Phần 4 (Bài 31- Bài 40)

29/10/201012:00 SA(Xem: 12853)
Phần 4 (Bài 31- Bài 40)

TRUNG ĐẲNG PHẬT HỌC
GIÁO KHOA THƯ 
Tác giả: Sa Môn Thích Thiện Nhơn 
Thái Hư Đại Sư giám định 
Việt dịch: Thích Nguyên Liên

Quyển thứ nhất

 

Bài 31

NHÂN TUQUẢ CHỨNG CỦA ĐẠI THỪA

Sở tu hành (Nhân tu)

Nguyên thỉ Phật giáo lấy việc tu quán Tứ niệm xứ hành Bát chánh đạo làm công hạnh. Đại thừa Phật giáo ngoài quán Tứ niệm xứ hành Bát chánh đạo, còn thêm phần lợi tha nên có Lục độ, Tứ nhiếp pháp. Lục độ bao gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ. Tứ nhiếp pháp bao gồm Ái ngữ, Bố thí, Lợi hành và Đồng sự. Lục độ không ngoài Bát chánh đạo thêm phần Bố thí, Nhẫn nhục mà thành (bài thứ sáu có nói).

Xét về tam học thì giới là đạo đứùc căn bản của Phật giáo. Thời đại Nguyên thỉ đặt nặng hành vi ở thân và khẩu, vì vậy tôn trọng 250 giới. Đại thừa luật nghi ngoài luật nghi giới ra còn lấy tất cả pháp lành, những sự lợi ích chúng sanh thảy đều làm giới gọi là Tam tụ tịnh giới.

Định ở Tiểu thừa không ngoài một số loại như: Bát thắng xứ, Bát giải thoát, Thập biến xứ… định của Đại thừa thì vô số như: Thủ lăng nghiêm định, Tập phước vương định… Trong Nhiếp đại thừa luận của Kiên ý nói: “Tiểu thừa luận về thanh tịnh có lập 67 món Đại thừa có đến 500”. Nhân đây có thể biết được sự sai khác giữa định của Đại thừaTiểu thừa.

Huệ ở Nguyên thỉ Phật giáo chỉ là trí tuệ đoạn trừ tất cả phiền não gọi là Nhất thiết trí. Còn huệ của Đại thừa là rõ biết hết thảy tự tướng cọng tướng các pháp gọi là Nhất thiết chủng trí, bởi vì phạm vi trí tuệ Đại thừa rất rộng, bao quát tất cả trí tuệ thế gianxuất thế gian.

Sở chứng quả (Quả chứng)

Trong Nguyên thỉ Phật giáo, Thanh văn và Phật đồng chứng đắc Niết bàn, nhưng Thanh văn không chứng đắc Phật bồ đề. Đại thừa thì Niết bàn Bồ đề đều là quả chứng của Bồ tát. Do đây có thể biết từ Nguyên thỉ Phật giáo đến sơ kỳ Đại thừa, đối với việc giải thích quả chứng có ba thời kỳ.

Giải thích thời kỳ thứ nhất. Khi Phật còn tại thế Ngài là bậc hoàn toàn giác ngộ chân lý, đệ tử là người thọ trì chân lý đó, đối với vấn đề giải thoát giữa thầy và trò không có sự sai biệt, cùng tu một pháp cùng chứng một quả. Nghĩa là ngã đã sạch phạm hạnh đã lập việc cần làm đã làm không còn thọ thân đời sau nữa. Thời kỳ này quả giải thoát của Phật và đệ tử đều như vậy.

Giải thích thời kỳ thứ hai. Phật ở trong vô lượng kiếp do nỗ lực tu tập nhân hạnh rộng lớn nên ngày nay mới thành Phật. Quả vị Niết bàn của Ngài chứng đắc tuy cùng với đệ tử đồøng nhất, nhưng công hạnh từ bi, trí huệ so với đệ tử có sai khác. Chỉ ai đồng tu nhân hạnh như Phật sẽ chứng đắc Phật quả như Ngài. Vì thế người nào tu nhân hạnh Bồ tát gọi là Bồ tát thừa, ai tu tập nhân hạnh giải thoát tự thân gọi là Thanh văn thừa, lại có hàng lợi căn không cần nghe Phật thuyết pháp, tự ngộ các pháp trong thế gianđạt đến Niết bàn gọi là Độc giác thừa, do đây hợp thành Tam thừa. Nhị thừa Thanh văn, Duyên giác mặc dầu căn tánh lợi độn không đồng, nhưng quả vị chứng đắc thì không sai khác, còn giữa Nhị thừaBồ tát quả vị chứng đắc hoàn toàn sai biệt.

 

Bài 32

HỘI TAM QUY NHẤT

CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO

Giải thích thời kỳ thứ ba tức là hội tam quy nhất, cho rằng đạo của Tam thừa là do nương theo căn cơ thượng trung hạ của chúng sanhphân chia, quả chứng thì các hàng Thanh văn, Độc giác đều có thể hồi tâm tu hành thành Phật. Ví vậy chính thức nói Tam thừaNhất thừa, ngoài ra các thừa khác đều là nấc thang của Bồ tát thừa.

Kinh Pháp hoa nói: “Tam thừa chỉ là phương tiện, Nhất thừa mới là cứu cánh” nghĩa là tinh thần hội tâm quy nhất vậy.

Do đây có thể nói giải thích thời kỳ thứ nhất, thì giữa Phật và đệ tử đều chứng đắc một quả vị giải thoát, giải thích thời kỳ thứ ba thì giữa Phật và đệ tử đồng chứng đắc một quả vị Bồ đề, trong đây sự sai biệt về quả chứng của mỗi thời kỳ có thể thấy rất rõ.

Kế lại nói về giáo pháp chứng ngộ, trong thời kỳ thứ nhất như kinh Tạp A hàm nói: “Có đạo nhất thừa khéo tịnh chúng sanh, vượt thoát ưu sầu diệt trừ khổ não, đắc pháp chân như là Tứ niệm xứ… lại có đạo nhất thừa, thấy sanh các hữu biên, hiện tại tôn chánh giác, thừa này vượt bể khổ, cứu cánh trừ sanh tử”.

