Thư Viện Hoa Sen

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)

20/09/20142:43 SA(Xem: 13970)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
 
Giảng rộng nghĩa lý bài văn Âm chất (3)


Mưa tên xuyên thân
Đế Quân kể rằng: Ta nhờ tu thiện tích đức trong nhiều đời, dần dần được phục hồi thần chức, nhưng những mối oan trái xưa kia vẫn chưa trả dứt nên chưa được yên. Vì lẽ đó mà lại tái sinh tại vùng Hà Sóc ở phía bắc sông Hoàng Hà.
Vào lúc tướng Đặng Ngãi mang quân đánh Thục, ta ở trong quân giữ chức Hành quân tư mã. Ta khuyên Đặng Ngãi theo đường nhỏ trong núi mà đi để tránh gặp địch. Khi vào sâu đất Thục rồi, gặp tướng Thục là Gia Cát Chiêm. Đặng Ngãi dụ hàng Gia Cát Chiêm, hứa sẽ phong cho tước vương ở đất Lang Gia. Chiêm không nghe theo, quân hai bên giao chiến. Gia Cát Chiêm hết sức trung kiên, chống cự cùng ta, bắn tên như mưa khiến ta trúng tên toàn thân. Gia Cát Chiêm cuối cùng cũng bị bắt giam lại. Ta có ý tìm cách cứu Chiêm, nhưng thân thể bị thương quá nặng. Ấy chính là món nợ trước kia ở Cung Trì, nay phải chịu báo ứng vậy.
Lời bàn
Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Báo ứng của nghiệp giết hại, ví như trải qua số kiếp nhiều như số hạt bụi nhỏ, vẫn cứ qua lại ăn giết lẫn nhau, như bánh xe xoay tròn không lúc nào ngừng.” Xét theo đó mà nói thì báo ứng của sự việc ở Cung Trì quả là nhanh như chớp mắt mà thôi. Nếu như nhận hiểu được điều này, có thể từ nay về sau biết sợ báo ứng mà không còn dám phạm vào nghiệp giết hại nữa.
Chấp chưởng việc khoa bảng
Đế Quân kể rằng: Ngọc Đế thấy ta nhiều đời học đạo Nho, chuyên tâm tận ý nghiên cứu tam phần ngũ điển, liền giao phó cho ta chấp chưởng quản lý sổ bộ của thiên đình ghi chép việc khoa bảng ở nhân gian.
Hết thảy mọi việc liên quan đến sĩ tử từ các khoa thi nơi quận huyện, cho đến những việc lớn lao như quy chế thi cử, quan phục, bổng lộc, ngạch trật, phong thưởng... đều phải trình lên ta, cho đến việc bổ nhiệm hay bãi chức các vị thừa tướng, ngự sử cũng đều do ta chưởng quản.
Lời bàn
Người thế gian nghe biết ai đó được làm quan khảo thí, liền tìm đủ mọi cách để mua chuộc, cầu cạnh, mong được chiếu cố. Nhưng vị quan ấy cũng chỉ nắm được một phần quyền hạn, không có quyền quyết định tất cả, cũng chỉ giữ quyền trong một lần bổ nhiệm, không thể kéo dài quá 3 năm. Lại như quan chủ khảo cấp dưới, cũng không có quyền tham dự các kỳ thi cấp trên; quan coi về quy chế khoa cử cũng không thể tham dự vào phần việc của quan khảo tuyển. Như vậy, việc thành tựu hay thất bại trong khoa cử, vẫn là do chính mình quyết định trước nhất, tuy rằng cũng có lúc không được như mong muốn. Do có nhiều quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nên việc mua chuộc đút lót quả thật là rất khó.
Giả sử như có một vị quan khảo thí, hết sức sáng suốt, chí công vô tư, không bệnh không già, không có những việc tang chế trong nhà khiến phải tạm nghỉ việc, không thiên lệch cất nhắc học trò của riêng mình, không tham muốn tiêu pha tiền bạc, không phải theo ý muốn người khác mà hành xử, đảm trách từ việc thi cử nơi quận huyện cho đến tại kinh đô, từ quan viên lớn nhỏ cho đến tể tướng, đại thần đều giao cho vị ấy quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi chức. Ví như có người muốn mua chuộc cầu cạnh, vị ấy cũng không nghe theo. Ví như làm theo người như vậy, có thể gọi là sáng suốt chăng? Bằng cách nào có thể làm theo người như vậy? Xin thưa, chỉ cần cung kính học làm theo như đức hạnh của Đế Quân, góp sức lưu hành những lời răn dạy quý báu của Đế Quân là được.
