THỜI GIAN
Nguyễn Thế Đăng
Thời gian là một hiện tượng bí ẩn nhất và cũng là sít sao nhất với cuộc sống mỗi người. Và liệu có cách nào để thoát khỏi thời gian của đời người đang trôi về cái chết? Chính vì câu hỏi này mà có con đường thực hành của Phật giáo để thực chứng lời nói của Đức Phật:
“Cửa Vô sanh Bất diệt đã rộng mở cho chúng sanh
Hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”.
Chương Quán Thời Gian trong Trung Luận của Bồ tát Long Thọ chỉ có 6 câu bắt đầu bằng:
1. Nếu nhân thời quá khứ
Mà có hiện tại và vị lai
Thì hiện tại và vị lai
Phải có trong thời quá khứ.
Nếu nhân có thời quá khứ nên có thời hiện tại và vị lai, thì thời hiện tại và vị lai đã phải có trong thời quá khứ. Thời hiện tại vị lai đã có trong thời quá khứ thì đó là thời quá khứ, đâu cần phải gọi là hiện tại và vị lai? Thời hiện tại phải dựa vào thời quá khứ mới có, mới có thể đặt tên, và thời quá khứ cũng phải dựa vào thời hiện tại để có, để có thể đặt tên. Sự phân biệt giữa thời hiện tại và thời quá khứ phải nương dựa vào nhau. Dựa vào nhau mới hiện hữu, mới có tên nên không có hiện hữu tự mình, nội tại; hiện hữu ấy là duyên sanh, nương nhau mà có, không có tự tánh, vô tự tánh. Vô tự tánh tức là tánh Không, mà giả danh là một mặt của tánh Không.
Nhưng đây không phải là một quá trình lý luận biện chứng, vì có lý luận biện chứng cao cấp đến đâu cũng không thể vượt khỏi ý thức. Mà ý thức thì luôn luôn bị vây bọc trong bốn câu (tứ cú): có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không. Mỗi chương của Trung Luận đều nói về Quán (pariksa), thế nên mỗi câu cần đặt dưới ánh sáng của thiền định (chỉ) và thiền quán (quán), như thế thì mới có thể vượt khỏi ý thức để nghĩa của tánh Không bật ra, hiển hiện.
Cái gọi là hiện tại là cái gì?
2. Nếu trong thời quá khứ
Không có hiện tại vị lai
Thì tại sao nói hiện tại vị lai
Nhân quá khứ mà có.
Hiện tại không có trong thời quá khứ, cũng không nhân vào, không dựa vào thời quá khứ. Tương tự, hiện tại không có trong thời vị lai và cũng không nhân vào, không dựa vào thời vị lai. Hiện tại không trụ ở thời quá khứ, không trụ ở thời vị lai. Hiện tại không trụ ở đâu cả, hiện tại là không chỗ trụ, nên hiện tại là không có, là tánh Không.
3. Chẳng nhân thời quá khứ
Ắt không có thời vị lai
Cũng không có thời hiện tại
Thế nên không có thời hiện tại, vị lai.
Một sự vật phải nhân vào, nương vào ít nhất một sự vật khác để hiện hữu. Thời hiện tại phải nương vào thời quá khứ để hiện hữu. Nhưng thời hiện tại không nhân vào thời quá khứ thì thời hiện tại cũng không hiện hữu.
Thời hiện tại và vị lai không nhân thời quá khứ mà có, hai thời ấy không nhân vào đâu cả, hai thời ấy không có chỗ trụ, nên không có ở đâu cả (vô sở hữu).
4. Thế nên do vì nghĩa ấy
Mà biết được hai thời kia
Cao, giữa, thấp, một, khác
Các pháp ấy đều không có.
Do nghĩa muốn có thời hiện tại và vị lai thì hai thời này phải nhân vào thời quá khứ, nhưng sự nhân vào thời quá khứ này đã bị bác bỏ, nên không có thời hiện tại và vị lai.
Tóm lại sự phân chia, phân biệt ra ba thời là không đúng thật, ba thời chỉ là “giả danh” (chữ của ngài Long Thọ). Sở dĩ như vậy vì người bình thường chỉ sống trong thức phân biệt, cái này cao cái này thấp, cái này trước cái kia sau, cái này khác cái kia… Thêm vào sự phân biệt của ý thức lại có thêm mùi vị của cảm xúc, vui buồn, sướng khổ, vinh nhục…, rồi làm mạnh thêm sự phân biệt chủ quan ấy bằng những danh từ, động từ, tính từ… Tất cả tạo thành cuộc đời mà thường được gọi là sanh tử, một cuộc đời sanh tử nếu xét cho cùng chỉ có trong sự phân biệt không thật.
Những lý luận biện chứng của Trung Luận để người ta thấy ra sự thật: những sự vật và sự việc đều nương vào nhau mà có, không cái nào độc lập, hiện hữu tự mình và do mình. Chúng đều nương vào tất cả những cái khác mà có. Chẳng hạn thấy một sự vật trước mắt phải có ít nhất là con mắt, ánh sáng, đối tượng để thấy, ý thức biết phân biệt. Một sự vật phải nương vào mọi cái khác để hiện hữu, nó không có hiện hữu riêng, không có tự tánh để tự hiện hữu.
