Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh

08/04/20225:39 SA(Xem: 9222)
Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh

 

PHONG LAI SƠ TRÚC...

phong lai

HỎI:

Xin quý ban biên tập giải thích cho chúng tôi hiểu bài thơ sau:
Phong lai sơ trúc,
 
phong khứ nhi trúc bất lưu thanh. 
Nhạn quá hàn đàm, 
nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh. 
Thị cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ hiện 
Sự khứ nhi tâm tùy không.”

TRẢ LỜI:

Bài thơ này là của thi sĩ Tô Đông Pha được thầy Nhất Hạnh dịch và giải như sau:

Dịch:

Gió qua lay trúc 
Gió đi rồi nhưng không lưu luyến âm thanh
 
Nhạn lướt mặt hồ 
Nhạn đi mà hồ không nắm bắt hình ảnh 
Người quân tử cũng vậy 
Việc xảy ra tâm mới tiếp xử 
Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi.

Giải:

Cơn gió tới thổi qua lay chuyển khóm trúc, gió đi mà trúc không giữ lại âm thanh. Khi gió xào xạc âm thanh thì trúc tiếp sử với âm thanh. Nhưng khi gió đi rồi thì trúc không cần tiếc nuối âm thanh kia nữa. Con chim nhạn bay ngang qua hồ lạnh mùa thu, nhạn qua rồi thì hồ không cần lưu luyến hình ảnh của chim nữa. Tiếp theo hai hình ảnh trên, thi sĩ kết luận: cho nên người quân tử, tức là hành giả, khi sự việc tới thì tâm đón nhận, không chờ đợi, không mong muốn trước; sự việc đi thì tâm lại rảnh rang, trống không. Sự lai nhi tâm thỉ hiện, tức là chỉ khi sự việc đến thì mới để tâm nhìn nhận, với tất cả tâm ý. Sự khứ nhi tâm tùy không, tức là sự việc đi qua rồi thì cái tâm ta theo đó mà trở thành vắng không. Bài thơ thật hay. Hồi còn làm chú tiểu, tôi đã được đọc bài thơ này treo trên vách thiền viện, nét chữ của thầy Hoằng Thơ. Sống đời sống hàng ngày, ta tiếp xử sâu sắc với những gì đang xảy ra với chánh niệm. Nhưng khi những chuyện đó qua đi thì ta không lưu luyến, không bị ràng buộc nữa, dầu đó là một cái gì ngọt ngào, dầu đó là nỗi ngđam ngùi hay cay đắng.

 

Mời đọc tiếp bài giải của Sư Thích Tịnh Đức:

Phong lai sơ trúc,
phong khứ nhi trúc bất lưu thinh,
nhạn độ hàn đàm,
nhạn quá nhi đàm vô lưu ảnh
.
Tạm dịch:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Gió đi trúc giữ gió mà làm chi.
Trên đầm chim nhạn bay đi,
Đầm lưu bóng nhạn làm chi cho phiền”.

Đôi khi trong khí tiết yên lặng, pha một chút ồn ào huyên náo, lắng đọng những âm thanh trong thiên nhiên ban tặng. Chẳng phải đâu xa, những tiếng lá rơi, những tiếng gió lay đưa cành trúc, một tiếng tiêu sầu từ đâu vọng lại, đủ để động tâm. Ngẫm nghĩ sự đời, cái quy luật tất yếu của tâm mỗi người thường không như mình nghĩ. Cũng như Hòa Thượng Trí Tịnh, Ngài thường dạy: Việc đến thì tâm tùy cảnh ngộ, việc đi thì tâm lại rỗng rang. Cũng như người chụp ảnh, nếu chấp vào cái ảnh chẳng phải chấp vào cái không. Tất cả đều khởi bởi tự tâm.

Ngay ở hai câu đầu

“Gió đưa cành trúc la đà
Gió qua trúc giữ gió mà làm chi”.

Diễn tả cho chúng ta thấy thiên nhiên đất trời, pha với cảnh vật xung quanh người tả cảnh. Gió khẽ đưa, và ngọn trúc khẽ lay, như vờn trong gió có bàn tay đong đưa. Nhưng ẩn chứa sâu trong đó có một sự quyến luyến, hòa quyện không nhẹ. Gió đưa cây đón, gói trọn trong không gian đất trời.

Gió đã đi qua, cây còn xao xuyến, như muốn giữu gió lại. Phải chăng, sâu lắng trong đó có một thứ tình cảm làm cho người ta hải nuối tiếc khi đã đi qua. Tình cảm ấy muốn giữ mà chẳng thể giữ, muốn hòa mà chẳng sao nhập thành một thể. Để tới bây giờ, gió đi còn cây ở lại. Thử hỏi nơi đó, có chăng gió cũng buồn như cây.

