Niết Bàn Phải Chăng Là Hư Vô?

23/03/201312:00 SA(Xem: 19070)
Niết Bàn Phải Chăng Là Hư Vô?

NIẾT BÀN PHẢI CHĂNGHƯ VÔ
Thích Phước Sơn

Xưa nay có một số người hiểu lầm cho rằng Niết-bàn là hư vô, hủy diệt, hay là cái chết. Nếu hiểu như thế thì không đúng với tinh thần kinh điển Phật giáo.

(Trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 180, mục Chuyện Đông Chuyện Tây tr. 57, ông An Chi có trả lời một độc giả về xuất xứ của từ Niết-bàn, nhưng về ý nghĩa, ông muốn độc giả tự tìm hiểu lấy. Nhân đây, chúng tôi xin góp ý về cách lãnh hội khái niệm Niết-bàn theo kinh điển Phật giáo, để giúp độc giả nào muốn tìm hiểu thêm một từ ngữ khá hàm súc và thường bị ngộ nhận này).

1. ĐỊNH NGHĨA NIẾT-BÀN

Niết-bàn hay Nê-hoàn là phiên âm từ ngữ Nibbàna của Pali (P), hay Nirvàna của Sanskrit (S).

Nibbana là danh từ phát sinh từ động từ ni(r)-và: nibbati; Nirvàna là danh từ phát sinh từ động từ nir-va. Hai động từ trên cùng có nghĩa tương đối giống nhau: Thổi, dập tắt, tiêu diệt, chấm dứt, làm lắng dịu, làm cho nguội lạnh. Do đó, hai danh từ Nibbana và Nirvana cùng có nghĩa là sự thổi tắt, biến mất, chấm dứt, lắng dịu, an tịnh, giải thoát v.v…[1]

Theo từ điển Phật học, Niết-bàn là trạng thái đã được thổi tắt, đã diệt hết lửa phiền não, là thành tựu trí tuệ viên mãn. Trạng thái nầy là cảnh giới giác ngộ siêu việt sinh tử, là mục đích thực tiễn rốt ráo của Phật giáo. Cho nên nó được biểu trưng cho một trong ba pháp ấn của đạo Phật là “Niết-bàn tịch tịnh.”[2]

2. NHỮNG VÍ DỤ VỀ NIẾT-BÀN

Kinh Niết-bàn thuộc Đại thừa đã cho những ví dụ như sau: Ví như người đói được ăn no, người bệnh được chữa lành, người sợ hãi được che chở, người nghèo được châu báu, người quán tưởng xương trắng trừ hết lòng dục, nhờ thế mà được an vui.

Tất cả những niềm an vui trên cũng gọi là Niết- bàn, nhưng chưa phải là Niết-bàn đích thực. Vậy, thế nào là Niết-bàn đích thực? Có bậc Đại nhân ở trong ác đạo phiền não mà không khiếp sợ, phát nguyện độ khắp chúng sinh, đó là người đã đạt được Niết-bàn đích thực.[3]

Đó là những ví dụ về Niết-bàn theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa và sau đây là những ví dụ theo quan điểm Nguyên thủy theo kinh Trung Bộ: Người nào đã diệt hết mọi tham ái, sân hậnsi mê, làm cho chúng không thể hiện hữu được nữa trong tương lai, như cây tala bị chặt đứt ngọn không thể nẩy mầm được nữa (đó là Niết - bàn)[4]. Sự kiện bị chặt đứt ngọn được ví dụ trạng thái diệt hết mầm móng của tham, sân, si; cây tala – một loại cây giống như cây cau ở xứ ta, nếu chặt đứt ngọn thì không sống được nữa – được ví dụ cho sự hiện hữu của tham, sân, si.

Ngoài ra, còn có thể nêu thêm một ví dụ khác: Một hôm, con rùa đi dạo chơi trên mặt đất rồi trở về hồ nước. Con cá hỏi con rùa từ đâu trở về. Rùa bảo là từ đất khô trở về. Cá thắc mắc không biết đất khô là gì, nên hỏi: “Thế, đất khô có mát mẻ và êm dịu không? Có trong suốt để ánh sáng xuyên qua được không? Có di chuyển và chảy thành dòng không? Có nổi sóng và tan thành bọt không? v.v…” Rùa trả lời rằng tất cả những thứ ấy đều không phải. Cá kết luận: “Tôi hỏi anh bao nhiêu câu hỏi mà anh đều bảo không giống một thứ nào cả, thế thì đất khô mà anh nói đó chỉ là hư vô chứ không gì khác. “Rùa nói: “Này chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất khô là hư vô thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Nhưng thực ra, người nào đã biết nước và đất khô sẽ bảo chị là một con cá dại dột vì dám cả quyết rằng cái gì chị không biết đều là hư vô, không có gì hết.[5]

3. NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ NIẾT-BÀN

Vào thời đức Phật còn tại thế, có một số Sa-môn, Bà-la-môn cho rằng có năm loại Niết-bàn, mà họ gọi là Niết-bàn tối thượng, đó là:

1. Có người cho rằng bản ngã tận hưởng đầy đủ năm thứ dục lạc đó là Niết-bàn.

2. Có người cho rằng xa lìa các dục vọng, các pháp bất thiện, đạt đến Thiền thứ nhất, có tầm, có tứ, có hỷ và lạc, đó là Niết-bàn.

3. Có người cho rằng đạt đến Thiền thứ hai, nội tâm yên tĩnh, trí tuệ tập trung vào một đối tượng, không tầm, không tứ, có hỷ và lạc, đó là Niết-bàn.

4. Có người cho rằng đạt đến Thiền thứ ba, không có hỷ nhưng còn lạc, an trú chánh niệm, đó là Niết-bàn.

5. Có người cho rằng đạt đến Thiền thứ tư, không lạc cũng không khổ, hỷ và ưu cũng xả bỏ, được xả niệm thanh tịnh, đó là Niết-bàn.

Đó là những chủ trương Niết-bàn hiện tại tối thượng của các Sa-môn, Bà-la-môn lúc bấy giờ. Đức Như Lai biết rõ những quan điểm của họ, nhưng Ngài không chấp trước vào các tri kiến ấy. Vì không chấp trước nên nội tâm tịch tịnh. Do đó, biết chính xác sự huân tập, sự diệt trừ của cảm thọ, những vị ngọt, những nguy hiểm và sự xa lìa khỏi chúng. Nhờ thấu triệt như vậy, nên đức Như Lai được hoàn toàn giải thoát, không còn tập khí sinh tử nữa.[6]

4. TÍNH CHẤT CỦA NIẾT-BÀN

Kinh Phương Đẳng Bát-nhã Nê-hoàn quyển hai, phân tích Niết-bàn thành tám pháp vị (tính chất) sau đây:

1. Thường trụ: Thông suốt ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) mà thường hằng, biến khắp mười phươngtồn tại.

2. Tịch diệt: Vắng lặng hoàn toàn, vĩnh viễn chấm dứt lưu chuyển.

3. Không già: Không đổi, không thay, không thêm chẳng bớt.

4. Không chết: Vốn đã không sinh, nên cũng không chết.

5. Thanh tịnh: An nhiên trong sạch, hết mọi ô nhiễm.

6. Hư không: Thông suốt rỗng rang, vượt mọi chướng ngại.

7. Bất động: Im lìm tuyệt đối, hoàn toàn không dao động.

8. Khoái lạc: Không bị sinh tử khổ đau bức bách, đầy đủ niệm an vui thường tịch diệt.

Về tính chất của Niết-bàn đã được đức Phật trình bày trong rất nhiều kinh, ở đây chúng ta có thể nêu vài đoạn kinh trong Udàna như sau: “Này các Tỳ-kheo, trạng thái nầy (tức Niết-bàn) không có đất, nước, lửa, gió, không có Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ; không có đời nầy, không có đời sau. Do vậy, ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có sinh, không có diệt, không chuyển vận và không sở duyên. Đó là sự đoạn tận khổ đau”.

Này các Tỳ-kheo, cái gì có nương tựa thì có dao động, cái gì không nương tựa thì không dao động, không dao động thì được khinh an, được khinh an thì không chuyển dịch, không chuyển dịch thì không có đến và đi, không có đến và đi thì không sinh diệt; vì không sinh diệt nên không có đời nầy và đời sau. Đó là sự đoạn tận khổ đau.[7]

5. PHÂN LOẠI NIẾT-BÀN

Tông Pháp tướng chia Niết-bàn thành bốn loại (bốn trạng thái):

1. Bản lai tự tính thanh tịnh Niết-bàn: Tự tính của tất cả chúng sinh xưa nay vốn thanh tịnh, có vô lượng công đức, không sinh không diệt, vắng lặng như hư không, nhưng vì bụi bặm phiền não che khuất nên không hiển lộ được.

