Trụ Trì Có Phải Chức Vụ Không?

01/10/20224:49 SA(Xem: 3015)
Trụ Trì Có Phải Chức Vụ Không?
TRỤ TRÌ CÓ PHẢI CHỨC VỤ KHÔNG?
Thích Chân Tính

thich chan tinh 2I. TRỤ TRÌ LÀ GÌ?


Trụ
 thân bằng Luật; Trì tâm bằng Giới nên gọi Trụ trì. Nghĩa là đối với thân, tâm phải ngày đêm chánh niệm.

Trụ là ở chùa; Trì là gìn giữ trông nom chùa. Nghĩa là đối với sự uỷ thác của thập phương tín thí, nhân dân sở tại phải hết tâm, hết sức.

Trụ pháp Vương gia; Trì Như Lai tạng. Nghĩa là nơi ngôi nhà Phật pháp phải làm cho chánh giáo được quang huy. Đấy là đối với sự uỷ thác của Phật, Tổ trông cậy nơi mình.

Từ đây suy ra để biết, Trụ trì không phải chức vụ, mà là trách nhiệm thiêng liêng với bản thân, đồ chúngTam bảo.

Không là chức vụ, nên không thể mua bán đổi chác. Càng không tuỳ tiện trao vào tay những kẻ nhụt chí, an ẩn cơ hội. Phải tìm người có đức bao dung, có tài thông hiểu, có tâm độ lượng, có trí thấu đạt mà đặt lên ngôi vị tôn quý ấy.

trách nhiệm, vì thế không thể lơ là, tự phụ, ngã mạn, làm bừa nói tục. Phải dốc sức nghiêm khắc, tiết độ với chính mình, khoan hòa với đồ chúngcần mẫn trong sự nghiệp xây dựng ngôi nhà Phật pháp. Muốn vậy, người trụ trì hành Đạo cần nói tiếng nói của đồ chúng, cần nghe ý kiến của đồ chúng, cần định hướng dẫn dắt đồ chúng quy về một mối.

II. LỜI XƯA CÒN MÃI

Ngày nay, Tùng Lâm đông chúng nhưng ít người liễu Đạo là vì phần lớn khuất thân giữ lễ chờ thời, xu nịnh quyền thế, gian trá bề trên, lừa dối kẻ dưới. Vì sao vậy? Vì tâm ban đầu mai một, hạt giống Bồ đề chẳng được ươm trồng, tưới tẩm đúng thời.

  1. Tùng Lâm đang thịnh mà suy

Kẻ có chút lợi căn, thông minh; lợi khẩu, khéo biện luận thì rơi vào chấp văn, chấp chữ. Dùng cái hiểu của mình che lấp cái sáng của người, khiến người yếu thế phải ngậm ngùi, buồn tủi. Chẳng những thế, chia bè kết đảng, gây sự bất hòa, hành động bất chính, bợ đỡ kẻ cầm quyền lãnh chúng, che khuất cái thấy nghe của người Trụ trì, nên Tùng Lâm đang thịnh mà suy.

Ôi! Vì lẽ cái dùng của người “nhất phương chi chủ” chẳng khéo. Cái tình chẳng thông, nên hành xử theo pháp riêng mà bỏ qua công luận. Chạy theo cái tình thì che mờ cái trí sáng công tâm; khiến kẻ hiền uất ức, kẻ ác nhởn nhơ. Gương ngài Viên Ngộ, Cao Am vẫn chưa mờ chút nào.

  1. Nhân vô thập toàn

Người “nạp tử” nương Thầy xuất gia học Đạo, theo chúng chấp lao phục dịch; dù chỉ một ngày vẫn còn hơn kẻ phàm phu suốt đời chạy theo phù hoa danh lợi. Nhưng “nhân vô thập toàn”, bất hạnh phạm phải lỗi lầm bị tiểu nhân chỉ trích, xã hội lên án đã đành; lại bị sự ruồng bỏ khinh khi của Thầy bạn, mất nơi nương tựa, chẳng biết đi đâu về đâu.

Cổ đức dạy: “Ngọc vỡ còn hơn ngói lành”. Giá trị của người xuất gia đâu thể đem sánh với gạch đá, sỏi cát. Ấy vậy mà nỡ đem vứt bỏ hoặc bày ra chế nhạo, dèm pha, soi mói giữa chốn Tăng tục được sao? Đấy chẳng phải là cách răn chúng dạy người, mà trái lại chỉ làm cho họ thêm phần tổn thương; khiến kẻ tiểu nhân thuận gió giương cờ kiêu mạn, coi thường người xuất gia. Cái họa đó vẫn còn ghi chép nơi lời dạy của ngài Diệu Hỷ.

Kẻ thế gian gặp người bị nạn còn tìm cách nâng đỡ; huống chi cùng chung một Thầy, cùng học một chốn mà chẳng chịu nâng đỡ cho nhau. Luật Tứ Phần chép: “Nếu đệ tử đã thành tâm như pháp sám hối mà Thầy nhất định không cho thì như pháp xử trị”. Đây chẳng phải chỗ dụng của người làm trụ trì, là cái thông đạt của người làm Thầy ư?

  1. Khế thời, khế cơ

Sự nghiệp của người trụ trì có sáng hay không, phải nên nhìn vào đồ chúng tu tập. Từ nơi thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của người trụ trì, đồ chúng đã, đang và sẽ thừa hưởng được những gì. Thầy không truyền, hoặc không biết cách truyền, hay không có gì để truyền; chỉ giao phó cho mấy quyển Luật tiểu, giao phó cho các trường Phật học, thì liệu đó có phải là cách “dĩ tâm, truyền tâm” của các bậc Kỳ túc xưa chăng?

