Thư Viện Hoa Sen

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)

20/09/201410:23 CH(Xem: 12570)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)

Những người viết sử thời xưa ghi chép truyền lại các điều ấy không phải là vô căn cứ. Khổng Tử sinh vào thời nhà Chu suy vi, vẫn có thể thấy được những chỗ thiếu sót của người chép sử, huống chi các vị sử thần từ thời Đường Ngu về trước, lẽ nào lại dối trá ghi chép những điều vô nghĩa vào chánh sử hay sao? 
Than ôi, mắt không nhìn thấy con gấu to, lại cho đó là con ba ba có 3 chân, ấy thật không phải vật quái lạ, mà do kiến thức của người chưa đầy đủ. Từ thời Chu Chiêu Vương đến nay lại đã trải qua 3.000 năm nữa, tuổi thọ trung bình của con người giảm thêm 30 năm, vì thế nên hiện nay xét thấy những người có tuổi thọ cao cũng đều ở mức trên dưới 70 tuổi. Đọc qua nhiều sách vở, mới thấy những lời trong kinh Phật là đúng thật. 
Hàn Xương Lê trong bài “Phật cốt biểu” nói rằng: “Đời thượng cổ không có Phật mà người ta sống thọ, đời sau có Phật mà người ta yểu mạng hơn.” Nói như vậy là đâu biết rằng hiện nay đang thời giảm kiếp? Vào thời tuổi thọ con người đến 80.000 năm thì 500 tuổi mới tính chuyện dựng vợ gả chồng. Thời đầu nhà Chu, 30 tuổi mới lập gia đình. Hiện nay, chưa quá tuổi 15 đã tơ tưởng chuyện ái tình, miệng còn hôi sữa đã nói ra toàn những lời tục tĩu. 
Thân người xưa nay có khác biệt
Trong thời giảm kiếp, cứ trải qua 100 năm thì thân thể lại ngắn đi 1 tấc, qua 1.000 năm ắt ngắn đi 1 thước. Vào thời đức Thích-ca Như Lai ra đời, thân người cao trung bình 8 thước. Đến nay đã trải qua hơn 2.000 năm, thân người ngắn đi 2 thước, nên hiện nay chiều cao trung bình chỉ vào khoảng trên dưới 6 thước. Nói chung, khi tuổi thọ trung bình tăng lên ắt thân người cũng theo đó mà cao lớn hơn, khi tuổi thọ trung bình giảm, ắt thân người cũng theo đó mà thấp bé hơn. Cho đến sau thời kỳ phát sinh thiên tai dịch bệnh, tuổi thọ con người càng gần mức thấp nhất, thân người lại càng thấp bé hơn, chỉ khoảng hai gang tay, hoặc ba gang tay, có thể dùng những loại lúa đề, lúa bại mà cho là lương thực tốt nhất; để tóc dài che thân, xem đó là y phục đẹp nhất; những dụng cụ dùng thường ngày đều chế tác theo hình dạng của binh khí như đao kiếm, côn trượng... 
Lời bàn
Có người khai quật ngôi mộ cổ trước thời Tùy Đường, tìm thấy bộ xương người rất lớn, so với bộ xương của người đời nay dài hơn đến 2 thước. Tôi có khảo cứu trong sách “Thiên nhân cảm thông ký”, thấy viết rằng: “Di chỉ nền kinh đô nước Thục trước đây, nằm trên núi Thanh Thành, hiện nay là đất Thành Đô, xưa kia vốn là một vùng biển cả.”
Xưa vào thời đức Phật Ca-diếp, có người đi theo dòng sông Tây Nhĩ, khi thuyền ngang qua vùng này bỗng thấy trên bờ có một con thỏ, liền giương cung bắn, không biết rằng thỏ ấy vốn là thần biển hóa thành. Thần biển nổi giận, liền quật tung chiếc thuyền ấy lên, lật úp xuống, khiến cho đất cát lấp cạn khúc sông ấy mà thành đất bằng. Đến triều Tấn, có vị tăng thấy vùng đất ấy có nhiều kẻ nứt, liền theo vết nứt mà đào xuống tìm được nhiều bộ xương người cùng với đáy thuyền. Những bộ xương người đều dài đến hơn 3 trượng. Đó là vì vào thời đức Phật Ca-diếp thì tuổi thọ trung bình của con người đến 20.000 năm. 
