Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)

21/09/201410:54 SA(Xem: 10198)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)


Cất bước phải quan sát, không giẫm đạp côn trùng
Giảng rộng
Người đời cũng có những kẻ biết thương xót các loài trâu, dê, chó, ngựa... Nhưng nếu nói đến việc thương xót các loài côn trùng, kiến, mối... hẳn ai cũng chê cười cho là ngu ngốc. Ấy là vì người đời không biết suy xét rằng, hình thể tuy có lớn nhỏ khác nhau, nhưng thể tánh của muôn loài đều không có lớn nhỏ. Nếu cho rằng giết những con vật lớn thì có tội lớn hơn, còn hại chết những loài vật nhỏ lại không có tội, như vậy ắt con người tuy lớn nhưng vẫn còn nhỏ hơn con trâu, vậy thay vì giết trâu chẳng bằng giết người để thay sao? Lại nếu xét theo cách đó thì bậc tôn quý nhất trong thiên hạ phải là loài cá lớn ma-kiệt chứ chẳng phải con người, vì chúng to lớn nhất.
Lời dạy này của Đế quân là muốn cho mọi người trừ bỏ đi cái nhìn phân biệt lớn nhỏ như trên đối với vật mạng, khiến cho mỗi khi cất bước đều phải thận trọng không dám vô tình mà phạm vào sự giết hại.
Người đời động chân nhấc tay, không làm sao khỏi phạm vào tội lỗi. Chỉ lấy riêng như chuyện đi đường mà nói, trong suốt một đời đã hại chết không biết đến bao nhiêu ngàn vạn sinh mạng... Tôi từng được thấy trong quyển Luật sa-di có bài kệ và chú nói về việc đi đứng không làm tổn hại đến côn trùng, sâu kiến, thật hết sức giản dị mà ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Mỗi buổi sáng sớm, trước khi đặt chân xuống giường nên niệm mấy câu Phật hiệu, sau đó nhất tâm đọc kệ rằng:
從朝寅旦直至暮,
一切眾生自回護,
若於足下誤傷時,
願汝即時生淨土。
Tùng triêu dần đán trực chí mộ,
Nhất thiết chúng sinh tự hồi hộ.
Nhược ư túc hạ ngộ thương thời, 
Nguyện nhữ tức thời sinh Tịnh độ.
Tạm dịch:
Sáng sớm đến chiều tối,
Nguyện muôn loài chúng sinh
Thảy thảy tự phòng hộ.
Chúng sinh nào vô tình, 
Bị giẫm đạp mất mạng,
Xin nguyện cho tất cả,
Đều sinh về Tịnh độ.
Kèm theo bài kệ này cũng trì tụng 7 lần câu chú: “Án, địa lợi chi lợi ta bà ha.” 
Sau khi trì tụng đủ 7 lần câu chú trên rồi mới đặt chân xuống giường, với tâm tỉnh giác thận trọng đó thì sẽ tránh được sự vô tình giẫm đạp giết hại các loài côn trùng. Việc trì tụng kệ và chú này không phân biệt kẻ trí người ngu, ai cũng có thể trì tụng được. Con cháu từ khoảng 6, 7 tuổi nên dạy cho biết hành động và suy nghĩ theo cách này. Lâu ngày thành thói quen, nề nếp, nên ý niệm nhân từ sẽ sớm được vun bồi từ thuở nhỏ. Mạnh tử nói: “Gà gáy sớm lập tức vùng dậy, chuyên tâm nuôi dưỡng vun bồi cho tâm thiện ngày càng thêm lớn.” Làm được như trên, chẳng phải lại càng giúp ích thêm cho lời dạy của Mạnh tử đó sao?
Trưng dẫn sự tích 
Thà chết khát, không phạm giới 
Khi đức Phật đang thuyết pháp tại tinh xá Kỳ Viên, có hai vị tỳ-kheo mới học Phật pháp chưa bao lâu, nên từ nước La-duyệt-kỳ phát tâm tìm đến để được gặp Phật, nghe Pháp
Đường đi quá xa xôi, lại gặp lúc trời khô hạn, hai vị bị thiếu nước uống nên khát đến mức sắp chết. Bỗng gặp một hố sâu, bên dưới có một ít nước, nhưng trong nước lại có rất nhiều trùng nhỏ li ti, theo giới luật thì không thể uống nước ấy. 
Một vị nói: “Chúng ta nên uống nước này, vì như thế sẽ cứu được thân, sau mới đó mới còn có thể đến gặp Phật, nghe Pháp.” 
