Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)

21/09/20146:30 SA(Xem: 9873)
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)

Hoặc bỏ tiền mua vật sống phóng sinh
Giảng rộng
Pháp luật trừng trị tội nhân, không có hình phạt nào nặng hơn tội chết; cha mẹ thương yêu con cái cũng không làm gì khác hơn là ban chonuôi dưỡng chu toàn sự sống. Cho nên có thể biết rằng, việc xấu ác nhất chính là giết hại, mà việc hiền thiện nhất chính là cứu mạng phóng sinh. Hãy xem khi các con thú bị đuổi bắt, chúng cũng kinh sợ trốn chạy, phát tiếng kêu la thảm thiết, cố sức vượt rào leo tường để mong chạy thoát. Nếu đem so với con người chúng ta, gặp khi bị lệnh vua bắt bớ đuổi giết, cha mẹ kinh hoàng chẳng biết phải làm sao, vợ con gia quyến bị đẩy vào cảnh chết không đường thoát, nỗi hãi hùng kinh sợ ấy nào có khác gì nhau? 
Lại hãy xem khi con vật bị giết hại, như khi cắt tiết một con gà, cả bầy gà kinh hãi kêu la, mổ thịt một con heo, cả đàn heo buồn bã bỏ ăn. Nếu đem so với con người chúng ta, gặp lúc loạn lạc giặc cướp lộng hành, trước mắt nhìn thấy cha mẹ bị giết hại, vợ con bị bắt bớ đưa đi, tình cảnh bi thương ấy cũng tương đồng không khác.
Lại hãy xem khi con vật bị cắt xẻ giết mổ, ruột gan phơi ra mà nơi miệng còn thều thào hơi thở, hoặc cổ họng đã bị cắt đứt mà đôi mắt vẫn còn mở to chưa kịp nhắm. Nếu đem so với con người chúng ta, lúc lâm chung đớn đau thống khổ, toàn thân bất động, chỉ biết đưa mắt nhìn, đành cam tâm bất lực nào có khác chi nhau?
Nếu trong lúc ấynhẫn tâm giết hại, thì nỗi oán hận của con vật bị giết biết nói sao cho hết? Nếu trong lúc ấy lại có người bỏ tiền mua để cứu mạng thả ra, thì sự cảm kích tri ân cũng nói sao cho hết?
Việc phóng sinh không nên làm theo kỳ hạn thường xuyên nhất định, e rằng có người biết được ngày tháng ta mua vật phóng sinh nên sẽ cố sức đuổi bắt để mang đến bán. Việc phóng sinh cũng không nên chọn một địa điểm cố định, e rằng có người biết được sẽ đợi sau khi ta phóng sinh vật mạng rồi tìm cách bắt chúng lại. Phóng sinh cũng không giới hạn đối với một loài vật nào, dù vật mạng lớn nhỏ cũng đều nên cứu sống
Các hội phóng sinh ở vùng Côn Lôn nơi tôi sống, chỉ có am Thanh Lương là làm tốt nhất, do từ khi khởi lập có vị thiện hữu trước hết đã bỏ ra một số tiền lớn, đưa vào ký gửi lấy lãi, mỗi tháng dùng tiền lãi ấy vào việc phóng sinh. Mỗi lần tổ chức phóng sinh, cứ khoảng 4, 5 ngày trước đó liền có báo cáo gửi đến từng hội viên để thông báo số tiền sử dụng, đến kỳ hạn các hội viên cùng chia nhau quyên góp vào cho đủ số đã chi ra, hoàn toàn không dựa vào số tiền ký gửi sinh lợi. Nhờ cách ấy mà có thể hoạt động được lâu dài. Vào ngày mở hội phóng sinh, mỗi người đều cung kính tụng đọc 5 quyển kinh Hoa nghiêm, chi phí hương hoa trà nước có 3 người chia nhau gánh chịu. Ấy là nhờ tất cả hội viên đều đồng tâm hiệp lực nên hoạt động của hội mới được thành công dễ dàng, có thể làm khuôn mẫu cho những nơi khác học làm theo. 
