Nguyên Giác
Nhà Xuất Bản Ananda Viet Foundation 2023
Người viết vô cùng mang ơn ba đời Phật, Pháp, Tăng; vô cùng mang ơn tất cả quý Thầy và quý cư sĩ trong hai ngàn năm qua đã hoằng pháp và hộ pháp tại Việt Nam; và vô cùng mang ơn bổn sư là cố Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu.
Đặc biệt người viết vô cùng mang ơn Thầy Minh Châu, Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Thích Đức Thắng đã dịch Tạng Pali và Tạng A Hàm ra tiếng Việt. Như thế đã giúp cho người đời sau, trong đó có người viết, có thể có những đối chiếu kinh điển từ hai Tạng Kinh rất mực bát ngát và vi diệu này.
Thiền Tập Với Pháp Ấn - Nguyên Giác PDF
https://www.amazon.com/dp/1088004830/ Sách in
MỤC LỤC
_________________________________
- Lời giới thiệu
- Lời thưa
- Bài Kinh Đầu Tiên: Lòng Biết Ơn 13
- Niêm Hoa Vi Tiếu: Mùa Xuân Trong Kinh Pali 17
- Thầy Thích Minh Châu: Bất Lập Văn Tự 22
- Thiền Tỉnh Thức Với Vô Ngã 39
- Khi Đức Phật Dạy Thiền 46
- Cư Trần Lạc Đạo Phú: Đọc 2 hội, nghĩ về giải thoát 71
- Thiền tập với pháp ấn 94
- Lìa tất cả, để sống một mình 111
- Tỉnh Thức Với Tâm Không Biết 116
- Niệm thân: nhỡ không thấy bất tịnh 124
- Suy Nghĩ về Kinh Sabhiya Sutta 132
- Đức Phật ra đời, như mặt trời chói sáng 145
- Vô thường cũng là Niết bàn tịch diệt 153
- Từ tâm, ý và thức… tới vô tâm thị đạo 159
- Ghi Chú về Định, Huệ và Giải Thoát 173
- Mười con nhạn trắng về tha 217
- Kinh Cho Người Bệnh Nặng và Cận Tử 232
- Tu Tâm Từ Để Hộ Thân, Ngủ An Lành 258
- Hướng về ngưỡng cửa hiểu biết 270
- Đọc Kinh Phật, nhớ Bùi Giáng 284
- Tưởng Niệm Thầy Nhất Hạnh: Đọc “Đạo Bụt Nguyên Chất” 294
- Ni Trưởng Trí Hải: Thiền Pháp Người Gỗ 303
- Tạ Ơn Kinh Phật, Tạ Ơn Người Dịch Kinh 312
- Đức Phật dạy lìa xan tham 340
- Khi Đức Phật hóa thân 350
- Thiền sư Ryokan Taigu 356
- Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc 409
- Tiểu sử Tác giả 458
LỜI GIỚI THIỆU
_________________________________________
Không hiểu do duyên lành nào đưa đẩy mà tôi được làm việc trong lãnh vực xuất bản sách, nhất là sách Phật giáo, được tiếp cận với quý thầy cô, quý học giả và quý thiện hữu tri thức. Qua đó tôi được học hỏi rất nhiều về giáo pháp của Đức Phật, về đường lối tu tập để giải thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi.
Vào những ngày cuối năm trời miền Nam Cali trở gió, mưa và lạnh, tôi vô cùng hoan hỷ khi nhận được cùng một lúc hai tập bản thảo sách Phật giáo để xuất bản, một tập sách của một vị Tăng với tựa đề “Kiếp Nhân Sinh” và một quyển sách của một vị Cư sĩ có tựa đề “Thiền Tập với Pháp Ấn”. Nói chung cả hai quyển sách đều viết về chánh pháp với mục đích truyền bá và giữ gìn chánh pháp. Trong cương vị điều hành nhà xuất bản, là một độc giả, và cũng là một người học Phật và tu theo Phật – tôi rất hân hạnh được xem trước các bản thảo sách. Nơi đây, xin phép được nói về cuốn sách thứ hai: “Thiền Tập với Pháp Ấn” của Cư sĩ nhà văn Nguyên Giác, một học giả thâm sâu Phật học và một hành giả chuyên tu tại gia.
Cuốn sách “Thiền Tập với Pháp Ấn” gồm 27 bài viết mà hầu hết nội dung là “trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước qua bờ bên kia”, như tác giả bộc bạch.