Vị kia liền nói: “Giới luật của Phật chế định không giữ theo thì việc đến gặp Phật liệu có ích gì?” Liền chịu khát mà chết. Thần thức vị này lập tức sinh lên cõi trời Đao Lợi. Vị này tự biết được nhân duyên trước khi sinh về cõi trời, liền mang hương hoa đến tinh xá Kỳ Viên cúng dường đức Phật
Vị tỳ-kheo kia uống nước có trùng nên khỏi chết khát, hôm sau đến được Kỳ Viên, khóc trình nỗi khổ của mình lên Phật, lại nhắc đến người bạn đồng hành đã chết khát
Đức Phật dạy: “Ta đã biết trước rồi.” Liền đưa tay chỉ vị trời vừa đến cúng dường mà nói: “Đây chính là người bạn hôm trước cùng đi với ông, đã đến đây rồi. Ông đến đây chỉ nhìn thấy hình tướng bên ngoài của ta, nhưng không giữ gìn giới luật do ta chế định, tuy nói là đến gặp được ta, nhưng ta thật không gặp ông. Những ai dù ở cách xa ta ngàn dặm, nhưng nếu thực hành theo Kinh điển, giữ gìn theo Giới luật, thì người ấy lúc nào cũng như ở trước mặt ta.” 
Lời bàn
Phật dạy các tỳ-kheo rằng những chum, vại... rỗng đều nên lật úp lại hoặc đậy kín, không nên để ngửa lên. Vì sao? Vì khi để ngửa lên mà không đậy kín, tất nhiên sẽ chứa đọng nước mưa, từ đó sinh ra các loài trùng. Khi có người dùng đến, đổ nước ra tức là giết hại các loài trùng ấy. 
Trong mùa hè thu, nước mưa đọng thành vũng trên đất, sau một hai hôm thế nào cũng phát sinh các loài trùng trong nước. Mà những con trùng ấy, hầu hết đều phải chết khi cạn nước. Do đó, nên khai thông cống rãnh để quanh nhà không chỗ nào có nước đọng thành vũng. Không dùng nước đọng trong lòng cống rãnh để tưới cây, tưới hoa, vì nước khô cạn đi cũng giết chết nhiều trùng trong đó. Nước mưa mới hứng vào chum, vại... nên dùng than sạch cho vào bên trong để không sinh trùng. Không vất xương cá, thịt, các thức ăn thừa có mùi hôi tanh... bừa bãi trên mặt đất, vì như vậy tức là nhữ cho đàn kiến kéo đến, ắt sẽ bị người giẫm đạp mà chết. Hết thảy các loại nước có chất kiềm, nước muối, nước sôi, nước vôi sống... đều không được đổ bừa lên mặt đất làm chết côn trùng. 
Những điều như trên đều là để tránh sự vô tình giết hại các loài côn trùng. 
Không đốt lửa gây cháy rừng, cháy núi
Giảng rộng
Người ta dù gặp hỏa hoạn, cũng chưa hẳn đã phải mất mạng, nhưng khi núi rừng bị cháy thì tất cả các loài dù bay, dù chạy, dù kêu, dù nhảy, hoặc không có chân, hoặc có hai chân, bốn chân, cho đến nhiều chân... thảy đều phải chết trong lửa dữ. Tội ác như thế này, phần lớn thường do những thiếu niên kém đạo đức nghịch ngợm mà gây ra. Ngăn cấm được việc đốt phá rừng núi là việc làmcông đức lớn nhất. 
Trưng dẫn sự tích
Xả thân cứu muôn loài 
Vô số kiếp về trước, trong một khu rừng già có rất nhiều cầm thú. Một hôm, không biết lửa từ đâu bùng lên, từ ba hướng cùng lúc lan nhanh tới thiêu rụi cả khu rừng này. Khi ấy chỉ duy nhất một hướng không có lửa, nhưng lại có con sông chắn ngang. Muôn loài cầm thú đều bị dồn đến chỗ bế tắc, không còn đường thoát. 
Đức Phật dạy rằng: “Vào lúc ấy, ta là một con nai chúa thân hình vô cùng to lớn và có sức mạnh. Ta liền đạp hai chân trước đến tận bờ sông bên kia, hai chân sau trụ tại bờ sông bên này, lấy thân mình làm cây cầu để muôn loài đạp trên lưng ta mà qua sông. Muôn loài cầm thú quá đông, giẫm đạp đến nỗi da thịt ta bị giập nát đau đớn, nhưng ta dùng nguyện lực từ bi mà nhẫn chịu, dù chết cũng quyết cứu hết muôn loài. Khi cầm thú đã thoát hết sang bên kia sông, cuối cùng chỉ còn lại một con thỏ. Ta khi ấy sức cùng lực kiệt, nhưng vẫn phải nỗ lực hết sức để giữ thân cho con thỏ ấy qua sông. Khi thỏ vừa qua sông rồi, ta lập tức gãy xương sống, rơi xuống dòng sông mà chết.” 
