Thư Viện Hoa Sen

Kẻ Điên Rồ Và Người Sáng Suốt Trong Kinh Điển Phật Giáo | Hoang Phong

06/07/20254:20 SA(Xem: 289)
Kẻ Điên Rồ Và Người Sáng Suốt Trong Kinh Điển Phật Giáo | Hoang Phong

 KẺ ĐIÊN RỒ VÀ NGƯỜI SÁNG SUỐT  
TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO
Hoang Phong

 

 

thanissaro-bhikkhu
Thanissaro Bhikkhu

Chẳng khác gì ngày nay, ngay cả vào thời đại của Đức Phật trong châu thổ sông Hằng, cách nay hơn 25 thế kỷ, cũng đã từng có những kẻ điên rồ và những người sáng suốt. Sự tương phản giữa u mêsáng suốt, giữa hung bạo và yêu thương, giữa vơ vét và chia sẻ, không những là một sự tương phản giữa con người với nhau trong cộng đồng xã hội, mà còn là một trong các nguyên nhân chủ yếu mang lại thật nhiều đổ vỡ trong sự sinh hoạt của con người nói chung.

 

Gần đây trên mạng có ba bài viết mang tựa là Năm mươi năm, hạnh phúc nào cho một dân tộc?’, nêu lên sáu câu chuyện, gợi lại một mốc thời gian lịch sử đau buồn và đáng tiếc trên quê hương, khiến bốn triệu rưỡi người phải di tản, vượt biên, sống lưu vong khắp nơi trên thế giới, hàng triệu người khác phải bị cải tạo, hoặc đi kinh tế mới. Bài viết này với một vài trích dẫn trong kinh điển Phật giáo có thể xem là một bài tiếp nối với ba bài viết nói đến trên đây. Do vậy bài viết này không phải là cách mượn dịp để nêu lên thêm các câu chuyện khác, mà chỉ để chúng ta cùng suy ngẫm về thực trạng xã hội trong thời cận đại và cả hiện đại trên quê hương mình và trên toàn thế giới.  

 

Tất nhiên các sự suy ngẫm đó tùy thuộc vào vị trí xã hội, tuổi tác, quyền lợi, quan điểmlý tưởng cá nhân của mỗi người trong chúng ta, dù là đang sống trên quê hương hay lưu vong trên thế giới. Do vậy, trước sự khác biệt và đa dạng đó, người viết chỉ đơn giản nêu lên các lời thuyết giảng của Đức Phật, nhưng không bình giải gì cả, mà chỉ giải thích một vài chi tiếtthuật ngữ trong các bài giảng, nhằm giúp người đọc theo dõi dễ dàng hơn mà thôi.

 

Có tất cả bảy bài giảng được trích dẫn. Trong số này, sáu bài thuộc một tập bài giảng mang tựa là Aṅguttara Nikāya / Tăng chi bộ kinh (viết tắt là AN), gồm khoảng 9 557 câu giảng cùng các bài giảng ngắn, bài thứ bảy nằm trong một tập bài giảng khác, mang tựa là Saṃyutta Nikāya / Tương ưng bộ kinh (viết tắt là SN), gồm chung 7 762 bài giảng ngắn. Dưới đây là bài giảng trích dẫn thứ nhất:

 

 

Bài giảng về người điên rồ

Bāla Sutta - AN 2.99

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato,

và các bản dịch tiếng Pháp của Rémy Zins và Seka)

 

Chữ Bāla tựa bài giảng có nghĩa là người điên rồ, đần độn, u mê, kém suy nghĩ (fool). Bài giảng này như sau:

 

«Này các tỳ-kheo (tỳ-kheo tiếng Pali là bhikkhu, là những người tu hành khất thực, đệ tử của Đức Phật), có hai thể loại người điên rồ. Vậy họ là những ai? Thể loại [người điên rồ] thứ nhất là những người gánh vác cái gánh nặng không phải là do mình tạo ra; thể loại [người điên rồ] thứ hai là những người không gánh cái gánh nặng do mình tạo ra cho chính mình (không nhận trách nhiệm trước cái gánh nặng do mình tạo ra, mà tìm mọi cách và xử dụng mọi phương tiện để bào chữa và đặt cái gánh nặng đó lên vai kẻ khác). Hai thể loại người ấy là những kẻ điên rồ».

 

 

Tiếp theo dưới đây là bài trích dẫn thứ hai mang tựa là Kẻ điên rồ và người sáng suốt (Bāla-paṇḍita Sutta - AN 2.21), chữ paṇḍita có nghĩa là một người sáng suốt / wise). Bài giảng này cũng được xếp vào tập bài giảng Aṅguttara Nikāya / Tăng chi bộ kinh. Bài giảng này như sau:

 

 

Bài giảng về kẻ điên rồ và người sáng suốt

Bāla-paṇḍita Sutta  - AN 2.21

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato

và Bhikkhu Bodhi)

 

«Này các tỳ-kheo, có hai thể loại người điên rồ. Vậy họ là những ai? Thể loại [người điên rồ] thứ nhất là những người không trông thấy (không chấp nhận, không thừa nhận) sự hung hăng của mình là một sự hung hăng; thể loại [người điên rồ] thứ hai là những người không tha thứ cho những kẻ biết hối lỗi trước sự hung hăng của mình, đúng với [ý nghĩa của sự hối lỗi nêu lên trong] Dhamma (Đạo pháp của Đức Phật)».

