Thế giới vàng ròng

23/05/20163:23 SA(Xem: 7970)
Thế giới vàng ròng

THẾ GIỚI VÀNG RÒNG
Nguyễn Thế Đăng

 

Trong cái thấy của kinh Pháp Hoa thì tất cả vũ trụ là một. “Tất cả các cõi nước thông làm một cõi nước Phật” (phẩm Hiện Bửu tháp, thứ 11).

Tất cả các cõi nước thống nhất thành một cõi nước Phật, thành một Nhất Chân pháp giới, và hẳn là pháp giới ấy thì thanh tịnhthiêng liêng. Trong cái thấy Nhất Chân pháp giới này, sanh tử khổ đau biến mất. Nhất Chân pháp giới cũng là Niết-bàn, vì không có sanh tử.

Nhưng tại sao lại có sanh tử khổ đau? Đó là vì cái thấy mê lầm của người bình thường, hạn hẹp, phân chia, phân mảnh, xung đột ta người… khiến pháp giới vốn thông làm một trở thành một cõi hỗn loạn xung đột, chiến đấu triền miên không dứt. Chính cái thấy mê lầm tạo ra sanh tử.

Pháp giới Nhất Chân hay Niết-bàn tuy thoát khỏi mọi khổ đau sanh tử, nhưng luôn luôn hiện tại.

Phẩm Phương Tiện, thứ 2, nói:

               Ta tuy nói Niết-bàn

               Đó cũng chẳng thật diệt

               Các pháp từ xưa nay

               Tướng thường tự tịch diệt.

Tịch diệt là một nghĩa của chữ Niết-bàn. Các pháp từ xưa nay cho đến mãi mãi về sau “tướng thường tự tịch diệt”, nghĩa là thường Niết-bàn. Quá khứ, quá khứ tịch diệt. Hiện tại, hiện tại tịch diệt. Tương lai, tương lai tịch diệt. Tịch diệtvô sanh, đây là Niết-bàn luôn luôn hiện tại, hiện tiền. Nói rằng các pháp từ xưa nay tướng thường tự tịch diệt, nghĩa là các pháp đang Niết-bàn.

Các pháp từ xưa nay tướng thường tự tịch diệt, đó là chủ đề, là đề mục của Chỉ, Quán, và Chỉ Quán đồng thời của người thực hành. Cho đến lúc chúng ta trực tiếp thấy được sự thật ấy, không qua ý thức, không qua suy nghĩ hay trí nhớ. Thấy được sự thật ấy là thấy “thực tướng của tất cả các pháp”. Thực tướng ấy là tất cả các pháp vốn tự giải thoát, vốn là Niết-bàn.

Thấy trực tiếp được sự thật ấy, đấy là cái thấy đúng (chánh kiến). Duy trì cái thấy ấy một cách tương tục cho đến khi nó mở rộng và sâu thẳm đến độ sanh tử vô thường biến mất, chỉ còn pháp giới Nhất Chân hay Niết-bàn vô sanh tịch diệt. Đây là cái thấy biết của Phật (Phật tri kiến), mà chúng ta phải tu hành để chuyển hóa tâm thức phân mảnh, loạn tưởng của chúng ta thành tâm Phật hay tâm Niết-bàn, hay Nhất Chân pháp giới.Cũng trong bài kệ trên của phẩm Phương Tiện, Đức Phật nói tiếp:

Nếu có loài chúng sanh

Gặp chư Phật quá khứ

Nếu nghe pháp bố thí

Hoặc trì giới, nhẫn nhục

Tinh tấn, thiền, trí thảy

Các thứ tu phước huệ

Những người như vậy đó

Đều đã thành Phật đạo.

Tu pháp Phật, như sáu Ba-la-mật bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, các thứ phước huệ, dùng các cửa pháp (pháp môn) ấy đều đi vào pháp giới Nhất Chân, nên “đều đã thành Phật đạo”.

Các Phật diệt độ rồi

Người cúng dường xá-lợi

Dựng muôn ức thứ tháp…

Hoặc ở giữa đồng trống

Đắp đất thành tháp Phật

Nhẫn đến trẻ nhỏ giỡn

Nhóm cát thành tháp Phật

Những hạng người như thế

Đều đã thành Phật đạo.

