Bồ-tát Long Thọ và tên ăn trộm

30/11/20203:39 CH(Xem: 9255)
Bồ-tát Long Thọ và tên ăn trộm

BỒ-TÁT LONG THỌ VÀ TÊN ĂN TRỘM
Chân Hiền Tâm

 

bo tat long-tho-nagarjuna-
Ảnh minh họa: Bồ Tát Long Thọ

Long Thọ (Nagarjuna), là một trong tám muôn bốn Đại thành tựu giảẤn độ vào khoảng thế kỷ thứ IX[1]
Ngài là một khất sĩ "trần trụi" và được yêu mến bởi tất cả những người cầu đạo chân chính.
Hoàng hậu cũng quý kính Long Thọ hết mực. Ngày nọ, bà thỉnh cầu ngài vào cung. Long Thọ đến. Hoàng hậu xin ngài một đặc ân.
Long Thọ nói:
- Hoàng hậu muốn gì?
Bà nói:
- Ta muốn cái bát khất thực của ngài.
Long Thọ đưa bát cho hoàng hậu. Đó là vật duy nhất ngài có. Cái bát khất thực. Rồi hoàng hậu đưa cho Long Thọ  một cái bát bằng vàng nạm kim cương.

- Bây giờ ngài hãy giữ cái bát này. Ta sẽ thờ cái bát khất thực mà ngài đã mang theo bao lâu nay. Nó có năng lượng gia trì của ngài. Giờ nó trở thành đền đài của ta. Một người như ngài không nên dùng cái bát khất thực bằng gỗ tầm thường. Hãy giữ cái bát bằng vàng này. Ta đặc biệt làm nó tặng ngài.

Cái bát thực sự rất quý giá. Nếu Long Thọ là một hành giả tâm linh bình thường, hẳn ngài đã nói "Ta không dùng nó. Ta đã từ bỏ thế tục". Nhưng đối với ngài, mọi thứ không khác gì nhau, nên ngài đã nhận chiếc bát vàng.

Khi ngài rời cung điện, một tên trộm nhìn thấy. Hắn không thể tin vào mắt mình. Một người trần trụi như ông ta mà  lại có thứ bảo vật quý giá như vậy? Ông ta có thể bảo vệ nó được bao lâu? Vậy là tên trộm đi theo ngài.

Long Thọ đang trú trong một ngôi đền cổ đổ nát ngoài thị trấn, không cửa đóng then cài. Nó chỉ là một đống đổ nát. Tên trộm vui mừng nghĩ "Chẳng bao lâu nữa ông ấy sẽ đi ngủ và mình sẽ chôm cái bát không mấy khó khăn".

Khi tên trộm đang nấp sau bức tường ngay bên ngoài cửa, Long Thọ ném cái bát ra. Hắn không thể tin được những gì đang xảy ra. Long Thọ ném nó đi vì ngài biết tên trộm đang theo mình. Ngài biết rõ hắn theo ngài không phải vì ngài mà vì cái bát. Vậy tại sao phải để hắn đợi. Giải quyết cho xong để hắn còn đi, mình con ngủ.

Tên trộm nghĩ “Một cái bát quý như vậy mà ông ta lại ném nó đi quá dễ dàng. Mình không thể đi mà không cám ơn một tiếng”. Hắn biết chắc cái bát được ném cho hắn.

Hắn nhìn vào và nói:

- Thưa ngài, xin hãy nhận lời cảm ơn của tôi. Ngài là một người hiếm có. Tôi không thể tin vào mắt mình. Và một ao ước to lớn đã phát sinh trong tôi. Tôi đang lãng phí đời mình khi làm một tên ăn trộm. Cũng có những người như ngài chăng? Tôi có thể bước vào và sờ chân ngài một chút được không?

Long Thọ cười và nói:

- Đó là lý do tại sao ta ném cái bát ra ngoài. Để anh có thể vào bên trong.

Tên trộm đã mắc bẫy.