Ngày sau chứng quả
Đế Quân kể rằng: Ta học theo lời Phật dạy, tức thời chứng đắc pháp vô phân biệt, sống trên núi cao an ổn thanh tịnh, nghĩ thương nhân dân tật bệnh khổ não. Bấy giờ, đất Thục gặp nạn lụt lớn, dân chúng nhiều người phải trôi giạt ly tán, lại khổ vì dịch bệnh truyền nhiễm, cho đến ung nhọt, lao sái đủ các loại bệnh. Ta biến hóa thành thường dân, làm một người lái thuyền, cứu thoát cả ngàn người bị đuối nước; lại hóa làm thầy thuốc, đích thân chẩn bệnh cứu sống rất nhiều người. Tại pháp hội trên đỉnh Linh Thứu, đức Phật Thích-ca thọ ký cho ta rằng: “Ông ngày sau sẽ thành Phật, hiệu là An Lạc Bất Động Địa, Du Hý Tam-muội Định Tuệ Vương Bồ Tát, Thích-ca Phạm Chứng Như Lai.
Lời bàn
Trong bản văn dùng “Thứu phong Cổ Phật” (鷲峰古佛), đó là chỉ đức Thích-ca Như Lai trên đỉnh Linh Thứu. Đức Thích-ca là vị Tôn Phật thứ 4 trong ngàn vị Phật của Hiền kiếp hiện tại, nhưng dùng chữ “Cổ Phật” là ý nói ngài đã nhập Niết-bàn. Thánh hiệu An Lạc Bất Động là hiệu của Đế Quân trong tương lai khi thành Phật, chỉ là không biết còn phải trải qua bao nhiêu hằng sa số kiếp, cúng dường phụng sự bao nhiêu đức Phật, rồi mới chứng đắc được quả vị Phật ấy. Đâu phải nói rằng hiện nay đã đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm, ngồi dưới cội bồ-đề mà thành tựu Chánh giác được ngay? Xét vị trí của Đế Quân trong hiện tại còn dưới Ngọc Đế, mà chính như Ngọc Đế muốn hướng đến quả vị Bồ Tát đã rất là xa xôi khó được, huống là Đế Quân hướng đến quả Phật? Nếu như nói rằng Đế Quân hiện nay đã thành Chánh giác, ấy là tưởng như muốn tôn trọng Đế Quân hóa ra lại vu khống bịa đặt cho ngài.
Phụ đính 5 mục hỏi đáp về luân hồi
1. Làm sao tin được thuyết luân hồi?
Hỏi: Về thuyết luân hồi, hiện chỉ thấy nói trong kinh Phật, Khổng Tử chưa bao giờ thấy nói rõ về việc này?
Đáp: Nếu là lý lẽ đúng đắn thì nên tin nhận, cần gì phải luận việc đó là trong kinh Phật hay trong sách Nho? Nếu chỉ những gì do Khổng tử nói ra mới tin theo, thử hỏi tất cả lời Khổng tử đã nói trong suốt một đời, nay còn truyền lại hậu thế được bao nhiêu? Nếu chỉ vì không thấy ghi chép liền cho rằng đó không phải đạo của nhà Nho, thì cứ xét như trong Lục kinh, Tứ thư, không thấy Khổng tử có một lời nào đề cập đến cha mẹ mình. Có lẽ nào là một nhà Nho mà cả đời chẳng có một lời nào nói đến song thân phụ mẫu hay sao? Đó là chưa nói đến cái thuyết “Tinh khí vi vật, di hồn vi biến - 精氣為物, 遊魂為變” trong Kinh Dịch (Hệ từ thượng) cũng chính là lý luân hồi đó thôi. Sách Trung Dung luận về chữ “thành”, không nói “vật có trước sau” (始終), mà nói “vật có sau trước” (終始); 64 quẻ trong Chu Dịch, quẻ cuối cùng không phải quẻ ký tế (既濟 - đã xong) mà lại là quẻ vị tế (未濟 - chưa xong), những điều đó đều hàm chứa lẽ xoay chuyển, tuần hoàn không có điểm kết thúc của muôn vật. Nếu không có khả năng thấu hiểu tường tận rõ ràng như trong kinh Phật, chỉ dựa vào các bậc thánh nhập thế, ắt không thể thấy hết được những việc quá khứ, vị lai, cùng những việc trong các cõi thiên thượng, nhân gian. Sách Trung Dung, chương 12 nói rất rõ rằng: “Đến chỗ cùng cực ấy, tuy thánh nhân cũng có chỗ còn chưa biết được”, sao lại rơi vào bệnh hoài nghi như thế?