Với lối ẩn dụ, mượn cảnh để diễn tả lòng, làm cho lời văn thêm xinh, mà ý tình thêm đượm. Có lẽ, hãy thả lòng hòa mình vào trong cảnh vật, cảm nhận sự tình. Bởi chẳng có gì là mãi mãi, thường tồn với thời gian, nay có mai không, như sương như chớp, huyễn hoặc trong không gian, thì chấp chặt làm chi, để đến khi muốn quên đi cũng khó. Tới khi đau khổ lại than thân trách phận. Há chẳng phải tự mình buộc mình, để hôm nay đây chất đầy đau khổ, muốn vượt ra mà chẳng thể nào?

Tới hai câu sau

“Trên đầm chim nhạn bay đi
Đầm lưu bóng nhạn làm chi cho phiền”.

Muốn vẽ thêm một cung bậc cảm xúc. Nếu ở phần trước chạm đích thì tình ý sâu đâm có lẽ là lẽ thường. Nhưng tới đây, tâm này vọng tưởng, chỉ bước qua mà ngỡ người đến bên mình, thì thực tình đã đi quá xa khó mà quay lại. Cớ sao cái ngộ nhận lại làm cho tâm hồn thêm nặng, khi mất đi rồi lại bồi hồi nhớ nhung, để đêm về ôm mộng trong thao thức. Lực bất tong tâm, nhưng cũng không sao giải tỏa nỗi buồn này. Phải chăng đọa đày của đau khổ.

Tất cả đều khởi từ tự tâm, dẫu biết rằng chẳng nên chấp mắc, nhưng chẳng ai làm được. Vẫn buồn vẫn sầu, vẫn đương đầu với sóng gió. Có ai hay, khi trâm gãy bình rơi, có hối tiếc cũng đã muộn, đó là điều không mong muốn. Từ cổ chí kim, con người vẫn luôn xoay quanh: “Nghĩ không thông, buông không đành”. Như những dây tơ quấn chặt trong vòng sinh tử luân hồi, để rồi đau khổ cùng tột. Nếu tịnh thân và tâm, có lẽ trong mỗi chúng ta sẽ nhận ra đâu là thực đâu là ảo, đâu là con đường cần đi và đâu là con đường nên tránh.

Mượn cảnh tả tâm người

Trên lý thuyết có lẽ muôn thuở là hay, nhưng để thực hành được hay không chẳng trông chờ ở câu nói. Chỉ cần một niệm bất thiện sinh ra, mọi công đức đổ sông đổ bể. Để an trụ trong chính niệm đó có mấy ai làm được. Chẳng nên chấp mắc vào một cái gì đó, hãy nên quán tưởng như vậy, bởi tất cả trên thế gian đều là giả tạm, chẳng có gì là thật hữu. Ngay bản thân mình còn chẳng tồn tại mãi cớ gì cảnh vật sẽ tồn tại mãi theo thời gian. Mới ngày hôm qua lá đương còn xanh, mong manh như sương sớm, ấy mà qua một đêm đã trở về với cát bụi. Thân này cũng vậy mà thôi.

Qua đây cho chúng ta một định lý, hãy biết đủ trong cái đủ đã là đủ rồi. Chẳng chấp mắc hay ngộ nhận, vì tất cả trên thế gian này chỉ là hư vô trong tự tâm mỗi người. Đã là hư vô thì không còn chấp mắc, không còn chấp mắc thì bản ngã sẽ diệt, chẳng còn khổ đau sinh tử. Đây chẳng phải tây phương cực lạc sao? Cuộc sống là những câu chuyện duyên sinh, và mình là những nhân vật trong kịch bản. Để bình thản bước qua vạn sầu, cần có một tấm lòng bao dung độ lượng.

Hãy nhìn nhận bằng sự thật, nghĩ trực quan, quên đi lối sống thơ mộng trong cảm nhận yêu thương. Tất cả chỉ là huyễn hoặc, có rồi lại không đấy, không rồi lại có, có có không không như một màn mộng ảo trong kiếp nhân sinh. Phàm mỗi con gngười ai cũng ừng qua, cũng từng trải nghiệm, nhưng có bị lạc vào trong bến mê đó hay không thì còn phải xem từ sự thức tỉnh của mỗi người. Như có câu: “Vạn pháp giai không, duyên sinh như huyễn” muốn nói rằng chẳng có gì là thực cả, tất cả chỉ là giả hợp mà thôi, nay có mai không cũng là llẽ đúng, cũng như huyễn mộng trong dòng sinh tử luân hồi.