 

«Có hai thể loại người sáng suốt. Vậy họ là những ai? Thể loại người [sáng suốt] thứ nhất là những người ý thức được sự hung hăng của mình là một sự hung hăng; thể loại người [sáng suốt] thứ hai là những người tha thứ một cách chân thật những người biết thú nhận (thừa nhận, ý thức) sự hung hăng của mình là một sự hung hăng. Hai  thể loại người ấy, này các tỳ-kheo, là những người sáng suốt».

 

Hai bài giảng trên đây thật ra không có gì là sâu sắc lắm trong lãnh vực giáo lý Phật giáo thế nhưng cũng phản ảnh phần nào bối cảnh của quê hương trong thời cận đại. Bài giảng thứ ba mang tựa giống như bài giảng thứ hai trên đây, nhưng được xếp vào tập Saṃyutta nikāya / Tương ưng bộ kinh, và được đánh số SN 12.19. Bài giảng này như sau:

 

 

Bài giảng về kẻ điên rồ và người sáng suốt

Bāla-paṇḍita Sutta - SN 12.19

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi

Bhikkhu Sujato và Piya Tan, và một bản dịch tiếng Pháp trên trang mạng Canonpali.org)

 

Đức Phật nêu lên những lời thuyết giảng này tại một nơi gần kinh thành Sāvatthī… (người tu hành thời bấy giờ sống bằng cách ‘khất thực’, tách ra khỏi sự sinh hoạt xã hội, họ trú ngụ bên ngoài các thôn làng và đô thị): «Này các tỳ-kheo, một người điên rồ, bị che lấp bởi u mê (vô minh), sẽ khiến mình đuổi bắt (chạy theo) các sự bám víu, và kết quả mang lại là xác thân này (sự hiện hữu này) của mình [trong hiện tại]. Thật ra thân xác ấy gộp chung hai thứ: [một thứ] là thân thể [vật chất], [một thứ] là danh xưng (tên gọi) và hình tướng (vóc dáng) bên ngoài. Trong trường hợp này, khi đã lệ thuộc vào sự đối ngẫu đó (duality / tính cách lưỡng cực: một mặt là thân thể vật chất gồm thịt xương và máu mủ, một mặt là tên gọi và vóc dáng), thì sẽ có sự tiếp xúc (contact / sự liên kết) xảy ra giữa sáu cơ quan giác cảm [và thân thể vật chất] (theo Phật giáo thì não bộ cũng là một cơ quan giác cảm tương tự như ngũ giác, vai trò của não bộ là cảm nhận các cảm giác phát sinh từ lục giác, do đó con người có sáu cơ quan giác cảm, nhưng không phải là chỉ có năm cơ quan giác cảm như cách hiểu thông thường). Một kẻ điên rồ (ngốc nghếch, đần độn) khi đã lệ thuộc vào các cơ quan giác cảm, hoặc một trong các cơ quan giác cảm, thì sẽ trở nên nhạy cảm (tập trung sự suy nghĩ hướng vào các giác cảm và bị thu hút bởi các giác cảm khi chúng xảy ra với mình) trước các sự thích thú hay đớn đau (‘lục giác’ qua trung gian của sự ‘tiếp xúc’ với thân thể vật chất sẽ khiến thân thể vật chất trở nên nhạy cảm trước các cảm nhận thích thú hay đớn đau hiện lên với mình).

 

 «Đối với một người sáng suốt cũng vậy, khi đã bị sự u mê che lấp, thì kết quả mang lại là thân xác này (sự hiện hữu này) của mình [trong hiện tại]. Thật ra thân xác ấy gộp chung hai thứ: [một thứ] là thân xác [vật chất], [một thứ] là danh xưng và hình tướng bên ngoài. Trong trường hợp này, khi đã lệ thuộc vào sự đối ngẫu đó, thì sẽ có sự tiếp xúc xảy ra giữa sáu cơ quan giác cảm [và thân thể vật chất]. Một người sáng suốt, khi đã lệ thuộc vào các cơ quan giác cảm, hoặc một trong các cơ quan giác cảm, thì sẽ trở nên nhạy cảm trước các sự thích thú hay đớn đau (kẻ điên rồ và người sáng suốt cả hai đều nhạy cảm như nhau trước các cám nhận thích thú hay đơn đau).

 

«Vậy thì có sự khác biệt nào giữa một người sáng suốt và một kẻ điên rồ hay không?»

 

«Thưa Thế tôn, đối với chúng tôi thì giáo huấn bắt nguồn từ Thế tôn, người chỉ dạy và cũng là người phân xử. Vì thế, tốt hơn hết, xin Thế tôn đích thân giải thích về thắc mắc đó. Sau khi được nghe Thế tôn giải thích thì các tỳ-kheo sẽ luôn ghi nhớ».

 

«Nếu thế thì hãy lắng nghe, ta sẽ giải thích».

 

Đấng Thế tôn giải thích như sau: «Khi sự u mê che lấp một người điên rồ thì sẽ khiến người ấy đuổi bắt những sự thèm khát (bám víu), và kết quả mang lại là thân xác này của người [điên rồ] ấy [trong hiện tại]. [Lý do là vì] người điên rồ không buông bỏ sự u mê của mình, khiến sự thèm khát (bám víu) của mình không bị hủy diệt. Tại sao lại như vậy? Bởi vì người điên rồ không biết tu tập hướng vào một cuộc sống thánh thiện hầu làm cho khổ đau phải chấm dứt. Vì thế, khi thân xác này của mình tan rã sẽ đưa đến [sự hình thành của] một thân xác khác. Mang một thân xác khác, thì người ấy sẽ không sao thoát khỏi sự sinh, sự già nua và cái chết, cùng các sự lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng. Ta khẳng định với các tỳ-kheo rằng người ấy sẽ không bao giờ hoàn toàn thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn và đớn đau.

