Phần III NHỮNG CÁCH TIẾP TỤC TU LUYỆN SAU ĐÓ

10/05/20159:53 SA(Xem: 5420)
Phần III NHỮNG CÁCH TIẾP TỤC TU LUYỆN SAU ĐÓ
DAKPO TASHI NAMGYAL
ĐỖ ĐÌNH ĐỒNG dịch
SÁNG TỎ TÂM BÌNH THƯỜNG
(CẨM NANG TU TẬP ĐẠI THỦ ẤN)
Nguyên tác Tạng ngữ - Tác giả:  Dakpo Tashi Namgyal
Anh dịch:  Erik Pema Kunsang -Việt dịch:  Đỗ Đình Đồng
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2015


Phần III

NHỮNG CÁCH TIẾP TỤC TU LUYỆN SAU ĐÓ

     Đây có sáu điểm:

Những lý do chung để tu luyện thiền định

Tu luyện đặc biệt không tách rời thiền định và                  sau-thiền-định

Loại bỏ chướng ngại, tà lộđi lạc

Nâng cao bằng cách siêu vượt vào bất sinh

Phát triển sức mạnh qua lợi dụng cách hành xử

Giác ngộ phát sinh như thế nào và những cách tu tập      nâng cao

Những Lý Do Chung Để Tu Luyện Thiền Định

     Sự tu tập thiền định đã sinh ra, thế vẫn chưa đủ; quí vị phải duy trì nó một cách hoàn hảo. Trừ phi quí vị duy trì nó sau khi thiền định đã phát sinh, hoặc quí vị vẫn là người thường hoặc là quí vị sẽ tận lực mình trong các loại tu tập những khái niệm khác để góp nhặt và tẩy sạch.[1] Đây sẽ là lạc mất chân nghĩa, giống như một ông vua hành xử như bầy tôi, hay như một con sư tử nhập bọn với một đàn chó.

     Đối với vấn đề này, vì sự thay đổi đột ngột giống như hai bàn chân hay người hộ vệ sự tu tập thiền định của quí vị, quí vị nên chiêm nghiệm sự đau khổ của sinh tử luân hồi. Trong tâm sâu xa nhất quí vị hãy nhớ rằng cuộc đời này vô thường và không có bản thể trường tồn, hãy cắt đứt những sợi dây ràng buộc thế gianquyết tâm bình đẳng hóa đời sốngtu tập.

     Vì sự sùng mộ giống như cái đầu hay sự nâng cao tu tập thiền định của quí vị, hãy phó thác mình một cách trọn vẹnchân thành khẩn nguyện với đạo sư của mình và các sư của dòng Kagyü (Khẩu truyền), luôn luôn xem họ là những vị phật trong lốt người.

     Vì chú tâm là người canh giữ hay trái tim tu tập thiền định, đừng bao giờ rời bỏ nó, không những trong các thời khóa mà còn tu luyện giữ sự đồng hành liên tục bằng cách tự nhắc nhở mình về trạng thái tự nhiên trong tất cả mọi thời và mọi hoàn cảnh

     Hãy biến bi tâm thành hoạt động tu tập thiền định để tu dưỡng từ, bi, và tâm bồ-đề vì tất cả chúng sinh và đưa họ đến trú dưới sự hộ trì của mình với hiến dâng và nguyện vọng.

     Cho đến khi đạt được hoàn thiện trong tu luyện thiền định, hãy giữ mình ở những nơi ẩn tu và xem những hành động hời hợt “làm lợi ích người khác” bằng cách dạy và truyền bá Pháp cho họ là chướng ngại của Ma vương (Mara).

     Hãy biến khiêm tốn và lương tâm thành chiếc áo giáp tu tập thiền định của mình, như vậy bên trong lấy tâm mình làm chứng nhân, trong khi bên ngoài không tạo ra bất cứ điều gì khiến cho thầy quí hay bạn hiền trong Pháp không hài lòng. Hãy tận lực trong tu tập thiền định bằng cách ở lại trong chỗ ẩn tu nghiêm túc trên núi, niêm phong phòng của mình lại, giữ im lặng, và v.v…

Tu Luyện Đặc Biệt Không Tách Rời

Thiền Định và Sau-Thiền-Định

 

     Từ khi quí vị bám giữ thiền định cho đến Qui Nhất lớn, người ta dạy rằng quí vị chỉ có một loại cảnh giới thông thường của thiền định và sau-thiền-định, không phải là loại chính thức. Tuy nhiên, mọi sự vật đều là tu tập thiền định nếu tâm tỉnh giác của quí vị hiện diện một cách tự nhiên không lang thang trong khi tu tập.

     Như vậy, mặc dù có thể là không có chấp nhận và khước từ, cho đến khi quí vị thành công trong sự hòa lẫn thiền định và sau-thiền-định của chứng ngộ, quí vị nên biến cảnh giới thiền định thành phần chính của thời khóa và duy trì yếu tánh của mình một cách qui nhất.[2] Trong những lúc nghỉ, hãy tập trung vào sau-thiền-định và dùng ý nghĩnhận thức. Hãy hiểu đây là chủ ý của đa số các Dòng Tu Tập. Đây cũng là cách nó xuất hiện như thế nào đối với đa số người, dù cho họ có thể đã khai sinh ra thiền định; vì thế đây là cách nên dạy nó.[3]

~~~~

     Về duy trì yếu tánh, người ta dạy rằng nên ở lại trong ba cách này: tươi tỉnh, không xảo thuật, và không dính mắc.

     Để tươi tỉnh, điểm cốt yếu của thân là thư giãn sâu từ bên trong. Điểm cốt yếu của ngữ là không cưỡng bách hơi thở của mình. Điểm cốt yếu của ý là giữ không quan tâm và không lấy bất cứ vật gì làm điểm tựa.

 

      Để không là xảo thuật, hãy để tâm tự nhiên như thực, hãy

 

để nó không là một thực thể có thể xác định và giữ không phân tán.

 

     Để không bị dính mắc, hãy giữ cho khôngchấp nhậnchối từ, hãy ở lại trong không dụng công [không gắng sức] và để những ấn tượng [hành] của sáu thức trong trạng thái tự nhiên.

     Chín điểm thiết yếu được liệt kê theo cách này. Nói cách khác, nên sở hữu ba điểm trọng yếu này:

     Hãy giữ tươi tỉnh trong tính tự nhiên không quan tâm.

     Hãy giữ không xảo thuật và không suy tính mà không có phán quyết.

     Hãy giữ không bị dính mắc và không vướng vào cố gắng.

~~~~

     Đây là năm tỉ dụ cho điều này:

     Hãy nâng cao kinh nghiệm và giữ mở rộng như bầu trời.

     Hãy mở rộng chú tâm và giữ thấm nhuần như trái đất.

     Hãy giữ vững chú ý và giữ không lay chuyển như ngọn núi.

     Hãy làm sáng lên sự tỉnh giác và giữ nó chiếu sáng như ngọn lửa.

     Hãy làm trong sáng sự thức tỉnh vô niệm và giữ trong sáng như pha lê.

     Thêm nữa, hãy giữ an tĩnh như trong ba thí dụ này:

     Không bị u ám như bầu trời không mây, ở lại trong mở trống sáng láng và không thể xúc chạm.

     Bất động như đại dương không sóng, hãy ở lại trong thoải mái trọn vẹn, không bị ý nghĩ làm phân tán.

     Bất biếnsáng ngời như ngọn lửa không bị gió quấy nhiễu, hãy giữ hoàn toàn trong sáng.

     Đây là cách dạy: Trước hết, hãy ngưng tất cả nỗ lực để thư giãn sâu xa thân và tâm. Kế tiếp, hãy để cho tươi tỉnh không dự tính mà không có sự bất quyết. Cuối cùng, hãy duy trì tu tập sau khi quyết định rằng tất cả nhận thứcbất sinhtự do một cách tự nhiên.

     ‘Thư giãn thân sâu xa’ một cách đơn giản có nghĩa là nới lỏng nỗ lực buộc chặt hay căng thẳng thân một cách thái quá, nhưng không vất bỏ tất cả những điểm cốt yếu trong tư thế của thân. Do đó, trạng thái tự nhiên là điểm trọng yếu nhất của thân.

     ‘Không suy tính và không dính mắc’ một cách đơn giản có nghĩa là tránh sự phê phán có tham vọngmục đích, trong khi không trở thành vô cảm hay u ám do tâm thái thiền định lờ mờ. Do đó, hãy duy trì trạng thái hiện diện trần trụi sáng láng của tâm.

     ‘Quyết định rằng nhận thức là bất sinh’ một cách đơn giản có nghĩa là mọi nhận thức tan biến –  theo nghĩa khôngđặc tính phát sinh, tồn tại, hay diệt vong – chính giây phút đó nó được bao trùm bởi tâm tỉnh giác hiện diện một cách tự nhiên. Đây không có nghĩa là dán nhãn hiệu cho nó bằng  khái niệm ‘tự giải thoát bất sinh’. Do đó, hãy tu luyện mà ‘không chỉ điểm’ bất cứ điều gì.[4]

 

     Nếu trầm trệ và xao động khiến nặng nề khó giữ tâm bình tĩnh, hãy điều chỉnh với những điểm cốt yếu theo trình tự. Hãy tu luyện trong qui nhất, vững chắc như cọc đóng xuống đất, một lúc.

     Khi trở nên chán làm như vậy, hãy giữ tâm hiện diện tỉnh giác một cách tự nhiên, liên tục trong những lúc nghỉ và trong tất cả những trường hợp sau-thiền-định, và hãy giữ nó không phân tán, dù bất cứ ý nghĩ hay nhận thức nào xảy ra.

     Đây giống như, thí dụ, một người chăn cừu có tài chăm sóc đàn gia súc. Chúng được phép dạo chơi tự do. Y không phải liên tục gom chúng lại với nhau. Còn nhìn thấy chúng là đủ rồi. Tương tự, dù cho ý nghĩ hay nhận thức nào xảy ra, không cần phải ngăn chận hay kiểm soát nó. Tốt hơn, hãy nâng cao sự tỉnh giác hiện diện một cách tự nhiên của tâm và như thế hãy tiếp tục tu tập với sự thoải mái không bị ràng buộc mà không xác định rõ ràng bất cứ điều gì kinh nghiệm được.

     Để giải thích thêm, trong bốn kiểu hoạt động hàng ngày[5] và v.v…, hãy liên tục duy trì sự hiện diện không phân tán và sáng láng của tâm. Bằng cách làm như vậy, dù cho ban đầu có sự phân tán cưỡng bách, sự hiện diện tự phát của tâm dần dần phát triển, như vậy quí vị kinh nghiệm hầu như tất cả những ý nghĩnhận thứctrạng thái rỗng lặng tỉnh giác sống động.

     Nếu quả thực khó duy trì, hãy để cho một ý nghĩ hay nhận thức mở ra bên trong trạng thái an tĩnh và nhìn vào đặc tính của nó để an định. Rồi tiếp tục theo cách trên.

     Khi kiên trì tu luyện theo cách này trong lúc an tĩnh và sau-thiền-định, quí vị sẽ đến điểm mà mọi sự vật được bao gồm trong sự hiện diện tỉnh giác một cách tự nhiên của tâm. Đây là khi ý nghĩnhận thức, dù chúng xảy ra bất cứ cách nào, tất cả đều được kinh nghiệm, ngay giây phút chúng được nghĩ đến hay được nhận thức, là sự rỗng lặng tỉnh giác trong đó không cái gì có thể xác định rõ ràng.

 

     Hai cái này – duy trì yếu tánh một cách qui nhất trong lúc an tĩnh và chăm sóc ý nghĩnhận thức với chú tâm trong lúc sau-thiền-định – chủ yếu không có gì khác nhau. Quí vị cũng sẽ có những tâm thái thiền định nặng và nhẹ về cực lạc, trong sángvô niệm.

