Khảo sát 8 vạn 4 ngàn pháp trong tạng Pāḷi

11/10/20153:24 CH(Xem: 15449)
Khảo sát 8 vạn 4 ngàn pháp trong tạng Pāḷi

KHẢO SÁT 8 VẠN 4 NGÀN PHÁP TRONG TẠNG PĀḶI   
Tống Phước Khải

 

1. Tám vạn bốn ngàn Pháp trong Nikāya

Trong Tạng Kinh Nikāya tiếng Pāḷi, theo sự tìm hiểu của nhiều học giả, thì con số tám vạn bốn ngàn Pháp chỉ được đề cập đến duy nhất trong bài kệ của ngài An Nan thuộc Trưởng Lão Kệ (Theragāthā) của Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya).  Bài kệ của ngài A Nan (Ānandattheragāthā) như sau:

Dvāsīti buddhato gaṇhiṃ,

dve sahassāni bhikkhuto;

Caturā­sīti­sahas­sāni,

ye me dhammā pavattino.[i]

Nội dung của bài kệ được dịch ra tiếng Việt là:

Tôi đã nhận được 82.000 Pháp từ Đức Phật

2.000 Pháp từ các Tỳ Kheo

84.000

là những Pháp được chuyển vận.

Điều đáng lưu ý là trong bài kệ này ngài A Nan chỉ nói từ Pháp (dhamma) và không có từ nào đề cập đến Pháp khác (chẳng hạn như Pháp Uẩn, Pháp Tạng hay Pháp Môn). Bên cạnh đó 84.000 Pháp này chỉ tồn tại trong tạng Nikāya, được xem là chính thống bên cạnh hai tạng Pāḷi còn lại.

2. Từ “dhamma” khi được dịch sang ngôn ngữ khác

Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát các bản dịch để xem từ “dhamma” trong bài kệ này được dịch như thế nào.

Bản dịch trong Tạng Nam Truyền Hán ngữ:

由佛得法門,八萬有二千,由比丘所得,亦有二千數,八萬四千門,我等須護持[ii]

Do Phật đắc pháp môn, bát vạn hữu nhị thiên, do Tỷ Khưu sở đắc, diệc hữu nhị thiên số, bát vạn tứ thiên môn, ngã đẳng tu hộ trì .”

Bản dịch Hán ngữ này sử dụng từ “pháp môn” để dịch từ “dhamma.”

Bản dịch tiếng Việt của Bhikkhu Indacanda:

Tôi đã tiếp nhận tám mươi hai ngàn từ đức Phật, hai ngàn từ vị tỳ khưu, tám mươi bốn ngàn Pháp (uẩn) này là có sự vận hành.” [iii]

Bản dịch này Sư Indacanda sử dụng từ “Pháp” để dịch, tuy nhiên Sư có phụ chú thêm trong ngoặc chữ “uẩn”. 

Khi so sánh các bản dịch trên, chúng ta nhận thấy rằng từ “dhamma” khi được chuyển sang ngôn ngữ khác thì có vẻ như không được nhất quán. Để khảo sát kỹ hơn vấn đề này, chúng ta cần phải truy tầm ý nghĩa gốc của các từ Pháp Uẩn và Pháp Môn.

3. Nghĩa ban đầu của các từ Pháp Uẩn, Pháp Môn

Vấn đề sẽ không khả thi nếu chúng ta đi tìm xuất xứ của các từ này thông qua các từ thuần Việt trong từ điển tiếng Việt. Đại đa số các từ Phật học của Việt Nam đều là Hán Việt và dĩ nhiên là các từ này xuất phát từ Trung Quốc cổ đại hoặc trung đại. Như vậy điều không tránh khỏi là để truy tầmxuất xứ của các thuật ngữ Phật học Việt Nam thì bắt buộc chúng ta phải tra cứu trong các tài liệu Phật học Hán ngữ.