Hắn bước vào, sờ bàn chân của Long Thọ. Ngay lúc ấy, hắn thấy lòng rộng mở và hoan hỉ. Hắn nhận ra con người này  không phải là người bình thường. Hắn khép nép, chân thành, biết ơn, thấy kỳ diệu và choáng váng. Khi chạm vào bàn chân của Long Thọ, lần đầu tiên trong đời hắn cảm nhận được sự hiện diện của đấng thiêng liêng.

Hắn hỏi Long Thọ:

- Phải mất bao nhiêu kiếp để tôi được như ngài?

Long Thọ nói:

- Bao nhiêu kiếp ư? Có thể ngay hôm nay và bây giờ!

Tên trộm nói:

- Ngài đùa chắc. Sao mà được? Tôi là một tên trộm, một tên trộm khét tiếng. Cả thị trấn đều biết tôi, mặc dù không thể bắt tôi. Ngay cả nhà vua cũng sợ. Tôi đã ba lần đột nhập hoàng cung ăn cắp kho báu. Họ biết mà không có bằng chứng. Tôi là một tên trộm bậc thầy. Ngài không biết tôi, vì ngài là người xa lạ với mấy chuyện này. Làm sao một kẻ như tôi lại có thể chuyển hóa ngay bây giờ?

Long Thọ nói:

- Trong một ngôi nhà cổ, bóng tối đã ngự trị ở đó trong nhiều thế kỷ và anh mang đến một ngọn nến. Liệu bóng tối có nói với anh là "Ta đã ở đây hàng ngàn thế kỷ. Ta không thể biến mất chỉ vì anh đã mang đến một ngọn nến. Ta đã sống rất lâu ở đây”? Bóng tối có năng lực phản kháng không? Có khác biệt gì giữa bóng tối một ngày và bóng tối một triệu năm?

Tên trộm nhận ra vấn đề. Bóng tối không thể chống lại ánh sáng. Khi ánh sáng đến, bóng tối bị xua tan.

Long Thọ nói:

- Anh có thể ở trong bóng tối hàng triệu kiếp. Điều đó không quan trọng. Nhưng ta có thể cho anh một bí mật. Anh có thể thắp sáng một ngọn nến trong chính con người anh.

Tên trộm nói:

- Còn nghề của tôi? Tôi có phải từ bỏ nó không?

Long Thọ nói:

- Việc đó phải tự do anh quyết định. Ta không quan tâm anh là ai, làm nghề gì. Ta chỉ có thể cho anh một bí quyết thắp sáng ngọn nến trong con người anh, và sau đó mọi việc đều tùy thuộc vào anh.

Tên trộm nói:

- Nhưng bất cứ khi nào tôi đến hỏi các bậc thánh thiêng, họ đều bảo phải ngừng ngay việc ăn trộm, sau mới có thể khai thị cho tôi.

Long Thọ cười và nói:

- Phải đến hỏi mấy tên anh trộm ấy, đừng hỏi mấy ông thánh kia. Họ không biết gì đâu. Anh chỉ cần theo dõi hơi thở của mình. Một phương pháp cổ xưa của Đức Phật. Anh chỉ cần quan sát hơi thở vào, hơi thở ra. Bất cứ khi nào anh nhớ, hãy quan sát hơi thở của mình. Ngay cả khi đi ăn trộm, khi anh đột nhập nhà người trong đêm, hãy tiếp tục theo dõi hơi thở của mình. Khi mở rương báu, thấy kim cương lấp lánh trong đó, cứ tiếp tục theo dõi hơi thở của mình. Muốn làm gì làm, nhưng đừng quên theo dõi hơi thở.

Tên trộm nói:

- Nghe có vẻ đơn giản. Không cần đạo đức, không cần nhân cách, không đòi hỏi gì khác ư?

Long Thọ nói:

- Hoàn toàn không. Chỉ cần dõi theo hơi thở.

Sau mười lăm ngày, tên trộm quay lại. Hắn giờ là một người hoàn toàn khác.

