫn của nghiệp lực mà trôi lăn vào ác đạo.
Những việc nên làm
Vì thế, một khi đã quyết chí xuất gia, không sợ thân mình nhiều lỗi, chỉ sợ nết
cũ khó chừa. Dù có bao nhiêu thói hư tật xấu mà chịu một lòng nghiêm trì giới
luật, học hỏi chuyên cần, thì chẳng lo gì ngày một tinh tấn hơn. Bởi Phật chế
giới luật vốn dĩ là vì người có lỗi, không phải dành cho các bậc thánh tịnh
hạnh. Chỉ cần một lòng tin tưởng giữ theo, cho dù người có nhiều tật xấu đến
đâu rồi cũng dần dần sẽ được trở nên oai nghi thanh tịnh.
Người xuất gia phải xem việc cúng dường của thập phương tín thí như món nợ lớn.
Một lòng cầu đạo giải thoát thì không lo gì nợ kia không trả hết; nhưng nếu lơ
là giải đãi, quyết chẳng tránh đâu được có ngày phải trả lại đủ cho người từng
hạt gạo, cọng rau đã từng thọ nhận.
Tự mình có đủ nhân duyên để đứng vào hàng tăng chúng vốn đã là một phước báu
phải tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp, không phải ai cũng dễ dàng có được. Vì
vậy mà người xuất gia phải ngày đêm ghi nhớ mục đích đã đề ra cho cả một đời
mình, phải rèn luyện cho mình thành bậc pháp khí trụ cột trong đạo pháp. Có như
vậy mới không uổng đi chí nguyện ban đầu.
Việc tu tập tuy là phải nương theo sự dẫn dắt của bổn sư, nhưng được gần gũi
với những người bạn tốt cũng là điều lợi lạc vô cùng to lớn. Bởi vậy mà so sánh
như người “đi giữa đám hơi sương, tuy không ướt áo nhưng lúc nào cũng được ẩm
mát”. Với sự dẫn dắt của bậc minh sư, nếu được thêm những bạn đồng tu khéo biết
cùng nhau sách tấn thì việc tiến tới trên đường đạo có thể nói là không khó
lắm. Người tục nói: “Chọn bạn mà chơi”, cũng không ngoài ý này.
Người bạn hiền thường hay nói thẳng, vì là muốn giúp điều tốt cho mình. Vì thế,
phải biết tự răn mình, biết nhận nghe những lời can gián, phê phán từ người
khác. Nếu chỉ muốn được nghe toàn những lời ngon ngọt êm tai, thì việc sa đọa
chắc chắn không bao lâu sẽ đến mà thôi.
Thiền học và giáo học
Người xuất gia nếu có đủ quyết tâm và trí tuệ, có thể chọn theo con đường thẳng
tắt của Thiền môn. Đây là con đường cực kỳ khó khăn, nhưng cũng là con đường có
thể giúp người tu nhanh chóng thẳng đến bờ giải thoát, vì thế mà nói là “vượt
thẳng qua những pháp môn dùng làm phương tiện”.
Điều quan trọng cần nói ở đây là người tu nhất thiết phải hết sức tỉnh táo
trong việc tự biết lấy mình. Phải có đủ năng lực, trí tuệ và ý chí quyết tâm
trong việc cầu đạo. Chuyên cần nỗ lực trong công phu hành trì, hiểu sâu được
tông chỉ, ý thú của Thiền đạo thì mới có thể đi đúng đường mà đạt đến chỗ giải
thoát. Bằng như tự cho mình là bậc thượng căn thượng trí nhưng thật ra lại
không đủ sức để vượt thẳng đến cội nguồn, thì việc lầm đường lạc lối rất dễ xảy
ra.
Thử hình dung như một người quyết chí muốn qua sông, tự lượng biết sức mình rồi
mới lao xuống dòng nước để bơi thẳng qua mà chẳng cần nhờ cậy đến thuyền bè.
Nếu quả là người trí lực đầy đủ, tất nhiên sẽ rút ngắn được thời gian mà điểm
đến cũng không khác chi người đi thuyền. Tuy nhiên, nếu không lượng đúng sức
mình thì rõ ràng là bờ kia chẳng bao giờ đến được.