     Nếu quí vị giữ gần gũi với những tâm thái này, chúng sẽ làm u tối trạng thái tự nhiên. Vậy, hãy tạo ra một sự hiện diện sắc bén, tỉnh táochú tâm. Hãy giải thoát cho tâm mình bất cứ khi nào bị chìm ngập trong các tâm thái thiền định. Hãy duy trì tâm thái tươi tỉnh và trần trụi.

Loại Bỏ Chướng Ngại, Tà LộĐi Lạc

     Thứ ba, đối với những người ít học thức, chỉ ở với thầy một thời gian ngắn, thì có nguy cơ lớn vướng vào những tà lộđi lạc vì sự hiểu biếttính cách lý trí và các tâm thái thiền định.

     Trong bốn cách miêu tả về sự đi lạcliên hệ với rỗng lặng, sự đi lạcliên quan đến bản tánh của những cái khả tri có hai hình thái:

     Thay vì nhận biết điểm cốt yếu của tu luyệnnhất thể không thể phân chia của nhận thức và tính rỗng lặng được phú bẩm với hình thái tối thượng trong tất cả các hình thái, sự đi lạc căn bản là không quan tâm đến tốt xấu do nghĩ nó là một trạng thái trống rỗng không có thực trong đó các lỗi lầm và phẩm chất hoàn toàn không có hậu quả. Mặc dù thiền giả hiểu đúng ý nghĩa sự tu luyện thiết yếu và có khả năng giải thích nó, sự đi lạc tạm thời không đưa nó vào kinh nghiệm cá nhân.

~~~~

     Sự đi lạc quan hệ với con đường có hai hình thái:

     Thay vì thừa nhận rằng tu luyệnnhất thể không thể phân chia của con đường (đạo) và (thành) quả, và thành quả này hiện diện như là một sở hữu tự nhiên, sự đi lạc căn bản là tin rằng con đường là sự tu luyện, trong khi thành quả sẽ đạt được ở một điểm khác.

     Mặc dù thiền giả thực sự có sự tu luyện chính xác, sự đi lạc tạm thời là không tin nó và tìm ở chỗ khác, hy vọng một cái gì cao hơn hay thiền định trong khi thêm vào một cái gì đó tốt hơn.

~~~~

     Sự đi lạc có quan hệ với phương thuốc cứu chữa có hai hình thái:

     Thay vì nhận biết sự tu luyệnnhất thể không thể phân chia của sự loại bỏ và phương thuốc chữa trị, và do biết bộ mặt bản nhiên của mình, sự loại bỏ trở thành phương thuốc chữa trị riêng của nó, sự đi lạc căn bản là xem cảm xúc bị loại bỏ và sự tu luyện là riêng rẽ và vì thế dùng sự tu luyện như một phương pháp chữa trị chống lại cảm xúc.

     Bất cứ khi nào một ý nghĩ khởi động hay khi gặp phải một tình thế khó khăn, sự đi lạc tạm thời là (tin rằng) một người chỉ có thể an tĩnh trong thiền định sau khi đã vượt qua được khó khăn.

~~~~

     Sự đi lạcliên quan với sự khái quát hóa có hai hình thái:

     Thay vì thừa nhận rằng sự tu luyệnnhất thể không thể phân chia của phương tiệntri thức, và rằng tất cả mọi hiện tượng chính là yếu tánh, sự đi lạc căn bản là khái quát hóa với sự tập trung có tính cách khái niệm rằng chúng không có tự tánh.

     Đúng hơn là đưa tu luyện vào sử dụng, sự đi lạc tạm thời là khái quát hóa bằng cách muốn tái tạo một kinh nghiệm quá khứ. Hoặc có thể là tin rằng thiền định nên cản trở những ý nghĩ như: “Tôi không thỏa mãn với tình trạng hiện tại. Tôi phải tạo ra một tình trạng tốt hơn sau này!”[6]

     Như đã nói rõ, đây là những thí dụ về sự đi lạc trong tu luyện thiền định. Một vài kiểu đi lạc có thể đưa mình đến những cõi thấp hơn hay biến mình thành một người vô cảm không bao giờ có được bất cứ một kinh nghiệm nào trong tu tập. Do đó, cốt yếu là không đi lạc.

 

Tà Lộ

     Nói chung, trong khi tiếp tục tu luyện, quí vị sẽ gặp phải hàng vạn tâm thái thiền định cực lạc, trong sáng, và vô niệm khác nhau. Đặc biệt là những hành giả có kinh mạch [kênh], năng lực [khí], và tinh chất tuyệt vời, hay tự hiến mình tu tập một cách mãnh liệt mà không bị lười biếng và phân tán làm gián đoạn, sẽ có những kinh nghiệm thiền định kỳ lạ khác nhau thách thức sự miêu tả. Những ai trong khi tu tập mà hòa lẫn sự tu tập với những hoạt động của mình sẽ chỉ gặp rất ít những trạng thái thiền định như thế.

     Dù sao, kinh nghiệm cực lạc có thể có nhiều loại khác nhau. Những loại này gồm có cảm giác thân thể thấm nhuần cực lạc – ngay cả nóng hay lạnh cũng cảm thấy thích thú; quí vị không biết mình có thân hay không; quí vị cảm thấy rung độnghân hoan đến nỗi muốn phá ra cười; quí vị rất thích thú và vui quá, tự dothoải mái; hay quí vị không chú ý là ngày hay đêm.

     Kinh nghiệm về sự trong sáng có thể có nhiều loại khác nhau. Chúng gồm có tâm thái sáng láng, tất cả nhận thức trở nên trong suốt như pha lê, thấy vật gần và xa ngay cả trong đêm tối, thấy những biểu hiện quang minh, có cảm giác biết được tâm của người khác, và v.v…

     Kinh nghiệm về vô niệm (không có ý nghĩ) có nhiều kiểu khác nhau. Chúng gồm có thấy nhiều dấu hiệu khác nhau của những ‘hình tướng trống rỗng’, có cảm giác rằng mọi vật đều trống rỗng, thấy các nhận thức là không có bản thể và không có tự tánh, tự thấy mình và các nhận thức là trống rỗng, cảm thấy chắc chắn về sự trống rỗng, và v.v…

     Hoặc nó là một trong ba tâm thái thiền định này – cực lạc, trong sáng, và vô niệmkết hợp lại hoặc là một phần của bất cứ tâm thái nào trong ba tâm thái đó, quí vị có thể chấp giữ những kinh nghiệm này là toàn cảnh và tu luyện theo cách bị chúng ràng buộc, vui sướng khi chúng đến và không không vui khi chúng không đến. Nếu là như vậy, cực lạc sẽ khiến tái sinh trong các Cõi Dục, trong sáng sẽ khiến tái sinh các Cõi Sắc, và vô niệm sẽ khiến tái sinh trong các Cõi Vô Sắc.

     Ngay cả nếu không bám vào các tâm thái thiền định này, sự tu luyện thiền định bị chúng trói buộc sẽ khiến cho mình sinh ra các cảnh giới thanh văn (shrāvakas) và bích-chi-phật (pratyeka buddhas), và sẽ không đạt được gì ngoài tất cả những đau khổ của các cõi thấp hơn. Sẽ khó khiến cho quí vị có thể đạt cảnh giới Phật, dù chỉ là một chút nhỏ nhất.

     Hơn nữa, những người kém thông minh và những người thọ nhận một vài giáo lý có thể hiểu lầm sự tu luyện trong yếu tánh bản nhiên. Họ sẽ tâng bốc hoặc một sự tu luyện, một kiểu an tĩnh trầm trệ, một tâm thái thiền định mơ hồ, hoặc đi lệch hướng vào một phiên bản méo mó của trạng thái tự nhiên.

     Do đó, một vài tà lộ có nguy cơ dẫn đến tái sinh trong các cõi thấp hơn, trong khi những tà lộ khác có thể cung cấp không gì khác hơn là một trạng thái vui sướng trong sinh tử luân hồi. Giống như, thí dụ, đi hướng tây hay hướng bắc, trong khi ý định đi hướng đông, đã lầm mục tiêu vậy.

~~~~

     Về các kinh nghiệm thiền định, có ba loại liên hệ với chỉ (shamatha) và quán (vipashyanā) và kinh nghiệm chứng ngộ thực sự. Trong ba loại này, loại cuối cùng không bị xem là đi lạc. Loại thứ nhì, khi sự duy trì tức thời và không dính mắc, sẽ mang lại tiến bộ, sau khi các tâm thái thiền định tiêu tan một cách tự nhiên.

     Tuy nhiên, các kinh nghiệm thiền định dính líu với sự chìm ngập như xuất thần, phần lớn, là những chướng ngại cho sự tiến tới trong tu tập tâm linh và làm u tối trạng thái tự nhiên. Tu luyện sau khi những tâm thái thiền định này diệt, với những phương pháp khác nhau sẽ có hiệu quả nhất.

Nâng Cao Bằng Cách Siêu Vượt Vào Bất Sinh

     Đây có năm phần:

     Thời gian để siêu vượt

     Quán xét ý nghĩnhận thức

     Quán xét thiền định và tâm thiền định

     Siêu vượt thực tế vào sự mở trống bất sinh

     Hòa lẫn thiền định và sau-thiền-định, ngày và đêm

Thời Gian để Siêu Vượt

     Đây là khi các tâm thái thiền định lờ mờ của hành giả về cực lạc, trong sáng, và vô niệm tan biến. Tâm của hành giả trong sáng đến độ sự tu luyện thiền định trong rỗng lặng tỉnh giác giống như hư không trở nên miên mật. Hay là khi phần lớn kinh nghiệm ban ngày trở nên miên mật. Là bất cứ khi nào sự khởi động của ý nghĩ được chú tâm bao bọc, như vậy nó trở thành rỗng lặng tỉnh giác sáng láng, và bất cứ khi nào nhận thức của sáu thức được chú tâm bao bọc, chúng trở thành những nhận thức rỗng lặng sinh động. Như thế khi quí vị thấy có sự chắc chắn quyết định bên trong ý nghĩnhận thức, ấy là thời gian để siêu vượt.

     Nếu sự siêu vượt xảy ra quá sớm, quí vị sẽ thiếu kinh nghiệm chân thực thay vì trở thành một nhà trí thức không nhạy cảm nói tràn lan về một ‘cao kiến’. Nếu quá trễ, dù có thể có nhiều người may mắn giải trừ được sự chấp trước kinh nghiệm của họ và được giải thoát trong chứng ngộ vững chắc, những người khác có thể tăng thêm sự chấp trước của họ vào những ý nghĩniềm tin quyết cao quí, và vướng mắc trong những hoạt động đức hạnh với nhiều mức độ khác nhau.

Quán Xét Ý NghĩNhận Thức

     Trong lúc tu tập dự bị chung và nhất là yoga đạo sư, nên tận lực khẩn nguyện với lòng sùng mộ thâm cảm và chân thành rằng tất cả những gì xuất hiệnhiện hữuthể hiện ra như là pháp thân. Hãy duy trì một cách qui nhất phương pháp thiền định thiết yếu như đã giải thích ở trước, và như thế làm cho tâm quí vị sáng tỏ. Không bị phân tán, hãy giữ mở rộng và sáng láng. Trong trạng thái đó, hãy để những ý nghĩ thô và tế phát sinh, trong khi nhìn vào chúng mà không bám giữ, hãy xem có sự khác biệt nào giữa thô và tế. Hãy xem có sự khác biệt nào giữa đặc tính của chúng và đặc tính của tâm thái an tĩnh.