Cây đào cây mận, tuy gặp tiết xuân mới đơm hoa, nhưng vốn đã manh nha tiềm phục mầm hoa từ trước lúc thu sang lá rụng; khí trời ấm áp tuy xuân về mới thấy, nhưng dương khí vốn đã bắt đầu phát khởi từ sau tiết đại hàn, đông chí. Trong thế gian muôn vật đều tự nhiên như thế, sao chỉ riêng đối với con người lại nghi rằng không có luân hồi?
2. Thuyết luân hồi có từ bao giờ?
Hỏi: Phật giáo bắt đầu truyền đến Trung Hoa vào đời Đông Hán, nên thuyết luân hồi đa phần là từ đời Hậu Hán về sau, còn vào thời Đường Ngu, Tam đại đều chưa nghe nói đến.
Đáp: Ôi, nói như thế quả là uổng công đọc sách của người xưa! Há không nghe chuyện vua Nghiêu giết ông Cổn nơi Vũ sơn, thần thức hóa làm con gấu vàng, vào sống trong vực sâu đó sao? Há không nghe chuyện Vệ Khang Thúc báo mộng cho người thiếp hầu của Vệ Tương Công đó sao? Há không nghe chuyện Tề Tương Công nhìn thấy con lợn thật lớn, người hầu đều nói đó là công tử Bành Sinh đó sao? Há không nghe chuyện Đỗ Bá hiện hình, dùng cung đỏ tên đồng mà bắn Chu Tuyên Vương đó sao? Chẳng nghe chuyện Hồ Đột gặp thái tử Thân Sanh đã chết nơi đất Khúc Ốc; ông già đã chết báo ơn Ngụy Khỏa bằng cách kết cỏ đó sao? Há chẳng nghe chuyện hai đứa bé hiện hình nấp hai bên sườn Tấn hầu, chính là hai người Triệu Đồng, Triệu Quát đã bị ông giết trước đó? Há chẳng nghe chuyện Ngô Vương Phù Sai giết Công Tôn Thánh nơi Tư sơn, về sau Thái Tể Phỉ tại núi này 3 lần hô tên ông đều nghe tiếng đáp đủ 3 lần đó sao? Há chẳng nghe chuyện quân nước Việt cúng tế Ngũ Tử Tư, nhìn thấy chén rượu tự nhiên lay động rồi cạn dần như có người uống đó sao?
Đối với những việc được ghi chép như trên, thử hỏi là việc trước thời Hán Minh Đế, hay là sau thời Hán Minh Đế? Quý Tử người nước Ngô có nói rằng: “Thân thể bằng xương thịt này rồi sẽ quay về với lòng đất, đó là mạng sống hết; nhưng hồn phách thì không thể như thế được.” Trong một câu nói này có thể thấy ra được là có thuyết luân hồi hay không.
3. Thánh nhân có khác người phàm?
Hỏi: Những bậc trung thần hiếu tử xưa nay, cố nhiên là ngàn năm chẳng mất, nên việc Đế Quân tái thế hơn mười bảy đời, không có gì phải nghi ngờ cả. Nhưng với những kẻ phàm phu tục tử, khí chất tầm thường, một khi đã chết thì hồn phách ắt là tiêu tán, làm sao có thể muôn kiếp vẫn tồn tại?
Đáp: Hình hài có lớn nhỏ, lanh lợi hay ngu độn, nhưng chân tánh không có lớn nhỏ, lanh lợi hay ngu độn. Nếu cứ cho rằng những người tầm thường sau khi chết sẽ hoàn toàn diệt mất, thử hỏi vào lúc Đế Quân bỏ mạng ở Cung Trì, bất quá cũng chỉ là một con rắn mà thôi, nếu theo lý ấy hẳn đã diệt mất rồi, làm sao ngày sau còn có Đế Quân?
