Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)

21/09/20146:15 SA(Xem: 10509)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)


Hung bạo sinh ra rắn 
Vào triều Minh, niên hiệu Sùng Trinh năm thứ nhất, vùng Gia Định có một người họ Cảnh, làm nghề bán mì sợi mà sống. Người vợ ông tính tình hung hãn, thường lăng nhục, ngược đãi đãi tớ gái, khiến nó thật không chịu đựng nổi. Mùa xuân năm Canh Thìn, bà mang thai đến ngày sắp sinh nở, chuyển bụng suốt 2 ngày mà không sinh được. Khi ấy, có bà đỡ họ Vương, hết sức... ... ... ...

(Từ đây trở đi trong cổ bản Hán văn bị mất 21 dòng, mỗi dòng 20 chữ. ) 

... ... phong hóa suy vi kiêu bạc, chỉ riêng các vùng Thái Thương, Côn Sơn, Gia Định, Sùng Minh, Tùng Giang là còn giữ theo phép sung quân có quan hệ đến đời con cháu. Một khi bị đưa vào, liền chẳng khác gì những kẻ phạm tội phản nghịch. 
Đem thân làm kiếp nô tỳ trong nhà những kẻ công danh đại thần, xem như vĩnh viễn không thể thoát ra. Chẳng riêng những kẻ suốt đời phải làm thân nô bộc, cho đến những người theo lệ bắt phải sung quân vĩnh viễn, đều khiến cho con cháu của họ mãi mãi không thể trở thành con cái nhà tốt đẹp. Thật là thảm khốc biết bao! Chẳng dám nghĩ đến việc tự mình làm chủ một gia đình, chỉ riêng hiện nay chịu ơn nặng của mẹ cha cũng đã tự mình không thể lo việc nuôi dưỡng báo hiếu. Làm thân người nô bộc, bất quá chỉ nhận được chút tiền bán thân, nay chủ nhân lại muốn bắt người ta vĩnh viễn suốt đời nô lệ, như thế chẳng phải là trên thì phạm đến hòa khí của trời đất, dưới thì xúc chạm sự phẫn nộ của quỷ thần chốn u minh đó sao?
Trong đời tuy có phân ra kẻ cao quý người hạ tiện, nhưng sinh con ra thì ai ai cũng đều thương yêu trân quý. Thế mà chỉ riêng con cái của những nhà bần cùng khi trở thành nô bộc trong các nhà có danh phận địa vị, ắt là việc dựng vợ gả chồng đều phải phụ thuộc, chẳng được tự do. Hoặc như nữ tỳ có chút nhan sắc, bị ông chủ cưỡng bức chuyện phòng the; hoặc khi bà chủ sinh tâm ghen ghét, thông qua kẻ môi giới mà bán đi phương xa, khiến phải ôm lòng phẫn hận, xấu hổ, oan ức thấu trời xanh mà không thể bày tỏ. Cho đến chuyện còn sống hay đã chết, gia đình thân quyến cũng không chút tin tức hay biết. Đó quả thật là chỗ bi thảm không sao nói hết trong số phận của những đứa con nhà cùng khổ, phải bán cho người làm thân nô bộc
Ví như làm thân nô bộc lại không con nối dõi, ắt khó nhọc suốt một đời có tích cóp được ít nhiều tài sản đều sẽ bị người chủ công nhiên chiếm lấy, xem như tài sản của ông ta. Thậm chí đến như người chồng của đứa nữ tỳ, nếu có dành dụm được đôi chút tiền bạc, chủ nhà liền nhận rằng cha của nữ tỳ ấy cũng là nô bộc của mình, mượn cớ ấy mà dối trá cướp lấy, cho nên cái họa của một người làm nô bộc suốt đời thật ảnh hưởng đến cả người chung chăn gối. 