Qua bờ bên kia là qua bờ giải thoát, nơi không còn sinh tử, không còn luân hồi khổ đau. Vậy Giải thoát là gì và Đạo Phật chủ trương tu tập như thế nào để đạt giải thoát? Đó là mục đích chính của cuốn sách mà tác giả muốn giãi bày, muốn chia sẻ với người đọc như để mời gọi cùng nhau bước lên con thuyền qua bờ kia.
Giải thoát là gì? Chắc nhiều người học Phật đều biết rõ, đó là tháo tung những trói buộc con người bởi ngũ dục và ngũ trần, vượt thoát mọi đau khổ và được hoàn toàn tự do tự tại. Hay nói một cách khác là làm thế nào để sáu căn không dính mắc với sáu trần là thành tựu giải thoát. Pháp tu để thành tựu giải thoát, theo Phật giáo, có đến vô lượng pháp môn phù hợp với mọi căn cơ sai biệt của chúng sinh, nhưng tất cả không ngoài việc tu tập ba môn học Giới - Định - Tuệ mà muốn vào cửa giải thoát, muốn qua bờ kia, điều đầu tiên là hành giả phải giữ giới và có chánh kiến.
Ở cuốn sách, tôi bị thu hút bởi các pháp tu do Phật dạy, được tác giả trích từ các nguồn kinh gốc tiếng Nam Phạn và Bắc Phạn, đối chiếu với các bản dịch tiếng Anh của các đại sư đương thời người Tây phương. Các lời giáo huấn qua ngòi bút của tác giả được viết bằng ngôn ngữ cực kỳ đơn giản, dễ hiểu mà ai cũng có thể tự biết cách tu, ai cũng có thể thực hành được. Nếu coi tập sách nầy như một người chỉ đường và quyết tâm theo đuổi việc tu tập đến cùng với mục đích thấu đạt ý nghĩa thâm sâu của pháp và thành tựu giải thoát, người học Phật sẽ gặp một Đức Phật, một vị Thánh Tăng hay một vị Tổ Sư hiển hiện từ mỗi câu. Do đó hãy chiêm nghiệm và thực tập theo sách nầy bằng mọi cách để qua bên kia bờ.
Mỗi bài viết trong sách là một trải nghiệm, là bài học Phật pháp ứng dụng, không lý thuyết rườm rà hay lý luận dài dòng. Chúng tôi tin rằng độc giả sẽ coi sách này như là sách cẩm nang để đầu giường và có thể sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần để thực hành.
Trong một bài viết, tác giả trích dẫn đoạn Kinh AN 11.16, ngài Ananda được gia chủ Dasama vấn pháp. Câu hỏi là có một pháp nào để giải thoát tâm chưa được giải thoát, để đoạn tận lậu hoặc, và vào Niết Bàn. Ngài Ananda trả lời rằng chỉ cần vào sơ thiền, quán vô thường, đoạn tận lậu hoặc, là nhập Niết Bàn. Tức là, tu thiền chỉ, rồi tới thiền quán. Tức là, có định trước, rồi tới huệ. Nếu chưa vào Niết Bàn được, có thể hóa sanh (tức là, đắc quả A Na Hàm Bất Lai) rồi từ cõi này nhập Niết Bàn. Như thế là đủ. Thật là tuyệt vời.
Trong sách, tác giả y cứ lời Phật ý Tổ là vào sơ thiền rồi quán pháp ấn vô thường, hay quán pháp ấn vô ngã là có thể giải thoát. Thiết tưởng cũng cần mở ngoặc nói thêm ở đây là một số người chưa thấu đạt pháp ấn vô thường, nên dễ nhầm lẫn về cách nói “người tu phải nhìn thấy các pháp như thực” – nhóm chữ này trong kinh điển hoàn toàn không có nghĩa là “thấy màu xanh thì nhận ra màu xanh, thấy màu đỏ thì nhận ra màu đỏ.” Ý của Đức Phật là, “nhìn như thực” là phải nhìn ra pháp ấn vô thường, vô ngã trong tất cả pháp. Gần đây, khoa học đã chứng minh rằng những gì chúng ta tưởng là “nhìn như thực” hóa ra lại là “nhìn như ảo” – cụ thể, tất cả những màu sắc mà chúng ta tưởng đang nhìn thấy, hóa ra là không có thực, và được thấy màu sắc trước mắt chỉ là do tâm chúng ta hóa hiện ra thôi.