Người tu thiền tự dựa vào sức mình, cầu đạo giải thoát cũng bằng phương tiện
thẳng tắt cũng giống như người bơi qua sông kia vậy.
Bằng như tự biết sức mình không thể bơi thẳng qua sông, thì tốt hơn nên nhờ đến
thuyền bè, đến người đưa đò... Bằng cách này dù có chậm chạp hơn, nhưng nếu đã
quyết tâm thì chắc chắn cũng sẽ có ngày đến được bờ bên kia.
Vì thế, việc tu thiền xưa nay vẫn được thừa nhận là pháp môn tối thượng, huyền
diệu hơn hết, nhưng không phải ai cũng có thể có đủ khả năng để nương theo.
Đối với những người không đủ trí lực để nương theo Thiền đạo, nên chọn lấy việc
chuyên cần học hỏi, hành trì theo giáo pháp. Theo con đường này cần phải hiểu
rõ tông chỉ, nắm vững nghĩa lý trong kinh giáo và theo đó mà rộng truyền giáo
hóa cho người khác. Nhờ nương theo việc giáo hóa mà tự mình cũng được phần lợi
ích tăng tiến. Như vậy gọi là “tự giác, giác tha”. Cũng lấy việc tự mình tu tập
và giáo hóa người khác mà làm phương tiện báo đền ơn đức Phật.
Khuyến tu
Việc đại sự của người xuất gia, những gì nên làm, không nên làm đến đây đều đã
nêu rõ. Nắm hiểu được như vậy rồi thì chỉ còn một việc là tự thân mỗi người
phải cố gắng quyết chí tu tập hành trì. Ý chí đó phải được xác lập từ lúc xuất
gia và không ngừng vun bồi, củng cố qua năm tháng. Có như thế mới mong thành
tựu được ý nguyện ban đầu. Bằng không được vậy, thời gian nhanh chóng trôi qua
thì hết một đời cũng không thể hé mở được cánh cửa giải thoát.
Như dây leo nương thân cây cao mà lên được tầng cao chót vót, người xuất gia
phải biết vững niềm tin nơi Tam bảo, ký thác cả đời mình nương theo Chánh pháp,
nhờ đó mới có thể được phần lợi ích cho mình cũng như rộng làm lợi ích cho bao
nhiêu người khác. Nếu không gấp rút lo việc tu tập, chẳng những một đời này mất
phần lợi lạc mà nhiều kiếp về sau cũng phải chìm đắm trôi lăn trong khổ não.
Được sinh làm người, chỉ cần có quyết tâm thì đạo giải thoát dù khó khăn cũng
không phải là không thực hiện được. Nếu người khác đã có thể đạt đến, thì mình
cũng nên lập chí làm nên. Không nên tự hạ thấp mình mà nhụt tâm, thối chí.
Kết ý
Tổ sư viết bài văn này, lời lẽ khẩn thiết, chân thành, nêu việc lỗi để răn dạy, nói điều hay để khuyến khích. Bởi vậy đọc qua có thể cảm nhận được ngay tấm lòng từ bi vô lượng của người, rộng vì tất cả đồ chúng và hàng hậu học chúng ta mà khuyên dạy. Dù thời gian năm tháng nối tiếp trôi qua, mà giờ đây đọc lại văn này vẫn thấy trong lòng đầy cảm xúc. Nếu không phải nguyện lực của bậc Bồ Tát độ sinh, hẳn không thể viết ra bài văn kiệt xuất này được.
Tiếc rằng những kẻ hậu học đời nay, nhiều người quên mất chí hướng xuất trần. Lắm khi mang hình tướng của một vị tăng mà chỗ học, chỗ hành không khác chi người thế tục. Một khi đọc đến văn này, chẳng lấy làm xấu hổ lắm sao? Mong rằng nhờ sức từ bi nhiếp độ của Tổ sư, hết thảy những ai đã lầm đường lạc lối khi xem đến bản văn này đều sẽ tự mình thức tỉnh mà phấn chấn sửa mình, chuyên cần tu tập, nhanh chóng vượt lên bến bờ giải thoát, chỗ lợi ích cho mình cho người đều nhờ đó mà được thành tựu viên mãn.