4. Sao có người nói rằng sau khi chết thần thức tiêu tán mất?


Hỏi: Xem qua những chuyện ghi chép trong nhiều triều đại đã có thể tin rằng thật có chuyện tái sinh qua nhiều kiếp, nhưng gần đây xem trong sách Tiểu Học của Chu Hy thấy có nói rằng, con người ta sau khi chết, hình hài đã hư hoại thì thần hồn cũng theo đó mà tiêu tán mất. Vì thế nên có chút hoài nghi?
Đáp: Sách Tiểu Học ấy cũng có dẫn lời của Phạm Văn Chánh Công, nói rằng những ai chỉ biết riêng mình thụ hưởng giàu sang phú quý mà không biết chia sẻ giúp đỡ người trong tộc họ thì ngày sau làm sao nhìn mặt tổ tông nơi địa phủ. Đó có phải lời Chu Hy ghi chép lại chăng?
- Quả đúng là lời của Chu Hy.
Thế nhưng nếu quả thật hình hài hư hoại, thần thức phiêu tán, vậy rốt lại còn ai là người nhìn mặt tổ tông? Lại như tổ tông cũng đã hình tiêu thần tán, thì còn ai là người thấy biết kẻ kia không giúp đỡ thân tộc? Lời nói của Chu Hy trước sau bất nhất, tự mâu thuẫn với nhau rồi vậy.
Phàm người muốn ăn trái cây, trước phải loại bỏ hạt, muốn ăn thịt, trước phải loại bỏ xương. Nay ông đọc sách Tiểu Học, cớ sao lại chỉ riêng chọn lấy phần “hạt”, phần “xương” mà “ăn”?
Đến như vua Nghiêu, vua Thuấn, Chu Công, Khổng Tử đều là những đỉnh Thái Sơn, những sao Bắc đẩu trong đạo Nho, mà trong Ngu thư, thiên Ích Tắc cũng có nói rằng: “Tổ tiên về chứng giám.”
Lại như trong Chu thư có chép chuyện Chu Công nói với ba vị vua rằng: “Ta bắt chước theo điều nhân nghĩa của vua cha, nên có thể cúng kính quỷ thần.”
Khổng tử có nói chuyện tại Đạn Cầm gặp Chu Văn Vương, trong giấc mộng lại thân thiết với Chu Công Đán.
Những điều đó đều cho thấy rõ rằng thần thức của các bậc tiền nhân ngày trước không hề tiêu tán, diệt mất. Nếu cho rằng lời nói của các bậc hiền Nho ngày trước ắt đáng tin, thì những lời của các vị Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng lại càng đáng tin hơn rất nhiều. Còn nếu nói rằng những lời của Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng chẳng đủ để tin cậy, thì sao vẫn được các hiền Nho ngày trước lưu truyền?
Huống chi, nếu cho rằng người chết quả thật thần thức tiêu tán, diệt mất, ắt là các vị hiền Nho ngày trước tuy nhiều, nay cũng phải nằm trong số bị tiêu tán, diệt mất ấy, vậy cần gì phải có 2 kỳ tế lễ mùa xuânmùa thu mỗi năm? Nếu như nay vẫn thực hiện việc tế lễ hằng năm vào hai mùa xuân, thu, thì cái thuyết thần thức tiêu diệt đó, hậu thế ắt không thể tin được, vậy thì lấy gì để thuyết phục các thế hệ mai sau?
Mạnh Tử khi đọc thiên Vũ Thành trong Kinh Thư còn chỉ chọn lọc tin theo trong đó vài ba phần, huống gì là sách Tiểu Học của Chu Hy!
5. Người sao có thể tái sinh làm thú vật?
Hỏi: Thần thức như vậy là không diệt mất, sẽ trở lại tái sinh. Nay đã được nghe thuyết về sinh mạng như thế, nhưng nếu nói người chết lại hóa làm thú vật, thú vật lại có thể tái sinh làm người, điều ấy tôi không tin.
Đáp: Hình hài vốn tùy theo tâm thức mà biến hiện. Một niệm nhân từ, tức đồng trong cảnh giới trời, người. Một niệm hung ác, tức mầm mống ma quỷ, súc sinh đã bắt đầu manh nha. Việc lành việc dữ đã có sự tương tác qua lại với nhau mà không thuần nhất, tất nhiên hai cảnh giới người và thú vật cũng thay đổi biến hóa mà không cố định. Nếu như nói rằng hễ cứ là người thì nhất định làm người mãi, thú vật cũng nhất định làm thú vật mãi, thì ngay lúc bắt đầu phân chia người và thú, chẳng phải đã là quá bất công sao?