 

«Khi sự u mê che lấp một người sáng suốt khiến người ấy chạy theo những sự thèm khát (bám víu), thì kết quả mang lại là xác thân của người [sáng suốt] ấy. Thế nhưng người sáng suốt biết buông bỏ sự u mê của mình, nhờ đó sự thèm khát (bám víu) bị hủy diệt. Tại sao lại như vậy? [Lý do là vì] người sáng suốt biết tu tập hướng vào một cuộc sống thánh thiện khiến khổ đau phải chấm dứt. Vì thế khi thân xác này của mình tan rã, thì sẽ không đưa đến [sự hình thành] của một thân xác nào khác nữa. Không mang một thân xác nào khác, thì người sáng suốt sẽ hoàn toàn thoát ra khỏi sự sinh, sự già nua và cái chết, các sự lo buồn, ta thán, đớn đau, khốn quẫn và tuyệt vọng. Ta khẳng định với các tỳ-kheo là người ấy sẽ hoàn toàn thoát ra khỏi cảnh khốn quẫn và đớn đau.

 

«Này các tỳ-kheo, đấy là sự khác biệt, sự chênh lệch, sự tách biệt giữa một người sáng suốt và một kẻ điên rồ».

 

Bài giảng trên đây liên hệ đến các lãnh vực sinh học, tâm lý học và cả triết học, do đó sâu sắc hơn hai bài trích dẫn đầu tiên trên đây. Thượng tọa Thích Minh Châu có dịch bài giảng này và đặt chung trong tập bài giảng Samyutta Nikāya / Kinh Tương Ưng Bộ, thế nhưng cách đánh số cũng như tựa của các bài giảng không thống nhất với các bản dịch sang các ngôn ngữ Tây phương, dựa vào cách đánh số các bài giảng của Hiệp hội văn bản Pali (Pali Text Society), do đó khá khó tìm. Vì vậy xin trích dẫn nguyên văn bản dịch này của TT Thích Minh Châu trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt, giúp các độc giả quen thuộc với các thuật ngữ tiếng Hán tham khảo thêm. Ngoài ra nếu muốn xem toàn bộ tập bài giảng Saṃyutta Nikāya này bằng  tiếp Việt của Thượng Tọa, thì độc giả cũng có thể gõ các chữ Kinh Tương Ưng Bộ Thích Minh Châu vào một công cụ tìm kiếm trên mạng. Dưới đây là bản dịch bài giảng Bāla-paṇḍita sutta (SN 12.19) của Thượng Toạ Thích Minh Châu:

 

Chương 12: Tương Ưng Nhân Duyên

II: Phẩm Đồ Ăn

XIX. Bậc Hiền So Sánh Với Kẻ Ngu

 

… Trú Tại Sāvatthi.

 

—Đối với kẻ ngu, này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân này được khởi lên như sau: Chỉ có thân này và danh sắc ở ngoài. Như vậy là bộ hai này. Duyên bộ hai này có xúc, có sáu xứ. Do cảm xúc bởi chúng, hoặc một trong hai, người ngu cảm thọ lạc khổ.

 

Đối với bậc Hiền, này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân này được khởi lên như sau: Chỉ có thân này và danh sắc ở ngoài. Như vậy là bộ hai này. Duyên bộ hai này có xúc, có sáu xứ. Do cảm xúc bởi chúng, hoặc một trong hai, người Hiền cảm thọ lạc khổ.

 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có gì phân biệt, có gì sai khác, có gì dị biệt giữa bậc Hiền và kẻ ngu?

 

—Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho chúng con ý nghĩa lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

 

—Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.

 

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

 

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

 

Thế Tôn nói như sau:

 

—Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy và bị tham ái hệ phược, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ngu sống Phạm hạnh không phải vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy người ngu, khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, người ấy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng: “Người ấy không thoát khỏi đau khổ”.

 

Và này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái hệ phược, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy, người Hiền trí đoạn tận. Tham ái ấy, người Hiền trí tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người Hiền trí sống Phạm hạnh, vì chơn chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy, người Hiền trí, khi thân hoại mạng chung, không đi đến một thân khác. Do không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng: “Vị ấy thoát khỏi đau khổ”.

 

Này các Tỷ-kheo, đây là sự phân biệt, đây là sự sai khác, đây là sự dị biệt giữa bậc Hiền trí và người ngu.

 

Tiếp theo dưới đây là bài giảng thứ tư, mang tựa là Bài giảng về người điên rồ (Bāla Sutta AN 2.12), nêu lên sự khác biệt về sự hiểu biếtý thức giữa một người bình dị và một người tu hành. Bài giảng này như sau:

 

 

Bài giảng về người điên rồ

Bāla Sutta AN 2.12

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Sujato, Thanissaro Bhikkhu

và bản tiếng Pháp của Rémy Zins, đồng thời cũng có một bản dịch tiếng Pháp khác trên trang mạng buddha-vacana.org., dịch giả là Sekha

và được đánh số là AN 2.11-20)

 

 «Này các tỳ kheo, có hai thứ sức mạnh. Vậy hai thứ sức mạnh ấy là gì? Sức mạnh của sự suy nghĩsức mạnh của sự mở rộng (bhāvanā / developpement / sự thực hiện, sự triển khai, sự  phát huy). 