Các thuật ngữ Phật học Hán ngữ được hình thành đa phần đều bắt nguồn từ các dịch giả dịch kinh Phạn sang Hán thuở xưa. Khi dịch giả qui ước một từ Hán nào đó để dịch một từ Phạn tương ứng, nếu từ này được lưu hành rộng rãi thì dần dần nó sẽ trở thành một thuật ngữ Phật học.

Đại Từ Điển Phật học Hán Phạn của Giáo sư người Nhật Hirakawa [iv] cung cấp cho chúng ta một khối lượng đồ sộ các thuật ngữ dùng để dịch kinh Phạn ngày xưa của các dịch giả Trung Quốc.  Từ điển này được tác giả xây dựng bằng cách đối chiếu từ ngữ giữa các nguyên bản kinh Phạn và các bản dịch Hán ngữ trong Tạng.  Do đó đây là một từ điển hữu ích cho việc tìm hiểu sự qui ước từ ngữ Phật học vào thời điểm chuyển dịch kinh Phạn sang Hán khi xưa.

Trở lại vấn đề, chúng ta sẽ đi tìm các từ Pháp Uẩn, Pháp Môn trong từ điển Hirakawa để nắm rõ các dịch giả Trung Quốc ngày xưa đã dùng chúng để biên dịch những từ Phạn nào. Sau đây là các từ liên quan được tìm thấy trong từ điển Hirakawa từ trang 715 tới trang 719:

Pháp Môn 法門: dharma-paryāya, dharma-mukha, dharma- dvāra; dharma, dharma-naya, dharma-naya-mukha, dharma-skandha, naya-mukha, nirdeśa-pada, parivarta, paryāya, mukha

Pháp Uẩn 法蘊: dharma-skandha

Lại xuất hiện thêm hai từ Hán khác có nghĩa Phạn giống nhau:

Pháp Âm 法陰: dharma-skandha

Pháp Tụ 法聚: dharma-skandha, skandha, dharma-saṃcaya

Chúng ta nhận thấy các từ gồm Pháp Môn, Pháp Uẩn, Pháp Âm, Pháp Tụ đều được dùng để dịch từ tiếng Phạn là “dharma-skandha”  từ tương ứng trong tiếng Pāḷi là “dhamma-k,khandha”.

Thông thường các thuật ngữ chuyên ngành khi dịch sang ngôn ngữ khác khó có thể tìm được từ tương ứng đồng nghĩa hoàn toàn. Việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành để biên dịch đa phần là do sự qui ước ngay từ ban đầu.  Ví dụ thuật ngữ “software” trong lĩnh vực công nghệ thông tin có các từ chuyển ngữ như “phần mềm”,  “nhu liệu”, “nhuyễn kiện”. Xét từ “phần mềm”, chúng ta thấy chữ “phần” chưa hẳn đồng nghĩa hoàn toàn với “ware”, nhưng toàn bộ từ “phần mềm” xem như qui ước ban đầu để dịch từ “software” và đã được số đông chấp nhận. Bên cạnh đó chúng ta cũng có từ “nhu liệu” và không thể nói rằng từ “nhu liệu” đúng hơn từ “phần mềm” hoặc ngược lại.

Trở lại với các từ Hán đã qui ước dịch thuật cho từ “dhammakkhandha” ở trên. Đầu tiên chúng ta đi tìm nghĩa của từ Pāḷi “dhammakkhandha.” Theo giải thích trong các từ điển Pāḷi – English thì nghĩa của “dhammakkhandha” là “đoạn kinh văn về pháp”, “ chi của giáo pháp”,  “phần được chia chẻ của Pháp” hoặc “một phần của qui chuẩn” … Từ nghĩa này chúng ta xét các từ qui ước Hán ngữ:

- Pháp Môn: chữ Môn trong Hán ngữ ngoài nghĩa “cửa”, “trường phái” … thì còn có nghĩa là “một chi phần của ngành học thuật”. Do đó Pháp Môn ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa một chi phần của Pháp và được dùng để dịch thuật ngữ “dhammakkhandha.” Ngoài ra, trong từ điển Hirakwa còn cho thấy từ Pháp Môn còn được qui ước để dịch rất nhiều từ tiếng Phạn khác.