Có người đến hỏi một vị tăng rằng: “Vì sao thân thể con người thì đứng thẳng mà đi, còn thân hình loài thú lại phải nằm ngang mà đi?” Vị tăng đáp: “Sinh ra làm người, ấy là trong kiếp trước có tâm chính trực, ngay thẳng, nên kiếp này thân thể đứng thẳng mà đi. Sinh ra làm thú, ấy là trong kiếp trước tâm không chính trực, không ngay thẳng, nên kiếp này thân thể phải nằm ngang mà đi.”
Tâm ngay thẳng hoặc không ngay thẳng, vốn biến đổi trong từng khoảnh khắc, nên hình thể cũng theo đó mà biến đổi, nay sinh làm người, mai sinh làm thú, chẳng phải chính là lẽ vô thường điên đảo đó sao?
Lại chỉ riêng con người mới có sự hổ thẹn, do đó mà biết sử dụng y phục. Loài thú không biết hổ thẹn, mắc cở, nên không dùng y phục. Con người lại nhờ có phước báo nên hai mùa nóng lạnh biết thay đổi dùng y phục thích hợp khác nhau, còn loài thú do thiếu phước báo nên chỉ biết chịu đựng nóng lạnh hai mùa với bộ lông sẵn có.
Lại nữa, sinh ra làm người là trong đời trước thường nói những lời từ hòa, những lời lợi ích, những lời thành thật, những lời tôn trọng, kính tin Tam bảo, nên trong đời này tùy tâm biến hiện mà miệng có thể nói ra đủ điều; còn sinh ra làm thú là trong đời trước thường nói ra những lời ác độc, những lời dối trá, những lời bới móc, soi mói việc riêng tư của người khác, những lời tranh chấp thị phi, những lời nhơ nhớp xấu xa, phỉ báng Phật, phỉ báng Chánh pháp, không tin nhân quả, vì thế nên đời này tuy có miệng mà không thể nói được thành lời, dù chịu cảnh đói khát cũng không thể mở miệng xin cứu giúp, dù bị hành hạ giết chóc, bị lóc da xẻ thịt cũng phải cam chịu chứ không thể nói lời biện bạch, kêu oan hay cầu xin tha mạng.
Chưa từng bạo ngược với dân, tàn khốc với thuộc cấp
Giảng rộng:
Từ câu này cho đến trước câu “thấu tận lòng trời”, đều là những lời do Đế Quân tự kể ra về công hạnh của ngài trong 17 đời qua, để làm căn cứ cho những lời răn dạy bên dưới.
Sáu câu tiếp theo có nghĩa là, đã tự mình làm được rồi mới khuyên người khác nên làm theo như thế. Riêng một câu “chưa từng bạo ngược với dân, tàn khốc với thuộc cấp” có nghĩa là nếu mình chưa tự làm được, thì không do đâu mà người khác có thể bắt chước làm theo.
Kẻ làm quan được dân chúng xưng tụng là quan phụ mẫu, xem như cha mẹ của dân, nếu đối xử bạo ngược với dân, đó là bất nhân. Những quan viên thuộc cấp đều lo việc phụng sự, giúp việc cho ta, cũng không khác nào phụng sự nhà vua hay quan trên, nếu đối xử tàn khốc với họ, đó là bất nghĩa.
Nói về sự bạo ngược, không nhất thiết phải là hình luật khắt khe, chế định quá nghiêm ngặt, mà có thể là những việc như khi thu thuế tiền, thuế ruộng của dân lại thúc bách, ép buộc bất hợp lý; hoặc tùy ý tăng thêm danh mục để thu về dư thừa; hoặc gặp khi thiên tai hạn hán mất mùa không kịp thời báo lên để miễn giảm cho dân; hoặc dân có điều ẩn ức, thỉnh cầu lại che giấu, ém nhẹm mà không trình lên trên; hoặc phân xử án kiện, quyết đoán việc tù ngục mà không thận trọng lắng nghe dân trần tình đã vội vã kết án; hoặc xử sai lầm liên lụy đến quá nhiều người vô tội; hoặc sự việc nhỏ nhặt mà cường điệu, phóng đại lên thành sự việc lớn lao, quan trọng; hoặc thay vì kết thúc đúng hạn kỳ, lại kéo dài dây dưa đến nhiều ngày sau. Hết thảy những việc như thế, xét theo lời dạy của Đế Quân đều có thể xem là bạo ngược với dân.