Trưng dẫn sự tích
Tha lợn tức tha con 
Triều Đông Tấn có người tên Đỗ Vĩnh Bình, là người Phù Châu, thuộc huyện Tử Đồng, tỉnh Tứ Xuyên. Nhà ông Bình hết sức giàu có, sinh được một đứa con trai đặt tên là Thiên Bảo, vừa được 10 tuổi, hết sức thương yêu. Vào niên hiệu Thái Nguyên năm thứ ba, Thiên Bảo bị bệnh nặng mà chết. Không bao lâu sau đó, trong nhà có con lợn nái sinh được 5 con. Vĩnh Bình chọn một con béo mập nhất, định giết thịt làm lễ biếu quan. Bỗng nhiên có một vị tỳ-kheo đến nói với Vĩnh Bình rằng: “Con lợn ấy là con trai ông trước đây đó, sao vừa mất mới hơn trăm ngày mà ông đã vội quên?” Vị tỳ-kheo ấy vừa nói xong thì hốt nhiên mất dạng, chỉ còn lưu lại một mùi hương thơm lạ đến suốt ngày chưa tan hết. 
Đỗ Vĩnh Bình liền thả con lợn ấy ra, không giết thịt, lại thương yêu nuôi dưỡng trong nhà.
Lời bàn
Đức Phật có dạy: “Hết thảy chúng sinh, trải qua nhiều kiếp lưu chuyển luân hồi nên hầu hết đều là cha mẹ, quyến thuộc của nhau.” Người đọc sách Nho không hề biết đến đạo lý lưu chuyển luân hồi trong ba đời quá khứ, hiện tạivị lai. Vì thế nên cho rằng không nỡ khởi lên ý tưởng xem tất cả chúng sinh như cha mẹ nhiều đời của mình. Nhưng rồi do chỗ không nỡ suy tưởng như thế, nên mới giết hại chúng sinh mà làm món ăn của mình, như vậy gọi là không nỡ được chăng? Nói một câu khái quát, ấy là do không chịu suy nghĩ cho cặn kẽ đó thôi. 
Bán lợn hóa ra bán con 
Vào đời nhà Tùy, trong khoảng niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ 8, tại huyện Nghi Châu, tỉnh Quảng Tây, có người tên Hoàng Phủ Thiên, lấy trộm 60 đồng tiền của mẹ. Người mẹ mất tiền không tìm thấy, truy xét tra hỏi khiến cho tất cả người trong nhà đều phải chịu đòn roi. 
Qua năm sau, Phủ Thiên chết, lại thác sinh thành một con lợn trong nhà. Lợn lớn lên rồi, người nhà liền bán cho ông xã trưởng ở một thôn xa, được sáu trăm đồng tiền. Đêm đó, người vợ của Phủ Thiên vừa ngủ thiếp đi thì mộng thấy một con lợn nói với bà: “Tôi là chồng cô trước đây, vì lấy trộm sáu mươi đồng tiền của mẹ nên khiến cho cả nhà đều bị đòn roi. Do tội ấy phải sinh làm thân lợn, nay lại bị đem bán đi. Mong cô hãy mau mau chuộc tôi về, nếu để chậm ắt là tôi sẽ bị người giết thịt.” 