Tôi cũng có đọc sách “Khổng lý ký”, thấy có đoạn viết: “Đôi dép của Khổng Tử, theo đơn vị đo lường hiện nay dài một thước ba tấc.” Như vậy có thể thấy, bàn chân của Khổng Tử hoàn toàn không giống như bàn chân của người hiện nay. Tôi lại đọc thấy trong sách “Chu lễ” nói rằng “cán rìu dài 3 thước, bề ngang 3 tấc”, như vậy cho thấy cánh tay của người thời đó không giống với cánh tay của người thời nay. Cho đến y phục, dụng cụ, chén bát... của con người cách nay trăm năm, chắc chắn cũng đều to lớn hơn so với hiện nay. Há chẳng phải là do thân người dần dần nhỏ đi nên vật dụng cũng theo đó mà nhỏ hơn đó sao?
Phước báo của con người xưa nay có khác biệt
Con người quan trọng nhất là đức hạnh, nhờ đó mới có phước báo. Sau khi tuổi thọ trung bình giảm dần thì hết thảy mọi điều khác đều sút giảm, đức hạnh cũng theo đó mà suy giảm, phước báo mất dần đi. Có thể kể sơ lược ra đây như là bảy món báu sẽ mất dần đi; ngũ cốc thu hoạch dần dần ít hơn; chuyện ăn mặc ngày càng khó kiếm đủ hơn; hình thể dung nhan ngày càng xấu xí hơn; năng khiếu bẩm sinh ngày càng hôn ám, ngu muội hơn; tinh thần dần suy nhược hơn; phong tục ngày càng cao ngạo hơn; thân quyến ngày càng ít hòa thuận nhau hơn; thuế khóa, sai dịch ngày càng nặng nề, khắc nghiệt hơn; các tai nạn như lửa cháy, nước lụt, trộm cướp ngày càng hoành hành mạnh mẽ hơn; pháp Phật dần dần bị suy tàn; người hiền ngày càng suy tổn; các nhà Nho chân chính ngày càng hiếm thấy; những kẻ báng bổ Phật pháp ngày càng phát triển mạnh; những người giàu có ngày càng keo kiệt, bủn xỉn hơn... 
Lời bàn
Sách vở ngôn từ của thế tục hẳn có những lúc không đúng thật, nhưng những gì được trích ra từ Kinh điển thì mỗi chữ mỗi câu luôn được chứng minh đúng đắn. Xét như vào thời Tam đại, người người đều sử dụng vàng ngọc để trao đổi tính toán, số lượng rất nhiều, chưa từng sử dụng toàn bạc nén. Cho đến triều Hán về sau mới bắt đầu dùng bạc làm tiền tệ. Nhưng lúc đó các nước nhỏ cũng vẫn còn sở hữu được các loại trân bảo quý giá như ngọc dạ quang, châu chiếu thừa, không đến nỗi quá hiếm thấy như ngày nay. Ngày nay phải sử dụng loại bạc phẩm chất kém, lại thường cho đồng đỏ vào bên trong, ấy là vì bạc trắng tốt không đủ dùng nên phải dùng thêm đồng thay bạc. Như thế chẳng phải đúng là bảy món báu mất dần đi đó sao? 
Một trăm mẫu ruộng vào đời nhà Chu chỉ tương đương với 22 mẫu thời nay. Số lượng thu nhập từ 22 mẫu đó có thể nuôi ăn được 9 người. Sức ăn của mỗi người thời xưa lên đến một đấu gạo, số lượng mỗi một người ăn hết trong một năm ước chừng hơn 70 thạch của ngày nay, 9 người phải mất hơn 600 thạch, tính ra mỗi mẫu ruộng có thể thu hoạch được khoảng hơn 30 thạch. Ngày tôi còn nhỏ được biết ở quê tôi mỗi mẫu ruộng chỉ thu hoạch được khoảng 3 hay 4 thạch. Kể từ năm Quý Hợi đời Khang Hy trở về sau, mỗi mẫu ruộng trước đây thu hoạch được 3 thạch đều sút giảm, không còn thu hoạch được đến số ấy. Như thế chẳng phải đúng là ngũ cốc thu hoạch dần dần ít hơn đó sao? 