Nói về sự tàn khốc, không nhất thiết phải là mặc sức dùng roi vọt hình trượng đánh đập, hành hạ, mà có thể là những việc như nhân lỗi nhỏ nhặt mà trách phạt; hoặc nhân sự sai lầm, nhầm lẫn không cố ý mà khiển trách; hoặc do tâm tình mừng giận chi phối mà đối xử khác biệt chẳng công bình; hoặc tin theo những lời sàm nịnh sai sự thậttùy ý thưởng đây phạt kia, bất công với thuộc cấp; hoặc khi đi xa dùng quá nhiều người theo hầu hạ, phục dịch; hoặc sai sử người khác mà không quan tâm đến chuyện đói rét thiếu thốn của họ. Hết thảy những việc như thế, xét theo lời dạy của Đế Quân đều có thể xem là tàn khốc với thuộc cấp.
Than ôi! Khi đang nắm quyền hành chức tước mà không biết sử dụng như phương tiện để làm lợi cho dân, thì có khác gì vào được kho báu mà lại quay về với hai tay trắng! Trong mười bảy đời đã qua, Đế Quân thật chưa từng bạo ngược với dân, khốc hại với thuộc cấp!
Trưng dẫn sự tích
Kẻ bạo ngược, người tàn khốc đều có thể đổi tính
Đế Quân kể rằng: Huyện Ngưu Tỳ ở quận Thục có quan huyện lệnh Công Tôn Vũ Trọng, tuy là quan thanh liêm nhưng đối đãi với người không có sự khoan thứ. Những thuộc hạ giúp việc có chút lỗi nhỏ đều bị ông tùy ý dùng hình phạt roi vọt. Ông đến nhậm chức ở huyện qua một năm thì thuộc hạ hết thảy đều bị đánh, không ai còn giữ được da thịt lành lặn, những thuộc cấp của ông đều hết sức oán hận.
Quan huyện lệnh của huyện Tư Thủy là Lại Ân, tánh tình tham lam keo kiệt, thường nhận của hối lộ, chuyện ăn uống hằng ngày đều bòn rút từ của dân, lại để mặc cho thuộc cấp tùy tiện đàn áp bức bách, dân chúng hết sức khổ sở.
Ta vì thương những thuộc hạ và dân chúng ở hai huyện này rơi vào cảnh khốn khổ, liền hóa làm quan Quận thừa Trương Tôn Nghĩa, giả cách đi kinh lý các huyện trong quận, xem xét dân tình, phong tục các nơi, nhân đó vạch tội quan huyện Vũ Trọng tàn khốc với thuộc hạ, quan huyện Lại Ân bạo ngược với dân chúng. Hai vị quan đều khấu đầu van lạy xin tha tội. Ta dùng lời răn nhắc cảnh tỉnh, khuyến khích hai người cải ác tùng thiện, xong thu hình biến mất.
Về sau hai vị quan huyện mới biết rằng Quận thừa không hề có việc đi kinh lý đến các huyện lần ấy, nên cả hai đều cho đó là thần minh hiện hình. Vì thế, Vũ Trọng sau đổi tính thành khoan dung tha thứ, còn Lại Ân trở thành vị quan thanh liêm.
Lời bàn
Đế Quân đã căm giận những kẻ bạo ngược, tàn khốc như thế, thì phẩm hạnh của ngài đối với dân chúng và thuộc cấp như thế nào có thể suy ra mà biết được. Đọc sách Cư quan thận hình điều (居官慎刑條) của tiên sinh Tưởng Tân Điền, có thể nói rằng mỗi chữ mỗi câu đều là lời khuyên răn thẳng thắn, như thuốc giải độc. Người làm quan nên cho khắc rõ bài ấy lên tường vách trong nha môn, sớm tối thường chú tâm đọc lại, từ đó có thể luôn biết tự nhắc nhở mình giữ theo đạo từ hòa trung chính, tạo công đức vô lượng.

Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 80046)
07/11/2010(Xem: 142255)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.