Trong kinh Tạp A hàm (Pa ly) cũng có đoạn này lược ra như sau: “Đạo nhất thừa này tịnh hữu tình, siêu ưu bi diệt khổ sầu, đắc trí tuệ chứng Niết bàn… thấy sanh và tử rất lợi ích thương xót, rõ đạo nhất thừa này bởi con đường thừa này, quá khứ cùng tương lai hiện tại vượt bộc lưu…”

Lại trong kinh Tạp A hàm (q34) nói: “Nếu có Sa môn, Bà la môn nào thành đẳng chánh giác, mà những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di huân tập năm dục không thành tựu các công đức như vậy, thì giáo pháp đó không được gọi là đầy đủ. Do sa môn Cù đàm thành đẳng chánh giác, mà những Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di tu phạm hạnh và những Ưu bà tắc, Ưu bà di huân tập năm dục đều thành tựu các công đức như vậy, nên giáo pháp đó được gọi là đầy đủ”, đoạn kinh này cho thấy giữa Phật và đệ tử đều đồng nhất sự giải thoát.

Đến giải thích thời kỳ thứ ba, thì tánh chất giải thoát của Phật càng sâu rộng giải thoát của đệ tử cũng đồng như vậy, thời gian đạt đến giải thoátsai biệt, nhưng cứu cánh giải thoát của đệ tử cũng đều quy về đồng nhất với sự giải thoát vô thượng của Phật, vì vậy trong kinh Pháp hoa phẩm phương tiện nói: “Cho nên Xá lợi phất, ta vì bày phương tiện, nói các đạo diệt khổ, chỉ cho đến Niết bàn, ta dầu nói Niết bàn, cũng chẳng phải thiệt diệt, các pháp từ bổn lai, tướng thường tự vắng lặng, Phật tử hành đạo rồi, đời sau đặng thành Phật, ta có sức phương tiện, mở bày khắp ba thừa, tất cả các Thế tôn, đều nói đạo Nhất thừa, nay trong đại chúng này, đều nên trừ nghi lầm, lời Phật nói không khác, chỉ một không hai thừa… pháp tối diệu thứ nhất, vì các loài chúng sanh, phân biệt nói ba thừa, trí kém ưa pháp nhỏ, chẳng tự tin thành Phật, cho nên dùng phương tiện, phân biệt nói các quả, dầu lại nói ba thừa, chỉ vì dạy Bồ tát…” do đây có thể làm bằng chứng, để rõ biết nghĩa của giải thoát, mà giải thích hai phương diện Đại thừaTiểu thừa có sự sai khác như trên.

 

Bài 33

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THỪA PHẬT GIÁO

Ấn độ Phật giáo sử lược nói: “Sau Phật nhập diệt 600 năm đến 1300 năm, các bộ phái Tiểu thừa đều có sự phát triển, nhưng trình độ phát triển của mỗi bộ có sự sai biệt rất lớn. Có bộ dừng lại nói Tiểu thừa có bộ chuyển sang Đại thừa. Các bộ phái dừng lại nơi Tiểu thừa phần nhiều thuộc hệ thống Thượng tọa bộ, các bộ phái chuyển sang Đại thừa phần nhiều thuộc hệ thống Đại chúng bộ. Các bộ dừng lại nơi Tiểu thừa như Thượng tọa bộ ở đảo Tích lan ra sức bảo tồn bản lai diện mục, Hữu bộKinh lượng bộ ở phía bắc tuy tư tưởng ít nhiều có sự biến thiên nhưng vẫn không từ bỏ chủ trương Tiểu thừa, bởi đều theo quan điểm các pháp ngoài tâm là thật có. Hữu bộ cho rằng tâm của chúng ta chỉ biết được các pháp ở bên ngoài, Kinh lượng bộ thì cho rằng tâm của chúng ta chỉ biết được hình tượng, còn các pháp bên ngoài vẫn có thể tánh của nó.

1. Sự phát triển của Thuyết nhất thiết hữu bộ: lập nghĩa của bộ này đến đời Ca đa diễn ni tử mới hoàn thành. Ngài có trước tác Phát trí luận làm bộ luận căn bản của bộ. Ngoài Phát trí luận còn có sáu bộ luận khác như sau:

a. Dị môn túc luận do Xá lợi phất trước tác.

b. Phẩm loại túc luận do Thế hữu trước tác.

(Tác giả hai bộ luận này là căn cứ vào Câu xá luận thích của Xứng hữu).

c. Thức thân túc luận do Thiên hộ trước tác.

d. Pháp uẩn túc luận do Xá lợi phất trước tác (bản hán dịch cho là Mục kiền liên đếù tu trước tác)

g. Thi thiết túc luận do Mục kiền liên đế tu trước tác (bản hán dịch cho là Ca đa diễn ni tử trước tác)

e. Giới thân túc luận do Phú lâu na trước tác (bản hán dịch cho là Thế hữu trước tác)

Trong Đại trí độ luận nói: “Tám phẩm của Phẩm loại túc luận, bốn phẩm đầu do Thế hữu trước tác, bốn phẩm sau do các vị A la hánKế tân trước tác. Ngoại trừ bộ này và Thi thiết túc luận ra, bốn bộ còn lại đều do các nghị luận sư trước tác”. Nghị luận sư tức là các học giả sau Phật diệt độ. Sáu bộ luận đều căn cứ vào Phát trí luận mà soạn nên dụ là túc luận, còn Phát trí luận dụ là thân luận.

Thời đại Ca nị sắc ca trở về sau, các học giảCa thấp di la tập hợp lạigiải thích Phát trí luận. Đường Huyền trang dịch bộ này thành A tỳ đạt ma Tỳ bà sa luận 200 quyển.

Từ giai đoạn này trở về trước, các học giả tông này y cứ vào A tỳ đạt ma (đối pháp) xưng là Đối pháp sự. Từ giai đoạn này trở về sau có sự giải thích rõ ràng của lục túc luận, các học giả tông này bèn xưng là Tỳ bà sa tức Tế pháp sư. Bà sa luận ở trong lục túc, trừ Giới thân túc luận ra đều luôn luôn xưng là Dẫn.

Đến niên đại chế tác Bà sa luận có rất nhiều thuyết khác nhau, có thuyết cho rằng Bà sa luận xuất hiện sau Phật Niết bàn hơn 400 năm, Chân đế dịch Thế thân truyện cho rằng trong khoảng giữa 500 năm. Chỉ có Đạo đỉnh trong bài tựa Tỳ bà sa luận, cho rằng sau Phật nhập diệt hơn 600 năm, thuyết này gần đúng với sự thật hơn cả.

Tông nghĩa Hữu bộ thời bấy giờ lấy Ca thấp di la làm trung tâm mà phát triển mạnh ở vùng tây bắc Aán. Trong Bà sa lấy phái Hữu bộ chính thống thuộc các Tỳ bà sa sư ở Ca thấp di la, còn các tông từ Hữu bộ lưu xuất là các sư ở các Kiền đà la, các sư phương tây và các sư nước ngoài.