Hắn quỳ mọp dưới chân ngài và nói:

- Ngài đã bẫy tôi. Ngài bẫy khéo đến nỗi tôi không mảy may nghi ngờ. Trong mười lăm ngày qua, tôi đã cố gắng, nhưng không thể. Nếu theo dõi hơi thở, tôi không thể ăn trộm. Nếu ăn trộm, tôi không thể theo dõi hơi thở. Khi theo dõi hơi thở, tôi thấy mình rất lặng yên, tỏ tườngtỉnh giác đến mức ngay cả những viên kim cương khi đó cũng không khác sỏi đá. Ngài đã tạo ra cho tôi một tình trạng khó khăn, một tình thế khó xử, tiến thoái lưỡng nan. Giờ tôi phải làm sao?

Long Thọ nói:

- Cứ lạc trôi đi, cứ làm bất cứ điều gì mình muốn. Nếu vẫn muốn sự tĩnh lặng, sự an bình, sự hỷ lạc, vốn khởi sinh trong anh khi anh theo dõi hơi thở của mình, thì hãy chọn nó. Nếu anh nghĩ rằng tất cả kim cươngvàng bạcgiá trị hơn thì chọn vàng bạc kim cương. Cái đó là do anh chọn. Ta là ai mà bàn tính cho cuộc đời anh?

Gã trộm nói:

- Tôi không thể để mình chọn sự si mê không tỉnh giác một lần nữa. Tôi chưa bao giờ được trải qua những khoảnh khắc như vậy. Xin ngài hãy nhận tôi làm đệ tử. Xin hãy điểm đạo khai mở cho tôi.

Long Thọ nói:

- Ta đã điểm đạo khai mở cho anh rồi.

Con đường tâm linh cao thượng không dựa trên đạo đứcdựa trên thiền định. Con đường tâm linh đó không bắt nguồn từ những nguyên tắc mà từ tâm.

Nói đến Long Thọ là nói đến Trung luận. Bộ luận nổi tiếng nhấn mạnh đến Trung đạo. Mở đầu bằng bài kệ với tám chữ không (bất). Không sinh cũng không diệt/ Không thường cũng không đoạn/ Không đến cũng không đi/ Không một cũng không khác. Không sinh, vì không phải là sinh khởi của phàm phu. Không diệt, vì không phải là tịch diệt của Nhị thừa. Lìa hai biên ấy chính là Trung đạo. Toàn bộ giáo lý ấy thấm đượm mọi hành vi của Long Thọ. Trần trụi, mà không chấp trước. Bởi trần trụi ấy không bắt nguồn từ sự tịch diệt của Nhị thừa mà là hiện thân của tánh Phật, là “tướng không” nói trong kinh Bát-nhã, là “Phi tất cả mà tức tất cả” nói trong kinh Lăng Nghiêm. Không trụ mé này mà cũng chẳng trụ mé kia. Chỉ là tùy duyên hiện tướng. Vì là hiện tướng của tánh không, không qua lớp bọc vô minh, nên mọi hiện tướng đều không lìa cái gọi là bất nhị.

Không thủ cũng không xả

Khi hoàng hậu tặng bát vàng, lấy bát gỗ, Long Thọ không phản kháng. Chẳng phải tu rồi, nhất quyết chỉ dùng bát gỗ. Cũng không phải dùng bát gỗ quen rồi, giờ dùng bát vàng lại thấy không quen. Không. Dụng pháp mà không chấp trước.  Đủ duyên thì dùng bát gỗ. Hết duyên bát gỗ, tới duyên bát vàng thì dùng bát vàng. Bạch Ấn cùng hơi hướm này. Đủ duyên, nhận trẻ xin sữa về nuôi. Hết duyên, trả trẻ, tiếp tục đường xưa, trước sau vẫn hai chữ thế à.    

Tuy vậy, nhận ra tham dục vẫn là tập nghiệp của mình, chỉ dùng bát gỗ không nhận bát vàng, vẫn là Trung đạo. Chẳng phải “không thủ không xả” mới là Trung đạo. Bởi tánh các pháp là không, tùy duyên hiện tướng. Tùy duyên hiện tướng nên biết tánh các pháp là không. Tùy duyên, dụng cho đúng pháp, lợi mình, lợi người, chẳng chấp Trung đạo, hết bệnh thuốc buông, vẫn là Trung đạo. Cho nên, Trung luận mở đầu bằng bát bất, nhưng trên cửa phương tiện thì chấp đâu phá đó. Chấp tam tướng thì phá tam tướng, chấp Niết-bàn thì phá Niết-bàn, chấp Tứ đế thì phá Tứ đế v.v… 