Cũng chẳng riêng gì những việc như trên, khi đã có người phải chịu cảnh nô bộc suốt đời, ắt lại có những người bị giả mạo vu khống. Chính mắt tôi từng thấy có những kẻ cường hào nhiều thế lực, khi dò xét thấy nhà dân lành yếu đuối thế cô mà có chút tài sản, ruộng vườn, nhà cửa, hoặc người vợ có chút nhan sắc, hoặc có con gái xinh đẹp... liền thống suất gia nhân của mình lên thuyền kéo đến, làm như thể đi bắt cướp không khác, đột nhiên cưỡng bức mang về nhà mình, rồi giải lên quan phủ yêu cầu trừng trị, vu cáo đó là người phản chủ, hoặc mưu sát chủ, lại đưa ra khế thư chứng minh việc bán thân từ nhiều năm trước đây, mà thật ra chỉ là thứ giấy tờ ngụy tạo mà thôi. Đã vậy, bọn quan lại thì nhận hối lộ trước rồi, cứ y theo ý muốn của chúng mà xử, khép tội thật nặng. Sau đó dùng danh phận chủ tớ mà áp đặt, nhận cho khế thư ngụy tạo kia là đúng, xem tội phản chủ là thật, khiến cho người thế cô yếu đuối chịu oan khuất mà không thể bày tỏ, chẳng biết nơi nào để tố giác lên. Tiếp theo lại cân nhắc tính toán theo gia cảnh của người kia, ép phải mang tiền đến chuộc người về. 
Thương thay cho người dân nghèo không hiểu pháp luật, lo sợ ngày sau phải chịu sự bức hại, liền mau mau tìm phương cách chạy vạy tiền bạc, lớp thì vay mượn, lớp thì cầm cố để có tiền nhờ người đến biện hộ. Thật không biết rằng quan phủ vốn đã nhận đủ tiền bạc hối lộ, nên căn bản dù có mang tiền chuộc đến rồi cũng không giao trả lại khế thư bán thân kia, chỉ cấp ra một mảnh giấy làm bằng chứng mà thôi. Hóa ra khi có thêm mảnh giấy này thì tờ khế thư ngụy tạo trước kia giờ lại càng thêm tính xác thật, vì bản thân đương sự đã đến xin nộp tiền chuộc thân, tức là thừa nhận khế thư kia là đúng thật, không còn cách nào có thể biện bạch cho ra lẽ được nữa. Quả nhiên đúng vậy, đợi đến 3 năm hoặc 5 năm sau, lại y theo lối cũ gọi người đến phục dịch. Bấy giờ, nếu nghe lời mà đến làm tôi tớ thì số tiền chuộc năm xưa hóa ra uổng phí. Bằng muốn cố sức giữ lấy chút thể diện, ắt là tài sản gia nghiệp phải mất hết. Thậm chí gian dối bức hại cho đến khi người kia chỉ còn lại tấm thân trơ trọi mà thôi!
Như thế quả thật là một lũ cường bạo đạo tặc núp bóng cửa quan, một đám lang sói đội lốt lễ giáo. Chỉ vì xã hội chưa trừ bỏ đi tục lệ bán thân làm tôi tớ suốt đời, nên từ đó mà sinh ra vô số những điều hệ lụy xấu ác. Theo như lẽ thường, như bán thân một lượng, nếu muốn chuộc cũng phải mang đến một lượng, đối với người bán thân mà nói thì một khi đem thân cúi đầu phục vụ cũng đã xem như phó mặc số phận một đời. Huống chi nếu bỏ ra một lượng lại đòi hỏi người ta muốn chuộc phải trả lại gấp nhiều lần, theo tôi như thế thật quá tham lam, tổn hại đến đạo trời. Cớ sao cũng cùng là đồng tiền, khi chủ mua nô bộc thì 3 lượng, 5 lượng đều to lớn, xem nặng như Thái sơn; đến khi nô bộc muốn nộp tiền chuộc thân thì lại tăng lên đến số trăm, số ngàn, xem nhẹ như cỏ rác?

