- 1. Khái quát về Khởi tín luận
- 2. Tông chỉ tạo Luận khởi tín
- 3. Mục đích tạo luận và đối tượng cần luận
- 4. Xác lập giáo nghĩa
- 5. Bản chất của chân như
- 6. Phần Giải Thích Giáo Nghĩa
- 7. Loại Hình Và Cấp Độ Giác Ngộ
- 8. Giác ngộ sẵn và giác ngộ mới
- 9. Giác ngộ tuyệt đối và giác ngộ chưa trọn
- 10. Trí tuệ trong sáng và ẩn dụ về bản giác
- 11. Không giác ngộ và các loại thức
KHỞI TÍN LUẬN
ĐĐ. TS. Thích Trí Minh
(Giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh)
Đại Thừa Khởi Tín Luận (大乘起信論; S. Mahāyāna Śraddhotpāda Śāstra) còn được gọi tắt là Khởi Tín Luận,tương truyền do ngài Mã Minh (Aśvaghoṣa) biên soạn, là một trong các tác phẩm tinh hoa, giới thiệu về Phật giáo Đại thừa. Nguyên bản Sanskrit của Luận này không còn nữa.
Các nghiên cứu học đường gần đây đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến tác giả của bản luận. Có thực sự Khởi Tín Luận[1] do luận sư Ấn-độ là ngài Mã Minh biên soạn, hay do một vị luận sư người Trung Hoa trước tác sau này. Damien Keown cho rằng vì “không có bản nguyên tác bằng tiếng Ấn-độ nào đã được phát hiện, hiện nay, chúng ta có thể xác quyết rằng bản luận này là một tác phẩm nguỵ tạo có nguồn gốc từ Trung Quốc.”[2]
Các nhà biên tập Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh hồ nghi tác giả của Khởi Tín Luận không phải là ngài Mã Minh nên đã liệt luận này vào Nghi Tợ Bộ.[3] Giả thuyết này có thể do dựa vào Tứ Huyền Luận Luận 10 và 12 của ngài Huệ Quân. Theo tác phẩm này, tác giả của Khởi Tín Luận là một luận sư tông Địa Luận, vì học thuyết Như Lai tạng trong luận này rất giống với tông thuyết của tông Địa Luận. Giả thuyết này cũng được tác giả của Khai Nguyên Thích Giáo Lục 8 cũng như các học giả Vọng Nguyệt Tín Hanh, Lương Khải Siêu, Âu Dương Tiệm, Lư Trừng, Vương Âm Dương v.v… ủng hộ, với những lý do không tìm thấy bản Sanskrit và không có bản Tây Tạng tương ứng. Các học giả khác như đại sư Thái Hư, đại sư Ấn Thuận, HT. Thích Trí Quang, cư sĩ Đường Đại Viên, Chương Thái Viêm và các dịch giả Khởi Tín Luận ở Việt Nam đều cho rằng tác giả của luận này không ai khác hơn chính là ngài Mã Minh.[4]
Mặc dù theo các học giả Nhật Bản hiện đại, tác giả của Khởi Tín Luận không phải là luận sư Ấn-độ, mà là luận sư Trung Quốc. Tuy nhiên, họ đã không thuyết phục được giới học giả rằng luận sư Trung Quốc đó là ai.
Khởi Tín Luận được các trường phái Đại thừa xem như là luận phẩm chánh thống, được sử dụng rộng rãi đến ngày nay, như sách giáo khoa không thể thiếu về áo nghĩa Đại thừa. Trong tương lai, nếu bản nguyên tác Sanskrit không tìm ra được thì đó là một sự mất mát lớn đối với học giới, và do vậy, chúng ta chỉ có thể giới hạn tư tưởng triết học của ngài Mã Minh vào các bản dịch bản chữ Hán được truyền thừa.
Bài đọc thêm:
Đại Thừa Khởi Tín Luận, Thích Nhật Từ
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Tác Giả: Mã Minh - Dịch & Giải: Chân Hiền Tâm
Đại Thừa Khởi Tín Luận Bồ Tát Mã Minh - Cao Hữu Đính Việt Dịch
Đại Thừa Khởi Tín Luận
Đại Thừa Khởi Tín Luận - Ngài Mã Minh Bồ Tát Tạo Luận - Sa Môn Thích Thiện Hoa Lược Dịch Và Lược Giải
Khái Quát Về Khởi Tín Luận