VÔ TỰ TÁNH VÀ ĐẠI BI
Nguyễn Thế Đăng
1/ Sự không có lõi cứng của mình, người và thế giới
Trong năm bộ Nikaya của hệ Pali, Đức Phật thường nói đến sự “không có lõi cứng” của các hiện tượng, từ thân tâm, cho đến thế giới và chúng sanh.
Kinh Bọt Nước, Phẩm Hoa, Tập III Thiên Uẩn, Kinh Tương Ưng Bộ I, nói:
“Có người mắt nhìn chuyên chú như lý quán sát đống bọt nước, nó hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng.
Cũng vậy, này các Tỳ kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, thô hay tế, yếu hay mạnh, xa hay gần, vị Tỳ kheo thấy sắc, nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, rỗng không, không có lõi cứng. Này các Tỳ kheo, làm sao mà lại có lõi cứng trong sắc được?”.
Cũng với cách nói như vậy, kinh nói “thọ như những bong bóng nước do các giọt mưa làm hiện ra rồi tan biến, tưởng như ráng mặt trời, hành như các bẹ chuối, lột hết thì không có lõi ở đâu cả; thức như nhà ảo thuật làm xuất hiện các thứ, nhưng các xuất hiện ấy là trống không, trống rỗng, không có lõi cứng”.
Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức của thân tâm mỗi người, và như vậy, của tất cả chúng sanh, khi “như lý quán sát” thì đều không có lõi cứng, trống không, rỗng không. Không có lõi cứng, trống không, điều này hệ Sanskrit các bộ kinh Bát nhã ba la mật đa gọi là “không có tự tánh, vô tự tánh, Không, như huyễn”.
Phẩm Rắn Uragavagga, Kinh Tập, Kinh Tiểu Bộ I, nói:
5. Ai trong các sanh hữu
Không tìm thấy lõi cây
Như kẻ đi hái hoa
Trên cây sung không hoa.
Tỳ kheo ấy từ bỏ
Bờ này và bờ kia
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ, già xưa.
9. Ai không đi quá trớn
Cũng không quá chậm trễ
Biết rõ được ở đời
Sự này toàn hư vọng
Tỳ kheo ấy từ bỏ
Bờ này và bờ kia
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ, già xưa.
“Như lý quán sát”, “biết rõ được ở đời” là trí huệ nhìn thấy sự thực của tất cả mọi hình tướng xuất hiện là “không có lõi cứng, rỗng không, hư vọng, như huyễn thuật”. Và do đó sự từ bỏ là điều tự nhiên, “từ bỏ cả bờ này và bờ kia”.
Sự không có lõi cứng, vô tự tánh, tánh Không của các giác quan và các đối tượng của chúng, của thân tâm và thế giới được nói trong kinh Duy Ma Cật như sau:
“Khi khất thực, nên trụ trong sự bình đẳng của tất cả các pháp, khất thực với sự quan tâm đến tất cả chúng sanh trong mọi lúc. Vì không ăn mới nên đi khất thực vậy. Vì hoại tướng hòa hiệp mới nên cầm lấy miếng thức ăn vậy. Vì chẳng thọ mới nên thọ đồ ăn ấy. Vì tưởng làng xóm trống không mà vào nơi làng xóm. Có thấy sắc cũng như mù, có nghe tiếng cũng như vang, có ngửi mùi cũng như gió, vị món ăn chẳng phân biệt. Cảm thọ các xúc như trí chứng (tánh Không). Biết các pháp, các hiện tượng là tướng như huyễn, không tự tánh, không tha tánh, xưa vốn chẳng cháy, nay cũng chẳng tắt” (Phẩm Đệ tử).
Thân tâm, thế giới, chúng sanh là như huyễn, như mộng:
“Tất cả các pháp sanh diệt chẳng trụ, như huyễn, như chớp. Các pháp chẳng đợi nhau, cho đến một niệm cũng chẳng dừng. Các pháp đều là vọng thấy, như mộng, như dợn nắng, như trăng trong nước, như bóng trong gương, đều do vọng tưởng sanh. Người nào biết như vậy gọi là khéo hiểu” (Phẩm Đệ tử).
Con người sống với các chúng sanh khác và tạo thành gia đình, xã hội. Nhưng cũng chính vì sống với các chúng sanh khác mà có đủ thứ phiền não thương ghét, say mê, giận hờn, tranh chấp, hơn thua, xung đột, chiến tranh một mất một còn.
Nhưng “mắt nhìn chuyên chú, như lý quán sát, khéo hiểu” thì chúng sanh là thế nào?
“Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ngài Duy Ma Cật rằng: Bồ tát nhìn chúng sanh như thế nào?