Người vợ giật mình tỉnh dậy, trong lòng hoàn toàn không tin. Nhưng khi thiếp ngủ lại thì cũng mơ thấy như vậy nữa, lại còn nghe lợn hối thúc khẩn thiết hơn. Khi tỉnh dậy suy nghĩ rằng tình hình đã gấp rút lắm, liền lập tức mặc áo vào sang gõ cửa phòng mẹ chồng. Hóa ra bà mẹ Phủ Thiên cũng đã thức giấc từ lâu, vì bà cũng nằm mộng thấy giống hệt như cô. Khi ấy đã quá nửa đêm, mà nhà ông xã trưởng mua lợn cách đó đến ba mươi dặm. Bà mẹ sợ không chuộc được lợn, liền lấy ra 1.200 quan tiền, sai người con cả cùng đi với đứa con trai của Phủ Thiên sang chuộc. Nào ngờ lễ tế của làng đã sắp xếp đâu vào đó, nên ông xã trưởng nhất quyết cự tuyệt không cho chuộc lợn. 
Nhân lúc còn đêm tối, gia đình Phủ Thiên liền nhờ một đám hung đồ có thế lực đến ép buộc xã trưởng phải cho chuộc lại. Xã trưởng bất đắc dĩ không dám chống cự, đành thả lợn ra. Trên đường về, khi đi ngang qua một bãi đất hoang rộng lớn, người anh cả liền nói với lợn: “Nếu đúng là em ta thì hãy đi lên trước.” Lợn lập tức chạy lên phía trước, theo đúng đường về nhà. 
Sau đó, xóm giềng biết chuyện đều cười chê, đàm tiếu. Con cái của Phủ Thiên lấy làm xấu hổ lắm, suy nghĩ rồi bàn với nhau: “Nếu để cha ta thế này, ắt con gái trong nhà chẳng ai nhìn đến. Trước đây cha ta rất thân với nhà họ Từ, có thể mang gửi nhờ bên ấy, chúng ta định kỳ chu cấp thức ăn là được.” 
Lợn nghe qua những lời ấy, nước mắt chảy ra ràn rụa, liền vẫy đuôi rồi tự đi đến nhà họ Từ, cách đó bốn mươi dặm. Đến niên hiệu Đại Nghiệp thứ 11, lợn chết ở nhà họ Từ. 

Lời bàn
Một khi đã thay hình đổi dạng, hết thảy người nhà đều không thể nhận biết được. Cho nên nói rằng, trong chốn luân hồi thì gia đình quyến thuộc xét cho cùng cũng chỉ là những quan hệ giả tạm, không chân thật
Cứu dê hóa ra cứu con gái 
Vào đời Đường, ở Trường An có phong tục sau tết là mọi người lần lượt thay nhau tổ chức yến tiệc đãi khách. Có ông chủ hiệu văn phòng phẩm tên là Triệu Đại, đến phiên đãi tiệc mời khách về nhà. Đúng ngày, quan khách vừa tới thì thấy phía trên chiếc cối giã gạo có một bé gái khoảng 13 - 14 tuổi, bị buộc vào một sợi dây, trên người mặc quần xanh, áo trắng. Bé gái ấy khóc lóc nói với quan khách rằng: “Tôi vốn là con gái của ông chủ nhà này. Năm xưa tôi lấy trộm của cha mẹ một trăm quan tiền, định dùng mua son phấn, nhưng rồi chết đi chưa kịp mua. Số tiền ấy hiện vẫn còn đặt nguyên ở nhà bếp, trong một cái lỗ ở góc phía tây bắc. Tôi vì tội ấy mà nay phải làm thân dê.” 
Đứa bé gái vừa nói xong, quan khách nhìn kỹ lại thì chỉ thấy một con dê xanh đầu trắng. Mọi người kinh hoảng báo lại với chủ nhà là Triệu Đại. Họ Triệu gạn hỏi về hình dáng đứa bé, thì quả thật rất giống với con gái của ông, đã chết cách đây hai năm. Lập tức vào tìm trong nhà bếp, quả nhiên có số tiền còn nằm nguyên nơi bé gái đã nói. Triệu Đại liền mang dê vào chùa phóng sinh, lại phát nguyện từ đó cả nhà đều giữ giới, ăn chay.