Lại thời kỳ này Đại thừa Phật giáo đã lưu hành, vì vậy trong luận Bà sa đã có đề cập ba chỗ. Như nơi phần bổn sự của Phật Nhiên đăng nói: “Các bộ phái Tiểu thừa không cần phải thông suốt, vì sao như vậy? Vì nó không phải là chỗ thuyết của Tô đát lãm, Tỳ nại gia, A tỳ đạt ma mà chỉ là truyền thuyết, đã là truyền thuyết thì có thể đúng có thể không đúng”.

Lại Hữu bộbốn đại luận sư xuất hiện cùng thời. Tên bốn vị là Pháp cứu, Diệu Aâm, Thế hữuGiác thiên. Đến khi Phật nhập diệt 900 năm (Đông tấn Trung quốc) có Thế thân người Phú lâu sa bộ la thuộc nước Kiền đa la, ban sơ xuất gia nơi Thuyết nhất thiết hữu bộ sau theo học Kinh lượng bộ, muốn đem học thuyết Kinh lượng bộ chiết trung với Hữu bộ để bổ khuyết giáo nghĩa tông mình. Nhưng vì tông nghĩa uyên nguyên khó bề tường tận, do đây Ngài bèn đến tham học với các luận sư uyên thâm xứ Ca thấp di la, theo học với A la Hán Ngộ nhập đạt hết các yếu nghĩa. Sau trở về bản quốc tập hợp các yếu nghĩa soạn thành bản văn 600 hàng, trong bản văn thỉnh thoảng bày tỏ những điểm mình không tin tưởng về các truyền thuyết.

Sau thuận theo sự cầu thỉnh của các học giảCa thấp di la, Ngài bèn giải thích các tụng văn nói rõ ý nghĩa, không hẳn nương vào tông chỉ Hữu bộ để giải thích, nhưng mỗi khi có sử dụng kiến giải của mình cũng khó phá được chỗ truyền thừa xưa nay của Hữu bộ. Bản chú giải của các tụng văn lưu hành rộng ở thế gian gọi là A tỳ đạt ma Câu xa luận.

Đương thời luận sư Chúng hiềnhọc giả chánh thống của Hữu bộ, bài xích Câu xá luận của Thế thân. Luận sư đã trước tác Câu xá bảo luận còn gọi Thuận chánh lý luận, lại còn soạn thêm một bộ là Hiển tông luận. Trước thuật bộ trước dụng ý để phá tà bộ sau dùng để hiển chánh, nhân việc bài xích Thế thân trong lòng còn mang đầy những uẩn khúc, bực tức nên đã bộc lộ những chỗ sở đoản của tông mình, do đó thường trái ngược với cổ nghĩa mới có thể thông suốt. Nhân đây Câu xa luận được lưu thông, hàng học giả gọi là Tân tát bà đa luận. Đây là sự phát triển tối cực của Hữu bộ.

 

Bài 34

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TIỂU THỪA PHẬT HỌC (TT)

2. Sự phát triển của Kinh lượng bộ.

Bắc truyền; Kinh lượng bộ tức Thuyết chuyển bộ… do bộ này lấy kinh điển là chánh lượng mà không nương theo luật và đối pháp (luận). Kiết tập kinh điển lần thứ nhất, người trùng tuyên tạng kinhtôn giả A nan vì thế bộ này tôn A nan làm bộ chủ.

Lại bộ này còn có tên là Thuyết chuyển, chuyển có nghĩa là triển chuyển, tức triển chuyển từ đời này sang đời khác nhưng không mất, pháp không mất đó hoặc gọi là chủng tử hoặc gọi là Nhất vị uẩn. Nhất vị nghĩa là một loại không biến đổi.

Pháp này có đầy đủ công năng sanh ra tự quả của Danh (phi vật chất) và Sắc (vật chất), mà sanh ra sắc thì có công năng duy trì sắc chủng tử và tâm chủng tử, sanh ra tâm thì có công năng duy trì tâm chủng tử và sắc chủng tử, sắc tâm duy trì lẫn nhau, cho nên không luận ở địa vị hữu tâm hay vô tâm chủng tử đều tương tục không diệt. Ngũ uẩn cùng với chủng tử hằng thời tương tục này luôn đối lập lẫn nhau, vì (thô ngũ uẩn) sanh diệt biến hóa, tức chủng tử còn gọi tên khác là Căn biên uẫn. Căn nghĩa là Căn bản nhất vị uẩn, vì nó ở mé ranh của ngũ uẩn nên gọi là Căn biên uẩn, tức là thô ngũ uẩn của Hữu vi. Do tính cách luôn tương tục, mà chủng tử ngũ uẩn hằng thời tồn tại đạt được các nhân của nó.

Ban sơ Kinh lượng bộ chấp tâm ngoài thật tại. Về sau lại dần dần chuyển sang khuynh hướng duy tâm luận. Bộ này có hai vị luận sư nổi danh, vị trước tên là Cưu ma la đa (Đồng thọ) chủ trương thuyết sắc tâm hổ trì (sắc và tâm duy trì lẫn nhau), vị sau tên là Thất lợi la đa (Thắng thọ) chủ trương thuyết Tế tâm thức, tức lấy bốn uẩn vi tế để làm căn bản cho hai món sắc và tâm, ở trong sanh tử luân hồi không bao giờ có sự gián đoạn. Nếu khắp nơi là Ngũ uẩn thì do tập hợp các phần tử sai khác của sắc và tâm nên luôn có sự đoạn tuyệt.

Lại tông này cho rằng các loài dị sanh tự nhiên đều có chủng tử vô lậu, nghĩa là không luận có Phật ra đời hay không ra đời, hoặc có nghe pháp hay không nghe pháp, các loài này vẫn có công năng vượt thoát sanh tử đạt đến đạo quả giải thoát.

Tâm này lại lập thuyết Thắng nghĩa, cho đây là thật ngã vi tế của Bổ đặc già la, thắng nghĩa này không riêng ngoài năm uẩn điều nhiên như Độc tử bộ, Chánh lượng bộ… mà còn rất vi tế, không thể dùng ngôn ngữ diễn tả đuợc nên lấy tên là Thắng nghĩa. Tế ý thức ở trong giai đoạn chưa thành Phậtnhân vị của ngã thể. Thắng nghĩa Bổ đặc già labản thể vô thỉ vô chung, thông cả phàm phu lẫn Phật vị.

Đương thời Kinh lượng bộ đối với thuyết A lại gia da thức, mà lập thuyết Tam định tụ (Chánh định tụ là pháp Niết bàn, Tà định tụ là pháp phi Niết bàn, và Bất định tụpháp không nhất định vào Niết bàn).

