Thư Viện Hoa Sen

Đọc Ngô Thì Nhậm: Khi Tính Người Tịch Diệt | Nguyên Giác

15/07/20254:26 SA(Xem: 50)
Đọc Ngô Thì Nhậm: Khi Tính Người Tịch Diệt | Nguyên Giác

ĐỌC NGÔ THÌ NHẬM: KHI TÍNH NGƯỜI TỊCH DIỆT

Nguyên Giác

 

 

Ngo Thi Nham Toan TapBài viết này sẽ phân tích lời dạy của sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh về ý chỉ Thiền Tông: Khi tính người tịch diệt, thì tính trời hiển lộ. Sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.

Những lời dạy trong sách này mang phong cách Thiền Tông Việt Nam, vì ngài Ngô Thì Nhậm (1746-1803) khi rời quan trường đã xuất gia, trở thành vị sư có tên là Hải Lượng Thiền Sư, và được nhiều vị sư tôn vinh là vị Tổ Thứ Tư của Dòng Thiền Trúc Lâm. Tất cả các vị sư khác trong sách đều nói trong tông phong này.  Nơi đây, chúng ta trích nơi trang 414, nguyên văn như sau:

 

(Trích)

Thứ mười: TIẾNG LẶNG LẼ KHÔNG CÓ TIẾNG

Tiên Nho nói: “Cái mà trời sinh ra thì gọi là tính.” (1) Người ta sinh ra thì tĩnh, cái đó không cần phải nói. Nhưng khi dã nói ra thì không phải là tính nữa rồi.

Đại thiền sư nói: “Diệt dược tính người thì gây được tính trời,” đại ý cũng tương đồng.

CHÚ THÍCH:

1. Lời của Cáo Tử trong sách Mạnh Từ, thiên Cáo Tử thượng. (Hết trích)

.
NGO trang 414

 

Ngài Ngô Thì Nhậm và các vị trong cuộc thảo luận ghi lại trong sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh đều học Nho từ thơ ấu để sẽ ra làm quan. Cuối đời, quý ngài mới vào chùa, xuất gia, sau khi tham dự những chuyển biến của lịch sử. Do vậy, chúng ta có thể đoán rằng đoạn văn này một phần cũng là để thuyết phục các Nho gia trước khi nêu Phật lý.

Trước tiên, chúng ta cần ghi chú về Chú thích. Cáo Tử là một triết gia sống cùng thời với Mạnh Tử, nổi tiếng với quan điểm con người sinh ra không thiện cũng không ác, mà bản tính được hình thành do giáo dụchoàn cảnh. Cáo Tử từng nói rằng: "Tính vô thiện, vô bất thiện." (Tính không thiện, không bất thiện; nghĩa là, tính không thiện không ác gì cả.) Ông là một trong những người có cuộc tranh luận nổi bật với Mạnh Tử về bản tính con người. Cáo Tử cho rằng: “Tính người như dòng nước, khơi về Đông thì chảy về Đông, khơi về Tây thì chảy về Tây.”

Trong khi đó, Mạnh Tử lý luận: “Dòng nước tuy không phân biệt Đông Tây, nhưng nó phân biệt trên dưới. Tính người vốn thiện, như nước chảy xuống dưới vậy.”

Thiên Cáo Tử Thượng là phần đầu trong hai thiên Cáo Tử của sách Mạnh Tử, ghi lại các cuộc tranh luận giữa Mạnh Tử và Cáo Tử về bản tính con người (rằng có tính thiện hay không). Cáo Tử cho rằng “tính” là bản năng tự nhiên, không thiện không ác. Mạnh Tử thì khẳng định “tính người vốn thiện”, tức là con người sinh ra đã có mầm mống của nhân, nghĩa, lễ, trí.