Lời bàn
Số tiền trộm cắp vẫn còn nguyên chưa dùng đến, mà quả báo khổ sở đã đến rồi, nhưng cũng không phải là chịu tội oan uổng. Đó quả thật là:
Trăm ngàn muôn thứ đều bỏ lại,
Chỉ riêng nghiệp báo vẫn mang theo.
Xét theo đó lại càng tin sâu nhân quả hơn nữa.
Đánh ngựa hóa ra đánh mẹ 
Vào đời nhà Đường, ở huyện Văn Thuỷ thuộc Tịnh châu, có người tên là Lý Tín, làm vệ sĩ ở phủ Long Chính. Vào một mùa đông trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh đời Đường Cao tông, Lý Tín theo thông lệ đến Sóc Châu nhận việc, khi đi cưỡi con ngựa ký màu đỏ, có dắt theo một chú ngựa non. Bấy giờ đang lúc trời rất lạnh, gió rét, tuyết rơi dày, đi được hơn mười dặm thì ngựa không cất bước nổi. Lý Tín dùng roi quất ngựa, đến roi thứ mười thì ngựa bỗng cất tiếng nói như người, bảo Lý Tín rằng: “Tôi vốn là mẹ của ông trước đây. Bởi lúc còn sống phản bội cha ông, lấy trộm hơn một thạch gạo đưa cho đứa con gái nhỏ, nên bây giờ phải chịu quả báo thế này. Con ngựa non kia chính là em gái của ông, nhận số gạo ăn trộm ngày trước nên nay cũng chịu quả báo trả nợ đó.” 
Lý Tín nghe qua không cầm được nước mắt, liền tháo dây cương với yên ngựa ra, tự mình mang lấy và nói với ngựa: “Nếu đúng là mẹ ta thì xin tự đi về nhà.” Ngựa lập tức theo đường quay về nhà. 
Từ đó, mấy anh em nhà Lý Tín liền dựng một căn nhà riêng để nuôi dưỡng con ngựa ấy, anh em cùng nhau chăm sóc. Có người bạn đồng nghiệp của bà trước đây thường vì bà mà cúng dường trai tăng, lễ sám. Cả nhà Lý Tín từ đó đều tinh tấn tu tập hành trì
Quan Công bộ Thị lang là Ôn Như Ẩn cùng với quan tư pháp Kỳ châu là Trương Kim Đình đều đang lúc ở nhà để tang cha mẹ, nghe biết chuyện này lấy làm lạ lùng kinh sợ, tìm đến tận nơi tra vấn, quả nhiên thấy ngựa vẫn còn đó. 
Lời bàn
Tiền bạc của cải có thể chung nhau sử dụng, ắt không đâu bằng trong gia đình vợ chồng con cái với nhau, ấy vậy mà trộm lấy của trong gia đình vẫn phải chịu quả báo nghiêm khắc, tơ hào không sai lệch. Những ai làm cha mẹ mà yêu ghét không công bằng, thiên vị với con cái, lấy của đứa này mang cho đứa khác, nên lấy đó mà răn mình, chẳng đáng sợ lắm sao! 