Vào thời cổ, nước nào không tích chứa nhu yếu đủ dùng được đến 10 năm thì gọi là “không sung túc”, không đủ dùng được đến 6 năm thì gọi là ở mức “nguy cấp”. Như vào thời hưng thịnh của hai triều Hán Đường, so ra cũng chỉ là “không sung túc”. Còn như hiện nay, chỉ cầu mong cho được đến mức “nguy cấp” của xưa kia mà còn không thể được! Như thế chẳng phải đúng là chuyện ăn mặc ngày càng khó kiếm đủ hơn đó sao?
Vào thời cổ, các bậc vua chúa công hầu cao quý vẫn thường hạ mình tìm đến giao du với các bậc ẩn sĩ nơi thâm sơn cùng cốc; hàng khanh tướng được người tôn kính vẫn chịu khó nhọc đi bộ mà không ngồi xe. Hiện nay thì khác, người vừa mới phụng mệnh làm quan đã lập tức lên mặt khinh miệt những kẻ tri giao bằng hữu, còn bọn sai nha tiểu tốt cũng ngang nhiên ngồi xe che lọng. Như thế chẳng phải đúng là phong tục ngày càng cao ngạo hơn đó sao? 

Vào thời cổ, các bậc cao tăng khi đến gặp vua, vua không dám gọi thẳng bằng tên, mà khi ban chiếu thư cũng tôn kính gọi là thầy. Đường Thái Tông soạn bài tựa “Tam tạng Thánh giáo tự”, hết lòng bày tỏ sự khâm phục, tôn sùng Phật giáo. Khi Pháp sư Huyền Trang thị tịch, Đường Cao Tông hay tin liền nói với các quan hầu cận rằng: “Trẫm đã mất đi một báu vật của quốc gia.” Liền ngưng việc triều chính trong 5 ngày. Niên hiệu Cảnh Long năm thứ 2 đời Đường Trung Tông, vua sắc cho Cao An sai Thôi Tư Lượng lo việc nghênh tiếp Đại sư Tăng-già đến kinh đô, nhà vua cùng với trăm quan đều cúi đầu tự xưng là đệ tử. Niên hiệu Hiển Khánh năm thứ nhất đời vua Đường Cao Tông, vua ban sắc chỉ rằng, tất cả tăng ni trong nước nếu có vi phạm vào pháp luật, phải áp dụng theo giới luật nhà Phật mà xử trị, không được xử giống như dân thường. Vào triều Tống Chân Tông, vua ban chiếu lệnh cho dân trong nước phải tránh không được gọi tên húy của thiền sư Chí Công, phải xưng là Bảo Công. Đời Tống, các vua Thái Tổ, Thái Tông, Chân Tông, Nhân Tông, Cao Tông, Hiếu Tông thảy đều ủng hộ phát triển mạnh mẽ Phật pháp, có lúc các vua thân hành lễ bái nơi chùa chiền, có khi lại cung thỉnh chư tăng vào hoàng cung thuyết pháp, đều là những việc làm hưng thạnh Phật pháp. Ngày nay những kẻ trí thức thường cao ngạo bướng bỉnh, đa số khi gặp tượng Phật không tham bái, gặp bậc cao tăng cũng không kính lễ. Như thế chẳng phải đúng là pháp Phật dần dần bị suy tàn đó sao?