     Cùng cách ấy, hãy nhìn vào các loại ý nghĩ như vui vẻsầu muộn, cũng như những ý nghĩ về ba độc. Hãy tạo ra những kiểu ý nghĩ hoạt động khác nhau để quí vị nhìn đôi khi trong lúc dừng chúng lại, đôi khi trong lúc suy nghĩ nhiều hơn, đôi khi trong lúc theo đuổi chúng, và v.v…

     Hãy nhìn vào những nhận thức khác nhau về sự vật bên ngoài, đẹp hay xấu, thích thú hay không thích thú. Hãy để nhận thức xảy ra theo những cách khác nhau qua những biểu hiện không giống nhau của thân, mở và nhắm mắt, nhìn phải và trái, và xem giữa chúng có sự khác biệt nào không.

     Hãy bỏ ra vài ngày nhìn xem có sự khác biệt nào giữa đặc tính của chúng và đặc tính của tâm, như vậy để có được một kinh nghiệm quyết định nào đó. Hãy tự nhắc mình bằng phương tiện chỉ dạy chỉ ra như đã giải thích ở trước về ý nghĩnhận thức, như thế để thêm chắc chắn.

Quán Xét Thiền Định và Tâm Thiền Định

     Chỉ nghĩ rằng tu luyện thiền định chính yếu là một trạng thái không thể miêu tả được ở bên kia khái niệm, bất sinhbất diệt, thì không đủ. Trong tâm thái mở rộng và không phân tán, hãy nhìn một cách sinh động và không cố chấp vào đặc tính của trạng thái thiền định. Hãy nhìn đi nhìn lại nhiều lần xem nó thế nào.

     Cũng vậy, hãy nhìn đi nhìn lại xem cái tâm thiền định và cái tâm bám vào ‘tôi’ và  ‘ta’.

     Hơn nữa, hãy nhìn xem có sự khác biệt nào giữa tâm quá khứ, hiện tại, hay vị lai. Hãy nhìn xem tâm quá khứ từ đâu đến, tâm vị lai đến từ đâu, và tâm hiện tại như thế nào. Hãy bỏ ra vài ngày để giải quyết bất cứ điểm nào mình không thể minh bạch về vấn đề này và có được một kinh nghiệm quyết định.

     Đối tượng thiền định, người thiền định và các tâm thái quá khứ, hiện tại, và vị lai không phải là mỗi cái có một bản tánh khác nhau. Đúng hơn, chúng chỉ là tâm này có thể hiện ra theo bất cứ cách nào trong khi không có bất cứ sự hiện hữu cụ thể nào.

     Nơi đặc tính của nó, tâm hoàn toàn không bị nhiễm những thuộc tính dự tưởng như thế là có thể xác định được, có chỗ để đặt vào, một sự hộ trợ hay một cái nhà, hay sinh, trụ, và diệt, hay những phân biệt về quá khứ, hiện tại, hay vị lai. Bản lai, nó không có nền tảng và gốc rễ, không bao giờ tùy thuộc vào nhầm lẫn hay giải thoát, cũng không bị ô nhiễm do lỗi lầm hay được cải thiện bằng phẩm hạnh. Hãy nhận biết rằng nó tự hiện hữu, tự nhiên thanh tịnh, độc nhất, mở rộng, và thấm nhập. Không cố chấp đây là như vậy, hãy tập luyện vài ngày theo cách tự nhiêntự do để có được sự chắc chắn quyết định nào đó.

     Tuy nhiên, nếu hành giảtrí lực yếu, thì hãy tách những truy vấn nói trên thành sự nhận diện ý nghĩ, nhận thức, thiền định, thiền giả, và các tâm thái của ba thời. Hãy bảo hành giả nhìn vào chúng trong vài ngày. Cốt yếu là để bảo đảm có được sự chắc chắn quyết định.

Siêu Vượt Thực Tế vào Sự Mở Trống Bất Sinh

     Bây giờ, hãy vất đi tất cả những mối quan hệ của thiền giả, đối tượng thiền định, người kinh nghiệm và vật được kinh nghiệm, người nhận ra và cái được nhận ra. Hãy bỏ tất cả mục tiêu như giữ những ý niệm có phải “đây là nó” hay không, sự thúc giục thiền địnhchú tâm. Cũng không có ngay cả ý định “Ta chẳng nên giữ bất cứ cái gì trong tâm,” một cách đơn giản hãy để cho tâm bình thường, giản dị và không suy tính, tự nhiên như vậy.

     Dù cho loại ý nghĩ hay nhận thức bình thường nào đến theo thói quen, đừng cố điều chỉnh hay sửa sai nó một cách ý thức, chỉ đơn giản để yên nó như vậy. Đừng theo dõi nó bằng suy lý. Đừng xem sự lang thang nhất thời của tâm mình là lầm lỗi, và đừng khảo sát nó.

     Bất cứ khi nào nghĩ đến một điều gì, cứ đơn giản để đi vào trạng thái bình thường không dự tính mà không có bất cứ một loại đối tượng nào phải thiền định, thưởng thức mùi vị hay hành động cả.

     Trong lúc thực hiện ba sinh hoạt ăn, nằm, hay đi, hãy thực hành chúng trong trạng thái vô niệm, và tránh bất cứ hoạt động nào khác. Ngoài cúng dường một lượng nhỏ torma[7] và khẩn nguyện, hãy gác sang một bên tất cả những kiểu tu tập tinh thần khác và giữ im lặng. Khi nằm xuống, hãy nằm xuống trong trạng thái bình thường, không suy tính và mở trống.

 

     Theo cách này, trong đôi ngày, hãy vất tất cả mọi loại tâm hành sang một bên và cứ là mình một cách tự nhiên, và như thế đạt một kinh nghiệm nào đó.

 

     Ở một điểm nào đó, sự bám vào cái tốt tiêu tan, sự nhầm  lẫn của ý nghĩ tiêu cực giảm đi và quí vị có được sự bảo đảm nhất định rằng mọi sự vật đều là chất liệu của tu luyện. Tâm bình thường – chính xác nó là như vậy và trong lúc có bất cứ loại kinh nghiệm nào – thì nên chỉ ra như là không sinh cũng không diệt, không chấp nhận cũng không chối từ, không có cũng không đạt được. Cũng nên chỉ ra nó là tính thanh tịnh tự nhiên tự hiện hữu, một sự mở trống tự giải thoát không bị phân tán cũng chẳng phải không bị phân tán, không nhớ cũng không quên, không được kinh nghiệm cũng phông phải không được kinh nghiệm, không được nhận ra cũng không phải không được nhận ra. Mọi sự vật đều là chất liệu của tu luyện và mọi sự vật đều là tu luyện không bị gián đoạn. Hãy dừng lại như vậy khoảng năm ngày và chỉ thừa dịp cố gắng tìm một tâm trạng mà nó không tu luyện thiền định.

Hòa Lẫn Thiền Định và Sau-Thiền-Định, Ngày và Đêm

     Kiểu tu luyện không gián đoạn này hòa lẫn sự an tĩnh và sau-thiền-định. Khi có sự phân tán bất chợt trong lúc sau-thiền-định, bất cứ khi nào nhớ đến, chỉ đơn giản nhận ra trạng thái tự nhiên là đủ, với chú tâm cái hiểu theo sau.

     Cũng vậy, tuyệt vời nhất là khi sự miên mật của ban ngày hòa lẫn vào ban đêm bao gồm cả các trạng thái ngủ và mộng. Nếu chẳng phải như vậy và mình trở nên bị mê hoặc, tuy nhiên cũng đủ để nhận ra ngay tức thời trạng thái tự nhiên khi tỉnh giấc.

 

     Hãy giữ như vậy khoảng năm ngày không có bất cứ loại tu tập khái niệm nào và không có bất cứ hành động tâm trí nào.

     Sau đó, hãy nghỉ một vài ngày theo bất cứ cách nào tùy ý. Kế tiếp, hãy bỏ ra bảy đến mười ngày cho sự siêu vượt, thay đổi nó với nghỉ ngơi. Cứ siêu vượt như thế cho đến khi quí vị nhận ra trạng thái tự nhiên suốt ngày không bị gián đoạn. Một khi nó trở nên miên mật trong thời gian ban ngày, dần dần sẽ kinh nghiệm nó vào ban đêm.

     Cách siêu vượt này cũng được biết như là sự chỉ dạy trong tu luyện miên mật. Nó là chủ ý của Giải Bày Thâm Mật (Revealing the Hidden) của đức Gampopa vô song [8] đem lại sự nâng cao minh xác trạng thái tự nhiên, trần trụi. Vì lý do này, nếu theo đúng lời chỉ dạy này, trong một số ngày, quí vị có thể đảm bảo đạt giác ngộhoặc giả phải mất nhiều năm trong khi đeo bám vào một cái gì thích thú như là trạng thái tự nhiên.

     Nếu không đạt được sự nâng cao này thì nên thực hiện bằng cách tiếp tục những luyện tập tinh thần an tĩnh và sau-thiền-định một lúc, như đã làm trước kia.

Phát Triển Sức Mạnh Bằng

Lợi Dụng Cách Hành Xử

 

     Đây có bảy điểm:

     Thời gian để lợi dụng và những cách hành xử

     Lợi dụng ý nghĩ

     Lợi dụng cảm xúc

     Lợi dụng quỉ thần

     Lợi dụng khổ

     Lợi dụng bệnh

     Lợi dụng quá trình chết

Thời Gian Để Lợi Dụng và Những Cách Hành Xử

     Sau khi quí vị có sự thức ngộ nhận biết trạng thái thiền định, thời gian để lợi dụng là khi quí vị nóng lòng khao khát những sự vật đời này, khi gặp những khó khăn nghiêm trọng hay khi có những ý nghĩ ẩn tàng mà quí vị không nhận ra bản tánh của chúng. Vắn tắt, nghĩa là bất cứ khi nào quí vị cảm thấy một loại chấp trước lo lắng khiến quí vị khó tiếp tục tu tập tinh thần một cách tự nhiên.

     Sự lợi dụng cũng dành cho lúc ẩn tu, khi sự tu luyện thiền định của quí vị trở nên vững chắc. Hãy áp dụng nó để ổn định và nâng cao sự tu tập của mình khi quí vị gặp phải những khó khăn và phiền não nói trên.

     Ngoài ra, không có vấn đề gì trong việc ném sang một bên sự tu tập như ông vua lợi dụng tất cả những gì xuất hiệnhiện hữu bằng cách duy trì trạng thái tự nhiên không có thái độtính cách khái niệm để tu luyện trong một hình thức tu tập khác có khuynh hướng cứu chữa. Thời gian để lợi dụng là khi thiền định và sau-thiền-định của quí vị trở nên vững vàng.

     Những kiểu hành xử để lợi dụng là ba kiểu hành xử: kỹ lưỡng, không kỹ lưỡng và cực kỳ không kỹ lưỡng thuộc về con đường Mật Chú (Mantra) – hay, cách hành xử luôn luôn tuyệt diệu, cách hành xử bí mật, cách hành xử ý thức về giới luật du-già, cách hành xử nhóm, cách hành xử của chiến thắng hoàn toàn, và v.v…

     Người ta đã dạy nhiều kiểu hành xử như thế, nhưng trong trường hợp này, là cách hành xử để nâng cao sự tu luyện thiền định, hãy áp dụng cách hành xử luôn luôn tuyệt diệu không mâu thuẫn với những phép tu luyện của tự viện. Cũng như, khi chấp thuận cách hành xử không kỹ lưỡng, rất không kỹ lưỡng, và cách hành xử của chiến thắng hoàn toàn, hãy đến những nơi như một đỉnh núi, một chỗ bị quỉ ám, một mộ địa, dưới một cây lớn, hay ở ngả ba đường và cúng dường kusulu[9]  bố thí trong khi tránh nói chuyện. Cũng dùng một trong năm kiểu này: cách hành xử của con dê bị thương không dính líu gì với thế gian, cách hành xử giống như sư tử không sợ hãi bất cứ điều gì xảy ra, cách hành xử giống như gió không bị vướng mắc trong bất cứ cái gì, cách hành xử giống như hư không không nương tựa vào bất cứ vật gì, hay cách hành xử của người điên không có sự phê phán và điểm qui chiếu. Bằng phương tiện của năm kiểu hành xử này, hãy lợi dụng mọi tình thế khó khăn để nâng cao trạng thái tự nhiên.