Mong sao những bậc quân tử giàu lòng nhân ái đều phát khởi tâm nguyện đại từ đại bi, cùng nhau dâng biểu tấu lên triều đình, sớm có sắc lệnh nghiêm cấm không được gọi gia nhân của các nhà hào phú là quân, và những kẻ nô bộc bán thân nên có hạn kỳ, không phải làm nô bộc suốt đời. Đối với người đã bán thân, chỉ giới hạn với riêng người ấy thôi. Lại nên quy định việc khi nô bộc cưới vợ hoặc theo chồng, người chủ không được đứng ra thu nhận tiền tài lễ vật. Đối với số tiền chuộc người, phải quy định không được nâng lên cao hơn số tiền ban đầu. Ví như có người đến cửa quan tố cáo người khác là nô bộc phản chủ, cần tra xét kỹ để loại trừ trường hợp gian trá hại người. 
Lại mong sao các địa phương trực thuộc đều tuân thủ đúng theo sắc lệnh, cho khắc những điều lệnh này lên bia đá, đặt ở chốn đông người. Làm được như vậy, không chỉ giúp cho ngàn vạn bậc cha ông không để khổ lụy đến đời con cháu, mà ngàn vạn cháu con cũng sẽ không rơi vào cảnh phải oán trách cha ông; chẳng những giúp cho ngàn vạn gia đình hiền lương trong chốn dân dã thoát được tai họa do bọn cường hào dựng chuyện vu cáo hãm hại, lại cũng giúp cho ngàn vạn cô gái con nhà hiền lương thoát được cảnh sỉ nhục vì bị bọn cường hào cưỡng bức thất thân. 
Như vậy, đám con cháu của các nhà giàu sang danh vọng mới biết tự lo lấy thân, không dám khởi sinh những ý niệm tà ác, không cướp giật tiền tài phi nghĩa, nhờ đó mà bồi đắp được tông miếu tổ tiên, như vậy chẳng phải là tạo được phúc đức sâu dày lắm sao?
Giảng rộng bài văn Âm chất
Hết Quyển thượng 


Phụ đính: Nghiêm cấm sách khiêu dâm 
Nhan Quang Trung nói rằng: “In ấn phổ biến các sách khiêu dâm, dụ dỗ dẫn dắt kẻ ăn chơi, đó là những việc giết người không cần đổ máu. Khi có bậc thánh nhân ra đời, nhất định sẽ gấp rút gồm thu thiêu hủy hết thảy các sách dâm ô tà đạo, cũng như các bản gỗ dùng để in ấn chúng. Những kẻ tham gia việc in ấn lưu hành đều phải xử tội thật nặng, xem đồng với tội phạm năm điều đại nghịch, không thể miễn giảm tha thứ. Có như vậy thì phong tục mới được thuần mỹ, mà nền nếp tri thức mới duy trì được theo đường ngay nẻo chính.”
Viên Tử Phàm cũng có nói rằng: “Người nào làm việc thu gom các sách dâm ô tà đạo, khích động bạo lực để thiêu hủy hết đi, sẽ được phước báo con cháu nhiều đời đều có lòng trung hiếu tiết nghĩa. Người nào ưa thích đọc các tiểu thuyết khiêu dâm, lại mang những sách khiêu dâm, bạo lực v.v... cất giữ cùng một nơi với các sách của thánh hiền, sẽ chịu quả báo con cháu nhiều đời ham mê dâm dục. Người nào làm việc in ấn lưu hành hoặc mua bán các sách khiêu dâm, bạo lực... để trục lợi, sẽ chịu quả báo con cháu nhiều đời hèn kém hạ tiện.”
Tất Hiệu Lương nói: “Những quyển sách khiêu dâm quả thật là lưỡi dao sắc bén giết chết người. Chỉ mong sao cho các em thanh niên thiếu nữ con em chúng ta, một khi nhìn thấy những loại sách độc hại chết người ấy thì lập tức xé nát, thiêu hủy. Nếu gặp bạn bè xấu đam mê những thứ ấy thì xa lánh không giao du nữa. Phải giúp nhau nhắc nhở cảnh giác ngăn ngừa, đừng để rơi vào cái nguy cơ giết người không hình trạng đó. 