Khổng Tử, Nhan Hồi xây dựng sự nghiệp giáo hóa chỉ quý trọng việc tự thân thực hành, không xem trọng việc nói nhiều; nhấn mạnh ở việc tự sửa đổi hoàn thiện bản thân, xem nhẹ việc chỉ trích người khác. Mạnh Tử phản bác Dương Chu, Mặc Địch, đó là chuyện vạn bất đắc dĩ, cũng ví như các vị thuốc đại hoàng, ba đậu, thầy thuốc giỏi chỉ thỉnh thoảng mới dùng đến một lần, không thể mỗi ngày đều dùng. Ngày nay, những kẻ thư sinh còn chưa đỗ đạt, góp nhặt được năm ba câu nghị luận phỉ báng Phật pháp đã tự xem mình như Trình, Chu tái thế. Lại có những đám trẻ con miệng còn hôi sữa, chỉ quen thói khoa trương khoác lác lại tự ý chủ trương lập ra học phái này nọ. Như thế chẳng phải đúng là các nhà Nho chân chính ngày càng hiếm thấy đó sao?
Nay chỉ nêu lên mấy việc như thế, còn những điều khác đều có thể so sánh suy luận để thấy rõ. 
Người chết có sáu điều nghiệm biết được
Nếu muốn biết một người sau khi chết sinh về đâu, chỉ cần quan sát vùng hơi ấm cuối cùng trên thân thể lúc lâm chung
Nếu phần dưới thân thể lạnh dần trước, hơi ấm dồn lần lên đỉnh đầu, ắt đó là người đã chứng đắc quả vị, quyết định thoát khỏi sinh tử
Nếu hơi ấm dồn lại nơi khoảng giữa hai chân mày, người ấy ắt sẽ tái sinh lên cõi trời
Nếu hơi ấm dồn lại nơi khoảng vùng bên trên trái tim, người ấy sẽ tái sinh cõi người
Nếu phần trên thân thể lạnh dần trước, hơi ấm dồn về nơi vùng bụng, người đó ắt sinh vào cảnh giới ngạ quỷ
Nếu hơi ấm dồn lại nơi hai đầu gối, ắt phải sinh làm súc sinh
Nếu hơi ấm dồn lại dưới hai lòng bàn chân, ắt phải sinh vào địa ngục
Luận về đời trước
Người sinh ra ở đời, hoặc từ các cõi trời sinh đến, hoặc từ trong cõi người tái sinh, hoặc từ các loài vật khác, hoặc từ các cảnh giới a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngụctái sinh. Chỉ cần quan sát tướng mạo, thân hình, cung cách nói năng động tịnh thì có thể biết rõ được. Chỉ sợ rườm rà nên không nêu rõ chi tiết ở đây. 
Vu Công xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa
Giảng rộng
Trong 6 câu từ đây trở đi, Đế Quân lựa chọn ngẫu nhiên đưa ra 4 trường hợp chứng minh về nhân quả để làm nền tảng cho 2 câu dưới là: “Muốn tạo ruộng phước rộng sâu, ắt phải dựa vào một tấm lòng này.” 
“Giúp người, cứu kiến” là gieo trồng ruộng phước theo cách thuận; “Xử án, chôn xác rắn” là gieo trồng ruộng phước theo cách nghịch. Xử án vốn là việc mang điều dữ đến cho người, nhưng ngược lại có thể giúp “xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa”, là vì sao? Đó là vì Vu Công giữ chức quan coi ngục xử án, nhưng tấm lòng của ông lại không phải là tấm lòng hung hăng trong việc coi ngục xử án. “Cổng lớn” của nhà ông vốn được xây nên chính từ tấm lòng hiền thiện của ông. 
Mạng người có quan hệ đến ý trời, việc đưa ra phán quyết xử án là cực kỳ quan trọng, nếu xem lại dù chỉ có chút sai sót nhỏ thì hối tiếc cũng không còn kịp nữa. Trong chúng ta nếu có ai phải vâng lệnh làm công việc xử án, ắt phải hết sức lưu tâm tỉnh táo trong từng giây phút, xử sự phải cẩn trọng như đứng bên bờ vực, như giẫm trên lớp băng mỏng, nguy hiểm chết người; phải biết sợ sệt như có trời đất quỷ thần đang đưa mắt giận dữ theo dõi mình; như cha mẹ, vợ con, thân quyến của bị cáo đang kêu gào khóc lóc oán hận nhìn mình. 