 

«Này các tỳ-kheo, vậy sức mạnh của sự suy nghĩ là gì? Đối với sức mạnh đó thì một người bình dị sẽ suy nghĩ như thế này: ‘Cung cách hành xử sai lầm trên thân xác sẽ mang lại các kết quả tồi tệ trong thế giới đang trông thấy này (tức là thế giới trong hiện tại đang chuyển động chung quanh chúng ta) và cho cả các sự hiện hữu khác (các kiếp sống khác) trong [thế giới] tương lai. Cung cách hành xử sai lầm trên phương diện ngôn từ sẽ mang lại các kết quả tồi tệ trong thế giới đang trông thấy này và cho cả các sự hiện hữu khác trong [thế giới] tương lai. Cung cách hành xử sai lầm trong lãnh vực tâm thần sẽ mang lại các kết quả tồi tệ trong thế giới đang trông thấy này và cho cả các sự hiện hữu khác trong [thế giới] tương lai. Này các tỳ kheo, người ta gọi đấy là sức mạnh của sự suy nghĩ (đối với bất cứ một người bình dị nào cũng có thể nhận thấy các hành động tồi tệ thuộc các lãnh vực thân xác, ngôn từtâm thần đều tạo ra các tác độnghậu quả tai hại trong hiện tại và cả trong tương lai xuyên qua các kiếp sống khác. Dưới đây là trường hợp của cùng một thứ sức mạnh ấy nhưng đối với một người tu hành).

 

«Này các tỳ-kheo, vậy sức mạnh của sự mở rộng là gì? Đối với sức mạnh đó, thì người tỳ-kheo phát huy (khơi động, phát động) yếu tố thức tỉnh về sự cảnh giác (liên quan đến sự cảnh giác), nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn hơn nhờ vào thái độ buông xả; người tỳ-kheo phát huy yếu tố thức tỉnh về việc phân tích và tìm hiểu các hiện tượng, nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn hơn nhờ vào thái độ buông xả; người tỳ-kheo phát huy yếu tố thức tỉnh về nghi lực, nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn hơn nhờ vào sự buông xả; người tỳ kheo phát huy yếu tố thức tỉnh về sự hăng say (sự hứng khởi) nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn hơn nhờ vào thái độ buông xả; người tỳ-kheo phát huy yếu tố thức tỉnh về sự bình lặng (tranquility / sự yên lặng của tâm thức) nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn hơn nhờ vào thái độ buông xả; người tỳ kheo phát huy yếu tố thức tỉnh về sự tập trung tâm thần nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn hơn nhờ vào thái độ buông xả; người tỳ-kheo phát huy yếu tố thức tỉnh về sự thanh thản (equanimity / sự thăng bằng và trong sáng trong tâm thức) nhờ vào nếp sống cách ly, sự thản nhiên, sự dừng lại, và trở nên chín chắn nhờ vào thái độ buông xả. Này các tỳ-kheo, đấy là sức mạnh của sự mở rộng (bhāvanā) (sự ý thức của người tu hành về thái độ hành xử trong thế giới này thuộc vào một cấp bậc cao hơn và mở rộng hơn so với thái độ của một người bình dị, trong khi đó một người bình dị chỉ đơn giản nhận thấy tác động của quy luật nguyên nhân hậu quả: hành động tai hại sẽ mang lại các hậu quả tồi tệ)».  

 

«Này các tỳ-kheo, đấy là hai thứ sức mạnh»

 

Vài lời ghi chú

 

Người tu hành sáng suốt thực hiện được sự tỉnh thức đối với hiện thực, trong khi đó người bình dị chỉ nhận thấy tác động của quy luật nguyên nhân hậu quả. Một kẻ điên rồ, thiển cậnu mê không ý thức được cả sự hung bạo của mình là một sự hung bạo, hơn thế nữa đôi khi còn tìm cách bào chữa sự hung bạo gây ra cho mình và cho cả kẻ khác.

 

Tiếp theo dưới đây là một bài thuyết giảng khác mang tựa là Bài giảng về sự khẳng định (Ekaṃsena Sutta – AN 2.18), nêu lên các hậu quả tất yếu tạo ra bởi các hành động trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần. Chữ ekaṃsena trong tiếng Pali có nghĩa là sự khẳng định (absolutely, categorically / sự tất yếu, dứt khoát, không thể khác hơn được). Bài giảng này như sau:

 

 

Bài giảng về sự khẳng định

Ekaṃsena Sutta - AN 2.18

 

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato,

và hai bản dịch tiếng Pháp, một của Rémy Zins và một trên trang mạng

buddha-vacana.org)

 

Vào dịp đó, Ngài Ānanda (một vị đệ tử thân cận của Đức Phật) tiến về phía Đấng Thế Tôn, khi đến gần thì vái chào Thế Tôn và ngồi sang một bên. Sau khi Ngài Ānanda an tọa thì Đấng Thế Tôn nói với Ānanda như sau:

 

«Này Ānanda, ta khẳng định một cách dứt khoát (quả quyết) không được phép thực thi các hành động tồi tệ trên thân xác (tù đày, hành hạ, đánh đập, sát sinh…), qua ngôn từ (tuyên truyền, nói dối…) và trong tâm thần (mưu mô, lừa lọc…). Vậy các hành động ấy sẽ mang lại những điều tệ hại như thế nào?»

 

«Thưa Thế Tôn, theo sự khẳng định một cách dứt khoát của Thế Tôn thì không được phép thực thi các hành động tồi tệ trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần, thế nhưng nếu cứ thực thi thì sẽ mang lại các điều tệ hại như thế nào?».