Ngài Duy Ma Cật Đáp: Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn do mình biến hóa ra, Bồ tát thấy chúng sanh cũng như vậy. Như người trí thấy trăng trong nước. Như trong gương thấy mặt mình. Như ảo ảnh nơi hơi nóng. Như vang của tiếng. Như mây trong không. Như đống bọt nước. Như sự bền chắc của cây chuối. Như sự dừng lâu của tia chớp. Như đại thứ năm. Như uẩn thứ sáu. Như căn thứ bảy. Như nhập thứ mười ba. Như giới thứ mười chín. Bồ tát quán thấy chúng sanh cũng như vậy” (Phẩm Quán chúng sanh).
2/ Đại bi
Bồ tát cũng là một chúng sanh, một chúng sanh đi trên con đường giác ngộ (Bodhisattva). Trên con đường ấy Bồ tát dần dần thấy ra mọi sự và chúng sanh đều không có lõi cứng, vô tự tánh, thực chất là tánh Không. Nhưng vì con người không nhìn chuyên chú, như lý quán sát nên vọng thấy tất cả cuộc đời sanh tử, chia cắt mình và người, mình và thế giới để thành ra một cõi nhân gian đầy khổ đau, với tất cả mọi thứ phiền não.
Người ta vì không biết (vô minh), thấy lầm (vọng thấy) nên không biết mình đang tìm kiếm, tranh đoạt lẫn nhau những thứ “hư vọng, không có lõi cứng, như trăng trong nước…”. Vì như bọt nước mà tìm cách nắm giữ, như tia chớp mà trọn đời đuổi theo nắm bắt, như giành nhau vớt mặt trăng trong nước rồi đánh nhau giết nhau, như người huyễn do mình biến hóa ra mà tìm cách hơn thua, thương ghét… một cuộc đời vọng tưởng như vậy là vô vọng. Thấy đời người vô vọng, khổ đau một cách vô ích, như Bát Nhã Tâm Kinh nói là “điên đảo mộng tưởng”, nên nơi người thực hành Bồ tát đạo lòng bi tự nhiên khởi sanh.
Trí huệ thấy tánh Không khiến lòng bi khởi sanh là như vậy.
Bồ tát thấy chúng sanh mê lầm, không biết được sự thật “vô ngã và vô pháp”, ngã và pháp đều không có lõi cứng, vô tự tánh nên đại bi càng thêm rộng lớn. Chính nhờ đại bi này, Bồ tát không dừng lại giữa đường để nhập hoàn toàn vào tánh Không, tức là nhập Niết bàn, mà bỏ lại chúng sanh. Các kinh, như Hoa Nghiêm, Nhập Lăng Già… đều nói Bồ tát ở Địa thứ Tám có thể nhập Niết bàn theo ý muốn nhưng không làm vì không thể bỏ mặc chúng sanh, không bỏ đại nguyện đã phát từ khi khởi sự con đường.
Do đại bi, Bồ tát đi giữa sanh tử và Niết bàn, nghĩa là tâm không ở trong sanh tử mà cũng không trụ hẳn vào Niết bàn, cho đến lúc thành Phật để độ tất cả chúng sanh.
3/ Con đường Bồ tát
Bồ tát là người đã phát Bồ đề tâm. Bồ đề tâm gồm (1) nguyện đạt đến giác ngộ vô thượng (Trí huệ), (2) để độ thoát tất cả chúng sanh (Đại bi).
Đó là con đường trí huệ và đại bi hợp nhất. Trí huệ là thấy được bản tánh của mọi hiện tượng, kể cả hiện tượng chúng sanh, là tánh Không, như huyễn như mộng. Đồng thời, đại bi là không bỏ chúng sanh ở lại trong mê lầm và khổ đau.
Trí huệ tánh Không và đại bi cứu độ chúng sanh, nếu nhìn một cách cạn cợt thì như mâu thuẫn nhau, không thể hợp nhất. Nhưng con đường Bồ tát tìm cách hợp nhất hai yếu tố đó trong từng bước, cho đến khi gần cuối con đường, hai yếu tố ấy phát triển trọn vẹn và hợp nhất trọn vẹn.
Đại bi là không bỏ chúng sanh, ở trong thế giới của chúng sanh để giúp đỡ, cứu thoát họ. Để làm được đại nguyện đó, phải có trí huệ tánh Không làm tiêu tan các phiền não nhiễm ô của bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả để tự bảo vệ mình và làm việc cho người.
Đó là con đường hợp nhất trí huệ và đại bi, con đường Bồ tát.
- Từ khóa :
- Vô Tự Tánh
- ,
- đại bi