- Pháp Uẩn: chữ Uẩn trong Hán ngữ mang nghĩa là “sự tích tụ”, “sự gom chứa”. Từ này gần nghĩa với từ “khandha” tiếng Pāḷi. Do đó từ Pháp Uẩn được dùng để dịch thuật từ “dhammakkhandha.”

- Pháp Tụ: chữ Tụ trong Hán ngữ mang nghĩa “tụ họp”, “tích góp” gần như chữ Uẩn.

- Pháp Âm: trong Phật Quang Đại Từ Điển giải thích chữ Âm là chữ cũ dùng để dịch, tương đương với chữ Uẩn.

Do đó, nếu từ “dhamma” trong bài kệ được ngầm hiểu là “dhammakkhandha” thì một trong các từ Pháp Môn, Pháp Uẩn, Pháp Tụ hoặc Pháp Âm đều có thể được dùng để dịch từ “dhamma” này.

Tóm lại, cả 2 bản dịch Hán và Việt ở trên đều hợp lý khi dùng từ “Pháp Môn” và  “Pháp (uẩn)” để dịch từ “dhamma” với ngầm ý là “dhammakkhandha.”

Như vậy, nếu cho rằng từ “dhamma” trong bài kệ là “dhammkkhandha” thì 2 cụm từ “8 vạn 4 ngàn Pháp Môn” và “8 vạn 4 ngàn Pháp Uẩn” đều có nghĩa như nhau.

Ở đây ghi nhận thêm trường hợp bản dịch của Hòa Thượng Hộ Tông, ngài đã dùng từ Pháp Môn để dịch từ “dhammakkhandha.”

Caturāsītisahassa

Dhammakkhandhānubhāvena.

Do nhờ đức của 8 muôn 4 ngàn Pháp môn.

(Trích Kệ Điềm Lành Vũ Trụ, H.T. Hộ Tông)

4. Từ “dhamma” trong bài kệ chính là “dhammakkhandha”?

4.1. Quan diểm tán đồng

Quan điểm cho rằng từ “dhamma” trong bài kệ chính là “dhammakkhandha” của các dịch giả và tác giả Việt Nam dường như phần nhiều xuất phát từ nhận định ban đầu của TS. Bình Anson trong tác phẩm Lý ThuyếtThực Tế, NXB Tôn giáo, xuất bản năm 2008. Trong tác phẩm có đoạn viết rằng:  “Chữ "pháp" (dhamma) trong câu trả lời của ngài Ānanda có nghĩa là gì? Giáo sư K. R. Norman, dịch giả bản dịch Anh ngữ Theragatha (Trưởng Lão Tăng Kệ), cho biết rằng ngài luận sư Buddhaghosa, trong Chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ, có giải thích "pháp" ở đây được hiểu như là "pháp uẩn" (dhamma-khandha), nghĩa là đoạn văn về giáo pháp.[v]  Trong nhận định trên, tác giả không dẫn ra “Giáo sư K.R. Norman cho biết” trong tài liệu nào cũng như Chú giải của luận sư Buddhaghosa tham chiếu như thế nào. Điều này làm cho việc khảo sát tài liệu gốc gặp phải sự khó khăn. Một số người đọc sẽ thắc mắc liệu có phải luận sư Buddhaghosa đã chú giải như vậy không? Tuy nhiên, nếu đúng là ngài Buddhaghosa có ghi nhận điều này thì đây vẫn là quan điểm cá nhân, không phải là ghi nhận chính thống. Vì vậy, sẽ có những ý kiến trái chiều.

