Đáp: Việc cúng cơm cho người đã mất cho dù ăn được hay không ăn được thì cúng vật thực cũng có nhiều điều bất ổn. Phật tử nên hiểu rằng nếu tổ tiên ông bà đã tái sinh cõi khác thì việc cúng cơm ai sẽ ăn? Nếu họ càng mong chờ hưởng của con cháu cúng, họ càng mất phước, vậy sao không làm phước hồi hướng (bố thí, cúng dường, phục vụ, phóng sinh, giữ giới, tham thiền...) để họ hoan hỷ phước ấy của con cháu mà sớm siêu sinh?
Nếu thân quyến của chúng ta sau khi chết tái sanh làm người thì sự cúng kiến, cúng giỗ trên nhân thế cũng chỉ là sự tưởng nhớ đến họ và đó cũng chỉ là sự họp mặt giữa những người trong gia đình với nhau. Người đã khuất cũng đã đi tái sanh theo nghiệp của mình đã tạo có một cuộc sống mới trong kiếp lai sinh. Nếu ở cõi người, có được nhiều phước báu thì cuộc sống cũng sẽ an lành hạnh phúc, thiếu phước thì cuộc sống bội phần cũng vất vả, long đong.
Được tái sanh làm người là một phước duyên to lớn nhờ sự trợ duyên của thiện nghiệp, nếu thân nhân quá vãng được sanh lại cõi nhân loại thì đây là cơ hội quý báu để tạo dựng thiện nghiệp công đức và tu tập. Bởi thân người khó được, thành tựu sự sống lâu và có được sức khỏe, trí tuệ cũng là một loại phước báu thù thắng.
Bởi vậy, nếu biết tận dụng thời gian ngắn ngủi khi còn hiện hữu trên nhân gian này để tạo dựng thiện sự, hành trì Pháp bảo là cơ duyên to lớn cho những ai đã và đang đi trên đạo lộ diệt trừ khổ đau hướng đến hạnh phúc cao thượng.
(Thích Gia Quang)
- Từ khóa :
- cúng cơm