Bộ này cũng lập thuyết Ngũ tánh sai biệt, tợï hồ như thuyết Ngũ tánh của Duy thức, lại còn lập thuyết Vô vi vô tác dụng như thuyết của Hữu bộ. Thuyết Vô vi vô tác dụng này tợï như thuyết Chân nhiên bất động của Duy thức. Vì vậy chúng ta có thể nói Kinh lượng bộ là tiền khu của học thuyết Duy thức sau này.

3. Sự phát triển của Đại chúng bộ.

Sau Phật nhập diệt 900 năm có Ha lê bạt ma (Sư tử khải) (hoặc gọi Thất lỵ đa la) xuất hiện, cảm khái trước trước sự suy tàn của Hữu bộ, mà đồ chúng Hữu bộ chỉ lo toan với những biện luận phiền toái, do đó Ngài bèn ra sức chiết trung các tư tưởng của học phái Đại, Tiểu thừa thành lập ra một học thuyết riêng biệt.

Ha lê bạt ma vốn xuất thân từ giai cấp Bà la môn ở trung Aán, lúc đầu Ngài theo học giả Cưu ma la đa thuộc Tát bà đa bộ học Phát trí luận, sau thời gian cảm thấy không vừa ý, bèn từ giã đi vào thành Ba tra ly phất gặp và theo học với các luận sư của Đại chúng bộĐại thừa, nghĩa là Ngài đã theo học cả giáo nghĩa Đại thừa lẫn Tiểu thừa, khảo sát Phát trí luận rồi trước tác thành một bộ luận hiện hành gọi là Thành thật luận. Trong luận đối với thuyết nhân không của Hữu bộ, lại còn thêm thuyết nhân pháp nhị không rất đặc sắc. Nương theo thuyết của Chân đế thì bộ luận này thuộc Đa văn bộ trong Đại chúng bộ (đời Tấn Pháp hiển du Ấn, là giai đoạn Thành thật luận xuất hiện).

 

Bài 35

HỆ THỐNG CHƯ PHÁP THẬT TƯỚNG CỦA ĐẠI THỪA

Ấn độ Phật giáo sử lược nói: Đại thừa tại Ấn độ bao gồm hai hệ thống, đó là hệ thống Bát nhã tức là Chư pháp thật tướng luận và hệ thống Du già tức A lại da duyên khởi luận. Hai hệ thống này chẳng qua là trình bày hai mặt của một pháp. Xét về bản chấtchân tướng của pháp mà nói, thì gọi là Thật tướng luận. Xét về điểm xuất xứ cùng tướng mạo của pháp mà nói, thì gọi là A lại da duyên khởi luận. Hai luận này không thể tách rời nhau, bởi vậy đối với chỗ lập thuyết của hai tông không thể là không có điểm gặp nhau.

Hệ thống Chư pháp thật tướng luận do Long thọ chủ xương, lấy miền nam Ấn độ làm căn cứ địa, vì vậy chủ nghĩa của tông này là xuất phát từ hệ thống Đại chúng bộ. Thuyết này cho rằng tướng của vạn hữu vũ trụ đều là không – bất khả đắc. Nghĩa là tướng của các pháp này chẳng phải không vô (hoàn toàn không), chỉ vì chúng sanh đem sự hiểu biết kém cỏi của mình để tìm tòi phân biệt, nên không đạt đến chỗ thật thể của các pháp, vì thế nói là không bất khả đắc.

Như vậy tướng của các pháp như thế nào? Trong Trung quán luận (q4) nói: “Nhân duyên sanh các pháp, ta nói tức là không, cũng gọi là giả danh, cũng gọi nghĩa trung đạo. Chưa từng có một pháp, chẳng do nhân duyên sanh, cho nên tất cả pháp, thảy đều gọi là không”, đoạn này cho thấy tất cả pháp bởi do nhân duyên sanh nên đều là không, nhân duyên vốn tự thân nó cũng là không, vì vậy tự thể của tất cả các pháp đều là bất khả đắc.

Lại phương pháp để phá trừ tất cả pháp duyên khởi, tông này dùng nghĩa Bát bất. Trung quán luận (q4) nói: “Bất sanh diệc bất diệt, Bất thường diệc bất đoạn, Bất nhất diệc bất nhị, Bất lai diệc bất xuất”, đoạn này cho rằng các pháp vốân do nhân duyên hoà hợp mà sanh ra nên nó là giả huyễn, nếu nói thật có sanh thì không cần phảinhân duyên, do nó chẳng phải thật sanh nên nói bất sanh, khi thế lực nhân duyên suy tàn thì các pháp phải diệt, nhưng trước vốn đã không sanh nay làm sao có diệt, cho nên gọi là bất diệt.

Các pháp vốn nương nhân duyên sanh nên nói là bất thường, trước có nay không nên gọi là đoạn, trước vốn đã chẳng có thì nay làm sao có đoạn. Các pháp sanh khởi trước và sau không giống nhau, như mộng lúa với hạt lúa chẳng phải là một nên nói là bất nhất, nhưng nói là bất nhất thì không thể từ mộng lúa sanh ra hạt lúa mà phải sanh ra thứ khác, bởi có sanh ra cho nên gọi là bất dị. Lại trong hạt lúa vốn sẵn có mộng lúa, không phải đến đi nên gọi là bất lai, lại trong hạt lúa sanh ra mộng lúa, nhưng không phải như rắn sanh nọc cho nên gọi là bất xuất. Trên đây là bốn cặp sanh diệt, thường đoạn, nhất nhị, lai xuất đối đãi lẫn nhau, đều do chúng sanh chấp giả tướng của các pháp là thật có, vốn nhận thức sai lầm, cho nên dùng tám chữ để phủ nhận các pháp, do đây mà lập thànhBát bất.

Như đây đã phủ nhận các pháp trong vũ trụ, thế sao vạn tượng lịch nhiên vẫn ở trước mắt chúng ta, đó là Thế tục đế. Tuy có vạn hữu sai biệt nhưng thấu đạt thể sai biệt của nó là không bất khả đắc, đây là Đệ nhất nghĩa đế. Trong Đại trí độ luận nói: “Trong Phật pháp có hai đế là Thế tục đếĐệ nhất nghĩa đế. Vì Thế tục đế nên nói chúng sanh thật có, vì Đệ nhất nghĩa đế nên nói chúng sanh không thật có”. Lại trong Trung quán luận (q4) nói: “Chư Phật nương vào hai đế vì chúng sanh nói pháp, đó là Thế tục đếĐệ nhất nghĩa đế. Nếu người nào không rõ biết ý nghĩa của hai đế, thì đối với chỗ thâm sâu của các pháp, không thể nắm bắt được ý nghĩa chân thật…” cả hai đoạn trên đều cho rằng nếu nương vào Thế tục đế để quán sát vạn pháp, thì tất cả các pháp đều do nhân duyên hoà hợp, mà có các tướng sai biệt mê giới, tam giới, lục đạo… hiện khởi. Hoặc do nhân duyên thanh tịnh của các thiện căn công đức, mà có các tướng sai biệt ngộ giới, tịnh độ chư Phật… hiện khởi.