Khi truyền pháp cho người, vẫn không ra ngoài Trung đạo. Chẳng nói bỏ nghề, chỉ nói thắp sáng ngọn nến phá trừ tăm tối. Tổ Đạt-ma, cũng dụng pháp này cho người có đủ căn tánh thượng thừa. Nếu thấy tự tâm là Phật, không cần vào chùa cạo đầu, cư sĩ cũng vẫn là Phật. Cư sĩ đã có vợ con, dâm dục không dứt, làm sao có thể thành Phật? Chỉ nói thấy tánh, không nói dâm dục. Nếu đã thấy tánh, dâm dục xưa nay nó vốn không tịch. Không nhờ đoạn trừ cũng không còn ưa thích. Vì sao? Vì bản tính nó vốn thanh tịnh[2]. Dâm dục, một thứ có cái thứ hai như nó, Phật bảo thật khó tu hành. Vậy mà chỉ nói thấy tánh, chẳng nói trừ bỏ. Huống là trộm cắp, vẫn có đường lui dễ dàng.

Long Thọ, chẳng nói trừ bỏ cũng chẳng nói thấy tánh, chỉ lập một pháp Quán thân trong Tứ niệm xứ, chỉ bày đốn trừ tham dục ở tâm. Nghiệp thân theo đó mà dừng. Trộm cắp nhất quyết sẽ ngưng.

Không phải chỉ có kiếp này

Tên trộm chẳng phải là kẻ tầm thường. Phàm phu thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào, không việc còn có lúc quên. Có người, nhắc tới nhắc lui bao bận, một việc đơn giản như thế làm vẫn không rồi, thở ra thở vào tà tà lúc làm lúc không, không phải là thứ thiết yếu như việc kiếm tiền, làm đẹp, ngoại giao, bè bạn. Vậy mà hai tuần hắn đã nhận ra. Theo hơi thở thì không thể trộm. Nếu ăn trộm thì không thể theo hơi thở. Cho thấy tên trộm phản quan rất tốt. Quan trọng là khi thở ra, kim cương không còn quan trọng, thở vào mọi thứ đều như sỏi đá. Chỉ có chánh niệm, tỉnh giác. Hắn thấy yên lắng, thanh bình, tỏ tường mọi việc. Một thứ không bao giờ có với nghề ăn trộm. Một nghề đu đưa thiên hạ trong những hồi hộp, lo âu v.v. Tham dục không thể đặt người trong sự lặng an, tỉnh táo, sáng suốt, chỉ có xáo động, nặng nề, mờ mịt.

Việc nhận ra thần tốc đó, cho thấy tập khí quán thân của hắn huân tập sâu dày hơn nghề ăn trộm.

Hắn, chẳng phải mới nhận Long Thọ làm thầy trong một kiếp này. Phu nhân Thắng Man, khi nghe nhắc đến Như Lai, tâm sinh vui mừng tột bực. Khi được gặp Phật, tâm càng quý kính. Chỉ muốn nương lực thiện căn sẵn có của mình, mong  nguyện Như Lai đời đời nhiếp thọ. Là do “Ta xưa cầu Bồ-đề/ Từng khai thị cho bà/ Nay bà gặp lại ta/ Đời sau cũng như vậy”. Tên trộm, sờ bàn chân của Long Thọ, hắn thấy lòng rộng mở và hoan hỉ. Hắn khép nép, chân thành, biết ơn, thấy kỳ diệu và choáng váng. Khi chạm vào bàn chân của Long Thọ, lần đầu tiên hắn cảm nhận được sự hiện diện của đấng thiêng liêng. Bồ-tát ra đời cách ấm còn mê. Thân tướng đổi khác khiến người không nhận ra nhau. Chỉ những gì từng lưu giữ trong tạng thức, mới giúp người tìm lại nhau, thông qua những cảm xúc người đã lưu giữ.