 

Lợi Dụng Ý Nghĩ

     Khi bắt đầu lo lắng về những ý nghĩ thiện và ác phát sinh, hãy nhận biết ý nghĩ ấy và duy trì trạng thái tự nhiên không tạo tác nơi bất cứ cái gì phát sinh. Điều này không có nghĩa là quí vị nên tập trung cố gắng không nghĩ cái ý nghĩ ấy trong khi dùng sự tỉnh thức tự nhiên làm phương thuốc chữa trị. Nó cũng không có nghĩa là quí vị nên cố gắng phân tích đặc tính của ý nghĩ ấy để xác minh nó thiếu thực tính. Nó cũng không có nghĩa là quí vị nên cố gắng theo đuổi ý nghĩ ấy trong khi duy trì sự chú tâm.

     Những gì điều này muốn nói là như vầy: hãy nhận biết bản tánh của ý nghĩ và chỉ đơn giản biến nó thành tinh chất của sự tu tập thiền định của mình. Dù thế nào cũng đừng xem ý nghĩ ấy là một cái lỗi. Đúng hơn, không cố gắng thay đổi nó, chỉ đơn giản dừng nó lại, theo cách trần trụi và minh bạch, thư giãn, khoáng đạt, và tự do.

 

     Theo cách này, bất cứ một ý nghĩ nào phát sinh cũng không cần được xác định hay phủ định, chấp nhận hay từ chối, điều chỉnh hay sửa sai, nhưng một cách sống động nó trở thành chính sự tu luyện thiền định. Đây gọi là lợi dụng ý nghĩ.

     Bởi vì không nắm vững nguyên tắc này, những vọng động hỗn loạn của ý nghĩ ban đầu dường như có vấn đề một cách đáng sợ. Bây giờ, hãy nhảy ngay vào lợi dụng chúng. Dần dần quí vị sẽ làm chủ được chúng, để cuối cùng chúng trở thành hữu dụng ngay giây phút quí vị nhận biết chúng.

Lợi Dụng Cảm Xúc

     Khi cảm thấy một cảm xúc thuộc bất cứ loại nào trong năm loại như – dính mắc, giận dữ, trì trệ, kiêu hãnh hay ganh ghét – chỉ đơn giản nhận biết nó. Đừng cố gắng đè ép nó. Đừng chìm đắm trong nó. Đừng cố thay đổi nó bằng lý trí. Thay vì, hãy để cảm xúc tự nó dừng lại, theo cách hiện diện sáng láng và mở trống khoảng khoát.

     Thỉnh thoảng cố gắng tạo ra một cảm xúc mãnh liệt hơn bằng cách đem đến cho tâm một điều gì đó có tính chất khiêu khích hơn những đối tượng trước, chẳng hạn như những đối tượng dính mắc hay giận dữ, bất kể có thể là gì – những vật ngoại giới hay chúng sinh. Một khi đã tạo ra xúc động, hãy tiếp tục tu tập như trước.

     Về trầm trệ, hãy nhận biết thái độ ngủ gục. Khi sắp ngủ gục, không cố gắng ý thức thay đổi nó, hãy duy trì trạng thái đơn giản ở trong đó. Đây sẽ là cách để giấc ngủ bắt đầu hiện ra như là ánh quang minh. Hãy tiếp tục như trên cho đến khi làm chủ được nó.

Lợi Dụng Quỉ Thần

     Khi đầy kinh hãikhủng bố do những thị hiện huyền thuật của thần và quỉ, hay những đối tượng tương tự gây ra, hãy nhận biết ý nghĩ sợ hãi ấy. Đừng đè nén nó cũng đừng đắm mình trong đó. Tốt hơn cố gắng sửa đổi nó là hãy tu luyện chỉ đơn giản ở trong ý nghĩ đầy sợ hãi đó theo cách rõ ràng, trần trụi và tỉnh táo. Bằng cách làm như vậy, kinh nghiệm ý nghĩ ấy là tu tập thiền định.

     Nếu những thị hiện huyền thuật ấy hạ xuống, hãy tưởng tượng một màn huyền thuật đầy kinh sợ và làm tâm phân vân hơn nữa xảy ra. Hãy làm tăng sự sợ hãi thêm nữa và tiếp tục luyện tập như trước.

Lợi Dụng Khổ

     Nói chung, khi thấy sinh và tử là khổ, hay đặc biệt, một chúng sinh đang đau khổ, đúng hơn là cảm thấy sự lân mẫnthái độ của Tiểu thừa thì khích lệ tu tập vì sợ rằng chính mình có thể bị đau khổ. Thái độ của Đại thừacảm thấy cả từ áithương yêu cho người đương cuộc và nhân đó làm gương cho tất cả chúng sinh.

     Bất cứ là trường hợp nào, hãy lợi dụng thái độ đặc biệt bằng cách nhận biết nó, không cố gắng thay đổi nó một cách ý thức, mà làm nó ngừng lại trong trạng thái tỉnh thức trong sáng.

     Trong khi không để kinh nghiệm đó mất sự liên tục, hãy phát sinh từ ái, bi mẫn và tâm bồ-đề vì tất cả chúng sinh, và lập nguyện.

Lợi Dụng Bệnh

     Khi bị bệnh, đừng lo âu về các nguyên nhân, hoàn cảnh, v.v… đặc biệt của nó. Đừng đè nén hay khuyến khích nó. Hãy dùng cảm giác đau nhức dữ dội làm chất liệu tu luyện chính, không cố gắng thay đổi nó, và hãy ngừng nó lại trong khi hiện diện một cách sống động.

     Cứ tiếp tục theo cách này, sẽ thấy có sự tiến bộ, trong đó cái đau trở thành sự tu luyện thiền định mà không phải từ chối. Nếu bệnh lắng xuống, hãy làm như đã nói trên.[10]

 

     Hơn nữa, hãy quán xét sự chấp ngã ở bên trong cái người cảm thấy bệnh, cái người đau đớn, cái người kinh nghiệm, và ngừng nó lại mà không có mưu tính trong trạng thái không có đặc tính nào có thể xác định.

 

     Những hành giả của Bình Đẳng Vị (Equal Taste), Ro-Nyom, có thể chủ trương rằng bây giờ nên từ bỏ sự chữa trị bằng thuốc men. Ở đây, theo văn mạch này, vấn đề là dùng bệnh của mình để tu luyện tinh thần hơn là ngu ngốc giả định rằng dù có sự trợ giúp của thể xác hay không cũng chẳng thành vấn để đạt giác ngộ chết.

Lợi Dụng Quá Trình Chết

     Theo cách này, người ta nên tu luyện bằng cách lợi dụng bất cứ điều gì xảy ra và bất cứ hoàn cảnh nào gặp phải. Khi chết đến, bất chấp việc gì xảy ra, kể cả trình tự của các giai đoạn tan rã dần dần và v.v…, chỉ đơn giản nhận biết chúng. Đừng vướng mắc lo lắnghy vọng hay sợ hãi, đè nén hay khuyến khích. Thay vì, hãy duy trì tu tập trong trạng thái tỉnh thức trần trụi, theo đúng những gì khai diễn, không cố gắng sửa sai nó.

     Cuối cùng, sau khi các giai đoạn tan rã chấm dứt, người ta dạy rằng mẹ và con hòa lẫn – ánh quang minh bản nhiênánh quang minh của con đường mình đã tu luyện bắt đầu hiện ra – và qua đây quí vị thức tỉnh giác ngộ, giống như nước đổ vào nước hay như hư không hòa lẫn với hư không.

     Mặt khác, nếu quí vị không tỉnh thức bởi vì sự thành thạo của quí vị còn non yếu, người ta dạy rằng nhờ tu luyện theo cách lợi dụng trước kia của mình, quí vị có thể đạt được sự làm chủ ở Trung giới (Bardo) hay trong lần tái sinh kế tiếp.

~~~~

     Những cách lợi dụng này tìm thấy trong nhiều bài viết khác nhau của đức Gampopa vô song. Nguyên tắc chính gồm trong sự lợi dụng bất cứ cái gì xảy ra trong bất cứ tình huống nào cũng là Đại Thủ Ấn và như thế làm ‘vị’ (taste) của nó bình đẳng. Tuy nhiên, các bậc sư của Dòng Tu Tập trong các thế hệ tiếp theo đã cụ thể hóa sáu cách lợi dụng, và như vậy chúng ta có được các phương pháp tu luyện tuyệt vời này. Sự thích ứng của chúng biến đổi vì những mẫu người khác nhau và do đó nên dùng theo cách thích nghi. Chúng được biết dưới một tên khác là Bình Đẳng Vị (Equal Taste).

Giác Ngộ Phát Sinh Như Thế Nào

và Những Cách Tu Tập Nâng Cao

 

     Đây có năm điểm:

     Những cách giác ngộ phát sinh khác nhau

     Qui nhất và cách nâng cao

     Đơn giản và cách nâng cao

     Nhất vị và cách nâng cao

     Không-thiền-định và cách nâng cao

Những Cách Chứng Ngộ Phát Sinh Khác Nhau

     Đối với người thuộc loại tức thời, ngay từ lúc bắt đầu tĩnh lặng, sau khi được chỉ ra từ Qui Nhất, từ Đơn Giản hay từ Nhất Vị (One Taste), sự tiến lên đến Không-Thiền-Định có thể xảy ra tức khắc, v.v… và tiến trình này ổn định.

     Đối với người thuộc loại nhảy bậc, yoga kế tiếp trong bốn yoga bỗng nhiên xảy ra trước khi yoga trước ổn định. Tiến trình này không ổn định và sẽ chao đảo một cách đáng kể. Nếu một người như thế tiếp tục ở lại nơi ẩn tu và tu luyện một cách qui nhất, y sẽ đạt được sự ổn định. Nếu thời gian tu tập của y trong đời này chỉ là một thời gian ngắn, người ta dạy rằng y sẽ đạt chân giác ngộ ở Trung giới (Bardo).

     Đối với người thuộc loại tiệm tiến, bốn yoga xảy ra theo trình tự, trong đó cái sau xảy ra dần dần sau khi cái trước đã ổn định, và quá trình xảy ra này vững vàng. Vì vậy chủ yếu là kiên trì.

     Người ta dạy rằng khi những người thuộc cả loại nhảy bậc và loại tiệm tiến tu luyện trong sùng mộ đạo sư và có quyết tâm, họ sẽ không gặp khó khăn lớn như loại tức thời.

     Các yoga này có tầm mức diễn biến khác nhau có thể phân chia theo căn cơ của mỗi loại trong ba loại người này. Vì vậy, dường như không thể miêu tả một cách chính xác, có hệ thống về trình tự của bốn yoga. Tuy nhiên, ở đây tôi sẽ giải thích trình tự tiến hành dứt khoát cho loại người tiệm tiến, vì nó gồm cả những tu tập tinh thần cũng như những điểm quan trọng để chấp nhận hay chối từ thuộc về những cách không nhất địnhchứng ngộ phát sinh.

Qui Nhất và Cách Nâng Cao

 

     Đối với yoga Qui Nhất, có ba giai đoạn do sự khác nhau  trong các mức độ thông thạo cao, trung bình, và kém.

     Qui Nhất kém là từ khi [trạng thái] định (samadhi) rỗng lặng tỉnh giác đạt được với kinh nghiệm cực lạc hơi khó duy trì cho đến khi trạng thái thiền định xảy ra bất cứ khi nào quí vị luyện tập.

     Qui Nhất trung bình là thỉnh thoảng quí vị đạt được định ngay cả khi không tu tập, và khi tu tập nó trở nên ổn định.

     Qui Nhất cao là khi quí vị đạt được hoàn toàn trạng thái rỗng lặng tỉnh giác – không ngừng trong trạng thái thiền định và sau-thiền-định, bốn hoạt động hằng ngày[11] và suốt cả ngày và đêm.