Mê giới và ngộ giới, tướng tuy có khác nhưng đều do nhân duyên hoà hợp mà sanh, như kèo, cột, đòn tay, trụ… tập hợp lại mà thành ngôi nhà, các cây nhóm lại thành khu rừng… Cho nên tướng các pháp thảy đều không tự tánh đương thể của nó là không - bất khả đắc. Như vậy không đợi các pháp hoại diệt mới nói thật tướng, lại không động thật tướng mà lập các pháp, do bởi nhị đế tuy hai nhưng chẳng là hai, thế tục vốn là chân không, chân không tức là thế tục, đó là diệu hữu. Do phàm phu lầm chấp diệu hữu là vọng hữu, Nhị thừachân khôngthiên không, chỗ thật tướng đó ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, thấy được thật tại của các pháp đó là chân không diệu hữu. Lý Bát bấtNhị đế trình bày trên, là giáo nghĩa căn bản của hệ thống Chư pháp thật tướng luận.

Bài 36

HỆ THỐNG CHƯ PHÁP THẬT TƯỚNG LUẬN (TT)

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Thuyết thành lập thế giới của Chư pháp thật tướng luận, cùng với lập nghĩa của Tiểu thừa A tỳ đạt ma đồng là nghiệp cảm duyên khởi luận. Tông này cho rằng phàm phu do bởi ngu si mà không rõ chân đế, vì bị thế đế che đậy, do nhân duyên tạo nghiệp khiến lưu chuyển sanh tử, nếu đạt được chân đế thấy rõ tướng các pháp là như huyễn, như mộng thì thoát ly sanh tử đạt đến quả vị giải thoát Niết bàn.

Tông này cho rằng nền tảng tạo nghiệp cảm quả của chúng sanhdo nơi tâm, vì vậy Đại trí độ luận (q2) nói: “Tam giới vốn có là do tâm tạo” và trong Luận (q8) có nói: “Tất cả các pháp đều nương nơi tâm mà sanh”. Lại nói mục đích tu hành tối hậu của chúng sanh là đạo quả Niết bàn, Trung quán luận (q4) nói: “Không đắc cũng không đến, không đoạn cũng không thường, không sanh cũng không diệt, ta gọi đó Niết bàn”, đoạn này chỉ cảnh giới Niết bàn là dứt hẳn mọi ngôn ngữsuy nghĩ. Lại nói: “Chỗ cùng tột của Niết bàn và chỗ cùng tột của thế gian, cả hai chỗ cùng tột này không mảy may sai biệt”, đây là lấy thực tướng của thế gian làm Niết bàn, cũng tức là thuyết minh Đệ nhất nghĩa đế.

Trên đây là căn cứ vào các trước tác của Long thọthuyết minh phần đại ý của Trung quán. Đệ tử của Long thọĐề bà (Thánh thiên) xuất hiện sau Phật Niết bàn khoảng 800 năm (trước Dân quốc 1700 năm). Đề bà sanh ở Tích lan đến Ấn độ và theo học với Long thọ, sau du hành qua các địa phương Ấn độ lấy chủ nghĩa Đại thừa để thuyết phục ngoại đạo, rốt cùng bị ngoại đạo oán ghét mà âm mưu sát hại. Ngài có trước tác các bộ luận như Bách luận, Ngoại đạo Tiểu thừa tứ không luận… chuyên dùng phương pháp phá tà. Đệ tử của Đề bàLa hầu la bạt đà la nương theo phương diện hiển chánh của Long thọgiải thích Trung quán luận. Kế có Thanh mục xuất hiện chú giải Trung quán tụng, lại có Kiên ý trước tác Nhập đại thừa luận… cả hai đều nhằm xiển dương tông phái này. Hai vị trên niên đại xuất hiện không rõ, duy các bộ luận do hai Ngài trước tác được La thập dịch truyền vào Trung quốc, do đây có thể biết các Ngài xuất hiện sau Đề bà không xa.

Đến giai đoạn Phật nhập diệt 1100 năm (đời Trần Trung quốc), có luận sư Thanh biện người nam Ấn độ xuất hiện trước tác Chưởng trân luậnBát nhã đăng luận. Ngài nguyên trước là học giả phái Số luận, sau quy hướng Đại thừa, trước tác của Ngài dung nạp cả thuyết Vô tướng giai không của Long thọ và thuyết Duy thức. Đứng về phương diện Tục đế môn thì tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh, bởi nhân duyên thể nó là không, pháp thể cũng là không vì vậy gọi là Sanh bất khả đắc. Đứng về phương diện Chân đế môn, thì tánh tất cả pháp là thường trụ; như vậy thuyết Vô tướng giai không của Long thọ đến giai đoạn này có phần nào lượt bớt và chuyển biến, đây là thuyết Y tự khởi.

Lúc bấy giờ tại Ấn độ hai thuyết này (Y tha khởi và Y tự khởi) xảy ra tranh luận gay gắt. Bởi Thanh biện đối với thuyết Y tha khởi của Duy thức lại cho rằng các pháp vì nhân duyên sanh nên nó là không, khiến sanh ra cuộc tranh luận giữa Không và Hữu dây dưa mãi không phân thắng bại.

Đến giai đoạn Phật Niết bàn hơn 1200 năm (Đường võ hậu Trung quốc), ở miền nam Ấn độluận sư Nguyệt xứng trước tác Trung quán luận thích, lập thuyết tương phù với Phật hộ bài xích Thanh biện. Lúc đó có luận sư Trí quang nương vào thuyết Thanh biện để phản bác lại sự bài xích của Nguyệt xứng.

 

Bài 37

HỆ THỐNG A LẠI DA DUYÊN KHỞI CỦA ĐẠI THỪA

Sau Phật nhập diệt khoảng 900 năm, hệ thống A lại da duyên khởi luận của Vô trước thạnh hành ở các địa phương tây bắc Ấn, nguồn gốc sâu xa của tông này xuất phát từ hệ thống Thượng toạ bộ.