Duyên đủ đầy, mọi thứ thành tương thuận 

Cái bát gỗ chẳng thể là phương tiện dùng độ tên ăn trộm. Phải là cái bát vàng. Giúp thầy trò có cơ hội gần nhau. Chủng tu tập ngày xưa được khơi dậy nhanh chóng. Nghiệp xấu cũng buông bỏ dễ dàng.

Thánh nhân, chẳng phải tu rồi, tác ý mọi thứ phải theo ý mình. Người xưa nói “Tùy duyên tiêu nghiệp cũ” ắt phải có nguyên nhân. Tùy duyên là duyên thế nào cứ theo thế ấy mà sống. Chỉ một tâm thanh tịnhbất biến. Chẳng nói thiện, chẳng nói ác mà tất cả không ngoài thiện nghiệp. Hiện tướng nếu là ác nghiệp, rốt sau vẫn là lợi ích cho người. Cho nên, tùy duyên tiêu nghiệp cũ chẳng phải là hoạt vi của kẻ tập nghiệp còn dày, tùy duyên chỉ là theo nghiệp mà đi.

Phàm phu ngụp lặn trong biển nhân duyên mà luôn nghĩ mình là chủ nhân ông tạo tác tất cả, thành công là do mình giỏi, mình tài v.v. Thánh nhân nhận ra, có nhân đủ duyên thì có quả. Nhân này nối tiếp quả kia tạo thành dòng đời bất tận, chẳng có chủ nhân, cũng chẳng phải chẳng có chủ nhân. Chẳng có chủ nhân, bởi nhân đã có, đủ duyên liền cho ra quả, con người là kẻ thừa tự những gì mình từng gây tạo. Thiện nghiệp, ác nghiệp chính là đầu mối quyết định mọi thứ. Hạnh phúc, bất hạnh đều từ nơi ấy mà ra. Chẳng phải chẳng có chủ nhân, bởi con người vẫn còn được ít năng lực đối với hành vi của mình trong dòng chuyển biến nhân duyên. Nhẫn chịu, dừng lại hay cứ buông trôi theo dòng nhân duyên mình đã gây tạo.

Long Thọ, tùy duyên thọ nhận các pháp. Pháp nào cũng thành lợi ích cho người. Vật tầm thường, lợi ích cho kẻ giàu sang. Vật giàu sang, lợi ích cho kẻ tầm thường. Pháp nào qua tay cũng thành diệu dụng, do tâm không còn chấp trước. Thuận nhân thuận duyên mà làm lợi ích cho người.

Trí tuệđịnh lực không lệ thuộc vào thân tướng bên ngoài

Một tên trộm không phải là kẻ có học thức. Lục tổ chỉ là người đốn củi ven rừng. Không ai có bằng cấp học vị, cũng không ai có danh xưng cao cả. Nhưng cả hai đều nhận pháp và thực hành rất nhanh. Điều đó cho thấy việc tiếp nhận Phật pháp không lệ thuộc vào địa vị, thân tướng hay danh xưng mỗi người đang có. Nó lệ thuộc vào những gì mỗi người từng huân tập trong quá khứ. Thứ gì được huân tập mạnh, thứ đó sẽ bộc phát nhanh khi đủ duyên, không phân biệt đó là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Tuy thiện nghiệp khác ác nghiệp, nhưng lực hiện khởi khi đủ duyên dựa vào sự huân tập mạnh hay yếu thì bình đẳng.

Sutasoma và Brahmadatta là hai vương tử của nước Câu-lâu và Ba-la-nại[3]. Theo lệ, trước khi trở thành quốc vương, tất cả đều được gởi đến học pháp ở một vị danh sư. Suta, chẳng bao lâu đạt đến tài năng giảng dạy và trở thành thầy riêng của Brahma. Suta tiên đoán đại nạn sẽ xảy đến với Brahma trong tương lai, nên trước khi chia tay, Suta dặn dò “Vào những ngày trăng non và trăng tròn”, phải giữ giới Bồ-tát và không được sát sinh. Các vương tử đều đồng ý tuân theo lời dặn.

