SÁU TÙY NIỆM THEO HỮU BỘ
TRÍCH TỪ BẢN VIỆT DỊCH A-TÌ-ĐẠT-MA TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN
***
Thích Phước Nguyên dịch và chú
(Trích từ bản dịch Việt, A-tì-đạt-ma Tập dị môn túc luận, đã xuất bản, 1/2019, phát hành tại Sách Hà Nội)
Sáu tùy niệm: 1. Tùy niệm Phật; 2. Tùy niệm Pháp; 3. Tùy niệm Tăng; 4. Tùy niệm giới; 5. Tùy niệm xả; 6. Tùy niệm thiên[1].
i. Thế nào là tùy niệm Phật[2]?
Như Thế Tôn nói:
“Bí-sô nên biết! ở đây, vị Thánh đệ tử, bằng đặc điểm như vậy tùy niệm chư Phật, nghĩa là vị Thế Tôn ấy là bậc Như Lai, A-la-hán, nói chi tiết cho đến: Phật Bạc-già-phạm”.
Hoặc có vị Thánh đệ tử nào bằng đặc điểm như thế tùy niệm chư Phật, những gì là niệm tương ưng với kinh nghiệm nhận thức, mà kiến là căn bản: tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên, không mất, không rơi sót, không rò rỉ, không mất trạng thái của Pháp, trạng thái ghi nhớ sáng suốt của tâm. Đó gọi là tùy niệm Phật.
ii. Thế nào là tùy niệm Pháp?
Như Thế Tôn nói:
“Ở đây, vị Thánh đệ tử bằng đặc điểm như vậy tùy niệm Chánh Pháp, nghĩa là Chánh Pháp của Phật, nói chi tiết cho đến: trí giả nội chứng”.
Hoặc có vị Thánh đệ tử nào bằng đặc điểm như thế tùy niệm Pháp, những gì là niệm tương ưng với kinh nghiệm nhận thức, mà kiến là căn bản, thuyết minh chi tiết như trên. Đó gọi là tùy niệm Pháp.
iii. Thế nào là tùy niệm Tăng?
Như Thế Tôn nói:
“Bí-sô nên biết! Ở đây, vị Thánh đệ tử bằng đặc điểm như vậy tùy niệm Tăng, nghĩa là Tăng đệ tử Phật[3], thành tựu diệu hành, nói chi tiết cho đến: xứng đáng được phụng sự bởi thế gian, vì là ruộng phước vô thượng”.
Hoặc có vị Thánh đệ tử nào bằng đặc điểm như thế tùy niệm Tăng, những gì là niệm tương ưng với kinh nghiệm nhận thức, mà kiến là căn bản, thuyết minh chi tiết như trên. Đó gọi là tùy niệm Tăng.
iv. Thế nào là tùy niệm giới?
Như Thế Tôn nói:
“Bí-sô nên biết! Ở đây, hoặc có vị Thánh đệ tử nào, bằng hình thái như vậy tùy niệm Tự Giới, nghĩa là ‘Tịnh giới của Ta: không khuyết mẻ, không rách thủng, nói chi tiết cho đến: được bậc trí xưng tán, thường không hủy báng’”.
Hoặc có vị Thánh đệ tử nào bằng đặc điểm như thế tùy niệm Tự Giới, những gì là niệm tương ưng với kinh nghiệm nhận thức, mà kiến là căn bản, thuyết minh chi tiết như trên. Đó gọi là tùy niệm Tự Giới.
v. Thế nào là tùy niệm tự xả?
Như Thế Tôn nói:
“Bí-sô nên biết! Ở đây, hoặc có vị Thánh đệ tử nào, bằng hình thái như vậy tùy niệm Tự xả, nghĩa là ‘Ta khéo đắc tài lợi vô nhiễm, tuy sống giữa các chúng sinh bị cuốn chặt bởi cấu bẩn[4] của xan tham, nhưng mà có thể viễn ly hết thảy cấu bẩn của xan tham, tâm không nhiễm trước, có thể duỗi tay huệ thí tài vật sở hữu, buông xả tài vật, tâm không sở hữu, phân bố ban khắp, tâm không thiên vị’”.
Hoặc có vị Thánh đệ tử nào bằng đặc điểm như thế tùy niệm Tự Xả, những gì là niệm tương ưng với kinh nghiệm nhận thức, mà kiến là căn bản, thuyết minh chi tiết như trên. Đó gọi là tùy niệm Tự Xả.
vi. Thế nào là tùy niệm thiên?
Như Thế Tôn nói:
Bí-sô nên biết! Ở đây, hoặc có vị Thánh đệ tử nào, bằng hình thái như vậy tùy niệm chư Thiên[5], nghĩa là có Tứ đại vương chúng thiên[6], Tam thập tam thiên[7], Dạ-ma thiên[8], Đổ-sử-đa thiên[9], Lạc biến hóa thiên[10], Tha hóa tự tại thiên[11]. Chư Thiên như thế, vì thành tựu vô đảo tín, giới, văn, xả, và tuệ, nên chết từ xứ này, rồi sinh đến trong chúng Thiên đó. Ta cũng thành vô đảo tín, giới, văn, xả và tuệ, do đâu không được sinh về chúng Thiên ấy?’”