Tông này thành lậpvạn pháp duy thức, bởi phàm phu từ vô thỉ đến nay đều có đủ tám thức. Thức có nghĩa là hiểu biết. Hoặc gọi là tâm, tâm có nghĩa là tập khởi. Hoặc còn gọi là ý, ý có nghĩa là tư lượng (suy xét). Ba món tâm ý thức mặc dầu có sự giao thoa lẫn nhau nhưng thể của nó thì khác biệt (Câu xá tông cho rằng tên có khác nhưng thể thì đồng nhất).

Bát thứclục thức nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và Mạt na thức cùng A lại da thức. Trong đó Mạt na có nghĩa là ý cùng thức thứ sáu đồng tên. Cho nên dịch là Mạt na để dễ có sự phân biệt, một đằng là dịch âm một đằng là dịch nghĩa, lại bởi kết cấu của hai tên gọi đó có khác, đệ lục ý thức là thức của ý, tức nương vào ý nghĩa chính để giải thích, thức này lấy đệ thất thức làm căn bản để y cứ, đệ thất thức gọi là ý do ý sanh thức nên gọi là thức của ý. Đệ thất ý thức gọi là ý tức thức, tức nương vào ý nghĩa trì nghiệp giải thích, đệ thất thứccông năng hướng nội suy xét, gọi công năng đó là ý nên nói ý tức thức.

Đệ bát A lại da thức phiên âm là tàng thức. Tàng có ba nghĩa.

Năng tàng: Thức này có công năng giữ gìn các chủng tử tạp nhiễm của các pháp bất tịnh (chủng tử đồng nghĩa với năng lực tức năng lực phát triển các pháp), y vào công năng cất chứa đó nên gọi là tàng.

Sở tàng: các chủng tử tạp nhiễm huân tập vào thức này, thức này làm chỗ nương tựa, tức do chứa đựng các chủng tử nên gọi là tàng.

Chấp tàng: Đệ thất thức Mạt na chấp thức này (A lại da thức) là thật ngã, thức này là đối tượng bị chấp trước cho nên gọi là tàng.

Hợp cả ba nghĩa cho nên gọi là tàng thức. Trong tám thức chỉ có đệ bát thức là có công năng giữ gìn chủng tử vạn pháp mà không bị hư mất, ngoài ra các thức khác không có công năng này. Bởi vì sáu thức trước trong khi rơi vào thuỳ miên sâu nặng thì có sự gián đoạn, đệ thất thứctác dụng rất vi tế, mặc dầu không có gián đoạn nhưng khi hiện thấy đạo lý Tứ đế tức cải đổi mọi nhiễm tánh trước của nó, vì thế cũng không có công năng giữ gìn chủng tử vạn pháp.

Tám thức trên đây đều do nhân duyên mà sanh, là pháp hữu vi nên vô thường. Vả lại bảy thức trước huân tập chủng tử đệ bát thức, trong đệ bát thức lại huân tập chủng tử mỗi thức ở đệ bát thức, đệ bát thức thọ nhận chủng tử các thức huân tập vào mà phát sanh các pháp. Như vậy đệ bát thức cùng bảy thức trước có sự giao thoa nhân quả, nên có tám thức hiện hành tương tục cho đến vũ trụ của mê giới hiển hiện.

Lại xưa naychủng tử vô lậu lìa phiền não mê vọng nương ở đệ bát thức, sau do chủng tử mà khai triển vũ trụ pháp giới, do đó các pháp thế gian, xuất thế gian, hữu lậu, vô lậu, thảy đều nương vào đêï bát thức làm cội gốc. Nếu luận bàn thật tánh của các thức thì đó là chân như vậy.

Tông này lại phân chia vạn hữu vũ trụ thành 5 phần vị 100 pháp.

1. Tâm vương có 8 thức

2. Tâm sở có 51 pháp.

3. Sắc pháp có 11 pháp.

4. Bất tương ưng hành có 24 pháp.

5. Vô vi pháp có 6 pháp.

94 pháp trước là hữu vi là pháp thế gian. 6 pháp sau là vô vi là pháp xuất thế gian. Trong 5 vị lấy tâm vương làm chủ 4 phần vị còn lại, thì tâm sở là trợ thể, sắc phápảnh tượng sở hiện của tâm vươngtâm sở, vô vithể tánh, thể tánh này là nhất chân nhưhiển thị sai biệt làm 6 loài chúng sanh. Do vì lấy tâm vương làm chủ, ngoài ra các pháp không lìa tâm vương mà có nên gọi là Duy thức.

 

Bài 38

TAM TÁNHTAM VÔ TÁNH

Tông duy thức đối với các pháp trong vũ trụ, thành lập thuyết Tam tánhTam vô tánh. Nay lượt giải tụng văn Tam tánhTam vô tánh như sau:

“Do bỉ bỉ biến kế, biến kế chủng chủng vật, thử biến kế sở chấp, tự tánh vô sở hữu.” (Do các tánh biến kế, chấp hết tất cả vật, tánh biến kế sở chấp, tự nó không thật có)

Chú giải: Bỉ bỉ còn gọi là chủng chủng, biến là biến khắp, kế là suy lường. Tức là nương vào hai phần Kiến và Tướng cọng với sự khắc hoạ suy lường nên vũ trụ vạn hữu do đây mà hiển hiện. Loại vọng châùp tự tánh sai biệt này đều gọi là Biến kế sở chấp tự tánh, như vậy tự tánh hoàn toàn không có sở hữu. Như người đi đêm tối thấy cây nhận lầm đó là quỷ, trời sáng thì không có quỷ.

“Y tha khởi tự tánh, phân biệt duyên sở sanh”.

Chú giải: Tha chỉ các duyên, Y tha là nương nhân cậy duyên, như nhãn thức có 9 duyên mới sanh, nhĩ thức có 8 duyên mới sanh… phân biệt là thức phân biệt rõ biết. Thức là tập hợp hiện khởi các duyên, nghĩa là tâm vương, tâm sở, kiến phần, tướng phần, hữu lậu, vô lậu đều nương vào các duyên mà sanh khởi. Thảy đều có thức tâm phân biệthiển hiện. Như người đi đêm tối thấy cây hình tượng là thật có.

“Viên thành thật ư bỉ, thường viễn ly tiền tánh” (Viên thành thật do đây, thường xa lìa tánh trước).

Viên nghĩa là viên mãn, thành là thành tựu, thật là chân thật, bỉ là chỉ Y tha khởi tánh, tiền tánh là chỉ Biến kế sở chấp tánh. Nghĩa là tánh viên mãn này thành tựu pháp chân thật thể chẳng hư vọng, tức ở Y tha khởi tánh nương tánh khởi tánh thường xa lìa tánh Biến kế. Như cây chẳng phải quỷ, quỷ không cây có.

“Cố thử dự Y tha, phi dị phi bất dị”. (Thành thật với Y tha, cũng khác cũng không khác).