~~~~

     Hơn nữa, có sáu điểm để phân biệt đã đạt được hoàn thiện hay chưa:

     Quí vị đã thấy được yếu tánh của Qui Nhất nếu quí vị đã đạt đến độ biết và tin chắc một cách tự nhiên vào tính rỗng lặng tỉnh giác của tâm. Quí vị chưa thấy yếu tánh ấy nếu quí vị không có sự tin chắc này, dù cho quí vị ở trong trạng thái cực lạc, trong sáng và không có ý nghĩ.

     Quí vị đã hoàn thiện được sức mạnh của Qui Nhất nếu trạng thái rỗng lặng tỉnh giác này trở thành miên mật suốt cả ngày lẫn đêm. Quí vị chưa hoàn thiện được sức mạnh ấy nếu nó là sự yên nghỉ nhất thời.

     Ý nghĩ của quí vị trở thành thiền định nếu bất cứ ý nghĩ hay nhận thức nào xảy ra, không bị bỏ rơi, biến thành tu luyện thiền định một cách đơn giản bằng cách bao bọc nó trong chú tâm. Chúng không trở thành thiền định nếu quí vị cần thiền định bằng cách nắm giữ chúng.

     Những phẩm hạnh đã phát sinh nơi quí vị nếu quí vị đã đạt được những dấu hiệu như từ bỏ tám mối quan tâm thế gian.[12] Chúng không phát sinh nếu tâm quí vị không dễ nhân nhượng.

     Quí vị đã gieo hạt giống sắc thân, trong khi chắc chắn như vậy, nếu quí vị cảm thấy thương xót chúng sinh và lập nguyện làm lợi ích người khác. Quí vị đã không gieo những hạt giống ấy nếu cảm thấy khó bi mẫn.

     Quí vị sẽ đạt được sự làm chủ cảnh giới tương đối, trong khi chắc chắn như vậy, nếu quí vị cảm thấy chắc chắn nhân quả không thất bại dù là trong chi tiết. Quí vị không đạt được sự làm chủ đó nếu quí vị không có được sự chắc chắn về sự tùy thuộc nhân duyên.

~~~~

     Vào lúc Qui Nhất kém, quí vị có một tâm thái thiền định nhất định là sự rỗng lặng tỉnh giác ban cho kinh nghiệm cực lạc. Khi một ý nghĩ hay một nhận thức xảy ra trong kinh nghiệm đó, nó tan biến và tự giải thoát. Có lẽ quí vị có thể có được sự chắc chắn do lý trí cấu dệt suy nghĩ, “Đây là thiền định!”

     Trong khi các nhận thức kế tiếp, quí vị nhận thức chúng với cảm giác vui sướng, nhưng phần lớn chúng là thực tại kiên cố.

     Trong khi chắc chắn như vậy, bất cứ khi nào quí vị bao bọc nó bằng chú tâm hiện diện, quí vị có kinh nghiệm về rỗng lặng tỉnh giác, nhưng có một thái độ suy nghĩ đi kèm, “Đây là rỗng lặng! Đây là kinh nghiệm tâm thức!”

     Trong lúc ở trạng thái mộng, ngoài mức độ sáng láng nhiều hơn một chút, không có sự khác nhau nhiều. Một vài người có số mộng nhiều hơn, nhưng không cụ thể lắm.

     Đôi khi quí vị thấy khó ở lại trong an tĩnh và nghĩ, “Mình thiền định không thành công!” Có những chao đảo đáng kể, và quí vị cảm thấy sùng mộ, nhận thứcthương xót thuần khiết.

     Vào lúc Qui Nhất trung bình, sự tu luyện của quí vị ở trong rỗng lặng tỉnh giác có kèm theo cảm giác cực lạc phát triển ổn định bất cứ khi nào quí vị tu tập. Đôi khi quí vị đột nhiên đạt được nó ngay cả khi không tu tập.

     Trong trạng thái kinh nghiệm đó, ý nghĩnhận thức phát sinh ít hơn trước, và chúng tự giải thoát.

     Trong lúc các nhận thức kế tiếp, có kinh nghiệm rỗng lặng tỉnh giác đi kèm, và cảm thấy mở trống và tự do. Đôi khi cũng cảm thấy chúng là thực tại kiến cố.

     Trong khi chắc chắn như vậy, quí vị hoàn toàn đi vào sự tu luyện thiền định bất cứ khi nào quí vị nhớ đến.

     Trong lúc ở trạng thái mộng, đôi khi xảy ra tâm thái thiền định, đôi khi không. Đối với một vài người, số mộng trở nên ít hơn.

     Quí vị bắt đầu lấy làm hoan hỉ trong tu luyện thiền định.

     Vào lúc Qui Nhất lớn, sự rỗng lặng tỉnh giáckinh nghiệm cực lạc đi kèm trở nên miên mật, và tất cả những ý nghĩ tan biến vào trạng thái đó. Tất cả những nhận thức kế tiếp xảy xa trong đó. Các giấc mộng, phần lớn, cũng bao gồm trong trạng thái đó.

     Chắc chắn quí vị tiếp tục ưa thích sự cao siêu. Quí vị cũng có thể có những tâm thái thiền định khác nhau về rỗng lặng: tâm là sự rỗng lặng cực lạc, là cái năng tri rỗng lặng, các ý nghĩ đều là rỗng lặng tỉnh giác, và hiện tướng là rỗng lặng được nhận thức. Hay quí vị có thể có kinh nghiệm mọi sự vật đều như mộng, như ảo ảnh huyễn thuật. Quí vị cũng có thể thị hiện một vài đức hạnh trợ duyên. Quí vị có thể bắt đầu nghĩ, “Không có cảnh giới thiền định nào cao hơn cảnh giới này!” Quí vị cũng cảm thấy sùng mộ và v.v…

~~~~

     Trong lúc ở ba giai đoạn Qui Nhất này, hãy cố gắng ở lại những chỗ ẩn tu trên núi, phong kín phòng lại và giữ im lặng. Coi chừng trở nên bị ô nhiễm, và thực hiện các nghi thức thanh tẩy ô nhiễm nếu quí vị thực có đến tiếp xúc với những ô nhiễm như thế.

     Khi quí vị cảm thấy trì trệ hay dao động, hãy loại bỏ những sai lầm này và nhìn vào tâm thể. Khi cảm thấy u tối, hãy sám hối những hành vi sai lầmcầu xin đạo sư của mình ban cho năng lực. Hãy thọ nhận sự ban cho định lực nhiều lần. Hãy dâng lễ tiệc, cúng dường, và bố thí. Hãy xin lời khuyên của đạo sư và bạn Pháp, và điều chỉnh sự tu tập của mình.

     Nếu có khuyết điểm trầm trọng xảy ra đến nỗi quí vị không muốn hỏi xin lời khuyên của thầy hay bạn Pháp và quí vị bắt đầu nuôi dưỡng tà kiến, vì đây là chướng ngại của Ma vương (Mara), quí vị nên qui y.

     Hãy tiếp tục tu tập trong khi phát sinh lòng chán ngán và khước từ sâu hơn, lòng sùng mộ, nhận thứcbi tâm thuần tịnh. Hãy nghỉ ngơi một vài ngày, sửa các khuyết điểm và rồi tiếp tục. Hãy tập những bài thể dục thích hợp. Theo cách này, hãy thực hiện một cách qui nhất phù hợp với cách tu dưỡng định (samādhi) như đã giải thích ở trên, với chú tâm mạnh mẽ hay sự chú tâm kiên trì hiện diện.

     Hãy cẩn thận không đi lạc vào phân tích lý trí, sự an tĩnh không có ý nghĩ, ham thích mùi vị kinh nghiệm thiền định hay thèm muốn sự chắc chắn như vậy.

     Chớ thích thú bám vào những kinh nghiệm dễ thương, trong khi xem những kinh nghiệm không thích thú là những khiếm khuyết không đáng ham muốn. Đừng chấp nhận cũng đừng bác bỏ, dù bất cứ việc gì xảy ra, mà hãy tu luyện không cố chấp cũng không cố sửa chữa.

     Nếu tâm thái thiền định trì độn, hãy tự xa rời nó bằng cách làm cho sự chú ý của mình trở nên sắc bén, và thường xuyên tập luyện trong tỉnh thức tươi tắn.

     Thỉnh thoảng, hãy đọc những câu chuyện đời của các tổ sư Dòng Tu Tập hành trì tu tập thiền định, những đạo ca kim cương của họ, v.v…, làm như vậy để phát triển lòng kiên cường thi đua với họ. 

     Tiếp tục tu tập theo cách này, quí vị kinh nghiệm và rồi nhận ra rằng an lạc, quang minh, và vô niệm là không thể phân chia, là bản tánh rỗng lặng và tỉnh giác của tâm. Quí vị nhận ra rằng ý nghĩ là cái rỗng lặng tỉnh giác, rằng nhận thức là cái rỗng lặng được nhận thức, và như thế quí vị quyết định rằng mọi sự vật là tâm. Nhận ra tâm này là cái tự tri, bất sinh, tự giải thoát, là quí vị hoàn thành sự chứng ngộ Qui Nhất.

~~~~

     Nếu vì lý do nào đó, không có tiến bộ gì cả, quí vị nên tập buông bỏ ba loại chấp giữ:

     Buông bỏ sự chấp giữ ngã. Hãy vất bỏ tất cả những mối quan tâm đối với đời này. Hãy là một kẻ bên ngoài lề xã hội loài người. Cắt đứt những sợi dây ràng buộc thế gian. Hãy ném bỏ sự ràng buộc với bạn bè và sự đối nghịch với kẻ thù. Hãy hiến thân mình cho đạo sư. Hãy từ bỏ sự ấp ủ những tích lũy của cải vật chất. Hãy cúng dường kusulu.

     Buông bỏ sự chấp giữ sở hữu. Hãy hoan hỉ cúng dường đạo sư tất cả của cảivật dụng tùy thuộc.  Hãy hoan hỉ cúng dường torma và lễ tiệc cho yi-đam (bổn tôn) và v.v… Hãy tặng những món quà ưa thích cho anh, chị, em kim cương. Hãy gạt bỏ hy vọng về những lúc hạnh phúc, những bữa ăn ngon, và những vật xinh đẹp. Hãy từ bỏ thức ăn, quần áo, và thanh danh. Hãy giữ cách hành xử nói trên của một con nai núi và v.v…, hãy từ bỏ quê hương và những chỗ làm tăng sự phân tán, ràng buộc, và công kích. Nếu vì lý do nào đó không thể bỏ được được những nơi như thế, thì hãy giữ im lặng trong vài năm.

     Buông bỏ sự chấp giữ định (samādhi). Hãy gạt bỏ sự lấy làm vui sướng, thưởng thức hay tin tưởng tất cả những kinh nghiệm “tốt.” Hãy siêu vượt vào trạng thái tự nhiên bằng cách quyết định rằng bất cứ điều gì xảy ra đều chẳng tốt cũng chẳng xấu. Hãy duy trì sự tỉnh thức tự nhiên và trần trụi, hãy cởi bỏ mọi tâm thái thiền định.

     Bằng cách làm như vậy, quí vị tiến bộ dần, và đến một điểm nào đó, các tâm thái thiền định của quí vị sẽ tan biến. Sự cố chấp nhị nguyên chủ và khách sẽ tan rã. Quí vị nhận ra rằng yếu tánh của tâm không có những cấu trúc của sinh và diệt. Như thế, sự chứng ngộ về Đơn Giản xuất hiện.[13]    

                                                      

Đơn Giản và Cách Nâng Cao

 

     Đơn Giản cũng có ba giai đoạn. Đơn Giản nhỏ là khi quí vị nhận ra rằng đặc tính của tâm suy nghĩnhận thức không có những cấu trúc như sinh và diệt. Tuy nhiên, quí vị không thoát khỏi sợi xích ưa thích niềm tin quyết chấp nó là trống rỗng. Quí vị vẫn còn chấp nhận những hy vọngsợ hãi về niết-bàn luân hồi.

     Đơn Giản trung bình là khi sợi xích ưa thích niềm tin quyết chấp nó là rỗng lặng đã tan biến. Nhưng, quí vị còn hy vọngsợ hãi trong lúc nhận thức và chưa tẩy sạch hết những cái không chắc chắn.

     Đơn Giản lớn là khi quí vị đã giải trừ sự cố chấp niềm tin quyết rằng tất cả luân hồi và niết-bàn – bất cứ cái gì xuất hiệnhiện hữu – đều là trống rỗng. Quí vị thoát khỏi hy vọngsợ hãi, và quí vị đã tẩy sạch những cái không chắc chắn.