Hoặc có vị Thánh đệ tử nào bằng đặc điểm như thế tùy niệm thiên, những gì là niệm tương ưng với kinh nghiệm nhận thức, mà kiến là căn bản: tùy niệm, chuyên niệm, ức niệm, không quên, không mất, không rơi sót, không rò rỉ, không mất trạng thái của Pháp, trạng thái ghi nhớ sáng suốt của tâm. Đó gọi là tùy niệm thiên.
[1] Skt. ṣaḍ anusmṛtayaḥ | buddhānusmṛtir dharmānusmṛtiḥ saṃghānusmṛtiḥ śīlānusmṛtiḥ tyāgānusmṛtir devatānusmṛtiḥ; Chúng tập: sáu tùy niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên. Pāli: Cha anussatiṭṭhānāni—buddhānussati, dhammānussati, saṃghānussati, sīlānussati, cāgānussati, devatānussati.
[2] Ht. tùy niệm chư Phật 隨念諸佛, Skt. buddhānusmṛti (Tib. sangs rgyas rjes su dran pa; Pāli: buddhānussati), do động từ anu-√smṛ (tùy niệm): nhớ lại, hồi tưởng lại. Định nghĩa tùy niệm, cf. visuddhimagga-1.7: punappunaṃ uppajjanato satiyeva anussati, pavattitabbaṭṭhānamhiyeva vā pavattattā saddhāpabbajitassa kulaputtassa anurūpā satītipi anussati: “Niệm (sati) là tưởng niệm hay tùy niệm (anussati) vì nó khởi lên một cách thường trực; hoặc niệm thích ứng (anurūpā) cho một nam tử của gia đình hiền thiện, xuất gia vì tín tâm, niệm hiện hữu trong những trường hợp cần thiết gọi là tùy niệm”.
[3] Skt. buddha-śrāvaka-saṃgha, Ht. Phật đệ tử chúng 佛弟子眾, chúng ở đây có nghĩa là Tăng (saṃgha). Visuddhimagga-1: Bhagavato ovādānusāsaniṃ sakkaccaṃ suṇantīti sāvakā. Sāvakānaṃ saṅgho sāvakasaṅgho, sīladiṭṭhisāmaññatāya saṅghātabhāvamāpanno sāvakasamūhoti attho, “Tăng đệ tử này nghe (sunanti) một cách kỹ lưỡng lời huấn dụ của đức Thế Tôn, cho nên gọi Thanh văn Tăng. Tăng đệ tử này là hội chúng những Thanh văn này, cùng chung học giới và chánh kiến.
[4] Ht. 垢 cấu, Skt. mala; Tib. dri ma: sự nhơ nhuốm, vẩn đục. Xá-lợi-phất 11, tr. 604a27-b1: “Thế nào là cấu? Dục cấu, sân nhuế cấu, ngu si cấu, phiền não cấu, chướng cái hệ phược ác hành cấu, cùng với những pháp cấu khác; hoặc thiền, giải thoát, định, nhập định, mà cấu, không tịnh, không khởi, không thanh, không diệu, là nghiệp ô nhiễm, không quang minh, đó gọi là cấu”; Thuận chánh lý 1, tr. 329a28: “Chư lậu gọi là cấu”, ibid., q.2, tr. 340c7: “cấu nghĩa là tham v.v… tức là cấu tư lương, nên cũng gọi là cấu”; Tì-bà-sa 173, tr. 870a13: “Cấu cụ gọi là cấu”; Du-già 8, tr. 314c1-2: “Tự tính nhiễm ô, cho nên gọi là cấu”, Du-già 84, tr. 770a14-15; Tập luận 4, tr. 677c15-19, Tạp tập luận 7, tr. 725a14-18.
[5] 隨念諸天 tùy niệm chư thiên, Pāli: devānussati.
[6] Skt. cātur-mahā-rājakāyika; Tib. la chen bzhi'i ris, Ht. 四大王衆天 Tứ đại vương chúng thiên.
[7] 三十三天 Tam thập tam thiên, Skt. devās trayas-triṃśāḥ, Tib. sum cu rtza gsum pa'i lha rnams.
[8] 夜摩天 Dạ-ma thiên, Skt. yāma, Tib. 'thab bral.
[9] 睹史多天 Đỗ-sử-đa thiên, Skt. tuṣita, Tib. dga' ldan.
[10] 樂變化天 Lạc biến hóa thiên, Skt. nirmāṇa-rati, Tib. 'phrul dga'.
[11] 他化自在天 Tha hóa tự tại thiên, Skt. para-nirmita-vaśa-vartino devāḥ, Tib. gzhan 'phrul dbang byed kyi lha.