- 1. Lời mở đầu
- 2. Pháp Hội Bát Nhã
- 3. Trưởng Lão Tu Bồ Đề Thưa Hỏi
- 4. Ở Trong Tánh Không Mà Cứu Độ
- 5. Không Chỗ Trụ Mà Hành Bố Thí
- 6. Thấy Như Lai
- 7. Tin Thật
- 8. Không Đắc Không Thuyết
- 9. Chư Phật Từ Kinh Này Ra
- 10. Tánh Không Là Không Chứng Không Đắc
- 11. Trang Nghiêm Cõi Phật
- 12. Có Pháp Là Có Phật, Có Tăng
- 13. Y Vào Tánh Không Mà Thọ Trì
- 14. Tín Tâm Thanh Tịnh Tức Thật Tướng Sanh
- 15. Công Đức Trì Kinh
- 16. Đi Sâu Vào Kinh
- 17. Chân Lý Tương Đối Và Chân Lý Tuyệt Đối Hợp Nhất
- 18. Phước Đức Vô Lượng
- 19. Thấy Pháp Thân
- 20. Khuôn Mặt Của Giác Ngộ
- 21. Phước Trí Vô Lượng
- 22. Tất Cả Thanh Tịnh
- 23. Quán Thấy Pháp Thân
- 24. Có Đủ Chứ Không Phải Không Có Gì
- 25. Phước Đức Và Công Đức
- 26. Không Đến Không Đi
- 27. Thấy Như Huyễn
THỰC HÀNH
KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
Đương Đạo
Nhà Xuất Bản: Thiện Tri Thức 2015
TÁNH KHÔNG LÀ KHÔNG CHỨNG KHÔNG ĐẮC
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Vị Tu Đà Hoàn có thể khởi lên niệm này, ‘Ta đắc quả Tu Đà Hoàn’ chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Quả thật không, bạch Thế Tôn. Vì sao thế? Tu Đà Hoàn gọi là Vào Dòng, mà thật không có chỗ vào, không vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu Đà Hoàn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Vị Tư Đà Hoàn có thể khởi lên niệm này, ‘Ta đắc quả Tư Đà Hoàn chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Quả thật không, bạch Thế Tôn. Vì sao thế? Tư Đà Hoàn nghĩa là Một Lần Trở Lại, mà không có gì là một lần trở lại, ấy gọi là Tư Đà Hoàn.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Vị A Na Hàm có thể khởi lên niệm này, ‘Ta đắc quả A Na Hàm’ chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Quả thật không, bạch Thế Tôn. Vì sao thế? A Na Hàm nghĩa là Chẳng Trở Lại, mà thật không có gì là chẳng trở lại, ấy gọi là A Na Hàm.
Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Vị A La Hán có thể khởi lên niệm này, ‘Ta đắc đạo A La Hán’ chăng?
Tu Bồ Đề thưa: Quả thật không, bạch Thế Tôn. Vì sao thế? Thật không có pháp gì gọi là A La Hán. Bạch Thế Tôn, nếu vị A La Hán khởi niệm này, ‘Ta đắc đạo A La Hán’, tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.
Bạch Thế Tôn, Phật nói con được Vô tránh tam muội đệ nhất trong loài người, là A La Hán ly dục đệ nhất. Bạch Thế Tôn, con chẳng khởi niệm này, ‘Ta là A La Hán ly dục’. Bạch Thế Tôn, nếu con khởi niệm này, ‘Ta đắc đạo A La Hán’, thì Thế Tôn đã không nói Tu Bồ Đề thường an trụ trong hạnh tịch tịnh. Vì Tu Bồ Đề thật không chỗ hành, nên gọi là Tu Bồ Đề an trụ trong hạnh tịch tịnh.
Một bậc thánh từ Tu Đà Hoàn cho đến A La Hán thì không có niệm, hay ý nghĩ, về một chủ thể “ta” (vô ngã) và một đối tượng “vào dòng” (vô pháp), nghĩa là không có ai vào, và không có chỗ nào để vào. Tánh Không là sự vô ngã và vô pháp này, và tánh Không được chứng tron vẹn ở cấp độ A La Hán.
Không có niệm, hay không có ý nghĩ, đó là trạng thái Vô niệm, hay trạng thái tánh Không của tâm. Ý nghĩ là cái sanh ra giữa một chủ thể và một đối tượng. Không có ý nghĩ thì chủ thể và đối tượng cũng không có, đó là trạng thái tánh Không.
Không có niệm, đó là trạng thái tánh Không. Nhưng dù có các niệm, đó vẫn là trạng thái tánh Không, bởi vì các niệm là vô tự tánh. Quan sát liên tục điều này, người ta dần dần nhận ra tánh Không. Không có niệm hay có niệm, tâm tĩnh hay động, tánh Không vẫn là nền tảng không nền tảng thường trực luôn luôn có mặt.
Một người đã đạt đến Nền tảng là tánh Không, thì dù có khởi niệm, niệm ấy khởi từ tánh Không, trụ trong tánh Không và diệt mất trong tánh Không, nên niệm ấy tự giải thoát, như tánh Không.
Bậc A La Hán đã đạt đến trọn vẹn tánh Không, không có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và giải thoát hoàn toàn, sau khi thân mạng này chấm dứt thì vào Niết Bàn. Bậc Bồ tát ở địa thứ tám cũng có thể nhập Niết Bàn như vậy, nhưng vì bổn nguyện đại bi độ cho chúng sanh, nên vẫn tiếp tục con đường cho đến khi thành Phật. Bồ tát vẫn học hỏi tánh Không mà không giải tán thân tâm mình vào tánh Không (Kinh Đại Bát Nhã gọi là Học Không Bất Chứng), mà ở trong sanh tử cứu đời, do đó vẫn đi trên con đường thành Phật, con đường trí huệ và phước đức đầy đủ.
Chính vì đi trên tánh Không đồng thời vẫn ở nơi sanh tử như vậy mà tánh Không của Bồ tát thì cực kỳ vi diệu. Đó là “sắc tức là Không, Không tức là sắc”, nghĩa là “sanh tử tức Niết Bàn, Niết Bàn tức sanh tử”. Đây là vô trụ xứ Niết Bàn của hàng Bồ tát.
Tánh Không của hàng Bồ tát nhấn mạnh vào tánh Như, và do đó tánh Không của Bồ tát là Chân Không Diệu Hữu.
Nhưng ngay lúc này chẳng phải chúng ta không đang ở trong tánh Không bổn nhiên chăng, không “ thường an trụ trong hạnh thanh tịnh” chăng? Phải thấy hiện giờ tất cả đang ở trong tánh Không bổn nhiên, đang thường an trụ trong hạnh thanh tịnh, đó là cửa giải thoát.