Khi phân biệt giữa phần cao quý và phần thấp hèn trong con người, Mạnh Tử cho rằng nếu con người chỉ lo ăn uống, hưởng thụ thì sẽ đánh mất phần cao quý, trở nên giống như cầm thú. Mạnh Tử cũng dùng hình ảnh như “đứa trẻ sắp rơi xuống giếng” để chứng minh lòng trắc ẩnbản năng thiện tự nhiên của con người. Trong sách Nho Giáo, nơi chương Mạnh Tử, bản dịch của Trần Trọng Kim, trích như sau:

Nói rút lại là Mạnh-tử cho cái tính của Trời phú cho người ta là thiện. Nếu có thành ra bất thiện, là vì người ta không biết giữ lấy cái bản tâm, chứ cái nguồn gốc của tính là không thể không thiện được. Ông nói rằng: «Nhân giai hữu bất nhẫn nhân chi tâm: Người ta ai cũng có cái lòng thương người... Giá bất-thình-lình người ta trông thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng, thì ai cũng có lòng bồn-chồn thương-xót.” (ngưng trích)

.

Nơi đây, chúng ta không rơi vào cuộc tranh luận của các Nho gia. Hãy mặc kệ quý Nho gia. Chúng ta chỉ bận tâm về ý chỉ Thiền Tông mà ngài Ngô Thì Nhậm muốn nói.

Về câu nói của các nhà Nho rằng “Cái mà trời sinh ra thì gọi là tính” khi hiểu qua văn mạch Phật giáo, chỉ nên hiểu là một pháp vô vi, nghĩa là pháp vô sinh, hay pháp vô sanh, không phải do cái gì sinh ra. Trái nghịch với pháp vô vipháp hữu vi. Đức Phật dạy rằng tất cả pháp hữu vivô thường.

Pháp hữu vi là có sanh, có diệt, do duyên mà hiện lên. Pháp hữu vi là tất cả những gì chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc và tư lường. Nghĩa là, pháp hữu vi chuyển biến không ngừng. Đức Phật gọi đó là ba cây lau dựa vào nhau để hiển lộ thế giới của chúng ta: sáu căn gặp sáu trần thì hiển lộ sáu thức. Tất cả đều chuyển biến chớp nhoáng, không có thực tướng. Bạn có thể đứng nhỉn trận mưa nơi góc rừng, bạn sẽ thấy gió gào, mưa xối xả, hoàn toàn không có gì bất động.

Kinh Kim Cang nói về pháp hữu vi, ghi lời Đức Phật là:

Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ diệc như điện,

Ưng tác như thị quán.

Dịch nghĩa là: Tất cả các pháp hữu vi, đều như giấc mộng, như huyễn ảo, như bọt sóng, như ảnh hiện, như giọt sương, như tia chớp lóe. Hãy cứ như thế mà quán chiếu.

Trong khi đó, pháp vô vipháp không thể thấy bằng mắt và không thể nghe bằng tai. Vì tất cả những gì mắt thấy và những gì nghe bằng tai đều là do duyên hiển lộ. Thí dụ, chúng ta đứng nơi góc rừng, thấy mưa, thấy gió, thấy lá cây nghiêng ngả. Tất cả đều do duyên mà có mưa, gió, cây lá nghiêng ngả. Khi gió ngưng, mưa dứt, thì tất cả hình ảnh đó biến mất trước mắt. Tương tự, chúng ta ngày Tết nghe pháo nổ, nghe trống múa lân. Các âm thanh pháo nổ và trống múa lân là do duyên, khi hết pháo và khi ngưng tay trống là âm thanh diệt. Các hiện tượng sinh và diệt cũng hiển lộ trên thân tâm chúng ta, cả ở mức thô và mức vi tế.

Khi ba cây lau dựa vào nhau, thế giới hiển lộ. Giả sử, rút một cọng lau, như ngưng tay trống, thì âm thanh tắt. Hay khi có người tới trước mắt, thì chúng ta thấy, khi người bước ra xa, chúng ta không còn thấy nữa. Nhưng ảnh người biến đi trước mắt, ảnh hạt mưa bay biến mất trước tánh phản chiếu của gương tâm, thì tánh phán chiếu của gương tâm không biến theo ảnh người, không biến theo ảnh mưa bay (nhưng vẫn đang thấy cái không ảnh người, thấy cái không ảnh mưa bay). Tương tự, khi tiếng trống tới, chúng ta nghe, khi tiếng trống ngưng, chúng ta không nghe tiếng trống (nhưng vẫn đang nghe sự tịch lặng), nhưng tánh phản chiếu nơi nhận biết nghe vẫn không biến mất theo tiếng trống.