Không thể khinh suất theo ý riêng mà lạm dụng các điều luật quá tàn khốc, nghiêm khắc; không thể dễ dàng nghe theo lời nói sai lầm của thuộc cấp; không thể lạm dụng nhục hình tàn khốc bức bách tội nhân phải nhận tội; không thể hối hả phân xử qua loa rồi kết án một cách vụng về tắc trách; không thể ỷ vào sự sáng suốt thông minh của mình mà ức đoán sự việc; không thể vì nhận lời ủy thác, nhờ cậy hay thỉnh cầu của người khác mà bẻ cong lý lẽ, lạm dụng hình luật nghiêm khắc; không thể vâng lệnh hoặc thuận theo ý muốn của cấp trên; không thể chỉ hoàn toàn dựa theo những lời bẩm báo từ cấp dưới. 
Không thể vì sự ngay thẳng chính trực của nguyên cáo mà khởi tâm thiên vị nổi giận với bị cáo; không thể nhân lúc có men rượu mà lạm dụng quyền uy, hình phạt. Nếu không chứng minh được bị cáo vô tội, theo luật phải thọ án, không được tùy tiện tăng thêm hình phạt roi vọt. Nếu không phải tội thực sự nghiêm trọng, không được khinh suất tống giam tù ngục. 
Đối với các trường hợp cố tình vu cáo người khác, phải theo đúng luật nghiêm trị để răn dạy. Phân xử dứt khoát rạch ròi những trường hợp thực sự liên lụy đến vụ án để làm yên lòng những người lương thiện. Bị cáo triệu tập đến lúc nào thì thẩm vấn, tra xét ngay lúc ấy, không được để dây dưa kéo dài, hẹn sang ngày khác, khiến người phải đi lại nhiều lần. Đối với những vụ kiện có người đứng trung gian khiếu tố thì thẩm tra tìm hiểu xong phải lập tức tiến hành tạm giữ, tra xét, không tạo điều kiện dây dưa để đôi bên nguyên, bị tiếp tục đấu đá nhau khiến cho người ngoài được thủ lợi. 
Tốt nhất là bất cứ lúc nào có thể được thì nên khuyến khích sự thương lượng hòa giải giữa đôi bên, lấy đó làm biện pháp để giải trừ tội lỗi. Trên công đường làm vẻ mặt nghiêm khắc là vì muốn cho kẻ sai lầm phải hồi tâm thú nhận tội lỗi, thật không phải giả dối. Làm quan được xưng tụng thanh liêm là điều cao quý, lại càng phải thêm đức khoan thứ nhân hậu. Có thể giữ được sự điềm tĩnh tự chế là khí độ lớn lao, lại càng phải thêm đức tinh chuyên cần mẫn
Học theo đức độ khoan nhân khi sử dụng hình phạt, nên giảm nhẹ sự đau đớn cho người. Thấy người đang bị giam cầm lao ngục phải khởi lòng thương, nên nghiêm cấmtrừng phạt những thuộc cấp đối xử tàn bạo hung ác với tội nhân. Phải quan tâm đến việc ăn uống của tội nhân, luôn được đầy đủ và đúng giờ, không trễ nãi. Đối với những tội nhân đã phán quyết tử hình, phải dốc lòng hết ý tìm cầu chứng cứ có thể giúp miễn tội chết; không được đối với những trường hợp có thể giữ mạng sống lại cố phán tội chết. 
Đối với tội nhân đã cao niên, nên khởi tâm xem như chú, bác của mình; đối với tội nhân xấp xỉ tuổi mình, nên khởi tâm xem như anh em một nhà; đối với những tội nhân còn ít tuổi, nên khởi tâm xem như con cháu của mình. Trên thì luôn suy ngẫm phải hành xử thế nào để hài lòng ông bà tổ tiên đời trước; dưới thì luôn nhớ nghĩ phải làm sao để tích lũy âm đức che chở cho con cháu đời sau
Tuy chỉ tạm mượn chức quan, nhưng tận tâm tận lực hành xử được như thế ắt có thể cứu nhân độ thế, đâu chỉ là “xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa” mà thôi? 
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 80046)
07/11/2010(Xem: 142255)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.