4.2. Quan điểm không tán đồng

Bhikkhu Gavesako, một nhà Sư phương tây, với nhiều bài tham luận trên các trang mạng  đã đưa ra quan điểm của mình về chữ “dhamma” trong bài kệ trên như sau:  “If we look at the original Pali text, only the numbers 82,000 and 2,000 and 84,000 are mentioned in it, together with "dhamma" meaning "teachings" in this context (the word "dhammakkhandha" does not appear at all).” [vi]  Dịch Việt: “Nếu chúng ta xem văn bản Pāḷi nguyên thủy, chỉ thấy con số 82.000, 2.000 và 84.000 được đề cập trong đó, cùng với từ “dhamma” có nghĩa là “giáo pháp” nằm trong ngữ cảnh này (từ “pháp uẩn” không hề xuất hiện).” Như vậy, dựa trên lập luận này thì không thể khẳng định được từ “dhamma” là “dhammakkhandha.”

4.3. Quan điểm dịch thuật của học giả phương tây

Các dịch giả phương tây cũng thận trọng khi dịch từ “dhamma” trong bài kệ của ngài A Nan. Họ đã dịch theo từ gốc và không triển khai thêm. Sau đây là một số bản dịch:

Bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Sujato và Jessica Walton:

I learned 82,000 from the Buddha,
And 2,000 from the monks;
These 84,000
Are the teachings I have memorized.
[vii]

Chúng ta thấy bản dịch này không dùng từ “aggregate of dhamma” (pháp uẩn) mà dùng từ “teaching” để dịch từ “dhamma”. Trong tiếng Anh từ “teaching” nếu là danh từ đếm được thì nghĩa của nó là “tư tưởng của một cá nhân hay một nhóm nào đó được dùng để dạy người khác.” Chúng ta có thể tóm gọn nghĩa của từ “teaching” mà tác giả đã dịch đó là “giáo pháp”.

Bản dịch tiếng Anh của Hellmuth Hecker & Sister Khema:

82,000 Teachings from the Buddha
I have received;
2,000 more from his disciples;
Now, 84,000 are familiar to me.”[viii]

Bản dịch này cũng giống như bản dịch trước, từ “dhamma” được dịch là “giáo pháp”.

5. Tìm hiểu việc sử dụng từ “dhammakkhandha” trong tạng Pāḷi

A Dictionary of the Pali Language của Robert Cæsar Childers, trang 117, giải thích từ này như sau: “Tam tạng được chia thành 84.000 dhammakkhandha, tức “danh mục” hay “phân đoạn” của Pháp. Chúng được phân chia dựa theo chủ đề. Để minh họa cho ý nghĩa này, Buddhashosa đã nói rằng một bài kinh hoặc bài thuyết Pháp về một chủ đề sẽ lập nên một dhammakkhandha, còn một bài kinh về nhiều chủ để sẽ lập nên nhiều dhammakkhandha. Mah. 26; B. Int. 34; Att. 133. Saṅgīti S. cũng đề cập đến 4 dhammakkhandha, hay “bốn chủ thể của giáo Pháp” gồm sīlakkhandho, samādhikkhandho, paññākkhandho, vimuttikkhandho.”[ix] Như vậy, theo định nghĩa của từ điển này thì từ “dhammakkhandha” được sử dụng trong việc phân loại các giáo điển, và cứ mỗi một phần hình thành sau khi phân chia xong thì được gọi là “dhammakkhandha.”  Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy việc phân loại này không dựa trên một qui chuẩn cố định.

Một cách phân chia khác tách con số 84.000 thành 21.000 + 21.000 + 42.000, được giải thích trong Chú Giải (atthakatha) Pāḷi như sau:  Tạng Kinh có 21.000 dhammakhandha; tạng Luật có 21.000 dhammakhandha;  tạng Vi Diệu Pháp có 42.000 dhammakhandha . Bhikkhu Gavesako đã nhận định rằng  việc phân chia này “không đúng về phương diện lịch sử” (which cannot be historically true). [x]

Chúng ta nhận thấy rằng, từ “dhammakkhandha” trong hệ thống kinh điển tiếng Pāḷi hầu như chỉ được dùng trong việc phân chia, tách loại giáo điển. Do không có một qui chuẩn cho việc phân chia nên có nhiều con số khác nhau tùy vào mỗi cách phân chia.