Chư tổ Thiền Tông gọi cái biết không biến mất theo ảnh, không biến mất theo tiếng trống đó là Bản Tâm, hay là Tánh Biết. Nghĩa là tâm không chạy theo cảnh, không níu theo cảnh, tâm không lưu ảnh, để cho tất cả những gì thấy nghe như chim bay trên bầu trời, khi chim bay mất thì không lưu dấu. Chính cái bầu trời không lưu dấu bất kỳ dấu chân chim nào là chỗ để không dính vào sầu, khổ, sinh, diệt. Kinh Kim Cang gọi đó là: ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm. Nghĩa là, khi tâm không chỗ trụ, thì tâm Niết bàn hiện ra. Do vậy, ưng vô sở trụ, hay gọi tắt là vô tâm, hay vô niệm chính là cốt tủy của Thiền Tông.

Vậy thì, với người tu Thiền Tông, không níu vào bất kỳ vết chân chim nào trong bầu trời tâm chính là pháp tu không có phương pháp. Bởi vì, nếu nói rằng có bất kỳ phương pháp nào, như rất nhiều pháp do Đức Phật dạy trong Kinh Nikaya và Kinh A Hàmdựa vào thân tâm ngũ uẩn để tu, tức là dựa vào thân tâm sinh diệt để từ từ đoạn trừ tham sân si để giải thoát (tức là pháp tu dựa vào pháp sinh diệt). Trong khi đó, Thiền Tông là pháp tu không dựa vào pháp sinh diệt, ngắn gọn, là pháp tu theo vô sanh diệt.

Làm thế nào tu theo pháp vô sinh diệt. Trước tiên, nên dựa vào lý luận Trung Quán để thấy tánh vô sanh diệt của tất cả các pháp. Đó là lý do có bài Bát Nhã Tâm Kinh, một bài cô đọng tất cả những lý luận của Bát Nhã. Rằng Sắc chính là Không. Nghĩa là, cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, được tư lường suy nghĩ đều là không tự tánh, không tự ngã, không có thể được nắm giữ, và gọi ngắn gọn là Không. Và ngược lại, chính Không cũng là những cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, được tư lường suy nghĩ. Thường trực thấy như thế, là thường trực thấy tánh phản chiếu của gương mà không bận tâm tới ảnh hiện rồi biến, thường trực nghe tánh nghe của tai mà không bận tâm tiếng trống tới rồi đi, thường trực sống với bầu trời dung chứa rỗng không của tâm mà không bận tâm về chuyện vết chân chim còn lơ lửng hay biến mất nơi nào. Nhận ra như thế, là biết tu theo pháp không có pháp tu.

Trong Tạng Pali, Đức Phật nói rằng nếu không có cái không sanh, không do duyên thì chúng ta không thể giải thoát.  Trong Kinh Iti 43, Đức Phật dạy, chúng ta dịch như sau:

Này các Tỳ kheo, có một cái vô sanh, một cái không đưa đến hữu, một cái không bị tạo ra, một cái không do duyên mà thành. Này các Tỳ kheo, nếu không có cái vô sanh, không đưa đến hữu, không bị tạo ra, không do duyên, thì không có sự giải thoát nào có thể được nhận ra từ cái được sanh ra, được đưa đến hữu, được tạo ra, do duyên mà tới. Nhưng vì có một cái vô sanh, một cái không đưa đến hữu, một cái không do tạo ra, một cái không do duyên mà tới, do đó có sự giải thoát được nhận ra từ cái được sinh ra, được đưa đến hữu, được tạo ra, do duyên mà tới.” (ngưng dịch)

Vậy thì, có cách nào đơn giản mà không cần ngồi thiền, không cần tập thở, không cần mài giũa gương tâm hay không? Cách đơn giản nhất là bạn hãy quy y Tam Bảo, hãy thọ giới, hãy giữ giới nghiêm ngặt. Khi bạn chuẩn bị sẵn sàng thì tự nhiên sẽ tới lúc bạn hiểu kinh, hay sẽ gặp một vị thầy tương ưng. Tuy nhiên, giả sử rằng bạn đang sống nơi nào trên thế giới, rất xa cộng đồng, thì  bạn hãy đọc kinh luận cho nhiều, và thử cách tu đơn giản này: hãy nói rằng Không Biết. Các văn bản tiếng Anh của Thiền Tông gọi đó là: "Don’t Know Mind" -- còn gọi là Tâm Không Biết, hay gọi là tâm hài nhi, tâm ban đầu.