Ở một bài khác trong sách, tác giả nhấn mạnh là chỉ cần quán pháp ấn vô ngã là đủ để giải thoát hay như thực hành thiền hơi thở cũng có thể dẫn tới giải thoát ngay trong kiếp này, hoặc là nếu bất toàn thì cũng đắc quả Bất Lai; Đức Phật dạy như thế trong Kinh Ud 7.1 Tiểu Bộ và Kinh SN 54.4 mà tác giả đã trích dẫn.
Bên cạnh các pháp thiền khác, thực hành pháp thiền vô tướng cũng đạt giải thoát vì thiền vô tướng là tận gốc lìa tham sân si bởi tham sân si luôn luôn có tướng. Thiền vô tướng chính là thấy thường trực Lý Duyên Khởi rằng cái này có thì cái kia có, rằng cái này diệt thì cái kia diệt. Và khi thấy các pháp do duyên sinh, tức khắc là thấy cốt tủy các pháp là không, tức khắc là tâm xa lìa tướng của năm uẩn, tức khắc là thấy không có “tôi” cũng không có “người” cũng không thấy bất kỳ tướng nào trước mắt hay trong tâm. Tác giả nói thêm khi nhắc đến kinh Bahiya rằng, Đức Phật nói phải lìa tất cả các tướng. Nghĩa là trong cái được thấy, trong cái được nghe… không hề có tướng nào gọi là A hay B, không hề có cái gì gọi là tướng nhân hay tướng ngã, không hề có bất kỳ tướng nào hết… mà chỉ là những cái được thấy và những cái được nghe liên tục chảy xiết qua tâm gương sáng. Thấy như thế là giải thoát. Khi tâm lìa cả Có và Không, đó là vào thực tướng Vô ngã, tức là giải thoát. Không có pháp nào trực tiếp hơn.
Với những hành giả chỉ tu phước, khi bố thí với tâm không cầu, không trụ, không mong muốn gì, cũng không nghĩ là để tâm được tịnh tín, mà chỉ để trang nghiêm tâm, hay bố thí chỉ là bố thí thì sẽ được sinh lên cõi Trời rồi đắc quả Bất Lai (không trở lại cõi Ta Bà).
Dùng tâm xả ly, buông thiện, buông ác, là tâm khi đó rời tất cả những gì thuộc về ba cõi sáu đường. Bất kỳ ai cũng có thể tập được pháp này. Đó là một niệm tỉnh thức rỗng rang, của một gương tâm không bị vướng bất kỳ một phán đoán nào.
Vô tâm thị đạo Giải thoát không phải ở đâu xa. Đức Phật nói rằng giải thoát là ngay ở đây và bây giờ. Là khi sáu xứ đoạn diệt. Sáu xứ, cũng có nghĩa là mắt đoạn diệt, tai đoạn diệt… cho tới ý đoạn diệt. Đoạn diệt ở đây không có nghĩa là thấy như không thấy hay nghe như không nghe hay mắt mù tai điếc mà chỉ là tâm không dính mắc.
Xuyên suốt quyển sách tương đối dày đều là lời Phật và ý Tổ khuyến tấn chúng ta tu tập để qua bờ bên kia. Pháp môn nào cũng thực hành được miễn là phải giữ giới và có chánh kiến trước vì nếu không sẽ dễ rơi vào tà ma ngoại đạo. Thiền tập với Pháp ấn không chỉ thực hành thiền khi ngồi mà có thể thực hành thiền ở mọi lúc mọi nơi với nhiều cách khác nhau, ngay cả thiền đi bộ hay thiền niệm hơi thở cũng có thể giải thoát. Cốt tủy của việc thực hành này cũng không ngoài việc sáu căn không vướng sáu trần. Và đó cũng chính là giáo lý cốt tủy của nhà Phật. Giáo lý đó dạy rằng không được bám víu vào bất cứ thứ gì, để Tâm vô sở trụ, tức là tâm không trụ vào đâu cả, không còn dính mắc, bám víu vào bất cứ cái gì nữa, điều mà kinh Kim Cang nói: “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Hiểu được và làm được thì đạt tới giác ngộ giải thoát, còn hiểu được và làm được một phần cũng lợi lạc nhiều vì chúng ta đang sống trong một cuộc sống sôi động cơm áo gạo tiền, phải luôn vật vã vì cuộc mưu sinh.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một quyển sách hay và quý.
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation | Tâm Diệu