~~~~

     Đây là những diểm để phân biệt đã đạt sự hoàn thiện của Đơn Giản hay chưa:

 

     Để thấy yếu tánh của tâm không có cấu trúc – đơn giản – sự chấp trước vào niềm tin quyết của quí vị phải tan biến. Quí vị đã thấy yếu tánh của Đơn Giản, nếu sau khi quán xét cùng khắp bản tánh của người kinh nghiệm, quí vị hoàn toàn bước vào một cảnh giới mà tất cả những cấu trúc tan biến trong đó. Quí vị chưa thấy yếu tánh nếu quí vị chưa đánh tan trạng thái lờ mờ của niềm tin quyết, tức kinh nghiệm chấp giữ sự rỗng lặng.

     Quí vị đã hoàn thiện được sức mạnh của Đơn Giản nếu quí vị đã tẩy sạch những cái không chắc chắn về tâm bình thường là không có những cấu trúc ngay cả không có một chút nào chấp giữ rỗng lặng, hy vọng hay sợ hãi. Quí vị chưa hoàn thiện được sức mạnh của Đơn Giản nếu quí vị ưa thích hy vọngsợ hãi trong lúc nhận thức, dù cho quí vị biết đặc tính của chúng là bất sinh và quí vị chưa giải trừ được sự chấp giữ rỗng lặng.

     Những ý nghĩ của quí vị trở thành thiền định nếu đối với tất cả những ý nghĩnhận thức mà quí vị nhận biết rằng chúng là những trường hợp của suy nghĩ rỗng lặng và nhận thức rỗng lặng. Trong lúc các nhận thức kế tiếp, quí vị có sự chứng ngộ giống như sự chứng ngộ trạng thái thiền định. Những ý nghĩ của quí vị không trở thành thiền định nếu điều đó không xảy ra.

     Các phẩm tính ấy đã phát sinh nếu quí vị nối kết những dấu hiệu thành tựu với chứng ngộ bằng cách áp dụng những điểm then chốt của con đường phương tiện. Các phẩm tính ấy không phát sinh nếu quí vị không lộ ra những dấu hiệu có thể thấy được của sự thành tựu.

     Quí vị đã gieo hạt giống các sắc thân nếu lòng bi mẫn không mang tính chất khái niệm phát sinh từ sự biểu hiện không bị trở ngại của rỗng lặng và nếu sự trùng hợp của quyết tâm và nguyện vọng thành hình, trong khi chắc chắn như vậy. Quí vị đã không gieo những hạt giống ấy nếu quí vị cảm thấy khó bi mẫn và nếu không có sự trùng hợp của các phương tiện thiện xảo.

     Quí vị đã đạt được sự làm chủ cảnh giới tương đối nếu rỗng lặng bắt đầu hiện ra như là nhân và quả và nếu quí vị hiểu rằng dù cho yếu tánh không có cấu trúc nào, nó có thể bị biến đổi thành bất cứ thứ gì qua hoàn cảnh. Quí vị không đạt được sự làm chủ ấy nếu không hiểu sự trùng hợp của nhân và quả, quí vị làm nó giảm thiểu trong khi cố chấp vào sự rỗng lặng.

     Vào lúc Đơn Giản nhỏ, quí vị nhận ra rằng đặc tính của tất cả các hiện tượng là không có những cấu trúc của sinh, trụ, và diệt. Tuy nhiên, quí vị vẫn còn sự cố chấp nhẹ vào mọi sự vật là rỗng lặng. Khi quí vị không bao gồm được sự chắc chắn như vậy bằng chú tâm hiện hiện, quí vị vướng vào sự cố chấp kiên định của yêu và ghét đối với bạn và thù. Cũng như các trạng thái ngủ say và mộng, phần lớn, vẫn là mê hoặc.

     Có những dao động đáng quan tâm trong sự tu tập tinh thần của quí vị, và có thể đôi khi quí vị có sự tin cậy nơi đạo sư, bạn Pháp và sự tu tập của mình, và đôi khi quí vị nghi ngờ.

     Vào lúc Đơn Giản trung bình, trạng thái thiền định lờ mờ của sự cố chấp vào tính rỗng lặng tan biến và quí vị hoàn toàn không còn chấp trước. Khi đã quán xét triệt để các ý nghĩ, quí vị có thể đã xóa sạch những cái không chắc chắn về sự khởi động của ý nghĩ, nhưng quí vị vẫn còn ưa thíchmột độ nào đó sự cố chấp vào hy vọngsợ hãi trong các nhận thức.

     Trong khi chắc chắn như vậy và các giấc mộng, quí vị kinh nghiệm nhiều thứ mê hoặc và không mê hoặc khác nhau. Đối với đạo sư, bạn Pháp và sự tu tập, quí vị cũng trải qua nhiều thăng trầm khác nhau do tin tưởng, nghi ngờ và v.v… Đôi khi quí vị còn nghĩ đến ngay cả [những điều như]: “Tôi muốn biết thực có giác ngộ để đạt hay địa ngục để tái sinh ở đó hay không?”

     Vào lúc Đơn Giản lớn, quí vị quán xét triệt để tất cả những hiện tượng luân hồi và niết-bàn, như vậy quí vị không ưa thích hy vọng hay sợ hãi về bất cứ điều gì. Khi tẩy sạch những cái không chắc chắn, quí vị hoàn toàn không có cảm giác dễ chịu hay không dễ chịu về những hiện tượng bên ngoài và bên trong là rỗng lặng hay không. Quí vị kinh nghiệm tất cả những nhận thức là rỗng lặng và không có tự thể.

     Trong khi chắc chắn như vậy, tất cả những nhận thức chưa phải là trạng thái độc chiếm của tâm thanh tịnhý nghĩ tan biến trong đó. Tuy nhiên, sự tu luyện thiền định hàng ngày của quí vị vững chắc vì nó có những trạng thái thiền định tốt về tri giác rỗng lặng và nhận thức rỗng lặng đi kèm.

     Dù vậy, vì sự hiện diện của chú tâm chưa trở thành liên tục theo nghĩa đen, có lúc quí vị cần tùy thuộc vào sự chú tâm mãnh liệt. Trong lúc mộng, quí vị vẫn có mê hoặc bình thườngmột độ nào đó.

     Thỉnh thoảng quí vị còn nghĩ đến ngay cả [những điều như]: “Tôi muốn biết thực sự có giác ngộ để đạt hay có cõi địa ngục để kết thúc trong đó hay không! Tôi muốn biết đây không phải là sự chứng ngộ cảnh giới tự nhiên đấy chứ!”

     Quí vị thấu hiểu ngay cả những giáo lý sâu xa nhất, kinh nghiệm yếu tánh của tâm là đạo sư của mình và các nhận thức trở thành những trợ giúp trong sự tu tập tinh thần của quí vị. Quí vị cảm thấy ít bám giữ bất cứ vật gì và từ bỏ những mối quan tâm thế gian. Tuy nhiên, quí vị có nguy cơ rơi vào bẫy làm mồi cho lừa dối, kiêu căng, dèm pha những người khác và nghĩ, “Bây giờ ta không cần thầy nữa!”

~~~~

     Trong khi ở ba giai đoạn Đơn Giản này, hãy từ bỏ ba loại chấp trước, hãy ở những vùng núi non cực kỳ biệt lập, giữ mình im lặng và ở lại nơi ẩn tu phong kín.

     Ngoài cúng dường torma và khẩn nguyện với đạo sư, trong một thời gian, chủ yếu là quí vị để sang một bên tất cả các kiểu tu tập có vật tượng trưngtính chất khái niệm trong khi tập trung vào sự hiện diện của chú tâmtu luyện không bị phân tán.

     Đôi khi hãy tạo công đức trợ duyên bằng cách cúng dườngbố thí, tu luyện trong sùng mộ đạo sư, cảm kích thuần khiết các bạn Pháp, lòng thương xót chúng sinhtư duy về mối quan hệ giữa nhân và quả. Hãy thảo luận về ý nghĩa sâu xa của giác ngộ với đạo sư và bạn Pháp, hãy đọc những đạo ca kim cương của dòng thành tựu, hãy hát chúng như những bài ca, và v.v…

     Phần lớn, điểm quan trọng là giữ không bị phân tán bằng chú tâm hiện diện liên tục. Thường người ta không thích sự tập trung có tính cách khái niệm quá nhiều.

     Đôi khi xảy ra việc cảm giác an lạc bị giảm thiểu và quí vị muốn tiếp tục tiến tới, muốn ăn hay cảm thấy không an lạc, và v.v… Lúc ấy quí vị nên dùng pháp tu thích hợp liên kết với con đường phương tiện, như cháy sáng và nhỏ giọt, nhiệt tumo[14]  tối thượng, tập thể dục, và v.v…

     Nếu quí vị không có tiến bộ ở mức Đơn Giản lớn, ngay cả sau khi tu tập nhiều năm, quí vị nên từ bỏ ba loại chấp trước, cầu xin ban cho năng lực, sám hốivi phạm mật nguyện samaya, và v.v…, và nguyện phát triển thâm sâu sự giác ngộ của mình.

     Hãy tưởng tượng nỗi đau khổđịa ngục trong khi quán tưởng chính mình là thần thủ hộ yi-đam (bổn tôn). Hãy quyết định rằng nó là tâm, và hãy tự an định mình trong đơn giản. Tương tự, hãy đem đến cho tâm sự khoái lạc của chư thiên, các cảnh giới của sinh tử, bản tánh của niết-bàn, và tự an định mình trong đơn giản.

     Thỉnh thoảng, hãy lên một đỉnh núi và thư giãn trong trạng thái đơn giản. Thỉnh thoảng, hãy đến một chỗ có nhiều người tụ tập và thư giãn trong trạng thái đơn giản. Trong thời khóa hãy giữ các khí, hãy nhìn vào các hiện tướng với mắt mở rộng và thư giãn trong đơn giản. Người ta nói rằng cứ tiếp tục theo cách này sẽ tiến bộ.

 

     Sau đó, ở một điểm nào đó, quí vị sẽ kinh nghiệm yoga thanh tịnh và không ô nhiễm về chứng ngộ tất cả những hiện tượng sinh tử và niết-bàn là của Nhất Vị (One Taste), Đại Thủ Ấn không có chấp nhậnbác bỏ những hiện tượng sinh tử và niết-bàn là có hay không có những cấu trúc của sinh và diệt, rỗng lặng hay không rỗng lặng, và v.v…

Nhất Vị và Cách Nâng Cao

      Nhất Vị (One Taste) cũng có ba giai đoạn. Nhất Vị nhỏ là khi quí vị đã chứng ngộ tất cả những ý nghĩnhận thức là một vị (one taste) trong Đại Thủ Ấn tâm yếu. Tuy nhiên, quí vị vẫn còn giữ một mối ràng buộc: tin chắc có mùi vị và chấp giữ nó.

     Nhất Vị trung bình là khi trạng thái lờ mờ này được giải trừ: tin chắc có mùi vị và chấp nhiều [tạp đa] là một vị. Quí vị đã hiện thực được tính không thể phân chia rực rỡ của nhận thức và tâm mà không xem cái được nhận thức là ở bên ngoài và không xem tâm là ở bên trong.

     Nhất Vị lớn là khi quí vị chứng ngộ nhiều [tạp đa] là một vị và kinh nghiệm một vị là nhiều. Như vậy, mọi sự vật lắng vào trạng thái bình đẳng bản nhiên.