Bạn có thể ngưng đọc một phút và tự nhủ rằng "Không biết" thì tất cả trong tâm bạn sẽ sạch trơn, sẽ không có xanh đỏ tím vàng, sẽ không còn buồn vui hờn giận, sẽ không còn dấu vết Nam Tông hay Bắc Tông, sẽ không còn dấu vết biện biệt thiện với ác, sẽ không còn ranh giới đúng với sai nữa, và Tâm Không đó chính là một bước để vào Gương Tâm trong trẻo, không do tạo tác, không hiển lộ từ ba cây lau nào hết. Nếu bạn thường trực sống với tâm không biết, bạn sẽ hiểu các Thiền ngữ để lại trong kinh sách Thiền Tông.

Trong Kinh SN 1.1, Đức Phật nói rằng để vượt lũ lụt, ngài không bước tới và cũng không đứng lại. Bản dịch của Thầy Minh Châu, trích như sau:

Đứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

— Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

— Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

— Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.” (ngưng trích)

Có thể lý giải theo Bát Nhã Tâm Kinh rằng, ai đã sống thường trực với Tánh Không thì sẽ không thấy có thân ngũ uẩn nào đang bước tới hay đứng lại, thì lấy gì mà chìm được.

Nếu bạn tìm bản kinh tương đương bên A Hàm, bạn sẽ kinh ngạc thấy rằng văn phong Đức Phật nơi A Hàm đúng là văn phong Kinh Kim Cang. Đó là Kinh SA 1267. Bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng ghi rằng: “Thiên tử, như vậy gọi là không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ mà vượt qua dòng xiết.”

Nhắc lại, Đức Phật dạy rằng không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ mà vượt qua dòng xiết. Đó chính là Kinh Kim Cang vậy. Nghĩa là, nếu bạn còn vin vào một bè pháp nào, dù là bè gỗ, bè tre, ghe hay thuyền thì đó cũng không phải là lời Đức Phật dạy cách qua bờ trong Kinh SN 1.1 và Kinh SA 1267: Nơi đây là Thiền Trúc Lâm, là Thiền Tổ Sư, là tâm không một chỗ trụ mà bước qua bờ sinh tử.

Gọi theo kiểu Nho giáo (của quý ngài Ngô Thì Nhậm) là, khi tính người tịch diệt thì tính trời hiển lộ. Đây cũng là tông chỉ Thiền Trúc Lâm vậy.

 

THAM KHẢO:

. Nho Giáo, Quyển II, Thiên II, bản dịch Trần Trọng Kim:

https://vi.wikisource.org/wiki/Nho_gi%C3%A1o/Quy%E1%BB%83n_II/Thi%C3%AAn_II

 

. Kinh Iti 43, giải thoát vì có một cái vô sanh, không do duyên:

https://suttacentral.net/iti43/en/ireland

. Kinh SN 1.1. Không bước tới, không đứng lại mà vượt lũ lụt

https://suttacentral.net/sn1.1/vi/minh_chau

. Kinh SA 1267. Không chỗ vin duyên, cũng không chỗ trụ mà vượt qua dòng:

https://suttacentral.net/sa1267/vi/tue_sy-thang

 

 

Đọc những bài trước:

Đọc Ngô Thì Nhậm: Khi Tính Người Tịch Diệt | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Vạn Pháp Là Một | Nguyên Giác

Đọc Ngô Thì Nhậm: Thấy Và Nghe | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Thần Thông Và Tu Tâm | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Tiếng Ấn Giấu (tàng Thanh) | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Tiếng Không Thành | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Không Phật, Không Người, Không Ta | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Tâm Định, Thấy Tánh | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Tịch Nhiên Vô Thanh | Nguyên Giác
Đọc Ngô Thì Nhậm: Minh Tâm, Kiến Tính | Nguyên Giác (Song ngữ Vietnamese-English)
Đọc Ngô Thì Nhậm: Về Nước Và Lửa | Nguyên Giác (Song ngữ Vietnamese-English)

 

 

Tạo bài viết
07/03/2015(Xem: 35583)
14/11/2012(Xem: 52163)
14/03/2016(Xem: 21560)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.