2. Hữu dư y Niết-bàn: Phiền não chướng đã diệt hết, lý chân như đã hiển hiện, nhưng sinh mệnh vẫn còn hiện hữu. (Như trường hợp đức Phật khi mới thành Đạo).

3. Vô dư y Niết-bàn: Mọi phiền não dứt hết, thân ngũ uẩn cũng diệt tận, các pháp hữu vi hết chỗ nương tựa, mọi nỗi khổ cũng diệt tận (Như trường hợp đức Phật nhập Niết-bàn.)

4. Vô trụ xứ Niết-bàn: Mọi chướng ngại của tri thức đều được đoạn tận, đạt được trí tuệ siêu việt, không còn phân biệt giữa sinh tử và Niết-bàn, không còn ưa thích hay chán ghét, phát đại trí, đại bi làm lợi ích cho chúng sinh đến cùng tận đời vị lai mà vẫn sống theo tự tính vắng lặng.[8]

Khi luận về phàm Thánh đối với bốn loại Niết-bàn, chúng ta thấy: tất cả các loài hữu tình đều đầy đủ Bản lai tự tính thanh tịnh Niết-bàn. Các bậc Thanh vănDuyên giác vì đã đoạn tận phiền não nên được thêm hai loại Niết-bàn nữa là Hữu dư y và Vô dư y. Chư Phật đã dứt sạch cả phiền não chướngsở tri chướng, nên đầy đủ cả bốn loại Niết-bàn.[9]

Tóm lại, xưa nay có một số người hiểu lầm cho rằng Niết-bàn là hư vô, hủy diệt, hay là cái chết. Nếu hiểu như thế thì không đúng với tinh thần kinh điển Phật giáo. Thực ra sự chết chỉ là một khía cạnh của Vô dư y Niết-bàn, chứ không phải toàn bộ Niết-bàn. Ý nghĩa đích thực của Niết-bàn theo đạo Phật phải được hiểu là trạng thái dứt sạch mọi phiền não nhiễm ô, đoạn trừ hết những nhận thức sai lầm, và hoàn toàn tự tại trước mọi khổ vui, phải trái, tốt xấu của cuộc đời. Tuy vậy, Niết-bàn thực khó thể nhận đối với những tâm hồn còn tràn đầy ái dục, như đức Phật đã tuyên bố khi mới thành đạo: “Pháp nầy (tức Niết-bàn) do Ta chứng được thực sự là sâu xa, vi diệu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao siêu, vượt khỏi mọi lý luận, chỉ có những người trí mới hiểu thấu. Còn những người bình thường thì ham mê ái dục, ưa thích ái dục; do đó, họ khó mà thấy được nguyên lý y tánh duyên khởi, khó mà thấy được tất cả các hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, dục được diệt sạch, chứng đắc Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà những người khác không hiểu Ta, thì thực là vất vả cho Ta, thực là khổ não đối với Ta.[10]

 

***


[1]. Sanskrit-English Dictionary, by Sir Monier Williams, Oxford, 1960, p. 557. The Pàli Text Society’s Pàli- English dictionary, by T.W.Rhys Davids and William stede, London, 1959, p. 362. 

[2]. Phật Quang Đại Từ Điển, Phật Quang xuất bản xã,1989, tr. 4149. 

[3]. Đại-bát Niết-bàn Kinh, Quang Minh Biến Chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ-tát phẩm, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 12, tr. 730. 

[4]. Kinh Trung Bộ, tập 3, Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch từ nguyên bản Pàli, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1992, tr. 554. 

[5]. Đức PhậtPhật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch từ bản tiếng Anh của Nàrada Thera. S. 1970, tr. 458. 

[6]. Kinh Trường Bộ, tập 1, Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch từ nguyên bản Pàli, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1991, tr. 71-74. 

[7]. Kinh Phật Tự Thuyết, chương VIII đoạn 1, 3. 

[8]. Thành Duy Thức Luận quyển 10, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, tập 31, tr. 55. 

[9]. Phật Quang Đại Từ Điển, tr. 1811. 

[10]. Kinh Trường Bộ tập 1, tr. 486… như trên. 

iam nhà vua Tần Bà Sa La, ngày 06/03/2013 và tại tịnh xá Trúc Lâm ngày 07/03/2013

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.