~~~~

     Đây là những điểm để phân biệt đã đạt hoàn thiện trong Nhất Vị hay chưa:

     Quí vị đã thấy yếu tánh của Nhất Vị, nếu khôngchấp nhận hay bác bỏ, xác nhận hay phủ nhận bất cứ điều gì đã nhận thức, là quí vị đã nhận ra trạng thái bản nhiên của tính bình đẳng là sự tỉnh giác tự nhiên không đối tượng. Quí vị chưa thấy được yếu tánh ấy nếu quí vị vẫn còn bám vào niềm tin quyết ưa thích thưởng thức mùi vị bình đẳng này theo cách một cái gì đó được hòa lẫn và cái hòa lẫn với nó.

     Quí vị đã hoàn thiện được sức mạnh của Nhất Vị nếu quí vị kinh nghiệm bất cứ điều gì mình gặp đều là biểu hiện của cảnh giới bình đẳng bản nhiên này. Quí vị chưa hoàn thiện được sức mạnh của nó nếu quí vị không kinh nghiệm một vị là nhiều bởi vì còn giữ sự ràng buộc của phương thuốc cứu chữa.

     Ý nghĩ của quí vị trở thành thiền định nếu tất cả sự chấp giữ nhị nguyên, gồm cả tâm và những cái được nhận thức, v.v…, đã tan biến. Từ đó – thoát khỏi cảm giác bị ràng buộc hay được giải thoát trong sáu loại cảm nhận (impressions: ấn tượng) – để cho cái gì xuất hiện xuất hiệnhoàn toàn đúng. Ý nghĩ không trở thành thiền định nếu quí vị cần giải thoát những cảm nhận với sự nhắc nhở nhận biết.

     Những phẩm tính đã phát sinh, sau khi hòa lẫn tâm và nhận thức, nếu quí vị đạt được những năng lực nhiệm mầu như có thể triệu gọi và biến thành nhiều. Các phẩm tính chưa phát sinh nếu các dấu hiệu ấy không xuất hiện vì các cơ duyên thúc đẩy của đường đạo còn yếu.[15]

 

     Quí vị đã gieo hạt giống sắc thân nếu bi tâm bao trùm tất cả xảy ra không chút cố gắng và kho tàng lợi ích cho người khác đã mở ra. Quí vị chưa gieo hạt giống ấy nếu năng lực phương tiện, như bi tâm chẳng hạn, còn yếu, và nếu quí vị không thành tựu được lợi ích cho người khác.

     Quí vị sẽ đạt được sự làm chủ cảnh giới tương đối nếu quí vị trở thành thiện xảo trong nhân quả. Điều này có nghĩa là quí vị có thể tách rời sinh tử và niết-bàn bằng kinh nghiệm tính tức thời của tỉnh giác bởi vì nhận ra rõ ràng mối liên hệ tùy thuộc giữa nhân và quả. Quí vị chưa đạt được sự làm chủ này nếu quí vị không kinh nghiệm nhất vịnhân quả của nhiều [tạp đa].

~~~~

     Ở tất cả mọi thời trong lúc ở Nhất Vị nhỏ, quí vị đã nhận ra yếu tánh của trạng thái bản nhiên, nhưng quí vị vẫn còn duy trì một cảm giác nhỏ rằng nó là một cái gì đó để thưởng thức mùi vị và bám giữ.

     Trong lúc chắc chắn như vậy, quí vị thấy khó tiếp tục tu tập tinh thần trong khi gặp phải những nhận thức phiền não do những đối tượng và hoàn cảnh căng thẳng, và quí vị kinh nghiệm sự cố bám chặt vào nhị nguyênmột độ nhỏ.

     Trong lúc ở trạng thái mộng, có sự nhầm lẫn và bám giữ nhẹ nào đó.

     Đôi khi quí vị có kinh nghiệm rằng tất cả ba – thân, nhận thức, và tâm – là không thể phân chia. Tuy nhiên, có thể là mối quan tâm của quí vị về nhân quả, sự sùng mộ, và bi tâm của mình có thể suy thoái.

     Ở thời gian của Nhất Vị trung bình của chứng ngộ sự bám giữ chủ và khách, người kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm, tan biến. Sự cố chấp nhị nguyên của tâm và nhận thức bị cắt đứt tận gốc rễ.

     Trong khi chắc chắn như vậy và ở trạng thái mộng, quí vị ít nhầm lẫn hơn trước, và quí vị không có sự bám giữ thực tại kiên cố nào đáng chú ý.

     Ở thời gian Nhất Vị lớn, sự chứng ngộ của quí vị về bất nhị trở nên miên mật suốt cả ngày lẫn đêm, và không chấp giữ nhiều biểu hiện không bị ngăn ngại của trạng thái bình đẳng bản nhiên và cho là có thực.

     Kinh nghiệm về vô niệm, một cách đơn giản là một phẩm tính tỉnh giác nhận thức mà không phê phán, xảy ra với chút ít ưa thích mong manh.

     Trong khi chắc chắn như vậy, quí vị có nhận thức nhị nguyên vi tếthẩm định các hiện tướngảo ảnh huyễn thuật, là cái rỗng lặng tỉnh giác trong đó không có gì giữ lại.

     Các giấc mộng không có sự bám víu xảy ra như không bị trở ngại và phù du. Người ta cũng dạy rằng đôi khi không có mộng gì cả.

~~~~

     Trong lúc ở ba giai đoạn Nhất Vị này, phần lớn, hãy ở những chỗ ẩn cư. Thỉnh thoảng hãy tham dự những hội nhóm và quí vị sẽ tiến bộ.

     Dù cho quí vị nghĩ rằng dù thiền định hay không cũng không có gì khác biệt, chủ yếu là tiếp tục ẩn cưtu luyện trong sự hiện diện của chú tâm đích thực.

     Dù cho quí vị đã đạt được sự chứng ngộ Nhất Vị lớn, nếu không có được năng lực thấu thị ở một mức độ nào đó và nhận được những dấu hiệu từ các đa-ki-ni (dakini: không hành nữ), quí vị phải là người bị ô nhiễm do sự phá hại mật nguyện samaya. Do đó, hãy làm một ngàn tượng tsa-tsa[16] hay những cái tương tự chẳng hạn, và dâng hoa cho mỗi tượng. Hãy khẩn nguyện, “Nguyện cho sự ô nhiễm của con lắng xuống hoàn toàn!” Hãy thực hiện nghi thức đà-la-ni (dhāranī) để tẩy trừ ô nhiễm, cũng như bất cứ những tu tập đức hạnh thích hợp nào khác.

     Nếu quí vị bị vướng mắc trong lạc thú hay không lạc thú khi các dấu hiệu xảy ra, quí vị bị Ma vương (Mara) ảnh hưởng. Hãy xem được lợi ích hay bị tổn hại, được trợ giúp hay bị Ma vương làm hại, và v.v…, tất cả đều là tâm của quí vị, và tâm này không có giới hạn và không có tâm điểm, giống như hư không.

~~~~

     Một khi sự chứng ngộ Nhất Vị bắt đầu hiện ra bên trong quí vị, không có sự sợ hãi ý nghĩ, không có sự ưa thích các phẩm tính và quí vị không thể bị lỗi lầm xoay chuyển. Mặt khác, nếu quí vị trở nên cạnh tranh một cách sâu xa và có nhiều xúc động phiền não, ý nghĩưa thích ám ảnh, là Ma vương đã chiếm lấy tâm quí vị. Hãy nhận biết điều đó và tận lực tu tập đức hạnh. Trong bất cứ trường hợp nào, hãy hiểu ý nghĩa câu nói, “Hãy nhận biết mọi sự vật trái nghịch với sự tu luyện thiền định của mình đều là Ma vương.”

     Cũng có thể làm giảm thiểu tầm quan trọng của các phương pháp [tu tập] do suy nghĩ, “Không cần bi tâm và lòng sùng mộ vì chúng sinh là tâm tôi và đạo sư cũng là tâm tôi.” Thay vì, hãy tăng cường bi tâm và lòng sùng mộ của mình.

     Hãy cực kỳ thận trọng làm điều thiện và tránh điều bất thiện. Hãy dự liệu tất cả các loại nhân quả tích cực, hãy hồi hướng tất cả những các loại [nhân quả] tiêu cực, và chấp nhận chiếc áo giáp nhân quả.

     Khi có lợi ích hay tổn hại xảy ra cho người khác, có nguy cơ bị Thiên tử Ma vương bắt giữ, vậy hãy bỏ những hành vi bề ngoài làm lợi ích cho người khác. Chủ yếu cũng giữ không để bị vướng mắc vào tín đồ, sở hữudanh vọng.

     Bằng cách tiếp tục tu tập theo cách này, sự lờ mờ của các tâm thái thiền địnhưa thích tất cả lắng xuống, sự ngộ đạotrạng thái tự nhiên sẽ hòa lẫn nhau. Như thế sự chứng ngộ Không-thiền-định bắt đầu hiện ra ở bên kia sự an tĩnh và sau-thiền-định dù được chú tâm bao bọc hay không.

Không-Thiền-Định và Cách Nâng Cao

     Không-thiền-định (non-meditation) cũng có ba giai đoạn. Không-thiền-định nhỏ là khi kinh nghiệm tất cả những nhận thức là sự tu luyện thiền định. Quí vị không phải duy trì chú tâm hay thận trọng tự an định mình trong trạng thái thiền định, và quí vị chỉ còn chút ít cố chấp cho chúng là ảo ảnh huyễn thuật.

     Không-thiền-định trung bình là khi quí vị không còn ngay cả sự bám víu vào ý niệm rằng chúng là những ảo ảnh huyễn thuật, như vậy suốt cả ngày lẫn đêm quí vị ở trong trạng thái không-thiền-định không bị gián đoạn. Trong khi chắc chắn như vậy, người ta kinh nghiệm tính liên tục vi tế của ý thức

nhị nguyêntuệ giác bản nhiên. [17]

 

     Không-thiền-định lớn là khi ngay cả ý thức nhị nguyên vi tế này biến thành bản giác, yeshe. Mọi sự vật một cách đơn giản chỉ là trạng thái che vòm bên trên của bản giác.