Đức Phật lại dạy rằng: “Nếu ta tự kể lại những sự tu tập khổ hạnh như thế từ bao đời trước, thì dù đến hết kiếp cũng chưa thể nói hết.” 

Lời bàn
Đức Phật kể lại chuyện này xong, có dạy rằng: “Muôn loài cầm thú được ta cứu qua sông ngày trước, bây giờ đều là các đệ tử của ta. Con thỏ sang sông cuối cùng, nay là ông Tu-bạt-đà.” 
Đốt lửa giết hại côn trùng phải chịu tội báo 
Dương Châu có người tên Hạ Tự Minh, mở quán trà phía trước chùa Thạch Tháp. Chung quanh nhà có nhiều cây lớn, mỗi ngày ông đều quét lá gom lại đốt. Sau ông mắc bệnh nặng, sắp chết, bỗng nhiên tự nói ra rằng: “Ta suốt một đời đã đốt không biết bao nhiêu lá cây, ban đầu thật không nghĩ như vậy lại là có tội, nhưng ngẫm lại trên những lá cây ấy thật có vô số trùng kiến, thảy đều bị ta đốt mà chết. Nay Diêm vương mang việc ấy mà trách tội ta, sợ rằng chẳng còn cách nào chuộc lại.” Nói xong thì chết. 
Lời bàn
Các loại tre, gỗ khi hư mục thường sinh ra rất nhiều mối, mọt... bên trong, nên đều không thể dùng làm củi đốt, đâu chỉ riêng lá khô? Cứ theo như trong Kinh thì phía trên ngọn lửa đèn còn có rất nhiều chúng sinh cực kỳ nhỏ bé, ăn nuốt khói đèn để sống. Nếu có hơi người thổi vào, ắt sẽ chết cả. Người phàm mắt thịt đều không thấy biết, chỉ người đã chứng đắc thiên nhãn mới có thể thấy. Cho nên, Phật dạy các vị tỳ-kheo không được dùng miệng thổi tắt các ngọn lửa đèn, nến...
Đêm tối giúp người đi đường có đèn soi sáng
Giảng rộng
Đang đêm tối mịt mùng khó cất bước đi, bỗng nhiên có được một ngọn đèn sáng, thật chẳng khác nào người mù bỗng dưng được sáng mắt, lại cũng giống như lúc trời đã sụp tối lại có thể lưu giữ chút ánh tà dương để soi chiếu khắp mặt đất. Đối với người đang rơi vào hoàn cảnh phải đi trong đêm tối, còn có ân huệ nào lớn hơn?
Người đi trong đêm có được ngọn đèn, ắt có thể nhìn thấy rõ ràng mọi thứ phía trước để dễ dàng tiến bước. Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo thường có mắt sáng tinh tường.
Lại nữa, khi đi trong đêm có được ngọn đèn sáng, ắt trong lòng không còn lo lắng sợ sệt. Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo thường đầy đủ mọi niềm vui sướng, hoan hỷ.
Lại nữa, khi đi trong đêm có được ngọn đèn sáng, ắt không phải giẫm đạp lên những chỗ bùn lầy nhơ nhớp. Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo thường được sạch sẽ, tinh khiết.
Lại nữa, khi đi trong đêm có được ngọn đèn sáng, ắt nghe tiếng chó sủa trong lòng không hoảng hốt kinh sợ. Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo thường an ổn không sợ sệt.
Lại nữa, khi đi trong đêm có được ngọn đèn sáng, ắt không bị người khác nghi ngờ là kẻ gian tà. Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo thường hành động quang minh chính đại.
Lại nữa, khi đi trong đêm có được ngọn đèn sáng, ắt không bị vấp ngã gây thương tích. Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo thường không bệnh khổ, thân thể tráng kiện, khỏe mạnh.
Lại nữa, khi đi trong đêm có được ngọn đèn sáng, ắt không bị mối nguy rơi xuống mương rãnh, khe suối, hố hầm, giếng nước... Cho nên, kẻ dùng đèn đuốc mang ánh sáng cứu giúp người khác chắc chắn sẽ được phước báo tuổi thọ dài lâu.
Đêm tối giúp người đi đường có đèn soi sáng, ắt sẽ được nhiều điều lợi lạc như trên, đâu thể nói rằng đó chỉ đơn thuần là soi đường cho người đi thôi sao?
Người đời si mê, sinh ra vốn chẳng biết mình từ đâu đến, chết đi cũng thật chẳng biết sẽ về đâu. Trong khoảnh khắc đã nhập vào một bào thai, lại trong khoảnh khắc đã ra khỏi một bào thai. Hết thảy đều là lưu chuyển xoay vòng trong chỗ tối tăm mù mịt, ai là người có được ngọn đèn sáng để soi chiếu đường đi?