Nay số ít học đòi theo dấu Phật, gương Tổ nên khai đàn truyền trao giáo lý, xiển dương chánh pháp, hoằng đạo lợi sinh. Nhưng được chút tiếng tăm thì buông trôi theo lợi dưỡng, trọn ngày suốt đêm đắm theo danh, sắc… Lấy cái tệ của người mà cho là cách hành đạo; mượn danh công nghệ 4.0 rồi vụng về ứng dụng mà gọi là “khế thời, khế cơ”.

Ôi! Hoa lan tuy đẹp nhưng trồng ở giữa đường có thể nào tránh được nắng mưa vùi dập. Sao chẳng bằng “thao danh hối tích”, rèn đức luyện tài, bịt tai, che mắt, ngậm miệng mà lìa xa ngũ dục. Có thế mới như “cây quế ẩn chốn rừng sâu hang thẳm, quanh năm đâu sợ chẳng được tốt tươi”. Đến khi nhân duyên hội đủ, tài đức thơm lừng thì đâu cần mời mà kẻ thức giả muôn phương vượt núi băng rừng tìm đến. Dấu xưa non Yên Tử, núi Phụng Hoàng, suối Bổ Đà…. một thời ngang dọc chẳng phải là chuyện mắt thấy tai nghe đó sao!

Thế nên, chớ sợ người không biết đến mình, mà chỉ lo đạo mình không sáng; chẳng sợ không có chỗ dung thân, mà chỉ ngại tài hèn đức mọn; đừng lo chuyện phải trụ trì mới vang danh thiên hạ, mà chỉ e phúc mỏng nghiệp dày sao ngồi được chỗ trời người cung kính.

  1. Hạnh đức Cổ nhân

May thay, tuy thời Tượng pháp đã qua, giáo pháp đang kỳ hậu Mạt nhưng bóng quang minh Phật Tổ chưa tàn. Dẫu biết rằng, bậc cao đức ngày càng vắng như sao buổi sớm, nhưng ngọn Bắc Đẩu vẫn đều đặn chiếu soi. Vậy nên chăng, đọc lại tích xưa mà noi theo hạnh đức. Đừng dùng chút sở học non kém, dùng miệng lưỡi khua chiêng gióng trống mà chê bai xem thường lời Phật, ý Tổ. Cây có cội, nước có nguồn; không có Phật, Tổ làm sao có Thầy, có mình. Nếu ruộng xưa khô cạn thì hãy tiếp nước bón phân; nhà hoang, chùa lạnh thì hãy dựng cột, khêu đèn. Đây chẳng phải việc của bậc trượng phu cần làm, mà ngài Long Thọ, Mã Minh…, chung thân kế tục đó sao.

Ôi! Kẻ sỹ phu còn biết thẹn khi nhìn thấy Tổ miếu hoang tàn mà dốc lòng phò dựng. Người Thích tử nhìn Đạo ngửa nghiêng mà chẳng chút chạnh lòng; lại còn “nồi da xáo thịt” ăn nuốt lẫn nhau, chê đây khen kia, bỏ này lấy nọ ư? Rồi “mắt nhắm, miệng ngậm” thụ nhận sự cúng lạy của đàn na, chẳng hay mỗi lạy là một nhát dao, mỗi vật đều là máu thịt, tâm tư của họ cậy nhờ người hành giả vậy. Đã biết thế mà sao ngửa mặt chẳng thẹn với trời, trông xuống chẳng hổ với đất, nhìn quanh chẳng nhục với người!

Cho nên, Trụ trì hành đạo súc dưỡng đồ chúng, cần kiệm ước với chính mình mà khoan thứ với mọi người; biết lắng nghe, suy tính và đoán định đúng người đúng việc; đừng chỉ vì sự nghiệp của riêng mình mà đẩy đồ chúng vào chỗ vong mạng. Cổ đức dạy: “Vua nghe kẻ nịnh, nước loạn; Thầy nghe Tiểu nịnh, chùa tan”.

 

III. HỒI CHUÔNG CẢNH TỈNH

Lời răn nhắc của Tổ, Thầy như hồi chuông cảnh tỉnh cho người “nạp tử”, như roi thúc con tuấn mã tiến về phía trước. Người xuất gia hành đạo không thể lơ là uổng phí đời mình nơi cửa Không, mà một chút Vô ngã cũng chưa hề vơi bớt.

Vậy nên, người an phận thì hãy ở yên nơi “Truy Môn” nghiền ngẫm “Cảnh Huấn”. Còn kẻ dấn thân hành đạo cũng không quên “Bảo Huấn” chốn “Thiền Lâm”.

Cuối cùng, chư Tổ dạy: “Đừng chỉ biết có sự nghiệp của riêng mình mà để Đạo pháp suy vi dưới lớp áo Cà-sa kia”.

Thật đáng suy nghĩ lắm thay!

 

Vô Trí Tâm Hòa cẩn bút.   

(Lược ý từ các tác phẩm:

  • Thiền Lâm Bảo Huấn, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm dịch và chú thích, NXB. Thanh Niên ấn hành
  • Thiền Lâm Bảo Huấn Hợp Chú, Sa môn Thích Tiến Đạt dịch, NXB. Hồng Đức ấn hành
  • Thiền Lâm Bảo Huấn Bút Thuyết, Thích Tâm Anh dịch, NXB. Văn Hoá – Văn Nghệ ấn hành.)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2023(Xem: 1490)
01/04/2023(Xem: 3177)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.