~~~~

     Sau đây là những điểm để phân biệt đã đạt được hoàn thiện trong Không-thiền-định hay chưa:

     Quí vị đã thấy yếu tánh của Không-thiền-định nếu sự chứng ngộ Không-thiền-định của quí vị không có đối tượng của trí nhớ hay sự quen thuộc, như vậy sự ưa thích mùi vị đã tan biến. Nếu quí vị còn có cảm giác về một cái gì đó cần ghi nhớ hay trở nên quen thuộc là quí vị chưa thấy yếu tánh ấy.

     Quí vị đã hoàn thiện được sức mạnh của Không-thiền-định nếu nhận thức nhị nguyên vi tế nhất đã tan biến và quí vị đã đưa tất cả mọi hiện tượng đến trạng thái cùng tận, như vậy quí vị luôn luôn không thể phân chia với bản giác. Quí vị đã không hoàn thiện được sức mạnh của Không-thiền-định nếu quí vị kinh nghiệm nhận thức nhị nguyên dù là nhỏ nhất và quí vị đã không đưa các hiện tượng của những đối tượng khả tri đến trạng thái cùng tận.

     Những ý nghĩ của quí vị trở thành thiền định nếu mọi trường hợp của thức hàm tàng (all-ground consciousness), không bị bác bỏ, đã tan biến vào trí pháp giới (dharmadhātu wisdom). Chúng không trở thành thiền định nếu quí vị còn có kiểu huân tập vi tế cho sự bám víu khái niệm và trạng thái lờ mờ vi tế của sự ưa thích mùi vị kinh nghiệm.  

     Các phẩm tính đã phát sinh nếu thân của quí vị xuất hiệnsắc thân trí tuệ (wisdom rūpakāya) của thân cầu vồng và tâm của quí vị là pháp thân quang minh. Như vậy quí vị kinh nghiệm thế giantính thanh tịnh bao bọc tất cả. Các phẩm tính không phát sinh dù cho quí vị còn giữ ngay cả một chút nhỏ nhất nhận thức bất tịnh về thân và tâm, thế gianchúng sinh.

     Quí vị đã thành tựu được các hạnh của sắc thân nếu quí vị đạt được sự hoàn thiện như là pháp thân trong đó không gian căn bảnbản giác là không thể phân chia, như vậy bánh xe trang nghiêm bất tận Thân, Ngữ, Ý của quí vị tự động và không ngừng hoàn thành những cần cầu của chúng sinh. Quí vị chưa thành tựu được những hạnh này nếu điều ấy không xảy ra và quí vị vẫn còn cần tùy thuộc vào các cõi thanh tịnh. Quí vị sẽ thanh tịnhđạt được sự làm chủ cảnh giới tương đối nếu quí vị hoàn thiện tất cả những phẩm tính Phật. Quí vị không đạt được sự thanh tịnh và sự làm chủ này, nếu ba mạng lưới làm u tối các phẩm tính Phật: lưới thân của nghiệp chín muồi, lưới khái niệm của thói quen huân tập, và lưới ý của ý thức nhị nguyên.

~~~~

     Vào thời gian Không-thiền-định nhỏ, nhận thức nhị nguyên phần lớn đã tan biến. Không phải thận trọng thiền định hay thận trọng tự nhắc nhở mình, quí vị kinh nghiệm tất cả những nhận thứctu luyện thiền định, như vậy quí vị không chao đảo với thiền định.

     Trong lúc chắc chắn như vậy, có một tàn dư của vô minh gọi là sự không nhận biết vô niệm, mà nó là thức hàm tàng còn tồn tại như là một trạng thái lạnh lùng không ý nghĩ. Đây cũng gọi là sự ô nhiễm của các khuynh hướng tiêu cực. 

     Dù quí vị không tạo nghiệp, người ta dạy rằng chấp trước, chưa tan biến trong bản giác, vẫn xảy ra như những giây phút thoáng qua của ảo ảnh huyễn thuật. Trong lúc mộng, quí vị vẫn gặp phải sự chấp nhẹ cho rằng chúng là có thực vì không nhận biết.

     Vào lúc Không-thiền-định trung bình, ngay cả nhận thức nhị nguyên vi tế nhất này, như ảo ảnh huyễn thuật, cũng tan biến, và quí vị trở nên không bị gián đoạn trong trạng thái không-thiền-định suốt cả ngày lẫn đêm.

     Trong lúc các nhận thức kế tiếp, nét đặc biệt cực kỳ vi tế của sự không nhận biết vô niệm bắt đầu hiện ra như là tỉnh giác bản nhiên. Đây gọi là sự hoàn thiện phù hợp với bản tánh nội tại. Người ta dạy rằng nét đặc biệt ấy là sự ô nhiễm vi tế nhất của các khuynh hướng tiêu cực và ban đêm nó vẫn hiện diện.

     Ở thời gian Không-thiền-định lớn, nét đặc biệt cực kỳ vi tế của sự không nhận biết vô niệm này tan vào bản giác như vậy các ánh sáng mẹ và con hòa lẫn nhau. Mọi sự vật bây giờ là khoảng không gian bao trùm tất cả của bản giác, như vậy – vì lợi ích của chính mình – quí vị đạt được pháp thân viên mãn. Vì đã làm chủ được sự biểu hiện tự nhiên của nó, không còn thiên lệch, người ta dạy rằng các ảnh phản chiếu của sắc thân vì lợi ích người khác sẽ tự động hoàn thành sự an lạc của chúng sinh chừng nào luân hồi còn tồn tại.

     Về phương diện này, cảnh giới không-thiền-định kinh nghiệm trong đời này là Không-thiền-định nhỏ hay trung bình, siêu việt sự an tĩnh thiền định hay sau-thiền-định. Theo nghĩa thành tựu, đây là sự khẳng định sâu xa không có đối tượng để xả bỏ và hoàn toàn không có phương thuốc chữa trị, không có đối tượng để thanh tịnh và không có tâm làm thanh tịnh, và ở bên kia tử hay bất tử. Khó đạt cao hơn nữa.

     Nói chung, cảnh giới không-thiền-định chỉ là sự vắng mặt của người thiền định, đối tượng thiền định và hành động thiền định cũng xảy ra trong lúc [ở giai đoạn] Đơn Giản. Trong lúc [ở giai đoạn] Nhất Vị cũng có cảnh giới không-thiền-định mà nó chỉ là kinh nghiệm sự tươi mát của ý nghĩnhận thức có sự đi qua bên kia (cảnh giới) an tĩnh thiền định và sau-thiền-định đi kèm. Đây không phải là cảnh giới Không-thiền-định đích thực, nhưng đúng hơn nó là tâm thái thiền định của không-thiền-định.

     Về cảnh giới Không-thiền-định đích thực, người ta dạy rằng cho đến khi đặc điểm vi tế của sự không nhận biết vô niệm bắt đầu hiện ra như là tỉnh giác tự nhiên, chủ yếu là dùng chú tâm tỉnh thức hiện diện liên tục để duy trì dòng tâm bình thường không có dự tính hay tu dưỡng.

     Dù quí vị không tạo nghiệp nữa, dù quí vị ở lại nơi nào, dù quí vị ở với ai và làm gì, chủ yếu là một thiền giả, quí vị vẫn duy trì sự hứng khởi bên ngoài của người tu tập Pháp. Do đó, hãy ở những nơi ẩn tu trên núi, hãy giương ngọn cờ tu tập, hãy bỏ cách hành xử không đúng và hãy xử sự một cách thích hợp với những nguyên tắc tương đối về những gì nên theo hay nên tránh.

~~~~

     Ở đây tôi đã miêu tả những cách trong đó sự an tĩnh thiền định và sau-thiền-định, sự chắc chắn do đó mà có, những nhận thức do đó mà có, và những trạng thái mộng kinh nghiệm theo cách nói của mẫu người tiệm tiến. Thực ra nó được xem như người ấy tu hành một cách qui nhất ở nơi ẩn tu. Nó không theo một cách chính xác tất cả những con đường khác nhau, như trong trường hợp những người nhiệt tình ham muốn các hiện tướng thế gian trong thời kỳ sau-thiền-định. Tuy nhiên, người ta có thể kinh nghiệm được đặc tính chứng ngộ y nhưhiện hữu.

     Những cách trong đó các tầng mức kinh nghiệmchứng ngộ của mười hai yoga này xảy ra thì cực kỳ khó hiểu trọn vẹn cho loại hành giả kém hơn và không ở trong lãnh vực ngự trị của lý trí của họ xem xét kỹ lưỡng. Song, quí vị sẽ tìm được sự tin tưởng bằng phương tiện giáo lý của đức Gomtsül[18] và một vài vị trong các bậc tổ của Dòng Tu Tập.

     Để được tường tận, quí vị nên thực hành tu tập để có được cái hiểu từ vị thầy bên trong là tâm của mình và từ vị thầy bên ngoài là các giáo lý và sự chỉ dạy của các bậc thành tựu đã giác ngộ. Như thế, hãy tự đưa mình đến mức cùng tận của khái niệm và hiện tượng.

      Có những người như tôi, không hoàn thiện do nghiệp tương tục của tu luyện trước kia, thỏa mãn với một vài năm tu tập Pháp an nhàn. Về sau, khi họ giả vờ đã đạt được chứng ngộ viên mãn, họ lừa cả chính mình và người khác vì lợi ích thiển bạc. Dường như minh xác chân trilương thiện là quan trọng hơn.



[1] Sự để hết tâm trí vào các phép tu tập thu góp tích lũy công đức và tẩy sạch sự u tối của nghiệp tiêu cực hơn là tu luyện Đại Thủ Ấn cũng được gọi là đánh mất cái thấy trong hành xử.

[2] Theo văn mạch này, tự tính đồng nghĩa trạng thái tự nhiên.

[3] Theo văn mạch này, Thrangu Rinpoche nhắc nhở rằng nên tu tập bốn yoga với nhận thức về đặc tính của tâm.

[4] ‘Không chỉ điểm’ có nghĩa là để mở trống, không nhận diện, không dán nhãn hiệu hay cố chấp.

[5] Tức đi, đứng, nằm, và ngồi. [ND]

[6] Nghĩa đen, “Cái này không tác dụng! Cần một cái gì khác!”

[7] Torma: phẩm vật cúng dường làm bằng lúa mạch phơi khô thường dùng trong bữa ăn, có hình nón, dâng cúng trong các nghi thức mật điển. [ND].

[8] Giải Bày Thâm Mật là nhan đề của Gabpa Ngönjung

[9] Cúng dường kusulubố thí, chỉ phép tu Chö.

[10] Hãy tưởng tượng bị một chứng bệnh khủng khiếp hơn tấn công.

[11] Đi, đứng, nằm, ngồi. ND.

[12] Tức “bát phong” (tám thứ gió) hay “bát pháp” (tám pháp thế gian): được, mất, sướng, khổ, chê, khen, vinh, nhục. ND.

[13] Đây là lý do tại sao Đơn Giảnnghĩa đen là sự vắng mặt của những cấu nhiễm.

[14] Nhiệt tumonội nhiệt do phép luyện Du-già Tumo sinh ra (lửa tam-muội). Xem “Du-già Tây Tạng, Giáo Lý và Tu Tập” - ND.

[15] Trong số “các cơ duyên thúc đẩy” là bi tâm, sùng mộ, kiên trìtrí tuệ.

[16] Tượng thờ cúng có hình tháp miếu cỡ rất nhỏ, bằng đất sét, đúc bằng một loại khuôn chế tạo đặc biệt, được dùng rộng rãiTây tạng. [ND]

[17] “Nhị nguyên” được ghép với ý thức (rnam shes) để phân biệt với bản giác hay tuệ  giác (ye shes).

[18] Đức Gomtsül (rje sgom tshul) là cháu của Đức Gampopa, cũng được biết đến với tên khác là Tsultrim Nyingpo (tshul khrims snying po).

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
02/04/2024(Xem: 46123)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.