Vua Brahma chưa bao giờ ăn cơm mà không có thịt, vì thế để giữ ngày trai giới, quần hầu thường lấy thịt cất riêng một nơi. Do người đầu bếp bất cẩn, bầy chó của hoàng cung ăn hết. Sau đó, người đầu bếp không thể tìm ra thịt, nên phải lấy đỡ miếng thịt đùi của một tử tù, nướng thật chín và dọn làm thức ăn.

Khi lát thịt vừa chạm vào đầu lưỡi, toàn thân Brahma rúng động. Là do tiền kiếp, vua đã từng là quỷ Dạ-xoa ăn thịt người. Ăn thịt người đã thành tập nghiệp ẩn sâu trong tàng thức của Brahma. Giờ đủ duyên, tập ấy bùng phát. Vua quên hết những gì đã được học, mê mải theo món thịt người, quên luôn lời dặn của Suta là không được sát sinh ...

Thiện nghiệp hay ác nghiệp, một khi được huân tập mạnh, đủ duyên đều bộc phát theo kiểu như thế. 

Long Thọ không quan tâm đến thân tướnghành vi của tên ăn trộm. Ông nhìn thấy ngọn nến có sẵn trong hắn. Chỉ cần cho hắn một phương tiện từng huân tập mạnh, ngọn nến sẽ bùng cháy và sua tan bóng tối. Mọi thứ sẽ hiện hình như cũ. Những gì mới huân tâp nhất định sẽ lui. Thực tế là, ngọn nến được thắp lên và bóng tối tan đi, không cần phải ngăn cấm bóng tối.    

Một pháp thở kỳ diệu         

“Chỉ cần quán sát hơi thở…”, là pháp Quán thân trong Tứ niệm xứ được dạy trong kinh Trung bộ. Nguyên văn bài kinh như vầy: “Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô. Tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài". Thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn". Thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Bài kinh này dạy cho Tỷ-kheo, tuy vậy ai có khả năng đều có thể nương đó tu tập. Yêu cầu để pháp tu đạt được kết quả tốt, là cảnh yên, thân trang nghiêm và tâm tĩnh giác, nên nói rừng, nhà trống, ngồi kiết-già lưng thẳng, đương nhiên có thể ngồi bán già, theo thế Nhật Bản v.v…, và an trú trong chánh niệm. Pháp Quán tâm ghi chi tiết rất rõ ràng. Còn hiểu tổng quát thì hơi thở ra vô thế nào, thấy đúng y thế ấy. Đang thở vô, biết đang thở vô. Đang thở ra, biết đang thở ra. Biết, chỉ có một đối tượng duy nhấthơi thở, không để vọng tưởng xen vào, cũng không chuyển cái biết ấy qua đối tượng khác. Mục đích của pháp tu này, là giúp tâm ghi nhận pháp đúng như chúng đang là, không bị vọng tưởng chi phối. Cũng là giúp giữ tâm trong giây phút hiện tại, không trượt dài về quá khứ hay vị lai.

Phép Quán đó, giúp dừng bớt lực khởi của dòng vọng tưởng. Có màu sắc của Chỉ trong đó, nên nó là nhân đưa đến Định. Có màu sắc của Quán trong đó, nên nó là nhân đưa đến Tuệ.        

Pháp tu này được Đại sư Trí Khải đời Tùy, phương tiện thành pháp Sổ tức và Tùy tức trong Lục diệu pháp môn. Lập thêm pháp Sổ tức, vì chúng sinh có khi không thể một bước vào thẳng phép Quán hơi thở như Đức Phật đã dạy, phải mượn thêm việc đếm số để giữ tâm tĩnh giác. Pháp đó được diễn giải như sau: “Hành giả điều hòa hơi thở không mạnh không gấp, yên ổn, thong thả, đếm từ một đến mười, nhiếp tâm tại số, không cho rong ruổi, gọi là tu Sổ tức”. Hơi thở không mạnh thì thân tâm không nhọc, an ổn. Hơi thở không gấp thì thân tâm thong thả, nhẹ nhàng. Đếm từ một đến mười, là hít vào thở ra đếm một, hít vào thở ra đếm hai v.v… Đến mười, bắt đầu đếm lại. Gắt hơn thì hít vào đếm một, thở ra đếm hai, hít vào đếm một... phần này dành cho người vọng tưởng nhiều. Thuần thục không nhầm lẫn là thành tựu pháp Sổ tức. Nhưng thường thì lúc đầu, vọng tưởng chen ngang khiến mọi thứ thành lộn lạo. Lộn, thì đếm lại từ đầu. Cho đến khi “Hành giả biết tâm vận chuyển tự nhiên từ một đến mười, không cần gia công, tâm trụ duyên nơi hơi thở, biết hơi thở rỗng nhẹ, tướng tâm lần lần tế nhị, Ngại hơi thở là thô, không muốn đếm nữa, khi ấy hành giả nên bỏ Sổ tức tu Tùy tức”. Đại sư gọi tình trạng đó là chứng Sổ tức.