 

«Này Ānanda, ta khẳng định một cách dứt khoát không được phép thực thi các hành động tồi tệ trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần, thế nhưng nếu cứ làm những gì không được phép làm thì sẽ tạo ra sự hối tiếc (sự ân hận) về những gì mình làm. Đối với những người sáng suốt khi ý thức được [các điều mình làm] sẽ tạo ra sự hối tiếc, thì đấy là cách tự mình tạo ra dư luận xấu xa cho mình (bad reputation, tiếng xấu, tai tiếng), lúc sắp chết sẽ lâm vào tình trạng hoang mang, khi chết và sau khi thân xác tan rã, sẽ hiển hiện trở lại dưới thể dạng một sự hiện hữu tồi tệ, trong một bối cảnh khốn cùng, thuộc một cảnh giới thấp kém, kể cả trong cảnh giới địa ngục (đối với Phật giáo, địa ngục không nhất thiết là một cảnh giới tưởng tượng mà là một khung cảnh khốn quẩn và khổ đau cùng cực trong thế giới này). Này Ānanda, ta khẳng định một cách dứt khoát không được phép thực thi các hành động tồi tệ trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần, bởi vì nếu cứ thực thi những điều không được phép thực thi, thì sẽ không sao tránh khỏi những điều tệ hại».

 

«Thưa Thế Tôn, theo sự khẳng định dứt khoát của Thế Tôn thì phải thực thi các hành động tốt đẹp trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần. Vậy nếu thực thi những gì phải thực thi, thì sẽ mang lại những điều thuận lợi như thế nào?».

 

«Này Ānanda, ta khẳng định một cách dứt khoát phải thực thi các hành động tốt đẹp trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần, bởi vi nếu thực thi những điều phải thực thi, thì sẽ khiến mình không hối tiếc gì cả, đối với những người sáng suốt thì họ ý thức được [những điều mình làm] được [mọi người] chấp nhận (tán thành), sẽ tạo cho mình tiếng tốt (thanh danh), lúc sắp chết sẽ không lâm vào tình trạng hoang mang, khi chết và sau khi thân xác tan rã, thì sẽ hiển hiện trở lại trong một thể dạng hiện hữu tốt đẹp trong thế giới thiên nhân. Này Ānanda, ta khẳng định một cách dứt khoát phải thực thi các hành động tốt đẹp trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần, bởi vì nếu thực thi những gì phải thực thi thì sẽ mang lại cho mình những điều tốt đẹp».

 

Tiếp tục dưới đây là một số câu giảng ngắn trích dẫn từ một phân đoạn mang tựa là Āsāduppajaha Vagga / Các câu giảng về đam mê khó buông bỏ (AN2.118-129). Chữ Āsāduppajaha trong tiếng Pali là một từ ghép: Ā+sādu+pajaha, chữ a nói lên một sự phủ nhận, sādu có nghĩa là thích thú, pajaha có nghĩa là buông bỏ, chữ Vagga có nghĩa là phân đoạn, tiết mục, chương mục. Phân đoạn này được xếp trong tập bài giảng Aṅguttara Nikāya / Tăng chi bộ kinh. Các câu giảng này như sau:

 

 

Các câu giảng về các thứ đam mê khó buông bỏ

Āsāduppajaha Vagga – AN 2.118 -129

  

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu và Bhikkhu Sujato,

và bản dịch tiếng Pháp của Rémy Zins)

 

 

118. Này các tỳ-kheo, có hai thứ đam mê khó buông bỏ. Hai thứ đam mê ấy là gì? Đấy là lợi lộc và [sự mong mỏi] được sống lâu. Này các tỳ kheo, đấy là hai thứ đam mê khó buông bỏ.

 

119. Này các tỳ-kheo, có hai thể loại người khó tìm thấy trong thế giới. Họ là những ai? Đấy là những người tự nguyện đứng ra giúp đỡ kẻ khác, và những người cảm thấy có bổn phận phải giúp đỡ kẻ khác và [đồng thời] biết ơn [kẻ khác].

 

120. Này các tỳ-kheo, có hai thể loại người khó tìm thấy trong thế giới. Họ là những ai? Đấy là những người cảm thấy thỏa mãn [với những gì mình có] và những người giúp kẻ khác tìm được sự thỏa mãn. Này các tỳ-kheo, đấy là hai thể loại người khó tìm thấy trong thế giới.

 

121. Này các tỳ-kheo, có hai thể loại người khó tìm thấy sự thỏa mãn. Họ là những ai? Đấy là những người vơ vét về phần mình tất cả những gì mình đạt được và những người tiêu xài tất cả những gì mình đạt được. Này các tỳ-kheo, đấy là hai thể loại người khó tìm thấy sự thỏa mãn.

 

122. Này các tỳ-kheo, có hai thể loại người dễ tìm thấy sự thỏa mãn. Họ là những ai? Đấy là những người không vơ vét riêng cho mình tất cả những gì mình đạt được và những người không tiêu xài tất cả những gì mình đạt được (mà chia sẻ với người khác). Này các tỳ-kheo, đấy là hai thể loại người dễ tìm thấy sự thỏa mãn.

 

123. Này các tỳ-kheo, có hai nguyên nhân (hai điều kiện cần thiết) làm phát sinh ra sự thèm khát. Hai nguyên nhân (hai điều kiện) ấy là gì? Đấy là các đối tượng tạo ra sự thích thú và một tâm thức bất trị. Này các tỳ-kheo, đấy là hai nguyên nhân làm phát sinh ra sự thèm khát.