Đã thế nó chẳng có thể nhân vào, nương vào những cái khác, vì những cái khác cũng là không có tự tánh. Thiền quán sâu xa hơn nữa, chúng ta thấy trực tiếp tánh Không mà theo Kinh Đại Bát Nhã là không chỗ có (vô sở hữu), chẳng thể cầm nắm được (bất khả đắc), không có chỗ trụ ở (vô sở trụ).
Với chánh quán vô phân biệt như vậy, chúng ta sẽ đạt đến trí huệ thấy như thật, tức là thấy tánh Không của tất cả mọi sự. Khi ấy chúng ta sẽ giải thoát khỏi mọi mê mộng tạo ra sanh tử phân biệt không thật.
5. Thời yên trụ chẳng thể đắc
Thời đi qua cũng chẳng thể đắc
Nếu thời chẳng thể đắc
Làm sao nói có tướng thời?
Trực tiếp quán sát hình tướng của thời gian chúng ta thấy: không có thời gian yên trụ vì thời gian đi qua trong từng khoảnh khắc. Thời yên trụ chẳng thể đắc, chẳng thể có được.
Nhưng thời đi qua thì đi từ đâu và đi đến đâu khi thời hiện tại và vị lai không có (câu 3) và thời quá khứ không có để mà nhân vào, nương vào (câu 1, 2, 3). Thời đi qua chẳng thể đắc, chẳng thể có được.
Tướng thời gian chỉ là một chân lý quy ước, tương đối (thế thế), thế mà lầm cho là chân lý tuyệt đối và tối hậu, đó là sai lầm trầm trọng, gây tai hại cho mình và người.
Thời quá khứ, hiện tại, vị lai là tánh Không, chỉ vì thức phân biệt cao thấp, trước sau, một khác mà tạo thành những thời gian phân mảnh, đó là sanh tử phiền não khổ đau.
Để thoát khỏi thức phân biệt phân mảnh giả tạo này, cần chánh quán thật tướng của mọi sự là tánh Không. Chánh quán ấy nếu thành tựu thì được gọi là Trí huệ Bát nhã.
6. Nhân vật nên có thời
Lìa vật sao có thời
Vật còn không chỗ có (vô sở hữu)
Huống gì có thời gian.
Ngay trong chương Quán Thời này, đã nói là “không có cao, giữa, thấp, một, khác” (câu 4), nghĩa là không có những vật phân mảnh, thế nên không có thời gian phân mảnh thành quá khứ, hiện tại, vị lai.
2/ Thật tướng của thời gian.
Khi bác bỏ các tướng phân mảnh của thời gian, đưa chúng về vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc, tức là tánh Không, Trung Luận không nói tánh Không là không có gì cả, là một chủ nghĩa hư vô hoàn toàn. Trung Luận nói nhiều đến thật tướng của các pháp, Niết bàn, chư Phật. Chẳng hạn, chương XVIII Quán Pháp, câu 7:
7. Thực tướng của các pháp
Tâm hành ngôn ngữ dứt
Không sanh cũng không diệt
Tịch diệt như Niết bàn.
Niết bàn là sự thoát khỏi thời gian phân mảnh của sanh tử. Niết bàn là không có thời gian, đây là giải thoát. Vậy tìm kiếm Niết bàn không có thời gian này ở đâu?
10. Chẳng lìa ngoài sanh tử
Mà có riêng Niết bàn
Nghĩa thật tướng như vậy
Sao còn có phân biệt?
Quán Trói - Mở. XVI
‘Thật tướng không có thời gian’ không lìa ngoài thời gian tạo thành sanh tử, bởi vì bản tánh của thời gian là tánh Không, là thật tướng không có thời gian. Bằng sự quán chiếu liên tục tính vô tự tánh, vô sở hữu của thời gian, người ta sẽ thấy ra, nhận biết ‘thật tướng không có thời gian’ của thời gian.
Chương XXV Quán Niết bàn nói Niết bàn và sanh tử không phân biệt, không có khác biệt.
19. Niết bàn và thế gian
Không có chút phân biệt
Thế gian và Niết bàn
Cũng không chút phân biệt.
20. Bờ mé thật (thật tế) của Niết bàn
Và bờ mé thật của thế gian
Hai bờ mé như vậy
Không mảy may sai khác.
Như thế Niết bàn ở khắp cả trong sanh tử, trong không gian và thời gian của bất cứ chúng sanh nào, nên cái không có thời gian ở khắp trong mọi thời gian của sanh tử. Cái không phân biệt ở khắp trong mọi phân biệt tạo ra thời gian. Cái không có thời gian và mọi thời gian phân mảnh, cái không phân biệt và mọi phân biệt đều “không mảy may sai khác”. Cái không có thời gian phải được tìm thấy ngay trong thời gian, cái không phân biệt phải được tìm thấy ngay trong mọi phân biệt, khi ta tìm thấy thật tướng tánh Không của chúng. Niết bàn phải được tìm thấy ngay trong sanh tử, vì Niết bàn chính là tánh Không của sanh tử.
Thật tướng của thời gian là một vị tánh Không, một vị không có thời gian, một vị Niết bàn. Hoặc dùng ngôn ngữ của văn hóa Tây phương, một vị “Hiện tại vĩnh cửu”.
- Từ khóa :
- thời gian