Chú giải: Thử chỉ Viên thành thật tánh, phi dị là chân như của Viên thành thật, nghĩa là chân như của Y tha khởi, phi bất dị nghĩa là Y tha khởi là pháp tướng của tất cả các pháp hữu vi, Viên thành thật là pháp tánh của tất cả các pháp hữu vi.

“Như vô thường đẳng tánh, phi bất kiến thử bỉ” (Như vô thường đẳng tánh, chẳng thấy đây và kia).

Chú giải: Vô thường nghĩa là không có sanh diệt, tánh tức là chân lý, đẳng là bình đẳng với vô ngã. Nghĩa là tất cả các pháp sanh diệt mỗi pháp đều có tướng sai biệt, nhưng đều có chung tánh vô thường vô ngã. Đều có tánh vô thường nên phi dị, đều có tướng sai biệt nên phi bất dị. Bởi vì vô thường tự nó là vô thường, pháp tự nó là pháp. Thử là chỉ tánh vô thường. Bỉ là chỉ tất cả các pháp. Phi bất kiến còn nói là kiến. Là nói tánh vô thường cùng với tất cả các pháp, thấy có lý phi dị và phi bất dị, đều chứa đựng trong đó. Viên thành thật cùng Y tha cũng vậy.

bai_38

 

Tam vô tánh.

a. Tướng vô tánh: tướng Biến kế sở chấp hoàn toàn không thật.

b. Sanh vô tánh: không có vọng chấp của phàm phu, là pháp tự nhiên bởi tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh.

c. Thắng nghĩa vô tánh: tánh chân như không có tánh thật ngã thật pháp của Biến kế sở chấp.

Như vậy mỗi pháp đều có đủ Tam tánhTam vô tánh, mà bản thể của Tam tánhTam vô tánh tức là chân như, tánh của nó thường trụ không có biến đổi sai khác đây là thực tánh của duy thức. Tông này lập thuyết Tam tánhTam vô tánh, ý cho rằng Vô tướng giai không luận của Long thọ chủ xướng chỉ nghiêng về thuyết Tam vô tánh, đây tuy là ý sâu xa của Phật nhưng lý chưa được hoàn thiện. Nay tông này lập thuyết Tam tánhTam vô tánh đồng thời hiển thị cả hai thì lý đó mới trọn vẹn.

 

Bài 39

VŨ TRỤ VẠN HỮU ĐỀU DO THỨC BIẾN

Tông duy thức lập thuyết, các pháp hữu vi tức là duyên khởi của vũ trụ, đều thuộc nơi tự tâm mà biến khởi. Nhưng làm sao để thuyết minh được lý đó?

Đáp: nay nương vào đạo lý chuyển biếnđạo lý huân tập. Trong tám thức A lại da thức là chỗ chứa đựng chủng tử vạn pháp và cũng là chỗ nương tựa của chủng tử vô lậu, việc này có lược nói ở bài trước. Nghĩa là từ đệ bát thức biến hiện ra ngũ căn, chủng tử vạn pháp và tất cả sự vật ngoại giới để phân biệt nó. A lại da thức lại biến khởi ra bảy thức trước. Trong bảy thức đệ thất thức có tánh chất hằng thẩm tư lương, lấy công năng liễu biệt của A lại da thức làm chỗ duyên. Do vì đệ thất thức thuần quán sát bên trong, do đó mà thường chấp thật ngã thực pháp. Đệ lục ý thức thì duyên với tất cả cảnh trong ngoài. Năm thức còn lại thì công hiệu của nó là khả năng rõ biết và phân biệt.

Tám thức sở duyên trên chẳng phải là vật ngoài tâm, mà đều là chỗ biến khởi của tự tâm. Nghĩa là ở nơi tự tâm phân biệt khách quan và chủ quan, trên chủ quan lại có sự phân biệt khách quan và biết công dụng của cái biết khách quan. Do đây mà phân chia lập thành bốn phần sau.

1. Tướng phần: chỉ cảnh đối tượng, dụ như tấm vải.

2. Kiến phần: chỉ công năng phân biệt, dụ như thước đo.

3. Tự chứng phần: khả năng rõ biết phân biệt không sai lệch, dụ như trí tuệ có thể biết được cách đo lường thước tất.

4. Chứng tự chứng phần: khả năng biết được Tự chứng phần, dụ như con người rõ được số lượng của vải.

Một khi đầy đủ bốn phần công dụng đó là tâm pháp. Tám thức trên mỗi thức đều có bốn phần công dụng như thế. Bởi lấy tướng phần nội tâm làm duyên bám trước vào đó mà khởi nên gọi là thức biến.

Đệ bát thức chứa đựng tất cả chủng tử vạn pháp, chủng tử đó có hai loại.

1. Danh ngôn chủng tử: chỗ khởi tác dụng thấy nghe hay biết của bảy thức trước đều lưu lại trong đệ bát thức, nghĩa là thức huân tập kết quả hình thành chủng tử, bèn nương vào tiềm năng thế lựctồn tại, đó cũng là nhân tố phát sanh trí tuệ sau này. Lại cho rằng các tập khí đẳng lưu bởi sanh pháp cùng loại mà do khí phần huân tập thành.

2. Nghiệp chủng tử: đệ lục thức tạo nghiệp thiện ác, mà huân tập các chủng tử vào trong A lại da thức, đồng thời cùng với công năng cảm đến ngoài Danh ngôn chủng tử khiến tăng trưởng thế lực, hiện ra các loại trình độ tạo nghiệp sai khác mà khai triển vạn tượng cùng khắp. Do các loại Danh ngôn chủng tử này tánh chất của nó là vô ký, thế lực yếu kém không thể tự mình khai triển, phải nhờ lực của Nghiệp chủng tử mới phát khởi. Nghiệp chủng tử còn gọi là Dị thục chủng tử, nghĩa là do nghiệp nhân thiện ácđạt được quả vô ký, tánh gọi của quả và nhân khác nhau nên gọi là dị thục.

Do quá khứ A lại da thức đã chứa đựng hai loại chủng tử trên, kế tục tuôn chảy mà có A lại da thức hiện tại, lại biến khởi ra năm căn ngoại giới đến bảy thức trước cho đến toàn thể vũ trụ. Nhân đây một lần nữa do lực của Danh ngôn chủng tửNghiệp chủng tử huân tập mà có vị lai A lại da thức hiện hành. Như vậy từ vô thỉ đến nay A lại da thức hiện hành không có gián đoạn. Chủng tử trong A lại da thức có nguồn gốc đầy đủ, lại có kiến văn giác tri mới huân tập vào, như thế lại tiếp tục làm bản hữu chủng tử và tân huân chủng tử. Do lực của chủng tử này mà có biến hiện thành vũ trụ mê vọng. Cho đến thành lập ngộ giới là do nương vào chủng tử vô lậu của đệ bát thức, chủng tử thuần tịnh làm nhân, huân tập giáo pháp của chư Phật Bồ tát làm duyên, lần hồi khai phát vô lậu. Rốt cùng bát thức hữu lậu chuyển thành bát thức vô lậu hiện hành, mà đắc thành Phật quả.