 

124. Này các tỳ-kheo, có hai nguyên nhân (hai điều kiện cần thiết) làm phát sinh ra sự ghét bỏ. Hai nguyên nhân (hai điều kiện) ấy là gì? Đấy là các đối tượng gây ra sự khó chịu (không thích, bất mãn) và một tâm thức bất trị. Này các tỳ-kheo, đấy là hai nguyên nhân làm phát sinh ra sự ghét bỏ.

 

125.  Này các tỳ-kheo, có hai nguyên nhân làm phát sinh ra quan điểm (diṭṭhi / niềm tin, sự tin tưởng) sai lầm. Hai nguyên nhân ấy là gì? Đấy là lời nói của kẻ khác (xúi dục, tuyên truyền, các khẩu hiệu… chẳng hạn) và một tâm thức bất trị. Này các tỳ-kheo, đấy là hai nguyên nhân làm phát sinh ra quan điểm sai lầm.  

 

126. Này các tỳ-kheo, có hai nguyên nhân làm phát sinh ra các quan điểm đúng đắn. Hai nguyên nhân ấy là gì? Đấy là lời nói của kẻ khác (trong trường hợp này cũng thời là những lời nói của kkhác, thế nhưng là những  lời chân thật, thương yêu, lời giảng dạy Dhamma… chẳng hạn) và một tâm thức (một sự chú tâm) đúng đắn. Này các tỳ-kheo, đấy là hai nguyên nhân làm phát sinh ra quan điểm đúng đắn.

  

127. Này các tỳ kheo, có hai thể loại hung hăng (offense / xâm phạm, tấn công kẻ khác). Hai thể loại ấy là gì? Đấy là sự hung hăng có thể khắc phục được (chủ động được) và sự hung hăng nghiêm trọng hơn (không chủ động được, gây ra những sự đổ vỡ không hàn gắn được). Này các tỳ-kheo, đấy là hai thể loại hung hăng.

 

128. Này các tỳ-kheo, có hai thể loại hung hăng. Hai thể loại ấy là gì? Đấy là sự hung hăng mang chủ tâm tồi tệ (xấu xa) và sự hung hăng không mang chủ tâm tồi tệ (một sự nhiệt tâm quá đáng, chẳng hạn như giận dữ; la rầy trong mục đích cải thiện kẻ khác). Này các tỳ-kheo, đấy là hai thể loại hung hăng.

 

129. Này các tỳ-kheo, có hai thể loại hung hăng. Hai thể loại ấy là gì? Đấy là sự hung hăng không cần thiết phải hối cải (phục thiện) và sự hung hăng cần phải hối cải (thế nhưng cũng có những người vô cùng hung hăng chẳng những không biết hối cải mà còn huênh hoang, lấp liếm, che dấu, đánh lạc hướng sự hung hăng của mình, họ là những người điên rồ, u mê và xuẫn ngốc ?). Này các tỳ-kheo, đấy là hai thể loại hung hăng.

 

Tiếp theo dưới đây là bài giảng trích dẫn sau cùng nêu lên sức mạnh tâm thần của những con người sáng suốt, trái ngược với sức mạnh tâm thần của những con người điên rồ và u mê. Bài giảng mang tựa là Bāla Sutta / Bài giảng về kẻ điên rồ - AN 9.5. Bài giảng này như sau:

 

 

Bài giảng về kẻ điên rồ

Bāla Sutta - AN 9.5

 

(Dựa theo các bản tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato,

Piya Tan và bản tiếng Pháp của Rémy Zins)

 

«Này các tỳ-kheo, có bốn thứ sức mạnh tinh thần. Vậy bốn thứ sức mạnh ấy là gì? Sức mạnh của sự nhận định (sự suy xét, sự hiểu biết, sự sáng suốt), sức mạnnh của nghị lực (sự quyết tâm), sức mạnh không có gì chê trách (hoàn hảo, ngay thẳng, trong sáng; tuy nhiên các sự mờ ám, mưu mô, biển lận cũng tạo ra một sức mạnh nào đó, thế nhưng chỉ là các sức mạnh đáng chê trách, mang lại những đổ vỡ không hàn gắn được) và sức mạnh của tình thương yêu (lòng nhân ái).

 

«Này các tỳ-kheo, vậy sức mạnh của sự nhận định là gì? Đấy là sự hiểu biết tường tận và sự xét đoán minh bạch các thể dạng tâm thần nào mang tính cách thuận lợi, được thừa nhận (công nhận) là thuận lợi; các thể dạng tâm thần nào là bất lợi, được thừa nhậnbất lợi; các thể dạng tâm thần nào đáng khiển trách, được thừa nhậnđáng khiển trách; các thể dạng tâm thần nào hoàn hảo, được thừa nhậnhoàn hảo; các thể dạng tâm thần nào là u tối, được thừa nhận là u tối; các thể dạng tâm thần nào là rạng rỡ (trong sáng, rạng ngời), được công nhậnrạng rỡ; các thể dạng tâm thần nào đáng noi theo, được thừa nhận là đáng noi theo; các thể dạng tâm thần nào không nên noi theo, được thừa nhận là không nên noi theo; các thể dạng tâm thần nào không xứng đáng đối với những người cao quý (những người uyên bác, đạo đức), được thừa nhận là không xứng đáng đối với những người cao quý; các thể dạng tâm thần nào xứng đáng đối với những người cao quý, được thừa nhận là xứng đáng đối với những người cao quý. Này các tỳ-kheo, đấy là sức mạnh của sự nhận định.