Đức Phật có dạy rằng:
欲知前世因,
今生受者是;
欲知後世果,
今生作者是。
Dục tri tiền thế nhân,
Kim sinh thọ giả thị;
Dục tri hậu thế quả,
Kim sinh tác giả thị.
Tạm dịch:
Muốn biết nhân đời trước,
Hãy xem quả ngày nay.
Muốn biết quả đời sau,
Hãy xem nhân đời này.
Nếu theo đúng lời dạy này mà suy xét quán chiếu, thì tự nhiên đời trước, đời sau thảy đều sáng rõ như có được một ngọn đèn soi chiếu. Người tu hành theo Mười điều lành, theo đây soi chiếu sẽ thấy rõ chắc chắn được sinh lên cõi trời. Người thọ trì Năm giới, theo đây soi chiếu sẽ thấy rõ chắc chắn được sinh trong cõi người. Người đã quy y Ba ngôi báu, theo đây soi chiếu sẽ thấy rõ chắc chắn không còn rơi vào Ba đường dữ. Quán chiếu như thế chính là đã có được ngọn đèn trí tuệ
Bà lão nghèo thắp đèn cúng Phật 
Thuở xưa, vua A-xà-thế muốn cúng dường đức Phật nên dùng đến trăm hộc dầu để thắp đèn sáng rực, dọc theo đường từ cung điện cho đến tinh xá Kỳ Viên, không một chỗ nào là không có đèn sáng.
Bấy giờ trong thành có một bà lão nghèo khó, thấy vua làm việc cúng dường tạo phúc lớn lao như thế thì hết sức cảm kích, liền tự mình cũng mang 2 đồng tiền đi mua dầu để thắp đèn cúng Phật. Hai đồng tiền của bà chỉ mua được 2 cáp dầu, nhưng người bán dầu ngợi khen tâm chí thành của bà nên tặng thêm cho 3 cáp nữa, cả thảy được 5 cáp. Tuy vậy, số dầu này ắt cũng không đủ để đèn của bà cháy sáng đến quá nửa đêm. Khi ấy, bà lão mang dầu thắp đèn cúng Phật, tự phát lời thệ nguyện rằng: “Nếu tôi ngày sau có thể chứng đắc đạo quả như Phật, nguyện cho số dầu này sẽ cháy được suốt đêm, ánh sáng không bao giờ tắt mất.” Phát thệ nguyện xong, kính cẩn lạy Phật rồi về. 1800000
Trong đêm ấy, những ngọn đèn của vua A-xà-thế tuy có sai người chăm sóc châm dầu, nhưng vẫn có ngọn còn sáng, có ngọn bị tắt, không được đều đặn như nhau. Chỉ riêng ngọn đèn của bà lão nghèo vẫn luôn sáng rực suốt đêm đến sáng.
Lúc trời đã sáng, ngài Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy đi tắt đèn, dùng áo cà-sa quạt cho ngọn đèn của bà lão nghèo tắt đi, nhưng đèn không tắt mà ngược lại còn sáng thêm lên. Đức Phật dạy: “Ánh sáng của ngọn đèn ấy không phải oai thần của ông có thể dập tắt được. Bà lão này đời trước đã từng cúng dường mười tám triệu đức Phật, sau ba mươi kiếp nữa sẽ thành tựu quả Phật, hiệu là Tu Di Đăng Quang Như Lai. Bà ấy chỉ do một đời trước không thường tu hạnh bố thí, nên đời này phải chịu nghèo khổ.” 
Lời bàn
Như trường hợp này, quả thật là:
Tu huệ không tu phước
La-hán thường đói thiếu.
Cho nên, đối với việc tu tập hạnh lành bố thí, quả thật không thể xem thường mà bỏ qua. 
Trộm dầu trên bàn Phật chịu quả báo tức thì 
Ở trấn Thạch Phố vùng Côn Sơn có một điện thờ Quán Âm, không người chăm sóc nên hết sức hoang tàn lạnh lẽo. Vào niên hiệu Khang Hy năm đầu tiên, có người mang con thỏ vào điện thờ giết thịt, muốn nấu nhưng không có củi đốt. Khi ấy có người chỉ cho ông ta biết trước bàn Phật có dầu thắp trong đèn. Ông ta liền lấy dầu ấy mà đốt nấu chín thịt thỏ để ăn. Vừa ăn xong thì hai mắt bỗng nhiên bị mù. Từ đó về sau phải chịu mù lòa đến suốt đời
Lời bàn 
Căn cứ theo giới luật thì dầu đèn trước bàn Phật không được dùng để dâng cúng Bồ Tát, huống chi là người phàm lại dám lấy trộm dầu ấy! Hơn nữa, lại trộm dầu ấy để nấu thịt thỏ! Tuy đã chịu báo ứng mù mắt ngay, nhưng như vậy hẳn là vẫn còn chưa hết tội. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78187)
07/11/2010(Xem: 140141)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.