 

Bài 40

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TÔNG DUY THỨC

THỜI KỲ MẠT VẬN CỦA PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

Nương vào kinh Giải thâm mật do Phật thuyết, chúng ta có thể biết được nguồn gốc của tông Duy thức. Sau này Bồ tát Di lặc giáng hạ tại giảng đường nước A luân đà thuộc vương quốc Ấn độ, vì Vô trước thuyết năm bộ luận lớn, đây là những bộ luận căn bản của tông Duy thức. Căn cứ theo truyền thuyết Trung quốc năm bộ luận đó như sau.

1. Du già sư địa luận.

2. Phân biệt du già luận.

3. Đại thừa trang nghiêm kinh luận.

4. Trung biên phân biệt luận.

5. Kim cang bát nhã luận.

Do đây tông Duy thức lần lần phát triển, Vô trước cũng trước tác rất nhiều, Ngài là vị đại thành học thuyết Duy thức lấy pháp tướng duy thức làm căn bản. Em của Vô trướcThế thân bậc học giả uyên thâm toàn bộ giáo lý Phật giáo, được mọi người tôn xưng là Thiên bộ luận sư, nghĩa là đối với Tiểu thừaĐại thừa mỗi bên Ngài đều trước tác 500 bộ luận. Nương theo Đại tạng kinh đã được dịch sang Trung quốc để tìm hiểu, thì tư tưởng Thế thân tối thiểu có thể phân thành bốn thời kỳ.

1. Thời kỳ Tiểu thừa hữu bộ.

2. Thời kỳ Đại thừa duy thức.

3. Thời kỳ Pháp hoa Niết bàn.

4. Thời kỳ tha lực tịnh độ.

Về kinh luận trước tác của bốn thời kỳ này, hiện vẫn còn đầy đủ chúng ta có thể khảo sát. Khoảng thời gian từ Thế thân xuất hiện cho đến Phật nhập Niết bàn 1100 năm, có mười vị đại luận sư tông Duy thức trước sau kế tục xuất hiện. Tên của các vị luận sư đó là: Thân thắng, Hoả biện, Đức huệ, Nan đà, Tịnh nguyệt, Thắng hữu, Thắng tử, Trí nguyệt, An huệHộ pháp. Trong đó Hộ pháp là người kế thừa chánh thống và đại thành học thuyết của Thế thân, tinh nghĩa của Duy thức đều ở trong trước tác của mười vị này. Như trước đã nói tông nghĩa của Duy thức hơn một nửa là nương vào trước tác của Hộ pháp

Đương thời có Trần na lập thuyết Tam phần, Ngài là bậc thái đẩu của Nhân minh học. Lại trong hàng môn đồ của Hộ phápluận sư Giới hiền, khi Huyền trang du Ấn (Phật Niết bàn 1700 năm) đã từng đến lãnh thọ giáo nghĩa với vị này. Luận sư vì muốn tuyên dương chánh nghĩa của Hộ pháp, nên cùng với Trí quang thuộc phái Trung quán của Thanh biện, tranh luận về điểm Hữu Vô của y tha.

Bấy giờ chùa Na lan đà thuộc nước Ma kiệt đà, từ Thế thân trở về sau là đạo tràng căn bản để nghiên cứu Phật giáo. Căn cứ theo ký thuật của pháp sư Nghĩa tịnh thì chùa Na lan đà lúc đó có đến 8 viện, 300 phòng, tăng chúng hơn 5000 vị, xem đây chúng ta có thể biết được sự thạnh hành của Na lan đà. Nương theo truyền thuyết của Tây tạng thì Vô trước, Thế thân cũng đã từng có giai đoạn ở tại chùa Na lan đà để tuyên dương chánh pháp... Sau Phật nhập diệt 1150 năm pháp sư Nghĩa tịnh đến Na lan đà, còn có Pháp xứng trước tác Tập lượng luận trùng hưng Nhân minh học. Sau đó 50 năm Phật giáo Ấn độ lần hồi suy thoái, pháp môn Tịnh độ đã sớm truyền sang Tây tạng và Trung hoa, ngược lại tại Ấn độ pháp môn này không được thạnh hành lắm.

Với nền giáo lý thuần chánh hiển giáo, lưu hành với sự suy nghĩ rơi vào phiền toái cọng với sự ngoan lộng của tín đồ học giả; Mật giáo thì rơi vào mê tín chủ trương đồng bóng cúng tế ngày một tăng trưởng, khiến làm sai lệch tông chỉ Phật giáo. Nhân đây tư tưởng Phật giáo có sự chuyển biến nhanh chóng ngay đó hướng đến sự suy tàn. Ngoại đạo học phái Phệ đàn đà trước có Cưu ma ly la thuộc phái Di man ta, sau có Thương yết la cũng thuộc phái này... thừa cơ hội ra sức cổ suý tông phái mình, do đây Phật giáo bị sự đả kích mạnh mẽ. Lại từ đó về sau Bí mật giáo ngày càng hủ bại, cùng với Ấn độ giáo có sự hỗn hợp mà tách rời bản ý thí giáo của đức Phật, sự sai khác đi xa với thật tướng.

Đến khi Phật nhập diệt hơn 1600 năm (thời kỳ Tống mạt Trung quốc), sau khi Hồi hột giáo chiếm lại thế lực, nhưng giai đoạn này Phật giáo vẫn còn khả năng bảo hộ sót lại ở vùng đông Ấn. Đến khi Phật nhập diệt 2100 năm Bà la môn giáo, Hồi giáo, Gia tô giáo... trộn lẫn truyền rộng Ấn độ, Phật giáo do đây bị tiêu diệt không còn dấu tích ảnh hưởngẤn độ. Nhưng các nước Phật giáo nam phương như toàn đảo Tích lan, Vu gia lạp loan, phía đông như Xiêm la, Miến điện... Phật giáo vẫn còn và phát triển mạnh mẽ.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/08/2017(Xem: 77394)
17/08/2010(Xem: 120555)
16/10/2012(Xem: 66332)
23/10/2011(Xem: 68750)
01/08/2011(Xem: 440154)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.