 

«Này các tỳ-kheo, vậy sức mạnh của nghị lực là gì? Khơi động lòng mong muốn xóa bỏ các thể dạng tâm thần bất lợi, được thừa nhậnbất lợi; các thể dạng tâm thần đáng khiển trách, được thừa nhậnđáng khiển trách; các thể dạng tâm thần u tối, được thừa nhận là u tối; các thể dạng tâm thần không nên noi theo, được thừa nhận là không nên noi theo; các thể dạng tâm thần không xứng đáng đối với những người cao quý, được thừa nhận là không xứng đáng đối với những người cao quý, và trong khi thực hiện sự xóa bỏ đó, thì người luyện tập phát huy nghị lực, sự chú tâmsự cố gắng của mình. Này các tỳ-kheo, đấy gọi là sức mạnh của nghị lực.

 

«Này các tỳ-kheo, vậy sức mạnh không có gì chê trách là gì? Đối với sức mạnh đó, này các tỳ-kheo, thì [đấy là trường hợp] một môn đệ cao quý chỉ thực thi các hành động trên thân xác không có gì chê trách, chỉ nói lên những lời không có gì chê trách, chỉ phát huy các thể dạng tâm thần không có gì chê trách. Này các tỳ-kheo, đấy gọi là sức mạnh không có gì chê trách (chẳng hạn sức mạnh khiến hàng triệu người khiếp sợ, tháo chạy là một sức mạnh đáng chê trách). 

 

«Này các tỳ-kheo, vậy sức mạnh của lòng nhân ái là gì? Có bốn trường hợp phát huy lòng nhân ái. Bốn trường hợp ấy là gì? Vật hiến dâng, lời nói nhân ái (thân thiện, khả ái, nhân từ), thái độ xây dựng, cung cách hành xử bình đẳng. Này các tỳ-kheo sự hiến dâng cao quý nhất là sự hiến dâng Dhamma (Đạo Pháp). Này các tỳ-kheo, lời nói nhân ái cao quý nhất là lời giảng dạy Dhamma – dù phải lặp đi lặp lại – cho những người quan tâm, biết lắng nghe. Thái độ xây dựng cao quý nhất là cách khích lệ những người thiếu lòng vững tin (conviction / sự tin tưởng), cỗ vũ họ, khơi động nơi họ sự vững tin trong chủ đích giữ gìn đạo đức, khích lệ những người ti tiện (keo kiệt), khơi động nơi họ lòng hào phóng, cổ vũ những người kém nhận định, khích lệ họ, giúp họ phát huy sự nhận định. Này các tỳ-kheo, cung cách hành xử bình đẳng cao quý nhất là cung cách hành xử bình đẳng giữa một người đã bước-được-vào-dòng-chảy (một người đã ý thức được giá trị của Đạo pháp và đã bước được vào con đường tu tập) và một người đã-bước-được-vào-dòng-chảy; giữa một người chỉ còn quay-lại-một-lần (chỉ còn tái sinh thêm một lần nữa) và một người chỉ còn quay-lại-một-lần; giữa một người không-còn-quay-lại và một người không-còn-quay-lại (những người đã đạt được sự giải thoát cuối cùng. Nói chung là những người tu hành thuộc ba cấp bậc tu tập khác nhau), và [sau hết] là sự bình đẳng giữa một người xứng đáng (một người đạo đức) và một người xứng đáng (xứng đáng ở đây là thuộc lãnh vực phẩm tính con người, không liên hệ gì đến sự xứng đáng trong các lãnh vực khác, chẳng hạn trường hợp một vị tướng lãnh thắng một trận chiến, giết được hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn kẻ địch, thì thành tích đó không có gì gọi là xứng đáng đối với Phật giáo, hoặc trường hợp một người có trình độ đạo đức cách mạng rất cao, trường hợp này cũng vậy không có gì gọi là xứng đáng trong lãnh vực tu tập Phật giáo).       

 

«Này các tỳ-kheo, đấy là bốn thể loại sức mạnh.

 

«Này các tỳ-kheo, một đệ tử cao quý hội đủ bốn sức mạnh đó sẽ vượt lên trên năm thứ sợ hãi. Năm thứ sợ hãi ấy là gì? Sợ hãi mất đi phương tiện sinh sống của mình, sợ hãi mất đi thanh danh (danh giá, tiếng tăm) của mình, sợ hãi vì [cảm thấy] rụt rè (nhút nhát) trong các cuộc hội họp (sự rụt rè nói lên sự thấp kém của mình, khiến mình không dám thẳng thắn phát biểu quan điểm của mình, nói một cách khác thì đấy là thái độ ‘về hùa’ để mong cầu sống còn, dù mình nhận thấy các cuộc họp mà mình tham dự chỉ là các trò lường gạt, khích động, hung bạo và giả dối).

 

«Một môn đệ cao quý suy nghĩ như thế này: ‘Tôi không hề khiếp sợ trước sự sợ hãi bị mất đi các phương tiện sinh tồn (những người lãnh đạo thường sử dụng miếng ăn để sai khiến kẻ khác). Tại sao tôi lại phải khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi các phương tiện sinh tồn? Từ bên trong tôi đã có sẵn bốn sức mạnh: sức mạnh của sự nhận định, sức mạnh của nghị lực, sức mạnh không có gì chê trách, sức mạnh của lòng nhân ái. Chỉ có những kẻ thiếu sự nhận định mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi các phương tiện sinh tồn. Chỉ có những kẻ lười biếng mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi các phương tiện sinh tồn. Chỉ có những kẻ có các hành động đáng chê trách trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi các phương tiện sinh tồn. Chỉ có những kẻ thiếu lòng nhân ái mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi các phương tiện sinh tồn.