Cũng trong một câu nói: “Ngô nhận hiện tiền nhất niệm tâm tánh, bất tại nội bất tại ngoại”. muốn nói rằng một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta chẳng ở trong cũng chẳng ở ngoài. Điều đó chứng tỏ rằng tất cả các suy nghĩ suy xét, vọng tưởng điên đảo của chúng ta chẳng do ta sinh phát mà khởi ra, nó có ở chỗ huyễn hóa vi diệu. Nếu anh không chấp vào đó thì cớ gì có chuyện buồn hay vui với cảnh đó, tất cả là do anh nhìn chưa thấu hiểu chưa tường, để rồi tương tư ôm cái chấp mắc trong lòng chứ chẳng phải do bản lai cái cảnh đó sinh ra.

Đúc kết tư tưởng   

Nhân lý vô vàn, lời văn chất núi, có lẽ dùng cả đời này cũng chẳng bao giờ hết được. Nhưng để tinh thông vạn pháp, hiểu rõ tường tận một vấn đề nào thì tự thân mỗi người hãy làm vai đó một lần. Chỉ có thể đứng ở góc độ của người đó thì chúng ta mới có thể cảm nhận được tường tận gốc rễ, để cho ta một câu trả lời. Đừng vội phán xét hay nhận định một cái gì đúng như đinh đóng cột, bởi đinh đó đóng rồi lúc sau lại rút ra được, cũng đừng cho cái đó là thực tồn bởi trong một khoảnh khắc sát na nào đó nó lại hóa hư không. Trong cuộc sống, nếu ta biết an trụ nơi tâm sẽ mở lòng nhìn thế giới bên ngoài, bởi ngoài kia có bao điều cần ta xác quyết.

Hơn thế, ở thể gian chẳng có cái gì là hơn là kém, là thực là ảo, là đau buồn hận thương… bởi tất cả đều tự tâm ta mà có. Hãy an nhiên tự tại, vắng lặng như mặt hồ, đôi chút nổi gợn sóng để hiểu rằng lòng sông còn đương xao động. Hãy trải lòng với ảnh vật xung quanh, bởi trong một góc độ tình thương họ cũng mường tượng như ta không khác. Tôi luôn muốn ôm tất cả vào lòng để rồi phân khúc ra tìm hiểu, làm sao dịu đi những nỗi hóa tương tư cho quên đi những nỗi phiền muộn không đáng có.

Tóm lại:


“Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh
Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh
Thị cố quân tử, sự lai nhi tâm thỉ hiện, sự khứ nhi tâm tùy không”


Khi gió thổi vào bụi trúc, gây ra tiếng xào xạc. Nhưng khi gió đã đi rồi thì bụi trúc trở lại hoàn toàn im lặng, chẳng lưu giữ lại một tiếng động nào do gió đã gây ra trước đó.

Khi nhạn bay qua hồ nước, bóng nhạn in hình lên mặt hồ. Nhưng khi nhạn đã đi rồi, thì nước đâu còn lưu giữ hình ảnh nào của nhạn nữa.

Người quân tử cũng vậy, việc xảy ra thì tâm tiếp xúc, việc qua rồi tâm lại thảnh thơi.

“Khen không mê, chê không bực, ấy mới đích thực là nhẫn”

Có ai ngờ rằng, bình yên ở ngay chỗ tự thân của mỗi chúng ta...

Tương tự như bài thơ của Thiền Sư Thiên Y Nghĩa Hoài: (*)

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Hòa thượng Thanh Từ dịch nghĩa:

Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không có ý để dấu
Nước không có tâm lưu bóng.

Đọc thêm:
https://thuvienhoasen.org/a17061/9-huong-hai-thien-su (Như Hùng)

https://thuvienhoasen.org/a14277/02-anh-tram-han-thuy (Nguyên Giác)

(*) 
Bài này của Thiền Sư Thiên Y Nghĩa Hoài 993-1064), đời nhà Tống bên Trung Hoa; ngài Thiền Sư Hương Hải (1628 - 1715), đời nhà Hậu Lê, Thiền sư Hương Hải đọc lại bài thơ "nhạn quá trường không" này khi trả lời câu hỏi của Vua Lê Dụ Tông [Xem: http://thuongchieu.net/index.php/chuyende/thiensutrunghoa/2210-thiensunghiahoaithieny ]






 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2023(Xem: 1489)
01/04/2023(Xem: 3177)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.