Chứng, vì việc đếm đó trở thành tự nhiên với hành giả tu thiền, không cần tác ý mà số đếm vẫn không lộn, hơi thở ra vào nhẹ nhàng. Song đến đây không phải là hết việc. Chỉ là điềm báo đến lúc chuyển pháp, nên nói ngại hơi thở là thô, không muốn đếm nữa. Như lớp học ồn náo, cần một tiếng đập bàn của giáo viên để ổn định tiếng ồn. Khi tiếng ồn đã ngưng thì pháp đập bàn cũng ngưng. Không, nó sẽ trở thành tiếng ồn. Ngưng Sổ tức chuyển hành Tùy tức. Vẫn như những gì đã thực hiện trong Sổ tức, nhưng bỏ việc đếm số, chỉ theo hơi thở ra vào, như pháp Quán thân đã dạy. Lục Diệu Pháp Môn diễn tả tu Tùy tức như sau “Xả pháp đếm hơi thở trước. Nhất tâm nương theo hơi thở ra vào. Nhiếp tâm duyên hơi thở. Biết hơi thở ra vào tâm. Tâm trụ dứt các duyên. Ý không phân tán, gọi là tu Tùy tức”. Nhiếp tâm, trụ dứt các duyên là yêu cầu thiết yếu đối với hành giả tu Tùy tức. Không đếm số nhưng vẫn tĩnh giác, thấy hơi thở ra vô rõ ràng, vọng tưởng có khởi thì tỉnh giác không theo, chỉ một mực theo hơi thở ra vào mà thôi.

Chứng Tùy tức thì “Tâm đã vi tế, an tịnh, không loạn, biết hơi thở ngắn, dài, ra, vào khắp thân. Tâm và hơi thở nương nhau vận động một cách tự nhiên. Ý nghĩ lóng đứng, lặng lẽ. Biết theo hơi thở là thô, tâm chán muốn bỏ, như người mệt nhọc muốn ngủ, không ưa làm các việc, khi ấy hành giả nên xả Tùy tức, tu Chỉ”.

Tên trộm đã chứng Tùy tức trong vòng mười lăm ngày, tâm không còn dính mắc với kim cương, vàng bạc. Chỉ một trời bình yên và tĩnh giác. Cớ gì không dùng cái có sẵn, vừa tốt hơn gấp bội, thay vì theo đuổi những thứ vô bổ? Hắn tỉnh giác buông bỏ. Thế là Long Thọ nhận lại đệ tử. Thế gian thêm một kẻ “trần trụi”. Để thiện nghiệp của nhân sinh thêm phong phú, khổ đau không còn chỗ đứng ở thế gian này. Ta-bà hiện lại Hoa Nghiêm của chư Phật.   

 

 


[1] Nguồn : Penchen spiritual journey/ Inspirational stories. Bản dịch của Từ Mãn Nguyện.  

[2] Sáu cửa vào động thiếu thất. Phẩm Ngộ tánh luận. Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Bản dịch HT Thích Thanh Từ.

[3] Tiểu bộ kinh tập IX, phẩm Đại sư Sutasoma (Chuyện tiền thân của Đức Phật).

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 189050)
01/04/2012(Xem: 34549)
08/11/2018(Xem: 13440)
08/02/2015(Xem: 51658)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.