 

«Tôi không khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi thanh danh của tôi. Tại sao tôi lại phải khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi thanh danh của tôi. Từ bên trong tôi đã có sẵn bốn sức mạnh: sức mạnh của sự nhận định, sức mạnh của nghị lực, sức mạnh không chê  trách, sức mạnh của lòng nhân ái. Chỉ có những kẻ thiếu sự nhận định mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi thanh danh của mình. Chỉ có những kẻ lười biếng mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi thanh danh của mình. Chỉ có những kẻ có các hành động đáng chê trách trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi thanh danh của mình. Chỉ có những kẻ thiếu lòng nhân ái mới khiếp sợ trước sự lo ngại bị mất đi thanh danh của mình.

 

«Tôi không khiếp sợ trước sự lo ngại về sự rụt rè của tôi trong các cuộc hội họp. Tại sao tôi lại phải khiếp sợ trước sự lo ngại về sự rụt rè của tôi trong các cuộc hội họp. Từ bên trong tôi đã có sẵn bốn sức mạnh: sức mạnh của sự nhận định, sức mạnh của nghị lực, sức mạnh không chê trách, sức mạnh của lòng nhân ái. Chỉ có những kẻ thiếu sự nhận định mới khiếp sợ trước sự lo ngại về sự rụt rè của mình. Chỉ có những kẻ lười biếng mới khiếp sợ trước sự lo ngại về sự rụt rè của mình. Chỉ có những kẻ có các hành động đáng chê trách trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần mới khiếp sợ trước sự lo ngại về sự rụt rè của mình. Chỉ có những kẻ thiếu lòng nhân ái mới khiếp sợ trước sự lo ngại về sự rụt rè của mình.

  

«Tôi không khiếp sợ trước sự lo ngại về cái chết. Tại sao tôi lại phải khiếp sợ trước sự lo ngại về cái chết? Từ bên trong tôi đã có sẵn bốn sức mạnh: sức mạnh của sự nhận định, sức mạnh của nghị lực, sức mạnh không chê trách, sức mạnh của lòng nhân ái. Chỉ có những kẻ thiếu sự nhận định mới khiếp sợ trước sự lo ngại về cái chết. Chỉ có những kẻ lười biếng mới khiếp sợ trước sự lo ngại về cái chết. Chỉ có những kẻ có các hành động đáng chê trách trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần mới khiếp sợ trước sự lo ngại về cái chết. Chỉ có những kẻ thiếu lòng nhân ái mới khiếp sợ trước sự lo ngại về cái chết.

 

«Tôi không khiếp sợ trước sự lo ngại rơi vào một hoàn cảnh tái sinh tồi tệ. Tại sao tôi lại phải khiếp sợ trước sự lo ngại rơi vào một hoàn cảnh tái sinh tồi tệ? Từ bên trong tôi đã có sẵn bốn sức mạnh: sức mạnh của sự nhận định, sức mạnh của nghị lực, sức mạnh không chê trách, sức mạnh của lòng nhân ái. Chỉ có những kẻ thiếu nhận định mới khiếp sợ trước sự lo ngại rơi vào một hoàn cảnh tái sinh tồi tệ. Chỉ có những kẻ lười biếng mới khiếp sợ trước sự lo ngại một hoàn cảnh tái sinh tồi tệ. Chỉ có những kẻ có các hành động đáng chê trách trên thân xác, qua ngôn từ và trong tâm thần mới khiếp sợ trước sự lo ngại rơi vào một hoàn cảnh tái sinh tồi tệ. Chỉ có những kẻ thiếu lòng nhân ái mới khiếp sợ trước sự lo ngại rơi vào một hoàn cảnh tái sinh tồi tệ.

 

«Này các tỳ-kheo, một môn đệ cao quý hàm chứa bốn sức mạnh nói đến trên đây sẽ giúp mình vượt lên trên năm thứ lo ngại ấy».

 

 

Vài lời ghi chú

 

Quan điểm của mỗi người trong chúng ta tùy thuộc vào kinh nghiệm sống, hoàn cảnh, vị tríxu hướng của mình trong xã hội và trong cộng đồng nhân loại. Do đó quả khó để chúng ta cùng chấp nhận ý nghĩa nêu lên trong vài câu và vài bài giảng ngắn trích dẫn trong kinh điển Phật giáo trên đây. Vì vậy sự thẩm định là dành cho mỗi người trong chúng. Thế nhưng dù quan điểm và sự thẩm định của mình như thế nào thì thiết nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên nhìn vào những lời trích dẫn trong kinh điển Phật giáo cách nay đã hơn hai-mươi-lăm thế kỷ để suy ngẫm và liên tưởng đến bối cảnh của quê hương mình và cả thế giới ngày nay.

 

Thật vậy, con người nào có phải chỉ là miếng ăn và tính dục; sự sinh hoạt của con người nào có phải là chuyện thách giá và mặc cả theo kiểu hàng tôm hàng cá trong một khu chợ ồn ào, trà trộn với những kẻ lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, đam mê tính dục... Từ bên trong con người của từng mỗi chúng ta, phải chăng còn có cả một thế giới của yêu thương, nhân từ, bao che và chia sẻ, một bầu không gian rung động và cả tiếng đập khe khẽ của con tim.

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 05.07.25

                                                                                                Hoang Phong

 

Tạo bài viết
16/09/2014(Xem: 32043)
31/10/2015(Xem: 17933)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.