Nếu người tâm tán loạn

Nhẫn đến dùng một hoa

Cúng dường nơi tượng vẽ

Dần thấy các Đức Phật

Hoặc có người lễ lạy

Hoặc lại chỉ chắp tay

Nhẫn đến đưa một tay

Hoặc lại hơi cúi đầu

Dùng đây để cúng dường

Dần thấy vô lượng Phật.

Nếu người tâm tán loạn

Bước vào trong tháp miếu

Một xưng Nam-mô Phật

Đều đã thành Phật đạo.

Trong hiện tại, chỉ một cử động nho nhỏ, gần như là hành động vô tình của trẻ nhỏ mà “đều đã thành Phật đạo”. Chỉ một tiếp xúc đơn sơ như vậy mà đều đã thành Phật đạo, vì pháp giới Nhất Chân vốn đã thành Phật đạo từ lâu xa, như Đức Phật đã giác ngộ từ vô lượng kiếp (phẩm Như Lai Thọ Lượng, thứ 16).

Trong cái thấy của kinh Pháp Hoa, quá khứ, hiện tại, tương lai “đều đã thành Phật đạo”:

               Nơi chư Phật quá khứ

               Tại thế hoặc diệt độ

               Có người nghe pháp này

               Đều đã thành Phật đạo.

Tất cả đều gói tròn trong một hiện tại “đều đã thành Phật đạo”, một hiện tại Nhất Chân pháp giới.

Tại sao quá khứ đều đã thành Phật đạo, hiện tại đều đã thành Phật đạo, mà vị lai chưa đến kia cũng đều đã thành Phật đạo?

Trước bài kệ này, Đức Phật có nói về cái thấy biết của Phật:

“Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu tột thật tướng của tất cả các pháp, nghĩa là các pháp: tướng như vậy, tánh như vậy, thể như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy”.

“Như vậy” (như thị) là Chân Như. Các pháp dù có biến hiện, đổi thay, nhân duyên sanh diệt thế nào thì cũng vẫn là Chân như, vẫn là Nhất Chân pháp giới, vốn là “đều đã thành Phật đạo”.

Con số “mười” của mười cái “như vậy” nói lên sự tròn vẹn, cái toàn thể dung nhiếp, không có cái gì ra ngoài, còn sót. Tóm lại, tất cả hiện hữu là như vậy, tất cả pháp giới vốn là như vậy, vốn “đều đã thành Phật đạo”. Đó là cái thấy biết của Phật.

Cái thấy biết này vốn có nơi chúng sanh, thế nên tiến trình tu hành của kinh Pháp Hoa là Khai, Thị, Ngộ, Nhập. Khai là khai mở, Thị là chỉ ra; khai mở và chỉ ra cái vốn có nơi mỗi chúng sanh; và chúng sanh Ngộ, Nhập cái thấy biết của Phật vốn có sẵn ấy. Kinh không nói tạo ra hay trừ bỏ, vì tất cả pháp giới “đều đã thành Phật đạo”.

Pháp giới Nhất Chân này là thọ mạng vô lượng (phẩm Như Lai Thọ Lượng, thứ 16) do đó luôn luôn hiện tại, hiện tiền. Pháp giới này không phải là Niết-bàn tịch diệt  mà là “tướng như vậy, tánh như vậy, lực như vậy, tác như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy…”, nghĩa là sự thể hiện của năng lực của toàn bộ pháp giới. Phẩm Như Lai Thần Lực thứ 21 gọi năng lực này là năng lực Phật.

Trong pháp giới Nhất Chân này, tất cả là Phật, không có cái gì ngoài Phật, không có một năng lực nào không là thần lực Phật, nên chạm vào chỗ nào cũng là chạm vào cái “đều đã thành Phật đạo”, chạm vào Phật. Thế nên không chỉ những cửa pháp như sáu Ba-la-mật, cúng dường, xây tháp, ca ngâm… mà những cử chỉ nhỏ nhặt nhất, ít ý thức nhất hướng đến Phật cũng đều tiếp xúc, tương ưng với pháp giới Phật.

Tu hànhtìm hiểu được rằng mọi hành vi, cử chỉ, tâm ý bình thường của chúng ta với một lòng hướng về Phật thì đều là những Phật sự. Và những hành vi dù nhỏ nhặt của thân, khẩu, tâm ấy thì đều chạm đến pháp giới Phật và đều “đã trở thành Phật đạo”.   

 

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 244












Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/09/2014(Xem: 28006)
31/10/2015(Xem: 15163)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.