“Nay tôi khẩn thiết cúi đầu có lời thưa trước chư vị trong ngành xuất bản cùng giới văn nhân trước tác, ai trong chúng ta cũng đều có con em, chồng vợ, sao lại nhẫn tâm đẩy những người thân yêu ấy vào nơi tối tăm u ám, vào con đường dẫn đến tử vong, dứt tuyệt đường nối dõi dòng tộc? 
“Tôi lại khẩn thiết cúi đầu xin thưa với các vị hiệu trưởng, gia trưởng, các vị đang làm công tác thanh tra, xin mỗi vị đều tùy lúc tùy thời mà luôn có sự kiểm tra nghiêm ngặt, thường xuyên khuyên bảo dẫn dắt, giúp cho những con em thanh niên thiếu nữ của chúng ta đều tránh xa được chỗ tối tăm, không rơi vào đường chết.
“Những điều mong mỏi ấy cũng đều tùy thuộc vào sự thực hành đức độ của các vị trong ngành xuất bản, các vị văn sĩ trước tác... Nếu như các vị có thể mạnh mẽ quyết tâm đốt sạch những bản gỗ in sách dâm thư tà đạo, ném bút không viết ra những sách như thế, tôi dám chắc rằng hàng con em trong cả nước sẽ cảm kích mà xem các vị như những bậc đại vĩ nhân, đại mô phạm
“Nếu như nói rằng các sách khiêu dâm nào hàm chứa sự báo ứng xấu xa thì người đọc ắt tự có khả năng nhận biếtcảnh giác, tránh xa; vậy xin hỏi có sách khiêu dâm nào mà không hàm chứa quả báo xấu, tại sao chỉ riêng thấy người đọc ngày càng bị lôi cuốn đam mê đắm chìm trong đó? 
“Vì thế, tôi lại khẩn thiết cúi đầu trước các vị họa sĩ, văn sĩ tiểu thuyết gia, xin có lời thưa rằng: Dùng ngọn bút để mưu sinh thì chọn cách nào mà chẳng được, cần chi đã khó nhọc lại hoen ố thanh danh, lưu truyền tiếng xấu, dẫn dắt xã hội vào con đường tối tăm u ám, bẫy thanh niên vào chỗ tử vong; chỗ học rộng sâu mà chạy theo mối lợi thật quá ư nhỏ nhoi vụn vặt. Nói về thuyết âm đức, nhân quả, những kẻ thiển cận ít học đều cho là mơ hồ khó thấy, nhưng trong sách vở, truyện tích của chư vị thánh hiền, 24 bộ chính sử, hết thảy đều có ghi chép đầy đủ rõ ràng. Huống chi, các bậc hiền nhân gần đây nghe thấy, ghi chép lại cũng rất nhiều. Thế nên tiên sinh Đinh Phúc Bảo mới sưu tập, lược ghi chép lại nhằm mục đích khuyên dạy răn nhắc người đời.
“Trong mọi điều xấu tệ, dâm dục là nặng nhất, hiện tiền không khỏi chịu nhiều báo ứng, sau khi chết lại phải vĩnh viễn nhận chịu những sự đớn đau khổ sở. Than ôi, người trong nước lẽ nào lại có thể không hết sức lưu tâm kinh sợ đối với việc này được sao? Giá như hiện nay trong nước có được bậc đạo cao đức trọng, đứng ra tập hợp những người cùng chí hướng, cùng nhau mở ra hội nghị bàn thảo hoạch định phương pháp bài trừ các sách khiêu dâm, đồng thời cùng với các vị chức sắc, chư tôn giáo phẩm, ban lời khuyên dạy khuyến khích đọc những sách có nội dung tốt đẹp, lành mạnh, góp sức lưu truyền rộng rãi, dùng nhiều phương thức khác nhau để khen thưởng khích lệ, như vậy quả thật là giúp cho xã hội quốc gia được thấm nhuần những điều tốt đẹp vô cùng tận. Cứ nghĩ đến việc này, tôi thật không sao ngăn được cảm xúc trong lòng, chỉ muốn chí thành dâng hương lễ bái, cầu nguyện sao cho sớm được thành tựu.”
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78187)
07/11/2010(Xem: 140140)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.