Về con số 84.000 dhammakkhanda” khi so sánh với con số “84.000 dhamma” trong bài  kệ của ngài A Nan thuộc hệ thống Chính Tạng, chúng ta không thấy có mối liên hệ nào.  Chính tạng: 84.000 dh  = 82.000 dh (Phật) + 2.000 dh (Tỳ Kheo), còn trong Chú Giải thì: 84000 dhk = 21.000 dhk (Kinh) + 21.000 dhk (Luật) + 42.000 dhk (Vi Diệu Pháp).

Ý nghĩa của từ “dhammakkhandha” chỉ thấy xuất hiện trong chú giải. Từ này không thấy được đề cập đến trong hệ thống Chính Tạng. Như vậy, có nhiều khả năng từ “dhammakkhandha” là từ phát sinh trong quá trình phân loại kinh điển của những người kết tập thuộc thế hệ sau.

6. Kết

Con số 84.000 do ngài An Nan thuật lại trong Trưởng Lão Kệ của Tiểu Bộ chính là 84.000 Pháp tức “dhamma” trong tiếng Pāḷi. Từ “dhamma” này được triển khai thành “dhammakkhandha” là xuất phát từ quan điểm cá nhân và nằm ngoài Chính Tạng. Nếu chấp nhận quan điểm “dhamma” là “dhammakkhandha” thì người dịch Việt hoặc Hán được phép chọn lựa một trong các từ Pháp Môn, Pháp Uẩn, Pháp Tụ, Pháp Âm để dịch, bởi vì các từ này chỉ là các từ qui ước trong việc dịch kinh Phạn sang Hán thời xưa. Do đó, cách nói “8 vạn 4 ngàn Pháp Môn” hay “8 vạn 4 ngàn Pháp Uẩn” là đều có nghĩa như nhau. Dĩ nhiên, cũng có các quan điểm khác không tán đồng “dhamma” là “dhammakkhandha” và có thể trong tương lai sẽ có một quan điểm cho rằng từ “dhamma” này là một “dhamma….” nào đó. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai có thể đưa ra lập luận một cách thuyết phục về Pháp mà ngài A Nan đề cập trong bài kệ. Pháp này là Pháp gì thì vẫn đang còn là một ẩn số.



[i] Khuddaka Nikāya, Theragāthā (17.3), URL: https://suttacentral.net/pi/thag17.3 

[iii] Bhikkhu Indacanda, Theragāthāpāḷi – Trưởng Lão Kệ, URL: http://tamtangPāḷiviet.net/VHoc/31a/Thag_03.htm#17

[iv] Akira Hirakawa (1997) Buddhist Chinese-Sanskrit Dictionary 佛教漢梵大辭典

[v] Bình Anson (2008), Lý ThuyếtThực Tế, NXB Tôn Giáo.

[vi] Bhikkhu Gavesako (2011), Did the Buddha teach 84,000 Dhammakkhandhas?, URL: http://www.dhammawheel.com/viewtopic.php?t=8813

[vii] Bhikkhu Sujato with Jessica Walton (2014), Verses of The Senior Monks 17.3, ULR: https://suttacentral.net/en/thag17.3

[viii] Hellmuth Hecker & Sister Khema (2006), Thag 17.3 Ananda, URL: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/thag/thag.17.03.hekh.html

[ix] R.C. Childers (2003), Dictionary of the Pali Language. New Delhi: Asian Educational Services.

[x] Bhikkhu Gavesako (2011), Did the Buddha teach 84,000 Dhammakkhandhas?, URL: http://www.dhammawheel.com/viewtopic.php?t=8813

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189050)
01/04/2012(Xem: 34549)
08/11/2018(Xem: 13440)
08/02/2015(Xem: 51661)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.