Chuyện đời trước của Tào Hàn 
Vùng Tô Châu có Lưu Tích Huyền, tên tự là Ngọc Thụ. Vào mùa thu năm Nhâm Tý, niên hiệu Vạn Lịch triều Minh, Ngọc Thụ đến Quý Châu nhận chức quan khảo thí. Trên đường đi thuyền ngang qua vùng Hồ Quảng ghé vào nghỉ đêm, nằm trên thuyền mộng thấy có một người to lớn, mặt dài, đến nói rằng: “Tôi là tướng Tào Hàn đời nhà Tống. Trước kia, vào đời nhà Đường, tôi là một người đi buôn. Tình cờ đi ngang qua một ngôi chùa thấy có vị pháp sư đang giảng kinh Tứ thập nhị chương nên phát tâm thiết trai cúng dường, lại theo ngài nghe kinh trong nửa ngày. Nhờ gieo nhân lành đó nên trải qua nhiều đời đều được làm chức quan nhỏ, cũng như không bao giờ bị cách chức cả. Đến đời Bắc Tống tôi được làm tướng quân, tức là tướng Tào Hàn. Khi ấy từng mang quân vây đánh Giang Châu, suốt 3 năm không hạ được, nhân một lúc nóng giận không kiềm chế đã ra lệnh tàn sát hết nhân dân trong thành. Do nghiệp giết hại đó nên trải qua nhiều đời phải làm thân lợn để đền tội. Năm trước tôi từng sinh ra làm lợn trong một nhà làm thuê ruộng của ông, nhờ ông thương xót đến mà được sống. Nay chỗ ông đỗ thuyền vào đây chính là nơi ngày mai tôi sẽ bị giết. Con lợn bị giết trước nhất trong ngày mai chính là tôi đó. Nay đã có duyên gặp nhau, xin ông rủ lòng thương xót cứu mạng tôi một lần nữa.” 
Khi Lưu Ngọc Thụ giật mình tỉnh giấc, liền nhìn ra qua khe hở xem thuyền đậu chỗ nào, quả nhiên đúng là trên bờ có một lò mổ. Trong giây lát liền thấy người khiêng ra một con lợn, kêu la thảm thiết. Lưu Ngọc Thụ liền bỏ tiền xin chuộc lấy, cứu mạng cho lợn. 
Lời bàn
Con lợn này được thả ra, mang đến phóng sinh tại Vườn phóng sinh Xương Môn ở Tô Châu, nếu có ai gọi tên Tào Hàn nó liền nhận biết chạy lại, hàng vạn người đến đó đều tận mắt chứng kiến
Nhờ phóng sinh cùng được thi đỗ 
Huyện Cối Kê thuộc tỉnh Triết Giang có người tên Đào Thạch Lương, một hôm cùng đi với Trương Chi Đình ngang qua chùa Đại Thiện, nhân đó mua lươn phóng sinh lên đến hàng vạn con. 
Năm ấy, vào mùa thu Thạch Lương nằm mộng thấy một vị thần hiện ra bảo rằng: “Khoa thi này lẽ ra ông chưa thi đỗ, nhưng nhờ công đức phóng sinh nên sẽ thi đỗ, sớm hơn một khoa.” 
Đến khi bảng vàng đề tên, quả nhiên đúng thật. Nhân đó Thạch Lương liền nói: “Việc phóng sinh cũng dựa vào sự tán trợ của Trương Chi Đình, lẽ nào công đức chỉ mình ta được hưởng?” 
Cách mấy hôm sau, có danh sách từ Nam Kinh đưa đến, hóa ra Trương Chi Đình cũng đỗ. 
Lời bàn
Vào cuối đời Minh, có một nho sinh đất Thục là Lưu Đạo Trinh, từng viết một bài văn khuyên người đời từ bỏ sự giết hại. Vào tháng bảy năm Tân Dậu, có người bạn của Lưu Đạo Trinh nằm mộng thấy đi đến điện Văn Xương, gặp Đế quân đưa cho xem một tờ giấy, bảo rằng: “Đây là bài văn khuyên người đời từ bỏ sự giết hại do Lưu Đạo Trinh viết ra. Khoa thi năm nay Đạo Trinh sẽ đỗ.” 
Người bạn ấy tỉnh dậy vẫn nhớ, đem sự việc kể lại cho Lưu Đạo Trinh nghe, nhưng Đạo Trinh không tin. Đến khi bảng vàng đề tên, quả đúng như vậy. Cho nên, nếu muốn thăng tiến thênh thang trên đường công danh sự nghiệp, nên biết rằng trong sự tu tập cũng có cách để hỗ trợ cho việc ấy. 
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/04/2012(Xem: 78187)
07/11/2010(Xem: 140141)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.